Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2010

Người giữ sổ...Th. H.V.Hòa

NGƯỜI GIỮ SỔ ĐĂNG BỘ
Thầy Hoàng Văn Hòa

Từ ngày quê hương được giải phóng, đất nước được thống nhất đến nay đã 35 năm. Diện mạo quê hương thay đổi theo chiều hướng phát triển. Tôi đã có dịp gặp lại một số anh chị em học sinh của trường Trung học Triệu Phong xưa. Thời gian gần đây, các khóa lớp tổ chức họp mặt cũng có mời tôi đến dự. Học sinh cũ bây giờ đều có tuổi từ trung niên trở lên, nhưng rất yêu đời. Qua hình ảnh đó tôi liên tưởng đến các thế hệ học sinh được nuôi dưỡng trong cái nôi trường Trung học Triệu Phong cũ mà tên tuổi của họ đều được gói gọn trong cuốn sổ đăng bộ trước đây tôi từng cất giữ.
Hiện nay tôi cũng đang làm công việc ghi chép và giữ sổ đăng bộ cho trường Trung học Phổ thông Nguyễn Huệ, TX. Quảng Trị, tôi mới nhận thấy rằng dù ở thời nào, chế độ nào thì theo quy định của bộ Giáo dục, sổ Đăng bộ là một tài liệu chủ yếu, có tính truyền thống lịch sử và pháp lý của trường học. Tính truyền thống lịch sử là ghi danh sách học sinh từ năm đầu thành lập trường qua suốt thời gian trường hoạt động, tồn tại, và căn cứ từng định kỳ kỷ niệm, trường sẽ tổng kết sự phát triển về số lượng học sinh, liên quan đến sự phát triển của cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất. Tính pháp lý là tuyển sinh đầu cấp hàng năm học, phải dựa vào quy chế tuyển sinh về chỉ tiêu số lượng và phương thức tuyển sinh.
Vì tính chất đặc thù của sổ đăng bộ như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học phải coi trọng. Sổ đăng bộ phải tuân theo kích thước, mẫu mã và nội dung ghi chép của Bộ, thống nhất trong cả nước. Nhà trường phải bảo quản và lưu giữ sổ đăng bộ thật tốt và lâu dài. Viết sổ đăng bộ phải giao cho người có chữ viết chân phương, đẹp, rõ ràng và thận trọng, không được sai sót. Người bảo quản sổ phải có trách nhiệm cao, tính cẩn thận, nhất là phải biết quý trọng nó. (Cho đến nay, tuy đã có công nghệ cao nhưng sổ Đăng bộ vẫn chưa được thực hiện bằng máy mà vẫn phải viết bằng tay).
Tôi về trường Trung học Triệu Phong từ giữa năm học 1968-1969. Ngoài những nhiệm vụ khác như nhân viên học vụ, dạy ở lớp, giám thị, nhà trường phân thêm cho tôi nhiệm vụ bảo quản và tiếp tục viết sổ Đăng bộ. Lần đầu tiên cầm cuốn sổ Đăng bộ, đọc lướt qua những trang sổ viết trước, tôi cảm thấy e ngại – ngại vì không biết mình có thực hiện đầy đủ theo những yêu cầu của người viết sổ Đăng bộ không! Nhưng dần dần, tôi vững tin. Với tinh thần trách nhiệm, với năng lực của mình tôi đã thực hiện tốt công việc này. Mỗi đầu năm học, sau khi nhận được kết quả thi tuyển sinh, lập hồ sơ nhập học, phân lớp, tôi dành thời gian viết danh sách học sinh đầu cấp vào sổ Đăng bộ. Khi viết, tôi phải đọc kỷ họ, tên, chữ lót, ngày, tháng, năm sinh, trú quán (bây giờ gọi là hộ khẩu thường trú), họ tên, nghề nghiệp cha mẹ, lý do được tuyển nhập học, (trúng tuyển hay chuyển trường đến, …). Ngoài ra, trong quá trình học sinh học hết cấp, tôi phải cập nhật những thay đổi vì bỏ học hoặc chuyển trường đi giữa cấp học, kết quả học tập của học sinh cuối cấp để thi tuyển vào trung học Đệ nhị cấp, hoặc lập chứng chỉ Trung học Đệ nhất cấp (THĐIC) cho học sinh tiếp tục học Trung học đệ nhị cấp (theo quy định của trường công lập).
Mỗi lần viết danh sách học sinh vào sổ đăng bộ, tôi hình dung những cô cậu học trò tuổi chừng 11,12 …,(theo quy định hồi đó, tuổi vào học ĐIC là 11 và không quá 13) còn bé bỏng, thơ ngây, tâm hồn trong sáng, đầy ước mơ, hứa hẹn một tương lai sáng lạn. Hình ảnh của những cô cậu học trò đó càng ngày càng thấm sâu vào trog tâm trí tôi, nhất là những lúc tập trung đầu tuần vaò buổi sáng. Những lúc cập nhật sổ đăng bạ, tôi nhận biết học sinh Triệu Phong đại bộ phận là học hành tiến bộ, trong đó có nhiều trò giỏi (hồi đó trường Trung học Triệu Phong được khoanh vùng thi), thể hiện rõ nét qua nhiều khóa học. Học sinh đủ điều kiện thi tuyển hoặc tuyển thẳng lên tiếp tục học Đệ nhị cấp đều đạt thành tích học tập tốt, và một điều chứng minh là hiện nay các em đều trưởng thành, có em vươn tới học vị cao, có vị trí xứng đáng trong xã hội. Tuy nhiên có một số lớn các em do hoàn cảnh khó khăn không tiếp tục học được nên đành trở về sống bình thường Nhưng dù ở vị tí xã hội nào, hoàn cảnh nào, các em vẫn luôn nhớ về quê hương, nhớ ngôi trường cũ, nơi đó là cái nôi để nuôi dưỡng tinh thần, un đúc kiến thức phổ thông để các em có cơ sở tiến thân trên mọi lãnh vực.
Trong các tài liệu lưu giữ tại một trường học, sổ Đăng bạ được lưu giữ lâu dài nhất. Hồ sơ học sinh sau khi học hết cấp học (đối với THĐIC) là 4 năm, nếu còn tiếp tục học lên (Đệ nhị cấp) thì được chuyển theo, không còn lưu giữ tại trường. Ở đây tôi muốn nói thêm, sổ Đăng bộ của một trường học mang truyền thống hai mặt: Sự phát triển về số lượng học sinh và chất lượng của sự giáo dục, sự tăng trưởng về số lượng học sinh kèm theo sự phát triển về trường lớp (bây giờ gọi là sự phát triển cơ sở vật chất). Khi cơ sở vật chất được xây dựng, củng cố hoàn thiện thì chất lượng giáo dục mới được đảm bảo.
Vì sổ đăng bộ có ý nghĩa quan trọng như vậy nên trường nào cũng được chỉ đạo bảo quản thật tốt. Tôi nhớ, trong quá trình bảo quản, gặp những trận lụt hàng năm dâng ngập (Trường Trung học Triệu Phong đóng gần bờ sông Thạch Hản), ngoài những hồ sơ, sổ sách khác cần được cất đặt lên cao, sổ Đăng bộ là tài liệu được tôi quan tâm nhất. Năm 1972, tại quê nhà chiến tranh xảy ra ác liệt, trường phải di tản vào Đà nẳng và tôi chỉ mang theo được cuốn sổ đăng bộ ( vì nó rất quan trọng) và một máy đánh chữ. Tôi nghĩ ngôn ngữ ghi trong sổ đăng bộ là biểu hiện tất cả những gì của mỗi cá nhân học sinh; vì vậy mang được sổ Đăng bộ đi theo tức là đã đưa được các em theo trường. Nhờ thế, sau khi trường tạm ổn định tại Đà nẳng mới có cơ sở quy tụ học sinh THTP để lập lại lớp, trường năm 1972-1973.
Vào đầu năm học 74-75, tình hình chiến sự ở Quảng Trị tạm lắng xuống, đồng bào trở lại quê hương, trường cũng về theo và hoạt động lại tại Ngô xá Đông, Triệu Trung. Lúc này tôi không còn giữ sổ đăng bộ nữa, (có lẽ đã nộp cho Sở học chánh lúc bấy giờ). Tháng 3/1975, chiến tranh ác liệt lại xảy ra, và rồi đất nước được giải phóng. Từ đó tôi không biết sổ đăng bộ của trường TP cũ thất lạc ở đâu, hay đã bị thiêu rụi trong bom đạn chiến tranh.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, những kỷ niệm một thời về ngôi trường mang tên Trung học Triệu Phong thân thương, nhất là quyển sổ Đăng bộ mà tôi đã từng viết, nâng niu cất giữ, vẫn canh cánh bên lòng. Tâm sự của tôi được thể hiện qua mấy câu thơ mộc mạc dưới đây, và cũng là lời cuối của bài viết này:
Dòng chảy thời gian một đời người
Khoảnh khắc ưu tư ngôi trường cũ
Dấu xưa tìm lại không còn nữa
Nghĩa tình giữ trọn tấm lòng son!
HVH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét