Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Một thời để nhớ trường xưa NGUYỄN HOÀNG(VTT)


CHS.Nguyễn Hoàng: K -1969-1973
-Văn thiên Tùng  16.9.1953.                                                   
- Thầy Trần Văn Lữ và Hồ Thế Vĩnh
 1969-1970 lớp  8/5
-cô Lê Thị Tránh GVHD 1970-1971 lớp 9/5 .
-1971-1972- cô Võ Thị Hồng GVHD10C1 .
-1972-1973  trại  5 NN Đà Nẵng
(thầy Đỗ Tư Nhơn GVHD lớp11C).
    
-TrẦn ThỊ Man 13.5.1956
 CHS. Nguyễn Hoàng : K 1968-1973
( lớp 6/7 -10B Hòa Khánh)
Quê gốc :  Hải Lăng, Quảng Trị.
Mail:  vanthientungqtlh@yahoo.com;      vanthientungqtlh.blogspot.com





Gõ trên google:
- Thiên Tùng - Vài dòng ký sự 
- Văn Thiên Tùng - Hương Thời gian


 1993
 Ảnh của 2 người cùng năm 1973

HƯƠNG TÌNH QUÊ
                                 

Ai cũng có một quê hương để nhớ
Một tuổi  thơ ấm áp nặng tình nhà
Một giọng nói từ cha sinh mẹ đẻ
Một ngôi trường tình nghĩa thầy trò ta.

Tôi yêu quê từ lúc mẹ đưa nôi
Yêu giọng ấm câu hò thương của mẹ
Mấp máy môi con chỉ cười đáp nhẹ
Cùng tháng năm con vững bước vào đời

Một phố nhỏ một làng quê ta ở
Một con sông nguồn nước lúc đưa nôi
Nguồn phù sa năm tháng lũ đắp bồi
Khơi mạch sống nên hình hài ta lớn

Một tên trường, một tên đường ta đến
Gởi tuổi thơ nhỏ bé để nên người
Gởi không gian đầy ắp tuổi đôi mươi
Gởi tình yêu vào đời thương và mến
Văn Thiên Tùng   8/2009

ĐẾn vỚi NguyỄn Hoàng


Ở quê mình tuy so với trường tỉnh thì chẳng xa lạ gì mấy,nhưng chỉ tiêu để trúng tuyển vào trường tỉnh mà đặc biệt là trường có tên là Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị là cả một vấn đề chứ đâu phải dễ gì vào được.
Mình nhớ rất rỏ khoá thi năm ấy vào ngày 24 /6/ 1966 chỉ tiêu thi vào trường tỉnh nầy chỉ xấp xỉ có được trên dưới 200 thí sinh mà số lượng đăng ký thi lại quá nhiều ( từ Gio Linh  cho đến Hải Lăng, còn có thêm một số con công chức, binh lính đến sinh sống làm việc tại mảnh đất Quảng Trị này nữa).
Trong lúc đó ngôi trường tiểu học mình đang học gọi là trường tiểu học Long Hưng. Học sinh đến học ở đây từ xã Hải Trí, Hải Quy, Hải Phú, Hải Thượng và khu vực trại lính của căn cứ quân sự  Trung đoàn I nữa, sĩ số 2 lớp cuối cấp đến xấp xỉ 120 học sinh, nhưng cuối cùng khi trúng tuyển vào chỉ vỏn vẹn gặp nhau không quá 25.
Khi  có kết quả trúng tuyển xem như bà con, làng xóm đến chúc mừng, người tặng cây viết Pi lốt ( bút mựcNhật), người tặng đôi dép, người cho cái mũ và kể cả sách vở  và đồ dùng học tập hay tiền mặt. Giờ mới biết ngày đó dân làng rất quý trọng việc học hành đôc đạt con em, người   trong làng . Cho nên phải phải gắng sức dũa văn toán, luyện  sử sách để hòng mong đáp lại niềm tin trước gia đình, sau nữa bà con lối xóm. Số còn lại ‘thi hỏng’ chỉ có việc vào Bồ Đề, Thánh Tâm hoặc vì quá tuổi  năm sau phải tiếp tục thi vào các trường Thị trấn Đông Hà hoặc Triệu Phong, Hải Lăng và cuối cùng về quê phụ giúp việc gia đình. 
Mùa khai trường vội đến giũa ngày thu Quảng trị đầy ắp những nổi mừng vì những thí sinh đã trúng tuyển. Riêng mình thì sao lại bị té ngã và gãy tay phải trong khi chỉ còn cách ngày thi 4 ngày thôi ( 20/6). Trong ngày thi năm đó mình đi thi với tay trái  chỉ tập trong 2 ngày làm sao viết chữ được chữ , khi vào phòng thi  quanh mình có đến 5 đứa đều tên Tùng, đề thi toán trúng tủ với 2 bài động tử  thôi đành thua cuộc mình ngồi viết khều khều  cho qua buổi chả có ai viết  hộ cho mình  được. Thế là hết  đành chờ lại năm sau.
Năm sau lại quá tuổi  đành phải về Trung học Triệu Phong thi  và trúng tuyển vào năm đó ( 1967-1968). Thế là phải đi bộ từ nhà đến trường đến 8 cây số, mùa khô thì nói gì , chứ về mùa mưa lũ là cả một vần đề nan giải ngày ngắn, đêm dài, đưòng từ  chợ Sãi đến trường đổ biên hòa do xe quân sự chạy nên vô cùng lầy lội, mùa mưa phải đi đò máy từ xóm Cổ thành đổ bến tại chợ Sãi.
       Năm sau được chuyển  lên trường Nguyễn Hoàng  vào lớp đệ lục 5. Giờ đây quê mình ở đây là vùng ngoại  ô tuy chỉ cách trường tỉnh chỗ nào xa nhất cũng chừng 2-3 cây số mà việc đi bộ là chuyện thường tình.

NhẤt quỸ nhì ma thỨ ba hỌc trò
Có lẽ  đây là một cụm từ  không chỉ riêng thầy cô đặt cho các cô cậu học trò từ xửa từ xưa, mà chính các cô cậu học trò nào cũng biết được, điều mà khi lớn nghĩ lại chẳng ai muốn thế. Năm đệ lục thì chẳng thấm thía  gì nhưng qua năm đệ ngũ, lại ngũ 5  đúng là ngũ quỹ ,thầy Giám Thị đổi từ phòng đầu tầng 1 lên phòng 3 tầng trên. Thế mà trong đám học trò ngũ 5 lại càng tung hoành thành quỹ, vào lớp khi không có thầy thì dùng dây thun bắn đá làm vờ kính dãy ngoài lớp dưới, khi không có thầy la lối om sòm, nhảy từ bàn này qua bàn khác, Anh ơi !, Nớp ơi  rồi Quốc Đình Khánh .. thường hay viết giấy gắn lên áo quý nàng bàn trước, lúc đang học bài lặng lẽ cột áo dài các cô vào nhau dưới chân ghế, khi cô kêu lên bảng thì cả lớp được một trận cười trong nước mắt, cô Muội đi dạy khi nào cũng trong bộ đồ Jip , cô lại quá trẻ và đẹp, có 3 lần cô đã bỏ lớp đi xuống văn phòng báo với thầy Giám thị . Thôi thì được một bữa mắng ra trò. Cả lớp nhìn nhau chả biết chuyện gì ! Thầy giám thị nhìn chằm chằm cả lớp  và hỏi cậu nào làm trò nầy, các cô nàng nhìn các cậu, các cậu thì chẳng biết ai thế cả lớp bị giam phạt  vì chỉ tội cái hột cây “đùng đình” một bạn nào đó chà vào ghế của cô. Trong  học kỳ đầu  đã bị 3 lần phạt nguyên cả lớp, thế nhưng kết quả học tập của lớp vẫn cao so với toàn khối.
Cuối năm thầy  Hồ Thế Vĩnh giáo sư hướng dẫn lớp tổ chức đi dã ngoại tại nhà thờ La Vang, có nhóm rủ nhau lội qua sông Thạh Hãn lên Chùa Sư Nữ trèo lên hài cho thật nhiều hoa Ngọc lan để về chia cho các bạn gái ( loại hoa có mùi thơm ngát , ngọt ngào) hoặc rủ nhau ra quán giải khát tại bờ sông để bơi lội dưới dòng nước trong xanh sâu thẳm bên trên gốc cây bồ đề che bóng, giữa  cái nắng gắt đầu hè, gió lào chớm thổi.  Lúc bọn mình rủ nhau đạp xe về nhà Nớp ở tận Hải Quy rồi  qua Trà Lộc. Đúng là con đường tuyệt đẹp. Hai hàng tre úp vào nhau tạo thành mái che phủ kín cả con đường liên thôn.  Đường rộng trên 6m. Đi trên  đường làng giống như bọn mình đang đi dưới  rừng xanh của dãy trường sơn. Chẳng cần  mũ, nón  trên đầu nhưng  chẳng biết nắng là gì. Mặc dù đây là thời điểm đầu hè nắng rất gắt. Thế là, về đến đây bọn con trai tha hồ ngụp lặn dưới vực sâu của đập đá, đập ngăn dòng sông Vĩnh Định, rồi leo lên qua Rú Cồ Lồ  hái hạt dẻ, hạt muồng, bắt chim , đào dế  ... đúng tuổi thơ trong ta đầy những trò chơi ranh ma, nghịch ngợm. Chẳng khác gì “nhất quỹ , nhì ma, thứ ba học trò” 
 Hôm nay được cùng thầy, cùng bạn,  cùng những niềm vui  của tuổi học trò, tuổi chúng ta đang độ trăng tròn. Còn một tuần nữa  tớ, mầy hoặc tao hay bạn lại chia tay nhau.  Dưới sân trường đầy xác phượng đỏ tươi như  nói lên sức sống của tuổi học trò thay lời chào tạm biệt. Phượng ơi! Hãy nói lời gì đi ... thay lời chào tạm biệt và xin giữ mãi những kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ vào  ký ức chúng ta... 

TỪ sĩ sỐ49 nay còn lẠi36
Đúng chuyện đó là sự thật. Năm nay trong đám con trai đã mất tăm trong danh sách lớp 9/5 là  13  đứa. Vì đã hết tuổi phải đi lính  mình không nhớ hết tên nhưng sau đó thỉnh thoảng nghe kể lại đứa vào lính, đứa thì đổi tên chuyển trường, đứa về quê hoặc  lên xanh làm cách mạng, số còn lại  qua học kỳ 2 thỉnh thoảng phải lên Ty thanh niên hoặc trại nhập ngũ để trình diện. Thôi thì đủ điều,  học để làm gì, ngày mai đi rồi tránh đâu cho khỏi. Cô Tránh Giáo sư hướng dẫn lớp động viên các em gắng học, chiến tranh rồi sẽ chấm dứt, thanh bình sẽ đến. Mấy đứa chưa đến tuổi hoặc gia đình được diện hoãn dịch thì chăm học như Xuân Nho, Tr. Long, Quý Phúc, Thái Văn Trung ... còn lại đa phần bị tác động do chiến tranh. Đấng mày râu thì bồn chồn, buồn vui lẫn lộn chẳng có tâm trạng nào để học nữa vì năm là đúng là hết tuổi thế cả lớp cũng buồn theo chứ chắc gì của riêng ai.
Mình còn nhớ  trại hè năm 1971 ( đã hết tuổi học và phải đi trình diện vì đúng 17-18 tuổi) mình và Văn Hoá được 1 người bạn chụp và kỷ niệm cho 2 đứa 1 cái ảnh  cảnh toàn trường đang tập trung trước lúc  hội trại với dòng chữ  ghi ở đằng sau ảnh của văn hoá  : “Kỷ niệm ngày cuối cùng và cũng là ngày sót lại của tôi trước khi xa lánh ngôi trường thân yêu này” .Thân tặng VĂN HOÁ tháng 9/1971 đó là nguyên văn chữ viết cùng chữ ký của thầy Trần Văn Lữ “ Ý Chí tiến tới “   . Nhưng ảnh thì trước lúc rời xa trường vào lính Hoá đã gửi lại cho mình giữ. Nay vẫn còn, tuy thời gian bị phai mờ  chút đỉnh nhưng hình ảnh chính của trường vẫn còn  nguyên như cũ sau khi được phục hồi lại. Giờ mình trao lại cho Chị Quỳnh người đã có sáng kiến và biên tập liên tập “ TrưỜng NguyỄn Hoàng Chân Dung và kỷ niỆm”  các bạn nhé !!!




10C1 của tôi ơi!
HỘi ngỘ rỒi sao vỘi chia tay ....
Lớp 10C1 của tôi đúng vào năm đầu tiên trường Nguyễn Hoàng có 2 lớp C (C1 anh văn sinh ngữ chính và C2 Pháp văn). Lớp có sĩ số là 38 em do cô Võ Thị Hồng GVHD lớp . Hoàng Tiễn là bạn học lớp 6 của trường Trung học Triệu Phong người to khoẻ nhất lớp. nay làm lớp trưởng ( hiện nay Giáo viên trường cấp I Tân Thành , Hướng Hoá gốc làng Bích La Triệu Phong) điện thoại 053.877.633,
Chúng tôi đến từ rất nhiều trường nay gặp nhau giữa hội mùa xuân năm Nhâm Tý (năm  học 1971-1972) là năm học đầu tiên của cấp học. Nào có ngờ đâu chỉ gặp gỡ nhau trong 1 học kỳ, thậm chí bây giờ đến tuổi 52 nầy mong được gặp nhau để biết ai là 10C1, nếu  biết tên chắc gì nhớ mặt. Chiến tranh vội đến như đàn ong vỡ tổ,  bay đi  chẳng biết đâu  là nhà trên mọi miền đất nước. Chính lớp trưởng Hoàng Tiễn lúc này nay không nhớ đến 10 bạn, làm sao  mong có được một cuộc hội ngộ khi đất nước thanh bình, độc lập và thống nhất như thế này. Chúng ta sinh ra và lớn lên vào mốc lịch sử trên dưới  năm 1954.  Nếu so với lớp đàn anh 11C thì 10 C1 chúng mình thua mất, vì ngay đầu năm điểm danh, lớp trưởng biết tên không biết mặt, sơ đồ lớp mới hoàn thành được 2 tháng vì  thay đổi chỗ ngồi ...
Khi viết những dòng tâm sự nầy mình có một hy vọng các bạn sẽ nhớ về nhau từng cụm trường sau khi  rời lớp 9. với tâm nguyện mong được nối vòng tay lớn cho 10C1 để khỏi tủi thân cho đứa con ban C sinh sau đẻ muộn của trường, hay nói đúng hơn ra đời  nhằm đúng lúc binh đao “Quảng Trị rực lửa chiến tranh”.
      Mình còn nhớ “chừng  chừng” là:  cánh Triệu Phong của mình có Hường, Mỹ Thuần,  Hằng...là những cô học Triệu Phong  lên,  3 Hoa trầm buồn ít nói Đoàn Hoa, thị Hoa,Mỹ Hoa, Tiễn được lớp và cô Võ Thị Hồng chọn làm lớp trưởng, Huề, còn Nọ thì thích hát nhạc tiền chiến và nhạc phản chiến cho lớp nghe, Ty cao lều khều, Thạnh  mập không thể tưởng tượng ... cánh Cam lộ có Xuân Bình, Thái Văn Trung  .... Nguyễn Hoàng, Bồ Đề, Thánh Tâm  có Bích Lan, Xuân Lộc,  Văn Thị Hoà, Nguyễn Thị Hoa, Đoàn Thị Hoa ít nói, Nguyễn Thị Đức trầm buồn mắt lại tròn xoe, Cẩm Vân vô tư, Bích Đào mơ mộng, Anh Ngọc trắng đẹp gái, Thị Bê , Thị Cúc, Kim Cúc, Cao Thị Vui, Ngô Thị Mỹ, Võ Thị Kiều Minh, Lữ Thượng Thọ hay nói,  Nguyễn Tân cao và Tân mập, Nguyễn Tiến 3 chàng thì thích chơi nhạc cổ điển và tình ca của Trịnh Công Sơn, Lê Toản ( Triệu Phong),Nguyễn Ngự (Hải Thọ) , Đỗ Duấn ( Hải Thiện) ... và còn ai  ai nữa mong các bạn khi đọc được những dòng tâm sự này xin tiếp bước cho  10C1, kẻo 10 - 15 “niên”  chắc gì gặp được nhau... 
   Nay điểm lại trong đặc san “Hội mùa xuân năm đó”  10C1 của mình thì  chỉ vỏn vẹn mấy chùm thơ trong mục hội thơ của trường đó là: Vĩ Hà Ngự ( Thiên Thai) Nguyễn Thị Kim Cúc ( Đón xuân nhớ bạn ) và mình là Mai Vân Tùng ( đi tìm mùa xuân) do Vành khuyên và bầy chim sẻ thì thầm trong cánh rừng mùa xuân.  Về các mặt hoạt động khác cũng chưa thấm tháp vào đâu.
      Giờ  nghĩ lại. Và cố nhớ lại 34 năm qua đi. Nhanh thật... Từ đất nước chia cắt đến hoà bình thống nhất. Một thuở thanh bình  mà mấy ai được hưởng trọn đời người,  bao ký ức trở về, tuổi thơ của chúng ta thật tuyệt đẹp, nhưng  bị cuốn đi theo dòng xoáy cuộc chiến. Chẳng một chàng trai trẻ,  chẳng một cô gái nào trong chúng ta được hưởng trọn vẹn như thế hệ con, cháu chúng ta hiện nay.
     Chắc trong lớp ta bạn nào cũng nhớ  khi tiễn đưa Thằng Tiễn , Hộ, Ty, Lập , Nọ và cứ thế ... cả lớp  đồng thanh hô xin cô cho lớp  đi thăm bạn đã bị vào  lính. Còn Lữ Thượng Thọ lúc ấy là Hướng đạo Việt Nam thường xuyên đến trước giờ học hoặc trong giờ ra chơi đựợc bao nhiêu đứa gái, trai cùng hát đồng dao hoà bình của Trịnh Công Sơn, Nối vòng tay lớn, Huế Sài gòn Hà Nội, Ôi tổ quốc ta đã nghe, tự nguyện  ...
      Chỉ qua  kỳ học I,  lớp nay còn sĩ số 29.  Thầy cô, bạn bè  chưa biết hết tên, giỏi lắm nhớ nhiều nhất  cô  Hồng (giáo viên hướng dẫn lớp). Thế  là chiến sự xảy ra, trường mỗi ngày học sinh càng ít đến lớp, vì phải theo gia đình đi lánh nạn và cuối  cùng chẳng biết ai đi đâu, ở đâu trên mọi miền đất nước, còn hay mất  ở lứa tuổi 18, 19 nầy, tuổi đang tràn đầy sức sống hay nói đúng hơn vào “ngưỡng cửa cuộc đời” ...

TrưỜng trong nhà vòm quân sỰ
Khi  mọi người lần lượt  theo dòng người  tránh đạn, tôi cùng gia đình tiếp tục Huế sau đó được chuyển vào căn cứ quân sự của Mỹ tại Non nước vào Đà Nẵng,   Chỉ sau một thời gian nhà trường tổ chức cho các em trong 5 trại bắt đầu tiếp tục ghi danh học tập  năm học mới tại  trại 5 Non Nước.
Trường chúng ta ở đây là những ngôi nhà vòm  được ngăn vách chia lớp bằng những tấm ván ép. Mỗi học sinh đi học phải mang theo ghế để ngồi, mỗi nhà  vòm có từ 2-3 lớp. Lúc này Thầy Đỗ Tư Nhơn giáo viên hướng dẫn lớp 11C. Sĩ số lớp có  21 ( gồm 7 nam và 14 nữ).
Lớp có 8 bàn, 2 bàn trước dành cho các đấng mày râu. Khi học bài thầy trò chỉ qua 2 tuần đã biết hết tên và tính tình của mỗi đứa. Trong lớp giờ còn  lại Nguyễn Thị Đức, Dương Thị Bích Đào, Đoàn Thị Hoa, Nguyễn Thị  Hoa, Cẩm Vân, Bích Lan. ..Con trai có Tân, Tân, Tiến, Toản, Ngự, Bình, Trung  và mình ...( lúc đó khai tuổi lại 1957 tên  là Tụng). Có 1 lần  nhóm Diễm Trang biệt danh   bạn lớp 10 A3  phòng bên tường ván nghịch bắn giấy qua lớp 11C   bị thầy  Nhơn bắt được  1 lần,  thế là bọn con trai bị một trận  mắng ra trò vì  lúc ấy thầy đang giảng bài mà trò lại không tập trung, trong học kỳ I bị thầy phê  vào học bạ là học thiếu tập trung cả 3 đứa ...
Một năm học qua nhanh chúng tôi thi nhau viết lưu bút, chúng tôi chuyền tay nhau 21 bạn viết lưu bút. Đúng vậy, sau kỳ nghỉ hè lại lần nữa mối người đi một nẻo, Vân , Đức, Hoa theo gia đình di dân vào tận đâu đó Nam trung Bộ (Bình Tuy, hay sông Pha Ninh Thuận), tôi, Toản, Tiến, 2 Tân  ra Huế học mỗi đứa mỗi trường, số còn lại  đứa ra Thị Tứ Hải Lăng, đứa thì chẳng biết đi đâu ...
VỀ các hoẠt đỘng khác :
Đặc biệt tại Đà Nẵng học sinh Nguyễn Hoàng tham gia sinh hoạt phân đoàn Hội Hồng Thập Tự Quảng Trị  trên 35 đoàn viên vào đây lớp 11C  có 8 bạn, thường xuyên đi sinh hoạt hàng tuần và cứu trợ đột xuất.
Và đặc biệt trong đợt hè năm 1974 trường đã tổ chức học sinh toàn trường tại Đà Nẵng lên tàu ra Huế thăm quan  các công trình di  tích cố đo Huế..  Hay lớp 11C chúng tôi được tổ chức đi sinh hoạt dã ngoại tại  Biển Nam Ô ... đúng là nhứng hoạt động đáng nhớ của tuổi học trò ... nhưng rất tiếc những bức ảnh mình có giữ được đâu nó đã bị trận lụt 1982 mượn đi sạch.
Mình nhớ có đợt khi dân về  lại quê hương  Thầy Thăng và Thầy Lợi đã đưa  phân đoàn ra Mỹ Chánh nằm gần 1 tháng để cấp phát đồ cứu trợ cho dân mình về Quảng Trị sau khi hiệp định chấm dứt chiến tranh ( lúc đó Lê Văn Chánh đoàn trưởng) và được Trung ương Hội HTT tổ chức cắm trại toàn miền nam tại đồi Thiên An  (15/5/1974)1 tuần, rồi ra thăm Thị xã Quảng Trị  sau khi kết thúc chiến tranh. Ôi ! Quảng Trị điêu tàn...Trường xưa không còn nữa !!!
Về hoạt động báo chí trên đất Quảng xứ người đã có những bút nhóm Mây Ngàn ( lúc đó có Hữu Gio Mai trong ban biên tập), Hương đêm ( Hữu Thành trong ban biên tập sau theo gia đình di dân vào di dân  Ninh Thuận), Lạc Loài ( Khung trời xứ Quảng Trần Anh Tuấn trong Ban biên tập) ... Chúng tôi thường trao đổi gửi bài cho nhau và in rô nê ô thành tập để cùng nhau nói lên những thiết tha nguyện vọng sớm kết thúc cuộc chiến, đất nước thống nhất và không giặc ngoại xâm cũng như nổi đau của một con người, một đất nước đang bị bom đạn cày xới ...
 Khi viết những dòng chữ này trước hết chúng em vô cùng biết  ơn Nhà trường cũng như quý thầy cô đã tận tình, vì tương lai của thế hệ trẻ đã vượt qua muôn vàn khó khăn giữa lòng cuộc chiến để dựng nên trường và chúng em được đến lớp. Chúng em là những học sinh Quảng Trị  đang bị cuốn trong cơn lốc chiến cuộc. Không nhà, không đất  thậm chí không có gia đình để nương tựa trên khung trời xứ Quảng (  Được” bút nhóm lạc loài” tại Đà Nằng chọn đặt tên cho  tập san học sinh Nguyễn Hoàng trên đất Quảng ). Những Kỹ sư tâm hồn đã chăm chút từng ly, từng tý để vun trồng cho cây đời xanh mãi màu xanh biết bao thế hệ. Lúc này đây, trường lại chia làm 2 khu vực là Hoà Khánh và Non Nước, thầy cô dạy cả đôi nơi, gia đình lại cùng chung số phận với học trò, chẳng biết trách riêng ai, chỉ mong cuộc chiến mau kết thúc để được trở về, được nhìn lại quê hương sau cuộc chiến cái gì còn hay mất.  Và cũng tại nơi đây chúng em vô cùng đau xót khi bạn bè lớp ngũ 5( cũ) có mặt để cùng nhau ngồi bên thầy Trần Văn Lữ  ( dạy văn lớp 8/5) nhìn chúng em với 2 hàng lệ đỗ. Chúng em cố nắm thật chặt tay thầy với suy nghĩ   rằng Thầy sẽ không đến nổi thế. Nhưng sự thật lại khác Thầy nhìn chúng em cùng người thân gia đình với muôn vàn xót xa, thương cảm, mắt 2 khoé mắt Thầy lăn dài hai dòng lệ ướt với vầng trán thâm hồng,ai ngờ đó là lúc Thầy vĩnh biệt chúng em ...  Chẳng ai nói với ai, chúng em  cùng oà lên khóc. Nhớ lại mái tóc râm của thầy khi giảng bài  trên lớp với giọng trầm chất chứa trong những dòng thơ  Kiều và nhớ nhất tập thơ Thầy tặng chúng em, bằng những tình cảm chân thành của người Thầy đáng kính đã nói lên ước vọng, hoài bão của một người Thầy đang hết mình thế hệ mai sau...
Và  đây khi “lưu bút mùa hạ’ chúng em vừa chuyền tay nhau đọc xong trên những trang giấy hồng phấn mịn. Thầy Phan Phụng Thạch không còn trên cõi đời này nữa. Thầy ra đi  thanh thản như những lời nhắn nhủ của thầy khi chia tay mùa hạ. Lời chia xa trên trang giấy màu hồng chỉ dành cho thế hệ chúng em,  cho mỗi mùa phượng nở, chứ đâu phải cho thầy !!! Chia tay rồi chia xa mãi mãi trên đất lạ xứ người,  để chúng em càng xót thương hơn khi  mỗi lần đọc lại trang “lưu bút mùa hạ” còn thơm mùi giấy mới, rồi nức nở, rồi tức tưởi,  nén nổi buồn sâu thẳm đáy lòng sao lệ  mãi tuôn trào .... Thôi đành gấp lại ... Thầy ơi! Em không đọc nữa sợ hình bóng thầy lại hiện về khi những lời nhắn nhủ trong từng trang thơ. Từ này về sau em chỉ  len lén đọc mà thôi... 
   Em  cứ nghĩ bạn bè  chúng em lần lượt ra đi vì  chiến cuộc. Còn thầy sao lại bỏ chúng em ra,  khi mùa hè chỉ chia tay cho những trang sách học trò chứ đâu phải  đến  thầy.  Lúc ước vọng tràn đầy và mong đơm  cho đời những mật ngọt, hoa thơm. Xây những  cho đời  những cây xanh, quả ngọt .... xin các bạn hãy cùng tôi dành cho thầy một chút và chỉ một chút thôi để tưởng nhớ đến hương hồn của Thầy Trần Văn Lữ, Thầy Phan Phụng Thạch,  các bạn như : Thái Văn Trung, Huề, Nọ  và ai ai nữa ... đã cùng có tháng năm kỷ niệm, tình nghĩa thầy trò, bạn bè thân hữu  dưới mái trường thân thương Nguyễn Hoàng Quảng Trị.  Nơi con đò tri thức đã chở nặng nghĩa tình  cho ta trí tuệ ta sáng ngời  đến bến bờ vô tận của đời người hữu hạn.

Khi vỀ vỚi đỜi thưỜng
      Tuổi học trò qua đi nhanh thật và cũng đúng lúc chúng ta bước vào tuổi hai mươi, đất nước kết thúc chiến tranh, 3 Miền Bắc - Trung - Nam   một nhà sum họp. Ước vọng  hoà bình đã đến, nhịp cầu chia cắt nay đã nối liền. Chúng ta nay được đoàn tụ dưới đất trời tang thương Quảng Trị với muôn vàn gian lao, khổ cực, một đất nước sau chiến tranh. Mỗi người mỗi cảnh, giữa đời thường chẳng ai lại giống ai, thầy trò thường xuyên gặp nhau nhắc lại chuyện xửa chuyện xưa để cùng chung  hoài bão. Như  những dòng thơ  thay lời nhắn gởi:
Các em còn nhớ về ngôi trường cũ ?
Vườn thiên đàng của tuổi nhỏ  vàng son
Thầy đứng đó như một loài cổ thụ
Chút bóng hiền che nắng lũ cây con...
                                  ( Lưu bút mùa hạ )
Vâng các em còn nhớ chứ. Nhớ như in hình bóng ngôi trường. Từng góc tường, bóng cây và phòng học chất chứa nghĩa tình. Nhớ dáng vóc thầy xưa, từng giọng nói thầy cô thắp sáng hồn em  suốt những tháng, năm dài của không gian hạn hữu, tuổi thơ lớn dần lên trong từng trang sách vở và chất đầy kỷ niệm đẹp.  thầy, cô  là ánh  đuốc sáng trong mỗi một tâm hồn chúng em.
Nhớ mãi, chúng em còn nhớ mãi. Nhớ thầy Sấm giảng bài toán học, những đường cong, đường thẳng hay quỹ tích không gian; Chúng em chăm chỉ làm bài thầy đứng ban công nhìn vào lớp học trầm ngâm không nói một lời  bài  làm em nào vẫn điểm cao. Hay thầy Quảng khi dạy thay giờ, tính thầy  nghiêm và nóng nảy làm cả lớp phát run, giọng thầy Lữ trầm ấm  khi đọc phân đoạn trong truyện Kiều, Thầy Vĩnh trẻ đẹp hướng dẫn lớp giờ học nào cũng linh hoạt, cả lớp lúc nào sôi nổi hẳn lên. Đến cố Tránh, thầy Cổn dạy anh và tôi nhất là cô Muội mới vào lớp đã bị quấy rầy, nghĩ đến cô chợt nhớ lại nhiều bạn thời đó sao mà nghịch đến thế. Thầy Dị , Thầy Quýt, cô Ngộ , thầy Nhẫn, cô Tương và Thầy Nhơn  những giờ văn học thầy giảng nhanh như gió bão.... và
Rồi bên nhau các em tìm lẽ sống
Vun xới tin yêu trên đất của lòng
Cây sẽ xanh và đâm chồi hy vọng
Các em cùng ta làm lớn quê hương...
                    ( Lưu bút mùa hạ)
Về  giữa quê hương sau những năm dài chiến tranh, chúng em những học sinh sinh Nguyễn Hoàng của bao thế cùng bà con chung xây dựng lại những mất mát đau thương. Ươm lại những mầm xanh đâm chồi, nẩy lộc giữa nắng hạ hay gió Lào cát trắng, giữa rét đông hay cơn bão miền trung. Bằng công sức, mồ hôi ta chặn đứng dòng sông,  khơi nguồn  kênh Nam thạch Hãn, tạo màu xanh thêm xanh của  cánh đồng 2 mùa Triệu Hải. Những di tích lịch sử từng bước, từng bước được tái tạo  thành hình hài quê hương, một quá khứ hào được ông cha tạo dựng  “từ  những  di tích lịch sử, từ những địa danh trên mảnh đất nhỏ bé này “Thành Cổ,  La Vang, Cầu Hiền Lương, Đá nổi,Trấm, Trái, Cùa, Ba Lòng, Hòn Linh, Bậc lỡ , Trầm Trà Lộc, cửa Tùng, cửa Việt ...và sẽ có cả tên những danh nhân lịch sử . 
 Sau 30 năm gần một nữa đời người, mong thấy được những gì đã mất. Chiến tranh qua đi, nay những ký ức còn lại trong mỗi một con người, biết để mà nhắc lại. Biết để cùng nhau chung sống giữa đời thường. Những khó khăn, những thu hận, những rẻ chia, là những gì  ... cho là chưa phải, đã qua rồi những chuyện hôm  qua  và xin cùng nhau làm lớn quê hương... 
                                                                                    Tháng 4/2006
                                                                                  Mai Vân Tùng  (MVT)

PHẦN PHỤ TRANG ẢNH

Thẻ học sinh của Tùng


 

Ảnh thẻ HS J'eanne D'Arc ( 73-74)
 
Lá thư của Bút nhóm Lạc loài và dấu  
( Trần Anh Tuấn 532 Đinh Tiên Hoàng , Đà Nẵng gởi)
Giấy chứng nhận đoàn sinh HTT Quảng Trị tại Đà Nẵng


Chứng chỉ học trình hết cấp học 1971

Ảnh các lớp đệ Thất đến đệ nhất ( 1966-1974)



 
Bà và cháu nội 
 
ông và cháu ngoại 

 
 bạn bè hội ngộ quê nhà
( Địa đạo Vịnh Mốc- vĩnh Linh Tùng- Đoàn Hoa- Trần Sanh- Trần Đình Hướng- Lê Thị Mân- Man- Ngô Thị Mỹ)
 

 
Gia đình con gái rượu
 
  Linh Nhi-   Trà My
 
  Minh Anh
 
 
 
Bốn cháu ngoại bên nhau 
Linh Nhi-Trà My; Minh Anh và Minh Quân


Trà My lên 5 , nhận bằng đạt giải khuyến khích Hội thi 
vẽ tranh năm 2010 do Sở VHTT tỉnh Quảng Trị trao tặng
Mẹ bạn Sĩ Tiêu- Cô Anh và cô Liên, mẹ Trà My  
Sĩ Tiêu và Trà My chụp ảnh Kỷ niệm
Tranh của Trà My ( các em xem hội đua thuyền trên sông ) 




Trà My lên năm
Sinh nhật 2 cháu : Trà My lần thứ 6 và Linh Nhi lần thứ 12 ( 19/9/2010)
Các cháu  cùng thổi nến thầm ước nguyện


X và Trần Thị Man 10B Hòa Khánh 73

 


Thầy Quang, Tùng,Thầy Nghiên,Lệ,Do, Thanh


Phụng - Tùng



 

Tại phong Nha Kẽ Bàng  4/8/09

 
 Bạn bè tình thân ái về lại quê hương

Trước cổng trường xưa ( ảnh dưới)