Bài viết1 & 2: TÔI TÌM NĂM SINH CỦA NGÀI NGUYỄN Ư DĨ.
Thầy Hoàng Đằng.
( Sau đây là những bài viết của Thầy HĐ. nhằm giới thiệu để các nhà nghiên cứu đọc tham khảo bổ sung thêm) ...
- NÊN LÀM GÌ ĐỂ TƯỞNG NHỚ CHÚA TIÊN NGUYỄN HOÀNG TRÊN ĐẤT QUẢNG TRỊ:
Tôi may mắn đọc được ý kiến này của Nguyễn Hoàn trên facebook nhân sự kiện làng Trà Liên khánh thành nhà thờ ngài Nguyễn Ư Dĩ:
"... Gần đây có người nói đến chuyện cần dựng tượng Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị, tôi xin nói rõ lại ở đây rằng, chuyện này đã được đề cập từ năm 2013, cách đây 9 năm rồi. Hội thảo khoa học “Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng” do UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị năm 2013 đã đề xuất nên XÂY DỰNG MỘT ĐỀN THỜI VÀ MỘT TƯỢNG ĐÀI CHÚA TIÊN NGUYỄN HOÀNG ở vị trí thật tiêu biểu. Đây phải là MỘT TƯỢNG ĐÀI MANG TẦM QUỐC GIA , thể hiện sự tôn vinh của cả nước đối với Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
Tiếc thay! Từ mốc Hội thảo đó đến nay đã 9 năm, kết quả Hội thảo ròng rã nhiều năm nằm im trên giấy.\
Năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định xếp hạng quốc gia di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558-1626), xã Triệu Ái, Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Từ đó đến nay, cũng đã 4 năm, di tích này vẫn chưa có quy hoạch (hiện chỉ mới bắt đầu “khởi động”).".
Xây tượng đài và nhà thờ chúa Tiên Nguyễn Hoàng chỉ mới là ĐỀ XUẤT chưa có cấp chính quyền nào chấp thuận.
Bộ VH-TT-DL đã xếp hạng DI TÍCH CẤP QUỐC GIA từ năm 2018 "di tích lịch sử các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn ((1558 - 1626), xã Triệu Ái, Triệu Giang, thị trấn Ái Tử".
Tôi nghĩ qua thời gian, qua chiến tranh, qua biến động của con người và thiên nhiên, những di tích ấy, kể về vật thể, hiện không còn gì, ngoài bức tượng của ngài Nguyễn Ư Dĩ, người phò tá chúa Nguyễn Hoàng trong bước đầu và những dấu vết móng của tường thành phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ năm 2016 (?) ; mộ RÙA ĐÚC VÔI, cái giếng ... chưa xác định là thuộc về thời nào.
Tất cả đều nằm trong địa phận làng Trà Liên.
Năm đạo quân bảo vệ dinh chúa: Trung KIên, Tiền KIên, Hậu Kiên, Tả Kiên, Hữu Kiên đã biến thành năm làng khi dinh chúa Nguyễn dời đi năm 1626 (?). Nhân đây, vị nào biết HỮU KIÊN hiện là làng nào không và ở năm làng ấy, dấu tích vật thể còn gì không.
Hiện tại, Nhà Nước và tỉnh Quảng Trị chưa có chủ trương, kế hoạch gì để tưởng nhớ công ơn người mở cõi. Tôi tin chủ trương, kế hoạch sẽ có vì đạo lý "uống nước nhớ nguồn".
Việc nước có muôn mặt phải giải quyết theo thứ tự ưu tiên, mức độ cần thiết. Vậy các cấp thuộc ngành liên quan phải kiến nghị, đề xuất, "con có khóc mẹ mới cho bú" mà!
Theo tôi, để tưởng nhớ tiền nhân, một công viên ở thị trấn Ái Tử là nên lên kế hoạch nhất; trong công viên ấy, sẽ có miếu thờ, tượng thờ Nguyễn Hoàng, có lối đi, có thảm cỏ, có ghế đá... Nhà nước nên kêu gọi các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp được phần nào trong các hạng mục của công trình.
Lúc đó, CHS trường trung học Nguyễn Hoàng không nhiều thì ít chắc có góp phần ...
