Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

 BÀI THƠ CHO HUẾ Kiều Mộng Hà

 BÀI THƠ CHO HUẾ

Nguyên tác:
Tôi đi trong gió giao mùa
Sáng sương mờ núi, trưa mưa ướt đồi
Huế của người - Huế của tôi
Huế bay theo nắng. Huế ngồi mộng mơ

Bao ngày tháng đợi năm chờ
Huế ngày xưa, Huế bây giờ về đâu ?
Đêm sâu trăng ngả trên đầu
Nghiêng vai ngắm Huế dạ sầu như trăng

Sóng buồn vỗ ướt bàn chân
Thương trao Huế trọn những vần thơ yêu
Huế ơi ! Huế đẹp yêu kiều
Tôi đi bên Huế chân xiêu... liễu hờn

Buổi chiều như níu hoàng hôn
Áo ai vạt bướm... Trăng cong đôi mày
Tôi ngồi chờ sợi nắng phai
Hoa tim tím rụng vào tay ai rồi

Huế của người, Huế của tôi
Huế khe khẽ bước thơ vời vợi theo
Kiều Mộng Hà.

HUẾ ƠI! CHIA SỚT GIÙM TÔI
Bài cảm tác:

Dường như gió chuyển sang mùa
Bấc se se buốt, mưa lưa thưa đồi
Thuở mô Huế vẫn trong tôi
Văn Lâu trầm lắng ta ngồi ... ngồi mơ

Tịnh Tâm hạ đón thu chờ
Vầng trăng thương nhớ! thuở nào giờ đâu?
Còn chăng đây kỷ niệmđầu
Tình vương nào vướng hong sầu ...hóng trăng

Tràng Tiền thuở sóng sánh chân
Tay vin lần gót trắng ngần hương yêu
Huế thương yêu! Huế diễm kiều!
Bao xuân hạ đẫm nắng xiêu mưa hờn

Nguyệt vờn đỉnh Ngự mây hôn
Hây hây ...ửng ửng ...cong cong nét mày
Sớm chiều đếm giọt nắng phai
Gom từng sợi nhớ trĩu tay... để rồi

Huế ơi ! Huế sớt giùm tôi
Nổi niềm chất ngất cứ vời ... vời theo!
Quảng Trị,19/10/2020.
Văn Thiên Tùng.
Ảnh minh họa: Nguồn từ Internet.


 




 











 

Huỳnh Hữu Đức : Bệnh và Lỗi Trong Thơ Đường Luật Phần 2

Huỳnh Hữu Đức : Bệnh và Lỗi Trong Thơ Đường Luật Phần 2: Lỗi Trong Thơ Đường Luật Thế nào là Lỗi Trong Thơ Đường Luật ? Không biết những vị đưa ra các lỗi trong thơ Đường Luật nghĩ thế nào...


 

Huỳnh Hữu Đức : Nguyên Tắc Hoạ Thơ

Huỳnh Hữu Đức : Nguyên Tắc Hoạ Thơ: I -   Hoạ Thơ Đường Luật Hoạ thơ là một thú vui của các Thi Nhân thuở trước. Tuy ngày xưa cũng có nhiều thể thơ, nhưng các Thi ...

 


 

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

 THÀNH KÍNH PHÂN ƯU cùng nhà thơ Nguyễn Thanh Dàn

 THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
( Thành kính phân ưu cùng nhà thơ Nguyễn Thanh Dàn nguyên Chủ tịch hội thơ Đường luật Thành cổ Q.Trị  đồng tang hiếu quyến… cầu mong hương hồn Hiền thê  của anh sớm tịnh an nơi miền cực lạc)

Tưởng những cùng nhau suốt chặng đời
Ân tình sũng đắm chẳng hề vơi
Xuân thời tận sức un mầm thởi
Hạ chuyển đồng tâm quén nụ ngời
Thu vãn nào lơi …sao chóng tạ
Đông tàng chửa bén… lẹ làng rơi
Nhớ thuở chung đôi nồng vị ái
Thương chiều nắng ngã ngạt ngào ơi!...

Thương chiều nắng ngã ngạt ngào ơi! …
Hạnh phúc lừng hương quả trĩu ngời
Hẳn tưởng duyên bền neo níu đậu
Không dè phận mỏng nhuốm tàn rơi
Còn đâu đọi nước… xanh đằm bụng
Hay những nồi canh trặm vị đời
Ngẫm xót thay oanh giờ bẳng nhạn
Nỗi buồn quạnh quẻ khó mà vơi …
Mai Vân- VTT, 20/11/22.

 


Thứ Hai, 21 tháng 11, 2022

CHÙM BÀI VIẾT VỀ LỊCH SỬ  - Chín đời Chúa Nguyễn

CHÙM BÀI VIẾT VỀ LỊCH SỬ 
- Chín đời Chúa Nguyễn
 
Chân Dung Chúa Tiên tại bảo tàng tỉnh Quảng Trị. ( Ảnh VTT)
 
DÒNG DÕI CÁC CHÚA NGUYỄN :
 
1. Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên, 1558-1613): 
Nguyễn Kim quê ở Gia Miêu, Tống Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa, là con của Trừng quốc công Nguyễn Hoàng Dụ đã từng giúp vua Lê Tương Dực khởi binh ở Thanh Hóa lật đổ Lê Uy Mục, nhân đó được phong là Thái phó Trừng quốc công.
Mạc Đǎng Dung cướp ngôi nhà Lê, Nguyễn Kim lánh sang Ai Lao, thu nạp hào kiệt, phò giúp nhà Lê trung hưng, được vua Lê Trang Tông phong là Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công. Nǎm Canh Tý - l540 Nguyễn Kim đem quân về chiếm Nghệ An, nǎm l542 chiếm được Tây Đô - Thanh Hóa. Nǎm ất Tị - 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết, thọ 75 tuổi, quyền hành rơi vào tay con rể là Trịnh Kiểm.
Khi Nguyễn Kim chạy sang Ai Lao thì Nguyễn Hoàng mới 2 tuổi, được Thái phó Nguyễn Ư Dĩ là cậu ruột nuôi dạy nên người. Trịnh Kiểm là anh rể, muốn thâu tóm quyền hành nên đã ngấm ngầm ám hại các em vợ. Nguyễn Uông, con trưởng của Nguyễn Kim đã bị hãm hại. Nguyễn Hoàng rất lo sợ, sai người đến yết kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xin mách cho kế an toàn, Trạng Trình đã ứng khẩu câu thơ: ''Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân!'' (một dãy núi Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời). Nguyễn Hoàng nghĩ ra, đến nói với chị gái là Ngọc Bảo xin với anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ Thuận Hoá là nơi hoang vu nhiều giặc dã. Trịnh Kiểm đồng ý cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá với ý đồ mượn tay giặc giết em vợ. Nǎm Mậu Ngọ - 1558, Trịnh Kiểm tâu với vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá. Được lệnh vào Nam, bất chấp mùa đông giá rét, Nguyễn Hoàng giong buồm đi ngay, những người họ hàng ở huyện Tống Sơn cùng quân lính ở đất Thanh - Nghệ nhiều người đem cả vợ con đi theo có đến nghìn người. Các danh thần cùng đi có Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống... 
Vào Nam, đoàn người của Nguyễn Hoàng đổ bộ lên cảng Cửa Việt, dựng dinh thự ở ái Tử thuộc huyện Đǎng Xương, Quảng Trị. Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan, nhân hậu, lưu tâm đến dân tình, hết lòng thu dung hào kiệt. ông giảm sưu, hạ thuế khiến lòng người ai cũng mến phục. Nhân dân xưng tụng ông là chúa Tiên. Để tránh sự nghi kỵ của chúa Trịnh, nǎm 1569, ông ra chầu vua Lê ở An Trường, được vua Lê, chúa Trịnh khen ngợi. Nǎm 1570, Nguyễn Hoàng được giao trấn thủ luôn đất Quảng Nam với ấn Tổng trấn. ông dời đô vào làng Trà Bát (tức Cát Dinh) cũng thuộc huyện Đǎng Xương. Nǎm 1572, tướng Lập Bạo của nhà Mạc theo đường biển đem quân vào đóng ở hai làng Hồ Xá và Lang Uyển (Quảng Trị) định phá sự nghiệp ở Thuận - Quảng của Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng đã dùng kế mỹ nhân phá được âm mưu của Lập Bạo và đánh tan được quân nhà Mạc. Nǎm 1593, Nguyễn Hoàng đem quân ra Đông Đô giúp Trịnh Tùng đánh dẹp dư đảng họ Mạc. Vì lập được nhiều chiến công, ông được vua Lê tấn phong làm Trung quân Đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự thái uý Đoan quốc công. Để tránh Trịnh Tùng hãm hại, nǎm Canh Tý - 1600 Nguyễn Hoàng lấy cớ đem quân đi dẹp cuộc nổi loạn ở Nam Định, sau đó cùng các tướng tâm phúc ra biển giong thẳng vào đất Thuận - Quảng để con trai thứ 5 là Hải và cháu là Hắc ở lại làm con tin. Vua Lê sai sứ giả vào phủ dụ và vẫn để Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận - Quảng. Tháng 10 nǎm Canh Tý - 1600, Nguyễn Hoàng gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (con cả Trịnh Tùng). Có thể nói từ nǎm 1600, Nguyễn Hoàng bắt đầu xây dựng giang sơn riêng cho họ Nguyễn ở Đàng Trong. Thuận - Quảng vốn là đất cũ của người Chǎm chịu ảnh hưởng vǎn hóa Chǎmpa, chúa Tiên dã dùng Phật giáo để thuần hoá nhân dân. ông sửa sang và xây dựng nhiều ngôi chùa. Đặc biệt, nǎm 1601 ông cho xây dựng chùa Thiên Mụ là công việc to lớn có giá trị nhất. Ngôi chùa lịch sử này đã có quan hệ mật thiết với quá trình phát triển đất Thuận Hoá và triều Nguyễn ở Việt Nam. Nguyễn Hoàng sinh ngày 28/8/1525, mất ngày 21/5/1613 thọ 89 tuổi, trấn thủ Thuận - Quảng 55 nǎm (1558-1613). ông sinh 10 con trai và 2 con gái. Sau này, triều Nguyễn truy tôn ông là Thái tổ Gia dụ Hoàng đế.
 
2. Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi, 1613-1635) : 
Nguyễn Hoàng sắp mất, gọi con thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên vào dặn dò: Đất Thuận - Quảng này phía bắc thì có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía nam thì có núi Hải Vân và núi Bi Sơn thật là nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy con phải thương yêu nhân dân, luyện tập binh sĩ mới gây dựng cơ nghiệp muôn đời. Nguyễn Phúc Nguyên khóc và bái tạ lãnh mạng. Vua Lê sai sứ giả vào viếng và truy tặng Nguyễn Hoàng là Cẩn nghi công, vẫn cho Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ Thuận - Quảng với hàm Thái bảo, tước Thuỵ quận công. Nguyễn Phúc Nguyên xưng là Sãi vương và cho rời cung phủ về xã Phúc Yên, huyện Quảng Điền, ngày đêm lo việc chính sự, thu dụng nhân tài. Quan khám lý Trần Đức Hoà tiến cử Đào Duy Từ cho chúa Nguyễn, chúa mừng lắm phong cho Đào Duy Từ tước Lộc kê hầu, chức Nha uý nội tán. Đào Duy Từ giúp chúa Nguyễn đắp luỹ Trường Dục luỹ Thầy để phòng ngự, chống nhau với quân Trịnh, Đào Duy Từ còn bày kế sách cho chúa Nguyễn trả lại sắc phong của vua Lê, không chịu nộp thuế cống cho chúa Trịnh. Chuyện kể rằng nǎm Đinh Mão - 1627, Trịnh Tráng sai sứ mang sắc vua Lê dụ chúa Sãi cho con vào chầu và nộp 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền để đưa cống nhà Minh. Nhận được sắc vua, chúa Sãi họp triều thần hỏi mưu kế. Đào Duy Từ dâng kế, cho người làm một cái mâm hai đáy, trên sắp đầy sản vật, giữa để sắc thư, rồi cử Lại Vǎn Khuông làm chánh sứ đem phẩm vật ra tạ ơn chúa Trịnh. Nhờ đã được chuẩn bị trước, khi ra kinh đô yết kiến chúa Trịnh, Lại Vǎn Khuông ứng đối khá trôi chảy. Chúa hậu đãi, cho phép Khuông cùng phái đoàn đi thǎm kinh thành để chờ chúa dạy bảo. Trên đường đi, Khuông lén mở cẩm nang của Đào Duy Từ trao cho từ trước. Sau khi đọc cẩm nang, Khuông cùng cả phái đoàn lẻn trốn về Nam. Thấy phái đoàn đột ngột trốn về, chúa Trịnh nghi hoặc, bèn cho người đập vỡ mâm mới thấy tờ sắc trước, và một bài thơ, mỗi câu bốn chữ như sau.
Mâu nhi địch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch
Cả triều thần không ai hiểu ý nghĩa. Trịnh Tráng phải mời Trạng Bùng Phùng Khắc Hoan giải mã... Đọc xong Phùng Khắc Khoan giải thích: Đấy là lối chơi chữ của Đào Duy Từ, chữ mâu không có dấu phẩy là chữ dư, chữ mịch không thấy chữ kiến thì còn chữ bất, chữ ái rơi chữ tâm thành chữ thụ, chữ lực cùng đối địch với chữ lai thành chữ sắc. Vậy ý nghĩa của bài thơ 4 câu trên là Dư bất thụ sắc tức làTa không nhận sắc.
Nghe xong, Trịnh Tráng vội cho người tìm bắt Lại Vǎn Khuông, nhưng Khuông đã cao chạy xa bay rồi. Tráng muốn phát binh vào đánh chúa Nguyễn, nhưng gặp lúc Cao Bằng và Hải Dương đều có giặc, đành phải hoãn lại chưa đi hỏi tội chúa Nguyễn.
Đào Duy Từ còn tiến cử cho chúa Nguyễn một viên tướng tài ba, mưu lược là Nguyễn Hữu Tiến, quân lực của chúa Nguyễn từ đó ngày thêm mạnh. Đào Duy Từ chỉ giúp chúa Nguyễn 8 nǎm mà cơ nghiệp chúa Nguyễn thay đổi hẳn về chất, đất Đàng Trong trở nên có vǎn hiến và quy củ hơn trước nhiều.
Đối với lân bang, chúa Sãi chủ trương thân thiện với Chiêm Thành và Chân Lạp. Nǎm 1620, chúa gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chetta II (1618?1686) để tạo thuận lợi cho dân chúng vào khai khẩn đất hoang ở Thuỷ Chân Lạp. Nǎm 1631, chúa Sãi lại gả công nữ Ngọc Khoa cho vua Chiêm Pô Romê để củng cố nền hoà hiếu một thời gian khá dài giữa hai nước Chiêm ? Việt. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, sinh 16/8/1563, mất ngày 19/12/1635 thọ 73 tuổi, ở ngôi chúa 22 nǎm. Sau triều Nguyễn truy tôn Hy tông Hiếu vǎn Hoàng đế. Chúa Sãi có 15 người con (11 con trai và 4 con gái).
 
3. Chúa Nguyễn Phúc Lan (chúa Thượng, 1635-1648)
Nguyễn Phúc Nguyên có 11 con trai. Nguyễn Phúc Lan là con trai thứ hai được truyền ngôi chúa.
Năm Ất Hợi (1635) chúa Sãi mất, Nguyễn Phúc Lan lên ngôi chúa gọi là chúa Thượng. Nghe tin Phúc Lan nối nghiệp, hoàng tử thứ 3 là Nguyễn Phúc Anh đang trấn giữ Quảng Nam âm mưu phản nghịch, liên kết với chúa Trịnh đem quân vào đánh miền Nam. Phúc Anh sai đắp luỹ Câu Ðê làm kế cố thủ. Phúc Lan đánh bắt được, không nỡ giết người ruột thịt, nhưng tướng sĩ và ông chú là Trường quận công Nguyễn Phúc Khê đều xin giết để trừ hậu hoạ. Chúa dù đau xót cũng phải nghe theo. Năm Kỷ Mão (1639), Tống Thị (vợ goá của Phúc Anh) dâng cho chúa chuỗi hoa vòng ngọc liên châu rất đẹp. Chúa cầm lên ngửi thấy mùi hương thơm ngát xúc động lòng yêu. Tống Thị lại vào sụp lạy dưới thềm, thưa trình về tình cảnh goá bụa thảm thiết, nhan sắc lại cực kỳ diễm lệ. Chúa Thượng nổi tình riêng, sau đó mời nàng vào nội thất chung chăn gối. Từ đó chúa rất mực sủng ái Tống Thị. Nàng trình bẩm việc gì chúa cũng nghe theo. Tống Thị lựa lời khéo léo để chúa vui lòng, nghĩ cách chiếm đoạt của cải của dân để làm giàu riêng. Các quan đại thần căm ghét Tống Thị, tìm cách can gián nhưng chúa không nghe. Cho hay, nhan sắc, gái đẹp có mãnh lực vô biên, làm lung lạc cả đấng quân vương.
Làm chúa được 9 năm, vị chúa đa tình này lập được chiến công vang dội. Lần đầu tiên trong lịch sử, thuỷ quân Việt Nam đã đánh thắng thủy quân Âu Châu.
Ðó là năm 1643, Hà Lan theo yêu cầu của chúa Trịnh đã cho 3 chiếc tàu đồng kiểu tròn, trang bị nhiều trọng pháo tiến vào cửa Eo (Thuận An) mưu đồ xâm lược nước ta.
Chúa Thượng họp quần thần bàn định có nên đưa chiến thuyền của mình ra đánh tàu Hà Lan hay không. Các quần thần không dám hứa là chắc thắng. Chúa hỏi một người Hà Lan đang giúp việc cho chúa. Người ấy tự phụ trả lời: Tầu Hà Lan chỉ sợ mãnh lực và quân đội của trời thôi. Nghe vậy, chúa cảm thấy bị xúc phạm. Ông thân hành đến Eo, ra lệnh cho thuỷ quân chèo thuyền ra đánh thẳng vào 3 chiếc tàu của Hà Lan.
Hàng trăm chiếc thuyền Việt Nam xông thẳng vào các chiếc tàu Hà Lan, mặc đại bác bắn ra như mưa. Bốn mặt tàu Hà Lan đều bị tấn công. Nhờ thuyền nhỏ cơ động, nhanh nhẹn nên mặc dù bị một số đạn, thuyền Việt Nam vẫn bao vây tấn công vào tàu Hà Lan quyết liệt. Chúng vô cùng kinh hoàng, không ngờ thủy quân chúa Nguyễn lại gan dạ đến thế. Chiếc nhỏ nhất vội luồn lách chạy thoát thân. Chiếc thứ hai thảng thốt đâm vào đá, cả đoàn thuỷ thủ và tàu chìm nghỉm xuống biển. Chiếc thứ 3 lớn nhất chống cự lại, các thuỷ quân chúa Nguyễn bám sát tàu bẻ bánh lái. Một số nhảy lên tàu, chặt gẫy cột buồm. Bị dồn vào thế tuyệt vọng, thuyền trưởng Hà Lan cho nổ kho thuốc súng. Thế là tất cả thủy thủ bị hoả thiêu chết la liệt trên biển. Có 7 tên trên tàu nhảy xuống biển, cố bơi thoát nhưng đều bị tóm cổ.
Thắng trận trở về, chúa Thượng dẫn 7 tên tù binh đến trước mặt người Hà Lan nói: 
- Cần chi mãnh lực và quân đội của trời mới phá được. Chiến thuyền của ta cũng khá đấy chứ.
Năm 1648, Trịnh Tráng cho các đạo quân thuỷ bộ đánh vào miền Nam. Bộ binh đóng ở đất Nam Bố Chính, còn thuỷ quân thì đánh vào cửa Nhật Lệ. Nguyễn Phúc Lan phải tự cầm quân đánh lại. Sau Phúc Lan thấy trong người không được khoẻ, mới trao binh quyền cho con trai là Nguyễn Phúc Tần và tướng Nguyễn Hữu Dật chỉ huy còn mình thì rút về. Ðến phá Tam Giang thì chúa mất, thọ đến 48 tuổi, ở ngôi chúa 13 năm. Sau triều Nguyễn truy tôn là Thần tôn Hiến chiêu Hoàng đế. Chúa Thượng có 4 người con (3 con trai, 1 con gái).
 
4. Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền, 1648-1687)
Nguyễn Phúc Tần sinh năm Canh Thìn (1620). Lúc đầu được phong Phó tướng Dũng lễ hầu, đã từng đánh giặc ở cửa biển, được chúa Phúc Lan rất khen ngợi. Năm Mậu Tý - 1648 được tấn phong là tiết chế chủ quân, thay Phúc Lan phá quân Trịnh ở sông Gianh. Bấy giờ ông 29 tuổi. Chúa Nguyễn Phúc Lan mất đột ngột, bày tôi tôn Nguyễn Phúc Tần lên ngôi chúa, gọi là chúa Hiền. Chúa Nguyễn Phúc Tần là người chăm chỉ chính sự, không chuộng yến tiệc vui chơi.
Phúc Tần biết tận dụng hai tướng tài giỏi là Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến. Quân chúa Nguyễn nhiều lần vượt sông Gianh tiến ra đất Đàng Ngoài. Năm 1656, sau hai năm tấn công ta Bắc, quân Nguyễn đã chiếm được 7 huyện của Nghệ An. Tự thân Nguyễn Phúc Tần đã đem quân ra đến Nghệ An đóng tại xã Vân Cát, quân Nguyễn có thể tiến sâu thêm nữa, nhưng nghe tin Trịnh Tráng mất, con là Trịnh Tạc lên ngôi chúa đang chịu tang, chúa Nguyễn cho người sang điếu rồi rút quân về, lưu các tướng đóng đồn từ sông Lam trở về Nam, đắp luỹ từ núi đến cửa biển để phòng ngự. Sau đợt tấn công đó, quân Nguyễn còn chiếm đất Nghệ An thêm 5 lần nữa, năm 1660 chúa Trịnh mới khôi phục lại được. Từ đó Trịnh - Nguyễn cầm cự nhau suốt mấy chục năm không phân thắng bại.
Năm Kỷ Mùi - 1679, chúa Nguyễn cho phép Dương Ngạn Địch, một tướng cũ của triều Minh cùng với Trần Thượng Xuyên đem gia thuộc hơn 3000 người và hơn 50 chiến thuyền đến khai phá vùng đất Gia Định - Mỹ Tho. Từ đó phố xá, chợ búa mọc lên sầm uất, thuyền buôn của các nước Thanh, Nhật Bản và các nước phương Tây ra vào tấp nập, do đó phong hoá ngày càng mở mangDưới thời chúa Hiền, nhiều kênh dẫn nước tưới ruộng được khơi đào, như Trung Đàn, Mai Xá. Bấy giờ bờ cõi được thái bình, thóc lúa được mùa. Chúa càng chăm lo chính sự, không xây đền đài, không gần gái đẹp, bớt lao dịch thuế khoá, nhân dân đều khen ngợi thời thái bình thịnh trị. Năm Đinh Mão - 1687, chúa Hiền mất, thọ 65 tuổi, ở ngôi chúa 39 năm. Triều Nguyễn truy tôn ông là Thái tông hiền triết hoàng đế. Chúa Hiền có 9 người con (6 con trai, 3 con gái).
 
5. Nguyễn Phúc Thái (chúa Nghĩa, 1687-1691)
Nguyễn Phúc Tần có 6 người con trai, Nguyễn Phúc Thái là con thứ 2 của bà vợ thứ hai người họ Tống, nhưng lớn tuổi và hiền đức. Khi Nguyễn Phúc Tần mất, Thái đã 39 tuổi.
Nguyễn Phúc Thái nổi tiếng là người rộng rãi, hình phạt và phú thuế đã nhẹ, trăm họ ai cũng vui mừng. Quan lại cũ của triều trước đều được trọng đãi.
Người đời sau nhắc đến chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái là nhớ chúa đã dời phủ từ Kim Long về Phú Xuân địa thế bằng phẳng, đẹp đẽ, tiếp nối nhiều đời chọn làm kinh đô.
Chúa không thọ được lâu. Sau 4 năm ở ngôi chúa, năm Tân Mùi - 1691, Nguyễn Phúc Thái mất, thọ 43 tuổi. Triều Nguyễn truy tôn ông là Anh tông hiếu nghĩa hoàng đế. Chúa Nghĩa có 10 người con (5 con trai, 5 con gái).
 
6. Nguyễn Phúc Chu (chúa Quốc, 1691-1725)
Nguyễn Phúc Chu là con cả Nguyễn Phúc Thái, sinh nǎm ất Mão - 1675, được ǎn học khá cẩn thận vì thế vǎn hay chữ tốt, đủ tài lược vǎn võ. Khi nối ngôi Chúa mới 17 tuổi.
Chúa Nguyễn Phúc Chu mộ đạo Phật. Nǎm 1710 chúa sai đúc chuông lớn nặng tới 3.285 cân, đặt ở chùa Thiên Mụ và xây dựng một loạt chùa miếu khác. Chúa cho mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ, chùa núi Mỹ An. Tự chúa cũng ǎn chay ở vườn Côn Gia một tháng trời. Chúa phát tiền gạo cho người nghèo. Đây là thời kỳ mà chiến tranh Trịnh - Nguyễn đã tạm ngừng hơn 30 nǎm, đất nước bình yên, chúa Nguyễn Phúc Chu có điều kiện mở mang đất đai về phía Nam và đạt được những thành tựu đáng kể: đặt phủ Bình Thuận nǎm Đinh Sửu - 1697 gồm đất Phan Rang, Phan Rí, chia làm hai huyện An Phúc và Hoà Đa; bắt đầu đặt phủ Gia Định, chia đất Đông Phố lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long; dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hoà) lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình; dựng dinh Phiên Trấn; lập xã Minh Hương... Từ đó người Thanh đi lại buôn bán rất sầm uất.
Nǎm 1702, Công ty ấn Độ của Anh do Allen Catohpole đem 200 quân đến chiếm đảo Côn Lôn, chúa Quốc lập tức sai con là Nguyễn Phúc Phan dùng mưu đánh đuổi ra khỏi đảo.
Nǎm 1708, chúa Quốc dùng Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên. Nǎm 1709, chúa Quốc cho đúc ấn Quốc Bửu "Đại Việt Quốc, Nguyễn Phúc Vĩnh Trấn chi bửu" ấn ấy về sau trở thành vật báu truyền ngôi. Nǎm 1714, chúa Quốc đại trùng tu chùa Thiên Mụ và đi thǎm phố Hội An. Nhân thấy cầu do người Nhật làm tụ tập nhiều thuyền buôn các nước, chúa bèn đặt là Lai Viễn Kiều và ban biển chữ vàng ngày nay vẫn còn biển đó.
Ngày 1/6/1725, chúa Quốc mất, thọ 51 tuổi, ở ngôi 34 nǎm. Sau triều Nguyễn truy tôn là Hiến Tông Hiếu Minh Hoàng đế. Chúa Quốc có 42 người con (38 con trai và 4 con gái).
 
7. Nguyễn Phúc Thụ (Ninh Vương, 1725-1738)
Nguyễn Phúc Thụ (nhiều sách viết là Chú) sinh ngày 14/1/1697, là con trai cả của chúa Quốc, khi chúa Quốc mất được lên ngôi Chúa lúc đó đã 30 tuổi, xưng hiệu là Ninh Vương.
Nǎm Quý Sửu - 1733, chúa cho đặt đồng hồ mua của Tây phương ở các dinh và các đồn tàu dọc biển. Sau có người thợ thủ công là Nguyễn Vǎn Tú chế tạo được chiếc đồng hồ y hệt.
Nǎm Bính Thìn - 1736, Mạc Cửu mất, con trai là Mạc Thiên Tứ được chúa cho làm Đô đốc trấn Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ là một nhà cai trị giỏi, mà lại vǎn thơ hay, Mạc Thiên Tứ mở Chiêu Anh Các để tụ họp các vǎn nhân thi sĩ cùng nhau xướng hoạ. Mạc Thiên Tứ để lại 10 bài thơ ca ngợi phong cảnh đẹp của Hà Tiên (Hà Tiên thập vịnh).
Ngày 7/6/1738, Ninh Vương mất, thọ 42 tuổi, ở ngôi 13 nǎm. Sau triều Nguyễn truy tôn là Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng đế. Ninh Vương có 9 người con (3 con trai, 6 con gái).
 
8. Nguyễn Phúc Khoát (Võ Vương, 1738-1765)
Nguyễn Phúc Khoát, sinh nǎm Giáp Ngọ (1714), là con trưởng của Ninh Vương được lên ngôi chúa ngày 7/6/1738, lấy hiệu là Từ Tế Đạo nhân. Nǎm Giáp Tý (1744), Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương xưng là Võ Vương cho đúc ấn Quốc Vương. Xuống chiếu bố cáo thiên hạ, lấy Phú Xuân làm kinh đô.
Từ nǎm Giáp Tuất (1754), để xứng đáng với kinh đô của Nguyễn Vương, Phú Xuân được xây dựng thêm hàng loạt cung điện theo quy mô đế vương. Đặc biệt chiếc áo dài Việt Nam tha thướt xinh đẹp như hiện nay, phải trải qua một quá trình phát triển, nó được hình thành từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.
Nǎm 1757, Võ Vương đặt Rạch Giá làm đạo Kiên Giang, Cà Mau làm đạo Long Xuyên.
Ngày 7/6/1765, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát mất, thọ 52 tuổi, nối ngôi được 27 nǎm.
Triều Nguyễn truy tôn ông làThế tông Hiếu vũ Hoàng đế. Võ Vương có 30 người con (18 con trai, 12 con gái). 
 
9. Nguyễn Phúc Thuần (Định Vương, 1765-1777)
Nguyễn Phúc Thuần sinh ngày 31/12/1753, là con thứ 16 của Nguyễn Phúc Khoát.
Võ Vương lúc đầu lập con thứ 9 là Phúc Hiệu làm thái tử, nhưng Hiệu mất sớm, con trai Hiệu là Hoàng tôn Phúc Dương còn thơ ấu mà hoàng tử cả là Chương cũng đã mất. Hoàng tử thứ hai là Nguyễn Phúc Luân cũng rất khôi ngô tuấn tú, theo thứ tự sẽ phải lập Hoàng tôn Dương hoặc Phúc Luân lên ngôi nên đã trao Luân cho một thầy học nổi tiếng là Trương Vǎn Hạnh dạy bảo. Nhưng khi Võ Vương mất, tình hình lại đảo ngược. Quyền thần Trương Phúc Loan không muốn lập Phúc Luân vì Luân đã lớn tuổi, khó bề lộng hành. Trương Phúc Loan lại chọn Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi vua.
Phúc Luân không được lập mà còn bị bắt giam. Trương Vǎn Hạnh cũng bị giết chết.
Nguyễn Phúc Thuần còn nhỏ tuổi, mọi quyền hành đều do Trương Phúc Loan sắp đặt. Loan tự phong là Quốc phó. Loan thâu tóm toàn bộ từ chính sự đến kinh tế. Các nguồn lợi chủ yếu của vương quốc Đàng Trong đều rơi vào tay Trương Phúc Loan và họ hàng của hắn.
Ngày nắng, Loan cho đem phơi của cải quý báu làm sáng rực cả một góc trời. Có tiền, có quyền, Loan mặc sức hoành hành ngang ngược, người người ai nấy đều oán giận. 
Nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc cầm đầu ở Quy Nhơn được nhân dân đồng tình ủng hộ ngày càng lớn mạnh. Thêm vào đó, tháng 5 nǎm Giáp Ngọ (1774) Chúa Trịnh lại cho đại quân vào đánh Nguyễn. Cả nghĩa quân Tây Sơn lẫn quân Trịnh đều nêu khẩu hiệu : "Trừ khử quyền thần Trương Phúc Loan và tôn phò Hoàng tôn Dương". Chiến tranh loạn lạc lại nổ ra, đất Thuận Hoá trước trù phú là thế mà nay trǎm bề xơ xác tiêu điều, người chết đói đầy đường. Trước tình cảnh đó, không có cách nào khác, tôn thất nhà Nguyễn cùng nhau lập tức bắt trói Trương Phúc Loan nộp cho quân Trịnh. Tháng 12 nǎm 1774, quân Trịnh chiếm được Phú Xuân và đặt quan cai trị Thuận Hoá. Trong số quan lại nhà Trịnh cử vào trấn thủ Thuận Hoá có Lê Quý Đôn (1776).
Nghĩa quân Tây Sơn tìm cách hoà hoãn với quân Trịnh để yên mặt Bắc và rảnh tay đánh Nguyễn ở phía Nam.
Đại quân Tây Sơn cả thuỷ lẫn bộ đánh vào Gia Định. Chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy về Định Tường rồi lại chạy sang Long Xuyên. Tháng 9 nǎm Đinh Dậu (1777), quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ thống lĩnh đánh chiếm Long Xuyên, chúa Nguyễn bị chết trận. Như vậy Nguyễn Phúc Thuần ở ngôi chúa được 12 nǎm, thọ 24 tuổi không có con nối. Sau triều Nguyễn truy tôn là Duệ Tông Hiếu định Hoàng đế. Định vương Nguyễn Phúc Thuần chết, kết thúc giai đoạn lịch sử của 9 đời chúa Nguyễn Đàng Trong.
 
Hình ảnh : Lăng Trường Cơ ( 4 tấm ), Ảnh Hội thảo về Chúa Nguyễn tổ chức tại Quảng Trị ...
Ảnh minh họa nguồn từ Internet và của Blogger chụp tại  Bảo tàng Q.Trị và Làng Trà Liên, Triệu Giang.


1. 7 Bô lão dâng 7 vò nước lên Chúa Tiên khi Ngài vừa đặt chân đến vùng đât Ái tử,  Quảng Trị (Châu Thuận hóa) 2.Miếu thờ Đại thần Nguyễn Ư Dỹ ( Ảnh tư liệu  VTT)


 
Lăng Trường Cơ tại La Khê Thừa Thiên -Huế





Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

HỆ THỐNG KÊNH ĐÀO VĨNH ĐỊNH NAM QUẢNG TRỊ


TƯ LIỆU LỊCH SỬ THAM KHẢO 

Nhân bài đăng của Đinh Hoa Lư viết về Con đường Ngự kéo dài từ đầu Cửa Hậu - Thành Quảng Trị đến sông Vĩnh Định ( đoạn làng Nại Cửu - xã Triệu Thành, TP). Admin trang Đồng môn NH xin đăng lại bài viết "Sông Vĩnh Định - Tỉnh Quảng Trị qua Châu bản triều Nguyễn" 06:52 PM 09/09/2019
Và bài "SÔNG VĨNH ĐỊNH - QUÁ TRÌNH KHƠI THÔNG DÒNG CHẢY " Đăng trên trang https://archives.org.vn của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 để mọi người cùng tham khảo !
 
 
I/ SÔNG VĨNH ĐỊNH QUA CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN  Đinh Hoa Lư
II/  SÔNG VĨNH ĐỊNH - QUÁ TRÌNH KHƠI THÔNG DÒNG CHẢY
III/  VỀ SÔNG VĨNH ĐỊNH Ở QUẢNG TRỊ Trương Thúy Hậu, Boston

 
 I/ SÔNG VĨNH ĐỊNH  QUA CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN
Một trong những công trình trị thủy lớn của tỉnh Quảng Trị dưới triều Nguyễn là công trình đào sông Vĩnh Định. Đây là con sông không chỉ quan trọng đối với nông nghiệp, giao thương của Quảng Trị mà nó liên quan trực tiếp đến Kinh sư. Vĩnh Định là 1 trong 8 con sông đào lớn được khơi thông dưới triều Nguyễn. Con sông này được đào và khơi vét nhiều lần,. trải dài từ triều vua Minh Mệnh đến các đời vua sau này. Công trình được khởi công từ mùa xuân tháng 3, năm Ất Dậu, Minh Mệnh thứ 6 (1825) đến ngày 20 tháng 7 năm đó thì hoàn thành.
Con sông đào Vĩnh Định nối liền giữa sông Thạch Hãn ở ngã ba Cổ Thành đến sông Lương Điền, thông vào phá Tam Giang nối liền với kinh đô Huế với chiều dài khoảng 17 dặm (hơn 7.5km). Đây là con đường thủy nội địa huyết mạch quan trọng dưới triều Nguyễn.Công việc đào sông Vĩnh Định được vua Minh Mệnh đặc biệt chú ý quan tâm. Trước khi tiến hành đào sông, vua Minh Mệnh ban chiếu cho Phan Văn Thúy đem theo Giám thành đến doanh Quảng Trị, phối hợp cùng doanh thần trong hạt điều tra, khám xét địa thế để xem có thuận tiện cho việc khai đào không? Đồng thời đã cho vẽ họa đồ khu vực định khai sông, có cắm hoa tiêu ghi chú. Phan Văn Thúy dựa vào họa đồ cho binh dân đào thử một hai đoạn để xem xét đất cát ở các khu vực trước khi tiến hành đào. Ngoài việc khảo sát họa đồ dự định đào con sông mới, Phan Văn Thúy còn phải khám xét hình thể sông cũ tâu lên rõ ràng để nhà vua quyết định.
Sau khi hoàn thành việc đào sông, trải qua các triều vua sau này con sông này liên tục được tu bổ, nạo vét và khơi thông. Trong tờ tấu của Bộ Công ngày 20 tháng 6 năm Tự Đức thứ 21 (1867), cho biết “ngày mồng 6 tháng này nhận được tập tấu của Lãnh quản đạo Quảng Trị Trần Ngọc Lý trình rằng: Ngày tháng 8 năm ngoái, nhận được cung lục của bộ thần trong đó trình tập tấu của các viên Khâm phái trình việc phúc khám sông Vĩnh Định. Trong đó trình rằng con sông ấy đoạn nào nông cạn, thuê dân hạt nạo vét. Còn như việc xin đình bãi thu thuế sông hai năm, bộ thần thấy đề nghị đó hợp lý. Xin đợi chỉ thực hiện.” (1)
 
Vua Tự Đức đã châu điểm cho tiến hành như phúc trình của Bộ Công. Ngay sau đó công việc khơi vét lại sông Vĩnh Định được tiến hành và đến tháng 7 thì hoàn thành. Tháng 5, năm Giáp Thân, niên hiệu Kiến Phúc năm thứ nhất (1884), triều đình cho khơi vét sông cũ Vĩnh Định ở Quảng Trị. Sông ấy vốn có mạch cát hễ khơi lên thì lại bị đầy, rồi sau mới khơi sông mới ; nước cát chưa chảy, sông cũ lại bị bồi lấp nhiều. Bốn tổng thuộc huyện Hải Lăng là: Câu Hoan, An Thư, An Nhân, An Thái, ruộng mùa rất nhiều, sông cũ không khơi, thì ruộng bị nước ngập, dân bốn tổng ấy xin xuất tài lực, thẳng khơi một đoạn ở hai xã Kim Lung, Kim Giao, lược vét một đoạn từ xã Kim Lung đến xã Hội An đều cho phép làm để tiện việc cấy ruộng mùa.
Bản tấu ngày mùng 5 tháng 9 năm Thành Thái 9 (1897) của Bộ Công về việc nạo vét sông: “Ngày 14 tháng này nhận được tờ tư của quyền hộ Phủ thần Trị Bình Phan Huy Quán trình bầy: Tỉnh ấy đào ngòi sông Vĩnh Định, ngày 18 tháng trước đào xong, tạm xuất tiền kẽm để mua sắm các hạng vật liệu cộng tiền là 180 quan.Ở bên sông có lập đàn làm lễ tạ, công việc xong, số tiền cho việc này có nên chăng được chuẩn cho thanh toán, làm tờ tư xin xem xét. Bộ thần vâng xét việc đào ngòi rãnh ở sông này vào năm Thành Thái nguyên niên, có mua sắm các lễ phẩm để làm lẽ tạ, các khoản tiền bao nhiêu được chuẩn cho quyết toán. Nay việc đào ngòi ở sông này đã xong mua sắm các lễ phẩm lễ tạ mua sắm hết số tiền như vậy xin được chiếu theo lệ trước đây chuẩn cho quyết toán. Dám xin tâu trình. Chờ chỉ sao lục tuân theo” (2
Nhiều lần các vua triều Nguyễn ngự tuần ra Bắc đều đi qua con sông này. Năm thứ 17 (1836) vua ngự ra Quảng Trị, ngự châu kinh qua đường sông, phụng ngự chế thi- chương chạm bia đá dựng ở phía nam bờ sông. Năm ấy đúc 9 cái đỉnh lấy hình sông này chạm vào Thuần Đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) đại giá Bắc tuần phụng ngự chế thi chương chạm vào bia dựng ở bờ sông. Ngày nay đi qua địa phận xóm Cồn Đống làng Cu Hoan xã Hải Thiện huyện Hải Lăng vẫn còn thấy hai bài văn bia do vua Minh Mệnh và Thiệu Trị ngự chế trong đợt Bắc tuần đi qua sông Vĩnh Định. Mặc dù đạn bắn làm mất nhiều chữ nhưng nhìn chung vẫn có thể đọc được cơ bản nội dung của hai bài văn bia. Bài văn bia do vua Minh Mệnh viết có tựa đề Ngự chế quá Vĩnh Định hà đề御製過永定河題, Minh Mệnh thập thất niên thất nguyệt nhị thập cửu nhật 明命十七年七月二十九日(1836). Trong bài văn bia này lược thuật lại quá trình đào sông sau đó là một bài thơ do vua Minh Mệnh làm ca ngợi cảnh đẹp của sông. Bài văn bia do vua Thiệu Trị viết có tựa đề Quá Vĩnh Định hà cảm tác 過永定河感作, Thiệu Trị nhị niên thập nhị nguyệt cát nhật cung thuyên. Ngự chế thi nhất thủ” 紹治二年十二月吉日恭鐫御製詩一首 (1842).
 
Bài văn bia ngự chế vua Minh Mệnh viết:
過永定河留題 (十二韻 )
此原有水渠, 竟被浮沙積
梗阻往來船 , 幾為平陸地
曾聞昔屢開 , 終見功難遂(a)
豈憚一時勞 , 務期萬世利
僱夫即起工 , 發帑急修治
十里鑿成河(b) , 九旬纔蕆事
國家運道通 , 商賈周行易
也識協民情 , 回思動我意
在是在非間 , 為己為人異
客舫本常過 , 御舟三兩至
何須費自評 , 弗若付公議(c)
略敘表衷懷 , 長篇聊以誌
 
Quá Vĩnh Định hà lưu đề (thập nhị vận)
Thử nguyên hữu thủy cừ, Cánh bị phù sa tích.
Ngạnh trở vãng lai thuyền, Cơ vi bình lục địa.
Tằng văn tích lũ khai, Chung kiến công nan toại.
Khởi đạn nhất thời lao, Vụ kì vạn thế lợi.
Cố phu tức khởi công, Phát nô cấp tu trị.
Thập lí tạc thành hà, Cửu tuần tài siển sự.
Quốc gia vận đạo thông, Thương cổ chu hành dị.
Dã thức hiệp dân tình, Hồi tư động ngã ý.
Tại thị tại phi gian, Vi kỉ vi nhân dị.
Khách phảng bổn thường quá, Ngự chu tam lưỡng chí.
Hà tu phí tự bình, Phất nhược phó công nghị.
Lược từ biểu trung hoài, Trường thiên liêu dĩ chí.
Dịch nghĩa:
Qua sông Vĩnh Định làm một bài thơ lưu lại (thơ 12 vần)
Nơi này nguyên đã có con lạch nhỏ, rút cuộc bị phù sa bồi lấp.
Ngăn trở việc đi lại của tàu thuyền, nguy cơ trở thành đất bằng.
Từng nghe rằng trước đây đã mấy lần nạo vét, cuối cùng chẳng thấy thành công.
Há sợ vất vả khó nhọc, để đến mùa vụ muôn đời hưởng lợi.
Thuê dân phuc lập tức khởi công, cấp phát ngân khố để mau mau sửa trị.
Đào mười dặm đã thành sông, trong chín tuần mà việc đã hoàn thành.
Việc vận chuyển của đất nước đã thông suốt, thương khách đi lại dễ dàng.
Cũng biết đó là việc hợp với tình dân, nghĩ đi nghĩ lại lay động ý ta.
Trên thế gian có đúng có sai, mưu lợi cho mình hay cho người cũng khác.
Khách buôn vốn thường đi qua, thuyền ngự ba lần đi đến.
Việc gì phí lời bình phẩm, cũng chẳng cần phải để công chúng bàn bạc.
Mưu tính đã rõ trong lòng ta, nên làm bài thơ dài để mà ghi lại.
Nguyên chú:
此處原有小江, 惟淺且狹, 復屈曲縈迴下多浮沙噴上. 前朝列聖遞年頻發兵民開浚以通運道, 旋復淤塞難以卒成馴. 至明命初年芳榔詩翁等社一帶乾涸甚至徒步可步往來船艘以人代運公私之苦之重念廣治為畿輔近地, 若水路不通所關匪細, 爰於明命陸年命神策軍後營副都統制潘文璻雇撥民夫三千七百名從忠丹社起至勻涇社止長一千七百二十三丈零成十二里有奇曲者直之淺者深之, 前後三月零十八日始成命為永定河僱價共錢六萬四千六百餘貫米二萬九千四百餘方以期萬民之利多費國帑弗靳也.
Dịch nghĩa: 
Nơi này nguyên là có một dòng sông nhỏ, tuy vậy nó vừa cạn vừa hẹp, lại nhiều khúc cong, phí dưới sông nhiều phù sa bồi đắp. Các liệt thánh triều trước nhiều lần phát binh dân đề khơi thông dòng chảy để vận chuyển được thông suốt, lại nhiều lần bị ngẽn tắc khó có thể hoàn thành được.đến đầu đời vua Minh Mệnh các xã Phương Lang, Thi Ông một dải bị khô hạn, thậm chí có thể đi bộ vượt sông được, thuyền bè qua lại phải dùng người để vận chuyển việc công tư thật là khó nhọc, nghĩ đến Quảng Trị là vùng đất phụ cận Kinh Kì, nếu đường thủy không thông, việc thật không nhỏ, bèn đến năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) lệnh cho Hậu phó lý Đô thống Thần sách quân Phan Văn Thúy thuê dân phu 3700 người đào từ xã Trung Đan đến xã Quân Kinh thì dừng lại, chiều dài là 1723 trượng khoảng 12 dặm, có nơi cong nơi thẳng, nơi cạn nơi sâu, trước sau 3 tháng 18 ngày thì hoàn thành, mệnh đặt tên là sông Vĩnh Định, tiền thuê tổng cộng hơn 6 vạn 4 nghìn 6 trăm quan, thóc hết hơn 2 vạn 9 nghìn 4 trăm phương, đến mùa dân hưởng lợi, nhiều tiền quốc khố chẳng thể dè xẻn (3).
Ngày nay tuy có nhiều đoạn bị thu hẹp và bồi lấp nhưng hiện nay sông Vĩnh Định vẫn có vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp nước tưới tiêu cho các xã thôn thuộc huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị.
Từ công trình đào sông Vĩnh Định dưới triều Minh Mệnh, chúng ta có thể thấy được chính sách trọng nông của nhà Nguyễn. Sông Vĩnh Định cùng với một loạt công trình trị thủy và thủy lợi khác được tiến hành trải dài trên khắp đất nước từ Bắc vào Nam như các con sông đào: Lợi Nông (ở kinh đô Huế đào năm 1814); sông Thoại Hà (còn gọi là kênh Long Xuyên - Rạch Giá đào năm 1818); sông Vĩnh Tế (nối Châu Đốc và Hà Tiên đào năm 1819); sông Vĩnh Điện (ở Quảng Nam đào năm 1825); sông Cửu Yên (ở Hưng Yên đào năm 1835) và sông Phổ Lợi (ở Huế đào năm 1836)... ngày nay vẫn còn phát huy tác dụng trong việc tưới tiêu dẫn thủy nhập điền và giao thông đi lại mang lại bao lợi ích cho người dân.
Chú thích:
Châu bản triều Tự Đức, tập 174, tờ 282.
Châu bản triều Thành Thái, tập 31, tờ 122.
Minh Mệnh, Ngự chế thi tứ tập, ký hiệu A.134d/1-2, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Hoàng Nguyệt – Phòng Công bố- Giới thiệu tài liệu
-----------------------
-----------------------
II/  SÔNG VĨNH ĐỊNH - QUÁ TRÌNH KHƠI THÔNG DÒNG CHẢY
 
Theo ông Nguyễn Phước Hải Trung trong bài viết về 8 con sông đào lớn ở Việt Nam: “Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy rằng việc đầu tư cho thuỷ lợi, giao thông vận tải dưới triều Nguyễn chiếm một phần đáng kể trong ngân khố triều đình thời bấy giờ.
Ðiều này được đề cập trong nhiều cứ liệu lịch sử, chẳng hạn như đã có đến gần 60 lần các vua đầu triều Nguyễn ban chỉ dụ về việc đào sông, nạo vét sông ngòi, kênh rạch... ở 15 tỉnh trong cả nước được đề cập trong Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ. Tất cả những điều ấy nói lên tầm quan trọng của hệ thống sông ngòi trong nhiều mặt, không những có vai trò và tác dụng to lớn về giao thông vận tải, thuỷ lợi mà còn tác động tích cực đến nông nghiệp, quốc phòng và môi trường sinh thái”. 
Thực tế cho thấy khoảng 30 năm trong 3 đời vua đầu triều Nguyễn đã cho đào 8 con sông lớn trên lãnh thổ Việt Nam, không kể các dòng sông nhỏ, hệ thống kênh rạch và ngay cả các hồ bên ngoài kinh thành Huế. Với khoảng 500 km đường sông với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Trong đó miền trung đã cho có 4 con sông nạo vét và mở rộng 4 con sông lớn như sông Vinh Điện (Quảng Nam - năm 1824), sông Vĩnh Định (Quảng Trị - năm 1824), sông Phổ Lợi (Thừa Thiên Huế - năm 1835) và sông An Cựu (Thừa Thiên Huế - năm 1814) (1).
Một trong những công trình thủy lợi ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn là đào sông Vĩnh Định. Đây là con sông không chỉ quan trọng đối với nông nghiệp, giao thương của Quảng Trị mà còn liên quan trực tiếp đến Kinh sư – kinh đô Huế.
Con sông đào Vĩnh Định nối liền giữa sông Thạch Hãn (ở ngã ba Cổ Thành) đến sông Lương Điền, thông vào phá Tam Giang nối liền kinh đô Huế với chiều dài khoảng 17 dặm (hơn 7,5km). Đây là con đường thủy nội địa huyết mạch quan trọng dưới triều Nguyễn. Con sông này được đào và nạo vét nhiều lần, trải dài từ triều Minh Mệnh đến các triều Thiệu Trị, Tự Đức và các vua sau này. “Đại Nam nhất thống chí” ghi về sông Vĩnh Định: “Ở phía đông lỵ sở cũ huyện Hải Lăng, chia ra từ ngã ba Cổ Thành sông Thạch hãn, chảy về phía đông nam 12 dặm, qua xã La Duy có khe Mai Đàn từ phía tây chảy vào. Lại chừng 16 dặm, qua xã Trung Đan, khe Trường Sinh từ phía tây chảy vào, lại chừng 7 dặm thì vào sông Lương Điền... Năm Ất Dậu Minh Mệnh thứ 6 (1825), sai Thống chế Phan Văn Thúy đốc binh dân khai đào từ xã Câu Kênh đến xã Trung Đan gồm 1.720 trượng (một trượng bằng 4,7m), ba tháng thì xong, bèn cho tên hiện nay. Năm thứ 17, xa giá đi tuần Quảng Trị, thuyền ngự đi qua sông này, có thơ ngự chế khắc vào đá và dựng nhà bia ở bờ phía nam sông; cùng năm ấy đúc Cửu Đỉnh, khắc tượng vào Thuần Đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1844) xa giá Bắc tuần, có thơ ngự chế khắc vào bia dựng ở bờ sông” (2).
Công việc đào sông Vĩnh Định được vua Minh Mệnh và các triều vua khác như Tự Đức, Thành Thái đặc biệt chú ý quan tâm. Hiện nay trong kho Châu bản triều Nguyễn bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I có rất nhiều bản tấu báo cáo về tiến độ thi công và kết quả đạt được công trình này.
Trước khi tiến hành đào sông, vua Minh Mạng ban chiếu cho Phạm Văn Thúy đem theo Giám thành đến doanh Quảng Trị, phối hợp cùng doanh thần trong hạt điều tra, khám xét địa thế để xem có thuận tiện cho việc đào sông hay không? Trước đó, Vua Minh Mệnh đã cho vẽ họa đồ khu vực khai sông, cắm tiêu ghi chú. Phan Văn Thúy dựa vào họa đồ cho binh dân đào thử một, hai đoạn để xem xét cát ở khu vực đó có thể khai đào được hay không? Ngoài việc khảo sát họa đồ dự định đào sông mới, Phan Văn Thúy còn phải khám xét hình thể sông như cũ tâu lên rõ ràng để vua quyết định (3)
Năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) vua đã ra chỉ dụ cho Nguyễn Hữu Thận cấp tiền gạo cho dân hai hạt Quảng Trị và Thừa Thiên chuyên tâm làm việc. Bản chỉ dụ nêu rõ: “Các dân phu Thừa Thiên, Quảng Trị được phái nạo vét khơi thông sông Vĩnh Định lần này, đã giáng chỉ cấp cho tiền gạo. Nay nghĩ, kỳ nạo vét khơi thông đã gần tới mà doanh ấy nhất thời giải quyết, thì có thể có điều thiếu thốn. Cho Bộ Hộ theo như lệ định, phát trước cho 2000 dân phu Thừa Thiên 1 tháng tiền, gạo ở Kinh. Còn 1700 dân phu Quảng Trị thì cho thần doanh ấy đem tiền, gạo ở doanh đến tận công trường ngoài sông mà cấp phát. Đến tháng sau trở đi phàm tiền, gạo phải cho cho toàn bộ dân phu đến làm việc ấy, đều cho doanh thần doanh ấy tiếp tục chuyển đến công trường cấp phát. Về dân công tàu thuyền cần lấy để vận chuyển thì liệu mà thuê, mua. Khi xong việc, tất cả đều tâu nên, chuẩn cho quyết toán”(5). 
Cũng trong ngày 29 tháng 3, năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) vua lại tiếp tục ra 1 chỉ dụ về việc cấp phát thuốc và cử lương y đến để chữa bệnh do dân phu tham gia khơi đào sông Vĩnh Định. Vua Minh Mệnh nêu rõ: “Các dân phu Quảng Trị, Thừa Thiên được phái đi nạo vét khơi thông sông Vĩnh Định lần này, nghĩ rằng thời tiết đang lúc nóng lực, người phải làm việc, khó tránh khỏi mắc bệnh tật càng thêm thương xót. Truyền bộ gửi tờ tư cho doanh thần Quảng Trị phái người lãnh nhận ở Kinh 8 cân nguyên thọ là vị thuốc điều trị, 2 đơn thuốc đem về cất giữ. Lại chọn điều 5 người ở ty Lương y doanh ấy, chia đóng ở ngoài công trường sông, thăm xem cho những người dân đến làm việc ấy, tùy chứng bệnh mà cấp thuốc. hoặc thuốc trong hai đơn này có những vị cần dùng mà không đủ thì lập tức chuẩn cho doanh ấy lấy tiền kho mua thêm, tiếp tục phát cho điều trị (6).
Ngày nay, đi qua địa phận xóm Cồn Đống làng Cu Hoan xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng vẫn còn thấy hai bài văn bia do vua Minh Mệnh và Thiệu Trị ngự chế trong đợt bắc tuần đi qua sông Vĩnh Định. Mặc dù chiến tranh và thời gian làm mất nhiều chữ nhưng nhìn chung vẫn có thể đọc được cơ bản nội dung của hai bài văn bia. Bài văn bia do vua Minh Mệnh viết có tựa đề Ngự chế quá Vĩnh Định hà đề 御製過永定河題 năm Minh Mệnh 17 (1836). Bài văn bia này lược thuật lại quá trình đào sông, sau đó là một bài thơ do vua Minh Mệnh làm ca ngợi cảnh đẹp của sông. Bài văn bia do vua Thiệu Trị viết có tựa đề Quá Vĩnh Định hà cảm tác 過永定河感作năm Thiệu Trị thứ 2 (1842).
Ngày nay, những cánh đồng lúa xanh mướt ở hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong vẫn được hưởng phù sa và nước tưới của con sông này.
Chú thích.
Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nxb Lao động, 2012, tr 119-459.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006, tr 174-175.
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 13, Nxb Thuận Hóa, 1993, tr213.
Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ - Tập 13, NXB Thuận Hóa, Huế, 1994, tr 213.
Châu bản triều Minh Mệnh, tập 10, tờ 69.
Châu bản triều Minh Mệnh, tập 10, tờ 70.
 
III/ TƯ LIỆU LỊCH SỬ THAM KHẢO !
VỀ SÔNG VĨNH ĐỊNH Ở QUẢNG TRỊ
Xin giới thiệu với cả Làng ta một bài viết về con sông đào Vĩnh Định nối dòng Thạch Hãn từ Chợ Sãi làng Cổ Thành, Triệu Phong, Quảng Trị đi qua các làng xã của huyện Triệu Phong, Hải Lăng trước khi nhập vào sông Ô Lâu và đổ vào phá Tam Giang khu vực huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế. Sông đào Vĩnh Định được khởi công vào thời vua Minh Mạng triều Nhà Nguyễn. Đây là bài thứ 3 trong chùm bài tham khảo viết về con sông đào Vĩnh Định.

SÔNG VĨNH ĐỊNH
+Tác giả : Trương Thúy Hậu
+Nguồn : Sông Vĩnh Định | Hội Đồng Hương Quảng Trị (hoidonghuongquangtri.com)
*****
Sông Vĩnh Định (永定河) là một phụ lưu của sông Thạch Hãn, chảy theo hướng Đông Nam, từ làng Cổ Thành đến làng Xuân Viên, dài khoảng 20km, rồi nhập vào sông Ô Lâu, đổ ra phá Tam Giang.(Hình phải: sông Vĩnh Định đoạn chảy qua làng Ngô Xá Đông, ảnh chụp 2021- Bs.NCV).
Tài liệu lịch sử để lại không thấy ghi tên sông mãi cho đến năm 1825, vua Minh Mạng cho đào 7.5km thẳng từ làng Câu Kênh cho đến làng Trung Đan và đặt tên là Vĩnh Định. Từ đó giòng sông thiên nhiên này được mang tên là sông Vĩnh Định.
Về địa lý, sông Vĩnh Định từ ngã ba làng Cổ Thành chảy quá 2.2 km đến Ba Bến, sông chẻ giòng làm 2 :
– Nhánh phụ dài khoảng 15 km từ Ba Bến chảy theo hướng tây bắc qua các xã thuộc huyện Triệu Phong: Triệu Thành,Triệu Hòa, Triệu Đại, Triệu Độ, nhập cùng sông Thạch Hãn (và sông Hiếu) đổ ra Cửa Việt .
– Nhánh chính, nguyên thủy khi chưa đào (xem không ảnh) chảy theo hướng đông nam. Từ Ba Bến sông chảy khoảng 2.3km thì gặp sông Nhùng từ phía Tây huyện Đa Krông đổ xuống tại làng Văn Vận( xã Hải Quy), chảy qua các làng Trà Trì, Phú Xuân, Trà Lộc, Duân Kinh, La Duy(xã Hải Xuân),Ngô Xá Đông, Xuân Dương, Tam Hữu (xã Triệu Trung), Phương Lang, Ba Du, Cổ Lũy, Đa Nghi(xã Hải Ba) đến Hội Yên(xã Hải Quế),qua các làng mạc giữa 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng (cập nhật bổ túc).
Tại ngã 3 Hội Yên, sông Vĩnh Định lại chia 2 nhánh :
– Nhánh mạn Đông là chính, chảy song song quốc lộ 49C và bờ biển, cách bờ khoảng hơn 6km, đoạn sông này dài khoảng 6km từ làng Hội Yên chảy qua các làng Đơn Quế, Kim Long (xã Hải Quế) và Kim Giao, Diên Khánh, An Nhơn, Đông Dương, Xuân Viên (xã Hải Dương), đổ ra sông Ô Lâu, đi thuyền thêm khoảng 13km thì đến phá Tam Giang .
– Nhánh mạn Tây dài khoảng 5km chảy qua làng Trung Đơn, Kim Sanh, Phước Điền (xã Hải Thành)rồi cũng đổ ra sông Ô Lâu. Cũng tại hói Dét làng Trung Đơn, một nhánh nhỏ nối sông Ô giang, phụ lưu sông Ô Lâu chảy dọc theo ra tới xóm Càng. Cửa 2 nhánh sông mạn Tây này ở sông Ô Lâu cách nhau 3.2km, ôm trọn ranh giới phía Nam xã Hải Thành.
Sông Vĩnh Định là sông thiên nhiên từ bao đời, nhưng do bị bồi đắp hằng năm, nên qua lịch sử có ghi lại như sau:
– Tháng 5 năm 1681, chúa Nguyễn Phúc Tần cho đào kênh Trung Đan, chúa đích thân ra xem.
– Năm 1693, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, lại cho đào kênh Trung Đan.
– Năm 1819 vua Gia long, cho khảo sát đào sông Vĩnh Định, năm sau Vua băng hà(1820), phải đến 5 năm sau vua Minh Mạng mới kịp cho đào.
Tháng 3 năm 1825, vua Minh Mạng cho đào đoạn sông mới thẳng tắp 7.5km(như con số 1) từ Câu Kênh(Duân Kênh) đến Trung Đan(hói Dét,Trung Đơn), qua các làng Lam Thủy, Thi Ông, Cu Hoan, Hội Yên . Chiều dài đoạn sông này là: Câu Kênh-Hội Yên 5.5km, và Hội Yên-Trung Đan 2km, nối sông Ô Giang (17 năm sau khi đào xong, năm 1842 vua Thiệu Trị tuần du ra Bắc, vào địa phận tỉnh Quảng Trị theo đoạn sông này, trạm đầu ghé lại nghỉ tại làng Trung Đan, và có bài thơ Trung Đan tọa lạc ngọ đình, bài thơ được khắc in trong Ngự chế Bắc tuần thi tập. Cùng theo vua Thiệu Trị trong chuyến Bắc tuần này có quý phi Từ Dũ, mà con trai trưởng là vua Tự Đức sau này tôn lên làm Hoàng thái hậu (1849).
Lý do nhà Vua cho đào đoạn sông mới là vì, dòng sông cũ từ ngã ba làng Câu Kênh, La Duy, Ngô Xá Đông quật góc gần 90°, giòng sông khúc khuỷu(như con số 3) dài khoảng 5.5km chảy qua các làng La Duy, Xuân Dương, Tam Hữu, Phương Lang, Ba Du, Cổ Lũy, Đa Nghi, Hội Yên bị bồi đắp, nước khó thoát, gây lũ lụt trầm trọng. Sau năm 1825 khi đã đào xong sông mới thì đoạn sông cũ chảy qua các làng này, được gọi là (xem không ảnh) Sông Vĩnh Định cũ hay Cựu hà Vĩnh Định.
Nguyên chú văn bia Ngự chế Quá Vĩnh Định hà đề dựng tại Cồn Đống, bên bờ sông Vĩnh Định viết:.. 前後 三月零十八日始成命為永定河 …tiền hậu tam nguyệt linh thập bát nhật thủy thành, mệnh vi Vĩnh Định hà… Đào 3 tháng 18 ngày thì xong, bèn đặt cho tên là sông Vĩnh Định.
Việc đào sông Vĩnh Định, Đại Nam Thống Nhất Chí ghi :
…”Năm Ất Dậu Minh Mệnh thứ 6(1825), sai Thống chế Phan Văn Thúy đốc dân phu khai đào từ xã Câu Kênh đến xã Trung Đan dài 1.720 trượng (một trượng bằng 4,7m), ba tháng thì xong, bèn cho tên hiện nay. Năm thứ 17, xa giá đi tuần Quảng Trị, thuyền ngự đi qua sông này, có thơ ngự chế khắc vào đá và dựng nhà bia ở bờ phía nam sông; cùng năm ấy đúc Cửu Đỉnh, khắc hình sông vào Thuần đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1844) xa giá Bắc tuần, có thơ ngự chế khắc vào bia dựng ở bờ sông”.
Công tác đào sông do Phan Văn Thúy (1758-1833), người làng Đạo Đầu, một trong 13 danh tướng triều Nguyễn đốc công chỉ huy và Nguyễn Hữu Thận (1757-1831),Thượng thư bộ Hộ, người làng Đại Hòa, phủ Triệu Phong phụ trách cung cấp tiền bac, lương thực, thuốc men.
Các Châu Bản Triều Nguyễn còn lưu trữ được các bản tấu về việc thi công như sau:
– Phan Văn Thúy cùng các quan bản địa xem xét, điều tra địa thế, đào thử vài đoạn khảo sát đất cát tầng đáy, cắm tiêu ghi chú…chiều ngang 6 trượng, chiều sâu gần 1 trượng tùy chỗ, đốc công 2.000 dân phu Huế và 1.700 dân phu Quảng Trị, đào sông.
– Nguyễn Hữu Thận, cấp tiền, gạo hàng tháng ngay tại công trường. Ngoài ra, Vua còn chỉ dụ việc cấp phát thuốc men, cử toán lương y chăm sóc dân phu tại chỗ.(hình phải) theo chỉ dụ của vua Minh Mệnh .
Văn bia Ngự chế Quá Vĩnh Định hà đề, có ghi liệt kê tổng kinh phí đào sông:
– Tiền : hơn 6 vạn 4 nghìn 6 trăm quan .
– Thóc: hơn 2 vạn 9 nghìn 4 trăm phương.
Cũng nên thêm là năm Ất Dậu 1825, vùng đất Quảng Trị, Thừa Thiên gặp thiên tai, nắng hạn, mất mùa đói kém, dân không có việc làm nên việc đốc công đào sông gặp thuận lợi. Công dân phu được trả bằng thóc và tiền tại chỗ hàng tháng. Đất mặt bằng trưng dụng đào sông, nhà cửa, mồ mã nếu có, di dời được bồi thường thỏa đáng, dụng cụ cuốc xẻng xuất tiền công mua sắm, không đụng đến của dân. Nhà Vua viết: Từ vất vả khó nhọc một lần, để hưởng lợi muôn đời(Khởi đạn nhất thời lao, vụ kì vạn thế lợi).
Tại xóm Cồn Đống, làng Cu Hoan hiện còn hai tấm bia cao 2m, rộng 1m tạc ghi :
– Ngự chế Quá Vĩnh Định hà đề (御製過永定河題) của vua Minh Mệnh năm thứ 17 (1836) lược thuật quá trình đào sông và thơ của Vua ca ngợi cảnh đẹp của sông (hình phải).
– Quá Vĩnh Định hà cảm tác (過永定河感作) thơ cảm tác của vua Thiệu Trị, năm thứ 2 (1842) khi tuần du qua sông.
Đầu đời 2 triều Nguyễn(1802-1841), sau khi vua Gia Long thống nhất sơn hà, nước ta vốn thái bình thịnh trị, nhất là dưới triều vua Minh Mạng(1820- 1841),quân sự hùng manh, kinh tế phát triển, xã hội ổn đinh…Về mặt văn hóa mỹ thuật, năm 1835 nhà Vua cho đúc Cửu đỉnh, là 9 cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế, trong đó Thuần đỉnh đúc nổi hình 2 con sông Thạch Hãn và Vĩnh Định (hình phải).
Danh xưng đơn vị hành chánh Quảng Trị thời gian này là doanh Quảng Trị, năm 1827 đổi thành Trấn, năm 1832 đổi thành Tỉnh và lập bản doanh tại làng Thạch Hãn. Tương truyền trong thời gian này, vị thế ngã 3 sông Vĩnh Định là La Duy-Duân Kênh-Ngô Xá Đông cũng là địa điểm tỉnh lỵ thứ nhì nằm trong dự tính của vua Minh Mạng.
Sau khi đào sông xong(1825), thỉnh thoảng tiếp tục công tác nạo vét sông vẫn được tiếp tục thực hiện, Châu bản triều Nguyễn ghi chép :
– Niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 3(1844)Vua cho khai vét một vài đoạn trên sông.
– 42 năm sau, năm 1867 vua Tự Đức thuận theo tờ tấu của bộ Công, cho nạo vét lại giòng sông.
– Niên hiệu Kiến Phúc năm thứ 1(1884) Vua cho nạo vét giòng sông cũ(cựu Vĩnh Định hà)đoạn qua các làng Câu Hoan, An Thư, An Thái vì sông cũ bị bồi lấp nhiều, không khơi thì ruộng bị nước ngập, dân bốn tổng ấy xin xuất tài lực, thẳng khơi một đoạn ở hai xã Kim Lung, Kim Giao, lược vét một đoạn từ xã Kim Long đến xã Hội Yên đều cho phép làm để tiện việc cấy ruộng mùa.
– Năm 1897, vua Thành Thái cho nạo vét lại sông, đoạn từ làng Đồng Dương, Diên Khánh, Kim Giao thuộc xã Hải Dương qua thôn Kim Long, Đơn Quế, Hội Yên thuộc xã Hải Quế, đến Đa Nghi, xã Hải Ba nhằm khai thông sinh thái và môi trường khu vực này, vốn bị thiệt hại sau hơn 70 năm từ khi có sông đào 7.5km, như đã nêu trên.
Tưởng cũng nên biết rằng trong số 8 con sông đào trong thời gian 30 năm đầu của 3 triều Vua nhà Nguyễn, có 3 con sông được đặt tên đầu bằng chữ Vĩnh, ngụ ý mong muốn về lâu dài và đều được khắc lên Cửu đỉnh là:
– Kênh Vĩnh Tế, dài 90km nối Châu Đốc và Hà Tiên, đào năm 1819 thời cuối triều vua Gia Long.
– sông Vĩnh Điện thiên nhiên dài khoảng 23km(xem không ảnh)từ đầu ngã sông Thu Bồn, xã Điện Phong đến ngã ba gặp sông Vu Gia tại địa ranh 3 xã xã Hòa Phước, Hòa Xuân, Hòa Quý. Vua Minh Mạng cho đào, vét, nới rộng 2 lần(1822,1824), khơi thông giòng từ Câu Nhi, xã Điện An đến Cẩm Sa, xã Điện Nam dài 1.647 trượng tức khoảng 7.2km, để thông nước 2 hệ thống sông Thu Bồn và sông Vu Gia.
– và sông Vĩnh Định .
Hiện tại trong các bài viết về tỉnh Quảng Trị, có tác giả Lê Quang Thái, trong bài Quảng Trị ơi, đất sao đất lạ lùng đăng trên tạp chí Cửa Việt(2014) viết:
…”Tháng tư năm Ất Mùi, Minh Mạng năm thứ 16 (1835) nhà Vua ngự ở từ kinh đô ra hành cung trong thành Quảng Trị bằng đường thủy. Từ Huế theo Sông Hương, sông Gia Hội ra Phá Tam Giang rồi theo sông Vĩnh Định đến sông Thạch Hãn.
Vua bảo với các quan hầu rằng: “Ngày trước ta đi thuyền đến địa phận xã Ngô Xá, trông thấy một người đàn bà già, sai hỏi tuổi thì người ấy nói rằng đã 117 tuổi chưa biết có xác thực hay không, nhưng đại phàm người chỗ mạch đất núi sông thanh tú thì phần nhiều thọ, hoặc già cũng có lý đấy”…
Nhân dịp này nhà vua bèn sai đẩy xe đi xem tường thành mới xây đắp, thấy các kỳ lão thuộc hạt Quảng Trị đang đứng đón để chiêm bái. Các cụ già có người đi chậm không theo kịp, khiến các bậc quan phủ huyện phải cõng các bậc trưởng lão đi.
Vua Minh Mạng có óc hài hước lại có tính hay giỡn như vua cha vậy. nhà Vua liền cười duyên và nói rằng: “Lũ ấy ngày thường làm cha mẹ dân, nay cõng người già đến chiêm bái thì hầu như con của dân rồi !”
Trong bối cảnh lịch sử kỳ thú này, thì có sự trùng phùng của “Dân chi phụ mẫu” với “Phụ mẫu chi dân” mà bình thường hay nhầm lẫn.”…
Theo dòng lịch sử, các cuộc chiến trên dòng sông Vĩnh Định được ghi nhận như sau :
– Năm 1470, vua Lê Thánh Tông mang quân chinh phạt Chiêm Thành, bị quân Chiêm Thành phục kích tại Cổ Lũy, thuộc cựu Vĩnh Định hà.
– Tương truyền năm 1572 danh tướng nhà Mạc, Lập Bạo bị chúa Nguyển Hoàng lập kế bắt tại bờ sông Thạch Hãn, bên làng Ái Tử, Lập Bạo đã nhảy xuống sông, lặn từ đây đến làng Vân Trình, tỉnh Thừa Thiên, nhưng cũng không thoát khỏi bởi chim trảo trảo bay theo phát giác và bị bắt, từ đó Chúa cho lập miếu trảo trảo.
– Cuối bán thế kỷ vừa qua, sau cuộc hành quân Sauterelle năm 1952(trận Thanh Hương) đến Camargue của quân đội Pháp trong chiến tranh Đông Dương chống lại Trung đoàn 95/QT từ ngày 28 tháng 7 đến ngày 10 tháng 8 năm 1953 trên đoạn đường tỉnh lộ 68 cũ hay là quốc lộ 49C hiện nay, dọc theo sông Vĩnh Định dài khoảng 10km, bắt đầu từ làng Vân Trình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên qua giao điểm quốc lộ 49B và 49C hiện nay, cho đến làng Cổ Lũy, xã Hải Ba và giao tranh dữ dội nhất là tại làng Đơn Quế, xã Hải Quế mà ký giả nổi tiếng Bernard Fall khi đó là phóng viên chiến trường, đã đặt tên là Con Đường Buồn Thiu(La Rue Sans Joie) và cũng tại đây 14 năm sau, tháng 2 năm 1967, Bernard Fall tử thương vì dẫm phải mìn trong cuộc hành quân Operation Chinook II của quân đội Mỹ.
Con Đường Buồn Thiu (dài khoảng 10km)năm 1953 và Đại Lộ Kinh Hoàng (Highway of Horrors) khoảng 9km, từ cầu Trường Phước đến quá cầu Bến Đá) năm 1972 là những nghiệt ngã trong chiến tranh Việt Nam mà dân Quảng Trị đã phải hứng chịu trên trên địa bàn của giòng sông Vĩnh Định, sông Nhùng và sông Bến Đá.
Các sự kiện diễn biến cuộc sống cư dân trên vùng đất này là đề tài âm nhạc được sáng tác như, nhạc sĩ Nhật Ngân có viết bài Con đường buồn thiu, là đoạn đường sinh tử, chết chóc, đau buồn, trong chiến tranh Việt-Pháp năm 1953.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ viết bài Đưa Em Xuống Thuyền(do Ái Vân, con dâu làng Xuân Dương hát) theo lời kể của Ông, mô tả đám cưới người anh của nhạc sĩ vào đầu thập niên 40 thế kỷ vừa qua, thuyền rước dâu trên giòng Vĩnh Định, từ làng Thi Ông, Hải Lăng đến làng Bích Khê, Triệu Phong.
Hệ thống sông ngòi tỉnh Quảng Trị gồm 7 sông, nhưng quan trọng hơn cả là hệ thống sông “Bến Hải-Thạch Hãn-Ô Lâu” chạy dọc theo chiều dài tỉnh từ sông Ô Lâu tới sông Sa Lung(huyện Vĩnh Linh) các thế kỷ trước, là thủy lộ từ kinh đô Huế ra Bắc, ngắn và an toàn hơn đường biển.
Sông Vĩnh Định nối sông Thạch Hãn và Ô Lâu chảy vô phá Tam Giang, nhánh phụ sông Vĩnh Định cũng nối sông Thạch Hãn(và sông Hiếu) đổ ra biển Cửa Việt, sông Cánh Hòm nối sông Hiếu và sông Bến Hải là thủy lộ thuận tiện hàng đầu từ thế kỷ 19 trở về trước, trục thị tứ sầm uất thời kỳ này là chợ phiên Cam Lộ, thị xã Quảng Tri, chợ Sãi, chợ Ngô Xá, rồi đến Chợ Sịa, chợ Bao Vinh thuộc tỉnh Thừa Thiên.
Dĩ nhiên, so với sau này ở giữa thế kỷ 20, khi khoa học kỹ thuật phát triển, với xe hơi, xe lửa, đường hàng không thì vai trò vận chuyển bằng đường thủy, trên sông ngòi khắp mọi miền đất nước trở nên yếu kém hơn, không riêng gì trên thủy lộ. Nhưng thử nghỉ, tự hằng trăm năm trước, cho đến khi Quốc lộ 1 được người Pháp cho làm từ năm 1918, thì con đường bộ Nam-Bắc là con đường Thiên lý, con đường cái quan nhỏ hẹp băng qua những vùng ít dân cư, lắm thú dữ, và chưa có xe cộ, thì rõ ràng vai trò vận chuyển trên đất liền bằng đường sông là chiếm ưu thế và tiện dụng.(Hình bên: Quốc lộ 1A trước năm 1918 khi chưa làm, chỉ là con đường cái quan thiên lý). Cũng vậy, đường xe lửa Bắc-Nam từ Hà Nội đến Saigon dài 1.730 km, chạy dọc theo quốc lộ 1, hoàn thành và được đưa vào xử dụng vào năm 1936.
Sông Vĩnh Định không chỉ là nguồn nước chảy, sông Vĩnh Định còn mang theo cả tinh thần cuộc sống của cư dân 2 bên bờ. Tiếng chuông chùa ngân nga buổi sáng, vang vọng kinh cầu buổi chiều tại các giáo đường, tiếng hát câu hò trên đò doc, hay tiếng đập loong coong xúc cá của vạn chài... là những kỷ niệm êm đềm vốn có và là tưởng niệm muôn đời của những ai đã từng sinh sống tại đây(Hình phải:Bến nước làng Trà Lộc, nhìn sang từ bến Miệu làng Ngô Xá Đông, ảnh chụp 2021- Bs.NCV). Tính từ năm 1825, đến nay là đã 196 năm, thế hệ Baby boomers sinh sau thế chiến thứ 2, đặc biệt được chứng kiến sinh hoạt cùng các cư dân, làng mạc dọc theo giòng sông Vĩnh Định rõ nét cùng hoài niệm dòng sông đã mất bởi công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, trong ngậm ngùi tiếc nuối một thời, một đời.
Công trình dẫn thủy nhập điền đập Trấm năm 1977 rất đáng được ghi nhận, tuy thế việc ngăn chặn giòng chảy của sông Vĩnh Định tại đập An Tiêm và Ba Bến là một thiếu sót khoa học kỹ thuật chuyên môn và công tác dẫn thủy nhập điền, trị thủy của gần nửa thế trước là do điều kiện khó khăn tạo nên như thế. Nay tình thế đã khác, thiết nghĩ cư dân 2 bên bờ sông cùng chính quyền sở tại, nên có các cuộc thảo luận , trao đổi để đi đến quyết định chuyên môn là, điều chỉnh đập An Tiêm và Ba Bến, điều hòa lưu lượng nước, khơi thông giòng chảy, nạo vét giòng sông…giải quyết môi trường môi sinh khu vực, phát huy chức năng cũ của giòng sông về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế…tránh thảm họa lũ lụt, thoát khỏi dịch bệnh do ô nhiễm, tái tạo sinh thái 2 nhánh phụ và chính của sông Vĩnh Định với hơn 100.000 cư dân sinh sống tại đây. Vấn đề là kinh phí nhưng có thể xin thêm các quỹ quốc tế tài trợ nếu tự túc còn thiếu và điều này không khó. Hạ 1 cây che bóng mát đã là một điều bất nhẫn, huống là ngăn chặn một giòng sông. Cứu lấy giòng sông là cứu lấy chúng ta.
Và nếu được như thế, hãy tưởng tưởng một ngày nào đó, thử ngồi thuyền máy theo tours du lịch Quảng Trị, đi từ mạn Nam tỉnh nhà tại làng Xuân Viên bên sông Ô Lâu, theo giòng Vĩnh Định, đổ qua sông Thạch Hãn, ra sông Hiếu, vượt sông Cánh Hòm, đến sông Bến Hải, theo giòng Sa Lung, dừng chân ở Hồ Xá, huyện lỵ Vĩnh Linh… chúng ta như được sống lại cùng tổ tiên từ hằng trăm năm về trươc, nhất là từ khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận-Quảng tại Ái Tử năm 1558, mở đầu công cuộc Nam tiến.
Xin ghi chú thêm rằng, cùng mục đích bài viết này là, để điều chỉnh các sai lệch thuộc tài liệu về sông Vĩnh Định vốn có trong sách vở và trên internet, đặc biệt hiện nay, vì tam sao thất bổn trong suốt thời gian dài 196 năm, đồng thời cũng là để tưởng nhớ những em bé bơi lội, các bà chị, bà mẹ giặt giủ bên sông, các bác nông phu ra đồng sau ngày cày cấy, ra bến sông tắm rữa, bầy trâu mẹp, làn hơi nước tỏa trên sông buổi sớm, âm vang tiếng hò lãng đảng trong đêm trăng… cứ thế, qua nhiều thế hệ xưa nay… từ đó, rất mong muốn được mọi người, mọi giới đặc biệt các sinh viên tỉnh nhà, nếu có dịp nên viết, làm luận văn tốt nghiệp về đề tài này, để xem xét lại, hoàn thiện và quy củ hơn chủ đề Khơi Lại Giòng Sông Vĩnh Định, bảo đảm môi trường môi sinh và sinh thái vùng đất của lòng người, trong lòng lịch sử, thì không có gì quý hơn. Đa tạ !
Boston, ngày 9 tháng 3 năm 2021
Trương Thúy Hậu
@cohocvietnam
 
Viết theo các tài liệu trên internet dẫn giải trong các insert links, cùng không ảnh từ vệ tinh do Google chụp.
*************
NHỚ VỀ SÔNG VĨNH ĐỊNH
 
Xa quê luôn nhớ về Quảng Trị
Cả đời buộc chặt một giòng sông
Sông chảy ngàn đời như lòng mẹ
Xanh trong Vĩnh Định nước xuôi giòng.
 
Thạch Hãn phụ lưu sông quặt phải
Cổ Thành-chợ Sãi tới Ô Lâu
Hai mươi cây số qua làng mạc
Bồi đắp phù sa đất bạc màu.
 
Ngô Xá-La Duy đất nội ngoại
Duân Kinh đối diện ngã ba sông
Đào tới Hội Yên qua hói Dét
Nối tiếp Ô giang suốt một giòng.
 
Văng vẳng dư âm từng hồi trống
Rộn ràng thúc dục khúc hoan ca
Bảy cây số rưỡi, đào ba tháng
Minh Mạng: “mệnh vi Vĩnh Định hà”.
 
Tuần thú Bắc phương vua Thiệu Trị
Thuyền rồng ghé lại bến Trung Đan
Thần dân trăm họ tung hô dậy
Vạn tuế quân vương vạn vạn lần.
 
Cồn Đống-Cu Hoan bia đá dựng
Ngự chế thơ đề vạn thế sau
Cửu Đỉnh văn minh phương Đông đứng
Danh xưng nước Việt Nam lẫy lừng.
 
Ngày hân hoan cờ hoa lễ hội
Xóm làng vui trăm họ sum vầy
Xuân Hạ Thu Đông vòng trục xoáy
Đời trước đời sau tiếp lại ngày.
 
Cám ơn sông Nhùng sông tiếp nước
Lòng tràn Triệu-Hải đất bao dung
Ba Bến ngã ba chia nhánh phụ
Đổ qua Hãn-Hiếu lại chung cùng.
 
Sông, nước, con người, chung một thế
Đời này đời nọ tiếp theo nhau
Tháí bình thịnh trị niềm hoan hỉ
Nghĩa tình chung ruột thịt đồng bào.
 
Sông chiếu lại góc trời lịch sử
Chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ phương Nam
Trống chiêng rộn kèn loa mở nước
Xóm làng xưa qui ước dựng thành.
 
Ông cố ông sơ lòng hăm hở
Ngoài sân rộn rã trẻ thơ cười
Vuốt chùm râu bạc ngồi lên chiếu
Gia phả từ nay đã lập rồi.
 
Cuốc ruộng cày bừa cha chân đất
Chày vồ táng đập tảng đất khô
Mồ hôi đổ xuống nền thêm mặn
Ơn sao trời mưa gió thuận hòa .
 
Nhớ xưa chị ra sông giặt áo
Con trâu nằm mẹp gốc cây sung
Bến nước trưa gió Nam lồng lộng
Em thơ ngụp lặn lội vẫy vùng.
 
Thằng cháu mới sinh trông tuấn tú
Rõ ràng cha mẹ gặp lương duyên
Có phải trời xui cùng đất khiến
Kế thừa Lê- Nguyễn chuyển truyền đời.
 
Vầng ráng lạ báo tin lũ dữ
Trời thấp cao kéo nước đổ về
Con cá cấn bụng to đầy trứng
Lá gừng kho miếng mặn vùng quê.
 
Sông cũng buồn qua nhiều cuộc chiến
Vòng vây xưa Đơn Quế- Đồng Dương
Nước buồn thiu con đường đổ lệ
Những oan khiên đè nặng đôi đường.
 
Cầu bắc qua niềm thương nỗi nhớ
Tiển người đi giây phút chạnh lòng
Rứt ruột tha hương tìm đất lạ
Mẹ mong sao con cứng đá mềm.
 
Sông yêu cầu mà sông ghét đập.
Đập chặn giòng sông chảy của sông
Sông với cầu có chung có thủy
Lở bồi bên chung thủy có nhau.
 
Rượu Kim Long bước chân cao thấp
Nước chè xanh níu áo con người
Khói lam chiều quê hương vẫy gọi
Hát ru em kẻo kẹt vành nôi.
 
Vĩnh Định những đêm trăng vằng vặc
Theo thương hồ những chuyến buôn xuôi
Tiếng hát hò vọng lên trầm bỗng
Sắt son người duyên thắm kết đôi.
 
Chú học trò vào kinh ứng thí
Thỏa lòng mong khung cửi yêu ai
Cõng việc đời gánh nặng đôi vai
Vốn kẻ sĩ triều đình không phụ.
 
Nhớ sông xưa như nguồn sữa mẹ
Một thời đằm thắm tuổi hoa niên
Nước xanh trong nuôi điều hy vọng
Ái Tử mong từng bước con về.
 
Sông là mạch nổi của lòng đất
Nước bốc hơi tụ khí mây trời
Không chỉ nước mà là sự sống
Trần gian này khép mở khôn nguôi.
 
Nước non ngàn dặm ra đi mãi
Chớp bể mưa nguồn chạnh ngoái lui
Tìm về quê cũ nơi yêu dấu
Có một giòng sông lỡ hẹn hò.
 
Chuyện An Tiêm làm vua phật ý
Lẻ loi đảo vắng tội Mỵ nương
Biển mênh mông nào ai đắp đập
Dưa hấu ngon giống lại mang về.
 
Mai này chắc hẳn giòng sông ấy
Trở mình xếp lại nếp thương đau
Nước chẳng phụ người, đất cũng chẳng
Niềm vui xé đập nước tuôn mau.
 
Trời đất bao la mà ngắn ngủỉ
Chỉ còn sót lại một giòng sông
Xin gửi nơi đây lòng tín cẩn
Khơi ngòi cứu lấy một giòng sông.
 
Trời cao xin thành tâm cúi lạy
Gọi ơn người xin cáo đất chung
Vĩnh định muôn đời sông Vĩnh Định
Thạch Hãn mong sông nối lại giòng.
@Trương Thúy Hậu
Boston, 15.11.2021