Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

BÂNG KHUÂNG: SÔNG THẠCH HÃN, NGUỒN GỐC ĐỊA DANH / Yến Thọ - Trư...

 

"THẠCH HÃN" KHÔNG NHƯ NHIỀU NGƯỜI NGHĨ CÓ NGHĨA LÀ "MỒ HÔI ĐÁ"... SÔNG MANG TÊN LÀNG, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀNG MANG TÊN SÔNG



TRÍCH ĐOẠN:
Trong dân gian, 2 chữ Thạch Hàn được diễn Nôm là Đá Hàn. Tên làng Thạch Hàn cũng được gọi là làng Đá Hàn. Ngày nay, địa danh này vẫn còn lưu ảnh ở thị xã Quảng Trị qua nhà thờ Thiên Chúa mang tên Đá Hàn. Vì thế, tên sông trong dân gian vẫn gọi là sông Đá Hàn. Tên Nguồn Hàn là theo chữ Hàn (韓) này và từ đó mà ra. Nhưng tên sông Đá Hàn có khi được hiểu là do nước trong và lạnh, nhưng có khi lại được hiểu theo nghĩa “thành giếng bằng đá”. Cụm từ “thành giếng bằng đá” có lẽ là việc diễn
Nôm từ nghĩa Hán tự vừa mang cả chữ Hàn 韓 (lạnh) lại vừa mang cả chữ 捍 (bảo vệ).
Theo nghĩa chiết tự Hán - Việt, Thạch Hãn không phải là “mồ hôi đá” như nhiều người vẫn nghĩ, mà là từ để hàm chỉ con sông có nhiều ghềnh đá nổi lên dọc hai bên bờ ngăn cản dòng chảy. Chữ THẠCH (石) nghĩa Hán là đá, chữ HÃN (捍) nghĩa Hán là mạnh tợn, hung tợn, ương bướng, cản trở; tự dụng gọi là “hãn nhiên bất cố” lại có nghĩa là bảo vệ, gìn giữ. Bởi thế nên trên hành trình từ thượng nguồn về xuôi, dọc hai bên bờ có nhiều tên làng mang nghĩa của đá, như: Trinh Thạch, Đá Nằm/Na Nẫm, Đá Nổi, Thạch Xá, Đá Đứng, Thạch Hãn, Lập Thạch.
Tất cả các văn tự viết bằng chữ Hán có liên quan đến tên sông Thạch Hãn của các làng trong vùng đều viết chữ Hãn (捍) theo nghĩa là ương bướng, cản trở chứ không viết chữ Hãn (汗) theo nghĩa mồ hôi.
Sách “Đồng Khánh địa dư chí lược” duy danh định nghĩa về sông Thạch Hãn rằng: “Một dòng sông lớn từ phường Mai Lĩnh ở thượng nguồn chảy xuống về phía bắc đến địa phận xã Thạch Hãn, rải rác từng đoạn có những ghềnh đá chắn ngang dòng, cho nên gọi là Hãn Giang” 12.
Các nhà địa chí triều Nguyễn luận về sông Thạch Hãn rằng: “Xét: Sông này nguồn rất xa, nước trong và ngọt, ngạn ngữ có câu rằng: Bất vi xạ não, diệc thị trầm đàn; bất vi quỳnh hương diệc thị cam lễ. (Nghĩa là: Chẳng phải xạ hương, long não thì cũng trầm hương, đàn hương; chẳng phải quỳnh tương thì cũng cam lễ). Câu ấy cực tả phẩm chất của nước” 13. Sách “Nhất thống dư địa chí” thời Gia Long ca ngợi sự trong và ngọt của nước sông Thạch Hãn bằng câu:
“Chẳng thơm cũng vốn bạch đàn
Chẳng trong vốn nước sông Hàn (Hãn) chảy ra” 14.
Trong dân gian vùng Thạch Hãn lại lưu truyền câu ca này dưới dạng biến thể:
“Chẳng thơm cũng thể hương đàn
Không trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”.
Chính vì thế, “bản triều Minh Mệnh thứ 17 đúc cửu đỉnh, khắc tượng vào Thuần Ðỉnh; năm Thiệu Trị thứ 2, xa giá bắc tuần qua sông này có thơ đề vịnh; năm Tự Ðức thứ 3 liệt vào điển thờ” 15. Khi cho khắc hình Thạch Hãn giang trên Thuần đỉnh, hình ảnh được thể hiện là một dòng sông với những bờ đá lởm chởm ngang bướng cản dòng.
Với ý nghĩa chiết tự và từ trên thực tế, Thạch Hãn giang nên hiểu là một con sông hung tợn, có nhiều đá cản trở, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của thuyền bè.
Phong cảnh đôi bờ Thạch Hãn hữu tình và dòng nước Thạch Hãn trong xanh đã trở thành đề tài cho nhiều văn sĩ ngày trước để tâm đến.
Nhà thơ Nguyễn Khuyến nhân đi qua một chiều Thạch Hãn đã tức cảnh:
“Thạch Hãn giang lưu nhất trạo hoành
Thạch hà yểm ái viễn sơn minh
Tây phong hà xứ xuy trần khởi
Bất tự niên tiền triệt để thanh” 16.
(Thạch Hãn ngang dòng chèo một mái
Ráng chiều lấp loáng rặng núi xa
Gió tây đâu cuốn bụi dồn
Nước trong thấu đáy nay còn nữa đâu).
Nhà thơ Tương An cũng đã viết:
“Danh cao lạn xạ Kim Lung tửu
Sắc tối thanh trừng Thạch Hãn than”.
(Chén rượu Kim Lung hương ngát đậm
Bãi sông Thạch Hãn nước trong veo).
Như vậy, sông Thạch Hãn có nguồn gốc địa danh từ tên làng Thạch Hãn. Tên Thạch Hãn xuất hiện từ thế kỷ XVI - XVII và được các nhà Nho diễn nghĩa Hán tự từ ghồ đá cản dòng trên sông, đoạn đi qua làng Thạch Hãn. Trước đó, khi làng Thạch Hãn còn mang tên là Thạch Hàn/Đá Hàn thì sông được gọi là sông Đá Hàn. Vì thế, dân gian gọi là Nguồn Hàn.


BÂNG KHUÂNG: SÔNG THẠCH HÃN, NGUỒN GỐC ĐỊA DANH / Yến Thọ - Trư...: Nguồn: https://tapchicuaviet.com.vn/nguoi-dat-que-huong/song-thach-han-nguon-goc-dia-danh-8202.html Sông Thạch Hãn là con sông lớn nhất của...

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

VĂN TẾ ANH HÙNG THIÊN HỘ DƯƠNG

 

VĂN TẾ ANH HÙNG THIÊN HỘ DƯƠNG 
 

Than ôi!

Rừng Gò Tháp mấy dặm sầu giăng,
Dân Cao Lãnh muôn hàng lệ đổ!
Nhớ người hào kiệt, cỏ cây lúc thảm lúc sầu
Xót kẻ hùng anh, trăng sao khi mờ khi tỏ!
Nhớ xưa,
Sông Côn (1) trùng trùng linh mạch, sản sinh bao liệt nữ kiên trung,
Núi Thơm (1) ngân ngất khí thiêng, phát tích những anh tài văn võ.
Thôn Cù Lâm (1) xuất thiếu niên tài tuấn, đấu vỏ, kéo bè, sức mạnh siêu quần, dân lành cùng thời tôn gọi Ngũ Linh (2)
Đất Ba Giồng (3) nạp hào kiệt hảo bằng, đánh Tây, dẹp Rợ, công cán hơn người, vua sáng đương triều sắc phong Thiên Hộ.
Súng Lang Sa đạn bay sáu tỉnh, gót giày đinh dẫm nát xóm thôn; tàn ác sao loài quỷ trắng hung tàn.
Người Nam Kỳ lệ ngập chín sông, tiếng than oán thấu tận trời xanh, thương xót quá kiếp dân đen thống khổ !
Kẻ im miệng thì bị rỉa thịt rút xương,
Người phản kháng phải chịu cắt hầu chặt cổ!
Vì thế, Võ tướng quân:
Trương cờ nghĩa nạp đệ huynh bốn hướng; cờ bảo quốc, cờ an dân, cờ giành lấy độc lập tự do,
Tuốt gươm thiêng kết giao hào kiệt ba miền; gươm trừ ác, gươm diệt thù, gươm chém tan ba đào giông tố.
Xứ Ba Giồng chiêu dân lập ấp, gạo trắng nước trong: chỗ lý tưởng cho nghĩa sĩ ẩn mình.
Đất Gò Tháp xây lũy ngăn thù, bưng rộng trấp sâu: vùng đắc địa để anh hùng dụng võ.
Bài quyền Yễm Bách (4), nhắm quân thù giương mạnh thần cung, tên bắn mút tầm,
Đường roi Song Đôi (4), cùng hảo hán chỉ thẳng bảo đao, ngựa phi thẳng vó!
Rõ ràng!
Tháp Mười đầm lầy miên dã, tạo bao tử địa quỷ khốc thần sầu.
Cao Lãnh cạm bẫy kinh người, góp những chiên công trời long đất lỡ.
Trận Mỹ Trà (5) giáp công ba mũi; phá tàu thủy, phá nhà việc, phá hết kho tàng; quân thù nghẹt xác.
Trận hỏa công lửa cháy bốn bề; đốt thằng lính, đốt thằng quan, đốt rụi cánh đồng; lính Tây phơi sọ (6).
Rắn thần (7) nhe nanh há họng, mổ thằng nhỏ, mổ thằng to, đám quan binh súng bỏ đầy đường.
Trâu binh (😎 hữu đột tả xông, chém đằng trước, chém đằng sau, lũ cướp nước thây nằm vô số!
Dân Mỹ Ngãi, dân Ba Giồng, Rạch Ruộng (9)…, sát cánh kề vai, bám thế đất, quyết đưa thuyền độc lập cặp bờ.
Đốc Binh Kiều, Lãnh Binh Thăng, Bà Bướm (10)…chung lưng đấu cật, dựa lòng dân cùng trương buồm tự do căng gió.
Cao quý thay!
Trời cao lồng lộng, vì độc lập giống nòi, chí anh hùng đặt tại non cao.
Súng đạn ầm ầm, vì cơm áo muôn dân, chuyện sanh tử xem như cây cỏ!
Xông pha sóng gió, tay giữ vững chèo,
Đối mặt quân thù, gươm bung khỏi vỏ.
Đồng Tháp Mười thập phần hiểm trở, địch quân càng mạnh, càng kiên định chống thù.
Dòng Cửu Long chín khúc liệt oanh, giông tố càng to càng oai hùng sóng vỗ
Oanh liệt thay!
Dù nửa đời oanh liệt, mà dân Nam Kỳ chích đầu với mảnh khăn tang,
Bởi một trận cuồng phong, mà thần Biển Cả rước người về cùng tiên tổ!
Sống một lần, uy danh làm khiếp vía với vạn vạn địch quân, nào cần chi sắc phán đại thần,
Thác một lần, tên tuổi được tôn thờ trong triệu triệu trái tim, đâu cầu được siêu thăng tịnh độ!
Máu ghi công, xương ghi đức, sử sách thiên thu ghi nét chữ rành rành.
Sống làm tướng, thác làm thần, nhật nguyệt nghìn năm soi tiếng tăm lồ lộ.
Người đương thời than:
“Ai về Đòng Tháp mà coi,
Mộ ông Thiên Hộ trăng soi lạnh lùng”
Ô hô!
Máu cần phải đỏ, máu cần phải tươi, máu đổ vì dân, không hổ thẹn muôn người.
Mộ đâu cần lớn, mộ đâu cần cao; mộ ở lòng người mới trường tồn thiên cổ.
Sống vì dân, sống vì nước, bia đá khắc sâu người ái quốc vạn kỷ không phai
Nghĩa bằng biển, nghĩa bằng non, sử xanh đậm nét tiếng anh hùng thiên thu còn đó.
Xót thương thay!
Thương anh hùng xả thân cứu nước, bao ngày vào tử ra sinh.
Thương nghĩa binh đổ máu phơi xương, cả đời dầm sương dãi gió!
Thương người quên mình vì nước mà xác thân dập vùi nơi góc biển ven gành.
Thương người gởi xác sa trường mà hồn phách dật dờ chốn ngàn lau nội cỏ!
Thương người tăm hơi vời vợi, chập chờn trong con sóng lênh đênh,
Thương ai chiếc bóng lạnh lùng, hiu hắt dưới đèn khuya mờ tỏ!
Nợ tổ quốc, nợ đồng bào dù đã vẹn toàn,
Nợ anh hùng, nợ tào khang vẫn còn dang dở!
Tướng quân ôi!
Nợ dân đã trả, thần nhân sao chẳng nghênh ngang gõ bước về trời,
Chí lớn đền xong, anh hùng sao chưa ung dung vén mây lướt gió?
Ân như sông, ân như núi, đã được muôn người ghi dạ khắc xương,
Danh dậy đất, danh dậy trời, đâu cần mấy tiếng khua chiêng đánh mõ?
Hôm nay,
Muôn người vọng bái, chốn đền thiêng nghi ngút khói trầm bay,
Một dạ hướng về, miền linh địa đớn đau dòng lệ nhỏ!
“Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”(11) ; hình hài dẫu nát tan, nhưng ô nhục vạn kỷ vẫn lưu truyền,
“Khả mai cốt bất khả mai danh” (12); xương cốt bị chôn vùi, mà thanh danh thiên thu không hoen ố.
Ngôn từ vụng dại mà tâm ý vô cùng, kính tiễn đấng hùng anh ngọc bộ đăng trình.
Lễ vật thô sơ nhưng thâm tình viên mãn, ngưỡng mong đại tướng quân thần uy chiếu cố.
Bậc tiên hiền một thuở ban ân,
Chúng hậu sinh muôn đời ngưỡng mộ!
Thượng hưởng!
KHA TIỆM LY
Chú thích:
(1). Những địa danh tại quê hương Thiên Hộ
(2). Ngũ linh: 5 trái linh, mỗi trái 60kg, Võ Duy Dương xách 2 trái, cặp nách 2 trái, cắn 1 trái. Người đời thấy ông sức khỏe thần kỳ nên tôn ông là Ngũ Linh Dương.
(3). Ba Giồng: Đia danh ở Cao Lãnh, căn cứ địa của nghĩa quân
(4). Hai thế võ bí truyền của Thiên Hộ Dương
(5). Mỹ Trà: Một địa danh ở Cao Lãnh, nơi xảy ra trận đánh khốc liệt; quân Pháp đại bại
(6). Phơi sọ: Trong trận hỏa công, quân Pháp chết như rạ, thây phơi đầy đồng; cánh đồng nầy gọi là Đồng Phơi Sọ
(7). Rắn thần: Tương truyền Thiên Hộ Dương có rắn thần giúp sức.
(😎. Trâu binh: Thiên Hộ Dương có một vị tướng có tài điều khiển trâu bằng mõ, được phong là Ngưu Quân Thượng Tướng.
(9). Những địa danh tại Đồng Tháp
(10). Tên những tướng lãnh của Thiên Hộ Dương
(11). “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” (câu nói xưa):Thà chịu chết chớ không chịu nhục
(12). “Khả mai cốt bất khả mai danh” (câu nói xưa): : Có thể chôn xương cốt chớ không thể chôn danh tiếng./.
*
Nói thêm: Hằng năm tư ngày 14 đến 16 tháng 11 âm lịch số người đi viếng khu di tích Gò Tháp nơi đền thờ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều lên tới VÀI TRĂM NGÀN NGƯỜI
********

 

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

 Văn Thiên Tùng XH cùng quý thi hữu tháng 12/2022.

 Văn Thiên Tùng xướng họa cùng quý thân thi hữu tháng 12/2022 gồm các tác giả xướng:Thanh Song Kim Phú, Sông Thu, Thy Lệ Trang, Sông Thu, Cao Bồi Già, Liêu Xuyên, Thái Huy, Mai Vân, Phượng Hồng, mQuang, Nhất Hùng....

THU

Thơ xướng:

Thu vàng rụng lá phủ triền đê
Rạng rỡ trăng Thu buổi ước thề
Đỉnh núi Thu buồn thông lặng lẽ
Rừng sương Thu lạnh gió lê thê
Hân hoan Thu trước đường khuya đợi
Quạnh quẽ Thu nay nẻo vắng về
Khắc khoải đêm Thu đèn đối bóng
Thu tàn giá buốt giữa sơn khê
Thanh Song Kim Phú
CA. Dec/17/2022.

ĐÔNG CẢM!

Thơ họa bài 1: ( nương vận)

ĐÔNG về chạnh cảm ngắm bờ đê
Trắng nuột trời ĐÔNG … thuở đính thề
ĐÔNG mướn bông lau trao lễ dạm
ĐÔNG nhờ mây bạc chứng phu thê
Đâu rồi ĐÔNG buổi nồng nàn đón
Hay những ĐÔNG thời hẩm hút về
Hạ mãn… ĐÔNG tàng… thu liễm …biệt!
Xuân vời ĐÔNG quạnh nhớ hoài "KHÊ"!!!…
Mai Vân-VTT, 27/12/22.
HỜN TÀN THU
Thơ xướng:
Hiu hắt em đi chẳng biệt chào
Ta hờn lại trách kẻ làm cao
Vì thương gió núi êm đềm thổi
Bởi thích hoa vườn lặng lẽ chao
E tuyết đông dày phai ảnh nguyệt
Ngại trời sương trắng lẩn vòm sao
Lòng trông mòn mỏi Nàng Thu đến
Để nắng vàng ươm lá xạc xào
Thanh Song Kim Phú
CA. Dec/17/2022.

HOÀI VỌNG THU

Thơ họa bài 2: (nương, đảo vận)

Nhớ những tan trường hạ nắng chao
Thu sang gió tiễn lá xì xào
Mười thương đã tỏ khung từ tốn
Vẹn tánh như bày chả điệu cao
Nỏ phấn son trau đầy đặn nét
Đâu vàng lụa ướm diễm kiều sao
Chung đường đối ngỏ tình vừa chớm
Chiến cuộc lìa chia chẳng kịp chào!!!
Mai Vân-VTT, 27/12/22.

TÂM SỰ CUỐI NĂM

Bài xướng:
Cuối năm nỗi nhớ lại đong đầy
Mong ngóng giận hờn lẫn đắng cay
Người vẫn nhởn nhơ như cánh bướm
Ta hoài câm lặng tựa thân cây
Sục sôi nhựa sống, ai nào biết!
Dào dạt hương tình kẻ có hay ?
Hai lối song song khôn gặp gỡ
Rượu sầu độc ẩm đến mềm say.
Sông Thu, 23/12/22.

NỖI BUỒN THẦM LẶNG

Bài họa:
Mỗi độ tàn đông cảm nhớ đầy
Khung trời kỷ niệm ắp nồng say
Đâu chiều rượt đuổi rong đồng cỏ
Hay tối trốn tìm núp lụm cây
Lắm buổi vờ ngây hờn kiếm cớ
Bao lần chạnh dỗi trách nào hay …
Tình ươm mộng ướm - tình vô vọng
Nén đỗi tương sầu … ém lệ cay
Mai Vân-VTT, 25/12/22.

TÌNH MUỘN

Bài xướng:
Mình mới gặp nhau…cuối cuộc đời
Tình yêu một sớm chợt bùng sôi
Đường hoa ấm áp bàn chân lạnh
Bến mộng vàng ươm ánh Nguyệt ngời
Thư tím nồng nàn phô nét mực
Tóc dài e ấp lộ đường ngôi
Em nghe trong gió lời thơ cũ
Điệp khúc đam mê thuở thiếu thời!

Điệp khúc đam mê thuở thiếu thời!
Một chiều hờ hững…chợt buông trôi
Ngỡ ngàng ánh mắt thành xa lạ
Êm ái vòng tay đã mất rồi
Đêm lạnh…trăng mờ… trăng lặng lẽ
Đường dài… bóng nhỏ…bóng chơi vơi
Ngàn năm … dẫu có ngàn năm nữa…
Tình muộn …chỉ là mộng ảo thôi !
Thy Lệ Trang.

HƯƠNG TÌNH MUỘN ….

Bài họa:
Dẫu biết giờ đây lã bóng đời
Hương tình chẳng ngát … nỏ bừng sôi
Đâu còn tuổi mộng danh kiều diễm
Hay thuở tròn trăng dáng rạng ngời
Nét liễu ngây hừng như soán chỗ
Môi hường ửng mọng chửa lìa ngôi
Bao điều tưởng những dường êm đẹp
Ấy vẫn dư âm thoảng một thời

Ấy vẫn dư âm thoảng một thời
Thương hoài dĩ vãng thoắt đà trôi
Lời yêu bỏng cháy đâu còn nữa
Nụ ái nồng ngây nguội hẳn rồi
Ngẫm số than đời phiền muộn chuốc
Thương mình trách phận tủi buồn vơi
Năm chờ … tháng đợi hương tình muộn
Cập bến nương bờ ước thế thôi!!!
Mai Vân-VTT, 22/12/22.

ĐỘC ẨM TRONG CHIỀU ĐÔNG

Bài xướng:
Một mình ngồi trước tách cà phê
Trong buổi chiều đông lạnh tái tê
Ánh nắng dần phai trên ngọn cỏ
Màn sương nhẹ phủ khắp bờ đê
Quán tranh vắng vẻ không người đến
Bến nước đìu hiu chẳng kẻ về
Rưng lệ nhớ thương ngày tháng cũ
Bếp hồng...ấm áp nghĩa phu thê.
Sông Thu, 14/12/22.

QUẠNH CẢNH ĐÔNG VỀ

Bài họa:
Đông dầm bấc cuộn rét lê thê
Khí lạnh hùa nhau tiếp … tiếp về
Nhiệt độ lui dần càng buốt giá
Thủy phần giáng mạnh cảm hanh tê
Ngàn bông tuyết sánh choàng liên đỉnh ...
Bấy chụm lau ngời rợp mé đê
Quạnh cảnh nhớ người thương thuở nọ
Ấm chè sáng dậy nhắp đồng phê !!!…
Mai Vân-VTT, 17/12/22.

NHỚ ĐỒNG

Bài xướng:
Cò bay phau trắng cánh trên đồng
Những buổi chiều tà nhuốm quạnh mông
Ánh mắt đưa hồn say núi thẳm
Sáo diều lộng gió véo tầng không
Chốn xưa ủ dạ mưng huyền hoặc
Cảnh cũ nao lòng xoáy viển vông
Chú bé năm nào ngây tiếng réo…
Bổng trầm nuối níu bóng hoàng hôn…
Cao Bồi Già, 13/12/22.

CẢM DẠ ĐỒNG ! …

Bài họa:
Chạnh cảnh tàn đông nhuốm dạ đồng
Sương choàng đỉnh núi cảm mênh mông
Lưng đồi nhòa nhạt triền im lắng
Chạn thác dật dờ trũng quạnh không
Nhớ buổi tình giao nồng ánh mắt
Thương lần yêu tỏ lịm môi hôn
Đâu rồi tháng mộng… giờ duy chỉ…
Tựa cửa nom chiều nhớ viễn vông*…
Mai Vân- VTT, 16/12/22.
* Khắc lục.

HỎI TRẦN DUYÊN

Bái xướng:
Duyên trần thê thiết hỏi trần duyên
Phiền luỵ vì đâu mãi luỵ phiền.
Khổ ải lệ tràn đầy ải khổ,
Điên đời máu hận thảm đời điên!
Ngẩn ngơ sầu chán lòng ngơ ngẩn,
Nghiêng ngã buồn đau trí ngã nghiêng.
Quả nghiệp tiền căn gieo nghiệp quả…
Thiền tu đành phải chọn tu thiền!
Liêu Xuyên.

DẪU LỠ LÀNG
(Lưỡng đầu xà)

Bài họa:
Duyên lỡ cam phần dẫu lỡ duyên
Phiền mang lệ nhuốm chớ mang phiền
Lụy sầu ứng mệnh quên sầu lụy
Điên đảo ly tình chớ đảo điên
Thẳng nhớ bình sinh luôn nhớ thẳng
Nghiêng đừng chao động cố đừng nghiêng
Kiếp tiền phận định từ tiền kiếp
Thiền tánh an nhiên tịnh tánh thiền!!!
Mai Vân-VTT, 14/12/22.

NGÀN THU ÁO TÍM (*)

Bài xướng:
Nhip dồn chân bước quyện Thu Ngàn…
Áo Tím Ngày Xưa dưới nắng chan
Như quẩn trong tim màu luyến nhớ
Thể in đáy vực ánh trăng lan
Để rồi thức giấc trong cô quạnh
Và chợt nhìn quanh giữa dối gian
Cuộc sống hôm nay sao khó thế
Đâu còn khoảng khắc của bình an!.
Thái Huy,11/27/22.
(*) Ngàn Thu Áo Tím, Nhạc Hoàng Trọng.

TÍM HUẾ …

Bài họa 1:
Nhớ buổi hoàng hôn nắng xế ngàn
Sông chiều cảm gợi cảnh thu an
Trường Tiền rộn gót chân kiều nữ
Núi Ngự yên mình ánh Nguyệt lan
Thiên Mụ hằn in nền thủy mặc
Hoàng Thành phong hóa dấu thời gian
Áo dài tha thướt màu nhân thế
Tím Huế như hoài… tím chứa chan…
Mai Vân-VTT, 13/12/22.

NHỚ NGƯỜI YÊU

Bài họa 2:
Dõi núi nhìn mây trải ngút ngàn
Hiên nhà tựa cửa nắng hòa chan
Chiều nghiêng chén tửu bên hè quán
Sáng dậy ly trà trước chậu lan
Gửi nụ hôn nồng trong ý nghĩ
Mơ nàng gọi nhỏ giữa không gian
Đông về nhớ bậu buồn da diết
Chỉ ước duyên mình mãi được an.

Cùa, 13/12/22.
Sau lũy tre làng.

Thơ  xướng:Mai Vân & thơ họa:  bài "NUỘT NÀ DÁNG NGÀN LAU" gồm các tg.  : Lý Đ Huỳnh, Sông Thu, Minh Thúy Thành Nội, Mai Xuân Thanh, Đỗ quang Vinh, Yên Hà, Mỹ Ngọc, Hồ Nguyễn, Thiên Lý, Cao Mỵ Nhân, mquang...

Văn Thiên Tùng thân kính cảm ơn quý thi huynh, thi hữu trên diễn đàn xướng họa đã góp vần cùng bài thơ " NUỘT NÀ DÁNG NGÀN LAU" ; tuy mỗi bài mỗi ý và cảnh cảm cũng không ai giống ai, tâm hồn chúng ta đã hòa quyện và điểm tô mùa đông trên khắp toàn cầu...
Đâu đó với "mây ngàn gió núi, với liên đồi, triền dốc, mé sông, triền đê... thung lũng đầy tuyết trắng, làng mạc chìm vào băng giá"...đâu đâu cũng tìm gặp được những rừng, bờ lau trắng mượt, không hương sắc như bao loài hoa khác... nhưng bông lau rất chững chạc, duyên dáng phô đơn màu sắc tinh anh, nuột nà trong cùng hanh khô, bắc phùn se buốt hoa hoa tuyết phủ đầy ... vẫn vững vàng nương tựa lẫn nhau giữa bao la đất trời khác biệt, là hình tượng thế nhân " Già mẫu mực- lão tinh anh"...
Nhân mùa Giáng sinh và năm mới 2023 cận kề, thân kính chúc mỗi trong một chúng ta bình an- hạnh phúc - nhiều sức khỏe và dạt dào cảm hứng trong sáng tác - nhiều thi phẩm chia sẻ cùng nhau...

Trân trọng và thân kính!
Mai Vân- VTT.
Kính chia sẻ thơ xướng và họa đến gia đình FB cùng đọc, nếu có nhã hứng xin mời nối vận cùng...
Thân ái!
Mai Vân- VTT.

Ảnh minh họa: Nguồn từ Internet.


NUỘT NÀ DÁNG NGÀN LAU

Thơ xướng:
Liên triền dốc thẳm điệp trùng lau
Trắng nuột nà bông - trắng nuột màu
Mặc gió heo quần lơi lã ngọn
Hay làn bấc cuộn xát xô nhau
Mây trời rủ rượi - trời sầu thảm
Cảnh sắc tàn trơ- sắc chẳng nhàu
Chỏi thế phô nền mà mượt dáng
Tuyết ngần diễm ảo … tuyết ngời phau…
Mai Vân-VTT, 01/12/22.

Thơ Họa:
1. NGÀN LAU MÃI TRẮNG

Bên bờ cỏ dại ngút ngàn lau
Nước chảy mây trôi điệp một màu
Nước vẫn ngoài sông xô đẩy sóng
Lau cùng trước gió tựa nương nhau
Thầm vươn ngọn giữa khung trời vắng
Lặng nở hoa trên bãi đất nhàu
Bão tố phong ba rồi cũng tạnh
Lại ngời trong nắng trắng phau phau.
Lý Đức Quỳnh.

7/12/2022
2. NGÀN LAU LẢ LƯỚT

Dập dờn lả lướt cánh đồng lau
Băng tuyết tinh khôi nhuốm một màu
Nhô nhấp dịu dàng như vẫy bạn
Rì rào êm ái tựa mừng nhau
Mưa dầm nắng dãi không khô héo
Gió thốc sương sa chẳng úa nhàu
Vương giả làm sao loài cỏ ấy
Trang đài, yểu điệu, trắng phau phau…
Sông Thu, 08/12/2022 .

3. HOA LAU

Mải miết say nhìn dãy bụi lau
Như tơ nhẹ phớt giản đơn màu
Lơi cùng gió quyện nhào đan với
Uyển chuyển cành đùa ngã quấn nhau
Xác lá tranh buồn giăng nước đục
Bờ sông cảnh lặng lấp hoa nhàu
Hiền xinh mộc mạc hồn nhiên tỏa
Yểu điệu thân mềm sắc trắng phau
Minh Thuý Thành Nội,12/ 7/2022.

4. NGÀN LAU XÁM TRẮNG

Trầm mặc sườn non xám trắng lau
Uy nghiêm vách đá dựng rêu màu
Lưng đèo khỉ vượn ngồi theo nhóm
Triền dốc hưu nai đứng với nhau
Áo gấm treo cao xinh mới mặc
Quần tây ủi thẳng đẹp không nhàu
Sương rơi ngõ trúc xem mù mịt
Tuyết đỗ ven đường thấy trắng phau…!
Mai Xuân Thanh, Dec. 07, 2022

5. ĐI CHUI

Vạch cỏ mau mau hãy rẽ lau!
Đầu xanh chui bụi trắng pha màu.
Nghe hơi gió lộng trùng dương gọi,
Thấp thoáng xa khơi sóng đẩy nhau.
Cuộc sống không còn vùi dập nữa,
Đời ta hết bị dẫm cho nhàu.
Đây miền hạnh phúc ta đi tới,
Ngoảnh lại bờ lau còn bạc phau.
Đỗ Quang Vinh, 8-12-2022.

6. NGỢP BỜ LAU

Mé sông trắng pháu ngợp bờ lau
In dấu nước trôi rặc một màu
Cao thẳm bầu trời mây cuộn sóng
Dưới trần lau yếu biết nương nhau
Vạt ngàn bạc mướt sao mềm mại
Khoe sắc thiên thai mượt khó nhàu
Chí khí một mình cơn bão táp
Vẫn trong giá sạch trắng phau phau …
Yên Hà, 8/12/2022.

7. ĐÔI BỜ LAU.

Đôi bờ suối chảy phất phơ lau,
Tựa giải lụa bay bạch muốt màu.
Gió núi rù rì trò chuyện với,
Hoa rừng thấp thoáng điểm tô nhau.
Mưa sa bão táp không tàn úa,
Tuyết đổ sương rơi chẳng héo nhầu.
Đứng thẳng giữa trời reo múa hát,
Thướt tha uyển chuyển trắng phau phau.
Mỹ Ngọc, Dec. 8/2022.

8. XINH XINH DÁNG LAU

Dốc ửng tràn xinh bung sắc lau,
Rừng thông hiu hắt chuyển vơi màu.
Gió xô ngã ngọn thân kiên vững,
Nắng tạt nung cành cạnh sát nhau.
Trời chuyển lạnh đông sang hạ nóng,
Lau không thay đổi chẳng trơ nhàu.
Thế nhân cảm phục lau duyên dáng,
Kiều diễm bao đời nét trắng phau!
Hồ Nguyễn, 08-12-2022.

9. BÔNG LAU

Vờn lượn chập chờn lớp sóng lau
Bông hoa trắng xoá điểm cùng màu
Mặc cho ngã ngớn theo làn gió
Cũng chẳng rã rời tách cánh nhau
Mưa nắng triền miên không rũ rượi
Thu vàng trơ trụi chẳng phai nhàu
Ven đồng dáng dấp phô tầm điệu
Lả lướt chân đồi ngọn tuyết phau…
Thiên Lý.

10.KHÔNG GIAN TRẮNG.

Bướm trắng chập chờn trên vạt lau
Cả không gian trắng tựa tang màu
Lạ chưa ngân nhũ vương hài bạn
Sao vắng sương ngàn bạc tóc nhau
Bạch mã lang thang trong khói toả
Tuyết hoa ủ dột giữa mây nhàu
Nõn nà xuân sắc vi lô trắng
Ôi bức tranh toàn cảnh trắng phau...
Los Angeles, 9/12/2022.
Cao Mỵ Nhân.

CỜ LAU DỰNG NƯỚC

Vua Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau
Qui tụ nghĩa quân trắng sắc màu
Cứu nước đồng tâm thề sát cánh
Gìn quê nhất trí sống cùng nhau
Tháng ngày cực khổ không sờn lụn
Mưa nắng gian truân chẳng rối nhàu
Kết cuộc quê hương tàn giặc dữ
Non sông bừng dậy rạng tươi phau
mquang, 20221211.

BƯỚC TIẾP

Bài xướng:
Ngược dòng quá khứ nỏ êm trôi
Thời khắc cuối năm sắp hết rồi
Tờ lịch thưa dần ,mong ở lại
Mai đào rộ thắm ,thích vào thôi!
Trần gian háo hức xua tồn đọng
Cõi thế hân hoan góp đắp bồi
Cùng nối vòng tay ta bước tiếp
Lạc Hồng con cháu sáng vành nôi!
Phượng Hồng.

NGẪM ĐỜI

Bài họa: (nương vận)
Hẳn biết thân đời chỉ thế thôi
Dẫu mình bóng lã điểm sương rồi
Năm lần tháng lữa dần dà chuyển
Sáng hửng đêm tàn thắm thoắt trôi
Bấy mảnh duyên ươm thời chẳng vướng
Bao tình cảm luyến nỏ tương bồi
Nào than trách số hờn chi phận
Ước vẫn như hồi đạp quẩy nôi!.
Mai Vân-VTT, 03/12/22.

TÌNH NHỚ

Bài xướng:
Người đi vào cõi chín tầng mây
Để lại nơi anh nỗi nhớ đầy
Nhìn ngọn gió lay ngoài thảm cỏ
Ngó làn mưa đổ xuống vòm cây
Là luôn xao xuyến lòng ai đó
Và khiến bâng khuâng dạ kẻ nầy
Gắn bó cuộc đời bao ký ức
Tình em trói buộc mãi anh đây !
mQuang, 20221129.

TÌNH MONG

Bài họa:
Mong rằng sớm vãn chốn trời mây
Cảnh giới bồng lai ắp đủ đầy
Núi điệp non trùng xen kẻ thác
Nụ mà quả mượt trĩu ngàn cây
Thiên đình lộng ngát hồn say khướt
Tiên nữ yêu kiều dạ đắm nầy
Phúc phận đáp đền duyên nợ trút
Em về cõi tịnh thõa rồi đây!
Mai Vân-VTT, 03/12/22.

GIỮA PHỐ CHẠNH LÒNG

Bài xướng:
Hoa Thịnh Đốn trời đã lập đông
Gió hiu hiu lạnh sắc mây trong
Dãy phong dọc phố thân trơ lá
Hàng kiểng ven đường nhánh trụi bông
Mùa lễ lại về còn biệt xứ
Tân niên sắp đến vẫn lưu vong
Đất người an lạc thanh bình quá
Thấy cảnh nhớ quê lại chạnh lòng.
Nhất Hùng.

ĐÔNG VỀ LẮM CẢNH

Bài họa:
Khí lạnh bao làn phủ tiết đông
Trời sầm đất sẫm buốt tê lòng
Mưa vần vũ tạt trơ cây cỏ
Gió xát xan quần trọc thảm bông
Bấc thổi ê chề từ nẻo Bắc
Hanh lùa lay lất tận vào trong
Vùng cao tận chốn đồng bằng lắm:
"Nhân vật vẫn thường cóng tử vong…"
Mai Vân-VTT, 02/12/22.

 


Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

 BÀI THƠ CHO HUẾ Kiều Mộng Hà

 BÀI THƠ CHO HUẾ

Nguyên tác:
Tôi đi trong gió giao mùa
Sáng sương mờ núi, trưa mưa ướt đồi
Huế của người - Huế của tôi
Huế bay theo nắng. Huế ngồi mộng mơ

Bao ngày tháng đợi năm chờ
Huế ngày xưa, Huế bây giờ về đâu ?
Đêm sâu trăng ngả trên đầu
Nghiêng vai ngắm Huế dạ sầu như trăng

Sóng buồn vỗ ướt bàn chân
Thương trao Huế trọn những vần thơ yêu
Huế ơi ! Huế đẹp yêu kiều
Tôi đi bên Huế chân xiêu... liễu hờn

Buổi chiều như níu hoàng hôn
Áo ai vạt bướm... Trăng cong đôi mày
Tôi ngồi chờ sợi nắng phai
Hoa tim tím rụng vào tay ai rồi

Huế của người, Huế của tôi
Huế khe khẽ bước thơ vời vợi theo
Kiều Mộng Hà.

HUẾ ƠI! CHIA SỚT GIÙM TÔI
Bài cảm tác:

Dường như gió chuyển sang mùa
Bấc se se buốt, mưa lưa thưa đồi
Thuở mô Huế vẫn trong tôi
Văn Lâu trầm lắng ta ngồi ... ngồi mơ

Tịnh Tâm hạ đón thu chờ
Vầng trăng thương nhớ! thuở nào giờ đâu?
Còn chăng đây kỷ niệmđầu
Tình vương nào vướng hong sầu ...hóng trăng

Tràng Tiền thuở sóng sánh chân
Tay vin lần gót trắng ngần hương yêu
Huế thương yêu! Huế diễm kiều!
Bao xuân hạ đẫm nắng xiêu mưa hờn

Nguyệt vờn đỉnh Ngự mây hôn
Hây hây ...ửng ửng ...cong cong nét mày
Sớm chiều đếm giọt nắng phai
Gom từng sợi nhớ trĩu tay... để rồi

Huế ơi ! Huế sớt giùm tôi
Nổi niềm chất ngất cứ vời ... vời theo!
Quảng Trị,19/10/2020.
Văn Thiên Tùng.
Ảnh minh họa: Nguồn từ Internet.


 




 











 

Huỳnh Hữu Đức : Bệnh và Lỗi Trong Thơ Đường Luật Phần 2

Huỳnh Hữu Đức : Bệnh và Lỗi Trong Thơ Đường Luật Phần 2: Lỗi Trong Thơ Đường Luật Thế nào là Lỗi Trong Thơ Đường Luật ? Không biết những vị đưa ra các lỗi trong thơ Đường Luật nghĩ thế nào...


 

Huỳnh Hữu Đức : Nguyên Tắc Hoạ Thơ

Huỳnh Hữu Đức : Nguyên Tắc Hoạ Thơ: I -   Hoạ Thơ Đường Luật Hoạ thơ là một thú vui của các Thi Nhân thuở trước. Tuy ngày xưa cũng có nhiều thể thơ, nhưng các Thi ...

 


 

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

 THÀNH KÍNH PHÂN ƯU cùng nhà thơ Nguyễn Thanh Dàn

 THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
( Thành kính phân ưu cùng nhà thơ Nguyễn Thanh Dàn nguyên Chủ tịch hội thơ Đường luật Thành cổ Q.Trị  đồng tang hiếu quyến… cầu mong hương hồn Hiền thê  của anh sớm tịnh an nơi miền cực lạc)

Tưởng những cùng nhau suốt chặng đời
Ân tình sũng đắm chẳng hề vơi
Xuân thời tận sức un mầm thởi
Hạ chuyển đồng tâm quén nụ ngời
Thu vãn nào lơi …sao chóng tạ
Đông tàng chửa bén… lẹ làng rơi
Nhớ thuở chung đôi nồng vị ái
Thương chiều nắng ngã ngạt ngào ơi!...

Thương chiều nắng ngã ngạt ngào ơi! …
Hạnh phúc lừng hương quả trĩu ngời
Hẳn tưởng duyên bền neo níu đậu
Không dè phận mỏng nhuốm tàn rơi
Còn đâu đọi nước… xanh đằm bụng
Hay những nồi canh trặm vị đời
Ngẫm xót thay oanh giờ bẳng nhạn
Nỗi buồn quạnh quẻ khó mà vơi …
Mai Vân- VTT, 20/11/22.

 


Thứ Hai, 21 tháng 11, 2022

CHÙM BÀI VIẾT VỀ LỊCH SỬ  - Chín đời Chúa Nguyễn

CHÙM BÀI VIẾT VỀ LỊCH SỬ 
- Chín đời Chúa Nguyễn
 
Chân Dung Chúa Tiên tại bảo tàng tỉnh Quảng Trị. ( Ảnh VTT)
 
DÒNG DÕI CÁC CHÚA NGUYỄN :
 
1. Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên, 1558-1613): 
Nguyễn Kim quê ở Gia Miêu, Tống Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa, là con của Trừng quốc công Nguyễn Hoàng Dụ đã từng giúp vua Lê Tương Dực khởi binh ở Thanh Hóa lật đổ Lê Uy Mục, nhân đó được phong là Thái phó Trừng quốc công.
Mạc Đǎng Dung cướp ngôi nhà Lê, Nguyễn Kim lánh sang Ai Lao, thu nạp hào kiệt, phò giúp nhà Lê trung hưng, được vua Lê Trang Tông phong là Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công. Nǎm Canh Tý - l540 Nguyễn Kim đem quân về chiếm Nghệ An, nǎm l542 chiếm được Tây Đô - Thanh Hóa. Nǎm ất Tị - 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết, thọ 75 tuổi, quyền hành rơi vào tay con rể là Trịnh Kiểm.
Khi Nguyễn Kim chạy sang Ai Lao thì Nguyễn Hoàng mới 2 tuổi, được Thái phó Nguyễn Ư Dĩ là cậu ruột nuôi dạy nên người. Trịnh Kiểm là anh rể, muốn thâu tóm quyền hành nên đã ngấm ngầm ám hại các em vợ. Nguyễn Uông, con trưởng của Nguyễn Kim đã bị hãm hại. Nguyễn Hoàng rất lo sợ, sai người đến yết kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm xin mách cho kế an toàn, Trạng Trình đã ứng khẩu câu thơ: ''Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân!'' (một dãy núi Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời). Nguyễn Hoàng nghĩ ra, đến nói với chị gái là Ngọc Bảo xin với anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ Thuận Hoá là nơi hoang vu nhiều giặc dã. Trịnh Kiểm đồng ý cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá với ý đồ mượn tay giặc giết em vợ. Nǎm Mậu Ngọ - 1558, Trịnh Kiểm tâu với vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá. Được lệnh vào Nam, bất chấp mùa đông giá rét, Nguyễn Hoàng giong buồm đi ngay, những người họ hàng ở huyện Tống Sơn cùng quân lính ở đất Thanh - Nghệ nhiều người đem cả vợ con đi theo có đến nghìn người. Các danh thần cùng đi có Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống... 
Vào Nam, đoàn người của Nguyễn Hoàng đổ bộ lên cảng Cửa Việt, dựng dinh thự ở ái Tử thuộc huyện Đǎng Xương, Quảng Trị. Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan, nhân hậu, lưu tâm đến dân tình, hết lòng thu dung hào kiệt. ông giảm sưu, hạ thuế khiến lòng người ai cũng mến phục. Nhân dân xưng tụng ông là chúa Tiên. Để tránh sự nghi kỵ của chúa Trịnh, nǎm 1569, ông ra chầu vua Lê ở An Trường, được vua Lê, chúa Trịnh khen ngợi. Nǎm 1570, Nguyễn Hoàng được giao trấn thủ luôn đất Quảng Nam với ấn Tổng trấn. ông dời đô vào làng Trà Bát (tức Cát Dinh) cũng thuộc huyện Đǎng Xương. Nǎm 1572, tướng Lập Bạo của nhà Mạc theo đường biển đem quân vào đóng ở hai làng Hồ Xá và Lang Uyển (Quảng Trị) định phá sự nghiệp ở Thuận - Quảng của Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng đã dùng kế mỹ nhân phá được âm mưu của Lập Bạo và đánh tan được quân nhà Mạc. Nǎm 1593, Nguyễn Hoàng đem quân ra Đông Đô giúp Trịnh Tùng đánh dẹp dư đảng họ Mạc. Vì lập được nhiều chiến công, ông được vua Lê tấn phong làm Trung quân Đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự thái uý Đoan quốc công. Để tránh Trịnh Tùng hãm hại, nǎm Canh Tý - 1600 Nguyễn Hoàng lấy cớ đem quân đi dẹp cuộc nổi loạn ở Nam Định, sau đó cùng các tướng tâm phúc ra biển giong thẳng vào đất Thuận - Quảng để con trai thứ 5 là Hải và cháu là Hắc ở lại làm con tin. Vua Lê sai sứ giả vào phủ dụ và vẫn để Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận - Quảng. Tháng 10 nǎm Canh Tý - 1600, Nguyễn Hoàng gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng (con cả Trịnh Tùng). Có thể nói từ nǎm 1600, Nguyễn Hoàng bắt đầu xây dựng giang sơn riêng cho họ Nguyễn ở Đàng Trong. Thuận - Quảng vốn là đất cũ của người Chǎm chịu ảnh hưởng vǎn hóa Chǎmpa, chúa Tiên dã dùng Phật giáo để thuần hoá nhân dân. ông sửa sang và xây dựng nhiều ngôi chùa. Đặc biệt, nǎm 1601 ông cho xây dựng chùa Thiên Mụ là công việc to lớn có giá trị nhất. Ngôi chùa lịch sử này đã có quan hệ mật thiết với quá trình phát triển đất Thuận Hoá và triều Nguyễn ở Việt Nam. Nguyễn Hoàng sinh ngày 28/8/1525, mất ngày 21/5/1613 thọ 89 tuổi, trấn thủ Thuận - Quảng 55 nǎm (1558-1613). ông sinh 10 con trai và 2 con gái. Sau này, triều Nguyễn truy tôn ông là Thái tổ Gia dụ Hoàng đế.
 
2. Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi, 1613-1635) : 
Nguyễn Hoàng sắp mất, gọi con thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên vào dặn dò: Đất Thuận - Quảng này phía bắc thì có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía nam thì có núi Hải Vân và núi Bi Sơn thật là nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy con phải thương yêu nhân dân, luyện tập binh sĩ mới gây dựng cơ nghiệp muôn đời. Nguyễn Phúc Nguyên khóc và bái tạ lãnh mạng. Vua Lê sai sứ giả vào viếng và truy tặng Nguyễn Hoàng là Cẩn nghi công, vẫn cho Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ Thuận - Quảng với hàm Thái bảo, tước Thuỵ quận công. Nguyễn Phúc Nguyên xưng là Sãi vương và cho rời cung phủ về xã Phúc Yên, huyện Quảng Điền, ngày đêm lo việc chính sự, thu dụng nhân tài. Quan khám lý Trần Đức Hoà tiến cử Đào Duy Từ cho chúa Nguyễn, chúa mừng lắm phong cho Đào Duy Từ tước Lộc kê hầu, chức Nha uý nội tán. Đào Duy Từ giúp chúa Nguyễn đắp luỹ Trường Dục luỹ Thầy để phòng ngự, chống nhau với quân Trịnh, Đào Duy Từ còn bày kế sách cho chúa Nguyễn trả lại sắc phong của vua Lê, không chịu nộp thuế cống cho chúa Trịnh. Chuyện kể rằng nǎm Đinh Mão - 1627, Trịnh Tráng sai sứ mang sắc vua Lê dụ chúa Sãi cho con vào chầu và nộp 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền để đưa cống nhà Minh. Nhận được sắc vua, chúa Sãi họp triều thần hỏi mưu kế. Đào Duy Từ dâng kế, cho người làm một cái mâm hai đáy, trên sắp đầy sản vật, giữa để sắc thư, rồi cử Lại Vǎn Khuông làm chánh sứ đem phẩm vật ra tạ ơn chúa Trịnh. Nhờ đã được chuẩn bị trước, khi ra kinh đô yết kiến chúa Trịnh, Lại Vǎn Khuông ứng đối khá trôi chảy. Chúa hậu đãi, cho phép Khuông cùng phái đoàn đi thǎm kinh thành để chờ chúa dạy bảo. Trên đường đi, Khuông lén mở cẩm nang của Đào Duy Từ trao cho từ trước. Sau khi đọc cẩm nang, Khuông cùng cả phái đoàn lẻn trốn về Nam. Thấy phái đoàn đột ngột trốn về, chúa Trịnh nghi hoặc, bèn cho người đập vỡ mâm mới thấy tờ sắc trước, và một bài thơ, mỗi câu bốn chữ như sau.
Mâu nhi địch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch
Cả triều thần không ai hiểu ý nghĩa. Trịnh Tráng phải mời Trạng Bùng Phùng Khắc Hoan giải mã... Đọc xong Phùng Khắc Khoan giải thích: Đấy là lối chơi chữ của Đào Duy Từ, chữ mâu không có dấu phẩy là chữ dư, chữ mịch không thấy chữ kiến thì còn chữ bất, chữ ái rơi chữ tâm thành chữ thụ, chữ lực cùng đối địch với chữ lai thành chữ sắc. Vậy ý nghĩa của bài thơ 4 câu trên là Dư bất thụ sắc tức làTa không nhận sắc.
Nghe xong, Trịnh Tráng vội cho người tìm bắt Lại Vǎn Khuông, nhưng Khuông đã cao chạy xa bay rồi. Tráng muốn phát binh vào đánh chúa Nguyễn, nhưng gặp lúc Cao Bằng và Hải Dương đều có giặc, đành phải hoãn lại chưa đi hỏi tội chúa Nguyễn.
Đào Duy Từ còn tiến cử cho chúa Nguyễn một viên tướng tài ba, mưu lược là Nguyễn Hữu Tiến, quân lực của chúa Nguyễn từ đó ngày thêm mạnh. Đào Duy Từ chỉ giúp chúa Nguyễn 8 nǎm mà cơ nghiệp chúa Nguyễn thay đổi hẳn về chất, đất Đàng Trong trở nên có vǎn hiến và quy củ hơn trước nhiều.
Đối với lân bang, chúa Sãi chủ trương thân thiện với Chiêm Thành và Chân Lạp. Nǎm 1620, chúa gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chetta II (1618?1686) để tạo thuận lợi cho dân chúng vào khai khẩn đất hoang ở Thuỷ Chân Lạp. Nǎm 1631, chúa Sãi lại gả công nữ Ngọc Khoa cho vua Chiêm Pô Romê để củng cố nền hoà hiếu một thời gian khá dài giữa hai nước Chiêm ? Việt. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, sinh 16/8/1563, mất ngày 19/12/1635 thọ 73 tuổi, ở ngôi chúa 22 nǎm. Sau triều Nguyễn truy tôn Hy tông Hiếu vǎn Hoàng đế. Chúa Sãi có 15 người con (11 con trai và 4 con gái).
 
3. Chúa Nguyễn Phúc Lan (chúa Thượng, 1635-1648)
Nguyễn Phúc Nguyên có 11 con trai. Nguyễn Phúc Lan là con trai thứ hai được truyền ngôi chúa.
Năm Ất Hợi (1635) chúa Sãi mất, Nguyễn Phúc Lan lên ngôi chúa gọi là chúa Thượng. Nghe tin Phúc Lan nối nghiệp, hoàng tử thứ 3 là Nguyễn Phúc Anh đang trấn giữ Quảng Nam âm mưu phản nghịch, liên kết với chúa Trịnh đem quân vào đánh miền Nam. Phúc Anh sai đắp luỹ Câu Ðê làm kế cố thủ. Phúc Lan đánh bắt được, không nỡ giết người ruột thịt, nhưng tướng sĩ và ông chú là Trường quận công Nguyễn Phúc Khê đều xin giết để trừ hậu hoạ. Chúa dù đau xót cũng phải nghe theo. Năm Kỷ Mão (1639), Tống Thị (vợ goá của Phúc Anh) dâng cho chúa chuỗi hoa vòng ngọc liên châu rất đẹp. Chúa cầm lên ngửi thấy mùi hương thơm ngát xúc động lòng yêu. Tống Thị lại vào sụp lạy dưới thềm, thưa trình về tình cảnh goá bụa thảm thiết, nhan sắc lại cực kỳ diễm lệ. Chúa Thượng nổi tình riêng, sau đó mời nàng vào nội thất chung chăn gối. Từ đó chúa rất mực sủng ái Tống Thị. Nàng trình bẩm việc gì chúa cũng nghe theo. Tống Thị lựa lời khéo léo để chúa vui lòng, nghĩ cách chiếm đoạt của cải của dân để làm giàu riêng. Các quan đại thần căm ghét Tống Thị, tìm cách can gián nhưng chúa không nghe. Cho hay, nhan sắc, gái đẹp có mãnh lực vô biên, làm lung lạc cả đấng quân vương.
Làm chúa được 9 năm, vị chúa đa tình này lập được chiến công vang dội. Lần đầu tiên trong lịch sử, thuỷ quân Việt Nam đã đánh thắng thủy quân Âu Châu.
Ðó là năm 1643, Hà Lan theo yêu cầu của chúa Trịnh đã cho 3 chiếc tàu đồng kiểu tròn, trang bị nhiều trọng pháo tiến vào cửa Eo (Thuận An) mưu đồ xâm lược nước ta.
Chúa Thượng họp quần thần bàn định có nên đưa chiến thuyền của mình ra đánh tàu Hà Lan hay không. Các quần thần không dám hứa là chắc thắng. Chúa hỏi một người Hà Lan đang giúp việc cho chúa. Người ấy tự phụ trả lời: Tầu Hà Lan chỉ sợ mãnh lực và quân đội của trời thôi. Nghe vậy, chúa cảm thấy bị xúc phạm. Ông thân hành đến Eo, ra lệnh cho thuỷ quân chèo thuyền ra đánh thẳng vào 3 chiếc tàu của Hà Lan.
Hàng trăm chiếc thuyền Việt Nam xông thẳng vào các chiếc tàu Hà Lan, mặc đại bác bắn ra như mưa. Bốn mặt tàu Hà Lan đều bị tấn công. Nhờ thuyền nhỏ cơ động, nhanh nhẹn nên mặc dù bị một số đạn, thuyền Việt Nam vẫn bao vây tấn công vào tàu Hà Lan quyết liệt. Chúng vô cùng kinh hoàng, không ngờ thủy quân chúa Nguyễn lại gan dạ đến thế. Chiếc nhỏ nhất vội luồn lách chạy thoát thân. Chiếc thứ hai thảng thốt đâm vào đá, cả đoàn thuỷ thủ và tàu chìm nghỉm xuống biển. Chiếc thứ 3 lớn nhất chống cự lại, các thuỷ quân chúa Nguyễn bám sát tàu bẻ bánh lái. Một số nhảy lên tàu, chặt gẫy cột buồm. Bị dồn vào thế tuyệt vọng, thuyền trưởng Hà Lan cho nổ kho thuốc súng. Thế là tất cả thủy thủ bị hoả thiêu chết la liệt trên biển. Có 7 tên trên tàu nhảy xuống biển, cố bơi thoát nhưng đều bị tóm cổ.
Thắng trận trở về, chúa Thượng dẫn 7 tên tù binh đến trước mặt người Hà Lan nói: 
- Cần chi mãnh lực và quân đội của trời mới phá được. Chiến thuyền của ta cũng khá đấy chứ.
Năm 1648, Trịnh Tráng cho các đạo quân thuỷ bộ đánh vào miền Nam. Bộ binh đóng ở đất Nam Bố Chính, còn thuỷ quân thì đánh vào cửa Nhật Lệ. Nguyễn Phúc Lan phải tự cầm quân đánh lại. Sau Phúc Lan thấy trong người không được khoẻ, mới trao binh quyền cho con trai là Nguyễn Phúc Tần và tướng Nguyễn Hữu Dật chỉ huy còn mình thì rút về. Ðến phá Tam Giang thì chúa mất, thọ đến 48 tuổi, ở ngôi chúa 13 năm. Sau triều Nguyễn truy tôn là Thần tôn Hiến chiêu Hoàng đế. Chúa Thượng có 4 người con (3 con trai, 1 con gái).
 
4. Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền, 1648-1687)
Nguyễn Phúc Tần sinh năm Canh Thìn (1620). Lúc đầu được phong Phó tướng Dũng lễ hầu, đã từng đánh giặc ở cửa biển, được chúa Phúc Lan rất khen ngợi. Năm Mậu Tý - 1648 được tấn phong là tiết chế chủ quân, thay Phúc Lan phá quân Trịnh ở sông Gianh. Bấy giờ ông 29 tuổi. Chúa Nguyễn Phúc Lan mất đột ngột, bày tôi tôn Nguyễn Phúc Tần lên ngôi chúa, gọi là chúa Hiền. Chúa Nguyễn Phúc Tần là người chăm chỉ chính sự, không chuộng yến tiệc vui chơi.
Phúc Tần biết tận dụng hai tướng tài giỏi là Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến. Quân chúa Nguyễn nhiều lần vượt sông Gianh tiến ra đất Đàng Ngoài. Năm 1656, sau hai năm tấn công ta Bắc, quân Nguyễn đã chiếm được 7 huyện của Nghệ An. Tự thân Nguyễn Phúc Tần đã đem quân ra đến Nghệ An đóng tại xã Vân Cát, quân Nguyễn có thể tiến sâu thêm nữa, nhưng nghe tin Trịnh Tráng mất, con là Trịnh Tạc lên ngôi chúa đang chịu tang, chúa Nguyễn cho người sang điếu rồi rút quân về, lưu các tướng đóng đồn từ sông Lam trở về Nam, đắp luỹ từ núi đến cửa biển để phòng ngự. Sau đợt tấn công đó, quân Nguyễn còn chiếm đất Nghệ An thêm 5 lần nữa, năm 1660 chúa Trịnh mới khôi phục lại được. Từ đó Trịnh - Nguyễn cầm cự nhau suốt mấy chục năm không phân thắng bại.
Năm Kỷ Mùi - 1679, chúa Nguyễn cho phép Dương Ngạn Địch, một tướng cũ của triều Minh cùng với Trần Thượng Xuyên đem gia thuộc hơn 3000 người và hơn 50 chiến thuyền đến khai phá vùng đất Gia Định - Mỹ Tho. Từ đó phố xá, chợ búa mọc lên sầm uất, thuyền buôn của các nước Thanh, Nhật Bản và các nước phương Tây ra vào tấp nập, do đó phong hoá ngày càng mở mangDưới thời chúa Hiền, nhiều kênh dẫn nước tưới ruộng được khơi đào, như Trung Đàn, Mai Xá. Bấy giờ bờ cõi được thái bình, thóc lúa được mùa. Chúa càng chăm lo chính sự, không xây đền đài, không gần gái đẹp, bớt lao dịch thuế khoá, nhân dân đều khen ngợi thời thái bình thịnh trị. Năm Đinh Mão - 1687, chúa Hiền mất, thọ 65 tuổi, ở ngôi chúa 39 năm. Triều Nguyễn truy tôn ông là Thái tông hiền triết hoàng đế. Chúa Hiền có 9 người con (6 con trai, 3 con gái).
 
5. Nguyễn Phúc Thái (chúa Nghĩa, 1687-1691)
Nguyễn Phúc Tần có 6 người con trai, Nguyễn Phúc Thái là con thứ 2 của bà vợ thứ hai người họ Tống, nhưng lớn tuổi và hiền đức. Khi Nguyễn Phúc Tần mất, Thái đã 39 tuổi.
Nguyễn Phúc Thái nổi tiếng là người rộng rãi, hình phạt và phú thuế đã nhẹ, trăm họ ai cũng vui mừng. Quan lại cũ của triều trước đều được trọng đãi.
Người đời sau nhắc đến chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái là nhớ chúa đã dời phủ từ Kim Long về Phú Xuân địa thế bằng phẳng, đẹp đẽ, tiếp nối nhiều đời chọn làm kinh đô.
Chúa không thọ được lâu. Sau 4 năm ở ngôi chúa, năm Tân Mùi - 1691, Nguyễn Phúc Thái mất, thọ 43 tuổi. Triều Nguyễn truy tôn ông là Anh tông hiếu nghĩa hoàng đế. Chúa Nghĩa có 10 người con (5 con trai, 5 con gái).
 
6. Nguyễn Phúc Chu (chúa Quốc, 1691-1725)
Nguyễn Phúc Chu là con cả Nguyễn Phúc Thái, sinh nǎm ất Mão - 1675, được ǎn học khá cẩn thận vì thế vǎn hay chữ tốt, đủ tài lược vǎn võ. Khi nối ngôi Chúa mới 17 tuổi.
Chúa Nguyễn Phúc Chu mộ đạo Phật. Nǎm 1710 chúa sai đúc chuông lớn nặng tới 3.285 cân, đặt ở chùa Thiên Mụ và xây dựng một loạt chùa miếu khác. Chúa cho mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ, chùa núi Mỹ An. Tự chúa cũng ǎn chay ở vườn Côn Gia một tháng trời. Chúa phát tiền gạo cho người nghèo. Đây là thời kỳ mà chiến tranh Trịnh - Nguyễn đã tạm ngừng hơn 30 nǎm, đất nước bình yên, chúa Nguyễn Phúc Chu có điều kiện mở mang đất đai về phía Nam và đạt được những thành tựu đáng kể: đặt phủ Bình Thuận nǎm Đinh Sửu - 1697 gồm đất Phan Rang, Phan Rí, chia làm hai huyện An Phúc và Hoà Đa; bắt đầu đặt phủ Gia Định, chia đất Đông Phố lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long; dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hoà) lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình; dựng dinh Phiên Trấn; lập xã Minh Hương... Từ đó người Thanh đi lại buôn bán rất sầm uất.
Nǎm 1702, Công ty ấn Độ của Anh do Allen Catohpole đem 200 quân đến chiếm đảo Côn Lôn, chúa Quốc lập tức sai con là Nguyễn Phúc Phan dùng mưu đánh đuổi ra khỏi đảo.
Nǎm 1708, chúa Quốc dùng Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên. Nǎm 1709, chúa Quốc cho đúc ấn Quốc Bửu "Đại Việt Quốc, Nguyễn Phúc Vĩnh Trấn chi bửu" ấn ấy về sau trở thành vật báu truyền ngôi. Nǎm 1714, chúa Quốc đại trùng tu chùa Thiên Mụ và đi thǎm phố Hội An. Nhân thấy cầu do người Nhật làm tụ tập nhiều thuyền buôn các nước, chúa bèn đặt là Lai Viễn Kiều và ban biển chữ vàng ngày nay vẫn còn biển đó.
Ngày 1/6/1725, chúa Quốc mất, thọ 51 tuổi, ở ngôi 34 nǎm. Sau triều Nguyễn truy tôn là Hiến Tông Hiếu Minh Hoàng đế. Chúa Quốc có 42 người con (38 con trai và 4 con gái).
 
7. Nguyễn Phúc Thụ (Ninh Vương, 1725-1738)
Nguyễn Phúc Thụ (nhiều sách viết là Chú) sinh ngày 14/1/1697, là con trai cả của chúa Quốc, khi chúa Quốc mất được lên ngôi Chúa lúc đó đã 30 tuổi, xưng hiệu là Ninh Vương.
Nǎm Quý Sửu - 1733, chúa cho đặt đồng hồ mua của Tây phương ở các dinh và các đồn tàu dọc biển. Sau có người thợ thủ công là Nguyễn Vǎn Tú chế tạo được chiếc đồng hồ y hệt.
Nǎm Bính Thìn - 1736, Mạc Cửu mất, con trai là Mạc Thiên Tứ được chúa cho làm Đô đốc trấn Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ là một nhà cai trị giỏi, mà lại vǎn thơ hay, Mạc Thiên Tứ mở Chiêu Anh Các để tụ họp các vǎn nhân thi sĩ cùng nhau xướng hoạ. Mạc Thiên Tứ để lại 10 bài thơ ca ngợi phong cảnh đẹp của Hà Tiên (Hà Tiên thập vịnh).
Ngày 7/6/1738, Ninh Vương mất, thọ 42 tuổi, ở ngôi 13 nǎm. Sau triều Nguyễn truy tôn là Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng đế. Ninh Vương có 9 người con (3 con trai, 6 con gái).
 
8. Nguyễn Phúc Khoát (Võ Vương, 1738-1765)
Nguyễn Phúc Khoát, sinh nǎm Giáp Ngọ (1714), là con trưởng của Ninh Vương được lên ngôi chúa ngày 7/6/1738, lấy hiệu là Từ Tế Đạo nhân. Nǎm Giáp Tý (1744), Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương xưng là Võ Vương cho đúc ấn Quốc Vương. Xuống chiếu bố cáo thiên hạ, lấy Phú Xuân làm kinh đô.
Từ nǎm Giáp Tuất (1754), để xứng đáng với kinh đô của Nguyễn Vương, Phú Xuân được xây dựng thêm hàng loạt cung điện theo quy mô đế vương. Đặc biệt chiếc áo dài Việt Nam tha thướt xinh đẹp như hiện nay, phải trải qua một quá trình phát triển, nó được hình thành từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.
Nǎm 1757, Võ Vương đặt Rạch Giá làm đạo Kiên Giang, Cà Mau làm đạo Long Xuyên.
Ngày 7/6/1765, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát mất, thọ 52 tuổi, nối ngôi được 27 nǎm.
Triều Nguyễn truy tôn ông làThế tông Hiếu vũ Hoàng đế. Võ Vương có 30 người con (18 con trai, 12 con gái). 
 
9. Nguyễn Phúc Thuần (Định Vương, 1765-1777)
Nguyễn Phúc Thuần sinh ngày 31/12/1753, là con thứ 16 của Nguyễn Phúc Khoát.
Võ Vương lúc đầu lập con thứ 9 là Phúc Hiệu làm thái tử, nhưng Hiệu mất sớm, con trai Hiệu là Hoàng tôn Phúc Dương còn thơ ấu mà hoàng tử cả là Chương cũng đã mất. Hoàng tử thứ hai là Nguyễn Phúc Luân cũng rất khôi ngô tuấn tú, theo thứ tự sẽ phải lập Hoàng tôn Dương hoặc Phúc Luân lên ngôi nên đã trao Luân cho một thầy học nổi tiếng là Trương Vǎn Hạnh dạy bảo. Nhưng khi Võ Vương mất, tình hình lại đảo ngược. Quyền thần Trương Phúc Loan không muốn lập Phúc Luân vì Luân đã lớn tuổi, khó bề lộng hành. Trương Phúc Loan lại chọn Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi vua.
Phúc Luân không được lập mà còn bị bắt giam. Trương Vǎn Hạnh cũng bị giết chết.
Nguyễn Phúc Thuần còn nhỏ tuổi, mọi quyền hành đều do Trương Phúc Loan sắp đặt. Loan tự phong là Quốc phó. Loan thâu tóm toàn bộ từ chính sự đến kinh tế. Các nguồn lợi chủ yếu của vương quốc Đàng Trong đều rơi vào tay Trương Phúc Loan và họ hàng của hắn.
Ngày nắng, Loan cho đem phơi của cải quý báu làm sáng rực cả một góc trời. Có tiền, có quyền, Loan mặc sức hoành hành ngang ngược, người người ai nấy đều oán giận. 
Nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc cầm đầu ở Quy Nhơn được nhân dân đồng tình ủng hộ ngày càng lớn mạnh. Thêm vào đó, tháng 5 nǎm Giáp Ngọ (1774) Chúa Trịnh lại cho đại quân vào đánh Nguyễn. Cả nghĩa quân Tây Sơn lẫn quân Trịnh đều nêu khẩu hiệu : "Trừ khử quyền thần Trương Phúc Loan và tôn phò Hoàng tôn Dương". Chiến tranh loạn lạc lại nổ ra, đất Thuận Hoá trước trù phú là thế mà nay trǎm bề xơ xác tiêu điều, người chết đói đầy đường. Trước tình cảnh đó, không có cách nào khác, tôn thất nhà Nguyễn cùng nhau lập tức bắt trói Trương Phúc Loan nộp cho quân Trịnh. Tháng 12 nǎm 1774, quân Trịnh chiếm được Phú Xuân và đặt quan cai trị Thuận Hoá. Trong số quan lại nhà Trịnh cử vào trấn thủ Thuận Hoá có Lê Quý Đôn (1776).
Nghĩa quân Tây Sơn tìm cách hoà hoãn với quân Trịnh để yên mặt Bắc và rảnh tay đánh Nguyễn ở phía Nam.
Đại quân Tây Sơn cả thuỷ lẫn bộ đánh vào Gia Định. Chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy về Định Tường rồi lại chạy sang Long Xuyên. Tháng 9 nǎm Đinh Dậu (1777), quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ thống lĩnh đánh chiếm Long Xuyên, chúa Nguyễn bị chết trận. Như vậy Nguyễn Phúc Thuần ở ngôi chúa được 12 nǎm, thọ 24 tuổi không có con nối. Sau triều Nguyễn truy tôn là Duệ Tông Hiếu định Hoàng đế. Định vương Nguyễn Phúc Thuần chết, kết thúc giai đoạn lịch sử của 9 đời chúa Nguyễn Đàng Trong.
 
Hình ảnh : Lăng Trường Cơ ( 4 tấm ), Ảnh Hội thảo về Chúa Nguyễn tổ chức tại Quảng Trị ...
Ảnh minh họa nguồn từ Internet và của Blogger chụp tại  Bảo tàng Q.Trị và Làng Trà Liên, Triệu Giang.


1. 7 Bô lão dâng 7 vò nước lên Chúa Tiên khi Ngài vừa đặt chân đến vùng đât Ái tử,  Quảng Trị (Châu Thuận hóa) 2.Miếu thờ Đại thần Nguyễn Ư Dỹ ( Ảnh tư liệu  VTT)


 
Lăng Trường Cơ tại La Khê Thừa Thiên -Huế