HĐ, 04/10/2022
-
NGUYỄN HOÀNG LẬP DINH Ở ÁI TỬ - TRÀ LIÊN CHẮC CHẮN ĐƯỢC TÍNH TOÁN TRƯỚC:
Tôi đọc bài "Cuộc tìm kiếm lỵ sở chúa Tiên Nguyễn Hoàng" của TS. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo Cổ Học) biết được thông tin này:
"...Có một truyền thuyết vừa thực vừa ảo được nhiều người nhắc đến là khi đoàn thuyền của chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến gần cửa Việt (sông Thạch Hãn đổ ra biển trên đất Quảng Trị) thì sóng gió nổi lên, mưa giông kéo đến mù mịt, tàu thuyền ngả nghiêng, chúa tôi 10 phần chết 9. Tàu thuyền vội cặp vào bờ trên dòng Thạch Hãn, địa phận thôn Ái Tử, huyện Triệu Phong bây giờ..."
Đây chỉ là truyền thuyết, tức là câu chuyện truyền từ người này qua lời khác từ đời này qua đời khác. Truyền thuyết có cái đáng tin, nhưng truyền thuyết này tôi không tin.
Vì sao?
Nguyễn Hoàng dẫn đoàn tùy tùng đông người đi trấn nhậm một vùng đất xa xôi rộng lớn như Thuận Hóa; phương tiện đi, đường đi, nơi đến chắc chắn phải được nghiên cứu kỹ, khảo sát kỹ, lên kế hoạch kỹ.
Đoàn đến cửa Việt nếu vì sóng to gió lớn, giông mưa mịt mù không tiếp tục hành trình đã định được, phải vào cửa Việt tránh thì dừng gần đâu đó, không dại gì mất công ngược dòng Thạch Hãn đến Ái Tử.
Nếu buộc phải lên Ái Tử thì khi thời tiết trở lại bình thường, đoàn phải tiếp tục hành trình.
Tôi nghĩ việc chọn Ái Tử là có tính toán trước nên khi đoàn đến dân mới nghinh đón, các bô lão mới dâng lên Nguyễn Hoàng các vò nước trong để Nguyễn Ư Dĩ diễn giải cho Nguyễn Hoàng biết là dân đã dâng nước (quốc) cho Nguyễn Hoàng - một điềm tốt lành.
Từ đó, tôi suy ra việc chọn Ái Tử là do Nguyễn Ư Dĩ sắp xếp trước; còn chuyện mưa to gió lớn khi đoàn đến Cửa Việt, nếu có, là việc tình cờ của trời đất.
Tôi cũng thắc mắc đất Thuận Hóa lúc ấy đã thuộc về Đại Việt lâu rồi, đương nhiên, đã có chính quyền để quản lý.
Sử sách có truyền lại Tống Phước Thị, trấn thủ Thuận Hóa lúc đó, đến gặp Nguyễn Hoàng dâng bản đồ, sổ sách lên Nguyễn Hoàng rồi xin làm phò tá ... Lỵ sở của trấn thủ Tống Phước Thị ở đâu? Tại sao đoàn Nguyễn Hoàng không đến đó?
Bạn nào nghiên cứu về sử giải thích giùm ...
HĐ. 05/10/2022
1. DINH ÁI TỬ - DINH TRÀ BÁT (Trà Liên) - DINH CÁT CỦA CHÚA NGUYỄN HOÀNG:
Sau status " NHÀ THỜ NGÀI NGUYỄN Ư DĨ" ngày 01/10/2022 của tôi trên facebook, bạn Hoàng Ngọc Định có hỏi: "Giờ vẫn chưa xác định được chính xác địa điểm đặt Dinh Cát, Dinh Trà Bát của chúa NGuyễn Hoàng ngày xưa, phải không bác?"
Với Status này, tôi xin trả lời:
Đoàn Nguyễn Hoàng – Nguyễn Ư Dĩ đến nơi hợp lưu sông Lai Phước vào sông Thạch Hãn, đoàn ngược dòng Lai Phước đến chỗ sông Ái Tử hợp lưu vào sông Lai Phước, đoàn rẽ vào dòng Ái Tử lên đất Ái Tử và đặt dinh trại; điều này làm rõ thêm việc chọn Ái Tử là có tính toán, khảo sát trước.
Ấy là vào năm 1558. Hiện tại, ở làng Ái Tử hình như không còn di tích gì về dinh trại này. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Buổi ban sơ ấy, thiếu phương tiện, dinh trại chắc xây dựng chưa kiên cố; khi dời đi, những gì chắc chắn còn dùng lại được đã được tháo gỡ mang theo để xây dựng ở nơi mới.
12 năm sau - 1570, Nguyễn Hoàng – Nguyễn Ư Dĩ chuyển dinh trại từ địa phận làng Ái Tử qua địa phận làng Trà Bát đặt trên cồn đất - cồn đất này nằm trên đường từ QL1 về sát làng Trà Liên Tây.
Lý do chuyển dinh trại từ Ái Tử qua Trà Bát tôi đoán thế này:
Ngày xưa, giao thông liên lạc chủ yếu bằng đường thủy; muốn tới Ái Tử, phải dùng sông Ái Tử mà sông Ái Tử quá nhỏ không thuận lợi; Nguyễn Hoàng – Nguyễn Ư Dĩ phải chuyển về Trà Bát để gần sông cái Thạch Hãn; ở đây, Ghềnh Phủ đã được lập để thuyền bè cập bến.
30 năm sau - 1600, Nguyễn Hoàng – Nguyễn Ư Dĩ chuyển dinh trại sang một địa điểm cũng nằm trong địa phận làng Trà Liên. Địa điểm này được gọi là Cát Dinh. Tôi chưa đọc được văn bản cổ nào bằng chữ Hán để biết chữ CÁT viết như thế nào. Tôi ngờ ngợ khi TS. Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo Cổ Học) trong bài “Cuộc tìm kiếm lỵ sở chúa Tiên Nguyễn Hoàng” bảo Cát Dinh là dinh xây trên cát, bởi lẽ nếu thế thì người ta đã gọi là Sa Dinh (Sa: cát); tôi nghĩ Cát ở đây phải là “tốt lành” – dinh mang đến sự tốt lành.
Tháng 7 và 8 năm 2016, đã có cuộc khai quật tìm kiếm di tích. Nền móng của tường thành bằng gạch đã được tìm thấy ít nhiều.
Theo tôi, dinh trại Trà Bát và dinh Cát nằm trên cùng một bãi cồn, gọi là Cồn Dinh.
Dinh trại Trà Bát chắc dựng lên với phần lớn vật liệu tháo gỡ từ dinh trại Ái Tử đem về; sau đó, có phương tiện, Dinh Cát được xây dựng kiên cố.
Trong thời gian xây dựng Dinh Cát, dinh trại Trà Bát còn cần để ở, nên giữ lại đến khi Dinh Cát hoàn thành mới dẹp bỏ. Thành thử, dinh trại Trà Bát và Dinh Cát không xa nhau là bao. Và những dấu vết tìm thấy trong đợt khai quật 2016 chính là của Dinh Cát.
HĐ. 06/10/2022
2. TÔI TÌM NĂM SINH CỦA NGÀI NGUYỄN Ư DĨ.
Theo sách sử, Nguyễn Ư Dĩ 阮 於 已 còn có tên khác là Ư Kỷ 於己, Ư Tỵ 於巳. Ba chữ: Dĩ 已, Kỷ 己 , Tỵ 巳 có hình dạng gần giống nhau. Vì vậy, có thể Ngài chỉ có một tên, việc có đến 3 tên là do 3 cách đọc khác nhau của người đời sau.
Ngày xưa, tôi bắt đầu học chữ Hán, thầy bày cho cách phân biệt 3 chữ này: Tỵ 巳 trồi, Dĩ 已 trụt, Kỷ 己 đèo queo.
Theo suy đoán của tôi, tên Ngài được cha mẹ đặt cho là Tỵ - Ư Tỵ (vào năm Tỵ) để nói Ngài sinh vào năm Tỵ.
Thân sinh của Ngài có tài liệu nói là Nguyễn Kính Diện, có tài liệu nói là Nguyễn Minh Biện; chữ lót trong gia đình Ngài là Kính hoặc Minh, chứ không phải Ư. Tên họ Ngài không lấy chữ Kính hay chữ Minh mà đổi qua Ư (ở, vào) vì cha mẹ Ngài muốn nói đến năm sinh của Ngài.
Thông tin về năm sinh của Ngài sử sách không nói tới, năm mất của Ngài sử sách cho biết năm 1602. Vậy nếu năm sinh của Ngài là năm Tỵ thì năm Tỵ đó là năm Tỵ nào? Năm Kỷ Tỵ (1509) hay năm Đinh Tỵ (1497)? Nếu Ngài sinh năm Kỷ Tỵ thì tuổi thọ của Ngài là 94 tuổi ta hay 93 tuổi Tây (1509 – 1602); nếu Ngài sinh năm Đinh Tỵ thì tuổi thọ của Ngài là 106 tuổi ta hay 105 tuổi Tây (1497 – 1602). Tuổi thọ người Việt thời đó 93 hay 94 là tương đối tin được; còn 105 hay 106 e không thể đạt được. Vì vậy, tôi đoán Ngài sinh năm Kỷ Tỵ (1509).
Vậy thì em gái Ngài bà Nguyễn thị Mai là chánh thất phu nhân của Nguyễn Kim, mẹ của Nguyễn Hoàng phải sinh từ 1510.
Sử sách cho biết Nguyễn Kim có 3 vợ:
1- Chánh thất phu nhân Nguyễn thị Mai (sinh năm ? – mất 23/Giêng ÂL, không rõ năm) sinh ra Nguyễn Hoàng.
2- Thứ thất phu nhân Đỗ thị Tín (sinh năm ? – mất năm ?) sinh ra Nguyễn thị Ngọc Bảo – chị của Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng và vợ của Trịnh Kiểm.
3- Thứ thất phu nhân (không rõ tên họ, năm sinh, năm mất) sinh ra Nguyễn Uông.
Nguyễn Hoàng sinh năm 1525, giả sử bà Nguyễn thị Mai sinh năm 1510; như thế bà Nguyễn thị Mai phải lấy Nguyễn Kim 1524, nghĩa là mới 14 hoặc 15 tuổi, lúc đó Nguyễn Kim đã 56, 57 tuổi - Nguyễn Kim sinh năm 1468 ...
* Nếu còn khỏe, tôi sẽ thử lý giải vì sao bà Nguyễn Thị Mai làm vợ Nguyễn Kim khi còn nhỏ tuổi và là vợ cuối cùng mà dược gọi là chánh thất.
14/10/2022 (19/Chín/Nhâm Dần).
- SÁCH SỬ XƯA GHI CHÉP CÓ NHẦM KHÔNG?
Dạo này, tôi tìm đọc lại những bài viết về Nguyễn Hoàng vào dựng nghiệp ở Quảng Trị nhân sự kiện xã Triệu Giang và làng Trà Liên vừa xây dựng xong nhà thờ Ngài Nguyễn Ư Dĩ - người phò tá Nguyễn Hoàng cũng là cậu ruột, cha nuôi của Nguyễn Hoàng. Tôi đọc vì khát khao hiểu biết. Thế thôi!
Nguyễn Ư Dĩ mất năm 1602. Còn năm sinh không biết. Tôi muốn biết Nguyễn Ư Dĩ thọ được bao nhiêu tuổi.
Tôi đối chiếu những thông tin liên quan.
Nguyễn Ư Dĩ là anh ruột của Nguyễn thị Mai, vợ chính của Nguyễn Kim và mẹ của Nguyễn Hoàng.
Nguyễn Kim là em rể của Nguyễn Ư Dĩ, sinh năm 1468; Nguyễn Hoàng sinh năm 1525; vậy thì:
(1) Nguyễn thị Mai phải cùng trang lứa với Nguyễn Kim (chồng bà), nghĩa là sinh trước 1500 (trong thế kỷ 15);
(2)Nguyễn thị Mai phải hơn Nguyễn Hoàng (con bà) ít nhất 18 hoặc 20 tuổi nghĩa là Nguyễn thị Mai phải sinh những năm đầu của thế kỷ 16 (1500 lẻ mấy).
Nếu sinh những năm đầu thế kỷ 16, Nguyễn thị Mai phải thua tuổi chồng bà là Nguyễn Kim quá nhiều, có thể 35 đến 40 tuổi. Ngày xưa, những gia đình thế gia vọng tộc có thể nào cưới vợ cho con trai muộn đến thế!
Nguyễn Ư Dĩ lại là anh của Nguyễn thị Mai, vậy ít nhất Ngài Nguyễn Ư Dĩ phải hơn Nguyễn thị Mai vài ba tuổi, nghĩa là sinh vào những năm cuối thế kỷ 15 hay sinh vào những năm đầu thế kỷ 16; nghĩa là NGÀI NGUYỄN Ư DĨ THỌ ĐẾN CẢ TRĂM TUỔI HOẶC HƠN (Ngài mất năm 1602). Có thể thọ đến mức đó không?
HĐ. 10/10/2022 (15/9/Nhâm Dần)
Bài viết 3: MỘ NGÀI NGUYỄN Ư DĨ Ở ĐÂU?
Khi Ngài Nguyễn Ư Dĩ mất, mộ táng ở đâu không có thông tin.
Hôm 03/10/2022, ông Trình Đình Thạnh, trưởng thôn Trà Liên, kể cho tôi nghe chuyện hồn thiêng Ngài Nguyễn Ư Dĩ nhập đồng.
Ở làng Trà Liên (Trà Bát xưa), năm 2013, trong quá trình đào móng làm nhà, ông Trịnh Hùng phát hiện tượng rùa tạo hình bằng vữa trộn từ vôi, cát, vỏ hến kết dính bằng nước đường và nước bời lời giã nhuyễn; tượng nằm trong một quách xây bằng gạch, tượng xây mặt về hướng Nam, nặng đến mức tám thanh niên lực lưỡng bê không nổi. Mộ có tấm bia đá chỉ còn lại một phần, trên đó có 4 chữ Hán.
Tôi có hỏi trong mộ, ngoài tượng rùa, còn có dấu vết hài cốt gì không, thì ông trưởng thôn cho biết đào đến tượng rùa thì ai cũng sợ không dám đào thêm nữa. Mà giả sử có hài cốt, tôi nghĩ vùi trong nước cát dỉ hơn 400 năm rồi, hài cốt đã tan biến.
Ngày 18/3/2022, trưởng thôn Trịnh Đình Thạnh vận động được tài chánh xây lại mộ cho tượng rùa. Ông trưởng thôn Trịnh Đình Thành được hồn thiêng Ngài Nguyễn Ư Dĩ nhập cho biết ngôi mộ có chôn tượng rùa là mộ của Ngài.
Dù là chuyện thuộc lãnh vực tâm linh, theo tôi, mức độ khả tín cũng cao. Mảnh bia tìm thấy cùng với tượng rùa, còn lại trên đó nét khắc của 4 chữ Hán (không biết bao nhiêu chữ tiếp theo nằm phần dưới của tấm bia đã bị vỡ vụn !!!); hai chữ đầu rõ, dễ đọc là VIỆT 越 và CỐ 故; hai chữ sau còn phần bên phải khá rõ, phần bên trái rất khó giải mã.
Trước tiên tôi đoán là VIỆT CỐ CHÂN BẮC 越 故 眞 北 (Người Việt quá cố thật đúng người ngoài Bắc); tôi nằm nghĩ xem lại tôi đoán không đúng rồi; các chữ phải nằm hàng dọc thẳng; chỉ dựa vào phần bên phải còn rõ của chữ, tôi đoán 2 chữ sau là CHÂN BẮC眞 北 thì hàng dọc các chữ hết thẳng. Vô lý! Tôi lên mạng hỏi vài bậc thông chữ Hán và nhận được sự giúp đỡ sốt sắng; Yến Thọ đoán đọc là VIỆT CỐ HIỂN TỔ 越 故 𩕃 祖 (Người Việt quá cố là ông nội …); Tam Ngng đoán đọc là VIỆT CỐ HIỂN TỶ越 故 𩕃 妣 (Người Việt quá cố là mẹ …); Đỗ Chiêu Đức đoán đọc là VIỆT CỐ TRẤN THỬ 越 故 鎮 此(Người Việt quá cố trấn giữ nơi này). Cảm ơn Yến Thọ, Tam Ngng, Đỗ Chiêu Đức nhiều. Tôi nghiêng về cách đoán đọc của Đỗ Chiêu Đức; 4 chữ trên mảnh bia là: 越 故 鎮 此 (Ngườì Việt quá cố trấn giữ nơi này).
Người trấn giữ nơi này chỉ có thể là Nguyễn Hoàng hay Nguyễn Ư Dĩ. Nguyễn Hoàng đã được sử sách nói rõ chỗ mộ chôn trên núi nguồn sông Thạch Hãn thì mộ chôn tượng rùa với mảnh bia vỡ tìm thấy chắc là của Nguyễn Ư Dĩ.
Hiện tại, mộ đã được xây mới ở chỗ mộ cũ; tượng rùa đặt trên mộ chứ không chôn lấp nữa. Rùa là biểu tượng của sự vững bền. Người xưa chôn thêm tượng rùa chắc muốn quê hương, cõi bờ bền vững …
Hoàng Đằng. 13/10/2022 (18/Chín/Nhâm Dần)
LÀNG TRÀ LIÊN
TỔ CHỨC KHÁNH THÀNH ĐỀN THỜ & NGHINH THỈNH
TƯỢNG ĐỒNG THÁI PHÓ NGUYỄN Ư DĨ
VỀ ĐỀN THỜ MỚI.
Hồ Ngọc Phụ.
Thái
phó Nguyễn Ư Dĩ là nhân vật lịch sử gắn liền với sự nghiệp mở cõi
phương nam của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Người đã có công nuôi dạy Nguyễn
Hoàng từ khi mới hai tuổi cũng là người phò tá giúp Chúa Tiên Nguyễn
Hoàng dựng nghiệp thành công sau này. Năm 1558 Nguyễn Hoàng cùng đoàn
tuỳ tùng vâng lệnh vào trấn thủ đất Thuận Hoá. Chỗ dừng chân đầu tiên
xây dựng dinh phủ là vùng đất Ái Tử thuộc huyện Triệu Phong bây giờ
(1558-1570). Sau đó chuyển về xây dựng dinh phủ tại xã Trà Bát( làng Trà
Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong bây giờ). Thời gian đóng dinh ở
đây là 30 năm( 1570-1600). Sau đó dịch chuyển dinh phủ về Dinh Cát gần
làng Phước Toàn, nay là thôn Phước Mỹ, xã Triệu Giang thời gian từ năm
1600-1626. Năm 1613 Chúa Tiên qua đời, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên con
của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lên nối nghiệp cho đến năm 1626 thì dời đi
nơi khác. Như vậy là Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và Chúa Sãi Nguyễn Phúc
Nguyên dựng nghiệp trên đất Quảng Trị là khoảng 56 năm. Năm 1602 Thái
Phó Nguyễn Ư Dĩ qua đời, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho đúc tượng và xây
dựng đền thờ, người dân thường gọi là chùa Liễu Bông và thường xuyên đến
viếng để tưởng nhớ công ơn của Ngài .Trải qua hơn 400 năm được người
dân làng Trà Liên giữ gìn như một báu vật. Năm 2020, chính quyền địa
phương đã họp bàn với dân làng để tìm cách xây dựng lại đền thờ để rước
Ngài về thờ tự. Từ khi phát động kêu gọi đóng góp, tài trợ và sự ủng hộ
của bà con trong và ngoài tỉnh. Đến nay công trình đã hoàn thành. Mong
muốn của chính quyền và nhân dân chọn một ngày đẹp trời để nghinh rước
bức tượng về nơi mới cao ráo, sạch sẽ, tôn nghiêm đáp ứng lòng mong mỏi
của bà con. Ngôi đền thờ được xây dựng nằm trong chuỗi quần thể di tích
nối liền với di tích dinh trấn Ái Tử,Trà Bát, Dinh Cát, Ghềnh phủ, Đò
Xưởng.... Hy vọng nay mai được nhà nước qui hoạch và xây dựng tạo nên
một chuỗi giá trị về lịch sử, văn hoá, du lịch, tâm linh...
Ngày 10/10/2022 chính quyền địa phương cùng đông đảo bà con đã tổ chức lễ rước tượng đồng Thái Phó Nguyễn Ư Dĩ về đền thờ mới.
Ngày 11/10/2022, tổ chức lễ khánh thành .
Đến
dự có lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, các đài báo của trung ương , địa
phương, gia đình Nguyễn Phước tộc ở Huế, đại diện các làng Phước Mỹ, Phú
Áng, Tiền Kiên, Tả Kiên, Trung Kiên, Hậu Kiên, các xã Triệu Ái, Ái Tử
và đông đảo bà con trong làng và bà con ở xa về dự
Buổi
lễ diễn ra rất trang trọng ,tình cảm. Có đội văn nghệ Nhã Nhạc Cung
Đình Huế về phục vụ và các tiết mục múa trống của bà con trong làng .
Buổi lễ đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng mọi người. Từ nay
người dân đã có nơi chốn đi về để hương khói thể hiện lòng biết ơn tiền
nhân đã có công xây dựng và mở mang bờ cõi.
Hồ Ngọc Phụ, 10/2022.
https://vansudia.net/khanh-thanh-den-tho-thai-pho-nguyen-u-di/
https://vov.vn/van-hoa/di-san/khanh-thanh-den-tho-thai-pho-nguyen-u-di-tai-khu-di-tich-lich-su-quoc-gia-chua-nguyen-post976574.vov
http://trieuphong.quangtri.gov.vn/chi-dao-dieu-hanh/khanh-thanh-den-tho-thai-pho-nguyen-u-di-2298.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét