Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2010

Hình ảnh Q.Trị trong mùa Phật Đản 2554

Quảng Trị trong mùa Phật Đản 2554
Năm nay các Chùa  trong tỉnh và các Niệm Phật đường từ các làng xã với khói hương trầm tỏa ngát; hàng ngàn Đạo hữu và Đoàn sinh GĐPT từ khắp nơi về Chùa tỉnh hội dự Đại Lễ Phật Đản 2554,  cắm trại tại bãi cát trước cổng chùa; thả hoa và đèn trên sông Thạch Hãn.Đặc biệt là đoàn xe hoa diễu hành trong đêm lễ (14/4) đi vòng quanh TXQT và đến một số Chùa lân cận...
Một số hình ảnh  ngày Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2554.(2010)
Ảnh: Trần Sanh

















Các Chùa , Niệm Phật đường được xây dựng lại đều khắp thôn làng. Người dân Quảng Trị có nơi phụng thờ Phât tổ tôn nghiêm; đến hành lễ trong các ngày rằm , mồng một và các ngày  lễ chủ yếu của Phật Giáo cũng như sinh hoạt hàng tuần của các  ĐS GĐ Phật tử trong từng NPĐ hoặc Chùa khu vực cư trú một cách thoải mái...

Chùa Long An ( trước 72 gọi Chùa Sư Nữ)

Chùa Cổ Thành ( NPĐ C.Thành), Triệu Thành,Triệu Phong

Chùa Long Hưng( Phần tiền sảnh) , Hải Phú,Hải Lăng



Chùa Hậu Kiên ( NPĐ H.Kiên)

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

Nhớ về trường cũ- Trò xưa - Họa Thơ

Khi vào trang này xin mời quý Thầy - Cô và ACE CHS THTP cùng gửi bài hoặc tham gia Xướng- Họa

NHỚ VỀ TRƯỜNG CŨ, TRÒ XƯA
                                    Hồ Trọng Trí (Tức thầy Hồ Trị)

Nhớ sao! Kỷ niệm tuổi thanh niên
Biệt Triệu Phong, xa trò, bạn hiền.
Thế cuộc đẩy đưa đi mọi chốn
Thầy trò lan tỏa đến muôn miền.
Kẻ ra hải ngoại yên quê mới,
Người ở nước nhà vui cố viên.
Trường tuổi năm mươi mừng tái ngộ,
Cảm hoài, trân quý, dạ uyên nguyên.

Bài họa 1:
Xiết bao thân quý tuổi hoa niên!
Bạn cũ, thầy xưa lắm thảo hiền.
Trung học Triệu Phong vui mấy độ
Hồi chuông Ái tử vọng khắp miền.
Người đi đau đáu thương nguồn cội
Kẻ ở mơ màng nhớ cố viên.
Đoàn tụ, hẹn ngày vui tái ngộ
Nghĩa tình muôn thuở vẫn còn nguyên!
Nguyễn Văn Quang

Bài họa 2:
Nhí nhảnh vui đùa tuổi thiếu niên,
Học hành chăm chỉ ngó ngoan hiền.
Triệu Phong quê Mẹ chìm trong đạn,
Hòa Khánh trường kho đón khắp miền.
Lũ trẻ thênh thang đường sự nghiệp,
Bọn già nương náu chốn điền viên.
Dịp may xuôi ngược truy tầm cội,
Biển cả bao la vọng thủy nguyên. 
 Hoàng Đằng 

Bài họa 3

Trường cũ nay đà ngũ thập niên. 
Thầy hay đào tạo lớp trò hiền . 
Triệu Phong văn thái vang muôn hướng 
Quảng Trị tài danh nổi khắp miền
Kẻ đã bôn ba cùng viễn xứ
Người đang vui thú với điền viên 
Chờ mong ngày được vui đoàn tụ 
Nghĩa nặng tình sâu vẫn vẹn nguyên
                                 Nguyễn văn tương
                                 Bà rịa  26/5/2010
Vào trang xin họa...

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

Một khoảng không gian Đ.T.Phúc


MỘT KHOẢNG KHÔNG GIAN

Tuy là ở xứ người nhưng tôi cũng tạo được một khoảng không gian ở vườn sau để có những giây phút lắng đọng tâm tư thư giãn ngó trời trăng mây nước.

Tôi chẳng cần gì phải có một hòn non bộ xây dựng lắm công phu mới tạo được một không gian "nhàn" cho riêng mình. Ở đâu cũng được, dù một căn gác nhỏ trong khu apartment hay khu nhà single house đắt đỏ hay trong một khu mobile home, chữ "nhàn" nó phát xuất từ trong tâm tưởng của tôi mà ra.
Chứng minh ư? thì tôi đang ngồi đây, có gì đâu ! một mình tôi ngồi ở vườn sau, cái ghế nhựa, một luống cải vừa lên , vài chậu cúc đủ loại hết mùa , cây ổi lá đang ra và chưa bao giờ thấy trái. Thế mà lạ thay tôi vẫn thấy khung trời quê hương đang đến với "riêng tôi"-- một mình.
A, thì ra chữ nhàn nó cũng dễ không "lắm tiền mua" !
Rồi mới thấy câu thơ của cụ Nguyễn công Trứ xưa tôi học dưới mái trường cũ Nguyễn Hoàng nó thấm thía làm sao! một ý nghĩa thâm thuý của bài cổ văn từ Cô Hồng , thầy Liệu, cô Lan quốc văn ...mấy mươi năm sau nó mới hiện ra ý nghĩa tại xứ lạ quê người :
"Thị tại môn tiền náo
Nguyệt lai môn hạ nhàn "
hay;
"Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc "...
còn chừ tôi thì:
"Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn "(Nguyễn công Trứ)
Thế đó, ở đâu cũng được, tôi chẳng cần cầu kỳ lắm thứ mới có được chữ "nhàn".
Tôi cũng chẳng biết gì về thiền hay yoga gì cả, cứ thả hồn trầm lặng dựa lưng vào chiếc ghế nhựa nghe tiếng bầy chim ríu rít vườn sau, ngắm mây bay thế là nhàn rồi.
Ngang đây, tôi kể bạn nghe chuyện bầy chim vườn sau của tôi. Tôi dám quyết đoán bầy chim tôi hay cho cơm là thứ chim se sẻ y hệt những bầy chim se sẻ ngày xưa Quảng trị. Xứ Mỹ đúng thứ chim này phải to chứ; trái lại bầy chim sẻ tôi hay cho cơm nó nhỏ thó nhanh nhẹn, lạ nhất màu lông chúng cũng màu đà(người Bắc gọi là nâu).
Bầy chim sẻ tôi hay cho ăn , cứ sáng là ríu rít đậu chờ ở vườn sau.
Tôi quên nói với các bạn rằng xứ người ta loài vật không bao giờ sợ người vì có ai làm hại nó đâu. Tôi chợt cười nhớ lại khi đi bộ trong xóm nhà tôi. Bên lề đường mấy chú quạ vừa kiếm trái cây rụng bên đường vừa "thao láo " mắt nhìn tôi chẳng có gì "kiêng dè" cả. Chưa hết, đi ngược lên sau các đám cỏ quanh mấy biệt thự trên các triền cao, mấy bầy nai mẹ con đang nhởn nhơ kiếm cỏ. Cũng chưa hết, mấy bầy gà tây hoang dã từ trên chóp núi nó xuống tận đây kiếm ăn có sợ ai đâu !
Chữ hoà bình tôi kể chưa hết với bạn, không biết bạn có tin không? Có bữa con tôi nhìn ra cửa sổ, sáng thật sớm mấy con nai về kiếm cỏ non ngay vườn trước nhà tôi. Trời sáng hẳn chúng thản nhiên nghênh ngang lên lại núi .
Trở về chữ nhàn của tôi với bầy chim sẻ vườn sau; khi tôi một mình trầm lắng thì chúng cũng tíu tít chờ ăn. Cũng có mây con chim xanh chúng giống chim xanh quê mình. Chim xanh này hung dữ,hay ở một mình không từng bầy như bầy chim sẻ, khi đến giành cơm là bầy chim sẻ bay tán loạn chờ con chim xanh đi mất mới dám bay trở lại. Dĩ nhiên bầy sẻ này làm sao sợ người , nhất là tôi hay cho nó ăn.Chưa hết, tôi còn nghe từ vườn nhà bên khi mặt trời và nắng ấm lên cao có tiếng chim kêu mà tôi dám tin là tiếng sơn ca, tiếng kêu tôi đã nhớ nằm lòng xưa tôi hay đi bộ qua chùa Sắc Tứ Ái Tử. Ngày xưa qua chùa Sắc Tứ, tôi hay xuyên qua mấy cánh đồng cát hoang. Vừa đi tôi vừa ngắm mấy con sơn ca chúng thỉnh thoảng bay lên trời cao vỗ cánh đứng yên. Tiếng chim hót đổ hồi, liên tục , cao ngất một hồi rồi từ từ hạ cánh, im lặng; tiếp tục lại con sơn ca khác bay lên và lập lại nhịp điệu như thế . Đặc biệt, tiếng chim sơn ca lanh lảnh trong vắt khác với tiếng bầy chim se sẻ nghe sao "ríu ra, ríu rít ".
Giờ tôi nói đến đám cải vườn nhà :
Đám cải của tôi đã lên hơn ba lá , màu xanh nõn nà .Một thời gian nữa nó lên bông , sắc hoa vàng rực. Màu vàng hoa cải cũng là một trời quê hương khi mùa đông về những gánh cải cay từ Nhan Biều với chuyến đò ngang đem qua Chợ Tỉnh; hay từ Sãi gánh lên năm ba cây số gánh bộ.
Thế đó, tôi nghiệm ra rằng sau thì giờ vật lộn với công ăn việc làm, cùng những bất đồng ngôn ngữ, những căng thẳng từ luật lệ phép tắc xã hội xứ người ta, tôi phải tạo cho chính tôi một không gian nào đó tĩnh lặng cho mình. Dù nhỏ bé đơn sơ nhưng khi chính tôi tự thoả mãn và bằng lòng với nó thì chữ NHÀN đến không khó.
Tôi lại nhớ về trường xưa thầy cô cũ ,câu thơ cổ văn còn văng vẳng đâu đây :
...
“Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc
Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn "
Đinh trọng Phúc -12/5/2010

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

Nổi mừng hội ngộ L.T.T.Tâm


NỔI MỪNG HỘI NGỘ
Lê thị Thanh Tâm

Những tưởng xa rồi lại gặp đây
“Nối vòng tay lớn “ vui lắm thay !
Ngỡ rằng chuyện cũ ngày xưa ấy,
Quên lãng vùi chôn theo tháng ngày.

Kỷ niệm chúng mình ôi đẹp tươi
Xin cùng gìn giữ  lấy bạn ơi!
Áo trắng học trò thời hoa mộng
Còn lại trong tim mỗi một người .

Bây giờ chắc hẳn chẳng còn chi!
Chỉ tiếc cho nhau , thôi được gì ?!
Tình bạn “ sáu hai” bền chặt mãi
Dù đời vạn nẻo cuốn ta đi.

Ta đi vẫn nhớ về nơi ấy ,
Có một ngôi trường thương rất thương.
Lớp lớp bạn bè yêu biết mấy !
Có nghìn nổi nhớ , nghìn vấn vương. 
Bà rịa 14/5 /2010
                                     

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Chút KN và trường lớp...L.B.Tâm

CHÚT KỶ NIỆM VỀ TRƯỜNG- LỚP TÔI
NGÀY ẤY – BÂY GIỜ
Lê Bá Tâm
Tôi thi vào Đệ Thất Triệu Phong năm 1962. Ngồi trong phòng thi, mái lợp ngói liệt, ánh nắng len vào góc các tấm ngói bể, chiếu xuống chỗ ngồi, loá cả mắt. Cuối giờ thi, mồ hôi đổ ra như tắm. Đình làng Hậu kiên được nhà trường mượn để làm phòng thi. Một nửa mái lợp ngói, nửa phía dưới ngói bể, thay vào đó mấy tấm tôn. Tôi ngồi thi ở cuối phòng, nóng ơi là nóng! Ơn trời, tôi được đỗ vào Đệ Thất lớp Anh văn. Lớp kia học Pháp văn. Năm nay có cả thảy 5 lớp: Hai Thất, hai Lục và một Ngũ. Ngôi trường được xây mới giữa cánh đồng lúa của làng Nại cửu, sát tỉnh lộ 4. Trường có 4 phòng học và một phòng ngăn đôi, một nửa làm văn phòng, một nửa làm phòng đợi của giáo sư. Năm chúng tôi vào trường, thầy Đỗ Thanh Quang làm Hiệu trưởng. Các giáo sư giảng dạy có: thầy Trịnh Ngọc Phòng, Hồ Văn Kham, Nguyễn Quang Kế, Nguyễn Thiện Lữ, Đào Xuân Hoà. Qua năm sau có thầy Trần Sĩ Tiêu, Trương Quý Nghi, Tôn Thất Anh Thông, Tôn Thất Quỳnh Nam, Tôn Thất Phú, Tôn Thất Văn. Các cô thì có Cô Bùi Thị Gái, Phạm Thị Như Hoàn, Phan Thị Ngọc Tỉnh, Phạm Thị Diệu Thanh, … Còn bao nhiêu thầy, cô nữa trong 4 năm tôi không nhớ hết.
Mới đó mà ngoảnh mặt lại đã qua 48 năm rồi! Học sinh lớp tôi bây giờ người nhỏ tuổi nhất cũng đã 60 cái xuân xanh. Mấy o tóc dài, áo dài có: Lê Thị Mỹ Kiên, Lê Thị Huệ, Lê Thị Thuận Hoà, Hồ Thị Lý, Hồ Thị Như Mai, Hồ Thị Ngọc Hà, Đoàn Thị Anh, Đoàn Thị Quang, Trần Thị Thương, Trần Thị Chắt, Hồng Ái Huệ, Lương Thị Thanh Vân, Nguyễn Thị Hoa,…
Một số o bây giờ con cái thành đạt, có o hồi xưa học khá nhưng không có tiền học y khoa, bây giờ cho con qua Mỹ chớp bằng Tiến sĩ y khoa về treo lên tường xem chơi. Hai o hồi xưa trong ban văn nghệ trường, một o có giọng liêu trai giống đúc ca sĩ Thanh Thuý. Đêm văn nghệ tất niên (thầy Tôn Thất Phú hướng dẫn) hát bài Màu hoa trắng:
Màu hoa trắng, ngày nào trên tóc mây buông dài, không lẽ nay thay màu trắng khăn tang! Lời hát thì vậy, nhưng ông chồng là bác sĩ đang sống sờ sờ ra đó, con cái bây giờ thành đạt, đi công tác nước ngoài như hồi xưa đi chợ Sãi; chỉ có khổ là mỗi lần ai điện thoại tới cứ nghe tiếng cháu khóc đòi bà:
Giờ này mà có con còn bé rứa hở o?
Không phải mô; cháu nội, cháu ngoại cả bầy.
Rứa con cái đi mô?
Đứa đi Singapore, đứa đi Hàn quốc rồi.
Chà sướng, mà khổ quá hè, khổ hơn tui!
Rứa mi có cháu chưa?
Chưa có đứa mô lấy vợ, lấy chồng chi cả. …
Còn o thứ hai đẹp thất kinh, ưa đi hát biểu diễn ở xã, ở huyện, đêm tất niên mặc robe trắng xoè, má lúm đồng tiền, lúng la lúng liếng hát bài Sương lạnh chiều đông:
Mười năm mơ kết mây thành hoa trắng
Mây vỡ, hoa tan tàn giấc mơ hoa
Sương lạnh chiều đông buông tiếng thở…
Không biết thở dài hay ngắn mà bây giờ một mình ngồi ôm cháu ngoại:
Chiều xưa phai nắng dấu mòn đưa lối
Soi bóng chung đôi mà hoa chia phôi... Nghe buồn quá sá!
đẹp nhất lớp họ Trần, mặt hiền giống như đức mẹ Maria. Từ hồi học hết lớp Đệ Tứ đến nay không biết ở đâu. Đã hơn 44 năm rồi còn gì! Có o dạy học nơi rừng sâu núi thẳm, nón lá che trời; có o may mắn được sống nơi phồn hoa đô hội; có o ngồi tựa cửa chờ chồng, biền biệt chưa thấy trở về!
Bên phía các bạn quần xanh áo trắng thì có Nguyễn Giỏ, Hồ Công Thạnh, Đinh Kim Diện, Lê Thanh Khiết, Phạm Đình Thiện, Đặng Điển, Nguyễn Hào, Nguyễn Quang Hậu, Nguyễn Duyến, Nguyễn Tú, Nguyễn Ân, Vũ Ánh, Lê Liễn, Lê Văn Mai, Lê Đức Lợi, Lê Cảnh Thanh, Lê Bá Tâm, Võ Tánh, Hà Ngọc Tựu, Nguyễn Đình Thuần, Ngô Hào, Đoạn Song, Quốc Đình Cường, Đoạn Hai, Nguyễn Văn Đức, Lê Văn Hoàng, Lê Bá Phương, Trịnh Thoan… Ba bạn Hồ Sĩ Thơ, Trần Văn Thọ, Phan Chánh Thái ở tận bên trời Tây. Các bạn Đoạn Hai, Hà Ngọc Tựu, Võ Tánh, Hồ Công Thạnh, Nguyễn Dũ đã về cõi vĩnh hằng!
Nhớ ngày xưa, từ làng tôi đến trường băng qua cánh đồng lúa lộng gió làng Nại Cửu, mùa hè nắng cháy gió Lào; mùa mưa bùn lầy lụt lội, bùn lên tới đầu gối, gió bấc lạnh buốt tim, nứt da nứt thịt. Bốn giờ sáng dậy ăn cơm đi học, buổi trưa ở lại trường có cơm đựng mo cau, muối mè. Hôm nào ngủ quên không bới, xuống Bích Khê ăn tô bún bò gân giá một đồng của mụ Gái. Trời lạnh, ngồi chờ thấy khói bốc lên từ nồi nước lèo thơm ơi là thơm, hít hà ăn ngon quá sá! ( Mỗi năm chỉ ăn được năm ba đọi là hết cỡ).
Hồi đó chúng tôi nghèo chưa có áo mưa, chỉ có tấm nylon lớn cột ở cổ để che mưa, còn miếng nhỏ để gói tập vở và mo cơm đi học. Đến đầu niên khoá vào Đệ Lục, nhà không có tiền may quần xanh đồng phục, chú ruột tôi có chiếc quần đen cũ đã rách hai bên mông, tôi đem đến thợ may sửa lại, cắt bỏ phần rách, lộn ngược nền vải từ trong ra ngoài. Đến ngày nhập học, vào lớp nhìn quanh, té ra mình còn oai ra phết; nhiều bạn phải bận lại áo quần năm ngoái đã cũ. Có quần mới nhưng tôi phải bận lại cái áo năm Đệ Thất. Tôi đã mua miếng dương xanh về dương cái áo, lại trông như mới. Đến giữa học kỳ, cùng bạn bè đánh bi chui qua hàng rào kẽm gai, vô ý bị rách một đường chữ L phải mạng lại để đi học hết năm. Chừ nghĩ lại thấy hồi đó đi học khổ hết nước nói; thế mà phải cố gắng, chịu khó, chứ không thì về nhà theo Mẹ già cuốc đất trồng khoai.
Nhà mệ tôi có nuôi con trâu đực to tướng, những lúc không người giữ, tôi phải nghỉ học để trông, bài vở theo gió, theo mưa trôi đi một ít. Sau này, khi ngồi với bạn bè ôn lại chuyện cũ thời đi học, tôi nói:
Hồi đó tôi đi học một buổi còn một buổi ở nhà giữ trâu. Anh Lê Cung Bắc bảo:
Em có trâu để chự là may, nhà anh còn không có con chi để chự nữa chứ!
Rứa thì không biết ai khổ hơn ai?! …
Còn có anh bây giờ là đại gia: năm sáu công ty, nhà ba bốn cái, vợ hai ba bà, hồi xưa cũng vừa đi học vừa đi chự vịt như tôi. Học trò quê mình thông minh, chịu khó hết biết! Bạn học lớp tôi bây giờ có đại gia họ Ngô. Nhớ kỳ nghỉ hè năm Đệ Thất, tôi và bạn Cảnh Thanh đạp xe chở nhau từ làng Bích La lên thăm bạn ở làng Như Lệ, đường sá xa xôi, gồ ghề, lồi lõm. Đến trưa nhà bạn mời chúng tôi ăn mấy cũ sắn; ăn xong, ba đứa ra hái dái mít, rau thơm, cắt lá chuối non gói lại làm gỏi. Ăn ngon quá sá, nhưng cả hai đứa về bị khan cổ, khô họng hơn tuần lễ. Giờ ngồi nhớ lại nổi cả da gà!
Lên năm Đệ Lục, thầy Đỗ Thanh Quang chuyển công tác. Thầy Phan Thanh Thiên về làm Hiệu trưởng. Thầy là người đã gây ấn tượng đẹp nhất cho bao nhiêu lớp học trong thời thầy làm công tác quản lý trường. Thầy quê ở Quảng Trị, lớn lên học ở Huế, tốt nghiệp Đại học, vào dạy ở Bến Tre. Thầy chuyển về làm Hiệu trưởng Trung học Triệu Phong từ năm học 1963-1964 đến hết năm học 1968-1969. Lúc nào thầy cũng ăn mặc sang trọng, tề chỉnh: quần Tây đen, áo trắng, tay cài măng-sết, tóc ướt, hai mái thẳng tắp, giày da Ý bóng lộn. Đặc biệt thầy đi nhanh như gió. Thầy dạy rất ngắn gọn, dễ hiểu; chẳng bao giờ nghe thầy la mắng ai. Thế mà học trò của thầy học rất giỏi, rất kính mến thầy, mãi cho đến bây giờ. Bên cạnh việc quản lý, dạy lớp, thầy còn tổ chức các môn thể thao (bóng bàn, bóng chuyền …), cắm trại, thi đua văn nghệ các lớp, thăm hỏi phụ huynh, học sinh khi ốm đau, bệnh tật.
Nhớ năm Đệ Ngũ, chú tôi cho chiếc xe đạp cà tàng để đi học. Ngày nào cũng xảy ra chuyện: khi thì gảy tăm, đứt phanh khi thì bể vỏ đứt ruột, khi thì văng cả giò dĩa, pê-đan… Có lúc ngủ dậy, dắt xe ra đi học bị xẹp lốp, đoạn ruột bị xì hơi lấy dây chuối cột chặt, phải tháo hai cái ngàm phanh (hai cục cao su) mới chạy được; đoạn nào dằn thì xuống dắt bộ, lên đến trường thở không ra hơi. Đôi khi mơ màng nghĩ rằng xe mình đâu có thua gì xe Ishia của thầy Thông, xe Goebel của thầy Bính, và cả xe hơi của thầy Thiên! Đạp đi cũng nổ lép bép, bụp bụp như ai. Về đến làng có mấy đứa nhỏ chăn trâu chạy theo sau, tay đẩy, miệng kéo còi inh ỏi; nhớ lại vui quá là vui!
Hết năm Đệ Tứ, chúng tôi lên học trường Nguyễn Hoàng – xa trường, xa thầy, cô từ độ ấy. Cách đây hơn 10 năm, gặp o học giỏi ở Gài gòn, tay bắt, mặt mừng quá đỗi.
O vô đây mần chi?
Tui đưa con vô học Đại học.
Cháu ở ký túc xá hay ở nhà thuê?
Mình mới mua được căn nhà bên quận 6 cho hai cháu ở, đi học.
Chừ mần chi mà giàu rứa?
Mình buôn bán, có xe tải chạy từ Nha trang vào Sài gòn. Rứa chừ Tâm mần chi?
Tui mần đầy tớ.
Tháng lương bao nhiêu?
Được mấy trăm ngàn, vừa đủ ăn.
Mần đầy tớ chi cho cực. Về mần giúp tui, dọn dẹp, khiêng vác hàng hoá, trông nhà trông cửa cho hai cháu đi học, tui trả tháng một triệu, chịu không? Bạn bè thời Đệ Thất đến giờ còn mấy đứa mô. Nhớ lại hồi xưa tau tức mi lắm.
Tức chuyện chi?
Nhớ hồi trực lớp: mi và tau được phân công trực cùng ngày, mi bỏ chạy đi chơi, một mình tau khiêng băng không nổi để quét, phát khóc luôn.
Có rứa chừ mới nhớ chắc chứ!
Nhớ cái con khỉ. Rứa mi có về mần việc với tau không?
Không được mô. Tui mần đầy tớ sướng hơn, chỉ nói nhiều làm ít, không phải lao động chân tay, khiêng vác hàng cho o mệt lắm. Tra rồi, không mần nổi. …

Thưa quý Thầy Cô, chúng em là những học trò trường Trung học Triệu Phong biết giữ đạo thầy trò, biết “Tiên học lễ, hậu học văn”, rất tự hào vì đã được rèn luyện, học tập dưới mái trường thân yêu ấy để có được kết quả tốt đẹp ngày hôm nay. Chúng em xin kính cẩn tri ân và nguyện noi theo gương quý thầy cô, đem hết lòng truyền bá văn hoá, đạo đức, nghề nghiệp chuyên môn cho thế hệ mai sau để khỏi phụ lòng thầy, cô đã dày công gầy dựng và dạy dỗ.
Các bạn CHS. Triệu Phong thân mến,
Cái thuở học trò lưu luyến ấy,
Ngàn hăm há dễ mấy ai quên!
TP. Hồ Chí Minh, Hè 2010./.
LBT

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Mùa NOEL cuối cùng...Đ.T.Phúc

MÙA NOEL CUỐI CÙNG NĂM ĐÓ (1972)
(Nhớ về lớp 12A3 THNH QT niên khoá 1971-1972)
Quảng trị đêm giáng sinh tháng 12/1971
Đó là mùa Noel cuối cùng của thành phố Quảng trị năm xưa.
Quảng trị! Thành phố nhỏ bé hiền hoà xen lẫn một chút gì quê mùa và chịu đựng. Quảng trị đang vào những ngày cuối năm. Đây là mùa đông cuối cùng cho mấy con đường quen thuộc, những căn phố nhỏ và là lễ Giáng sinh cuối cùng trước khi tan nát rồi bị mất hẳn tên theo bom đạn thuở nào.
Đêm Noel thật lạnh, cái lạnh não nùng của miền địa đầu giới tuyến. mấy ngọn đèn đường vàng vọt yếu ớt như muốn thu mình lại trong sự vắng lặng của đêm Giáng sinh tỉnh nhỏ. Nhà nhà im lìm, người ta ở trong nhà im lặng và trang trọng đón chờ giờ thánh lễ lúc nửa đêm.
Bọn mình năm đứa có hẹn nhau từ chiều, sau khi làm một ‘chầu’ no nê bì tết cọng khoai tây chiên do Nguyễn cường Nam ra tay đầu bếp tại nhà mình, đường Lê văn Duyệt rồi sẽ đi ‘bát’(battre) phố đêm nay, điểm khởi đầu là Cửa Hậu-Thành Cổ.
Nguyễn cường Nam hay phá, tếu hết chỗ chê. Nam chỉ tội một nỗi do tài nấu ăn ngon nên ‘phát phì’ trước tuổi, có lẽ vì thế áo quần Nam lúc nào cũng rộng thùng thình. Nam bất cần, cứ chọc tếu lung tung, ‘guậy’ cho đời bớt chán. Còn Dương Toàn vui tính hay nói cười , khi Toàn cười mặt đỏ gay . Một thằng ‘tôi’ đây lại hay ‘bẽn lẽn’, biết ‘yêu’ rồi thì cứ nói ‘đại’ đi cớ sao ấp úng? Còn Nguyễn Thị thanh Tâm, mình còn nhớ Thanh Tâm khi cười thì đôi mắt Tâm cũng ‘cười’ theo, lúc đó khuôn mặt Thanh Tâm đỏ hồng, thật hồng. Cuối cùng là Hồ thị phương Loan, nàng rất vui tính, hơi ra dáng đàn chị. Loan có nét chữ thật bay bướm, lả lướt; hèn gì tờ năm đó cả lớp bầu Loan viết cho tờ báo xuân năm Nhâm Tý(1972.)
Cả bọn vừa đi vừa tán dóc, ồn ào, huyên náo vừa nghênh ngang trên con đường vắng như thể chỉ có năm đứa hiện hữu trong đêm lễ vậy. Thật hiếm hoi mới có vài ba nhà bài trí trước hiên cảnh Chúa hài đồng nằm trong hang đá; ngoài ra còn có những thiên thần mang đôi cánh nhỏ nữa. Cảnh trang hoàng mừng Chúa giáng sinh không có âm thanh ca hát như muốn mọi người được lắng đọng tâm tư mà dâng hết niềm tin chúa trong đêm thánh lễ.
Từ múi đường Trần Hưng Đạo, mới bắt đầu có những bóng đèn ‘nê ông’ sáng trắng nhưng khoảng cách của hai cột đèn xa quá nên ở giữa chỉ sáng lờ mờ.

Có thể nói đường phố chính bắt đầu từ đoạn này nhưng ngang trường Nữ tiểu học mới xây dựng con đường vẫn còn vắng vẻ. Có vài nhóm thanh niên đua xe honda quanh thị xã, khi lượn qua bọn mình liền quét đèn như dò hỏi vì cả năm đứa đang mặc đồng phục trường Nguyễn Hoàng. Chắc bọn họ thắc mắc chúng mình ‘đi đâu cà nhõng giữa đường?’.
Bạn Nam giờ đổi ý, dẫn cả bọn rẽ vào đường Phan đình Phùng, con đường này còn vắng vẻ hơn nữa, nó tối đen và rờn rợn lạ lùng. Đầu múi đường này có hai cây bàng đại thụ, ban ngày che bóng cho ngôi trường mẫu giáo gần ngôi trường nữ mới. Theo ông bà mình kể lại rằng vào thời Pháp ngang ngôi trường này là nhà thương (bệnh viện), người ta hay thấy ma. Con đường này không có cột đèn điện nào nên toàn là những khoảng tối đen kịt, lúc này Nam có dịp ‘thêm mắm thêm muối’ cho lời đồn tăng thêm phần kinh dị, báo hại hai nàng Loan và Tâm sợ co rúm cả người chen vào đi giữa.
Đi lên chỉ một đoạn ngắn thì đã đến quán bùn bò ‘Nông Tín’, quán không có tên nhưng vì gần ty Nông Tìn thì nó lại mang cái tên vậy để khách ăn dễ phân biệt. Đêm nay quán vẫn đông khách, ánh đèn trong quán hiu hắt dọi ra đường, kèm theo mùi thơm của nồi bún xáo quyện vào trong hơi lạnh đêm đông tạo nên một cảm giác rất gần gũi, rất ‘Quảng trị’
Những câu chuyện không đầu mà chẳng có đuôi đã đưa năm đứa bọn tôi lên tới quán cà-phê Hoài lúc nào chẳng hay. Ly cà –phê ‘phin’ kèm gói thuốc nhỏ hiệu con mèo ‘Craven A’ loại 10 điếu, vừa nhâm nhi trong tiếng nhạc Trịnh Công Sơn là ‘gout’ thưởng thức một thời. Vậy mà mình không dám ‘cúp cua’ lần nào, ghiền thế thì lo vô quán Hoài thật sớm để tới trường cho kịp giờ học. Đêm đó quán Hoài đông khách, bên trong chiếc máy hát A- KAI với 2 dĩa băng loại lớn đang quay đều, volume mở lớn hết cỡ, vẫn tiếng hát Khánh Ly với dòng nhạc Trịnh Công Sơn đang oán than bi hận cho cuộc chiến dai dẳng tang thương.
Theo Nam bọn mình rẽ trái ở tiệm sửa xe Bảy Hiền, theo con đường Lê thái Tổ, nắp theo bờ hồ Thành cổ ‘tà tà’ độ năm phút thì đã gặp quán cà-phê Khuya. Lúc này đã mỏi chân, cả năm đứa đều vào quán. Quán Khuya nho nhỏ, chỉ vài ba bàn gỗ thấp lè-tè. Thời chiến quán cà-phê đua nhau mọc nhiều trong thành phố. Có những quán lớn như Hoài, Quyên, Ly Ly..cũng có mấy quán nhỏ như Khuya, Nghèo, Gió…những cái tên của mấy quán nhỏ nghe lại rất là ‘cà-phê’. Thời gian này mấy quán cà phê có thêm cái ‘mốt’ lợp một mài tranh đằng trước, phía sau lại có vách đan bằng tre nữa; có lẽ để khách khi ngồi thưởng thức cà phê, nghe nhạc mà thả hồn xa cái thế giới bon chen tục luỵ hay đầy dẫy không khí chiến tranh bên ngoài chăng?
Bọn mình chia tay nhau khi thành phố sắp vào giờ Reveillon, nghe xa xa vẫn còn tiếng đại bác vọng về. Người dân Quảng trị đón Giáng sinh trên vùng đất khổ biết khi nào hưởng một mùa lễ thật sự an bình?
Giờ đây khi mình ngồi viết lại những dòng này, thành phố San Jose đang đón thêm một mùa Noel nữa! Mấy mươi năm qua rồi,nhanh lẹ quá!như một"giấc ngủ trưa".
Tuy vậy, những hình ảnh, những cảm giác của đêm Noel năm đó, đêm mừng Lễ cuối cùng của một thành phố mất tên vẫn theo mình suốt cả một đời./.
Đinh trọng Phúc
(12 A3 1972 / Giáo sư cố vấn cô Lê thi Ngọc Lan )

Tôi làm báo...N.H.Tảo


CHS. NGUYỄN HỮU TẢO
Đệ thất 2 – Khóa 1966-1970
Trường : THTP- QTrị
Quê: An Cư, Triệu Phước, TP, QT
Hiện ở : Phường 3, TX. Quảng Trị
Điên thoại : 0914197845
TÔI LÀM BÁO, LÀM DIỄN VIÊN

Tôi vào học lớp Đệ thất 2 (lớp 6 bây giờ) Trường Trung học Triệu Phong khoá 1966- 1970. Là học sinh nghèo ở làng quê xa xôi nên người tôi đen điu, tóc hớt ngắn như đầu cạo trọc mới mọc tóc lại, áo quần thì không đồng phục, đi dép cao su 4 quai thật chẳng giống ai. Có lẽ vì thế mà người tôi sinh ra thủ phận, rụt rè và ít nói.
Trong lớp, tôi được bố trí ngồi hàng đầu. Ngồi học, tôi không dám nhìn lui; mỗi khi nghe các bạn gái ngồi bàn sau bụm miệng cười thì cứ nghĩ là họ đang cười chọc quê mình! Có điều tôi học rất chăm nên các bạn cũng nể.
Bước sang năm Đệ lục (lớp 7), tôi đã biết trau chuốt, chăm sóc bản thân mình nên xem ra người cũng dễ coi, nhưng cái tính ít nói vẫn chưa có gì tiến bộ nên bạn bè ít hiểu về mình.
Năm lên Đệ ngũ (lớp 8), nhân dịp đón Xuân mới Kỷ Dậu, nhà trường tổ chức ra tập san mừng Xuân và kêu gọi thầy cô giáo cũng như học sinh toàn trường viết bài tham gia. Thích chí, tôi đã viết chuyện vui “Khỉ - Gà chia tay” (Mậu thân- năm con khỉ đã qua, Kỷ dậu – năm con gà đã đến). Bài viết của tôi được ban biên tập chọn đăng. Hay tin tôi có bài viết được đăng ở tập san của trường, bạn bè lấy làm ngạc nhiên nhưng cũng nể phục. Năm lên Đệ, ( đây là năm học cuối cùng của một cấp học gọi là Trung học Đệ nhất cấp) thì tên gọi của cấp lớp đã đổi: Lớp Đệ Tứ thì đổi thành lớp 9. Khối 9 của tôi đang học có 2 lớp – Chín A và Chín B. Hai lớp chúng tôi đua nhau học để thi tốt nghiệp ra trường.
Chuẩn bị kết thúc năm học, nhà trường có kế hoạch tổ chức cắm trại và một đêm hội diễn văn nghệ. Một buổi sáng, tôi đang ngồi học trong lớp, thầy giáo Nguyễn Văn Quang (dạy lớp chúng tôi môn Quốc văn) bước vào lớp, đi thẳng đến bàn giáo viên và nói nhỏ điều gì đó với cô giáo đang dạy. Đến giờ dạy của thầy, thầy vào lớp, chào mọi người rồi kéo ghế ngồi sát bàn đầu. Thầy không mở cặp lấy giáo án mà ngồi bắt chéo chân, mắt nhìn xa xăm và bắt đầu giảng bài, nhất là phần bình luận về tác phẩm đã khơi gợi cho cả lớp tự liên hệ về bài học làm người. Rồi đột nhiên thầy quay lại nhìn cả lớp và nói: “ Em Nguyễn Hữu Tảo, chiều nay đúng 14 giờ có mặt tại trường để tập văn nghệ”. Cả lớp mở to mắt, ngạc nhiên nhìn tôi và cười ra vẻ chế nhạo! Chắc họ nghĩ cái thằng như tôi ù ù, cạc cạc, ít nói, nhỏ con mà thầy giáo gọi đi tập văn nghệ của trường! Chuyện động trời, không biết thầy có gọi lộn không? Còn tôi thì lại nghĩ: Thầy Quang ở cùng một làng với mình, ngày thầy còn đi học ở tỉnh, cứ 3 tháng nghỉ hè, thầy về làng mở lớp dạy thêm ở nhà, tôi cũng đến học thêm và thường hay làm hề gây cười trong lớp. Có lẽ vì thế mà bây giờ thầy biết mình và giới thiệu vô đội văn nghệ của trường. Nghĩ cũng lo lo, run run và hồi hộp…Chiều hôm ấy đội văn nghệ nam, nữ tập trung khá đông. Thầy Quang vào phòng, hai tay chắp sau lưng đi đi, lại lại mấy lần rồi thầy quay lại gọi hai nam, một nữ, trong đó có tôi để đi tập kịch. Vở kịch thầy viết có nhan đề: Mừng sinh nhật ông chủ. Đấy là một tiểu phẩm vui cười, châm biếm. Đại ý: Ông chủ có cô con gái xinh đẹp đến tuổi gả chồng, nhân ngày sinh nhật của ông, ông thông báo rộng rãi rằng ai muốn làm thông gia hoặc muốn làm con rễ của ông thì hãy đến chúc mừng và tặng quà sinh nhật. Quà tặng cho ông rất nhiều, đủ gói nhỏ, hộp to, gói nặng gói nhẹ, nhưng khi ông mở ra xem thì chẳng phải “phong bì”, vàng bạc mà toàn những thứ đồ dùng rẻ tiền, đồ chơi của phụ nữ và trẻ con! Ông chủ ngất xỉu!
Tiểu phẩm có ba vai diễn: Ông chủ, cô con gái ông chủ và người đầy tớ. Thầy Quang phân công tôi đóng vai đầy tớ có nhiệm vụ thường trực để nhận quà từ ngoài ngõ bưng vào nhà cho ông chủ và công bố kết quả các quà tặng.
Tôi trọ học tại xóm Hà thuộc thôn Cổ Thành, xã Triệu Thành. Cả xóm Hà chỉ có dược một cái Ti-vi công cộng giao cho một người trông coi, điều khiển và chỉ được mở vào ban đêm. Bản tính tôi rất mê Cải lương. Nói mê Cải lương nhưng thực ra tôi mê mấy vai hề nổi tiếng như Thanh Việt, Khả Năng, Bảo Chung. Khi tôi đóng vai đầy tớ, tôi đã bắt chước giọng nói tom tóm, eo éo và cái dáng đi khệ nệ, dang rộng chân, còng lưng của Khả Năng; bắt chước hai con mắt mở to, đứng troòng khi ngạc nhiên và đôi bàn chân nhỏ, gầy tóp của tôi đi đôi dép nhựa như hai chiếc đò của Thanh Việt … làm cho khán giả ngồi xem (các bạn học sinh trong trường) ôm bụng cười, xô đấm lưng nhau thùm thụp!
Đêm diễn kết thúc, bạn bè xúm lại quanh tôi, bắt tay khen ngợi, có ý thán phục “lâu nay giấu nghề”, rồi họ ríu rít đãi tôi kẹo, kem, chè,… Ôi, tôi được một bữa no kềnh.
Đêm ấy chúng tôi thức khuya, những trang lưu bút thơ ngây của tuổi học trò trao nhau đầy ắp kỷ niệm và bao tiếc nuối xa rời mái trường thân yêu, xa thầy cô quý mến và bạn bè thân thương; nhưng vai diễn đêm ấy của tôi thì có lẽ theo tôi suốt cả cuộc đời, vì mỗi lần nhắc đến là tôi thấy lòng lâng lâng như có vẻ tự hào về sự thành công đã sáng tạo và nhập vai tốt để mang lại một trận cười khoái trá cho thầy cô, bạn bè trước lúc từ giã mái trường thân yêu.
Bây giờ tôi tuổi đã sáu mươi, rất mong có dịp đoàn tụ để ôn lại bao kỷ niệm vui buồn. Bạn bè nhiều đứa đi xa, một số đã trở thành người thiên cổ. Dăm ba dứa bạn ở lại quê nhà gặp nhau mừng mừng tủi tủi, nhắc chuyện ngày xưa trong đó thế nào cũng có chuyện tôi làm diễn viên kịch./.
Thị xã Quảng Trị, hè 2010
NHT

Tâm tình Cô giáo cũ ...BBT

TÂM TÌNH CÔ GIÁO CŨ.
 Ảnh trên: Cô ...Vinh(CHSNH)- cô Nguyễn Thị Quy- cô Nguyễn Thị Hường- cô Phạm Thị Như Hoàn.Trước cổng trường THTP.
Ảnh: cô Như Hoàn gửi tặng
Lời BBT: Cô giáo Phạm Như Hoàn của chúng ta được sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh giá ở thành phố thời bấy giờ. Hồi tuổi mười tám, đôi mươi, cô là một thanh nữ đoan trang, quý phái. Cô có điều kiện học tập tốt để trở thành một người trí thức, giàu có, cao sang. Thế nhưng, như là một nghiệp dĩ, cô đã chọn nghề dạy học, tuy không có nhiều tiền nhưng là một nghề thích hợp với bản tính dịu dàng, chịu khó và tận tuỵ của người phụ nữ Việt nam. Bước chân đầu tiên vào nghề, cô đến ngay với trường Trung học Triệu Phong, một ngôi trường quận nho nhỏ, nghèo nàn, nhưng cô vẫn cảm nhận như ở đó có cái gì quyến rủ của hương đồng, gió nội … Và trong 7, 8 năm gắn bó với trường, cô đã đem hết kiến thức, tâm huyết ra truyền thụ, giáo dục cho học sinh với ước mong mai sau họ sẽ trở thành con người hữu ích cho xã hội.
Có thể nói, cô đã rất thoả mãn về trách nhiệm nghề nghiệp của mình, vì thấy sau này học trò Triệu Phong đều trưởng thành nhờ công lao giáo dục của nhà trường, trong đó có sự đóng góp của mình.
Một hôm, xin được địa chỉ của cô, Ban Biên tập chúng tôi đã có thư thăm và gởi một số hình ảnh, bài viết của anh chị em qua để Cô đọc cho vui. Ngờ đâu cô cảm động quá, ngồi thức trắng đêm, đọc đến 4giờ30 sáng! (dù cô tuổi đã cao, mắt không còn khoẻ như xưa, và đang quá căng thẳng, mệt mỏi với số thư trong mailbox lên đến một nghìn hai trăm thư chưa đọc!).
Ngày xưa ấy, Cô thì còn quá trẻ mà học sinh nông thôn thất học từ nhỏ nên cậu nào cũng cao lớn lêu nghêu như những thanh niên thực thụ. Những cậu con trai, con gái nhỏ hơn thì nghịch ơi là nghịch! Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò mà! Các Cô ngán lắm. Để có được sự nghiêm trang trong giờ học, các Cô cực chẳng đả phải tự thay đổi mình thành những Bà già khó tính để trị bọn nhóc yêu tinh kia. Nhờ vậy mà việc giáo dục đạt được mục đích mong muốn. Nhưng các cô, như cô Như Hoàn của chúng ta, thực sự hối tiếc một điều, là ngày xưa, do hoàn cảnh sống khác nhau, đã không hiểu được những nỗi khó khăn của học sinh nghèo ở nông thôn để mà thông cảm, xẻ chia, giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ học tập tốt hơn. Đấy là khúc tâm tình mà Cô đã tỏ bày với CHS chúng ta qua lá thư bằng e.mail Cô gởi về ngày 26/4/2010. Người nhận thư đầu tiên là bạn Văn Thiên Tùng. Bạn Tùng đọc thư cô xong thì xúc động đến chảy nước mắt. Tùng tâm sự: Em đã khóc khi biết cô thức trắng đêm để đọc bài viết của học trò cũ, và khi nghe cô tâm sự rằng cô cảm thấy hối tiếc vì ngày xưa đã không hiểu hết hoàn cảnh học sinh nghèo để xẻ chia, giúp đỡ, … . Thưa Cô, chúng em đã lắng nghe những tâm tình của Cô; những điều ngày xưa Cô chưa hiểu về tụi em thì nay Cô đã hiểu; và chính nhờ vậy mà bây giờ tụi em càng hiểu Cô và thương mến Cô hơn! 
Ngày xưa tụi em cũng đã có những thiếu sót, sai lầm khiến cô phải phiền lòng. Bây giờ hồi tưởng lại, chúng em cũng cảm thấy ân hận lắm, muốn nói lời xin lỗi Cô, không biết có quá muộn chăng! Thôi, cái gì đã qua thì cho nó qua - Let bygones be bygones - phải không Cô? Điều tốt đẹp còn lại trong đời hôm nay là tình cảm giữa Cô – Trò; cho dù ngày sau có thành “sỏi đá” cũng “cần có nhau”, Cô ạ! Qua lời tỏ bày của Cô, chúng em càng thấy gần gũi, yêu thương và biết ơn Cô nhiều hơn bao giờ hết, khi mà không gian cứ mãi cách xa và quỹ thời gian thì ngày càng ngắn lại!
Kính chúc Cô dồi dào sức khoẻ và thân - tâm thường an lạc!

Sau đó chúng tôi đã mạn phép, chuyển thư cô đến cho một số bạn khác cùng đọc. Sau khi đọc thư, ai cũng gọi về, (nhất là các cựu nữ sinh), bày tỏ: Cảm động quá, thương cô quá! Đề nghị BBT xin phép cô cho đăng thư này vào đặc san của chúng ta để mọi người cùng hiểu được tấm lòng của cô và thương cô nhiều hơn!
Chúng tôi đã mail cho Cô, thưa về ý kiến này, và được Cô đồng ý, cho phép chuyển thư Cô đến mọi bạn đọc xa gần.
BBT. trân trọng giới thiệu với các bạn. Mời chúng ta cùng đọc nhé!

(Arizona), ngày 26/4/2010
Chào các em!
Cô Như Hoàn ngày xưa của các em đây!
Thời xa xưa đó là những ngày tháng êm đềm của các cô khi mới dấn thân vào cuộc đời. Các cô chỉ là những thiếu nữ tuổi mới đôi mươi, mới rời ghế nhà trường như những con chim nho nhỏ rời gót mẹ - ngơ ngác, hời hợt và thiếu kinh nghiệm. Với tất cả nhiệt tình, các cô chỉ nghĩ rằng nhiệm vụ của mình là truyền lại cho các em những điều mình đã học hỏi, thế nên đã tìm đủ mọi cách để làm cho các em phải chú ý học hành. Có lẽ vì thế mà nhiều khi các cô đã quá nghiêm khắc trong sự xử phạt các em. Nhất là với cô, đã được sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh khác biệt với các em, nên cô không hiểu được những khó khăn mà các em đã gặp phải, nhất là đã phải trả một giá khá đắt để cắp sách đến trường.
Dẫu e.mail box của cô vẫn còn chứa hơn cả ngàn thư, (thường thì nó không nhận e.mail nữa khi đã lên đến con số 1 ngàn, nhưng cô không hiểu sao dạo này nó cứ nhận vào ào ào, mỗi ngày cô đã đọc và xoá hơn cả trăm cái, thế mà hôm sau cô lại thấy mailbox đầy ngập hơn đến 1200! Nhìn thấy thôi cô cũng đủ ngộp thở, muốn nhắm mắt lại xoá hết cho khoẻ trí, nhưng cô lại sợ có những e.mail quan trọng, nên cô kiên nhẫn ngồi đọc từng cái một). Vậy mà tối qua, khi thấy e.mail của Tùng gởi cho cô với Blogs, cô đã vào đọc đến 4h30 sáng!
Đọc bài của các em sao cô thấy cảm động quá, nhất là bài của Quang, tự nhiên trong tâm hồn Cô nổi lên một niềm hối hận vì mình đã không tìm hiểu hoàn cảnh các em trong những năm tháng làm cô giáo, ít nhất thì cô cũng phải nên biết rằng hoàn cảnh của các em ở miền quê không được thoải mái như ở thành thị chứ … ; vì vậy, nên tận cùng trong tâm khảm, cô tự cảm nhận như mình đã có lỗi với các em …
Giá cô biết được những hoàn cảnh khó khăn của các em thì có lẽ thái độ của cô sẽ đổi khác hơn, như là cô không tự làm cho mình trông có vẻ nghiêm trang, cách biệt, hay tự làm cho mình trông già dặn hơn với số tuổi (bằng cách bối tóc lên cao hay với vẻ mặt nghiêm nghị, không cười giỡn) để các em không dám lớn mặt với các cô rồi không chịu học bài. Giá cô biết được sự khó khăn của các em thì có lẽ cô sẽ dễ dãi hơn, sẽ gần gũi hơn, dành nhiều thời gian để giúp đỡ và làm cho sự học hành của các em được thoải mái hơn. Cô biết bây giờ nói về điều này thì đã quá muộn. Nhưng một cách nào đó, cô muốn nói rằng “Cô thực sự hối tiếc”. Đời đôi lúc chẳng công bằng!
Cô gởi lời chúc các em sức khoẻ và thành công!
Chào thân ái,
Cô Như Hoàn
PS. Các cô có nhã ý muốn gởi ủng hộ cho đặc san và buổi họp mặt THTP một số tiền nho nhỏ. Tuy ít ỏi, nhưng tình cảm của các cô đối với THTP và các cựu học sinh của những ngày tháng cũ thật là chan chứa và dồi dào, không thể nào tả được! ./.
 Cô Như Hoàn- Bạn Thầy Phú-Cô Liễu ( Chị Cô Hoàn) và Thầy Tôn Thất Phú.
Cô Bùi Thị Gái- Cô  Phạm Thị Ngọc Tĩnh và cô Như Hoàn
Cô Như Hoàn và cô Nguyễn Thi Quy tại sân trường THTP
Ảnh chụp trước cột cờ của trường
Thầy Cô trường THTP cuối niên khóa 1963-1964
( Ảnh Thầy Phan Thanh Thiên gửi tặng)
Từ trái sang:  
Hàng đầu; Quý Thầy Hồ Bính-Phan Thanh Thiên-Trần Sĩ Tiêu-Tôn Thất Quỳnh Nam- Cô Phạm Thị Như Hoàn cùng cháu bé, Cô Phạm Thị Diệu Thanh, Cô Phan Thị Ngọc Tĩnh
Hàng sau: Quý Thầy Tôn Thất Phú- Nguyễn Thiện Lữ- Thầy Hồ Văn Hội- Thầy Trương Quý Nghi- Hồ Ngọc Kham- Hoàng Ngân Hà