Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2023

SỎI ĐÁ TÌNH QUÊ

 

SỎI ĐÁ TÌNH QUÊ
 
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn
(Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên)

💐💐💐 
Chiều nay ngồi một mình bâng khuâng… rồi lòng chợt nhớ: Nhớ nhà, nhớ trường, nhớ bạn…nhớ đến da diết, nên thả tâm hồn lang thang về Quảng Trị…
 
Về cái nôi với bốn tao dây thuở mới chào đời, về những hạnh phúc khi mất đi mới thấy tiếc nhớ, đó là thời gian đẹp nhất đời, đã vuột khỏi tầm tay lặng lẽ.
Những ngày trời đổ mưa buồn như ri, tôi nhớ mưa Quảng Trị…Mưa thâm trầm, dai dẳng…Mưa buốt thịt cắt da. Vậy mà tôi và các bạn phong phanh đến trường chẳng chút gì là lạnh cả. Áo ấm đủ màu nhưng mỏng manh lắm, dường như cốt để làm dáng, điểm xuyết thêm màu sắc để tà áo trắng đồng phục bớt đơn điệu trong tiết trời âm u mà thôi. Sân trường lúc ấy thật đẹp. Mưa như tấm màn trắng phủ kín không gian, những chiếc ô xanh, đỏ… lượn quanh như vũ khúc “ Mưa Rừng”. Có bạn xắn quần cao đến gối, khoe những bắp chân trắng nõn nà mà thanh khiết như nụ hoa Thủy Tiên. ....
 
Nắng lại chạnh nghĩ đến gió Lào tháng tư. Gió ầm ầm giựt mái tole, tung bụi mù đường…Ngày xưa làm gì có chuyện bịt mặt kín mít như bây giờ, mà sao da dẻ các cô gái vẫn trắng trẻo, mịn màng nhỉ? Và hình như hồi ấy Quảng Trị cũng ít gió hơn, phải chăng vì nhiều cây che chắn ? Bây giờ ngủ trong chăn ấm, tôi lại chảy nước mắt thương ba mạ những ngày hồi cư. Khổ quá, bao nhiêu tiền của vứt hết trong Ngân Khố, lớp đem cúng thiên địa ở bãi biển Tiên Sa, nên làm chi có tiền mua chăn bông Trung Quốc, hay mền dạ Liên Sô để đắp? Nhà nào còn giữ được mấy tấm “ ra dù” thì khỏi lo mùa đông tháng giá. Phải cám ơn mấy hầm rác Mỹ vẫn còn tồn lại sau chiến tranh, những bao cát đào lên còn mới, về giặt giũ sạch sẽ, rồi may chắp may nối hai lớp thành mền cho qua mùa lạnh, thú thật lúc đó thấy ấm áp lắm. Anh Cả của tôi còn may áo để mặc lao động nữa, còn khen là bền và tiện lợi.
 
Mùa đông năm 1975 lạnh đến cá cũng chết đầy đồng, người chịu sao nổi phải đốt củi sưỡi ấm. Đúng là của khó khăn trở thành tận dụng, những cây thầu đâu mọc đầy vườn hạ hết xuống, chất đống làm chất đốt, nhưng đượm nhất là gốc sim, mua... đi đào về chẽ đôi phơi qua mùa nắng, đến mùa mưa lạnh tha hồ ngồi ấm. Còn cái nổi dịch ngứa gãi sồn sột đến chảy máu nữa chứ. Thương hai cô em gái tuổi vừa mới lớn, đẹp như hoa hồng, đám thanh niên Kiến Trúc cứ theo bắt chuyện làm quen. Cứ mỗi lần họ đến là hai đứa dấu tay trong túi vì mắc cỡ. Chao ôi! Phải chịu đựng nín gãi đến điên người, đừng đụng vào dù nhẹ…hiệu ứng dây chuyền thôi thì khỏi nói, đam mê chi lạ lắm…tróc da, rách thịt cũng không đã…Nhưng may thay, cũng nhờ hầm rác Mỹ còn có những chai thuốc muỗi. Mạ tôi không biết nghe ai mách mà mua về. Chẳng cần biết độc hại hay không, chỉ biết sau khi gãi đã đời sương gió, tắm nước ấm nóng sạch sẽ chị em tôi bôi lên…Rát đến nhảy nhót một hồi, vậy mà chỉ mấy ngày “ cái Ghẻ” biến mất…Không hề lưu lại dấu vết tựa hồ như chưa một lần ghé đến. Vậy nên khó mà quên lắm. Không biết có phải vì điều này mà em gái út của tôi bị bịnh sau này không? 
 
Hai cô em gái của tôi phải bỏ học đi làm công nhân. Chao ôi! Cái từ Công Nhân Xây Dựng, Kiến Trúc nghe thiệt là oai, nhưng chỉ là những cô phụ thợ nề trộn vữa, quét vôi, hay bốc vác Thạch Cao từ Lào chở về…
 
Anh tôi là Giáo Viên được tin tưởng lưu dung, cử lên vùng núi để đem cái chữ cho bản làng… Phấn đấu không bao lâu nẩu cả người, bỏ nghề về làm kế toán tổ hợp cơ khí, rồi cưới vợ…
Tôi thì theo chồng vào Quảng Ngãi, vô nghề bất tướng làm cô hàng rong phụ chồng nuôi con. Có thời gian cũng theo buôn bán hàng Lào, nhưng khổ quá cứ gặp thuế vụ là run bắn người lên nên đành giải nghệ sớm. Nếu ai có dịp đi qua Quảng Ngãi, thấy đám hàng rong nón cời, tay xách nách mang những thỏi đường phổi, mạch nha chạy theo xe bán, đó chính là hình ảnh của tôi mấy năm làm dâu xứ Quảng. Cô tiểu thư con gái ông Đội một thời, cũng phải sống, phải ăn và phải có trách nhiệm với mấy đứa con rứt ruột sinh ra, nên phải bương chãi nắng mưa khốn khổ. Nhiều lúc thoáng thấy bóng người quen ngoài quê đi xe đò ngang Quảng Ngãi dừng lại, vội lũi trốn như chạch vì tư tưởng danh giá hảo, thêm một vấn đề là rất sợ đến tai gia đình, sợ ba mạ buồn lo cho tôi. Nói đi cũng phải nghĩ lại, có từng trãi gian khổ mới nhận ra chân giá trị của đồng tiền, nếu sống mãi trong nhung lụa liệu có được chút kinh nghiệm sống như ngày nay? Không khéo chưa biết nấu bữa cơm gia đình ra sao nữa là khác….
 
Qua hết rồi nên suy ra cũng không gì khó: Với sức người sỏi đá cũng thành cơm…nên mình cũng là người Quảng Trị có khổ bao nhiêu cũng chịu được, chừ êm ấm, ổn định ngồi rung đùi kể lại, tự nhận thấy có ai hơn dân mình cái bề dày chịu thương chịu khó vì chiến tranh không nhỉ ? . Kỷ niệm đã xa thật xa, cơ hồ như một giấc mơ. Có nhiều lúc ôm quyển sách trên tay đọc những bài của đồng môn cứ tưởng của mình, đang nói về mình bỡi bài nào cũng mang dáng dấp chung chung của một thời tuổi trẻ. Từng bến sông, con đường..từng hàng cây, phiến đá hằn sâu trong ký ức. Ngay cả những Hoa Phượng trong sân trường Nguyễn Hoàng hay dọc bờ sông Thạch Hản cũng đặc biệt hơn, màu đỏ thắm hơn bất kỳ ở đâu. Cái Thị Xã bé bỏng như bàn tay “ Đi dăm bước đã về chốn cũ” nên ai cũng là hàng xóm mà sao đẹp chi lạ, cứ ước ao được quay trở về. Là người Quảng Trị, là CHS Nguyễn Hoàng, ai chưa một lần đi đò qua chùa Sư Nữ, hay xuôi ngược đập Rù Rì? Ai chưa một lần đặt chân lên nhà thờ La Vang? Ai chưa từng bắt dế, châu chấu hay bọ rầy?...Vì thế, bài viết nào cũng như thể đang viết cho chính người đang đọc, dù cây viết xuất thân ở phố hay vùng quê…từ Đông Hà, Ái Tử hay Hải Lăng , Lam Thủy…
 
Đó chính là sự thành công nhất định của các tay bút “Cây nhà lá vườn”…trong lòng dân Nguyễn Hoàng Quảng Trị Nên thơ văn Quảng Trị chảy từ trong mạch sống thực mà ra…Cần chi trình độ.
Đó là tôi nghĩ thế thôi, xem như bào chửa cho khả năng hạn hẹp của mình cũng được vậy.
 
 Đờ Quy Tê 
My memories Happy or Sad?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét