Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

TRƯỜNG LÀNG TÔI Văn Thiên Tùng

 

TRƯỜNG LÀNG TÔI
 
(Riêng tặng Thầy Hiệu trưởng Bùi Hữu Cơ đồng quý cô Hoàng Thị Bê, Tạ Thị Hai- Nguyễn Thị Mơ và các bạn đồng môn của trường Long Hưng- xã Hải Thượng cùng NK 1960-1966 và 4 chị em XL,XM,Đ,L)… Hằng năm trường có đến 70% học sinh 2 lớp Nhất A&B (gần 120-130 hs) đều đậu vào trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, còn lại là TH.Bồ Đề đến TH.Thánh Tâm).

Trên đồi cát nơi đây còn lưu dấu
Dáng trường xưa - thầy cô tự thuở nào
Khuôn viên trường từng bụi "hóp- dứa" bao
Bấy cây phượng- hàng... hàng dương rợp mát

Bảy phòng lớp cùng lối đi rộng ngát
Tứ hướng vây sân cờ đẹp nhường bao…
Tuổi thần tiên ươm dệt tự thuở nào
Ngần kỷ niệm hằn in trường - lớp học

Những chữ cái- học vần hay tập đọc
Còn thuộc làu từng con chữ hôm nao
Hình dáng Cô, uy phong Thầy thuở nào
Đã khơi sáng tâm hồn ta ngày đó…

Những mùa hè thắm rực hoa phượng đỏ
Làm sao quên những hè luyện học thêm
Tiếng gió Lào - ve hòa khúc nhạc êm
Từng tốp - tốp bày trò chơi nào chán

Từng cọng "chứa"* thành món quà thích lắm
Chong chóng quay, đồng hồ buộc khéo thay,...
Từng lối vào căng khắc nhịp đều tay
Bên hàng "hóp"* hơn thua trò câu cút

Bắt "rầy môốc - rầy mè"** nhọc hơn chút
Đứa trèo cây - thằng đào cát bắt nào
Những trò chơi ù mọi ... rộn ràng sao
Còn tung thẻ- nhảy dây, ... thuần thục thiệt

Lắm trò chơi không thể nào kể xiết
Tháng năm học trò ... Ôi! tuổi thần tiên
Từ lớp "Năm đến Nhất"*** một mạch liền
Nơi đây đúng khởi bồi lực - tâm - trí.

Chặng tiếp đến theo đà ta vững chí …
Ôi! Ngôi trường thuở ấy của chúng ta
Trường Long Hưng Tiểu học ấy ấy mà...
Cảm ơn Thầy, ơn Cô đồng trang lứa

Đã ươm mầm tri thức chặng đầu tiên!!!
Nào về thôi ... Ta cùng ôn ... .
                    và lật trang ký hôm nào!!!...
Văn Thiên Tùng- MV, 23/5/2021.
Ảnh minh họa: Nguồn từ Internet.
 

(1) : Trường tiểu học Long Hưng chính thức tên gọi vào sau những năm 1946-1975. Trường được thành lập vào những năm 1930 với tên trường Yếu Lược - đến Bình dân học vụ và sau cùng tọa lạc trên đồi cát La Lã Hạ của Làng Long Hưng - xã Hải Thượng, quận Hải Lăng (Sau đó Q.Mai Lĩnh) bên cạnh cái bốt của Pháp gọi là Bậc - Đôốc, Trường gồm có 5 phòng học chính rộng 8x10, 1 phòng học phụ rộng 8x8m và 1 văn phòng Thầy cô cùng 1 phòng nhỏ giáo vụ & tài liệu thành hình chữ L hướng ra cổng theo Tây Bắc.

Từ khi trường Trung học Nguyễn Hoáng Quảng Trị được thành lập vào những năm 1952, hầu hết học sinh trường THLH đều lên học trường Nguyễn Hoàng Quảng trị cho đến năm 1975. Trường quy tụ học sinh các xã Lân Cận thuộc phí Tây Nam- Đông tỉnh lỵ Quảng Trị đến học và một phấn con em các khu gia binh của căn cứ quân đội Miền Nam (TĐ1BB) xã Hải Trí cũng có khá đông hs về học tại trường....

Sau năm 1975, trường thay đổi tên trương cấp 1&2 Hải Thượng, trường Cấp 1 Hải Phú đến trương Trung Tiểu Học Hải Phú ( 2019).

* Chứa; hóp: Cây dứa có bẹ gai nhọn hai bên ngày xưa thường trồng làm hàng rào che chắn xự xâm nhập của động vật và người lạ vào... Trẻ thơ thường cắt tước bẹ ra làm chong chóng 4 cảnh, đồng hồ đeo tay, các con châu chấu, chơi cáo gai ngược xuôi…; Hóp là cây tre nhỏ nhưng có lóng dài, thường trồng làm hàng rào; có 2 loại hớp rặt nhỏ bằng que đũa, các bạn nữ nhất dùng làm thẻ để chơi tung banh, hóp "mỡ" lớn hơn ngón tay cái, thưa đốt, nên trẻ nhỏ dùng làm ông phóc, lạt cột bánh đòn, lạt bó lúa, dây buộc các đồ dùng, củi ...

** Rầy Mô ốc - Rầy mè: Rầy mô ốc con rầy màu đà to tương, thường đậu & sinh sống bầy đàn ăn lá cây dương liễu, học trò thường bắt nó cột dây chơi và thi đoán số ở trong cánh mỏng; Rầy mè con nhỏ màu xanh biếc thường ở sâu dưới gốc cây dương liễu( phi lao)trồng ở vùng đất cát trắng. Dào bắt chơi hoặc đem về chiên mỡ ăn rất ngon.

*** Lớp Năm đến lớp Nhất: Bậc Tiểu học trước những năm 1970 thì lớp Năm tức là lớp 1 [ Năm, tư(2), ba(3) Nhì( 4), Nhất( 5]...


 





 
 
 

Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

MẠN ĐÀM VỀ LỖI - BỆNH TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT ...

 https://www.facebook.com/luatthoduongluat 

MẠN ĐÀM VỀ LỖI - BỆNH
TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT

 
 
Xin trích lời ông Hồ Văn Chi - PCT. Chi hội thơ Đường luật Đà Nẵng để mở đầu bài viết này:
"Thơ Đường luật là một thể thơ khó, rất khó! Thơ Đường luật ngoài những quy định khắt khe về 5 yếu tố cơ bản là: Niêm, luật, vần, đối ngẫu, bố cục thì người làm thơ còn phải rà soát đến các lỗi, bệnh nữa. Hiện nay, ở Việt Nam chưa thấy có tài liệu chính thống nào quy định các lỗi, bệnh của thơ Đường luật, mà chủ yếu chỉ là những bài viết của cá nhân, nhất là trên các trang thông tin điện tử.
Để tìm hiểu vấn đề này, người viết (ông Chi) đã gõ vào "LỖI VÀ BỆNH TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT" và xin được liệt kê tóm lược như sau:
1. Theo vnthivandan.net, ngày 23/5/2012
Có 12 lỗi, 8 bệnh
2. Theo hoa vien.forumvi.com, ngày 27/5/2012
Tóm tắt các lỗi trong thơ Đường luật (không phân định lỗi hay bệnh)
3. Theo Thiet Duong trên thoduongdatviet.com ngày 26/10/2014
Có 8 bệnh, 12 lỗi
Và có thể còn những trang viết khác mà người viết chưa truy cập tới được. Tuy nhiên, bằng đó cũng đã là nhiều, đã đủ rắc rối và thấy nổi lên một số vấn đề cần suy nghĩ như sau:
1. Thơ Đường luật Việt Nam - hay nói đúng hơn là những người làm thơ Đường luật Việt Nam đã tự làm khó mình bằng cách cố gắng tìm tòi để đưa ra quá nhiều quy định khắt khe, làm cho người làm thơ Đường luật dễ trở thành người thợ chế tác, gọt đẽo và những người muốn học làm thơ Đường luật phải "rùng mình"!
2. Việc quy định thế nào là lỗi, thế nào là bệnh đa phần tùy thuộc vào ý chủ quan của mỗi người! Do đó, qua các trang viết được trích dẫn ở trên người thì quy định cái này, nhóm này là lỗi, nhưng người khác thì lại quy định khác hoặc ngược lại!... (Trích lời của ông Hồ Văn Chi)
Để dung hòa tất cả, người soạn lại bài này sẽ gọi chung tất cả các LỖI hay BỆNH chung là CÁC LỖI BỆNH TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT. Tôi sẽ cố liệt kê hết tất cả các LỖI BỆNH mà sau này mới phát triển thêm cho bài viết được đầy đủ và độc giả có tài liệu tra cứu khi cần thiết.
CÁC LỖI BỆNH TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Sau đây là phần trích bàn về: THI BỆNH
Theo như cách nghĩ của các Thi gia từ xưa: Ngoài 5 quy tắc (Vần, Đối, Luật, Niêm, Bố cục) thì Thi Bệnh là những khuyết điểm không đáng có mà người làm thơ vô tình phạm phải, điều này sẽ khiến cho bài thơ khi xướng lên nghe hụt hẫng, khập khiễng hay ngang ngang rất khó chịu, ắt rằng sẽ làm bài thơ trở nên kém hay.
Nói đến thi bệnh phải kể đến người đầu tiên đề xướng ra vấn đề này, chính là Thẩm Ước (chữ Hán: 沈約; Bính âm: Shen Yue) (441 – 513), tự Hưu Văn, người Kiến Khang Ngô Hưng (nay thuộc Kiến Khang Triết Giang), là nhà chính trị, nhà văn, nhà sử học thời Nam triều Trung Quốc
Ông đã đề xướng thuyết TỨ THANH BÁT BỆNH áp dụng cho các thể thơ Cổ Phong (là những thể thơ có trước Thơ Đường Luật - Cận Phong).
Ông là người có công đã phát hiện ra, quy nạp các bệnh ấy thành 1 hệ thống và đặt cho mỗi bệnh 1 cái tên gọi chính thức.
Sau khi ông Thẩm Ước đề xướng thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh, được các Tao nhân Mặc sĩ khắp nơi hưởng ứng rầm rộ và đem áp dụng vào thể thơ Ngũ Ngôn ở đây là Ngũ Ngôn cổ thể (Ngũ ngôn Cổ phong).
TỨ THANH BÁT BỆNH có nghĩa là những lỗi về âm thanh. Nếu phạm phải thì khi đọc hay ngâm bài thơ lên sẽ có tiết tấu nghe không được nhịp nhàng, uyển chuyển và khúc chiết cho lắm.
Tứ Thanh Bát Bệnh có nghĩa là 8 bệnh được quy kết lại thành 4 loại thanh:
Điểm đáng chú ý nhất là tất cả các bệnh cũng chỉ xoay quanh về vấn đề trùng lắp (điệp) và đào sâu vào 3 điểm chính;
· Thanh (luật bằng - trắc)
· Niêm
· Vận
(Vì cả 3 quy tắc này trong Cổ Phong hay Đường Luật đều liên quan đến Thanh âm).
Và Thẩm Ước đã hệ thống và quy kết như sau:
Trong mỗi Thanh thường có hai Bệnh (dùng trong Ngũ Ngôn Cổ Thể):
1. Bình Đầu - Thượng Vỹ: Thuộc Tiền, Hậu Tung Thanh
(các nhóm chữ đầu và cuối của nhiều câu liền kề; tính theo lối dọc).
2. Phong Yêu – Hạc Tất: Thuộc Đệ Nhất Hoành Thanh.
3. Chánh Nữu - Bàng Nữu: Thuộc Đệ Nhị Hoành Thanh.
4. Tiểu Vận - Đại Vận: Thuộc Đệ Tam Hoành Thanh.
TỨ THANH BÁT BỆNH CỦA THẨM ƯỚC CỤ THỂ NHƯ SAU:
Áp dụng cho các thể thơ Cổ Phong: Là những thể thơ có trước Thơ Đường Luật (Cận Phong).
1. BÌNH ĐẦU:
坪 Bình: Là Ngang bằng
头 Đầu: Là Ban đầu. Trong thuật ngữ thơ được hiểu là Đầu câu.
Bình Đầu là hai chữ đầu câu của hai câu liền kề bị trùng thanh.
Nếu hai chữ đầu của câu trên trùng thanh độ (trùng dấu) với hai chữ đầu câu dưới thì phạm lỗi.
Ví dụ:
ĐƯỜNG MÂY thẫm màu xa
ĐÀO PHAI khoe sắc hoa
2. THƯỢNG VỸ:
尚 Thượng: Vượt quá
尾 Vỹ: Là cái Đuôi
Thượng Vỹ được hiểu là vếch đuôi cao lên.
Nếu Bình đầu tính lỗi ở hai chữ đầu, thì Thượng Vỹ tính lỗi ở hai chữ cuối của câu không được trùng thanh độ. Đặc biệt là chữ thứ 5 cuối cùng của câu thơ ngũ ngôn.
Ví dụ:
Cửa ải bóng CỜ BAY*
Gió đưa lẫn CÙNG MÂY*
3. PHONG YÊU:
蜂 Phong: Là con Ong
腰 Yêu: Là cái Eo, chỗ thắt lại.
Do hai đầu phình ra, ở giữa thắt lại như eo con ong nên gọi là Phong Yêu.
Là trong cùng 1 câu, chữ thứ 2 và chữ thứ 5 không được trùng thanh độ (dấu thanh).
Ví dụ:
Chiều THU lá vàng BAY
Mặt BIỂN màu xanh THẲM
4. HẠC TẤT:
鶴 Hạc: Là chim hạc.
膝 Tất: Là đầu gối (chỗ gù lên).
Do hai đầu nhỏ, mà ở giữa phình ra như đầu gối chân chim Hạc nên gọi là Hạc Tất.
Là chữ thứ 5 của 2 trong 3 câu liền kề không được trùng thanh độ (dấu)
Ví dụ:
Hoa gạo rơi lã CHÃ
Mưa xuân lất phất BAY*
Hai đứa mình đôi NGÃ
Biệt ly kể từ ĐÂY*
5. CHÁNH NỮU:
正 Chánh: Là chính. Trong thuật ngữ thơ Chánh được hiểu là ngay ở nơi này (trong câu).
狃 Nữu: Nhờn quen. Trong thuật ngữ thơ được hiểu: Sự trùng lắp âm căn
Chánh nữu là lỗi trùng lặp âm căn ở trong cùng một câu (trong giới hạn của 5 chữ).
Ví dụ:
Tiếng rAO trong mưa rÀO
6. BÀNG NỮU:
旁 Bàng: Bên cạnh, liền kề. Trong thuật ngữ thơ được hiểu là câu liền kề.
狃 Nữu: Nhờn quen. Trong thuật ngữ thơ được hiểu: Sự trùng lắp âm căn
Trong giới hạn 10 chữ của 2 câu liền kề không được dùng những chữ có cùng một nữu (cùng phụ âm đầu, hay nguyên âm)
Ví dụ:
Nhành hoa xoan la Đà
Thơm Đã vương Đầu ngõ
(2 câu này có 3 phụ âm đầu Đ)
7. TIỂU VẬN:
小 Tiểu: Là Nhỏ (trong thơ được hiểu là nhẹ).
韵 Vận: Là vần
Tiểu vận là bệnh nhẹ về vần trong câu (được tính theo hàng ngang).
Dù không trùng khuôn vần với vận, thì 9 chữ đứng trước vận, cũng không được dùng hai hoặc nhiều chữ cùng một khuôn vần.
Ví dụ
Nhành hOA xoan lA đÀ
Thơm đã vương đầu ngõ
(A, OA thông vần; LA cùng khuôn vần với ĐÀ)
8. ĐẠI VẬN:
大 Đại (thái): Là lớn (trong thơ được hiểu là nặng)
韵 Vận: Là vần
Đại Vận là bệnh nặng về vần.
Thơ Ngũ ngôn thường được gieo vần ở câu chẵn, nên chữ thứ 10 của 2 câu chẵn lẻ liền kề gọi là vận.
Đại vận là 9 chữ đứng trước vận không được trùng với khuôn âm với vận (bao gồm cả vận chính và vận thông).
Ví dụ:
Miếng trầu têm MỜI bạn
Đọi nước đón khách CHƠI
Ngũ Ngôn và Thất Ngôn Luật Thi đến đời Đường, nghĩa là gần nửa thế kỷ sau mới sản xuất. Cho nên tám bệnh của ông Thẩm Ước đưa ra không đem áp dụng vào thơ Ngũ Ngôn và Thất Ngôn Đường Luật được. Mà chúng ta giảng cứu đây là giảng cứu về Luật Thi. Tuy vậy, chúng ta cũng nên biết qua để làm giàu thêm cho cái vốn học vấn.
Trước hết chúng ta nên biết rằng tám bệnh kia không phải Thẩm Ước đặt ra. Chính cũng như những bệnh dịch hạch dịch tả, bệnh phong bệnh lao... ở ngoài đời. Những thi bệnh đã có trong thơ từ khi mới có thơ và thơ càng phát triển, thi bệnh càng sinh thêm nhiều. Thẩm Ước chỉ có công phát hiện và đặt cho mỗi bệnh cái tên. Để cho khách tri âm dễ nhận thấy bệnh, họ Thẩm mới giải rõ bệnh lý, mới tả rõ bệnh trạng, mới thuyết rõ bệnh căn.
Nhận thấy được bệnh rồi thì tránh bệnh hoặc trị bệnh không đến nỗi khó khăn.
(Chép trong sách ra)
Về sau này (hơn cả trăm năm) cũng do chính các Thi nhân thời Sơ Đường đã dùng Danh - Định (tên gọi và một số quy tắc chế định) của Tứ Thanh Bát Bệnh ấy để bổ sung và dần dần hoàn thiện: Luật Bằng Trắc và Niêm trong Đường Luật Thi (cận phong).
Sau khi Thi luật được điển chế thì phần nhiều bệnh của Thơ Ngũ Ngôn không còn chỗ để xâm nhập. Song những bệnh này bị diệt trừ thì những bệnh khác lại sinh sản. Bởi hễ đời còn người, người dẫu đã văn minh tiến bộ đến đâu, vẫn còn bệnh; Thì thơ còn chữ, dù chữ đã tinh luyện đến đâu, cũng vẫn còn bệnh như người. Cho nên khách làng thơ Đường luật vẫn dùng những bệnh danh của Thẩm Ước để gọi những bệnh mới sinh trong thơ Cận Thể và tương tự với những bệnh trong thơ Cổ Thể. Danh tuy đồng nhưng bệnh căn và bệnh trạng đều khác. Để bớt rườm rà, ở đây chỉ nói về những bệnh trong Thất Ngôn Luật Thi.
(Chép trong sách ra)
Đó chính là các quy tắc Đường Luật hoàn chỉnh mà ngày nay chúng ta đã và đang sử dụng.
8 BỆNH DANH CỦA THẤT NGÔN LUẬT THI LÀ:
1. Bệnh Bình Đầu
2. Bệnh Thượng Vỹ
3. Bệnh Phong Yêu
4. Bệnh Hạc Tất
5. Bệnh Bàng Nữu
6. Bệnh Chánh Nữu
7. Bệnh Đại Vận
8. Bệnh Tiểu Vận
Đối với Thi Bệnh trong Thơ Đường Luật, mỗi người mỗi ý, có người cho là có 8 bệnh, có người 14 bệnh, cũng có người 17 bệnh, lại có người đề ra 34 bệnh...
Nhưng tất cả các bệnh mà các nhà Thơ Việt đưa thêm vào cũng chỉ là đào sâu vào Thanh (luật Bằng Trắc), Niêm và Vận, vì cả 3 quy tắc này trong Đường Luật đều liên quan đến Thanh âm.
1 - Bình Đầu: Có nghĩa là bằng nhau ở đầu câu
Bài thơ mà có 3 từ đầu của 4 câu liên tiếp bắt đầu bằng những tiếng cùng một từ loại như danh từ, động từ... cùng một cấu trúc câu thì phạm lỗi bình đầu. Ngoại trừ trường hợp cố tình làm có mục đích rõ rệt.
2 - Thượng Vỹ: Đuôi cao lên
Trong bài thơ ĐL TNBC nếu chữ thứ 5, 6, 7 của từ 4 câu liên tiếp cùng từ loại và cấu trúc thì bài thơ phạm lỗi thượng vỹ.
3 - Phong Yêu: Eo con Ong
Trong 1 câu, chữ thứ 2 và chữ thứ 7 cùng thanh dấu
(2/7 cùng dấu)
4 - Hạc Tất: Đầu gối chim Hạc
Trong 1 câu, chữ thứ 4 và chữ thứ 7 cùng thanh dấu
(4/7 cùng dấu)
5 - Chánh Nữu:
Phạm lỗi này khi trong 1 câu có 3 chữ có phụ âm hay nguyên âm đầu giống nhau. Ngoại trừ các chữ láy, ghép.
6 - Bàng Nữu:
Trong 4 câu liên tiếp có từ 4 chữ có phụ âm hay nguyên âm đầu giống nhau. Ngoại trừ các chữ láy, ghép.
7 - Đại Vận:
Chữ thứ 4 trong câu cũng vần với chữ cuối câu thì phạm lỗi đại vận (4/7 cùng vần)
8 - Tiểu Vận:
Chữ thứ 2 trong câu vần với chữ thứ 6 hoặc thứ 7 thì phạm lỗi tiểu vận.
Ví dụ 1:
QUA ĐÈO NGANG là một bài thơ rất nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan. Dựa vào 8 Bệnh của Thơ Đường Luật, chúng ta thử xem bài thơ này có bao nhiêu Bệnh nhé:
QUA ĐÈO NGANG
Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
1 - Bệnh Bình Đầu:
Bài thơ mà có từ 4 câu liên tiếp bắt đầu bằng những chữ cùng một từ loại, cùng một cấu trúc câu thì phạm lỗi bình đầu. Ngoại trừ trường hợp cố tình làm có mục đích rõ rệt.
NHỚ nước đau lòng, con quốc quốc,
THƯƠNG nhà mỏi miệng, cái gia gia.
DỪNG chân đứng lại, trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
- Chữ đầu câu của 4 câu cuối có 3 chữ Nhớ - Thương - Dừng cùng tự loại là Động từ:
2 - Bệnh Thượng Vỹ:
Chữ thứ 5, 6, 7 của từ 4 câu liên tiếp cùng từ loại và cấu trúc thì bài thơ phạm lỗi thượng vỹ.
Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen HOA
Lom khom dưới núi, tiều vài CHÚ
Lác đác bên sông, chợ mấy NHÀ
- Chữ cuối 4 câu trên có 3 chữ Hoa - Chú - Nhà cùng là danh từ
3 - Bệnh Phong Yêu:
Trong 1 câu, chữ thứ 2 và chữ thứ 7 cùng thanh dấu
(2/7 cùng dấu)
Cỏ CÂY chen đá, lá chen HOA
- Câu 2 có chữ Cây và Hoa cùng thanh ngang
Nhớ NƯỚC đau lòng, con quốc QUỐC
- Câu 5 có chữ Nước và Quốc cùng thanh sắc
4 - Bệnh Hạc Tất:
Trong 1 câu, chữ thứ 4 và 7 cùng thanh dấu
(4/7 cùng dấu)
Lom khom dưới NÚI, tiều vài CHÚ
- Câu 3 có chữ thứ 4 và chữ thứ 7 cùng thanh dấu.
Một mảnh tình RIÊNG, ta với TA.
- Câu 8 cũng thế, chữ thứ 4 và chữ thứ 7 cùng dấu thanh.
5 - Bệnh Chánh Nữu:
Trong một câu có từ 03 chữ cùng phụ âm đầu (hoặc bắt đầu bằng nguyên âm, không có phụ âm đầu) thì phạm lỗi chánh nữu. Ngoại trừ các chữ láy, ghép.
Một mảnh TÌNH riêng, TA với TA
- Câu cuối có 3 chữ cùng phụ âm T
6 - Bệnh Bàng Nữu:
Trong liên có từ 04 chữ cùng phụ âm đầu hoặc bắt đầu bằng nguyên âm thì phạm lỗi bàng nữu.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh TÌNH riêng, TA với TA.
- 2 câu cuối bị bệnh này, 3 chữ mang cùng phụ âm đầu là 3 chữ T
7 - Bệnh Tiểu Vận:
Chữ thứ 2 trong câu cũng vần với chữ thứ 6 hoặc thứ 7 trong câu thì phạm lỗi tiểu vận (2/6, 2/7 cùng vần)
Thương NHÀ mỏi miệng, cái gia GIA.
- Câu thứ 6 có chữ thứ 2 là NHÀ và chữ thứ 7 là GIA trùng vần.
Với bài này bà Hồ Xuân Hương đã bị mắc phải 7/8 bệnh!
Ví dụ 2:
Phân tích bài "ĐÓN TẾT" của cụ Tú "Có chăng chừa rượu với chừa chè"
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh chưng sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu.
Thôi thế thì thôi đành Tết khác,
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo.
- Bệnh Bình Đầu: 4 câu đầu, 4 câu giữa và 4 câu cuối đều mắc phải lỗi vì có danh từ ở đầu câu.
- Bệnh Thượng Vỹ: 4 câu đầu có 3 chữ cuối là động từ: Tiêu, quẩy, kiêu.
- Bệnh Phong Yêu: Bị lỗi ở
Câu thứ 4: Sen, kiêu và
Câu thứ câu 7: Thế, khác
- Bệnh Hạc Tất: Lỗi ở câu 2: Kho, tiêu.
- Bệnh Chánh Nữu: Câu 7 có 3 phụ âm trở lên th: Thôi, thế, thì, thôi.
- Bệnh Bàng Nữu: 2 câu cuối cùng
Phụ âm t: Tết, Tết, tôi.
Với bài này Cụ Tú Xương nhà ta bị mắc phải 6/8 bệnh!
Ví dụ 3:
Chúng ta cùng tiếp tục với thơ của Quách Tấn trong bài "ĐÊM TÌNH"
Giấc thắm tình duyên non gối nước,
Màn sương để lọt ánh sao băng.
Hồn hoa chợp mộng thơm hồn gió;
Tóc liễu dừng thơ đón tóc trăng.
Muôn điệu tơ lòng run sẽ sẽ,
Nửa vời sóng nhạc giợn lâng lâng.
Phòng hương thương kẻ ngồi nương triện
Tình gởi mây xa lệ ngập ngừng.
- Bệnh Bình Đầu:
Chữ đầu câu của 4 câu đầu có 3 chữ trở lên cùng tự loại là danh từ
- Bệnh Thượng Vỹ:
Chữ cuối câu của 4 câu đầu có 3 chữ trở lên cùng tự loại là danh từ.
3 chữ thứ 5 của 4 câu giữa và 4 câu cuối cùng là động từ.
- Bệnh Phong Yêu:
Câu 1 thắm - nước; Câu 2 sương - băng
- Bệnh Hạc Tất: Câu 4 thơ - trăng
- Bệnh Chánh Nữu:
Câu 4 có cùng 3 phụ âm h: Hồn - hoa - hồn
- Bệnh Bàng Nữu:
4 câu cuối có cùng phụ âm l: Lòng - lâng - lâng - lệ.
- Bệnh Tiểu Vận:
Câu 7 có 2/6 cùng vần ương: Hương - nương
Như thế, "ĐÊM TÌNH" cũng bị 6/8 bệnh
Qua mổ xẻ để định bệnh ta thấy:
- Một bài thơ hay nổi tiếng QUA ĐÈO NGANG đã mang trên mình 8/8 bệnh.
- Bài thơ ĐÓN TẾT của cụ Trần Tế Xương thì bị 6/8 bệnh.
- Bài "ĐÊM TÌNH" của Quách Tấn - Là người tổng hợp lại kiến thức được biết của mình qua các tài liệu, sách vở và trình bày ra mặt giấy để bạn thơ được rõ về "Bệnh và Lỗi Trong Thơ Đường Luật" cũng vướng 6/8 bệnh.
Đó là chúng ta mới định bệnh thôi, chưa nói đến trên dưới 10 lỗi trong thơ Đường Luật nữa mà các nhà thơ, nhà nghiên cứu hay học giả của thế hệ chúng ta vạch ra để người làm thơ Đường Luật phải tránh!
Một sự thật phải thừa nhận rằng: Thể thơ Đường Luật là một thể thơ gây nhiều khó khăn nhất cho người tập làm thơ.
Chính vì thế để giúp cho người làm thơ khỏi lạc đường và đến đích mau chóng, các học giả Trung Hoa ngày trước đã soạn nhiều bộ Thi Vận Tập Thành, thường gọi là sách Quan vận hay là sách Vận thư.
Nước Việt Nam chúng ta chưa có sách Quan vận. Cho nên các cụ ngày xưa đều hay dùng theo sách Trung Hoa, ngay cả khi làm thơ chữ Nôm cũng như khi làm thơ chữ Hán.
Sau này mãi cho đến cuối thập niên 30 đầu 40 của thế kỷ XX trở lại đây (khi mà hệ thống Quốc ngữ của Việt Nam ta từ hệ Tượng hình - Chữ Nôm đã thực sự chuyển hẳn sang hệ Tượng thanh - Latinh), vấn đề Thi Bệnh mới thấy các nhà Thơ Việt Nam quan tâm đem ra luận bàn sôi nổi và bắt đầu vận dụng một cách triệt để. Trong đó, đáng chú ý nhất là quan điểm nổi bật của nhà thơ Quách Tấn (1910-1992). Và chính vì vậy chúng ta sau này do không hiểu cái mấu chốt nhạy cảm này nên đã hay thắc mắc tại sao các bậc tiền bối học cao hiểu rộng như Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan... các tác phẩm của Họ đều bị mắc lỗi bệnh.
(Hết phần 1)
Còn tiếp
Link tham khảo:
1. http://longhovinhlong.blogspot.com/…/benh-va-loi-trong-tho-…
2. https://hoaanhdao0603082010.violet.vn/…/s…/entry_id/11643156
6. Một số chỗ trích THI PHÁP THƠ ĐƯỜNG của Quách Tấn

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

ĐỒNG TÂM DẬP DỊCH Văn Thiên Tùng

 

ĐỒNG TÂM DẬP DỊCH
 
Cả nước chung lòng dập dịch đây
Đồng tâm truy vét chúng đêm ngày
Lần theo dấu vết phân nguồn nhiễm
Phân định nhân quần xác ổ lây
Chặn đứng kịp thời không bỏ sót
Cách ly nhanh gọn kẻo toang nầy
Bắc Giang nguy cấp cần chi viện
Ta hãy sẵn sàng tiếp ứng ngay!
Văn Thiên Tùng- MV, 19/5/21.
 



 

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

ĐÂY NÈ! TẤM VÉ ... Văn Thiên Tùng

ĐÂY NÈ! TẤM VÉ ...
 
Những chiếc vé nằm nhoài trong ký ức
Mãi ngủ hoài đợi lúc thức dậy đây
Từng Đông qua - xuân hạ - lẫn thu gầy
Vẫn hong hóng nhưng hoài rong rêu  phủ ...
 
Những chiếc vé tuổi thơ từng ấp ủ
Đến bây chừ trong mộng tưởng đấy thôi
Nhiều lúc ngồi nhớ lại thấy bồi hồi
Đâu rồi nhỉ ? Quảng đời ta ngày ấy....
 
Những trò chơi... chơi hoài không chán ngấy
Ánh trăng "hùa" quét rực rạng nẻo quê
Tiếng hò reo quanh từng đống rơm "xề"
Trò tắm cạn ...rơm tung... Ôi! vui ngất
 
Những kỷ niệm êm đềm ...Ôi tuyệt thật!
Mùi rạ rơm ngây ngấy chẳng nguôi phai
Bài đồng dao nào học thuộc dài dài
Và thích lắm! tận đến chừ nhớ mãi...
 
Những bài học... lúc sân trường khép lại
Bấy trời quê... ta thỏa thích đùa chơi
Dẫu nắng thiêu da khen khét… mặn mòi
Áo tơi tả - chân trần chai nào ngán!
 
Cũng lắm nhỏ từ đây nên chúng bạn
Rồi thành danh rồi nên nghĩa vợ chồng
Tấm vé nầy ta biếu bạn không đồng
Về thôi nhé! ta đồng về một chuyến!!!
 
Ai từng tắm ... tắm rơm thời ấy ấy???
Hãy cùng dành dăm phút tắm chung nè!!!
Văn Thiên Tùng - MV, 12/5/2021.
Ảnh minh họa: Nguồn từ Internet.
 
Cho Tôi Xin Một Vé Về Tuổi Thơ - Various Artists - Nhac.vn
 
 Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và ngoài trời
 
 Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và ngoài trời

 Có thể là hình ảnh về trẻ em và cỏ

Có thể là hình ảnh về ngoài trời

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

CHỈ ƯỚC ... TRỜI RẤT XANH Tiểu Yên

 CHỈ ƯỚC ... TRỜI RẤT XANH
 
Sao em ngồi lặng lẽ
Ngắm nắng hắt lưng trời
Không dưng... buồn quá vậy
Cô gì... cô gái ơi?
 
Ờ... bụi vừa... cay mắt
Không dưng... mà muốn khóc
Không dưng... làm quay quắt
Không dưng... rồi hanh hao.
 
Cái không dưng... thật lạ
Khiến đôi môi không cười
Thôi, nghe tôi kể chuyện
Đổi nỗi buồn thành vui.
 
Vu vơ tôi khẽ hỏi
Vu vơ em trả lời
Quên mất... không để lại
Lời hẹn nào... hay sao?
 
Thoảng qua rồi tan biến
Giống người dưng vô tình
Nhưng tôi như bối rối
Một chút gì lặng tênh.
 
Tháng tư xin đừng lỡ
Gánh yêu thương về cùng
Xây con tim làm tổ
Hết những ngày chênh vênh.
 
Tháng tư về gõ cửa
Chỉ ước... trời rất xanh
Tôi sẽ ngồi đâu đó
Viết câu thơ yên bình.
Tiểu Yên, 03/4/2020
 
 Không có mô tả ảnh.

 

NƯỚC MẮT CỦA NIỆM Tiểu Yên

Truyện ngắn: 
NƯỚC MẮT CỦA NIỆM
 
Nắng. Nắng hoa cả mắt, hừng hực như rót lửa.
Niệm luống cuống chạy về nhà, chân liêu xiêu muốn ngã. “Cha ơi, cha ơi”. Cảm giác như tim không còn chỗ để mà thở nữa. Xe cứu thương hụ còi inh ỏi, xé toang cả trưa hè bình yên của xóm nhỏ. Niệm nắm chặt tay cha, run rẩy thì thào “Cha, cha ơi, xin đừng bỏ con”, bàn tay cha lành lạnh, những ngón tay thô gầy như không còn sức sống, nằm im trong đôi bàn tay nhỏ bé của Niệm. Những cái bóng mang áo blue trắng cứ chập chờn đi qua đi lại, như một thước phim quay chậm…
Cha đột quỵ, đi rất nhanh. Niệm chỉ biết rằng giữa trưa, cha phơi nắng đi từ ngoài đồng về, áo khoác còn chưa kịp cởi, vừa bước chân vào nhà đã xây xẩm, rồi khuỵu xuống hôn mê bất tỉnh. Niệm đang trên lớp, mấy bác trong trong xóm cử người chạy vội lên báo tin, Niệm sấp ngửa chạy về, chỉ kịp nắm tay cha, không nói được một lời nào. Cha đi rồi, cha đi không trở lại nữa. Gió tháng năm vẫn bàn bạt thổi xuyên mùa hè, xuyên qua cả trái tim đau nhói của chàng trai mới 18 tuổi, chân chưa kịp bước vào đời.
- Cha ơi, sao cha không chờ, chờ ngày con tốt nghiệp, chờ ngày con đi thi Đại học, con sẽ thi thật tốt cho cha coi
- …
- Không có cha, con không biết đặt mục tiêu đi hướng nào, còn có mẹ, còn có em nữa, cả nhà mình biết phải làm sao
Niệm ôm gối, đầu óc rối bù, trái tim cũng rối bù, hoang mang lẫn lộn. Ngước mắt nhìn quanh, cảnh vật chìm trong bóng đêm, chỉ còn thoảng mùi trầm hương bay bảng lảng.
- Niệm à, Niệm
- Cha, phải cha đó không?
- Ừ, cha đây. Con trai ngoan, đừng khóc, đừng buồn. Nhân duyên của cha chỉ có vậy thôi. Con phải kiên cường lên, thay cha chăm sóc mẹ và em, hứa với cha… cái gì cũng có thể vượt qua, con không được bỏ học, thậm chí phải thi đỗ Đại học…
- Nhưng…
- Hứa với cha, Niệm à! Cha tin ở con.
Niệm giật mình mở mắt, tưởng như vừa đâu đây, có bóng cha bên cạnh, vừa tan rất nhanh, trong khói sương mờ ảo. Trái tim lại quằn quặn đau, không dỗ mình ngủ tiếp được, Niệm bật dậy chong đèn, ôm sách học bài đến sáng tỏ. “Con sẽ cố hết sức để cho cha vui”. Mùa hè năm đó, Niệm một mình bắt xe vào Nam thi Đại học, chưa biết mình thi đỗ thì sẽ lấy đâu ra tiền để học tiếp, nhưng trong lòng vẫn le lói một niềm hy vọng. Trời sẽ không tuyệt đường, Niệm vẫn muốn cho mình một sự cố gắng. Ít nhất để cha vui. Mùa hè năm đó, Niệm mãi mãi không bao giờ quên, nước mắt thằng con trai chảy ngược vào tim, lặn vào rất sâu, mỗi khi nhớ về cha, Niệm lại thấy đốt cháy lòng cả một mùa hè nắng hực rát bỏng, gió bạt xuyên tim, đến tận những năm sau này vẫn còn âm ỉ cảm thấy đau.
Chập choạng, Niệm ở ngoài đồng trở về nhà đã thấy mẹ ngồi chờ bên bậc cửa, lẳng lặng. Niệm vào nhà, bật điện cho sáng, mẹ theo vào từ phía sau:
- Niệm à
- Dạ
- Bây qua thắp cho cha nén nhang
Mẹ cúi đầu lầm rầm khấn vái, Niệm nghe được tiếng rõ tiếng mất:
- Ông à, thằng Niệm nhà mình nó đậu Đại học rồi, ông cứ an lòng. Mẹ con tui ở nhà rau cháo nuôi nhau, cũng sẽ cố cho con nó không dỡ dang sự học.
Mẹ run run đặt lên bàn thờ cha tờ giấy báo nhập học mà bưu điện mới phát lúc ban chiều, cầm tay Niệm dặn dò:
- Bây nghe cho rõ đây, đời cha mẹ chỉ vài ba sào lúa, cày sâu cuốc bẫm, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, cũng chỉ mong cho con cho cái. Con ráng mà học, đừng phụ lòng cha mẹ bao năm nay, nghe bây. Mọi chuyện cứ để mẹ lo, con đừng suy nghĩ nhiều.
Niệm ôm mẹ, nghẹn ngào muốn khóc. Không biết mẹ đang ôm mình hay mình đang ôm mẹ, nhưng sao lưng mẹ gầy quá, thương mẹ thật nhiều, mẹ ơi.
Thế đấy, Niệm gói ghém vác ba lô, bắt đầu tự mở ra cho mình một trang sách mới, không có cha mẹ và em bên cạnh, chỉ có đằng đẵng những ngày miệt mài trên giảng đường, cùng với chiếc xe đạp cũ Niệm đi qua rất nhiều nẻo đường, không nhớ nữa, làm thêm bao nhiêu việc ngoài giờ, phụ bán hàng, rửa chén bát, đi rải tờ rơi, làm gia sư dạy kèm… Mỗi lần điện thoại về nhà, Niệm lại làm như rất vui vẻ:
- Mẹ yên tâm, con trai sống tốt, con có việc làm thêm, thu nhập ổn định, có thể tự lo cho mình được. Con còn để dành, có dư một chút gửi cho mẹ nữa, mẹ ở ngoài đó đừng làm nhiều mà lại ốm, tụi con chỉ còn mỗi mẹ thôi.
Niệm nhiều lúc cũng mệt mỏi lắm chứ. Một ngày quần quật chỉ ngủ chưa đến 5 giờ đồng hồ, sáng sớm đã đi giao báo, rồi mới đạp xe đến trường, bụng đó meo, bữa nào ăn sang thì có gói xôi, ổ bánh mì lót dạ. Cũng may, gần trường có quán cơm sinh viên 2000 đồng, Niệm vẫn thường ghé ăn như một khách quen. Người Sài Gòn nhiệt tình và tốt bụng, như cô chủ quán cơm, luôn mỉm cười ưu ái đón chào cậu sinh viên nghèo ghé quán. Tối nào, Niệm cũng sau 10h đêm mới về đến nhà trọ, tắm táp rồi mới học bài, ôn bài cho ngày mai, nhiều khi đến khuya lắc mới đi ngủ. Giấc ngủ cũng qua quýt cùng với những mệt nhọc chưa tan. Niệm vẫn hay mơ, những giấc mơ bình yên nơi đồng quê nhỏ, có đầy đủ gia đình yêu thương ở đó, cha mẹ và em, có cả Niệm. Thỉnh thoảng Niệm cũng lại mơ thấy cha về, trong cái chói chang nắng vàng mùa hạ, trìu mến hỏi han:
- Con khoẻ không, con trai của cha, giỏi lắm, giỏi lắm
Niệm biết mình không cô đơn. Bước tha phương, trái tim mệt mỏi vẫn còn nhiều ấm áp.
Phòng trọ có 5 người. Chung nhau căn gác xép làm chỗ ngủ chỗ học, phía dưới để xe và nấu nướng linh tinh. Niệm chẳng mấy khi ăn ở nhà. Nhưng mấy bạn cùng phòng thì cơm canh cũng loẹt quẹt tuần nấu nướng vài ba bữa tăng gia rau củ, trái cây. Mỗi người một quê, mỗi đứa một hoàn cảnh, không ai giống ai nhưng đều là sinh viên trọ học xa nhà cả. Niệm là đứa nhỏ nhất, mà cũng ít nói nhất, ít có mặt trong phòng cũng nhiều nhất. Trong nhóm, anh Bình lớn tuổi nhất, cũng ngấp nghé sắp ra trường. Một bữa, Niệm về khuya, anh còn thức, quay qua hỏi:
- Mi làm chi mà đi suốt ngày suốt đêm, thời gian đâu mà nghỉ?
- Dạ, em tranh thủ được mà anh, cũng cày cuốc cho vui thôi
Niệm trả lời lấp liếm cho qua chuyện. Anh không nói gì nữa. Nhưng mấy bữa sau, tự dưng anh bảo:
- Chỗ anh thực tập, đang có công việc free time, em có nhận không, anh giới thiệu cho, lương bổng cũng khá.
Thế là từ đó, Niệm theo anh Bình đi phụ việc văn phòng, làm hồ sơ trong giờ rảnh, cũng có thể tranh thủ đem về nhà làm cũng được. Bớt những buổi còm lưng ngồi rửa chén và chạy việc vặt đẫm mồ hôi nơi quán xá. Niệm vui hơn, xem anh Bình như một người anh trai vậy. Anh cũng thương Niệm, nhiều lúc anh ý tứ để dành cho Niệm một nửa phần ăn sáng, hay khuya đi đâu đó về lại dúi cho trái bắp, củ khoai.
- Anh mày nghèo, chỉ có mấy thứ linh tinh này thôi, chú mày đừng chê
Niệm đâu dám chê, còn cảm kích là đằng khác. Trong 5 người, anh giống như anh cả, bảo bọc 4 thằng em út còn lại. Anh nấu ăn giỏi, lâu lâu lại xuống bếp trổ tài chiên cá, kho thịt, xào rau. Căn phòng nhỏ vướng vít ám mùi bụi khói, cả 5 anh em xếp bằng ngồi quây quần chia nhau bữa cơm nghèo nhiều rau ít thịt. Có bữa, Niệm đi làm về, đã thấy anh chằm hăm ngồi bên cửa sổ, chăm chú đơm lại mấy cái nút áo Niệm vừa làm sút chỉ hôm qua, bàn tay anh thon gầy, mảnh mai như tay con gái, từng mũi kim đưa thoăn thoắt. Niệm nhìn anh, chợt nhớ bóng dáng mẹ mình, mắt thoáng cay cay.
- Mi có bạn gái chưa?
- Dạ, thân em lo chưa xong, đèo bòng chi bạn gái, hả anh?
Niệm thẳng đuột trả lời. Nghe giọng anh Bình buồn buồn chi lạ:
- Ừ, thôi… chú mày không yêu sớm cũng có cái hay.
Anh chống cằm thở dài thườn thượt.
Ra là anh Bình đã từng có người yêu, và đã từng ôm nỗi đau bị chia tay, chỉ vì cái tội… quá nghèo. Người con gái anh yêu đã bỏ rơi tiếng gọi trái tim, lên xe hoa cùng một đại gia lắm tiền nhiều của. Ra là thế… chẳng trách có bữa anh Bình say khướt, nằm bẹp dí một ngày trong chăn, thẫn thờ không nói năng, làm mấy đứa em cùng phòng chẳng hiểu chuyện gì cả, mà hỏi anh cũng chẳng nói. Một bữa đó, rồi thôi. Sau này Niệm thấy anh Bình không bao giờ say như vậy nữa.
- Sau này, em sẽ yêu…
Niệm biết mình lỡ lời, nhưng không kịp nữa.
- Tình yêu sinh viên, đẹp lắm. Chỉ nắm tay, cùng ngồi bên nhau, ngắm mây trời trôi lãng đãng, cũng thấy hạnh phúc vạn lần. Không như khi đi làm, người ta yêu nhau còn nhìn vào gia thế, hoàn cảnh, thậm chí so đo xem cả túi tiền ai nặng hơn…
Anh Bình vỗ vỗ vai, ý bảo Niệm “Chú mày còn non lắm, yêu đi, rồi sẽ biết”.
Anh Bình bảo: "Niệm à, anh là kẻ mồ côi, hay để anh nhận em làm em trai nhé". Vậy là từ đó, hai anh em trở thành anh em kết nghĩa. Anh ra trường, đi làm trước Niệm, tiền lương đủ thuê một căn hộ mới, nhưng anh nhất quyết chưa chịu lập gia đình, anh bảo Niệm về ở cùng cho đỡ tiền trọ, tiền sinh hoạt phí và hai anh em tiện chăm sóc lẫn nhau. "Để anh nuôi Niệm vài năm đã". Anh cứ cười cười khi Niệm mỗi lần giục anh lấy vợ.
Niệm biết yêu vào năm cuối Đại học, một cô bạn cùng trường, cùng khoa. Ngày Niệm dắt người yêu về ra mắt anh trai, anh Bình rất vui, tự tay xuống bếp nấu ăn chiêu đãi 2 đứa.
- Đây là anh Bình, anh trai mình
- Đây là Lan, bạn gái em.
- Chào em, ra trường hai đứa tính gì chưa? Anh chờ thiệp hồng đấy nhé.
Anh Bình có vẻ như hơi hơi xúc động một chút, suốt buổi đôi ba lần suýt đánh rơi đũa muỗng. Niệm lo lắng hỏi:
- Anh có bị sao không? Trong người anh không khỏe?
- Anh chỉ hơi mệt tí thôi, không sao, không sao... chắc dạo này công việc áp lực quá.
Nhưng cái hơi mệt của anh Bình, hóa ra lại là chuyện lớn. Anh bệnh, bệnh nặng là đằng khác. Ngày anh nhập viện, Niệm đang ở trường đại học, vừa bảo vệ luận văn xong, đạt điểm Giỏi. Nghe tin từ bệnh viện gọi đến, Niệm như không tin vào hai tai mình. Anh Bình... anh Bình...
- Sao anh lại giấu em, để mình ra nông nỗi này...
Niệm hai mắt đỏ hoe, không kìm được tiếng nấc. Anh Bình đưa tay vỗ vỗ lưng Niệm, giọng nhẹ tênh:
- Sống chết có số, ít ra anh cũng chờ được đến ngày em ra trường, tốt nghiệp. Hãy thay anh sống nốt, và làm tiếp những việc anh chưa làm được.
Anh còn dặn dò rất nhiều việc trong những ngày cuối cùng.
- Những năm trước, anh có mua bảo hiểm nhân thọ, chỉ nghĩ cho vui thôi, phòng khi rủi ro. Nhưng không ngờ anh tính sớm thế mà hay. Niệm à, anh đi rồi. Sổ tiết kiệm và tiền bảo hiểm đều ghi tên em, em lấy mà về quê xây sửa lại nhà mới, rồi tạo lập công việc, hoặc mua một căn hộ nhỏ, đón mẹ và em cùng vào, cho có hơi ấm một gia đình. Anh là anh trai nuôi của em, coi như cũng là con trai nuôi của mẹ, anh... anh chỉ làm được nhiêu đó cho em thôi, Niệm à. Đừng khóc, con trai ai lại khóc. Niệm có thể đón anh về nhà, được không?
- Được, được, anh cứ sống khỏe đi, đừng nói bậy, em sẽ đón anh về, còn có mẹ và em nữa, mình sẽ là người một nhà.
Niệm chạy ra hành lang, úp mặt vào một góc, vừa khóc vừa gọi điện thoại.
Niệm quyết định không ở lại thành phố mà đem theo anh Bình về quê, cũng vào một mùa hè cháy lửa. Mẹ thương anh một đời côi cút, bảo Niệm đem anh đặt cạnh mộ cha, trên bia mộ khắc tên anh là con trai. Nơi đó, là khu nghĩa trang gia đình, giữa một rừng dương xào xạc và cát trắng, mẹ bảo sau này mình cũng sẽ nằm ở đó.
Niệm đi hết mấy mùa hè, quay trở về chốn cũ. Chỉ khác bây giờ, trưởng thành và cứng cáp hơn. Niệm tự nhủ mình phải sống tốt, vì cuộc sống hôm nay Niệm có được chính là nhờ san sẻ từ tình yêu của cha, của mẹ, của anh và của mọi người. Cha và anh yên nghỉ đi, Niệm của cha và anh, đã thực sự lớn rồi. Nắng giữa hè vẫn quay quắt, cùng gió thổi qua đồi dương gọi thì thầm muôn tiếng. Cả nắng lẫn gió trong lòng Niệm, cũng thổn thức không thôi.
Tiểu Yên, 23/3/2016.
 
 Không có mô tả ảnh.