HÀNH TRÌNH THÁNG TƯ
về Nhà thờ Cây Da, Diên Sanh với “thiên tình sử Ô Lâu”
Nhà thờ Cây Da hầu như ai cũng biết, nó khá gần gũi với người dân Quảng Trị, nhất là người làm ruộng sâu của vùng trũng Hải Lăng. Chùng tôi đến nhà thờ Cây Da từ 2 hướng chính: anh em ở các xã phía Nam men theo dòng Ô Lâu hiền hòa trong xanh, đến ngã rẽ qua dòng Ô Giang chúng tôi vui mừng vì không lâu nữa chiếc cầu kiên cố nối 2 xã Hải Sơn và Hải Phong sẽ được xây dựng lại với 2 làn đường rộng rãi, đi lại thuận tiện hơn và làm đẹp cho quê hương đổi mới! Còn hướng phía Bắc và trung tâm Thị trấn về sẽ theo đường quốc lộ I cũ rẻ qua đường “xuyên Á” và chỉ hơn một cây số rẻ vào con đường bê tông chạy giữa cánh đồng một màu xanh tràn đầy hi vọng, thể hiện sự no đủ của dân quê Hải Lăng, là vựa lúa của Quảng Trị chúng ta...vừa tròn 1,5 km là đến nhà thờ Cây Da. Điểm tập kết của khóa 8 trong hành trình tháng Tư này!
Hôm nay, một số ban ốm đau do thời tiết thay đổi hoặc đó công việc riêng khg sắp xếp để tham gia được. 8giờ30 về đến Hải Tân có được bạn Tuy, bạn Hương, bạn Tuấn và bạn Lạp. Nhớ lại một thời cơ cực khi mang con chữ đến các vùng Càng. Cực khổ do đường sá, trường lớp tạm bợ... Cực nhất là mùa lũ, cả cánh đồng nước mênh mông như biển cả, từng xóm Càng như những ốc đảo xa xôi, bị cô lập với các làng xung quanh... Hải Lăng là vùng đất có bảy càng bao gồm càng An Thơ, càng Cây Da, càng Hưng Nhơn, càng Hội Điền, càng Mỹ Chánh, càng Câu Nhi và càng Trung Đơn. Mỗi càng như vậy chỉ có trên dưới 30 hộ gia đình sinh sống. Các vùng càng có nhiều cá đồng tươi ngon, có chuột đồng mùa lũ, có vịt đàn và nhiều đặc sản riêng có của vùng càng mà không phải ai cũng may mắn được thưởng thức!
Với con lộ bê tông men theo dòng Ô Giang giúp cho người nông dân thoải mái đi lại với các phương tiện cơ giới. Qua rồi một thời cơ cực đường lầy lội, đi xe đạp còn khó, có khi phải nhắc xe đi bộ! Nay, quê hương ta đẹp quá, không khí trong lành với cánh đồng bát ngát một màu xanh của lúa tốt tươi, hy vọng một vụ mùa bội thu cho nông dân quê hương mình thêm niềm vui ngày thu hoạch vào tháng 5 sắp tới...
Từ Hà Lỗ ra Văn Trị (thuộc Hải Tân cũ) chừng 2 km, đến Cây Da hơn một cây số. Chiếc cầu bắc qua Ô Giang được xây năm 2004 được mang tên cầu Cây Da đã làm cho cảnh quan nhà thờ thêm thơ mộng. Cầu chỉ phục vụ cho xe 2 bánh nối đôi bờ thuận lợi đi lại cho vùng Càng, các xã phía Nam với các xã phía Bắc và trung tâm Thị trấn Diên Sanh...
Đến 9 giờ anh em chúng tôi đón các bạn ở Thị trấn về đường xuyên Á: bạn Ngự, bạn Đồng, bạn Tài ở Quảng Trị cùng về với bạn Tuyết. Bạn Gạc ra Hải Trường, ra đường xuyên Á cùng về với bạn Kiều Thu (ở Huế)... Chúng tôi về Cây Da với thôn Diên Trường của xã Hải Thọ trước đây, có ngôi nhà thờ Cây Da toạ lạc cao chọc trời, hoành tráng xiết bao! Bên dòng Ô Giang tưới mát cho cánh đồng lúa mênh mông xanh một màu xanh của lúa, xanh của sông nước hoà với màu xanh của mây trời tưạ như một bức tranh mà tạo hoá ban tặng. Chính vì thế mà nhà thờ Cây Da tạo nên một sự khác biệt, còn giữ được chút chân chất của cảnh thôn quê thanh bình, yên ả, không khí trong lành với cảnh đẹp mê hồn đã thu hút biết bao du khách gần xa!
Vào thế kỷ thứ XVIII, để tránh những cuộc bắt đạo dưới thời các chúa Nguyễn, các giáo dân theo đường thủy về đây, nguyên là hòn cù lao nổi lên với cây đa to lớn (nay không còn dấu tích nữa). Nhà thờ Cây Da có từ đó với nhà nguyện làm bằng tranh tre nứa lá tạm bợ thôi ... Và nay được xây dựng khang trang, to đẹp và được khánh thành 24/7/2008.
Cha Bênêđictô Lê Quang Viên, gốc An Vân, lại làm Quản xứ Cây Da và Càng Mỹ Chánh (08/03/2002-28/4/2009). Ngoài các công trình trên, Cha còn cho xây dựng công trình nước sạch phục vụ người dân ở đây.
Cây Da thuộc thôn Diên Trường (của xã Hải Thọ) nằm về hướng Đông của làng Diên Sanh. Giáo xứ Cây Da nay thuộc xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Nam giáp xã Hải Trường. Đông giáp sông Ô Giang và Bắc giáp xã Hải Thành.
Cây Da còn lưu lại một bài hò “Cây Đa Bến Cộ” rất tình tứ phát xuất từ lâu đời bởi con sông Ô Lâu là ranh giới của hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên:
Trăm năm diều (nhiều) lỗi hẹn hò, (1)
Cây đa bến cộ (cũ) con đò khác đưa.
Cây đa bến cộ còn lưa, (còn lại hay còn đó)
Con đò đã thác năm xưa tê (kia) rồi!
Câu chuyện kể như sau: Ngày xưa có anh học trò trên đường vào kinh đô Huế ứng thí, khi đi ngang bến đò này, gặp cô lái đò trẻ và đẹp, hai bên đã hẹn hò với nhau. Thế rồi anh học trò thi hỏng nên buồn tình không trở về cố hương nữa. Cô lái đò chờ không được phải đi lấy chồng. Khi anh học trò trở về thì; “Con đò đã thác năm xưa tê (kia) rồi”.
Trong hành trình về xứ Kẻ Lạng trước đây, bạn đọc cũng hình dung: cây đa, bến cũ, (giếng nước, sân đình...) gần như trên mọi miền quê hương VN ta ở đâu cũng có. Lần này về Cây Da, chúng tôi muốn giới thiệu về nhà thờ Cây Da và góp thêm một giả thuyết vào chuyện tình sử năm nao....
Trong một báo cáo của Đức cha Allys (Lý) năm 1923 gởi Hội Truyền Giáo Paris, ngài viết: “Trong số các Giáo xứ đã chịu nhiều đau khổ năm 1885 phải kể đến Kẻ Văn (khi đó Cây Da thuộc giáo xứ Kẻ Văn) mà phần lớn cư dân đã có thể đi vào Huế. Từ con số 619 giáo dân lúc đó, bây giờ (1923) đã lên tới 1,175 người, không kể 5 họ nhánh cách đây ít lâu vẫn còn trực thuộc, và giờ đây đã tách ra làm thành Giáo xứ Bến Cộ.
Qua đoạn trích trên cho thấy Cây Đa , Bến Cộ là có gốc tích ở đây phải không các bạn?!
Ngoài ra, chúng ta thấy rằng ngày xa xưa từ chợ Kẻ Diên vào Bao Vinh (Huế) là đi thuyền. Thuyền đi từ chợ Kẻ Diên qua con hói (kênh) hẹp vào bến Cây Da ở Ô Giang. Ngày ấy đây là bến sông do sông Ô Giang rộng đủ cho nhiều thuyền buôn xuôi vào phá Tam Giang và ngược lên dòng Hương Giang đến với phố thị Bao Vinh sầm uất. Đây là con đường thủy về kinh đô xưa. Phải chăng chàng thư sinh ấy theo thuyền buôn vào Huế để ứng thí. Với khoảng đường dài, với chiếc thuyền buôn đủ cho chàng thư sinh ôn lại bài vở và cũng đủ thời gian cho chàng dệt nên mối “tình sử Ô Lâu”. Các bạn thử nghĩ xem, một chuyến đò ngang mấy tiếng đồng hồ mà có nên thiên tình sử thì khả năng khó thuyết phục?! Dĩ nhiên, mọi việc đều có thể xảy ra! Tuy nhiên, các bạn biết không: như đã nói ở trên ta có Bến cộ, có Cây đa. Ngoài ra, tôi còn tìm thấy các bảng ghi thông tin ở nghĩa địa, ở bia lăng tử đạo ghi CÂY ĐA. Ngoài ra, đâu đó trên trang web nơi thì ghi nhà thờ Cây Đa, nơi thì Cây Da...
Cũng nói thêm, nhánh sông Ô Giang bên nhà thờ Cây Da thì có tài liệu họ vẫn ghi là Ô Lâu. (Ví dụ: “ngày 24-09-1885, đã có 123 tín hữu tử vì đạo dưới bàn tay Văn Thân. Các vị đã bị chém chết tại nhà thờ, sau đó bị vất xác xuống dòng sông Ô Lâu” <trong lược sử giáo sở Cây Đa, ngày 31/8/2019>; hoặc Google Map không gọi Ô Giang mà gọi Ô Lâu ngang qua Cây Đa!)
Mặt khác, sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định thực hiện năm 1807 nói rõ nguyên cớ câu ca dao xưa. Rằng truông Nhà Hồ từng có bọn người chuyên cướp bóc bộ khách trên đường. Còn phá Tam Giang sâu hiểm, có ba con “sóng ma” thường xuyên xô đắm thuyền bè qua lại khiến người chết rất nhiều nên mới có câu: “Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”.
Vậy trên đường vào Kinh, ngoài đường bộ vượt qua truông Nhà Hồ (ở Vĩnh Linh bây giờ) thì còn phải đi thêm bằng con đường thủy vào phá Tam Giang quá các chuyến thuyền buôn từ chợ Kẻ Diên (Diên Sanh bây giờ) vào Cây Đa xuôi Ô Lâu (Ô Giang bây giờ) ra phá Tam Giang ngược lên dòng Hương Giang đến Bao Vinh: một thương cảng lớn nhất của xứ Đằng Trong kéo dài hai thế kỷ XVII – XlX.
Tóm lại, trên đường thiên lý Bắc-Nam: đi bộ qua truông Nhà Hồ, đến chợ Kẻ Diên vào bến Cộ cây Đa (Cây Đa bây giờ) đi thuyền buôn vào Bao Vinh (cách kinh thành Huế 2 km). Sông nước hữu tình, đi cả ngày lẫn đêm,...khung cảnh nên thơ ấy đã dệt nên mối tình của chàng sĩ tử và cô lái đò duyên dáng đáng yêu. Phải chăng giả thuyết này đủ sức thuyết phục hơn là chuyến đò ngang dòng Ô Lâu để rồi vẫn tiếp tục đi bộ vào kinh ứng thí. Thời gian cô cậu gặp nhau trên chuyến đò ngang quá ngắn ngủi chắc chưa đủ chín một cuộc tình phải không các bạn?!!
Tạm biệt Cây Da, anh em chúng tôi lên thị trấn Diên Sanh. Ghé thăm nhà bạn Phạm Bá Nhơn (ven lộ xuyên Á) hôm này đặt móng. Bạn sẽ xây dựng nhà thờ gia đình và khu nghỉ khi về thăm quê cùng tháp bê tông để khoá chặt bạn với quê cha đất tổ, với bạn bè mến yêu!
Do công việc, bạn Nhơn không về Thị trấn cùng chúng tôi, bạn hẹn đầu giờ Ngọ sẽ đến họp mặt chúng vui....
Các bạn Nguyễn Chữ, bạn Vâng, bạn Nguyễn Dẫn, bạn Dương Tỵ, bạn Phước.... đã đón chúng tôi ở 41, BDT. Tay bắt mặt mừng, hỏi han nhau với nhiều câu: răng... rứa... hè...?!
Dự kiến 20 bạn, này được 15 bạn thôi! Chúng tôi bên nhau bàn bạc về nội dung của hành trình tháng Năm vào miền Nam với chủ đề: “Nhóm bạn K8 thăm thầy cô, thăm bạn bè Khoá 8 và thăm quan du lịch”. Dự kiến Đoàn cũng có được trên10 bạn. Chắc hành trình sẽ thành công do được sự động viên và ủng hộ nhiệt tình của bè bạn gần xa. Đây là một trong 2 việc lớn mà Khoá 8 sẽ thực hiện trong năm nay. Do vấn đề sức khoẻ, mùa vụ nên đã hạn chế về số lượng trong cuộc hành trình dài ngày lần này. Mong cho hành trình tháng 5 thành công đạt được các nội dung và ý nghĩa của nó!
Hành trình tháng Tư bạn Bùi Thị Tuyết đăng cai, do nhà có công việc nên đã mượn nhờ nhà 41, Bùi Dục Tài của vợ chồng bạn Ngự. Nhà vợ chồng bạn Tuyết ở thôn 1 (trước mặt trường TH Hải Thọ và Chùa Diên Bình). Chồng của bạn là anh Lê Đắc Hàm cũng là đồng môn Hải Lăng (k4). Anh chị có 4 cháu trai và 2 cháu gái. Hiện đã lo cho các cháu yên bề gia thất, nội ngoại đề huề... Hôm nay anh Hàm không gặp các bạn được, anh em K8 chúc cho gia đình anh chị an vui, hạnh phúc và luôn có những chuyến du lịch cùng cháu con để an dưỡng tuổi già!
11giờ trưa chúng tôi liên hoan. Bạn Tuyết đã gợi lại các món truyền thống của làng Diên Sanh: xôi thịt (heo, gà), cháo...có cải biên đôi chút cùng với “đậm đà miền Trung”. Bạn Nhơn tăng cường một hộp “loon cao” càng làm cho hồi kết của hành trình càng kéo dài.... Anh em chia tay khi trời đã qua chiều với cơn mưa bay bay như muốn níu chân các bạn lại! Cảm ơn gia đình bạn Tuyết và bạn Ngự rất nhiều đã tạo điều kiện cho anh em U70 vẫn còn ‘nghiên cứu' về Tình sử Ô Lâu với độ chín tuyệt vời như cảnh đẹp nên thơ của nhà thờ Cây Da bên dòng Ô Giang thơ mộng cùng chiếc cầu Cây Da nối đôi bờ gắn kết với một đêm trăng! Tuyệt vời! Rất tuyệt vời phải không các bạn!
Mong các bạn ra về bình an, không gặp công an!!! và hẹn gặp lại nhau (trực hoặc gián tiếp) trong hành trình tháng 5 vào thành phố Hồ Chí Minh nhé!
Nguyễn Lạp,16/4/23.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét