Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

NƯỚC MẮT CỦA NIỆM Tiểu Yên

Truyện ngắn: 
NƯỚC MẮT CỦA NIỆM
 
Nắng. Nắng hoa cả mắt, hừng hực như rót lửa.
Niệm luống cuống chạy về nhà, chân liêu xiêu muốn ngã. “Cha ơi, cha ơi”. Cảm giác như tim không còn chỗ để mà thở nữa. Xe cứu thương hụ còi inh ỏi, xé toang cả trưa hè bình yên của xóm nhỏ. Niệm nắm chặt tay cha, run rẩy thì thào “Cha, cha ơi, xin đừng bỏ con”, bàn tay cha lành lạnh, những ngón tay thô gầy như không còn sức sống, nằm im trong đôi bàn tay nhỏ bé của Niệm. Những cái bóng mang áo blue trắng cứ chập chờn đi qua đi lại, như một thước phim quay chậm…
Cha đột quỵ, đi rất nhanh. Niệm chỉ biết rằng giữa trưa, cha phơi nắng đi từ ngoài đồng về, áo khoác còn chưa kịp cởi, vừa bước chân vào nhà đã xây xẩm, rồi khuỵu xuống hôn mê bất tỉnh. Niệm đang trên lớp, mấy bác trong trong xóm cử người chạy vội lên báo tin, Niệm sấp ngửa chạy về, chỉ kịp nắm tay cha, không nói được một lời nào. Cha đi rồi, cha đi không trở lại nữa. Gió tháng năm vẫn bàn bạt thổi xuyên mùa hè, xuyên qua cả trái tim đau nhói của chàng trai mới 18 tuổi, chân chưa kịp bước vào đời.
- Cha ơi, sao cha không chờ, chờ ngày con tốt nghiệp, chờ ngày con đi thi Đại học, con sẽ thi thật tốt cho cha coi
- …
- Không có cha, con không biết đặt mục tiêu đi hướng nào, còn có mẹ, còn có em nữa, cả nhà mình biết phải làm sao
Niệm ôm gối, đầu óc rối bù, trái tim cũng rối bù, hoang mang lẫn lộn. Ngước mắt nhìn quanh, cảnh vật chìm trong bóng đêm, chỉ còn thoảng mùi trầm hương bay bảng lảng.
- Niệm à, Niệm
- Cha, phải cha đó không?
- Ừ, cha đây. Con trai ngoan, đừng khóc, đừng buồn. Nhân duyên của cha chỉ có vậy thôi. Con phải kiên cường lên, thay cha chăm sóc mẹ và em, hứa với cha… cái gì cũng có thể vượt qua, con không được bỏ học, thậm chí phải thi đỗ Đại học…
- Nhưng…
- Hứa với cha, Niệm à! Cha tin ở con.
Niệm giật mình mở mắt, tưởng như vừa đâu đây, có bóng cha bên cạnh, vừa tan rất nhanh, trong khói sương mờ ảo. Trái tim lại quằn quặn đau, không dỗ mình ngủ tiếp được, Niệm bật dậy chong đèn, ôm sách học bài đến sáng tỏ. “Con sẽ cố hết sức để cho cha vui”. Mùa hè năm đó, Niệm một mình bắt xe vào Nam thi Đại học, chưa biết mình thi đỗ thì sẽ lấy đâu ra tiền để học tiếp, nhưng trong lòng vẫn le lói một niềm hy vọng. Trời sẽ không tuyệt đường, Niệm vẫn muốn cho mình một sự cố gắng. Ít nhất để cha vui. Mùa hè năm đó, Niệm mãi mãi không bao giờ quên, nước mắt thằng con trai chảy ngược vào tim, lặn vào rất sâu, mỗi khi nhớ về cha, Niệm lại thấy đốt cháy lòng cả một mùa hè nắng hực rát bỏng, gió bạt xuyên tim, đến tận những năm sau này vẫn còn âm ỉ cảm thấy đau.
Chập choạng, Niệm ở ngoài đồng trở về nhà đã thấy mẹ ngồi chờ bên bậc cửa, lẳng lặng. Niệm vào nhà, bật điện cho sáng, mẹ theo vào từ phía sau:
- Niệm à
- Dạ
- Bây qua thắp cho cha nén nhang
Mẹ cúi đầu lầm rầm khấn vái, Niệm nghe được tiếng rõ tiếng mất:
- Ông à, thằng Niệm nhà mình nó đậu Đại học rồi, ông cứ an lòng. Mẹ con tui ở nhà rau cháo nuôi nhau, cũng sẽ cố cho con nó không dỡ dang sự học.
Mẹ run run đặt lên bàn thờ cha tờ giấy báo nhập học mà bưu điện mới phát lúc ban chiều, cầm tay Niệm dặn dò:
- Bây nghe cho rõ đây, đời cha mẹ chỉ vài ba sào lúa, cày sâu cuốc bẫm, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, cũng chỉ mong cho con cho cái. Con ráng mà học, đừng phụ lòng cha mẹ bao năm nay, nghe bây. Mọi chuyện cứ để mẹ lo, con đừng suy nghĩ nhiều.
Niệm ôm mẹ, nghẹn ngào muốn khóc. Không biết mẹ đang ôm mình hay mình đang ôm mẹ, nhưng sao lưng mẹ gầy quá, thương mẹ thật nhiều, mẹ ơi.
Thế đấy, Niệm gói ghém vác ba lô, bắt đầu tự mở ra cho mình một trang sách mới, không có cha mẹ và em bên cạnh, chỉ có đằng đẵng những ngày miệt mài trên giảng đường, cùng với chiếc xe đạp cũ Niệm đi qua rất nhiều nẻo đường, không nhớ nữa, làm thêm bao nhiêu việc ngoài giờ, phụ bán hàng, rửa chén bát, đi rải tờ rơi, làm gia sư dạy kèm… Mỗi lần điện thoại về nhà, Niệm lại làm như rất vui vẻ:
- Mẹ yên tâm, con trai sống tốt, con có việc làm thêm, thu nhập ổn định, có thể tự lo cho mình được. Con còn để dành, có dư một chút gửi cho mẹ nữa, mẹ ở ngoài đó đừng làm nhiều mà lại ốm, tụi con chỉ còn mỗi mẹ thôi.
Niệm nhiều lúc cũng mệt mỏi lắm chứ. Một ngày quần quật chỉ ngủ chưa đến 5 giờ đồng hồ, sáng sớm đã đi giao báo, rồi mới đạp xe đến trường, bụng đó meo, bữa nào ăn sang thì có gói xôi, ổ bánh mì lót dạ. Cũng may, gần trường có quán cơm sinh viên 2000 đồng, Niệm vẫn thường ghé ăn như một khách quen. Người Sài Gòn nhiệt tình và tốt bụng, như cô chủ quán cơm, luôn mỉm cười ưu ái đón chào cậu sinh viên nghèo ghé quán. Tối nào, Niệm cũng sau 10h đêm mới về đến nhà trọ, tắm táp rồi mới học bài, ôn bài cho ngày mai, nhiều khi đến khuya lắc mới đi ngủ. Giấc ngủ cũng qua quýt cùng với những mệt nhọc chưa tan. Niệm vẫn hay mơ, những giấc mơ bình yên nơi đồng quê nhỏ, có đầy đủ gia đình yêu thương ở đó, cha mẹ và em, có cả Niệm. Thỉnh thoảng Niệm cũng lại mơ thấy cha về, trong cái chói chang nắng vàng mùa hạ, trìu mến hỏi han:
- Con khoẻ không, con trai của cha, giỏi lắm, giỏi lắm
Niệm biết mình không cô đơn. Bước tha phương, trái tim mệt mỏi vẫn còn nhiều ấm áp.
Phòng trọ có 5 người. Chung nhau căn gác xép làm chỗ ngủ chỗ học, phía dưới để xe và nấu nướng linh tinh. Niệm chẳng mấy khi ăn ở nhà. Nhưng mấy bạn cùng phòng thì cơm canh cũng loẹt quẹt tuần nấu nướng vài ba bữa tăng gia rau củ, trái cây. Mỗi người một quê, mỗi đứa một hoàn cảnh, không ai giống ai nhưng đều là sinh viên trọ học xa nhà cả. Niệm là đứa nhỏ nhất, mà cũng ít nói nhất, ít có mặt trong phòng cũng nhiều nhất. Trong nhóm, anh Bình lớn tuổi nhất, cũng ngấp nghé sắp ra trường. Một bữa, Niệm về khuya, anh còn thức, quay qua hỏi:
- Mi làm chi mà đi suốt ngày suốt đêm, thời gian đâu mà nghỉ?
- Dạ, em tranh thủ được mà anh, cũng cày cuốc cho vui thôi
Niệm trả lời lấp liếm cho qua chuyện. Anh không nói gì nữa. Nhưng mấy bữa sau, tự dưng anh bảo:
- Chỗ anh thực tập, đang có công việc free time, em có nhận không, anh giới thiệu cho, lương bổng cũng khá.
Thế là từ đó, Niệm theo anh Bình đi phụ việc văn phòng, làm hồ sơ trong giờ rảnh, cũng có thể tranh thủ đem về nhà làm cũng được. Bớt những buổi còm lưng ngồi rửa chén và chạy việc vặt đẫm mồ hôi nơi quán xá. Niệm vui hơn, xem anh Bình như một người anh trai vậy. Anh cũng thương Niệm, nhiều lúc anh ý tứ để dành cho Niệm một nửa phần ăn sáng, hay khuya đi đâu đó về lại dúi cho trái bắp, củ khoai.
- Anh mày nghèo, chỉ có mấy thứ linh tinh này thôi, chú mày đừng chê
Niệm đâu dám chê, còn cảm kích là đằng khác. Trong 5 người, anh giống như anh cả, bảo bọc 4 thằng em út còn lại. Anh nấu ăn giỏi, lâu lâu lại xuống bếp trổ tài chiên cá, kho thịt, xào rau. Căn phòng nhỏ vướng vít ám mùi bụi khói, cả 5 anh em xếp bằng ngồi quây quần chia nhau bữa cơm nghèo nhiều rau ít thịt. Có bữa, Niệm đi làm về, đã thấy anh chằm hăm ngồi bên cửa sổ, chăm chú đơm lại mấy cái nút áo Niệm vừa làm sút chỉ hôm qua, bàn tay anh thon gầy, mảnh mai như tay con gái, từng mũi kim đưa thoăn thoắt. Niệm nhìn anh, chợt nhớ bóng dáng mẹ mình, mắt thoáng cay cay.
- Mi có bạn gái chưa?
- Dạ, thân em lo chưa xong, đèo bòng chi bạn gái, hả anh?
Niệm thẳng đuột trả lời. Nghe giọng anh Bình buồn buồn chi lạ:
- Ừ, thôi… chú mày không yêu sớm cũng có cái hay.
Anh chống cằm thở dài thườn thượt.
Ra là anh Bình đã từng có người yêu, và đã từng ôm nỗi đau bị chia tay, chỉ vì cái tội… quá nghèo. Người con gái anh yêu đã bỏ rơi tiếng gọi trái tim, lên xe hoa cùng một đại gia lắm tiền nhiều của. Ra là thế… chẳng trách có bữa anh Bình say khướt, nằm bẹp dí một ngày trong chăn, thẫn thờ không nói năng, làm mấy đứa em cùng phòng chẳng hiểu chuyện gì cả, mà hỏi anh cũng chẳng nói. Một bữa đó, rồi thôi. Sau này Niệm thấy anh Bình không bao giờ say như vậy nữa.
- Sau này, em sẽ yêu…
Niệm biết mình lỡ lời, nhưng không kịp nữa.
- Tình yêu sinh viên, đẹp lắm. Chỉ nắm tay, cùng ngồi bên nhau, ngắm mây trời trôi lãng đãng, cũng thấy hạnh phúc vạn lần. Không như khi đi làm, người ta yêu nhau còn nhìn vào gia thế, hoàn cảnh, thậm chí so đo xem cả túi tiền ai nặng hơn…
Anh Bình vỗ vỗ vai, ý bảo Niệm “Chú mày còn non lắm, yêu đi, rồi sẽ biết”.
Anh Bình bảo: "Niệm à, anh là kẻ mồ côi, hay để anh nhận em làm em trai nhé". Vậy là từ đó, hai anh em trở thành anh em kết nghĩa. Anh ra trường, đi làm trước Niệm, tiền lương đủ thuê một căn hộ mới, nhưng anh nhất quyết chưa chịu lập gia đình, anh bảo Niệm về ở cùng cho đỡ tiền trọ, tiền sinh hoạt phí và hai anh em tiện chăm sóc lẫn nhau. "Để anh nuôi Niệm vài năm đã". Anh cứ cười cười khi Niệm mỗi lần giục anh lấy vợ.
Niệm biết yêu vào năm cuối Đại học, một cô bạn cùng trường, cùng khoa. Ngày Niệm dắt người yêu về ra mắt anh trai, anh Bình rất vui, tự tay xuống bếp nấu ăn chiêu đãi 2 đứa.
- Đây là anh Bình, anh trai mình
- Đây là Lan, bạn gái em.
- Chào em, ra trường hai đứa tính gì chưa? Anh chờ thiệp hồng đấy nhé.
Anh Bình có vẻ như hơi hơi xúc động một chút, suốt buổi đôi ba lần suýt đánh rơi đũa muỗng. Niệm lo lắng hỏi:
- Anh có bị sao không? Trong người anh không khỏe?
- Anh chỉ hơi mệt tí thôi, không sao, không sao... chắc dạo này công việc áp lực quá.
Nhưng cái hơi mệt của anh Bình, hóa ra lại là chuyện lớn. Anh bệnh, bệnh nặng là đằng khác. Ngày anh nhập viện, Niệm đang ở trường đại học, vừa bảo vệ luận văn xong, đạt điểm Giỏi. Nghe tin từ bệnh viện gọi đến, Niệm như không tin vào hai tai mình. Anh Bình... anh Bình...
- Sao anh lại giấu em, để mình ra nông nỗi này...
Niệm hai mắt đỏ hoe, không kìm được tiếng nấc. Anh Bình đưa tay vỗ vỗ lưng Niệm, giọng nhẹ tênh:
- Sống chết có số, ít ra anh cũng chờ được đến ngày em ra trường, tốt nghiệp. Hãy thay anh sống nốt, và làm tiếp những việc anh chưa làm được.
Anh còn dặn dò rất nhiều việc trong những ngày cuối cùng.
- Những năm trước, anh có mua bảo hiểm nhân thọ, chỉ nghĩ cho vui thôi, phòng khi rủi ro. Nhưng không ngờ anh tính sớm thế mà hay. Niệm à, anh đi rồi. Sổ tiết kiệm và tiền bảo hiểm đều ghi tên em, em lấy mà về quê xây sửa lại nhà mới, rồi tạo lập công việc, hoặc mua một căn hộ nhỏ, đón mẹ và em cùng vào, cho có hơi ấm một gia đình. Anh là anh trai nuôi của em, coi như cũng là con trai nuôi của mẹ, anh... anh chỉ làm được nhiêu đó cho em thôi, Niệm à. Đừng khóc, con trai ai lại khóc. Niệm có thể đón anh về nhà, được không?
- Được, được, anh cứ sống khỏe đi, đừng nói bậy, em sẽ đón anh về, còn có mẹ và em nữa, mình sẽ là người một nhà.
Niệm chạy ra hành lang, úp mặt vào một góc, vừa khóc vừa gọi điện thoại.
Niệm quyết định không ở lại thành phố mà đem theo anh Bình về quê, cũng vào một mùa hè cháy lửa. Mẹ thương anh một đời côi cút, bảo Niệm đem anh đặt cạnh mộ cha, trên bia mộ khắc tên anh là con trai. Nơi đó, là khu nghĩa trang gia đình, giữa một rừng dương xào xạc và cát trắng, mẹ bảo sau này mình cũng sẽ nằm ở đó.
Niệm đi hết mấy mùa hè, quay trở về chốn cũ. Chỉ khác bây giờ, trưởng thành và cứng cáp hơn. Niệm tự nhủ mình phải sống tốt, vì cuộc sống hôm nay Niệm có được chính là nhờ san sẻ từ tình yêu của cha, của mẹ, của anh và của mọi người. Cha và anh yên nghỉ đi, Niệm của cha và anh, đã thực sự lớn rồi. Nắng giữa hè vẫn quay quắt, cùng gió thổi qua đồi dương gọi thì thầm muôn tiếng. Cả nắng lẫn gió trong lòng Niệm, cũng thổn thức không thôi.
Tiểu Yên, 23/3/2016.
 
 Không có mô tả ảnh.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét