Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

HỒI ỨC MIÊN MAN La Thụy.

 

HỒI ỨC MIÊN MAN
 La Thụy.

 
 Mùa hè đỏ lửa năm 1972, chiến tranh tàn phá Quảng Trị. Theo dòng người tản cư vào Đà Nẵng, trường Nguyễn Hoàng tiếp tục hoạt động với 2 phân hiệu : một ở trại Hoà Khánh, một ở trại 5 Non Nước (các trại tản cư của người tị nạn Quảng Trị ). Lớp 10A3 chúng tôi thuộc phân hiệu đặt tại trại 5 Non Nước (Hoà Long, Hoà Vang, Đà Nẵng). Trại 5 Non Nước vốn là căn cứ quân sự cũ, một phi trường bị bỏ hoang do lính Mỹ giao lại. Trường Nguyễn Hoàng lúc đó gồm vài dãy nhà bán kiên cố, vách ván, mái tôn khá rộng rãi, nhưng trống hoang trống huếch. Quý thầy cô phải cố gắng mới ngăn tạm các phòng học bằng những tấm “gót” tre, hở trên, trống dưới, các bạn nghịch ngợm có thể chui lòn qua các lớp bạn một cách dễ dàng. Trường chỉ trang bị cho các phòng học bảng lớp và một số bàn học sinh, không có các băng ghế. Học sinh đi học phải mang theo ghế đẩu từ nhà đến trường mới có chỗ ngồi. Vì các phòng học chỉ ngăn tạm bằng gót tre nên không có sự cách âm tối thiểu nào. Đang giờ học sử địa, nhưng tiếng giảng bài của thầy lý hoá, của cô Việt văn, thầy toán… của các lớp chung quanh vẫn nghe rõ mồn một. Ngược lại, lớp này phát âm đồng thanh tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp) thì các lớp gần cạnh chỉ việc nín khe, nếu không muốn đọc phụ hoạ theo. Giờ học luôn có sự “hoà âm” bất đắc dĩ như thế. Cuộc sống tạm bợ trong trại tạm cư cũng bất ổn. Những điều này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy và học của thầy trò trường Nguyễn Hoàng lúc đó, nhưng không làm vơi đi sự tận tâm của quý thầy cô cũng như tinh thần hiếu học của học sinh trường Nguyễn Hoàng. Chính những hình ảnh ngộ nghĩnh ấy lại là hồi ức sâu đậm cho tôi, dù gần 45 năm đã trôi qua
 
Bốn mươi lăm năm rồi, phải chăng thế
Ơi ! Mái tôn vách ván sân trường xưa
Ơi ! Bè bạn thẹn thò ngày mới lớn
Ghế cầm tay thắm dệt đoá hoa mơ
 
Nguyễn Hoàng ! Thôi vời vợi ngôi trường cũ
Ngăn phên gót vẫn thích hơn tường vữa
Tiếng học ồn ta vẫn thấy véo von
Còn chăng hương má cốm đến thơm giòn
 
Lớp 10A3 Nguyễn Hoàng niên khoá 1972-1973 do thầy Cái Ngọc dạy môn vạn vật làm giáo sư hướng dẫn. Cũng như các lớp đệ nhị cấp khác, lớp 10A3 học vào buổi sáng (cạnh các lớp 10A2, 10A1, 10B,11C…). Cô Võ Thị Hồng dạy môn Việt văn, thầy Nguyễn Văn Thị dạy toán (đại số và hình học). Thầy Lê Quang Dị dạy công dân giáo dục. Thầy Nguyễn Quang Kế dạy Anh văn (sinh ngữ 1) khoảng 2 tuần, sau đó thầy Trương Thúc Cổn về thay. Thầy Lê Văn Gioang dạy Pháp văn (sinh ngữ 2). Thầy Lê Ngọc Dinh dạy sử địa. Thầy Nguyễn Đôn Hộ dạy lý hoá. Lúc đầu, danh sách lớp 10A3 có 51 bạn, nhưng thực học có 49 bạn (2 bạn có tên nhưng không hề học gồm: Nguyễn Ngọc Minh và Võ Đình Mướp). Sau đó có 1 bạn vào học trễ (Lê Thị Hoa). Như vậy đầu niên khoá, lớp 10A3 có 50 bạn cùng chung học. Nhưng đến cuối niên khoá, lớp chỉ còn 47 bạn (có 3 bạn bỏ học: Trần Ngọc Nghĩa phải đi quân dịch, Nguyễn Hùng Việt bỏ học sau giờ thi lý hoá đệ nhị lục cá nguyệt vì bị du đảng vây rượt đánh, Nguyễn Mộng Thanh cũng bỏ thi vài môn).
Hồi đó, chỗ ngồi trong lớp do học sinh tự phân định lấy, không hề có sự sắp xếp của giáo sư hướng dẫn. Lớp trưởng được bầu là Lê Trước, nhưng anh này không chịu làm, tôi là người giữ sổ điểm. Khi các thầy cô bước vào lớp, Trần Quốc Cường chủ động hô lớp đứng dậy chào. Cường cũng khá năng nổ khi tiếp xúc với các thầy cô nên có lẽ trong cái nhìn của thầy hướng dẫn lớp Cái Ngọc thì Cường là lớp trưởng, (vì điểm hiệu đoàn cuối niên khoá của Cường là 19 điểm, cao hơn điểm 18,75 của tôi). Ngồi ở 2 dãy bàn đầu bên nam (theo thứ tự từ ngoài vào) gồm: Tôi, Trần Quốc Cường, Hoàng Văn Oanh, Trương Đăng Hùng, Nguyễn Văn Bình, Phan Khắc Tu… Ngồi bàn đầu bên phía nữ gồm : Lê Thị Thắm, Lê Thị Mỹ Trúc, Cao Thị Xuân Lan, Nguyễn Thị Liên. Tôi, Cường và Oanh ngồi gần nhau lại cùng sở thích văn thơ. Trong những giờ giải lao, bộ ba thường chụm lại làm thơ nối vần với nhau. Oanh là người có tâm hồn thơ nhất, hay đột xuất ra đề tài và làm những câu thơ đầu tiên, tôi và Cường tiếp tục nối vần. Tôi còn nhớ những bài thơ như "Cánh sen vàng, Cành trúc, Xuân lan thu cúc", mà chúng tôi làm chung với nhau (lấy tên các bạn gái trong lớp như : Hoàng Liên, Nguyễn Liên, Mỹ Trúc, Xuân Lan làm đầu đề). Chẳng hạn như bài "Cành trúc" :
 
Len lén chiều về với gió sương
Cây buồn rũ chết giữa trời sương
Xác xơ cành trúc vươn hồ nước
 
Oanh viết 3 câu thơ liền, tôi và Cường suy nghĩ hồi lâu mà chưa nối thêm được câu thơ thứ tư, nhưng nhanh trí tôi vụt đọc tiếp : “Đứng chịu tang trời đổ bóng đơn”. Các bạn đều vỗ tay khen hay. Đúng ra câu thơ trên là của một thi sĩ tiền chiến mà tôi thuộc đem lắp ghép vào mà thôi. Cường đọc to bài "Cánh sen vàng" làm hai cô bạn Hoàng Liên và Nguyễn thị Liên thẹn đỏ mặt. Sự thực là Cường yêu thầm Lê Thị Thắm, anh chàng dạn dĩ tuyên bố: “Cánh sen vàng" của Cường chính là Thắm đó. (Sau này Cường và Thắm đã thành duyên vợ chồng). Cường cũng đã từng nghịch ngợm viết trên bàn học của Lê Thị Thanh Thương (em thầy Gioang dạy Pháp văn) trong ngày nghỉ Chủ nhật, cải biên thơ Hàn Mặc Tử :
 
“Đêm qua nằm mộng thấy Thanh Thương
Má đỏ au lên đẹp lạ thường”
 
Sáng thứ hai vào học, đám con gái xôn xao bàn tán ầm ĩ, nhất là “xóm nhà lá” ngồi các dãy bàn phía sau. Quý cô nương này nổi tiếng là siêu quậy; các lớp 10A1, 10A2 và nhất là lớp 11C bên cạnh nhiều khi bị các trò quậy nghịch của quý nàng mà phải chịu “văng miểng”. Quý nàng lấy biệt danh “Diễm Trang", đang giờ học bắn giấy gửi thư tình chọc ghẹo mấy chàng, làm họ bị thầy cô la rầy vì tưởng nhầm trong lớp đang đùa giỡn với nhau; ngay thầy Nguyễn Đôn Hộ, giáo sư dạy lý hoá trẻ (mới ra trường) lần đầu bước vào lớp đã bị quý nàng trêu chọc đến nổi phải quăng phấn hậm hực thốt lên: “nham nhở”. Trong quý nàng, nổi trội có Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Lê Thị Tuyết Thu, Trần Thị Ái Nghĩa, Trần Thị Năm, Nguyễn Thị Thanh Thanh. . . Một kỷ niệm mà 10A3 khi gặp lại là nhắc đến: Vào giờ Anh văn (sinh ngữ 1) của thầy Trương Thúc Cổn, giờ học hôm đó chuyển sang buổi chiều, học chung với các lớp đàn em đệ nhất cấp (cạnh các lớp 6), thời tiết thì nóng ơi là nóng, và đám học sinh lớp 6 thì ồn ơi là ồn. Thầy Cổn đang dạy, thầy giảng “thì hiện tại hoàn hảo" (The present perfect tense) của một động từ thông thường : It’ s ( = It has) nhầm với “thì hiện tại đơn” (The simple present tense) của động từ TO BE : It’s ( = It is). Tôi lên tiếng thắc mắc, thầy đính chính cho lớp liền. Ngay sau đó, đám nữ siêu quậy hoạt động mạnh. Thế là 2 nàng “nữ quái” Lê Thị Tuyết Thu, Trần Thị Năm bị lôi lên bảng, nằm sấp mặt trên nền lớp và bị thầy “đại uý” Trương Thúc Cổn áp dụng kỷ luật quân đội quất cho mấy hèo liền, khóc bù lu bù loa... Tuyết Thu nổi tiếng với trò đùa : đứng chận ngay cửa ra vào, không cho nam sinh (loại hiền lành nhút nhát ) vào lớp. Trước đây, lúc còn học lớp 7, lớp 8… Lê Đình Ninh và vài anh nam sinh trắng trẻo, hiền lành phải bật khóc vì kiểu giỡn chơi này (khi học Anh Văn vào buổi tối ở Ty Điền Địa QT – gần rạp chiếu bóng Kim Châu tức rạp Đại Chúng cũ ). Một lần đang lon ton xách ghế vào lớp, tôi bị chặn ngay trước cửa lớp bởi 2 nàng Nguyễn Thị Ngọc Thanh và Lê Thị Tuyết Thu. Nói nhỏ, nói dịu năn nỉ mãi không được, nổi nóng lên tôi mới xáng cho Ngọc Thanh một tát tai. Thế là cửa lớp được khai thông, tôi bước lẹ vào lớp nhưng Ngọc Thanh rớm lệ, đám con gái la hét mắng mỏ um sùm. Nói thiệt, lúc đó tôi cũng hơi bị run vì đám nữ tặc này diễu võ dương oai dữ quá, nếu có nàng nào nhảy vô, chắc tôi phải vắt giò lên cổ bỏ chạy thôi. Các bạn biết không ? Trần Thị Ái Nghĩa và cô em Trần Thị Phú đã từng dám học võ Thiếu Lâm ở trại Tình Thương chung với đám con trai mấy mươi đứa đó. Hoa lạc giữa rừng gươm mà còn coi như không, thì mình có "xi- nhê" gì ! Mấy bữa sau, Quốc Cường mới chọc mấy nàng: “ Thằng Phú mới xoa má nhẹ một chút, rứa mà đàn chị đại tỉ chi mô đã són lệ rồi ”. Mấy nàng nhăn răng cười khì, tôi mới có dịp xin lỗi làm hoà. Nghịch thế thôi, nữ sinh lớp tôi dễ thương lắm. Tôi đã gặp Ái Nghĩa ở Sài Gòn, giờ là bà nội, bà ngoại rồi. Ái Nghĩa rất lanh lợi, tháo vát đang làm dịch vụ du lịch dã ngoại cho các quan chức ngoại giao nước ngoài (trụ sở đặt tại TP HCM) vào những ngày Chúa nhật. Đối với bạn bè Ái Nghĩa rất ân cần, tràn đầy tình cảm, nhất là chồng Nghĩa – anh Thanh hiếu khách “trên cả tuyệt vời”. Tuyết Thu tôi nghe nói ở đâu khoảng Long Khánh, Xuân Lộc, Bà Rịa… và đang bị bệnh thì phải, bạn nào rõ cho mình biết với.
Nam sinh quậy lớp 10A3 cũng “khét tiếng” lắm. Nguyễn Hùng Việt được xem là đàn anh thứ dữ. Một hôm, trong giờ thi môn lý hoá đệ nhị lục cá nguyệt, Việt ngồi cạnh tôi, đòi tôi đưa bài thi cho “ngài” chép. Nói tử tế, tôi giúp ngay nhưng đe doạ thì đừng hòng ! Việt chồm qua định giật bài thi của tôi, thì thầy giám thị coi thi nhắc nhở, Việt tạm ngồi im. Lúc đó tôi nhìn ra cửa sổ; thấy hai, ba chàng du đãng mặt mày dữ tợn đang đưa nắm đấm lên hăm doạ. Làm bài mà lòng tôi hồi hộp, run lên. Cứ nghĩ rằng họ là bạn của Việt. Việt cũng không thèm đoái hoài gì đến tôi nữa. Hết giờ, thí sinh lục tục rời phòng, tôi nấn ná ở lại, lo sợ nhìn quanh thì Việt đã phóng ra khỏi lớp từ lúc nào. Sau đó nghe tiếng la hét vang lên nhốn nháo: “Du đãng cầm dao rượt đuổi nhau bây ơi !”. Hỏi chuyện nhau, mới biết Việt với đám giang hồ gây thù chuốc oán sao đó, nên bị họ đến thanh toán. Từ đó Việt bỏ học đi đâu mất dạng. Ngoài Việt ra, còn có Nguyễn Kim Phụng, anh chàng này tuy nhỏ con nhưng nhiều đứa cũng phải gờm mặt không dám trêu ngươi. Phụng học với tôi từ năm đệ thất đến năm lớp 10, anh chàng chưa hề ăn hiếp hoặc hù doạ ai, nhưng bạn của Phụng là những anh chị thứ thiệt : “băng cột điện 192” khá khét tiếng trong lứa tuổi thiếu niên hồi đó (lúc chúng tôi học lớp 7, lớp 8, lớp 9), băng đảng này có Võ Văn Nhơn bạn học lớp tôi từ đệ thất đến lớp 9. (Nhơn là bạn thân và là hàng xóm của Phụng - nhà trên đường về Hạnh Hoa Thôn và Trí Bưu, gần nhà Cao Thị Kim Lương).
Trong lớp có Lê Nguyên, Lê Đình Tứ (cháu thầy Lê Đình Chỉnh), Nguyễn Mãn, Lê Hữu Kháng, Lê Văn Quy, Lê Thọ Tuyển, Nguyễn Thọ, Võ Văn Đôn, Lê Văn Toàn, Lê Hoà… những bạn ngồi phía sau hiền lành và ít tham gia hoạt động lớp. Lê Nguyên,Võ Văn Đôn cùng học với tôi từ năm đệ thất đến lớp 10. Lê Nguyên, người Nhan Biều, là cháu thím Quy (vợ chú Quang của tôi ). Hồi còn học lớp 8, lớp 9 Nguyên đã đi học bằng chiếc xe Gobel, ra dáng anh hùng xa lộ lắm. Các bạn nữ như : Cao Thị Thanh Thuỷ, Trần Thị Nếp, Trần Thị Hoàng Liên, Trần Thị Thu Lam, Nguyễn Thị Ninh, Trần Thị Thảo, Nguyễn Thị Kim Thu, Phan Thị Tự, Nguyễn Thị Vu, Phan Thị Liễu, Trần Thị Ngoan, Đào Thị Bạch Nhật, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Thị Hoài An…. nói chung đều hiền lành, rụt rè ít nói. Cao Thị Thanh Thuỷ người làng Trà Liên, là em ruột thím Nhàn (vợ chú Đức của tôi). Hoàng Liên, nhà ở Thạch Hãn, đối diện với nhà thầy Trần Văn Lữ. Liên có em gái Hồng Phượng, lúc đó học lớp 10B, rất xinh nên là đối tượng chiêm ngưỡng của nhiều chàng trai trường Nguyễn Hoàng. Phan Thị Liễu, người Nhan Biều, hiện là giáo viên đã nghỉ hưu, hiện ở xã Tân Phước, La Gi, Bình Thuận. Chồng Liễu, anh Hải cũng là đồng môn NH hơn Liễu ba lớp. Anh Hải thật thà đôn hậu, đối xử rất nhiệt tình với bạn học của vợ mình.
Trường NH lúc đó vẫn được quản lý bởi thầy hiệu trưởng Thái Mộng Hùng. Nhưng nhà thầy ở Đà Nẳng, phải điều hành hai phân hiệu (Non Nước – Hoà Khánh), cách xa nhau hơn 20 km, nên thầy không thường xuyên có mặt. Giám học trường vẫn là thầy Nguyễn Thiện. Thầy Hồ Ngọc Thanh, tổng giám thị luôn có mặt ở trường (nhà thầy ở ngay trong trại 5 Non Nước). Năm học này, trường NH bùi ngùi tiễn đưa thầy Phan Phụng Thạch (quản thủ thư viện trường - giáo sư dạy sử địa lớp đệ thất 3 của tôi niên khóa 1968 - 1969) - một nhà thơ tài hoa về nơi an nghỉ cuối cùng. Đoàn người tiễn đưa thầy Thạch đông hàng nghìn người, ngoài tang gia quyến thuộc, đồng nghiệp, thi văn hữu, thì học sinh toàn trường Nguyễn Hoàng đang tản cư ở Đà Nẵng đều hiện diện đông đảo. Ai cũng rưng rưng xúc động nhớ thương vị thầy giáo tài hoa mà mệnh yểu. Chưa tròn một năm sau đó, thầy Trần Văn Lữ - người bạn thân của thầy Phan Phụng Thạch - vị giáo sư quốc văn khả kính của nhiều thế hệ học sinh Nguyễn Hoàng cũng ra đi trong sự tiếc thương của gia đình thân hữu , đồng nghiệp và học sinh Nguyễn Hoàng.
Quý thầy cô dạy 10A3 đều để lại cho chúng tôi những kỷ niệm khó quên. Thầy Cái Ngọc, giáo sư hướng dẫn lớp, dạy môn vạn vật trầm lặng ít nói, thầy thường để lớp chủ động giải quyết công việc. Trần Quốc Cường, Trương Đăng Hùng và tôi được thầy giao cho công việc cộng sổ, viết bảng điểm của các kỳ thi lục cá nguyệt vào thành tích biểu cho các bạn trong lớp. Trương Đăng Hùng viết chữ rất đẹp, nên sau khi bị hư 1 bảng điểm cuối niên khóa (do có chỉnh sửa, bôi xoá); Hùng sao chép thêm 2 bảng điểm cuối niên khoá nữa, sau khi nộp bảng chính đẹp nhất cho giáo sư hướng dẫn. Hắn giao cho tôi 1 bảng sao chép và 1 bảng bị hư do sửa chữa và hắn chỉ giữ 1 bảng sao chép. Tôi cho Lê Thị Mĩ Trúc bảng điểm có chỉnh sửa. Hè năm 1977, khi về Quảng Trị tôi cho lại Nguyễn Văn Bình bảng sao chép hoàn chỉnh duy nhất mà tôi còn giữ (nghe nói hắn để cho mối mọt gặm nát rồi, chán thiệt!). May sao, Mỹ Trúc đã photocopy bảng điểm Trúc đang giữ và gửi vào cho tôi (khổ giấy A1, to rộng lắm). Bạn học 10A3 NH cũ nào cần thì liên hệ tôi hoặc Mỹ Trúc để xem.
Thầy Thị dạy toán, thấp lùn, béo tròn. Mặt thầy hồng hào, miệng cười tươi trông phúc hậu như Phật Di Lặc. Tôi vốn mất căn bản toán, đúng ra phải chọn ban C, nhưng niên khoá đó, trường NH không mở ban C nên tôi mới miễn cưỡng học ban A. Thầy Thị dạy rất dễ hiểu. Tôi ngồi bàn đầu, hay được thầy trò chuyện. Thầy hỏi : “ Minh, Liên, Đức là gì của em ?” (Đoàn Minh, Đoàn Liên, Đoàn Đức là những học sinh cũ của trường NH, nổi tiếng học giỏi, và là những người chú ruột của tôi; sau này chú Đức dạy Nguyễn Hoàng môn Anh Văn, có dạy lớp 11A3 niên khoá 1973 -1974 từ lớp 10A3 của chúng tôi lên). Giờ học toán, thầy Thị lại đố tôi Anh văn: “Đố Phú ICCS (viết tắt chữ tiếng Anh "Uỷ ban Quốc tế kiểm soát ngừng bắn bốn bên") xếp các nước thành viên theo thứ tự alphabet mà sao Ba Lan lại xếp sau Gia - nã - đại ? Tôi trả lời : “Dạ thưa thầy họ xếp tên các nước theo alphabet của tiếng Anh chứ không theo tiếng Việt ạ ! Gia - nã - đại viết theo tiếng Anh là Canada, nên xếp trước Ba Lan, tiếng Anh là Poland”. Thầy khen giỏi làm tôi đỏ mặt. Không thể để thầy chê là dốt toán nên tôi cố gắng tự học, tự ôn lại nội dung các lớp dưới để lấy lại căn bản. Trong giờ học, thầy hay cho làm “toán chạy”. Có một chuyện làm tôi nhớ mãi: để nộp bài trước những bạn gái, chúng tôi làm toán rất nhanh, do đó đọc đề không kỹ, tôi nộp bài sớm nhất. Thầy Thị xem bài gật gù liên tục: “Đúng ! Đúng! Đúng!...” làm tôi khoái chí nở mũi khá to. Đột nhiên, thấy la lên: “Trời ơi! Răng mới làm chừng ni đã vội nộp rồi… A! Á! À! A!...”. Thì ra tôi mới làm được phân nửa bài, chỉ tạm xong câu a, chưa làm câu b nhưng sợ thua các bạn nữ mà đại diện nổi trội là Lê Thị Thắm (em ruột cô Lê Thị Em, giáo sư dạy lý hoá NH), nên đã chạy lên nộp trước, phải một bữa quê mặt. Nhờ sự tận tâm, gần gũi của thầy Thị nên tôi học toán khá trở lại.
Giáo sư dạy Anh văn (sinh ngữ 1) của chúng tôi là thầy Trương Thúc Cổn, dạy liên lớp 10, liên lớp 11. Mới vào học thầy ra ngay bài kiểm tra cho tất cả các lớp với một dạng đề như nhau (không phân biệt lớp 10 hay lớp 11). Tôi còn nhớ đại khái như sau
Dịch ra Anh văn các câu sau :
1.Thầy hiệu trưởng trường chúng ta là thầy Thái Mộng Hùng, cao gầy, đẹp trai, nghiêm nghị
2. Thầy dạy Anh văn lớp chúng tôi trước đây là thầy Kế, thầy đeo kính cận, đến trường bằng xe jeep trắng
3.Chị em trao đổi :
- Chị ơi ! Chúng ta có thể lên cung Hằng bằng cách nào nhỉ ?
- Dễ lắm em ạ ! Chúng ta có thể du nguyệt điện bằng phi thuyền Appllo 11 do Mỹ chế tạo đấy…
Do bài làm của tôi hợp nhãn với thầy hay sao, đi dạy lớp nào (kể cả lớp 11C), thầy cứ biểu dương tôi mãi, làm tôi hết sức ngượng ngập vì bị các anh chị lớp 11C trêu chọc khi đi ngang qua lớp họ (chị Đoàn Thị Hoa của tôi học lớp 11C đó).
Cô Võ Thị Hồng dạy Việt văn là người hết sức tình cảm. Trong giờ nghỉ, cô hay trò chuyện với học sinh, nhất là các bạn gái. Năm sau, ra trường Quốc Học Huế học, tôi lại gặp cô dạy ở đây. Phan Ngọc Đăng (lớp 10A2 NH) và tôi chuyển trường cùng học lớp 11C Quốc Học. Chúng tôi hay đến nhà cô ở Vỹ Dạ (Huế) chơi và khoe cô việc hai chúng tôi thay nhau dẫn đầu lớp 11C Quốc Học, cô rất vui. Do xa nhà (gia đình chúng tôi vẫn ở các trại tạm cư Đà Nẵng), chúng tôi thường về thăm nhà, nhưng không có người thân xin phép nghỉ học. Trường Quốc Học Huế rất nghiêm, chỉ cần vắng 1 ngày không phép là gửi ngay giấy mời phụ huynh học sinh lên gặp (chúng tôi gọi đùa là gửi “mandat”). Đăng và tôi phải đến nhờ cô bảo lãnh giùm. Sau khi trách mắng, cô gặp thầy giám thị xin cho chúng tôi. Có một lần, chúng tôi đến nhà cô chơi. Trong gia đình cô hình như có chuyện gì không vui, chúng tôi không được đón tiếp như mọi khi. Chúng tôi giận, tránh mặt cô (dù gặp trong sân trường ) nhiều tháng liền. Điều này làm cô buồn lòng. Chưa kịp xin lỗi cô, thì sự kiện lịch sử mùa xuân 1975 xảy ra, tôi vào Bình Tuy với gia đình, không tiếp tục học Quốc Học nữa. Cô, trò từ đó chưa liên lạc với nhau. Viết những dòng này, em xin cô bỏ qua cho những phản ứng nông nổi, trẻ con của em lúc đó, mong cô luôn vui khoẻ và đầy ắp tình cảm bao dung như thuở nào.
Thầy Lê Quang Dị, dạy công dân giáo dục, thầy thường cho học sinh lên bảng diễn thuyết, tự giới thiệu về mình. Sau này, thầy chuyển về Huế, chúng tôi hay đến nhà, thầy trò nói chuyện khá tâm đắc.
Thầy Lê Văn Gioang dạy Pháp văn (sinh ngữ 2). Thầy nghỉ nhiều do sức khoẻ yếu (bệnh phổi) nên chúng tôi học Pháp văn bị gián đoạn, hết năm lớp 10A3 chỉ học xong bài 8 trong cuốn “Cours de Langue et de Civilisation Francaises” tập 1 của G. Mauger. Lúc ra học lớp 11C Quốc Học Huế, đầu niên khoá chúng tôi bắt đầu học bài 30 cũng sách trên. Nhờ sự tự học trong hè 1973, chúng tôi mới bắt kịp chương trình và không để thua kém các bạn Huế.
Thầy Nguyễn Đôn Hộ dạy lý hoá còn trẻ, mới ra trường nhưng đã có phong thái đĩnh đạc. Thầy khá nghiêm khắc, có phản ứng gay gắt với những nữ sinh tinh nghịch. Thầy Hộ hát hay, ăn nói có duyên (khi đã hoà đồng cùng học sinh trong các buổi dã ngoại), lại có kiến thức khá rộng (không chỉ trong môn lý hoá của thầy). Nhiều nữ sinh có vẻ xao xuyến, thường chụm lại bàn tán “chuyên đề” về thầy. Không ít nam sinh đau tim vì “người trong mộng” tỏ ra hờ hững với mình nhưng lại chú trọng đến thầy Hộ.
Thầy Lê Ngọc Dinh, dạy sử địa rất hay. Thọc tay vào túi quần, thầy lôi cuốn học sinh bằng những bài giảng hấp dẫn không chỉ trong phạm vi sử địa mà còn mở rộng ra ngoài phạm vi văn chương, chẳng hạn câu chuyện “Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ”. Học sinh chúng tôi đồn rằng thầy là một cao thủ đai đen Judo, vì vậy những đám đánh lộn trong trường thường tự động “bỏ cuộc” khi thấy bóng dáng thầy.
Lớp 10A3 chúng tôi được thầy cô dẫn đi dã ngoại ở Nam Ô (Liên Chiểu, Quảng Nam, gần đèo Hải Vân ), và tự tổ chức đi chơi chùa Non Nước (Ngũ Hành Sơn), cách Trại 5 Non Nước khoảng 10 km. Chúng tôi còn giữ được một số ảnh chụp của lớp trong những chuyến đi dã ngoại đó. Trên núi Non Nước, Trương Đăng Hùng, một bạn rất khéo tay đã dùng dao đẽo khắc vào tảng đá tên lớp 10A3 và ngày tháng khắc, rất đẹp. Giờ đây tảng đá có còn chăng hay tan biến theo bụi thời gian ? 
 
Thương thắm thiết lớp mười xưa cũ đó
Tảng đá buồn rêu phủ tên A3 ?
Thương Non Nước hang sâu cùng dốc núi
Mây bay về ai nhắn kể chuyện ngày qua
 
Lan và Thắm còn than chăng chân mỏi
Hường , Trúc ơi vẫn ngọt nước dừa tươi
Trên đỉnh núi nhấm hoài vắt xôi dẻo
Thoáng mắt nhìn Thân có thấy bồi hồi 
 
 Chúng tôi hồi đó gồm : Cường, Oanh, Bình, Phú, Hùng, Tu (nam sinh ) chơi khá thân với nhóm nữ như: Hường, Trúc, Xuân Lan, Thắm, Thân. Một số bạn thường ghép đôi tôi với Thân. Thân là cô gái dễ thương, đảm đang về nữ công gia chánh, việc ẩm thực khi đi picnic, dã ngoại đều do Thân phụ trách là chính. Thân còn có tên gọi ở nhà là Thuận, nên có bạn đọc ghép thành Thuận Thân. Thân có cháu gái tên Huệ học lớp 9 rất xinh, Thành học lớp 11A2 theo đuổi, vì vậy anh chàng hay gọi trêu Thân là dì Thuận. Như đã nói, trại 5 Non Nước vốn là một phi trường nên có phi đạo khá đẹp chạy dọc theo bờ biển Hoà Long. Chúng tôi ghép chữ phi đạo và hải (biển) đặt thành tên riêng cho nơi này: Phi Hải. Tôi nhớ, có một lần đi chơi chung nhóm về, do mang xách đồ lỉnh kỉnh, Thân dừng lại nghỉ, các bạn trêu, thách tôi làm thơ tặng... Nhìn những dãy núi xa xa xanh biếc cắt hình trên nền trời, tôi đọc :
 
“ Em dừng bước bài thơ tình in bóng .
Cảm hồn trời bao dãy núi trầm tư”.
Thân thẹn chín đỏ mặt, vội bước đi . 
Tôi lại đọc tiếp :
“ Em chuyển bước trùng dương nào cuộn sóng .
Dưới bàn chân hồi hộp biển cây xanh”.
 
Cả nhóm vỗ tay cười vang. Thực ra những câu thơ trên là của thi sĩ Đinh Hùng, tôi chỉ vay mượn, đọc lên cho kịp thời mà thôi. Những kỉ niệm đó đã hoá thân vào thơ khi tôi hồi tưởng lại :
Và Phi Hải cát vàng chao sóng vỗ
 
Ta ngày xưa nồng ấm đẹp hồn mơ
Chưa yêu thương nhưng lòng hoài rộn rã
Ơi Thuận Thân ! Ơi ngày tháng xa đưa
 
Học sinh chúng tôi hồi đó có độ tuổi không đồng nhất, có khi cách biệt 4; 5 tuổi là thường. Những nam sinh lớn tuổi sinh vào thời loạn ly không thể ngồi yên trên ghế nhà trường. Trần Ngọc Nghĩa phải “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Có bữa, nhiều bạn gái không cầm được nước mắt khi thấy Trần Ngọc Nghĩa xúng xính trong bộ đồ tân binh rộng thùng thình trở về lớp thăm, lúc Nghĩa nghỉ phép. Một số bạn nam khác phải đổi tên họ và làm lại khai sinh nhỏ tuổi lại, chuyển sang học trường khác: Hoàng Văn Oanh cải tên là Hoàng Văn An qua học trường Bồ Đề, Trần Quốc Cường thay khai sinh học bạ lại là Trần Văn Hùng, Trương Đăng Hùng thì biến thành Trương Thành Hưng. Không ít bạn bạn nam thay tên đổi họ như thế.
Hè đến, cuối năm học trước khi chia tay, học sinh viết lưu bút cho nhau. Tôi còn giữ hai tập lưu bút năm đó. Nhiều bạn viết rất cảm động. Có bạn tỏ rõ khiếu viết văn: Lê Thị Hường với bút hiệu Tuỳ Hương và Hoàng Văn Oanh có lời văn mượt mà như tuỳ bút văn học. Văn đã thể hiện tính cách con người. Trương Đăng Hùng đã viết :
 
“Ngày mai đôi ngả cách xa rồi
Tôi về đơn độc một mình tôi
Người ơi tôi viết dòng lưu bút
Kỷ niệm ngày sau có thế thôi”
( Trương Đăng Hùng )
 
Quả thực, sau này Hùng sống đơn độc, lạnh nhạt với bạn bè, dù tình cờ gặp nhau hay có ai đó đến thăm Hùng, kỷ niệm chỉ có chút ít thế thôi. Còn Quốc Cường nồng nhiệt hơn với những dòng lưu bút sau 
 
“Mai này ta sẽ cách xa nhau
Mỗi đứa một phương một chuyến tàu
Hành trang đầy ắp dòng lưu niệm
May mắn gặp nhau chớ cúi đầu”
( Trần Quốc Cường )
 
Có lẽ, phong cách viết lưu bút của Cường hợp với những câu sau (thơ tôi tình cờ đọc của một tác giả chưa biết tên )
“ Mai sau có gặp lại nhau .
Xin đừng cúi mặt để đau lời chào”
Hè ở trại tản cư không có một tiếng ve, không có sắc hoa đỏ thắm của nhành phượng vĩ, tôi cũng đã viết lưu bút :
Hè đến rồi đây em biết không
Vắng tiếng ve ran vắng phượng hồng
Về ta em nghĩ gì chăng nhỉ !
Hay chỉ thờ ơ xem như không?
 
Năm 1975, ngay sau khi bộ đội miền Bắc tiếp quản Đà Nẵng, tôi có đến trại 5 Non Nước thăm lại một vùng đất in dấu nhiều kỷ niệm thời học trò hoa mộng. Trước mắt tôi chỉ còn là vùng đất hoang vu cát trắng. Thời gian vùn vụt trôi qua, mới đó đã gần 45 năm rồi. Khói sương kỷ niệm lãng đãng bao phủ làm trào dâng những cảm xúc dào dạt trong tôi về thầy xưa bạn cũ, xin ghi lại lên đây ít hồi ức về ngày tháng hoa niên thơ mộng đó
 
Trường học cũ giờ tan thành cát trắng
Thầy cô xưa mù biệt với ngàn khơi
Thời tản cư chập chờn vương hư ảnh
Khói sương mờ hay kỷ niệm lên hơi
Thoáng kỷ niệm về bơi trong đáy mắt
Ta trầm ngâm hoài tưởng cả trời xưa
Nghe vang vọng dư âm bao tình mất
Thoảng bay cao diệu vợi những giai thừa.
LT. 
 


 



















Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

CHUYỆN LÒNG Song An –VQ.

 

CHUYỆN LÒNG
Song An –VQ.
 
 

Tính tuổi đời, nay tôi đã ở vào U80, thế mà vẫn thích viết lại chuyện tình cảm vớ vẩn thời U16,17, thì quả thật buồn cười! Nhưng, cũng có kẻ vô danh tiểu tốt muốn trở thành người nổi tiếng nên quyết làm một chuyện ngớ ngẩn lạ đời nào đó chọc cho thiên hạ cười để được tặng danh hiệu “ông gàn”. Vậy nên, suy đi nghĩ lại, tôi vẫn muốn viết nó ra; giá như được tặng danh hiệu “lão gàn” cũng thấy sướng bụng!. Tuổi này không viết thì biết khi nào viết được nữa!. Chẳng lẽ cứ thinh lặng ôm mối sầu hận vào lòng rồi tự than thân trách phận như anh chàng học trò mồ côi nghèo thuở xưa:
Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan!
Vâng, tôi phải viết. Dẫu sao thì vẫn muốn bạn đọc nó. Biết đâu lại có người đồng cảm và sẻ chia tâm sự với mình!.
Bạn ạ, hoàn cảnh của tôi sao lại giống cái anh học trò nghèo trong truyện ấy quá, mà chưa biết ai nghèo hơn ai!. Thuở ấy tôi nghèo lắm, mồ côi cha lúc mới 6 tuổi, Mẹ thương tôi quá, ở vậy nuôi con, không bước thêm bước nữa. Cha chết, để lại cho mẹ con tôi một ngôi nhà tranh nho nhỏ, có 4 mái, có khung bằng gỗ, có 3 cửa ra vào. Đến năm 1953, giặc Pháp đi lùng đốt cháy trụi cả làng. Bà con thương cảnh mẹ goá con côi nên giúp dựng cho một túp lều bằng rạ nhỏ xíu, có một cửa ra vào cũng lợp rạ, chống lên sập xuống hàng ngày để hai con người khốn khổ có thể duy trì sự sống. Thế mà Mẹ tôi đi cắt thuê cấy mướn, làm lụng khổ nhọc thâm ngày thâm đêm; việc gì khó khăn, nguy hiểm người khác ngại không làm, mẹ tôi nhận làm hết, cực khổ mấy Mẹ cũng cố sức chịu đựng. Mẹ hy sinh cả cuộc đời miễn nuôi con khôn lớn bằng người. Ngày tháng trôi qua, Mẹ cũng bòn chèn cất lên được một cái nhà tranh có cột có kèo, có 3 cửa ra vào như trước. Mẹ xứng đáng để tôi phong danh hiệu “Bà Mẹ anh hùng”!. Hoàn cảnh khốn khổ như thế nhưng không hiểu động lực nào xui khiến mà tôi muốn được đi học cùng các bạn con nhà khá giả trong làng. Mẹ thương con nên cũng chiều lòng. Học xong bậc Tiểu học, tôi lại xin Mẹ lên học Trung học trường quận, học chung với nhiều đứa con nhà giàu, nhiều nữ sinh xinh đẹp vùng chợ Sãi và từ thị xã Quảng Trị về. Bọn con gái ăn diện bảnh bao, gợi cảm, mặt hoa da phấn, đi đứng yểu điệu như quý bà. Nhiều nam sinh trong lớp để ý, đi theo tán tỉnh. Riêng tôi, tôi biết thân biết phận mình lắm; nhìn vào đồng phục của mình, quần xanh chẳng ra xanh, áo trắng không còn trắng; dưới chân đôi dép cao su sờn quai, tay cắp cái cặp cũ mòn vừa đựng sách vở vừa đựng mo cơm bới, thì thử hỏi còn nghĩ tưởng gì đến những thứ hàng xa xỉ ấy!. Chắc bạn cho rằng tôi muốn than nghèo kể khổ?. Nhưng, dẫu không than, không kể thì học sinh cả trường Trung học quận Triệu Phong thời ấy cũng đã biết rõ về cái nghèo của tôi.
Thế mà cuối năm Đệ tứ, tôi thi bằng Trung học Đệ nhất cấp đỗ hạng khá cao. Mẹ rất mừng và tự hào về con mình. Nhưng khi tôi xin lên học trường tỉnh thì Mẹ tái mặt, la lớn:
Con điên rồi sao?
Học đến đó là mẹ hết sức rồi. Lên trường tỉnh lấy gì ăn mà học?
Tôi khăng khăng đòi cho được, nói con tự kiếm cơm ăn để học; tôi còn viện lý do, nếu không học thì đến tuổi quân dịch phải đi lính, rồi bỏ thân nơi chiến trường thì mẹ sống với ai?!
Mẹ sợ quá nên chiều lòng con lần nữa. Vậy là tôi lên học trường tỉnh. Trường tỉnh là cái trường Đệ nhị cấp danh giá và duy nhất của cả tỉnh. Tôi ghi tên vào lớp Đệ tam C (ban Văn chương) vì thấy có năng khiếu về ngoại ngữ, và nghĩ rằng ban này thi dễ đỗ hơn các ban A,B. Lớp Tam C của tôi có 9 đứa nữ sinh, toàn là con gái nhà giàu, ăn trắng mặc trơn, phấn son lòe loẹt và chơi nhiều hơn học. Hồi ở trường quận tôi đã ngán mấy con bé đỏng đảnh kia rồi, nay gặp thêm bọn nữ sinh thị xã này, thực tình tôi dị ứng lắm!. Thầy cố vấn (hay GSHD nay gọi là thầy chủ nhiệm) thấy tôi ở nhà quê lên, học hành nghiêm túc nên cử tôi làm tổ trưởng của cái tổ hầu hết là con gái này. Nhóm con gái được thầy xếp ngồi hai bàn đầu, mỗi bàn 4 đứa; còn thừa 1 đứa phải ngồi xuống bàn sau, mà lại ngồi cạnh tôi. Thầy giao nhiệm vụ cho tôi là phải giúp thầy quản lý bọn “quỷ sứ” ấy để lớp học được trật tự. Tất nhiên bọn con trai cũng nghịch nhưng thầy dễ trị hơn. Cái tật con gái nói chuyện riêng, ăn quà vặt và quay qua quay lại chọc nhau trong giờ học khiến các thầy bực lắm, đau đầu lắm. Nhưng nói mãi bọn chúng vẫn chứng nào tật nấy, không thay đổi được bao nhiêu.
Mỗi lần tôi nhắc nhở thì chúng lườm mắt nguýt tôi và đe:
- Nè, nói cho mà biết, việc ai nấy làm, không chõ mồm vào việc người khác. Bọn này đã tự biết mình phải làm gì. Liệu hồn mà sống nhé!
Tôi tức điên, nhưng cũng đành phải làm thinh, gây chuyện với chúng chẳng có lợi gì. Mình còn phải lo việc học hành của mình.
Qua năm Đệ nhị (lớp 11 bây giờ), thầy lại trao đổi riêng với tôi:
- Em phải giúp thầy. Bọn con gái nhà giàu thì việc thi cử đậu hỏng đối với chúng không quan trọng, hỏng thì năm khác chúng thi lại, nhưng mình phải có trách nhiệm với lớp, với trường và với phụ huynh. Em thử nghĩ xem, nếu cuối năm lớp mình thi rớt quá nhiều thì có thấy xấu hổ không?!.
Tôi thương thầy nên hứa sẽ cố gắng. Đầu tiên, tôi tác động vào con nhóc ngồi bên cạnh, tên nó là Thu Sương. Tôi nói nhẹ nhàng, phân tích lợi hại, có tình có lý. Dần dần nó cũng nhận ra chơi nhiều quá, mất căn bản sẽ nguy hiểm cho việc thi cử vào cuối năm. Tôi hứa sẽ hết lòng giúp nó học bù lại những chỗ bị mất gốc, và nó phải giúp tôi tác động vào 8 đứa nữ sinh đỏng đảnh còn lại. Không ngờ việc làm của tôi đem lại kết quả như ý thầy. Tôi được thầy khen, thấy lòng vui sướng lắm. Về sau, khi đã thân nhau, Sương ngỏ ý mời tôi đến nhà chơi. Tôi rất ngại, nhưng nghĩ đến trách nhiệm thầy giao nên cũng đánh bạo làm một việc chưa từng làm là đến chơi nhà bạn gái con nhà giàu!.
Một hôm Sương bảo đến nhà nó rồi hai đứa cùng đi bộ đến nhà Thanh Thảo để tạo nhóm học tập. Tôi thấy việc làm hay nên rất mừng và đồng ý liền. Tôi đạp chiếc xe cũ rích, không phanh, không chắn bùn cũng chẳng có chắn xích, đến tựa vào bên ngoài vách nhà Sương rồi hai đứa cùng đi đến nhà Thảo học nhóm. Dĩ nhiên là tôi làm nhóm trưởng, hướng dẫn các bạn gái học và giải hộ những bài tập khó, khi thì bài luận Việt văn khi thì bài tập ngoại ngữ… Việc này tôi làm tự nguyện và thấy rất hài lòng. Ngờ đâu, dần dà Sương lại làm cô giáo dạy tôi biết thế nào là tình yêu và cách ứng xử với con gái. Những buổi học nhóm về, nó rủ tôi vào quán nước ngồi tán chuyện. Lúc chỉ có hai đứa, nó đem bài ra giảng. Nó dạy tôi hiểu tâm lý phụ nữ, nhất là tâm lý bọn con gái tuổi dậy thì như tụi nó. Nó chê tôi khô khan, trái tim gỗ đá, không biết rung động trước những tình cảm ướt át của phái nữ. Nó bảo đáng ra tôi nên chọn ban A, B mà học; đã đi ban Văn chương thì phải lãng mạn, ga-lăng mới hợp. Nó còn nói, con trai mà chỉ biết làm con mọt sách, không biết yêu là gì thì phí mất cả tuổi thanh xuân; thứ con trai rụt rè, nhút nhát như tôi thì bọn con gái thấy dị ứng lắm!.
Ngồi nghe giảng một thôi một hồi, mặt tôi nóng bừng lên, muốn choảng cho nó một trận; nhưng đã lỡ hứa với thầy là cố gắng nhỏ nhẹ để thuyết phục tụi nó chịu học, nên tôi cũng đành đấu dịu cho qua chuyện. Tôi bảo tại cái tính trời sinh sao thì chịu vậy. Nó càng trương gân trương cổ cãi lại, tính ấy phải sửa ngay, sửa ngay; nếu không thì sẽ chịu “trăm năm cô đơn!”.
Về nhà nghĩ lại, tôi thấy mình cũng quá cứng cỏi, vụng về trong giao tiếp nên tự hứa sẽ thay đổi dần để dễ hòa đồng với bọn chúng hơn. Mấy tháng sau nó thấy lời giáo huấn của nó có phần tác dụng nên lại trêu:
- Này, đằng ấy đã biết yêu là gì chưa?
- Chưa. Có biết cũng bằng thừa. Ai mà thèm yêu mình!
- Có đấy!
- Ai?
- Rồi sẽ biết.
Tôi chịu thua cái kiểu đu đưa này nên ngắt lời nó, và bảo thôi không trêu nữa, phải lo học để đối phó với kỳ thi cam go trước mặt. Với mình, chỉ được phép nói chuyện yêu đương khi đã có sự nghiệp; một túp lều tranh hai quả tim vàng là ảo tưởng!. Nó làm bộ hờn giận bảo thôi thì đi về, từ nay không thèm học nhóm nữa. Tuy nhiên, hai con bạn thân của nó là Thanh Thảo và Ngọc Lan có vẻ chịu khó và chăm chỉ hơn nên luôn thuyết phục tôi duy trì nhóm, và sau đó các buổi học nhóm vẫn được tiếp tục đều đặn.
Một hôm đi học nhóm về, tôi và Sương cùng về nhà nó để lấy xe đạp. Tôi lên xe đi được chừng 10 mét thì một tay sĩ quan đeo hai mai vàng chói, mặt đỏ gay, từ trong quán nhậu bước ra giữa đường chận tôi lại, chỉ thẳng vào mặt và đe:
- Này, tôi cấm cậu từ nay không được đến nhà ấy nữa, nghe chưa?
Tôi bị dọa bất ngờ, lòng hoang mang lo sợ lắm. Trước sự ra oai của y, không biết nói gì hơn, tôi chỉ ngoan ngoản và lễ phép “dạ” một tiếng thật tội nghiệp rồi dắt xe đi thêm một đoạn thật xa mới dám leo lên xe đi về nhà trọ. Đêm ấy tôi đem bài ra học, quyết tâm quên chuyện hồi chiều nhưng không cách nào học vô được!. Đêm nằm thao thức, đoán già đoán non rằng có lẽ nhà người ta không muốn mình làm bạn với con gái họ nên bày ra kế này chăng?. Hay chính tay sĩ quan kia là bồ bịch của Thu Sương, thấy mình đi với nó thì ghen tức mà đem lời dọa dẫm?.
Dẫu nghĩ cách nào thì tôi vẫn thề rằng từ nay không chơi với Sương, và tất nhiên là không bao giờ bén mảng đến cái nhà ba tầng sang trọng sát bên quán nhậu ấy nữa.
Mấy buổi học sau, Sương thấy thái độ của tôi khang khác liền nêu thắc mắc, cật vấn mấy lần tôi cũng quyết giữ kín không trả lời vì tự ái xen lẫn mặc cảm. Bây giờ Sương lại đi năn nỉ tôi, đôi khi trông nó tức tối, buồn bã tôi cũng thấy tội. Sương nói thẳng với tôi rằng, không thích chơi với nó thì tùy, nhưng phải nói rõ lý do tại sao. Tại sao ư?
Tôi đâu dám kể sự thật ấy ra, vì dù sao mình vẫn phải giữ danh dự của mình chứ. Tôi chỉ nói xa nói gần rằng dường như gia đình nó không muốn tôi đến nhà chơi, hoặc đi học cùng nó. Nó phản ứng mạnh, bảo cha mẹ nghe kể tôi con nhà nghèo mà chăm học và lên học được ở cái trường Đệ nhị cấp danh giá này thì họ quý mến lắm. Tôi suy nghĩ lại, có thể mình phán đoán sai lầm nên từ đó thấy bớt mặc cảm hơn. Rồi sự hờn dỗi lần hồi cũng qua đi. Hai đứa lại chơi thân với nhau, một phần vì trách nhiệm thầy giao, một phần nhờ có sự động viên, níu kéo của Lan và Thảo. Tôi vẫn tiếp tục phụ trách nhóm học tập như cũ. Những ngày cuối tuần Sương lại rủ tôi đi chơi, khi thì đi xem xi nê rạp Đại Chúng, khi đi chùa Sư Nữ, khi lên thánh địa La Vang,…và lúc nào tôi cũng được dúi kẹo bánh vào tay. Thực ra, tôi rất tiếc thời gian tiêu lung ấy. Đi chơi với nó mà lòng cứ bồn chồn, muốn bỏ về lo việc sách vở. Nhưng chẳng hiểu sao, không lần nào dám từ chối lời dụ dỗ của nó!.
Mỗi lần như thế, tôi dặn nó tối về lo cố thức khuya mà học bù, kỳ thi đang ở trước mặt. Nó hứa sẽ ngoan ngoản vâng lời; tôi cảm thấy hơi yên lòng.
Thế rồi, dần dần hai đứa đã thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về nhau. Nó không chỉ là đứa con gái đỏng đảnh, ham chơi mà còn có tình cảm chân thật, vui tính; có cái gì đó hấp dẫn tôi khiến lòng hơi rộn ràng, xao xuyến. Mấy đứa bạn, nhất là Thảo và Lan cảm nhận được điều đó nên đem lời trêu chọc, nhưng cả tôi lẫn Sương đều chối bai bải.
Hàng ngày, lúc tan trường, nhóm tôi vẫn đi bên nhau ra tận cổng mới chia tay. Một hôm Sương, Thảo và Lan đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Ra đến cổng, tôi thấy có chiếc xe jeep đỗ bên đường. Sương vừa nói lời tạm biệt cả nhóm thì một chàng sĩ quan trẻ, đẹp trai bước tới gần Sương và nói với nhau những gì tôi không nghe được, rồi hai người cùng đi đến chỗ xe đỗ. Tay sĩ quan mở cửa xe và Sương bước vào. Chốc lát, chiếc xe chạy vút đi, để lại đám khói và bụi đường tung lên mù mịt. Mấy đứa con gái xì xào, con nớ có bồ sĩ quan oai thiệt! Mắt tôi hoa lên, mặt tôi choáng váng như vừa bị ai tát mạnh vào thái dương. Tôi đứng lại bên đường một lúc cho người trở lại bình thường, rồi lủi thủi về nhà như một tên lính thất trận bị bỏ rơi ở chiến trường!.
Gần cuối năm học, Sương không đến lớp, cũng không thấy ghi danh dự thi Tú tài I. Tôi hơi hụt hẫng, nhưng cũng không bận tâm tìm hiểu nhiều vì tự xác định, mình dính vào chuyện tình cảm yêu đương lúc này là một sai lầm lớn, phải quyết tâm thi đỗ Tú tài, nếu không đỗ, phải đi lính và lâm vào cảnh “Rớt Tú tài anh đi trung sĩ / Em ở nhà làm đĩ nuôi con” thì nhục lắm!.
Và rồi, tôi đã đỗ kỳ thi ấy. Thời gian nghỉ hè tôi về quê lo việc đồng áng với Mẹ, cho đến ngày nhập học năm sau mới trở lại trường. Sĩ số lớp Đệ nhất (lớp 12) giảm rất lớn vì nhiều bạn thi hỏng, một số ít xin chuyển trường. Nhóm tôi kèm cặp chỉ còn Thảo và Lan, Sương đi đâu không ai biết. Có bạn đoán là chuyển vào học ở Huế, bạn khác lại bảo nó đã “theo chồng bỏ cuộc chơi”!.
Tôi cảm thấy buồn buồn nhưng không thổ lộ cùng ai. Thú thực, dù sao tôi cũng đã có cảm tình đặc biệt với Sương, đó là thứ tình yêu đơn phương của một đứa học trò nhà quê nghèo khó, lòng vẫn tự thắc mắc không biết Sương có nhận ra nơi mình điều đó không!.
Năm sau, tôi thi đỗ Tú tài toàn phần, kiếm được việc làm ổn định rồi lập gia đình để đáp ứng lòng mong mỏi của Mẹ. Đời còn lắm chuyện để nghĩ, để lo, họa hoằn mới tưởng nhớ đến “cô giáo” dạy tôi biết yêu thuở ấy.
Cách đây hai năm, một hôm tôi đang buồn ủ rủ, ngồi một mình trong căn nhà trống vắng vì vợ đi nuôi cháu ở miền Nam, thì bỗng có chuông điện thoại reo. Tôi nghĩ có đứa bạn nào rủ đi cà phê cà pháo gì nên mặt tươi hẳn lên. Nhưng trong điện thoại là một giọng nữ:
- A lô, Nguyên! Thảo đây.
- A lô, Thanh Thảo à! Khỏe không? Gọi thăm hay có chuyện gì?
- Có tin vui cho bạn đây.
- Tin gì mà vui vậy?
- Mình vừa tình cờ gặp lại “người xưa” của bạn trên một chuyến xe khách…
- Mình làm gì có “người xưa”! Nếu là người xưa thì chính bạn cũng là người xưa của mình, bạn bè cùng lớp cả mà!.
- Thôi, đừng có xạo. Bạn nhớ con Sương không?
Tôi vờ hỏi lại:
- Sương nào?
- Còn giả bộ nữa phải không? Thu Sương, nữ sinh duy nhất ngồi cạnh bạn, cùng đi học nhóm và được bạn chăm sóc nhiều lắm mà.
- Ừ, thì nhớ, mà sao?
- Tình cờ năm mươi mấy năm gặp lại, hai đứa ôm nhau mừng mừng tủi tủi, cười mà rưng rưng nước mắt!. Tưởng nó ở ngoài miền Trung hay Tây nguyên, đâu ngờ nó chuyển vào Nam lâu rồi và lại cùng ở miền đông Nam bộ với mình nè. Trông Thu Sương có vẻ hốc hác quá! Ngày xưa xinh thế, duyên dáng thế, ăn nói dẻo thế mà nay thay đổi quá chừng. Tuổi già thì ai cũng phải già, nhưng nhìn nó tiều tụy mà thương. Nó kể cuộc đời ba chìm bảy nổi, đến đoạn cuối đời phải sống cô đơn nơi chốn rừng sâu, nghe thật mủi lòng!
Tôi lặng thinh một lúc, lòng tự ái ngày xưa bỗng trỗi dậy. Tôi thầm nhủ, “Ừ, một thời xe cộ nghênh ngang thì bây giờ khổ cũng đáng thôi. Đời là thế - C’est la vie!” Nhưng chợt nghĩ lại, thấy sao mình hèn quá; bây giờ bạn lâm vào tình cảnh khốn khổ thì còn cay cú mà làm gì, phải xót thương bạn mới đúng chứ. Nghĩ thế nên tôi hỏi tiếp:
- A lô…, rồi sao nữa?
- Thì hỏi thăm tình cảnh của nhau và ôn lại đủ thứ chuyện thời học sinh. Hỏi nó sao bỏ đi lấy chồng không báo cho bạn bè một tiếng; lấy chồng giàu sang rồi quên hết tụi ni phải không? Nó tức tối cãi: oan, oan!... Nhưng có một chuyện cần thông tin cho bạn là nó bảo rất nhớ và muốn được gặp lại “ông thầy” dạy kèm nó.
- Nhớ mình? Đừng đùa nghe. Bỏ đi lấy chồng không một lời từ biệt mà bây giờ nói chuyện nhớ nhung nghe xạo quá!
- Mình nói thật đấy, nó bảo muốn gặp lại bạn để giải tỏa những ẩn ức mang nặng trong lòng hơn 50 năm nay.
Tuy nửa tin nửa ngờ nhưng tôi cũng tò mò muốn được nghe Thu Sương nghĩ và nói những gì về mình, nên ởm ờ đáp lời Thảo:
- Người ở Quảng Trị kẻ ở tận miền Nam, xa xôi cách trở, biết đâu mà tìm!.
- Đừng lo, mình đã cẩn thận hỏi và ghi địa chỉ của nó đây rồi. Bạn thu xếp việc nhà, lúc nào tiện vào mình chơi ít bữa rồi hai đứa cùng đi thăm Sương nghe. Nó trông lắm đấy!
Thảo là đứa bạn thân nhất của Sương trong đám chín đứa con gái của lớp nên chuyện riêng tư chúng thường tâm sự với nhau. Dù sao, nghe Thảo nói vậy tôi cũng thấy mừng. Bao nhiêu kỷ niệm xưa lại hiện về khiến lòng nôn nao khó tả. Tôi sắp sẵn một kế hoạch, định thời gian và báo cho Thảo biết ngày tôi sẽ vào thăm Thảo tại Thị xã Phước Long.
Chuyến xe khách từ bến xe miền Đông khởỉ hành lúc 9 giờ, gần 12 giờ tôi mới đến nhà Thảo. Vợ chồng bạn tiếp đón niềm nở và chân tình, mời nghỉ chơi một hôm cho khỏe, sáng mai sẽ đi. Tôi thấy bồn chồn quá, muốn đi ngay chiều hôm ấy. Thảo đáp:
- Ừ thì bạn muốn đi ngay cũng đươc, nhưng phải đi một mình. Vợ chồng Thảo bận làm việc với khách hàng vì đã lên lịch hẹn lỡ rồi. Đường về Bù Đốp xa lắm, để chủ động, bạn lấy xe máy của mình mà đi. Địa chỉ đây: thôn Tân lập, xã Tân Thanh, huyện Bù Đốp; đến thị trấn Thanh Bình rồi hỏi đường đi tiếp. Nghe ở đấy phần nhiều là dân Thanh - Nghệ - Tĩnh, chỉ có mấy gia đình người Quảng Trị. Họ trồng cao su bạt ngàn, đất đỏ miền Đông mà!.
Theo sự chỉ dẫn của vợ chồng Thảo, tôi ra khỏi thị xã Phước Long rồi rẽ qua địa phận huyện Bù Đốp. Trước mặt tôi là những rừng cao su bạt ngàn, những hàng cây xanh tươi, thẳng tắp trông rất đẹp mắt. Chừng một giờ sau, tôi đến được thị trấn Thanh Bình, hỏi đường về xã Tân Thanh rồi hỏi tiếp đường về thôn Tân Lập, nơi Sương ở. Dân địa phương chỉ cho hướng đi đến một thôn hẻo lánh gần rừng cao su. Bắt đầu đi trên con đường đất đỏ gồ ghề, xe dằn xóc, thấy người khá mệt nhưng tôi vẫn hăm hở đi tiếp vì quyết tâm tìm cho được nhà bạn cũ. Đến một xóm nhỏ đầu thôn, tôi hỏi nhà Thu Sương thì một bà già người Thanh Hóa đáp:
- May cho ông! Nhà ngay cạnh đây, nhưng chiều nay bà ấy vào rừng rồi, dường như đi chăm sóc cây. Ông đi với tôi, tôi đến mở cửa cho ông vào nghỉ chân và đợi bà ấy về. Ở đây đi làm không ai khóa cửả nhà. Cả xóm xem như một đại gia đình; mà cũng chẳng có gì đáng giá để sợ mất!.
Tôi mừng quá, theo chân bà ấy đi đến nhà Sương. Bà mở cửa và tôi cùng bà bước vào nhà. Ôi, cái nhà cấp bốn thấp bé, tối tăm trông thật ảm đạm. Bà mời tôi ngồi vào cái giường xếp ở căn bên và hỏi chuyện về tôi, tôi cũng hỏi thăm về gia đình bà. Chừng nửa giờ sau, tôi sốt ruột quá, muốn được gặp Sương ngay nên hỏi bà đường đi vào rừng. Bà chỉ tôi lối mòn có hai hàng cây thẳng tắp và bảo đi chừng một cây số là đến rẫy cao su của bà Sương. Tôi từ giã bà già người Thanh Hóa và xăm xăm bước đi theo con đường mòn ấy. Tôi cứ hướng về phía rừng cây mà tiến bước. Khi vào đến rừng, tôi mong gặp được một người nào đó để hỏi chỗ rẫy của Sương. Trời đã về chiều, tôi gặp được một phụ nữ và hỏi thăm tin tức. Chị ta bảo hồi nãy có thấy bà Sương đi ngang qua, nhưng bây giờ có lẽ bà ấy đã về nhà. Tôi vội quay trở lại phía bìa rừng, ngồi tựa vào gốc cây và châm thuốc hút, mong gặp Sương từ nơi nào đó trong rừng đi ra. Chừng nửa giờ sau, một người đàn bà từ phía xóm nhỏ theo đường mòn đi vào rừng. Khi đến gần gốc cây nơi tôi đang ngồi, bà ta cất tiếng hỏi:
- Xin lỗi, có phải ông là người ngoài miền Trung vào, muốn tìm gặp bà Sương không?
- Vâng chính tôi đây. Sao bà biết mà hỏi?
- Ôi, Nguyên! Bà Sương đây nì!
Tôi vứt điếu thuốc đang cháy dở, vội đứng dậy và bước đến ôm ghì Thu Sương vào lòng. Sương cũng dang hai tay ôm chặt lấy tôi. Hai đứa nghẹn ngào áp mặt vào vai nhau, không nói được một lời.
Rồi Sương kể, khi chiều vào rừng xem lại mấy cây cao su già bị gãy đổ do cơn lốc hồi sáng, tiện đường đi qua nương bên kia hái quả mít non để nấu canh, rồi trở về nhà theo lối ấy. Đến nhà, nghe bà hàng xóm kể chuyện, mình cảm động và mừng quá, vội vàng đi ngược vào rừng để gặp bạn đây.
Hai đứa cùng nhìn vào mặt nhau, đứa nào cũng rưng rưng nước mắt. Tôi buông Sương ra, xúc động nói:
- Được tin Thảo báo và đưa đường chỉ lối, mình mừng quá nên tìm vào thăm Sương đây. Chắc hai đứa mình còn cái duyên cái nợ chi đó. Thôi, chúng mình cùng ngồi xuống chuyện trò một lát đã!
Thế rồi, hai đứa ngồi bên nhau trao đổi chuyện tâm tình. Bao nhiêu điều lâu nay giấu kín trong lòng giờ đây giải bày hết cho nhau nghe, không mặc cảm, không giấu giếm một điều gì. Tôi nói cho Sương biết vì sao hồi ấy tôi hờn giận nàng, rồi nhắc lại hai trường hợp mình là nạn nhân vì tình yêu của lính. Sương phân bua, anh sĩ quan đưa xe đến đón nàng ở cổng trường là người anh họ, ba mẹ nhờ đến đón về gấp để đi dự đám cưới con ông bác ở Đông Hà. Tôi hỏi, thế cái tay Trung úy ở quán rượu cạnh nhà Sương ra chặn xe đạp tôi lại và đe dọa tôi có phải là “bồ” nàng không? Sương kể rằng anh chàng ấy là bạn học của anh Sương, hay đến nhà chơi và muốn “cưa” Sương nên tìm đủ cách lấy lòng gia đình, nhưng Sương phản đối. Tôi hỏi lý do, nàng đáp, vì một là tuổi tác cách biệt, hai là anh chàng xấu trai, ba là tính tình nghênh ngang của lính thời chiến. Sương không thích mẫu người ấy, chỉ muốn có một người yêu dân sự hiền hiền như tôi để dễ bắt chiều.
Tôi hỏi tiếp, rồi sao nữa? Sương đáp, gia đình cứ ép cho được. Hè năm ấy định cho nhà người ta đến thăm nên Sương bỏ nhà trốn vào Đà lạt, ở nhờ nhà người bà con rồi xin việc làm tự kiếm sống. Về sau, gặp một thanh niên cùng làm ở tòa Hành chánh thành phố, thấy hợp nhau nên lập gia đình. Năm 75 chồng đi cải tạo, ra trại về nhà được một thời gian thì mang bệnh rồi mất trong khi Sương đang nuôi hai con nhỏ. Rồi tiếp đến là bước đường gian nan của ba mẹ con khốn khổ lê lết từ Tây nguyên đến miền Đông đất đỏ; và bây giờ Sương đành phải sống cô quạnh nơi chốn núi rừng này khi các con đi lấy chồng xa!.
Giải bày hết chuyện của mình, Sương quay qua chuyện của tôi. Nàng trách tôi sao hồi ấy quá vô tâm, không để ý gì đến tình cảm người khác. Tuy nhiên, dù chê tôi khô khan, vụng về, nhát gái, nàng vẫn cảm nhận ở trong tôi có cái gì đó… dễ thương. Rồi nàng bảo, giá như hồi ấy tôi đừng mang mặc cảm mà mạnh dạn tỏ tình thì…Tôi tiếp lời, thì …bây giờ không còn chuyện lòng để kể cho nhau nghe nữa!. Rồi hai đứa nhìn nhau cùng cười mà nước mắt lại ứa ra.
Mải mê trò chuyên, khi nhìn đồng hồ thấy đã hơn 5 giờ chiều và chung quanh sương mù phủ kín cả bầu trời, Sương giục tôi ra về. Hai đứa tự do thoải mái nắm tay nhau vừa đi vừa chuyện trò mà không chút ngại ngùng, vì nàng bảo giờ này không còn ai ra vào rừng làm gì nữa.
Về đến nhà, tôi ngỏ ý chia tay Sương và định lấy xe máy chạy về lại nhà Thanh Thảo ở Phước Long. Sương kiên quyết không cho đi, nêu những lý do a,b,c…để giữ tôi lại. Tôi đành chiều ý nàng và gọi điện thoại về báo cho Thảo biết. Cô ấy đùa:
- Không báo thì đây cũng biết rồi. Đã đến Bù Đốp thì ắt sẽ bị “bồ đớp”, làm sao mà về được. Cứ yên tâm ở lại nhé. Chúc đôi bướm trắng đêm nay chắp cánh cùng bay vào cõi thần tiên!.
Tôi ấm ức, muốn cãi mấy câu nhưng Thảo đã cúp máy.
Ăn cơm tối xong, Sương qua nhà hàng xóm mời bà già người Thanh Hóa sang chơi, nói chuyện và ngủ lại với Sương. Tôi hiểu đấy là cách xử lý khôn ngoan của nàng, Sương muốn tránh tiếng với thiên hạ và các con, các cháu.
Chuyện trò đến khuya, hai người đàn bà cùng vào giường ngủ; tôi được bố trí ngủ tạm qua đêm ở cái giường xếp. Tôi đề nghị Sương cho xin một ấm trà, một phích nước và một cây đèn. Tôi mang ra ngồi bên chiếc bàn con kê ở ngoài hiên, châm thuốc hút và nhâm nhi những ngụm trà đậm đặc, Dĩ nhiên là tôi không ngủ được mặc dù đi đường rất mệt. Tôi ngồi nhớ lại toàn bộ những gì đã diễn ra từ khi cất bước vào miền đất này để tìm gặp Sương, nhất là buổi tâm sự chiều nay giữa hai đứa nơi bìa rừng. Tôi lấy giấy bút ra ghi lại những sự việc theo cảm xúc của mình.
Sáng hôm sau, trước khi từ giả Thu Sương để lên đường trở về lại nhà Thảo, tôi nắm tay Sương và đặt vào lòng bàn tay nàng tờ giấy xếp tư, ghi kín những dòng chữ đã viết đêm qua và nói:
- Sương giữ lấy cái này làm kỷ niệm. Đường sá xa xôi mà tuổi tác mỗi lúc mỗi già, sức khỏe mỗi ngày mỗi yếu, xa nhau rồi khó gặp lại nhau!.
Sương cảm động đáp:
- Cảm ơn Nguyên. Mình sẽ đọc và cất giữ nó cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.
Hai đứa ghi số điện thoại của nhau, dặn thỉnh thoảng gọi hỏi thăm nhau về tình hình sức khỏe và cuộc sống.
Hai đứa ôm nhau lần cuối rồi chia tay. Sương tiễn tôi ra tận cuối xóm. Tôi lên xe, đi một đoạn và ngoái nhìn lại, bóng Sương mờ khuất sau làn bụi đường do xe máy của tôi gây ra. Tôi cầu mong Sương mạnh khỏe, bình an!.
Tôi về đến quê nhà Quảng Trị được 3 hôm thì có điện thoại trong Nam gọi ra.
- A lô, Sương đây. Khỏe không? Đọc bài viết của Nguyên mình cảm động quá. Tưởng con người có trái tim gỗ đá ấy không viết được vài dòng cho ướt át, ngờ đâu viết cả một bài dài, mà tình tứ lắm, cảm động lắm! Cảm ơn Nguyên nhiều. Mình đọc đi đọc lại mấy lần và nước mắt cứ ứa ra vì quá xúc động. Mình sẽ học thuộc cả bài và một ngày nào đó, nếu gặp lại nhau, mình sẽ đọc cho Nguyên nghe. Chuyện lòng như thế là đã tỏ bày cho nhau hết rồi. Đừng để những sự hiểu lầm ngày xưa chia cắt tình cảm chúng mình. Từ nay không được hờn trách Sương nữa nhé. Đứa nào cũng đã già, buông bỏ hết đi thôi, chỉ giữ lại chuỗi ngày tươi trẻ đầy mộng mơ của tuổi học trò, giữ lòng thanh thản, an vui mà sống cho hết quãng đời còn lại. Chúc vạn sự an lành!.
Tôi rất vui khi nghe những lời nói chân thành của Sương; thầm hứa với mình rằng, cho đến cuối đời, thế nào cũng phải gặp lại Sương lần nữa.
Hơn một tháng sau, đang khi tôi ngồi uống trà ở chiếc ghế đá bên gốc cây trong vườn nhà thì Thanh Thảo điện ra. Tôi nhấc máy lên, gọi:
- A lô, Thảo.
- A lô, Nguyên, Thảo đây. Này, hôm nay rất buồn phải báo cho bạn một tin chẳng lành!.
- Sao, nhà bạn có chuyện gì à?
- Không, không phải tin của nhà mình mà tin về Thu Sương.
- Sương làm sao? Bệnh hay tai nạn?
- Thu Sương mất rồi! Cả tháng nay mình công việc lu bù không đi Bù Đốp được. Hôm qua tranh thủ thời gian tìm về thăm Sương thì không ngờ bạn đã trở thành người thiên cổ! Mình ân hận quá. Biết thế tháng trước đi cùng Nguyên trong chuyến ấy thì tốt biết bao!.
Tôi sốt ruột ngắt lời Thảo:
- Mất bao lâu rổi? Lý do vì sao?
- Sương mất đã nửa tháng rồi. Các cháu kể lại là hôm ấy Sương vào rừng về thì gặp mưa, bị cảm sốt nằm li bì. Bà hàng xóm gọi điện cho các con Sương về gấp; chúng đưa mẹ lên bệnh viện huyện nhưng đã quá muộn. Sương tắt thở ngay đêm ấy, không biết do nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não!.
Tôi lại thấy niềm thương cảm dâng lên ngập lòng nên cố thu xếp việc nhà và vào Nam lần nữa, hẹn với Thảo định thời gian về Bù Đốp thắp hương cho Sương. Phải cố gắng thôi, nghĩa tử là nghĩa tận!.
Tôi vào đến Thị xã Phước Long, gặp lúc Thảo đi giao hàng chưa về nên phải đợi. Ăn cơm trưa xong Thảo bảo nghỉ ngơi một tí, hai giờ sẽ lên đường. Chúng tôi ra chợ Phước Long mua hoa và hương đi viếng bạn. Khi đến nhà, chúng tôi đã thấy ảnh Thu Sương trên bàn thờ, nhạt nhòa sau làn khói hương nghi ngút. Tôi thắp hương cắm vào bình và đến sờ vào ảnh Sương rồi đứng lặng yên một hồi lâu, nghe lòng mình thổn thức. Sương ơi, sao ra đi vội vàng thế?!.
Chuyện trò với con gái Sương chừng nửa tiếng, tôi và Thảo đề nghị cháu dẫn chú và dì đi thăm mộ mẹ. Chúng tôi đi theo con đường mòn đã từng dẫn tôi vào rừng tìm Sương, nhưng lần này mới chừng 200 mét thì rẽ phải, đi về hướng tây. Khu nghĩa địa của xóm khuất sau lùm cây rậm rạp. Chúng tôi đi thêm chừng hơn trăm mét nữa mới đến mộ Sương, ngôi mộ mới đắp nằm ở dãy cuối cùng. Tôi đặt bó hoa tươi lên mộ, thắp hương và cả ba người cùng đứng vái. Tôi bùi ngùi quỳ trước mộ Sương, khấn một hồi lâu rồi lấy bài viết đã in sẵn đọc lớn như đọc bài điếu văn khóc người quá cố. Thực ra đây chỉ là bài cảm tác tôi đã tặng Sương lần trước. Nàng hứa sẽ học thuộc và nếu gặp lại nhau sẽ đọc cho tôi nghe. Nay Sương đã vĩnh viễn ra đi nên tôi lấy bản nháp tôi đang lưu giữ đem in ra bằng vi tính và giờ đây đích thân đọc cho hương hồn Sương nghe lại. Trong bài, tôi mạnh dạn xưng hô với Sương là anh - em chứ không là tôi - bạn như hồi đi học. Bài viết có nhan đề “Thương người đất đỏ Miền Đông”.
Toàn văn như sau:
Em,
Anh từ miền Trung
Ngập tràn nắng gió
Vượt suối băng rừng
Xa xôi cách trở
Vào tận xứ này
Miền Đông đất đỏ
Tìm Em !
Và chiều nay
Anh ngồi đây
Giữa mịt mù sương khói
Nghe rừng thu lao xao lá đổ
Tâm trí mơ về một hình bóng cũ
«Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô»
Vẳng đâu đây như từ cõi mơ hồ
Có tiếng chân ai bước dần gần lại
Ô kìa, Em !
Em đi tìm anh, có phải?
Hãy ngồi xuống bên nhau
Ta kề vai san sẻ chuyện lòng
Chuyện nhớ chuyện mong
Chuyện hờn chuyện tủi
Chuyện học trò yêu nhau
Không một lần dám nói
Để trăm năm lỡ hết duyên tình
Chuyện chiến tranh, bão lụt quê mình
Chết chóc đau thương
Suốt đời xót xa, sầu hận
Chuyện khổ, chuyện nghèo
Lao đao lận đận
Tối lửa tắt đèn
Dãi nắng dầm mưa!
Em,
Hay anh dắt em về thăm lại quê xưa
Đất Quảng Trị mưa dầu, nắng lửa
Giấc ngủ không tròn
Cơm ăn thiếu bữa
Mà tình nghĩa mặn nồng
Chung thủy sắt son!
Rồi anh sẽ tiễn em đi
Đưa em vào lại chốn này
Với rừng xanh đất đỏ
Anh ra miền Trung
Nằm nghe biển khơi thầm thì nỗi nhớ
Bờ cát im lìm mơ dấu chân ai!
Còn anh
Anh thương em
Gót mòn chân mỏi
Giữa chốn rừng sâu
Ai đưa em về
Khi chiều nghiêng, bóng đổ
Sương lạnh vai gầy
Đường xa hun hút gió
Lặng lẽ nơi nầy
Đất đỏ miền Đông!
(Vĩnh biệt Em – Thu Sương thân yêu!).
Đọc xong tôi bật khóc. Thanh Thảo và con gái Sương cũng khóc theo. Cả ba chúng tôi ngồi chụm vào nhau, nói những lời yêu thương nhất dành cho người thân vừa từ biệt cõi trần. Tôi châm lửa đốt bài viết gởi hương hồn Thu Sương, người bạn học ngày xưa hay đỏng đảnh, tinh nghịch nhưng cũng có nhiều nét đáng trân trọng, đáng yêu, nhất là tấm lòng chân thật!
Trời về chiều, sương mù dày đặc bao trùm lên nghĩa địa làm cho cảnh vật trở nên ảm đạm, buồn thiu. Chúng tôi thắp hương vái hương hồn Thu Sương lần nữa rồi cùng đứng lên, theo hướng đường mòn trở lại nhà Sương ở xóm nhỏ gần rừng. Thảo nắm tay con gái Sương vừa đi vừa trò chuyện. Tôi đi lùi lại phía sau, muốn lặng lẽ một mình để tự cảm nhận nỗi buồn thấm thía đang dâng lên ngập lòng. Một làn gió nhẹ thổi qua, tôi nghe như có lời thầm thì bên tai : « Nguyên ơi! Chuyện lòng chúng mình đã tỏ bày, trang trải hết cho nhau. Từ nay đừng hờn trách chi Sương nữa nhé! Cái nợ đời này xem như đã trả xong. Nếu còn có duyên thì hẹn gặp nhau ở thế giới bên kia!».
Tôi quay mặt nhìn về hướng nghĩa địa, ngôi mộ đất mới cỏ chưa kịp mọc đã chìm khuất sau các lùm cây và sương khói của buổi chiều đông hoang lạnh. Thương người bạn gái năm xưa, tôi rưng rưng nước mắt nói lớn vào không gian như để đáp lại lời phân trần, ước nguyện của nàng: «Thu Sương ơi, vâng, anh đã nghe rõ những điều em nói. Nợ đời và nợ tình xem như đã trả xong. Anh không hờn không trách gì em nữa đâu. Nghe lời em, anh sẽ buông bỏ hết, chỉ giữ lại những kỷ niệm thân thương nhất của tuổi học trò. Hãy bình tâm yên nghỉ trong cõi vĩnh hằng. Vĩnh biệt em ! Hẹn gặp nhau nơi miền Cực Lạc ấy!».
Trời mỗi lúc mỗi tối dần, tôi chắp tay vái hương hồn Sương lần cuối rồi quay đầu lững thững bước đi như kẻ mất hồn, lòng bồi hồi thương cảm khôn nguôi!...
Đầu đông, 2019
SA-VQ.
( Trích từ tập san KUTX 4, trang 282-296).