Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Nguyễn Hoàng Q.Trị -K-6774. một thuở bên nhau-nhiều bài viết

 * Với các bài viết của:
5. Lê Lan- Bất chợt một thoáng xưa
4. Đinh Thị Ngọc Chung- Tản mạn trước ngày về.
3. Dương Thị Bích Đào- Nắng còn trên đồi sim.
2. Nguyễn Thị Đức- Kỷ niệm.
1. Đoàn Thị Hoa- Sông quê ( thơ).
 
BẤT CHỢT MỘT THOÁNG XƯA
Cảm xúc ngày trở về Quảng Trị
hội ngộ Nguyễn Hoàng lần thứ hai 20-06-2010
Lê thị Lan CHS.K- 67-74      
                                                                                                                                                                                                     
Những ngày hè êm ả trôi.Tôi vừa thức dậy  sau giấc trưa thật ngắn, ngồi trước hiên nhà nhìn lên vòm mây xám xịt muốn bao phủ hết cả trời Bảo Lộc. Có lẽ cơn mưa lớn sắp đổ về nơi xứ cao nguyên xa xôi này. Những cơn mưa chiều vẫn thường về làm dịu mát cây cỏ quanh đây, vườn cúc dại nhà tôi cũng lốm đốm hoa vàng trên bãi cỏ xanh biếc.Tôi chợt nhớ bao ngày nắng đổ trên quê hương Quảng Trị trong dịp hè trở lại trường xưa cùng bạn bè một thời áo trắng ...
           Tâm Thụy, Liên Hưng, Ngọc  Anh vui trong tiếng cười khi tôi đặt chân đến Đông Hà, không gian thu hẹp lại, nổi mong chờ những giây phút bên nhau thôi thúc chúng tôi gọi cho các bạn. LH luôn nhắn tin và gọi điện bảo rằng  ‘có người đang chờ chị”…   
Tối 19/06 chúng tôi được bạn bè mời họp mặt ở Cát Vàng bên bờ Sông Hiếu- Đông Hà, những món ăn đặc sản hương vị quê nhà đậm đà làm sao! chúng tôi tràn ngập niềm vui bên sự đồng cảm với nhau - không ăn cũng thấy no- Việt Hương xuất hiện trước sự ngỡ ngàng của tôi  “em đang chờ chị”. Qúa khứ quay về trong tôi khi cô bạn nhỏ nhắc nhở từng kỷ niệm, một kỷ niệm tuổi học trò trong bài viết  NGUYỄN HOÀNG TRONG TÔI đã được VH vô tình nhắc đến trong vùng ký ức sâu thẳm ..., chúng tôi ngồi trò chuyện bên nhau mà tiếc nuối chuổi ngày thơ. Cô Giáng Hương bên cạnh hiền hòa nhìn đám học trò quấn quýt,. Chúng tôi trân trọng tình cảm cô đã tâm huyết với NH trong bao lần họp mặt.
          Tiếng điện thoại reo liên tục của lớp em tôi mời anh chị và các bạn đến cà phê nhạc TIẾNG DƯƠNG CẦM . Rời khỏi quán Sông Hiếu và tiếp tục gặp gỡ các NH trong không khí văn nghệ ngoài trời … chương trình khá sôi động, bánh kẹo rượu trà chúc mừng nhau ngày họp mặt. Các NH ríu rít bên nhau, những câu chuyện hồn nhiên trong sáng, nhớ nhau, mong đợi nhau cùng ngày trở về trường xưa … những người bạn nhỏ lớp em tôi đã ôm chặt lấy tôi mừng rỡ. Tôi thật xúc động khi hình dung lại những khuôn mặt non nớt ngày xưa làm sao có thể nhận ra mình sau hơn 35 năm xa cách …là Bích Huệ, Việt Anh,  Phương …hơn thế nữa tôi chẳng nhớ nỗi tên …, những tiếng hát học trò cất lên gợi nhớ một thời xa xưa, các bạn say sưa ca hát, các NH như những phóng viên chạy qua chạy lại ghi nhận những hình ảnh thật là dễ thương.
             Đêm xuống sâu, cuộc vui tan dần, các NH chia tay nhau về nơi nghĩ để còn dưỡng sức cho ngày mai hội ngộ toàn trường. Chúng tôi trở về nhà lòng vẫn rộn ràng giữa phố khuya, lời chia tay còn vương vấn buổi gặp gỡ đầu tiên tràn đầy cảm xúc …
Giấc ngủ đến với tôi thật khó mặc dù qua một dặm dài xa ngái trên ngàn cây số, những gót chân son trong ký ức tuổi thơ cứ ùa về, có lẽ các NH trở về hôm nay trên mảnh đất Quảng Trị  cũng cùng mang tâm trạng như tôi !
            Sau bao năm xa cách, tuổi đời chồng chất theo với cuộc mưu sinh tìm mạch sống.Thầy tôi, bạn tôi là những người đã xa lìa mái ấm NH nay cùng trở về trên sân trường xưa, nỗi vui mừng và niềm mong đợi quyện lẫn vào nhau khi những tiếng a lô …a lô  vang lên trong nắng sớm. Hải liên tiếp gọi điện thoại và chuyền máy cho các bạn vừa reo vui, vừa hối hả … “tôi ơi ! hãy bước mau”.
           
Sáng sớm trời trong xanh, từng đàn chim muôn phương bay về tổ giữa muôn người muôn vẻ trong nét hân hoan. Những NH như chúng tôi đã vượt đường  xa, đã bao đêm trở mình thức giấc đợi ngày về. Tôi ngỡ mình như trẻ thơ vào ngày đi học năm xưa …nhũng hàng cây đan nhau tình tự đem bóng mát cho thầy trò chúng tôi trong một ngày hè nắng cháy. Ngọn lửa Nguyễn Hoàng đang bốc vút cao trong khoảng sân rộng bên những tấm lòng nhớ đến nhau, biết đến nhau lại càng yêu thương nhau hơn khi nhìn nét tàn phai trên bao khuôn mặt hiện hữu. Một thoáng ngậm ngùi khi biết các Thầy Cô, bằng hữu đã ra đi thật xa không bao giờ trở lại nơi này …Tôi muốn ôm hết cả bầu trời nơi đây để nhân rộng từng giây phút bên nhau, để thấy rõ bước chân mình đang tìm về kỷ niệm …
                 Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt
                 Mùa thu nào đưa người về thăm chốn xưa
                 Hoàng hạc bay bay mãi bỏ trời xa
                Về đồi sim ta nhớ người vô bờ …

               Tiếng hát ai  văng vẳng bên tai nghe thật xa vắng, Quảng Trị  nơi chúng tôi về không có đồi sim mà có dòng  sông, con sông trên đường phố của một thời thơ dại, hôm nay bên dòng sông này vợ chồng tôi đã ngồi uống mấy ngụm cà phê lúc sáng sớm khi mà quán vắng đang đợi các bước chân NH  trỏ về trên quê hương mình. Một nỗi buồn nhớ tuổi thơ, một nỗi buồn về sự mất mát, và một nỗi xót xa không vơi với dân tình QT đang sống trên mảnh đất quê nhà… chúng tôi ngồi thật lâu như các anh chị ngày xưa ngồi uống nước bên sông nói lời tự tình .
               Nắng quê nhà vẫn không làm cạn nước sông Thạch Hãn, trời tháng sáu không đốt cháy chúng tôi như ngọn lửa NH.Tôi về lại với dạt dào yêu thương của lòng người viễn xứ, thầm lặng đếm theo từng cây số mà ngậm ngùi thương sự chia ly. Con người Quảng Trị vốn sinh ra nơi nghèo khó, lại chịu đựng nắng mưa như chỉ trút xuống thân phận mình, và còn thêm nỗi đau nhìn thấy quê nhà bị vùi chôn, bị xáo xới đã hơn ba mươi năm vẫn chưa tìm lại được những gì đã mất . Thoáng chốc nước mắt tôi rơi …Tôi khóc cho Thầy tôi, bạn tôi, người thân tôi, và em tôi đã nằm xuống nơi đây mà không một lần tôi được về qua … Mẹ Cha tôi đã đặt chân lên mảnh đất Quảng Trị này để kiếm tìm cuộc mưu sinh, tôi được sinh ra và lớn lên, rồi uống nước sông Thạch Hãn. Tháng năm dần trôi con sông ấy trở thành dòng chảy trong tôi tự bao giờ…
               Năm tôi mới lên 2, gia đình rời xa QT theo Ba tôi chuyển vào Quảng Ngãi để làm việc… không ra đi từ đó… lúc tôi lên 8 tuổi một lần nửa Ba tôi trở lại công tác ở Quảng Trị, tôi được  cắp sách đến trường rồi  lớn dần theo năm tháng … và đến một ngày được trúng tuyển vào kỳ thi lớp đệ thất của trường Trung Học Nguyễn Hoàng. Tôi hớn hở vào những ngày tựu trường, khôn ngoan dần dưới sự dìu dắt của Thầy Cô, được sống trong tình bè bạn NH.trường Nguyễn Hoàng nuôi tôi trong ước mơ mới lớn …
                 Tiếng rung của chiếc điễn thoại liên tục thôi thúc tôi  “Lan đang đứng ở đâu ? có chị Hạnh muốn tìm em”. Tôi vội vàng bước ra khỏi đám bạn bè đang xôn xao, dáo dác mắt tìm chị H mà lòng xốn xang, bừng bừng một niềm vui khó tả như là ngày xưa ơi! ngày xưa ơi! …Tôi ôm chầm lấy chị, và nhớ thương bất tận làm tôi muốn khóc òa trên vai chị - ôi! thật là xúc động - qua bao thăng trầm dâu bể cuộc đời chị em tôi đã có nhau,  rồi sống xa cách - thầm lặng nhớ nhau trong ký ức. Vẫn nét buồn xa vắng, hiền hòa trong đôi mắt chị như ngày nào. Tôi nghẹn ngào trước cảm xúc của mình, nắm chặt tay chị không muốn rời xa như sợ những tháng ngày mang nhiều dấu nối sẽ tiếp tục…tiếp tục, chị em tôi không đủ thời gian để trò chuyện vì xung quanh chị còn nhiều bạn bè xúm xít, cũng là ngày hội ngộ cho những người tìm nhau, đến với nhau…Tôi chia tay chị trong sự vội vã mà lòng mãi bâng khuâng …
 Sanh-Hướng-X-Hường-Lài-x-Lan 
Thầy H.N.Thanh-Bằng--X-Hồng-Ngà-Hải-Hải-Thành
Quay lại phía sau có tiếng gọi  “Lan ơi! …Lan! “thêm một người bạn đã xa gần 35 năm , từ ngày chúng tôi ra trường nhận nhiệm sở rồi mỗi đứa một phương …ngày ấy các bạn NH cùng học với nhau ở Huế, vui buồn bên nhau lứa tuổi đôi mươi đầy ước mơ, những lúc hết tiền ngồi chờ học bổng, những khi đói bụng làm bánh bột mì để ăn, những chiều tà buồn buồn rủ nhau về đập đá ngồi hóng gió…, và những đêm ngồi hát cho nhau nghe trước hiên nhà. Quãng đời đi học thật là nên thơ mà chúng tôi là những kẻ vô tình đã ngủ quên …Võ thị Gái, người bạn năm xưa của tôi vốn có nhiều bất hạnh, cha mẹ mất sớm, còn một người anh (Võ văn Đạt CHSNH) cũng không may mắn đã qua đời lúc còn son trẻ, quá nhiều đau thương dồn dập đến với bạn tôi nên Gái đã thu mình sống trong an phận, khép kín. Những mẫu chuyện êm đềm cứ đến với chúng tôi dần dần hai đứa quay về kỷ niệm, lúc cười, lúc xót xa thương thân phận …Tạm biệt Gái, tôi trở lại ngồi với lớp .Chúng tôi làm học trò trong sân trường NH, tưởng như ngày xưa những khuôn mặt  mười ba, mười lăm tuổi  “tau ..tau …mi …mi…”   đầy thơ dại ….Cám ơn đời cho tôi một lần gặp gỡ đầy yêu thương .
                Buổi ăn trưa trong hội trường không có không gian rộng mở - ước gì là một buổi sinh hoạt ngoài trời thì có lẽ các NH còn biết bao nhiêu là chuyện kể …,...
K10/72 luôn luôn  cạnh kề bên nhau tâm sự
                                 TRƯA PHỐ LANG THANG .

              Chúng tôi chào mái trường xưa, ra về lòng ngậm ngùi nuối tiếc - cơn nắng ban trưa giữa lòng thành phố Quảng Trị vẫn chói chan gay gắt. Trời trong xanh, không có ngọn gió nào thổi qua … Cổng trường đã khép - phố vắng tênh - đôi chân tuy chưa mỏi nhưng lòng chùng xuống vì nỗi buồn trước mặt. Chúng tôi cùng chị Nguyên và một số anh bạn của Lâm ghé trốn nắng ở một quán bên đường dọc Thành Cổ. Ly nước dừa quê hương thấm vào người nghe mát rười rượi - chị em tôi ngồi tựa đầu vào nhau - tôi nghe từng khoảnh khắc níu buộc bước chân mình. Tôi muốn được sống trên mãnh đất đau thương này - muốn được sẽ chia với dân tình Quảng Trị .Quê hương tôi mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn, con người vẫn thầm lặng chịu đựng bước qua những khúc quanh nghiệt ngã mà vốn thiên nhiên không ưu đãi. Ôi những góc phố, những con đường thân quen xưa cũ không còn nữa những nét mộc mạc - những vẻ đơn sơ như tà áo trắng trong chiều mà sao lòng tôi vẫn bâng khuâng -vẫn thương nhớ khôn nguôi - Quảng Trị ơi! tôi đã ra đi -đi từ thuở nào! Tôi muốn dang tay ôm gọn con phố vào lòng để thấm thía nỗi đau chia cách ….

                                  Mấy con mắt ngó nhau thương ngày tuổi dại
                                 Bâng khuâng thu về trên lối cũ tìm nhau
                                 Màu trắng ban sơ níu thời gian ở lại
                                Giấu nỗi buồn  ta  thầm lặng với  ngày sau .
                                                                     (Bên bờ thành xưa )
                 Gió chiều nhè nhẹ thổi, chúng tôi rời khỏi quán nước,trở về Đông Hà …
 
  Họp lớp tại nhà Phan Thanh long Nhan Biều

QUÊ TÔI
Sáng sớm thức dậy, không khí mát mẻ dịu êm như trời mùa thu, chúng tôi tiếp tục chuyến đi về Ưu Điềm thăm quê ngoại - dòng Ô Lâu vẫn trong xanh muôn thuở, hồ sen hai bên đường vẫn hồng tươi tựa như hình ảnh trong trắng của những cô thôn nữ làng quê - ruộng đồng xanh biếc xa thăm thẳm trong mắt tôi một khoảng trời rộng mênh mông, hình ảnh Ba Mẹ tôi hiện ra trước mắt. Tôi nhấc máy gọi điện …”Ba ơi! con đang trên đường về quê mình - con đang bước qua những đồng ruộng bát ngát, lúa năm nay được mùa có lẽ dân làng mình đỡ khổ …” những người dân quê đang khom mình trên từng vạt lúa chín – những con bù nhìn đang vô tư vẫy tay chào nhau giữa trời lộng gió.Tôi dừng chân lại … như có dòng máu đang chảy trong thân thể mình. Tôi nhớ quãng đời gian khổ của Cha Mẹ sống trong cảnh đồng khô cỏ cháy, nhớ ngọn lửa rơm chiều bốc cháy ròn rã khi xoay quanh bên Ông Bà tôi nghe kể chuyện cổ tích, chuyện làng quê …Tất cả về lại trong tôi như một mạch nguồn .Mẹ thường  kể cho tôi nghe những lúc quê nhà vào mùa gặt hái, tiếng gà gáy Ó…O …O… vào những sáng tinh mơ đánh thức mọi người, những ngày mưa lũ nước tràn về ngập cánh đồng lúa chín.Tôi đứng nhìn những con đê dẫn từ mảnh ruộng này sang mảnh ruộng khác. Ôi lũy tre làng bao quanh những  đồng lúa bạt ngàn trông thơ mộng làm sao! tôi nắm tay chị N  nửa vui, nửa buồn, nửa ngẫn ngơ như lòng mình đang xao xuyến …
                   Chúng tôi dẫn nhau ra ngồi bên bờ sông Ô Lâu uống mấy ly nước chè xanh Mỹ Chánh. Dòng sông này là nơi cất dấu rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ của Ba Mẹ tôi… những chuyến đò lần lượt xuôi theo dòng nước đi qua trước mặt, bên kia sông đám trẻ đang ngâm mình nô đùa dưới nước gợi cho tôi biết bao nhiêu điều trong ký ức. Tôi cảm nhận làng quê mình thật là đẹp, thật là xưa. Hình ảnh ấy cho tôi nhớ những ngày còn thơ, mỗi lần về thăm Ông Bà Nội Ngoại đi theo Mẹ xuống bến để tập bơi, có lần bị ngộp nước – chao ơi là sợ! sợ “ma rà …” Ngồi uống nước một lúc chúng tôi quay về nhà chú  Ngọc. Nồi cháo vạc giường nóng hỗi trông thật hấp dẫn với thẩu ớt muối do bàn tay đảm đang của thím làm. Lòng tôi tràn ngập niềm vui khi mấy chú cháu quây quần bên nhau vừa ăn, vừa kể chuyện ngày xưa …
Ăn xong, chúng tôi đi viếng mộ trên đồi cát trắng đầy hoa sim tím, màu hoa gợi nhớ trong tôi một kỷ niệm êm đềm khó quên .
                              Màu hoa gợi nhớ tình ai
                              Sắc màu tim tím như loài hoa lan
                              Như em tôi bóng ngút ngàn
                            Sớm mai Huyền Thạch vô vàn dấu yêu .
Cậu tôi đang trở bệnh nặng, có thể đây là lần cuối cùng trong đời tôi được nhìn thấy cậu. Cơn đau làm cho cậu tôi quằn quại trên giường bệnh, nước mắt ứa ra khi con cháu về thăm.Tôi không cầm được nước mắt, ôm lấy vai cậu “ cậu ơi ! cậu sẽ khỏe – cậu hãy vui lên, con cháu đang nhớ cậu về thăm cậu đây! “.Cậu là người gần gũi với Mẹ tôi nhất trong mấy anh em của Mẹ - là người nhẫn nhục chịu đựng, cậu đã từng đi bộ theo nương rẫy 7, 8 cây số  trên vai với gánh khoai, cũ sắn để thăm mẹ con tôi khi tôi mới ra trường dạy học ở một miền xa xôi …..
                Cuộc đời là thế đó!...tan hợp …hợp tan ….Cậu tôi đã qua đời!
Ra  khỏi nhà cậu lòng không vui, mấy chú cháu trở về QT, đi qua làng Điền Hải, ghé thăm mộ con chị Chiến. Con nằm đây mà Mẹ ở bên kia nửa vòng trái đất. Chúng tôi thắp vài nén nhang làm ấm lòng người quá cố. Chiều xuống chầm chậm, một buổi chiều hè ở miền quê thật là thú vị. Hai  chi em mãi  say sưa chuyện trò không để ý …..
-         Chết rồi! chị N ơi! lửa đâu mà cháy tràn lan thế này!
-          Coi chừng người ta bắt hai chị em mình vì tội đốt làng họ
-         Trời ơi ! Lan ơi ….là Lan …!
Thế là tôi và chị N vô cùng hoảng sợ, bốc cát, ngắt vội mấy chùm lá cây tìm mọi cách để dập tắt ngọn lửa mà mình đã vô ý làm lan tỏa, gió chiều cứ lồng lộng thổi giữa nghĩa trang buồn tẻ. Ngọn lửa như có thần cứ dọa nạt chị em tôi …  may thay! có hai người hàng xóm xúm lại cùng nhau dập tắt ngọn lửa …,…Một lát sau hai chị em ngồi phệch xuống giữa bãi tha ma, lòng vẫn bàng  hoàng khi nhìn quanh có nhiều ngôi nhà sống ven đó .
-         Mình vô ý quá chị ơi ! nghĩa địa này trong khu dân cư, mùa này toàn là cỏ khô với lá chết
-         Ư  ! mệt ơi là mệt ! …em có sao không ?
-         Dạ không sao ! chỉ mệt gần chết thôi . (tôi cười xòa )
-         Chị ơi ! có lẽ con chị Chiến thấy mình về, nó vui quá nên dọa hai chị em mình đó!
-         Em tin không?
-         Dạ tin. Người chết cũng biết buồn mà chị !
Hai chị em cám ơn cô hàng xóm rồi rời khỏi nghĩa trang .
      Chúng tôi kể lại câu chuyện vừa xảy ra trên đường về QT. Trời dần dần tối, những ngỏ quanh trong làng xa thật là xa …đi ngược đường về nên mấy chị em chạy vượt xa gần cả trăm cây số.
Chúng tôi về đến nhà lúc 9 giờ tối. Một ngày thật là ý nghĩa, thật là đáng nhớ !
              
Anh chị Phái Mai rủ chúng tôi đi chơi cùng với một người bạn của anh chị, Biển là nơi tôi rất thích, gió chiều thổi nhẹ, xe lăn bánh trên con đường nhựa trãi dài theo hai bên bờ cát trắng, những chiếc cầu nối nhịp qua từng khúc sông quê, rừng dương liễu xào xạc bên tiếng sóng biển rì rào … xa xa có vài chỗ dừng chân cho du khách. Tôi chợt nhận ra quê hương mình thật phong phú, thật giàu đẹp – là một nơi lý tưởng cho những ai biết tìm đến .
 Mấy anh  em tôi dừng lại ở bãi biễn Cửa Tùng (Cát Sơn ). Hoàng hôn buông xuống trên mặt biển, sóng dào dạt xô vào bờ có lúc nghe như mừng rỡ, có khi như hờn giận. Tôi đứng giữa khoảng trời mênh mông lộng gió và thấy mình thật nhỏ  bé …
                     Biển em con sóng  dâng tràn
                    Ta như bờ cát miên man nỗi buồn .
Con người  vậy đó, tâm trạng có lúc như quên hết xung quanh mình, hòa vào cỏ cây hoa lá mà thấy lòng nhẹ nhàng phơi phới ….Ôi ! thật là lãng mạng khi đêm xuống trên mặt biển, những chiếc đèn cầy đem ánh sáng buồn mà ấm cúng của những chủ quán … chúng tôi dùng bửa tối với món cháo cá, mực hấp – thật là ngon!. Các anh chị kể chuyện đời nghe thật ý vị .
                Chúng tôi ra về, lòng mọi người đều mang một niềm vui nho nhỏ.

                Còn những năm ngày nửa là tôi phải xa rời Quảng Trị, lần ra đi này không biết khi nào trở lại. Những ngày còn lại đều cho chúng tôi nhiều sự thân thương, những bữa ăn đơn sơ đạm bạc, những ly cà phê sáng tối có nhau. Buổi họp mặt  đầy tình nghĩa của lớp ở nhà Phan thanh Long để lại trong lòng chúng tôi những tình cảm đậm đà sâu sắc. Những bài hát trước lúc chia tay của bạn bè, nồi cháo gà thơm tho ăn giữa trời khuya. Mỗi đứa như những cô cậu học trò ham chơi không chịu về, không sợ Ba Mạ ở nhà trông ngóng. Anh Phúc mãi say sưa nói, các bạn cứ vang lên những ca từ bất hủ … “Biển sóng biển sóng đừng  trôi xa ,…bao năm chờ đợi sóng gần ta …, ta tìm  em  nơi đâu ?...”  lòng như xoáy sâu vào ký ức .
Buổi tối cuối cùng ở Đông Hà, trời dịu mát sau cơn mưa chiều, chúng tôi rủ nhau sang quán cà phê trước nhà mình khi có ba người bạn đến chia tay . Vẫn ly trà gừng tôi thích uống như một buổi chiều tắt nắng bên sông Thạch Hãn. Chúng tôi lặng im bên tiếng hát Lệ Thu ..  “phố vẫn hoang vu từ lúc em đi …để rồi ngày sau khi ta cần nhau …còn đôi chút êm vui ngày đầu …xin còn nhớ gọi thầm tên nhau …”
Những câu chuyện ngày qua đã trở thành kỷ niệm, niềm vui trở thành sự nuối tiếc .Chúng tôi chia nhau nỗi buồn trước mặt, ngậm ngùi thêm vì khoảng cách xa vời vợi …,…,…,…,….
                             Xin còn gọi tên nhau giữa mùa thu cất bước
                              Ngại ngùng chi khi tha thiết với thương mong
                              Ngày tháng đi tình xa còn ở lại
                              Muôn trùng về níu giữ bóng phù vân
Lại đến giờ chia  tay
K 10 nhóm này, nhóm nọ gặp nhau bên bờ sông Thạch Hãn

                                   Chào Quảng Trị tôi đi nhé !!!
BMT- 20-10-2010
LL
TẢN MẠN TRƯỚC NGÀY VỀ…
CHSNH. Đinh Thị Ngọc Chung
 . K 67-74- Ban C
Hiện ở: 424/10 Nguyễn Văn Luông,P12,Q 6 TP. HCM
DD. 0912 000 846

  Bồn chồn… Nôn nao… Háo hức… Tôi đang đếm ngược những ngày còn lại. Vé đã đặt xong, chương trình cũng đã được sắp xếp, chỉ còn đợi đến giờ G để khởi hành. Trở về và hội tụ. Kỷ niệm nơi ký ức hình như chưa đủ. Phải sống lại, đắm mình vào khoảng không gian xưa mới mong cảm nhận được hết những mênh mang của một thời áo - trắng - học - trò.
 Có phải tôi đang lần mò tìm lại những hình ảnh của thầy cô tôi, bạn bè tôi - và cả tôi  của thủa nào? Một thủa nào mãi vang vọng.
 Sáu mươi năm của một đời người có thể chỉ là những bồng bềnh sướng vui khổ lụy, nhưng sáu mươi năm của một ngôi trường lại chất chứa  những gì tinh túy nhất, trìu mến nhất. Tưởng tượng  ngày sắp đến, hàng trăm ngọn nến được thắp lên trên những cánh tay run rẩy của những thế hệ thầy cô, của những thế hệ học sinh cũ mới từ khắp nơi tìm về để kỷ niệm 60 năm thành lập trường. Chỉ mới tưởng tượng thôi mà sao lòng mình không kìm nén được cảm xúc.
  Những  kỷ niệm cũ lại ùa về…
Một tôi của những ngày đầu chập chững bước vào trường trung học. Một tôi-cô-bé hoàn toàn khác lạ! Những năm học tiểu học như là của một cô bé nào đó, chứ không phải là của cô bé tôi bây giờ. Nhiều sách vở hơn, nhiều thầy cô hơn. Cái cảm giác lâng lâng khi lần đầu được khoác chiếc áo dài trắng có đính bảng tên “ Trường Trung Học Nguyễn Hoàng” như vẫn còn lãng vảng đâu đó dù đã trôi qua  gần 5 thập kỷ.
 Thời gian thì vẫn cứ đều đặn gõ những bước nhịp êm đềm, cứ tưởng như tuổi học trò cũng sẽ êm đềm mãi  dưới mái trường yêu dấu. Lũ học sinh chúng tôi còn quá đỗi ngây thơ để đón nhận những khốc liệt của  chiến tranh, dù xen lẫn vào tiếng giảng bài của thầy cô là những tiếng đì đùng của súng đạn. Rồi bỗng chốc chiến sự bùng lên dữ dội hơn  vào mùa hè. Hỗn độn, loạn lạc, tứ tán. Ngỡ như chẳng bao giờ còn gặp lại thầy cô, gặp lại bạn bè. Ngỡ như cuộc sống chỉ còn lại những đau thương, mất mát. Nhưng rồi từ những tấm lòng của thầy cô, gom góp kiếm tìm chúng tôi qua từng trại  tạm cư. Thầy trò chúng tôi lại tập hợp nhau  dưới mái trường tạm bợ. Mỗi  học sinh khi đi học đều phải đem theo chiếc ghế để ngồi đã nói lên được sự tạm bợ đó. Dù chỉ là những lớp học tạm bợ nhưng có vẻ như lời giảng dạy của  các thầy các cô đều mang một nét gì đó tâm huyết hơn, thấm đẫm hơn. Chính từ những buổi học tạm bợ đó chúng tôi càng  gắn bó với nhau. Càng nhìn thấy được tình thương mến, bao dung vô bờ của thầy cô dành cho lũ học trò tội nghiệp chúng tôi. Cũng chính từ đó chúng tôi  kính yêu thầy cô mình hơn, gần gũi với các đồng môn hơn.
  Có lẽ trên đất nước nầy  chẳng có ngôi trường nào có một số phận kỳ lạ như ngôi trường của chúng tôi, nên xin đừng ngạc nhiên với những cảm giác nôn nao háo hức khi sắp được trở lại trường . Chúng tôi như những tín đồ của giáo phái “Trung Học Nguyễn Hoàng” trở về hành hương nơi miền đất- thánh-  kỷ- niệm.
  Tôi vẫn còn nhớ như in buổi khai giảng năm học mới nơi ngôi trường Nguyễn Hoàng trại 5 Non Nước. Lộ rỏ nét đăm chiêu trên gương mặt các thầy, các cô, vẻ dớn dác nơi  học trò chúng tôi. Bạn bè  ai còn ai mất sau buổi loạn ly? Còn đâu nữa mái ngói rêu phong? Còn đâu nữa tiếng chuông reo giờ ra chơi vỡ òa đàn bướm trắng? Còn đâu nữa những dãy lầu với từng dãy hành lang chạy dài hun hút, vuông vức từng ô cửa sổ để chúng tôi thả hồn chập chờn theo từng vạt nắng đổ xuống sân trường? Không còn những cành hoa phượng lẻ loi sót lại mùa hè chào đón chúng tôi niên học mới, thay vào đó là tiếng sóng biển rì rào hòa quyện cùng nắng cát. Chúng tôi trở lại học hành sau mấy tháng hè đầy những biến động. Chúng tôi lại tiêp tục cuộc hành trình tiếp nhận tri thức cũng như tiếp tục đi nốt những năm cuối của đời học sinh trung học trong vòng tay độ lượng của thầy cô và tình thân thiết của bạn bè.
Lớp 11C NNĐN dự đám cưới Kiều Minh và Văn Anh( 1973)
Trái sang: Nguyễn Thị Hoa, Ngọc Chung, Bích Liên, Bích Đào, Minh và Anh
Niên học  đó, lớp 11C chúng tôi điểm danh được 21 mạng - 14 nữ và 7 nam. Bọn nữ chúng tôi chiếm ưu thế về số đông trong lớp nên tha hồ chọc phá bắt nạt những anh chàng nam hiền lành.  Giáo sư nam trẻ vào lớp dạy, bọn chúng tôi cũng tìm cách nầy cách khác để trêu đùa, dù hồi đó học sinh chúng tôi vẫn rất tôn sùng thầy như tôn sùng một thần tượng. Vì là thần tượng nên vào lứa tuổi bắt đầu biết “mộng ngoài cửa lớp” đó, thì thầy lớn hơn trò dăm tuổi không tránh khỏi có những trò  đem lòng thương thầm nhớ trộm thầy. Có lẽ cũng từ những rung động đơn phương đó mà trò giỏi lên một cách bất ngờ môn thầy đứng lớp. Lớp học chúng tôi như dậy sóng, dù chỉ là sóng ngầm, kể từ hôm thầy Đỗ Tư Nhơn, dạy Quốc văn - giáo sư hướng dẫn lớp 11C, vào lớp cùng với thầy mới dạy môn Pháp văn; dáng dấp hào hoa, rất đẹp trai (em xin lỗi  thầy vì lúc đó thầy  mới ra trường, còn trẻ quá !). Thầy giới thiệu: đây là thầy Nh.,  thầy dạy Pháp văn lớp 11C các em. May mà nhờ có vẻ nghiêm nghị của thầy chủ nhiệm nên bọn nữ quỷ chúng tôi kềm nén lại được, những tiếng hoan hô long trời lỡ đất chào đón thầy giáo trẻ. Kể cũng lạ, từ lúc thầy Nh.   dạy lớp tôi, đến giờ Pháp văn của thầy, cả lớp như đổi khác hoàn toàn, bọn nữ thì điệu đàng hơn, từ lối đi đến dáng ngồi, bọn nam thì có vẻ dè dặt hơn trong cách ăn nói, có một anh chàng không dấu được nỗi buồn khi biết người mình đang để ý lại si mê thầy giáo. Hình như tất cả nội lực, tất cả sinh mạng của cô bạn Đ. lớp tôi đều dành cho môn Pháp văn, cả lớp đều biết nên cứ trêu chọc Đ. Mà Đ. cũng chẳng cần chối cãi.( Mới đây khi Đ. định cư ở nước ngoài về nước, bọn chúng tôi rủ nhau đến thăm thầy, khi Đ. gặp một ông lão tóc  thì bạc, mắt thì mờ có lẽ thần- tượng- người-trong-mộng đã sụp đổ trong Đ, chỉ còn lại thần- tượng - người - thầy đáng kính). Trong lớp, hễ có đứa nào được điểm cao về môn Pháp văn là sẽ có ngay những tiếng xầm xì. Một bữa, hai cô bạn tôi, Lệ Bê và Bích Lan làm bài tập Pháp văn được điểm cao,
   Ảnh bên( 2011); lớp 11C-K72-73NNĐN) thăm  thầy Đ.V.Nhẫn: Anh Thi và B.Đào, Kiều Minh, Đoàn Hoa, Ngọc Chung, PN thầy Nhẫn, N.T.Hoa, anh Lộc, thầy Đào Văn Nhẫn.
Tôi hỏi chọc: Hai đứa bây cũng mê thầy Nh. hả?
-Lệ Bê nói: Tau có bồ rồi, mắc chi mê thầy!
-Bích Lan cũng nói tau cũng có bồ rồi mà…
Tôi ngạc nhiên hết sức, hỏi lại: Ê, hai đứa bây có bồ khi mô, răng tau không biết?  Ai nói mà biết, bữa mô hai đứa tau hẹn bồ, mi có đi theo không?
Dĩ nhiên là tôi đi theo chúng nó để biết chứ. Tôi hỏi khi mô?
- Hai đứa bảo: Chủ nhật ni.
Vậy là tôi hồi hộp chờ đợi cho đến ngày chủ nhật để đi theo nhìn bồ chúng nó ra sao.
Chủ nhật, chúng nó diện bộ cánh thật mode đến “sam” tôi ở trại 6 rủ tôi đi. Ra đến cổng “sam”, tôi hỏi, bây hẹn ở mô? Chúng nó nói hẹn đi coi “xi-nê”. Vậy là tôi theo chúng nó đi qua rạp Trưng Vương bên Đà nẵng. Bữa đó rạp đang chiếu phim võ thuật.
Tôi hỏi: bồ bây chưa tới à?
Chúng nó bảo, cứ mua vé vào trước, chúng nó tới sau.
 Khi đã ngồi trong rạp, tôi lại hỏi, bồ bây mô nờ, hay cho bây leo cây rồi? Yên chí đi, chúng nó tới chừ.
Khi rạp bắt đầu tắt đèn để chiếu dạo.
-Lệ Bê nói, đó, bồ tau đó, Bích Lan nói, đó, bồ tau đó.
Tôi nhìn quanh chẳng thấy ai, chúng nó bảo “côi” màn bạc tề. Đến lúc đó tôi mới biết là mình bị ‘mắc lỡm”.
Thì ra bồ chúng nó là Khương Đại Vệ và Địch Long! Tôi thì tức cành hông, còn chúng nó thì cười nắc nẻ. Lệ Bê là đứa nghịch ngợm nhất lớp. Có lần cả lớp tổ chức đi chơi biển Nam Ô, có mời mấy thầy đi cùng. Hôm đó thầy dạy Pháp văn  không đi. Ngày hôm sau đi học, đến giờ Pháp văn, Lệ Bê lên bàn thầy mượn thầy cây viết, đến khi trả viết lại, một lúc sau cả lớp nhìn thấy thầy đỏ bừng cả mặt. Sau đó chúng tôi mới biết là trong cây viết có mảnh giấy nhỏ lồng vào với giòng chữ : “ Nam Ô vắng bóng ai”. (Lệ Bê ơi! Rứa là về QT lần nầy, là thêm một lần nữa vắng bóng mi. Và  mãi mãi “vắng bóng” mi trên cõi trần nầy. Nơi miền miên viễn đó mi hãy cứ vui đùa hồn nhiên nhé).
Yến,Nghĩa,Hồng,x,x,Lan,Chung,Bằng
Sau:Hải,Bê,x,x,x,Hường,x,Thầy Vĩnh,x,x,x,Băng Tâm
Viết đến đây, khi nhắc đến Lệ Bê, nước mắt tôi chỉ chực trào ra, mới ngày nào, mỗi lần về họp trường là nó cứ ý ới, mi tới mô rồi, mi tới mô rồi. Nó đã ra đi để lại trong lòng bạn bè một khoảng trống khó bù đắp.
   Cũng trong năm tôi học lớp 11 nầy, thầy trò trường chúng tôi cùng chịu một cái tang đau đớn. Thầy Phan Phụng Thạch – Một nhà thơ trẻ, tài hoa của trường chúng tôi đã vĩnh biệt chúng tôi. Thầy ra đi khi tài thơ đang độ chín. Cả trường chúng tôi đều đến tiễn biệt thầy lần cuối trong tiếng khóc nức nỡ nghẹn ngào. Tôi nhớ hôm tiễn đưa thầy, sương mù giăng kín hết cả đất trời, có lẽ nào lòng thương tiếc của chúng tôi đã làm lay động cả một không gian rộng lớn. Thầy ơi, ở trên kia thầy có nghe “ lạnh tuổi vàng”? Có một cô bạn em bây giờ mới thú nhận rằng đã từng yêu thầy say đắm. Có lẽ cô ta yêu nhà thơ chứ không phải yêu thầy giáo đâu, thầy nhỉ?
   Lên lớp 12, trường tạm không đủ phương tiện  để tổ chức dạy và học, số học sinh lớp 12  nữa, chúng tôi một lần nữa lại phân tán mỗi đứa đi một ngã để rồi từ đó trôi theo từng phận người và cuốn theo cùng vận nước.
  Cho đến tận những năm sau nầy, khi hoàn cảnh cho phép, và cũng nhờ ở những tấm lòng cao cả của các thầy cô, nhờ tâm huyết của  các anh chị lớp trước, nhờ sự nhiệt thành của đông đảo tầng lớp cựu học sinh Nguyễn Hoàng khắp nơi, chúng tôi lại được tề tựu bên nhau ở những buổi họp mặt để tiếp tục cuộc hành trình ôn lại quá khứ thân thương và hướng đến những dự phóng của tương lai là thắp sáng mãi truyền thống hiếu học, kính yêu thầy cô, mến thương bạn học.
Tháng sáu cũng đã gần kề. Tháng sáu ngoài “miềng” chắc nắng nóng nung người, gió Nam Lào rát mặt. Có còn không tiếng ve sầu rên rỉ trên những hàng cây trồng quanh Thành Cổ?. Giòng sông Thạch Hãn có lẽ nước đã mặn lên đến ngã ba Vĩnh Định rồi nhỉ. Thương biết mấy những con đường ngày xưa rợp ngời những tà áo trắng. Ước gì ta được khoác lên tà áo trắng ngày xưa. Thôi đành hướng về một ngày tháng sáu, ngày kỷ niệm tròn đầy sáu mươi năm để cùng nhau giang rộng vòng tay nối kết những ước mơ. 

SG, 4/ 2012- ĐTNC
Trước: Lài-Lan-Chung-Bích-Tùng-Hải-Hồng
Sau: Lộc-X-Nghĩa-Hướng-Hường-X-X-X
 
NẮNG CÒN TRÊN ĐỒI SIM
CHS:Dương Thị Bích Đào

Anh Thi và B.Đào,K.Minh,Đoàn Hoa,Ngọc Chung, Cô
N.T.Hoa, Anh Lộc,Thầy Đào Văn Nhẫn
Thùy Vân, một mình rảo bước xuống bờ biển gần ngôi trường nàng đang học, đó là trường trung học Nguyễn Hòang nằm trong trại tạm cư số năm Non Nước-Đà Nẵng. Nàng ngồi trên bãi biển trong một buổi chiều vắng lặng, nhìn về cuối chân trời, với ánh nắng ngã sang màu vàng cam, màu đỏ sẩm, đẹp lạ lùng, giữa tiếng sóng vỗ nhẹ vào ghềnh đá, vào bờ biển. Ngồi một mình nơi đây để ôn lại những kỷ niệm của những ngày đã qua, những kỷ niệm đẹp và êm đềm, mai đây nàng sẽ từ giã bãi biển Non Nước và không biết bao giờ nàng có dịp gặp lại, cuộc sống ở trại tỵ nạn làm cho tâm hồn nàng lớn dần lên, những suy nghĩ lớn hơn, nàng đứng lên và đi nhanh về trường. Tan trường, những tà áo trắng trinh nguyên lồng lộng trong gió biển, mái tóc dài ôm kín bờ vai, chiếc cặp ôm vào lòng, nàng đi qua phi đạo để trở về nhà.

Thời gian qua nhanh, ba tháng nghĩ hè sắp trôi qua, nàng đang chuẩn bị mọi thứ để ra Huế học tại trường trung học Đồng Khánh năm cuối cùng của bậc trung học vì trường Nguyễn Hòang không có giáo sư dạy môn tiếng Anh cho học sinh ban C kề từ khi Thầy Kế qua đời khi chiếc máy bay Boeing đưa Thầy từ Sài gòn ra Đà Nẵng bị lâm nạn. Nàng còn bao nhiêu việc phải làm, đi ra Huế nộp học bạ xin chuyển trường, thuê phòng trọ, may thêm áo dài, đan áo len vì ngòai Huế vào mùa Đông trời lạnh hơn, mua sách vở, rủ hai bạn cùng đi: Ngọc Anh và Kim Cúc.
.
Thùy Vân và hai bạn thuê được một phòng trong một ngôi biệt thự xinh xắn tọa lạc ở Phủ Cam Huế. Ngôi nhà này nằm trên con đường dài và hẹp, gần nhà Thờ Phủ Cam. Xung quanh bao phủ bởi hàng dậu bằng cây chè tàu, vườn trồng nhiều cây Samppuche, cây khế, cây bần quân, đặc biệt có nhiều cây bồ kết, thân cây cao, lá nhỏ trông giống như lá me, rũ xuống lung lay trứớc những ngọn gió thổi qua.Với nhiều tàng cây nặng trĩu lặng lẽ vươn ra phủ xuống trên mái nhà, trên hành lang, trên lối đi, hai bên hông nhà, những bậc tam cấp, trước hàng hiên. Có những cành cong xuống là đà trứơc mặt bao lơn có thể đưa tay với tới, những tàng cây bồ kết làm dịu đi cơn nắng gay gắt mùa hè. Những trái bồ kết còn xanh kết lại từng chùm, mỗi chùm khỏang mười đến mười lăm trái, có hình dáng như trái phượng nhưng nhỏ hơn nhiều, có nhiều hột, vào mùa này thì nó đang có màu xanh nhạt khi chín thì ngã sang màu đen tuyền. Người dân miến Trung dùng trái bồ kết từ bao đời nay, nó rất dễ dàng cho người phụ nữ khi gội đầu, chỉ cần bẻ nhỏ từng miếng bồ kết để trong một cái thau, đổ ít nước nóng vào ngâm hoặc để vào thau nước phơi nắng trong vòng ba mươi phút thì ta sẽ có nước gội đầu, hương nồng cay làm cho tóc óng mượt và đen bóng, nó cũng còn trị dứt chứng gàu trên tóc.

Ngôi nhà được xây theo lối kiến trúc của Pháp, bằng gạch nung đỏ, mái lợp ngói, với những cửa sổ lớn bằng kính có nhiều ô, rèm cửa sổ màu trắng bằng vải ren, bên ngòai thêm một lớp cửa gỗ lá sách tạo cho căn nhà ấm áp và sang trọng. Căn nhà chính có bốn  phòng ngũ rộng, đi lên bằng những bậc tam cấp, nối tiếp là bao lơn,  một cửa ra vào bằng gỗ quý. Ở giữa nhà là phòng khách với bộ ghế sopha bằng gỗ màu nâu sậm tiệp với các cánh cửa của các phòng ngũ. Tường sơn màu trắng, trên tường treo những bức tranh cổ điển. Kế nhà chính, là nhà bếp với những ngăn tủ* đựng đồ dùng cho việc nấu nướng và một bộ bàn có tám cái ghế dùng làm bàn ăn, trên mặt bàn phủ một cái khăn màu ngọc trai với những mũi thêu nổi lên những bông hoa hồng nhỏ. Đối diện với bàn ăn có một cửa sổ rộng làm bằng kính trông ra vừờn sau nhà. Một giàn hoa thiên lý được làm bằng tre, lọai hoa này dây leo, cây đâm nhánh tủa ra và leo lên giàn, lá nhỏ màu xanh lục, bông hoa thơm ngào ngạt kết từng chùm nở hé nụ nhỏ màu vàng chanh càng về khuya hương thơm tỏa đi khắp vườn, len qua khe cửa vào trong phòng mùi hương thoang thỏang êm dịu. Đứng ở cửa sổ này có thể nhìn ra vườn rộng với nhiều cây ăn trái, kế bên bếp là nhà vệ sinh và phòng tắm.
Nối tiếp nhà bếp bằng một hành lang dài  có mái che, là một dãy nhà ngang, mái lợp tôn, tường xây bằng gạch, có nhiều phòng mỗi phòng có cửa một cửa đi riêng và một cửa sổ nhỏ, có lẽ trước đây dành cho những ngừơi giúp việc nhà ở, hiện nay thì cho sinh viên thuê.
Khu vườn bên phải của ngôi biệt thự cũng có nhiều cây dừa thân cây cao tàu lá dừa thỏng xuống, trái kết lại từng buồng. Gần hàng dậu được trồng ít khóm thơm thi thỏang mới ra trái. Nhìn cách trưng bày của căn nhà chứng tỏ chủ nhân là một người phụ nữ đảm đang.

Chủ nhân của căn biệt thự là chị Hà góa phụ của một công chức sống với hai đứa con, một bé trai khỏang tám tuổi tên là: Huy, và một bé gái năm tuổi tên là Hạnh. Chị Hà khỏang ba mươi tuổi, nhưng trông chị già trước tuổi, đôi mắt to, với hàng my rậm có những vết quầng thâm do nhiều tháng năm dài mất ngũ, nước da ngâm đen, mái tóc dài kẹp lại gọn gàng. Mỗi buổi sáng trước khi đi làm chị đưa hai con vào trường học sau đó vội vã đến sở làm. Chị làm kế tóan cho một ngân hàng tư nhân, dáng người mảnh khảnh với chiếc áo dài màu tím hoa cà hay màu tím than, đôi khi màu đen, hiếm khi thấy chị mặc áo dài màu sáng, có lẽ cuộc đời của chị quá u buồn khi mà cái chết của người chồng quá cố đến một cách bất ngờ vào những năm trước.

Qua sự giới thiệu của chị Hà, nàng và hai bạn đều yên tâm khi sống ở trong căn nhà này. Thùy Vân  cùng hai bạn chuyển vào căn phòng trong ngôi biệt thự xinh xắn, cả ba cô gái đều hài lòng với chỗ ở mới đầy đủ tiện nghi, phòng ấm áp khi mùa đông và cũng mát mẽ khi mùa hè, khi trời mưa phùn đứng trên bao lơn nhìn ra ngòai đường cảnh đẹp vô cùng với màn mưa giăng giăng rơi xuống cây bồ kết, mưa giăng kín qua lối đi nhỏ vào sân vườn lát bằng bê tông sỏi, những viên sỏi nhỏ màu trắng nhô lên, những nụ hoa hồng, hoa tường vy nở rộn ràng trong nắng ban mai. Mỗi buổi sáng ba người bạn cùng nhau thả bộ đến trường chỉ mất khỏang mười lăm phút, từ dốc Phú Cam qua cầu đi thẳng trên một con đường làm bằng nhựa là đến trường.

Trường trung học Đồng Khánh Huế tọa lạc trên  đường Lê Lợi, mặt tiền nhìn ra dòng sông Hương trên một mãnh đất rộng bao bọc xung quanh với những bức tường xây bằng gạch cao khỏang chừng hai mét quét vôi màu hồng đậm. Trường học được xây theo lối kiến trúc Pháp với những dãy nhà lầu một tầng, một dãy lầu khỏang 12 phòng học rộng, trần rất cao, cửa sổ kính, mái lợp ngói, sàn lát bằng gỗ dày. Có nhiều cây xanh già cỗi theo năm tháng, những cây phượng, cây me, cây nhãn, làm bóng mát cho sân trường… Trong sân trường có nhiều lối đi nhỏ tráng bằng xi măng, song song những lối đi được trồng nhiều lọai hoa tùy theo mùa nở rộ, nhiều nhất là hoa hồng, hoa tường vy, cẩm chứớng, hoa thược dược, được người phu trường chăm sóc cẩn thận, bởi vậy ai đến thăm trường cũng tấm tắc khen ngợi, trông ngôi trường thật đẹp và nên thơ.

Đường Lê Lợi rất rộng với những hàng me tây cao lớn, có hai trường trung học nổi tiếng là Đồng Khánh và Quốc Học nằm song song với nhau cùng nhìn ra bờ sông Hương với những cây phượng vỹ nở hoa rộn ràng khi mùa hè đến, màu sắc đỏ au, rực rỡ biết bao!. Hai ngôi trường chỉ cách nhau một con đường nhỏ, một ngôi trường dành cho nữ sinh, một trường dành cho nam sinh. Cũng trên con đường này có Viện đại học Huế, thư viện, bệnh viện Trung Ương, trường Đại học Luật Khoa,Trường đại học Văn Khoa và Khoa học. Cũng đi dọc theo đường Lê Lợi này qua khỏi cầu Tràng Tiền phía bên phải là Trường Đại Học Sư Phạm, trường Kiểu Mẫu, kế tiếp phía bên trái sát bờ sông có Khách sạn Hương Giang rất nổi tiếng bởi vẽ đẹp kiêu kỳ của nó nằm bên dòng sông Hương lãng mạn nên thơ.Tất cả các cơ sở này đều theo lối kiến trúc của Pháp. Con đường này là tiêu biểu cho khu văn hóa, bên kia sông có con đường Trần Hưng Đạo, Đường Phan Bội Châu, chợ Đông Ba tiêu biểu cho khu thương mại.

Thành phố Huế có ba cây cầu bắc qua sông Hương, Cầu Tràng Tiền có sáu vài mười hai nhịp, sơn màu trắng bạc, cầu thứ hai, là cầu sắt chỉ dùng riêng cho xe lửa, hai cây cầu làm từ thời Pháp thuộc, kiểu dáng theo thiết kế của người Pháp. Để giảm bớt trọng tải cho cầu Tràng Tiên, vì nó đã bị gãy một nhịp trong cuộc chiến năm Mậu Thân nên vào đầu thập niên 70 Huế đã có thêm một cây cầu khác theo lối kiến trúc tân tiến hơn nhưng nó không đẹp bằng cầu Trường Tiền gọi là cầu mới.

Trường Đồng Khánh được đặt tên của một vị vua triều Nguyễn. Ngài lên ngôi năm 1885, lấy niên hiệu và Thụy hiệu  là Cảnh Tông-Thuần Hòang Đế, làm vua được ba năm, mất ngày 28 tháng 1 năm 1888 vào tuổi 24 tuổi.

Mùa đông ở Huế thường thì mưa dầm và trời lạnh, cũng rét buốt như ở Quảng Trị, nàng cùng hai bạn thường “cuốc bộ” đi học, nhiều lúc trong cơn mưa tầm tã, nhiều lúc lạnh rét căm căm. Thùy Vân thật sự cô đơn và trống vắng khi hai người bạn đã từ giã nàng để cùng gia đình đi định cư ở Hàm Tân, thuộc tỉnh Bình Tuy theo chương trình di dân khai hoang lập ấp của chính phủ dành cho đồng bào Quảng Trị đã không còn chỗ để hồi cư. Đó là vào giữa tháng 12 năm 1973.

Mùa hè đã đến, những con ve sầu ở trên những tàng cây trong sân trường kêu lên theo từng điệp khúc, một con ve xướng lên khúc nhạc; thế rồi hằng ngàn con ve khác cùng đáp lại một nhịp điệu kêu lên thật lâu không dứt tiếng, thật là ồn ào, nhiều lúc thầy phải ngưng giảng bài vì học sinh không nghe được. Lớp học 12C2 của nàng là phòng cuối trên dãy lầu phía bên trái của trường, cửa sổ mở rộng nhìn ra khỏang không gian bên ngòai có những cây nhãn, cây phượng cao lên đến lớp học, lũ ve trốn trong những vỏ cây, nằm ép mình trong những chiếc lá. Người ta nói con ve từ lúc ấu trùng nằm trong vỏ cây là 15 năm mới trưởng thành phát được tiếng kêu trong mùa hè đó….

Mùa thi Tú tài đã qua và Thùy Vân đã thi đậu, còn nổi vui mừng nào hơn, mười hai năm, quả là một khỏang thời gian quá dài của một người học trò cặm cụi với đèn sách, cơm áo cha mẹ cho đi học, biết bao thứ mà cha mẹ phải lo lắng, để khỏi buồn lòng cha mẹ với quyết tâm thi đậu tú tài nay đã đạt.

Thùy Vân trở về Thị tứ Hải Lăng, Quảng Trị, nơi gia đình nàng về hồi cư vào đầu tháng sáu vừa qua. Đây là một bãi đất cát trắng, không có cây xanh, người ta đổ thêm đất đỏ Ba-zan để làm những con đường chạy song song với nhau, trên những con đường dài này, những ngôi nhà được cất lên theo kiểu tiền chế, mái lợp tôn dợn sóng, vách bằng gỗ thông, nền nhà chưa được tráng xi măng, nó là nền đất nên nhiều bụi bặm, nhà nàng nhìn ra đường quốc lộ 1. Đêm đêm những con đôm đốm bay lập lòe trong màn đêm tối thẩm.
Một tỉnh lỵ Quảng Trị  được thu nhỏ được xây dựng lại trên vùng đất mới gồm có chợ và trường học, cư xá công chức, chùa và nhà thờ ...
Ba nàng đã về hưu. Giờ đây ba nàng không biết làm gì cho hết thời gian. Những ngày hè ở đây dài thê lê, nắng gay gắt, gió Lào thổi xuống bãi cát nóng bỏng.

Mùa hè, những cơn gió Lào từ dãy núi Trường Sơn thổi xuống, những ngọn gió nóng làm rát mặt, gió mang theo cát và hơi nóng làm cho ai cũng không muốn ra khỏi nhà nhưng Ba nàng không chịu ngồi ở không trong căn nhà tôn thấp và nóng, ba nàng đi lên rú để chặt gốc sim về làm củi nấu nướng, và rồi ba chị em nàng cũng theo ba lên rú. Từ bãi cát Thị Tứ đi bộ băng qua đường Quốc Lộ 1, có một đường mòn nhỏ, theo con đường mòn này đi miết khỏang một dặm thì đến một triền dốc rộng mênh mông tòan là những bụi sim mọc lấp xấp trên nền cát trắng xám, bên những cây cỏ dại, mùa hè hoa sim trổ bông màu tím ngan ngát, những cánh hoa tím bàng bạc lấp lánh sương đêm còn đọng lại đẹp vô cùng dưới bầu trời trong xanh của buổi sáng sớm làm cho tâm hồn nàng êm ái lạ thường, nàng hít thở không khí trong lành. Ba nàng bới những gốc sim, chị em nàng mổi người chặt cây sim ra từng nhánh nhỏ rồi bó lại từng bó. Ba nàng mồ hôi đẫm ướt tấm lưng, làn da vốn đã màu bánh mật nay lại càng nâu sậm hơn, các chị em nàng đều thương và kính trọng ba.

Dưới ánh nắng chói chang của bầu trời miền Trung, trên đôi vai nặng trĩu họ trở về nhà khi trời đã quá trưa, để lại sau lưng nắng vẫn còn trên đồi sim, nàng thích vẻ đẹp hoang dại của núi đồi, những ngày trôi qua trên đồi sim nàng cảm thấy vui hơn ở nhà. Cả tháng nay, cứ mỗi buổi sáng sớm khi ánh dương vừa ló dạng cả bốn cha con lên rú, Thùy Vân và hai em hóa trang bằng cách mặc chiếc áo lính trận màu xanh sậm, chiếc nón lá đội xụp cùng với mạng che mặt không ai biết đó là ba chị em nàng.
 Hôm nay là ngày cuối cùng của một tháng chặt củi sim vì còn mấy ngày nữa chị em nàng phải trở lại trường học cho niên khóa mới năm 1974-1975. Củi sim, gánh về phơi khô chất đầy trong căn nhà bếp, đó là thành quả lao động của họ trong một thời gian ngắn, chị em nàng rất vui khi đã làm được việc để Ba mình được vui lòng.

Mỗi buối sáng, ba nàng thường ngồi một mình trên bộ bàn có sáu ghế đặt ở giữa ngôi nhà nhìn ra ngòai trời với khỏang không gian truớc mà lo âu suy nghĩ: “Cuộc sống ở đây quá tạm bợ với căn nhà tôn vách ván trên bãi cát chơ vơ, làm gi để sinh sống, đất cát bạc thếch không có màu mỡ để trồng trọt cuối cùng người đi đến quyết định: Vào Nam tìm miền đất mới.”

 Mùa hè qua đi, mùa thu lại đến, các em của nàng đã trở lại trường học, trường Nguyễn Hòang được tọa lạc trên một khuôn viên rộng, trường vừa xây dựng xong, rộng rãi và thóang mát có tầng lầu và ban công rất đẹp, các em nàng rất thích thú khi được trở về trên quê hương, học trên mái trường thân yêu cùng thầy cô và bè bạn cũ.

Thùy Vân trở lại Huế để ghi danh học Luật tại trường ĐH Luật khoa Huế, nàng hy vọng sau này sẽ xin được một việc làm trong một ngân hàng tư nhân, nếu có được hai chứng chỉ về môn kinh tế của trường Luật. Nàng vẫn ở lại trong căn phòng trọ của ngôi biệt thự ở Phú cam, chỉ có một mình thôi, không có bạn cùng phòng. Nàng phải chi tiêu dè xẻn vì số tiền mẹ cho quá ít ỏi, không dám mua gì ngòai thức ăn và trả tiền phòng. Một buổi sáng đến giảng đường, nàng gặp lại người bạn học cùng lớp 12, cô ấy tên là Lan Anh nhà ở đường Phan Đình Phùng, nên giờ đây nàng có bạn để đi học vào buổi sáng, trưa về trên cùng một con đường.

Thuỳ Vân trở về Thị tứ Quảng Trị vào dịp lễ Noel năm 1974, Vân trả lại phòng trọ cho chị Hà, giã từ trường Luật, từ giã người bạn gái Lan Anh, giã từ đường Lê Lợi với những buổi tan trường với nắng vàng loang đỗ, hàng cây me tây rợp bóng, đường Lê Lợi thân thiêt quá!. Gia đình nàng không còn ở lại Quảng Trị mà sẽ vào miền Nam sinh sống trong một vài tháng tới.

Đó là một ngày cuối năm thời tiết se lạnh nhưng có nắng hanh vàng, trong một bữa tiệc đám cưới của chị Lê người cùng xóm ngày trước ở Quảng Trị. Đám cưới chị Lê và anh Khánh tổ chức trong căn nhà chỉ có bốn bàn cho hai họ, Thùy Vân gặp một người đàn ông, anh ta chững chạc với chiếc áo sơ mi màu xanh, quần tây màu nâu nhạt, mang đôi dày màu nâu, chiếc áo lạnh bằng da màu xám, trông anh rất lịch thiệp, anh ấy cao lớn, nước da trắng, chiếc mũi cao, vầng trán rộng, đôi mắt sáng. Anh ấy đến bên Vân và làm quen.
-Chào cô bé, cô bé học trường Nguyễn Hòang phải không?
- Dạ, không, tôi học ở Huế.
- Cô bé học trường nào?
- Dạ, Trường Luật.
- Tôi có thể biết được tên cô không?
- Dạ, tên Thùy Vân.,
-Tên rất đẹp
-Vân gọi tôi là Huy
-Dạ vâng.
- Nhà Thùy Vân ở đâu?
- Dạ, phường đệ tam.
-Khi nào có dịp tôi sẽ đến thăm.
Tết năm Ất Mão năm 1975

Ngòai trời mưa phùn và gió lạnh, hai cô em gái: Thùy Hương và Thảo Nguyên che dù đi chúc tết bà con và bạn bè, không khí Tết có vẽ ảm đạm như bầu trời mưa phùn ngòai kia khiến cho nàng không muốn đi đâu hết. Ngồi một mình trong căn phòng bé nhỏ của bốn chị em nàng, suy nghĩ vẫn vơ đến nhiều chuyện. Người thanh niên mà nàng đã gặp trong dịp đám cưới chị Lê.
Huy đến thăm nhà nàng trong dịp tết cổ truyền vào buổi tối ngày mùng hai tết, nàng cũng chưa biết được anh đang học trường nào hoặc làm gì, ba mẹ nàng nói chuyện với anh rất là hợp ý, thế rồi, vào cuối tuần anh thường đến nhà chơi, thỉnh thỏang xin phép mẹ cho nàng ra ngòai quán uống nước, ngồi nói chuyện ở những quán cà phê nhỏ ở ven đường, thị Tứ này bây giờ chưa có điện, bởi vậy không có đèn đường, đường sá tối căm, nhà nhà thắp đèn dầu, ánh sáng le lói hắt qua khe cửa sổ.
Chị Quỳnh Hoa trở lại trường học sau hơn một tuần về nhà ăn tết. Chị vẫn ở lại Huế học cho đến khi ra trừong, truờng có khu nội trú nên mẹ không lo lắng nhiều mỗi khi gia đình chuyển vào Nam sinh sống.

Vầng trăng tròn mười sáu nhẹ nhàng tỏa sáng, Huy và nàng sóng bước bên nhau dưới ánh trăng soi sáng vằng vặc xuống những mái tôn dợn sóng bàng bạc, rọi xuống những con đường đất đỏ Bazan, cảnh trí ấy thật mờ ảo như một màn sương mù của buổi sáng mùa thu này nào ở tỉnh lỵ Quảng Trị thuở xưa. Hai người đi xuyên qua khu chợ của thị xã để đưa Vân về nhà, dưới chân cát trắng xóa cùng với ánh trăng tạo nên một khung cảnh nên thơ. Vân trong bộ đồ tây, áo sơ mi màu trắng ngắn tay, quần tây màu hồng nhạt, khóac thêm một chiếc áo len màu hồng phấn trông nàng xinh hơn, dịu dàng hơn, nàng yên lặng đi bên anh, ánh trăng thượng tuần chiếu sáng khắp bầu không gian yên tỉnh đến lạ thường, cả khu Thị Tứ đang chìm đắm trong giấc ngũ, chỉ mới chín giờ đêm thôi mà mọi nhà đều cửa đóng im lìm, trông nơi đây như là một tiền đồn heo hút nào đó, hay một vùng sa mạc hoang vu, cảnh vật quá lạnh lẽo, quá cô đơn và buồn tẽ. Sao tự dưng tỉnh lại cho dân về định cư nơi đây, bởi chỉ cách quốc lộ một khỏang chừng 700 mét, bên kia đường quốc lộ là những dãy mồ hoang lớp lớp của những nạn nhân chết trong chiến sự  mùa hè năm 1972, nàng suy nghĩ mà không thể hiểu được. Tại sao?
-Về nhà thôi anh, ngày mai gia đình em vào miền Nam, anh đừng đến tiễn nhé! Thùy Vân nói nhỏ.
Huy nắm tay nàng xiết chặt và dặn dò:
-Thùy Vân nhớ giủ gìn sức khỏe, anh sẽ thường viết thư cho em.
-Dạ, em hiểu.
Di chuyển vào Nam.
Đó là ngày mùng 3 tháng 3 năm 1975 cả gia đình nàng lên xe đi vào Sài Gòn, đúng như ba nàng đã định, sau hai ngày xe chạy và ngừng để nghĩ qua đêm tại phòng trọ, cuối cùng gia đình nàng đã đến Long Thành bình yên. Ngòai vườn, nắng đã lên cao trên những cây chôm chôm đầu mùa trĩu quả, cuộc sống mới của gia đình nàng trên một mảnh vườn rộng với một căn nhà nhỏ.

Savannah, ngày 9/4/2012
DTBD.
* Cabinet
Thầy trò bên nhau ...

Học trò cũ lớp 11C - NK 1972-1973 Non nước Đà Nẵng thăm thầy  Đào Văn Nhẫn
Từ trái sang: Đoàn Thị Hoa- Đinh Thị Ngọc Chung- Võ Thị kiều Minh- Nguyễn Thị Hoa- thầy Đào Văn Nhẫn- Trần Thị Nghĩa- Dương Thị Bích Đào  anh Thi, anh Lộc

Dưới đây là bài viết và là lá thư mà NH.Nguyễn Thị Đức ở Minnesota  và Thầy Lê Hữu Thăng gặp nhau sau 30 năm; cũng từ từ cuốn NHCDKN Thầy mang qua trò  mới biết được thông tin Thầy cô và  trường xưa  bạn cũ .

KỶ NIỆM
CHS NH. Nguyễn Thị Đức
Lớp:  Lục 5-Tứ 5- 10-11C;
 K 1967-1974
Email Dianenguyen209@yahoo.com

" Hai tô bún bò Huế bốc khói thơm ngát mùi sả được đặt xuống bàn, tôi nhìn mấy miếng huyết ngon lành, miếng chả Huế nho nhỏ tăng thêm nét quyến rũ bên cạnh mấy lát thịt bò hấp dẫn, đó là món ăn bất cứ lúc nào vào quán ...phở nổi tiếng này tôi không thể không thưởng thức. Dĩ nhiên ăn một mình không ngon, không vui nên phải có bạn để đi cùng  thưởng thức chung. Cũng nhờ món bún bò Huế mà tôi được tìm lại bao nhiêu là Thầy Cô ngày xưa, tìm lại được bao nhiêu là bạn bè thân mến một thời áo trắng dưới mái trường Nguyễn Hoàng thân yêu.
   Rất nhiều lần vào quán Phở này để ăn, nhưng tôi phải nói bao nhiêu lời để cám ơn một người Thầy đáng kính, Thầy đã cho tôi cơ hội để tìm về kỷ niệm ngày xa xưa tưởng như đã nhạt  nhòa trong ký ức vì chiến tranh tao loạn, người còn kẻ mất, trải qua bao nhiêu đắng cay nghiệt ngã của cuộc đời, người Thầy cao cả và đáng kính đó là Thầy Lê Hưũ Thăng, người thầy đã trao tận tay cho tôi cuốn "chân dung và kỷ niệm" tại tiệm Phở, nơi có món bún bò Huế luôn quyến rũ bao tử của tôi mỗi lần đói bụng muốn đi ra ngoài ăn. Tôi còn nhớ rất rõ ràng, Thầy đưa lại cho tôi số tiền tôi ủng hộ cho cuốn "chân dung và kỷ niệm" từ Việt nam gởi sang, thầy nói: “Giá tiền VN mà tôi cứ tưởng giá tiền ở Mỹ” nên Thầy không... nỡ nhận quá nhiều như tôi đã nghe lầm. Tôi vui mừng đọc ngấu nghiến từ trang mở đầu cho đến trang cuối,đọc từ lời ngõ, lời cảm tạ cũa chị Quỳnh, đọc hết các bài của Thầy cô, đọc hết các bài của các anh chị lớp lớn... ghi chép hết những điạ chỉ, số điện thoại của Thầy cô ở VN cũng như ở nước ngoài.
Ở xứ người luôn chạy đua với cuộc sống, thời gian có khi không đủ để chăm sóc cho chính bản thân mình, không đủ để chăm sóc người thân bên cạnh, có khi nhớ đến người thân bên quê nhà cũng không có cơ hội để thăm hỏi qua điện thọai, qua thư từ… cứ nhủ lòng hẹn lòng rằng...ngày mai ,cuối tuần này,rồi lại ngày ..mai rồi quên đi ,rồi cuối tuần sau...
Đã bao nhiêu lần tôi đã khóc thầm và xin lỗi âm thầm trong tim rằng tôi vẩn nh́ớ, tôi vẩn nhớ, tôi không thể nào quên. Tôi không thể nào quên nơi tôi được sinh ra và lớn lên, dù nơi đó "muà đông thiếu aó, muà hè thì thiếu ăn; đã vậy trời còn hành cơn lụt mỗi năm..."; tôi không thể nào quên nơi tôi được nuôi lớn bằng giòng nước trong lành của một giòng sông, tên của giòng sông mà dù đi đến phương trời xa xôi nào, những người đã từng uống nước của giòng sông sẽ nhớ mãi mãi; đó là giòng sông "Thạch Hãn".
Người Quảng Trị mình khổ cực gian nan vất vả, đổ mồ hôi đã đành, đá cũng đổ mồ hôi…Tôi cũng không thể nào quên ngôi trường tôi đã được học những chũ đầu tiên a,b,c,đã được học đếm những con số đầu tiên một,hai .ba....ở trường nữ tiểu học. Tuổi ấu thơ, tôi không hiều tại sao đêm đêm có tiếng súng, tiếng đại bác, các chú lính gác bên cổ thành Quảng Trị, bên giao thông hào rào nhiều kẻm gai và nhiều  buổi sáng cắp sách đi học, tôi thấy có nhiểu xác chết vắt vưỡng trên thành kẻm gai, nhiều xác chết đã được kéo nằm̀ dài ngoài đường, nghe nói hồi tối có bắn nhau? Bắn nhau? Tôi còn nhỏ không hiểu tại sao lại bắn nhau và bị chết? Tối tối đang ngũ bị kêu dậy để tản cư lên trên phố tránh nạn. Tối đang ngũ bị kêu dậy để chạy vào hầm tránh đạn hai bên bắn nhau. Còn nhỏ tôi không hiểu tại sao hai bên bắn nhau. Cũng không hiểu hết hai chữ “chiến tranh”.
Chiều chiều đối diện cổ thành Quảng Trị, có nhiều cô, nhiều chị, nhiều bác gào khóc thảm thiết, ôm quan tài có phủ cờ...Tôi nghe nói Cha chết, chồng chết vì.hai bên.đánh nhau. Sáng sáng có nhiều xác người chết ngoài giao thông hào vì họ muốn trèo vào Cổ thành ... cứ thế tuổi thơ đi qua với chết chóc mất mát, sợ hãi vì giấc ngũ không tròn, có những năm lụt lội, thiêú ăn, lạnh gía. Khi có đủ trí khôn để hiểu quê hương mình ở địa đầu giới tuyến, chiến tranh liên miên hai miền Nam Bắc chia đôi thì cũng đến lúc cuộc chiến lan tràn, muà hè đỏ lửa làm tan nát bao nhiêu hy vọng cũa bao nhiêu đời người. Ra đi, xa lìa nơi chôn nhau cắt rún có ai mà khỏi rơi lệ? Ra đi xa lìa mái trường một thời Thầy cô đã dày công giảng dạy, đầu tư đầy đủ kiến thức, có đủ đạo đức làm hành trang mang vào đời để truyền thụ cho nhiều thế hê mai sau. Ra đi đau xót như vậy! có mấy ai quên? Không thể nào quên quê hương dấu yêu, không thể nào quên từng con đường thường ngày đi qua và ôm cặp đến trường với nhiều mộng ước cũa mai sau; không thể nào quên máí trường Nguyễn Hoàng bao nhiêu năm gắn bó, bao nhiêu ngàn ngày với nhiều kỷ niệm thân yêu với Thầy cô, với bạn bè …dù cho gần bốn mươi năm xa cách, chia lìa vẫn rộn ràng trong tim những kỷ niệm xa xưa, tưởng như vẫn còn  vương mãi đâu đây. Bụi phấn, bảng đen, phượng đỏ trong sân trường…Nhớ thương kỷ niệm cho đến cuối đời  một đời người chắc chắn chúng ta ai đã từng ngồi trong ghế trường NH thân yêu, đã uống giòng nước trong lành   giòng sông Thạch Hãn; mãi luôn trân trọng ký ức đó mãi mãi, không chỉ nhớ và nhắc lại trong mỗi lần hội ngộ; không chỉ gặp gỡ trong mỗi lần gặp mặt, tiệc trà hàng năm hay định kỳ của mỗi tỉnh, của mỗi thành phố, mà sâu thẳm trong tim vẫn thổn thức, vẫn mong ước có dịp phải tìm về với nhau... dù xa hay dù gần, ở trong nước hay ở nước ngoài. Chúng ta  luôn trân trọng kỷ niệm và luôn khao khát tình thân. Trân trọng kỷ niệm và khao khát tì̀nh thân đó để cho con cháu ngày sau biết noi gương và sống xứng đáng hơn nữa vì đã được thừa hưởng một gia tài vô giá từ mái trường ..Nguyễn Hoàng…Sáu mươi năm vẫn sống mãi hoài trong lòng mọi người  Quảng Trị dấu yêu.
NTĐ - 3/2012

Kính Thưa Thầy,
         
Từ ngày con trở về lại Minnesota cũng đã vài năm em chưa gặp laị Thầy cô và Tuấn...nhưng con chắc chắn Thầy không quên "..cái mặt "của em đâu phải không thưa thầy quý mến? Em là Nguyễn thị ̣Đức nè, em luôn nhớ hồi đi học còn nhỏ ở trường Nguyễn Hoàng, Thầy cầm một cây roi đi trong hành lang trường học để...trị  tội mấy anh, mấy chị học trò "ma ,quỷ"...Cũng đã hơn bốn mươi  năm rồi, các anh đó bây giờ đã là Bác sĩ ,kỷ sư, thầy cô giáo, cũng đã là ông bà nội ,ông bà Ngoại…Nhưng cứ mỗi lần hội ngộ NH thì ai ai cũng sống lại hồn nhiên với kỷ niệm ngày xưa tưởng như thời gian chưa bao giờ thay đổi...
Thầy còn nhớ mấy năm trước ở Colorado, Denver, Thầy trò thỉnh thoảng gặp nhau bên đó;  thật quý hoá vô cùng, nhất là lần sau cùng em đến tiệm Phở số 1 của Tuấn để ăn sáng. Với tô “bún bò Huế” tuyệt vời, tuyệt vời nhất là lúc Thầy hỏi "Đức có biết chị Quỳnh, chị Võ thị Quỳnh không"; em trả lời "dạ em biết..". Thầy vào bên trong, sau đó Thầy đưa cho em một cuốn sách với tựa đề "chân dung và kỷ niệm" về trường Nguyễn Hoàng...chỉ nghe về trường NH là tim rộn ràng xao xuyến, huống gì có nguyên một cuốn sách với bao nhiêu bài vở hay của nhiều thầy cô, anh chị và bạn hữu đã dồn hết bao nhiêu là tâm huyết viết, đóng góp bài vào cuốn sách để đời đó.
Thầy thật tế nhị đưa lá thư ngỏ của chị Quỳnh cho em đọc chứ Thầy không nói em mua sách ủng hộ;
Em mừng lắm! muốn ủng hộ nhưng lúc đó em không biết bao nhiêu để nhờ Thầy mua cho con một cuốn.
Thầy nói "bảy mươi ngàn đồng.
 " Em tưởng là "bảy mươi ..đồng";
Vì em nghe không rõ nên em đưa bảy mươi dollar ủng hộ cho tập san, nhưng Thầy đưa lại cho em  50 dollar,
Thầy nói "bảy chục ngàn đồng bên VN thì chỉ có hai mươi dollar mà thôi.
"Em cám ơn Thầy rất nhiều, nhờ Thầy tâm huyết với trường Nguyễn Hoàng, với học trò, mà  mấy năm nay em đã liên lạc được với rất nhiều Thầy cô, nhiều bạn thân đã lạc mất nhau, biền biệt mấy mươi năm, giờ liên lạc được với nhiều bà con, anh chị em họ  ở Quảng Trị lạc nhau từ thuở chiến cuộc Quảng trị xảy ra.Vậy mà nay liên lạc được với nhau chưa lâu thì vừa qua anh Trương Đá là CHS NH( là anh họ của em) đã ra đi ngàn thu vì căn bệnh bệnh ung thư, anh Lê Giồng tàn tật đôi chân vì chiến tranh nay lại bị bệnh K ác tính đang ở bệnh viện chợ Rẩy.
Cũng nhờ "NH chân dung và kỷ niệm " mà hiện nay tình tương thân, tương trợ cho nhau càng mặn nồng, tình nghĩa keo sơn hơn; khi "lá lành biết đùm lá rách" và cũng có khi "lá rách ..đùm lá tả tơi".. thật vô cùng cảm động. Cũng nhờ "chân dung và kỷ niệm" mà có nhiều... mối tình thơ ngây sống  lại khi tóc bạc phai màu...an uỉ nhau khi hoàng hôn sương chiều lãng đãng...
Em cũng biết Thầy Cô giàu lòng nhân ái, tiếp sức giúp nhiều con em nghèo khổ xứ mình; nghĩa cử cao đẹp của Thầy Cô, ngày sau hậu thế noi gương và tri ân, tạc dạ...
Em không rõ bi chừ Thầy cô còn ở bên Denver hay đã về  VN ở . Em  thì đã về luôn bên Minnesota, mở lại một tiệm Nails nhỏ đủ trang trãi sống vui qua ngày.Tuy tuổi đã lớn dẫu tóc đã bạc, lưng hơi còng, mắt kém nhưng sáng mô thức giấc dậy còn "đi cày";được đi cày là hạnh phúc lắm rồi phải không Thầy ha? Hiện tại em sống một mình nhưng lại gần guĩ con cháu xung quanh nên cũng hạnh phúc. Vài năm nữa là bước vào tuổi sáu mươi, nghe đến tuổi đó sao mà..buồn chi lạ đó Thầy.
Thưa thầy, Đoàn Thị Hoa, Lê Thị Bích Lan, Võ thị Kiều Minh, Ngô Thị Mỹ, Nguyễn Thị Cẩm Vân, Dương Thị Bích Đào, Đinh Thị Ngọc Chung và Văn Thiên Tùng, Nguyễn Đăng Mẫn… đều là bạn học NH ngày xưa chung lớp chung trường. Nhờ "chân dung và kỷ niệm" từ Thầy chuyển qua  mà em liên lạc được với các bạn, Bấy lâu nay các bạn cứ tưởng là: “Em, Nguyễn Thị Đức...đã chết trong chiến tranh rồi… vì mất tin, vắng bóng; ai ngờ Đức qua Mỹ gần hai mươi năm nay. Qua Mỹ sanh con đẻ cái, cày đầu tắt, mắt tối thui… đâu còn biết gì hơn ngoài hai chữ hai chữ "bình an".
Cho em kính lời thăm sức khỏe Thầy Cô ,khỏe mạnh để Thầy cô còn giúp người, giúp đời. Cho em hỏi thăm Tuấn và chúc Tuấn làm ăn phát tài - gia đình hạnh phúc.
Đến nay, già rồi cũng thảnh thơi một chút cho bản thân và cho người thân. Em tạm ngừng  vì thư cũng dài...dòng cũng lắm rồi, Em sợ Thầy đọc ..mỏi mắt lại rầy la em…Lần nữa em kính chúc Thầy Cô cùng gia đình an khỏe!.
Kính Thư 
Em : Nguyễn Thị Đức

SÔNG QUÊ

CHSNH.Đoàn Thị Hoa- SN 1954
K 67-74- Ban C
Quê gốc : Đâu Kênh- Triệu Long- Triệu Phong- Quảng Trị
Hiện ở : 28, Lê Lợi Lagi- Bình Thuận
ĐT: 062 3844 826- DD 0934 843 049

(Kỷ niệm ngày trở về quê xưa và thân tặng các bạn: Văn Thiên Tùng& Man; Nguyễn Đình Hướng, Trần Sanh, Ngọc Mân, Ngô Mỹ, Cao Hoa, Cao Châu, Phước Duyên, Kim Hải, Hồng Hải, Bích Lan, Đức Hoa, Băng Tâm, Lương Duyên, Ngọc Lan, Ngọc Kỳ…)
Đêm nay nghe ca sĩ Thanh Lam hát
“ Dòng sông lơ đãng”
Chợt nhớ về con sông quê
Hơn ba năm trời
Mới trở về quê cũ
Đêm- bên dòng Thạch Hãn
Ly cà phê- cùng bạn bè xưa cũ
Râm ran chuyện trò
Đêm thật bình yên
Không còn súng đạn
Không còn chiến tranh
Bầu trời lồng lộng
Sao trời lấp lánh
Trăng gầy mờ ảo
Gió tải lời đi muôn hướng

Đêm mông lung- mênh mông sông nước
Vương mang kỷ niệm của một thời:
“ Chèo đò bẻ bắp bên sông
Bắp chưa có trái bẻ bông chèo về”
Cả sáng lẫn chiều- cùng bạn bè
Rong ruổi trên những nẻo đường quê
Qua bao làng, bao xóm, bao thôn
Bao sông, bao suối, bao khe.
Mà trước đây tôi chỉ nghe tên
Trong những cây chuyện kể.
Cả những con sông lần đầu được gặp
Ô Lâu- Vĩnh Định- Hiếu Giang
Được biết  qua các tập san Nguyễn Hoàng
Đi thuyền trên sông Son
Tham quan động Phong Nha- Kẻ Bàng
“Tất cả các dòng sông đều chảy”

Vâng, đúng thế, sông ơi!
Con sông quê tôi
Vẫn mang dòng chảy ra biển
Miên man triền nhớ
Mang theo cả tình cảm sâu sắc
Được ấp ủ trong những ngày xa xứ
Hòa nhập cùng biển lớn
Chia sẻ vui buồn- sướng khổ- nhớ mong
Cửa Tùng biển Lớn- sóng xô bồ
Địa đạo Vịnh Mốc - Vĩnh Linh
Trằm Trà Lộc - bạn bè hội ngộ
Thánh địa La vang, không còn đồi núi
Những trái sin tím- chỉ là trong trí nhớ
Đà Nẵng- sông Hàn- chợ Cồn
Phố Hội An- bún mẵn- Cao Lầu
Những sáng, những chiều, những tối
Rồi ngày mai trên đường về Nam
Mang theo tình thân ái- bạn bè một thuở
Mang theo cả dáng dấp con sông quê
Đường Gia Long xưa- giờ thênh thang rộng mở
Cổ Thành Quảng Trị- dáng xưa không còn
Phố xá đổi thay
Vườn xưa nhà cũ- chưa tìm thấy
Đã vội vàng chân bước đi xa
Lòng hẹn ngày về
Thôi thì đành vậy
Sông ơi! Chào nhé!
                                      Lagi, 02/8/2009- ĐTH 

Văn Thiên Tùng,Nguyễn Văn Anh,Trần Chí Trung,Nguyễn Thị Hoa,Đoàn Thị Hoa,Ngọc Chung, V.T.Kiều Minh

 

( Địa đạo Vịnh Mốc- vĩnh Linh Tùng- Đoàn Hoa- Trần Sanh- Trần Đình Hướng- Lê Thị Mân- Man- Ngô Thị Mỹ)