1 .
Mẹ ơi !
Con đã về đây .
Giữa mùa Hè nắng cháy .
Cơn gió chiều thổi nhẹ suốt đường quê .
Con thả bước nặng nề .
Đếm những xót xa , niềm đau lặng lẽ ,
Cuộc đời con …
Mồ côi Mẹ hôm qua .
Vượt đường xa , từ bên kia trái đất .
Về đây tiển Mẹ .
2.
Mẹ ơi !
Con đã về đây .
Đất Gio Linh khô cằn đá sỏi .
Quảng Trị quê mình một cỏi vấn vương .
Ở nơi đây bao mồ hôi Mẹ đổ .
Đổi nhọc nhằn , cho lúa trổ thành cơm .
Lưng Mẹ còng
Trên đồng ruộng rẫy nương ,
Mong con thẳng bước ,
Đến đường tương lai .
Mẹ thân cơ cực miệt mài .
3.
Mẹ ơi !
Con đã về đây .
Không còn xôn xao , lối mòn ngõ cũ.
Tre đầu làng ủ rũ đứng buồn trông .
Sân nhà ai ?
Bầy gà con xao xác .
Có tiếng chim vỗ cánh lạc xa đàn .
Đường về nhà ngang qua xóm nhỏ .
Con lệ nhòa
Như lạc bước về đâu ?
Không gian một cõi u sầu .
4.
Mẹ ơi !
Con đã về đây .
Chỉ kịp nhìn lần cuối .
Bóng hoàng hôn đời Mẹ .
Đang chìm vào …Nghĩa Trang .
Làm sao níu lại thời gian ?
Sống trong tình Mẹ ,
Miên man biển đời .
Hôm nay Mẹ đã đi rồi .
Con đành xa Mẹ một trời nhớ thương .
An Nguyen .
Nhà thơ An Nguyen ở Hoa Kỳ
Trong Bóng xưa, một lần nữa An Nguyen lại nhắc đến Mẹ. Có thể nói Mẹ trở thành “nhân vật trung tâm” xuyên suốt đời thơ của anh. Bởi vậy, tác giả ao ước:
Con vẫn muốn
Muôn lần mình nhỏ bé
Trong tay người để hưởng trọn yêu thương
(Lần về thăm mẹ)
Bóng hình của mẹ luôn gắn liền với hình bóng quê hương: “Bao năm xa/ Mơ về thăm quê cũ/ Giấu ngậm ngùi bên Quảng Trị yêu thương…”. Bởi nơi ấy: “Có dòng sông êm ã chảy qua làng/ Cánh đồng chiều trời gió lộng mênh mang/ Hương cau thơm vườn ai đêm trăng sáng”. Đọng lại trong hoài niệm tác giả là tình yêu thương của Mẹ và những ký ức tuổi thơ:
Cho ta về
Nhìn mây trôi lãng đãng
Con đò chiều đưa khách chợ sang sông
Nhớ thuở nào bên tình Mẹ mênh mông
Cánh diều xưa Góc Bầu thời thơ bé…
Đó cũng là tâm trạng chung của những người con xa xứ luôn hướng về “Bên kia bờ đại dương”.
Dấu ấn sâu đậm, làm nên nét riêng dễ thấy nhất ở tập thơ mới này là hình ảnh những “bóng hồng” đi qua cuộc đời An Nguyen. Thi sĩ xưa nay vốn là “giống đa tình”. Mỗi mối tình có dạng thức khác nhau và có hương vị riêng, như cách nói của nhà thơ Lưu Trọng Lư: “Cái tình say đắm, cái tình thoáng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi, cái tình giây phút, cái tình muôn đời”.
Huế là nơi An Nguyen từng “một thời vụng dại nhặt hoa trôi”. Màu tím Huế đã “vướng vít” bao tâm hồn thi nhân. An Nguyen cũng bị hút hồn bởi cái màu tím dễ thương ấy:
Áo tím em về loang nỗi nhớ
Huế của muôn người. Huế trong tôi
(Mơ Huế)
Thông thường, những vật thể lỏng mới dùng từ “loang”. Nhà thơ Hoàng Cầm có câu thơ sử dụng từ “loang” rất đắc địa: “Lá đa lác đác trước lều/ Vài ba vết máu loang chiều mùa đông”. An Nguyen cũng sử dụng từ “loang” nhưng khác với cách sử dụng thông thường. “Áo tím em về loang nỗi nhớ” có thể hiểu theo hai cách, cách nào cũng hay. Màu tím trên chiếc áo nữ sinh Huế không phải vật thể lỏng như “máu” trong câu thơ Hoàng Cầm nhưng vẫn “loang” vào nỗi nhớ. “Nỗi nhớ” là vô hình nhưng cũng có thể “loang” màu áo tím. Chỉ bằng một câu thơ ngắn gọn thế thôi mà gợi lại bao nhiêu kỷ niệm. Điều đó chứng tỏ hình bóng người xưa, dù chỉ là những rung động đầu đời, vẫn không bao giờ phai mờ trong tâm thức tác giả.
Tập thơ “Bóng xưa” của An Nguyen, NXB Thuận Hóa 2022
An Nguyen còn có một mối tình đầy tiếc nuối ở Đà Lạt. Trong một dịp trở về thăm lại hồ Xuân Hương, đồi thông cũ, tác giả một mình ngậm ngùi đi tìm hình bóng người xưa với bao day dứt. Những câu hỏi dồn dập ập đến qua màn độc thoại nội tâm:
Một bước ta về
Hồ Hương lặng
Đà Lạt đan buồn dáng em đâu?
…
Hoàng hôn xuống chậm đồi thông cũ
Gởi nhớ thương về...
Một bóng ai?
…
Hơn bao nhiêu năm trời ly biệt
Xuân Hương còn nhớ
Bóng người xưa?
(Đà Lạt phố xưa)
Khác với những rung động đầu đời thời “vụng dại” ở Huế hay mối tình đầy tiếc nuối ở Đà Lạt; mối tình ở Ban Mê dẫu chỉ là “giây phút” nhưng hình bóng người đẹp được tác giả khắc họa hết sức cụ thể, từ mái tóc đến gương mặt. Tác giả cũng bộc lộ tình cảm của mình bộc trực hơn:
Ôi Cao Nguyên
Nhớ mùa Dã Quỳ nở
Lối bên đường tóc trong gió lã lơi
Em xinh tươi ngời lên dưới mặt trời
Chiều đang xuống nghe xuyến xao chi lạ
(Hoa dã quỳ Ban Mê)
Chắc còn có một số “bóng hồng” nữa đi qua cuộc đời An Nguyen. Nhưng chỉ chừng ấy cũng đủ thấy tâm hồn nhà thơ đa cảm, lãng mạn đến chừng nào. “Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở”(thơ Hồ Dzếnh), nhưng những ai đã từng trải qua những mối tình dang dở ấy mới thấu hiểu dư vị đắng cay của nó:
Từ em
Vui bước
Bên đời mới
Ta ngồi nhớ lại những mùa trăng
Để lòng ôm nỗi buồn tê tái
Em ở phương nào có thấu chăng?
(Mùa trăng)
Bởi “lòng ôm nỗi buồn tái tê” như thế mà An Nguyen viết nên những câu thơ khác lạ:
Ta về đứng giữa chơi vơi
Để nghe gió lạnh bên Trời hắt hiu
(Ta về… ghé lại tháng Tư)
“Đứng giữa chơi vơi”, chỉ có thi sĩ mới “đứng” ở cái nơi “quái đản” như vậy. Những lúc thất tình, các đấng mày râu thường tìm đến rượu để giải khuây (“Rượu rượu nữa và quên quên hết” – Vũ Hoàng Chương). An Nguyen cũng không ngoại lệ:
Rượu rót đầy ly
Em ở đâu?
Mình ta đang nhấp
Chút men sầu
Thu về vàng lá nơi đất lạ
Uống cạn ly đầy đáy cốc sâu
(Chút men cay)
Cũng xuất phát từ những mối tình dang dở ấy, tác giả chiêm nghiệm:
“Thu về biêng biếc chiêm bao” là một trong những câu thơ tài hoa. Đặc trưng của mùa thu là màu xanh (“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”; “Nước biếc trông như tầng khói phủ” – Nguyễn Khuyến). Bởi cuộc tình mùa thu của An Nguyen nhuộm màu “biêng biếc” nên cái màu “biêng biếc” ấy mới nhập vào giấc chiêm bao, làm cho giấc chiêm bao cũng có màu “biêng biếc”. Cả cuộc đời làm thơ mà “trời cho” được một vài câu tài hoa, kiểu như: “Thu về biêng biếc chiêm bao”, “Áo tím em về loang nỗi nhớ”, “Ta về đứng giữa chơi vơi”… như thế cũng mãn nguyện lắm rồi.
Đọc trọn vẹn 3 tác phẩm Phía hoàng hôn, Xa rồi phượng ơi, Bóng xưa mới thấy hết năng lực sáng tạo dồi dào của tác giả. Mạch cảm xúc về quê hương, người thân, bạn bè, tình yêu lứa đôi… dường như không bao giờ vơi cạn trong thế giới thi ca đa dạng, phong phú của An Nguyen. Ở tập Bóng xưa, tác giả còn chuyển đến bạn đọc 45 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc, được các ca sỹ nổi tiếng như: Ca sĩ Bảo Yến, ca sĩ Vân Khánh, và một số ca sĩ thành danh khác trình bày. 16 bài thơ được các nghệ sĩ Ưu tú Hồng Vân, Ngọc Sang, Lan Hương diễn ngâm. Tất cả các bài thơ phổ nhạc và thơ diễn ngâm của An Nguyên đã được đưa lên Youtube. Đó là nét khác biệt đáng kể so với Phía hoàng hôn và Xa rồi phượng ơi. Các ca sỹ hát, các nghệ sĩ diễn ngâm đã góp phần chắp cánh cho thơ An Nguyen có sức lan tỏa rộng rãi hơn. Xin chúc mừng anh!
Huế, 5.2022
MAI VĂN HOAN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét