Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

MẠN ĐÀM VỀ LỖI - BỆNH TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT ...

 https://www.facebook.com/luatthoduongluat 

MẠN ĐÀM VỀ LỖI - BỆNH
TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT

 
 
Xin trích lời ông Hồ Văn Chi - PCT. Chi hội thơ Đường luật Đà Nẵng để mở đầu bài viết này:
"Thơ Đường luật là một thể thơ khó, rất khó! Thơ Đường luật ngoài những quy định khắt khe về 5 yếu tố cơ bản là: Niêm, luật, vần, đối ngẫu, bố cục thì người làm thơ còn phải rà soát đến các lỗi, bệnh nữa. Hiện nay, ở Việt Nam chưa thấy có tài liệu chính thống nào quy định các lỗi, bệnh của thơ Đường luật, mà chủ yếu chỉ là những bài viết của cá nhân, nhất là trên các trang thông tin điện tử.
Để tìm hiểu vấn đề này, người viết (ông Chi) đã gõ vào "LỖI VÀ BỆNH TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT" và xin được liệt kê tóm lược như sau:
1. Theo vnthivandan.net, ngày 23/5/2012
Có 12 lỗi, 8 bệnh
2. Theo hoa vien.forumvi.com, ngày 27/5/2012
Tóm tắt các lỗi trong thơ Đường luật (không phân định lỗi hay bệnh)
3. Theo Thiet Duong trên thoduongdatviet.com ngày 26/10/2014
Có 8 bệnh, 12 lỗi
Và có thể còn những trang viết khác mà người viết chưa truy cập tới được. Tuy nhiên, bằng đó cũng đã là nhiều, đã đủ rắc rối và thấy nổi lên một số vấn đề cần suy nghĩ như sau:
1. Thơ Đường luật Việt Nam - hay nói đúng hơn là những người làm thơ Đường luật Việt Nam đã tự làm khó mình bằng cách cố gắng tìm tòi để đưa ra quá nhiều quy định khắt khe, làm cho người làm thơ Đường luật dễ trở thành người thợ chế tác, gọt đẽo và những người muốn học làm thơ Đường luật phải "rùng mình"!
2. Việc quy định thế nào là lỗi, thế nào là bệnh đa phần tùy thuộc vào ý chủ quan của mỗi người! Do đó, qua các trang viết được trích dẫn ở trên người thì quy định cái này, nhóm này là lỗi, nhưng người khác thì lại quy định khác hoặc ngược lại!... (Trích lời của ông Hồ Văn Chi)
Để dung hòa tất cả, người soạn lại bài này sẽ gọi chung tất cả các LỖI hay BỆNH chung là CÁC LỖI BỆNH TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT. Tôi sẽ cố liệt kê hết tất cả các LỖI BỆNH mà sau này mới phát triển thêm cho bài viết được đầy đủ và độc giả có tài liệu tra cứu khi cần thiết.
CÁC LỖI BỆNH TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Sau đây là phần trích bàn về: THI BỆNH
Theo như cách nghĩ của các Thi gia từ xưa: Ngoài 5 quy tắc (Vần, Đối, Luật, Niêm, Bố cục) thì Thi Bệnh là những khuyết điểm không đáng có mà người làm thơ vô tình phạm phải, điều này sẽ khiến cho bài thơ khi xướng lên nghe hụt hẫng, khập khiễng hay ngang ngang rất khó chịu, ắt rằng sẽ làm bài thơ trở nên kém hay.
Nói đến thi bệnh phải kể đến người đầu tiên đề xướng ra vấn đề này, chính là Thẩm Ước (chữ Hán: 沈約; Bính âm: Shen Yue) (441 – 513), tự Hưu Văn, người Kiến Khang Ngô Hưng (nay thuộc Kiến Khang Triết Giang), là nhà chính trị, nhà văn, nhà sử học thời Nam triều Trung Quốc
Ông đã đề xướng thuyết TỨ THANH BÁT BỆNH áp dụng cho các thể thơ Cổ Phong (là những thể thơ có trước Thơ Đường Luật - Cận Phong).
Ông là người có công đã phát hiện ra, quy nạp các bệnh ấy thành 1 hệ thống và đặt cho mỗi bệnh 1 cái tên gọi chính thức.
Sau khi ông Thẩm Ước đề xướng thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh, được các Tao nhân Mặc sĩ khắp nơi hưởng ứng rầm rộ và đem áp dụng vào thể thơ Ngũ Ngôn ở đây là Ngũ Ngôn cổ thể (Ngũ ngôn Cổ phong).
TỨ THANH BÁT BỆNH có nghĩa là những lỗi về âm thanh. Nếu phạm phải thì khi đọc hay ngâm bài thơ lên sẽ có tiết tấu nghe không được nhịp nhàng, uyển chuyển và khúc chiết cho lắm.
Tứ Thanh Bát Bệnh có nghĩa là 8 bệnh được quy kết lại thành 4 loại thanh:
Điểm đáng chú ý nhất là tất cả các bệnh cũng chỉ xoay quanh về vấn đề trùng lắp (điệp) và đào sâu vào 3 điểm chính;
· Thanh (luật bằng - trắc)
· Niêm
· Vận
(Vì cả 3 quy tắc này trong Cổ Phong hay Đường Luật đều liên quan đến Thanh âm).
Và Thẩm Ước đã hệ thống và quy kết như sau:
Trong mỗi Thanh thường có hai Bệnh (dùng trong Ngũ Ngôn Cổ Thể):
1. Bình Đầu - Thượng Vỹ: Thuộc Tiền, Hậu Tung Thanh
(các nhóm chữ đầu và cuối của nhiều câu liền kề; tính theo lối dọc).
2. Phong Yêu – Hạc Tất: Thuộc Đệ Nhất Hoành Thanh.
3. Chánh Nữu - Bàng Nữu: Thuộc Đệ Nhị Hoành Thanh.
4. Tiểu Vận - Đại Vận: Thuộc Đệ Tam Hoành Thanh.
TỨ THANH BÁT BỆNH CỦA THẨM ƯỚC CỤ THỂ NHƯ SAU:
Áp dụng cho các thể thơ Cổ Phong: Là những thể thơ có trước Thơ Đường Luật (Cận Phong).
1. BÌNH ĐẦU:
坪 Bình: Là Ngang bằng
头 Đầu: Là Ban đầu. Trong thuật ngữ thơ được hiểu là Đầu câu.
Bình Đầu là hai chữ đầu câu của hai câu liền kề bị trùng thanh.
Nếu hai chữ đầu của câu trên trùng thanh độ (trùng dấu) với hai chữ đầu câu dưới thì phạm lỗi.
Ví dụ:
ĐƯỜNG MÂY thẫm màu xa
ĐÀO PHAI khoe sắc hoa
2. THƯỢNG VỸ:
尚 Thượng: Vượt quá
尾 Vỹ: Là cái Đuôi
Thượng Vỹ được hiểu là vếch đuôi cao lên.
Nếu Bình đầu tính lỗi ở hai chữ đầu, thì Thượng Vỹ tính lỗi ở hai chữ cuối của câu không được trùng thanh độ. Đặc biệt là chữ thứ 5 cuối cùng của câu thơ ngũ ngôn.
Ví dụ:
Cửa ải bóng CỜ BAY*
Gió đưa lẫn CÙNG MÂY*
3. PHONG YÊU:
蜂 Phong: Là con Ong
腰 Yêu: Là cái Eo, chỗ thắt lại.
Do hai đầu phình ra, ở giữa thắt lại như eo con ong nên gọi là Phong Yêu.
Là trong cùng 1 câu, chữ thứ 2 và chữ thứ 5 không được trùng thanh độ (dấu thanh).
Ví dụ:
Chiều THU lá vàng BAY
Mặt BIỂN màu xanh THẲM
4. HẠC TẤT:
鶴 Hạc: Là chim hạc.
膝 Tất: Là đầu gối (chỗ gù lên).
Do hai đầu nhỏ, mà ở giữa phình ra như đầu gối chân chim Hạc nên gọi là Hạc Tất.
Là chữ thứ 5 của 2 trong 3 câu liền kề không được trùng thanh độ (dấu)
Ví dụ:
Hoa gạo rơi lã CHÃ
Mưa xuân lất phất BAY*
Hai đứa mình đôi NGÃ
Biệt ly kể từ ĐÂY*
5. CHÁNH NỮU:
正 Chánh: Là chính. Trong thuật ngữ thơ Chánh được hiểu là ngay ở nơi này (trong câu).
狃 Nữu: Nhờn quen. Trong thuật ngữ thơ được hiểu: Sự trùng lắp âm căn
Chánh nữu là lỗi trùng lặp âm căn ở trong cùng một câu (trong giới hạn của 5 chữ).
Ví dụ:
Tiếng rAO trong mưa rÀO
6. BÀNG NỮU:
旁 Bàng: Bên cạnh, liền kề. Trong thuật ngữ thơ được hiểu là câu liền kề.
狃 Nữu: Nhờn quen. Trong thuật ngữ thơ được hiểu: Sự trùng lắp âm căn
Trong giới hạn 10 chữ của 2 câu liền kề không được dùng những chữ có cùng một nữu (cùng phụ âm đầu, hay nguyên âm)
Ví dụ:
Nhành hoa xoan la Đà
Thơm Đã vương Đầu ngõ
(2 câu này có 3 phụ âm đầu Đ)
7. TIỂU VẬN:
小 Tiểu: Là Nhỏ (trong thơ được hiểu là nhẹ).
韵 Vận: Là vần
Tiểu vận là bệnh nhẹ về vần trong câu (được tính theo hàng ngang).
Dù không trùng khuôn vần với vận, thì 9 chữ đứng trước vận, cũng không được dùng hai hoặc nhiều chữ cùng một khuôn vần.
Ví dụ
Nhành hOA xoan lA đÀ
Thơm đã vương đầu ngõ
(A, OA thông vần; LA cùng khuôn vần với ĐÀ)
8. ĐẠI VẬN:
大 Đại (thái): Là lớn (trong thơ được hiểu là nặng)
韵 Vận: Là vần
Đại Vận là bệnh nặng về vần.
Thơ Ngũ ngôn thường được gieo vần ở câu chẵn, nên chữ thứ 10 của 2 câu chẵn lẻ liền kề gọi là vận.
Đại vận là 9 chữ đứng trước vận không được trùng với khuôn âm với vận (bao gồm cả vận chính và vận thông).
Ví dụ:
Miếng trầu têm MỜI bạn
Đọi nước đón khách CHƠI
Ngũ Ngôn và Thất Ngôn Luật Thi đến đời Đường, nghĩa là gần nửa thế kỷ sau mới sản xuất. Cho nên tám bệnh của ông Thẩm Ước đưa ra không đem áp dụng vào thơ Ngũ Ngôn và Thất Ngôn Đường Luật được. Mà chúng ta giảng cứu đây là giảng cứu về Luật Thi. Tuy vậy, chúng ta cũng nên biết qua để làm giàu thêm cho cái vốn học vấn.
Trước hết chúng ta nên biết rằng tám bệnh kia không phải Thẩm Ước đặt ra. Chính cũng như những bệnh dịch hạch dịch tả, bệnh phong bệnh lao... ở ngoài đời. Những thi bệnh đã có trong thơ từ khi mới có thơ và thơ càng phát triển, thi bệnh càng sinh thêm nhiều. Thẩm Ước chỉ có công phát hiện và đặt cho mỗi bệnh cái tên. Để cho khách tri âm dễ nhận thấy bệnh, họ Thẩm mới giải rõ bệnh lý, mới tả rõ bệnh trạng, mới thuyết rõ bệnh căn.
Nhận thấy được bệnh rồi thì tránh bệnh hoặc trị bệnh không đến nỗi khó khăn.
(Chép trong sách ra)
Về sau này (hơn cả trăm năm) cũng do chính các Thi nhân thời Sơ Đường đã dùng Danh - Định (tên gọi và một số quy tắc chế định) của Tứ Thanh Bát Bệnh ấy để bổ sung và dần dần hoàn thiện: Luật Bằng Trắc và Niêm trong Đường Luật Thi (cận phong).
Sau khi Thi luật được điển chế thì phần nhiều bệnh của Thơ Ngũ Ngôn không còn chỗ để xâm nhập. Song những bệnh này bị diệt trừ thì những bệnh khác lại sinh sản. Bởi hễ đời còn người, người dẫu đã văn minh tiến bộ đến đâu, vẫn còn bệnh; Thì thơ còn chữ, dù chữ đã tinh luyện đến đâu, cũng vẫn còn bệnh như người. Cho nên khách làng thơ Đường luật vẫn dùng những bệnh danh của Thẩm Ước để gọi những bệnh mới sinh trong thơ Cận Thể và tương tự với những bệnh trong thơ Cổ Thể. Danh tuy đồng nhưng bệnh căn và bệnh trạng đều khác. Để bớt rườm rà, ở đây chỉ nói về những bệnh trong Thất Ngôn Luật Thi.
(Chép trong sách ra)
Đó chính là các quy tắc Đường Luật hoàn chỉnh mà ngày nay chúng ta đã và đang sử dụng.
8 BỆNH DANH CỦA THẤT NGÔN LUẬT THI LÀ:
1. Bệnh Bình Đầu
2. Bệnh Thượng Vỹ
3. Bệnh Phong Yêu
4. Bệnh Hạc Tất
5. Bệnh Bàng Nữu
6. Bệnh Chánh Nữu
7. Bệnh Đại Vận
8. Bệnh Tiểu Vận
Đối với Thi Bệnh trong Thơ Đường Luật, mỗi người mỗi ý, có người cho là có 8 bệnh, có người 14 bệnh, cũng có người 17 bệnh, lại có người đề ra 34 bệnh...
Nhưng tất cả các bệnh mà các nhà Thơ Việt đưa thêm vào cũng chỉ là đào sâu vào Thanh (luật Bằng Trắc), Niêm và Vận, vì cả 3 quy tắc này trong Đường Luật đều liên quan đến Thanh âm.
1 - Bình Đầu: Có nghĩa là bằng nhau ở đầu câu
Bài thơ mà có 3 từ đầu của 4 câu liên tiếp bắt đầu bằng những tiếng cùng một từ loại như danh từ, động từ... cùng một cấu trúc câu thì phạm lỗi bình đầu. Ngoại trừ trường hợp cố tình làm có mục đích rõ rệt.
2 - Thượng Vỹ: Đuôi cao lên
Trong bài thơ ĐL TNBC nếu chữ thứ 5, 6, 7 của từ 4 câu liên tiếp cùng từ loại và cấu trúc thì bài thơ phạm lỗi thượng vỹ.
3 - Phong Yêu: Eo con Ong
Trong 1 câu, chữ thứ 2 và chữ thứ 7 cùng thanh dấu
(2/7 cùng dấu)
4 - Hạc Tất: Đầu gối chim Hạc
Trong 1 câu, chữ thứ 4 và chữ thứ 7 cùng thanh dấu
(4/7 cùng dấu)
5 - Chánh Nữu:
Phạm lỗi này khi trong 1 câu có 3 chữ có phụ âm hay nguyên âm đầu giống nhau. Ngoại trừ các chữ láy, ghép.
6 - Bàng Nữu:
Trong 4 câu liên tiếp có từ 4 chữ có phụ âm hay nguyên âm đầu giống nhau. Ngoại trừ các chữ láy, ghép.
7 - Đại Vận:
Chữ thứ 4 trong câu cũng vần với chữ cuối câu thì phạm lỗi đại vận (4/7 cùng vần)
8 - Tiểu Vận:
Chữ thứ 2 trong câu vần với chữ thứ 6 hoặc thứ 7 thì phạm lỗi tiểu vận.
Ví dụ 1:
QUA ĐÈO NGANG là một bài thơ rất nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan. Dựa vào 8 Bệnh của Thơ Đường Luật, chúng ta thử xem bài thơ này có bao nhiêu Bệnh nhé:
QUA ĐÈO NGANG
Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
1 - Bệnh Bình Đầu:
Bài thơ mà có từ 4 câu liên tiếp bắt đầu bằng những chữ cùng một từ loại, cùng một cấu trúc câu thì phạm lỗi bình đầu. Ngoại trừ trường hợp cố tình làm có mục đích rõ rệt.
NHỚ nước đau lòng, con quốc quốc,
THƯƠNG nhà mỏi miệng, cái gia gia.
DỪNG chân đứng lại, trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
- Chữ đầu câu của 4 câu cuối có 3 chữ Nhớ - Thương - Dừng cùng tự loại là Động từ:
2 - Bệnh Thượng Vỹ:
Chữ thứ 5, 6, 7 của từ 4 câu liên tiếp cùng từ loại và cấu trúc thì bài thơ phạm lỗi thượng vỹ.
Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen HOA
Lom khom dưới núi, tiều vài CHÚ
Lác đác bên sông, chợ mấy NHÀ
- Chữ cuối 4 câu trên có 3 chữ Hoa - Chú - Nhà cùng là danh từ
3 - Bệnh Phong Yêu:
Trong 1 câu, chữ thứ 2 và chữ thứ 7 cùng thanh dấu
(2/7 cùng dấu)
Cỏ CÂY chen đá, lá chen HOA
- Câu 2 có chữ Cây và Hoa cùng thanh ngang
Nhớ NƯỚC đau lòng, con quốc QUỐC
- Câu 5 có chữ Nước và Quốc cùng thanh sắc
4 - Bệnh Hạc Tất:
Trong 1 câu, chữ thứ 4 và 7 cùng thanh dấu
(4/7 cùng dấu)
Lom khom dưới NÚI, tiều vài CHÚ
- Câu 3 có chữ thứ 4 và chữ thứ 7 cùng thanh dấu.
Một mảnh tình RIÊNG, ta với TA.
- Câu 8 cũng thế, chữ thứ 4 và chữ thứ 7 cùng dấu thanh.
5 - Bệnh Chánh Nữu:
Trong một câu có từ 03 chữ cùng phụ âm đầu (hoặc bắt đầu bằng nguyên âm, không có phụ âm đầu) thì phạm lỗi chánh nữu. Ngoại trừ các chữ láy, ghép.
Một mảnh TÌNH riêng, TA với TA
- Câu cuối có 3 chữ cùng phụ âm T
6 - Bệnh Bàng Nữu:
Trong liên có từ 04 chữ cùng phụ âm đầu hoặc bắt đầu bằng nguyên âm thì phạm lỗi bàng nữu.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh TÌNH riêng, TA với TA.
- 2 câu cuối bị bệnh này, 3 chữ mang cùng phụ âm đầu là 3 chữ T
7 - Bệnh Tiểu Vận:
Chữ thứ 2 trong câu cũng vần với chữ thứ 6 hoặc thứ 7 trong câu thì phạm lỗi tiểu vận (2/6, 2/7 cùng vần)
Thương NHÀ mỏi miệng, cái gia GIA.
- Câu thứ 6 có chữ thứ 2 là NHÀ và chữ thứ 7 là GIA trùng vần.
Với bài này bà Hồ Xuân Hương đã bị mắc phải 7/8 bệnh!
Ví dụ 2:
Phân tích bài "ĐÓN TẾT" của cụ Tú "Có chăng chừa rượu với chừa chè"
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh chưng sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu.
Thôi thế thì thôi đành Tết khác,
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo.
- Bệnh Bình Đầu: 4 câu đầu, 4 câu giữa và 4 câu cuối đều mắc phải lỗi vì có danh từ ở đầu câu.
- Bệnh Thượng Vỹ: 4 câu đầu có 3 chữ cuối là động từ: Tiêu, quẩy, kiêu.
- Bệnh Phong Yêu: Bị lỗi ở
Câu thứ 4: Sen, kiêu và
Câu thứ câu 7: Thế, khác
- Bệnh Hạc Tất: Lỗi ở câu 2: Kho, tiêu.
- Bệnh Chánh Nữu: Câu 7 có 3 phụ âm trở lên th: Thôi, thế, thì, thôi.
- Bệnh Bàng Nữu: 2 câu cuối cùng
Phụ âm t: Tết, Tết, tôi.
Với bài này Cụ Tú Xương nhà ta bị mắc phải 6/8 bệnh!
Ví dụ 3:
Chúng ta cùng tiếp tục với thơ của Quách Tấn trong bài "ĐÊM TÌNH"
Giấc thắm tình duyên non gối nước,
Màn sương để lọt ánh sao băng.
Hồn hoa chợp mộng thơm hồn gió;
Tóc liễu dừng thơ đón tóc trăng.
Muôn điệu tơ lòng run sẽ sẽ,
Nửa vời sóng nhạc giợn lâng lâng.
Phòng hương thương kẻ ngồi nương triện
Tình gởi mây xa lệ ngập ngừng.
- Bệnh Bình Đầu:
Chữ đầu câu của 4 câu đầu có 3 chữ trở lên cùng tự loại là danh từ
- Bệnh Thượng Vỹ:
Chữ cuối câu của 4 câu đầu có 3 chữ trở lên cùng tự loại là danh từ.
3 chữ thứ 5 của 4 câu giữa và 4 câu cuối cùng là động từ.
- Bệnh Phong Yêu:
Câu 1 thắm - nước; Câu 2 sương - băng
- Bệnh Hạc Tất: Câu 4 thơ - trăng
- Bệnh Chánh Nữu:
Câu 4 có cùng 3 phụ âm h: Hồn - hoa - hồn
- Bệnh Bàng Nữu:
4 câu cuối có cùng phụ âm l: Lòng - lâng - lâng - lệ.
- Bệnh Tiểu Vận:
Câu 7 có 2/6 cùng vần ương: Hương - nương
Như thế, "ĐÊM TÌNH" cũng bị 6/8 bệnh
Qua mổ xẻ để định bệnh ta thấy:
- Một bài thơ hay nổi tiếng QUA ĐÈO NGANG đã mang trên mình 8/8 bệnh.
- Bài thơ ĐÓN TẾT của cụ Trần Tế Xương thì bị 6/8 bệnh.
- Bài "ĐÊM TÌNH" của Quách Tấn - Là người tổng hợp lại kiến thức được biết của mình qua các tài liệu, sách vở và trình bày ra mặt giấy để bạn thơ được rõ về "Bệnh và Lỗi Trong Thơ Đường Luật" cũng vướng 6/8 bệnh.
Đó là chúng ta mới định bệnh thôi, chưa nói đến trên dưới 10 lỗi trong thơ Đường Luật nữa mà các nhà thơ, nhà nghiên cứu hay học giả của thế hệ chúng ta vạch ra để người làm thơ Đường Luật phải tránh!
Một sự thật phải thừa nhận rằng: Thể thơ Đường Luật là một thể thơ gây nhiều khó khăn nhất cho người tập làm thơ.
Chính vì thế để giúp cho người làm thơ khỏi lạc đường và đến đích mau chóng, các học giả Trung Hoa ngày trước đã soạn nhiều bộ Thi Vận Tập Thành, thường gọi là sách Quan vận hay là sách Vận thư.
Nước Việt Nam chúng ta chưa có sách Quan vận. Cho nên các cụ ngày xưa đều hay dùng theo sách Trung Hoa, ngay cả khi làm thơ chữ Nôm cũng như khi làm thơ chữ Hán.
Sau này mãi cho đến cuối thập niên 30 đầu 40 của thế kỷ XX trở lại đây (khi mà hệ thống Quốc ngữ của Việt Nam ta từ hệ Tượng hình - Chữ Nôm đã thực sự chuyển hẳn sang hệ Tượng thanh - Latinh), vấn đề Thi Bệnh mới thấy các nhà Thơ Việt Nam quan tâm đem ra luận bàn sôi nổi và bắt đầu vận dụng một cách triệt để. Trong đó, đáng chú ý nhất là quan điểm nổi bật của nhà thơ Quách Tấn (1910-1992). Và chính vì vậy chúng ta sau này do không hiểu cái mấu chốt nhạy cảm này nên đã hay thắc mắc tại sao các bậc tiền bối học cao hiểu rộng như Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan... các tác phẩm của Họ đều bị mắc lỗi bệnh.
(Hết phần 1)
Còn tiếp
Link tham khảo:
1. http://longhovinhlong.blogspot.com/…/benh-va-loi-trong-tho-…
2. https://hoaanhdao0603082010.violet.vn/…/s…/entry_id/11643156
6. Một số chỗ trích THI PHÁP THƠ ĐƯỜNG của Quách Tấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét