Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

TH Triệu Phong-Ký ức và Hoài niệm- Nhiều tác giả


Gồm các bài viết của : 
13. BBS,Trung học Triệu Phong 1960-1975 lược sử 
 12.BBS. Thầy Hồ Bính và Bác Hồ Văn Thơm - 15 năm gắn bó với trường
11.BBS. Thầy Lê Ngọc Dinh
10.Thầy NGUYỄN Văn Hóa : Một ngày trở lại với các em học sinh thân yêu
 9: Thầy NGUYỄN THIỆN LỮ : Từ một chuyến trở về đáng nhớ
8. Thầy TÔN THẤT PHÚ
7.  Thầy HOÀNG VĂN HÒA:
6. Thầy HỒ TRỊ: Nhìn lại cuộc đời dạy học ...
5. CHS. LÊ THỊ HUỆ: Nhớ về một loài hoa.
 4.CHS.NGUYỄN HÒA: Cuộc đời và nhưng tấm lòng cao cả.
 3. Thầy HOÀNG ĐĂNG : CẢM NHẬN THƠ THẦY HỒ TRỊ
2. Thầy  HOÀNG MÃI: Nghĩa tình
1. CHS.Ngô Hướng : KÝ ỨC và HOÀI CẢM


TRƯỜNG TRUNG HỌC TRIỆU PHONG
1960 – 1975

I/- BUỔI SƠ KHAI :(1960-1963)
 -1960-1962: Đặt dưới sự quản lý, điều hành của trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Học tạm ở nhà thờ họ Đỗ, thôn Bích Khê, xã Triệu Long. Thầy Lê Công Trình đảm nhiệm dạy tất cả các môn và chỉ có 1 lớp Đệ Thất.
- 1962-1963(Học kỳ 1): Trường mở thêm 2 lớp Đệ thất, bổ sung thầy cô đủ để dạy 3 lớp. Thầy Trình vừa giảng dạy, vừa là phân hiệu trưởng để quản lý 3 lớp ở Triệu Phong. Học tạm ở đình Cổ Thành và đình Hậu Kiên (Đợi trường mới xây xong chuyển sang).

II/- THỜI KỲ TỰ QUẢN:
-1962-1963 (Học kỳ 2): thầy Đỗ Thanh Quang được bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng(3). Thời gian này này trường độc lập quản lý việc dạy và học. Trường chính thức đặt tại xóm Bèng, thôn Nại Cửu gồm 4 phòng học và 1 làm văn phòng.  
-Cuối năm học 1962 – 1963: thầy Phan Thanh Thiên được bổ nhiệm về giữ chức Hiệu trưởng thày thầy Quang chuyển đi, đến hết năm học 1968 –1969 thì thầy đổi về Huế. Thời kỳ trường ổn định lâu nhất và phát triển tốt.
- 1969-1972: Thầy Văn Phong được cử làm Hiệu trưởng thay thầy Phan Thanh Thiên. Trường vẫn tiếp tục hoạt động tốt.


III/- GIAI ĐOẠN BIẾN ĐỘNG:
- Năm học: 1972-1974(5): Trường đặt tạm tại trại tạm cư Hòa Khánh. Ở đây trường có thêm lớp 10 và 11do phải tiếp nhận học sinh các trường khác mà sống tạm cư cùng gia đình tại đây. Thầy Văn Phong tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng đến tháng 8/1973 thì chuyển lên Ty giáo giáo dục.

 - 8/1973- 3/1974: Thầy Hoàng Đằng thay thầy Văn Phong. Từ tháng 10/1973  trường về lại Quảng trị, gồm 2 cơ sở : Cở sở 1 đặt tại Ngô Xá Đông, Triệu Trung, Triệu Phong; cơ sở 2: Tại Mai Lĩnh vùng cát Long Hưng, Hải Thượng.

- 3/1974- 01/1975: Thầy Nguyễn Văn Quang  thay Thầy Hoàng Đằng đi di dân vào Bình Tuy.
- 02/1974 - 3/1975: Thầy Lê Ngọc Dinh thay Thầy Nguyễn Quang đã thuyên chuyển lên trường TH. Nguyễn Hoàng. Trường vẫn duy trì 2 cở sở như trước.



Tính thời gian hoạt động từ buổi sơ khai (1960) đến thời gian cuối cùng (3/1975), trường trải qua 5 địa điểm và tồn tại được 15 năm.. 
BLL. CHS. THTP. 60-75

  
THẦY HỒ BÍNH VÀ BÁC HỒ VĂN THƠM
SUỐT MƯỜI LĂM NĂM GẮN BÓ VỚI TRƯỜNG

Trường Trung học Triệu Phong hoạt động được 15 năm thì chỉ có hai người là ở với trường từ đầu  đến cuối. Chúng tôi muốn nói đến Thầy Hồ Bính và Bác Hồ Văn Thơm. 
- Thầy Hồ Bính:
Thầy quê ở làng Cổ Thành, xã Triệu Thành, gia đình ở ngay chợ Sãi. Năm 1960, khi trường mới mở có một lớp Đệ thất thì có ba người đến làm việc: Thầy Lê Công Trình
đảm nhiệm công tác giảng dạy (tất cả các môn) và tự quản lý lớp, hai năm sau thì thầy được chuyển vào quê; người thứ hai là Thầy Hồ Bính, và người thứ ba là Bác Hồ Văn Thơm.
Thầy Hồ Bính nguyên là thầy giáo dạy Tiểu học, được chuyển về trường làm công tác kế toán, văn phòng kiêm giám thị và giao dịch. Quả thực thầy rất đa tài, nhất là tài ngoại giao, việc gì nhà trường giao cho Thầy đi giao dịch đều thành công vì thầy là người khéo xử sự nên ai cũng thấy dễ gần. Hồi ấy nhà thầy vừa làm kinh doanh vừa có xe khách chạy nên cuộc sống khá sung túc. Vì vậy, những thầy cô hoặc học sinh gặp khó khăn đều được thầy giúp đỡ. Thầy gắn bó với trường suốt 15 năm cho đến khi trường đóng cửa. Sau 1975 thầy cùng gia đình chuyển vào sinh sống tại Long Thành, Đồng Nai cho đến bây giờ. Cách đây mấy năm, thầy gặp tai nạn xe cộ và đã qua đời tại Long Thành, để lại bao thương tiếc cho gia đình, bạn bè và anh chị em CHS chúng ta!


- Bác Hồ Văn Thơm:
Bác Thơm quê ở Thừa Thiên-Huế nhưng ra định cư ở Hải Lăng, Quảng Trị. Khi trường mở lớp đầu tiên và học tạm tại nhà thờ họ Đỗ thôn Bích Khê, xã Triệu Long thì bác được cử về làm tạp vụ, lúc ấy gọi là phu trường, nên học sinh thường gọi bác là Bác Phu, không gọi tên riêng. Đi làm xa gia đình nên bác ở trọ tại nhà bác Ngô (gần trường), cùng với một số học trò nghèo nhà ở xa trường. Bác xem tất cả học sinh như con và thương yêu, giúp đỡ họ những gì họ cần, ngoài tiền, vì bác cũng nghèo lắm. Nhờ ở gần trường nên các con của bác đều được học hành tử tế và rất ngoan.
Khi về trường mới ở xóm Bèng, thôn Nại Cửu thì bác đưa gia đình ra và ở một gian nhà nhỏ ngay sau dãy phòng học. Học sinh dùng nhà bác như là phòng trọ để nghỉ chân lúc đi sớm, ở lại học ca chiều hay những giờ ra chơi. Bác vẫn vui vẻ, không bao giờ la mắng nặng lời dù học sinh thì nghịch như quỷ! Khi trường đóng cửa vào năm 1975, gia đình bác đi kinh tế mới lên Hướng Hoá. Đáng buồn là bác cũng đã qua đời cách đây mấy năm, bác gái thì mất đã lâu. Hiện bàn thờ hai bác được đặt tại ngôi nhà mà hai bác đã ở từ khi lên định cư ở Tân Thành, Hướng hoá.
Vừa qua, BLL có lên thăm, và thắp hương cho hai bác.
Học sinh học bốn năm ở trường có thể không biết các thầy cô không dạy mình, nhưng tất cả mọi người, cả thầy cô giáo lẫn học sinh, dù về trường vào thời điểm nào đều biết thầy Hồ Bính và Bác Hồ Văn Thơm vì cả hai vị có mặt ở đó suốt mười lăm năm thật trọn tình vẹn nghĩa với trường.
Hôm nay, chúng em, chúng con xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến Thầy và Bác, những người rất thân yêu và rất đáng kính. Cầu mong hương hồn Thầy và Bác được thanh thản nơi cõi vĩnh hằng!
BLL. CHS. THTP. 6075


THÔNG TIN

Kính thưa quý Thầy Cô!
Các bạn CHS. THTP. thân mến!
Hôm nay Ban liên lạc và Ban biên soạn Ký ức trường xưa II rất vui mừng được chuyển Ấn phẩm  đến tay bạn đọc!
Nhân dịp này, chúng tôi muốn được thưa với quý Thầy Cô cùng các bạn một số điều như sau:
 1. Báo cáo về thành phần làm việc của  Ban Liên Lạc CHS. và Ban Biên tập Đặc san:
Sau khi được quý Thầy Cô và anh chị em đồng tình ủng hộ, chúng tôi đã tổ chức buổi họp mặt lần thứ nhất vào ngày 05/12/2010 tại Khu sinh thái Tích Tường - (cuối đường Phan Bội Châu, phường I - Thị xã Quảng Trị) thành công như mong đợi. Tuy là lần họp mặt đầu tiên nhưng đông đủ quý thầy cô ở các tỉnh thành Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị đến tham dự gần đủ và hơn 300 CHS cùng có mặt. Trong tinh thần nghĩa tình trường xưa lớp cũ, bạn bè một thuở áo trắng học trò nhưng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi người.
Năm nay 2012, sau nhiều cuộc họp, BLL mở rộng đã nhất trí tổ chức họp mặt lần thứ 2 CHS trường vào ngày 22/6/2012; địa điểm Khu sinh thái Tích Tường.  Lần này sẽ mời quý Thầy cô và thông báo rộng rãi đến CHS trường khắp mọi nơi sắp xếp thời gian về dự họp mặt. Đồng thời BLL cũng cho phát hành tập Ký ức Trường xưa II.
a) Thành phần Ban liên lạc ( gồm 07 người) :
-Trưởng ban:       Nguyễn Văn Quang
-Phó ban:            Hoàng Mãi
-Ban viên:            1.Đoàn Định
                          2.Lê Văn Ích
                          3.Hoàng Văn Thông
                          4.Lê Mậu Ấn
                          5.Đoàn Thị Mỹ Lệ
              
b.Thành phần Ban Biên soạn :
Trưởng ban:        Nguyễn Văn Quang
Phó ban      :       Hoàng Mãi
Ban viên     :        1.Văn Thiên Tùng
                          2.Lê Ngọc Quế
                          3.Lê Văn Trâm
2. Việc chuẩn bị và thực hiện ấn phẩm:
Ban LL đã thông báo, vận động sự chung tay góp sức của quý Thầy Cô và anh chị em CHS., và đã nhận được sự nhiệt tình, tích cực đóng góp bài vở, ủng hộ tài chính để ấn phẩm có điều kiện ra đời.
a)Về bài viết:
Chúng tôi đã nhận các bài viết đầy tâm huyết của quý Thầy Cô và các bạn. Chúng ta quý ở chỗ tình cảm dành cho trường xưa, cho thầy, bạn mến thương; vì vậy, lời văn có mộc mạc, vụng về thì cũng không thành vấn đề. Chúng tôi đưa vào đặc san tất cả những bài gởi đến, không từ chối một bài nào. Các tác giả cũng đã trao cho chúng tôi cái quyền nho nhỏ là: “Thấy chỗ nào chưa ổn thì BBS. xem lại và điều chỉnh dùm.” Ban biên soạn đã làm theo đề nghị ấy. Nếu có thiếu sót xin quý vị thông cảm cho.
b)Về tiền tài trợ cho đặc san (và cho họp mặt) :     
Số tiền các nhà hảo tâm gởi giúp cho ấn phẩm và họp mặt, chúng tôi đã công khai trên mạng Internet ở địa chỉ trang web của anh Văn Thiên Tùng: (Gõ vào Goole từ khóa: Văn Thiên Tùng - Hương Thời gian)  mà một số thầy cô và nhiều anh chị em CHSTP đã vào đọc.
BLL. xin ghi lại vào đây để quý bạn đọc được rõ. Riêng các nhà tài trợ, nếu quý vị xem thấy có sai sót thì xin làm ơn báo cho chúng tôi biết để điều chỉnh, tránh hiểu lầm đáng tiếc, dẫn đến sứt mẻ tình cảm không đáng có.


I/- Danh sách tài trợ cho tập san KƯTX I&II:
( Xem phần DS tài trợ)

III/- Thông tin về Thầy Cô và bạn bè:
1) Tin buồn:
Cuộc đời là vô thường, sinh tử là quy luật của tạo hoá. Nhưng khi có người thân yêu ra đi thì không sao tránh khỏi nỗi đau buồn, xúc động! Có những thầy – cô và đồng môn đã lần lượt vĩnh viễn ra đi, để lại niềm thương tiếc vô hạn trong lòng chúng ta.
-Thầy Đỗ Thanh Quang: nguyên Hiệu trưởng của trường năm 1962-1963.
Năm 2010 chúng tôi ra thăm, sức khoẻ thầy yếu lắm; và chẳng bao lâu sau thầy đã qua đời. Ban liên lạc cùng một số CHS ở Đông Hà như các anh Lê Văn Thảo, Lê Kha, Đoàn Văn Tâm…đến phúng điếu và dâng hương bái biệt Thầy, cầu mong hương hồn thầy sớm vãng sanh miền cực lạc!
-CHS. Nguyễn Văn Thẩn, K.1963-1967: Quê gốc An Cư, Triệu Phước, cư trú tại thôn Quảng Thuận, xã Đức Thuận, Tánh Linh, Bình Thuận, mới ngày nào anh viết Ký ức tuổi học trò để tặng các bạn lớp Tứ 2 NK 1963-1967 (đăng ở trang 231 – KƯTX), thế mà căn bệnh nan y đã cướp mất mạng sống của anh trong năm 2011. Anh vĩnh viễn ra đi để lại bao tiếc thương cho gia đình và bạn bè gần xa! Cầu chúc anh an nghỉ nơi suối vàng .Toàn thể thầy cô và CHS. TP xin chia buồn cùng gia quyến!
2) Tin không vui:
-Thầy Lê Ngọc Dinh: Hiệu trưởng năm 1975, hiện ở tại 7/263-Bà Triệu-Huế, ĐT: (054) 3820.969.
BLL. gởi giấy mời dự họp mặt tháng 6/2012, thầy rất cảm động và cảm ơn, nhưng thầy báo ra là thầy vừa vào viện giải phẩu để lấy vết đạn trong phổi thầy đã mang từ năm 1968 đến nay nên còn yếu lắm, không ra dự được. BLL.đã thay mặt anh chị em vào thăm hỏi, động viên thầy, và cầu chúc thầy sớm hồi phục sức khoẻ!
- Anh Hoàng Tiễn – Khoá 1967-71: (Lớp trưởng lớp 6/2 K 67-71; cụm trưởng CHS. TP tại Hướng Hoá) mới ngày nào còn rất khoẻ mạnh, giành micro của MC để hát mấy câu tặng buổi họp mặt 2010, nay đã bị tai biến, chưa đi lại được. BLL. đã thay mặt anh chị em lên thăm hỏi và động viên. Cầu chúc anh chóng  hồi phục.
Ngoài ra, một số CHS. TP khác cũng bị tai biến liệt nửa người là Lê Văn Mai (Nại Cửu), Trần Văn Triệu (Phúc Lộc) , Nguyễn Hoà (An Mô) … . Đặc biệt, anh Nguyễn Hoà không có phương tiện mưu sinh, không người chăm sóc, phải sống cô quạnh và tự lo mọi thứ. May mắn thay, thời gian qua anh đã nhận được những giúp đỡ quý báu của cựu học sinh Triệu Phong, Nguyễn Hoàng và các nhà hảo tâm khác. Xin trân trọng cảm ơn những tấm lòng cao cả!
Còn khá nhiều trường hợp rủi ro, bệnh hoạn khác mà BLL không biết hoặc không có điều kiện đến thăm viếng được, xin đề nghị bạn bè các lớp, khối lớp, các địa bàn sinh sống thay mặt BLL. đến thăm viếng, động viên và giúp đồng môn vượt qua rủi ro, để họ lạc quan vui sống. Đây là tình cảm thiêng liêng của những người bạn chung lớp chung trường một thuở.
3. Điều còn day dứt:
- Tìm thông tin về Thầy Lê Công Trình.
Thầy Lê Công Trình là thầy giáo đầu tiên của trường, lúc trường chỉ có 1 lớp đầu cấp (lớp Đệ thất). Thầy về trường vào niên khóa 1960-61 và đảm trách tất cả các môn. Thầy tự quản lý lớp, vì còn phụ thuộc vào trường Trung học Nguyễn Hoàng. Qua năm sau có 1 lớp Đệ lục và hai lớp Đệ thất thì thầy vẫn tiếp tục quản lý. Vì vậy, chúng tôi xem thầy như là vị Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Biết thông tin thầy quê ở quận Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà, và nay thầy vaò khoảng 75 dến dưới 80 tuổi, nhưng không biết hiện thầy còn hay mất, nếu còn thì sức khoẻ ra sao… !Thưa thầy, quý thầy cô và cựu học sinh Triệu Phong rất kính yêu thầy và mong nhận được tin Thầy. Vậy nếu có một trường hợp may mắn nào đó mà thầy nhận được thông tin này thì kính mong thầy cho chúng em được biết tin để có thể liên lạc và thăm viếng thầy kẻo quỹ thời gian còn lại quá ngắn, thầy ạ!
+ Cựu học sinh các khoá trước rất mong tin tức của quý thầy Hoàng Ngân Hà (dạy Anh văn), quê Quảng Trị; thầy Nguyễn Minh Châu (dạy Văn học), quê miền Nam; Cô Hường (dạy sử), quê miền Nam ; cô Nguyễn Thị Hường (dạy Vạn vật), quê ở Huế.
+ Một số thầy cô về trường từ 1972, 1973 , 1974 như quý thầy Hoàng Cao Anh Chí, Nguyễn Thanh Lành, Lê Hữu Nghị, … các cô Lê Thị Liễu, Nguyễn Thị Nhạn, Hoàng Thị Lý… vẫn chưa có được thông tin, không biết đang ở đâu, có được khoẻ mạnh không… Chúng tôi mong được sớm biết tin!
3)        Tin mừng:
-Mừng thầy Nguyễn Đình Hạnh (dạy Anh văn): Thoát bệnh hiểm nghèo.
Thầy Hạnh vừa có giấy nghỉ hưu thì gặp căn bệnh hiểm nghèo, thầy và gia đình cũng như mọi người rất lo lắng. Nhưng sau 3 năm kiên trì chữa trị, nay sức khoẻ của thầy đã hồi phục và bệnh viện đã kết luận kẻ thù nguy hiểm đã rút căn cứ ra khỏi cơ thể của thầy! Thế là thầy trò chúng ta vững tâm tin tưởng và cầu mong thầy Nguyễn Đình Hạnh sức khoẻ ngày càng tốt hơn để được vui hưởng hạnh phúc cùng con cháu và bạn bè, sau gần 40 năm làm công tác giảng dạy! Thay mặt Ban Liên lạc và Ban Báo chí của trường xưa, chúng tôi xin chúc mừng thầy!
- Mừng bạn Võ Thủ (1967 – 1971): Quê Nại Cửu, Triệu Đông.
Bạn Võ Thủ cũng bị thần chết đe doạ do bệnh hiểm nghèo. Nhờ kiên trì chữa trị, nay bạn đã qua được hoạn nạn và vững tâm vui sống với gia đình, bè bạn. Thủ vừa là CHS Triệu Phong vừa là CHS Nguyễn Hoàng nên BLL. CHS cả hai trường cũng như các bạn đồng môn đã thường đến thăm viếng, động viên và cầu mong bạn sức khoẻ ngày càng tốt hơn, lạc quan yêu đời để kéo dài tuổi thọ và có thể đi dự họp mặt cùng bạn bè đồng môn.
+ Mừng đón các thầy cô từ nước ngoài về thăm.
 -Năm ngoái (2011), BLL. và anh chị em tại quê nhà được đón cô giáo Phan Thị Ngọc Tỉnh từ Hoa Kỳ về thăm. Cô trò gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, những kỷ niệm xưa kể hoài không hết. Chúng tôi gặp cô lần cuối tại khách sạn Bình Minh (TX. Quảng Trị) và tiễn cô cùng phu quân của cô lên xe từ giã quê hương Quảng Trị trong niềm xúc động lớn, người đi kẻ ở đều bịn rịn, bùi ngùi!
- Năm nay (2012), chúng tôi lại được tiếp đón thầy Tôn Thất Phú cũng từ Hoa Kỳ về thăm. Chuyến về này đặc biệt thầy dành nhiều thời gian cho trường Trung học Triệu Phong xưa. Thầy đã lên kế hoạch thăm lại đồng nghiệp và cựu học sinh TP ở nhiều nơi: Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Sài gòn,…
Tại Quảng Trị chúng tôi được thầy ở lại chuyện trò hơn một buổi. Thầy kể chuyện xưa, chuyện nay, chuyện Đông, chuyện Tây rất thân tình và hào hứng; chuyện gặp lại thầy Nguyễn Thiện Lữ và cựu học sinh TP. tại Đà Nẵng rất cảm động. Kế hoạch tiếp theo là thầy rời Quảng Trị để vào Sài gòn  thăm thầy Hiệu trưởng Phan Thanh Thiên, cô Thanh và các anh chị em CHS trong đó. Thầy cũng đã tặng quà cho tạp chí KƯTX II, và thầy trò cùng chụp ảnh lưu niệm. Chúng tôi tiễn thầy lên đường vào Nam và chúc thầy vui khoẻ, thượng lộ bình an.
- Tin về Thầy Trương Quý Nghi và Thầy Tôn Thất Quỳnh Nam:
+ Sau khi KƯTX (I) ra đời, nhờ có sợi dây liên lạc với thầy, bạn và thân hữu mà chúng tôi đã biết được Thầy Tôn Thất Quỳnh Nam (dạy Sử và Pháp văn khoảng năm học 1962-1965) vẫn còn mạnh khoẻ và ở tại Hoa Kỳ. Cũng có  tin Thầy về tìm được một người- bạn- đời- muộn- màng và cùng đến quê hương thứ hai để hưởng hạnh phúc lứa đôi. Chúng em xin chúc mừng Thầy, vì  tuổi già mà sống độc thân ở đất khách quê người thì buồn tẻ lắm!
+ Gần đây chúng tôi có nghe một cựu học sinh cho biết Thầy Trương Quý Nghi cũng ở Hoa Kỳ, nhưng chưa liên lạc được để biết địa chỉ. Nay thầy Tôn Thất Phú cho biết là thầy Nghi đã có liên lạc điện thoại với thầy, nhưng rất tiếc thầy Nghi gọi lúc thầy sắp lên máy bay về Việt Nam nên tạm hẹn lúc về nhà sẽ gọi lại để trò chuỵện. Nhân chuyến về thăm quê của thầy Tôn Thất Phú, chúng tôi đã nhờ thầy chuyển ấn phẩm KƯTX số I đến tặng thầy Nghi. Khi nhận được, thầy rất mừng, và lúc 1h30 khuya tại Texas (nơi thầy ở) thầy đã gọi về trò chuyện và cảm ơn. Thầy xúc động đến nỗi phải ngắt quảng cuộc chuyện trò qua điện thoại. Sau đó Thầy đã gởi về tặng tập san nhiều ảnh kỷ niệm rất quý. Nhờ qua thầy mà chúng em cũng biết được số điện thoại của cô Bùi Thị Gái (dạy Toán) để liên lạc thăm hỏi. Số ĐT của cô Gái là: 714-725-2371. Các bạn có thể liên lạc với cô qua số điện thoại này.

Hiện nay Thầy Trương Quý Nghi còn rất khoẻ. Thầy ở Texas rất xa nơi ở của Thầy Tôn Thất Phú (New Jersey), nhưng vừa rồi thầy đã bay đến thăm Thầy Phú, ở lại chơi 10 ngày và chụp nhiều ảnh lưu niệm rất đẹp.Chúng em cầu chúc Thầy khoẻ mãi, và ACE cựu học sinh Triệu Phong hãy chờ đón chuyến về thăm của thầy trong tương lai.
- Chào mừng Tập san KÝ ỨC MỘT THỜI II của lớp 9/2 (1968-1972)
Hình bìa “ KÝ ỨC MỘT THỜI”  số 2 của lớp 6/2 K 68-72 vừa mới  ra mắt bạn đọc năm 2012  
Song song với tập san KƯTX I của CHS. THTP, năm 2010, tập thể lớp 9/2 của anh Hoàng Văn Thông (tức Hoàng Phóng) đã làm tập san bằng hình ảnh rất đẹp, giới thiệu về thầy cô giáo cũ và tất cả bạn bè trong lớp cùng vợ con. Năm nay, 2012, lớp này cũng làm tập KÝ ỨC MỘT THỜI số II vừa hình ảnh, vừa bài viết của các nghệ sĩ nghiệp dư của lớp. Được biết là công sức biên tập và hỗ trợ tài chính chủ yếu là của một “mụ O” rất tuyệt vời của lớp ấy. Không những bỏ công sức, tiền bạc làm tập san cho lớp mà “mụ O” này còn gởi tặng cho tập san (số2) của trường 100 USD nữa. Chúng tôi xin chúc mừng lớp và chúc “mụ O” khoẻ mạnh, một người làm việc bằng hai để cho lớp và anh chị em CHS. Triệu Phong được nhờ!
- Phần đính chính: Trong quá trình biên soạn Ký ức Trường xưa I đã có một số lỗi kỹ thuật, tuy đã cập nhật vào bản đính chính kèm theo ấn phẩm, nhưng vẫn còn một số sai sót không phát hiện được, cụ thể trong bài viết của thầy Văn Phong “ Phần Cương lĩnh tiết hai: Gia phong (trang 29-30) câu 5 đã đánh nhầm và in: Nhất đắc do con đời chèo lái”; xin đính chính lại “ Thất đắc do con cháu đời chèo lái”; nếu còn những lỗi nào trong các bài viết khác mong quý tác và bạn đọc thông cảm và lượng thứ./.

BLL&BBS. CHS. THTP. 1960 – 1975.

THẦY LÊ NGỌC DINH

Hiện ở: 7/263- Bà Triệu - TP. Huế.
Điện thoại: 0543820969.

Thầy Nguyễn Văn Quang và BLL THTP đến thăm thầy Lê Ngọc Dinh  tại nhà sau khi Thầy phẩu thuật về (15/5/2012)

Thầy Lê Ngọc Dinh được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Trung học Triêu Phong vào học kỳ 2 năm học 1974-1975. Tuy thời gian ở với trường chỉ được mấy tháng nhưng tình cảm với đồng nghiệp và học sinh thì thật thân thương và gắn bó. Do thầy làm việc ở Triệu Phong chỉ một thời gian ngắn nên có thể nhiều thầy cô và học sinh các thế hệ trước không biết thầy. Tuy nhiên, thầy không xa lạ đối với chúng ta vì thầy đã là thầy giáo sử địa của trường Nguyễn Hoàng nhiều năm trước khi về Triệu Phong. Tính thầy luôn vui vẻ, lạc quan; trong công việc thì rất tích cực, nhiệt tình. Khi về trường, thầy có nhiều dự định làm cho trường phát triển, nhưng do chiến tranh, trường ngưng hoạt động nên mọi toan tính đều không thực hiện được.
Nghe tin thầyvừa trải qua cuộc phẩu thuật lớn để lấy mảnh đạn thầy đã mang trong người từ thời chiến tranh, BLL chúng tôi đã vào thăm hỏi và động viên thầy. Thầy mừng lắm, nói lời cảm ơn chúng tôi và nhờ chuyển lời thăm hỏi của thầy đến quý thầy cô và cựu học sinh Triệu Phong xưa.
Nghe chúng tôi báo là năm nay BLL  có làm tập san KƯTX II, thầy vui lắm. Trước khi chia tay thầy có mấy vần thơ chép tặng cho tập san gọi là chút tình lưu luyến của thầy dành cho trường cũ. Xin mời các bạn cùng đọc nhé:

Nguyễn Hoàng cùng với Triệu Phong
Hai ngôi trường cũ thuở long đong
Hết vô Đà Nẵng, ra Mai - Hải
Ơi hỡi, đâu rồi … nỗi nhớ mong! 
Sau 1975-
Lê Ngọc Dinh

Tại nhà thầy Nguyễn Văn Hóa - Tạ Quang Bửu- Huế
Ban biên soạn Ký ức trường xưa II ghi hình lưu niệm cùng với BBS Nguyễn Hoàng 60 năm
Ảnh trên: Trái sang: Võ Quê, Nguyễn Đăng Am, Trần Kim,Nguyễn Văn Hóa, Văn Thiên Tùng, Nguyễn Văn Quang.

MỘT NGÀY TRỞ LẠI VỚI CÁC EM
HỌC SINH THÂN YÊU 
Nguyễn Văn Hóa  
Nguyên thầy giáo trường trung học Triệu Phong - Quảng Trị

Đang ngồi nói chuyện “nắng mưa cuộc đời” với Đình Nam, báo Thừa Thiên Huế thì Dõng đến. “Sáng mai, em đem xe đến đón thầy ra Triệu Phong, lớp 9/3 Pháp văn, thầy chủ nhiệm, lần đầu họp mặt, các bạn mong thầy về”. Tôi cười, nói với Nam và Dõng: “Gay go rồi, hình như chiều mai, lớp 12 Hương Thủy cũng mời thầy đến dự buổi gặp mặt hằng năm”. Tôi điện cho Trí, đại diện của lớp, Trí nhắc lại: “Bốn giờ chiều, tại nhà hàng nổi trên Sông Hương, thầy nhớ đến”. Tôi quyết định phải về Triệu Phong thôi nên dặn với Trí: “Thầy sẽ đến nhưng muộn đấy, ngày mai, thầy phải về Quảng Trị”. Tôi nói với Dõng, mai hai thầy trò đi sớm. Nam cười bảo tôi: “Nghỉ hưu rồi, thầy tha hồ mà chạy xô với học sinh cũ của mình”. Ờ, mà cũng lạ thật, hơn 20 năm làm việc ở ngành in, thỉnh thoảng mới gặp một vài học sinh cũ, chủ yếu là học sinh chuyên Quốc Học. Thế mà, từ khi về hưu, gần 3 năm nay, không biết bao nhiêu là học sinh cũ của Cam Lộ, Đông Hà, Triệu Phong, Nguyễn Hoàng, Hương Thủy, Hai Bà Trung, Quốc Học đến thăm, nhắn tin, gọi điện, gửi email... mời họp mặt... thật là vui và hạnh phúc!
Đêm, tôi cứ thao thức, cố tái hiện hình ảnh lớp 9/3 của 40 năm trước về trước mà tôi vừa dạy văn, vừa làm chủ nhiệm năm 1972. Ngoài Nguyễn Hữu Dõng, Nguyễn Thị Nhân, Cao Thị Cẩm Loan, Nguyễn Thị Thành, Hoàng Giỏ... tôi đã từng gặp mặt hoặc gọi điện thoại. Còn hơn 40 em, ngày mai, gặp lại, chắc thầy trò cũng chẳng nhận ra nhau. Tôi thiếp đi trong niềm vui và mong cho trời mau sáng.
Mới sáu giờ hơn, Dõng đã đưa xe đến, mời tôi đi ăn sáng, uống cà phê. Tôi nói với Dõng: “Ta về Quảng Trị rồi sẽ tính sau em à!”. Ngồi trên xe, vừa lái xe, Dõng vừa kể cho tôi nghe về các bạn của lớp. Hiếu, Chiến, Phò, Trúc đang ở Mỹ; Ân, Tín ở thành phố Hồ Chí Minh; Sơn, Hà ở Long Khánh; Hùng, Giỏ ở Bà Rịa - Vũng Tàu; Khiết ở Bình Thuận; Loan ở Bình Phước; Nhân ở Đà Lạt; Sinh ở Hà Nội... Các bạn còn lại, thì ở Lao Bảo, Đông Hà, thị xã Quảng Trị, hoặc ở khắp các huyện Triệu Phong... Tôi chợt xót xa khi nghe Dõng kể tiếp: “Còn những đứa này thì chết rồi thầy ơi! Võ Dinh, Lê Cảnh Hảo, Hồ Văn Hiến, Lê Thanh, Lê Mậu Sản, Trần Sơn, Trần Sức, Nguyễn Tưởng, Hoàng Đức Yến... Một lớp học, chưa đến 50 người đã phân hóa, phiêu bạt trong lẽ đời hợp tan đến thế, huống chi, những học sinh của tôi ở trường trung học Triệu Phong. Tôi nói với Dõng như nói với chính mình: Ừ thôi thì số phận sống chết, hợp tan, ly tán, mất còn, hội ngộ... cũng là tùy duyên, cũng là vô thường... giờ chỉ biết thương cho những người ở lại và ngậm ngùi cho những kẻ đã ra đi!
Về đến Quảng Trị, ghé nhà đón Thầy Quang, đứng trong vườn nhà của Quang, Dõng bảo với tôi: “Thầy ơi, vườn nhà thầy Quang có đủ rau, cải... đang xanh tốt và bầu, bí, mướp đang trỉu nặng quả... đặc biệt, có cả chuồng gà hơn mấy chục con béo tốt, khác xa với vườn nhà của nhà thơ Nguyễn Khuyến: Cải chữa ra hoa, cà chưa nụ - bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa... rồi thầy ơi!” Khi lên xe, Chị Quang có biếu tôi một xách mướp đắng. Tôi cười đùa: “Cảm ơn chị và cảm ơn cả Dõng nữa, nhờ Dõng nhắc mà thầy tha hồ ăn canh mướp...”. Chị cười hiền và mời tôi lần sau ghé lại chơi. Cũng từ đó mà nỗi buồn vướng víu khi ngồi trên xe nghe Dõng kể về những người học trò đã ra đi cũng nhẹ dần.
Tôi nói Dõng đưa tôi đến quán cà phê của vợ chồng người học trò cũ trước cổng thành cổ Quảng Trị để uống 1 ly cà phê trên mãnh đất của quê nhà và sau là xem vợ chồng Châu làm ăn thế nào! Hơn nữa giờ sau, chúng tôi đến nhà Quế, một học sinh cũ trường Triệu Phong, để nhờ Quế dẫn đường về nơi các em họp mặt... Xe qua đập Rù rì, tôi không ngăn được cảm xúc hồi hộp theo tuyến đi, qua Chợ Sãi, Hải Thành, Bích Khê, Bích La Đông. Theo hướng dẫn của Quế nhưng vẫn lộn đường, trở lại đội 6 Nại Cửu, Quế bảo đến rồi.
Từ ngoài ngõ, tôi đã nghe tiếng lao xao của các em: “Dõng và thầy đã về rồi”. Tôi cố tỏ ra tự nhiên, nén xúc động, cố ý đi sau cùng để quan sát các em. Ôi! Đây là những học sinh của tôi ngày xưa sao! Sao các em lại thế! Tôi buột miệng gọi các em là các anh chị. Các em khỏe thật, da rám nắng, rắn chắc nhưng cái rắn chắc khỏe mạnh của những hàng cây qua mùa giông bão... Các em đã già rồi, tóc đã nhuốm bạc, nét mặt phong sương, chắc là đã là những ông nội, bà ngoại như tôi cả rồi. Khoảng cách 40 năm không còn nữa; tôi của ngày xưa, các em của ngày xưa không còn nữa... nên giờ thấy gần gũi, sao mà thương quá! Tôi đã thay đổi tiếng xưng hô các anh chị bằng các em không biết tự lúc nào. Tôi thật sự sửng sốt khi gặp lại Thành, cô học sinh trưởng phòng sản xuất của công ty in và phát hành sách của Quảng Trị ngày nào. Cầm tay kéo em ra ngoài sân, hỏi tình cảnh của mẹ con em bây giờ... nghe em giải bày mà tôi mừng muốn rơi nước mắt. Tôi cũng chỉ biết động viên và an ủi cố vượt qua thử thách, gian nan trong cuộc sống.
 
 Lớp 6.3 K 67-71 Họp mặt năm 2012 với sự có mặt của thầy Nguyễn Văn Quang và thầy  Nguyễn Văn Hóa (hướng dẫn lớp)
Ngồi nghe Trần Chính giới thiệu gần 15 em: Duyện, Đãi, Hoan, Huệ, Khan, Kiệu, Khiểm, Manh, Niệm, Thành, Thạch... ở quanh đây về họp mặt, tôi không nhớ một em nào hết, cái đoạn phim của ngày xưa không chịu quay lại dù tôi cố vắt óc suy nghĩ. Tôi chợt nghĩ vui rằng, cuộc họp mặt này như buổi họp Hợp tác xã mà Chính là chủ nhiệm, tôi, Quang là cán bộ xã đến dự... Tôi đành xin lỗi các em, thầy già rồi, thầy chưa nhớ hết các em, đừng giận thầy. Các em cũng tâm sự, tôi khác xưa nhiều lắm, có gặp thầy ngoài đường cũng chẳng nhìn ra. Thật vậy, ngày xưa, có lẽ tuổi trẻ “ham chơi” quá nên tôi gầy, đen, cao... Các em bảo, chỉ có nụ cười và giọng nói của thầy là không thay đổi. Mà thật thế, tôi nhớ năm ngoái họp mặt học sinh Triệu Phong lần đầu, các em đâu có nhìn ra tôi, đến khi nghe thầy Quang giới thiệu, các em mới “ngã ngửa” ra. Có nhiều em tâm sự, khi xe dừng, thầy “de” xe lui, bọn em tưởng là thầy là tài xế chở các thầy cô ở Huế ra. Khi vào Hội trường, thấy thầy chụp ảnh, tưởng thầy là thợ chụp ảnh đi theo các thầy. Các em nói cứ “chăm chăm nhìn thầy Hồ Đáp mà ngỡ là tôi, cũng cao, ốm, cũng cái kính trắng “lia qua lia lại” nhưng sao mà nghiêm quá!”. Ôi! sức mạnh thời gian đã hoàn toàn bất lực trước tình cảm sâu nặng thầy trò. Dẫu không nhìn ra nhau mà vẫn mặn nồng và đằm thắm.
Buổi trưa, cả mấy thầy trò kéo nhau ra quán Quê Hương ở đội 6, Thôn Nại Cửu. Nhìn dòng sông Vĩnh Định xanh trong chảy miên man giữa hai bờ lau sậy, bỗng dưng tôi nhớ đến người bạn thân, nhà văn Nhất Lâm; Có lẽ, cũng vì mê dòng sông Vĩnh Định này, dòng sông chảy qua bãi bồi bên chợ Sải nên nhỏ hơn, nên anh thường xuyên trở lại quê nhà để lập “trại viết” bên những hàng tre xanh mướt, bên bãi tắm ven đê. Trong quán, ven vờ sông, gần 20 thầy trò, ôn lại những kỷ niệm nên “nói nhiều hơn uống, hơn ăn”. Các em nhắc lại những buổi học Văn với tôi ngày xưa, nhắc đến các bạn vắng mặt, nhắc đến những người đã ra đi, đến bạn bè lớp 9/1, 9/2, đến những ngày gian nan ở Hòa Khánh... Tôi bảo các em nói hoài về Giỏ, Cẩm Loan, Hà, Nhân, Tín, Trúc... chắc giờ nầy các bạn của các em đang “nhảy mũi”, đứng ngồi không yên. Các em ghi lại cho tôi số điện thoại của Phương, Huệ, Hương, Hiền, Kiệt, Nhân, Hằng, Trinh...đầy mặt sau của tờ hóa đơn. Điều mà tôi mừng nhất là dù đang ở quê nhà, cuộc sống với ruộng vườn tuy vất vả nhưng dẫu sao thì cũng đã ổn định, con cái học hành đến nơi đến chốn, nhà cửa khá khang trang... chỉ có một hai em đang gặp khó khăn, lúng túng trong cuộc sống. Tuy vậy, các em được sống gần nhau, nên những khi khó khăn “tối lửa – tắt đèn” cũng dễ dàng chung tay giúp nhau. Tôi hứa với Hường, tuần sau tôi về Đông Hà, sẽ gặp các người bạn để giúp cháu.
Chuyện mãi chắc cũng không hết. Bóng chiều đã xế. Cuộc vui cũng mãn. Chụp với các em một số hình lưu niệm, tôi xin phép chia tay các em để về Triệu Độ thăm mộ của người bạn thân, anh Nguyễn Hoạt, học với tôi từ lớp tam B1 đến Nhất lớp B1 tại trường Nguyễn Hoàng. Năm 1966, vào Đại học Huế, tôi học khoa học, Hoạt học y khoa. Năm sau hoạt thoát ly. Đến năm 1975, khi đất nước thống nhất, gặp thầy Nguyễn Viết Trác trên đường Trần Hưng Đạo ở Huế, thầy báo cho tôi biết Hoạt hy sinh năm 1968 vẫn chưa tìm ra mộ.

Quế, Quang, Dõng và tôi lên xe về nghĩa trang Triệu Độ, nghĩa trang đóng cửa, cả bốn thầy trò leo tường chia nhau đi dò từng tấm bia, nhưng vẫn không tìm ra mộ chí. Tôi nhớ thầy Trác bảo tôi: Trong khuôn viên có năm ngôi mộ, hai mộ của ba mẹ Hoạt, mộ của chị Hoạt, của Hoạt và của em Hoạt. Rời khỏi nghĩa trang sau khi đã đốt hương ở bia tưởng niệm, chúng tôi muốn về Ủy ban nhân dân xã dò hỏi nhưng đường không đi được. Hơn nữa, ngày chủ nhật chắc là xã nghĩ làm việc. Quang dẫn chúng tôi đến nhà người em phụ trách công tác thương binh liệt sĩ. Anh ấy hẹn tuần sau chúng tôi trở lại, anh sẽ dẫn đi tìm. “Hoạt ơi! Thôi lại thêm một lần nữa không viếng được bạn!”.
Trở về Quảng Trị, xe qua chợ Sải, qua xóm Hà, tôi nhớ đến Nhân, đến Trinh, đến Trâm với bài “Adieu” của nhà thơ Apollinaire mà Phạm Duy lấy ý phổ nhạc thành bài “Mùa thu chết”, tôi nhớ đến Thuần với mệnh đời khắc nghiệt “hồng nhan đa truân”.
Đến cầu Rù rì, tôi nhờ Dõng dừng xe lại. Tôi đi bộ một đoạn dài trên con đập. Một bên là bạt ngàn ruộng bắp xanh tốt, một bên là dòng sông Thạch Hãn miệt mài trôi; bên kia sông, ngôi chùa mới xây, lẻ loi, sáng lóa trong nắng chiều sắp tắt. Vừa đi, tôi nhớ lại mùa hè năm 1972, khi thất trận hạ Lào, từng tốp lính của sư đoàn 3 bỏ ngũ, dáo giác chạy về đây. Cũng trên con đường này, giữa cái nắng lửa đầu tiên, thầy trò chúng tôi hoảng loạn ngược xuôi trong cuộc di tản không biết bao giờ trở lại. Trước khi lên xe, tôi quay nhìn về phía chợ Sãi, nhìn lại suốt chiều dài con đập như thầm nói một lời chia tay.
Tạm biệt Quang, Quế, Tùng, Dũng, tôi và Dõng trở về Huế khi trời sắp tối. Trên đường về, Dõng tâm sự với tôi, Dõng muốn trao đổi với các bạn để giúp đỡ Kh.. một chiếc xe máy làm phương tiện đi lại trong khi tìm kiếm việc làm. Tôi rất xúc động trước tấm lòng của Dõng đối với bạn bè, Tôi nhớ một câu ngạn ngữ phương Tây có ý : Trong tất cả các thứ tình cảm thì tình bạn là tình cảm cao quý nhất! tôi động viên Dõng sớm thực hiện ý định đó.
Đến Huế đã hơn tám giờ tối, chia tay Dõng, xiết tay em, tôi thầm cảm ơn người học trò thành đạt có trái tim chan chứa tình người đã cho tôi một ngày trở lại với các em học sinh Triệu Phong của ngày xa xưa ấy. Mệt nhoài nhưng rất vui, Tôi điện cho Trí, nhờ Trí xin lỗi và hẹn sang năm gặp lại các em học sinh thân yêu lớp 12 Hương Thủy.
Tưởng mọi chuyện rồi cũng đi qua, nhưng không biết tại sao tôi cứ lênh đênh hoài cùng hình ảnh “một ngày trở lại” với các em. Hai hôm sau, đang liên lạc với bạn bè ở Quảng Trị để lo việc cho con trai của Hương như đã hứa thì bạn Lê Thị Anh, cựu học sinh Nguyễn Hoàng điện cho tôi: “Trong tập báo văn hóa Phật giáo của giáo hội Phật giáo giáo Việt Nam có người cảm ơn anh đã dạy cho người ta những nốt nhạc đầu tiên và bài “Mùa Thu chết” của nhạc sĩ Phạm Duy, cũng là báo cho anh tin vui, bài hát này vừa mới được nhà nước cho lưu hành...” Tôi nghĩ, có lẽ, đây là tâm sự của Trâm, cậu học trò Triệu Phong ngày xưa giờ đang là biên tập viên của đài truyền hình Việt Nam.
Hôm sau, đang cùng với thầy Lý Văn Nghiên và các bạn trốn nắng ở biển Thuận An, khoảng năm giờ chiều, nhận được điện của Trâm, giọng nói có vẻ vui mừng: “Thầy ở đâu, có người đang tìm đến nhà thăm thầy, thầy biết ai không? Nhân, cô bé thiên thần áo trắng của em ngày xưa đó, vừa ở Mỹ về”. Tôi chúc mừng ước mơ của Trâm đã thành hiện thực, nhờ Trâm xin lỗi Nhân và hẹn ngày mai gặp bởi tôi không về Huế kịp.
Buổi sáng hôm sau đang làm việc với Kim về ẩn phẩm 60 năm về Nguyễn Hoàng, có chiếc xe dừng lại trước cổng nhà, đoán chắc là Nhân đến. Tôi ra đón Nhân, thầy trò nhìn nhau, chỉ biết cười. Nhân bảo tôi khác nhiều. Tôi bảo Nhân cũng thế chỉ có giọng nói, tiếng cười, phong cách của “ngày xa xưa ấy” chẳng thay đổi bao nhiêu. Thế là cả không gian, thời gian đều thu lại và hiện về một lúc ngập tràn trong căn phòng khách qua những câu chuyện của chúng tôi. Tôi rất mừng, Nhân ở Cali, hai con đã thành đạt, công ăn việc làm ổn định. Nhân nói với chúng tôi: “Nếu biết quê hương thế này, bạn bè thế này thì em đã về thăm lâu rồi. Thôi thì em sẽ về lại một ngày thật gần...”. Nhờ Kim chụp cho hai thầy trò mấy tấm hình lưu niệm mà nhớ đến các em học sinh vừa gặp hôm kia.
Rồi cũng phải chia tay, chúc Nhân và gia đình bình an, hạnh phúc. Mong cho tất cả các học sinh của tôi cũng hạnh phúc và bình an.
Để thực hiện lời hứa với Trâm, với Nhân, với các em học sinh đã từng học nhạc với tôi, tôi ghi lại bài hát “Mùa thu chết” mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phỏng theo bài thơ Adieu của Apollinaire, sáng tác năm 1965, làm món quà nhỏ của tôi đến với các em:
       Nguyễn Hương Nhân
Nguyên tác:
J’ai cueilli ce brin de bruyère
L’automne est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’attends
                        (Apollinaire – 1880 - 1918)
Lời dịch của nhà thơ Bùi Giáng
Ta đã hái nhành lá cây Thạch thảo1
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa
Mộng trùng lai không ở trên đời
Hương thời gian, mùi Thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé, ta đợi chờ em đó

Lời bài hát “Mùa thu chết” của Phạm Duy
Ta ngắt đi một cụm hoa Thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Mùa thu đã chết, em nhớ cho
Mùa thu đã chết, em nhớ cho
Mùa thu đã chết, đã chết rồi
Em nhớ cho, em nhớ cho
Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa
Trên cõi đời này, trên cõi đời này
Từ nay mãi mãi không thấy nhau
Từ nay mãi mãi không thấy nhau
Từ nay mãi mãi không thấy nhau



 

1. Hoa thạch thảo thuộc học cúc, người miền Nam gọi là cúc sao, cúc cánh mối, người miền Bắc gọi là Thạch thảo. Hoa có 3 màu: trắng, hống, tím. Hoa nở vào mùa thu.

Ta ngắt đi một cụm hoa Thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho, rằng ta vẫn chờ em
Vẫn chờ em, vẫn chờ em, vẫn chờ em
Vẫn chờ, vẫn chờ - đợi em
                               (Phạm Duy - 1965)
Tôi nghĩ rằng, nghĩa tình thầy trò chúng ta bắt đầu khi mùa thu về. Từ cái thuở “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh...”2 cùng với tháng năm mùa thu có thể vàng đi, mùa thu có thể thay áo mơ phai, mùa thu sẽ chết và mùa thu đã chết... Nhưng, chắc chắn mùa thu mới sẽ trở về và mùa thu trong chúng ta không bao giờ chết. Bằng chứng là chúng ta đã gặp lại nhau trong cố ý đi tìm hoặc tình cờ bất chợt.
  Thầy trò bên nhau sau mấy chục năm gặp lại
Và, để kết thúc bài viết lan man về lớp 9/3 của năm cuối 1972 trên mảnh đất Triệu Phong, tôi gửi cho các em một thông điệp khác của Guillaume Apollinaire mà tôi đã chọn để làm phương châm cho cuộc sống của mình: “Les feuilles - Qu’on foule - Un train - Qui roule – La vie - S'écoule” – Những chiếc lá dưới bước chân ta, một con tàu cứ xuôi ngược và dòng đời cứ mãi trôi”. Cuộc sống của chúng ta là thế! Nghĩa tình của chúng ta là thế!
Nhớ mãi các em thân yêu!
Nguyễn Văn Hóa



2. Ngày “Tựu trường” của Thanh Tịnh.


TỪ MỘT CHUYẾN TRỞ VỀ  ĐÁNG NHỚ
ĐẾN GẶP LẠI BẠN CỐ TRI
Thầy NGUYỄN THIỆN LỮ
K90-H17/7-Đống Đa-Đà Nẵng
ĐT: (0511)3832296

  Mùa hè 72, còn gọi là Mùa hè đỏ lửa, quê mình chìm ngập trong chiến tranh. Gia đình tôi cũng như hàng vạn gia đình khác phải rời bỏ quê hương vào tạm cư tại Đà Nẵng. Lúc này tôi được chuyển lên dạy trường Nguyễn Hoàng ở  Trại 5, Non Nước cho đến năm 1974 trường Nguyễn Hoàng chuyển ra Quảng Trị tôi cũng theo ra dạy ở Hải Lăng. Một thời gian sau, chiến tranh càng ác liệt, trường Nguyễn Hoàng ngừng hoạt động, tôi trở vào lại Đà Nẵng dạy cho vài trường trung học cơ sở ở đấy như trường Tây Sơn, Hoàng Văn Thụ. Năm 1976, tôi chuyển qua làm ở sở Giao thông vận tải. Dù sống trong thời bao cấp, lương hướng hạn hẹp nhưng toi vẫn cố gắng lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Dù khó khăn đến mấy, hàng năm tôi cũng sắp xếp ra thăm lại quê nhà, tìm lại kỷ niệm xưa, thăm lại những học sinh cũ Triệu Phong. Có lần tôi về giỗ, chạp mộ ông bà, các em tập hợp một nhóm bạn bè và mời tôi đến chung vui mừng hội ngộ. Hồi ấy con trường đất đỏ từ Bích Khê về Bích La quê tôi mùa mưa thường lầy lội, nhưng chưa lần nào tội tệ bằng lần tôi về làng vào cuối mùa xuân năm 2007. Trong thời điểm cuối tháng 3 dương lịch có nhiều lễ lớn nên việc thuê được xe về Quảng Trị rất khó khăn, nên gia đình tôi đành phải thuê chiếc xe tải (chở văn phòng phẩm, in ấn) với ông chủ làm tài xế! Xe khởi hành khá sớm để kịp về Bồ Bản thăm mộ thầy Lê Đình Ngân. Trên xe, ngoài gia đình tôi còn có gia đình Lê Đình Khoa (cháu thầy Lê Đình Khởi) và cô giáo Tạ Thị Hai.
Tôi ngồi băng trước với Khoa và được dặn không trò chuỵen với tài xế để anh ta tập trung lái xe. Khi xe sắp qua hầm đường bộ Hải Vân, tôi quay lại phía sau nhìn thấy cả 3 con trai tôi đều có mặt trên xe, tôi hơi ái ngại, nghĩ thầm lỡ gặp chuyện gì không hay khi đi trên đường thì thật rủi ro cho gia đình tôi! Tôi chỉ kịp nhờ cô Hai cùng tôi cầu nguyện Trời Phật phò hộ cho được bình yên. Xe chạy qua hai đèo Phú Gia và Phước Tượng, tôi nghe con trai tôi phàn nàn anh tài đi đường đèo loạng choạng. Anh tài đã chống chế chiếu lệ. Sau hơn hai giờ xe cũng đến được Huế, xe rẽ vào Thành nội để đón thêm mấy người thân cùng về quê. Xe chạy qua An Hoà, Tứ Hạ, qua cầu An Lỗ rồi dến Phò Trạch tức là được nửa đường Huế - Quảng Trị. ngồi trên xe tôi chỉ biết cầu nguyện. Khi xe qua khỏi cầu Phò trạch, chạy được vài cây số thì tai nạn xảy ra! Với tốc độ 45-50 km/h, tôi thấy xe hơi nghiêng về bên phải, tông vào một đống lốp xe hơi cũ bên đường, tông tiếp vào một am thờ bằng xi măng. Cú va chạm mạnh này làm vỡ tấm kính trước xe, mảnh kính văng tung toé. Chiếc xe điên nổ cả hai lốp trước nhưng vẫn trườn tới phía trước, băng qua một cống thoát nước, xe vỡ luôn lốc máy. Lúc này chiếc xe điên mới chịu dừng lại, cách một trụ điện chừng hai gang tay! Tô nghĩ nếu xe đâm tiếp vào trụ điện thì cả gia đình tôi khó tránh khỏi thương vong. Khi xe dừng hẳn lại, anh tài vội vàng mở cửa thoát nhanh ra ngoài một mình, để lại những nạn nhân tội nghiệp, hoảng loạn trên xe. Những người khác bị sây sátỉơ đầu gối, chỉ mình tôi bị nặng nhất vì mảnh kính vỡ đâm vào đầu, vào tay, máu chảy lai láng, nhuôm đỏ chiếc ào tôi đang mặc. Tôi xuống xe, được sơ cứu bằng chai thuốc cầm máu và vài miếng băng cá nhân của những người dân bên đường mang tặng. Xin cảm ơn sự giúp đỡ kịp thời của các vị. Nhà tôi vội đón một xe khác từ Quảng Trị vào để tiếp tục cuộc hành hương về quê nhà.

Nguyên nhân tai nạn thê thảm ấy là do tài xế ngủ gật, không làm chủ được tay lái. Gần 10 h sáng hôm ấy, chúng tôi ra đến Quảng Trị, về Bồ Bản thắp hương mộ thầy Lê Đình Ngân và mộ gia đình họ Lê Đình, và vào nhà thờ dự lễ cúng tạ. Tôi thấy đau nhiều ở các vết thương, các em Lê Minh Đạo, Nguyễn Đình Cự đến chăm sóc tôi. Sau đó đại gia đình cùng liên hoan, chụp ảnh lưu niệm. Niềm vui đoàn tụ gia đình nơi quê hương làm tôi tạm thời quên đi sự đau đớn và tai nạn khủng khiếp vừa qua. Đén trưa chúng tôi rời Bồ Bản để lên quê nội Bích La đông thăm mộ gia đình rồi lên xe vào lại Đà Nẵng. Ngồi trên xe, tôi cảm thấy đau nhức bên sườn trái nên khi về đến nhà các con tôi đưa tôi lên bệnh viện Hải Châu chụp X quang và khám nghiệm. Các kỷ thuật viên trẻ ghi vào phiếu khám bệnh của tôi với kết luận là: gảy hai xương sườn số 5 và số 6 bên trái. Sáng hôm sau tôi đi khám lại tại bác sĩ chuyên khoa về xương, ông bác sĩ cười bảo tôi chỉ bị chấn thương do va chạm mạnh chứ xương không gảy. Hú vía! Ông cho tôi thuốc uống và đúng một tuần sau thì bình phục.
Đã 5 năm rồi tôi vẫn nhớ chuyến trở về quê ấy. Tôi đã rút ra một bài học là nên đi những xe quen thuộc, có tài xế đáng tin cậy để tránh những tai nạn đáng tiếc, nên tìm khám những bác sĩ giỏi chuyên môn để khỏi bị mất tiền thêm lo! Cuối cùng, tôi nghĩ chắc có trời phật và phúc ấm gia đình phò hộ tôi mới thoát nạn, còn được mạnh khoẻ để về dự họp mặt Trung Học Triệu Phong tại Tích Tường 5/12/2010. được gặp lai người bạn cố tri là thầy Tôn Thât Phú, và sẽ rất vui sướng được tái ngộ cùng quý đồng nghiệp và cựu học sinh Triệu Phong vào mùa hè 2012 tại quê nhà thân yêu!
*GẶP LẠI BẠN CỐ TRI:
Vào một buổi tối đầu xuân Nhâm Thìn, điện thoại nhà tôi reo lên. Tôi liền cầm máy nghe. Đầu dây bêm kia có một giọng nam hỏi: Bác có quen ai tên là Tôn Thất Phú không?
Tôi trả lời: Có. Một lúc sau tôi tôi vui mừng được gặp lại thầy Tôn Thất Phú, người bạn cố tri sau hơn 40 năm xa cách. Sáng hôm sau, tôi mời thầy Phú đến nhà tôi ăn sáng, hàn huyên. Đó là một cuộc hội ngộ bất ngờ và thú vị. Dù mái tóc thầy đã bạc màu theo thời gian, nhưng thầy vẫn hoạt bát avf thân thương như thờ thầy còn dạy ở Trung học Triệu Phong xưa. Tôi vội điện thoại cho các em Lê Đông, Trần Đình Khảm đến thăm thầy cũ.
Chúng tôi cùng trò chuyện suốt buổi sáng và chụp hình lưu niệm.
Năm nay tôi được hưởng những ngày tết đầm ấm vui tươi dù tuổi đời đã chạm tới số chẵn 80, con cháu đều chăm lo học hành, có việc làm ổn định, nhất là rất hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, hoà thuận với anh em… Tôi vui mừng được các em học sinh cũ từ phương xa gởi lời chúc Tết như Nguyễn Trình, Ngô Hướng, Nguyễn Lộc…, nhất là được gặp lại người đồng nghiệp rất dễ thương là thầy Tôn Thất Phú.
Các em học sinh cũ ở TP Hồ Chí Minh và các nơi cũng như thầy Phú biết được địa chỉ của tôi để thăm hỏi, chuyện trò là nhờ chiếc cầu nối nghĩa tình: KÝ ỨC TRƯỜNG XƯA!

THẦY TÔN THẤT PHÚ
Giảng dạy môn: Toán, Sử, Nhạc, Họa
Các NK. 1962, 1963, 1964 (…)
Địa chỉ: NJ-USA




Nhân chuyến về thăm quê, Thầy đã có nhã ý tìm thăm các đồng nghiệp và học sinh cũ tại Quảng Trị, Huế, Đà Nẳng và TP Hồ Chí Minh. Nơi nào Thầy cũng nhận được sự tiếp đón nồng hậu, dạt dào tình cảm. Tại TX. Quảng Trị, chúng tôi đã có cuộc gặp ấm áp tình thầy – trò. Thầy nói chuyện rất thân tình, cởi mở như anh em, vì Thầy bảo rằng “ngày xưa là thầy – trò, ngày nay chúng ta là những người bạn già, tóc ai cũng đã bạc cả rồi!”
Đối với những anh chị em lớp trước (các nk. 1962- 1964) đã có rất nhiều kỷ niệm về Thầy.
Thầy quê ở Huế, ra dạy tại Trung học Triệu Phong lúc còn rất trẻ - mới ngoài 20 tuổi. Với giọng Huế dịu dàng, hấp dẫn và phong cách dễ gần nên học sinh rất yêu mến và thích học môn dạy của thầy; ví dụ anh Lê Hóa (khóa 60-64) thường nhắc về những kỉ niệm sâu sắc về thầy trong môn Toán, còn chị Lê Thị Huệ (khoá 62-66) thường nhắc về những giờ dạy nhạc rất hay, rất thuyết phục của Thầy, chị nhớ như in những buổi biểu diễn văn nghệ rất ấn tượng, rất thành công cả trong và ngoài trường do Thầy làm trưởng đoàn…. Trong không khí thân mật, đầy hoài niệm,, thầy đã kể cho chúng tôi nghe vài kỉ niệm vui của thời thầy dạy tại trường xưa.
 Chuyện thứ nhất: Lần đầu vào dạy môn Toán của lớp Đệ thất, thầy ra bài toán về động tử có nội dung như sau: Hai động tử đi ngược chiểu, một người từ Huế ra Quảng Trị với tốc độ là x km/g, một người từ Quảng Trị vào Huế với tốc độ là y km/g. Hỏi hai người gặp nhau lúc mấy giờ, biết rằng họ khởi hành lúc 7g00 sáng, và Quảng Trị cách Huế 60km.
Thầy nghĩ rằng bài toán ấy không khó. Nhưng đã nửa giờ trôi qua mà cả lớp đều cắm bút ngồi. Thầy ngạc nhiên đi một vòng xem tình hình làm bài của học sinh, đến cả chỗ người học giỏi nhất môn Toán. Bạn này cũng lắc đầu! Thầy để mắt đọc xem phần đề bạn đã ghi. Té ra bạn ghi đề sai! Hỏi cả lớp thì họ đều trả lời là ghi như vậy. Lúc đó Thầy mới vỡ lẽ ra rằng học sinh đã ghi từ cách thành từ cắt(Quảng Trị cách Huế… đã bị ghi thành Quảng Trị cắt Huế…! Lỗi này không phải tại Thầy mà cũng chẳng phải tại trò, chỉ tại cái giọng Huế rất dịu dàng, dễ thương, nhưng có khi phát âm tiếng phổ thông thiếu chính xác! Lúc ấy Thầy vừa ghi lên bảng vừa đề nghị mọi người chữa lại là: Quảng Trị cách Huế 60km,… Và 15 phút sau, cả lớp đều làm được bài. Đây là một kinh nghiệm đáng nhớ về ngôn ngữ bất đồng, dù hai tỉnh chỉ cách nhau một dòng sông Ô Lâu đậm đà một thiên tình sử mà dân Huế-Quảng Trị rất thích kể!
Kỉ niệm thứ hai là về môn Anh văn. Thầy kể: khi có học sinh không thuộc bài, thay vì la rầy, thầy lại bắt học sinh đọc, viết bài ấy nhiều lần cho đến khi thuộc lòng, rồi sau đó thầy kiểm tra lại. Khi nào đạt yêu cầu mới thôi bắt chép phạt.Về sau học sinh này đã tìm gặp Thầy và ngỏ lời cảm ơn, vì nhờ vậy mà môn Anh văn của cậu ta tiến bộ nhanh. Và Thầy kết luận: Học môn gì cũng vậy, thầy giáo chú ý rèn cho học sinh càng nhiều thì các em sẽ càng giỏi, dù lúc đó họ có oán trách thầy nghiêm khắc thì thầy cũng nên vui lòng chấp nhận, miễn nhìn thấy học sinh mình tiến bộ là mình hạnh phúc rồi!
Năm nay Thầy đã bước qua tuổi bảy mươi tư, nhưng trông thầy còn rất mạnh khỏe, hoạt bát, trí nhớ còn minh mẩn lắm. Thầy cho biết: có được sức khỏe như hiện nay là nhờ thầy tập thể dục đều đặn, hàng ngày thầy-cô đến Trung tâm thể dục, cùng tập luyện, chuyện trò với các bạn già và vui hưởng những ngày tháng thanh nhàn cùng con cháu, sau bao cảnh thăng trầm của gần trọn một đời người.
Chúng tôi có đề nghị Thầy viết cho một bài để đăng vào tập san KWTX II, thì Thầy tâm sự: Thầycó rất nhiều kỉ niệm với trường Trung học Triệu Phong, với mảnh đất Quảng Trị, và thầy cũng đã có ý định viết một bài thật dài, lấy nhan đề là Đường Ra Quảng Trị để bày tỏ tình cảm với mảnh đất nặng tình nặng nghĩa này. Nhưng, sau một quảng đời làm việc bằng giấy tờ, máy tính, điện thoại, giao dịch với khách hàng tại một bệnh viện lớn ở xứ người cho đến lúc nghỉ hưu, bây giờ thầy cảm thấy sợ khi phải ngồi vào bàn viết hoặc trước computer. Dù sao chúng tôi nghĩ rằng tình cảm của Thầy luôn hướng về trường, về vùng đất Triệu Phong – Quảng Trị thân thương vì, không những nơi ấy đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí Thầy về buổi đầu vào nghề dạy học, mà còn một lẽ khác: Thầy là rể Xóm Hà, (bà xã của thấy vốn là một nữ sinh xinh xắn của Trung học Nguyễn Hoàng). Vì vậy, mỗi lần có dịp về thăm quê ở Huế, thế nào Thầy cũng ra Quảng Trị, đi lại trên con đường chùa Tỉnh Hội, qua đập Rì-rì, về xóm Hà, cái xóm nhỏ ven sông Thạch Hãn, phong cảnh hữu tình; trong xóm ấy có lối nhỏ, ngỏ nhỏ, và người yêu của Thầyngày xưa  ở đó! Bước qua cầu Sãi, Thầy chỉ đi thêm mấy trăm mét là hình dung được địa điểm trường Trung học Triệu Phong, nơi ghi dấu kỉ niệm một thời thầy đã từng giảng dạy, sinh hoạt cùng những học sinh quê mùa nhưng rất thật thà, dễ thương ngày ấy! Chúng em, những CHS. THTP 1960-1975 kính chúc Thầy cùng gia quyến luôn an khang, hạnh phúc và rất mong thỉnh thoảng được tiếp đón thầy tại quê nhà!
BBS.
Thầy HOÀNG VĂN HÒA
Công tác học vụ & giảng dạy.
Địa chỉ: Nại Cửu-Triệu Đông- Triệu Phong-QT

 Thầy Hoàng Văn Hòa và các CHS
* CHUYỆN KỂ VỀ MỘT SỰ TÍCH:
Mọi người sinh ra ai cũng có cội nguồn. Tình cảm quê hương là một bản chất quý giá, là nét đẹp đặc trưng của người dân Việt. Người ta thể hiện tình cảm đó qua nhiều hình thức: bằng thi ca, bằng ca dao hò vè hoặc bằng nhiều hình thức khác. Sau đây, bằng một câu chuyện hay, nói cách khác, câu chuyện mang hàm ý đậm đà bản sắc văn hóa, là một sự tích có tác dụng làm lay động lòng người, tưởng nhớ về quê hương cội nguồn thân thương của mình.
Vào đầu làng Nại Cửu có một cái xóm được đặt tên là Xóm Hói - cái tên nghe rất mộc mạc, rất địa phương, người ngoài nghe thấy là lạ. Chỉ có người bản xứ mới hiểu được rằng ngoài cái đơn sơ, mộc mạc ấy lại hàm chứa một tính chất thật thú vị.
Dưới triều nhà Nguyễn, tại xóm này, dòng họ Lê có nhiều người làm đến quan huyện, quan phủ. Đặc biệt có ngài Võ Tử Văn đỗ Phó bảng khoa Tân Hợi năm Tự Đức thứ tư (1851), giữ chức Hàn lâm viện thị giảng học sĩ, được bổ nhiệm trường Quốc tử giám, dạy Thái tử (vua Dục Đức). Dân làng nghĩ rằng đây là vùng đất thiêng có long mạch. Đấy là nơi có rồng thiêng ở, ân đức trời đất hội tụ, tượng trưng cho sự hưng thịnh, phát đạt. Những quan chức thời ấy có ý tưởng tâm huyết thực dụng, cho đào một con sông thông nước từ sông Thạch Hãn về đến sông Vĩnh Định để cứu hạn cho đồng ruộng; vừa có ý tưởng lúc về già, thôi chức quan thì có cơ hội “ngao du sơn thủy”. Cũng có người không muốn đào, trong đó có ngài Võ Tử Văn, đang giữ chức cao trong triều đình. Ngài sợ đào sông sẽ làm đứt long mạch, ảnh hưởng đến hậu duệ của làng! Vì thế, đã có sự tranh tụng gây bất ổn trong hàng ngũ quan chức.
Thật thế, người ta kể rằng khi đào đến đầu xóm Đôốc,( (đọc trẹ của xóm Dốc, do phần đất đầu xóm có cái dốc cao} thì có một dòng nước màu đỏ chảy ra, họ cho là đứt “long mạch”. Không biết ảnh hưởng thế nào về sự huyền bí này mà sự phát triển đường học vấn của con cháu trong làng có thời bị mai một! Và sau khi đào con sông đó thì con cháu dòng họ Hoàng làng Bích Khê-nằm về phía tây-bắc trên hành lang của dải đất này- lại trở nên thịnh vượng, phát tài, phát lộc ba đời, đỗ đạt cao, làm quan to trong triều đình. Người ta cho rằng con rồng thiêng đó bị chấn thương, khí thiêng đưa ân đức tụ lại ở làng Bích Khê làm cho con cháu bên làng đó phát triển mạnh. Con sông ấy bị đào dở, sau trở thành một cái “hói”, diện tích gần một héc-ta, và từ đó xóm Đôốc trước đây được đổi tên thành XÓM HÓI. Xóm Hói nước đầy quanh năm, cá tôm có điều kiện sinh sống và phát triển. Và cũng chính nơi đây, đời trước cũng như hiện nay có người đã tìm thú vui với dây câu, cành trúc, không màng đến cảnh chen chúc lợi danh mà thả hồn theo mây nước và vui thú được nghe ”cá đâu đớp động dưới chân bèo”.
Sau này thời cuộc có nhiều biến đổi, chiến tranh làm tan nát vật chất và băng hoại tinh thần của người dân. Dấu xưa vẫn còn đó, nhưng có một thời bị quên lảng. Nay đất nước được hòa bình, đời sống người dân được ổn định và phát triển. Cái tinh hoa của làng Nại Cữu tưởng chừng như đã bị vùi dập trong chiến tranh, nay đã trỗi dậy và phát huy. Con cháu ở những thời buổi, hoàn cảnh khác nhau đều có người học hành đỗ đạt cao, phục vụ khắp mọi miền đất nước, làm rạng danh cho quê hương. Phải chăng con rồng thiêng ngày xưa một thời đứt đoạn nay đã tìm về với cội nguồn của nó?!
Trường Trung học Triệu Phong 1960-1975 của chúng ta có cơ duyên được xây dựng trên mạch đất thiêng - xóm Hói- này, và đã giáo dục, rèn luyện hàng ngàn người trưởng thành qua nhiều thế hệ có đủ trí tuệ và nhân cách lan tỏa đi mọi nơi, mọi miền và có vị trí xứng đáng trong xã hội.
Ngôi trường đã bị chiến tranh tàn phá, chỉ còn những dấu tích mơ hồ! Nhưng quý thầy cô đã từng giảng dạy ở đây, những thế hệ học sinh được giáo dục, un đúc tài năng, đạo lý ở đây vẫn luôn dạt dào tình cảm, chạnh lòng nhớ thương dấu tích kỷ niệm của ngôi trường một thời tọa lạc tại xóm Hói, làng Nại Cửu.
Thông qua một sự tích, một câu chuyện hay, đã ghi lại dấu ấn trong lòng: là địa danh có một sự tích thú vị, nơi lưu dấu một ngôi trường thân thương mang tên của cả huyện-Trường Trung học Triệu Phong.
Thời gian làm biến đổi dấu tích xưa.Những ai có nặng lòng hướng tìm về trường cũ, hãy hỏi “Xóm Hói” – cái xóm đầu làng Nại Cửu!
HVH- Xóm Hói-thôn Nại Cửu
Đầu xuân Nhâm Dần-2012



Thầy HỒ TRỊ
Nguyên Cựu giáo chức, Tổng giám thị.
Quê gốc: Trà Liên-Triệu Phong.
Địa chỉ: Tổ 62, Tam Long-Kim Long- Châu Đức- BR-VT.
ĐT:0646272682 – 01667332652.

NHÌN LẠI 
QUÃNG ĐỜI DẠY HỌC CỦA MÌNH
(1964 – 1991)

*Những bước thăng trầm trong nghề:
- Giai đoạn 64-75:
Ra trường sư phạm, tôi được đưa về Quảng trị, và Ty Tiểu học đã bố trí tôi làm hiệu trưởng lần lượt các trường tiểu học Nhĩ Thượng (Gio Linh), tiểu học Trà Liên, tiểu học Lai Phước và tiểu học Triệu Thượng (Triệu Phong). Tới cuối niên khoá 68 – 69 tôi mới được chuyển về dạy ở Trung học Triệu Phong, ngôi trường trung học đầu tiên của cả quận. Năm 1970 – 1974 tôi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám thị của trường. Đến tháng 4 – 1974 tại Hoà Khánh, Đà Nẵng, tôi đã đăng ký theo quận Đông Hà đi khẩn hoang lập ấp ở Bình Tuy, cùng đi với tôi có thầy Hoàng Đằng và thầy Đoàn Đức.
+Mở trường Nguyễn Phúc Chu: Thời ấy ở Bình Tuy chỉ có một trường trung học duy nhất ở tỉnh lỵ. Để đáp ứng nhu cầu học tập của dân di cư, ngành giáo dục đã sớm có kế hoạch mở ra một trường đệ nhị cấp mới ở khu khẩn hoang Láng Gòn (quận Đông Hà) và một trường trung học ở Động đền (Cam Lộ) tới lớp 10. Trường Đệ nhị cấp Nguyễn Phúc Chu Đông Hà có đủ từ lớp 6 đến lớp 12 do thầy Hoàng Đằng làm hiệu trưởng. Sau đó thầy Đằng được điều động về sở, bàn giao hiệu trưởng cho thầy Đoàn Đức. Số thầy giáo đại bộ phận có sẵn trong đoàn di dân, trường được nhận thêm một số thầy cô ở trường sư phạm ra để dạy lớp 11 và12. Bước đầu cơ sở trường còn tạm bợ: sườn gỗ, mái và vách lá, và được mượn 5 phòng học mới xây (cho cấp tiểu học) để dùng tạm. Địa điểm xây trường và hồ sơ xây dựng đã được bộ Giáo dục phê duyệt, chỉ chờ thi công. Song song với trường công lập, các linh mục cũng xây dựng các trường đệ nhị cấp để đáp ứng nhu cầu học tập. Nhóm giáo viên chúng tôi được mời dạy thêm ở các trường này. Nhìn chung, việc học tập của các trường đã nhanh chóng đi vào nề nếp; nhưng chỉ được mấy tháng ngắn ngủi, đến tháng 2/75 cbiến cuộc bùng nổ cho đến ngày giải phóng. Và kể từ đó, kết thúc vai trò các trường đệ nhị cấp, chỉ còn lại trường cấp 2 ở Động Đền và Láng Gòn.
- Sau 30/4/75:
Các thầy cô đa số được lưu dụng, ở Cam Lộ có thầy Lê Mậu Duy, Trương Công Hổ được tiếp tục công tác. Ở vùng Đông Hà, thầy Đăng, thầy Đức và tôi không được dạy lại. Thầy Đằng quyết định theo gia đình về lại Đông Hà - Quảng Trị. Tôi và thầy Đức tham gia công tác nông hội ở địa phương và lao động sản xuất nuôi gia đình.
- Giai đoạn đi dạy lại:
Năm 1980 có chủ trương mới của nhà nước, tôi và thầy Đức được gọi đi học sư phạm 10 ngày để về đi dạy lại. Từ 1988 tôi được làm giáo viên rồi hiệu phó và hiệu trưởng trường cấp 2 Tân Nghĩa, cách nhà 3 km. Năm 1988, tôi xin về dạy trường Tân Hà để được gần nhà, và đến năm 1991, tôi xin nghỉ việc.
-Giai đoạn 1991 đến nay:
“Tấn vi sư, thối vi nông dân”, tôi về Bà Rịa-Vũng Tàu để được gần gia đình cha mẹ và các em, và theo nghề nương rẫy. Năm ấy tôi mới 50 tuổi, còn khoẻ, lại gặp miền Đông đất đỏ màu mỡ nên lao động sản xuất bước đầu khá thuận lợi. Tôi đã dựng lại nhà cửa và sắm lại xe máy để làm phương tiện đi lại, chỉ mong an cư lạc nghiệp chứ chẳng có tham vọng gì cao xa. Nhưng việc đời đâu có xuôi thuận mãi. Sau 20 năm lao động miệt mài (1975-1995), năm 1995 tôi bị dính bệnh gút mãn tính, tới nay đã 17 năm, sức khoẻ đã bị bệnh tật bào mòn. Nay chẳng còn khả năng lao động nữa nên vườn tược trở thành một gánh nặng cho hai vợ chồng già. Chúng tôi được một đứa con gái thì lấy chồng xa - tận ngoài thành phố Huế! Xét cho cùng, đời người ai chẳng có những lúc khó khăn,…!
* Đôi điều cảm nhận:
Trong khoảng đời đi dạy mấy mươi năm, qua hàng chục trường, nhưng tình cảm đồng nghiệp, tình thầy trò còn lưu lại trong tôi nhiều và sâu đậm hơn cả có lẽ phải nói  là trường Trung học Triệu Phong - Quảng Trị, vì đó là ngôi trường mà tôi gắn bó nhiều năm, lại trải qua một thời kỳ đặc biệt, một giai đoạn còn yên bình ở Quảng Trị từ 1969 đến 1972; rồi đến lúc di dời trường lớp vào Hoà Khánh- Quảng Nam trong loạn lạc từ 1972 đến1974. Về phía đồng nghiệp, tôi có tin tức liên lạc qua thư từ, điện thoại hoặc thăm viếng khi có dịp hoặc biết tin qua bạn bè, như ở Sài gòn có thầy Duy, thầy Đức, thầy Thái Tăng Hạnh, thầy Hảo; ở Đông Hà có thầy Đằng, thầy Nguyễn Đình Hạnh; ở Quảng Trị có thầy Phong, thầy Quang, thầy Hoà, thầy Kỳ; ở Sãi có thầy Mãi; ở Huế có thầy Tiêu, thầy Hoá, thầy Đáp, cô Loan, thầy Đặng Lữ…;ở Đà nẵng có thầy Nguyễn Thiện Lữ. Về phía học sinh, từ năm 1991, khi biết tin tôi về ở Kim Long - BRVT, một số anh chị là học trò cũ đang ở các nông trường Cù Bị, Xà Bang và vùng phụ cận đã tìm đến thăm tôi. Hàng năm vào dịp lễ tết, hoặc nghe tin tôi ốm đau, anh chị em đã đến thăm với tình cảm rất nồng ấm. Đặc biệt, sau khi KÝ ỨC TRƯỜNG XƯA phát hành, nhiều người biết địa chỉ, số điện thoại nên họ đã tin cho nhau cùng biết, người ở xa thì gọi điện, nhắn tin hoặc gởi quà tặng rất tình cảm, kể cả những anh chị em ở tận Cà Mau, Khe Sanh hoặc xa đến nửa vòng trái đất. Xuân Nhâm Thìn này, có người cách xa năm bảy chục cây số cũng đi xe máy về thăm thầy cũ rất chí tình! Có anh Bùi Như Hoá ra thăm quê, được thầy Quang tặng tập Ký Ức Trường Xưa về nhà nằm đọc, phát hiện ra có tôi ở Kim Long liền gọi điện liên lạc và tức tốc đến thăm thầy. Thật là vui, thầy trò hàn huyên chuyện cũ suốt cả buổi chiều mà chưa hết chuyện.
Đã hơn 40 mươi năm, các học sinh cũ ai cũng đã U50, U60 cả rồi, vậy mà mỗi khi gặp lại thầy cũ, họ vẫn một lòng kính mến như xưa.
Thật là hạnh phúc và đáng tự hào, vì thời ấy thầy làm thiên chức giáo dục là truyền đạt tri thức cho học trò và làm gương mẫu cho học trò qua lối sống và nhân cách của mình. Học trò thì luôn dành cho thầy-cô giáo một sự nể trọng đúng mực, quyết tâm chăm chỉ học hành để nên người hữu dụng. Thời ấy, không ai quan niệm nghề thầy giáo là nghề bán chữ cả.
Qua đây, tôi kính chúc thầy, cô đồng nghiệp cũ và các anh chị em cựu học sinh Trung học Triệu Phong 1960-1975 luôn được an khang, hạnh phúc, thành đạt và giữ mãi truyền thống cao đẹp của một thời mà tình đồng nghiệp, tình thầy trò luôn được giữ gìn và trân quý!
Kim Long (BR-VT), 6/2/2012.
Hồ Trị

CHS: LÊ THỊ HUỆ
 K. 1962-1966
Quê: Sãi - Cổ Thành.
Địa chỉ: 28-Võ Thị Sáu, P. Quyết thắng,
Biên Hoà - Đồng Nai.

NHỚ VỀ MỘT LOÀI HOA

 Vợ Quỳnh-Lê ThịHồng, Lê Thị Huệ -Võ Mậu Thiên
Ngày ấy, trên con đường đất đỏ dẫn đến trường Trung học Triệu Phong, bóng dáng nhỏ nhắn, gầy gầy của em đã ập vào mắt tôi. Em không đẹp sắc nước hương trời, em học hành cũng không có gì xuất sắc; nhưng em có một khuôn mặt tươi sáng mỗi khi gật đầu chào tôi với đôi mắt to đen, trong lành vô tư, nổi bật dưới làn da trắng hồng với hàm răng trắng đều như hạt bắp mỗi khi mỉm cười nhìn tôi. Em như một loài hoa. Em đã làm tim tôi xao xuyến tự khi nào, mà cứ mỗi trưa, mỗi chiều em tan trường là tôi lấp ló bên quán may chị hàng xóm để nhìn em, để em thấy tôi đứng đó, đứng tự bao giờ để được nhìn em đi học về… Rồi mùa xuân năm ấy, trước sân trường, đêm liên hoan văn nghệ do nhà trường tổ chức, em đã hát, giọng hát của em đã làm tim tôi rung động - thật sự là một giọng hát ấm áp, nồng nàn; cả khi vào điệp khúc lên cao cũng mạnh mẽ vô cùng. Tôi thực sự thán phục em, tôi mừng trời đã phú cho em một giọng hát rất hay. Tôi nghĩ giá như em theo học một trường đào tạo ca sĩ thì hay hơn em học làm cô giáo. Để làm quen với em, tôi đã bỏ thời gian làm quen với mẹ và chị của em. Lúc đó tôi là học sinh tranh đấu Phật giáo và đã nhờ mẹ em quyên góp tiền để phát hành tờ báo “Đấu tranh”. Chị em và em cũng là học sinh Phật tử - nhờ vậy mà tôi đã có lý do để đến nhà em chơi. Nhưng khổ một nỗi là em lại gọi tôi bằng “chú”! Cái từ “chú” đã theo em và tôi đến 8 năm trời mới thay đổi được. Đọc tiểu thuyết YÊU của Chu Tử: chú Đạt yêu cháu Diễm, không lẽ mình cũng khổ sở như chú Đạt sao?! Trong đầu tôi cứ phân vân: “Làm sao đây, biết làm sao đây?” Năm 1963, tôi bị vào tù vì đấu tranh Phật giáo, rồi phải lo thi cử để vào Đại học. Tôi bù đầu, bù tai với sách vở, với thi cử …
Rồi em lên Đệ tam Nguyễn Hoàng. Đã có nhiều cái đuôi theo em mỗi khi em đi học về. Tôi sợ mất em, tôi lo cuống cuồng! Một lần, lấy hết can đảm, tôi đánh bạo nói với em: “Tôi thương em!” Em đỏ mặt, nhưng vẫn bình tĩnh trả lời tôi một cách khôn khéo: “Em chưa nghĩ đến chuyện đó.” Tôi đã thở mạnh khi nghe em nói như thế. Tôi không giận, không trách em, chỉ hơi buồn và khi về nhà, tôi đã làm rất nhiều bài thơ cho em. Có hai câu mà đến bây giờ em vẫn còn nhớ và đọc cho các con tôi nghe:
Nàng tiên nhỏ buông tay ngà xoả tóc,
Bướm hồn nhiên đôi cánh mỏng quên về!
Lúc đó tôi không biết liệu mình có còn hy vọng gì không; và cứ mỗi lần nhớ em, tôi đã làm thơ, làm xong tôi ghi vào một cuốn sổ nhỏ rồi đưa cho chị của em đọc – cũng xin nhắc rằng tôi đã kèm Pháp văn cho chị và o của em học đó, và hai người này tôi xem như bạn.  Tôi học Pháp văn ban C, em học Anh văn ban C, pháp văn là sinh ngữ phụ. Nhưng em không có khiếu học sinh ngữ . Em đã từng nói  với tôi: Sao học Toán công thưc khó nhớ, phương trình hay quên, học bài cũng khó vô, và chán học sinh ngữ vì phát âm khó quá! Vậy mà, bài hát nào chỉ cần nghe qua vài ba lần là em nhớ ngay. Đi phố, vào nhà sách thì em ít mua sách học mà chỉ kiếm mua các bản nhạc. Tôi nghĩ mỗi người có một năng khiếu riêng, không phải ai cũng giống nhau… Tôi không hề trách em. Tôi cho rằng phụ nữ không cần học cao, và tự nhủ lòng: “Mình sẽ học thay cho em.” và tôi đã cố gắng học. Kết quả là tôi đã đỗ vào Đại học Y khoa với học bổng rất cao.
Năm 1968, trường Y khoa bị pháo kích sập, tôi phải vào trường Y Sài gòn – xa gia đình, xa em, lòng buồn vời vợi, mỗi năm chỉ được về thăm nhà vào dịp tết và hè.
Càng ngày em càng đẹp ra. Có rất nhiều người thương và theo đuổi em, thậm chí có thầy giáo theo em về nhà kèm cho em học nhưng gia đình em không ai bằng lòng, còn em thì không hứa hẹn với ai khi mẹ và các anh chị của không đồng ý, vì em rất hiếu thảo với mẹ. May cho tôi là gia đình em không cản trở khi biết tôi để ý đến em; và những lần tôi đến thăm, gia đình em đã dành cho tôi nhiều ưu ái. Tôi thầm cảm ơn gia đình, mọi người đã giữ em lại cho tôi! Năm 1971 em nộp đơn đi dạy công nhật- một cô giáo làng - cũng đã chững chạc lắm rồi. Hai mốt tuổi rồi còn gì – coi chừng tuổi “hâm” rồi đó! Tôi thì đã về lại trường Y khoa và đi nội trú bệnh viện Trung ương Huế. Ngoài giờ đi thực tập, tôi còn xin dạy thêm ở trường Cán sự y tế Huế. Tôi đã có thu nhập, em cũng đã có thu nhập để tự lo cuộc sống của mình, tuy đồng lương ít ỏi. Tôi đã cầu hôn em, và tháng 8 năm 1971 lễ đính hôn đã được gia đình hai bên tổ chức, tham dự.
Đầu năm 1972, chiến tranh đã ập xuống tỉnh nhà, dân Quảng Trị phải vào tạm cư ở Huế và Đà Nẵng; những gia đình có điều kiện thì đi thẳngg vào Nam. Gia đình hai chúng tôi vào tá túc ở Đống Đa – Đà nẵng.Tôi ở nhà người dì, và em ở nhà thuê gần đó. Tại đây, tháng 8 năm 1972, chúng tôi tổ chức đám cưới, chỉ làm gọn nhẹ vì chiến tranh ở quê nhà vẫn đang ác liệt.
Năm 1973 chúng tôi phải về lại Quảng Trị theo diện tái định cư, tôi được cấp một căn nhà ở chung cư Hải Lăng. Bệnh viện được xây một bên toà tỉnh và trường học, em cũng đi dạy gần đó; và có một chuyện thật hy hữu là em được gặp lại thầy Hiệu trưởng Phan Thanh Thiên ở đây. Sáng sớm , vừa mở mắt thì thầy Thăng đến báo: Chiều nay em dạy thay cô Hoa ở Huế bị bệnh không ra dạy được. Em đã chuẩn bị bài vở, sổ sách đầy đủ, chờ thanh tra bộ đến làm việc. Đúng 3h00 thì ông thanh tra bộ đến, và vị thanh tra ấy chính là thầy Hiệu trưởng trường Trung học Triệu Phong của em ngày nào! Em mừng rỡ chào thầy trước sự ngạc nhiên của thầy Thăng (Hiệu trưởng trường sở tại) đi theo, và buổi thanh tra đã biến thành buổi tao ngộ của thầy trò xưa. Em đã hỏi thăm sức khoẻ của cô, và thầy thì hỏi thăm về chị Hồng và Quỳnh. Thầy còn bảo với thầy Thăng: Chị Hồng thì đẹp gái còn em thì hát hay! Câu chuyện kéo dài chưa đầy 10 phút nhưng đã khiến em vui mừng khôn xiết. May mắn thay, thanh tra của bộ lại là thầy Hiệu trưởng cũ của mình! Em cảm ơn thầy đã không quên cô học trò nhỏ ngày nào. Thực ra, buổi thanh tra hôm ấy, thầy chỉ hỏi sơ qua đôi điều về bài dạy, còn hầu hết thời gian thầy dành cho việc thăm hỏi thân tình. Em không bao giờ quên đức độ của vị thầy khả kính.
Mùa hè 1975, một cuộc sống mới, hai con người cũ. Vợ chồng mình vẫn là cán bộ công nhân viên nhà nước (lưu dung), vẫn hoà mình vào công viêc bệnh viên, trường học. Anh em bè bạn, vợ chồng con cái sum vầy. Hằng ngày đi làm vất vả, đêm về nghe tiếng hát ru con trong trẻo, ấm áp của em, tôi thấy lòng vơi đi những vất vả, quẳng gánh lo âu để đi vào giấc ngủ êm đềm. Năm 1984, khi rời Quảng Trị vào Nam, nhìn lại 2 căn nhà do vợ chồng chắt chiu tạo dựng mà thấy lòng bịn rịn, bùi ngùi.
Cuộc sống miền Nam những năm đầu thật cam go cho gia đình, cũng may có mẹ và chị ruột em đỡ đần nên cuộc sống sớm được ổn định. Bây giờ đã 40 năm trôi qua, tôi vẫn thầm cảm phục đức tính trầm tĩnh, chịu thương chịu khó của em. Mọi gian khổ em vẫn không nản lòng, không than van oán trách , chỉ biết chấp nhận và quyết vượt qua số phận.
Tôi đã không nhầm khi đem lòng thương em, để bây giờ có được một người vợ, người mẹ quý nhất trên đời. Em đã lo hết việc gia đình để cho tôi - một ông bác sĩ hưu trí - ngày ngày vui với cần câu bên  dòng nước trong xanh. Những lúc nhìn cảnh vật ven sông, tôi đã thả hồn về dĩ vãng và hình dung cậu học trò Nguyễn Hoàng ngày xưa ngồi núp trong quán để nhìn cô học trò Triệu Phong bé bỏng, xinh xinh, như loài hoa dại bên đường làm xao xuyến lòng ai. Ôi, thân thương biết bao một loài hoa quê hương, hỡi cô học sinh nhỏ nhắn, gầy gầy của trường Trung học Triệu Phong ngày nào!
(Biên Hoà - một chiều xuân.)

XIN BÙ ĐẮP MỘT LỜI TRÁCH:
Lời BBS: Ký Ức Trường Xưa đã làm cầu nối tình cảm để thầy trò, bè bạn chung lớp chung trường có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện và hâm nóng tình cảm xưa. Tuy nhiên, đôi lúc cũng tạo nên sự giận hờn, trách  móc nhau do những thiếu sót đáng tiếc. Kính mong quý thầy cô cùng đồng môn thông cảm. Như trường hợp chị Lê Thị Huệ, dù đã cố gắng nhớ và ghi lại tên những người bạn cùng lớp thân thương, nhưng nay tuổi tác đã xế chiều nên chuyện ngày xưa điều nhớ điều quên, và khi kể tên thành viên của lớp chị đã bỏ sót một người bạn thân và nghe bạn có ý trách chị vô tình, chị thấy lòng áy náy không yên. Để ngỏ lời xin lỗi bạn và bù đắp cho sự thiếu sót đó, chị Huệ đã gởi về cho chúng tôi một tấm hình và nhờ đăng vào KƯTX với lời xin lỗi bạn. Xin mời anh Lê Văn Hậu đón nhận tấm hình (xem như quà tặng) và tình cảm của cô bạn cũ nhé!


Riêng tặng Hậu, học chung lớp với Huệ từ Đệ thất đến Đệ tứ Triệu Phong, nhưng trong danh sách lớp ở KƯTX số I Huệ đã quên ghi tên bạn. Hậu đã nhắc Huệ qua anh Lê Đông ở Đà Nẵng. Huệ thành thật xin lỗi! Hãy xem ảnh và bỏ qua thiếu sót của mình nhé! Chúc tình bạn mãi bền chặt và thắm thiết!
Chào thân ái,
LTH-Biên Hoà (Đồng Nai).



CUỘC ĐỜI TÔI 
VÀ NHỮNG TẤM LÒNG CAO CẢ
 Nguyễn Hòa
CHS.NGUYỄN  HOÀ (A)
NK: 1970-1972
Quê: An Mô- Triệu Long_Triệu Phong.
ĐT: 0165.595.2326

Tôi là cậu học trò nghèo của trường Trung học Triệu Phong từ 1970 đến 1972. Tôi chỉ học được 3 học kỳ thì chiến tranh xảy ra, trường ngưng dạy và tôi đi sơ tán. Chỉ học từng ấy thời gian nhưng không hiểu sao nơi này đã để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên, thậm chí còn hơn những ngôi trường mà về sau tôi học nhiều năm hơn.
Chắc có lẽ do khoá chúng tôi là khoá học cuối cùng chứng kiến cảnh ngôi trường thân yêu của mình phải đóng cửa vì chiến tranh ác liệt!
Hôm nay trên trang giấy này, tôi không có ý định kể lại những kỷ niệm về những dấu ấn một thời, chỉ xin ghi lại một chút về đời tôi cùng những cảm tình quý báu, những sự quan tâm đặc biệt, sự giúp đỡ chí tình của những tấm lòng cao cả mà các thầy cô giáo cũ, các anh chị em cựu học sinh của hai trường Trung học Triệu Phong và Nguyễn Hoàng cùng các nhà hảo tâm có liên quan mật thiết với quý thầy cô của hai trường đã ưu ái dành cho tôi và gia đình những giúp đỡ, động viên về tinh thần lẫn vật chất trong suốt thời gian qua.
Tôi mồ côi cha lúc chưa đầy ba tuổi. Mẹ tôi mới 27 tuổi vẫn ở vậy nuôi dạy tôi khôn lớn. Ông bà nội tôi mất sớm, chú tôi chết đói từ bé nên tôi không có chú-bác-cô-dì nào cả. Những lúc tôi hoặc mẹ bị ốm đau thì sự trống vắng, cô quạnh lại tăng lên gấp nhiều lần; và không hiểu sao sự cô quạnh, sự ác nghiệt của cuộc đời cứ đeo đẳng mãi gia đình tôi đến tận bây giờ!
Sau khi từ biệt trường Triệu Phong thân yêu, tôi và một số ít bạn bè sơ tán ra Vĩnh Linh. Năm 1973 mới được trở về quê cũ, nhưng việc học của tôi bị bỏ dở vì lúc đó huyện nhà chưa mở lại được trường học, Mẹ tôi lại lâm bệnh, sức khoẻ càng ngày càng sa sút. Tôi phải đi lao động cùng bà con trong thôn để bảo đảm cuộc sống cho hai mẹ con. Mãi về sau, khi nhà có đủ gạo ăn tôi mới tiếp tục học hết cấp hai rồi học lên cấp ba tại trường Trường PTTH Thị xã Quảng Trị (địa điểm cũ của trường Trung học Nguyễn Hoàng nổi tiếng ngày trước). Vì vậy, tôi xin mạo muội có thể nói rằng tôi cũng là một cựu học sinh của trường Trung học Nguyễn Hoàng. Quyết vượt qua hoàn cảnh, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi quyết tâm tiếp tục thi và đỗ vào sư phạm Húê, khoa Vật lý. Tốt nghiệp Đại học năm 1983, tôi may mắn được về dạy lại trường thị xã Quảng Trị. Tại đây tôi còn gặp lại được qúy thầy Nguyễn Văn Quang, thầy Đỗ Tư Nhơn, thầy Hoàng Mãi là những thầy dạy hồi học phổ thông của tôi. Năm 1988, tôi chuyển về trường cấp ba Bồ Bản. Mùa hè năm 1991, không may trong lúc làm việc, tôi bị xuất huyết não quá nặng, tưởng chừng không qua khỏi! May nhờ sự cứu chữa tận tình của bạn bè và học trò cũ làm ở bệnh viện nên sau 3 tháng nằm điều trị, sức khoẻ của tôi đần dần hồi phục. Nhưng hậu quả rất khắc nghiệt và phũ phàng là tôi bị liệt nửa người, không ngồi dậy được, không đi lại được đành phải bỏ cái nghề mà mình yêu thích. Cũng từ đó, một loạt tai ương khác liên tục ập xuống gia đình tôi khiến cho không khí gia đình càng trở nên căng thẳng, lạnh lẽo và cô quạnh.
Mở đầu là việc vợ bỏ. Chưa đầy 2 năm sau ngày tôi lâm bệnh, trường Bồ Bản cho tôi nghỉ với chế độ thôi việc. Từ đó tôi không còn được hưởng chế độ nào của nhà nước. Biết tin ấy, ít hôm sau vợ tôi bỏ về, để lại cho tôi đứa con nhỏ mới 19 tháng tuổi. Đến bây giờ, đã 20 năm trôi qua cháu chưa hề biết mặt mẹ mình, và thực tế hai mẹ con có gặp nhau cũng chẳng nhận ra nhau! Trong lúc đang lo chống chọi với bệnh tật để sinh tồn, lại bị cú sốc tinh thần quá lớn khiến tôi hoàn toàn tuyệt vọng và quỵ hẳn. Mẹ tôi đành phải đem gởi cháu cho một người bà con bên ngoại và một lần nữa bà phải đưa tôi vào cấp cứu 2 tháng ở bệnh viện. May thay, cuối cùng tôi cũng vượt qua được!
Trong những ngày này tôi hoang mang vô cùng. Bản thân luôn tự hỏi: Cuộc sống gia đình từ nay sẽ ra sao? May mắn cho tôi đã có một người Mẹ tuyệt vời, dù tuổi già, sức yếu vẫn vừa nuôi cháu nhỏ, vừa động viên, giúp đỡ tôi tập luyện. Bà thức khuya dậy sớm làm tất cả mọi việc để bảo đàm cho gia đình có thể qua được cơn hoạn nạn. Nhờ vậy tôi cũng an lòng và cố sức tập luyện, và 3 năm sau thì tôi đã chống gậy chập chững đi được, nhưng phải chịu cảnh suốt đời không thể làm gì để nuôi sống bản thân! Theo thời gian, con tôi lớn dần, cháu học xong Tiểu học, THCS rồi lên học PHPT tại trường C3 Thị xã, nơi mà trước đây tôi đã từng học tập và giảng dạy. Cháu đã được quý thầy cô giúp đỡ nên việc học được nhiều thuận lợi.
Tôi thầm nghĩ chắc từ nay những vận hạn đen đủi, những nghiệt ngã của cuộc đời sẽ rời xa gia đình tôi. Nhưng thật bất ngờ, một tai hoạ khác lại ập xuống một lần nữa. Vào năm 2008, lúc cháu Vũ đang học lớp 11 thì mẹ tôi lại ngã bệnh nặng. Cháu phải nghỉ học gần một tháng để chăm sóc bà ở bệnh viện Trung ương Huế. Kết quả thật là cay đắng: Mẹ tôi bị ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối. Tôi bàng hoàng chết lặng, trái đất như sụp đổ dưới chân, tuyệt vọng và đau xót đến tột cùng. Làm sao bây giờ? Câu hỏi này cứ vang mãi trong đầu tôi nhưng không có lời giải đáp! Thương Mẹ, thương con và thương cho thân phận mình. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi có ý định cho cháu Vũ nghỉ học (một ý nghỉ mà tôi tưởng như tự cầm dao đâm vào tim mình) để đỡ đần Mẹ những ngày cuối cùng. Biết được ý nghĩ ấy, Mẹ tôi vẫn bình thản nhưng rất kiên quyêt bảo tôi rằng: Mẹ còn khoẻ, không sao đâu, đừng lo. Cần thiết thì bán đi một phần bức vườn đang ở nhưng tuyệt đối không dể cháu Vũ thất học. Cũng nhờ vậy mà con tôi đã học xong được Trung học phổ thông và tiếp tục vào Đại học. Khi cháu vào năm thứ nhất Đại học cũng là lúc bệnh tình của Mẹ tôi trở nên trầm trọng. Bà không còn làm gì được nữa mà chỉ ở trên giường, nhưng rất tỉnh táo và bình thản. Từ đây tôi đã phải cố gắng vượt bậc để tự lo cho mình và chăm sóc Mẹ.
Về phần cháu Vũ, mặc dầu đã cố gắng đi làm thêm để trang trải những chi phí học tập nhưng vẫn thiếu thốn đủ bề. Đầu óc tôi rối bời. Đi vay chăng? Tôi không đi được mà vay, và ai dám cho tôi vay lúc này? Thương Mẹ, lo cho con, tôi gầy rộc người, mắt thâm cuồng vì không ngủ được. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, thật bât ngờ, sau khi cơn lũ đi qua được một tuần, thầy NguyễnVăn Quang dắt xe, lội bùn hàng cây số tìm đến nhà tôi thăm hỏi và trao cho tôi món quà của chị Lê Thị Tường Vi (ở Hoa Kỳ) - một cựu học sinh Triệu Phong - gởi cho. Sau một hồi hai thầy trò nói chuyện với nhau, hiểu được tình hình của gia đình và biết được tôi có ý định cho cháu Vũ bỏ Đại học giữa chừng để xin đi làm kiếm sống rồi ghi tên học tại chức vào ban đêm, thầy không đồng ý và hứa sẽ tìm cách xin các vị hảo tâm giúp đỡ cho cháu hoàn thành được Đại học, hòng sau này có thể giúp tôi phần nào. Tôi mừng vô hạn; cũng từ đây, một sự khởi đầu mới đã mở ra cho gia đình tôi.
Thế nhưng, ngày tháng trôi qua, việc gì đến rồi cũng sẽ đến. Vào tháng 5 năm 2011, Mẹ tôi qua đời! Từ đây, tôi phải sống trong căn nhà trống vắng, thiếu tiếng người; một mình phải lo chống chọi với bệnh tật, với sự thiếu thốn và nhất là với sự cô quạnh muôn thuở, phải tự lo mọi thứ để tồn tại, để làm chỗ dựa tinh thần cho con. Thật là cơ cực và đáng buồn!
Trong khoảng thời gian tôi đang choáng váng, chưa lấy lại được thăng bằng sau sự “ra đi” của Mẹ thì thầy Nguyễn Văn Quang (Trung học Triệu Phong) và thầy Đỗ Tư Nhơn (Trung học Nguyễn Hoàng) thường xuyên đến thăm hỏi, động viên. Thông qua sự giúp đỡ nhiệt tình của hai thầy, tôi lần lượt nhận được nguồn tài trợ từ thầy Hoàng Đằng ( nguyên Hiệu trưởng Trung học Triệu Phong) hiện đang sống ở Đông Hà. Thầy Đằng cũng nghèo, nhưng nghe hoàn cảnh bi đát của tôi nên thầy  đã liên lạc với một cơ quan từ thiện giúp tôi. Thật là cảm động và tri ân thầy. Tiếp đến, tôi được thầy Lê Hữu Thăng (trường Nguyễn Hoàng), và các cựu học sinh Nguyễn Hoàng mà đại diện là anh Văn Thiên Tùng ( Long Hưng-Hải Phú) và chị Lê Thị Dũng (TX Quảng Trị). Rồi chị Lê Thị Kim Quy em chị Tường Vi (Hoa kỳ) cũng nhờ thầy Quang trao quà cho tôi. Ngoài ra, nhờ các mối quan hệ của thầy Nhơn và thầy Quang mà tôi còn nhận được sự giúp đỡ của Hội CHS Nguyễn Hoàng ở Sài gòn. Đặ biệt là sự giúp đỡ của cô Mười (ở Đà Nẵng) và cô Dung (ở Hoa Kỳ). Hiện nay hai cô này vẫn còn tài trợ cho con tôi. Cầm những món quà từ thầy Quang, thầy Nhơn đại diện trao cho tôi mà lòng tôi xúc động vô cùng. Trong tôi xuất hiện những cảm giác lẫn lộn: Vừa mừng vui, vừa buồn tủi, vừa day dứt….
Bên cạnh những món quà về vật chất, biết tôi sống một mình không có bà con thân thích nên các chs. Triệu Phong trực tiếp đến thăm hỏi, động viên, hoặc gọi điện về như: Trịnh Thị Lựu (Triệu Giang), Lê Mậu Ấn, Đoàn Thị Mai (Triệu Long), Đỗ Khắc Chỉnh (thị trấn Ái Tử), Lê Cảnh Lợi (Hải Lăng), Đoàn Thị Bửu (Đồng Nai), Trịnh Thị Sang(BR-VT)…

Biết nói gì đây vào lúc này, khi mà tim tôi đang đập loạn xị, tay cầm bút đang run lên?! Tận đáy lòng mình, hai cha con tôi xin chân thành cảm ơn những tấm lòng cao cả của quý thầy cô giáo cũ, quý anh chị em chs. của hai trường Triệu Phong và Nguyễn Hoàng cùng các nhà hảo tâm. Chính sự giúp đỡ quý báu, kịp thời của quý vị đã cứu vớt cuộc đời của con tôi, đã tạo cơ hội cho cháu được tiếp tục con đường học vấn. Hiện nay cháu Nguyễn Anh Vũ đang học năm 3 Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh. Hy vọng với sự giúp đỡ quý báu này, về sau cháu sẽ có một tương lai sáng sủa!
Nếu không có sự giúp đỡ của quý ân nhân thì giờ này chắc con tôi đã trở về với luỹ tre làng cùng cánh đồng quê muôn thuở, để rồi nuối tiếc nhìn bè bạn đến trường, còn mình thì:
Lấy thửa ruộng làm trang giấy trắng,
Và chiếc cày là cây bút mưu sinh.
Còn riêng tôi, chính nhờ có sự giúp đỡ của quý ân nhân mà tôi có thêm sức mạnh, thêm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống để tiếp tục đứng lên, tiếp tục vượt qua những khó khăn thiếu thốn, vượt qua những nỗi cô quạnh trong căn nhà trống vắng vào những đêm đông giá buốt hay những khi mưa lủ trắng trời!
Mật lần nữa, tôi thành kính cảm ơn những tấm lòng cao cả đầy tình nghĩa của quý thầy cô, bè bạn và những nhà hảo tâm trân quý. Kính chúc quý vị một năm mới dồi dào sức khoẻ, thành đạt và hạnh phúc!
Lời xin thưa thêm:
Tôi viết bài này không phải để kêu ca hay than vãn cho số phận, mà chỉ muốn giải bày đôi điều tâm sự cho vơi bớt nỗi buồn tủi, và để bày tỏ chút lòng thành kính tri ân những tấm lòng cao cả. Tôi cũng sợ làm phiền đến người đọc, nên một lần nữa kính xin quý vị thương tình mà thông cảm và lượng thứ. Chân thành cảm ơn!
Nguyễn Hoà (A)
Cảm thụ thơ thầy Hồ Trị


 
Vào một ngày cuối tháng 12 năm 2011, người phát thư đưa tôi một gói hàng. Đó là tập DUYÊN THƠ mà tác giả là thầy Hồ Trị bút danh Hồ Trọng Trí gửi tặng.
 Thầy Hồ Trị là bạn cố tri của tôi. Năm học 1972-1973, do điều kiện nơi ở trong các trại tạm cư, tôi thuyên chuyển từ trường trung học Đông Hà về trường trung học Triệu Phong đặt tại liên trại Hòa Khánh – Đà Nẵng, tôi gặp thầy Hồ Trị đang ở trong Ban Giám Hiệu nhà trường với chức vụ Tổng Giám Thị, thầy đã giữ chức vụ này từ năm 1969 khi trường còn ở quê nhà. Cuối xuân 1974, thầy và tôi cùng đi theo chương trình khẩn hoang lập ấp vào khu Láng Gòn (nay là xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). Nơi quê mới, trường trung học Nguyễn Phúc Chu được mở, tôi và thầy cùng công tác tại trường này. Chúng tôi còn cùng nhau đến dạy thêm tại trường trung học tư thục Đắc Lộ đặt tại khu Láng Gòn và trường trung học tư thục Thanh Linh đặt tại khu Động Đền. Ngoài việc dạy học chung trường, thầy, tôi và thêm một số anh em nữa lên kế hoạch kinh doanh chung để cải thiện đời sống: lập một quán sách ở khu Láng Gòn. Tiếc là vì hoàn cảnh đơn chiếc, không có thì giờ, tôi rút lui. Quán sách đặt ở chợ tạm, đáp ứng được nhu cầu sách, vở, bút mực ... của học sinh và nhu cầu mượn truyện đọc giải trí của các bà, các cô bán hàng ở chợ.
Nước nhà thống nhất, thầy được tiếp tục dạy và ở lại Láng Gòn, còn tôi, sau nhiều lận đận, cuối cùng rụng về cội, nghĩa là trở về Đông Hà. Chúng tôi xa nhau, nhưng chỉ cách mặt còn gần lòng. Hãy nghe Thầy tâm sự mỗi khi Tết đến xuân về:

... Bánh trái quả hoa lo sắm đủ,
    Chén trà ly rượu đợi chờ ai!
    Bạn bè quyến thuộc dần xa vắng.
    Thao thức đêm xuân dạ cảm hoài ...
(Hoài cảm xuân – Duyên thơ trang 07)

... Đón thơ đồng điệu vui tình bạn.
   Xuân ướm vần gieo nhớ cố nhân ...
(Thơ xuân - Duyên thơ trang 69)

... “Kỷ niệm”, “Hương quê” mừng gặp gỡ,
    “Nguyễn Hoàng” đẹp mãi một trường thiên.
(Nhớ về thầy cũ bạn xưa Nguyễn Hoàng - Duyên thơ trang 74)

     Nhớ sao kỷ niệm tuổi hoa niên,
     Biệt Triệu Phong, xa trò - bạn hiền ...
(Nhớ về trường cũ trò xưa - Duyên thơ trang 76)

... Cảnh ngộ tha hương sầu độc ẩm.
    Cố tri đâu nhỉ ? Lệ cay nhòa.
(Nhớ cố tri - Duyên thơ trang 95)

Thầy Hồ Trị cao, to, khỏe, mạnh; thời còn đi dạy, thầy để tâm vào các môn khoa học - thầy là một giáo sư toán uy tín; thầy không còn thì giờ sáng tác thơ văn. Vào tuổi tráng niên, định cư ở vùng đất đỏ Đông Nam Bộ màu mỡ, “tạng” ham canh tác bắt thầy dành hết tâm sức cho vườn rẫy:
                   
Xưa thầy dạy học đầy phong độ.
Nay tớ chăm vườn vẫn bậc trung ...
(Thơ bạch - Duyên thơ trang 97)

Thế nên thầy đến với thơ muộn, sau bao năm lăn lộn với đời, thầy tính sổ chẳng còn chi:

... Bao năm bụi phấn đầu vương bạc,
    Mấy thuở phong sương ngộ tính dần.
    Thế sự đẩy đưa còn mấy nỗi,
                         Nhân tình níu lại được bao ngần ...
(Dấu thời gian - Duyên thơ trang 90)

Thật ra, cũng còn đấy chứ! Còn lại cái thân của mình, còn lại cái tâm của mình, còn lại cái trí của mình để bây giờ ngồi nhẩm “còn mấy nỗi”, “được bao ngần”. Được nhẩm như thế thôi cũng là hạnh phúc rồi. Mà thôi, “tắm buổi mô buột mặt buổi nấy”, nhẩm chi cho mệt óc!

Trên online, khoảng 2 năm trở lại đây, do”đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, một thi đàn xướng họa rất sôi nổi thơ Đường luật thất ngôn bát cú xuất hiện, ban đầu chỉ giữa một số đồng môn trường trung học Nguyễn Hoàng rồi lan ra đồng hương Quảng Trị, bây giờ mở rộng ra đến những người yêu thơ không chỉ trong nước mà cả ngoài nước. Thầy Hồ Trị đã góp mặt trên thi đàn này. Tôi đoán nghiệp thơ của thầy mới chừng 2 tuổi - chưa lâu:

Duyên bén nàng thơ chửa được lâu,
Hội thơ truyền thống buổi ban đầu ...
(Duyên thơ – Duyên thơ trang 07)

”Tân Mão mình vừa bảy chục xuân” (Vui với làng thơ – Duyên thơ trang 08), tuổi già, thầy may mắn gặp được sân chơi thơ, thầy gọi cơ may ấy là duyên:

                     Giao lưu thi hữu chân tình quá,
Trao đổi văn chương ý nghĩa sâu.
Ngày tháng luyện rèn tâm tỏa rộng.
Sáng chiều suy nghiệm lý thâm cao ...
(Duyên thơ – Duyên thơ trang 07)

Đã nói là duyên, thế thì nghiệp thơ đã bén rễ trong người lâu rồi; bây giờ gặp “nhân” mới nẩy nở, phát triển ra thôi. Thầy đặt tên tập thơ đầu tay là “DUYÊN THƠ”, chính vì lẽ đó.

Đối với tôi, tập thơ là một món quà qúy đón năm mới. Tôi đã đọc với lòng trân trọng. Trong xã hội, cũng lắm người được bằng hữu tặng văn, tặng thơ ... không bao giờ đọc, lại còn trêu – xì xào đàm tiếu, “chọc quê”; họ không qúy tấm lòng của người tặng vì không hiểu rằng thơ văn là đứa con tinh thần của tác giả, cũng mang nặng đẻ đau, lao tâm khổ tứ vậy.
Tuy nhiên, đọc mà không san sẻ cảm thụ của mình với người khác thì ích kỷ. Vậy nên tôi xin viết đôi dòng.

Tập DUYÊN THƠ, ngoài 1 bài lục bát “Thay lời ngỏ”, gồm 180 bài Đường luật thất ngôn bát cú, Trong 180 bài này, có 43 bài của tác giả, số còn lại là thơ họa và xướng của các thi hữu.
Trong “Thay lời ngỏ”, thầy Hồ Trị đã nói rõ quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” của mình: viết cái gì, viết cho ai, viết thế nào, viết để làm gì:

Thơ là tiếng nói của lòng,
Những mong gạn đục khơi trong với đời.
Vần thơ xướng họa gọi mời,
Đổi trao quan điểm rộng khơi ý tình.
Luyện rèn trí tuệ thêm tinh,
Cùng nêu quan điểm phân minh vấn đề.
Chơi thơ có lắm bạn bè,
Thắm tình tri kỷ tìm về kết giao ...
                         (Thay lời ngỏ - Duyên thơ trang 03)

Ở đây, tôi chỉ điểm nội dung những bài do chính thầy Hồ Trị sáng tác trong tập thơ, còn phần họa và xướng của các thi hữu khác in kèm xin miễn nói đến.

Thầy Hồ Trị dành một phần thơ tả cảnh đẹp quê hương - đất nước.
Về nơi chôn rau cắt rốn – làng Trà Liên, thầy viết:

         ... Sông nước hài hòa phong cảnh đẹp,
   Nhân dân phúc hậu sống yên bình.
                                     (Trà Liên quê tôi – Duyên thơ trang 04)

Về Vũng Tàu – quê mới, thầy viết:

  Vũng Tàu thành phố trẻ lên nhanh,
                       Tráng lệ thanh tân dáng thị thành ...
                               (Vũng Tàu thành phố biển – Duyên thơ trang 08)

Về đèo Hải Vân, nơi từng qua lại nhiều lần, thầy viết:

                   ... Hùng vĩ Hải Vân không thẹn tiếng,
                       Rừng thông gọi nắng biển ngàn reo.
                                    (Qua đèo Hải Vân – Duyên thơ trang 82)

Về thủ đô Hà Nội, thầy viết:

  Ngàn năm văn hiến đất Thăng Long,
  Hà Nội hùng anh thắm sử hồng ...
                       Hội nhập toàn cầu kinh tế phát,
                       Nước nhà cất cánh vận hanh thông.
                              (Thăng Long Hà Nội ... – Duyên thơ trang 10)

Thầy nhìn quê hương đất nước với nhãn quan tích cực – đâu cũng đẹp, cũng hùng vĩ – xen lẫn niềm hy vọng vào tương lai.

Thầy dành một phần lớn thơ nói về thế thái nhân tình. Tả cây chuối, thầy nêu lên những cống hiến của cây chuối cho đời, rồi bực bội kết luận:

... Việc chuối lớn lao ... không cậy giỏi.
     Công BÂY nhỏ xíu lại khoe tài.
                                   (Vịnh cây chuối – Duyên thơ trang 06)

Thầy gọi ai là BÂY thì mỗi tự ngẫm rồi quan sát chung quanh mà hiểu.
Mang trong mình máu của một nhà giáo chân chính, thầy trăn trở với tình trạng học giả - không học mà có bằng cấp cao - hay bệnh thành tích trong giáo dục thời nay:

     Học thật tưởng như xuống giá rồi.
     Một thời học giả soán luôn ngôi ...
(Học giả - Duyên thơ trang 44)

... Cải cách chương trình thay đổi mãi.
    Mở mang trường sở thiếu than hoài ...
                    ... Chất lượng đầu ra rồi vẫn vậy.
    Bệnh đua thành tích đã bao ngày.
(Đạo học – Duyên thơ trang 80)

Nhìn sự đời, thấy tiêu cực lấn át tích cực, thầy ngao ngán thở dài thất vọng:

... Thực thà lắm lúc đành thua thiệt,
    Gian xảo nhiều khi lại được hoài.
    Biển dịch vần xoay hư hóa thực.
    Công bằng lý tưởng có đâu đây!
                                   (Sự đời – Duyên thơ trang 05)

... Thế sự đảo lừa hư hóa thực.
    Nhân tình tráo trở, có thành không ...
                                    (Nhân tâm – Duyên thơ trang 79)

Trước thế thái nhân tình không mấy vừa ý, phản ứng thứ nhất của thầy là TU, đem cái TÂM mà xử thế, xủ sự:

... Tâm đạo gieo nhân về nẻo chánh.
    Tâm chơn ngũ uẩn thảy giai không.
                                    (Tâm – Duyên thơ trang 04)

... Ngoái lại đời mình đâu bến đợi!
    Vô tâm dạo bước nhẹ nhàng thân.
(Nhìn lại đời mình – Duyên thơ trang 60)

Tuy nhiên, theo quan niệm của thầy, TU là việc phải làm, còn kết quả của tu thì tuỳ duyên:

                    ... Tân vận tùy duyên xoay thuận hướng.
                         Mẹo hay tịnh dưỡng khí – tâm - thần.
(Thơ xuân – Duyên quê trang 69)

Phản ứng thứ hai của Thầy là cầu nguyện mọi sự tốt đẹp mỗi dịp xuân vì vào xuân, bầu không khí nhuốm vẻ linh thiêng:

... Xuân cầu mọi xứ thôi thù hận.
    Xuân ước muôn nơi thương mến tràn.
                                    (Xuân ý – Duyên thơ trang 05)

Phản ứng thứ ba của thầy là dùng thơ ca để thăng hoa:

... Xuất thần sáng tạo câu thơ lạ.
    Khoảnh khắc thăng hoa vận tứ mầu.
                                   (Duyên thơ – Duyên thơ trang 07)

... Nguồn thơ sáng tác đang thăng tiến.
    Xướng họa đổi trao thú bội phần.
(Vui với làng thơ – Duyên thơ trang 08)

... Đã thế đùa chơi cùng sự thế.
    Nghêu ngao khúc hát điệu à ơ.
(Tự cảm – Duyên thơ trang 09)

Một điều đặc biệt là, không giống với đa số những người làm thơ khác, tác giả DUYÊN THƠ không nói gì đến tình yêu trai gái. Xưa nay, những vần thơ hay là những vần thơ nói về mảng này vì  rạo rực, bồi hồi, sống động, não nề, nhiều hình tượng; chẳng hạn như:

                    ... Đập cổ kính ra tìm lại bóng,
                        Xếp tàn y lại để dành hơi ...
                                  (Khóc Bằng Phi – vua Tự Đức ?)

... Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
     Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường ...
                                    (Đoạn trường tân thanh - Nguyễn Du)

    Hỡi cô tát nước bên đường,
     Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
                                   (Ca dao)

                    ... Những ngày không gặp nhau,
                       Biển bạc đầu thương nhớ.
                        Những ngày không gặp nhau,
                         Lòng thuyền đau rạng vỡ.
                        Nếu từ giã thuyền rồi,
                         Biển chỉ còn sóng vỗ.
                        Nếu phải cách xa em,
                         Anh chỉ còn bão tố.
                        Nếu phải cách xa em,
                         Anh chỉ còn bão tố ...
                                  (Thuyền và biển – Xuân Quỳnh do Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc)

Vì thiếu vắng tình yêu nam nữ, thơ thầy Hồ Trị thiếu cái bay bướm, thiết tha, nồng nàn về tứ cũng như về từ ... chỉ thấy đạo đức, luân lý với lời lẽ chững chạc rõ ràng, đúng theo phong cách mô phạm. “Văn dĩ tải đạo”, đúng “mốt” của các cụ xưa. Cả tập thơ chỉ thấy một chỗ hơi “vượt rào” nhưng cũng không qua hẳn. Đó là khi thầy họa thơ của Thủy Hưng.
 Thủy Hưng xướng:

Cửa cổng nhà em chắc tháo rào.
Bao năm gìn giữ bấy công lao ...
      ... Câu thơ kỳ ngộ trao duyên ngọc.
Mời bạn tri âm mạnh bước vào.

Thầy họa:
Nghe nói nhà em tháo cửa rào.
Trần ma quậy phá phải gian lao ...
      ... Vần thơ tương ngộ khuyên người ngọc.
Chớ có dễ duôi ong bướm vào.
(Giữ cổng rào – Duyên thơ trang 83)

Người xướng tháo cổng mời mạnh bước vào; vậy mà thầy rụt rè không dám,  chỉ đưa ra lời khuyên: “chớ có dễ duôi”, từ duôi là từ lạ, nghe thâm trầm lắm!

Thơ Đường luật thất ngôn bát cú là thơ dùng trong trường thi ngày xưa; thành thử, quy luật rất chặt chẽ. Với loại thơ này, rất ít khi làm được bài hay để “vượt thời gian”, “đi cùng năm tháng”. Trong lịch sử, hàng ngàn người đỗ đạt, nhưng thành thi sĩ có thơ để đời thì được mấy ai! Niêm, luật, vận, đối ... cản trở cái bay bổng, thanh thoát của thơ. Vì vậy, thầy Hồ Trị cũng nhiều lần lách luật. Ở đây, tôi chỉ nêu ra một ví dụ cho thấy thầy đã bỏ qua luật đối. Một câu đối chỉnh đòi hỏi: đối về “bằng trắc”, đối về “từ loại” “từ căn” (từ nôm với từ nôm, từ Hán Việt với từ “Hán Việt”).
Đây là một cặp đối chỉnh:

Thân thẳng cây to xòe tán rộng,
Bẹ dài lá lớn trổ hoa dài ...
(Vịnh cây chuối – Duyên thơ trang 06)
. Nhưng:

Dẽo miệng lọc lừa nên vớ lợi.
Mềm lưng xu nịnh gặp cơ may ...
(Sự đời – Duyên thơ trang 05)

Cặp đối này có vấn đề; “nên vớ lợi” không đối được với “gặp cơ may”; “vớ lợi” là cụm từ gồm 1 động từ (vớ) và 1 danh từ (lợi) còn “cơ may” chỉ là một danh kỳ kép.

Làm thơ hay rất khó, đòi hỏi phải có thiên tài. Với người có thiên tài, cái mới, cái lạ dễ dàng xuất hiện trong tâm hồn, trong trí tuệ, vì vậy, thơ của họ có nhiều đột phá hợp với “gu” của quần chúng về hình thức và nội dung. Nói thế không có nghĩa là ai không có thiên tài thì đừng làm thơ. Thơ có thể thành công  nhờ khổ luyện.
Chúc thầy Hồ Trị mạnh bước, tự tin trên đường thi ca, thực hiện trọn vẹn những điều đã viết trong “Thay lời ngỏ”.
Đông Hà, 04.01/2012
Hoàng Đằng 

TÌNH NGHĨA.
  Hoàng Mãi
 A Lô! Chào Thầy,
Xin lỗi ai đầu dây đó?
Tôi cẩn thận hỏi danh xưng người gọi, bởi trong danh bạ máy cầm tay của tôi không thấy xuất hiện nhóm đã lưu.
Dạ ,thưa Thầy em là Trâm đây – học sinh cũ của Thầy mà, lớp chúng em đã tập trung đông đủ rồi, đang đợi Thầy đến dự họp mặt khóa 68-72 Trung học Triệu Phong, Thầy cố gắng  sắp xếp công việc đến dự với tụi em nghe. Vâng, Thầy chuẩn bị đi đây.
Trả lời vậy, sao tôi vẫn còn ái ngại, Trâm là học sinh cũ mà tôi dạy tại THNH, nhưng giấy mời lại là của ban liên lạc cựu HS.THTP, có thể có sự nhầm lẫn chăng?
Ký ức một thời dạy học hiện về trong tôi: Thời gian đó tôi đang học cử nhân tại Đai Học Huế, đến tháng 10 mới có quyết định của Nha Trung Học về dạy học tại THNH Quảng Trị, được bố trí dạy toán 3 lớp 7. Chiến sự nổ ra ác liệt 1972, tôi tiếp tục theo học cao học tại Hải Học Viện Nha Trang, mục tiêu không phải nghiên cứu sinh, do hoàn cảnh, chủ yếu để được “Hoãn dịch vì lý do học vấn”. Sau Hiệp Định Pari, tôi trỏ lại nghề dạy học, nhưng lại là Trung Học Triệu Phong tại Hòa khánh Đà Nẵng, ngôi trường là một nhà tôn rộng lớn: Kho dự trữ lương thực của quân đội Mỹ để lại, bốn bề bằng tôn sóng dày cộm, các phòng học được ngăn bởi những tấm ván ép công nghiệp, tiếng động vang cả khu trường, năm học đó tôi dạy toán cấp hai, dạy vạn vật cấp ba. Tuy một năm công tác, nhưng không ít kỷ niệm về những học trò thân thương. Năm 74-75 theo dòng người trở lại quê hương Quảng trị yêu dấu, trường-THTP  được đặt tại Ngô Xá –Triệu Trung, tôi lại được chuyển về Trung Học Nguyễn Hoàng tại Thị trấn Hải Lăng và có dịp gặp lại một số học sinh cũ Triệu Phong theo học tại đây. Biết đâu buổi họp mặt này có nhiều em đã học với tôi tại Hòa Khánh Đà Nẵng hay tại Thị Trấn Hải Lăng? Kỷ niệm một thời dạy học cứ ùa về trong tôi, bỗng có tiếng gọi từ ngoài sân  nhà vào: Cậu có đi họp mặt HS cũ TP không?  Giật mình nhìn ra  thấy anh Trần Văn Kỳ, một thầy giáo đã từng dạy THTP trước 1972, sau 75 anh chuyển qua làm kế toán cho HTX chế biến gỗ, rồi kế toán cho một doanh nghiệp Thị Xã Quảng Trị…Dạ, tôi đang phân vân có nên đi hay không, nhận được giấy mời, nhưng tôi đâu phải là Giáo viên THTP trước 72. Anh Kỳ nhỏ nhẹ nói: Các em có nhớ đến, chúng ta cùng đi cho kịp giờ, để cả lớp đợi, tụi mình có lỗi đấy…
Hai chúng tôi mới dừng xe, anh chị em ùa ra  mừng rỡ, cả lớp vây quanh chúng tôi. Tôi bắt tay từng thành viên của lớp và nhận ra một số anh chị em mà tôi đã dạy tại Hòa Khánh hay tại Thị trấn Hải Lăng, cả Thầy lẫn trò ai nấy tóc đã muối tiêu, sau mấy mươi năm (1975-2010) giờ mới gặp lại. Cây mai giữa sân nhà, nơi địa điểm họp mặt, mặc dầu bây giờ đã tháng ba, vẫn còn điểm những bông hoa vàng rực rỡ. Tiết trời, tấm lòng con người đang hòa quyện với nhau, tôi thấy tự hào về nghề ghiệp của mình:
                  “ Nghề Thầy hai chữ thanh cao
                     Bạc tiền cũng chẳng thể nào bán mua”.
Một bạn đang trang trí lại phong màn phía trong, vội vàng chạy ra, bắt siết chặt tay Thầy Kỳ, hớn hở: Cậu khỏe không? À! mà cậu tên gì nhỉ, tớ không nhớ ra, năm đệ thất cậu ngồi bàn thứ hai, mình ngồi bàn đầu kia cùng với Trâm, Tiến, Thi,... Còn bàn thứ hai có Kiên, Thơ,  Tý.? Anh ta nói một hồi không ngớt, khuôn mặt phấn khởi, lâu ngày mới gặp lại bạn, một thời áo trắng thơ mộng. Cả lớp quay về phía T, có bạn  nước mắt đã tuôn trào. Thầy Kỳ lúng túng không biết giới thiệu mình như thế nào với HS cũ của mình, sợ T bị sốc.  Tôi đở lời: T quên rồi , anh nầy ngồi bàn đầu. T  lục lại trong ký ức của mình ngoài Trâm,Tiến, Thi, còn cậu này sao mình không nhớ tên? Cả lớp nhìn nhau cười. T vò đầu, đỏ mặt. Thầy K đứng  lặng xúc động. Tôi nhẹ nhàng nói: Cậu nầy ngồi bàn  bên phải của lớp, từ trên nhìn xuống. Lúc nầy T cũng chưa hình dung ra câu đùa của tôi. Trâm đứng cạnh, nghiêng mình nói nhỏ vào tai T, sắc mặt của T đỏ bừng lên, ôm chầm lấy Thầy K: “Xin lỗi Thầy, bốn mươi năm rồi, học xong lớp đệ thất, em nghỉ học, tham gia du kích, sau 75 em làm kế toán HTX.NN. Hôm nay nay họp mặt lớp lần đầu tiên, ngay các bạn em cũng không nhớ hết. Thầy thứ lỗi cho em”.
Hai Thầy trò nghẹn ngào, cả lớp im lặng, tôi thấy mắt người nào cũng đỏ hoe: “Trong tiếng cười nước mắt cứ tuôn mau”.
Thầy K vỗ nhẹ vào vai T: “Không sao cả, tôi và em bây giờ tóc đã hai màu xanh trắng, xa nhau lâu rồi, không nhận ra nhau là bình thường, như vậy em đang thấy tôi còn “ Trẻ”. Cảm ơn em”.
Trưởng ban liên lạc  mời tất cả vào “Hội trường”, căn nhà truyền thống miền trung rộng mát. Chúng tôi ngồi thành hình ellip, không khí thật đầm ấm như cuộc họp mặt của một gia đình. MC Trâm, sau một bài phát biểu cảm động, nêu ý tưởng của cuộc hội ngộ sau bốn mươi năm, lần lượt giới thiệu bốn Thầy giáo có mặt: Tôi, Thầy Kỳ, Thầy Quang ,Thầy Hòa, rồi đề nghị mỗi thành viên tự giới thiệu về họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình của mình cho bạn, cho thầy...
Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, Có bạn mới học xong lớp đệ thất đã rời khỏi mái trường, có bạn sau 72 bị thất học, rồi đến 75 mới tiếp tục đi học lại, có bạn sau 75 lại tham gia vào cán bộ HTX, một số ít được có cơ hội học lên nay trở thành CVC nhà nước, giáo viên, doanh nghiệp.  Đặc biệt hôm nay có đến mười bạn đi “ Cả Cặp”, vợ chồng  HS cũ bây giờ có người đã trở thành Ông-Bà rồi.
Họ đến với nhau, dù tóc đã muối tiêu, nhưng tâm hồn còn trẻ, ôn lại những kỷ niệm một thời áo trắng Trung Học Đệ Nhất Cấp Triệu Phong: Ngày mới vào lớp đệ thất, những trang lưu bút màu tím khi mỗi mùa hoa phượng, những con điểm Zerro tròn xoe khi nhác học bài, những điểm mười to tướng khi làm toán chạy, những buổi dã ngoại, những lần nhận phần thưởng cuối năm học, cuộc chia tay không hẹn trước  mùa hè 72, rồi 75 … … Những bài hát: “Nỗi buồn hoa phượng, Em tan trường về. Lưu bút ngày xanh…” lại được cất lên bởi Tý, Trâm, Hương... làm cho không khí hoài niệm một thời áo trắng càng ấm áp hơn. Những kỷ niệm đẹp đẽ có, đau buồn có, giờ tuy  đã trên ngũ tuần, nhưng vẫn còn in đậm trong trái tim của mỗi người. Tôi vẫn nghe trong tiếng nói của các em còn râm ran như hồi còn trẻ.
Chia tay cuộc hội ngộ, đến dự với lớp, tôi như là một “Thầy giáo danh dự”, tuy không trực tiếp dạy các em thời đó, nhưng sao tôi thấy giàu có hạnh phúc vô cùng
           “ Ai khôn ai dại trăm chiều
              Ta giàu có bởi bao nhiêu tâm hồn”

 K 67-72 THTP tham quan Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã
 Từ trái qua phải: Thầy Quang ; Thầy Hòa ; Thầy Kỳ ; Thầy Mãi
 Từ trái qua phải: Võ Có ; Thầy Hòa ; Thầy Quang ; Thầy Mãi
Cuộc họp mặt tại Huế
Từ trái qua phải: X; Thầy Quang ; X ; Cô Loan ; Hoàng Thông ; Thầy Mãi
Hoàng Mãi
CGC THTP


TRUNG HỌC TRIỆU PHONG 60-75
        KÝ ỨC và HOÀI CẢM
Ngô Hướng
Cựu học sinh trung học Triệu Phong.
Niên khóa 1964-1968.
ĐT: 0908 991 653.
Năm 1964 tôi thi vào đệ thất (lớp 6) trường trung học Triệu Phong. Trường mới thành lập nên số học sinh trúng tuyển vào đệ thất chỉ có 100 học sinh. Tôi trúng tuyển số 13, một thứ hạng khá cao, trong lúc tôi không phải là học sinh giỏi. Chẳng qua là sự may mắn.
Nhớ kỳ thi ấy có đề văn là, bình luận câu tục ngữ: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người”. Thầy giám thị coi phòng thi tôi là thầy Trần Sĩ Tiêu, dạy văn trường trung học Triệu Phong, nơi mà tôi sẽ học nếu thi trúng tuyển. Sau giờ vào thi chừng 30 phút, thầy đến chỗ tôi, cầm giấy nháp đọc một hồi, bỗng dưng thầy xé bài nháp của tôi làm tư. Tôi đứng dậy thưa thầy sao thầy xé bài nháp của em. Thầy liền ráp bản nháp của tôi lại và yêu cầu tôi viết một chữ gì đó để so xem có phải là bài của tôi không. Té ra thầy nghi ngờ bản nháp không phải của tôi, mà là của ai đó ném vào chăng? Sau đó thầy trả bản nháp và tôi yên tâm chép vào bản chính. Đó là kỷ niệm đầu đời khi đi dự thi, một kỳ thi cấp tỉnh (trường Triệu Phong là trường huyện nhưng có nhiều học sinh huyện khác đến thi, hồi ấy rất ít trường công lập, mà có thì chỉ tiêu lấy vào rất ít).
Trúng tuyển lớp đệ thất hồi đó tôi hãnh diện lắm, vào trường tư mẹ tôi không có khả năng cho tôi đi học nổi. Vì cả gia đình, gồm tôi hai đứa em và mẹ sống nhờ gánh củi hằng ngày của mẹ. Sáng sớm khi chúng tôi chưa thức dậy thì mẹ đã lên trên rú kiếm củi rồi, đến trưa mẹ gánh củi về chợ Quảng Trị bán mua gạo, mua mắm muối cho cuộc sống của cả một ngày mai. Tôi không thể nào tả hết công ơn mà mẹ đã dành cho chúng tôi, với những tháng ngày vất vả, khó khăn đến như vậy. Tấm lòng người mẹ thật là cao cả, thật vĩ đại. Những người mẹ như thế thật sự là những người mẹ anh hùng, những người mẹ huyền thoại. Quê hương chúng ta có nhiều, rất nhiều người mẹ như thế, những người mẹ âm thầm gian khổ nuôi con, cho đến khi con khôn lớn, mẹ không còn sức khỏe để hưởng sự chăm sóc của con cái, thậm chí mẹ không còn sống trên cõi đời này với chúng ta nữa. Chúng tôi chẳng biết làm gì hơn để mẹ được hạnh phúc, chỉ biết sống làm người tốt như thế nào đó để không ai nói rằng mẹ đã sinh ra những đứa con xấu cho cuộc đời này mà thôi. Điều đáng nói là mẹ tôi gian khổ như thế nhưng anh em chúng tôi không có ai thất học. Công lao ấy trước hết là nhờ sự hy sinh của mẹ, bên cạnh đó là sự giúp đỡ to lớn của ông bà nội tôi. Ông bà nội cũng rất nghèo, ông làm thợ mộc, bà nội thì làm nông nghiệp, chủ yếu là làm vườn. Bà nội cắt cho mẹ tôi một khoảnh đất nhỏ trong vườn gieo thêm luống cải, trồng thêm luống rau mang ra chợ bán sắm cho tôi cuốn sách, cuốn tập để đến trường.
Hai bên nội ngoại gia đình tôi rất mừng, vì có đứa con thi trúng “đệ thất”. Làng tôi năm ấy có 4 người vào đệ thất Triệu Phong, đó là các bạn Đỗ Văn Dược, Phạm Trực, Đỗ Thị Mai Lãnh và tôi.

Lần đầu tiên được mặc bộ đồng phục quần xanh áo trắng có thêu tên trường và tên mình. Mẹ nghèo quá không có tiền may cho tôi bộ đồng phục, may sao cậu mợ tôi bên làng Bích Khê, thương cháu may cho một cái quần xanh vải xi ta và cái áo trắng vải sưa (ở quê tôi vải thưa, thì gọi là sưa). Tôi mừng lắm, xin chú tôi đôi dép râu nữa là đủ bộ. Thời tiểu học tôi đi học lắm lúc còn đi chân trần, mặc quần đùi, chưa biết giày dép là gì, một phần vì nghèo khổ, một phần vì quê mùa lạc hậu, bây giờ diện bộ đồng phục vào thấy oách lắm. Hôm tựu trường đầu tiên ai cũng giày săng đan, quần ka ki… trông ngời ngời sự sang trọng, lúc đó tôi mới biết xấu hổ cho cái sự nghèo của mình. Đó là xấu hổ của trẻ thơ, mà sau này lớn lên tôi thấy xấu hổ như vậy là vô lý.

Những ngày học đầu tiên, tôi bắt đầu học một chương trình lạ lẫm khác xa với chương trình tiểu học, nào đường thẳng, đường cong, số học, đại số, pháp văn… những môn học mới lạ đối với đứa học sinh quê mùa như tôi. Đông đảo những người bạn chung lớp, những môn đó rất giỏi, thì ra đa số họ có cha anh là giáo viên, hoặc những người đã học qua chương trình đó rồi, có chỉ bảo cho các bạn biết trước nên các bạn học dễ lắm. Năm đệ thất ấy tôi vui mừng bao nhiêu vì thi đậu, thì vất vả bấy nhiêu do chương trình học quá mới lạ đối. Tôi vẫn lên lớp nhưng đội sổ, nghĩa là theo số thứ tự tôi đứng gần chót. Vừa đủ điểm trung bình để lên lớp. Tôi xấu hổ lắm.

Lên đệ lục (lớp 7) lên lớp được rất mừng, nhưng cái áo vải thưa đã rách rồi, cái quần cũng thủng đít, mẹ tôi phải chật vật lắm dành dụm mới may cho tôi được bộ đồng phục để đi học. Do năm đệ thất bết bát quá nên tôi phải đi học thêm 2 tháng hè chương trình đệ lục, để xem nó ra làm sao, với một ông chú trong làng, đã học đến chương trình lớp 11 trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Nhờ 2 tháng hè đó tôi đã biết đôi chút chương trình toán, lý, hóa đệ lục. Lên đệ lục tôi học thoải mái hơn và đứng vào tốp 5 của lớp. Như vậy từ anh chàng đội sổ, nhảy vào tốp 5 là một sự “thần kỳ” đối với tôi. Từ đó tôi bắt đầu có uy tín trong lớp nhất là 3 môn toán , lý , hóa và vẽ. So với các bạn tôi rất có năng khiếu về vẽ. Ai có khó khăn môn vẽ là tôi giúp ngay.

Năm học này, cô Gái dạy toán và lý làm chủ nhiệm lớp tôi, cô Phạm Thị Như Hoàn dạy văn, thầy Phan Thanh Thiên, hiệu trưởng dạy pháp văn nhưng hễ thầy cô nào bận là thầy dạy thay hết từ toán, văn cho đến việt văn. Năm ấy có thầy Nguyễn Minh Châu từ trong miền nam mới tốt nghiệp ra dạy văn, thầy Châu nói giọng Nam nên chúng tôi nghe rất lạ, tôi hỏi bạn bên cạnh thầy nói cái gì đó, có lẽ thầy Phan Thanh thiên nghi tôi nhại miệng thầy Châu, thế là tôi bị một nỗi oan là quỳ gối mất nữa tiếng đồng hồ, nhưng thầy Thiên không nói bị tội gì nên tôi chẳng giải bày được. Đó là lần đầu tiên tôi bị phạt.

Năm đệ lục tôi học khá và bắt đầu có cảm giác tình cảm trai gái. Tôi bắt đầu nhìn những cô bạn gái, nhất là các bạn trong lớp mình với những cái nhìn ngẩn ngơ, say đắm. Về nhà tôi bắt đầu nhớ nhung đến bạn này, bạn kia, kể cả nhớ nhung những cô gái trong làng cùng trang lứa. Tình cảm bạn bè nam giới chúng tôi cũng thắm thiết hơn. Chúng tôi bắt đầu đọc tiểu thuyết tình cảm, đọc Tự lực Văn đoàn, như Hồn bướm mơ tiên, Trống mái, Nửa chừng xuân… Những ngày thương thầm nhớ trộm ấy đối với tôi là những ngày rất đẹp, nó sống mãi với tôi cho đến tận bây giờ. Giờ đây tôi thỉnh thoảng hồi tưởng lại về hình ảnh những người bạn gái bé nhỏ ngày xưa ấy, đó là những tình cảm đầu đời rất hồn nhiên. Tôi đã bắt đầu biết xót xa, khổ đau vì thân phận nghèo khó của mình, khổ đau vì cái hình thức bên ngoài xác xơ, quê mùa khi đứng trước những người bạn gái nhu mì, sạch sẽ, thơm tho như tiên nữ giáng trần ấy. Bây giờ nghĩ lại thật buồn cười, nhưng vẫn thấy đấy là những nét đẹp trẻ thơ, đầy hạnh phúc, bâng khuâng thương nhớ.
Giờ ngồi nghĩ lại biết đâu các bạn ấy cũng thương thầm nhớ trộm mình như vậy, chẳng qua mình quá tự ty đó thôi. Và hẹn với lòng rằng có dịp gặp lại mình sẽ hỏi xem có ai trong đám xuân xanh ấy, thương thầm, nhớ trộm mình không nhỉ ? Nhưng nếu có thì chắc các o giờ đã lên hàng cụ hết rồi, đâu còn cái vẻ nhu mì ngày xưa nữa. Ở bên cạnh trường tôi là cơ quan hành chánh và quân sự của quận Triệu Phong thời trước 1975. Trên nữa là chợ Sãi, cái chợ lâu đời từ thời chúa Nguyễn Hoàng mới vài chợ ấy nho nhỏ thôi, song có nhiều người giàu nổi tiếng, chủ yếu là người gốc Hoa đến Việt Nam nhiều đời rồi, nên chúng tôi không xem họ là Hoa kiều mà là người Việt cả. Các gia đình ở đó đều sống theo nếp thị thành, các cô gái chợ Sãi cô nào trông cũng rất đẹp, cũng có thể hút hồn những chàng trai quê mùa chúng tôi một cách dễ dàng. Chợ Sãi nằm trên đất làng Hậu Kiên, tức hậu phương của chúa Nguyễn. Ở đó có nhiều đình, chùa rất đẹp. Sau cuộc chiến 1972 thì toàn bộ Quảng Trị đã bị bom đạn nghiền nát, trong đó có chợ Sãi, ngày xưa nổi tiếng với món nem lụi và cháo lòng thả, không biết bây giờ có còn ai làm được món ăn nổi tiếng ấy nữa không ?
Hồi đó tôi đi học thường đi bộ, nhà cách trường khoảng 3 cây số, không xa lắm, nhưng mùa mưa đi rất cực, vì lạnh, những cơn giông đầy sấm, sét chớp giật làm chúng tôi khiếp sợ, nhất là đi qua những cung đường có cây to, bóng cả. Trong những năm tháng khổ nhọc đó tôi cũng ý thức được rằng gia đình mình khó khăn, nên tôi rất cố gắng lao động làm những việc có thể giúp đỡ gia đình. Những công việc mà tôi có thể làm được như chăn trâu, đi cày làm hộ cho ông Nội, hoặc làm trên đất theo tiêu chuẩn của gia đình. Tôi nhớ thời ấy mặc dù không có đất đai sở hữu, song những công dân trong mỗi làng đều được cấp cho một diện tích nhất định để canh tác, sinh sống, sau 2 năm đất ấy sẽ được “xáo” đi cấp lại, theo kiểu bốc thăm, ai bốc được đất ở đâu thì làm ở đấy. Gia đình ông Nội và mẹ tôi cũng có những miếng đất như vậy. Tuy nhiên vì làng tôi quá nhỏ, nên diện tích đất được cấp canh tác không đủ để sống.

Hồi ấy các họ Tộc, các Phái, nhánh của mỗi họ, và cả làng nữa cũng có một sào đất riêng dùng để phục vụ cho việc hương khói cúng làng, giỗ họ. Những đất đai này được đem ra đấu thầu, ai bỏ thầu cao hơn sẽ được canh tác trên đất đó và có trách nhiệm làm cổ để cúng, tế nhân ngày giỗ đã định. Những ngày tế làng chúng tôi rất vui vì được tụ tập cùng nhau ở đình làng xem tế lễ, trai gái gặp nhau liếc mắt đưa tình. Sáng hôm sau lễ tế chúng tôi được ăn một bữa cổ, chỉ là xôi và thịt heo luộc chấm nước mắm. Tôi rất sung sướng với bữa cổ đó, “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” mà, thực ra chúng tôi dân quê chẳng có sàng xó bếp đâu, nên miếng giữa làng ấy đối với chúng tôi to lắm.
Thời học cấp 2, là thời tuổi mới lớn, tuổi dậy thì, nên mặc dù cuộc sống gian khổ, nhiều hiểm nguy như thế nhưng chúng tôi sống thật hồn nhiên và mơ mộng nhất là những ngày Xuân, Hè nắng ấm. Tuy nhiên điều xấu hổ, tự ty là không thể tránh khỏi. Tôi nhớ năm đầu tiên vào trung học Triệu Phong mẹ tôi chưa sắm nổi cho tôi cái áo mưa, nên trời mưa tôi phải mang cái áo tơi, cái áo được chằn bằng lá tơi, mặc rất ấm nhưng chỉ có người nghèo, nông dân đi cày, đi cấy mới mặc áo ấy, cái anh chàng học sinh trung học mà mặc cái áo ấy thì tội nghiệp lắm. Bữa ăn có thể là khoai, là sắn nhưng là nó diễn ra ở nhà mình, không ai thấy. Còn cái mặc là cái trưng ra cho mọi người thấy, cái làm đẹp mà, nên nếu nó quê mùa quá tránh sao được cái xấu hổ,  nhất là đối với trẻ mới lớn như chúng tôi thời đó.
Nhớ nhất là mùa hè năm đệ tứ, mùa hè cuối cùng với trung học Triệu Phong, mùa hè của thương thầm nhớ trộm đã lên đến cực điểm. Cầm cuốn Lưu bút ngày xanh bạn gái đưa cho, cố gắng nghĩ một điều gì đó thật đẹp, thật tình để ghi vào trang lưu bút nhưng rồi chẳng nghĩ ra được điều gì. Mùa Hè năm cuối thầy Phan Thanh Thiên cho lớp chúng tôi một ít tiền, tôi không nhớ bao nhiêu, để chúng tôi đi chơi hè. Đó là một tấm lòng to lớn của một người thầy ở một cái trường nhỏ, nghèo, mà chúng tôi không bao giờ quên. Hồi ấy những đứa học trò ở quê như tôi nhìn và nghĩ về các thầy cô của mình rất thần tượng và chỉ mong rằng một ngày nào đó mình sẽ tốt nghiệp nghề sư phạm ra trường, được đi dạy như các thầy cô là mãn nguyện.
Rồi cái gì cũng sẽ theo thời gian mà biến đổi, chúng tôi cũng thế, mùa hè năm 1968 đã đến và chúng tôi những người bạn tứ một đã sống với nhau những ngày đầy ấp những kỷ niệm: Đi về nhà Hành ở Nại Cửu, nấu chè, chụp hình lưu niệm: về nhà Lành, nhà Dũng nhà Điền ở Đâu Kênh hái ổi, hái dái mít… Thời ấy cái gì cũng vui, cũng bâng khuâng, cũng ngọt ngào, cũng làm dao động trái tim mình… nên chúng tôi dung dăng dung dẻ với nhau suốt mùa hè mà không biết chán.
Bây giờ ngồi điểm lại từng khuôn mặt, ai còn ai mất tôi không nhớ hết. Nào ở Nại Cửu có Hoàng Tời, Hoàng Đơn, Võ Sinh, Võ Đức Bá, Lê Văn Ích… Đâu Kênh có Đoàn Tiến Dũng, Đoàn Như Điền, Lê Tô, Lê Ty, Lê Văn Huế, Lê Bông, Đoạn Phẫm, Đoạn Hoàng, Đoạn Hoàn, Võ Thạc, bên An Mô có Đỗ Văn Dược, Phạm Trực, Ngô Hướng, Đại Lộc có Nguyễn Cường, Bích Khê có Lương Trừng, dưới Long Quang, Linh Yên có Lê Công Thắng, Dương Thắng, Lương Cường, ở Phương Ngạn có Nguyễn Tống, bạn gái có bốn là Lê Thị Diệu Hòa xóm Hà, Võ Thị Hạnh Nại Cữu, Đỗ Thị Dàn ở Bích Khê, Võ Thị Lành ở Đâu Kênh, có Cao Chiếm ở Trà Liên, ở Xuân Yên có Nguyễn Quý (1) , ở An Tiêm có Nguyễn Vy, Nguyễn Quý (2), ở chợ Thuận có Hồ Sĩ Thuận…
Các thầy mà tôi đã học có thầy Phan Thanh Thiên, thầy Trần Sĩ Tiêu, thầy Nguyễn Thiện Lữ, có cô Phạm Thị Như Hoàn, cô Bùi Thị Gái, cô Phạm Thị Ngọc Tỉnh, cô Phạm Thị Diệu Thanh, cô Nguyễn Thị Hường, thầy Phú thầy Nhạc, thầy Tôn Thất Quỳnh Nam dạy Pháp văn và thầy Nguyễn Minh Châu dạy văn… Tôi nhớ nhất là Bác Cai, người làm tạp vụ duy nhất của trường suốt bốn năm tôi học ở đó. Nhà bác là nơi nghỉ chân của chúng tôi lúc nào cần, là nơi tạm trú của học sinh đi trễ chờ vào lớp, là nơi tâm sự của bọn tôi vào những giờ thầy cô không đến được lớp, chúng tôi phải chờ ca sau. Thầy Hồ Bính làm Giám thị suốt từ thời đệ thất đến đệ tứ của tôi, thầy Bính làm giám thị nhưng rất lành, tôi chưa bao giờ thấy thầy phạt học sinh.
Bây giờ chúng tôi đã vào tuổi 60 cả rồi, ngồi nhớ lại những ngày xưa cũ ấy, với những nỗi niềm bâng khuâng nuối tiếc, nên ghi lại nơi đây chút hoài niệm mong gởi tới bạn bè, thầy cô những lời thăm hỏi, chúc nhau những tháng ngày còn lại nhiều điều vui, nhiều hạnh phúc, xin gởi đến thầy cô lời tri ân sâu thẳm trong lòng đứa học trò nghèo ngày xưa, tháng cũ ấy. Mong rằng đất nước sẽ ngày một khấm khá hơn để những người mẹ, người thầy sẽ không phải chịu nhiều đau khổ như những người mẹ người thầy của chúng tôi đã phải trải qua trong những ngày vui buồn ở trường trung học Triệu Phong ngày xưa ấy.

TP. Hồ Chí Minh tháng 7.2011
NH.