Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

ÔNG CHA QUẢNG TRỊ Nguyễn Văn Trị, 24-09-2021.

ÔNG CHA QUẢNG TRỊ 
Nguyễn Văn Trị,  24-09-2021.

(Xin viết về một người mang trái tim vĩ đại vừa ngừng đập lúc 9:15’ ngày 21/9/2021 tại Huế. Bài viết này của Anh Tri được đăng trên FB cá nhân 4 năm trước khi trái tim này vẫn còn đập bình an và nay xin phép được bổ sung thêm một vài thông tin từ nhiều nguồn mà người viết tìm hiểu, cũng như được sụ chia sẻ từ những người có liên quan. Xin cám ơn và mong sẽ được quý vị bổ sung thêm tư liệu để bài viết được xác thực hơn.)
 
Người mà tôi đang kể với quý anh chị là một cố đạo người Pháp đã có quá trình gắn bó lâu dài với Quảng Trị như là quê hương thứ hai của Ngài dù sự gắn bó đó có những giai đoạn lịch sử tưởng như tách Ngài ra khỏi miền đất mà nơi đó Chúa đã tác hợp cho họ như cuộc hôn phối không ai có thể chia lìa được.
Đó là Linh mục Etcharren, người mà giáo dân Đông Hà, Cam Lộ và nhiều người Quảng Trị thương mến gọi Ngài bằng một từ đơn giản dễ phát âm là Cha Ét (âm đầu của tên ông … Etcharren ) hay là Ông Cha Quảng Trị.
Họ tên đầy đủ của người là Jean Baptiste Etcharren J.B , quê vùng Irouléguy tỉnh Pyrenees-Atlantiques miền Tây Nam nước Pháp, kế biên giới Tây Ban Nha. Người sinh năm 1932, thụ phong linh mục từ 02-02-1958 tại chủng viện Thừa Sai Hải ngoại Paris ( tên tiếng Pháp của dòng tu này là Société des Missions Étrangères de Paris được thành lập năm 1653 do sự khởi xướng của cố đạo Alexandre de Rhodes (Cha Đắc Lộ người khai sinh chữ Quốc ngữ) và công lao của các linh mục Francoise de Pallu và Lambert dela Motte).Hội Thừa Sai Paris là nơi điều hành các vị linh mục Pháp đi khắp các nước trên thế giới để truyền đạo (giải thích của thầy Đào Văn Nhẫn – cựu GS trường TH Nguyễn Hoàng là người có mối quan hệ gần gủi với Cha Etcharren). Ngay trong năm đầu tiên được thụ phong, ngày 22-4-1958, Tân linh mục 26 tuổi này đã lãnh sứ mạng qua truyền giáo tại Việt Nam và không ngờ xứ sở này đã cuốn hút cả trái tim và khối óc của ngài như là duyên nợ bền lâu.
Nói như Trần Giuse trong trang FB cá nhân:
“ Cha là nhân chứng Nước Trời,
Con dân đất Pháp, sống đời nước Nam.
Như là vật mọn người phàm,
Quên mình phục vụ hàng ngàn chiên con.
Những nơi hiểm hóc núi non,
Nghèo nàn, thất học Cha còn dấn thân…”
Xin được trở lại câu chuyện của Cha Etcharren với người dân QT:
Mùa hè năm 1972, Quảng Trị trở thành biển lửa, Cha là người đưa giáo dân Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ, và cả dân không phải Thiên chúa giáo vào Đà Nẵng, tạm cư tại trại Hòa Khánh là nơi đóng quân cũ của quân đội Mỹ. Chiến sự ở Quảng Trị vẫn tiếp diễn, nhận thấy không thể để dân hồi cư nên vào tháng 3 năm 1973 cha đã tìm phương kế lâu dài bằng cách liên hệ với nhà chức trách tỉnh Bình Tuy ( nay là Tỉnh Bình Thuận) và Chương trình Khẩn hoang Lập Ấp của CP Việt Nam Cộng Hòa do Quốc vụ Khanh Phan Quang Đán đảm trách để cấp đất ở các vùng Tánh Linh, Động Đền, Hàm Tân cho họ vào canh tác và trang bị trợ cấp vật phẩm, nông cụ…. Thời đó những vùng đất này còn hoang sơ, nghe kể lại ở Tánh Linh, Động Đền còn nhìn thấy voi.
Nhờ tầm nhìn và sự quan tâm của Cha mà một bộ phận người dân Quảng Trị không phân biệt lương cũng như giáo đã vào sinh cơ lập nghiệp tại tỉnh Bình Tuy cũ. Với tính chịu thương chịu khó, siêng năng và sáng tạo , cùng với đất đai màu mỡ họ đã phát hoang, làm rẫy, trồng trọt , góp nhặt tích lũy dần dà đã biến vùng này thành một nơi trù phú, sầm uất như ngày nay. Theo lời kể của thầy Hoàng Đằng, và anh Đoàn Đức, CHS Nguyễn Hoàng (cả 2 đều là cựu Hiệu trưởng trường TH Nguyễn Phúc Chu) Cha Etcharren bằng tài ngoại giao của mình đã xin được 100 lượng vàng mua cho ngôi trường công lập này một khu đất rộng 5 ha để phát triển giáo dục vào tháng 1-1975 thời anh Đoàn Đức làm hiệu trưởng. Khi biết tôi có sự quan tâm đặc biệt đến những việc Cha đã làm cho dân QT, anh Đoàn Đức chia sẻ với tôi qua điện thoại: “ Nghe tin Cha qua đời, ngày 21/9 anh xin lễ ở Giáo xứ Thánh Linh, Tân Hà, Hàm Tân nơi ngày xưa anh gặp Cha. Nguyễn Phúc Chu là ngôi trường công, không dính dáng gì đến Thiên chúa giáo cả. Nhưng khi anh thay anh Hoàng Đằng làm hiệu trưởng, Cha Etcharren qua sự giới thiệu của Cha Audice ( là người rất thân thiết với anh Đoàn Đức thời ở cư xá sinh viên Xavie ở Huế), đã tặng anh 100 lượng vàng để mua 5 ha đất xây trường đệ nhị cấp NPC. Ân tình này của Ngài, anh không bao giờ quên.”
Thời còn sống, thầy Lê Văn Quýt, cựu giáo sư Trường TH Nguyễn Hoàng-Quảng Trị, thường nhăc đến Cha với lòng biết ơn vô hạn về những gì Ngài đã làm cho gia đình thầy và nhiều người dân Quảng Trị vào Bình Tuy theo chương trình di dân này.
Ngày 26 tháng 9 năm 2017, nhân chuyến về Hàm Tân thăm Cha với một số anh trong Ban Điều hành cư xá Sinh viên Quảng Trị tại số 223 Công Lý cũ (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) do Cha thuê và tài trợ toàn bộ việc ăn ở, tôi có gặp anh Trương Tuyến, Trưởng ban LL CHS Nguyễn Hoàng Quảng Trị tại Bình Thuận. Khi nói đến Cha, anh Tuyến chia sẻ:” Hiện nay chỉ riêng huyện Hàm Tân đã có 8.416 người Quảng Trị trong đó có 72 anh chị em CHS Nguyễn Hoàng anh Trị ạ. Cuộc sống của chúng tôi ngày hôm nay tương đối đầy đủ, con cháu được ăn học nên người tử tế. Có được như thế là nhờ công lao ban đầu của Cha Etcharren đó”.
Tôi tính nhẩm nếu tính rộng hơn huyện Hàm Tân, số dân QT hiện nay có thể nhiều hơn mấy lần con số của anh Trương Tuyến báo.
Nhắc đến chuyến đi này, xin kể nguyên do mình có ấn tượng về Cha. Số là sau 30 tháng 4 năm 1975, mất nguồn trợ cấp của gia đình nên khoảng tháng 6, 1975 tôi xin vào tá túc tại Cư xá Sinh viên Quảng Trị với mong muốn ở lại SG tiếp tục con đường học vấn. Cư xá này do Cha Etcharren thành lập khoảng 1 năm (?) trước 1975 với mục đích nhân đạo giúp cho con em người Quảng Trị xa nhà, hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt tôn giáo, có nơi ăn chốn ở theo học đại học. Cha giao việc điều hành cư xá cho một Ban chấp hành do sinh viên bầu chọn. Hàng tháng Cha ghé hỏi thăm việc học tập và sinh hoạt của sinh viên và chi tiền sinh hoạt. Tưởng đâu mọi việc suôn sẻ, tập thể khoảng 40 sinh viên chúng tôi yên tâm phần nhà ở và ăn uống để theo việc bút nghiên thì chỉ vài tháng sau đó Cha nhận lệnh của nhà cầm quyền buộc phải về Pháp. Cư xá không còn nguồn tài trợ nên đóng cửa, anh em chúng tôi mỗi người tứ tán một nơi, mạnh ai nấy sống để tồn tại trên đất Saigon.
Bẳng đi 42 năm sau, đầu tháng 9 năm 2017 tình cờ đọc trên fb của một anh bạn có post tấm hình của Cha. Mừng quá tôi hỏi thăm để mong có dịp chiêm ngưỡng và vấn an người đã hết lòng với nhiều người, trong đó bản thân mình cũng có một thời gian mang ơn bảo bọc.
Biết rằng Cha là một người vĩ đại, nổi tiếng của Giáo hội thì làm sao ngài có thể nhớ đến một nhóm nhỏ sinh viên ngày xưa ỏ một cư xá. Nhất là tôi chỉ là cậu sinh viên vào tá túc chưa tới 3 tháng ngắn ngủi , và chưa một lần được diện kiến Người. Nhưng không sao, sống trên đời chịu ơn ai mà có dịp được gặp để nói một lời CÁM ƠN thì đó là việc nên làm và phải làm! Huống gì đây là một Ông cha Quảng Trị người mà nhiều người dân QT hàm ơn, hoăc nghe nói đến Cha với lòng ngưỡng mộ vô biên thì sao mình lại bỏ quá dịp may trời cho này!
Thế là vào ngày đẹp trời 26 tháng 9, 2017, nhóm cựu SV cư xá QT gồm Trần Phong Dũng, Hồ Thanh, Dương Đức Trị và tôi cùng hẹn nhau đi Hàm Tân, Bình Thuận thăm cha. Nơi Cha nghỉ dưỡng sau khi phẫu thuật xương cột sống là Tu Đoàn Bác ái Xã hội Tân Hà, Huyện Hàm Tân. Trong khi chờ gặp người, chúng tôi đã ra sân vườn của dòng tu để viếng mộ Đức cha Phaolo Nguyễn Thanh Hoan (1932-2014), nguyên Giám mục chánh tòa giáo phận Phan Thiết, đồng sáng lập Tu đoàn Bác Ái Xã hội. Cha Hoan cũng là người ngày xưa dựng nên trường Trung học Đắc Lộ ở Đông Hà, và từ năm 1972 đã cùng chia sẻ ngọt bùi với dân Quảng Trị tại Hàm Tân, năm 1972 người sáng lập làng thiếu nhi Bồ Câu Trắng ở Bình Tuy…Đức cha Hoan qua đời năm 2014 để lại bao niềm mến thương cho mọi người.
Đến 11 giờ chúng tôi vào thăm Cha. Với dáng người uy vệ, phong cách nhẹ nhàng, nói giọng Quảng Trị thật rõ ràng và đặc sệt, người đã tiếp chúng tôi trong tình thương mến vì chúng tôi là người Quảng Trị. Chúng tôi nhắc lại cư xá sinh viên QT số 223 đường Công Lý nơi mà người chọn địa điểm, ký hợp đồng thuê nhà và mỗi tháng một lần lái xe đến thăm viếng và giao tiền phụ cấp cho sinh viên ăn học. Người chỉ cười và trả lời là có nhiều biến cố và việc xảy ra trong quá khứ nên không thể nhớ nổi. Tuy nhiên khi nhắc đến Quảng Trị thì người sinh động hẵn và nhớ rất rõ. Cha kể sau 1975 sau khi bị buộc về Pháp, người đã theo đoàn công tác của Công giáo qua Hà Nội và TP HCM vào những năm 1990, 1994, 1996 và 2010, trong đó có một lần được đi qua thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Trong cuộc đời 60 năm làm linh mục , người đã cống hiến 17 năm tuổi trẻ cho Việt Nam (1958-1975) và tuy sau 1975 không còn ở VN, về Pháp người đã có công đào tạo cho các linh mục VN qua Pháp du học. Người kể dòng Thừa Sai Paris ngày xưa gởi qua VN 80 linh mục , hiện nay 70 vị đã về với Chúa còn lại 10 người và chỉ duy nhất người sẽ ở lại với VN cho đến khi mãn phần. Hiện có một linh mục trẻ đang học tiếng Việt để làm người kế thừa của dòng Thừa sai Paris tại VN.
Đến 11g30 dù rất muốn nghe người nói chuyện, nhưng chúng tôi đành tạm biệt do các soeur báo đã tới giờ Cha dùng cơm trưa và nghỉ ngơi. Món quà chúng tôi tặng người là cuốn sách ảnh tựa đề Quảng Trị Đi Nhớ Về Thương của tác giả Phạm Đình Quát với suy nghĩ Ngài đã 85 tuổi, sức khỏe không còn tốt, chắc không thể có chuyến về thăm QT thì với cuốn sách này người có thể lật từng trang nhìn các tấm ảnh về Quảng Trị thân thương sẽ gợi cho người kỷ niệm về năm tháng xưa cũ người đã sống, đã phụng sự đức tin, chăn chiên…
Từ 17 năm gắn bó với giáo dân, rồi QT rơi vào thời kỳ bom đạn chiến tranh khốc liệt , trong người đã phát sinh tình cảm mến yêu miền đất nghèo nàn, gian khổ, nhưng đầy tình người này. Cha Etcharren, ông Tây chính hiệu mà nếu chỉ nghe tiếng nói không thấy người ai cũng nghĩ đó là người Quảng Trị. Chả trách ngài được người dân quê tôi mến thương đặt tên là Ông cha Quảng Trị!
Cuộc đời của Cha Etcharren là một chuỗi thời gian trọn vẹn dành phụng sự đạo và đời với đức tin không hề lay chuyển. Những gì Cha đã làm chỉ có Chúa mới biết rõ! Tôi là người ngoại đạo, có cơ may được diện kiến người một lần trong đời trong chuyến thăm viếng đặc biệt này, nhưng khi nghe kể về những công lao của người chăm lo cho dân Quảng Trị không kể là giáo hay lương, thú thật trong lòng tôi luôn dâng trào cảm xúc của sự ngưỡng mộ và tri ân vô hạn.
XIN LƯỢC KỂ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỐNG HIẾN CỦA MỘT TÔNG ĐỒ CHĂN CHIÊN NHƯ SAU:
15/4/1932: Chào đời tại Irouléguy, Pháp
9/1950: Gia nhập Hội Thừa Sai Paris ( Missions Étrangeres de Paris), viết tắt là MEP.
1952-54: Đi nghĩa vụ quân sự Pháp
2/2/1958: Thụ phong linh mục tại MEP
4/1958: Nhận sứ mệnh truyền giáo tại VN, học tiếng Việt tại Kampuchia
1959: Phó xứ La Vang, Quảng Trị, thuộc Giáo phận Huế
1960: Phụ trách giáo điểm Mai Xá, Q Trị, Giáo phận Huế
1961: Giáo viên trường Providence (Thiên Hữu) và Tiểu chủng viện Hoan Thiện, Huế
1966: Quản xứ Đông Hà và khu vực Quảng Trị
1972: Đưa giáo dân và người QT đi tỵ nạn chiến cuộc tại Hòa Khánh, TP Đà Nẵng
1973: Đưa giáo dân và dân QT vào định cư tại Bình Tuy, Giáo phận Phan Thiết
1974: Đắc cử Bề trên Miền Hội Thừa Sai Paris (MEP)
1975: Bị buộc phải rời khỏi Việt Nam, trở về Pháp
1976: Đặc trách Mục vụ Di Dân toàn Pháp quốc (phụ trách việc tỵ nạn cho dân Việt Miên Lào)
1983: Tổng tuyên úy kiều bào Việt Nam tại Pháp
1986: Đắc cử Trợ phụ tá Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris
1992: Đắc cử Tổng Đại diện Hội Thừa Sai Paris
1993: Phụ trách Sở Tuyên úy đón tiếp các Linh mục Việt Nam sang Pháp du học.
1998: Đắc cử Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris và đảm nhiệm chức vụ này suốt 12 năm
2010: Nghỉ hưu tại Tòa TGM Huế theo lời mời của Đức Tổng GM Têphano Nguyễn Như Thể
9:15’ ngày 21/9/2021 về với Chúa – Hưởng thọ 89 tuổi, 63 năm mặc áo Linh mục
Lễ tiễn đưa và mai táng lúc 15:00 ngày 22/9/2021 tại nghĩa trang Đại Chủng Viện Huế.
KỶ NIỆM VỀ CHA TỪ MỘT SỐ NGƯỜI MÀ TÔI ĐƯỢC BIẾT:
1- Thầy Hoàng Đằng, Cựu Giáo sư NH, và Cựu Chánh thanh tra Sở Học Chánh tỉnh Bình Tuy cũ năm 1975 nhớ lại:
“Năm 1974, dân Quảng Trị vào Bình Tuy ở hai khu Động Đền và Láng Gòn; ở Động Đền, có trường trung học công lập Cam Lộ chuyển vào; ở Láng Gòn, chỉ có trường tư thục Đắc Lộ từ Đông Hà di cư vào, còn trường trung học công lập chưa có; dân Láng Gòn vận động mở trường trung học công lập, Sở Học Chánh Bình Tuy ủng hộ lập thủ tục, chính quyền tỉnh Bình Tuy thoả hiệp, Bộ Giáo Dục ở Sài Gòn đồng ý; qua lời ông Ngô Ngọc Hiệp - lúc đó làm Phó Tổng Thư Ký Bộ Giáo Dục, người quê thị xã Quảng Trị, Bộ không còn chính sách mở trường trung học công lập nữa mà các tỉnh mở loại trường trung học tỉnh hạt, tuy nhiên, Bộ ưu đãi cho trường hợp này với điều kiện địa phương phải dành sẵn đất để xây trường; anh em giáo chức di dân mình trình bày chuyện đó với Cha, Cha bảo mấy thầy khỏi lo, rồi Cha thương lượng mua lại khu lò than của nhà tư sản Phạm Ngọc Né với giá 37 triệu hay 3,7 triệu đồng (lâu quá, không nhớ chính xác). Đất mua xong, trường tạm khai giảng lấy tên trường trung học Nguyễn Phúc Chu (từ lớp 6 đến lớp 12) tại một cơ sở do UNICEF giúp xây dành cho bậc tiểu học. Bộ đang chuẩn bị cấp ngân sách để xây trường trung học thì biến cố 30/4/1975. Người được việc chỉ có ông Phạm Ngọc Né! Nhắc đến chuyện này, tôi muốn tỏ lòng cảm phục Cha - người mà trong giai đoạn đó không những vừa lo ăn, lo ở, lo tương lai ổn định cho dân Quảng Trị mà còn lo trường công lập trong khi đã có sẵn trường Công Giáo là trường Đắc Lộ. Cách đây mấy tháng, bạn tôi - thầy Đoàn Đức - nói với tôi có ghé thăm cha Etcharren ở nhà Chung Huế, tôi vô cùng ngạc nhiên; nay lại nghe anh Trị viết có thăm Cha ở Láng Gòn, thế là chắc chắn Cha đã chọn Việt Nam làm quê hương. Ước gì tôi có dịp thăm Cha một lần!”.
2- Anh F.X Đoàn Hiếu Trung (Trung Đoàn), người đi theo cha vào Hàm Tân trong chương trình khẩn hoang lập ấp hiện ở Giáo Xứ Đông Hà, Hàm Tân viết:
” Ngài là cựu Chánh Xứ Giáo Xứ Đông Hà ở ngoài Đông Hà, Quảng Trị, cùng dân các quận Đông Hà, Gio Linh, Cam lộ vào Bình Tuy.Ngài là vị chủ chăn hết lòng lo cho đàn chiên. Không những chỉ tín hữu thôi, nhưng tất cả, kể cả các tôn giáo bạn... Không chỉ đồng bào Đông Hà, nhìn chung cả dân Quảng Trị. Có những dự án của Ngài thực tế và hiệu quả! Như:Thuê nhà cho anh em Sinh Viên trú ở Sài Gòn(trước 75), mua bò về cho các người nghèo nuôi luân phiên trong Giáo xứ (kể cả người ngoài Công Giáo nếu đủ điều kiện Ban Mục vụ xét), cụ thể là hồ chứa Tân Hà, có nước làm ruộng được mấy năm! Hiện giờ Ban Thủy Lợi quản lý... Rất tiếc nước không về được, dân bỏ ruộng phần nhiều trồng bạch đàn và keo...
Tui xin mạo muội kể sơ về ba dự án đặc trưng , còn rất, rất nhiều dự án của Ngài…” .
3- CHÂN DUNG MỘT THỪA SAI HOÀN HẢO- Lê Cẩn FX61
Cha J.B. Etcharren đã đi vào cõi vĩnh hằng ngày 21.9.2021, kết thúc 89 năm hành trình dương thế và 63 năm linh mục. Chúng tôi biết ngài vào năm lớp 5eme tại chủng viện Hoan Thiện, thường gọi ngài là Cố Êt. Cha giáo J.B. Etcharren dạy môn francais. Lần đầu tiên chúng tôi học tiếng Pháp, nghe tiếng Pháp với người Pháp. Cố dùng cuốn sách Grands Coeurs – Ông Hà Mai Anh rất khéo dịch Tâm hồn cao thượng , diễn tả hết ý nghĩa- của Edmond de Amicis làm thủ bản. Sách giàu từ ngữ và mỗi trang sách là một bài dạy làm người, dạy cách ứng xử văn minh, lễ độ, tế nhị với cha mẹ, thầy giáo, bạn bè; là lời người cha dạy con đầy tình cảm. Bản dich từ nguyên bản tiếng Ý sang tiếng Pháp rất tốt ( theo nhận xét của Cha giáo). Sau môt năm học với Cha, ngoài nhưng bài học về giáo dục nhân bản, tiếng Pháp của học trò tiến bộ vượt bực, có thể viết bài văn tiếng Pháp xuôi chảy. Qua năm lớp 4eme tại trường Thiên Hựu, ngài dạy môn geographie và cathechisme.
Là dân xứ núi Basque miền Nam nước Pháp, thể hình cao lớn như những vị đồng hương là Đức Cha Urrutia, Cha Oxarango, xứng hợp với vóc dáng của Cố là chiếc xe môtô Harley dềnh dàng. Mỗi khi nghe tiếng nổ bành bành lớn/nhỏ là biết Cố đi hay về mà cảnh giác, loạng quạng bị bắt lỗi luật là Cố xuất cho một chưởng nên thân. Nói thế mà nhắc nhở nhau chứ chưa thấy Cố xuất chưởng với chú nào.
Tính tình Cố vui vẻ, thân thiện, dễ mến. Giờ giải lao chúng tôi hay lên phòng ngài, đôi khí có kẹo Tây ăn. Cố thường có một câu để động viên học trò trong lớp Vouloir c’est pouvoir, muốn là có thể được, phải biét khát khao và làm hết khả năng. Chú Lê Đình Tường PX 59, vào giờ làm vệ sinh nhà cửa hằng tuần, đang quét hành lanh trước phòng Cố, gặp Cố bước ra khỏi phòng liền thưa với Cố thưa Cha Vouloir c’est pouvoir bây giờ trở thành vouloir c’est couloir, ước muốn giờ là hành lang( đang lau quét). Cố cười thich thú kiểu chơi chữ và hay nhắc lại.
Cố là người nghiêm túc về đúng giờ, rất khó chịu khi bị sai giờ. Có một lần chú chấp lệnh đã để cho giờ chơi quá 5 phút mà chưa kéo chuông. Cố làm thay chú chấp lệnh. Nhiệt tình quá , chuông ré lên khác thường một hồi dài , tức tối nhảy khỏi chỗ gắn, rơi tự do xuống. Tạ ơn Chúa, sém qua vai ngài.
Cố rất chịu khó học tiếng Việt, cho ăn kẹo để gần gũi nói chuyện với thanh thiếu niên, thế mới xảy ra chuyện dở khóc dở cười. Thời gian năm 1959 bề trên đặt Cố làm phó giáo xứ La Vang để có cơ hội học tiếng Việt, Cố nghe chúng nói với nhau nhưng câu đại loại như Tổ cha mi, Ông nội mi ...mi mậc đồ đẹp hè, mi đi mô mà không kêu tao Cố nghe lạ tai bèn hỏi lại, chúng thưa đó là câu chúng con thân mật chào nhau. Cố thực hành bài tiếng Việt với Cha xứ, mấy dì phước. Ái chà , ai nấy đỏ mặt tía tai, giải thich cho Cố đó ngôn ngữ bụi đời tụi trẻ nói với nhau- bây giờ gọi là đám trẻ trâu- người lớn thanh lịch không sử dụng. Xem như Cố bị việt vị.
Cố rất tình cảm, yêu thương học trò. Anh bạn cùng lớp, dù đã xuất tu, du học Pháp , được ngài mời về quê nhà xứ Basque thăm quan, ở cùng gia đinh ngài cả tuần lễ. Có lần ngài ghé lại nhà tôi, nghe tiếng heo kêu, mạ tôi có nuôi mấy con nái, ngài xin ra coi, ngài xổ một từ mà tôi mới nghe lần đầu “ con nái ni đã phủ chưa?” , tiếng bình dân là chịu đực. Từ ngữ chính xác và thanh nhã.
Khi Cố Valour tử nạn vì xe bị mìn, Cố rời trường Thiên Hựu ra thay thế làm chánh xứ Đông Hà năm 1966. Trong môi trường mục vụ giáo xứ và truyền giáo, ngài như cá gặp nước, hết lòng vì con chiên bổn đạo và lương dân. Đúng là một “ mục tử mang lấy mùi chiên”, rất được dân yêu mến. Số phận mục tử gắn liền với đàn chiên. Năm 1973, Quảng Tri-Đông Hà là vùng chiến cuộc nên ngài đem dân vào tỉnh Binh Tuy. Sau biến cố 1975, ngài bị buộc về Pháp. Hai nhiệm kỳ làm bề trên tổng quyền Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris, là khuôn mặt lớn của Hội. Ngài đã trở lai Việt Nam khi thời thế cho phép.
Con chim phượng hoàng của những dãy núi Pyrenees hùng vĩ xứ Basque đã bay về miền viễn đông xa lạ, chọn sông Hương núi Ngự và miền Dinh cát (Quảng Trị) làm quê hương. Nay chim phượng hoàng đã ngưng vỗ cánh. Và quê hương thứ hai đã ôm lấy thắm thiết Vị thừa sai đã hoàn thành sứ mệnh. Ngài an nghỉ trong nghĩa trang Đại chủng viện, ngôi mộ thứ 58 bên cạnh quí bậc đàn anh 25 vị cùng Hội dòng, cùng chí hướng, cùng tình yêu Việt Nam , yêu Giáo phận Huế với các Cố L. Cadiere, Roux, Cressonnier ...những người vì Tin Mừng cứu độ đã giã từ quê hương ông bà tổ tiên và mãi mãi gởi nắm xương tàn nơi mảnh đất xa lạ đã trở thành thân yêu.
Giờ đây, ngài đã về quê hương vĩnh hằng để diện kiến Đấng hằng sống, gặp lại bạn cố tri Cha bề trên PX. Nguyễn Văn Thuận, Cố G. Lefas ...
Nhớ về Cha cố J. B. kính yêu, vị ân sư , học trò chúng con nguyện cầu : “ Cửa công chính hãy mở cho tôi vào, cho tôi vào tạ ơn Chúa nơi cung điện ngợp quang vinh. Chính đây là chính đây là cửa công chính hãy mau tiến vào .. “ TV 118"
—-
4- BIẾT ƠN CHA -Đoàn Đức
Xã Tân Hà nói chung, và riêng Giáo xứ Đông Hà (Bình Tuy) rất biết ơn Cha J. B. Etcharren! Vì, mùa hè đỏ lửa 1972, ngài đã đưa các gia đình chạy loạn ở vùng Đông Hà-Quảng Trị, lương cũng như giáo, di tản vào Hòa Khánh, Đà Nẵng; rồi qua năm 1973, ngài lại dẫn họ vào định cư lập nghiệp tại Bình Tuy. Ngài lo lắng cho mỗi gia đình tỵ nạn, lương cũng như giáo, có nhà cửa, vườn tược, đất đai và dụng cụ canh tác. (Tôi nghe nói, lúc đó, cả thị xã Đông Hà Quảng Trị , cả chục ngàn người theo ngài vào Bình Tuy? Vì thế, lo cho họ nơi ăn chốn ở thuở ban đầu là rất vất vả!)
Ngài làm nhà nguyện đầu tiên ở Đông Hà năm 1974. Xây nhà xứ. Xây trường Tiểu học Tân Hà và Trạm xá. Ngài xây trạm xá xong, đã chuyển thuốc men từ Pháp về trạm xá đầy đủ, để chuẩn bị mở cửa thì đất nước biến chuyển (bây giờ nơi đây là trường Quân đội nhân dân)!
Sau ngày 30-4-1975, ngài vẫn ở Đông Hà với giáo dân của ngài, nhưng chỉ được ít tháng, rồi ngài phải lên đường hồi hương Pháp, quê hương của ngài.
Giáo hội Việt Nam cũng rất biết ơn ngài, vì từ năm 1998 đến năm 2010, trọn 12 năm làm Bề trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai hải ngoại Paris, liên tiếp 2 nhiệm kỳ, ngài đã dành rất nhiều học bổng, để các Giáo phận gởi các thầy, các cha qua MEP du học.
Năm 2010, khi không làm bề trên nữa, ngài muốn về Việt Nam để gởi thân xác ngài trên quê hương Việt Nam, mà ngài rất yêu mến và muốn chọn làm quê hương thứ 2 của ngài. Và ngài đã được nhà nước chấp thuận cho về nghỉ hưu tại Toà Giám mục Huế.
Ngài nói tiếng Việt rất giỏi (tiếng Quảng Trị, Huế), nếu không thấy ngài và chỉ nghe ngài nói tiếng Việt, thì chúng ta không thể ngờ đó lại là một ông Tây! Ngay cả tiếng lóng Quảng Trị - Huế, ngài cũng khá rành rọt!
Hôm nay, ngài đã đi hết chặng đường của một vị Thừa Sai nhiệt thành trên quê hương Việt Nam, đặc biệt trên quê hương Đông Hà, Quảng Trị và Bình Tuy (Tân Hà - Hàm Tân)
Xin được thắp nén hương lòng kính nhớ và cảm phục vị tiền nhiệm đã hết lòng vì con chiên bổn đạo – ngay cả với anh chị em lương dân!
Và xin Chúa sớm đưa Linh hồn Gioan Baotixita về hưởng hạnh phúc bên Chúa!
5- CÒN TRONG KÝ ỨC - Đinh Quang Lê nhớ lại lúc còn là cậu bé theo gia đình trên chuyến xe đưa dân QT tạm cư tại Đà Nẵng làm tiếp chuyến di dân vào Bình Tuy:
…”Đầu năm 1974- Những chuyến xe khách 45 chỗ của các hãng xe chạy đường dài: Sài Gòn- Đà Nẵng: Phi Long, Tiến Lực, Thuận Thành, MIền Trung… chở nhiều gia đình Đông Hà- Quảng Trị từ trại Tạm cư Hòa Khánh Đà Nẵng sau khi họ rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình ở QT vào lánh nạn tại Đà Nẵng rồi vào phương Nam theo chương trình “ khai hoang lập ấp” do Quốc Vụ Khanh Phan Quang Đán của chính phủ VNCH đặc trách, dưới sự dẫn dắt của các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo, đặc biệt là các Linh mục Công giáo đến khu nhà lá buông (lá kè) (*) sơ sài dựng tạm tại Tân Hà (Láng Gòn, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy cũ). Anh Đinh Quang Lê kể lại: “Sau hành trình khá dài – hơn 30 tiếng đồng hồ, xe xuất phát từ Hòa Khánh: Từ 9 giờ sáng, nghỉ qua đêm tại Sông Cầu, Phú Yên và vào khoảng 5 giờ chiều ngày hôm sau đến Láng Gòn, Hàm Tân, Bình Tuy cũ .
(*) Khu nhà dành cho chúng tôi là một khu nhà lợp bằng lá buông (lá kè) đơn sơ, kề cận đường tỉnh lộ (cách ngả ba 46, QL 1 khoảng 15 km) ở giữa một khu rừng chủ yếu là cây dầu rái thân thẳng, to và cao, lác đác có vài loại cây khác như mai rừng, xoài rừng. Khu nhà được xây dựng tạm bợ trước để đón các hộ đa số là dân tỵ nạn Quảng Trị trong đó có gia đình tôi đi khai khẩn đất hoang di dân và tạo dựng quê hương mới tại Bình Tuy. Đức Cha Etcharren là người đã có công đưa dân QT tỵ nạn chiến cuộc từ Đà Nẵng vào lập nghiệp tại Bình Tuy…”
6- Cảm nghĩ của Thầy Đỗ Trinh Huệ, PX 53, Cựu GS Trường TH Nguyễn Hoàng, người được trao Sắc Phong và Huân Chương Hiệp Sĩ Tòa Thánh, về Cha Etcharren:
“ Có lẽ đây là người Pháp cuối cùng nói tiếng Việt y hệt như người dân Quảng Trị, với đủ âm săc và phương ngữ vùng miền.
Cũng như Cadiere, ước nguyện cuối cùng là được chết và chôn ở Việt Nam: người vừa được mai táng ngày 22-9-2021 (89 tuổi) cùng một nghĩa trang với Cadiere (chết tuổi 86) tại Huế.
Ước nguyện thứ hai là được trở thành công dân Việt Nam; ước nguyện chưa thành ... nhưng tâm tư tình cảm và mọi cách thế ứng xử đã minh chứng 100% đã thanh người Việt!
Có thê nói đây là một Cadiere thứ hai bằng hành động và cuộc sống.
Những cựu sinh viên, giáo chức ,
phần nhiều không đồng tôn giáo, từng tiếp xúc gần gũi đã nghĩ gì về con người xưa nay hiếm này?
Xin phép chia sẻ những cảm nghĩ của họ ( cám ơn anh Anh Tri là người trong cuộc đã có bài viết rất cảm động và tôi xin shares theo đây)”
7- Cảm nghĩ của TS. Lê Đình Cai người QT định cư tại HK:
Dear chú Trị ,
Anh đọc rất kỹ bài viết "ÔNG CHA QUẢNG TRỊ ". Bài viết hay và rất chân thật.
Cha Etcharren đã làm việc ở các họ đạo thuộc Đông Hà ,Cam Lộ,Gio Linh ...Vai trót của cha nổi bật nhất trong lòng dân Quảng Trị,lương cũng như giáo ,là đã giúp mọi người ổn định cuộc sống buổi đầu trên đất Bình Tuy khi phải di tản vì chiến tranh.Rồi Ngài còn giúp anh chị em sinh viên gốc gác Quảng Trị có nơi ăn chốn ở tạm thời khi theo học ở Sài Gòn ...Những công việc Ngài làm thật cao quý ...Anh vì rời xa Quảng Trị kể từ đầu thập niên 1960 ,nên không được biết về Ngài . Cám ơn Trị đã viết về công ơn Ngài rất rõ nét để con dân Quảng Trị thế hệ sau được biết về người đại ân nhân một thời trên vùng đất địa đầu giới tuyến khốn khổ này...Quê hương mình chịu đựng quá nhiều thương đau của cuộc chiến Quốc Cộng vừa qua .
Thời gian trôi qua đã hơn nửa thế kỷ, nhưng quê hương khốn khổ ngày ấy nào dễ có ai quên...
Quý mến,
Lê Đình Cai
8- Kỷ niệm về các cố Linh mục Nguyễn Thanh Hoan và Etcharren của Thầy Lê Hữu Thăng, cựu GS trường TH Nguyễn Hoàng, Cựu Trưởng Đại diện Hội Hồng Thập Tự miền Trung ( trước 1975):
“Tui đã đọc và biết được 2 linh mục phục vụ cư dân Quảng Trị qua những năm chiến tranh:
1/ Cha Hoan - Cha Xứ quản hạt Đông Hà, Hiệu trưởng trường TH Đắc Lộ Đông Hà, có chương trình cấp học bổng cho sinh viên ( Công giáo ) cũng hay lắm. Tài trợ HB cho SV, sau khi ra trường phục vụ tại quê hương 1-2 năm.
Thỉnh thoảng đi cứu trợ Cùa, Cam Lộ đều ghé thăm Cha, mùa mưa ghé thăm Cha anh em uống rượu Lễ cho ấm bụng… Cha hiếu khách lắm.
2: Tui gặp Cha Etcharren vài lần về họp ở Sài Gòn của Chương trình Khẩn hoang Lập ấp của Phó Thủ tướng Phan Quang Đán. Tui là dân Q Trị ,Hội Hồng Thập Tự được mời họp, thì tui đại diện HTT miền Trung đi họp. Tui tìm làm quen để nghe ngóng nhu cầu mà báo cáo TƯ xin cứu trợ. Việc thực hiện thì có HTT địa phương lo. Tui còn nhớ cha Đỗ Bá Ái làm tốt việc xã hội…
9- Ấn tượng lần gặp Cha Etcharren của TS. Trần Kiêm Đoàn, cựu Gs trường TH Nguyễn Hoàng, định cư tại HK:
“Cám ơn Anh Chị Em Quảng Trị đã chuyển tiếp cho đọc một thiên bút ký rất cảm động về Cha Etcharren.
Năm 1972 trên đường tản cư vào Đà Nẵng và dạy trường Nguyễn Hoàng tại Hoà Khánh, tôi đã có được một lần diện kiến Cha Etcharren. Giọng Quảng Trị của cha thật lưu loát và ấm áp như người bản xứ. Tôi không tìm thấy ở Cha phong thái một linh mục chăn chiên mà là một mẫu người nhân văn và từ ái đáng quý.
Là một Phật tử thuần thành, tôi xin được cầu nguyện cho linh hồn Cha được an nghỉ và hưởng phúc đời đời bên Hồng ân Thiên Chúa. TKĐ”
10- Học trò Đào Văn Nhẫn, cựu GS trường TH Nguyễn Hoàng QT, kể câu chuyện gặp lại thầy Etcharren sau 30 năm tại Pháp. Chuyện giữa 2 người nhưng thấm đẫm tình cảm và đầy tính nhân văn về một người nước ngoài trót phải lòng quê hương Quảng Trị thể hiện qua tiếng nói của ông! Xin mời xem một phần của bài viết:
“…May mắn thay, ngay tại cổng tôi được biết hiện có Cha J.B Etcharren, một Cha từng dạy tôi Sử hồi còn Trung Học, đang có mặt tại đó với chức Tổng đại diện Hội Thừa Sai Paris.
Khi từ cổng vào để đến phòng Cha, vừa hồi hộp, vừa xúc động nên tôi cũng không biết mình sẽ làm gì, nói gì trong những giây phút đầu tiên sau khoảng 30 năm Thầy trò mới gặp lại , mà ở một nơi xa cách nơi thầy trò biết nhau trước đây nửa vòng trái đất!
Đúng là một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và xúc động !Cha đã vui vẻ và ân cần tiếp tôi trong căn phòng làm việc rộng lớn và đầy cả sách vở.Thú thật tôi và Cha chỉ quen biết và gần nhau hồi tôi học với Cha và gặp gỡ Cha hàng ngày khi tôi là học sinh nội trú trường Thiên Hữu vào cuối thập niên 50, sau đó Cha đảm nhiệm công việc khác phải rời trường nên tôi và Cha cũng ít khi có cơ hội gặp nhau trực tiếp và cứ sợ Cha sẽ không nhận ra mình !
Như khi tiếp xúc với các người nước ngoài có biết ít hay nhiều tiếng Việt, tôi có thói quen dùng trước tiên tiếng nước họ như là một thái độ bày tỏ sự thân thiện,vừa là để có dịp rèn luyện thêm tiếng nước ngoài, và nhất là vấn đề tế nhị không làm lúng túng người không rành và không quen nói tiếng Việt .i
Song với Cha Etcharren thì khác, lúc bước vào cửa phòng tôi đã theo thói quen chào bằng tiếng Pháp và tự giới thiệu. Cha đã vui mừng khoát tay và nói bằng tiếng Việt , với chất giọng đặc trưng Quảng Trị ,rõ ràng và dứt khoát –“Khỏi cần, tôi nhớ anh mà” ! và thế là bao kỷ niệm lại ùa về giữa hai chúng tôi. Cha đã thăm hỏi tình hình hai trường Thiên Hữu và Tiểu chủng viện Hoan Thiện tại Huê, nơi cha đã từng ở và giảng dạy cùng những người mà Cha đã từng quen biết .Thỉnh thoảng vì phản xạ đôi lúc tôi dùng tiếng Pháp thì Cha lại đối đáp bằng tiếng Việt,kéo tôi trở lại với tiếng Việt, hoặc đôi lúc thấy Cha có vẻ tần ngần dừng lại câu đang nói , tôi định xen vào giúp Cha thì Cha lại tiếp tục nói ngay bằng tiếng Việt và tôi đã hiểu : Cha bị xúc động nên không thể nói hết câu chứ tiếng Việt của Cha thật sự quá dồi dào và phong phú ! cách dùng từ, tiếng lóng địa phương,các địa danh , tên người liên quan mà cha quen biết đã được Cha dùng một cách nhuần nhuyễn trong suốt câu chuyện. Điều Cha quan tâm nhất là đời sống và tình hình dân chúng nói chung tại Việt nam và các người dân Quảng Trị mà có một thời gian dài Cha đã sống cùng họ .
Ngạc nhiên thay ! Gần 20 năm xa Việt Nam tiếng Việt của Cha và giọng nói Quảng Trị của Cha vẫn không thay đổi, vẫn là chất giọng ấm áp,truyền cảm, vẫn là giọng Quảng Trị dể nhận biết làm cho tôi có cảm tưởng như đang tiếp chuyện với Cha ngay tại Việt Nam,tại Quảng Trị, tại vùng nghèo khổ , nhiều tai ương của những năm về trước.
Vì học chương trình Pháp và ở nội trú trong trường công giáo nên tôi có điều kiện quen biết nhiều Cha nước ngoài , thật sự có hai Cha làm tôi cảm phục về khả năng nói tiếng Việt : Cha Etcharren nói tiếng Việt giọng Quảng Trị và Cha Champou (dòng Tên ) một thời là Giám Đốc Trung Tâm Sinh Viên Xavier Huế thì nói tiếng Việt với giọng Bắc hoàn toàn.Cả hai Cha đều nói đúng giọng địa phương mà có thể khi quay lưng lại ta có có cảm tưởng như hai người Việt Nam, một người gốc Quảng Trị và một người gốc Bắc đang nói chuyện với nhau !Chỉ có những người thương dân Việt Nam với một tình cảm đặc biệt nào đó, thông cảm , chia sẻ và giúp đỡ tân tình người Việt nam như thế nào đó mới có nghị lực và quyết tâm học giỏi tiếng Việt !Bởi lẽ,bên cạnh đó, cũng có nhiều Cha ở Việt Nam lâu hơn Cha Etcharren và cha Champou nhiều nhưng tôi chưa bao giờ nghe các Cha đó nói một câu hoặc một chữ tiếng Việt nào. Đáng tiếc thay !
Cuộc nói chuyện suốt cả buổi sáng với Cha tại MEP, ngay tại thủ đô Paris nước Pháp đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng về một con người suốt cả cuộc đời quên mình gắn bó với đất nước Việt nam để khi phải rời Việt Nam hành trang mang theo là những kỷ niệm , những tình cảm và đặc biệt nhất là tiếng Việt với giọng nói Quảng Trị mà Cha đã không bao giờ quên ! Nhà Văn Pháp Alphonse Daudet cũng như nhà sử học Việt nam Vương Hồng Sển đã từng ví von sức mạnh của tiếng nói : “Tiếng nói là chìa khóa mở được bất kỳ cánh cửa nào”.Cánh cửa khó khăn để mở nhất là Cha đã trở về và chết trên quê hương Việt Nam theo ước nguyện !
DVN, SG ngày 1 tháng 10 năm 2021
 

/














.






VĂN THIÊN TÙNG - Những lần sinh nhật 16/9...

 THAY LỜI CẢM ƠN!
(Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 68 (16/9 1954-2022)

Chẳng biết nói gì hơn là hai tiếng " CẢM ƠN- CẢM ƠN & CẢM ƠN thật nhiều ... ". Với bao lời chúc mừng sinh nhật từ quý Thầy cô, quý đồng môn, bạn bè, thân thi hữu cùng quý quyến, con cháu gần xa đã chuyển đến qua các trang mạng hay trực tuyến gọi, viết để chúc mừng ....
Văn Thiên Tùng vô cùng cảm động và kính gửi lời cám ơn đến tất cả đã cùng vui trong ngày sinh nhật lần nầy.
Qua đây, thân kính chúc mọi điều tốt lành - sức khỏe và hạnh phúc đến quý vị cùng gia đình như mong nguyện! ..

SINH NHẬT LẦN THỨ SÁU TÁM
 (1954- 2022).
 
Chẳng đợi nào mong vẫn đến ngày
Niên đời sáu tám điểm rồi đây
Xuân bừng bấy bận hoài đơm nét
Thu chín nhường bao nỏ nhạt gầy
Sinh nhật ôi nhiều điều chúc tốt
Tiệc mừng thật lắm chuyện vui thay!
Bên thềm thất thập đồng mong nguyện
Sống khỏe cùng con cháu thế nầy...
16/9/2022- MV- VTT.
 
 
 


MỪNG SINH NHẬT LẦN THỨ 68 CỦA  PaPa...!

Hôm nay, ba tròn sáu tám
Tóc mây, đã bạc hết đầu
Ôi chao, mỏi mòn năm tháng
Lặng thầm, vết dấu thời gian...
 
Con về, ôm ba thỏ thẻ
Ba - người luôn khỏe, nhớ không?
Dẫu biết, mùa trôi lá rụng...
Lòng con, vẫn muốn mong cầu. 
 
Sinh nhật của ba, nàng lại rón rén trở về, thình lình xuất hiện giữa nhà, thình lình chạy đến ôm ba. Ha ha...
Sinh nhật thật vui vẻ nha, papa yêu dấu của tụi con !
 
P/S: Món quà 46kg thật là to, thật là nặng, ba...có vui hem?






 
THAY LỜI CẢM ƠN! 
 
Nhân bước qua tuổi sáu mươi lăm, lần sinh nhật nầy đã được nhận rất nhiều lời
chúc mừng
và nhiều nhiều thứ nữa ... từ quý Thầy cô, thân hữu, thi huynh đệ, đồng môn , bạn bè , người thân, cùng con cháu...; đặc biệt sinh nhật lần này con gái rượu ở Sg đã viết tặng Pa - pa bài thơ ngắn gọn, nhưng hàm chứa tình cảm sâu lắng ...
VĂN THIÊN TÙNG vô cùng hoan hỷ- tuy rằng những món quà tinh thần nhưng lại thật vô giá.
Những chia sẻ tốt lành thường ngày trên dòng thời gian FB, không những là món nợ ân tình về tình thần mà là sợi dây giằng kết để nối nhịp cầu tình cảm càng ngày càng nhích lại gần hơn. dù rằng mỗi người một phương - mỗi phận đời mỗi cảnh.
Nhưng chung quy là hầu hết ước muốn thắt chặt lại ..
Biết nói gì đây, VTT chỉ biết vui ... và rất vui là khác... Để đáp lại những tình cảm ơn trân quý nẩy.
VTT kính đáp tạ mấy dòng mộc mạc cùng bó hoa này , thay muôn vàn lời cảm ơn .... đồng ước muốn và thân kính chúc tất cả chúng ta đều được an vui, khỏe mạnh, luôn lạc quan yêu cuộc sống là hạnh phúc lắm rồi ...
những sắc màu thời gian tươi thắm luôn luôn hiện hữu và gần gũi bên ta.....🌺🌺🌺🌺💐💐🌷🌷🌹🌹🍁🍁🌺  

LỜI CẢM TẠ!
(Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 62 (1954-2016).
 
Quà tặng đông - tâynhận đủ rồi 
Cũng nhờ facebook chuyển giùm tôi
Sáu tư tuổi mụ đà qua bến
Giáp Ngọ danh khai đúng mệnh trời
Sinh nhật rộn ràng thư chúc tụng
Trang mail tới tấp nhận tin lời
Vài dòng đáp tạ cùng đây đó
Vui- khoẻ- an khang… với mọi người./.
Quảng Trị, 17/9/2016.
Văn Thiên Tùng- MV.
 

Nhân lần sinh nhật lần thứ 65. Từ thuở sinh ra mở mắt chào đời là lúc đất nước đang vào giai đoạn kết thúc cuộc chiến chống giặc Pháp. 20/7/1954 hiệp định Geneve tạm thời đình chiến và nước Việt chia 2 miền.
Trong 9 năm toàn quốc kháng chiến thực hiện chính sách tiêu thổ , đồng hoang nhà vắng nên các tỉnh thành đều có căn cứ kháng chiến & tăng gia sx lên các vùng trù mật & bán sơn địa, quê nhà lúc đó chạy vào vùng khe mương, khe khế, cát sắt chọn vùng làm trại trong đó có gia đình mình cùng sinh sống...
Vậy là sau Hiệp định ký kết gần 1tháng VTT vẫn là đứa trẻ sinh ra nơi đó. Mẹ thường kể mỗi lần máy bà già lên là gánh 2 con dại lủi vào các bụi rậm chạy trốn trong khe, mãi đến giữa năm 1955 gđ đình mới cùng bà con lần lượt về vùng "Hội tề" tại làng quê cũ ( 6/1955), tái lập cuộc sống sau chiến tranh
(Theo lời mẹ thường kể).
VTT.
 
 
ĐOẢN KHÚC CHA ÔNG…
(Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 65, 1954-2019).
 
Chuyện về mình nghe cha mạ nhắc
Lúc sinh con trốn giặc lủi rừng
Lùm khe sên - vắt vốn từng
Bám đeo hút máu tấy sưng khổ cùng
 
Đôi triêng gánh vượt bưng cố rướn
"Bay bà già" quần lượn rượt theo
Năm canh vọng tiếng cọp beo
Khe mưng- Cát Sắt chèo ngheo… vậy mà
 
Cố che chở tám bà con sống
Kiếm cái ăn chèo chống qua ngày
Rét rừng hành hạ khổ thay
Thuốc thang chẳng có đắng cay lụy phần
 
Sốt cách nhật… quen dần cố chịu
Khấn trời cao biết víu vào đâu
Hai đứa lần lữa …theo nhau
Chỉ còn hai lớn - hai sau đây nầy…
 
Nhờ thời thế đổi thay kết cục
Trở về làng tiếp tục làm ăn
Hiệp Định đình chiến hạ màn
Chiến tranh tạm kết bình an một thời
 
Khắp đây đó rộn lời ca hát
Khúc thanh bình thảnh thót lan vang…
Năm tư lịch sử nhàu trang
Chẳng lâu sau đó mở màn chiến tranh
 
Ngôi trường làng con lần từng lớp
Cảnh đói nghèo nhà lợp tranh tre
Trát đất …kẹp lá vọc che
Cả nhà đầm ấm xuân hè bên nhau…
 
Tuổi Giáp Ngọ nhuốm màu cuộc chiến
Lúc sinh thời cho đến đôi mươi
Sáu lăm năm gắn tuổi đời
Chợt ngồi ôn lại một thời xuân nao …
 
Chỉ bấy vần thì thào to nhỏ
Cùng cháu con thấu tỏ ngọn ngành
Những gì thời thuở chiến tranh
Bao tang thương nhuốm bây phần lụy bi …
 
Mai Vân- VTT. 16/9/2019.
Ảnh minh họa : Nguồn từ Internet.
 



 
 

NGUYỄN HOÀNG VỚI VÙNG ĐẤT QUẢNG TRỊ: MẤY VẤN ĐỀ ĐẶT RA HIỆN NAY


NGUYỄN HOÀNG VỚI VÙNG ĐẤT QUẢNG TRỊ: 
MẤY VẤN ĐỀ ĐẶT RA HIỆN NAY
Thứ năm - 19/09/2013, 16:50.
 
 Tác giả bài viết: PGS.TS. ĐỖ BANG.
 
 

Trước đây sử sách triều Nguyễn rất mực đề cao vai trò chúa Nguyễn Hoàng, nhưng từ sau năm 1945, việc đánh giá về nhân vật lịch sử này chưa thống nhất trong giới Sử học: giữa công và tội, giữa chia cắt và phát triển đất nước, giữa hận thù và ơn nghĩa với chúa Trịnh- vua Lê… Ngay cả việc Nguyễn Hoàng chọn Quảng Trị làm đất dựng nghiệp và ông đã gắn bó, thuỷ chung với vùng đất này hơn 55 năm cho đến lúc ông qua đời tại đây, trong khi điều kiện có thể làm cho ông di chuyển thủ phủ theo hướng “Nam tiến” cũng là vấn đề đáng bàn. Đó là một loạt câu hỏi không những làm cho lãnh đạo và nhân dân Quảng Trị băn khoăn cần sớm tìm lời giải đáp mà còn là vấn đề quan tâm của xã hội.
Với mong muốn nhân vật Nguyễn Hoàng được sớm nhìn nhận đúng đắn, đánh giá khách quan để Tỉnh có kế hoạch tôn tạo và phát huy di sản thời Nguyễn Hoàng nên UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613).
Nhận thức được tầm quan trọng về vấn đề này cả ý nghĩa khoa học lẫn thực tiễn, nên tham dự hội thảo có nhiều đồng chí lãnh đạo của tỉnh Quảng Trị, huyện Triệu Phong, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng nhiều đại biểu cơ quan Trung ương, nhiều tỉnh có gắn với thời kỳ Nguyễn Hoàng trấn nhậm vùng đất Thuận Quảng. Đặc biệt là sự có mặt của nhiều nhà nghiên cứu về Nguyễn Hoàng, đại diện cho giới Sử học trên cả nước: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế; cùng các nhà nghiên cứu ở Quảng Trị, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bà Rịa- Vũng Tàu… Nước ngoài có một tác giả Nhật Bản.
Xin nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu, các nhà khoa học bấy lâu đã quan tâm và hôm nay đến tham dự hội thảo với chúng ta.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Kính thưa toàn thể hội nghị!
Năm 2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá và Hội Khoa học Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về Chúa Nguyễn và vương triếu Nguyễn trong lịch sử Việt Nam có 94 báo cáo của các nhà khoa học trong nước và quốc tế và vào tháng 5 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ) cũng tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề trên, có 20 nhà khoa học của nhiều nước đến tham dự. Riêng chủ đề về Nguyễn Hoàng thì đây là hội thảo đầu tiên được tổ chức tại Quảng Trị.
Do chủ đề và yêu cầu hội thảo đã được xác định, nên trong số 43 báo cáo khoa học gửi đến tham gia hội thảo, chúng tôi tuyển chọn được 33 bài là những kết quả nghiên cứu mới, công bố đầu tiên để in vào tập Kỷ yếu. Các báo cáo này, chúng tôi sắp xếp theo 3 nội dung:
Quê hương, gia thế và sự nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng
Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị
Tư liệu, di tích và di sản về thời Nguyễn Hoàng
Về quê hương, gia thế và sự nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng
Tham gia nội dung này có 12 tác giả, với kết quả nghiên cứu như sau:
Về tên gọi Gia Miêu Ngoại trang tuy sử sách không ghi xuất hiện từ lúc nào, nhưng khi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Công Duẩn, viễn tổ của chúa Nguyễn Hoàng là hào trưởng lớn ở Gia Miêu Ngoại trang, huyện Tống Giang, lộ Thanh Hoá. Do vậy, tác giả Phạm Tấn cho rằng cái tên "Gia Miêu Ngoại trang" chắc chắn là có từ thời cuối Trần và tên đó vẫn không hề thay đổi cho đến tận bây giờ.
TS. Lê Ngọc Tạo, cho rằng: Dòng họ Nguyễn Gia Miêu ngoại trang huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, Thanh Hóa là một danh gia vọng tộc được bắt đầu từ Định Quốc công Nguyễn Bặc có công phò nhà Đinh, có Nguyễn Công Duẩn là công thần khai quốc trong khởi nghĩa Lam Sơn; có Nguyễn Kim người khởi xướng công cuộc trung hưng nhà Lê.
Về miếu Triệu Tường, năm 1803, vua Gia Long đổi thành Quý hương, Quý huyện và vua cho xây Nguyên Miếu tức miếu Triệu Tường ở Gia Miêu Ngoại trang tại vùng núi Thiên Tôn, thuộc trấn Thanh Hóa để thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng. Minh Mạng thứ 2 (1821), núi Thiên Tôn được phong tên là núi Triệu Tường. Năm 2007, Bộ trưởng Văn hoá - Thông tin đã ra Quyết định công nhận Khu Lăng miếu Triệu Tường là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Về tên gọi chúa Tiên, tác giả Lê Quang Thái mất công tra cứu nhiều nguồn tài liệu và có lưu ý đến bài viết Phổ hệ nhà Nguyễn trước thời Gia Long của Tôn Thất Hân đăng trên Tập san B.A.V.H năm 1920, cho rằng: Nguyễn Hoàng tự xưng là Tiên Chúa, vì “Chúa giống như tiên”. Ý kiến này có chính xác không, theo tôi cũng cần nghiên cứu thêm, nhưng tác giả cho rằng, trong sách Nam Triều công nghiệp diễn chí in năm 1719. Thuật ngữ “Chúa Tiên” được tìm thấy và đã được nhắc đến 5 lần. Ngoài ra sách còn dùng các thuật ngữ khác như Đoan Vương, Nam Chúa để gọi Nguyễn Hoàng.
 
Đánh giá về sự nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng có các ý kiến sau:
 
PGS.TS Nguyễn Minh Tường có nhận xét rằng: “ Mặc dù, xuất thân con nhà võ tướng, nhưng ông thuộc hàng Nho tướng, tức vị tướng có tài chính trị và có đạo đức lớn”, và tác gỉa đánh giá: “Xét theo quy phạm tài năng và đạo đức của Nho giáo thì Nguyễn Hoàng có đủ cả 3 phẩm chất: Nhân 仁, Trí 智, Dũng 勇 của một nhà chính trị lớn. Chính vì thế, theo tôi, ông đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ mà lịch sử giao phó: Vị Chúa Tiên – vị Chúa mở đầu tạo lập nên vùng đất xứ Đàng Trong, vùng đất phía Nam của quốc gia Đại Việt thời bấy giờ ”.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cũng đề cao vi trò Nguyễn Hoàng: “Đóng góp lớn nhất của Chúa Tiên, theo quan niệm của chúng tôi, là trong bối cảnh khốn khó và bế tắc của chính quyền Lê - Trịnh, đã thực thi một chính sách tương đối độc lập, khai phóng và thân dân, huy động mọi nguồn lực biến Thuận Quảng từ vùng đất đói nghèo và hỗn loạn trở nên trù phú, năng động và an cư lạc nghiệp, làm cơ sở cho việc triển khai chặng đường nước rút của công cuộc mở cõi và định cõi của dân tộc Việt Nam ”. Và rất xác đáng khi tác giả so sánh: “Chúa Sãi thực sự là một vị chúa Nguyễn kiệt xuất nhất, một anh hùng mở cõi Việt Nam, nhưng sự nghiệp kỳ vĩ của ông dường như tất cả đều đã được chuẩn bị và sắp đặt bởi Chúa Tiên và bắt đầu từ thời Chúa Tiên”.
PGS.TS Đỗ Bang cho rằng: “Nguyễn Hoàng người có tầm nhìn vượt thời đại của ông và không gian ông đang sống để đặt nền móng cho Đàng Trong và tạo mối quan hệ thông thương với Nhật Bản”.
PGS.TS Trần Thị Mai cũng có nhận xét tương tự: “Từ tầm nhìn phi thường của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, người Việt đã tiến những bước dài, vững chắc trên dải đất Đàng Trong, tạo ra thế và lực mới cho công cuộc mở đất của các chúa Nguyễn về phương Nam tiếp sau đó”.
Làm chính trị sắc bén là phải biết nhạy cảm trước thời cuộc và vượt lên những người khác bằng tầm nhìn của mình, PGS.TS Ngô Minh Oanh cũng thừa nhận: “Có được những thành quả đó không thể không nhắc đến một tầm nhìn sáng suốt, sự kiên định với mục đích đã chọn và phương sách tự cường khôn khéo của Nguyễn Hoàng cũng như những đóng góp có tính khai mở của vùng đất Quảng Trị”.
Nhà báo Nguyễn Hoàn của quê hương Quảng Trị đã chú ý đến đặc điểm nhân văn của chúa Nguyễn Hoàng, cũng là một lợi thế của nhà chính trị: “Nhờ biết giữ mình, lánh họa, vượt qua hiểm họa, chuyển họa thành phúc, Nguyễn Hoàng đã đặt nền móng quan trọng cho công cuộc phát triển Đàng Trong, mở cõi của các chúa Nguyễn, bắt đầu bằng việc đặt phủ Phú Yên năm 1611. Từ năm 1611 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng đến năm 1757 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, trong vòng 146 năm, đất nước đã được mở rộng từ Phú Yên đến Cà Mau.
Sau sự kiện Phú Yên năm 1611, TS. Đỗ Quỳnh Nga cũng có nhận định: “ Từ sự kiện này, chúa Nguyễn Hoàng không chỉ là một quan chức của vua Lê giao trấn nhậm vùng Thuận Quảng mà là một động thái tự thân “ bùng nổ” sau 53 năm (1558-1611) nung nấu về một hoài bảo tự cường, nhất là sau khi được vua Lê trao thêm quyền cai quản vùng đất Quảng (1570). Phú Yên được xem là một khởi động táo bạo, hợp lý đầy tiềm năng trong bước khởi đầu thành lập Đàng Trong”.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh nhìn Nguyễn Hoàng như soi vào một tấm gương sáng: “ 400 năm trôi qua kể từ ngày Tiên chúa từ trần. Người đời sau soi lại gương ngài vẫn không thấy có tỳ vết, vẫn sáng ngời phẩm chất vị chân chúa khai sáng cả một vương triều, người đặt nền tảng vững chắc cho cơ nghiệp họ Nguyễn ở Đàng Trong, là một danh nhân tầm khu vực Đông Nam Á, xứng đáng vào hàng ngũ minh vương mở mang đất nước, chăm lo cho quân dân, mãi mãi là vì sao tỏa sáng trên vòm trời nước Việt”.
Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị
Đây là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Trong nhiều lý do để Nguyễn Hoàng chọn Ái Tử làm thủ phủ, nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho rằng : “Trong giai đoạn chân ướt chân ráo ấy, chắc hẳn ông cho rằng đây là chỗ cắm chốt an toàn nhất, vì nó không va chạm quyền lợi với bất cứ thế lực nào kể cả thế lực “chính phủ” và “phi chính phủ”. Theo tác giả, nếu gọi Ái Tử bấy giờ là Thủ phủ thì có lẽ không chính xác, vì quy mô xây dựng ở đây chỉ là một quân dinh hoặc dinh trại”.
Tác giả Mai Khắc Ững cũng có nhận xét tương tự: “Bởi chung quanh Trấn phủ mới khai sinh đang ở dạng doanh trại, tay chân anh rể đã bài binh bố trận đâu ra đó rồi”.
Bí quyết của việc chọn Ái Tử làm đất đứng chân, theo tác giả Nguyễn Xuân Hoa: “ thực chất việc chọn Ái Tử để lập dinh trấn là Nguyễn Hoàng đã chọn một vùng đất mới để làm đất khởi nghiệp, âm thầm xây dựng thực lực, thu phục nhân tâm để chuẩn bị cho một chiến lược lâu dài khi có thời cơ”.
GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đã phân tích rất xác đáng về sự lựa chọn của Nguyễn Hoàng qua sự kiện năm 1558: “Thuận Hóa thực sự là đất “dụng võ” của Nguyễn Hoàng. Việc Nguyễn Hoàng chọn Thuận Hóa hoàn toàn không phải là sự lựa chọn cho riêng cá nhân, hay một mưu đồ cá nhân, mà có sự tham vấn của bậc trí thức hàng đầu đất nước Nguyễn Bỉnh Khiêm, được sự chấp thuận và ủy thác của cả chúa Trịnh và vua Lê, trong sự ủng hộ của nhiều quan chức cao cấp ở cả Nam triều và Bắc triều và nhất là được sự hưởng ứng của đông đảo dân chúng hai vùng Thuận Hóa và Thanh Nghệ. Đây rõ ràng là một sự lựa chọn công khai, chuẩn xác vì sự phát triển của vương triều Lê - Trịnh và của đất nước, trong bối cảnh vô cùng rối ren và bế tắc ở giữa thế kỷ XVI”.
Điều băn khoăn của nhiều người trong đó có TS. Phan Thanh Hải cho rằng: “Trên vùng đất mới, Nguyễn Hoàng không đóng lỵ sở tại các trung tâm cũ của Hóa châu như thành Thuận châu hay thành Hóa châu mà ông lại xây dựng trấn dinh ngay trên bãi cát trắng ở ngã ba sông Thạch Hãn-Ái Tử. Từ đó cho đến khi ông qua đời, trung tâm quyền lực của đất Thuận Hóa, rồi cả Đàng Trong chỉ di chuyển loanh quanh tại khu vực này.
Qua nghiên cứu, tác giả Phan Thanh Hải đã tìm được cho mình lời giải của bài toán khó. Đó là vị trí chiến lược của vùng đất Quảng Trị vào giữa thế kỷ XVI: “Chỉ đóng lỵ sở tại đây, Nguyễn Hoàng mới khống chế được cả tuyến đường thủy bộ Bắc-Nam cả hành lang giao thông và giao lưu kinh tế Đông-Tây (từ cửa khẩu Lao Bảo và các “nguồn” ở phía tây về Cửa Việt). Đây là trung tâm cung cấp hồ tiêu và nhiều loại hương liệu quý cho thị trường nhiều nước trên thế giới”.
Tuy nhiên, khi thế lực của Nguyễn Hoàng đã lớn mạnh vấn đề mâu thuẫn Trịnh - Nguyễn lại càng tăng và cả hai phía đều thấy nguy cơ tranh chấp là không tránh khỏi. Về vấn đề này, tác giả Nguyễn Xuân Hoa phân tích rằng: “Sự có mặt của Nguyễn Hoàng lúc nầy trở thành một trở ngại cho quyền lực của cha con họ Trịnh. Có lẽ vì thế, đầu năm Canh Ngọ (1570) chính Trịnh Kiểm đã dâng biểu xin vua Lê cho gọi Tổng binh Quảng Nam là Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh về (trấn thủ Nghệ An) và giao Nguyễn Hoàng kiêm quản cả hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam, tạo cớ để Nguyễn Hoàng phải rời khỏi Thanh Hoa, nhằm củng cố quyền lực độc tôn của dòng họ Trịnh bên cạnh vua Lê”.
Trong vòng xoáy của quyền lực và mâu thuẫn dòng họ, TS. Phan Thanh Hải cho rằng: “Thực chất, cuộc ra đi của ông là sự đào thoát khỏi triều đình, nơi đang xãy ra cuộc cạnh tranh khốc liệt về quyền lực giữa hai dòng họ có công trung hưng lại triều Lê: họ Nguyễn và họ Trịnh. Nguyễn Hoàng, người kế thừa của dòng họ Nguyễn phải tìm một phương trời mới để dung thân và tạo lập cơ nghiệp. Trong bối cảnh đó, Thuận Hóa là cơ hội và cũng là nơi thử thách ý chí và tài năng của Nguyễn Hoàng”.
Tác giả Nguyễn Phước Tương cũng tán thành tư tưởng cát cứ của Nguyễn Hoàng nhưng ở vào thời điểm muộn hơn: “Đến lúc này, Hữu Tướng Nguyễn Hoàng nhận thấy rõ âm mưu thâm độc của họ Trịnh và mình khó tiếp tục trở thành một bậc trung thần của vua Lê nên thấy không còn lý do gì nữa để lưu lại ở Thăng Long. Nhưng để rời khỏi Kinh đô đối với ông không phải là một điều đơn giản bởi vì Trịnh Tùng luôn luôn tìm mọi cách ngăn cản ông quay về Thuận Quảng vì sợ “thả hồ về rừng”.
Các tác giả Lê Ngọc Tạo, Vũ Thị Xuyến cũng đều nhận định: “ Nếu như sự kiện Nguyễn Hoàng được kiêm trấn thủ Quảng Nam là mốc mở đầu cho ý đồ xây dựng một thể chế cát cứ trên vùng đất phương Nam, thì lần ra Bắc cuối cùng 1593 – 1600 càng khẳng định quyết tâm xây dựng một vương quốc riêng biệt của Nguyễn Hoàng”.
PGS.TS. Đỗ Bang cho rằng, Quảng Trị vừa là đất thách thức nhưng cũng là vùng đất tạo thời cơ cho những bậc anh hùng trong đó có Nguyễn Hoàng, người đã dựng nên nghiệp lớn: “Thuận Hoá trong buổi đầu quả là một thử thách sống còn về năng lực cải đổi “ thiên thời, địa lợi, nhân hoà” mà Nguyễn Hoàng bằng mọi giá phải vượt qua”.
“Hơn 55 năm dựng nghiệp chúa, Nguyễn Hoàng nhiều lần ra bắc hầu vua Lê, gặp chúa Trịnh chung lo việc trị nước an dân. Nguyễn Hoàng cũng đi vào miền núi Ngự sông Hương, qua đèo Hải Vân vào miền đất Quảng khảo sát hình thế núi sông, xếp đặt lại địa giới hành chính, nhưng ông vẫn chọn Quảng Trị để đóng đô và đã cân nhắc qua 3 lần dịch chuyển”.
TS. Thái Quang Trung cũng nhận xét: “Từ Thuận Hóa, bản đồ nước ta dần dần hình thành như ngày hôm nay. Có thể nói, đến giữa thế kỉ XVIII, công cuộc mở đất phía Nam của dân tộc đã hoàn thành. Trong sự nghiệp to lớn đó không thể không kể đến vai trò của vùng đất dựng nghiệp Ái Tử”.
PGS.TS Nguyễn Minh Tường rất đề cao phẩm chất chính trị của Nguyễn Hoàng: “Có thể nói với tài năng chính trị lớn, với tính năng động và mềm dẻo của mình, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã được lịch sử lựa chọn làm người đặt cơ sở vững chắc cho sự hình thành và phát triển của xứ Đàng Trong”.
Về động cơ Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá là do trốn chạy, mưu đồ cát cứ hay là một sứ mệnh cao cả, vấn đề này lại có nhiều ý kiến khác nhau. PGS.TS Ngô Minh Oanh cho rằng: “Cũng không phải không có ý kiến cho rằng, sức ép từ “ nguy cơ họ Trịnh ” không phải là nguyên nhân chủ yếu của quyết định “nam tiến” của Nguyễn Hoàng, mà hành động đó là một sự thể hiện “mưu đồ vương bá” trước hết là của cá nhân và sau đó là của một dòng họ”. Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đã có một phân tích khá mới mẽ: “ Chúng tôi đã kiểm tra lại các nguồn tư liệu và nhận thấy sự kiện năm 1558, Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, không phải là một cuộc trốn chạy, cũng không phải là một âm mưu xây dựng cơ sở cát cứ chống lại triều đình Lê Trịnh, mà là thực hiện một sứ mệnh cao cả của triều đình giao phó và trong thực tế Nguyễn Hoàng đã hoàn thành một cách trọn vẹn trọng trách với triều đình. Đây cũng là giai đoạn Nguyễn Hoàng mở rộng thêm tầm nhìn, cách nghĩ, không loại trừ có những toan tính cá nhân, nhưng những toan tính cá nhân đó không phương hại đến sự phát triển chung của đất nước. Hơn thế, việc ông trở lại triều đình và có đến gần chục năm tận tâm, tận lực phục vụ bên cạnh vua Lê, chúa Trịnh, không chỉ thể hiện lòng trung thành, mà còn là sự kỳ vọng vào khả năng thay đổi của chính quyền Lê - Trịnh trong điều kiện đất nước đang đứng trước muôn vàn thách thức và vận hội. Chỉ đến khi nhận thấy chính quyền Lê - Trịnh hoàn toàn không thể đại diện cho sự tiến bộ, mà trái lại đang kìm hãm gay gắt sự phát triển của xã hội, Chúa Tiên mới quyết định trở về Thuận Hóa xây dựng chính quyền riêng, tự mình gánh vác trọng trách xây dựng và phát triển đất nước”.
Công lao tạo lập và phát triển vùng đất Thuận Hoá của chúa Nguyễn Hoàng được nhân dân ở đây suy tôn làm Thần hoàng đã được Hoà thượng Thích Trí Hải xác nhận: “chúa Nguyễn Hoàng được xem là vị tổng khai canh, đại khai khẩn của hầu hết các làng quê ở đất Thuận Hoá, mà cho đến nay một số lớn các làng quê ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đều tôn thờ chúa Nguyễn Hoàng cùng các tuỳ tướng của ngài như những vị Thần hoàng, khai canh hoặc khai khẩn”
Phật giáo Thuận Hoá dưới thời chúa Nguyễn Hoàng cũng được nhiều tác giả đề cập. Hoà thượng Thích Trí Hải đã phân tích: “ Ở đây tuyệt nhiên vắng bóng những lý thuyết về vương đạo của Nho gia, những quy chuẩn khắt khe của cung đình. Với một cơ cấu xã hội như vậy, dĩ nhiên đời sống văn hoá, tín ngưỡng của cư dân Thuận Hoá chắc chắn không phải là đạo tu tề trị bình của Nho giáo hay thuật trường sinh của Lão Trang, mà chính Phật giáo với đạo lý từ bi, cứu khổ, vô ngã, vị tha mới là tín ngưỡng căn bản của họ”.
TS. Nguyễn Văn Đăng cũng phân tích cơ sở xã hội để Phật giáo Thuận Hoá vào thời Nguyễn Hoàng thịnh hành: “thiếu vắng một ý thức hệ làm nền tảng. Vì vậy, trong buổi đầu, Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên cần phải đưa ra các chính sách an dân hợp lý để củng cố và ổn định lòng dân, tạo cơ sở cho việc xây dựng một chính thể mới.
Do vậy, Phật giáo thời điểm này trở thành chỗ dựa tinh thần nhằm để ổn định xã hội. Chúa Tiên và cả những vị chúa sau này tỏ ra là rất sùng đạo Phật là vì thế. Chúa Tiên cho dựng chùa Thiên Mụ năm 1601, sửa lại chùa cổ Sùng Hóa (Lại Ân - Phú Vang), dựng lại chùa Long Hưng năm 1602, cho tiếp tục dựng chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu (Quảng Nam) năm 1607, xây dựng chùa Kính Thiên ở Lệ Thủy (Quảng Bình) năm 1609 Phật giáo được xiển dương, đi vào chốn cung đình, được tô đắp dần và trở thành chất men gắn kết các yếu tố tư tưởng khác trong phương sách an dân của chúa”.
PGS.TS Trần Thị Mai cũng đã phân tích: “ trong chính sách quản lý của Nguyễn Hoàng và các đời chúa Nguyễn kế nhiệm trên vùng đất mới đó là “cư Nho, mộ Thích” là phương cách hiệu quả để củng cố quyền lực lâu dài trên vùng đất mới. Đây là tư tưởng cai trị phù hợp và cởi mở hơn hẳn so với tư tưởng cai trị dựa hẳn vào Nho giáo của chính quyền Lê – Trịnh đương thời”.
Đồng tình với quan điểm là các chúa Nguyễn không độc tôn về tôn giáo, Nhà nghiên cứu các tôn giáo phương Đông ONISHI của Nhật Bản sau khi khảo sát chùa Thiên Tôn ở làng Đâu Kênh, huyện Triệu Phong đã có một nhận xét khá thú vị, là các chúa Nguyễn ngoài sùng mộ Phật giáo còn chủ trương phát huy Đạo giáo. Tác giả cho rằng: “Đồng thời chúng tôi có thể khẳng định được là ngôi chùa này thờ Ngọc Hoàng thượng đế là một vị thần cao quý nhất của Đạo giáo Việt Nam cững lâu dài”.
Thông qua kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả có thể cho chúng ta thấy rõ chính sách tôn giáo của chúa Nguyễn là đề cao Phật giáo, nhưng bên cạnh đó Đạo giáo và Nho giáo vẫn được khuyến khích nên vẫn tồn tại trong đời sống tâm linh và các quan hệ xã hội đối với người dân Thuận Quảng.
Tư liệu, di tích và di sản về thời Nguyễn Hoàng
Về chủ đề tư liệu, di tích và di sản về thời Nguyễn Hoàng cũng được nhiều tác giả quan tâm tìm hiểu và đề xuất xác đáng.
Có thể nói rằng qua hội thảo này, các tài liệu về Nguyễn Hoàng ở trong và ngoài nước, các di tích, di vật có liên quan đã được các tác giả khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu, giám định công phu trong đó có đủ các văn bản của chúa Nguyễn Hoàng gửi cho Mạc phủ Nhật Bản, được xem là văn kiện ngoại giao mở đầu cho quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được tác giả Võ Vinh Quang sưu tầm, nghiên cứu và đưa ra nhiều kiến giải mới. Tác giả viết: “Chúng tôi đã may mắn phát hiện ra được một số văn bản gốc của các bức quốc thư với hoa văn, chất liệu giấy đặc trưng và dấu triện son rõ nét. Đây chính là những tư liệu chính xác nhất làm căn cứ để bổ khuyết, hiệu chỉnh lại một số nhầm lẫn về tác giả của các bức thư được nói đến”[1].
Thông qua nghiên cứu các văn bản này, tác giả Võ Vinh Quang cho rằng: “từ năm 1570, khi nhận lãnh chức Tổng trấn Thuận Quảng đến lúc qua đời (1613), chúa Tiên Nguyễn Hoàng vẫn dùng ấn triện Tổng trấn tướng quân chi ấn”. Và Chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên đã đảm nhiệm chức quan Trấn thủ Quảng Nam vào trước tháng 5 năm Hoằng Định thứ 2 [1601], nhưng đến năm 1602 mới hợp thức hóa bằng văn bản, và sau này sử thần triều Nguyễn căn cứ vào văn bản đó để ghi chép…
Sau nhiều lần khảo sát, chiêm nghiệm pho tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, tác giả Hồ Vĩnh cho rằng: Tượng ngài Nguyễn Ư Dĩ là một pho tượng tạo hình có nét điêu khắc đặc biệt liền khối nên không có tiêu chí đối sánh. Nhìn vào thực tế, đây là pho tượng đẹp, quý về chất liệu, có giá trị cao về mặt nghệ thuật và lịch sử.
TS. Nguyễn Bình cũng đánh giá cao về pho tượng đồng có một không hai này và đề xuất giải pháp bảo quản: “Đối với bức tượng đồng của ngài Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, đây là di sản có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, mỹ thuật, văn hoá còn lại đến hôm nay, (đã được đưa vào danh mục trình Bộ VH,TT & DL công nhận Bảo vật Quốc gia) nên cần có giải pháp bảo quản, bảo vệ và phát huy giá trị di sản chu đáo. Trước mắt cần thiết xây dựng lại ngôi miếu thờ (nơi đặt bức tượng đồng) cho khang trang, tương xứng”.
Nhà cổ tiền học Nguyễn Anh Huy sau khi trưng dẫn các đồng tiền thời chúa Nguyễn đã hết sức lưu ý đến hiệu tiền “Thái Bình”, ý tưởng này có thể xuất phát từ thời Nguyễn Hoàng với bình luận như sau: Sự nghiệp vào Nam “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Thái tổ Nguyễn Hoàng là để thoát khỏi sự bức hại của họ Trịnh, tạo tự do (“thái bình”) cho mình.Vì thế, hai chữ “太平 (Thái Bình)” trên hệ thống tiền mà các chúa theo lệ phải đúc…
Một công trình nghiên cứu công phu về các dấu tích thời chúa Nguyễn ở lưu vực sông Thạch Hãn của Yến Thọ cho chúng ta nhiều niềm tin nhưng cũng nhiều tín hiệu đáng buồn. Tác giả cho rằng, phần lớn các di tích có liên quan đến thời chúa Nguyễn Hoàng nếu không bị chôn vùi dưới lòng sông thì cũng đã biến mất như: địa danh Ghềnh phủ - vốn là một bến thuyền, cảng thị mà các thuyền buôn tấp nập lui tới buôn bán với Dinh Chúa, làm cho Dinh chúa “trở thành nơi đô hội” chỉ còn thấy dấu vết bãi gốm sứ vỡ ken dày do sự xói lỡ của bờ sông mang lại. Phủ thờ 7 vị tiên vương (gồm: Tiên Vương, Công Thượng Vương, Hiền Vương, Nghĩa Vương, Minh Vương, Ninh Vương, Võ Vương) vốn là công trình dinh thự thuộc Dinh Cát được sử dụng lại sau khi thủ phủ nhà chúa chuyển từ Quảng Trị vào Thừa Thiên (1626) mà đến thời kỳ đầu Gia Long “dấu tích hãy còn” thì sau đó một thời gian đã bị xâm thực.
Bãi Cồn Cờ, một địa danh nổi tiếng thời chúa Nguyễn Hoàng nay đã biến mất. Cồn Cờ hiện tại theo dân địa phương thì là khu vực trũng thấp sát mép sông. Ngôi miếu Trảo Trảo thờ vị thần sông Trảo Trảo có công giúp cho chúa Nguyễn Hoàng dùng “mỹ nhân kế” để chiến thắng quân Mạc Lập Bạo vào năm 1572 nằm cạnh sông nay cũng đã xoá hết dấu tích.
Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy khu di sản lịch sử thời chúa Nguyễn Hoàng, TS. Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Hồ Viết Hy và PGS.TS Đỗ Bang đều thống nhất phương pháp và quan điểm về nghiên cứu và tôn tạo khu di tích chúa Nguyễn tại Triệu Phong là cần có chương trình nghiên cứu lịch sử, điều tra khai quật khảo cổ học toàn diện, công phu để tiến hành khoanh vùng bảo vệ. Các ý kiến này đều cho rằng cần xây dựng Nhà lưu niệm và tượng đài chúa Nguyễn Hoàng trên đất Triệu Phong mà Quảng Trị là nơi khởi đầu cho tiến trình lịch sử “ Người mang gươm đi mở cõi” là xác đáng. Cần quy hoạch các làng Tả Kiên, Hữu Kiên, Trung Kiên, Tiền Kiên, Hậu Kiên nằm trong quần thể di tích của chúa Nguyễn vì các làng này đều đã thống nhất lấy chúa Tiên Nguyễn Hoàng làm vị tiền khai canh của làng mình.
Các tác giả Nguyễn Bình, Lê Tân mong muốn huyện Triệu Phong sẽ có kế hoạch đầu tư để hình thành lễ hội về chủ đề chúa Nguyễn Hoàng tầm cỡ quốc gia và mang đặc trưng của vùng đất Thuận Hoá trong thời kỳ khai mở. Từ đó, địa danh Ái Tử- 1558 sẽ được khôi phục thông qua các hoạt động văn hoá sẽ trở thành điểm đến du lịch trên tuyến về vùng đất di sản ở miền Trung.
TS. Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: “Kết nối việc nghiên cứu bảo tồn và phát huy hệ thống di tích thời chúa Nguyễn ở Quảng Trị với hệ thống di tích thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn ở Thừa Thiên Huế để thu hút du khách và các nhà nghiên cứu quan tâm đến với một địa bàn có nhiều sự kiện và nhiều giá trị văn hóa”.
Một số vấn đề đã được sáng tỏ
- Về tên gọi Thái phó là cậu của chúa Nguyễn Hoàng, lâu nay sử sách do phiên âm chữ Hán có dạng chữ gần nhau, nên không phân biệt là Ư Dĩ, Ư Kỷ, Ư Tỵ, nay PGS. TS Nguyễn Minh Tường đã nghiên cứu công phu và đề nghị từ nay nên thống nhất gọi là Ư Dĩ.
- Nguyễn Hoàng là người nắm được thời cơ để phát triển kinh tế hàng hoá vùng Thuận Quảng và việc Nguyễn Hoàng gửi nhiều thư cho chính quyền Nhật Bản và đã được đáp ứng, chứng tỏ Nguyễn Hoàng là người đầu tiên thực hiện chính sách mở cửa và cánh cửa được mở đầu tiên để đất nước phát triển là tại Quảng Trị.
- Nhiều ý kiến cho rằng sự hình thành tư tưởng cát cứ của Nguyễn Hoàng chỉ bắt đầu từ năm 1570 và bộc lộ rỏ nhất là sau năm 1600.
5. Một số vấn đề còn tồn nghi
- Việc Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá vào năm 1558 là do có lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” được nhiều tác giả thống nhất, nhưng người được giao nhiệm vụ gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm thì chưa rõ: Nguyễn Ư Dĩ, mẹ của Nguyễn Hoàng hay một sứ giả khác ?
- Hầu hết các ý kiến cho rằng việc Nguyễn Hoàng vào Thuận Hoá vào năm 1558 là do tình thế bức bách qua lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng cũng có ý kiến cho là việc Nguyễn Hoàng được cử vào làm trấn thủ Thuận Hóa không phải vì lý do như sử thần nhà Nguyễn nêu ra mà chính bởi vị trí cực kỳ trọng yếu của miền đất này đối với sự nghiệp trung hưng của nhà Lê và do vậy là không có mâu thẫu giữa hai hị Trịnh- Nguyễn (Nguyễn Đức Nhuệ).
- Nhiều ý kiến cho là Nguyễn Uông bị chết “mờ ám” là do bàn tay của Trịnh Kiểm là xác đáng vì lúc đó quyền lực nằm trong tay họ Trịnh nên không thể làm sáng tỏ được vụ án này, nhưng cũng có ý kiến còn nghi ngờ về cái chết của Nguyễn Uông: “Nguyễn Uông bị hãm hại cụ thể thế nào, hiện chưa thấy nguồn tư liệu nào nói đến”. Do vây, việc Trịnh Kiểm có âm mưu hãm hại Nguyễn Hoàng nên buộc ông phải xin vào trấn thủ Thuận Hóa để tránh họa sát thân, việc này cũng chưa có chứng cứ xác thực (Nguyễn Đức Nhuệ).
- Về pho tượng đồng mà nhiều người cho đó là của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, là báu vật duy nhất còn lại cũng còn nhiều ẩn số: Nguyễn Ư Dĩ chết năm nào, tượng đúc vào năm nào, nghệ nhân là ai và lò đúc ở đâu ? Trong khi tài liệu không đề cập đến một lò đúc đồng nào xuất hiện ở vùng Thuận Quảng vào thế kỷ XVI ? Pho tượng quý giá như vậy, trải qua hơn 4 thế kỷ biến động, chiến tranh và cướp bóc nhưng pho tượng vẫn còn trong tình trạng hầu như không có người bảo quản đó cũng là điều khó hiểu.
6 . Về những vấn đề cần thảo luận
Ngoài những vấn đề còn tồn nghi như tôi đã trình bày, tại hội thảo chúng ta còn có nhiều nội dung cần được hội nghị quan tâm thảo luận như:
Về các nguyên nhân Nguyễn Hoàng vào Quảng Trị và những nguyên nhân đưa đến thay đổi về chủ trương của Nguyễn Hoàng trong quá trình trấn nhậm vùng đất Thuận Quảng.
Đánh giá về công lao cũng như hạn chế của Nguyễn Hoàng trong lịch sử dân tộc và mối quan hệ với vùng đất Quảng Trị trong tiến trình lịch sử.
Vấn đề nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích chúa Nguyễn ở huyện Triệu Phong trong định hướng phát triển du lịch hiện nay.
Trên đây là những gợi ý về các nội dung cần thảo luận tại hội trường, mong muốn được hội nghị quan tâm.
Kính thưa toàn thể hội nghị.
Do khuôn khổ thời gian có hạn nên không thể trình bày tất cả 33 bản báo cáo khoa học trong các phiên trình bày tham luận và thảo luận, nên chúng tôi chỉ mời một số tác giả đại diện cho 3 nhóm chủ đề: Thân thế và sự nghiệp chúa Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị và Tư liệu, di tích Nguyễn Hoàng và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị lên phát biểu, nhưng không quá 15 phút. Còn các tác giả khác cùng chủ đề sẽ tham gia thêm những phát kiến mới, nhưng không quá 5 phát. Cuối mỗi buổi, sau khi kết thúc các chủ đề hội thảo sẽ dành thời gian thảo luận. Có như vậy, hội thảo chúng ta mới được nghe và thảo luận nhiều ý kiến mới và bổ ích.
Với sự chuẩn bị công phu của các tác giả và với tinh thần khoa học của tất cả quý vị, tôi tin chắc rằng Hội thảo khoa học Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng sẽ thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!.
Tác giả bài viết: PGS.TS. ĐỖ BANG.
 
[1] Văn bản này hiện lưu trữ tại Nhật Bản Quốc lập công văn thư quán (National Archives of Japan) ở Nhật Bản và Cửu Châu quốc lập bác vật quán (Kyushu national Museum), .
Ảnh minh họa: Nguồn từ Internet& thân hữu.
 
Ảnh trên:  Tượng đồng Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng 1558) tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị. 
Ảnh dưới : 7 bô lão tại vùng đất Ái Tứ dâng  7 vò nước lên chúa Tiên , khi đoàn vừa từ cửa cảng Việt Yên ( cảng Cửa việt- Quảng Trị)  ngược dòng sông Đá Hàn (Sông Thạch Hãn) lên vùng đất Ái Tử để lập Dinh trại ( Dinh Cát).
 

Lời Chúa Khuyên dạy dân chúng tại vùng đẩt phương Nam ( xứ đàng trong Thuận- Quảng ( ảnh trên)
Dinh chúa ở làng Trà Bát, Triệu Giang, Triệu Phong, Quảng Trị ( ảnh dưới).
Đền thờ Đại Thần Nguyễn Ư Dỹ. Tại làng Trà Liên, Tr. Giang hiện nay còn
 
NHÀ THỜ NGÀI NGUYỄN Ư DĨ 
Hoàng Đằng. 

Xã Triệu Giang và làng Trà Liên sẽ cử hành lễ khánh thành nhà thờ ngài Nguyễn Ư Dĩ được xây dựng nhờ ngân khoản vận động từ nhiều nguồn.
Ngài Nguyễn Ư Dĩ là cậu ruột, là dưỡng phụ, là cố vấn, là phò tá cho chúa Nguyễn Hoàng trong sự nghiệp chiếm lĩnh, khai phá, mở mang cõi đất phương Nam kể từ 1558 đến 1602 (năm Ngài mất).
Trong buổi đầu dựng nghiệp nơi đất mới, Nguyễn Hoàng mới 33 hay 34 tuổi (Nguyễn Hoàng sinh 1524 ? hay 1525 ?), ngài Nguyễn Ư Dĩ, với bề dày uy tín của mình, đã thu phục nhân tâm, lên kế hoạch mở nước.
Ngài Nguyễn Ư Dĩ có công lớn với chúa Nguyễn Hoàng, từ đó, có công lớn với đất nước Việt Nam.
Tượng Ngài đã được đúc và đặt thờ ở ngôi chùa Liễu Bông thuộc địa phận làng Trà Liên. Đúc năm nào? Ai đúc? Những thông tin ấy không biết có khắc ghi bằng chữ nhỏ trên tượng hay không.
Tôi có đến nơi đặt tượng Ngài cách đây mấy năm. Tượng đặt trong một công trình kiên cố quá hẹp, 3 mặt tượng – hai bên và sau lưng – áp sát vào tường; tượng được giằng níu sắt thép rất kỹ.
Làng Trà Liên phải làm vậy vì sau khi chùa Liễu Bông bị sụp đổ do bom đạn, tượng là báu vật được bọn trộm cắp dòm ngó nhiều lần. Tuy nhiên, do hồn thiêng của Ngài, tượng vẫn ở lại với làng Trà Liên.
Một vị tài ba mưu lược như thế đã cùng chúa Nguyễn Hoàng dùng đất Quảng Trị là bàn đạp mở rộng lãnh thổ dài rộng như ngày nay; vậy mà tại các khu đô thị ở tỉnh Quảng Trị hay hẹp hơn ở Triệu Phong, người ta chưa nghĩ ra chuyện ghi công Ngài bằng việc lấy tên Ngài đặt cho một con đường – việc đơn giản nhất -, trong khi ở TP. Hồ Chí Minh đã làm việc đó.
Xã Triệu Giang và làng Trà Liên luôn nghĩ hồn thiêng Ngài còn đây để che chở cho dân an vật lạc, địa phương càng ngày càng đi lên nên đau đáu trong lòng sẽ xây dựng nhà thờ Ngài.
Nay việc hoàn thành, tôi xin cùng mừng với xã Triệu Giang và làng Trà Liên.
Tôi xin đốt nén hương lòng vọng bái Ngài trong lễ khánh thành và an vị. Tôi nghĩ cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng cũ ở muôn nơi cũng nên vọng tưởng đến công lao của ngài Nguyễn Ư Dĩ, tức là vọng tưởng đến ngài Nguyễn Hoàng – Ngài mà trường chúng ta có vinh dự mang tên gần 50 năm về trước.
01/10/2022, HĐ
Đền thờ Đại Thần Nguyễn Ư Dỹ được phục hồi tu tạo mới tại làng Trà Liên  vào năm 2020
Chợ Hôm tại vùng Dinh Cát ( Điểm giao thương của xứ Đàng trong)

Khu lăng mộ  ChúaTiên tại Trường cơ tại La Khê Thừa Thiên- Huế ( 2 ảnh Trên )
Sông Thạch Hãn phía bên bờ Bắc Ái Từ
Cội nguồn sông Đà Hàn
Cửa cảng Việt Yên
Sông Thạch Hãn nhìn sang bên kia cầu Ái  tử