Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

NHỮNG VẦN THƠ " HẠ NHỚ- HẠ THƯƠNG"

 CHI HỘI THƠ ĐƯỜNG LUẬT THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ.
NHỮNG VẦN THƠ " HẠ NHỚ- HẠ THƯƠNG" ĐỒNG GÓP MẶT CHÀO MÙA HẠ YÊU THƯƠNG VÀ NỒI MONG CHỜ CÙNG BAO HOÀI NIỆM…

 

1. GIAO MÙA

Giao mùa Hạ ửng nắng đầy vơi
Cảnh thế nhường nghe rộn rã lời
Muông thú tu bầy inh ỏi vợi
Cu gù ới bậu ngọt ngào ơi!
Trăng nhoài rặng liễu mơ màng gợi
Gió vén rèm sương tủm tỉm cười
Chạnh cảm vườn khuya Quỳnh điểm tới
Hương lừng thoảng quyện … bướm vờn lơi…
Mai Vân-VTT, 12/4/23.

2. MÙA SANG

Nhả ngọc phun châu ngọt ý lời
Đường trần vạn nẻo dạo rong chơi
Xuân về mai nở vàng đơm lối
Hạ đến sen bung tím góc trời
Kết nối nghĩa tình hoan hỷ bởi
Sẻ chia hòa ái chẳng xa rời
Đong đầy chân thiện soi muôn lối
Gạt bỏ tham sân tỏa sáng đời.
Phong Vân.

3. HẠ NHỚ - HẠ THƯƠNG!

Rộn tiếng ve sầu gọi nhớ mong
Buồn vang điệp khúc ẩn sâu lòng
Xuân đi rủ rượi cành mai thắm
Hạ đến đong đưa cánh phượng hồng
Thú vị ngây ngô thời đợi ngóng…
Vui cười vụng dại thuở chờ trông!
Vương mang kỷ niệm vườn thơ mộng
Áo trắng thương yêu mãi chất chồng.
Đông Hà, 14/4/2023
NĐT(Nguyễn Đức Trực).

4. HẠ ĐÃ VỀ

Hạ về phượng nở thắm cành cây
Những tiếng chim khuyên cứ gọi bầy
Ríu rít chiều tà trên ruộng lúa
Rộn ràng ngày mới giữa trời mây
Bờ cao bãi thấp nhìn giàu mạnh
Kẻ bán người mua thấy đủ đầy
Cập bến thuyền rồng đi trẩy hội
Nắng tràn nhạc trỗi nghĩa tình xây.
Gio Linh, ngày 14/4/2023.
Rặng Trâm Bầu.

5. LỐI CŨ TA VỀ

Ta về ngắm cảnh một dòng sông
Kỷ niệm ngày xưa những bóng hồng
Nhớ buổi sương dầm em vẫn đợi
Thương chiều nắng đổ bạn còn trông
Chùm hoa thắm đỏ tràn thân phượng
Dãi lụa ngời xanh trải cánh đồng
Ngọn gió hè sang choàng nẻo cũ
Tìm ai thoảng dịu chút hương nồng.
Vũ Cầm.

6. VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ

Ghé tới thăm trường chẳng thấy ai
Hàng me ủ rũ đứng than dài
Phượng trùm rực đỏ um tùm mái
Khản cổ ve rền điếc cả tai
Ghế đá sõng soài như ngóng mãi
Áo dài tha thướt bóng hình ai
Gót mòn lãng tử giờ quay lại
Bụi phủ hương xưa lấp dấu hài.
Giang Hạ,(Lê cảnh thành).

7. KÝ ỨC

Nhớ lại ngày xưa tuổi má hường
Rời xa tổ quốc sống tây phương
Thời gian gắn bó còn lưu luyến
Kỷ niệm chan hoà mãi vấn vương
Hạnh phúc ta về chung hội ngộ
Niềm vui bạn đến thoả tương phùng
Tìm về một thuở hồn nhiên ấy
Viễn xứ bao năm đẹp quá chừng…
Lê Phương Thắm.

8. HOÀI NIỆM TRƯỜNG XƯA

Phượng nở mùa thi đón hạ về
Trên đường rộn rã ấm tình quê
Tôn sùng bạn cũ lời trong sáng
Ngưỡng mộ người yêu dáng chỉnh tề
Má đỏ cười duyên nhìn đã trọng
Môi hồng nói nhỏ ngẫm càng mê
Trường xưa vẫn thắm bao hoài niệm
Mãi ước hè sang để cận kề.
Cam Lộ, ngày 12/4/2023.
Nguyễn Xuân Dưỡng(Sau lũy tre làng).

9. HẠ THƯƠNG

Nghe mùa hạ trỗi gợi lòng thương
Vẳng tiếng ve kêu quạnh quẽ trường
Gió lững lờ trôi bèo mãi dạt
Sông thờ thẫn chảy nước hoài vương
Còn đây bến hẹn tràn dâng lối
Vẫn đó bờ yêu phủ ngập đường
Hỏi Phượng về đâu tơi tả lá
Canh dài trắc ẩn gởi ngàn phương!
Trần Đức Linh, 20/04/2023.

10. VỌNG TIẾNG YÊU THƯƠNG

Thả một vần thơ giữa tiếng đàn
Nghe lòng khắc khoải giọt sầu chan
Sông mơ dáng liễu dòng nghiêng đổ
Biển đợi hình em bóng xế tàn
Ngắm cảnh trời xa ôm quạnh quẽ
Trông chiều nắng nhạt nhớ miên man
Người ơi có phải còn mong đợi
Để mãi yêu thương vọng gió ngàn
Công Sinh, 2/3/2023.

11. XÓT XA MÙA HẠ

Chiêu hồn hạ tới gửi mùi hương
Có lẽ tình yêu lúc đoạn trường
Nỗi nhớ dâng trào giây phút gặp
Thương thầm giữ kín mộng còn vương
Hồn trong mực tím ngày ươm nụ
Tuổi ngọc xanh ngời tối toả hương
Hẹn lúc cùng nhau tròn sự nghiệp
Tình nầy bất tử đẹp ngàn thương...
N.N.T(Nhật Nhật Tân).

12. QUẢNG TRỊ MÙA HOA LỬA

Giữa Hạ quê mình nắng chói chang
Về Đông giá lạnh quấn khăn quàng
Bao ngày gió thổi đầy âm vị
Mấy buổi bom cày dậy tiếng vang
Rũ rượi mưa dầm nào ước muốn
Hanh hao nắng dãi nỏ mơ màng
Vào khi phượng trổ hương nồng thắm
Khắc khoải nơi nầy chợt nhớ sang*...
Thảo Phước.
* 81 ngày đêm Mùa hè đỏ lửa

 13. CHIỀU NGHIÊNG

Nghiêng chiều sóng vỗ dạt dào khơi
Mỏi cánh chim bay tận cuối trời
Thấp thoáng buồm xuôi làn gió đẩy
Chồng chềnh nước lượn bóng mây rơi
Bờ loang cát trắng từ bao thuở
Đá phủ rêu xanh đã mấy đời
Biển mãi rì rào không tĩnh lặng
Như lòng khắc khoải chẳng hề vơi
Sầu Lãng Tử.

Ảnh minh họa: Nguồn từ Internet.




 

 

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2023

HÀNH TRÌNH THÁNG TƯ về Nhà thờ Cây Da, Diên Sanh với “thiên tình sử Ô Lâu” Nguyễn Lạp.

 

HÀNH TRÌNH THÁNG TƯ
về Nhà thờ Cây Da, Diên Sanh với “thiên tình sử Ô Lâu”
 

 
Nhà thờ Cây Da hầu như ai cũng biết, nó khá gần gũi với người dân Quảng Trị, nhất là người làm ruộng sâu của vùng trũng Hải Lăng. Chùng tôi đến nhà thờ Cây Da từ 2 hướng chính: anh em ở các xã phía Nam men theo dòng Ô Lâu hiền hòa trong xanh, đến ngã rẽ qua dòng Ô Giang chúng tôi vui mừng vì không lâu nữa chiếc cầu kiên cố nối 2 xã Hải Sơn và Hải Phong sẽ được xây dựng lại với 2 làn đường rộng rãi, đi lại thuận tiện hơn và làm đẹp cho quê hương đổi mới! Còn hướng phía Bắc và trung tâm Thị trấn về sẽ theo đường quốc lộ I cũ rẻ qua đường “xuyên Á” và chỉ hơn một cây số rẻ vào con đường bê tông chạy giữa cánh đồng một màu xanh tràn đầy hi vọng, thể hiện sự no đủ của dân quê Hải Lăng, là vựa lúa của Quảng Trị chúng ta...vừa tròn 1,5 km là đến nhà thờ Cây Da. Điểm tập kết của khóa 8 trong hành trình tháng Tư này!
Hôm nay, một số ban ốm đau do thời tiết thay đổi hoặc đó công việc riêng khg sắp xếp để tham gia được. 8giờ30 về đến Hải Tân có được bạn Tuy, bạn Hương, bạn Tuấn và bạn Lạp. Nhớ lại một thời cơ cực khi mang con chữ đến các vùng Càng. Cực khổ do đường sá, trường lớp tạm bợ... Cực nhất là mùa lũ, cả cánh đồng nước mênh mông như biển cả, từng xóm Càng như những ốc đảo xa xôi, bị cô lập với các làng xung quanh... Hải Lăng là vùng đất có bảy càng bao gồm càng An Thơ, càng Cây Da, càng Hưng Nhơn, càng Hội Điền, càng Mỹ Chánh, càng Câu Nhi và càng Trung Đơn. Mỗi càng như vậy chỉ có trên dưới 30 hộ gia đình sinh sống. Các vùng càng có nhiều cá đồng tươi ngon, có chuột đồng mùa lũ, có vịt đàn và nhiều đặc sản riêng có của vùng càng mà không phải ai cũng may mắn được thưởng thức!
Với con lộ bê tông men theo dòng Ô Giang giúp cho người nông dân thoải mái đi lại với các phương tiện cơ giới. Qua rồi một thời cơ cực đường lầy lội, đi xe đạp còn khó, có khi phải nhắc xe đi bộ! Nay, quê hương ta đẹp quá, không khí trong lành với cánh đồng bát ngát một màu xanh của lúa tốt tươi, hy vọng một vụ mùa bội thu cho nông dân quê hương mình thêm niềm vui ngày thu hoạch vào tháng 5 sắp tới...
Từ Hà Lỗ ra Văn Trị (thuộc Hải Tân cũ) chừng 2 km, đến Cây Da hơn một cây số. Chiếc cầu bắc qua Ô Giang được xây năm 2004 được mang tên cầu Cây Da đã làm cho cảnh quan nhà thờ thêm thơ mộng. Cầu chỉ phục vụ cho xe 2 bánh nối đôi bờ thuận lợi đi lại cho vùng Càng, các xã phía Nam với các xã phía Bắc và trung tâm Thị trấn Diên Sanh...
Đến 9 giờ anh em chúng tôi đón các bạn ở Thị trấn về đường xuyên Á: bạn Ngự, bạn Đồng, bạn Tài ở Quảng Trị cùng về với bạn Tuyết. Bạn Gạc ra Hải Trường, ra đường xuyên Á cùng về với bạn Kiều Thu (ở Huế)... Chúng tôi về Cây Da với thôn Diên Trường của xã Hải Thọ trước đây, có ngôi nhà thờ Cây Da toạ lạc cao chọc trời, hoành tráng xiết bao! Bên dòng Ô Giang tưới mát cho cánh đồng lúa mênh mông xanh một màu xanh của lúa, xanh của sông nước hoà với màu xanh của mây trời tưạ như một bức tranh mà tạo hoá ban tặng. Chính vì thế mà nhà thờ Cây Da tạo nên một sự khác biệt, còn giữ được chút chân chất của cảnh thôn quê thanh bình, yên ả, không khí trong lành với cảnh đẹp mê hồn đã thu hút biết bao du khách gần xa!
Vào thế kỷ thứ XVIII, để tránh những cuộc bắt đạo dưới thời các chúa Nguyễn, các giáo dân theo đường thủy về đây, nguyên là hòn cù lao nổi lên với cây đa to lớn (nay không còn dấu tích nữa). Nhà thờ Cây Da có từ đó với nhà nguyện làm bằng tranh tre nứa lá tạm bợ thôi ... Và nay được xây dựng khang trang, to đẹp và được khánh thành 24/7/2008.
Cha Bênêđictô Lê Quang Viên, gốc An Vân, lại làm Quản xứ Cây Da và Càng Mỹ Chánh (08/03/2002-28/4/2009). Ngoài các công trình trên, Cha còn cho xây dựng công trình nước sạch phục vụ người dân ở đây.
Cây Da thuộc thôn Diên Trường (của xã Hải Thọ) nằm về hướng Đông của làng Diên Sanh. Giáo xứ Cây Da nay thuộc xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Nam giáp xã Hải Trường. Đông giáp sông Ô Giang và Bắc giáp xã Hải Thành.
Cây Da còn lưu lại một bài hò “Cây Đa Bến Cộ” rất tình tứ phát xuất từ lâu đời bởi con sông Ô Lâu là ranh giới của hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên:
 
Trăm năm diều (nhiều) lỗi hẹn hò, (1)
Cây đa bến cộ (cũ) con đò khác đưa.
Cây đa bến cộ còn lưa, (còn lại hay còn đó)
Con đò đã thác năm xưa tê (kia) rồi!
 
Câu chuyện kể như sau: Ngày xưa có anh học trò trên đường vào kinh đô Huế ứng thí, khi đi ngang bến đò này, gặp cô lái đò trẻ và đẹp, hai bên đã hẹn hò với nhau. Thế rồi anh học trò thi hỏng nên buồn tình không trở về cố hương nữa. Cô lái đò chờ không được phải đi lấy chồng. Khi anh học trò trở về thì; “Con đò đã thác năm xưa tê (kia) rồi”.
Trong hành trình về xứ Kẻ Lạng trước đây, bạn đọc cũng hình dung: cây đa, bến cũ, (giếng nước, sân đình...) gần như trên mọi miền quê hương VN ta ở đâu cũng có. Lần này về Cây Da, chúng tôi muốn giới thiệu về nhà thờ Cây Da và góp thêm một giả thuyết vào chuyện tình sử năm nao....
Trong một báo cáo của Đức cha Allys (Lý) năm 1923 gởi Hội Truyền Giáo Paris, ngài viết: “Trong số các Giáo xứ đã chịu nhiều đau khổ năm 1885 phải kể đến Kẻ Văn (khi đó Cây Da thuộc giáo xứ Kẻ Văn) mà phần lớn cư dân đã có thể đi vào Huế. Từ con số 619 giáo dân lúc đó, bây giờ (1923) đã lên tới 1,175 người, không kể 5 họ nhánh cách đây ít lâu vẫn còn trực thuộc, và giờ đây đã tách ra làm thành Giáo xứ Bến Cộ.
Qua đoạn trích trên cho thấy Cây Đa , Bến Cộ là có gốc tích ở đây phải không các bạn?!
Ngoài ra, chúng ta thấy rằng ngày xa xưa từ chợ Kẻ Diên vào Bao Vinh (Huế) là đi thuyền. Thuyền đi từ chợ Kẻ Diên qua con hói (kênh) hẹp vào bến Cây Da ở Ô Giang. Ngày ấy đây là bến sông do sông Ô Giang rộng đủ cho nhiều thuyền buôn xuôi vào phá Tam Giang và ngược lên dòng Hương Giang đến với phố thị Bao Vinh sầm uất. Đây là con đường thủy về kinh đô xưa. Phải chăng chàng thư sinh ấy theo thuyền buôn vào Huế để ứng thí. Với khoảng đường dài, với chiếc thuyền buôn đủ cho chàng thư sinh ôn lại bài vở và cũng đủ thời gian cho chàng dệt nên mối “tình sử Ô Lâu”. Các bạn thử nghĩ xem, một chuyến đò ngang mấy tiếng đồng hồ mà có nên thiên tình sử thì khả năng khó thuyết phục?! Dĩ nhiên, mọi việc đều có thể xảy ra! Tuy nhiên, các bạn biết không: như đã nói ở trên ta có Bến cộ, có Cây đa. Ngoài ra, tôi còn tìm thấy các bảng ghi thông tin ở nghĩa địa, ở bia lăng tử đạo ghi CÂY ĐA. Ngoài ra, đâu đó trên trang web nơi thì ghi nhà thờ Cây Đa, nơi thì Cây Da...
Cũng nói thêm, nhánh sông Ô Giang bên nhà thờ Cây Da thì có tài liệu họ vẫn ghi là Ô Lâu. (Ví dụ: “ngày 24-09-1885, đã có 123 tín hữu tử vì đạo dưới bàn tay Văn Thân. Các vị đã bị chém chết tại nhà thờ, sau đó bị vất xác xuống dòng sông Ô Lâu” <trong lược sử giáo sở Cây Đa, ngày 31/8/2019>; hoặc Google Map không gọi Ô Giang mà gọi Ô Lâu ngang qua Cây Đa!)
Mặt khác, sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định thực hiện năm 1807 nói rõ nguyên cớ câu ca dao xưa. Rằng truông Nhà Hồ từng có bọn người chuyên cướp bóc bộ khách trên đường. Còn phá Tam Giang sâu hiểm, có ba con “sóng ma” thường xuyên xô đắm thuyền bè qua lại khiến người chết rất nhiều nên mới có câu: “Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”.
Vậy trên đường vào Kinh, ngoài đường bộ vượt qua truông Nhà Hồ (ở Vĩnh Linh bây giờ) thì còn phải đi thêm bằng con đường thủy vào phá Tam Giang quá các chuyến thuyền buôn từ chợ Kẻ Diên (Diên Sanh bây giờ) vào Cây Đa xuôi Ô Lâu (Ô Giang bây giờ) ra phá Tam Giang ngược lên dòng Hương Giang đến Bao Vinh: một thương cảng lớn nhất của xứ Đằng Trong kéo dài hai thế kỷ XVII – XlX.
Tóm lại, trên đường thiên lý Bắc-Nam: đi bộ qua truông Nhà Hồ, đến chợ Kẻ Diên vào bến Cộ cây Đa (Cây Đa bây giờ) đi thuyền buôn vào Bao Vinh (cách kinh thành Huế 2 km). Sông nước hữu tình, đi cả ngày lẫn đêm,...khung cảnh nên thơ ấy đã dệt nên mối tình của chàng sĩ tử và cô lái đò duyên dáng đáng yêu. Phải chăng giả thuyết này đủ sức thuyết phục hơn là chuyến đò ngang dòng Ô Lâu để rồi vẫn tiếp tục đi bộ vào kinh ứng thí. Thời gian cô cậu gặp nhau trên chuyến đò ngang quá ngắn ngủi chắc chưa đủ chín một cuộc tình phải không các bạn?!!
Tạm biệt Cây Da, anh em chúng tôi lên thị trấn Diên Sanh. Ghé thăm nhà bạn Phạm Bá Nhơn (ven lộ xuyên Á) hôm này đặt móng. Bạn sẽ xây dựng nhà thờ gia đình và khu nghỉ khi về thăm quê cùng tháp bê tông để khoá chặt bạn với quê cha đất tổ, với bạn bè mến yêu!
Do công việc, bạn Nhơn không về Thị trấn cùng chúng tôi, bạn hẹn đầu giờ Ngọ sẽ đến họp mặt chúng vui....
Các bạn Nguyễn Chữ, bạn Vâng, bạn Nguyễn Dẫn, bạn Dương Tỵ, bạn Phước.... đã đón chúng tôi ở 41, BDT. Tay bắt mặt mừng, hỏi han nhau với nhiều câu: răng... rứa... hè...?!
Dự kiến 20 bạn, này được 15 bạn thôi! Chúng tôi bên nhau bàn bạc về nội dung của hành trình tháng Năm vào miền Nam với chủ đề: “Nhóm bạn K8 thăm thầy cô, thăm bạn bè Khoá 8 và thăm quan du lịch”. Dự kiến Đoàn cũng có được trên10 bạn. Chắc hành trình sẽ thành công do được sự động viên và ủng hộ nhiệt tình của bè bạn gần xa. Đây là một trong 2 việc lớn mà Khoá 8 sẽ thực hiện trong năm nay. Do vấn đề sức khoẻ, mùa vụ nên đã hạn chế về số lượng trong cuộc hành trình dài ngày lần này. Mong cho hành trình tháng 5 thành công đạt được các nội dung và ý nghĩa của nó!
Hành trình tháng Tư bạn Bùi Thị Tuyết đăng cai, do nhà có công việc nên đã mượn nhờ nhà 41, Bùi Dục Tài của vợ chồng bạn Ngự. Nhà vợ chồng bạn Tuyết ở thôn 1 (trước mặt trường TH Hải Thọ và Chùa Diên Bình). Chồng của bạn là anh Lê Đắc Hàm cũng là đồng môn Hải Lăng (k4). Anh chị có 4 cháu trai và 2 cháu gái. Hiện đã lo cho các cháu yên bề gia thất, nội ngoại đề huề... Hôm nay anh Hàm không gặp các bạn được, anh em K8 chúc cho gia đình anh chị an vui, hạnh phúc và luôn có những chuyến du lịch cùng cháu con để an dưỡng tuổi già!
11giờ trưa chúng tôi liên hoan. Bạn Tuyết đã gợi lại các món truyền thống của làng Diên Sanh: xôi thịt (heo, gà), cháo...có cải biên đôi chút cùng với “đậm đà miền Trung”. Bạn Nhơn tăng cường một hộp “loon cao” càng làm cho hồi kết của hành trình càng kéo dài.... Anh em chia tay khi trời đã qua chiều với cơn mưa bay bay như muốn níu chân các bạn lại! Cảm ơn gia đình bạn Tuyết và bạn Ngự rất nhiều đã tạo điều kiện cho anh em U70 vẫn còn ‘nghiên cứu' về Tình sử Ô Lâu với độ chín tuyệt vời như cảnh đẹp nên thơ của nhà thờ Cây Da bên dòng Ô Giang thơ mộng cùng chiếc cầu Cây Da nối đôi bờ gắn kết với một đêm trăng! Tuyệt vời! Rất tuyệt vời phải không các bạn!
Mong các bạn ra về bình an, không gặp công an!!! và hẹn gặp lại nhau (trực hoặc gián tiếp) trong hành trình tháng 5 vào thành phố Hồ Chí Minh nhé!
Nguyễn Lạp,16/4/23.

 

THƠ ĐƯỜNG LUẬT NGŨ ĐỘ THANH - Ngô Thị Bích Thuận

 

Lâu nay, kể từ đầu năm 2013 khi mình mang Đường Luật Ngũ Độ Thanh giới thiệu lên Facebook và lập Group Vần Thơ Xướng Họa Đường Luật Ngũ Độ Thanh, có một bộ phận người chơi thơ thường thắc mắc rằng Đường Luật Ngũ Độ Thanh có tự bao giờ, và quy định của nó là gì ?Hôm nay, mình sẽ giải đáp để mọi người hiểu rõ xuất xứ của Đường Luật Ngũ Độ Thanh nhé. 
 

A - NGUỒN GỐC
Khoảng cuối năm 2012, Trần Tâm (bút danh Linh Tâm) là một trong những thành viên chủ chốt của Group HOA SƠN LUẬN KIẾM. Phong cách thơ của bạn ấy khi đó rất mộc, chủ yếu là chém gió cho vui, nhưng chém rất hăng và tất nhiên là bài nào cũng đầy lỗi bệnh. Mình quen biết với nhóm bạn này cũng từ thơ Đường Luật và thường góp ý với các bạn ấy nên chú trọng về lỗi bệnh để câu thơ đọc lên nghe mượt mà hơn.
Trong một cuộc đàm đạo, sau khi kể chuyện vào các diễn đàn thơ chơi và "bị các cụ cao niên rượt cho chạy mất dép", một người bạn bỗng nhiên đưa ra ý tưởng "giá như bọn mình đủ trình độ để viết một bài thơ mà trong mỗi câu, mỗi chữ mang mỗi thanh dấu, thì đủ sức vào rượt lại các cụ nhỉ ?"
Mọi người cũng chỉ nói chuyện phiếm với tính cách vui vẻ như một cuộc trà dư tửu hậu để cười...
Nhưng, Linh Tâm lại đặc biệt chú ý đến ý tưởng này.
Bạn ấy nói : Chúng ta có thể làm được chứ ? Một bài thơ Đường Luật mà trong mỗi câu không trùng lặp thanh dấu, mình nghĩ sẽ rất thú vị! Mình sẽ thử sức xem. Và thế là đầu năm 2013 Đường Luật Ngũ Độ Thanh được ra đời bởi sự tìm tòi sáng tạo của Linh Tâm với cái tên nguyên thủy mà Linh Tâm đặt cho nó là Đường Luật Năm Thanh Dấu Lúc ấy, mình chơi thơ Đường Luật bằng bút danh Ngô Gia Tôn Tử. Mình góp ý nên đổi tên Đường Luật Năm Thanh Dấu thành Đường Luật Ngũ Độ Thanh, nghe hay hơn. 
Tháng 5/2013 Group Vần Thơ Xướng Họa Đường Luật Ngũ Độ Thanh do mình và Linh Tâm sáng lập ra đời.
 
B - Ý NGHĨA CỦA TÊN ĐƯỜNG LUẬT NGŨ ĐỘ THANH
 Nhìn trên mặt chữ, chúng ta nhận thấy âm là những tiếng không có dấu. Vì không có dấu nên không có cung bậc lên, xuống, thấp, cao.
Khi thêm những dấu Huyền, Sắc, Nặng, Hỏi, Ngã vào thì âm trở thành thanh và có giọng thấp, giọng cao, giọng lên, giọng xuống. Vì có 5 dấu và vì một khi âm trở thành thanh thì tiếng gốc không dấu đó được coi là một thanh, cho nên mỗi âm chia làm 6 thanh độ:
 
- Phù bình thanh, gồm những tiếng không dấu.
- Trầm bình thanh gồm những tiếng có dấu huyền.
- Phù thượng thanh gồm những tiếng có dấu hỏi.
- Trầm thượng thanh gồm những tiếng có dấu ngã.
- Phù khứ thanh gồm những tiếng có dấu sắc.
- Trầm khứ thanh gồm những tiếng có dấu nặng.
 
Vậy thì tại sao có đến 6 thanh độ, nhưng không gọi là Đường Luật Lục Độ Thanh mà lại là Đường Luật Ngũ Độ Thanh ?
Là bởi vì, do trong cấu trúc những câu thơ có 4 bằng + 3 trắc, thì số lượng 4 thanh độ thuộc nhóm trắc chỉ hiện diện 3/4.
 Do đó, cộng thêm 2 thanh bằng thì trong những câu thơ này chỉ có tối đa 5 thanh độ. Nếu gọi Đường Luật Lục Độ Thanh thì những câu thơ này không đáp ứng được tiêu chuẩn Lục Độ Thanh. Do đó, mới chọn số lượng thanh độ có mặt tối thiểu trong các câu làm chuẩn.
Vì vậy mới có tên Đường Luật Ngũ Độ Thanh.
 
C - LẠI CÓ MỘT VÀI Ý KIẾN CHO RẰNG ĐƯỜNG LUẬT NGŨ ĐỘ THANH CÓ XUẤT XỨ TỪ TRUNG QUỐC?
Xin thưa, điều ấy là không thể.
Vì sao ? Vì hệ thống thanh điệu của Trung Quốc chỉ có Tứ Thanh.
 
☆ 4 thanh điệu trong tiếng Trung (Tứ Thanh):
- Thanh 1 (bā):
Đọc cao và bình bình. Gần như đọc các từ không dấu trong tiếng Việt.
- Thanh 2 (bá):
Đọc giống dấu Sắc trong tiếng Việt.
- Thanh 3 (bǎ):
Đọc gần giống dấu Hỏi nhưng kéo dài. Vì cao độ lúc xuống thấp sẽ nghe hơi giống dấu Nặng trong tiếng Việt.
- Thanh 4 (bà):
Thanh này giống giữa dấu Huyền và dấu Nặng.
Ngoài ra, trong tiếng Trung có 1 thanh nhẹ, gọi là "khinh thanh" không biểu thị bằng thanh điệu (không dùng dấu). Thanh này sẽ đọc nhẹ và ngắn hơn thanh điệu, thường xuất hiện trong các từ láy. Người không rành tiếng Trung rất dễ nhầm khinh thanh với thanh 1.
☆ Tiếng Trung có quy tắc biến điệu, nhưng chỉ dành cho cách đọc, không dành cho cách viết, nên trên thực tế, cơ bản vẫn là chỉ có Tứ Thanh.Vì thế, cơ bản là hệ thống thanh điệu Trung Quốc chỉ có Tứ Thanh, không thể nào đáp ứng được yêu cầu để làm một bài thơ Đường Luật Ngũ Độ Thanh như hệ thống Lục Thanh của người Việt.
Cho nên những suy đoán cho rằng Đường Luật Ngũ Độ Thanh xuất phát từ Trung Quốc là vô căn cứ, chứng tỏ người phát ngôn không hề có chút kiến thức nào về hệ thống thanh điệu của Trung Quốc.
 
D - QUY ƯỚC CÁCH CHƠI CỦA ĐƯỜNG LUẬT NGŨ ĐỘ THANH
Tất nhiên là mọi quy ước trên thế gian này đều do con người đặt ra và Đường Luật Ngũ Độ Thanh cũng vậy, nó do Linh Tâm quy định trong quá trình sáng tạo ra nó.
Điểm đầu tiên phải tuân thủ, là Đường Luật Ngũ Độ Thanh chỉ sử dụng niêm luật của Đường Luật Chính Thể, không chơi kiểu "nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh".
Điểm thứ hai, Đường Luật Ngũ Độ Thanh không chấp nhận bị dính 20 lỗi bệnh của thơ Đường Luật. Có nghĩa là cho dù bạn đạt được tiêu chuẩn về phối thanh, về nội dung, nhưng không đạt được tiêu chuẩn triệt tiêu 20 lỗi bệnh, thì nghiễm nhiên bài thơ bị tính không đạt chất lượng.
☆Cấu trúc của một bài thơ Đường Luật Ngũ Độ Thanh gồm có:
- Những câu cấu tạo 4 bằng + 3 trắc:
Trong những câu này, 3 trong 4 thanh độ thuộc nhóm trắc được sử dụng tùy thuộc vào sự phối thanh của người viết, nhưng không được phép lặp lại 2 lần mỗi thanh độ trong câu.
2 thanh độ thuộc nhóm bằng được phép lặp lại trong câu nhưng hai thanh độ cùng dấu không được phép liền kề.
- Những câu cấu tạo 4 trắc + 3 bằng:
Trong những câu này, bắt buộc phải có đủ sự hiện diện của 4 thanh độ thuộc nhóm trắc và 2 thanh độ thuộc nhóm bằng (vẫn như trên, được phép lặp lại thanh độ cùng dấu nhóm bằng trong câu nhưng không được phép liền kề).
Tại sao các thanh độ thuộc nhóm trắc không được phép lặp lại trong câu nhưng 2 thanh độ nhóm bằng thì được ?
Đó là do nhóm bằng chỉ có tối đa 2 thanh nên không đủ để phối thanh luân phiên. Do đó nó được phép lặp lại, nhưng để đảm bảo yêu cầu không trùng dấu ở vị trí gần nhất tối thiểu, nó phải không liền kề.
 
Vì dụ :
LỜI CHÚC CHÂN THÀNH
Chúc được bình an cũng đủ rồi
Mong cầu khỏe mạnh suốt đời thôi
Đừng câu sáo rỗng kim tiền chảy
Chớ chữ thừa dư bảo ngọc bồi
Chí vững vun tài đâu phải cậy
Tâm lành trữ phúc chẳng hề trôi
Ngày Xuân thực tiễn lời đơn giản :
Chúc được bình an cũng đủ rồi !
Ngô Bích Thuận
Đài Loan.
 
E - NHỮNG ƯU ĐIỂM VÀ NHƯỢC ĐIỂM KHI SỬ DỤNG ĐƯỜNG LUẬT NGŨ ĐỘ THANH.
Tất cả mọi điều tồn tại trên đời luôn có 2 mặt tích cực và hạn chế của nó. Đường Luật Ngũ Độ Thanh cũng vậy.
1 - Ưu điểm :
- Sử dụng Đường Luật Ngũ Độ Thanh sẽ làm cho câu thơ đọc lên nghe mượt mà hơn nhờ độ trầm bổng thay đổi theo sự phối thanh luân phiên không lặp lại.
- Do yêu cầu không chấp nhận 20 lỗi bệnh, nên buộc người chơi phải chú ý để tránh, khiến mặt nghệ thuật của nó được tăng cao.
- Nhược điểm :
Tất cả những từ ghép hoặc từ láy đồng âm sẽ không sử dụng được trong Đường Luật Ngũ Độ Thanh, khiến một bộ phận không nhỏ từ ngữ bị vô hiệu hóa.
Nhưng bù lại, người chơi bắt buộc phải đi tìm những từ có giá trị tương ứng để thay thế, điều này làm cho kho tàng ngôn ngữ được đào bới kỹ hơn và người ta có khả năng tìm được nhiều từ ngữ hơn để sử dụng.
- Không phải ai cũng có khả năng làm được một bài thơ Đường Luật Ngũ Độ Thanh mượt mà cả ý tứ lẫn ngôn ngữ. Có những người vì chạy theo cách chơi, chỉ chú ý ghép sao cho đủ Ngũ Độ Thanh mà đánh mất nội dung, khiến bài thơ trở nên ngô nghê, phi logic chẳng khác gì ghép chữ. Đấy là điều đáng buồn nhất.
 
☆ LỜI NHẮN NHỦ CỦA NGÔ GIA TÔN TỬ
Là một người mang Đường Luật Ngũ Độ Thanh do Linh Tâm sáng tạo ra giới thiệu lên Facebook, tất nhiên mình rất vui khi nó được đón nhận, được phát triển ngoài sức tưởng tượng của một nhóm nhỏ ban đầu.Nhưng xin đừng lầm tưởng hoặc ngộ nhận nó là "đẳng cấp", là "đỉnh cao" như một vài người tự gán cho nó.Trước khi viết một bài thơ Đường Luật Ngũ Độ Thanh, xin bạn hãy biến nó thành một bài thơ Đường Luật Chính Thể chất lượng đã, rồi hãy nghĩ đến chơi tiểu xảo.
Vì bản chất thơ Đường Luật là ngôn ngữ cô đọng, súc tích, chân phương và sát thực nhưng khả năng diễn đạt rất cao.
Một bài thơ hay, không phải nhờ ở lối chơi, mà là hội đủ các yếu tố ý sâu, tứ mượt, ngôn ngữ chuẩn xác, niêm luật thông. Đó mới là tiêu chí của thơ Đường Luật.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của mình.
Ngô Bích Thuận.
Đài Bắc 5h30 AM 18.4.2021.
 

 

NỮ SĨ HOÀNG HƯƠNG TRANG Nguyễn Phú yên.

 

Nữ sĩ Hoàng Hương Trang đã từ giã cõi đời vào lúc 6g sáng 15-4 - 2020 và được hỏa táng vào lúc16g chiều16-4-2020, hưởng thọ 84 tuổi. Tro cốt sẽ được đưa về Huế và chôn tại ngôi mộ trên một ngọn đồi do chị tự lập từ năm 2011.
 
NỮ SĨ HOÀNG HƯƠNG TRANG 
 
 Là người đa tài (vẽ tranh, làm thơ, viết văn, sọan nhạc, viết thư pháp) nên hơn nửa thế kỷ qua chị giao tiếp nhiều cây cao, bóng cả trong làng văn, trận bút. Đặc biệt nghe chị hay nhắc về thi bá Vũ Hoàng Chương, kịch tác gia Vi Huyền Đắc, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Lê Thương, thi sĩ Kiên Giang, nhà văn Toan Ánh, nhà thơ Tế Hanh... Chị còn là một nghệ sĩ ngâm thơ trong chương trình Tao Đàn cùng các nghệ sĩ Hồ Điệp, Hoàng Oanh, Giáng Hương, Quách Đàm, Tô Kiều Ngân, Đoàn Yên Linh, Vân Khanh, Hà Linh Bảo, Hồ Bảo Thanh, Mai Hiên, Huyền Trân, Hồng Vân... do thi sĩ Đinh Hùng cùng bạn bè lập ra chương trình Tao Đàn năm 1955 trên Đài phát thanh Sài Gòn.
 
 Chị đã viết thơ tự vịnh về mình:
Thơ hơn chục cuốn, vạn bài
Văn ngoài dăm quyển, ngàn trang
Họa sáu mươi niên, dư vài trăm bức
Nhạc điểm xuyết mấy khúc ca.
Ngâm nga gần bảy chục năm, Tao Đàn nổi tiếng
 
VĨNH BIỆT NỮ SĨ HOÀNG HƯƠNG TRANG
( Trích từ trang FB anh Nguyễn Phú Yên)
 
 
 
Tin từ Long Xuyên cho hay Nữ sĩ Hoàng Hương Trang đã từ giã cõi đời vào lúc 6g sáng hôm qua 15-4 và được hỏa táng vào lúc 16g chiều hôm nay 16-4-2020, hưởng thọ 84 tuổi. Chị bị ung thư gan giai đoạn cuối nhưng bản thân chị không hay biết. Chỉ mấy hôm trước chị cho biết người rất mệt sau khi đi khám bệnh ở Bệnh viện Long Xuyên trở về. Tro cốt sẽ được đưa về Huế và chôn tại ngôi mộ trên một ngọn đồi do chị tự lập từ năm 2011.
Nữ sĩ Hoàng Hương Trang tên thật Hoàng Thị Diệm Phương, sinh năm 1938 (khai lùi tuổi), quê quán làng Vân Thê, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế, là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng ở Miền Nam trước và sau năm 1975. Chị xuất bản tập thơ “Khép đôi mi nhỏ” vào năm 1956, lúc chị 18 tuổi. Thật ra chị làm thơ từ năm 12 tuổi; có lần nhà thơ Hồ Đình Phương đem thơ của chị đăng báo Đời Mới, Thẩm Mỹ ở Sài Gòn khiến nhiều người tưởng chị là cô gái tuổi đôi mươi.
Chị Hoàng Hương Trang, cựu nữ sinh Đồng Khánh, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế (khóa 1) năm 1960, Sư phạm Mỹ thuật Sài Gòn năm 1961, có học bổng du học Nhật, cựu giáo sư các trường trung học Ngô Quyền (Biên Hòa), Nguyễn Huệ (Phú Yên), Kiểu Mẫu (Thủ Đức)… và Trường Đại học Mỹ thuật Gia Định, Sài Gòn. Hội viên Trung tâm Văn bút Việt Nam. Sáng lập và đề xướng công cuộc xây dựng "Rừng Phong Châu, Núi Việt, Bia Hùng", là họa sĩ đầu tiên sáng tạo trường phái phối hợp giữa họa và thơ được mệnh danh "Thủ Bút Họa".
Tác phẩm: Khép đôi mi nhỏ (1956), Linh hồn cỏ biếc (1965), Bến tâm hồn (1966), Thơ - Đông Phương (1967), Hợp tấu (1967), Mười hướng sao (1970), Túy ca (1972, Thư Ấn Quán tái bản năm 2008). Chị đăng thơ trên nhiều tờ báo như Phổ Thông, Bách Khoa, Văn, Hoa Tình Thương, Tiểu Thuyết Tuần San, Phụ Nữ Mới, Bút Hoa, Gió Nam, Quật Khởi,Văn Nghệ Đông Nam Á… Chị có nhiều bạn bè và học trò, từng gặp gỡ cụ Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, NS Lê Thương, NS Tuấn Khanh và Phạm Duy, nhà thơ Nguyễn Đình Thi… có tên trong Thi nhân Việt Nam thế hệ 1954-1973 (2 tập của Nguyễn Tấn Long, Phan Canh, NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1974).
Năm 1972, khi chị in tập thơ “Túy ca”, nhà thơ Vũ Hoàng Chương - tác giả tập “Thơ say” - với tấm lòng liên tài đã làm bài thơ "Cảm đề Túy ca" tặng chị:
“Bài ca Tận túy” đi hoang
Biết đâu Hoàng lại gặp Hoàng chiều nay
Vẽ nên độc dược mà say
Hóa công chưa dễ khéo bày đặt hơn
Gió trăm cơn bụi ngàn cơn
Một cơn say đủ sạch trơn thế tình
Nguyện trường túy bất nguyện tinh
Say ai? Mình chỉ say mình đó thôi
Túy-ca bè đã thả rồi
Túy-hương xưa hãy cùng trôi ngược về.
Sau 1975, chị là hội viên Hội Nhà văn VN, in chung trên 30 tuyển tập thơ văn trong và ngoài nước. Chị sinh hoạt ở CLB Văn nghệ sĩ Gia Định, nơi qui tụ nhiều tên tuổi của Sài Gòn như các nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ Tường Linh, Tô Kiều Ngân, Song Nguyên, Vũ Hối, Sông Trà, Châu Kỳ, Trầm Tử Thiêng, Trúc Phương, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Thanh Sơn, Hàn Châu, Mặc Thế Nhân, Túy Hoa, Túy Phượng, Ngọc Huệ, Mai Khanh, Mai Trâm, Đoàn Yên Linh, Mai Hiên, Trần Thiết Hùng (em trai của Vân Sơn - một trong ba thành viên ban AVT, đã nhảy sông tự tử tại cầu Thị Nghè sau 1975)…
Năm 1976, chị được gia đình nhà thơ Vũ Hoàng Chương tin cậy gửi gắm để lưu giữ 12 bài thơ cuối cùng của nhà thơ, sau này đã được in ở hải ngoại. Năm 2006, nhân ngày giỗ lần thứ 30 của nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Hoàng Hương Trang cũng làm bài thơ "Chiều say nhớ Hoàng" thương tiếc nhà thơ tài danh này:
 
“Biết đâu Hoàng lại gặp Hoàng chiều nay”
Mới vừa dăm chén đã say
Trong men chếnh choáng nhớ ngày năm xưa
Bút gươm chém lệch đường thơ
Mực đau giấy ảo, kịch hờ thương Mây
Trả gươm cho gió nghiêng vai
Trả thơ cho mộng, trả ngày cho đêm
Kiều Thu, hề! Đẫm gót sen
Mười hai tháng sáu trả men cho tình
Trời một phương, đất một mình
Cảm thông nhân thế cái tình phù du
Tài hoa hệ lụy sa mù
Chén vui, hề! Chén buồn xưa hiện về
Ơi Hoàng, nửa chén si mê
Ơi Hoàng, nửa chén vụng về trao tay
Rượu đây, hề! Ta cứ say
“Biết đâu Hoàng lại chiều nay gặp Hoàng”.
(Sài Gòn, 10-10-2006)
 
Chị là con nuôi của kịch tác gia Vi Huyền Đắc (1899-1976). Cụ là Phó chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam, người từng được giải thưởng của Viện Hàn lâm Nice, Pháp năm 1936 với vở Eternels Regrets (Trường hận) và giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn năm 1938 với vở Kim Tiền. Sau năm 1975 cụ trở về Hà Nội được một thời gian thì cụ buồn chán, lặng lẽ tuyệt thực và qua đời vào tháng 8-1976. Đám tang do nhà văn Nguyễn Tuân đứng ra tổ chức và nhà thơ Thế Lữ đọc điếu văn. Trước khi về Bắc, cụ để lại căn nhà cho chị Hoàng Hương Trang. Thời bao cấp khó khăn, chị bán hai phần ba căn nhà, phần còn lại chị ở có một mình. Chị thường bảo “chơi văn, ăn vẽ”, bởi nguồn sống của chị là từ các tranh vẽ bán được trong mấy chục năm ở Sài Gòn. Trong bài thơ "Tám mươi dư" gửi cho La Thụy, chị nhìn lại đời mình:
 
Thơ hơn chục cuốn, vạn bài
Văn ngoài dăm quyển, ngàn trang
Họa sáu mươi niên, dư vài trăm bức
Nhạc điểm xuyết mấy khúc ca
Ngâm nga gần bảy chục năm, Tao Đàn nổi tiếng
Hát hò chưa ca sĩ, bạn bè vẫn vỗ tay khen…
Bạn bè khắp năm châu bốn biển, tính đến vạn kẻ thân quen
Học trò trong nước ngoài nước, đếm quá ngàn, tình thân chí
thiết
Giao du cuối đất cùng trời, từ Âu sang Á…
(Sài Gòn, 2017)
 
Xin giới thiệu bài thơ về Huế của chị:
 
HUẾ TÌNH ĐẦU
 
Ai xa Huế mà không nhớ Huế
Nhớ chuông chùa Diệu Đế, nhớ Văn Lâu
Nhớ Trường Tiền da diết sáu nhịp cầu
Nhớ Kim Long, nhớ bến đò Thừa Phủ.
 
Nhớ dốc Nam Giao, nhớ bờ sông Bến Ngự
Nhớ Hàng Bè, Thượng Tứ, nhớ Bao Vinh
Nhớ sông Hương chan chứa thiết tha tình
Nhớ thông reo đỉnh Ngự Bình gió mát.
 
Nhớ Tịnh Tâm, hồ sen bát ngát
Nhớ đò Cồn, An Cựu, Chợ Dinh
Nhớ con đường Vỹ Dạ bóng cây xanh
Nhớ Gia Hội, Đông Ba, Hàng Me, Đập Đá.
 
Nhớ Ngự Viên, nhớ Nội Thành, Mang Cá...
Huế của ta ơi, biết nhớ mấy cho vừa!
Ai xa Huế mà không thương Huế
Thương mẹ già lặn lội mùa Đông
 
Thương em thơ đi học mưa dầm
Thương chị, thương anh mùa hè cháy nắng
Thương bữa cơm nghèo, nồi canh mướp đắng
Thương dĩa mắm cà, con cá thệ kho khô...
 
Huế của ta ơi, thương biết chừng mô!
Ai xa Huế mà không mơ về Huế
Dạo bước trên cầu áo trắng tung bay
Vành nón nghiêng nghiêng che mái tóc mây
 
Ánh mắt trong veo dòng Hương gợn sóng
Đêm trăng hè trời cao lồng lộng
Chiều thu êm tím ngát cả không gian
Tiếng hò trên sông ngơ ngẩn bàng hoàng
 
Hò ơ hò... chiều chiều trước bến...
Mơ sớm mai chèo đò qua cồn Hến
Trái bắp tươi non, nấu chén chè thơm
Dĩa bánh bèo tôm chấy hồng ươm
 
Đợi cơm hến, bánh canh, bánh ướt...
Nhớ biết mấy, những món quà quê hương
không gì thay thế được
Dải đất quê nghèo mà mặn nồng yêu thương
 
Ai đã từng uống nước sông Hương
Ai đã từng hưởng ngọn gió chiều đỉnh Ngự
Ai đã từng bước đi trên những con đường tình tứ
Ai đã thả hồn trên những chiếc võng âm thanh
 
Ai đã đắm say tình Huế quê mình
Dẫu xa xôi mà không mơ về Huế
Huế tình đầu thơm ngát, Huế yêu ơi!
Hoàng Hương Trang
 
Sau đây là hai bài thơ cuối cùng của chị:
 
CỔ THỤ VÀ HOA
 
Có gốc cổ thụ già cằn cỗi
Thở từng hơi nhè nhẹ cuối cùng
Bỗng một hôm nắng sớm tưng bừng
Cơn gió ngọt ngào mang bông hoa tới.
 
Bông hoa bảy sắc màu tươi rói
Nở chói lòa như ánh cầu vồng
Hoa đến bên cổ thụ khô cằn
Tỏa hương thơm dịu dàng như mật.
 
Hoa đẹp hơn ngàn bông hoa có thật
Hoa thì thầm ẩn ngữ tình yêu
Hoa hẹn hò chờ đợi kiếp sau
Bao say đắm quên mình là cổ thụ.
 
Và quên hết thời gian, quá khứ…
Như chơi vơi trong cõi Thiên Đường
Ở bên hoa tươi đẹp lạ thường
Gốc cổ thụ nở bừng cùng hoa thắm.
 
Cổ thụ giờ đây không còn ảm đạm
Ôm trọn đóa hoa thơm ngát trăm năm
Lời hẹn thề từ cõi xa xăm
Nay đã gặp bông hoa tiền kiếp.
Hoàng Hương Trang
(2017)
 
NAM MÔ
 
Cho tôi niệm tiếng Nam Mô
Nguyện thương, nguyện nhớ
Nguyện cho cuộc tình
Cho tôi niệm tiếng cầu kinh
 
Đừng hờn, đừng giận
Người mình dấu yêu.
Trái tim tôi, tiếng kinh chiều
Nam Mô ký ức
 
Đã yêu nghìn đời
Trái tim tôi gửi về nơi
Tiếng Nam Mô
Với ngọt bùi từ bi.
Hoàng Hương Trang
(2019)


 

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

TẦN HOÀI DẠ VŨ, MỘT MÌNH BƯỚC ĐI, BƯỚC ĐI MỘT MÌNH Châu Thạch.

 

TẦN HOÀI DẠ VŨ,
MỘT MÌNH BƯỚC ĐI, BƯỚC ĐI MỘT MÌNH
Châu Thạch.
 
 
 
Tần Hoài Dạ Vũ, một nhà thơ mà tôi mến mộ gần 60 năm trước. Anh nhỏ hơn tôi ba tuổi, nhưng khi tôi còn viết báo tường trong lớp học thì tên tuổi anh đã có trên văn đàn miền Nam Việt Nam. Thời đó thơ anh thường được đăng trên những tờ báo văn học có giá trị như Văn, Bách Khoa, Văn học v...v...
 Sáu mươi năm sau, ở tuổi quá thất thập, tôi mới hân hạnh gặp được Tàn Hoài Dạ Vũ; ngồi uống cà phê cùng anh và nghe anh tâm sự về cuộc đời mình.
Anh cũng như tôi, đều đồng ý rằng, đời chẳng phải lúc nào mình cũng chọn đúng và cũng chẳng phải lúc nào đời cũng hiểu đúng mình.
Tôi tôn trọng anh bởi tình yêu văn chương và tình yêu quê hương nồng cháy trong con tim nóng hổi của anh. 
Về nhà nằm đọc thơ Tần Hoài Dạ Vũ, tôi cảm động biết bao bởi tiếng thơ đã quên đi từ dạo ấy trong tháng ngày lận đận, bây giờ nó lại đến như một mối tình thiết tha quay lại với mình.
 
Tần Hoài Dạ Vũ có những bài thơ như bài thơ “Cuồng Ca”, là những bài ca đam mê của con tim dại khờ trước thần tượng hay ảo ảnh, trước mơ hồ hay chân lý. Tuổi trẻ nào đâu biết được nhiều, chỉ lao vào, lao tới để muốn bắt cả “trời xanh trong kẽ tay”.
Đọc những bài thơ ấy, tôi như nghe được con tim mình nhói đau vì định mệnh của đời:
Ta xẻ buồng tim hát tự do
chờ khi trăng loạn xuống ngang mày
níu trăng ta múa cùng hư ảnh
mai bắt trời xanh trong kẽ tay !
( Cuồng ca)
Tôi đã khóc vì tôi đồng cảm với thơ. Ai trong chúng ta ở tuổi dại khờ không từng xé con tim cho tự do, không từng muốn đưa tay với bắt trời xanh (?). Thế nhưng, một ngày quay nhìn lại, ta thấy ta “níu trăng” mà “múa cùng hư ảnh”.
Đau xót biết bao khi con đò đưa ta qua bến bờ chân lý bỗng nhiên trở thành ảo ảnh. Hụt hẫng biết bao khi ta qua chưa hết chuyến đò mà đã thấy sự chết ở bờ bên kía:
...Trên đò ngọn gió tịch liêu
Lạnh lùng thổi lại hồn chiều bơ vơ
Ta qua chưa hết chuyến đò
Thấy trăng đứng đợi bên bờ tử sinh
Thấy sông trôi lại bóng mình
Biết ta là bóng hay hình rong chơi
Tình xưa đã chết bên trời
Chiều nay sông nước đọc lời điếu tang
Hỏi quê nào biết đâu làng
Lòng không, còn lại mấy hàng mây trôi.
( Đò Chiều)
“Tình xưa đã chết bên trời” nhưng “chiều nay sông nước” mới “đọc lời điếu tang”. Nhà thơ đâu dễ gì quên được cái tình xưa đó, nhưng chiều nay, khi nhìn sông nhìn nước u buồn thì mới ngộ ra mình phải dứt khoát với mối tình tan vỡ kia. Có lẽ thế hệ chúng tôi, bởi hệ lụy của chiến tranh, đã có biết bao nhiêu mối tình đau xót như Tàn Hoài Dạ Vũ. Nếu gặp nhau nên ôm nhau mà khóc, đừng trách chi nhau, vì có khi đời ta đâu phải do ta định đoạt.
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ chỉ sáng tác một bài thơ “Cuồng Ca” nhưng đọc thơ anh ta thấy loại thơ như Cuồng Ca nhiều lắm. Tiếng lòng của nhà thơ tha thiết, nỗi ân hận vì những đổ vỡ trong đời dày vò, và tiếng thơ của nó reo như dòng suối buồn triền miên chảy qua những đại ngàn. Suối đó không bao giờ thành một dòng sông, vì nó chỉ chảy trong con tim của đại ngàn có tên Tần Hoài Dạ Vũ. Suối âm thầm róc rách chỉ để suối nghe. Ai muốn nghe thì hãy đến với đại ngàn có con suối kia, để ngồi lại nhìn phong lan rủ xuống bên bờ suối và thấy nó đẹp. Ai không muốn nghe thì cứ quay lưng đi về chân trời lửa cháy của mình.
Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ không cuồng loạn, nhưng vẫn đam mê đến suốt một đời, kéo dài niềm luyến ái và nỗi đau như câu thơ của ai đó“Nhớ nhà châm điếu thuốc/Khói huyền bay lên mây” nhưng khác một chút, có thể gọi là, nhớ tình châm điếu thuốc/ khói huyền loan trên tay:
Hồn thôi bỏ mặc cho sương xuống
thương nhớ không vàng giọt nắng hanh
Dừng chân dưới cột đèn châm thuốc
không gió mà tay lạnh rất đầy
( Chiều Mưa Uống Rượu)
Người ta thích nói “thương nhớ làm vàng nắng chiều”, mấy ai nói “Thương nhớ không vàng giọt nắng hanh” như Tần Hoài Dạ Vũ ?. Giọt nắng hanh mà không vàng được, bởi thương nhớ đã làm cho mòn mỏi tâm hồn. Giọt nắng không vàng được, bởi sinh khí của tình yêu đã hết. Nó không hết bởi không còn yêu nữa, mà hết bởi niềm đau cùng tận khiến cho con tim yêu chỉ còn thoi thóp thở. “Tay lạnh đầy” không phải vì gió lạnh mà vì châm điếu thuốc. Khói của thuốc làm tay lạnh, vì khói ấy quyện trong và với kỷ niệm một thời. Đốt thuốc không phải vì thèm thuốc, đốt thuốc để nhớ ngày xưa. Nhớ ngày xưa nên đốt thuốc dưới cây cột điện cô đơn, với tâm hồn đã sương xuống lâu rồi. Thơ như thế không phải thơ diễn ý mà là thơ nhập hồn. Nó là loại thơ lên đồng mà con đồng vẫn tỉnh táo. Nó thăng hoa trong nỗi đau và nó thành thi ca như con nhộng rúc vào trong chiếc kén của mình. Nhộng sẽ chết trong kén và người kéo tơ để nhìn tơ đẹp chính là ta, là bạn đọc bài thơ.
Thơ tình của Tần Hoài Dạ Vũ là thứ “thơ tình không có tuổi” như thi sĩ đã tâm tình:
Qua năm tháng dầu tuổi có già đi
nhưng tâm hồn tôi vẫn vậy
Vẫn đắm say cuộc đời như lúc thanh niên
Quả vậy, thơ tình của Tần Hoài Dạ Vũ có dòng thơ “Giọng buồn của tượng”, Nó như ngọn gió đưa tình sử bay vèo. Rồi tình sử đó hóa thành tượng trong hồn. Tượng đứng cô đơn thương tiếc cho một thời vụng dại. Bài thơ có 16 câu, xin vui lòng cho tôi rút ngắn:
...“Công viên buồn tượng hồn tôi dựng đó
Khi vàng bay lá nhớ chớm sang mùa”
...“Tôi sẽ khóc bằng con tim của đá
Ru êm đềm theo những bước đêm trôi
...“Trên bệ cao trọn kiếp này đứng rũ
Từng đêm nghe gió lạnh thổi trong hồn”
(Giọng buồn của tượng)
Tượng ở ngoài đời đặt nơi công viên thì lạnh. Tượng đặt ở trong hồn tưởng ấm mà lại lạnh hơn!. Đá không có con tim nên đá khóc chỉ vì sự tưởng tượng của người. Người có con tim máu đỏ nhưng lại khóc bằng con tim của đá. Khóc bằng con tim của đá vì nỗi đau cô đọng, quắn lại, khô cứng, thê thiết biết bao! Ở đây, thơ đã làm tình yêu thành tượng và thơ đã làm cho tượng chảy thành tình yêu. Đó là phép biến hóa của thơ, hay nói đúng hơn là thiên tài của người thi sĩ!
Tần Hoài Dạ Vũ thích đá, anh khóc bằng con tim của đá và anh yêu cũng bằng con tim của đá:
Có một buổi ta nằm say trong đá
Hồn theo em mây trắng phía chân trời
Rồi ngàn buổi giấc mơ đầy bướm lạ
Đá không lời mà lệ hóa sao rơi…
( Lê Đá)
 Ai đã một lần nằm cô đơn, nhìn bầu trời rất thấp, với trăng sáng, với mây bay, với sao rơi thì sẽ cảm nhận hết cái vô cùng lãng mạn của bài thơ. Nhà thơ đã hóa thành đá. Đá bị chôn chân một chỗ để nhìn tình yêu thơ mộng, bao la bát ngát vây quanh mình, rồi sau đó bay đi, đến tận chân trời nào xa thẳm. Rồi bỗng nhiên đá khóc, lệ lại thành những áng sao rơi. Nghịch lý chăng? Không, hư cấu trên cả hư cấu. Hãy hình dung từng giọt nước mắt lăn tròn trên đá, rồi từng giọt nước mắt nầy phản chiếu những ánh sao rơi. Ánh sao rơi sáng trên bầu trời sẽ long lanh trong nước mắt. Đẹp biết bao và tha thiết biết bao!. Chúa Jesus phán rằng:”Nếu loài người không tôn vinh ta, ta sẽ làm cho đá cũng biết nói để tôn vinh ta”. Vậy đá mà yêu, đá mà khóc thì cao quý hơn người! ! Đá yêu, đá khóc, đó là con tim của nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ.
 
Tần Hoài Dạ Vũ yêu Huế. Anh là dân Quảng Nam nhưng tuổi thanh xuân ở Huế. Anh học Quốc Học, Đại học Huế, rồi vào đời lập nghiệp ở Huế. Anh từ giã Huê trong biến động của tâm hồn, để lặn lội 30 năm sau ngày xa Huế, viết về văn học dân gian Quảng Nam- Đà Nẵng. Trong lận đận hai phần đời người, nhà thơ vẫn giữ Huế trong lòng để nhớ khôn nguôi:
Và nhớ giữ lại cho ta
Những buổi sáng mù sương trắng áo
Vai cầu nghiêng một nét xuống trang thơ
Dòng sông xa sương trải lụa đôi bờ
Giọng hò đỡ tôi lên từ những ngày niên thiếu
( Từ Biệt Huế)
Nhớ để rồi hẹn quay về:
Anh sẽ về một sáng mùa thu
sông Hương còn trắng những sương mù
áo em trắng nhịp cầu thương nhớ
bóng ngã lòng anh câu hát ru
Anh sẽ giong thuyền trên nước xanh
chở trăng Gia Hội vào Nội thành
soi nghiêng mái tóc thề Tôn nữ
thiếp giữa một vùng hương mỏng manh
( Hẹn Về Với Huế)
Huế của Tần Hoài Dạ Vũ một màu trắng: sương trắng, cầu trắng, áo trắng, và không chỉ có vai cầu, mà tất cả “nghiêng xuống” trang thơ của anh, đỡ anh đứng dậy, và cho anh thiếp vào một “vùng hương mỏng manh” mỗi khi nhớ đến nó. Đọc Huế trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ và nhìn Huế ngày nay, tôi muốn bật khóc. Bởi vì "dấu xưa xe ngựa" không phải "hồn thu thảo" mà hồn nó đã tân thời quá lứa, "nền cũ lâu đài" không phải "bóng tịch dương", mà nền cũ lâu đài có nơi thì bệ rạc, có nơi sơn quết mới một màu phồn hoa lòe loẹt và hợm hĩnh...
Tần Hoài Dạ Vũ còn có dòng thơ “Đi tìm sự thanh bình”.
Một đời anh ao ước thanh bình, dấn thân cho thanh bình, để phải mang nhiều hệ lụy, đến nỗi anh phải viết Di ngôn. Bài thơ có 20 câu, tôi xin rút ngắn:
...“Rồi anh sẽ gối đầu lên giấc mộng
Ngủ quên đời trong giường mộ bình yên”
...“Xin em hãy liệm anh bằng tiếng hát
đắp mặt anh bằng mái tóc em buồn”
...“Em có nhớ, thắp hương bằng nước mắt
Ngọt vô cùng anh sẽ uống no say”
...“Và em hãy viết thư bằng cổ tích
Đừng nhắc chuyện quê hương chinh chiến hận thù
Anh sẽ tưởng hồn anh không xiềng xích
Bay tìm em dù gió cát, sương mù”
(Di Ngôn)
"Di ngôn" cho ta thấy linh hồn nhà thơ bị xiềng xích. Xiềng xích khi còn sống và có lẽ cả khi đã qua đời. Nhà thơ phải nhờ em “liệm anh bằng tiếng hát”, “đắp mặt anh bằng mái tóc em buồn”, “thắp hương bằng nước mắt”, vì như vậy thì họa may anh mới “tưởng rằng” linh hồn anh không còn xiềng xích nữa. Điều đó cho thấy anh “đi tìm sự thanh bình” suốt một đời không có được.
Thơ Tần Hoài Dạ Vũ còn thể hiện một tâm hồn thánh thiện với lòng bao dung vô bờ bến. Anh có dòng thơ “Thơ Tặng Lòng Bao Dung” trong đó có những bài thơ như “Thư gửi một người lỗi lầm” kết tủa lệ của anh thành từng chuổi hạt vị tha, vừa long lanh nhưng cũng vừa giá buốt:
"Đừng nghĩ tới những nỗi đau buồn phải gánh chịu. Bằng sự gội rửa tâm hồn em sẽ trở nên giá trị hơn với chính em.
...Đừng chán nản vì ngày vui ngắn ngủi còn nỗi buồn thì muôn trùng, em thân yêu."
(Thư gửi một người lỗi lầm)
Đọc thơ Tần Hoài Dạ Vũ, tôi có cảm tưởng anh đi một mình suốt cả cuộc đời. Bước đi một mình, một mình bước đi. Thơ anh qua sa mạc, qua rừng, qua phố, qua cả một đời trong chiếc bóng lẻ loi của mình. Hạnh phúc anh có được không phải là sự đoàn tụ; niềm vui anh có được không phải là sự đoàn viên, mà là những gì sót lại, rơi ra, nhà thơ nhận nó cho riêng mình:
Cái nắm tay bên cửa sổ toa tàu
như nốt nhạc rơi bên ngoài nỗi nhớ
như thời gian rơi bên ngoài đổ vỡ
kỷ niệm đầy vị ngọt của tương lai
Những dòng sông trôi đi, cuộc sống vẫn còn dài
cơn gió cũ qua rồi đời vẫn mát
một góc phố một khoảng trời xanh ngát
lại đưa ta về trong mắt của tình yêu.
( Những cuộc chia tay và trở lại)
Vâng, nhà thơ lượm cái rơi bên ngoài nỗi nhớ, lượm cái rơi bên ngoài đổ vỡ, để cho cơn gió cũ qua rồi lại làm mát lòng khi nhớ về một góc phố, hay một khoảng trời đã mất. Đó là Tần Hoài Dạ Vũ. Tôi đọc và hình như tôi thấy anh chỉ có hai bàn tay trắng với nỗi cô đơn trùm lên cuộc đời. Cuộc đời Tần Hoài Dạ Vũ là một cuộc dấn thân vào chốn bụi mù, đi tìm thanh bình cho đời và đi tìm văn học cho quê hương.
Thơ Tần Hoài Dạ Vũ như một vườn hoa có quá nhiều bông hoa. Tôi nhắm mắt để bốc đại, được bông nào thì ngắm nhìn bông đó, viết về bông đó. Để nói về nhà thơ nầy, phải có hàng trăm trang giấy, chưa nói đến phải có hàng ngàn trang viết.
Hy vọng tôi sẽ còn nhiều cơ hội để viết nữa về anh./.
Châu Thạch.