Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Trần Kiêm Đoàn và các bài: Hồi cư- Tản cư, Nổi niềm mất tên

3. Hồi cư 2. Tản cư  - 1.Nổi niềm mất tên -
HỒI CƯ

Trần  Kiêm Đoàn 

Thuở nhỏ, ít khi tôi và lũ bạn cùng lứa ở làng chịu bỏ sót bất cứ một gánh hát nào về diễn ở làng, ở xã. Chúng tôi phải coi cho bằng được từ đầu chí cuối, nghĩa là từ khi các đoàn hát dựng cột làm sân khấu đến ngày dỡ cột ra đi, dù phải “hy sinh” bị quỳ và đánh đòn vì không thuộc bài và ngủ gục trong lớp.

Có một lần gánh hát Phụng Vũ về diễn ở xã Hương Cần, lũ học trò nhỏ chúng tôi sướng như mở cờ trong bụng vì gánh hát và sân khấu đóng đại bản doanh trên vùng ruộng vừa mới gặt, sát nách trường nên chúng tôi biết hết các ngỏ ngách đi xem hát “vé mời”. Để đêm đêm được lọt vào rạp đứa đứng, đứa qùy, đứa ngồi chò hõ quanh mấy dãy ghế thượng hạng chúng tôi phải được ông bầu và các nghệ sĩ ruột trong gánh hát tin dùng. Lũ nhỏ hãnh diện ra mặt khi được sai đi xách nước, ra chợ mua quà vặt và Ngao lẻ về cho nghệ sĩ.


Thời tuổi dại, tôi thấy chú giúp việc trong nhà ông Hương quản cũng là “người nhà” của ông ấy, nên sung sướng vì mới một sớm một chiều bỗng dưng mình được hóa ra “con nhà” nghệ sĩ. Trong lũ nhỏ chúng tôi, chỉ có thằng Vê “đơ” lớn nhất là thích các vở hát tình cảm như Đợi Anh Mùa Lá Rụng, Duyên Kiếp Lỡ Làng... còn tất cả chúng tôi đều thích các tuồng có vua chúa, đấu võ, phi thân ào ào trên sân khấu như Máu Nhuộm Thành Tây Đô, Đường Sơn Đại Huynh và hay nhất là vở Tâm Sự Kẻ Sang Tần có đủ vai người đẹp như Tây Thi, người hùng như Phạm Lãi, kiếm khách như Kinh Kha... Gánh hát diễn chưa tới một tuần thì đã xẩy ra chuyện “con Tây Thi” ra Chợ Cần ăn hàng thiếu tiền chưởi lộn với bà bán bún cháo; “thằng Phạm Lãi” tán vợ ông thư ký xã bị bắt trói nằm queo; “thằng Kinh Kha” ghen ông bầu Nhị cặp bồ với “con Tây Thi” vác dao rượt nhau khắp chợ. Khán giả dân làng cũng như bọn nhỏ chúng tôi bị sụp đổ thần tượng vì ảnh hưởng ngoài đời, xem diễn tuồng không còn thấy hay nữa. Người xem thưa hẳn, gánh hát phải vội vàng cuốn gói ra đi. Mãi cho đến khi ra đời làm nghề dạy học, tôi vẫn còn bị ám ảnh hoài với cảnh “con Tây Thi” đẹp diễm ảo trong ánh đèn màu sân khấu đã “chết” một cách xót xa  trong lòng tuổi dại của tôi vì đã để lộ khuôn mặt thật chanh chua, đanh đá ngoài đời. Nỗi ám ảnh dường như vẫn còn chập chờn đâu đó trong lớp học, giữa sân trường, trong quán ăn... khi tôi có mặt trong đoàn người hồi cư trở về Quảng Trị vào năm 1973.

 Quảng Trị hồi cư. Tôi đứng trước ngả ba đường. Cùng với Quảng Trị tôi có thể ở lại Đà Nẵng, vào Nam hay một nơi nào đó thích hợp khỏi về lại Quảng Trị. Ở vào lứa tuổi 25, 26 cọng thêm một chút máu giang hồ vặt hình như là còn quá trẻ để chọn một sự yên thân. Tôi là thầy giáo trường Nguyễn Hoàng đầu tiên về lại Quảng Trị  sau mùa Hè đỏ lửa 1972. Vì trường Nguyễn Hoàng dự trù xây dựng trên khu Thị Tứ chưa xong nên cơ sở chính của nhà trường vẫn còn đặt tại hai trung tâm tạm cư chính là Non Nước và Hòa Khánh tại Đà Nẵng. Tôi dạy tạm thời tại trường Trung học Hải Lăng và Hiền Lương Nghĩa Thục. Trường Hiền Lương Nghĩa Thục là trường tư thục miễn phí đầu tiên của Quảng Trị trong buổi đầu hồi cư. Sau giờ học trường đã trở thành trung tâm sinh hoạt ngoại khóa của học sinh và quán trọ cho những thầy giáo hồi cư xa nhà. Giang sơn của một thầy giáo hồi cư chỉ vỏn vẹn trong một cái túi càn khôn Air Việt Nam gồm mấy bộ áo quần vía lên lớp, vài bộ áo quần ngủ, một ít sách vở và vật dụng linh tinh. Gối thì đã có cánh tay của chính mình và mền thì đắp “ké”. Nhưng quan trọng nhất trong mớ hành trang nhỏ bé đó có lẽ là một tâm hồn thoáng đạt, một tinh thần chịu khó chia xẻ, một đôi tai thính quen nghe đạn bom cùng tiếng ngáy như sấm của mấy ông bạn già nằm cạnh trong đêm và một đôi chân trần rắn rỏi sẵn sàng để... chạy! Thế nhưng thầy giáo hồi cư cũng phải cần một chút xa xỉ phẩm của thế giới văn minh, đó là cái cà vạt theo lời đề nghị của ông quận trưởng: “Các thầy nên có một dấu hiệu riêng để anh em biết mà khỏi... quậy, như thắt cà-ra-vát chẳng hạn!”. “Anh em” ở đây là lính thủy quân lục chiến đang trú đóng và bảo vệ vùng giới tuyến.


 Quảng Trị ngày hồi cư là một Quảng Trị rách nát và chia cắt. Sông Thạch Hãn trở thành giòng sông biên giới thay cho sông Gianh mấy trăm năm xưa và sông Bến Hải một năm về trước. Người dân Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà và một phần Triệu Phong vẫn là những người dân di cư ngay trên trên quê hương của mình. Những người dân mất cửa mất nhà, xa ruộng vườn và mồ mã tổ tiên lũ lượt kéo về tạm cư trên đồi cát Hải Lăng. Vùng đất đất hoang lô nhô tràm chổi nầy trở thành “Khu Thị Tứ”. Khu Thị Tứ Quảng Trị hồi cư là một tập thể những căn nhà tiền chế mái tôn và tường là những tấm ván thông ghép lên nhau. Nhà nhà lớn cở bằng cái sạp bán hàng xén đầu làng. Nhà làm theo quy hoạch có ghi trên bản đồ giấy mực hẳn hoi nên trông có vẻ thẳng hàng, thứ lớp như các dãy ghế đánh bài chòi trước sân đình trong ba ngày Tết. Khu Thị Tứ khác hơn các trại tạm cư Hoà Khánh, Non Nước ở Đà Nẵng là có thêm ngọn gió Lào vi vút cát thổi, đá bay. Ăn, ngủ, nhâm nhi, giảng bài, ngâm thơ và, kể cả... hôn nhau trong mùa gió Lào Quảng Trị mà thiếu một tí gió cát là kể như chưa đạt. Trên đồi cát, mùa gió lửa, giếng vừa sâu, vừa hiếm nước, cho nên nhiều thầy cô phải “tắm hơi”, nghĩa là chỉ rửa sơ mặt mày tay chân cho đủ sáng sủa với đời là được. Bởi vậy, mỗi lần có thầy cô nào mới ra lò, đến dạy Quảng Trị, chúng tôi thường đùa: “Chàng từ đi vào nơi gió cát. Đêm trăng nầy chàng kiếm ‘nác’ phương nao?”.


Phần đông học sinh ở khu Thị Tứ. Sau giờ học các em thích lân la ở lại trường chơi loanh quanh ở khu sân trường hơn là trở về nhà nằm trong khu Thị Tứ trong căn nhà nhỏ bé nóng hầm hập với vách hộp, mái tôn. Không một bóng cây, không một giòng nước, không một con đường quê quanh co làm đẹp những gót chân chim của tuổi học trò.


Trong cảnh cô quạnh ban đầu của những buổi chiều hồi cư, các em học sinh về muộn là những cành lá xanh tươi giữa màu cỏ úa. Có em về nhà rang đậu phụng hay mang củi đến nhóm lửa nướng khoai sắn nơi góc sân trường để thầy “ăn cho đỡ buồn”. Có một nỗi khổ tâm lớn nhất mà những người thầy hồi cư xa nhà, chọn văn phòng trường làm nơi tá túc qua đêm như tôi là phải “tiếp” các em cho đến khi mãn cuộc. Một thầy giáo trẻ, mới áo quần thẳng nếp lên lớp không lẽ lại ở trần, mặc quần xà lỏn trước mặt những em học trò thướt tha sau giờ học. Đã bao lần tôi chịu trận với nguyên bộ áo quần vía trên người, nghe gió Lào bay về phần phật và cảm thấy những giọt mồ hôi bò nhồn nhột sau lưng. Lâu dần thành quen, có những chiều mùa Đông thật lạnh, sau giờ học không có bóng học trò lai vãng, lại nhớ và thấy những chiều hồi cư sao mà cô quạnh và buồn hiu hắt đến rợn người. Đến những ngày đẹp trời, có bóng học trò quanh quẩn, thầy lại sợ để lộ “hậu trường” như cặp chân voi hay giò ông Táo. Người nhát gan nhất lại là tôi, có lẽ vì bị ám ánh nặng nề bởi “con Tây Thi” trong đoàn hát Phụng Vũ năm xưa, ăn hàng và cãi lộn chanh chua ngoài chợ. Tôi sợ phải lên bục giảng bài nhìn xuống lớp, bắt gặp những nụ cười bí mật một cách tinh nghịch của học sinh vì có tin phóng sự hậu trường cho biết đêm rồi “thầy nhậu xỉn hay cầm đồng hồ đánh bạc...”.


 Trước khi về dạy học ở trường Nguyễn Hoàng, thời sinh viên sư phạm, tôi đã dạy học nhiều trường ở Huế như Phan Sào Nam, Bán Công, Bồ Đề, Hưng Đạo. Tôi cảm thấy học sinh Huế dễ gần gũi và dễ có cảm tình vì cái  “dáng” và giọng nói. Mặc dầu cũng là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, nhưng học trò Huế nghịch ngầm nên lúc nào cũng có cái dáng hiền và giọng nói dịu ngọt đủ sức thuyết phục thầy sửa số “3” thành số “8”. Khi ra dạy học ở Quảng Trị, tôi cảm thấy học trò nơi đây có vẻ cứng cỏi, phong sương hơn và nhiều em già trước tuổi. Thêm vào đó, cái giọng Quảng Trị “chắc nụi” của các em làm tôi dè dặt. Nhưng cảm tình đầu tiên của tôi đối với tuổi trẻ Quảng Trị là đôi mắt. Ánh mắt, lối nhìn, vẻ chau mày hờn giận, nét đăm chiêu trầm lặng suy tư hay cái nháy mắt thoáng qua nói nhiều hơn miệng. Rất có thể vì cuộc sống khắc nghiệt của vùng hỏa tuyến vốn là địa linh nhân kiệt một thời vang bóng mà tuổi trẻ Quảng Trị kế thừa và chịu đựng đã tạo nên đôi mắt đó. Những đôi mắt như ẩn chứa cả một huyền sử không lời. Từ trên bục giảng tôi có thể biết được tác dụng bài giảng của mình khi nhìn trong đôi mắt học trò. Những đôi mắt như tấm gương phản chiếu cả những ý nghĩ thầm kín của các em. Tôi không còn nhớ một học sinh nào đó đã nói đùa, “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Nếu ai chột mắt nửa hồn thương đau!”. 

 Mỗi gia đình được cấp phát 20 tấm tôn và 3 khung gỗ tiền gồm vì kèo, đòn tay  chế để xây dừng lại nhà trên bãi cát Hải Lăng...
Cơ hội tôi được gần gũi với tuổi trẻ Quảng Trị nhiều hơn là qua thực tế những tháng ngày làm công tác xã hội trong sinh họat Hồng Thập Tự


Đoàn Thanh niên Hồng Thập Tự Quảng Trị do tôi tổ chức, thành lập vào mùa Hè năm 1973 với sự khuyến khích và hỗ trợ nhiệt tình của anh Lê Hữu Thăng, giáo sư Nguyễn Hoàng, đại diện Hồng Thập Tự vùng I và anh Tôn Thất Nam, trưởng ty Thủy Lâm, đại diện Hồng Thập Tự Quảng Trị. Số đoàn sinh có lúc đông tới 200 em, phần đông là học sinh Nguyễn Hoàng, Hải Lăng, Triệu Phong. Trước “mùa hè đỏ lửa 72” tôi chỉ biết tuổi trẻ Quảng Trị như là những học trò chăm chỉ, lễ phép và dè dặt với thầy cô giáo có khi đến mức khô khan. Sau biến cố “đại lộ kinh hoàng” và tiếp theo những ngày tản cư, tỵ nạn, hồi cư, có dịp sinh hoạt với các em trong nhiều hoàn cảnh và va chạm trong nhiều mảnh vụn của cuộc đời, cái nhìn của tôi về tuổi trẻ Quảng Trị đổi khác.


 Xe HTT chở máy cơ giới  về cấp phát cho dân và còn xây một số trạm xá, trường học tại quê nhà ....
 Suốt ngày Chủ Nhật hàng tuần đoàn thanh niên Hồng ThậpTự chúng tôi đi làm công tác khắp các vùng quê Quảng Trị nằm phía Nam sông Thạch Hãn với sự yểm trợ phương tiện không riêng của cơ quan Hồng Thập Tự quốc tế mà còn từ phía các tổ chức từ thiện khác nhờ tiếp tay. Càng đi nhiều, tôi càng thấy mình gần gũi với làng xóm Quảng Trị, một Quảng Trị điêu tàn sau cuộc chiến bão lửa năm 1972. Không có một vùng quê nào còn nguyên vẹn, tránh được dấu đạn bom trong ngày hồi cư. Ước mơ của người dân thường Quảng Trị cũng như bao người dân Việt hiền hòa khác, là được về lại quê xưa, sống nép đời trong thôn xóm với mái nhà khiêm tốn, có khu vườn nhỏ, có ao rau và cánh đồng làng nhỏ bé, chia thành những thửa ruộng nhỏ nhắn thấp cao nhiều đợt. Nơi đâu trên đồng lúa cũng có những mảnh cồn làng làm nơi an nghỉ thiêng liêng của mồ mã tổ tiên.       

 Bom bi! Một nỗi kinh hoàng mới trong buổi đầu Quảng Trị hồi cư. Bom bi rơi rớt trên nương, ngoài đồng, dưới ao, bên cống rảnh... Không biết bao nhiêu vạn bom bi đã cắm vào da thịt Quảng Trị như những cái “dằm” vô tình xóc vào bàn tay chơn chất của cô gái quê nghèo. Đã bao nhiêu lần tôi thắt ruột nhìn những đứa em, những đoàn sinh, những đứa học trò với chữ thập đỏ viền xanh nổi trên vai áo trắng, trên mủ lưỡi trai, tỏa vào đồng ruộng giúp nông dân bơm thuốc rầy, hay đốn cây bới đất giúp bà con dựng căn nhà lá mới. Từ trong vô thức, tôi nghe như râm ran có những mảnh bom bi đang rình rập và có thể nổ bùm không ai biết trước. Tôi có thể dặn các em tránh sông tránh núi nhưng không thể dặn các em tránh bom bi như các em thường nói, “sợ bom bi thì chỉ có về nhà đắp mền nằm ngủ!”. Tuần thứ hai công tác ở làng Ngô Xá, xe chưa vào điểm hẹn đã phải dừng lại vì bom bi đã nổ ở thửa ruộng kế bên. Một người thanh niên trẻ đang dãy dụa trên bùn với con trâu bị thương còn chạy quanh như điên cuồng và cái cày đè trên mình người bị nạn. Chúng tôi lập tức biến chiếc xe Hồng Thập Tự công tác thành xe tải thương, khẩn cấp chở nạn nhân về bệnh xá quận. Trong đời, tôi đã thấy những đôi mắt thật buồn, nhưng chưa bao giờ thấy một lúc những ánh mắt tuổi trẻ vừa thương cảm xót xa, vừa đau buồn thăm thẳm đến thế. Các em tải thương. Những vết máu tươi loang vào chữ thập đỏ trên áo của những người tuổi trẻ Quảng Trị “lá rách đùm lá nát” đã làm tôi xúc động đến lạnh người. Những em học trò ít nói trong lớp đang vươn vai thành những người yêu nhân ái với tâm hồn lồng lộng. Trâm nhút nhát trong lớp giờ linh hoạt như một nữ trợ tá chiến trường. Định ấp úng trong lớp giờ xuôi ngược như giao liên mặt trận. Kháng “tếu”, cây cười của lớp, giờ mặt mày nghiêm trọng, khom mình nâng cán như viên cai tổng cẩn trọng chuyển hương án đầu năm. Những đôi mắt đăm chiêu bâng khuâng mờ nước mắt khi chiếc xe tải thương khuất dần trong bụi đỏ đường quê.


 Chiều Giáng Sinh hồi cư đầu tiên, chúng tôi chọn làng Phước Môn và Như Lệ gần thánh đường La Vang làm công tác. Tất cả đều làm rất hăng để kịp đến tập trung tại khu vực nhà thờ trước khi trời chiều. Các đoàn sinh dù có đạo hay không cũng có cùng mẫu số chung:  Đó là tình người, tình quê hương và tình đồng bào ruột thịt. Tiếng còi họp chung vang vọng dưới chân nhà thờ La Vang đổ nát sau chiến tranh trong buổi chiều Giáng Sinh lành lạnh, mây vần vũ xuống thấp, có một sức hút huyền nhiệm lạ lùng. Chưa đầy một trăm đoàn sinh, tóc tai, quần áo bơ phờ sau một ngày công tác xã hội tay chân hoạt động như con thoi đang quây quần dưới tượng đài của Chúa. Nhà thờ La Vang ngày hồi cư cũng trơ xương tả tơi chung số phận với người dân Quảng Trị. Bom đạn như gậy người mù, đâu có trái tim để tránh giáo đường hay chùa tháp. Trâm vốn là đoàn trưởng Thanh Sinh công giáo, nên chiều nay được giao cầm còi điều khiển. Cả một trăm tâm hồn khác nhau chiều nay như mềm lại, hòa với đất trời để cùng hướng về một sức mạnh nhiệm mầu. Chúng tôi chỉ có thể hát chung hai bài hát, đó là bài “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...” và bài “ Đêm Thánh Vô Cùng” (Silent Night). Đặc biệt bài Đêm Thánh Vô Cùng với cung điệu thanh thoát và u trầm mà cố hát đồng ca theo nhịp hành khúc là kể như đem thơ tao đàn vào hò giã gạo. Cái tuyệt vời và ma thuật của âm thanh không phải là đúng hay sai mà nên dùng lúc nào là hợp nhất. Nhịp “hành khúc” của Silent Night dưới chân nhà thờ La Vang đổ nát có lẽ sẽ làm cho cả thế giới tức cười nhưng lại làm cho Quảng Trị hồi cư thổn thức, vì hát lúc nầy không phải chỉ là xướng lên âm giai, âm điệu, mà hát còn là sự mặc khải tâm hồn bằng lời nguyện và âm thanh. Từ một trăm cửa miệng, lời hát “Nửa đêm mừng Chúa giáng sanh ra chốn dương trần. Người mang ơn phúc cứu cho muôn dân lầm than”, đã được đổi ra, “...Người mang ơn phúc cứu cho La Vang lầm than!”. Đông đảo giáo dân đi lễ đã cùng quây quần hát với chúng tôi trên đồi La Vang sương mù, càng về chiều càng thấm lạnh. Trong khoảnh khắc xúc dộng, tôi ngước lên nhìn nóc giáo đường trơ xương đầy dấu đạn bom và tự nhiên có cảm tưởng Chúa và những thiên thần có đôi cánh trắng đang từ những vương cung thánh đường cao sang về ngự giữa bầu trời La Vang mây phủ, về đậu trên bệ thờ đổ nát mang dấu vết thù hận chưa tan.

 Lúc chia tay, trời đã gần chạng vạng. Mấy em đoàn sinh có Đạo trao cho tôi và anh Niên đoàn phó, mỗi người một gói quà  nhỏ. Chúng tôi cùng cám ơn và chúc các em một mùa giáng sinh an lành. Quà Noel cho tôi là một cái cà vạt thời trang.

Cầm món quà giáng sinh dễ thương của mấy em trên tay, tôi cảm thấy bình an pha một chút bâng khuâng và rộn ràng vì tình nghĩa giữa vùng đất hồi cư còn nhiều khốn khó nầy vẫn còn là một chút gì mong manh nhưng có thật.


 Sau giáng sinh là đến Tết hồi cư Đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự Quảng Trị cùng với thầy trò trường Hiền Lương Nghĩa Thục cùng chuẩn bị tất niên. Vui nhất của đời hoạt động thanh niên là được nghe tiếng đồng ca vọng xuống lưng đồi. Vui nhất của đời dạy học cũng là tiếng hát vang vang của học trò chuẩn bị đón Xuân. Quan khách văn nghệ tất niên hồi cư 1973 nghe đâu có cả ông tỉnh trưởng Quảng Trị, nên chúng tôi chuẩn bị khá rầm rộ và công phu.

Đêm trình diễn văn nghệ tất niên, tôi phụ trách điều hợp chương trình. Niềm vui và tiếng hát học trò đã mang chút hương hoa cho đồi cát Hải Lăng chưa xoá hết nỗi ám ảnh kinh hoàng của bom đạn. Nhạc cảnh Đám Cưới Ngày Hoà Bình do tôi và Lê Hữu Nam đạo diễn đã làm cho khán giả khao khát hòa bình và cả diễn viên lẫn “đạo diễn” còn bồi hồi nhắc nhở đến mấy năm sau vì sự trình diễn xuất thần của vai cô dâu chú rể. Trâm thủ vai cô dâu và Định trong vai chú rể. Cả hai đều là học sinh lớp 12 và cùng là đoàn viên Đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự. Trâm trong y phục hoá trang rực rỡ của cô dâu bước đến gần tôi đang diều động ở hậu trường khi người xướng ngôn đang giới thiệu chương trình. Tôi hỏi:

 - Định biến đâu mất rồi?

 Không có tiếng trả lời... 

 Cả ban văn nghệ đang dáo dác tìm thì Định bước vào, ướt sũng như con chuột lột, tóc tai áo quần bê bết bùn đất. Định giải thích vắn tắt nhưng mọi người chợt hiểu:

 - Em bị rớt xuống hố bom B-52!

 Ngày Quảng Trị hồi cư, những hố bom sâu như cái hồ nhỏ còn loang lỗ cả xóm làng. Những đêm tháng chạp sương mù dày đặc, ít ai dám đi ra ngoài vì sợ bị sỉa hố bom.

 Bộ áo quần chú rể với quần là, khăn đóng, áo thụng thuê ở Huế đem ra giờ chỉ còn là mớ vải ướt tang thương trên mình Định.


 Trong lúc tôi đang lặng người bối rối, vì sự việc bất ngờ xảy ra vào phút chót thì tiếng hát của ai đó thoảng nghe êm êm như một chút gió giữa trưa Hè đứng bóng: “Đường hành quân băng lau lách sương đêm. Sương trắng rơi vai tôi ướt lạnh mềm... “.  Tiếng hát như một sự nhắc nhở rằng, vùng đất nầy vẫn còn đang là vùng hỏa tuyến. Một nỗi buồn nào đó chợt hiện về trong tôi. Tôi thấy khăn vành, áo hoa thêu kim tuyến lấp lánh trên mình Trâm nhòa đi. Hình ảnh chữ thập đỏ loang máu người dân cày trúng mảnh bom bi giữa đồng hoang làng Ngô Xá hiện về. Tôi kêu lên tiếng nói từ vô thức:

 - Phù phiếm. Không được!

 Những ánh mắt kinh ngạc kéo tôi về với thực tại. Tôi quyết đoán một cách không ngờ:

 - Phải thay đổi hết. Cô dâu phải là hình ảnh cô gái quê hồi cư và chú rể phải là người trai làng thương binh vừa trở lại quê xưa. “Đám cưới ngày hoà bình” trên mảnh đất còn khốn khổ nầy không thể là áo rộng khăn vành được!

 Có tiếng phản đối của thầy Mãn:

 - Quá trễ để thay đổi. Còn không đầy 30 phút nữa là cô dâu chú rể phải lên diễn rồi.

 Tiếng xôn xao lại rơi vào im lặng khi tôi nói lên thực tế:

 - Nhưng đào đâu cho ra áo quần của chú rể. Cô dâu hóa trang lộng lẫy như vậy, không lẽ chú rể lại mặc áo dài đen khăn đóng bạc màu lếch thếch mượn của bác cai trường?

 Trâm lên tiếng, đầy vẻ nghiêm trọng:

 - Thưa thầy, em nghĩ là được. Tất cả các nhạc cảnh giữ nguyên, chỉ có em và Định thay đổi chiếc áo choàng và trang điểm lại chút xíu là được thôi. Để em tìm mượn...

 Trâm chạy biến vào rừng khán giả đang đứng ngồi chen chúc trước sân khấu. Có khá đậm màu áo xanh của giới lính tráng xa nhà đến tìm vui với đêm văn nghệ học trò.

 Những thầy giáo nghiêm nhất cũng phải bật cười khi thấy Trâm kéo tay một người lính trẻ, ngơ ngác, vén màn vào hậu trường sân khấu với giọng cầu nài khẩn khoản một cách trẻ tội nghiêp:

 - Thưa chú, nhờ chú giúp đỡ tụi cháu. Xin chú chịu phiền cởi áo quần lính cho bạn em mượn tạm để đóng kịch.

 Nhìn bộ áo lính ka-ki bạc màu sương gió trên mình người lính trẻ nhỏ nhắn, tôi bỗng mơ hồ đâm ra có cảm tình với một chú rể tưởng tượng trong trang phục “Ngày trở về” ngay. Tôi cẩn thận giải thích hoàn cảnh “lâm nguy” của màn nhạc cảnh và ngỏ lời xin mượn tạm bộ quân phục cho Định sẽ thủ diễn trong vai chú rể. Anh lính vui vẻ nhận lời ngay và còn góp thêm:


 - Trước tôi là trưởng ban văn nghệ trường Luật nên cũng có chút kinh nghiệm. . Nếu quý vị cho phép, tôi sẽ giúp một tay trong phần hóa trang cho màn kịch. Từ sau cánh gà sân khấu, tôi đã bắt gặp đôi mắt người lính trẻ nhòa đi khi anh hé nhìn cô dâu trong chiếc áo bà ba, chú rể trong màu áo trận bạc màu của chính mình, cầm tay mẹ già với dư vang tiếng hát mừng tủi, nghẹn ngào: “Mẹ lần mò, ra trước ao, nắm áo người xưa, ngỡ trong giấc mơ.  Tiếc rằng ta, đôi mắt đã loà, vì quá đợi chờ...” 


 Năm học hồi cư 1973 - 1974 qua rất nhanh. Những ngày tháng thân thương, êm đềm, gần gũi của những người Quảng Trị hồi cư có chung hoàn cảnh laị bị giao động mạnh sau một khoảng thời gian ngắn thử thách. Cũng mồ hôi, nước mắt đổ ra để làm lại cuộc đời mới sau chiến tranh, nhưng niềm tin và thành quả dưòng như đang chao đảo, mỏi mòn, chua cay hơn trước. Sức người, sức của đổ ra trên những vùng đất hoang chưa khai phá ở đâu đó thuộc vùng Cam Ranh, Long Khánh, Cao Nguyên, Cửu Long... có vẻ đầy hứa hẹn hơn là ở trên quê hương đã bị bom đạn cày nát và bị ám ảnh bởi giông tố chiến tranh có thể ập đến bất cứ lúc nào. Gần đến Hè, rất nhiều học sinh và đoàn sinh của tôi thường nhắc đến chuyện sẽ chia tay, đi vào Nam hay di chuyển ra khỏi vùng “Khu Thị Tứ” để theo gia đình sinh sống làm ăn. Có những lúc từ trên bàn thầy giáo, trầm ngâm nhìn học sinh lặng lẽ làm bài hay những chiều cuối tuần họp chung sau giờ công tác tôi nhận ra cái cảm giác nao nao của của sự sắp chia xa dâng lên trong lòng mình và bóng “hoàng hôn trong mắt trong” của các em.


 Trại Hè chia tay năm 1974 là cuộc họp mặt sau cùng của đoàn sinh Thanh Niên Hồng Thập Tự Quảng Trị và học sinh hai trường Hải Lăng, Hiền Lương Nghĩa Thục của tôi. Địa điểm trại là vùng biển Hải Nhuận. Chúng tôi tập trung tại bến đò Vĩnh Tu, thuê bốn chiếc đò băng qua phá Tam Giang để sang Hải Nhuận. Ba chiếc đò trước đi vào buổi trưa để tránh bớt sóng gió thường nổi lên bất thường vào buổi chiều, gồm những học sinh không sinh hoạt thường xuyên trong đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự. Đò “chỉ huy” chúng tôi xuất phát vào buổi xế chiều vì phải chuẩn bị tải những vật dụng nặng cho cuộc cắm trại gồm các em đã có “kinh nghiệm chiến trường” với những hoạt động thanh niên. Đò ra giữa phá Tam Giang, gió chướng bắt đầu nổi lên. Trời như tối sầm lại vì gió cuốn bụi nước như sương đặc che khuất mặt trời. Sóng cuồn cuộn nổi lên như từng đàn núi nhỏ biết đi. Bác lái đò hét lên đằng lái bằng một giọng kinh hoàng chọc thủng cả tiếng máy dầu cặn đang bị át đi bởi tiếng gió và ngọn sóng đánh liên tục vào mạn thuyền:


 - Cha ơi, mạ ơi! “Mệ” về rồi. Hết “chộ” mặt vợ con rồi, ôn mệ ơi!


 Mỗi lần ngọn sóng đánh vào mạn thuyền, nước phủ cả đầu người, các em hét lên một cách khủng khiếp và ôm chầm lầy nhau cho khỏi bị bắn tung ra khỏi thuyền.  Không hiểu do một linh tính nào đó, khi vừa bước xuống đò, tôi lại nghĩ ngay đến bầu trời vần vũ mây trên đồi La Vang chiều Giáng Sinh vừa qua.  Tuy chẳng phải là người dễ dãi phó thác số phận cho niềm tin tôn giáo, nhưng trước sự đe dọa kinh hoàng của cái chết tập thể, tôi chỉ còn một vũ khí chèo chống duy nhất là chiếc phao tinh thần và tôi lâm râm cầu nguyện đức Quán Thế Âm, đức Mẹ Maria.  Dường như là đức tin đã giúp tôi thành người bình tĩnh nhất trên đò trong lúc nguy cấp. Tôi bắt các em quăng tất cả đồ đạc ra khỏi đò, chỉ giữ lại thau và nồi nấu cơm để tát nước. Gió vụt mạnh quá, không ai nói ai nghe, tôi phải hét trong tai các em đội trưởng, bắt tất cả các em phải đứng khom người, chống chân vào lòng thuyền, lưng áp chặt vào mạn thuyền và khoác vai nhau để làm thành một “bức tường người” cản bớt nước tuôn vào đò. Một số em phải dùng bất cứ vật dụng gì có thể dùng được để tát nước ra ngoài. Sóng gió mỗi lúc một hung hãn hơn. Tôi nghe tiếng kêu phía trước và lảo đảo chạy đến, vừa lúc nước bắn vào khoảng trống giữa Trâm và Định. Tôi gào lên:

 - Trâm, ép sát vào Định. Trám ngay chỗ trống nầy tức khắc!

 Trâm nhìn đăm đăm vào khoảng không một cách thản nhiên. Vẻ bình tĩnh bất thường của cô học trò lạ lùng trong giờ phút nguy cấp nầy làm tôi phát hoảng. Trâm vẫn ngồi yên, nói một cách khó khăn:

 - Thưa thầy, ngồi rứa coi kỳ quá!

 Tôi gắt lên:

 - Không cãi, đây là trường hợp khẩn cấp. Ngồi vào ngay!

 Trâm vẫn bướng bỉnh ngồi yên. Một đợt sóng gầm lên hất chiếc đò chao đảo. Tự nhiên tôi phản ứng như một cái máy: Bốp! Tôi tát vào má Trâm. Tôi chỉ muốn làm một cử chỉ “thị uy” trong lúc khẩn cấp, nhưng sức gió giật, độ giao động của chiếc đò trong cơn sóng dữ và thế đứng mất thăng bằng của tôi đã biến cái tát mạnh toé nước một cách không ngờ. Trâm nhìn tôi hoảng hốt với đôi mắt nai vừa bị thương và ngồi ép sát Ngay vào người bên cạnh. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời dạy học tôi đánh học trò. Tôi không có khoảng trống để suy nghĩ điều gì mình vừa làm. Tôi nhào tới đằng mũi thuyền, cố nhắm mắt trước những đụn sóng hãi hùng và quỳ xuống cầu nguyện. Tiếng máy đò yếu ớt, tiếng hét thưa dần để nhường cho tiếng ào ạt rít lên từng hồi của sóng gió. Tôi có cảm tưởng con đò chạy nhanh hơn một chút và cơn gió có vẻ dịu dần. Nắng chiều lại lên, con nước im dần. Chiếc thuyền và đám người tả tơi mệt nhoài cặp bến.  Trên đường di chuyển về địa điểm trại, tôi ái ngại nhìn Trâm lặng lẽ cúi đầu đi tách lại phía sau với vết hằn của cái tát vẫn còn in rõ trên gò má trắng xanh.

 Ba chiếc đò đi đầu đã chuẩn bị sẵn sàng cho bữa cơm chiều và đêm lửa trại. 

Chuyện đò gặp bão và Trâm bị đánh trở thành đề tài nóng bỏng cho đến giờ khai mạc lửa trại.  Trước khi Trâm đứng ra diều khiển đội nhảy lửa như đã được phân công.  Tôi đã kể lại vắn tắt những diễn tiến đã xảy ra trên chuyến đò chót cho các trại sinh nghe và nhường còi điều khiển lại cho đội nhảy lửa và quản trò. Sự lanh lợi và bản lỉnh của cô học trò nầy làm cho tôi thầm cảm phục. Sau khi bắt nhịp bài đồng ca “Anh Em Ta Về”, Trâm thổi còi ra dấu im lặng và nói một cách vắn tắt:

 - Tôi không bị thầy đánh. Tôi chỉ bị thầy phạt vì “không theo đúng nội quy trại” trong khi khẩn cấp. Em xin lỗi thầy vì không theo đúng lời thầy dặn. Quản trò chuẩn bị, đội nhảy lửa sẵn sàng!

 Tuổi trẻ đã quên rất nhanh chặng đường hiểm nghèo đã qua để hòa mình rộn rã trong đêm vui.

 Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Tôi ngồi lại bên đống lửa cho đến khi những em chịu thức khuya cuối cùng về lều ngủ. Chưa bao giờ tôi ngủ được trong những đêm lửa trại. Gió biển và rừng thông Hải Nhuận về khuya không ngừng rì rào với tiếng sóng. Những mảnh than ấm cuối cùng của bếp lửa trại cũng bắt đầu thiu thỉu thành tro. Tôi thèm một điếu thuốc và một cốc cà phê như Quang Dũng nhớ “Khói thuốc khơi giòng xanh lối xưa. Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ...”. Lửa sắp lụi tàn và Trâm, Hiền, Hồng, Nga hiện đến với những mớ củi nhỏ trên tay làm sự trống vắng khuya khoắt  trở thành nỗi vui ấm áp, dịu dàng. Trâm hỏi, giọng hồn nhiên như hỏi bài trong lớp:

 - Tụi em biết thầy chưa ngủ nên đem củi thêm để “hâm nóng chiến trường!”

 Tôi hơi ngạc nhiên thấy các em vẫn còn thức đến giờ đó. Tôi nói đùa nhưng đã làm cho một chút sương khói đêm vui như trầm hẳn lại:

 - Chiến trường Bình Trị Thiên đỏ lửa đã đốt cháy Quảng Trị mình rồi. Mấy em còn đem củi hâm nóng trở lại e lần này phải bỏ xứ mà đi!

 Sự im lặng bất ngờ kéo dài khá lâu khi mỗi người đều có sẵn trong tâm tư những ý nghĩ thật buồn, trong lúc các em cố nhen bếp lửa hồng trở trại. Từ phía núi Trường Sơn tiếng súng vẫn nao nao vọng về. Tự nhiên tôi nhớ đến những vẻ mặt buồn lặng lẽ của những nghệ sĩ trong đoàn hát Phụng Vũ ngày xưa, trước giờ khăn gói ra đi.

 Bếp lửa đỏ trở lại, mang theo tiếng cười hồn nhiên của đám thầy trò hồi cư nhưng quê hương bình an đích thực vẫn còn xa ngoài tầm tay với. Tiếng củi nổ lách tách bên ánh lửa khuya khoắt bập bùng như gợi nhớ những ước mơ thần tiên hoang dại: Các em lại tưởng tượng có bà tiên bay từ Biển Nam Hải bay vào và ban cho mỗi người ba điều ước. Là người sau cùng được nói lên ba diều ước, tôi trả lời thành thật:

 - Thứ nhất: một tách cà phê; thứ hai: một điếu thuốc; thứ ba: một giấc ngủ ngon lành.

 Đám học trò phá lên cười:

 - Uớc mơ của thầy dễ quá nên ai cũng làm bà tiên được hết. Để tụi em làm bà tiên hết trơn cho thầy coi.

Đám học trò dành nhau làm “bà tiên” đã chạy ào vào đêm tối. Nhìn bếp lửa lập lòe với gió biển, tôi ngồi đối diện với chính mình để tự hỏi Quảng Trị đâu có phải là quê hương của mình mà chọn hồi cư về đó, sao mình không chịu yên thân làm một thầy giáo với nếp sống bình lặng, quanh năm, ngày hai buổi đi về với tập bài soạn vàng úa chữ nghĩa thánh hiền như những ông thầy mình ở Huế. Tại sao tôi lại dễ dãi để sự xôn xao của hoàn cảnh xã hội thêm những dấu chấm hỏi, chấm than vào những bài giảng văn, bình luận đã được viết thẳng hàng, an phận trên những trang sách mang dấu ấn của thành trì tư tưởng xuôi chiều giống mái sông con đang trôi về biển mẹ?

  Một viên đá nhỏ nào đó đã ném vào bếp lửa làm tôi giật mình cùng với tiếng cười trong trẻo của Trâm. Trâm đưa que lửa cho tôi và nói như chiến thắng:

 - Thầy thắp thuốc đi. Em ăn cắp thuốc của thầy Vạn đó! Tụi nó còn đang lục túi thầy Mãn, thầy Nam. Mấy thầy nớ hút thuốc như tàu hỏa, khuya mới còn thuốc. Em thắng rồi!

 Khi hơi thuốc Bastos xanh bay lên nhè nhẹ thì có tiếng thầy Vạn như ông già râu trắng vừa tới đã khuấy động không khí chìm lắng của rừng thông về khuya.

 - Ê! ta bắt được thầy trò bây ăn cắp thuốc rồi!

 Trâm vẫn reo vui hồn nhiên:

 - Mô có thầy, em đã được phân công làm đội trưởng nhảy lửa nên phải đi quanh “chia lửa” cho đều.

 Bếp lửa lại vui thêm với những khuôn mặt thân thương không ngủ được. Dưới xa, có tiếng máy ghe đánh cá bắt đầu ra khơi. Trời sáng.



 Huế - Quảng Trị cách nhau chỉ một giờ đồng hồ mà hơn sáu năm sau tôi mới gặp lại cô học trò đội trưởng nhảy lửa. Sau 1975, tôi lái xe Lam Huế - Bao Vinh nhưng vẫn bị anh em kêu bằng “thầy” và kéo đi làm những công chuyện có liên quan đến giấy tờ, chữ nghĩa. Lần nầy đội xe Lam ký hợp đồng chở phế liệu chiến tranh nhập vào Huế từ Quảng Bình, lên ga Huế để xuất khẩu. Tôi đã được nghe người làng đi nhặt phế liệu và anh em tài xế xe Lam nói về sự khôn khéo và tài kinh doanh của “bà chủ”.  Khi nhận lời đi ký hợp đồng với anh bạn đội trưởng tài xế, tôi hình dung sẽ gặp một bà chủ kinh doanh phế liệu sồ sề lớn tuổi. Khi đến nơi, hóa ra bà chủ là Trâm. Điều khá lạ là khi gặp lại tôi Trâm đã tỏ ra không một chút ngạc nhiên. Tôi hơi thất vọng trước sự lễ độ mang tính xã giao của người học trò cũ. Hợp đồng đã được soạn sẵn, thay đổi chút ít, thỏa thuận và ký rất nhanh. Tôi cũng nói và làm những công việc cần phải làm một cách khô khan rồi ra về cùng với anh đội trưởng.

 Buổi chiều, sau buổi họp phân công tại văn phòng hợp tác xã xe Lam Huế, khi tôi băng qua đường Trần Hưng Đạo để ra về thì Trâm đã ở đợi ở bên kia đường. Trâm lại gần, tôi cố giữ giọng rất thản nhiên, hỏi trước:

 - Trâm đó hả. Em cần thay đổi điều gì trong hợp đồng không?

 Trâm  che miệng cười:

 - Thưa thầy, vở kịch đã hạ màn rồi. Em xin mời thầy đi ăn cơm chiều có được không ạ?

 Nhìn cô học trò cũ đã già dặn, nhưng nét tinh anh và hóm hỉnh xưa vẫn còn đó, tôi thấy chút chua xót trong lòng mình dịu lại. Tôi trả lời như phản ứng tự nhiên:

 - Được. Đi thì đi nhưng với điều kiện là em phải để tôi trả tiền.

 Trâm cười thành tiếng:

 - Điều kiện chi em cũng chịu nhưng ít nhất thầy cũng cho em cơ hội làm “bà tiên” vì theo sổ nợ đời, em còn thiếu thầy một ly cà phê chưa kiếm được trong đêm trại Hè Hải Nhuận.

 Trong tiệm ăn, tôi có cảm tưởng như Trâm vẫn còn y nguyên là cô học trò sáu năm về trước. Tôi hỏi:

 - Hình như em thích sống về dĩ vãng hơi nhiều. Người thích quá khứ thường hợp cho việc làm thơ, vậy mà em lại thành công trong buôn bán kể cũng lạ?

 Vẻ buồn hiện lên trong dáng ăn hờ hững và cách nói của Trâm:

 - Hiện tại có chi vui đâu thầy. Em đi buôn phế liệu, thầy đi lái xe lam. Em nghe mấy bạn cùng lớp kể lại là thầy bị đuổi ra khỏi trường rồi hết lái xe lam đến ra bán chợ trời. Em lăn vào đời tranh sống như hôm nay là do thầy dạy đó.

 Tôi đính chính ngay:

 - Tôi có dạy em đi buôn bán hồi nào đâu?

 - Dạ có, nhiều lắm. Thầy đã dạy em về tình người trong công tác Hồng Thập Tự. Thầy đã dạy cần phải hy sinh chiếc áo choàng, phải thay đổi nó khi cần trong đêm văn nghệ tất niên để màn nhạc cảnh được thành công tốt đẹp. Thầy dạy em cần phải sử dụng sự quyết đoán và cái tát tai đầy áp đảo trong lúc nguy khốn để cứu nhau. Thầy dạy em những lặng lẽ suy tư khi trời yên biển lặng... 

 Tôi hoài nghi về cách giải thích vòng vo của cô học trò cũ:

 - Nhưng đó chỉ là những phản ứng tự nhiên khi cần phải đối mặt với cuộc sống chứ có gì liên quan đến thương mãi đâu?

 Với giọng lễ độ đầy tự tin, Trâm nói tiếp:

  - Thưa thầy, dạ có.  Những bài dạy của thầy trong lớp mới chỉ là sách vở và hình như thầy cô nào dạy cũng giống nhau. Theo em, hành động của thầy trong thực tế cuộc sống mới là những bài học cuộc đời quan trọng nhất. Chính vì không quên phong cách xử thế của thầy trong buổi đầu hồi cư mà em đã không tiếc nuối thay chiếc áo sinh viên lăn vào đời buôn bán. Em đã thắng những chủ vựa phế liệu khác vì biết trân trọng tình người; hay như sáng nay, em đã cố ngăn những xúc động tự nhiên khi gặp thầy để khỏi lẫn lộn hợp đồng làm ăn thành bản văn nhân nhượng thầy trò. Thưa thầy, thầy nói đúng, em sống hơi nhiều cho dĩ vãng. Em vẫn cố tình giữ mãi những hình ảnh dễ thương của quá khứ học trò để có niềm vui mà đi lên trong những khi buồn nhất, nhưng em không dừng lại ở đó.

 Sau năm 1975, sau cơn giông bão “đổi đời”, tôi như một ngư ông buông cần loanh quanh bến cũ đã quen với giòng nước nông sâu; Trâm và thế hệ trẻ như những thủy thủ dương buồm ra khơi để khai phá những bờ bến lạ. Gặp lại Trâm, tôi bỗng lạc quan tin vào sức bật mai kia của tuổi trẻ Quảng Trị, tuổi trẻ Huế và tuổi trẻ Việt Nam.



 Tôi viết về Quảng Trị và Huế trong nỗi nhớ bâng khuâng về những người bạn thân, đồng hành, nhưng đã khuất: Các anh Lê Hữu Nam, Lê Văn Mãn, Phan Phụng Thạch, Trần Văn Lữ tức Thạch, Lê Mậu Tâm, Hà Thúc Định... những  thầy giáo trường Đồng Khánh, Thành Nội, Nguyễn Hoàng... đã thay nhau về đất. Có những đêm rất lạnh, gác chân nhau mà ngủ ở trường Hiền Lương Nghĩa Thục bên Đại Lộ Kinh Hoàng, cả ba đứa, Nam, Mãn và tôi đều mơ ước một ngày vui của tổ quốc thân yêu, đó là ngày hoà bình, ngày anh em Bắc Nam sum họp. Ngày đó đã đến với Huế, ngày 26 tháng 3 năm 1975. Cuối cùng, Huế nặng tình như bà mẹ già đưa bàn tay nhăn nheo ra đón những đứa con ngoan, nhưng đã mang sẵn cái nhân của những tâm hồn viễn xứ.


Có những nụ cười đã tắt rất sớm như Mãn, người thầy giáo sử địa đã vội rời bốn bức tường vôi và sân phượng hồng trường Đồng Khánh, đuổi theo một giấc mơ phiêu lưu nào đó, để rồi trốn lây lất phương nào hay đã nhắm mắt xuôi tay mà bao năm qua không ai còn gặp mặt. Có những trái tim nồng cháy yêu nghề như Nam, vẫn tiếp tục đứng vững vàng trước bảng đen và phấn trắng trong tay cho đến khi bị đột qụy gục đầu trên bục giảng. Nam đã từ Quảng Trị, về với đất Huế có học sinh và bạn bè đứng dài hàng cây số hai bên đường Thành Nội tiễn đưa trong ngày vĩnh biệt. Và những tâm hồn lý tưởng như tôi đã theo số phận gập ghềnh trôi dài qua tới Mỹ.



Tôi viết những giòng nầy ở thủ phủ của tiểu bang Cali, xứ Mỹ, trong những ngày mùa Thu. Thu Cali đẹp tuyệt vời với những rừng Redwood xanh và những rừng cây du, cây phong, cây phiến, cây sồi, cây phương lan đổi lá sang mầu đỏ, mầu vàng, mầu cam, mầu tím, mầu thời gian nhuộm trắng tóc mây nên thơ như áo lụa học trò, nhưng cũng rất lạnh lùng và hoang phế.


Chiều nay, sau giờ dạy, nhớ những thằng bạn cũ, tôi châm một điếu thuốc và lặng lẽ đứng dưới gốc cây du đang trút lá trong sân trường Cosumnes River College nhả khói một mình.  Một cô sinh viên người Việt, đi ngang, dừng lại và nói với giọng ngạc nhiên gần như thất vọng:

- Úi dà! Thầy hút thuốc? My God, it’s incredible!

Tôi nhìn cô sinh viên người Việt, nhìn dãi tóc mây đen nhánh giữa giòng tóc nâu vàng như hương mùa Thu, mĩm cười và im lặng.

Thật tình tôi muốn nói với những người Việt trẻ tuổi sinh ra và lớn lên trên vùng đất bình yên này rằng:

- Thu Vàng của Cung Tiến khác Thu Vàng của Cali nên các em làm sao hiểu được có những cô học trò cũ ngày xưa trên quê hương đầy chiến tranh khốn khổ của mình đã “ăn cắp” vài điếu thuốc cho thầy hút giữa hai phần đêm chờ sáng. Tôi hiểu, hút thuốc hại cho sức khỏe, và tôi cũng hiểu em đã sinh ra và lớn lên trong môi trường xứ Mỹ. Làm sao em hiểu được những vết hằn thế hệ trong tôi, một người thầy hàng tuần giảng bài trước mặt các em, nói tiếng Việt để thương và nói tiếng Anh để sống. Tôi đó, nhưng đó không phải là tôi. Tôi như một mảnh vỏ san hô đơn độc, vỡ ra từ nhánh mẹ tận bên trời quê hương, nằm chênh vênh trên bờ biển Long Beach, Monterey, Half Moon Bay sau gần tròn một thế hệ đã chịu bao dập vùi trong đại dương sóng gió, nay trôi dạt về đây từ bên kia bờ biển Thuận An, Cửa Việt, Tư Hiền.



Ngày đó, trên đất nước khốn khổ, mỗi người còn có một quê hương nhỏ bé để hồi cư. Thế nhưng giờ nầy, giữa thế giới bao la nầy, biết tìm đâu ra một chỗ để hồi cư sau những tháng năm dài lang bạt. Có chăng một chốn hồi cư miên viễn là chính lòng mình. Khi chưa đánh mất mình, mất trong đôi mắt, mất giữa đam mê, mất tự giòng suy tưởng thì mình vẫn còn một chỗ để hồi cư, một quê hương thiên cổ để quay vềTKĐ

TẢN CƯ


     Trần Kiêm Đoàn
 
 Nhân dịp trường TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ  sắp tổ chức họp mặt kỷ niệm  60 năm thành lập  trường . Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết TẢN CƯ của thầy Trần Kiêm Đoàn -  cựu giáo sư của trường trước 1975                              
          Từ nhỏ, đi học ở Huế, tôi thường nghe người lớn than thở rằng, Huế là xứ sở đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương. Thời đó tôi không tin vì mỗi tuổi thơ đều có một bầu trời xanh và một cồn nắng ấm cho ước mơ tuổi dại theo diều căng gió mà nghe tiếng hát của Thằng Cuội ngồi gốc cây đa. Những cơn mưa thâm trầm và những trận lụt trùng trùng nước bạc của Huế đã khiến tôi nghĩ rằng, Huế là đất "đi để mà sợ, ở để mà kinh!".
     Thế nhưng khi sắp sửa từ giã Huế tôi mới thấy cái lưu luyến vô hình của vùng đất đơn sơ nhưng lại có chất keo huyền hoặc và phù thủy nầy.
Tôi chọn về dạy học ở trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị với những lý do chẳng có bà con chú bác gì với Đinh Hùng, Nguyễn Bính hay Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên cả, nghĩa là chẳng có chút gì nên thơ giống như thời kỳ đi học tôi đã chọn về ở trọ tại Vỹ Dạ vì mê "nắng hàng cau" của Hàn Mặc Tử, tôi lại trổ chứng không muốn xa Huế để mà nhớ mặc dầu Huế không phải là nơi ở để mà thương. Khi ra trường sư phạm, đậu á khoa cộng thêm với mảnh bằng cử nhân văn chương còn "le lói" mực Tàu, tôi có được cái ưu tiên chọn một trong mấy chục nhiệm sở từ Quảng Trị đến Nha Trang, Bình Thuận, ngoại trừ Huế, vì nơi đây là cánh rừng già cổ thụ chằng chịt toàn các thầy, cô hàng tiền bối cả rồi. Dễ mấy ai giáo sinh mới ra lò mà được chen chân vào các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Nguyễn  Tri  Phương, Kiểu Mẩu, Thành Nội. Vì vậy, thuở đó, Trần Hoài tốt nghiệp thủ khoa cũng phải ráng trèo đèo vô trường Nữ Trung Học Đà Nẵng. Tôi hàng thứ nhì lại chen chân ra vùng hỏa tuyến Quảng Trị cho gần với Huế, làm cho các chàng thầy mới ra lò người Non Mai, Sông Hãn thứ thiệt như Lê Đình Lộng Chương, Hoàng Thạch Tú cũng phải ngẩn ngơ với mấy nụ cười buồn.
      Lý do tôi chọn về dạy học tại Quảng Trị vốn đã ít nên thơ mà kỷ niệm ban đầu với Quảng Trị lại càng không êm đềm chút nào, nếu không muốn nói là "rát da rát thịt".  Làm sao quên được ngày đầu tiên đến Quảng Trị làm thầy.
      Sáng hôm đó, tôi không còn nhớ là có sương thu và gió lạnh của Thanh Tịnh hay không, nhưng tôi đã chọn ra mắt Quảng Trị bằng bộ đồ đắc ý nhất với chiếc quần màu xanh đậm học trò và chiếc áo sơ mi cụt tay trắng toát. Tôi đã tra chiếc cà vạt vào cổ nhiều lần nhưng cuối cùng đành cởi ra vì thấy nó không hợp trên những con đường nhiều người còn đi chân đất từ quê mới lên với đôi quang gánh nặng chĩu lo âu hằn lên khuôn mặt rám nắng lấm tấm mồ hôi. Tôi cầm theo tập giáo trình quốc văn trên bàn tay có hai ngón giữa còn kẹp điếu thuốc Capstan lơ lửng khói bay và lững thững bước vào cổng trường Nguyễn Hoàng đầy tự tin. Bỗng tôi giật nẩy mình vì một ngọn roi nào đó vừa vụt ngang lưng cùng với một giọng nói ồ ề đanh đá và đầy dọa dẫm:
         - Đồ học trò vô phép vô tắc, cả gan vô cửa thầy cô hỉ!?
      Tôi quay phắc lại và thấy ngay bác cai trường cao lêu khêu, mặt hầm hầm đang cầm cái roi dài ngoẵng, lăm lăm, vừa mắng, vừa toan vụt cho tôi một roi nữa về tội hút thuốc lá trong trường. Tôi đủ kịp phản ứng hét lên:
        -Trời ơi! Ông muốn chi? Tôi là thầy giáo trường nầy mà.
      Bác cai trường cười như mèo vờn chuột:
       - Cái thằng láu cá! Tau nói cho mi biết, tau đã mần việc ở cái trường ni khi mi còn rãi mũi. Ruồi đực ruồi cái bay ngang tau còn biết từ cái xứ mô tới nữa huống chi là quý thầy quý cô ở đây ai mà tau không biết. Để tao trị cho hết cái thói hỗn láo, xưng bừa thầy bà đi nghe chưa.
    Trước khi tôi kịp có một lời nào đó để trần tình thì bác cai trưòng đã hùng hổ giáng roi lên. Rất may cho tôi là Lê Văn Mãn, thầy dạy sử địa đã nhảy vào giải cứu kịp thời bằng cách la to lên:
     - Ê tầm bậy, ông cai, đây là thầy Đoàn, giáo sư mới của trường mình...
       Tôi nghe giọng bác cai có vẻ hoảng hốt:
      - Thôi, chết cha tui rồi, rứa mà tui không biết. Xin thầy bỏ lỗi cho chớ thầy còn trẻ quá lại ăn bận như học sinh nên tui lầm.
      Tôi ráng mỉm cười rộng lượng, chứ cho dù có hẹp lượng đi nữa thì cũng chẳng làm gì được trong hoàn cảnh bi hài đó.
     Trường Nguyễn Hoàng đối với Quảng Trị cũng giống như trường Sorbone đối với Paris hay Harvard đối với Boston. Đó là cơ sở giáo dục kỳ cựu nhất, bề thế nhất và nổi tiếng nhất đối với địa phương. Bởi vậy, Nguyễn Hoàng là niềm hãnh diện chung cho người học cũng như người dạy. Cái khổ nhất của thầy giáo trẻ trường Nguyễn Hoàng là phải trở thành những "viện sĩ" của viện đạo đức, bất luận là tự nguyện hay "bị" tự nguyện vì thành phố Quảng Trị quá nhỏ, phụ huynh và học sinh đều có truyền thống tôn trọng học đường và thầy giáo, nên sau giờ dạy, ló mặt đi đâu mà nghe hai tiếng "thưa thầy" rồi thì những nụ cười lãng mạn cỡ Trăng Rụng Xuống Cầu của Hoàng Thi Thơ cũng phải thành nét uy nghi Tam Tòng Tứ Đức của Khổng Tử! Tôi còn nhớ một buổi chiều lần đầu về ăn nem lụi Chợ Sãi với vài người bạn. Con đường dọc sông Thạch Hãn dẫn về Sãi đã nên thơ như con đường sông Hương đi về bánh bèo Vỹ Dạ, nhưng hai cô hàng trong quán nem lụi còn nên thơ hơn. Tôi thích nghe giọng nữ Quảng Trị khi phát âm chữ "t", chữ "n" sau cùng vì nó có cái âm hưởng đanh, gọn và xác quyết chứ không ỡm ờ như giọng Huế. Tôi đang bập bẹ nhái giọng Quảng Trị để vừa kêu món ăn, vừa để tán tụng vẻ đẹp trăng tròn, hồn nhiên, không đài các của cô hàng bằng những từ dễ thương nhưng không hợp với tự điển của viện đạo đức thì bị "pháo kích" bất thình lình khi cô hỏi lại bằng cái giọng lễ phép của Liêu Trai đã tu luyện ngàn năm:
        - Thưa thầy, rứa còn về "mục" đồ uống thầy dùng thứ chi ạ?
      Đôi mắt tôi và có lẽ cái giọng nói của tôi nữa, cũng phải đứng vào thế nghiêm lập tức để trả lời. Một thoáng, tôi bắt gặp nét nhìn rất nhanh của cô hàng, cái nét nhìn sắc, ướt và kéo dài đuôi mắt một chút nheo nheo mà tôi không biết mang ý nghĩa biểu đồng tình hay trách móc, nhưng tôi bỗng cảm thấy lòng vui xôn xao trong lặng yên. Tôi nói nho nhỏ với hai người bạn: "Giòng sông chảy về đây có tên Thạch Hãn là phải. Thạch Hãn là 'mồ hôi của đá'. Đá mà còn toát mồ hôi lạnh huống chi tau!"
       Tôi đến và làm quen với Quảng Trị vào một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử xứ nầy, đó là giai đọan từ 1970 đến 1975. Trước "mùa Hè đỏ lửa 72", những bài giảng về văn chương Việt Nam với những bài thơ mượt mà tình bạn và xanh biếc tình quê của Nguyễn Khuyến, những tiếng cười xót xa của hàn sĩ lận đận Tú Xương, những tiếng gọi vào đời hào sảng của kẻ sĩ Nguyễn Công Trứ... đã bao nhiêu lần chững lại nửa vời vì tiếng máy bay trực thăng tải thương chở người lên xuống không ngớt trong khu quân sự Mỹ bên cạnh trường Nguyễn Hoàng. Tôi cũng đã trải qua nhiều đêm chấm luận văn của học sinh bên miệng hầm, đọc hoài không hiểu, vì đầu óc căng thẳng lắng nghe thử có tiếng "đề-pa" pháo kích hay không. Nhiều buổi sáng điểm danh, có vài ba em học sinh vắng mặt và sẽ không bao giờ trở lại vì đêm hôm qua đã lên rừng theo du kích. Tôi khó tránh khỏi nỗi mủi lòng xúc động khi có học sinh đến xin rút học bạ thôi học vì dưới quê bão lụt, mất mùa không đủ cơm ăn, áo mặc để tiếp tục theo học.
      Mỹ Chánh, Quảng Trị, Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ, Khe Sanh đều ở trong cơn lốc chiến tranh trong cuộc chiến Hạ Lào, trước khi cơn lốc cuộn lại thành con mắt cuồng phong trên Cầu Dài của "Đại Lộ Kinh Hoàng". Con đường cái quan, quốc lộ số một, của quê hương Việt Nam yêu dấu bỗng biến thành "đại lộ kinh hoàng" trong mấy ngày ngắn ngủi 28, 29 và 30 tháng 4 năm 1972. Tôi là một trong đám người Quảng Trị khốn khổ cố băng qua đoạn đường có chiếc Cầu Dài trơ trụi, ngắn ngủi, bắc qua một giòng nước cạn. Cầu Dài lặng lẽ, vô danh như bao nhiêu nhịp cầu mà tôi đã đi qua từ Huế đến Quảng Trị bỗng rùng mình, biến thành cửa ngõ đi vào địa ngục. Buổi chiều khi tôi sắp sửa bước vào cửa địa ngục cùng với đoàn người chạy giặc thì bỗng nghe những tiếng thét kinh hoàng: "Chết! Chết! Chết hết rồi!” với sự triệt thoái hỗn độn ầm ầm như sấm động từ phía Bến Đá dạt ra. Tôi nghe rõ  nhiều tiếng súng nổ chợt xa, chợt gần. Tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng khóc tang thương, tiếng la hét thất thanh và cuồng nộ của đoàn người di tản thối lui vì đạn pháo như trùng vây không biết từ đâu tới, đã đưa đẩy tôi nhào tới và dạt lui như một người say rượu. Tôi rùng mình thảng thốt nghe tiếng thét bên tai: "Vì răng tới giờ ni rồi mà thầy còn ở đây? Chậm chút nữa là chết cả đám. Chạy theo em! Thầy, chạy!". Tôi chạy theo sức đẩy mà tôi không còn nhớ là từ đằng sau đẩy hay đằng trước kéo. Hơn cả nửa giờ sau, khi chạy lúp xúp trên những độn hoang đầy cát trắng tôi mới nhận ra người lôi kéo tôi ra khỏi cửa địa ngục là Nguyễn Kháng, người học trò lớp 11A2 của tôi ở trường Nguyễn Hoàng. Tôi đã chạy bọc quanh về ngả Kim Long, Kim Giao dẫn về Mỹ Chánh theo phía Đông, gần đường biển, tránh càng xa càng tốt vùng Bến Đá, Cầu Dài đang mịt mờ trong khói lửa. Mãi đến khi tôi ngồi đối diện với Kháng trong quán kem Anh Đào ở Huế, nghe Hùng Cường và Mai Lệ Huyền hát bài "một trăm em ơi, chiều nay một trăm phần trăm...", một bài hát mà trước đó tôi cho là "sến" nhất, rẻ tiền nhất và dễ ghét nhất, bỗng nhiên lại trở thành quá hay vào giờ phút đó. "Quá hay" có lẽ vì đây là thông điệp của sự sống, là tiếng hát quen thuộc của dương gian chứ không phải lời kinh buồn dưới chín tầng địa ngục. Tiếng hát cho tôi biết rằng là tôi đang sống. Đơn giản thế thôi nhưng nếu chưa đứng trước ngưỡng cửa của "đại lộ kinh hoàng" thì tôi không bao giờ biết được.                                          
       Sau biến cố mùa Hè 72, một Quảng Trị hiền hòa và bình an đã trôi nổi và phân ly như cánh bèo giữa ngả ba giòng nước. Một số ở lại bên kia sông Mỹ Chánh. Số ra đi thì tạm gởi cuộc sống tại các trung tâm tạm cư ở Hòa Khánh hay Non Nước và lẻ tẻ nhiều nơi khác. Tôi chọn dạy tại Hòa Khánh. Đây là một căn cứ quân đội Mỹ bỏ lại cách Đà Nẵng chừng hai, ba chục cây số. Những bàn tay cần cù quen vỡ đất và những cánh tay đầy sức sống quen ôm lúa chín ngày mùa giờ đây phải ngửa tay lãnh từng bữa gạo để sống ngày lại ngày trên áo cơm cấp phát của trại tạm cư. Người nông dân Quảng Trị sống tạm bợ trong các trại tạm cư Đà Nẵng cũng giống như cá kình mắc cạn và chim nhốt trong lồng. Tuổi già dương đôi mắt tinh anh quen nhìn cỏ nội hoa đồng ngày trước, bây giờ lờ đờ nhìn ngày tháng phù du đi qua trên những dãy nhà tôn khô khan, những con đường cũng đầy bụi, nhưng toàn là thứ bụi mù mệt mỏi chứ không phải bụi gió Lào dấy lên từ bùn đất của quê hương. Ai cũng mơ một ngày về, nhưng ai cũng sợ hãi cái bóng đen không tên nhưng thật hãi hùng của bom đạn.
      Trường Nguyễn Hoàng dã chiến của tôi ở Hoà Khánh cũng chia chung số phận nổi trôi với đám học trò tỵ nạn của mình. Trường mở trong một cái nhà kho quân sự cũ. Các lớp học rất "đoàn kết nhất trí" vì không có vách ngăn, nên thầy cô nào không có được cái giọng hùng hồn như nhạc xuất quân thì kể như là trở thành tiếng đàn "Ta Lư" trên núi, nghĩa là thầy trò ai nói nấy nghe. Nếu một buổi sáng đẹp trời nào đó mà thầy giáo Nguyễn Bảo với cái giọng oang oang "thiết giáp hành" lên lớp cùng một giờ với thầy giáo Trần Phò với cái giọng "cụ Tú Lãm" thì kể như học sinh lớp quốc văn của thầy Phò mắt thì lơ láo học thơ mà tai thì lùng bùng học toán của thầy Bảo. Không hiểu vì bản chất thông minh, lanh lợi hay vì được học theo kiểu "double majors" bất đắc dĩ như trên nên tỷ số học sinh Nguyễn Hoàng thi đỗ tú tài năm 1973 khá cao, dù phải đi học trong cảnh đời tỵ nạn đầy gian nan và chịu đựng. Tôi có cái giọng tuy không hào hùng như thầy Bảo nhưng cũng khá hơn cái giọng thu vàng của thầy Phò nên cứ sau mỗi 4 giờ dạy liên tiếp, cũng nhâm nhi vài ba ly cối nước đá để lấy lại hơi sức cho ngày lên lớp hôm sau.
      Cuối năm 1973, Quảng Trị hồi cư. Cảnh "tình nguyện phân ly" của người dân Quảng Trị cũng có nỗi xót xa riêng không thua gì khi chạy loạn. Tất cả đều phải đối diện với một tương lai mịt mờ trước mắt. Ra đi bỏ vùng đất thân yêu với mồ mả tổ tiên lại đằng sau thì không nỡ mà trở lại quê xưa trên vùng đất hoang tàn với tất cả làng xóm, đình chùa miếu vũ đã bị san thành bình địa thì số phận cũng chẳng biết về đâu khi một nửa Quảng Trị đã mất, sông Thạch Hãn trở thành sông Gianh và sông Bến Hải. Cuối cùng sự chọn lựa nào rồi cũng mang nỗi đau riêng của nó. Mùa Giáng sinh năm 1973, người Quảng Trị bỗng trở thành dân Do Thái ngay trên đất nước của mình: Một số lớn hồi cư, số khác vào Nam lập nghiệp, số còn lại sống rải rác khắp các tỉnh từ Huế đến Cà Mâu.
      Tôi lại khăn gói quả mướp trở về Quảng Trị dạy học. Ngày đầu tiên trở lại Quảng Trị, tôi đến thăm thành phố Quảng Trị cũ. Khó mà tin được có một nơi nào đó trên thế giới đã từng có một cuộc chiến diễn ra ác liệt như thế. Những hố bom to và sâu hoắm như một vùng nước xoáy rải rác khắp nơi. Những cây đà sắt lớn hơn gốc cây cau cong xoắn và chảy thành giọt như nhựa đường đã khô cứng và lạnh lẽo. Không có một căn phố hay một mái nhà nào còn đứng vững. Trường Nguyễn Hoàng với các dãy lầu ngang nhà dọc chỉ còn trơ lại một phần cái trụ gạch của cổng chính. Nhìn sang phía Cổ Thành, tất cả chỉ là một bãi tha ma của đổ vỡ và tan nát. Tôi xúc động và lặng lẽ chùi nước mắt khi có giọng hát nào đó của một người lính trú phòng hát ra từ trong căn lều che giữa căn nhà đổ nát: "Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười...”  Việt Nam có những giấc mơ nhỏ nhoi và đằm thắm như một chút đùa vui của nhân thế, nhưng bao năm rồi vẫn còn mất dáng xa vời ngoài tầm tay với.
       Thành phố Quảng Trị hồi cư tạm xây dựng trên đồi cát trắng Hải Lăng bằng tôn và gỗ. Đó là những căn nhà tiền chế, suốt mùa lộng gió bốn bề. Lúc đầu tôi dạy học tạm ở trường trung học Hải Lăng, chờ cho đến khi trường Nguyễn Hoàng xây dựng khá khang trang trên "khu thị tứ".
        Cuộc chiến tạm chấm dứt trên chiến trường đất cát, nhưng vẫn còn tiếp diễn giữa lòng người Quảng Trị hồi cư. Cái nơm nớp lo sợ bị kẹt giữa vòng lửa đạn vẫn ám ảnh từng ngày với sự hiện diện của Thuỷ Quân Lục Chiến trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đêm dêm tiếng đại bác “nốt ruột” vẫn dội về từ trên các dãy rừng núi phía Tây. Hình như trong cảnh khổ người dân dễ dàng thông cảm và thân thiết nhau hơn. Tình đồng nghiệp và thầy trò cũng vậy. Tối tối, nhóm thầy giáo hồi cư quen tìm đến nhau để chia xẻ một bình trà, một ấm cà phê hay "bốc" hơn nữa là kiếm vài chai để đọc thơ "thiên địa mang mang ai người tri kỷ, hãy lại đây cùng ta uống cạn một hồ trường...". Trong suy nghĩ của những người trẻ tuổi, thầy giáo cũng như học trò, "Quảng Trị hồi cư" phải có một phong thái, một nhịp sống khác với những ngày "tiền Đại lộ kinh hoàng". Quảng Trị đã thấm thía với trò chơi không đẹp của mấy "ông to bà nậy", mượn tạm sự đau khổ khốn cùng của nạn nhân chiến tranh để quảng cáo và để vinh thân phì gia. Trước lễ Giáng Sinh năm 1973, các thầy giáo Nguyễn Hoàng như Lê Hữu Thăng, Lê Văn Mãn, Lê Hữu Nam và tôi gặp nhau nhiều lần tại Đà Nẵng, Huế và Hải Lăng để bàn về chuyện "mình phải làm cái gì cho Quảng Trị sau ngày hồi cư". Ý tưởng dễ thương và lãng mạn nhất là vận động thanh niên xung phong lập ra những làng xã tập thể kiểu "Kibbutz" của Do Thái trong giai đoạn lập quốc. Mô thức "kibbutz" chỉ là một ước mơ của những tâm hồn yêu thương Quảng Trị với nhiệt tình nóng bỏng nhưng đầy mơ mộng. Thực tế là gíup người dân vật lộn với cuộc sống muôn vàn khó nhăn trước mắt. Những chương trình và công tác xã hội giúp đồng bào hồi cư đã được các cơ quan xã hội lớn của miền Nam như Hồng Thập Tự, Asian Christian Social Sevices và Vietnamese Christian Social Services ủng hộ nồng nhiệt. Trước đòi hỏi cấp thiết của tình thế, một nhóm giáo sư Nguyễn Hoàng đã đứng ra thành lập Đoàn Giáo Chức Công Tác Xã Hội Quảng Trị  và trường Hiền Lương Nghĩa Thục. Tôi đã ca bài "Never On Sunday" ở Huế hơn một năm trời vì lỡ ham vui nhận chức trưởng đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự Quốc Tế Quảng Trị nên ngày chủ nhật nào cũng phải lăn lộn cùng với mấy trăm đoàn sinh đi khắp các vùng quê Quảng Trị để sinh hoạt từ lợp nhà, lái máy cày... đến ca hát cho đời thêm vui!
       Tôi dạy tại cả hai trường Nguyễn Hoàng và Hiền Lương Nghĩa Thục nhưng ngủ lại qua đêm nhiều nhất là tại trường Hiền Lương. Vùng đồi cát nơi trường tọa lạc có tin đồn nổi tiếng nhiều "ma" nhất trên Đại lộ kinh hoàng. Hằng tuần tối thứ hai và thứ ba chỉ có tôi và anh Lê Hữu Nam ngủ lại tại trường. Nam đặt lưng xuống là ngáy như sấm, trong khi tôi thao thức và lắng nghe tiếng vọng của "ma". Nhiều lần trong đêm khuya tôi nghe rất rõ tiếng gọi nhau ơi ới và tiếng la, tiếng gào tiếng thở dài dọc theo quốc lộ1 ngay trước cổng trường. Tôi không biết đấy chỉ là ảo gíác hay có ma thật, nhưng mỗi lần tôi ráng sức lôi cổ Nam dậy để cùng lắng nghe "tiếng ma" với tôi thì chỉ nghe tiếng trả lời ngái ngủ của Nam: "Ba láp, để ta ngủ!" và anh chàng lại ngáy như sấm trở lại, mặc tôi nằm queo chong mắt, trống ngực đánh thình thình. Trường Hiền Lương Nghĩa Thục một thời đã quy tụ hầu hết các thầy giáo và cô giáo cự phách của vùng Quảng Trị, từ những nhà giáo thâm niên như các anh Thái Mộng Hùng, Lê Mậu Tâm đến những thầy giáo mới ra trường như Dương Vạn, Nguyễn Phúc... đã chia xẻ với đồng nghiệp và học sinh nhiều kỷ niệm vui buồn chưa đầy hai năm học và sau đó, lịch sử đã sang trang:                  Trang 1975!
      Mùa Xuân năm 1975, lần cuối tôi giã từ Quảng Trị như một quê hương thứ hai thân yêu của mình để nhập vào đoàn người chạy loạn vào Huế rồi Đà Nẵng. Tôi và anh Lê Hữu Nam ghé vào trường Hiền Lương Nghĩa Thục lúc đó đã thành trạm nghỉ chân cho đoàn người chạy giặc bơ phờ và mệt mỏi. Không có cảnh nào buồn hơn là cảnh trường học biến thành trạm xá bất đắc dĩ trong chiến tranh. Hai anh em chúng tôi buồn bã đi quanh trường như cố ghi lại lần cuối cùng những dư bóng dáng của kỷ niệm rồi đèo xe Honda vào Huế.
       Sau năm 1975, có những cuộc gặp lại học trò, bạn bè, đồng nghiệp, người quen Quảng Trị trong những cảnh vui buồn lẫn lộn. Tôi còn nhớ rất rõ năm học cuối cùng trước khi Quảng Trị chia hai sau mùa hè 72 có một nữ sinh xuất sắc về môn quốc văn do tôi phụ trách trong một lớp 11A. Đời vẫn thế, Bá Nha cần phải có Tử Kỳ thì tiếng đàn mới khởi sắc được, cũng như mỗi lần lên lớp, đôi mắt thông minh và những câu hỏi đầy suy nghĩ của những học sinh xuất sắc thưòng có tác dụng như một chút hương hoa đối với thầy cô giáo. Tôi lại là một thầy giáo văn chương trẻ nên Thuận, tên em nữ sinh xuất sắc, thường cho tôi một cảm giác an ủi là bài giảng của tôi khá hay đủ dể làm át đi tiếng máy bay trực thăng gào thét ngoài kia. Có một lần Thuận nghỉ học, hôm sau tôi hỏi lý do, tôi thấy lòng mình chùng lại khi nghe em trả lời : "Thưa thầy, vì trời mưa to quá em phơi áo không khô!". Sau đó, tôi mới hiểu rằng Thuận chỉ có một chiếc áo dài trắng duy nhất dể đi học, nên em phải giặt vào mỗi chiều thứ tư để có áo mà đi học cả tuần. Trong dịp làm báo Tết năm đó, tôi đã tổ chức một cuộc thi viết văn mà tôi chắc thế nào Thuận cũng chiếm giải nhất. Với bài tùy bút "Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu!", mượn tên một tác phẩm hay nhất của Alain Paton, Thuận chiếm giải nhất cuộc thi văn một cách dễ dàng. Giải thưởng cho bài viết của Thuận là phiếu may hai chiếc áo dài tại một nhà may lớn trên đường Trần Hưng Đạo.
       Năm 1972, Thuận ở lại bên kia bờ sông Thạch Hãn. Năm 1976 tôi gặp lại người học trò cũ đó trong một hoàn cảnh thật ngỡ ngàng. Cũng như bao nhiêu người trong cảnh có đức lang quân là "thầy giáo, tháo giày", bà xã tôi phải đi buôn hàng chuyến Huế- Sài Gòn để nuôi sống gia đình trong buổi giao thời.
      Một buổi chiều bà xã tôi về nhà với hai bàn tay không vì hàng hoá buôn chuyến Sài Gòn – Huế đã bị tạm giữ tại trạm thuế vụ Hương Thủy trước khi vào Huế. Sáng sớm hôm sau tôi theo bà xã về phòng thuế vụ Hương Thủy để nghe quyết định về vấn đề thuế khóa. Từ ngoài phòng đợi, tôi có thể nghe cái giọng nữ sắt và đanh nói về nguyên tắc, chính sách thuế má và buôn bán. Đến lượt chúng tôi được gọi vào văn phòng với một thái độ chờ đợi và căng thẳng. Bỗng tôi chững lại và người nữ cán bộ cũng hụt hẫng:
        - Thầy!
      Và:
        - Ô, Thuận!
     Là những gì mà thầy trò có thể nói với nhau trong hoàn cảnh đó. Tôi tính bước ra ngay cho khỏi cái hoàn cảnh khó xử nầy, nhưng Thuận đã giữ lại:
        - Xin mời Thầy ngồi.
     Cả ba người đều im lặng nhưng tôi có thể thấy được những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, trên má người học trò cũ. Chỉ là một phút phù du trôi qua thôi nhưng tôi biết cả một chiến trường khói lửa trong lòng người học trò giàu suy tư đó. Thuận như chợt nhớ ra điều gì và đứng phắt dậy, dáo dác nhìn quanh và cố nói to như cố tình cho mọi người xung quanh cùng nghe:
      - Thưa thầy, cô.  Xin thầy cô hiểu cho vai trò và giới hạn của em. Trong giai đoạn mới đầu còn tranh tối tranh sáng nầy, nhiều mặt hàng buôn bán và thuế khóa vẫn đang còn trong vòng thảo luận, nên những nhân viên thuế vụ như em trong một số trường hợp phải căn cứ vào sự lượng giá chủ quan của mình để đánh thuế.  Mời thầy cô theo em để kiểm tra mặt hàng.
      Thuận hối hả bước vào phòng tạm giữ hàng hóa và tự tay lôi ra tất cả các bao hàng của bà xã tôi có gắn biển "đợi xử lý" và vuốt nhẹ lên từng gói hàng nhưng không mở bao, rồi nói với một nhân viên khác đứng bên cạnh:
        - Đây là những mặt hàng sản xuất nội địa. Miễn thuế!
     Thuận nói nửa như dặn dò, nửa như ra lệnh:
       - Thầy cô vui lòng chở hàng ra khỏi đây càng nhanh càng tốt vì hàng mới sắp nhập và kho hết chỗ chứa!.
     Tôi giúp bà xã chuyển hàng đi như một người mộng du câm nín.  Dù trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng cái hào khí Quảng Trị một thời vẫn còn lưu dấu. Thế đứng đầy bụi phấn trên bục giảng của một thời không thể ngã xuống thành chiếc nón trải xuống vệ đường đầu hàng cơm áo. Tôi băn khoăn tự hỏi không biết sự “lượng giá” của một cô học trò thông minh như Thuận có phải là một sự hy sinh.  Tôi sẽ không đủ bản lĩnh để thản nhiên nhận sự hy sinh của một người khác, nhất là khi sự hy sinh đó của một người học trò cũ như Thuận.  Lúc chia tay tôi chỉ còn biết cười buồn và lặng lẽ gật đầu khi nhìn đôi mắt gần như rơm rớm khóc của Thuận với câu hỏi nhỏ:
        - Thầy còn nhớ “Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu” không thầy?
      Không hiểu Thuận muốn “hãy khóc đi” vì hoàn cảnh, tình cảm hay cả hai trong những ngày gió bụi chấm dứt và khởi đầu cho một trang đời mới.
      Gần 20 năm sau 1975, tôi về lại Quảng Trị. Khắp nơi đã dựng lại được màu xanh của thời gian trước "mùa Hè đỏ lữa 72". Cây rất xanh như mơ ước của con người. Gặp lại những khuôn mặt thân thương và quen biết hơn hai mươi năm trước tôi nghe như có tiếng thời gian thoáng qua với nhiều mái tóc bạc hơn. Tình cảm Quảng Trị trong tôi và trong những người cũ gặp lại thì hình như mới chia tay đêm qua, vẫn ấm áp, chan chứa và thuần hậu cho dù hơn 20 năm chưa gặp lại.
      Tôi đã xa Quảng Trị, bỏ "Huế đi để mà nhớ" đành đoạn để đi xa năm đồng bảy đội. Đã bao lần tôi căng mắt nhìn nhưng vẫn bước đi với tâm hồn dửng dưng qua những thành phố lớn. Tôi cũng đã ăn dầm ở dề suốt mười mấy năm trên nhiều tiểu bang nóng, lạnh của Mỹ nhưng tôi vẫn chưa tìm ra một nơi nào đó "ở để mà thương". Buổi chiều chia tay đầy lưu luyến với anh em trên đồi La Vang, mùi tràm chổi và đất nắng hanh rất nồng làm tôi bâng khuâng nhớ đến những bạn bè và học trò cũ chắc chừ đã dày dạn phong sương tay bế tay bồng. Hỡi những người "bất tri hà xứ khứ", hình như trong tôi, khi vó đã chồn, chân đã mỏi, tôi mới thấy rằng Huế là nơi đi để mà nhớ vì chan chứa kỷ niệm và Quảng Trị là nơi ở để mà thương vì sâu nặng tình người.
 
Trần Kiêm Đoàn
                                                                                                     
   

NỖI NIỀM MẤT TÊN



Viết tặng Thầy, Trò... Nguyễn Hoàng
và những ngôi trường đã mất dạng hay mất tên.

Sau 1975, nhiều ngôi trường từ Cà Mau ra Quảng Trị đã bị mất dạng hay mất tên. Thầy cô, bạn cũ một thời vẫn còn đó. Nhưng trường xưa đâu rồi. Những nhân vật lịch sử đứng tên trường như Nguyễn Hoàng, Đồng Khánh, Hàm Nghi, Gia Long, Petrus Ký... không còn mang giá trị cũ. Buổi giao thời, những nhân vật mới có khi chưa xanh mồ lịch sử đã vội lên thay. Tuy lịch sử sẽ có sự phán xét riêng và cuối cùng rất công bằng của nó, nhưng hiện tại, tên gọi ngôi trường cũ chẳng có mặt mày làm chứng, nên tất cả chỉ còn là tín hiệu của trái tim.

Có nhiều câu hỏi về "chính danh" nổi lên. Như trường hợp trung học NGUYỄN HOÀNG sẽ được trình bày sau đây là một thí dụ điển hình trong muôn một.

Với người Việt Nam, Nguyễn Hoàng là một tên gọi vượt lên trên danh tính nhất định thường tình của một con người. Tính cá nhân đã nhường lại cho tính đại chúng; hình ảnh nhân vật đơn lẻ đã chìm khuất sau bóng dáng của cộng đồng dân tộc. Nguyễn Hoàng được nhắc đến như một tín hiệu đến từ dòng lịch sử dựng nước hào hùng tiến về Nam.

Với người dân Quảng Trị, Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ… , kể từ khi ngôi trường trung học đầu tiên của toàn vùng Quảng Trị và phụ cận được thành lập lấy tên là Nguyễn Hoàng, người dân bình thường, giới có học thức khoa bảng cũng như thế hệ trẻ Quảng Trị có thêm niềm tự hào về một “cơ sở văn hiến” ngay trên quê hương mình. Trước đó, học trò Quảng Trị sau khi học hết bậc tiểu học phải vào Huế học tiếp bậc trung học. Chỉ có những gia đình tương đối giàu có mới đủ sức lo cho con vào Huế học. Ngoài ra, đại đa số học sinh Quảng Trị ưu tú, không đủ điều kiện tài trợ “du học Huế” đành bó tay với cấp lớp tiểu học chỉ có trên quê hương mình, ấm ức nhận một “sở học” sơ đẳng vì hoàn cảnh bắt buộc !

Bao nhiêu thế hệ học trò đi qua, Nguyễn Hoàng không còn là một danh xưng, một tên gọi bình thường hay “đại húy” của một nhân vật lịch sử đầu nguồn triều Nguyễn…, mà là một tín hiệu đến từ trái tim. Nguyễn Hoàng đối với Quảng Trị mang cùng ý nghĩa với Sorbonne ở Pháp, Cambridge ở Anh, Havard, Berkeley, Stanford ở Mỹ. Đấy là danh vang của nhũng cơ sở giáo dục của địa phương đã đào tạo nhiều nhân tài làm mọi người tự hào và hãnh diện.

Sau năm 1975, trường Nguyễn Hoàng bị xóa tên. Đấy là một sự “phí phạm” dáng vẻ cao đẹp của bề dày lịch sử. Người Âu Tây, nhất là người Mỹ “tiết kiệm” những tên gọi đã thành lịch sử, dẫu cho đấy là tên của những nhân vật một thời đã từng xông pha đánh trả, chống lại họ.

Trên bình diện lịch sử, chúng ta thử nhận diện Nguyễn Hoàng là nhân vật có công hay có tội với thế đứng ở đâu và như thế nào trong dòng sử Việt.

Nguyễn Hoàng là con trai thứ nhì của Nguyễn Kim. Nguyễn Kim nguyên là Tả vệ Ðiện tiền Tướng quân, tước An Thanh Hầu, trông coi đạo Thanh Hóa. Sau khi Mạc Ðăng Dung chiếm ngôi nhà Lê năm 1527, Nguyễn Kim trốn sang Ai Lao. Vua Ai Lao là Sạ Ðẩu cho ở đất Sầm Châu. Nguyễn Kim xây dựng Sầm Châu làm căn cứ địa, chiêu mộ quân sĩ, tìm cách khôi phục nhà Lê.

Vào tháng giêng năm quý tỵ (1533), Nguyễn Kim tìm được người con út của Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh, lúc đó 18 tuổi, lập lên làm vua tức vua Lê Trang Tông, mở đầu cuộc trung hưng nhà Lê. Lê Trang Tông phong Nguyễn Kim làm Thượng phụ thái sư, tước Hưng Quốc Công, trông coi mọi việc trong triều về mặt đối nội cững như đối ngoại. Trịnh Kiểm là một tướng tài đã theo Nguyễn Kim. Nguyễn Kim gả con gái là Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm và được vua Lê phong làm Dực Quận Công. Sau khi Nguyễn Kim từ trần, Trịnh Kiểm lên nắm quyền thay Nguyễn Kim và được vua Lê phong làm Ðô tướng, tiết chế thủy bộ quân, kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, rồi gia phong Thái sư, tước Lạng Quốc Công.

Nguyễn Kim có hai con trai: con trưởng là Nguyễn Uông được phong Lãng Quận Công, con thứ là Nguyễn Hoàng được phong Ðoan Quận Công, cùng giữ binh quyền đi đánh giặc. Trịnh Kiểm nghi kỵ và sợ Nguyễn Uông cùng Nguyễn Hoàng tranh quyền với mình, quyết định ra tay trước và giết Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng dự đoán trước sau ông cũng bị hại, ông nhờ chị là Ngọc Bảo, vợ Trịnh Kiểm xin cho em vào trấn thủ Thuận Hoá, lại ngầm sai người đến vấn kế Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì Trạng chỉ vào hòn non bộ, nói: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (một giải Hoành Sơn dung thân muôn đời). Hiểu được nghĩa lý thâm sâu ở đằng sau câu nói đầy ẩn dụ, Nguyễn Hoàng xin vua Lê vào Nam và được Vua Lê thuận cho vào phương Nam trấn thủ miền địa đầu của đất nước. Trở về Thanh Hóa, ông đem theo các thủ hạ thân tín, đồng hương và các đồng tộc vào Quảng Trị, lập Dinh ở Ái Tử sau gọi là Chính Dinh, thủ phủ của phương Nam.

Có thể nói Quảng Trị là “Quê Hương Ân Nghĩa” với Nguyễn Hoàng; và ngược lại thì nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng cũng là ân tổ khai canh ra đất Quảng Trị. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì kể từ khi đặt chân lên dải đất phía Nam của dãi Hoành Sơn, Nguyễn Hoàng chăm lo mở mang và phát triển về mọi mặt của vùng đất nầy. Đặc biệt là hai trấn Thuận, Quảng có một sự vươn lên về nhiều mặt mà cao nhất là pháp lý và đạo lý: “Luật lệ nghiêm tế mà khoan dung, ân huệ nhiều hơn hơn hình phạt. Bậc chăn dân xử phạt công bằng, phát huy và giáo hoá điều tốt, trấn áp kẻ hung ác. Dân trong hai trấn Thuận Quảng người người đều cảm tình, quý đức. Phong tục được đổi từ hủ tục thành mỹ tục; chợ đò không giành dựt, nói thách; nạn trộm cướp tiệt trừ, cổng ngoài không cần đóng. Khách thương nước ngoài đến buôn bán đông đảo, giá cả phải chăng, thuận mua vừa bán. Quân lệnh nghiêm túc, mọi người dân đều được hưởng an vui, hạnh phúc nên ra sức làm việc, chung lo xây dựng.
***

Lịch sử con người và thế giới là một dòng thay đổi liên tục: Đổi đất, đổi đời và đổi tên. Sự đổi tên công cộng thường xẩy ra khi hoàn cảnh chính trị và địa lý thay đổi. Thông thường, có ba mô thức thay đổi danh xưng: (1) Hiện đại hóa cho thích hợp với nhu cầu và hoàn cảnh; (2) Xoá tên như một sự phủ nhận, trừng phạt; và (3) ghi tên như một sự ghi nhận, vinh danh. Thế nhưng, trong lịch sử thay tên đổi họ xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới xưa nay được thể hiện mạnh mẽ và quyết liệt nhất trong hai trường hợp: Vứt bỏ để trừng phạt hay nêu lên để vinh danh! Trường hợp không có sự bó buộc của hai nhu cầu "bỏ" hay "chọn" vì bị xung đột hiển nhiên về mặt chính trị, tôn giáo hay xã hội, giới cầm quyền xã hội khôn ngoan và các nhà lãnh đạo chính trị bản lĩnh sẽ nêu cao tính lịch sử và truyền thống lâu dài lên trên nhu cầu chính trị nhất thời. Thái độ chọn lựa và hành xử của người Mỹ về việc đổi tên trong lịch sử 300 năm lập quốc của họ là một thí dụ điển hình đáng làm cho người dân và giới lãnh đạo nói chung suy nghĩ.

Ham thay đổi như người Mỹ, khoái bắn súng như cao bồi Texas, đại ngôn và thích dùng danh từ đao to búa lớn quảng cáo như giới chính trị và kinh doanh tài nguyên ở California thế mà vẫn hành xử rất hài hòa và mã thượng khi thắng trận. Sau khi chiếm được đất đai từ tay người Pháp, người Mễ Tây Cơ, người Da Đỏ rồi, họ vẫn để nguyên tên những thành phố, dòng sông, rặng núi, di tích, trường học mang tên Tây, tên Mễ, tên người Da Đỏ vốn có từ muôn năm cũ. Thậm chí, có nhiều khi đấy lại là tên của kẻ cựu thù cũng chẳng phải là điều đáng quan ngại vì lịch sử đã sang trang và phán xét công bằng. Trường hợp tướng Robert E. Lee của Mỹ trong thời kỳ Nội Chiến (1861-65) là một thí dụ. Lee bị nhiều sử gia phê phán là “xâm lược” miền Bắc, là kẻ ly khai. Nhưng tên ông vẫn được giữ trên các cơ sở và con đường xứ Mỹ. Đi từ thành phố Baton Rouge (tiếng Pháp), Del Paso, Los Angeles, San Francisco (tiếng Mễ Tây Cơ); qua những vùng Cheyennes, Apache, Chippewas (tiếng Da Đỏ) người ta sẽ thấy ngay sự mềm dẽo “giữ tên như giữ chứng tích lịch sử” của giới cầm quyền Mỹ. Chính nội dung và lịch sử làm vinh danh cho cái tên chứ không phải điều ngược lại! Bởi vậy, trả lại tên NGUYỄN HOÀNG và những tên thân yêu cho ngôi trường xưa sẽ là một việc làm rất có ý nghĩa mang đậm tính văn hóa, phát huy tinh thần giáo dục và kết hợp hài hòa về tâm lý.

Một thế hệ đàn anh – thế hệ Chiến Tranh Việt Nam… tri thiên mệnh, cổ lai hy đủ cả – đang rủ nhau về đất và sẽ đi hết chặng đường đời không còn xa lắm. Thế hệ đàn em, thế hệ Hậu Chiến Tranh Việt Nam, đang vươn lên lãnh đạo xã hội. Bên cạnh của cải vật chất mà xã hội và đất nước đang có trước mắt, tuổi trẻ Việt Nam cũng tha thiết cần những sức mạnh và gia tài phi vật thể. Đó là truyền thống lâu dài, là di sản truyền đời, là lịch sử kế thừa liên tục của nhiều thế hệ. Mong rằng, sẽ có một ngày, thế hệ đàn anh được dự "lịch sử 100... năm của trường Nguyễn Hoàng và những mái trường xưa" đã mất tên. Trước khi trao lại một bầu trời xanh, một vầng mây ấm và dòng lịch sử luân lưu cho thế hệ đàn em, sẽ còn có một sự đền bù trở lại cho… nỗi niềm mất tên.
Sacramento, ngày Father’s Day - 2008
Trần Kiêm Đoàn