Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

Việc học hành khoa cử duoiws thời chúa Nguyễn - LêQuang Thái

Việc học hành khoa cử dưới thời chúa Nguyễn

Phần nhiều các sách viết về xứ Đàng Trong đều chưa làm sáng tỏ về việc học hành và khoa cử dưới thời 9 chúa ở phía Nam. Có nêu chăng là chỉ nhắc đến các khoa thi Chính đồ và Hoa Văn để tuyển chọn nhân tài, ngoài việc tuyển cử người hiền ra giúp nước.
Hiện chúng ta chưa thấy có tài liệu nào xác định rõ đất Triều Sơn được chọn lập Văn Miếu từ năm nào, chỉ nói vào buổi quốc sơ, theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí. Thuở xa xưa, Triều Sơn chưa phải là Xã vì sách Ô Châu Cận Lục không ghi chép tên làng văn hiến này. Sách Phủ Biên Tạp Lục cho biết Triều Sơn xã thuộc Mậu Tài (1), huyện Phú Vang. Cần lưu ý là ranh giới hành chính hoàn toàn khác hẳn với ngày nay. Ngày xưa xã là làng, làng là xã. Một vinh dự lớn cho làng Triều Sơn, là vào tháng 5 năm Giáp Tý, niên hiệu Gia Long thứ 3 (năm 1806), triều đình dựng miếu Hội đồng ở làng văn hiến này và chọn 30 người dân làm miếu phu. Đừng coi thường làng nổi tiếng về nghề thủ công làm nón này. Trước năm 1692, làng Triều Sơn đã có Văn miếu, chúa Nguyễn Phúc Chu thường ra đây xem cảnh vật và có ý định muốn dời miếu này đi nơi khác sao cho có cuộc đất thoáng đãng hơn. Văn miếu này cũng là của Làng và của triều đình xứ Đàng Trong. Năm 1770, chúa Nguyễn Phúc Thuần, hiệu Khánh Phủ Đạo Nhân, cho dời Văn miếu về xã Long Hồ, huyện Hương Trà.

 Có Văn miếu tức là nhà chúa đã quan tâm đến việc học và đạo đức. Bởi vì các chúa Nguyễn lấy Tam giáo làm chủ thuyết  trong đường lối trị quốc an dân với phương châm mới “Cư Nho mộ Thích”.

Trước khi lập Văn miếu, tại các dinh, trấn Chúa đã cho tổ chức việc học hành và thi cử. Nhà chùa đã đóng vai trò giáo dục sĩ  tử, bên cạnh các trường tư do dân làng rước mời các danh nho, khoa mục, thầy đồ dạy học. Ruộng Tam Bảo, học điền của làng xã là nguồn tài trợ chính cho giáo dục.
Năm Nhâm Thân, 1632 chúa Nguyễn Phúc Nguyên tức Sãi Vương hay chúa Phật đã kén chọn kẻ hiền tài bằng con đường tiến cử và khoa cử. Tại các dinh, trấn quan sở tại là Tri phủ, Tri huyện làm quan sơ khảo, Ký lục các dinh trấn làm quan phúc khảo, lấy những người thi trúng cho làm “Nhiêu hoc”, được miễn sai dịch 5 năm. Thí sinh phải làm một bài thơ, một đạo văn sách (văn chính luận), thời hạn trong một ngày phải làm xong. Kỳ thi ấy được gọi là “Thi Quận Vào Mùa Xuân”.
Để chọn kẻ có tài làm việc, chính sách khoa cử quy định người nào đã qua kỳ thi ấy phải thi viết chữ Hoa văn (Hoa văn tự thể). Người nào thi trúng thì được bổ làm việc ở trong Tam ty: Xá Sai, Lệnh Sử, Tướng Thần Lại. Từ đó, việc thi cử dần hồi được cải cách và nâng cấp lên sao cho người đỗ đạt có thực chất cao, có tài năng trong việc kinh bang tế thế.
Tháng 7 năm Bính Tuất, 1646, định phép thi 9 năm một kỳ. Chúa ra lệnh cho các học trò đã qua khoa thi “Nhiêu học” đều đến công phủ để ứng thí.
Chính đô thi 3 ngày. Ngày thứ nhất thi Tứ Lục, ngày thứ 2 thi Thơ phú, ngày thứ 3 thi Văn sách. Lấy Văn sách (sau đổi thành Hàn Lâm) Tri phủ làm quan sơ khảo; Cai bạ, Ký lục (đứng đầu dinh trấn), Nha Úy (sau đổi thành bộ Lễ) làm giám khảo. Giám thí lấy từ các chức  Tứ trụ triều đình (có từ năm1638) gồm: Nội tả, Nội hữu, Ngoại tả, Ngoại hữu thay mặt Chúa điều hành và giám sát tại trường thi.
Khoa thi như thế gọi là Thu Vi Hội Thí (thi Hội mùa thu). Người trúng tuyển thì làm danh sách tiến lên, xếp thành 3 hạng: Giáp, Ất và Bính. Hạng Giáp được gọi là Giám sinh (khác với giám sinh học ở Quốc Tử Giám dưới triều Nguyễn) và được bổ dụng làm Tri phủ, Tri huyện. Thiền sư Hương Hải (2) được bổ dụng làm tri phủ Triệu Phong là một điển hình. Phủ Triệu Phong vào thời điểm ấy gồm có 8 huyện (từ bờ nam sông Hiếu ở Đông Hà cho đến bờ bắc sông Thu Bồn, trấn Quảng Nam). Hạng Ất được gọi là Sinh Đồ được bổ làm Huấn Đạo (coi việc học ở cấp huyện). Hạng Bính cũng được gọi là Sinh đồ được bổ làm Lễ sinh (coi việc tế lễ) hoặc Nhiêu học trọn đời.
Cũng thuộc Hội thí, có thi Hoa Văn trong 3 ngày. Mỗi ngày đều viết một bài thơ. Người trúng tuyển được chia làm 3 hạng, bổ làm việc ở 3 ty: Xá sai, Lệnh sử, Tướng thần lại và cho làm Nhiêu học trọn đời.
Thi Hương cũng được nâng cấp sao cho có chất lượng hơn. Chẳng hạn như vào tháng 8 năm Mậu Tý, 176 chúa Nguyễn Phúc Chu cho mở khoa thi Hương tại công phủ. Chúa sai Chưởng cơ lãnh Hình bộ sứ Tôn Thất Dục làm Giám thí. Khoa ấy Lê Chính Việt, Bạch Doãn Triều đỗ đầu, người đương thời cho là xứng danh. Tuy đỗ đầu nhưng không gọi là Thủ khoa hay Hương nguyên. Vì sao? Dưới triều Nguyễn, người đô đầu thi Hương như Nguyễn Hữu Huân ở Nam bộ mới gọi là Thủ khoa Huân, Phan Bội Châu đỗ đầu thi Hương trường Nghệ An năm Canh Tý 1900 được gọi là Thủ khoa. Danh xưng Thủ khoa rất lớn, uy nghi và thiêng liêng lắm. Đỗ đầu kỳ hạch tại tỉnh như cụ Phan trước khi thi Hương gọi là Đầu xứ đã là vinh hạnh lớn. Huỳnh Thúc Kháng lúc còn sĩ tử của xứ Quảng còn có tên là Huỳnh Hanh đã đỗ đầu xứ trong kỳ hạch tại tỉnh. Vậy thì có nên làm cho biến tướng, biến nghĩa hai từ Thủ khoa như ngày nay không? Đó là điều mà chúng ta cần suy nghĩ.
Vậy thì, dưới thời chúa Nguyễn có thi Đình không? Có. Thi Đình còn gọi là Điện thí. Vào năm nào? Năm Ất Hợi, 1695, thời điểm Hòa Thượng Thạch Liêm - Thích Đại Sán được chuas Nguyễn Phúc Chu mời đến Thuận Hóa. Thi vào tháng 3, lấy 5 người trúng cách về Chính Đồ làm Giám sinh, 8 người làm Sinh đồ, 15 người làm Nhiêu học, 22 người trúng cách về Hoa văn, 10 người trúng cách về Thám phỏng. Tổng cộng 60 tân khoa.
Cũng theo quy chế tuyển dụng thì Giám sinh bổ văn chức (Hàn lâm viện) và Tri huyện, Sinh đồ bổ Huấn đạo, Nhiêu học bổ lễ sinh, Hoa văn bổ vào Tướng thần lại ty và Lệnh sử ty, Thám phỏng bổ vào Xá sai ty.
Đòi hỏi của Hoa văn tự thể là phải viết chữ đẹp. Viết đúng quy cách, net trước net sau,  kể cả quy cách “ đài chữ” lên cao. Có thể nói rằng văn hay đòi hỏi chữ phải tốt. Hoa văn là suối nguồn của thư pháp. Nhưng thời ấy có ai dám tung bút đâu?
Tổ tiên ta khiêm nhường lắm. Viết đúng, viết nghệ thuật, viết đẹp theo thần thức. Xuất thần là đằng khác. Chỉ cho chữ khi trọng người. Cao Bá Quát là một điển hình. Nhà văn Nguyễn Tuân khẩu phục, tâm phục tính cách tài tử của Cao Chu Thần bằng lối “kính nhi viễn chi”. Người đời nay nên học gương xưa. Tăng sinh trẻ lại càng phải khiêm nhường mà cầu thị văn chương chữ nghĩa của chư Tổ. Hòa thượng Thích Bích Không (1901-1968) đích thị là người viết chữ Hán trên học hiệu lớn của Hoa kiều ở Chợ Lớn. Trường Thọ Nhơn của người Hoa “sợ luôn” tài viết chữ Hán đầy tính nghệ sĩ cao cường của Hoà Thượng. Gần đây nhất, Thượng toạ Thích  Hoằng Thơ, Tọa chủ chùa Từ Ân, năm 1945 -1955, viết chữ Hán sành điệu cả 4 thể: Chân, Thảo, Triện, Lệ  trên các bài Minh, bia đá, trụ biểu, tháp Tổ ở Huế. Lắm tài nhưng quý ngài sống rất bình dị. Các nhà thư pháp đời nay nên khiêm nhường để người Hoa qua giao lưu văn hóa tỏ lòng cảm mến người Việt, nễ phục người Việt hơn.
Thi Đình ở thời 9 chúa không đạt trình độ cao như thi Đình dưới thời Hậu Lê hoặc vào thời các vua nhà Nguyễn. Chỉ có thi Đình thời nhà Lê, thời nhà Nguyễn (từ Minh Mạng trở về sau) mới có các danh xưng Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa ở Đệ nhất giáp Tiến sĩ xuất thân, hoặc Hoàng giáp ở bảng Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân. Ở bảng Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân đều là tiến sĩ mà thế gian quen gọi là Ông Nghè có từ thời chúa Trịnh Giang. Nhà Nguyễn không lấy Trạng nguyên theo lệ “tứ bất”.
Đỗ Giám sinh không thể chép là Hương Cống hay Cử nhân được như một số người viết về danh nhân đã sai lầm về danh xưng thi cử thời kỳ này sang thời kỳ khác.
Thành tựu lớn nhất của khoa cử dưới thời 9 chúa là đã tạo ra những vị quan tài giỏi hết lòng vì nước vì dân, như Trần Đình Ân, Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Đăng Thịnh, Nguyễn Cửu Tiền, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Hữu Hào, Hoàng Quang. Các vị quan lớn đều là những bậc có nhân cách tỏa sáng tinh thần “chính đại quang minh” hoặc “cư dân do nghĩa”. Vì vậy mà văn học nghệ thuật, tôn giáo, ngoại giao của thế kỷ 17 đạt được thành quả rực rỡ ở hai xứ  Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong. Đây cũng chính là điều giúp chúng ta lý giải vì sao đất nước Đại Việt ở thế kỷ 17 gặp phải nhiều khó khăn do chiến tranh Trịnh - Nguyễn, cảnh đất nước qua phân, đời sống nhân dân còn chưa cao, mà văn hóa lại phát triển, và phát huy đến chừng như vượt trội xa các thế kỷ đi trước.
Dưới thời 9 chúa, nhà chùa ở xứ Đàng Trong còn là nơi đào tạo thế hệ trẻ có vốn kiến thức và một nhân cách kẻ sĩ đích thực là sĩ phu vì có sĩ khí, tiết tháo, không buôn bán danh lợi và chuộng phẩm hàm hư vị.
Ảnh hưởng của khoa cử  thời kỳ này còn đọng lại của nền giáo dục Phật Giáo. Ở Nam trung bộ, Nam bộ các trường Gia giáo được gọi là Trường Hương, Trường Trung Cao Cấp được gọi là trường Kỳ. Phật trường là nơi các Tăng Ni trẻ thọ giới để lãnh thọ sứ mạng của Như Lai trao phó. Thọ giới của Tăng Ni ở cấp thấp còn gọi là trúng “Trường thi Hương” ở cấp cao hơn bên trên (thọ Tỳ kheo, Tỳ kheo ni) được gọi là trúng “Trường thi Hội” (3).
Đặc điểm của giáo dục Phật giáo là việc dùng chữ Nho, chữ Nôm để làm chuyển ngữ chính, trường Phật học các cấp không hề ngại gì đến việc bãi bỏ khoa cử chữ Hán ở ngoài thế tục. Việc của ai cứ  nấy làm. Phật Giáo đã có phương châm vừa là nguyên lý giáo dục bất di bất dịch muôn đời đó là “Duy Tuệ Thị Nghiệp” và “Giới, Định, Tuệ”.
Ngày nay, các trường Phật học từ Gia giáo cho đến Đại học đều ưu tiên quan tâm vào chương trình Nội điển. Cả cổ văn lẫn kim văn (Trung văn bạch thoại) đều được giảng dạy. Còn chữ Nôm thì dạy ít, Tăng Ni tự hoc là chính yếu. Cái nạn dạy nhiều cổ ngữ đã được cân nhắc. Tăng Ni chuộng học Anh văn và rất ít người chịu học Pháp văn. Đó là hạn chế của thời đại. Phải chăng cần suy tính lại trong việc phân ban ngoại ngữ. Đã là Tăng sinh, tu sĩ trẻ Phật Giáo không thể nào xa rời việc học chữ Hán, dù tân, dù cựu. Nói một cách nghiêm túc là “nhờ vậy” mà làm gương cho cư sĩ, Phật tử biết đường thế nào để thâm nhập kinh tạng để mong cầu có nhân duyên được góp phần tích cực trong việc phụng đạo giúp đời, trong việc sáng tác dịch thuật, diễn giải kinh điển, phát huy tinh thần phê và tự phê của Phật Giáo để càng ngày càng lân mẫn giới tu sĩ trẻ góp phần hoằng hóa lợi sinh có được đời sống hạnh phúc và an lạc.
Chú thích:
1.                             Tổng Mậu Tài: Làng Mậu Tài, thuộc tổng Mậu Tài xưa có tên là Hoài Tài. Tổng là đơn vị hành chính gồm nhiều làng.
2. Hương Hải thiền sư (1628-1715) còn gọi Tổ Cầu, năm 18 tuổi được bổ làm Văn Chức, năm 1652 được Chúa Nguyễn Phúc Tần bổ làm Tri phủ Triệu Phong, về sau cáo quan xuất gia đầu Phật.
3. Xem Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thích Đồng Bổn chủ biên, Thành hội PG TP. HCM, 1995, tr 117.
- Năm Kỷ Dậu (1909) chùa Long Quang ở Vĩnh Long khai trường Hương.
- Năm Nhâm Tý (1912) Tổ đình Giác Lâm khai trương trường Hương.
- Năm Kỷ Mùi (1919) Hoà Thượng Chánh Hậu ở chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho) khai trương trường Hương Gia giáo.

Lời thì thầm trước Lăng Nguyễn Hoàng Lê Quang Thái

LỜI THẦM ƯỚC TRƯỚC LĂNG NGUYỄN HOÀNG

Lê Quang Thái
Học sinh Nguyễn Hoàng 1954 - 1959
Dân gian quen gọi lăng Trường Cơ là lăng tẩm chúa Tiên hoặc lăng Thái tổ Nguyễn Hoàng, tọa lạc trên khoảnh đất rộng mênh mông ở sơn phần thôn La Khê, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà ngày nay, về phía Tây Nam Cố đô Huế khoảng non 15km. Nếu tham quan lăng Ngài bằng đường thuỷ thì dùng thuyền đi ngược giòng sông Hương đến cầu Tuần rồi tiến thẳng lên phía thượng nguồn hơn 3km thì 4 trụ biểu cao của ngôi chùa Từ Hàn tĩnh mặc hiện rõ, quay mặt về bờ nam sông Cái còn gọi là sông Thơm. Từ đó đi bộ lên bờ Bắc khoảng 200m là đến khu vực lăng Trường Cơ, chênh chếch hướng phía cửa lăng là trường Trung học cơ sở Hương Thọ. Tiền thân của lăng này là miếu Nguyên Lập mà Nguyễn Khoa Chiêm (1659 - 1736) đã viết trong tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí.
Lúc sinh tiền, tướng mạo của chúa Tiên oai phong như trong sách Nguyễn Phúc Tộc thế phả, xuất bản năm 1995 đã ghi lại: “Ngài có tướng vai lân, lưng hổ, mắt phượng, trán rộng, thần thái khôi ngô, thông minh tài trí, người thức giả biết là bậc phi thường”.
Nguyễn Hoàng sinh ngày 10 tháng 8 năm Ất Dậu (28-8-1525) tại Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoá. Ngài ở ngôi vị chúa Tiên đến 56 năm, kể từ năm Mậu Ngọ, 1558 cho đến lúc băng hà ngày 3 tháng 6 năm Quý Sửu (20-7-1613) tại Vương phủ Dinh Cát cạnh làng Ái Tử, tổng An Đôn, huyện Võ Xương*, phủ Triệu Phong, thời bấy giờ chưa có địa danh Quảng Trị.
Trước khi vĩnh biệt cõi trần, trí tuệ Ngài còn rất minh mẫn, Ngài ân cần căn dặn: “Đất Thuận - Quảng, Bắc có Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở, Nam có núi Hải Vân và núi Thạch Bi bền vững. Núi sẵn vàng, sắt; biển sẵn có cá, muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng...”.
Dặn dò xong thì Ngài băng hà, thọ 89 tuổi. Lễ ninh lăng vào thời quốc sơ ở tại núi Thạch Hãn, thuộc sơn phần của làng cùng tên gọi, huyện Võ Xương. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên truy tôn Ngài lên tước Vương.
Theo Đại Nam nhất thống chí, tập Kinh Sư thì quần thể các lăng vua chúa đều được gọi chung bằng thuật ngữ Sơn Lăng. Vào ngày Giáp Thân, tháng 6 năm Bính Dần (1806), Ngài được truy tôn lần thứ ba từ tước Thái Vương lên Hoàng đế: Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung Ý Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển Ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dụ Hoàng Đế; miếu hiệu Thái Tổ. Vì vậy, người đời đã kết hợp miếu hiệu và tôn hiệu để gọi tên Ngài bằng 6 từ: Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế.
Sách Việt Sử diễn nghĩa tứ tự ca bằng chữ Nôm của các tác giả Hồng Thiết, Hồng Nhung soạn, về sau được khắc bản in năm 1921, đã diễn xướng cho mọi người hiểu rõ cốt lõi của Việt sử, có đoạn nói đến “Con người phi thường” - danh nhân Nguyễn Hoàng như sau:
“Thái Tổ thấy chỉ
Lãnh thuyền kéo vô
Đến nơi Quảng Trị
Gây dựng cơ đồ”.
Đất Ái Tử là làng cổ thuộc huyện Võ Xương, phủ Triệu Phong (tên gọi Quảng Trị có từ năm Tân Dậu, 1801) là bệ phóng cho quân dân nước Đại Việt mở đường Nam tiến từ núi Thạch Bi cho đến đất Mũi Cà Mâu - Hà Tiên trong vòng 200 năm trở lại như lời vang vọng của nguồn sử thi:
“Sực nhớ câu “Hoành Sơn nhất đái
Vạn đại dung thân” chừng cũng phải
Tiên Vương khai thác vào miền Nam
Đánh đông, dẹp bắc nhiều thế đại”
       (Hương Giang hành, 1941)
Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế còn được dân gian truyền tụng và ca ngợi công đức lớn lao như vị đại khai canh, đại khai khẩn cho các làng xã hai trấn Thuận - Quảng và xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn kế tục trị vì. Từ trước đến nay, những sử sách chính thống hoặc Luận văn Tiến sĩ viết về xứ Đàng Trong ở nước ngoài, thậm chí cho đến các địa phương chí viết về từng vùng đất thuộc Nam Trung bộ và Nam bộ đều tỏ rõ quan điểm đánh giá cao công nghiệp của các chúa Nguyễn và các vua đầu đời nhà Nguyễn, thời nước ta có quốc hiệu Đại Nam. Tiêu biểu như tác phẩm Xứ Đàng Trong của bà Li Tana, nguyên là Luận văn Tiến sĩ về Lịch sử xứ Đàng Trong tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra năm 1992:
“... Đưa ra một giải thích hoàn toàn mới về vương quốc phía Nam lấy Huế làm trung tâm, công trình của Li Tana đã cung cấp cho chúng ta một bức họa về một nước Việt Nam mang tính cách Đông Nam Á hơn, thương mại hơn không như chúng ta thường hiểu khi nhìn vào hình ảnh phía Bắc”.
(Giáo sư Anthony Reid, Đông Nam Á Thời Mãi Dịch)
Theo điển lễ, trong tế lễ Nam Giao, Long vị của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế được phối thờ là rất phải lẽ, đúng với nội dung các nhóm từ đúc “Chính Đại Quang Minh” hoặc “Cư Nhân Do Nghĩa”. Lễ Hội Nam Giao qua các lần tổ chức Festival Huế đã làm sống lại một cách sinh động phần nào tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc.
Năm nay, năm Mậu Tý khai mở một kỷ nguyên tốt lành, đọc các báo Tết năm 2008, mọi người đều cảm thấy vui mừng. Không mừng sao được khi thấy văn hóa dân tộc, văn hóa tâm linh được bật sáng theo cùng với hương hoa, khói trầm nghi ngút đón lễ giao thừa, nghinh xuân tiếp phúc. Nền phúc ấm đã được tổ tiên từ bao đời ban tặng cho con cháu luôn được un đúc và hiển vinh.
Bản thân tôi và khá nhiều thân hữu đã rất đồng tình với nhận định chân thực và giàu tâm huyết của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Duy trong bài Quê nhà yêu dấu, đăng trên báo Văn Nghệ số 5-6-7 (2008) của Hội Nhà văn Việt Nam, tr.24-25:
“...Phục hồi nhân tâm là việc quan trọng nhất. Những gì thất nhân tâm thì thành tâm sửa lại. Có công tâm với lịch sử mới thực thi được công bằng xã hội.
Thu phục nhân tâm ư? Đoàn kết dân tộc ư? Thì hãy chọn những gì tốt đẹp của cha ông mà tôn vinh, mà truyền bá. Đối xử tử tế với tổ tiên là phẩm chất tối thiểu của đạo lý”...
Hôm nay, trước ngày giỗ thứ 395 của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế, một trong những vị đại khai canh, đại khai khẩn của xứ Đàng Trong thuộc nước Đại Việt ngày xưa, chúng tôi là những con dân đời sau, những học trò của trường Trung học Nguyễn Hoàng, trường được vinh dự mang tên và hồn thiêng của một Danh nhân lịch sử phi thường kể từ năm học 1954 - 1955 (trước có tên Trung học Quảng Trị) thành kính đốt nén hương lòng, dâng bó hoa sen quỳ lạy 9 lạy trước lăng Trường Cơ với cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ, thoáng đạt, tươi đẹp như sách Ô Châu cận lục đã từng ghi:
“Núi Mông Lĩnh uốn gập lưng ong; suối La Khê chẽ ngang đuôi yến”.
Chúng tôi còn nhớ mãi bài thơ tứ tuyệt của người xưa mà thầy giáo khả kính Lê Đình Ngân đã dẫn sử liệu và phân tích cho chúng tôi hiểu khi thầy nói về những ngày đầu tiên chúa Nguyễn Hoàng đóng đại bản doanh trên đất Ái Tử, huyện Võ Xương, phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa:
TIÊN KẾT NHÂN TÂM THUẬN,
HẬU THI ĐỨC HÓA CHIÊU.
CHI DIỆP KHAM TỒI LẠC,
CĂN BẢN DÃ NAN DAO.
Tạm dịch:
“Trước tiên lòng người thuận,
Lấy đức hóa cõi đời.
Cành nhánh dẫu rơi rụng,
Cội gốc khó chuyển lay”.
Thời ấy,  học trò Nguyễn Hoàng là dân tứ xứ; Bắc có, Nam có, Huế có, chứ không phải chỉ cục bộ địa phương dành cho người Ô Châu - Quảng Trị. Học trò có ngôn ngữ của học trò, chúng tôi thường gọi những ai học trường Trung học công lập Nguyễn Hoàng là “dân Nguyễn Hoàng” trong ý nghĩa ngây thơ, trong trắng, hồn nhiên, không có gì mang sắc màu phân biệt. Ôi đẹp sao thời cắp sách làm “dân Nguyễn Hoàng”!.
Trước khi rời lăng Trường Cơ, chúng tôi kính cẩn lạy 3 lạy, rồi thầm đọc bài thơ chữ Hán trên đây trước anh linh của Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế mà lòng không khỏi bùi ngùi về cái tên trường cũ vô vàn thân thương nay không còn nữa.
La Khê, ngày 30-6-2008
L.Q.T.

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Tiếng Thời gian



TIẾNG THỜI GIAN

1- Còn những bao lần họp mặt đây
Trường xưa điểm hẹn lúc sum vầy
Thầy cô lần lữa đà thưa vắng
Bạn hữu dần dà dạt nẻo mây

Hình ảnh trường xưa hẳn mãi còn
Một thời đèn sách tuổi vàng son
Tường rào cổng khép bao giờ học
Áo trắng loang màu sánh cỏ non

Phố nhỏ  lặng im dưới ánh đèn
Đông về  bấc giá cửa cài then
Sông buồn lay lất se se lạnh
Tiếng máy rì rầm như vẫn quen…

2- Đến hẹn lại lên cũng nơi nầy
Bao lần hội ngộ rộn ràng thay
Đồng môn muôn hướng quay về cội
Lắm sắc màu theo tà áo bay

Tháng sáu oi nồng phượng thắm sao
Sân trường phố cũ rộn lời chào
Đâu rồi lối nhỏ xưa quen bước
Kỷ niệm đầy vơi tuổi học trò

Khóa lớp bên nhau thuở chúng mình
Tau mi tiếng gọi quả thân tình 
Ngày ta thơ bé ai còn nhớ
Lắm chuyện yêu đương mãi luận bình…

Niên học qua rồi lắm vấn vương
Muôn vàn tà áo trắng thân thương
Từng mùa hè tiễn ngàn ly biệt
Tháng hạ chưa nguôi lại tựu trường…

3- Đồng hẹn nhau về tự bốn phương
Đây rồi phố cũ  với tên đường
Không gian lần lữa thay hình dáng
Nét mới vươn lên những phố phường.

Xanh biếc đôi bờ Thạch Hãn ơi!
Non Mai vững dáng  ngự Tây trời
Nhan Biều triền thoải theo mùa lũ
Hoa cải vàng đưa bướm lả lơi

Tứ nẻo cổ thành tứ cổng xây
Bốn phường  nhỏ gọn tự xưa rày
Đường tên phố thị đan xen kẻ
Như hẳn thân quen những lúc này

Theo tiếng thời gian  nhịp vận xoay
Không gian còn đó chẳng hề thay
Tên trường sao vẫn hoài xa vắng
Hỏi đến bao giờ được thấy đây!?

Chắc hẳn rồi đây phải phục tên
Nguyễn Hoàng danh chúa bậc tiên hiền
Vào đây mở cỏi thiên thu bái
Lại bẳng quên đi chuyện có nên !?

Nam cõi thiên thu bát ngát đây
Non sông gấm vóc tự xưa rày
Nhớ ơn tiên tổ chăm vun quén
Bội nghĩa vong ơn hẳn mấy ai.
                          Quảng Trị, 04/2015.






Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Tìm lại tuổi thơ mình



TÌM LẠI TUỔI THƠ MÌNH

Ta lại về…bên dòng sông quê mẹ
Nơi vườn nhà - ngõ xóm những trưa hè
Nơi đường làng xanh mướt những hàng tre
Con đường đất …sũng bùn từng lê bước

Ta lại về …thăm dòng sông thuở trước
Những nhánh sông với bến tắm - giếng làng
Dòng sông xưa - hay nay vẫn hằng mang
Nguồn nước mát khởi  nguồn từ Mai -  Hãn

Dòng Thạch Hãn bốn mùa đâu vơi cạn
Mạch nguồn thiêng un đúc tự mai rày
Mỗi đông về phù sa cuộn  lấp dầy
Là nguồn sống tốt tươi chào xuân tới

Ta lại về …tìm lại …mình ta với
Tuổi thơ đi … năm tháng với phố - nhà
Những con đường thuở ấy hẳn lạ xa
Đòi theo mẹ …lên tỉnh từng hửng sớm

Thèm que kem THĂNG LONG -  cùng bánh cốm
Kẹo bi tròn -   lắm sắc gói để dành
Kẹo xóc gừng ngọt lịm… mút ngon lành
Kẹo kéo dẻo - dòn ngon bọc nhân phụng

Cứ mỗi lần …túm tay ba đều cũng
Vòi dăm đồng ăn mì xíu - kẹo chanh
Còn một ít dành dụm ghé mua tranh
Cắt từng ảnh ..tụm nhóm …rồi  đánh táng…

Những trò chơi chẳng thể nào xao lãng
Nào bắn bi-  đá dế - cược độ chun
Ăn thì vui- thua lại nổi cơn cùn
Cứ thách nhau … hẹn lần sau tiếp tục…

Ta lại về tìm ngôi trường ấy lúc
Lớp vỡ lòng - tiểu học viết i tờ
Thầy cô luyện ghép âm uốn à ơ
Từng bài đọc - hay câu đồng dao hát…

Khuôn viên trường những lối đi rậm mát
Hàng phi lao tỏa bóng lá cành xuê
Từng hàng cây thẳng tắp phủ tứ bề
Che đông giá và hạ lùa nóng nực

Những mùa hè bao nổi buồn rưng rức
Lại chia xa hẳn những chín mươi ngày
Nơi làng quê hay phố thị ắp đầy
Đó đây bày lắm  trò chơi thỏa thích ..

Thế nhưng vẫn đếm từng ngày chóng tắt
Để đến ngày khai giảng trước sân cờ
Cũng toàn là đồ mới - ấy vậy cơ
Khoe chúng bạn- tung tăng từ hửng sáng

Những mùa hè - tiếp những ngày khai giảng…
Từ i -tờ tập viết - đến ghép vần
Từng câu văn chỉnh tả lại tròn dần
Từng bài toán cộng - trừ - nhân - chia thạo

Những ước mơ gắn liền bao hoài bão
Theo tuổi thơ …lớn dậy mãi không ngừng
Thầy - cô - cùng bè bạn lớp - sân - trường  
Là nơi đã khai bồi tâm - trí -tuệ.  

Ta trở về… nơi dòng sông quê mẹ
Tìm chút dư hương đâu đó hằn in
Nơi trang đời - cất dấu mãi trong tim
Và ký ức
       chẳng bao giờ
                    được xóa.  
Q.Trị,11.7. 2017
Mai Vân-VTT
.  



        

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

Hương Thu



HƯƠNG THU

Từng hạt ngâu đan chùng từng sợi nhớ
Của một thời bao mộng đẹp hằng mang
Nắng vào thu sóng sánh bỡn ánh vàng
Hương hoa sữa …quyện nồng nàn ngây ngấy

Chuyện tình mình… khởi nguồn thương từ đấy
Hà Nội vào thu - hoa sữa trắng ngần
Đường Nguyễn Du lời yêu nhúm nhen dần
Từng ghế đá -  bóng cây cùng hoa cỏ

Em còn nhớ những đêm rằm ánh tỏ
Đôi bóng hình lóng lánh mặt hồ chăng?
Mình đùa trăng - trăng thầm khẻ nhắc rằng …
Hãy giữ lấy …đi nghe ... lời nguyện ước

Một ngày kia chúng ta ẳt sẽ được
Mãi bên nhau cho đến cuối cuộc đời…
Đôi trái tim hòa quyện chẳng tách rời
Cây hạnh phúc… mãi sum cành - mọng quả…

Thế rồi bổng mây đen chùng giăng bủa
Bão tố kia lại bao phủ tứ bề
Từng vạt ngâu lả chả giáng ê chề
Sầu giăng lối …rẻ ngang còn chi nữa…

Chuyện ngày xửa … chuyện xưa là như rứa
Mấy ai yêu …mà thành lứa đôi đâu
Mấy ai yêu … muốn chuốc phải u sầu
Thế mà phải ngậm ngùi …“câu ly biệt”…

Mỗi thu sang… lòng anh buồn da diết
Nhớ về nhau … tình ta bổng hao gầy
Nhớ về nhau …bao kỷ niệm vơi đầy
Nhớ hương yêu … nồng nàn từ dạo ấy….
… ….
Chẳng thể nào quyên …
               chẳng thể nào quyên… …

Q.Trị,06.7. 2017
Mai Vân-VTT
.    
      

Vòng tay học trò



VÒNG TAY HỌC TRÒ

Còn đâu nữa dư hương ngày tháng cũ
Tuổi học trò áo trắng nhuộm sân trường
Mỗi sáng trưa - chiều tối khắp nẻo đường
Đâu đó vẫn râm ran lời đùa bỡn

Mấy vần thơ chẳng thể nào gói gọn
Bấy từ câu chẳng hối nỗi sai lầm
Kiểu nghịch hoang - chọc phá vốn âm thầm
Mà một thuở tuổi học trò gây nổi…

Biết bao bạn từng nhảy bàn nên lỗi
Leo tường rào - trốn học để đi chơi
Tức giận nhau lập nhóm quậy tơi bời
Hay trốn học xem xi nê - hát bội

Lắm bạn gái cũng thường hay quen thói
Quay cóp bài hay quà vặt giữa giờ
Giận hờn nhau  gây lắm chuyện vẫn vơ
Trong lớp học hay ngoài đường đây đó…

Những cuối tuần thường rủ nhau bát phố
Ghé ăn me - cóc -xoài -ổi - cơm dừa
Nước é- chè  - cà rem …mấy chẳng bưa
Chua chua chát…vậy mà không hề chán

Cũng lắm lúc thầy cô buồn ngao ngán
Cứ phạt hoài nhưng lỗi cứ xảy ra
Chẳng tuần nào yên ổn chút cơ mà
Bởi nhất quỹ- nhì ma- ba …thế đó…

Buồn cười lắm … sau mỗi lần trống điểm
Cùng đứng lên… rời bàn bước ra hiên
Có biết bao bạn gái …tiếng ngoan hiền
Lại bị buộc …bím tóc hay vạt áo

Những tà áo cúc lìa thành hai mảnh
Cả nhóm cười đắc chí vỗ tay …khì…
Nháy nhìn nhau như chẳng có chuyện chi
Để cả lớp …trố mắt nhìn ngơ ngác…

Lại còn biết …bao nhiêu câu chuyện khác
Vẫn thường hay lác đác cứ bày ra
Mặc thầy cô và chúng bạn rầy la
Nhưng tính lại chuyện nên nhiều hơn lõi

Đa số bạn chăm học ngoan và học giỏi
Được trường khen - lớp chọn để tuyên dương
Bao tháng năm cùng chung một mái trường
Yêu mến bạn-  thương thầy cô nhiều lắm

Những mùa hè lúc phượng vừa ửng thắm
Khi tiếng ve vừa khởi dạo nhạc buồn
Bao nhiêu dòng nước mắt… đẫm mi tuôn
Tập lưu bút ngất dầy trang lưu niệm.

Những rung động… đầu đời kia chớm điểm
Lời mến thương … dấu kín tận đâu nào ?
Một vài câu  thầm lén viết - gởi - trao
Với người ấy … nhét vào trong cặp vở .’’

Với ấy là … cánh phượng hồng mắc nợ
Ép nằm im trong tập sách y nguyên
Sợi tóc ai …  gói gởi tựa lời nguyền
Đến bây chừ … vẫn hoài bên ta đó

Vòng tay học trò … đời ai một thuở
Những trang hồng đẹp đẽ ấy sao quên
Như vầng trăng mười sáu tựa thần tiên
Mãi lắng đọng
               trong ta  
                  cùng năm tháng.

Q.Trị,07.7. 2017
Mai Vân-VTT
. 


 

         

Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Lời yêu cuối



LỜI YÊU CUỐI

Này anh hỡi ở phương trời xa nhớ
Có nghe chăng lòng ai quặn thắt đau
Những đêm về bao tâm sự nát nhàu
Vì nhơ nhớ- thương thương hoài anh đó

Làm sao quên lần đầu ta gặp gỡ
Ánh mắt nhìn đắm đuối đợi lời yêu
Năm chục năm xa cách vốn bao điều
Anh gieo hết vào em từ lúc đó.

Những tháng ngày xa kia hằng bỏ ngỏ
Nơi đường làng từng trưa - tối thân quen
Nơi ngôi trường  khác lớp …lại rất gần
Ta cùng uống hay tắm chung nguồn nước

Nơi dòng sông quê nhà thuở trước
Vẫn còn kia bến xóm một thuở mà
Mỗi chiều hè gánh nước lội tắm  a
Cùng đùa bỡn … ta tập nhau bơi lội…

Vậy thế mà …đạn bom đành giăng lối
Buổi chia ly chẳng được một từ câu
Ai chia xa …mà không nhuốm tủi sầu
Không nhung nhớ … ấy mới …là chuyện lạ…

Bao năm tháng chúng mình người  mỗi ngã
Anh nẻo tây vời vợi  - em  trời đông
Bỗng chiều kia lại đối mặt tương đồng
Em trao cả cho anh … lời chưa tỏ

Mà ngày ấy chưa một từ kịp ngỏ
Mình lại xa - xa lạc bốn phương trời
Sóng tình giăng - giăng mắc trái tim côi
Mà em vẫn gói buồn thương cùng nhớ …

Một hình bóng - thuở nào ta mắc nợ
Một tiếng yêu …khi tuổi chớm vào đời
Một khúc thương … bổng chốc lại chơi vơi
Ngần nổi nhớ từng đêm lòng khắc khoải

Anh dấu yêu ! chuyện ngày xưa… ngày xửa
Chuyện tình ta ngày đó nhuốm hương yêu
Bỗng chừ đây… khi tuổi luống về chiều
Lại xao xuyến như lần đầu tiên ấy !

Cái lần mà… khi em đà nhận thấy
Một cái gì khang khác ở trong em
Mến hay thương day dứt mỗi từng đêm
Trằn trọc mãi - lăn lóc hoài chỉ thế ….

Viết về nhau - chuyện tình mình chẳng dễ
Bởi chừ đây tựa ván đã đóng thuyền
Em hay anh đều gác lại nợ duyên
Nhưng dẫu gì …
               Lời “yêu”
                           chừ được ngỏ …
Q.Trị,02.7. 2017
Mai Vân-VTT