Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

BÀI THƠ : 'KHÓC CHỒNG" NỔI TIẾNG CỦA NỮ SỸ TƯƠNG PHỐ

BÀI THƠ :

'KHÓC CHỒNG" NỔI TIẾNG CỦA NỮ SỸ TƯƠNG PHỐ

Từ nỗi đau riêng, nữ sĩ Tương Phố đã viết nên ‘Giọt lệ thu’ bất hủ trong văn đàn Việt Nam.

Nữ sĩ Tương Phố sinh ngày 14/7/1900 ở Bắc Giang, nguyên quán ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Bà có tên thật là Đỗ Thị Đàm. Do bà chào đời tại Đồn Đầm xã Phượng Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh  Bắc Giang nên bà được đặt tên là Đàm để nhớ địa danh ấy (chữ Đàm nghĩa Hán văn là Đầm).

Sinh ra trong một gia đình Nho học, thân sinh của bà là nhà nho Đỗ Duy Phiên và bà Nguyễn Thị Yêm. Thân mẫu bà hiếm hoi, chỉ sinh được hai người con gái là Tương Phố và Song Khê. Hai chị em lúc nhỏ được cha dạy chữ Hán rồi học tiếng Pháp tại trường công lập ở tỉnh nhà Hưng Yên. Sau đó, bà Đỗ Thị Đàm lên học tại trường nữ Sư phạm Hà Nội.

1.jpg
 Nữ sĩ Tương Phố.

Năm 1915, khi đang là sinh viên trường Sư phạm Hà Nội, bà kết hôn với ông Thái Văn Du - sinh viên trường y, em ruột cụ Thái Văn Toản - Thượng thư Bộ Lại, triều Nguyễn thời Bảo Đại), người làng Quy Thiện, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị rồi sinh sống tại Hà Nội.

Hạnh phúc vừa chớm nở, Đỗ Thị Đàm sống cùng chồng chưa đầy một năm thì ông phải sang Pháp để học tiếp về y khoa. Sau đó, khi bà sinh con trai mới 6 ngày thì chồng bà là y sĩ Đông Dương nên Pháp điều đi tham chiến trong cuộc chiến tranh Pháp - Đức (1914-1918). Sang Pháp một thời gian, ông Du không chịu nổi giá rét mùa đông nên bị bệnh lao phổi rất nặng phải đưa về Huế điều trị rồi mất tại đó. Đường sá xa xôi cách trở, khi người vợ trẻ vào đến nơi để chịu tang chồng thì đã đến kỳ lễ cúng thất tuần, không được nhìn mặt chồng lần cuối. Tương Phố khi ấy mới đôi mươi, ôm nỗi buồn đơn lẻ nhớ thương người chồng xấu số đã viết những vần thơ lẫn trong những câu văn cảm thán mà thành tuyệt tác mang tên Giọt lệ thu nức tiếng một thời: Trời thu ảm đạm một màu/Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em/Trăng thu ngả bóng bên thềm/Tình thu ai để duyên em bẽ bàng…

Bút danh Tương Phố ngay từ đầu đã để lại ấn tượng trên văn đàn, dẫu chưa ai biết được bà là ai. Có thể nói nữ sĩ đã đem tiếng lòng cá nhân, đem tình cảm riêng tư sẻ chia với muôn kiếp người như một cách thi ca hóa, bất diệt hóa tình yêu và nỗi đau duyên phận.  Chính vì thế, cái tên Tương Phố từ đó đã đóng dấu trên văn đàn một thông điệp mang nỗi buồn trần thế.

2.jpg
 Tác phẩm 'Giọt lệ thu' nổi tiếng trên văn đàn.

Giọt lệ thu được hoàn thành từ mùa thu năm 1923, nhưng mãi 5 năm sau, đến năm 1928, nữ sĩ Tương Phố mới gửi đăng trên tạp chí Nam Phong. Câu chuyện tình duyên ngắn ngủi đầy nước mắt được viết bằng văn xuôi, xen lẫn những đoạn thơ lục bát và song thất lục bát đã làm cho nhiều người trong xã hội nước ta lúc bấy giờ vô cùng xúc động và ngưỡng mộ tài năng văn thơ của bà, đã tạo nên được những nỗi niềm rung động trái tim thân thiết với bao người đến thế. Tác phẩm này không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vang xa tận nước ngoài. Từ những năm 30 của thế kỷ trước, nữ thi sĩ Pháp Jeanne Duclos-Salesses đã dịch Giọt lệ thu sang tiếng Pháp đăng trên báo Le Moniteur d’Indochina. Nhà danh cầm người Pháp De Gironcourt đọc được bài thơ này đã viết bản nhạc Khúc ca trên mộ. Năm 1940, khi sang Việt Nam, ông đã tìm đến Phúc Yên (Vĩnh Phúc) để thăm bà Tương Phố và tặng bà bản nhạc này.

Sau Giọt lệ thu, nữ sĩ Tương Phố viết tiếp Tái tiếu sầu ngâm, Khúc thu hận, Mưa gió sông Tương… Dường như, cả sự nghiệp của bà chỉ xoay quanh nỗi niềm thương nhớ người chồng xấu số, cũng là để khóc thương chính thân phận mình. Đặc biệt, tuy chỉ viết về nỗi lòng riêng nhưng thơ Tương Phố đã có nhiều thành công, nhất là những bài lục bát và song thất lục bát. Khi viết tập sách Nét bút giai nhân, nhà thơ Quách Tấn đã xếp nữ sĩ Tương Phố ngồi chung chiếu thơ với Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Ngọc Hân Công chúa. Ông cho rằng trong Giọt lệ thuMưa gió sông Tương có nhiều câu tuyệt tác có thể đặt cạnh Chinh phụ ngâm, Ai tư vãn mà không thấy thẹn.

di-nh-n-thi-s-tng-ph-ti-lt.jpg
 Di ảnh nữ sĩ Tương Phố ở Đà Lạt.

Năm 1954, bà di cư vào Nam cùng với con trai, sinh sống tại thành phố Đà Lạt rồi sống và gắn bó ở đó gần 20 năm. Nhiều lần bà muốn cùng con trai ra Huế thăm lăng mộ của ông Thái Văn Du nhưng vì thời chiến tranh đi lại khó khăn và mất liên lạc với người thân ngày xưa ở quê chồng nên không biết đâu mà tìm. Năm tháng trôi qua, bà cứ canh cánh bên lòng một nỗi niềm thương nhớ, day dứt.

Nữ sĩ Tương Phố mất năm 1973 và được chôn cất trên một đồi thông  dưới chân đèo Mimosa thuộc dãy Langbiang. Từ khi bà nằm xuống, ngọn đồi ấy mang tên Tương Sơn như để nhắc nhớ về người nằm  đó - nữ sĩ Tương Phố.

KHÓC CHỒNG
 
Ngoảnh lại trời Nam lệ chứa chan
Lửa hương thôi đã lỗi muôn vàn
Thương chàng vỡ lỡ đường danh vọng
Tủi thiếp bơ vơ nỗi đoạn tràng
Chiếc bách dòng trôi e sóng cả
Nửa chăn bụi lấp ngại canh tàn
Từ đây non nước người xa vắng
Chi xiết lòng em mộng bẽ bàng
Nữ sĩ Tương Phố.

Tương Phố

Giọt lệ thu

Bao giờ quên được mối tình xưa 
Sinh tử còn đau mãi đến giờ 
Giấc mộng tìm nhau tìm chẳng thấy 
Mênh mang biển hận, hận không bờ 

Trời thu ảm đạm một mầu 
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em 
Trăng thu bóng ngả bên thềm 
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng 

Sầu thu nặng lệ thu đầy 
Vì lau san sát hơi may lạnh lùng 
Ngổn ngang trăm mối bên lòng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét