Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

ĐÀO DUY TỪ, CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP -- Đào Đức Chương

 ĐÀO DUY TỪ, CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP --

1572 – 1634 (Nhâm Thân - 17/ 10/ Giáp Tuất)
[Biên Khảo: GS ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG, ảnh Tác Giả].
(Bài thuyết trình nhân lễ giỗ lần thứ 340 của Lộc Khê Hầu, ngày 17- 10- Giáp Dần tức ngày 30- 11- 1974 tổ chức tại sân Trường Trung Học Đào Duy Từ, An Nhơn; bổ chính ngày 12- 09- 2020 tại San Jos).
 

I - GIA THẾ VÀ THÂN THẾ
Nha Úy Nội Tán Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ (陶 維 慈) nguyên quán làng Hoa Trai (華 斎 村) [1], xã Vân Trai (雲 斎 社), tổng Liên Trì (蓮 池 總), huyện Ngọc Sơn (玉 山 縣), phủ Tĩnh Gia (靜 嘉 府), trấn Thanh Hoa (清 花 鎭) [2]; sau là thôn Sơn Thắng, xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia [3], tỉnh Thanh Hóa (清 化 省). Ông sinh năm Nhâm Thân tức năm 1572 đời Lê Anh Tông (1557 - 1573) trong thời Nam Bắc Triều và mất ngày 17/ 10/ Giáp Tuất tức năm 1634, hưởng thọ 63 tuổi ta.
Thân phụ là Đào Tá Hán [4], một hàn Nho đầu quân giúp Trịnh Kiểm “Phù Lê Diệt Mạc.” Nhưng trong lúc cao hứng làm thơ ca tụng chiến công của họ Trịnh đã có câu phạm húy:
Trang quốc sĩ ai bằng Trịnh Kiểm,
Tỏ thần uy đánh chiếm hai châu.
Thẳng đường dong ruổi vó câu,
Phù Lê diệt Mạc trước sau một lời.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Viên Xuất đội bèn tố cáo tội phạm húy của Tá Hán. Quan Trung quân đòi Tá Hán vào hầu, thấy diện mạo khôi ngô lại còn quá trẻ, không nỡ khép tội nặng, nên cho sửa lại hai câu đầu, để được nhẹ tội:
Trang quốc sĩ ai bằng họ Trịnh,
Tỏ thần uy bình định hai châu.
Dù vậy, cũng bị phạt 20 roi và đuổi ra khỏi quân ngũ. Túng kế sinh nhai, Tá Hán phải theo gánh Hát chèo. Vốn sẵn thông minh và cố gắng học hỏi, chẳng bao lâu đã trở nên một kép hát tài danh. Một chuyến lưu diễn tại làng Ngọc Lâm (玉 林), huyện Lục An (陸 安), trấn Thanh Hoa (清 花). Vũ Thị Kim Chi, ái nữ của cụ Tiên chỉ Vũ Đạm, vì cảm tiếng hát của Tá Hán, đã tình nguyện kết tóc xe tơ, và sinh ra Đào Duy Từ.
Nhưng Duy Từ lên 5 tuổi thì mồ côi cha. Thấy con rất thông minh, Kim Chi quyết cho con theo nghiệp bút nghiên, và xin thọ giáo cụ Hương cống Nguyễn Đức Khoa. Nhưng lệ nhà Lê cấm con xướng ca không được đi thi, nên Kim Chi phải nhờ viên Xã trưởng làng Hoa Trai là Lưu Minh Phương sửa lại hộ tịch, đổi họ Đào sang họ Vũ cho Duy Từ, và hứa sẽ tái giá với y.
Khoa thi Hương năm Quý Tỵ (1593) đời vua Lê Thế Tông (1573 - 1600), Duy Từ đỗ Á nguyên lúc 22 tuổi, và ở lại kinh đô chờ thi Hội.
Biết được Duy Từ đã đỗ Hương Cống [5], Lưu Minh Phương nhắc lại lời giao hẹn trước, nhưng Kim Chi tìm lời khéo thoái thoát. Viên xã trưởng nổi giận, tố cáo lên quan huyện, việc Duy Từ man khai hộ tịch. Trong khi đó, tại kinh thành Thăng Long, ở bến Thảo Tân (bờ phía Nam sông Nhị), mở khoa thi Hội Ất Mùi (1595), quan chủ khảo Nguyễn Hữu Liêu thấy bài thi của Duy Từ văn hay quán trường, đáng trúng tuyển để vào thi Đình, ngặt vì có bài Văn sách bàn về cải cách chính trị lý lẽ rất vững chắc nhưng hơi khác ý với Trịnh Tùng, nên ông đang phân vân có nên lấy đỗ Tiến sĩ hay không? Bỗng bộ Lễ nhận được tờ trình từ địa phương đệ lên, liền tước học vị Á nguyên và lột áo mão Hương cống của Duy Từ vì tội con xướng ca đã man khai lý lịch để đi thi.
Tin dữ đưa về, Kim Chi uất ức quá, cắt cổ tự tử. Duy Từ đang buồn cho thân phận, lại hay tin mẹ chết, quá đau xót, nên lâm bệnh nặng, nằm mẹp tại Kinh thành không về quê thọ tang được.
II - DUYÊN TRI NGỘ
Nhân lúc Nguyễn Hoàng phụng mệnh vua Thế Tông và chúa Trịnh Tùng về Hành tại để bàn việc nước, quan Thái phó Nguyễn Hữu Liêu bèn cho xem văn bài của Duy Từ và kể việc bị đuổi. Xem văn, thấy có khí phách, biết người này có tài kinh bang tế thế. Nguyễn Hoàng bí mật liên lạc với Duy Từ và giúp đỡ tiền bạc để lo việc thuốc thang, và ướm lời mời vào Nam giúp mình. Nhờ có tiền chạy thuốc, Duy Từ khỏi bệnh.
Rồi một hôm Nguyễn Hoàng kín đáo đến thăm, thấy trên vách treo bức tranh anh em Lưu Bị (Liu Bei) dầm mưa dãi tuyết đến Long Trung (Long Zhong) tìm Gia Cát Lượng (Zhu Ge Liang) [6].
Nguyễn Hoàng hứng khẩu hai câu đề:
Vó ngựa sườn non đá chập chùng,
Cầu hiền lặn lội biết bao công.
Duy Từ liền tiếp hai câu trạng:
Đem câu phò Hán ra dò ý,
Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng.
Nguyễn Hoàng tiếp ứng hai câu luận:
Lãnh thổ đoán chia ba xứ sở,
Biên thùy vạch sẵn một dòng sông.
Duy Từ với hai câu kết:
Ví chăng không có lời Nguyên Trực [7],
Thì biết đâu mà đón Ngọa Long.
Tám câu trên kết thành bài thất ngôn Đường luật liên xướng [8]. Hai người hiểu ý nhau rất tương đắc. Nhưng để tránh sự dòm ngó của Trịnh Tùng, họ hẹn nhau: Nguyễn Hoàng lén về trước [9], Duy Từ tìm cách trốn vào Nam sau.
III - BƯỚC ĐƯỜNG VÀO NAM
Khi Đào Duy Từ vào được địa phận Xứ Đàng Trong thì Nguyễn Hoàng đã từ trần (1525 - 1612). Ông nán lại Vũ Xương để nghe ngóng tình hình. Biết được quan Khám lý phủ Hoài Nhơn (懷 仁 府) là Trần Đức Hòa (陳 德 和), người có tài mưu lược và đức độ, dân chúng kính phục, được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên tin dùng. Ông quyết định vào miền này và lưu trú tại huyện Bồng Sơn. Nhưng rồi tiền lưng đã cạn, ông phải ở chăn trâu cho nhà phú hộ Chúc Trịnh Long [10] tại ấp Tùng Châu [11], tổng Thượng, huyện Bồng Sơn, phủ Qui Nhơn.
Một hôm, tại nhà chủ mở hội bình văn làm thơ, đông đảo nho sĩ và tao nhân trong vùng đến dự. Chiều tối, sau khi lùa trâu vào chuồng, Duy Từ đứng bên thềm ghé mắt nhìn vào, bị chủ nhà quát mắng:
- Thằng chăn trâu kia, mầy là kẻ tiểu nhân, biết gì về văn chương chữ nghĩa mà dám vô lễ, đứng xem?
- Bẩm ông chủ, chăn trâu có hai hạng quân tử và tiểu nhân, không thể nhập làm một. Duy Từ khẳng khái đáp.
Mọi người lấy làm lạ về câu trả lời đầy lý lẽ của kẻ chăn trâu áo rách khố ôm, một danh Nho lên tiếng vặn hỏi Duy Từ:
- Vậy nhà người bảo ai là “chăn trâu quân tử,” ai là “chăn trâu tiểu nhân” hả?
- Bẩm ngài, chăn trâu quân tử, sử sách còn lưu lại, như: Ninh Thích [12] lúc hàn vi phải chăn trâu, sau làm quan tới chức Đại Phu, ông có công làm phục hưng nước Tề. Điền Đan [13] dùng kế thả trâu lửa phá địch, cứu được thành Tức Mạc, và thu lại cho nước Tề hơn 70 thành thành trì, trước kia bị nước Yên đánh chiếm. Hứa Do [14] cho trâu uống nước ở khe mà biết được hưng vong trị loạn. Bách Lý Hề [15] chăn dê mà hiểu thấu thời vận thịnh suy. Còn chăn trâu tiểu nhân là những bọn chỉ biết cam phận tôi tớ, nịnh hót chủ để được yên thân, không phân biệt điều phải quấy, khi vui thì cười nói nhố nhăng, khi giận thì văng tục, đánh đấm, chẳng kể gì thân sơ, làm cha ông phải xấu lây, xóm làng chịu điều oan. Duy Từ ung dung đáp.
Chủ nhà rất đỗi ngạc nhiên, thúc dục các vị thâm Nho tìm câu hỏi hóc búa về kiến thức, điển tích, sách vở cổ kim, xem hư thực ra sao. Hỏi đến đâu, Duy Từ đều trả lời thông suốt đến đó, tỏ ra không có sách nào mà không đọc đến, không có chữ nghĩa nào mà không thấu hiểu. Khiến cả chủ nhà cùng quan khách phải thất kinh và nể phục. Họ đồng loạt đứng dậy mời Duy Từ vào chiếu ngồi, nhưng ông vẫn khiêm tốn từ chối.
Từ ngày tài năng ông được phát hiện, tiếng đồn nhanh chóng vang xa. Rồi được quan Khám lý Trần Đức Hòa mời về dinh phủ làm gia sư và bàn luận việc nước việc dân. Đức Hòa mến tài trọng đức bèn gả con gái cho Duy Từ, và tiến cử lên Chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
H 2: Cổng vào Đền thờ và lăng mộ Đào Duy Từ
ở phường Hoài Hảo, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định.
(Ảnh: Trương Tín Dũng, Cuongde.org)
IV - ĐƯỜNG CÔNG DANH RỘNG MỞ
Trước khi Nguyễn Hoàng mất có dặn con là Nguyễn Phúc Nguyên: “Ngày trước ta ra Kinh, có gặp Đào Duy Từ là bậc kỳ tài. Người ấy có hẹn vào giúp ta, hễ y đến phải trọng dụng ngay.”
01 - Đào Duy Từ gặp chân Chúa:
Tháng giêng năm Đinh Mão (1627), Trịnh Tráng muốn kiếm cớ để đánh Nguyễn, bèn sai Lê Đại Nhậm (黎 大 任) phụng sắc vua Lê Thần Tông (1619 - 1643) đi sứ, đòi Chúa Nguyễn phải cho con vào chầu, đồng thời nộp 30 thớt voi, và 30 chiến thuyền đi biển để cống nhà Minh. Chúa tìm lời khéo thoái thoát, nhưng lại thấy bất an, vì chúa Trịnh sẽ có cớ động binh.
Cũng năm ấy (1627), Đức Hòa tiến cử Duy Từ lên Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Trước khi bước lên đài danh vọng, Đào Duy Từ phải ở chăn trâu cho một nhà phú hộ. Ông đã gặp chúa Nguyễn Hoàng (阮 潢) từ ngoài Bắc, nhưng khi vào Nam không đến tìm chúa Nguyễn ngay. Đến khi được nhạc phụ tiến cử, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (阮 福 源) vội vàng ra tiếp nhưng không đúng lễ, ông định ra về. Chứng tỏ, ông không phải là hạng ham danh lợi một cách mù quáng, tìm kiếm công danh với bất cứ giá nào. Giai thoại sau đây chứng minh được điều đó [16]:
“Đức Hòa dẫn Duy Từ vào phủ. Chúa vừa đi nghỉ, nghe tin Duy Từ đến vội khoác áo trắng đi giày xanh ra đón. Duy Từ trông thấy biết là Chúa, nhưng vờ hỏi Đức Hòa:
- Thưa Nhạc gia, người kia có phải là Nội giám không?
Đức Hòa sợ hãi nói:
- Đấy là Chúa Thượng, hiền tế phải giữ lễ.
Duy Từ thản nhiên đáp.
- Chúa Thượng đón người hiền mà y phục không chỉnh tề, có ý khinh xuất. Thôi ta đi về.
Chúa vội vàng chắp tay vái:
- Đó là lỗi ở ta.
Nói đoạn trở vào mặc triều phục, sai mở cửa giữa nghênh tiếp.”
Duy Từ được Chúa trọng dụng, phong chức Nha Úy Nội Tán, tước Lộc Khê Hầu. Ông giúp Chúa nhiều việc, từ tham mưu, ngoại giao (trả sắc phong), quân sự, chính trị, kinh tế, giáo dục và cả văn học nghệ thuật nữa.
02 - Phá kế Điệu hổ ly sơn:
Năm 1629 (Kỷ Tỵ), Trịnh Tráng sai Lại bộ Thượng thư Nguyễn Khắc Minh (阮 克 明) đem sắc của vua Lê tiến phong chúa Nguyễn Phúc Nguyên chức Thái Phó Quốc Công, và giục đến Đông Đô để đi đánh Cao Bằng. Thật ra Trịnh Tráng dùng nhãn hiệu vua Lê để thực hiện kế “Điệu hổ ly sơn” (調 虎 離 山.). Trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan,” Chúa triệu quần thần họp bàn. Có ý kiến phải nhận sắc và vâng mệnh vua, nhưng cũng không ít người nói: ta có bờ cõi riêng không cần ai phong nữa.
Đào Duy Từ, thưa rằng: “Đây là họ Trịnh mượn sắc mệnh của vua Lê để nhử ta, nếu ta nhận sắc mệnh mà không đến thì họ có cớ nói được, nếu ta không nhận sắc mệnh thì họ tất động binh. Việc hiềm khích ngoài biên đã gây thì không phải là phúc cho sinh dân. Huống chi thành quách ta chưa bền vững, quân sĩ chưa luyện tập, địch đến thì lấy gì mà chống? Chi bằng hãy tạm nhận cho họ không ngờ để ta chuyên việc phòng thủ, rồi sau dùng kế trả lại sắc, bấy giờ họ không làm gì được ta nữa.” [17]
03 - Lập kế trả sắc:
Tháng tư năm 1630, khởi công đắp lũy Trường Dục, và chỉ hơn 1 tháng thì xong. Chúa Sãi lại hỏi đến việc trả sắc. Đào Duy Từ hiến kế “Nhất cử lưỡng tiện” (一 举 两 便) vừa trả được sắc phong, vừa an toàn sứ giả. Chúa theo lời, sai đúc một mâm đồng hai đáy, bên trong giấu sắc và bài thơ bày tỏ việc trả sắc, bên ngoài sắm đủ lễ vật châu báu. Rồi sai Tướng thần Văn Khuông (không rõ họ) đi sứ Đông Đô. Đào Duy Từ dự đoán chúa Trịnh Tráng (鄭 梉; 1623 - 1657) sẽ vặn hỏi sứ giả một cách gay gắt. Ông soạn sẵn hơn mười câu câu hỏi và câu trả lời cho Văn Khuông (文 匡), người đời gọi là “Thập Cá Cẩm Nang” (十 個 錦 囊). Quả nhiên, Trịnh Tráng cũng chỉ hỏi loanh quanh những câu mà Duy Từ đã soạn sẵn, chẳng hạn [18]:
- Hỏi: Nam Chúa không vâng mệnh Hoàng Đế, đã lâu rồi không nộp lễ vật để cống nhà Minh, là tại sao?
Đáp: Voi và thuyền, không phải là lệ cống nhà Minh. Chúa tôi e rằng sứ giả truyền lệnh sai, nên không dám vâng mệnh.
- Hỏi: Nam Chúa, sao không cho con đến làm con tin?
Nam Bắc là một nhà, lấy nghĩa tình làm trọng, mà đã thành tín với nhau, thì dùng con tin làm gì? (Văn Khuông đã hỏi lại, thay thế cho câu trả lời).
- Hỏi: Nam Chúa không vâng mệnh vua đi trừ giặc Cao Bằng, là tại sao?
Đáp: Giặc Cao Bằng đã khốn cùng, chỉ cần quân của Trung Đô là thừa sức dẹp yên. Chúa tôi đã vâng mệnh Hoàng Đế trấn giữ hai xứ Thuận Quảng, phía Nam là Chiêm Thành thường quấy phá phải lo chống giữ, mặt Bắc phòng bị giặc Mạc bất thần tấn công. Vì thế, chỉ sợ không làm tròn phận sự, ngày đêm lo giữ yên bờ cõi, nên không đi xa.
- Đắp lũy Trường Dục để chống lại Triều đình, phải không?
Đáp: Chúa tôi, vâng mệnh giữ đất, tất phải phòng thủ bờ cõi bền vững, bảo toàn lãnh thổ, sao gọi là chống mệnh được!
- Các tướng tá phương Nam thế nào?
Đáp: Ở phương Nam, bậc tài kiêm văn võ như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật thì không kém vài chục người (ý nói có đến vài chục người).
- Nam Chúa là bậc anh hùng, hào kiệt sao không ra Bắc đánh giặc lập công?...
Đáp: Chúa tôi không mê tửu sắc, không thích đàn ca xướng hát, chỉ muốn đem ân huệ ra vỗ về dân chúng, và dùng uy tín để cảm phục người nơi xa. Ở phương Đông, có nước Ma Cao và Lạc Già [19].
Hỏi đến đâu, Văn Khuông đáp trả thông suốt đến đó, khiến Chúa phải lặng yên, quay bảo bề tôi rằng: “Sứ Nam ứng đối như nước chảy.” Sứ giả dâng mâm vàng bạc, Chúa nhận. Văn Khuông giả cách về nhà công quán nghỉ ngơi, nhưng ngay hôm ấy trốn về Nam bằng đường biển. Chúa sinh nghi, bèn soát xét lại, quả nhiên mâm đồng hai đáy, bên trong có tờ sắc thư và một bài thơ chữ Nho:
Mâu nhi vô dịch,
矛 而 無 掖
Mịch bất kiến tích.
覓 不 見 跡
Ái lạc tâm trường,
愛 落 心 膓
Lực lai tương địch.
力 來 相 敵。
Bề tôi chúa Trịnh, không ai hiểu ý nghĩa bài thơ. Nhưng rồi cũng có người [20] dùng lối chiết tự, mới hiểu được mỗi câu mang một ẩn ngữ:
- Câu đầu: chữ Mâu (矛) không dấu Phẩy nách (/, dấu sổ xiên) thành chữ Dư “予” (ta)
- Câu hai: chữ Mịch (覓) bỏ chữ Kiến (見) thành chữ Bất “不” (chẳng)
- Câu ba: chữ Ái (愛) làm mất chữ Tâm (心) thành chữ Thụ “受” (chịu)
- Câu bốn: chữ Lai (來) ngang với chữ Lực (力) thành chữ Sắc “勑” (sắc).
Ghép các ẩn ngữ lại, theo thứ tự thành câu: Dư bất thụ sắc (予 不 受 勑), nghĩa là Ta không nhận sắc thư.
Đào Duy Từ sắp đặc thật chu đáo, nên mọi việc đều diễn tiến đúng với kế hoạch, sứ giả đã trở về an toàn [21]. Chúa Nguyên Phúc Nguyên rất mừng, buột miệng khen [22]: “Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh [23] ngày nay.”
Dựa theo sự tích này, ngoài dân gian cũng có câu ca tương tự:
Lộc Khê “Mưu thánh” sánh hàng,
Tử Phòng, Gia Cát rõ ràng chẳng sai.
Sau vụ trả sắc, thế nào Trịnh Tráng cũng dốc toàn lực đánh lớn quyết thôn tính đất Nam Hà. Đào Duy Từ bèn tâu với chúa Nguyễn cần cấp tốc đắp lũy phòng thủ.
04 - Xây lũy Trường Dục:
Tháng hai năm Canh Ngọ (nhằm tháng 4 năm 1630), ông đốc dân binh khởi công đắp lũy Trường Dục (長 育壘), và chỉ hơn 1 tháng thì xong [24]. Con lũy từ chân núi Trường Sơn ở làng Trường Dục, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình tiến về hướng Đông Bắc, rồi ngoặc về hướng Đông Nam đến cồn cát Hạc Hải khô cằn, qua các làng Xuân Dục, Cổ Hiền tới Đình Thôn, Quảng Xá. Như vậy, lũy nằm dọc theo hữu ngạn (bờ phía Nam) của sông Rào Đá (tức sông Long Đại), và dọc theo tả ngạn (bờ phía Tây) sông Nhật Lệ. Lũy đắp bằng đất, dài 2500 trượng, tức hơn 10 km, cao khoảng 3 mét, chân rộng hơn 6 mét.
Địa thế nơi đây rất hiểm trở, quân Trịnh phải vượt qua sông rộng, tiếp đến là thành lũy phòng thủ kiên cố. Phía Tây, tiếp giáp với núi non cao ngất. Phía Đông là phá Vạn Xuân đầm lầy, và bãi cát mênh mông giáp tới biển. Độc đạo vào Nam là dải đất hẹp (nay là Quốc lộ 1), nằm giữa đầm lầy và bãi cát. Nơi đây, pháo đài dày kịt, với đội quân tinh nhuệ, canh phòng cẩn mật. Ngoài ra, có dinh các quan, trại lính, kho lương, xây theo hình chữ dĩ (巳) ở trong chữ hồi (回). Tuyến phòng thủ kiên cố ấy, còn lưu mãi trong ca dao:
Có tài vượt nổi sông Gianh,
Dẫu thêm hai cánh, Trường Thành [25] khó qua.
05 - Đắp Lũy Động Hải, tức lũy Trấn Ninh:
Trong thế phòng thủ, cần có thêm một lũy nữa, chận đứng quân Trịnh ngay từ lúc mới đổ bộ lên cửa sông Nhật Lệ. Nhận thấy Đầu Mâu là núi lớn từ Trường Sơn chạy ngang ra, có hai mũi núi tạo hình bán nguyệt, nối dài bằng hai dãy đồi. Dãy phía Nam, chạy đến sông Nhật Lệ. Dãy phía Bắc dài 15 km, chạy đến bờ biển. Địa hình ấy, giống như hai cái càng cua khổng lồ, châu đầu ôm trọn một đồng bằng rộng lớn, mùa đông đầy nước không qua được, mùa hè vẫn lầy lội. Lại có sông Lệ Kỳ khá rộng chắn ngang từ Tây sang Đông, và dọc theo hai bờ là bãi sình lầy. Vì thế, năm 1631, Chúa Sãi thuận theo lời tâu Đào Duy Từ, cho đắp lũy Động Hải (洞 海 壘) tức Đồng Hới [26], còn gọi là lũy Trấn Ninh (鎮 寧 壘), và hoàn thành vào mùa thu cùng năm. Lũy này cách lũy Trường Dục (長 育 壘) 20 km về phía Bắc, và chia làm hai đoạn:
- Đoạn thứ nhất khởi đầu từ mũi phía Nam núi Đâu Mâu (兜 鍪 山), theo hướng Đông Bắc rồi thẳng hướng Bắc, tức dọc theo bờ phía Nam và bờ Đông sông Lệ Kỳ, đến đầu phía Nam của cầu Dài. Đoạn này còn gọi là lũy Đầu Mâu (兜 鍪 壘).
- Đoạn thứ hai tiếp nối với lũy Đâu Mâu từ đầu phía Bắc của cầu Dài chạy vòng sang phía Tây thành Đồng Hới, bọc làng Đồng Phú, qua Hải Thành ra đến cửa sông Nhật Lệ, nên có tên là lũy Nhật Lệ (日麗 壘).
Toàn bộ lũy Động Hải dài 3000 trượng (12 km), cao 1 trượng 5 xích (6 mét), mặt ngoài đóng gỗ lim, mặt trong đóng cọc tre, đắp đất có 5 bậc cấp rộng, voi ngựa đi lại và lên xuống được. Việc phòng thủ rất kiên cố, trên lũy, cứ mỗi trượng (4 mét tây) đặt 1 súng khóa sơn, cách 3 hay 5 trượng xây 1 pháo đài đặt đại bác nòng lớn, cách 10 trượng có một máy bắn đá; thời ấy có câu:
Khôn ngoan qua cửa Cẩm La [27],
Dễ ai cất cánh bay qua Lũy Thầy [28].
Năm Mậu Tý (1648), Thanh Đô Vương Trịnh Tráng (鄭 梉; 1623 - 1657) sai Đô đốc Tiến, Quận công Lê Văn Hiểu (黎 文 曉) [29] thống lĩnh thủy bộ đem quân đi đánh chúa Nguyễn. Bộ binh tiến vào Nam Bố Chính, thủy quân đổ bộ vào cửa Nhật Lệ, chiếm được lũy Đồng Hới và dinh Quảng Bình (dinh Mười), nhưng không tiến quân được nữa vì gặp phải lũy Trường Dục do Trương Phúc Phấn (張 福 奮) cùng con là Hùng cố thủ. Quân Trịnh đánh mãi không được mà lại hao binh tổn tướng rất nhiều. Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648) sai con là Nguyễn Phúc Tần đem viện binh đánh tan quân Trịnh, thu nhiều binh khí, bắt sống được 3 tướng là Gia, Lý, Mỹ (không rõ họ) và 3 vạn tù binh [30]. Trận Lũy Thầy đã đi vào ca dao:
Thứ nhứt nguy hiểm Lũy Thầy,
Thứ nhì Võ Xá [31] đồng lầy gớm ghê.
Chính Đào Duy Từ là công trình sư của lũy Trường Dục và Động Hải có giá trị lịch sử. Ông còn được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên tôn là Quân sư. Bởi thế, hai lũy này được người đời quen gọi là Lũy Thầy, tức lũy của thầy Chúa Nguyễn.
Nhờ có hệ thống lũy án ngữ nên quân Trịnh đem cả đại binh tiến đánh thêm 6 lần nữa (lần thứ nhất vào năm 1627, chưa xây lũy) trong những năm 1630, 1635, 1648, 1655, 1661, 1672 nhưng không thể diệt được Chúa Nguyễn. Và 171 năm sau, vào ngày 3- 2- 1802, Nguyễn Ánh cũng nhờ lũy Trấn Ninh, cầm cự được với 5000 quân của Nữ tướng Bùi Thị Xuân tấn công từ mặt Bắc.
H 3: Hệ thống Lũy Thầy.
(Bản đồ từ vi.wikipedia)
06 - Chúa Trịnh dụ Đào công trở về Bắc, không thành:
Biết được Đào Duy Từ là người tài thì đã muộn, Trịnh Tráng (1623 - 1657) rất hối tiếc về việc họ Đào vào Nam giúp chúa Nguyễn. Chúa Trịnh sai người bí mật đưa thư dụ dỗ Đào công trở về, tương truyền, Chúa có bài ca dao nhắn gửi [32]:
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hai nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!
Lòng ông đã quyết nhưng không dám cự tuyệt, vì sợ Trịnh Tráng trả thù đến họ hàng, mồ mả tổ tiên của ông còn kẹt ở Thanh Hóa. Nhờ thông hiểu sử sách, Đào Duy Từ nhớ lại tích Trương Tịch (Zhang Ji) đời Đường Đại Tông (763 - 779) phải làm bài thơ Tiết Phụ Ngâm [33] để thoát khỏi nanh vuốt của Lý Sư Cổ (Li Shi Gu). Họ Đào niềm nở tiếp sứ giả và tìm lời nhũn nhặn nhắn lại chúa Trịnh, nên có câu hát:
Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra!
Biết khó thuyết phục được Đào công, nhưng chúa Trịnh cũng thử kiên nhẫn, sai người bí mật đưa thư lần nữa. Lần này, ông vẫn giữ thái độ nhã nhặn, nhưng dứt khoát từ chối, để tránh sự nghi ngờ của chúa Nguyễn:
Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen.
Từ chỗ phục tài Đào Duy Từ, nhưng không dùng được, Trịnh Tráng đâm ra căm ghét, nhưng ngại mang tiếng trả thù tiểu nhân. Để được lòng chúa Trịnh Tráng, triều thần Bắc Hà xúm nhau chê bai Duy Từ (tác giả bài Ngọa Long Cương nổi tiếng) là người Đàng Ngoài mà lại chịu vào Nam Hà, theo Chúa Nguyễn, là nông nổi, còn bày mưu tính kế nhưng chỉ là mẹo vặt, ai cũng biết:
Rồng nằm bể cạn phờ râu,
Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi.
Chúa tôi họ Trịnh, còn lan truyền nhiều câu hát đánh phá uy tín Đào Duy Từ:
Có ai về tới Đàng Trong,
Nhắn nhe “bố đỏ” liệu trông đường về.
Mãi tham lợi, bỏ quê quán tổ,
Đất nước người, dù có cũng không.
hoặc bắn tiếng hăm dọa:
Rồng khoe vượt gió tung mây,
Biết đâu rồng đất có ngày xác tan.
Đào Duy Từ không nao núng, quyết tâm phò Chúa Nguyễn, giữ vững đất Nam Hà.
07 - Huân công Đào Duy Từ:
Bước đường công danh của Đào Duy Từ chỉ được 7 năm (1627 - 1634), nhưng đã giúp Sãi Vương rất nhiều việc:
- Giữ vững bờ cõi khỏi sự xâm chiếm của Chúa Trịnh: xây dựng lũy Trường Dục và lũy Động Hải, cải tiến quân đội, thu dụng nhân tài.
- Cải cách phong tục: thay đổi y phục, sửa sang những nghi lễ có hát xướng.
- Chúa Nguyễn Phúc Nguyên rất quý trọng, phong dần đến chức Quân Cơ Tham Lý Quốc Chính, tước Lộc Khê Hầu, và thường nói: “Duy Từ là Tử Phòng, Khổng Minh ngày nay vậy.” [34]
Đến ngày 17 tháng 10 năm Giáp Tuất, tức năm 1634 dương lịch Đào Duy Từ qua đời, hưởng thọ 63 tuổi ta. Hiển vinh với đời tuy ngắn ngủi, nhưng huân công rất lớn, đặt nền móng vững chắc cho vương triều chúa Nguyễn duy trì thêm 139 năm nữa.
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên thương tiếc vô cùng, tặng ông Hiệp Mưu Đồng Đức Công Thần, đặc tiến Trụ Quốc Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Thái Thượng Tự Khanh tước Lộc Khê Hầu.
Đời Gia Long (1802 - 1819), năm 1804, nhà vua xét công trạng khai quốc công thần, Đào Duy Từ được xếp vào hạng Thượng đẳng, được tùng tự ở Thái Miếu. Năm 1810, được liệt thờ ở Miếu Khai Quốc Công Thần.
Đời Minh Mạng (1820 - 1840), năm 1831 ông được truy tặng tước Thái Sư Hoằng Quốc Công và phong Thượng Đẳng Thần.
Về mộ phần, theo Nhân Vật Bình Định [35], tính đến năm 1971, có 3 nơi:
- Một mộ đất tại thôn Diêm Tiêu, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
- Một mộ đất tại thôn Tài Lương, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
- Một mộ xây bằng đá ong với hồ Ô dước, tại ấp Tân Thạnh, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn [36].
Theo mật chúc trong dòng họ Đào Duy, mộ ở Tân Thạnh là mộ chính, hai nơi kia chỉ là mộ gió.
H 4: Đền thờ Đào Duy Từ tại ấp Tùng Châu cũ;
nay ở phường Hoài Hảo,thị xã Hoài Nhơn.
(Ảnh: Trương Tín Dũng, Cuongde.org)
V - TÁC PHẨM ĐÀO DUY TỪ
Đào Duy Từ còn là nhà thơ nổi danh, vừa là nhà nghệ sĩ tiền phong của Xứ Đàng Trong. Tác phẩm còn truyền lại:
01 - Ngọa Long Cương Ngâm (臥 龍 崗 吟), bằng chữ Nôm, thể thơ lục bát trường thiên dài 136 câu, với ngầm ý ví mình như Gia Cát Lượng. Thi phẩm ra đời trong thời gian ông vào Nam, chưa xuất chính.
02 - Tư Dung Vãn (思 容 往) cũng bằng chữ Nôm, thi phẩm trường thiên dài 336 câu lục bát, nhưng thỉnh thoảng xen lẫn những bài ca, những khúc ngâm hợp thể, hoặc những bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật tùy theo tình tiết của đoạn thơ phóng khoáng gợi cảm, hay nghiêm trang. Do đó, toàn bài có cả thảy 387 câu, với nội dung là đến ngắm cảnh đẹp ở cửa biển Tư Hiền (37). Thi phẩm được sáng tác trong thời gian ông giúp Chúa Nguyễn.
03 - Hổ Trướng Khu Cơ (虎 帳 摳 機) tức cơ mưu then chốt nơi trướng hùm, là bộ binh thư bằng chữ Nho. Gồm ba quyển:
- Quyển I: Tập Thiên, gồm 6 phần: Yếu luận về cơ yếu binh pháp (trang 315), Hỏa công (trang 316), Thủy chiến (trang 325), Bộ chiến (trang 334), Giữ trại (trang 344), Lời tổng bình về Tập Thiên (trang 351).
- Quyển II: Tập Địa, gồm 5 phần: Yếu chỉ bàn về trận (trang 354), Các phép trận (trang 356), Yếu luận về giáo trường diễn trận (trang 388), Yếu pháp phá trận (trang 391), Tổng bình về Tập Địa (trang 391).
- Quyển III: Tập Nhân, gồm 6 phần: Yếu chỉ bàn về tướng (trang 393), Phép chọn tướng luyện binh (trang 396), Yếu luận về quân cơ (trang 400), Phép dạy quân đánh giặc (trang 401), Phép giữ thành chống giặc (405), Yếu luận về địa thế (trang 406).
Trình bày yếu tố đối với tướng (tám điều: Nhân, Nghĩa, Tín, Trí, Minh, Tài, Dũng, Nghiêm); đối với quân cơ (năm điều: Nghiêm lệnh, Chỉnh túc, Tinh nhuệ, Tử tế, Thanh liêm), phép luyện quân đánh giặc và cách xử trí các tình huống cơ bản theo quan điểm “Nhân hòa.”
4/ Ngoài ra, tương truyền ông còn sáng tác các điệu múa Song Quan, Tứ Linh, Nữ Tướng Xuất Quân, Tam Quốc, Tây Du, Tam Tinh Chúc Thọ, Đấu Chiến Thắng Phật, Vũ Phiến (múa quạt)…trình diễn tại cung đình trong những dịp đại lễ [38].
5/ Ông có công đem sở kiến về Hát chèo, Hát tuồng ở Miền Bắc chế biến và dung hòa với các điệu dân ca vũ khúc của địa phương, sáng tạo nên một bộ môn ca kịch đặc biệt rất thịnh hành ở Nam Hà, nhất là tại Bình Định. Đó là bộ môn Hát bội.
Bởi thế, ông được hậu thế tôn là Tổ nghề Hát bội, được gíáo phường phụng thờ như một vị thần linh [39].
Trong bộ môn này, ông là tác giả vở tuồng Sơn Hậu mà nay đã thất lạc [40]. Bản hiện lưu hành, có nhiều sửa chữa, do Đào Tấn nhuận sắc.
VI - GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG ĐÀO DUY TỪ
Đào Duy Từ thừa hưởng ý chí ước mơ sự nghiệp và khí phách kẻ sĩ của cha, kết hợp với lòng đam mê xướng ca của mẹ, đã để lại nét sâu đậm trong cuộc đời của ông.
- Một triết lý sống vừa khoáng đạt vừa kiêu hùng, vững tin ở sức mình:
Lợi danh nào chút móng tay,
Chẳng hiềm tạo vật, không say thế tình.
Tựa song hé bức mành mành,
Gẫm chưng đời trước công danh mấy người.
Doãn chưa đặng lễ Thang vời [41],
Cày kia chưa dễ buông nơi nội Sằn [42].
Lã dầu chưa gặp xe Văn [43],
Câu kia chưa dễ gác cần Bàn Khê [44].
Ngẫm xem thánh nọ hiền kia,
Tài này nào có khác gì tài xưa?
(Ngọa Long Cương Ngâm, câu 43 - 52)
Ông vui vẻ đón nhận mọi gian nan, trăc trở. Người anh hùng tất phải trải qua mọi thử thách, mà chỉ có sự thử thách chắc chắn hơn hết chính là nghịch cảnh. Sau này, cách ông 274 năm, Đào Tấn đã mượn nhân vật Trần Thị Lan Anh (vợ Tiết Cương) nói lên cái quan niệm đó, qua hai câu Hát nam nổi tiếng:
Lao xao sóng bủa ngọn tùng,
Gian nan là nợ anh hùng phải vay.
(Tuồng Hộ Sanh Đàn)
Chính vì vậy mà giữa cuộc sống khốn cùng, tâm hồn ông lúc nào cũng thảnh thơi nhờ được nuôi dưỡng bởi lòng tự hào của một nhà nghệ sĩ:
Khúc cầm cổ nguyệt cung xang,
Ca ngâm Lương phủ đạo càng hứng mau.
Của kho vô tận xiết đâu,
Thú vui ta thú, ai dầu mặc ai.
Thanh nhàn dưỡng tánh hôm mai,
Ghềnh trong cuốc nguyệt, bãi ngoài cày mây.
(Ngọa Long Cương Ngâm, câu 37 - 42)
- Thanh nhàn ở đây chỉ là một trạng thái tạm yên nghỉ, một thái độ ẩn dật, một thời gian rất cần để rèn tâm dưỡng tánh:
Sao bằng tâm chánh thân tu,
Thảo ngay là chí trượng phu trên đời.
(Tư Dung Vãn, câu 295 - 296)
Theo ông, tu thân là điều kiện ắt có, không những là kim chỉ nam cho hành động nhập thế (vì có tu thân mới đạt đến tề gia, rồi trị quốc, và bình thiên hạ được), mà còn áp dụng trong mọi trường hợp, ngay cả việc tu hành. Ông thẳng thắn chê trách và cho rằng những kẻ chỉ có tài mà không có đức, thì đừng nói đến chuyện cứu nhân độ thế:
Rằng hay cứu vật độ người,
Xử mình chẳng chính, chính ai đó là?
(Tư Dung Vãn, câu 219 - 220)
Bởi được thừa hưởng ở cụ thân sinh cái ý chí ngang dọc, cái nghĩa khí tình nguyện đầu quân “Phù Lê Diệt Mạc,” Đào Duy Từ đã ôm ấp hoài bão “Dạ lăm cắp núi, chí toan vá trời” (TDV, 334). Và ông đã thể hiện chí trai bằng cả ước mơ nhập thế giúp đời:
Đã rằng chống giữ Kim Cương,
Nào gươm cắt muộn, nào gương soi tà.
Nào phường ngay chúa thảo cha,
Nào phường lợi nước lợi nhà xá toan.
(Tư Dung Vãn, câu 225 - 228)
Vì vậy, khi được kinh bang tế thế, với tất cả tấm lòng nhiệt thành, ông đã đem tài đức ra “Sửa sang nghiêm chỉnh phân doanh” (NLCN, 113), trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước:
Cõi Nam từ định phong cương,
Thành đồng chống vững, âu vàng đặt an.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Đường Ngu lấy đức trị dân,
Súng trời buông lửa, sóng thần nép oai.
Đặt an nệm chiếu trong ngoài,
Cánh chim hồng nhạn phới bay vui vầy.
(Tư Dung Vãn, câu 1 - 20)
Bằng cái nhìn vừa giản dị vừa thực tiễn, dù là việc đời hay việc đạo, ông đặt vấn đề:
Há đạo đâu xa mà nhọc kiếm,
Bồ Đề kết quả ở lòng ta.
(Tư Dung Vãn, câu 203 - 204)
Đó là một hệ luận rất gần với triết lý hành động của nhà Phật: “Ta phải tự giải thoát cho ta” mà ông đã đem vào thái độ nhập thế của Khổng Giáo.
Chưa hết, ông còn chịu ảnh hưởng ít nhiều sắc thái lãng mạn của người Mẹ. Trong sự hòa đồng cân xứng này, không những tạo cho con người Quốc sư Lộc Khê Hầu một tầm mắt mở rộng, mà còn chan chứa nét nghệ sĩ đặc thù. Ông đã cải trang cái triết lý trừu tượng cao siêu của Thiền môn, thành một thực tại mơ màng hòa quyện vào thiên nhiên:
Nghêu ngao tắm suối nằm mây,
Thị phi mặc thế, tháng ngày thung dung.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Người đà nên đứng cao thiền,
Phật dầu chưa hẳn, ắt tiên đã gần.
(Tư Dung Vãn, câu 207 - 212)
Với chí trai, ông đã hăng say dấn thân giúp đời bao nhiêu, thì một nửa dòng máu nghệ sĩ cũng đã lôi kéo ông về với thiên nhiên, say sưa với nghệ thuật bấy nhiêu:
Bút Vương Duy khéo vẽ đồ,
Mây xuân dường gấm, nước thu tợ ngần.
Người thanh tân, cảnh thanh tân,
Ngàn lau quyến nhạn, bãi tần sa le.
(Tư Dung Vãn, câu 87 - 90)
Trong địa hạt này, ông đã đem nghệ thuật sáng tạo vào cuộc sống vươn lên của Xứ Đàng Trong nói chung, và phủ Hoài Nhơn (tức tỉnh Bình Định) nói riêng.
Thật vậy, Đào Duy Từ xuất thân từ giới cầm ca, đã hiển danh giúp đời bằng những huân công rạng rỡ, và trở về với nghệ sĩ trong sự tôn thờ muôn thuở của giới cầm ca.
VII - VẤN ĐỀ ĐẶT RA THAY CHO LỜI KẾT
Giá như Đào Duy Từ không vào Nam tìm minh Chúa, mà dẫu có vào Nam nhưng Nguyễn Phúc Nguyên không biết dùng người, thì làm sao Xứ Đàng Trong có được vị Quân sư tài ba vừa phá kế Điệu hổ ly sơn của Trịnh Tráng (1629), vừa cấp tốc hoàn thành lũy Trường Dục với thời gian kỷ lục chỉ hơn 1 tháng (1630), lập kế trả sắc có thông qua Thập Cá Cẩm Nang để an toàn sứ giả (1630), rồi xây thêm lũy Động Hải (1631) cho công cuộc phòng thủ càng thêm vững chắc, ngăn được 6 cuộc tấn công đại quy mô của quân Trịnh, giữ vững đất Nam Hà 217 năm, trải qua 9 đời Chúa Nguyễn.
Để khuyến khích học sinh noi theo tấm gương sáng của tiền nhân, Bộ Giáo Dục muốn các trường Trường học Công lập còn mang tên theo địa danh được thay thế bằng tên danh nhân nước Việt. Niên khóa 1972 - 1973, Bộ đã gửi công văn đến mỗi trường yêu cầu chọn ba danh nhân được bản trường cho là có ý nghĩa nhất, với điều kiện không trùng tên trường khác đã đặt trước. Trường Trung học Công lập An Nhơn chúng tôi đã gửi văn thư phúc trình đề cử 3 danh nhân văn học có liên quan đến tỉnh nhà, đó là Đào Duy Từ ( 陶 維 慈; 1572 - 1634) người huyện Bồng Sơn, Ngô Tùng Châu (吳 從 周; 1752 - 1801) người huyện Phù Ly, và Đặng Đức Siêu (鄧 德 超; 1751 - 1810) người huyện Bồng Sơn, có kèm theo tiểu sử. Qua kết quả của Hội đồng duyệt xét, Bộ Giáo Dục ra Nghị định chọn danh nhân Đào Duy Từ làm tên chính thức thay thế cho tên cũ là Trường Trung Học Công lập An Nhơn. Kể từ năm 1973, trường này có tên mới được gọi đầy đủ là Trường Trung học Công lập Đệ Nhị cấp Đào Duy Từ An Nhơn. Trường cũng quyết định lấy ngày giỗ Đào Duy Từ tức 17 tháng 10 âm lịch làm ngày Truyền Thống Học Đường, hằng năm tổ chức lễ tưởng niệm đến vị Danh nhân này.
H 5: Trong buổi lễ, tác giả Đào Đức Chương
trong lễ phục cổ truyền, thuyết trình đề tài
“Đào Duy Từ, Cuộc Đời Và Sự Nghiệp.”
. . . . . . . . . .
Không ngờ, lần tưởng niệm đầu tiên vào ngày 30 tháng 11 năm 1974 nhằm ngày 17- 10- Giáp Thân, cũng là lần tưởng niệm cuối cùng, vì chỉ 5 tháng sau ngôi trường thân yêu gồm 56 lớp đang trên đà phát triển, đã bị đổi tên và thay đổi thành phần nhân sự!
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
(Chương VII: Những Bài Khảo Luận Đầu Tay
trong tập Bước Đường Biên Khảo)
 
GHI CHÚ
[1] Làng Hoa Trai (華 斎 社) từ năm 1841, Thiệu Trị nguyên niên, đổi là Vân Trai (雲 斎), tổng Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
[2] Năm 1831 Minh Mệnh thứ 12, đổi trấn Thanh Hoa (清 花 鎮) thành tỉnh (省) Thanh Hoa, trấn Ninh Bình (lúc này không còn lệ thuộc vào Thanh Hoa) cũng đổi thành tỉnh Ninh Bình (寧 平 省).
Năm 1841, Thiệu Trị thứ 1, đổi tỉnh Thanh Hoa thành tỉnh Thanh Hóa (清 化 省) do kỵ húy Hoàng Thái hậu Hồ Thị Hoa. Địa danh Thanh Hóa không đổi từ đó cho tới ngày nay.
[3] Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 933/NQ-UBTVQH14, ban hành ngày 22 tháng 4 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6 năm 2020: chuyển huyện Tĩnh Gia thành thị xã Nghi Sơn, đồng thời chuyển xã Nguyên Bình thành phường Nguyên Bình.
[4] Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề; Việt Nam Ca Trù Biên Khảo (Sài Gòn, Tác giả xuất bản, Nhà in Văn Khoa, 1962), trang 194 - 196, đã căn cứ từ Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, và Việt Cầm Sử Thoại, để biên soạn sự kiện lịch sử có liên quan đến Đào Tá Hán và con là Đào Duy Từ.
[5] Hương cống là học vị dành cho những người đỗ tứ trường khoa thi Hương vào thời Hậu Lê. Năm Ất Dậu (1825), Minh Mạng thứ 6, theo lệ cũ của nhà Trần gọi học vị này là Cử nhân.
[6] Gia Cát Lượng (Zhu Ge Liang; 181 - 234), biểu tự Khổng Minh (Kong Ming), hiệu Ngọa Long (Wo Long), người đất Dương Đô (Yang Du); nay thuộc huyện Nghi Nam (Yi Nan), tỉnh Sơn Đông (Shan Dong), nước Tàu. Ông có tài về nhiều lãnh vực: chính trị, quân sự, ngoại giao và phát minh; được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất của nước Tàu ngày xưa.
[7] Nguyên Trực (Yuan Zhi) là tên tự của Từ Thứ (Xu Shu), người quận Dĩnh Xuyên (Ying Chuan); nay là huyện Hứa Xương (Xu Chang), tỉnh Hà Nam (He Nan), nước Tàu. Ông làm mưu sĩ giúp Lưu Bị (Liu Bei) thắng nhiều phen, như trận đánh bại Tào Nhân (Cao Ren) là tướng giỏi của Tào Tháo (Cao Cao), đánh úp chiếm Phàn Thành (Fan Cheng). Tào Tháo bèn lập mưu bắt mẹ Từ Thứ, rồi theo kế của Trình Dục (Cheng Yu), giả nét chữ của Từ mẫu để viết thư dụ Từ Thứ về với Tào. Từ Thứ tưởng thật là thư của mẹ, vì chữ hiếu, đành từ biệt Lưu Bị, ngậm ngùi ra đi. Ông khuyên Lưu Bị mời Gia Cát Lượng (Zhu Ge Liang) là một mưu sĩ giỏi về giúp Hán (Han) thay thế mình. Mẹ Từ Thứ thấy con trai bị trúng kế gian của Tào, quá tức giận mắng con, rồi tự tử. Từ thứ rất hối tiếc khi biết mình bị lừa, nguyện suốt đời không giúp mưu kế gì cho Tào Tháo. Tích này lấy trong sách Tam Quốc Diễn Nghĩa.
[8] Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, sách đã dẫn, trang 196, chép bài thơ Đường luật liên xướng.
[9] Từ năm 1593 Nguyễn Hoàng phải đưa quân binh và súng ống ra Đông Đô (Thăng Long) ở đến 8 năm giúp Trịnh Tùng đánh họ Mạc, lập được nhiều công lớn. Nhưng Trịnh Tùng vẫn có ý ganh ghét không muốn cho Nguyễn Hoàng về Thuận Hóa. Năm 1600, nhân đi dẹp giặc ở cửa Đại An (Nam Định) ông có cơ hội thuận tiện trốn về Thuận Hóa (Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, trang 288).
[10] Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, sđd., trang 197.
[11] Ấp Tùng Châu (松 州 邑) có từ thời Chúa Nguyễn. Sang đầu đời Gia Long chia Tùng Châu thành 9 ấp: Cự Lễ, Cự Nghi, Cự Tài, Hội Phú, Phú Mỹ, Phú Thọ, Phụng Du, Tân Bình, Tân Thạnh. Theo Địa bạ Triều Nguyễn lập 1815, Tùng Châu cũ được nâng lên thành xã Tùng Châu (松 州 社), coi 4 phường (坊) gồm: Phú An (富 安 坊), Tân An (新 安 坊), Tân Bình (新 平 坊), Tân Định (新 定 坊); và 4 phường này chia thành 8 chánh hộ ấp (正 戶 邑): Cự Lễ (巨 禮), Cự Nghi (巨 儀), Cự Tài (巨 才), Nhuận Phú (潤 富), Phú Lương (富 良), Phú Mỹ (富 美), Tân Thạnh (新 盛), và Vạn Thạnh (萬 盛). Đời Minh Mạng, đổi đơn vị ấp thành thôn, bỏ cấp xã phường, giữ cấp tổng, các thôn này vẫn thuộc tổng Thượng (上 總), nhưng xã Tùng Châu không còn nữa (Địa bạ 1839). Nay các thôn ấy thuộc xã Hoài Phú và phường Hoài Hảo, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
[12] Ninh Thích (Ning Qi), người nước Vệ (Wei) đời Xuân Thu (Chun Qiu). Ông có tài kinh bang tế thế. Lúc còn hàn vi, chưa gặp thời, phải chăn trâu ở núi Dao Sơn (Yao Shan), mình mặc áo cộc, đầu đội nón rách, đi chân không, thường gõ vào sừng trâu mà hát. Sau làm quan nước Tề đến chức Đại Phu, cùng với Quản Di Ngô (Guan Yi Wu) trông coi quốc chính.
[13] Điền Đan (Dian Dan), là danh tướng nước Tề (Qi) thời Chiến Quốc (Zhan Guo) trong lịch sử của Tàu. Ông có công đánh đuổi quân Yên (Yan), khôi phục nước Tề vào đầu thế kỷ 3 trước Tây lịch.
[14] Hứa Do (Xu You) là ẩn sĩ danh tiếng sống vào thời Đường Nghiêu (Tang Yao) trong lịch sử nước Tàu, theo truyền thuyết dân gian, ông là người tài đức vẹn toàn, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, và rất am hiểu về nhân tình thế thái.
[15] Bách Lý Hề (Bai Li Xi) sống trong thời Xuân Thu (Chun Qiu), thời kỳ có sự hỗn loạn nội bộ lớn ở nước Tàu. Mặc dù ông có tài, nhưng gia đình rất nghèo, nên không thể tiến thân được cho đến lúc ông tuổi 30. Nhờ nhiều lời động viên từ người vợ, ông rời nhà đi tìm cơ hội thuận lợi cho sự nghiệp của mình. Sau Bách Lý Hề cùng với Kiển Thúc (Jian Shu), bộ đôi này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Tần Mục Công (Qin Mu Gong) đưa nước Tần (Qin) từ vị trí một chư hầu xa xôi hẻo lánh ở phía Tây Bắc nước Tàu vươn lên địa vị bá chủ thời Xuân Thu, trở thành một trong Ngũ bá. Tuy quyền cao chức trọng, ông vẫn sống khiêm nhường, tận tụy, khoan dung với dân, nên được người đời sau ca tụng.
[16] Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, sđd., trang 198.
[17, 18] Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Quyển II, Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch Tập một, trang 44, 45 - 46.
[19] Mã Cao, Lạc Già:
- Mã Cao, tức Ma Cao (Mo Gao), tiếng Bồ Đào Nha gọi là Macau. Lãnh thổ Ma Cao có diện tích khoảng 21 km², gồm 3 khu vực chính, tính từ Bắc xuống Nam, có: Bán đảo Áo Môn (Áo Men), phía Bắc giáp với thành phố Chu Hải (Zhou Hai) của tỉnh Quảng Đông (Guang Dong) một đường biên giới chỉ có 310 mét (1.000 ft), còn 3 mặt kia giáp biển. Đảo Taipa và đảo Coloane nối nhau bởi dải Cotail. Ma Cao nằm về phía Đông Bắc Việt Nam, nằm về phía Tây Tây Nam của Hồng Kông và cách 60 km (37 mi) thông qua cửa sông Châu Giang (Zhou Jiang). Từ năm 1557, Ma Cao bị Bồ Đào Nha quản lý, đến năm 1887 là thuộc địa, năm 1999 trả lại cho Trung Hoa và trở thành một đặc khu hành chánh.
- Lạc Già tức Malacca, phiên âm tiếng Việt là Ma-lai-xi-a, hay Mã Lai, và hiện nay tên chính thức là Malaysia. Diện tích 329.758 km², dân số 19.429. 488 (năm 1998), thủ đô Kuala Lampur. Malaysia bị tách làm hai phần qua biển Đông: Borneo nằm về phía Đông Nam Việt Nam, và bán đảo Malaysia nằm về phía Tây Việt Nam. Vào thời điểm Văn Khuông đi sứ (1630) thì Lạc Già bị người Bồ Đào Nha chinh phục.
[20] Đào Duy Từ (陶 維 慈; 1572 - 1634), hiến kế chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (阮 福 源; 1613 - 1635) trả sắc phong cho vua Lê Thần Tông (黎 神 宗; 1619 - 1643) vào năm 1630 (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, trang 296), có kèm theo bài thơ, nhưng cả triều không ai hiểu nghĩa bài thơ. Chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng (鄭 梉; 1623 - 1657), cho mời Thái úy Phùng Khắc Khoan (馮 克 寬; 1528 - 1613) đến, mới vỡ lẽ là “Dư bất thụ sắc” (予 不 受 勑) tức “Ta không nhận sắc thư.” (Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, bản dịch, Tập một, trang 46).
Cần nói thêm, Đại Nam Thực Lục Tiền Biên cho rằng nhân vật Phùng Khắc Khoan là người giải mã bài thơ của Đào Duy Từ, sự gán ghép này không đúng với sự thật. Theo Ngô Đức Thọ, Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam, trang 481; đã căn cứ vào các tài liệu cổ về đăng khoa, gồm: Đỉnh Khiết Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa Lục, Quyển II, tờ 55a; Đại Việt Lịch Đại Đăng Kkoa, tờ 46a; Liệt Huyện Đăng Khoa, Quyển I, tờ 40b; Lịch Triều Hiến Chương, Khoa Mục Chí, Quyển VIII (bản dịch, Tập I, trang 260 và 261), viết về Phùng Khắc Khoan như sau: Ông sinh năm 1528, đỗ Hoàng giáp khoa Canh Thìn (năm 1580), lúc 53 tuổi ta (tức 52 tuổi tròn), và mất năm 1613, thọ 85 tuổi. Như vậy, Phùng Khắc Khoan mất (năm 1613) trước khi Đào Duy Từ theo giúp Chúa Nguyễn (1627 - 1634), và trước sự kiện trả sắc (1630) đến 17 năm. Giả sử, đến năm 1630 Phùng Khắc Khoan vẫn còn sống và còn minh mẫn ở tuổi 102, đều đó khó xảy ra, hơn nữa không có tài liệu nào ghi Ông thọ 102 tuổi. Nhưng sở dĩ các sách như: Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên, trang 94; và Phan Khoan, Việt Sử: Xứ Đàng Trong, trang 183; Đặng Quý Địch, Nhân Vật Bình Định, trang 19, đều chép là Phùng Khắc Khoan đã dùng lối chiết tự tìm ra ẩn ngữ của bài thơ, vì những sách ấy chỉ căn cứ vào Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, không tham khảo thêm các tài liệu về Đăng Khoa.
[21] Đặng Quý Địch; Nhân Vật Bình Định (Gia Định, Soạn giả xuất bản, 1971); trang 18: ghi chi tiết kế hoạch cứu thoát Văn Khuông khỏi sự săn đuổi Chúa Trịnh. Có lẽ Đào Duy Từ cũng phải có kế hoạch yểm trợ, để Sứ bộ được trở về an toàn. Rất tiếc, soạn giả nêu chi tiết này, nhưng không ghi rõ, căn cứ vào tài liệu nào, nên không thể xác định mức độ khả tín. Vậy, chỉ tạm chép ra đây để có dịp truy tìm tài liệu gốc, nếu có:
“Sau khi vọng bái Thanh Đô Vương, Văn Khuông để lại chiếc mâm đồng đựng vàng lụa, lẻn ra cửa hông, lên ngựa nhắm cửa biển Nam Sơn dung ruổi. Đến nơi hẹn, kẻ tùy tùng đã tề tựu trước, cả bọn cùng bước xuống một chiếc thuyền neo sẵn. Vừa khom mình chun vào khoan, Văn Khuông bỗng nhìn sững rồi sụp xuống lạy ra mắt một cụ già áo đạo, quạt lông, cốt cách phiêu nhiên như Gia Cát Vũ Hầu đời Hán. Thì ra cụ già đó là quan Nội Tán Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ thân hành đến đón Sứ bộ. Quan Nội Tán hỏi qua sứ trình, khen ngợi Văn Khuông rồi ra lệnh đà công nhổ neo giong buồm về Nam.”
[22] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Tập một (Hà Nội, nxb Sử Học, 1962); trang 46.
[23] Nhân vật Tử Phòng, Khổng Minh:
- Tử Phòng (Zi Fang) là biểu tự của Trương Lương (Zhang Liang; 266 - 188 TTL), sinh tại kinh đô nước Hàn (Han); nay là thành phố Trịnh Châu (Zheng Zhou), tỉnh Hà Nam (He Nan), nước Tàu. Ông là mưu sĩ tài ba, theo giúp Lưu Bang (Liu Bang; 256 - 195 TTL) diệt Tần (Qin), được xếp vào hạng danh thần khai quốc của nhà Hán (Han). Người đời sau gọi ông là Mưu Thánh (謀 聖), đứng vào hàng thứ ba, trong 10 đại quân sư kiệt xuất nhất của nước Tàu ngày xưa; sau Tôn Vũ (Sun Wu), Tôn Tẫn (Sun Bin) và trên Gia Cát Lượng (Zhu Ge Liang), Lưu Bá Ôn (Liu Bo Wen).
- Khổng Minh (Kong Ming) xem Ghi chú số 6.
[24] Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, bản dịch, sđd., trang 44 - 45.
[25] Trường Thành: do chữ Định Bắc Trường Thành (定 北 長 城), là thành dài bình định đất Bắc; danh hiệu do vua Minh Mạng (明 命) tặng cho hai lũy Trường Dục và Đồng Hới ngày trước, đã giữ được bờ cõi phía Bắc của chúa Nguyễn.
[26] Đồng Hới: Nguyên có tên là Động Hải (động: hang, hải: biển), người Tây Phương phiên âm thành “Denghei”; rồi người Việt lại một lần nữa phiên âm từ tiếng Pháp, đọc là “Đồng Hới” và dùng từ này đặt tên cho tỉnh lỵ Quảng Bình.
[27] Cửa Cẩm La (trên sông Nhật Lệ) thuộc làng Văn La (trước là Cẩm La), huyện Phong Lộc, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Sau 1945, huyện này đổi là Quảng Ninh.
[28] Hệ thống Lũy Thầy gồm: Lũy Trường Dục (長 育壘), đắp năm 1630, ở bờ Nam sông Rào Đá rồi quặt theo bờ Tây sông Nhật Lệ. Và lũy Động Hải (洞 海 壘), đắp năm 1631, còn gọi là lũy Trấn Ninh (鎮 寧 壘) chạy dài từ núi Đâu Mâu đến cửa sông Nhật Lệ ở xã Trấn Ninh (xã này, sau đổi là Phù Ninh, huyện Phong Lộc). Hai lũy trên, do Đào Duy Từ đắp. Còn lũy Trường Sa (長 沙 壘), do tướng Nguyễn Hữu Dật (阮 有 鎰; 1603 - 1681) đắp theo mệnh của Chúa Sãi (xem hình 2: Hệ thống Lũy Thầy).
[29] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, bản dịch, Tập II (Hà Nội, nxb Giáo Dục, 1998); trang 260 và nhiều quyển sử khác, chép là “Lê Văn Hiểu” (黎 文 曉). Riêng Phan Khoang, Xứ Đàng Trong, trang 331, chép là “Đô đốc Trịnh Đào,” có kèm theo chữ Nho “鄭 檮”
[30] Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, bản dịch, Tập một, trang 58.
[31] Võ Xá: tên xã, thuộc huyện Phong Lộc, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; vùng này lầy lội quanh năm, tạo lớp bùn dày, khó đi lại.
[32] Việc Trịnh Tráng sai người bí mật đưa thư dụ dỗ Đào Duy Từ bỏ Nguyễn về với Trịnh. Họ Đào đã tìm cách từ chối khéo để chúa Trịnh không đến nỗi quá tức giận, tìm cách trả thù họ hàng và mồ mả tổ tiên ông ở Thanh Hóa. Tương truyền hai bên đã đối đáp nhau bằng những câu ca dao. Thiết nghĩ, sự đối đáp ấy, phải dùng văn tự chỉnh đốn mới thuyết phục được đối tượng, và nhất là việc từ chối cần phải lựa lời để được việc mình mà không gây mếch lòng. Như thế, không thể dùng vài câu ca dao đưa đẩy để trả lời. Nhưng người đời thấy sự kiện ấy lý thú và cảm kích lòng trung kiên của Đào Duy Từ đối với Chúa Nguyễn, nên đã thi vị hóa bằng những câu ca dao đối đáp.
[33] Theo sách Dung Trai Tam Bút, Trương Tịch (Zhang Ji) làm việc tại mạc phủ của một Tiết độ sứ ở một trấn, viên Nguyên soái Trấn Vận là Lý Sư Cổ (Li Shi Gu) cho người mang lễ vật đến mời ông tới giúp việc. Trương Tịch khước từ, nhưng sợ bị thù hằn, bèn làm bài Tiết Phụ Ngâm (節 婦 吟) gửi lại.
Quân tri thiếp hữu phu,
君 知 妾 有 夫 ,
Tặng thiếp song minh châu.
贈 妾 雙 明 珠。
Cảm quân triền miên ý,
感 君 纏 綿 意 ,
Hệ tại hồng la nhu.
繫 在 紅 羅 襦。
Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi,
妾 家 高 樓 連 苑 起 ,
Lương nhân chấp kích Minh Quang lý.
良 人 執 戟 明 光 裏。
Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt,
知 君 用 心 如 日 月,
Sự phu thệ nghĩ đồng sanh tử.
事 夫 誓 儗 同 生 死 。
Hoàn quân minh châu song lệ thùy,
還 君 明 珠 雙 淚 垂,
Hận bất tương phùng vị giá thì!
恨 不 相 逢 未 嫁 時。
Ngô Tất Tố dịch:
Chàng hay em có chồng rồi,
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.
Vấn vương những mối cảm tình,
Em đeo trong áo lót mình màu sen.
Nhà em vườn ngự kề bên,
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang.
Như gương, vâng biết lòng chàng,
Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa.
Trả ngọc chàng, lệ như mưa,
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng!
[34] Nguyễn Văn Sâm; Văn Học Nam Hà, in lần 2 (Sài Gòn, nxb Lửa Thiêng, 1974); trang 103.
[35] Đặng Quý Địch; Nhân Vật Bình Định (Gia Định, Soạn giả xuất bản, 1971); trang 20 - 21.
[36] Ngày 7 tháng 11 năm 1986, xã Hoài Hảo được chia thành hai xã: Hoài Hảo và Hoài Phú.
Ngày 22 tháng 4 năm 2020, theo Nghị quyết số 932/NQ-UBTVQH14 huyện Hoài Nhơn được nâng lên thành thị xã; đồng thời phường Hoài Hảo cũng được chia thành 6 khu phố: Cự Lễ, Hội Phú, Phụng Du 1, Phụng Du 2, Tân Thạnh 1, Tân Thạnh 2. Trong lần cải tổ này, thôn Tân Thạnh và thôn Phụng Du, mỗi thôn được chia làm 2 khu phố.
[37] Tư Hiền: Tư Dung là tên cửa biển phía Nam Thuận Hóa, đời Lý gọi là Ô Long, đời Trần gọi là Tư Dung, đời Mạc kiêng húy vua Mạc gọi trại là Tư Khách, đời Lê Trung Hưng trở lại gọi Tư Dung, vua Thiệu Trị nhà Nguyễn đổi là Tư Hiền. Nay cửa biển này thuộc tỉnh Thừa Thiên.
[38] Đặng Quý Địch, sách đã dẫn, trang 20, đã đề cập các điệu múa trong cung đình.
[39] Phan Khoang; Việt Sử: Xứ Đàng Trong (Sài Gòn, Khai Trí xuất bản, 1970); trang 635.
[40] Tác giả tuồng Sơn Hậu, có 2 tài liệu đề cập:
- Thanh Lãng; Bảng Lược Đồ Văn Học, Quyển Thượng (Sài Gòn, nxb Trình Bầy, 1967); trang 313, chép: “Đào Duy Từ có lẽ là người thứ nhất đã đẩy nghệ thuật Tuồng đến chỗ khá tinh vi trong khi ông soạn vở tuồng Sơn Hậu.”
- Đỗ Đức Hiểu chủ biên; Từ Điển Văn Học, bộ mới (không đề nơi, nxb Thế Giới, 2004); trang 379, chép: “Ông có công phát triển nghề Hát bội, là người khởi thảo tuồng Sơn Hậu.”
[41] Y Doãn (Yi Yin) là tướng nhà Thương (Shang) nước Tàu. Ông có công giúp Thành Thang (Cheng Tang) tiêu diệt nhà Hạ (Xia), thành lập nhà Thương và phò trợ với vai trò nhiếp chính của nhà Thương ổn định trong thời gian đầu.
[42] Sằn, tên một nước cổ là Hữu Sân, mà ta quen gọi là Hữu Sằn, nay thuộc tỉnh Sơn Đông (Shan Dong) nước Tàu. Y Doãn, lúc đầu ở ẩn đất Sằn.
[43] Lã tức Lã Vọng (Lũ Wang), tên thật là Khương Thượng (Jiang Shang) tự là Tử Nha (Zi Ya), lại có tự Thượng Phụ (Shang Fu), là vị khai quốc công thần nhà Chu ở thế kỷ 12 TTL. Văn tức Cơ Xương (Ji Chang; 1152 - 1046 TTL), còn gọi là Chu Văn Vương (Zhou Wen Wang) đã lật đổ nhà Thương lập nên nhà Chu tồn tại hơn 800 năm.
[44] Bàn Khê (Pan Xi), tên con sông ở phía Đông Nam huyện Bảo Kê (Bao Ji) tỉnh Thiểm Tây (Shaan Xi), ông Thái Công Vọng (Tai Gong Wang), tức Lã Vọng (Lũ Wang) trước khi giúp nhà Chu (Zhou), từng ngồi câu cá tại đây.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
01/ BÙI VĂN LĂNG ; Danh Nhân Bình Định; Hà Nội, Tác giả xuất bản, 1942.
02/ ĐÀO DUY TỪ; Hổ Trướng Khu Cơ, Nguyễn Ngọc Tĩnh và Đỗ Mộng Khương dịch; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1970.
03/ ĐẶNG QUÝ ĐỊCH; Nhân Vật Bình Định; Gia Định, Soạn giả xuất bản, 1971.
04/ ĐINH XUÂN VỊNH; Sổ Tay Địa Danh Việt Nam; Hà Nội, nxb Lao Động, 1996.
05/ ĐỖ BẰNG ĐOÀN và ĐỖ TRỌNG HUỀ; Việt Nam Ca Trù Biên Khảo; Sài Gòn, Tác giả xuất bản, Nhà in Văn Khoa, 1962.
06/ ĐỖ ĐỨC HIỂU chủ biên & rất nhiều tgk; Từ Điển Văn Học, bộ mới; không đề nơi, nxb Thế Giới, 2004.
07/ NGÔ ĐỨC THỌ chủ biên; Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam; Hà Nội, nxb Văn Học, 1993.
08/ NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn - Bình Định I, II, III; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996.
09/ NGUYỄN VĂN SÂM; Văn Học Nam Hà, xuất bản lần thứ 2; Sài Gòn, nxb Lửa Thiêng, 1974.
10/ PHẠM VĂN SƠN; Việt Sử Tân Biên, Quyển 3; Sài Gòn, Tác giả xuất bản, 1959.
11/ PHAN KHOANG; Việt Sử: Xứ Đàng Trong (1558 - 1777); Sài Gòn, Khai Trí xuất bản, 1970.
12/ QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Tập I; Hà Nội, nxb Sử Học, 1962.
13/ QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, 47 quyển; Hoa Bằng và 2 người khác dịch, ấn hành thành 2 tập; Hà Nội, nxb Giáo Dục, 1998.
14/ THANH LÃNG; Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam, Quyển Thượng; Sài Gòn, nxb Trình Bầy, 1967.
15/ TRẦN TRỌNG KIM; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7; Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964.
16/ TRỊNH VĂN THANH; Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển, Quyển II; Glendale (CA), Đại Nam tái bản, không đề năm.
17/ VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM; Tên Làng Xã Việt Nam Đầu Thế Kỷ Thứ XIX, Dương Thị The - Phạm Thị Thoa dịch và biên soạn; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1981.
18/ VỤ BẢO TỒN BẢO TÀNG; Niên Biểu Việt Nam; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1984.
 







 
 
 

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

TÌNH HỌC TRÒ , ÁNH MẮT YÊU THƯƠNG Nguyễn Thị Thu Sương

TÌNH HỌC TRÒ
 Nguyễn Thị Thu Sương.
 

Sau Mùa hè Đỏ lửa 1972, dân Quảng Trị chạy loạn vào các tỉnh Miền Trung, lưu lạc khắp Miền Nam Việt Nam, và nhiều nhất là ở thành phố Đà Nẳng. Hiệp định Paris 1973 được ký, quân đội Mỹ rút quân về nước, các căn cứ Mỹ bỏ lại ở Non Nước và Hòa Cầm trở thành nơi tạm cư của dân chạy loạn Quảng Trị.
Sau một thời gian ổn định, Trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị đã tổ chức học lại. Trường Trung học Nguyễn Hoàng đóng tại trại 5 Non Nước. Trường tạm thời mở tại một hội trường lớn của Mỹ để lại. Lớp học được ngăn vách bằng cót ép, để trống phần trên và phần dưới, ngồi bên lớp này có thể nghe thầy bên lớp kia giảng bài. Những ngày đầu chưa có bàn ghế, học sinh mỗi người còn phải mang theo một ghế nhỏ để ngồi. Sau một thời gian ngắn, trường đã trang bị được bàn ghế, chúng tôi được một lớp học tương đối ra lớp học.
Thầy Nguyễn Huy Vỹ dạy Anh Văn cho bốn lớp 9, trong đó ba lớp 9/1, 9/2, 9/3 (nữ) và lớp 9/4 (nam). Thầy dạy Anh ngữ rất hay và tận tâm với học trò. Thầy khuyến khích chúng tôi học hành và ganh đua với nhau. Khi vào lớp con gái, thầy lúc nào cũng khen lớp con trai học rất giỏi và cứ nói:” sao con gái lại thua con trai hè!”. Vào lớp con trai thầy cũng dùng chiêu thức đó, các lớp cạnh tranh nhau học hành. Cuối học kỳ 1 thầy nói: “kỳ này thầy sẽ ra đề thi chung bốn lớp, ai đạt điểm cao nhất, thầy sẽ có phần thưởng!” Chúng tôi ganh đua nhau học. Kết quả học kỳ 1, điểm Anh ngữ của tôi là 19 ¼.
Tôi được một quyển tự điển Anh ngữ, đó là phần thưởng của thầy Vỹ. Nhưng đây mới là duyên cớ cho câu chuyện bắt đầu. Tôi có em trai học dưới tôi hai lớp cũng tại trường trung học Nguyễn Hoàng. Vui mừng vì chị đạt giải thưởng của thầy, em tôi đem ra khoe với bạn ngồi cùng bàn. Cậu bạn đó về kể lại cho anh trai mình. Hôm sau, bạn của em tôi nói: “anh trai mình thua chị bạn ¼ đó, anh mình 19 điểm”. Nhưng anh của bạn ấy không đành lòng, đưa ra câu đố: “To be or not to be” là gì?, đề nghị chuyển về cho tôi trả lời.
Thực tình, tôi không biết câu này, tôi tra tự điển mà không thấy. Tôi đành đến hỏi thầy Lữ, thầy giải đáp cho tôi. Đó là phrase bắt đầu của một lời độc thoại (soliloquy) của nhân vật Hamlet, hoàng tử xứ Đan Mạch (Denmark) trong hồi 3, cảnh 1 vở kịch Hamlet của đại văn hào và nhà viết kịch William Shakespeare nước Anh, thời Phục hưng:
“ To be , or not to be – that is the question:
“ Whether ‘ tis nobler in the mind to suffer
……………….
“To be or not to be “có nghĩa là: “sống hay chết, tồn tại hay không tồn tại: đó là một vấn đề nan giải” và nó trở thành câu châm ngôn bất hủ (famous quotation) của William Shakespear.
Khi có câu trả lời, tôi viết gửi lại cho người bạn ấy và không quên ghi chú: “Đồ con nít!”
Tôi đem câu chuyện này nói với nhóm bạn của tôi. Chúng tôi chỉ biết tên bạn ấy, nhưng không biết mặt. Hai lớp học cách buổi nên hoàn toàn không biết mặt nhau. Chúng tôi quyết định phải tìm cho biết mặt người thách đố ấy.
Chuẩn bị cho văn nghệ Tết của trường, liên lớp 9 họp lại ban văn nghệ. Chúng tôi vào họp nhóm văn nghệ, tôi nói với nhóm bạn: ”phải tìm xem mặt chàng kia, xem mặt mũi ra sao, mà phách lối thế!” Trong lúc đó, thật bất ngờ “hắn ta” lại ngồi trước mặt chúng tôi, ôm đàn lặng lẽ cười!
Sau này, khi xong chương trình văn nghệ, tôi mới biết mặt chàng ta.
Ngày liên hoan Tết cuối năm của trường, tôi nhận một thiếp chúc tết xinh xinh, ghi trong đó lời chúc tết và kèm theo câu:” Giọt sương xuân thấm lạnh lòng núi non”. Cả nhóm bạn tôi làm quen với bạn ấy và Mai Anh rất nghịch ngợm gặp người ấy đều đọc to câu đó.
Một hôm, Quảng phát hiện ngay chổ ngồi của tôi, có một lỗ tròn nhỏ, đặt mắt vào có thể nhìn sang bên kia. Quảng đi điều tra mới biết: phòng học của lớp tôi lại sát phòng nhà bạn ấy. (Ba bạn ấy là nhân viên của trường trung học Nguyễn Hoàng nên nhà bạn ấy ở trong trường!).
Buổi học Anh văn, học mệnh đề IF ( Conditional sentences), các bạn có dịp chọc bạn ấy. Ở bên lớp, Quảng và Mai Anh đọc to.”If you are Mountain, I will be Dew”. Không biết ngồi bên nhà, bạn ấy có nghe rõ không? Cái nhóm bạn nghịch như quỷ này luôn gây áp đảo bạn ấy. Bạn ấy chỉ cười mà không nói gì.
Cả nhóm tổ chức buổi họp mặt tại bãi biển Sơn Chà. Chúng tôi đi xe lam từ Non Nước qua Sơn Chà. Cả nhóm ngồi chơi đùa đến gần chiều giải tán, lúc về chúng tôi quyết định không đi xe mà đi bộ dọc bờ biển. Chúng tôi đi bộ từ bãi biển Sơn Chà về đến Mỹ Thị, đến bãi biển trại Hòa Long, Hoa, Mai Anh, Ái Hồng và Quảng đi tiếp về nhà. Tôi và bạn ấy đi bộ dọc bờ biển đến trại 5 Non Nước. Áo dài trắng bay quấn quýt theo bước chân, tóc dài bay tung trong ánh trời chiều. Ánh nắng trên biển bắt đầu dịu lại, dể chịu hơn hẳn. Chúng tôi vẫn lặng lẽ bước bên nhau, nói chuyện vu vơ về bài học này nọ. Bỗng nhiên, bạn ấy dừng lại, ngập ngừng hỏi tôi :
- S có cảm nhận một tình cảm nào đó về mình không? “.
Tôi thẹn thùng bối rối trả lời:
- Mình cũng không biết nữa!
Rồi chúng tôi tiếp tục bước, mỗi người đeo đuổi mỗi ý nghĩ riêng. Tôi không thể trả lời câu hỏi của bạn ấy, tôi mơ hồ cảm nhận về nó, nhưng không thể diễn tả nó như thế nào.
Ông ngoại tôi nổi tiếng là người khó tính. Hồi ở Quảng Trị, các bạn trai của các dì đến nhà chơi, ông ngồi quan sát và nhìn đồng hồ. Thấy không thích anh chàng nào ông lên tiếng hết giờ đến chơi. Không biết bạn ấy lấy cam đảm như thế nào mà dám bước vào nhà tôi. Ông ngoại tôi nằm trên gường, kế bàn học của tôi lắng nghe hai đứa nói chuyện. Lúc đầu tôi sợ thật tình, nhưng khi nói chuyện về học hành, chuyện sách vở, tôi quên mất cảm giác sợ hãi. Hai đứa trao đổi nhiều đề tài từ học hành, văn học, đến chuyện khoa học….Ông ngoại vẫn lắng nghe chúng tôi nói chuyện. Khoảng gần một giờ sau, bạn ấy cúi chào và xin phép ra về. Khi bạn ấy ra đi khỏi nhà, ông ngoại tôi khen:”thằng nhỏ học hành được đó, nói chuyện khá, nghe được”.
Từ đó, sau mỗi tối học bài xong, bạn ấy hay qua nhà tôi nói chuyện, dưới sự cho phép của ông ngoại. Nhà tạm cư không gian chật hẹp, chỉ có căn phòng nhỏ, nhất cử nhất động đều nằm dưới sự kiểm soát của ông ngoại. Chúng tôi vô tư nói chuyện, tôi cũng hóm hỉnh đối đáp với kiến thức có được, mang đến nhiều tiếng cười góp vui cho ông ngoại.
Dì Út tôi từ Đà lạt về thăm ông ngoại, tổ chức chuyến đi chơi Ngũ Hoành Sơn. Vài người bạn của bạn ấy, ba người hàng xóm và hai dì cháu tôi đã thành một nhóm tham quan Ngũ Hành Sơn.
Chúng tôi đi Ngũ Hành Sơn, nhưng chủ yếu tham quan Thủy Sơn. Tham quan nhiều đền chùa và hang động. Phong cảnh Ngũ Hành Sơn lúc nào vẫn đẹp, dù đi bao nhiêu lần, lúc nào tôi vẫn thấy khám phá ra nhiều điều mới lạ. Chúng tôi leo lên Vọng Hải Đài. Đứng trên ngọn núi cao, ngắm nhìn bao quát thành phố biển Đà Nẵng, ngắm bãi biển cát vàng vòng cung từ Sơn Chà đến Non Nước. Trời xanh và biển xanh, xanh ngắt một màu, mây trắng lững lờ trôi, ngọn núi Sơn Chà vươn dài ra biển, quang cảnh Vịnh Đà Nẵng thật đẹp như tranh. Nhìn về hướng đông nam là đảo Cù Lao Chàm, những đàm chim hải yến bay lượn dưới bầu trời xanh trong.
Chúng tôi đến thắp nhang ở chùa Linh Ứng và chùa Tam Thai. Chúng tôi đến động Huyền Không, đây là động lớn nhất của Ngũ Hành Sơn. Động nằm lộ thiên và có cấu trúc độc đáo ấn tượng với máy vòm bình tròn thông qua bên ngoài nên luôn tràn ngập ánh sáng. Bạn ấy quỳ cầu nguyện trước tượng Phật Quan Âm Bồ tát rất lâu. Tôi hỏi:
- S cầu nguyện xin gì mà lâu quá vậy?
Bạn ấy cười bảo:
- Bí mật.
Theo truyền thuyết, chúng tôi hứng nước trong thạch nhủ uống, với hy vọng mang nhiều may mắn trong cuộc đời.
Dù đến Ngũ Hành Sơn nhiều lần, nhưng không lần nào tôi dám xuống tham quan Động Âm phủ, nghe nói có con đường tối om và những hình dáng tượng đáng sợ dẫn xuống, tôi sợ không dám bước vào. Chúng tôi đã chụp rất nhiều hình, có một vài tấm hình tôi còn giữ đến ngày nay.
Chúng tôi ngày càng thân thiết nhau hơn, thỉnh thoảng bạn ấy nhờ em trai mang qua một bài thơ nhỏ hay một lá thư cho tôi. Bạn ấy viết lưu bút cho tôi, với những tình cảm thân thương của tuổi học trò, những mơ ước tương lai của chàng trai nhiều hoài bảo. Thời gian chia ly cũng đang đến gần. Bạn ấy và gia đình quay về lại Quảng Trị, tôi cùng ông ngoại vào định cư Nha Trang. Trước khi chia tay, bạn ấy tặng tôi một tấm thiệp có hình hoa Pensée (Pansy) màu tím với những tình cảm thiết tha.
Ngày chia tay đã đến. Sáng sớm hôm ấy, nhà bạn ấy trở về Quảng Trị. Cả nhà gói ghém đồ đạc và di chuyển trên một chiếc xe tải lớn. Trời còn tối, tôi và dì Út ra bên hiên nhà tiễn bạn ấy, bạn ấy ngồi trên xe tải pha đèn pin đến chổ tôi đang đứng. Tôi đứng đó vẫy tay chào tạm biệt bạn ấy và gia đình. Bạn ấy pha đèn pin và nhá đèn pin nhiều lần để chào tạm biệt tôi và dì Út. Chiếc xe chạy xa dần và mất hút trong bóng đêm. Tôi nhận thấy một cái gì đó vở vụn trong tôi, tôi không cầm được nước mắt. Tôi sẽ khó gặp lại bạn ấy. Bạn về quê Quảng Trị, còn tôi vào Nha Trang, địa chỉ không rõ ràng, có thể nói là chưa có, không có manh mối nào để có thể liên lạc cho nhau. Sống trong thời buổi loạn lạc, đầy bất trắc và tạm bợ này, xa nhau xem như là mất nhau, khó mà gặp lại.
“Nàng đứng ngóng, vẫy tay buồn thê thảm
Ánh đèn pin tôi viết chữ phân ly
Lòng nghẹn ngào, mắt ứa lệ hoen mi
Tình trong trắng như pha lê tan vỡ”
(Nam Hải Trường Sơn)
Năm 1977, bạn ấy đến thăm tôi tại Ký túc xá trường Đại học Kinh Tế TPHCM. Dáng vóc bạn ấy vẫn như ngày nào, vẫn vui tính và dí dỏm, tôi và bạn ấy ngồi nhắc chuyện ngày xưa. Nhưng tôi biết bạn ấy bây giờ đã khác xưa, bạn ấy đã có người yêu mới. Chúng tôi bấy giờ xem nhau như những người bạn thân của ngày xưa còn bé. Tôi trân trọng tình cảm của bạn ấy, giữ gìn những kỷ niệm, những ngày tháng xưa tươi đẹp và trong sáng.
Thời gian không dừng lại, như nước trôi qua cầu, đi đi mãi không bao giờ trở lại. Con người đã thay đổi, nhưng kỷ niệm xưa vẫn còn đó, nó đánh dấu một khoảng đời mà chúng tôi đã có nhau. Tôi mượn tạm mấy câu thơ của một nhà thơ để kết thúc.
“Duyên dang dở để ngàn thu nhung nhớ
Mộng trinh nguyên trôi vạn kiếp tồn lưu
Hạnh phúc tuổi thơ thiên trường địa cữu
Xin giữ gìn năm tháng đã có nhau!”
(Nam Hải Trường Sơn)
Trích thêm trọn bài thơ của bạn tôi ngày xưa.
 
TRINH NGUYÊN 
 
Ngó dòng chữ ghi đầu trang sách nhỏ
Ngậm ngùi thương gió cuốn bụi thời gian
Nét mực xanh, giấy thắm đã phai tàn
Quanh ký ức bồng bềnh năm tháng cũ
 
Nhớ mãi mái trường xưa, người tố nữ
Bài Anh văn cả bốn lớp thi chung
Nàng thủ khoa nên hứng thú vô cùng
Hoa vương miện phút giây thành hiện thực
 
Thua (một phần tư điểm) cứ ấm ức
(Ai đường đường là bực đại tu mi
Lại cam tâm lép vế “tiểu oa nhi?”)
Nên phóng bút hiên ngang đòi hỏi đố
 
Lời Shakespeare trong vở kịch xưa cổ
Chàng Hamlet: “To be or not to be?”
Đặt vấn đề sống chết với hoài nghi
Rồi “Tồn tại hay không? Mất hoặc có?”
 
Thành dấu ấn khởi đầu duyên hạnh ngộ
Tuổi học trò từ đó lắm mộng mơ
Cát hong vàng, biển động... cũng nên thơ
Ôm đàn hát ru trăng sao huyền ảo
 
Thiệp chúc Tết chua thêm dòng áo não
“Giọt sương xuân thấm lạnh lòng núi non.”
Lời tỏ bày trong mấy chữ cỏn con
Mong gói trọn phiến tình son bàng bạc
 
Nàng trả lễ bằng ngôn từ đài các
Bảo rằng tôi nên “gột rửa” tư duy
Như thể yêu là bệnh dịch hiểm nguy
Và con nít chớ điên rồ, xuẩn ngốc
 
Tôi khấn nguyện “tiểu oa nhi” nhiễm độc
Để tặng nàng phương thuốc giải tương tư
Cứu giai nhân như một đấng y sư
Nhưng lưu bút cứ ghi “mình trong sáng”
 
Bờ Non Nước nàng cười như tiên giáng
Động Ngũ Hành tôi dệt mộng Thiên Thai
Núi Sơn Chà hai đứa nhập Bồng Lai
Tình yêu đến tím khung trời Đà Nẵng
 
Nguồn thương nhớ long lanh chùm hoa nắng
Chuỗi ngày vui như ảo ảnh hoàng lương
Cuối dòng... sông chẻ nhánh rẽ đôi đường
Ngày tiễn biệt bình minh còn hắc ám
 
Nàng đứng ngóng, vẫy tay buồn thê thảm
Ánh đèn pin tôi viết chữ phân ly
Lòng nghẹn ngào, mắt ứa lệ hoen mi
Tình trong trắng như pha lê tan vỡ
 
Duyên dang dở để ngàn thu nhung nhớ
Mộng trinh nguyên trôi vạn kiếp tồn lưu
Hạnh phúc tuổi thơ thiên trường địa cữu
Xin giữ gìn năm tháng đã có nhau!
 
Nam Hải Trường Sơn
Mến tặng Thu Sương
Canada, giữa một mùa hạ nhớ gió cát Đà Nẵng
NTTS, 12/6/2020.
 
Truyện ngắn: ÁNH MẮT YÊU THƯƠNG
Câu chuyện xảy ra ở một tỉnh địa đầu giới tuyến trước Mùa hè đỏ lửa 1972.
Nguyễn Thị Thu Sương.
 


Hương là tên một cô bé đang học lớp đệ thất tại trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị - ngôi trường công lập danh giá nhất trong tỉnh hồi đó.Hương có cô bạn rất thân cùng lớp tên Lài, hai đứa lúc nào cũng bên nhau.
Mỗi ngày, hai đứa cùng nhau đến trường. Sau khi học bài xong, Hương hay qua nhà Lài chơi, lúc nào cũng mang theo đồ ăn vặt, khi thì ô mai, cóc chua hay ổi dầm. Lài quê ở Bình Định theo cô ruột ra Quảng Trị học. Nhà cô của Lài là một cửa hiệu buôn lớn bán len, áo len, vali, túi xách… Cô của Lài là thiếu nữ xinh đẹp, được cưới về làm vợ thứ cho một chủ tiệm buôn lớn người Hoa. Người vợ cả cũng người Việt Nam nhưng bà không sanh con được. Cô Lài sanh cho ông ba người con: hai trai và một gái. Người con trai cả có thể gọi là đại thiếu gia hồi đó. Anh thừa hưởng nét đẹp và dáng vóc của cha, đẹp trai, cao lớn và học giỏi. Anh là học sinh cùng trường với Hương và Lài, sau khi tốt nghiệp tú tài hai anh vào Huế học Đại học Sư phạm khoa Hán văn. Hồi đó, theo lời kể của Lài, anh có yêu một cô gái xinh đẹp, là anh em cô cậu với anh ( mẹ của cô gái là em gái cùng mẹ khác cha của anh). Anh dự định tốt nghiệp đại học là thưa chuyện với mẹ cô gái xin cưới cô gái . Nhưng khi ngõ lời cầu hôn, mẹ cô gái không đồng ý, bảo gia đình cô ấy đã dự định gả cho một gia đình khác ( thực sự vì gia đình nghĩ bà con). Anh thất vọng buồn bã, sinh bịnh, thêm phần tức giận, anh đã thổ huyết. Sau đó, anh từ giã gia đình vào chùa tu ở Huế. Theo Lài kể, gia đình can gián và năn nỉ anh trở về, nhưng anh từ chối. Hai năm sau, cô bạn gái cũng kiên quyết từ hôn vào chùa năn nỉ anh về. Anh không về và nói rằng anh đã có duyên với Phật và nguyện sẽ đi tu suốt đời.
Khi Hương đến chơi nhà Lài, anh đã xuống tóc đi tu được khoảng ba năm; lúc đó anh hai mươi bảy tuổi. Những lúc anh từ Huế về thăm nhà, Hương tò mò theo dõi anh. Đối với cô, trong nhà có người đi tu cũng là chuyện lạ và điều đặc biệt là anh quá đẹp trai. Trong mắt cô bé mười hai tuổi, anh quá hoàn hảo, không hiểu sao lại bị từ chối hôn sự. Những lúc anh về thăm nhà, Hương và Lài chú ý theo dõi anh. Hai đứa qua căn gác gỗ đối diện với căn phòng bên lầu đúc của anh, nhìn qua khe cửa xem anh làm gì. Sau giờ cơm (anh thường được dọn cơm riêng), ăn xong anh lên lầu. Hương vẫn dõi mắt nhìn theo. Hình như anh biết được sự chú ý của Hương, khi lên lầu, anh mỉm cười nhìn lại. Hương quay mặt đi, dấu sự hoảng hốt của mình.
Anh Sanh người con trai thứ hai và chị Khánh cô em gái út rất thương mến Hương. Hai anh chị đã dạy thêm Anh văn cho nhóm bạn học của Lài và Hương. Thỉnh thoảng Hương được Lài cho xem những bài thơ tình của anh Sanh tặng người yêu, anh làm thơ thật hay và lãng mạn. Lài bảo anh Linh (tên của người đi tu) làm thơ cũng hay lắm, nhưng hai đứa chẳng bao giờ được đọc bài thơ nào. Với Hương anh vẫn là anh trai của Lài, cô không quen gọi là Sư. Cô cũng không hề bắt chuyện với anh, không tiếp xúc với anh bao giờ. Cô chỉ đứng đằng xa ngắm nhìn và ngưỡng mộ anh thôi.
Mùa hè đỏ lửa 1972 xảy ra, tan tác và xa nhau. Lài đã về lại Bình Định, anh trở về chùa và lưu lạc ở đâu, cô không hề biết tin tức.
Năm 1978, lúc ấy Hương đã là cô sinh viên năm thứ hai của trường Đại học Kinh tế ở Sài Gòn. Khi đang chờ xe buýt đi học trước ký túc xá 135 Trần Hưng Đạo, quận 1, cô gặp lại anh Linh. Anh bây giờ là một nhà sư mặc áo vàng. Vui mừng quá, cô kêu lên:” anh Linh!” Mọi người quay lại nhìn cô, chắc họ ngạc nhiên khi nghe cô gọi tục danh một nhà sư. Họ đâu biết trong mắt cô, lúc đó anh vẫn là anh Linh thưở nào ở Quảng Trị mà thôi. Anh thật đẹp và dáng vẻ thanh cao. Hương nhìn anh với ánh mắt bối rối, trong lòng thấy xao xuyến rung động, cô đã trở thành cô thiếu nữ mười chín tuổi, không còn cô bé ngây thơ ngày nào. Hương bắt gặp ánh mắt trìu mến và yêu thương của anh. Hương thấy choáng ngập trong ánh mắt đó, lòng mơ hồ nhen nhúm một hy vọng mong manh.
Sáu năm trôi qua với nhiều biến động, anh bảo Lài đã lập gia đình và có hai con, hiện đang ở Bình Định. Khi xe buýt đến, anh chỉ kịp nói:“đến thăm anh ở chùa Lăng Ông Bà Chiểu”. Hương cũng không kịp hỏi tên xuất gia của anh.
Gặp lại anh, cô rất vui và xúc động, cô muốn đến thăm anh ở chùa. Nhưng cô sợ tình cảm của mình. Cô nhớ lại lời Lài kể, cô người yêu đầu tiên của anh -mà anh đã yêu rất sâu đậm đã vào chùa năn nỉ anh trở về nhà nhưng anh kiên quyết từ chối. Vậy cô là gì? Cô chỉ là cô bé nhỏ mười hai tuổi, bạn học của em anh ngày xưa, có gì mà hy vọng anh dành tình cảm ưu tiên cho mình? Để mong níu kéo anh, đưa anh quay về cuộc sống đời thường? Cô thấy mình thật nông cạn và viễn vông. Cô quyết định gạt bỏ tình cảm riêng của mình, không đến chùa thăm và làm phiền anh. Nếu cô có đến chỉ làm mình thêm tổn thương mà thôi. Tuy nhiên, ánh mắt yêu thương của anh vẫn theo cô. Những khi gặp đắng cay, phụ bạc trong cuộc đời, cô vẫn nhớ ánh mắt của anh, vẫn tự nhủ và động viên mình, rằng vẫn có người đàn ông đẹp và thanh cao cho cô ánh mắt yêu thương ngọt ngào. Một hạnh phúc mà suốt đời cô không bao giờ quên. Cô yêu anh một tình yêu thuần khiết và lý tưởng.
Nhiều khi cô cũng thấy hối hận, phải chi ngày ấy cô đến chùa thăm anh, thì bây giờ cô đã giữ liên lạc với anh, biết tên xuất gia của anh. Hơn ba mươi năm qua, cô mất liên lạc với người bạn thân thuở nhỏ của mình, chỉ biết Lài về Bình Định, nhưng cụ thể địa chỉ ở đâu, cô không hề biết .
Trong một lần cô đọc tập san “Chân dung và Kỷ niệm” của Trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, cô thấy bài thơ của chị Khánh, lần theo địa chỉ và số điện thoại của chị Khánh, cô đã liên lạc với Lài. Hai đứa mừng rỡ gọi điện cho nhau, hỏi thăm và kể cho nhau nghe những thăng trầm cuộc sống sau một thời gian dài xa cách. Hương có được số điện thoại của anh, Hương gọi điện hỏi thăm và xin địa chỉ để đến thăm anh. Hương nhắc đến cuộc gặp gỡ hơn ba mươi năm về trước ở đường Trần Hưng Đạo Sài Gòn. Anh vẫn nhớ cuộc gặp đó, anh nói anh xúc động trước nhan sắc xinh đẹp của cô ngày ấy và anh cảm nhận được tình cảm cô dành cho anh. Anh mong muốn cô đến thăm anh. Thỉnh thoảng khi ra ngoài anh bắt gặp một hình dáng một cô gái tóc dài, anh cứ tưởng là Hương. Hương không ngờ ánh mắt thương yêu của anh ngày nào là có thực, không phải là sự tưởng tượng của chính mình. Cô cũng thú nhận sự xúc động chới với trước ánh mắt của anh. Cô nói không dám đến thăm anh.
Lài vào khám bệnh ở Sài Gòn, hai đứa thuê xe, rủ thêm nhiều bạn bè và Phật tử về Bà Rịa lên một ngôi chùa trên núi thăm anh. Mặc dù, anh bây giờ đã sáu mươi lăm tuổi đã là một đại lão hòa thượng, nhưng nét đẹp thanh cao vẫn còn đó. Bây giờ cô phải gọi anh là Sư. Sư tu biệt lập ở một cóc lưng chừng núi, hàng ngày mỗi bữa trưa có đệ tử mang cơm đến, bữa tối nhịn ăn, chỉ ăn nhẹ vào bữa sáng. Sư ăn gạo lứt để chữa bịnh. Tinh thần rất tốt, tu yên tĩnh trên núi, làm thơ, nghiên cứu về Phật pháp, Sư đã hoàn thành tiến sĩ về Phật học, thỉnh thoảng dạy Phật pháp cho chùa. Sư tu theo phái Phật Nam tông, phái tu khổ hạnh, sống cần kiệm và khiêm tốn về vật chất.Nhìn thấy Sư sống khiêm nhường trên núi, tự lo sinh hoạt mặc dù tuổi đã cao, Lài đã rớt nước mắt thương cảm, Lài nói với cô rằng ai ngờ một đại công tử ngày xưa mà bây giờ sống khổ như thế. Hương nói rằng Sư tự chọn cách sống của mình, sống với tinh thần Phật pháp mà thôi.
Anh tặng cho cô một tập thơ do anh sáng tác, trong đó có tấm hình anh chụp hồi ở Quảng Trị. Nhìn hình cô thấy lại hình ảnh của anh ngày nào.
Hương thỉnh thoảng gọi diện hỏi thăm sức khỏe của anh và không dám làm phiền sự tu hành của anh.
Hương đã yêu anh một tình yêu chân thành trong sáng, cô muốn đấu tranh tình cảm của mình với tình yêu của anh dành cho Đức Phật. Hương có sự giành xé đấu tranh trong tình cảm của mình. Nhưng cô biết không thể thắng, anh đã chọn lựa đạo Phật. Anh cũng đã rung động trước cái đẹp thanh xuân và tình yêu trong sáng của cô, nhưng chỉ giới hạn ở đó. Tình cảm giữa hai người là chân thực nhưng không thể đến với nhau. Hương xem đó là tình cảm đẹp nhất, thuần khiết nhất, cô luôn gìn giữ trong lòng và nguyện mãi tôn thờ tình cảm đó. Đó là một tình yêu lý tưởng.
NTTS, 24/2/2021.