Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Mạn đàm chuyện đổi Tết dời Xuân,... ....TKĐ


  Gồm các bài viết:

3- Mạn đàm chuyện đổi Tết dời Xuân 2- Huế để nhớ, Quảng Trị để Thương 1- Ai về Quảng Trị Đông Hà ...

MẠN ĐÀM CHUYỆN ĐỔI TẾT DỜI XUÂN

 Trần Kiêm Đoàn

            Gần Tết Giáp Ngọ 2014, anh Tâm Hải Đỗ Kiến Phúc, chủ nhiệm Hiệp Hội Truyền Thông Phật giáo Việt Nam Hải ngoại ở Canada, tham khảo ý kiến về một khuynh hướng mới đang hình thành và phát triển chủ trương rằng: “Ngày Tết Nguyên Đán Việt Nam theo Âm lịch, nên đổi qua ngày đầu năm Dương lịch vì chúng ta không có lí do gì phải bám theo lịch Tàu, phải lệ thuộc vào văn hóa Trung Quốc. Hơn thế nữa, chọn ngày Năm Mới theo Dương lịch sẽ tạo nhiều thuận lợi cho thế hệ con em tương lai trong tương quan với thế giới bên ngoài.”
            Trước một vấn đề văn hóa có liên quan đến cả ba lĩnh vực truyền thống, tình cảm và tâm linh như thế, thật không đơn giản để chọn lựa một thái độ hay một ý kiến dứt khoát là ủng hộ hay chống đối. Nghĩ vậy, nên tôi đã thưa với anh Tâm Hải là cho tôi thêm thời gian suy nghĩ và thăm dò ý kiến chung trước khi nêu ý kiến riêng của mình. Tuy vậy, đã được hỏi, chẳng lẽ cứ “thủ khẩu như bình, thủ ý như thành” nên tôi chỉ có đôi lời mạn đàm bên tách trà Năm Mới.
Người phía Đông dãy Trường Sơn, cho rằng Năm Mới là đầu Xuân: Đó là người Việt, người Trung Quốc.
Người phía Tây Trường Sơn, cho Năm Mới là cuối mùa Xuân: Đó là người Lào, người Hmong, người Cam Bốt.
Trong khi đó, hầu hết các dân tộc trên thế giới, kể cả Nhật Bản và đa số dân Nam Hàn theo lịch Tây – Gregorian – đón Năm Mới vào mùa Đông.
 Sự lựa chọn ngày lành tháng tốt cho Năm Mới nầy, càng đi xa vòng quanh thế giới, càng thấy linh động theo những thời điểm khác nhau. Hóa ra “Năm Mới” không còn là “Cung chúc Tân Xuân” nữa mà nó hiện ra muôn hình, muôn vẻ – Cung chúc Tân… Hạ, Thu, Đông chăng? Xuất phát từ truyền thống lựa chọn của từng nhóm dân tộc, từng giống người, mỗi sự lựa chọn đều có lý do tâm lý, tình cảm, phong thổ và thiên nhiên của nó.
Nếu dân Việt ta chịu ảnh hưởng nếp nghĩ theo dòng của Trung Quốc mà cho rằng, khi Xuân về, Tết đến là lúc những loài hoa trỗi dậy khoe hương, khoe sắc sau giấc ngủ dài trầm trịch mùa Đông; thì dân Lào, dân Miên lại cho rằng “Tết” của họ là khi vụ mùa đầu năm đã gặt hái xong. Khi có được những bữa ăn đầy no ấm, khi những con đường về thôn xóm, bản làng khô ráo dễ thăm nhau và có cây cối đơm hoa xinh đẹp mà thưởng thức, đó mới chính là Năm Mới, là lúc tưng bừng mở hội.
Đâu đó 32 năm về trước, một buổi trưa đầu tuần đi trên con đường thành phố Baton Rouge miền Đông nước Mỹ trong một ngày cuối năm ta, người đi bên cạnh tôi nhắc:
“Bây giờ bên quê mình đang cúng Giao Thừa.”
Gặp một người Việt Nam quen, tôi nói như reo lên:
“Chúc mừng Năm Mới!”
Thấy có thằng cháu nhỏ bên cạnh, tôi chuyển qua “hệ” tiếng Mỹ liền tay:
“Happy New Year!”
Những người Mỹ đi trên đường nghe thấy, ngạc nhiên nhìn chúng tôi như những gã bất thường. Có lẽ những người khách lạ kia sẽ ngạc nhiên hỏi rằng, đã tháng Hai rồi mà các anh chàng tóc đen kia còn “chúc mừng năm mới” cái nỗi gì mà lạ thế nhỉ!
Tính dân tộc vốn bắt nguồn từ những thói quen, cách sống, nếp suy nghĩ của một nhóm hay một cộng đồng chủng tộc. Rồi lâu ngày, tích tụ thành một điệu sống riêng với những quy ước chung cho cả cộng đồng nhân chủng đó gọi là văn hóa. Trong văn hóa chung (culture) có văn hóa riêng (subculture). Cũng như trong văn hóa Việt Nam, có văn hóa Huế; trong văn hóa Huế có văn hóa Huế dân gian và văn hóa Huế Cung Đình; trong văn hóa Cung Đình có văn hóa đế vương, văn hóa cung phi, văn hóa thái giám… Bởi thế, người ta thường bị rơi vào cái thế “trăng quê ta tròn nhất” khi tranh nhau nói về Năm Mới của mình là hợp lý, hợp tình và đậm đà hơn cả trong thiên hạ.
Khi còn ở quê nhà, nhất là thời kỳ ở Huế, ý niệm chủ quan của tôi “Xuân về, Tết đến” vừa tự nhiên, vừa thiêng liêng như cả không gian, thời gian và đất trời đều dọn mình sẵn sàng để thưởng Xuân, đón Tết xoay vần miên viễn, đời đời không thay đổi. Bản thân mình cũng như bà con làng trên xóm dưới sau lũy tre làng cứ nghĩ đơn thuần là hoàng mai đơm nụ, trúc đào trổ bông để chào Xuân như một định luật tự nhiên mà con người chỉ là cái bóng yếu ớt rạp mình vâng theo chứ không thể nào đổi khác. Cho đến khi rời xa quê hương, sống ở Mỹ thì cú “sốc văn hóa” trước hết đối với tôi là sớm Mồng Một Tết đầu tiên rơi vào ngày giữa tuần. Người lớn vẫn đến sở làm việc, trẻ nhỏ vẫn đến trường đi học, chẳng ai quan tâm có một ngày gọi là Tết Nguyên Đán trên đất nước nầy. Khung cảnh đa chủng tộc, đa văn hóa của Mỹ đã đem cái truyền thống lễ hội đón mừng Năm Mới của mỗi dân tộc lặng lẽ đi về vùng trời sâu thẳm và xa vời trong ký ức của họ. Qua những không gian khác nhau của nhiều đất nước trên thế giới mà bản thân mình đã được sống hay đi qua, tôi đã xa dần ý niệm “Tân Xuân, Năm Mới” vốn đã ngự trị nghiêm cẩn như đền đài đầy uy lực tinh thần trong tôi hơn nửa cuộc đời.
Năm Quý Tỵ 2013, sau hơn ba mươi năm tha hương nhớ Tết, tới ngày nghỉ hưu tôi mới được về quê ăn Tết ở làng. Dẫu hoàn cảnh đổi thay, nhưng tinh thần đón Tết của một làng quê ven thành phố Huế, làng Liễu Cốc Hạ của tôi, vẫn như xưa. Không khí chuẩn bị cho ngày Tết vẫn là những hình ảnh quen thân giống như từ ngày tôi còn bé.
Tết Huế mở đầu vào tháng Chạp thường gặp cái lạnh ghê người. Tháng Chạp là “trạm” thử thách cuối cùng hàng năm đối với tuổi già và người bệnh tật. Người không đủ sức qua “truông” thường ra đi trong tháng Chạp để về đất sum họp ăn Tết với tổ tiên. Bởi vậy, nguyên cả tháng Chạp trong những ngày về ở làng hầu như ngày nào tôi cũng được bà con hết xóm Dưới, qua xóm Giữa , vào xóm Cụt, đến xóm Côi… mời ăn giỗ-kỵ lơ là cả cơm nhà. Cứ thế, hết lễ giỗ, lễ chạp gia đình, dòng tộc đến lễ cúng Tất Niên nhà, tiệm, xóm, làng, cỗ rước, cỗ đưa, giao thừa, xông đất… làm cho không khí Tết rộn ràng, nếp sinh hoạt làng xã sống động và lòng người lâng lâng với cảm giác như được sống hòa quyện với đất trời.
Tôi và gia đình đã sống qua 32 mùa Xuân ở Mỹ. Thời gian trải nghiệm cũng tạm đủ dài để chính mình cảm nhận được rằng, cái điệu sống đượm nhuần văn hóa mà người ta thường gọi nôm na “đất lề quê thói” không đơn giản là một quy ước xã hội giữa những con người với nhau. Nó là kết tinh của mối ràng buộc thiêng liêng giữa con người, hoàn cảnh và thiên nhiên. Nó không đơn thuần là cuốn lịch thời gian xoay vần quanh tạo vật. Bởi vậy, có một sự phân định khá rạch ròi giữa Năm Mới và Tết. Năm Mới là cái mốc thời gian vật lý. Tết là lễ hội thân-tâm. Thân phải chịu đựng những tháng mùa Đông giá lạnh, xám ngắt nên cần được thu nhiễm chút năng lượng mặt trời ấm áp và hoa lá trổ mầm xinh đẹp. Cùng lúc, tâm cũng cần những hình thức lễ hội linh động với nhân sinh mà giao hòa với liên tưởng xứ của tổ tiên, cội nguồn trời đất vô hình nhưng có mặt thường hằng và khắp nơi trong ý niệm đời sống.
Lịch Gregorian còn gọi là Tây lịch hay Dương lịch là một hệ thống ghi dấu thời gian do Giáo hoàng Gregory XIII san định lại từ lịch Julian vào năm 1582. Ngày nay, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc năm 2013 thì trên thế giới có đến 97 phần trăm các nước dùng lịch Gregorian làm tiêu chuẩn hành chánh, sinh hoạt. Tuy nhiên, chỉ có dưới 70 phần trăm dùng lịch Tây nầy làm cột mốc thời gian cho lễ hội mừng Năm Mới. Việt Nam cũng nằm trong số các nước dùng lịch Tây Gregorian để đo ngày tháng và làm tiêu chuẩn sinh hoạt; nhưng không dùng ngày đầu năm Dương lịch để mừng Năm Mới. Ở Châu Á, Trung Quốc là nước sau cùng quyết định dùng Tây Lịch khi vào năm 1912, Tôn Dật Tiên bất chấp sự chống đối của làn sóng bảo thủ giữ Âm Lịch theo truyền thống Trung Hoa cho đất nước, ban hành quyết định lấy Dương Lịch làm tiêu chuẩn ngày tháng cho hệ thống hành chánh trong toàn đất nước.
Mấy tháng mùa Xuân về với Huế, tôi có lắng nghe những ý kiến của các nhân vật có thẩm quyền về văn hóa và ảnh hưởng xã hội, lịch sử đưa ra ý kiến “nên hay không” chọn ngày Tết Nguyên Đán vào dịp đầu năm Dương lịch thay cho Âm lịch như hiện nay.
Sự chọn lựa thay thế này, Nhật Bản đã thực hiện vào ngày 1-1-1873. Người Nhật gọi là “Ngày đầu tháng Giêng Meiji 6” (明治611, Meiji rokunen ichigatsu tsuitachi). Tôi có dịp tiếp xúc với một số trí thức Nhật ở độ tuổi cao niên. Phần lớn họ cho rằng, thay đổi ngày lễ hội đầu năm truyền thống đượm tính phương Đông thành kiểu “Tết Tây” đã làm nhạt đi ý nghĩa thiêng liêng của ngày kỷ niệm truyền thống mang nặng cả linh hồn dân tộc và niềm tự hào con cháu Thái Dương Thần Nữ.
Thói quen lâu ngày trở thành “thiên tính” thứ hai, cho nên chẳng có gì là không thay đổi được nếu cần thiết và đừng bám chặt vào quá khứ. Có những quá khứ đẹp như một mối tình thơ mộng đầu tiên đã mất. Nhưng cũng có những quá khứ vẫn huy hoàng trong hiện tại như mùa Xuân, ánh nắng, mặt trời đến hẹn lại lên; như hoa cúc hoa mai đến mùa lại nở; như ngày Tết đến độ lại về.
Hôm nay, xa mùa Tết quê hương trở về đếm lại từng ngày tuổi già trên đất Mỹ, tôi nhớ những ngày Tết ở quê nhà diễn ra đúng vào ngày Mồng Một tháng Giêng Âm lịch; trong lúc Hội Tết Nguyên Đán của các Cộng đồng người Việt từng địa phương ở Mỹ thường phải bắt đầu từ một dịp Cuối Tuần có khi dăm ba ngày hay cả một vài tuần lễ sau Tết. Vô hình chung, sự chuyển đổi ngày Tết phải uyển chuyển thực hiện tùy theo hoàn cảnh. Ngày Tết cũng như lòng người, như quan hệ thân tâm. Thân mới mà tâm cũ thì bước đi chuyển hóa sẽ bị giới hạn bởi sự nông cạn của tinh thần bảo thủ; ngược lại, thân cũ mà tâm mới sẽ khó thoát ly được thực tại vì thiếu phương tiện chuyển hóa.
Sáng nay, tôi say sưa nhìn bình hoa chưng đón Tết trên bàn thờ. Tự nhiên tôi nghiệm ra một điều hơi trái với cảm nhận thường tình, rằng là, hoa không đẹp bởi màu sắc của chính nó mà bởi sự hài hòa của nhiều màu sắc tương hội với nhau. Cũng thế, Tết Việt Nam mình thiêng liêng không phải bởi ngày tháng mà vì ý nghĩa truyền thống sâu rộng tiếp hiện, truyền đời của chính nó. Hoa mai vàng ngày Xuân đẹp và tỏa hương thanh thoát như thế thì dẫu trổ hoa trong rừng vắng hay giữa nơi đô hội hương sắc có khác gì đâu. Xin nâng một tách trà xanh Thái Nguyên và chúc mừng Năm Mới.
                                   

Sacramento, đầu năm Dương lịch 2014
                                                      Trần Kiêm Đoàn

HUẾ ĐỂ NHỚ VÀ QUẢNG TRỊ ĐỂ THƯƠNG!

Trần Kiêm Đoàn
Từ nhỏ, đi học ở Huế, tôi thường nghe người lớn than thở rằng, Huế là xứ sở đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương. Thời đó tôi không tin vì mỗi tuổi thơ đều có một bầu trời xanh và một cồn nắng ấm cho ước mơ tuổi dại theo diều căng gió mà nghe tiếng hát của Thằng Cuội ngồi gốc cây đa. Những cơn mưa thâm trầm và những trận lụt trùng trùng nước bạc của Huế đã khiến tôi nghĩ rằng, Huế là đất “đi để mà sợ, ở để mà kinh!”. Thế nhưng khi sắp sửa từ giã Huế tôi mới thấy cái lưu luyến vô hình của vùng đất đơn sơ nhưng lại có chất keo huyền hoặc và phù thủy nầy. Tôi chọn về dạy học ở trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị với những lý do chẳng có bà con chú bác gì với Đinh Hùng, Nguyễn Bính hay Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên cả, nghĩa là chẳng có chút gì nên thơ giống như thời kỳ đi học tôi đã chọn về ở trọ tại Vỹ Dạ vì mê “nắng hàng cau” của Hàn Mặc Tử, tôi lại trổ chứng không muốn xa Huế để mà nhớ mặc dầu Huế không phải là nơi ở để mà thương. Khi ra trường sư phạm, đậu á khoa cộng thêm với mảnh bằng cử nhân văn chương còn “le lói” mực Tàu, tôi có được cái ưu tiên chọn một trong mấy chục nhiệm sở từ Quảng Trị đến Nha Trang, Bình Thuận, ngoại trừ Huế, vì nơi đây là cánh rừng già cổ thụ chằng chịt toàn các thầy, cô hàng tiền bối cả rồi. Dễ mấy ai giáo sinh mới ra lò mà được chen chân vào các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Nguyễn Tri Phương, Kiểu Mẩu, Thành Nội. Vì vậy, thuở đó, Trần Hoài tốt nghiệp thủ khoa cũng phải ráng trèo đèo vô trường Nữ Trung Học Đà Nẵng. Tôi hàng thứ nhì lại chen chân ra vùng hỏa tuyến Quảng Trị cho gần với Huế, làm cho các chàng thầy mới ra lò người Non Mai, Sông Hãn thứ thiệt như Lê Đình Lộng Chương, Hoàng Thạch Tú cũng phải ngẩn ngơ với mấy nụ cười buồn. Lý do tôi chọn về dạy học tại Quảng Trị vốn đã ít nên thơ mà kỷ niệm ban đầu với Quảng Trị lại càng không êm đềm chút nào, nếu không muốn nói là “rát da rát thịt”. Làm sao quên được ngày đầu tiên đến Quảng Trị làm thầy. Sáng hôm đó, tôi không còn nhớ là có sương thu và gió lạnh của Thanh Tịnh hay không, nhưng tôi đã chọn ra mắt Quảng Trị bằng bộ đồ đắc ý nhất với chiếc quần màu xanh đậm học trò và chiếc áo sơ mi cụt tay trắng toát. Tôi đã tra chiếc cà vạt vào cổ nhiều lần nhưng cuối cùng đành cởi ra vì thấy nó không hợp trên những con đường nhiều người còn đi chân đất từ quê mới lên với đôi quang gánh nặng chĩu lo âu hằn lên khuôn mặt rám nắng lấm tấm mồ hôi. Tôi cầm theo tập giáo trình quốc văn trên bàn tay có hai ngón giữa còn kẹp điếu thuốc Capstan lơ lửng khói bay và lững thững bước vào cổng trường Nguyễn Hoàng đầy tự tin. Bỗng tôi giật nẩy mình vì một ngọn roi nào đó vừa vụt ngang lưng cùng với một giọng nói ồ ề đanh đá và đầy dọa dẫm: – Đồ học trò vô phép vô tắc, cả gan vô cửa thầy cô hỉ!? Tôi quay phắc lại và thấy ngay bác cai trường cao lêu khêu, mặt hầm hầm đang cầm cái roi dài ngoẵng, lăm lăm, vừa mắng, vừa toan vụt cho tôi một roi nữa về tội hút thuốc lá trong trường. Tôi đủ kịp phản ứng hét lên: -Trời ơi! Ông muốn chi? Tôi là thầy giáo trường nầy mà. Bác cai trường cười như mèo vờn chuột: – Cái thằng láu cá! Tau nói cho mi biết, tau đã mần việc ở cái trường ni khi mi còn rãi mũi. Ruồi đực ruồi cái bay ngang tau còn biết từ cái xứ mô tới nữa huống chi là quý thầy quý cô ở đây ai mà tau không biết. Để tao trị cho hết cái thói hỗn láo, xưng bừa thầy bà đi nghe chưa. Trước khi tôi kịp có một lời nào đó để trần tình thì bác cai trưòng đã hùng hổ giáng roi lên. Rất may cho tôi là Lê Văn Mãn, thầy dạy sử địa đã nhảy vào giải cứu kịp thời bằng cách la to lên: – Ê tầm bậy, ông cai, đây là thầy Đoàn, giáo sư mới của trường mình… Tôi nghe giọng bác cai có vẻ hoảng hốt: – Thôi, chết cha tui rồi, rứa mà tui không biết. Xin thầy bỏ lỗi cho chớ thầy còn trẻ quá lại ăn bận như học sinh nên tui lầm. Tôi ráng mỉm cười rộng lượng, chứ cho dù có hẹp lượng đi nữa thì cũng chẳng làm gì được trong hoàn cảnh bi hài đó. Trường Nguyễn Hoàng đối với Quảng Trị cũng giống như trường Sorbone đối với Paris hay Harvard đối với Boston. Đó là cơ sở giáo dục kỳ cựu nhất, bề thế nhất và nổi tiếng nhất đối với địa phương. Bởi vậy, Nguyễn Hoàng là niềm hãnh diện chung cho người học cũng như người dạy. Cái khổ nhất của thầy giáo trẻ trường Nguyễn Hoàng là phải trở thành những “viện sĩ” của viện đạo đức, bất luận là tự nguyện hay “bị” tự nguyện vì thành phố Quảng Trị quá nhỏ, phụ huynh và học sinh đều có truyền thống tôn trọng học đường và thầy giáo, nên sau giờ dạy, ló mặt đi đâu mà nghe hai tiếng “thưa thầy” rồi thì những nụ cười lãng mạn cỡ Trăng Rụng Xuống Cầu của Hoàng Thi Thơ cũng phải thành nét uy nghi Tam Tòng Tứ Đức của Khổng Tử! Tôi còn nhớ một buổi chiều lần đầu về ăn nem lụi Chợ Sãi với vài người bạn. Con đường dọc sông Thạch Hãn dẫn về Sãi đã nên thơ như con đường sông Hương đi về bánh bèo Vỹ Dạ, nhưng hai cô hàng trong quán nem lụi còn nên thơ hơn. Tôi thích nghe giọng nữ Quảng Trị khi phát âm chữ “t”, chữ “n” sau cùng vì nó có cái âm hưởng đanh, gọn và xác quyết chứ không ỡm ờ như giọng Huế. Tôi đang bập bẹ nhái giọng Quảng Trị để vừa kêu món ăn, vừa để tán tụng vẻ đẹp trăng tròn, hồn nhiên, không đài các của cô hàng bằng những từ dễ thương nhưng không hợp với tự điển của viện đạo đức thì bị “pháo kích” bất thình lình khi cô hỏi lại bằng cái giọng lễ phép của Liêu Trai đã tu luyện ngàn năm: – Thưa thầy, rứa còn về “mục” đồ uống thầy dùng thứ chi ạ? Đôi mắt tôi và có lẽ cái giọng nói của tôi nữa, cũng phải đứng vào thế nghiêm lập tức để trả lời. Một thoáng, tôi bắt gặp nét nhìn rất nhanh của cô hàng, cái nét nhìn sắc, ướt và kéo dài đuôi mắt một chút nheo nheo mà tôi không biết mang ý nghĩa biểu đồng tình hay trách móc, nhưng tôi bỗng cảm thấy lòng vui xôn xao trong lặng yên. Tôi nói nho nhỏ với hai người bạn: “Giòng sông chảy về đây có tên Thạch Hãn là phải. Thạch Hãn là ‘mồ hôi của đá’. Đá mà còn toát mồ hôi lạnh huống chi tau!” Tôi đến và làm quen với Quảng Trị vào một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử xứ nầy, đó là giai đọan từ 1970 đến 1975. Trước “mùa Hè đỏ lửa 72″, những bài giảng về văn chương Việt Nam với những bài thơ mượt mà tình bạn và xanh biếc tình quê của Nguyễn Khuyến, những tiếng cười xót xa của hàn sĩ lận đận Tú Xương, những tiếng gọi vào đời hào sảng của kẻ sĩ Nguyễn Công Trứ… đã bao nhiêu lần chững lại nửa vời vì tiếng máy bay trực thăng tải thương chở người lên xuống không ngớt trong khu quân sự Mỹ bên cạnh trường Nguyễn Hoàng. Tôi cũng đã trải qua nhiều đêm chấm luận văn của học sinh bên miệng hầm, đọc hoài không hiểu, vì đầu óc căng thẳng lắng nghe thử có tiếng “đề-pa” pháo kích hay không. Nhiều buổi sáng điểm danh, có vài ba em học sinh vắng mặt và sẽ không bao giờ trở lại vì đêm hôm qua đã lên rừng theo du kích. Tôi khó tránh khỏi nỗi mủi lòng xúc động khi có học sinh đến xin rút học bạ thôi học vì dưới quê bão lụt, mất mùa không đủ cơm ăn, áo mặc để tiếp tục theo học. Mỹ Chánh, Quảng Trị, Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ, Khe Sanh đều ở trong cơn lốc chiến tranh trong cuộc chiến Hạ Lào, trước khi cơn lốc cuộn lại thành con mắt cuồng phong trên Cầu Dài của “Đại Lộ Kinh Hoàng”. Con đường cái quan, quốc lộ số một, của quê hương Việt Nam yêu dấu bỗng biến thành “đại lộ kinh hoàng” trong mấy ngày ngắn ngủi 28, 29 và 30 tháng 4 năm 1972. Tôi là một trong đám người Quảng Trị khốn khổ cố băng qua đoạn đường có chiếc Cầu Dài trơ trụi, ngắn ngủi, bắc qua một giòng nước cạn. Cầu Dài lặng lẽ, vô danh như bao nhiêu nhịp cầu mà tôi đã đi qua từ Huế đến Quảng Trị bỗng rùng mình, biến thành cửa ngõ đi vào địa ngục. Buổi chiều khi tôi sắp sửa bước vào cửa địa ngục cùng với đoàn người chạy giặc thì bỗng nghe những tiếng thét kinh hoàng: “Chết! Chết! Chết hết rồi!” với sự triệt thoái hỗn độn ầm ầm như sấm động từ phía Bến Đá dạt ra. Tôi nghe rõ nhiều tiếng súng nổ chợt xa, chợt gần. Tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng khóc tang thương, tiếng la hét thất thanh và cuồng nộ của đoàn người di tản thối lui vì đạn pháo như trùng vây không biết từ đâu tới, đã đưa đẩy tôi nhào tới và dạt lui như một người say rượu. Tôi rùng mình thảng thốt nghe tiếng thét bên tai: “Vì răng tới giờ ni rồi mà thầy còn ở đây? Chậm chút nữa là chết cả đám. Chạy theo em! Thầy, chạy!”. Tôi chạy theo sức đẩy mà tôi không còn nhớ là từ đằng sau đẩy hay đằng trước kéo. Hơn cả nửa giờ sau, khi chạy lúp xúp trên những độn hoang đầy cát trắng tôi mới nhận ra người lôi kéo tôi ra khỏi cửa địa ngục là Nguyễn Kháng, người học trò lớp 11A2 của tôi ở trường Nguyễn Hoàng. Tôi đã chạy bọc quanh về ngả Kim Long, Kim Giao dẫn về Mỹ Chánh theo phía Đông, gần đường biển, tránh càng xa càng tốt vùng Bến Đá, Cầu Dài đang mịt mờ trong khói lửa. Mãi đến khi tôi ngồi đối diện với Kháng trong quán kem Anh Đào ở Huế, nghe Hùng Cường và Mai Lệ Huyền hát bài “một trăm em ơi, chiều nay một trăm phần trăm…”, một bài hát mà trước đó tôi cho là “sến” nhất, rẻ tiền nhất và dễ ghét nhất, bỗng nhiên lại trở thành quá hay vào giờ phút đó. “Quá hay” có lẽ vì đây là thông điệp của sự sống, là tiếng hát quen thuộc của dương gian chứ không phải lời kinh buồn dưới chín tầng địa ngục. Tiếng hát cho tôi biết rằng là tôi đang sống. Đơn giản thế thôi nhưng nếu chưa đứng trước ngưỡng cửa của “đại lộ kinh hoàng” thì tôi không bao giờ biết được. o0o Sau biến cố mùa Hè 72, một Quảng Trị hiền hòa và bình an đã trôi nổi và phân ly như cánh bèo giữa ngả ba giòng nước. Một số ở lại bên kia sông Mỹ Chánh. Số ra đi thì tạm gởi cuộc sống tại các trung tâm tạm cư ở Hòa Khánh hay Non Nước và lẻ tẻ nhiều nơi khác. Tôi chọn dạy tại Hòa Khánh. Đây là một căn cứ quân đội Mỹ bỏ lại cách Đà Nẵng chừng hai, ba chục cây số. Những bàn tay cần cù quen vỡ đất và những cánh tay đầy sức sống quen ôm lúa chín ngày mùa giờ đây phải ngửa tay lãnh từng bữa gạo để sống ngày lại ngày trên áo cơm cấp phát của trại tạm cư. Người nông dân Quảng Trị sống tạm bợ trong các trại tạm cư Đà Nẵng cũng giống như cá kình mắc cạn và chim nhốt trong lồng. Tuổi già dương đôi mắt tinh anh quen nhìn cỏ nội hoa đồng ngày trước, bây giờ lờ đờ nhìn ngày tháng phù du đi qua trên những dãy nhà tôn khô khan, những con đường cũng đầy bụi, nhưng toàn là thứ bụi mù mệt mỏi chứ không phải bụi gió Lào dấy lên từ bùn đất của quê hương. Ai cũng mơ một ngày về, nhưng ai cũng sợ hãi cái bóng đen không tên nhưng thật hãi hùng của bom đạn. Trường Nguyễn Hoàng dã chiến của tôi ở Hoà Khánh cũng chia chung số phận nổi trôi với đám học trò tỵ nạn của mình. Trường mở trong một cái nhà kho quân sự cũ. Các lớp học rất “đoàn kết nhất trí” vì không có vách ngăn, nên thầy cô nào không có được cái giọng hùng hồn như nhạc xuất quân thì kể như là trở thành tiếng đàn “Ta Lư” trên núi, nghĩa là thầy trò ai nói nấy nghe. Nếu một buổi sáng đẹp trời nào đó mà thầy giáo Nguyễn Bảo với cái giọng oang oang “thiết giáp hành” lên lớp cùng một giờ với thầy giáo Trần Phò với cái giọng “cụ Tú Lãm” thì kể như học sinh lớp quốc văn của thầy Phò mắt thì lơ láo học thơ mà tai thì lùng bùng học toán của thầy Bảo. Không hiểu vì bản chất thông minh, lanh lợi hay vì được học theo kiểu “double majors” bất đắc dĩ như trên nên tỷ số học sinh Nguyễn Hoàng thi đỗ tú tài năm 1973 khá cao, dù phải đi học trong cảnh đời tỵ nạn đầy gian nan và chịu đựng. Tôi có cái giọng tuy không hào hùng như thầy Bảo nhưng cũng khá hơn cái giọng thu vàng của thầy Phò nên cứ sau mỗi 4 giờ dạy liên tiếp, cũng nhâm nhi vài ba ly cối nước đá để lấy lại hơi sức cho ngày lên lớp hôm sau. Cuối năm 1973, Quảng Trị hồi cư. Cảnh “tình nguyện phân ly” của người dân Quảng Trị cũng có nỗi xót xa riêng không thua gì khi chạy loạn. Tất cả đều phải đối diện với một tương lai mịt mờ trước mắt. Ra đi bỏ vùng đất thân yêu với mồ mả tổ tiên lại đằng sau thì không nỡ mà trở lại quê xưa trên vùng đất hoang tàn với tất cả làng xóm, đình chùa miếu vũ đã bị san thành bình địa thì số phận cũng chẳng biết về đâu khi một nửa Quảng Trị đã mất, sông Thạch Hãn trở thành sông Gianh và sông Bến Hải. Cuối cùng sự chọn lựa nào rồi cũng mang nỗi đau riêng của nó. Mùa Giáng sinh năm 1973, người Quảng Trị bỗng trở thành dân Do Thái ngay trên đất nước của mình: Một số lớn hồi cư, số khác vào Nam lập nghiệp, số còn lại sống rải rác khắp các tỉnh từ Huế đến Cà Mâu. Tôi lại khăn gói quả mướp trở về Quảng Trị dạy học. Ngày đầu tiên trở lại Quảng Trị, tôi đến thăm thành phố Quảng Trị cũ. Khó mà tin được có một nơi nào đó trên thế giới đã từng có một cuộc chiến diễn ra ác liệt như thế. Những hố bom to và sâu hoắm như một vùng nước xoáy rải rác khắp nơi. Những cây đà sắt lớn hơn gốc cây cau cong xoắn và chảy thành giọt như nhựa đường đã khô cứng và lạnh lẽo. Không có một căn phố hay một mái nhà nào còn đứng vững. Trường Nguyễn Hoàng với các dãy lầu ngang nhà dọc chỉ còn trơ lại một phần cái trụ gạch của cổng chính. Nhìn sang phía Cổ Thành, tất cả chỉ là một bãi tha ma của đổ vỡ và tan nát. Tôi xúc động và lặng lẽ chùi nước mắt khi có giọng hát nào đó của một người lính trú phòng hát ra từ trong căn lều che giữa căn nhà đổ nát: “Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi, mơ thấy bên lề cuộc đời, áo dài đùa trong tiếng cười…” Việt Nam có những giấc mơ nhỏ nhoi và đằm thắm như một chút đùa vui của nhân thế, nhưng bao năm rồi vẫn còn mất dáng xa vời ngoài tầm tay với. Thành phố Quảng Trị hồi cư tạm xây dựng trên đồi cát trắng Hải Lăng bằng tôn và gỗ. Đó là những căn nhà tiền chế, suốt mùa lộng gió bốn bề. Lúc đầu tôi dạy học tạm ở trường trung học Hải Lăng, chờ cho đến khi trường Nguyễn Hoàng xây dựng khá khang trang trên “khu thị tứ”. Cuộc chiến tạm chấm dứt trên chiến trường đất cát, nhưng vẫn còn tiếp diễn giữa lòng người Quảng Trị hồi cư. Cái nơm nớp lo sợ bị kẹt giữa vòng lửa đạn vẫn ám ảnh từng ngày với sự hiện diện của Thuỷ Quân Lục Chiến trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đêm dêm tiếng đại bác “nốt ruột” vẫn dội về từ trên các dãy rừng núi phía Tây. Hình như trong cảnh khổ người dân dễ dàng thông cảm và thân thiết nhau hơn. Tình đồng nghiệp và thầy trò cũng vậy. Tối tối, nhóm thầy giáo hồi cư quen tìm đến nhau để chia xẻ một bình trà, một ấm cà phê hay “bốc” hơn nữa là kiếm vài chai để đọc thơ “thiên địa mang mang ai người tri kỷ, hãy lại đây cùng ta uống cạn một hồ trường…”. Trong suy nghĩ của những người trẻ tuổi, thầy giáo cũng như học trò, “Quảng Trị hồi cư” phải có một phong thái, một nhịp sống khác với những ngày “tiền Đại lộ kinh hoàng”. Quảng Trị đã thấm thía với trò chơi không đẹp của mấy “ông to bà nậy”, mượn tạm sự đau khổ khốn cùng của nạn nhân chiến tranh để quảng cáo và để vinh thân phì gia. Trước lễ Giáng Sinh năm 1973, các thầy giáo Nguyễn Hoàng như Lê Hữu Thăng, Lê Văn Mãn, Lê Hữu Nam và tôi gặp nhau nhiều lần tại Đà Nẵng, Huế và Hải Lăng để bàn về chuyện “mình phải làm cái gì cho Quảng Trị sau ngày hồi cư”. Ý tưởng dễ thương và lãng mạn nhất là vận động thanh niên xung phong lập ra những làng xã tập thể kiểu “Kibbutz” của Do Thái trong giai đoạn lập quốc. Mô thức “kibbutz” chỉ là một ước mơ của những tâm hồn yêu thương Quảng Trị với nhiệt tình nóng bỏng nhưng đầy mơ mộng. Thực tế là gíup người dân vật lộn với cuộc sống muôn vàn khó nhăn trước mắt. Những chương trình và công tác xã hội giúp đồng bào hồi cư đã được các cơ quan xã hội lớn của miền Nam như Hồng Thập Tự, Asian Christian Social Sevices và Vietnamese Christian Social Services ủng hộ nồng nhiệt. Trước đòi hỏi cấp thiết của tình thế, một nhóm giáo sư Nguyễn Hoàng đã đứng ra thành lập Đoàn Giáo Chức Công Tác Xã Hội Quảng Trị và trường Hiền Lương Nghĩa Thục. Tôi đã ca bài “Never On Sunday” ở Huế hơn một năm trời vì lỡ ham vui nhận chức trưởng đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự Quốc Tế Quảng Trị nên ngày chủ nhật nào cũng phải lăn lộn cùng với mấy trăm đoàn sinh đi khắp các vùng quê Quảng Trị để sinh hoạt từ lợp nhà, lái máy cày… đến ca hát cho đời thêm vui! Tôi dạy tại cả hai trường Nguyễn Hoàng và Hiền Lương Nghĩa Thục nhưng ngủ lại qua đêm nhiều nhất là tại trường Hiền Lương. Vùng đồi cát nơi trường tọa lạc có tin đồn nổi tiếng nhiều “ma” nhất trên Đại lộ kinh hoàng. Hằng tuần tối thứ hai và thứ ba chỉ có tôi và anh Lê Hữu Nam ngủ lại tại trường. Nam đặt lưng xuống là ngáy như sấm, trong khi tôi thao thức và lắng nghe tiếng vọng của “ma”. Nhiều lần trong đêm khuya tôi nghe rất rõ tiếng gọi nhau ơi ới và tiếng la, tiếng gào tiếng thở dài dọc theo quốc lộ1 ngay trước cổng trường. Tôi không biết đấy chỉ là ảo gíác hay có ma thật, nhưng mỗi lần tôi ráng sức lôi cổ Nam dậy để cùng lắng nghe “tiếng ma” với tôi thì chỉ nghe tiếng trả lời ngái ngủ của Nam: “Ba láp, để ta ngủ!” và anh chàng lại ngáy như sấm trở lại, mặc tôi nằm queo chong mắt, trống ngực đánh thình thình. Trường Hiền Lương Nghĩa Thục một thời đã quy tụ hầu hết các thầy giáo và cô giáo cự phách của vùng Quảng Trị, từ những nhà giáo thâm niên như các anh Thái Mộng Hùng, Lê Mậu Tâm đến những thầy giáo mới ra trường như Dương Vạn, Nguyễn Phúc… đã chia xẻ với đồng nghiệp và học sinh nhiều kỷ niệm vui buồn chưa đầy hai năm học và sau đó, lịch sử đã sang trang: Trang 1975! Mùa Xuân năm 1975, lần cuối tôi giã từ Quảng Trị như một quê hương thứ hai thân yêu của mình để nhập vào đoàn người chạy loạn vào Huế rồi Đà Nẵng. Tôi và anh Lê Hữu Nam ghé vào trường Hiền Lương Nghĩa Thục lúc đó đã thành trạm nghỉ chân cho đoàn người chạy giặc bơ phờ và mệt mỏi. Không có cảnh nào buồn hơn là cảnh trường học biến thành trạm xá bất đắc dĩ trong chiến tranh. Hai anh em chúng tôi buồn bã đi quanh trường như cố ghi lại lần cuối cùng những dư bóng dáng của kỷ niệm rồi đèo xe Honda vào Huế. Sau năm 1975, có những cuộc gặp lại học trò, bạn bè, đồng nghiệp, người quen Quảng Trị trong những cảnh vui buồn lẫn lộn. Tôi còn nhớ rất rõ năm học cuối cùng trước khi Quảng Trị chia hai sau mùa hè 72 có một nữ sinh xuất sắc về môn quốc văn do tôi phụ trách trong một lớp 11A. Đời vẫn thế, Bá Nha cần phải có Tử Kỳ thì tiếng đàn mới khởi sắc được, cũng như mỗi lần lên lớp, đôi mắt thông minh và những câu hỏi đầy suy nghĩ của những học sinh xuất sắc thưòng có tác dụng như một chút hương hoa đối với thầy cô giáo. Tôi lại là một thầy giáo văn chương trẻ nên Thuận, tên em nữ sinh xuất sắc, thường cho tôi một cảm giác an ủi là bài giảng của tôi khá hay đủ dể làm át đi tiếng máy bay trực thăng gào thét ngoài kia. Có một lần Thuận nghỉ học, hôm sau tôi hỏi lý do, tôi thấy lòng mình chùng lại khi nghe em trả lời : “Thưa thầy, vì trời mưa to quá em phơi áo không khô!”. Sau đó, tôi mới hiểu rằng Thuận chỉ có một chiếc áo dài trắng duy nhất dể đi học, nên em phải giặt vào mỗi chiều thứ tư để có áo mà đi học cả tuần. Trong dịp làm báo Tết năm đó, tôi đã tổ chức một cuộc thi viết văn mà tôi chắc thế nào Thuận cũng chiếm giải nhất. Với bài tùy bút “Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu!”, mượn tên một tác phẩm hay nhất của Alain Paton, Thuận chiếm giải nhất cuộc thi văn một cách dễ dàng. Giải thưởng cho bài viết của Thuận là phiếu may hai chiếc áo dài tại một nhà may lớn trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1972, Thuận ở lại bên kia bờ sông Thạch Hãn. Năm 1976 tôi gặp lại người học trò cũ đó trong một hoàn cảnh thật ngỡ ngàng. Cũng như bao nhiêu người trong cảnh có đức lang quân là “thầy giáo, tháo giày”, bà xã tôi phải đi buôn hàng chuyến Huế- Sài Gòn để nuôi sống gia đình trong buổi giao thời. Một buổi chiều bà xã tôi về nhà với hai bàn tay không vì hàng hoá buôn chuyến Sài Gòn – Huế đã bị tạm giữ tại trạm thuế vụ Hương Thủy trước khi vào Huế. Sáng sớm hôm sau tôi theo bà xã về phòng thuế vụ Hương Thủy để nghe quyết định về vấn đề thuế khóa. Từ ngoài phòng đợi, tôi có thể nghe cái giọng nữ sắt và đanh nói về nguyên tắc, chính sách thuế má và buôn bán. Đến lượt chúng tôi được gọi vào văn phòng với một thái độ chờ đợi và căng thẳng. Bỗng tôi chững lại và người nữ cán bộ cũng hụt hẫng: – Thầy! Và: – Ô, Thuận! Là những gì mà thầy trò có thể nói với nhau trong hoàn cảnh đó. Tôi tính bước ra ngay cho khỏi cái hoàn cảnh khó xử nầy, nhưng Thuận đã giữ lại: – Xin mời Thầy ngồi. Cả ba người đều im lặng nhưng tôi có thể thấy được những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, trên má người học trò cũ. Chỉ là một phút phù du trôi qua thôi nhưng tôi biết cả một chiến trường khói lửa trong lòng người học trò giàu suy tư đó. Thuận như chợt nhớ ra điều gì và đứng phắt dậy, dáo dác nhìn quanh và cố nói to như cố tình cho mọi người xung quanh cùng nghe: – Thưa thầy, cô. Xin thầy cô hiểu cho vai trò và giới hạn của em. Trong giai đoạn mới đầu còn tranh tối tranh sáng nầy, nhiều mặt hàng buôn bán và thuế khóa vẫn đang còn trong vòng thảo luận, nên những nhân viên thuế vụ như em trong một số trường hợp phải căn cứ vào sự lượng giá chủ quan của mình để đánh thuế. Mời thầy cô theo em để kiểm tra mặt hàng. Thuận hối hả bước vào phòng tạm giữ hàng hóa và tự tay lôi ra tất cả các bao hàng của bà xã tôi có gắn biển “đợi xử lý” và vuốt nhẹ lên từng gói hàng nhưng không mở bao, rồi nói với một nhân viên khác đứng bên cạnh: – Đây là những mặt hàng sản xuất nội địa. Miễn thuế! Thuận nói nửa như dặn dò, nửa như ra lệnh: – Thầy cô vui lòng chở hàng ra khỏi đây càng nhanh càng tốt vì hàng mới sắp nhập và kho hết chỗ chứa!. Tôi giúp bà xã chuyển hàng đi như một người mộng du câm nín. Dù trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng cái hào khí Quảng Trị một thời vẫn còn lưu dấu. Thế đứng đầy bụi phấn trên bục giảng của một thời không thể ngã xuống thành chiếc nón trải xuống vệ đường đầu hàng cơm áo. Tôi băn khoăn tự hỏi không biết sự “lượng giá” của một cô học trò thông minh như Thuận có phải là một sự hy sinh. Tôi sẽ không đủ bản lĩnh để thản nhiên nhận sự hy sinh của một người khác, nhất là khi sự hy sinh đó của một người học trò cũ như Thuận. Lúc chia tay tôi chỉ còn biết cười buồn và lặng lẽ gật đầu khi nhìn đôi mắt gần như rơm rớm khóc của Thuận với câu hỏi nhỏ: – Thầy còn nhớ “Hãy khóc đi, hỡi quê hương yêu dấu” không thầy? Không hiểu Thuận muốn “hãy khóc đi” vì hoàn cảnh, tình cảm hay cả hai trong những ngày gió bụi chấm dứt và khởi đầu cho một trang đời mới. Gần 20 năm sau 1975, tôi về lại Quảng Trị. Khắp nơi đã dựng lại được màu xanh của thời gian trước “mùa Hè đỏ lữa 72″. Cây rất xanh như mơ ước của con người. Gặp lại những khuôn mặt thân thương và quen biết hơn hai mươi năm trước tôi nghe như có tiếng thời gian thoáng qua với nhiều mái tóc bạc hơn. Tình cảm Quảng Trị trong tôi và trong những người cũ gặp lại thì hình như mới chia tay đêm qua, vẫn ấm áp, chan chứa và thuần hậu cho dù hơn 20 năm chưa gặp lại. Tôi đã xa Quảng Trị, bỏ “Huế đi để mà nhớ” đành đoạn để đi xa năm đồng bảy đội. Đã bao lần tôi căng mắt nhìn nhưng vẫn bước đi với tâm hồn dửng dưng qua những thành phố lớn. Tôi cũng đã ăn dầm ở dề suốt mười mấy năm trên nhiều tiểu bang nóng, lạnh của Mỹ nhưng tôi vẫn chưa tìm ra một nơi nào đó “ở để mà thương”. Buổi chiều chia tay đầy lưu luyến với anh em trên đồi La Vang, mùi tràm chổi và đất nắng hanh rất nồng làm tôi bâng khuâng nhớ đến những bạn bè và học trò cũ chắc chừ đã dày dạn phong sương tay bế tay bồng. Hỡi những người “bất tri hà xứ khứ”, hình như trong tôi, khi vó đã chồn, chân đã mỏi, tôi mới thấy rằng Huế là nơi đi để mà nhớ vì chan chứa kỷ niệm và Quảng Trị là nơi ở để mà thương vì sâu nặng tình người. 
TKĐ
 
AI VỀ QUẢNG TRỊ ĐÔNG HÀ
35 năm sau mùa hè đỏ lửa
Kỷ niệm 35 năm Mùa Hè Đỏ Lửa (1972-2007),viết tặng các học sinh Nguyễn Hoàng và thanh niên Hồng Thập Tự Quảng Trị
Ai về Quảng Trị Đông Hà,
Hỏi o lòng thả, heo bà… lặt chưa ?!
Hồi còn làm trưởng Thanh Niên Hồng Thập Tự Quảng Trị thời Hồi Cư năm 1973, các em học sinh và đoàn sinh của tôi vẫn thường đặt bày hát “đía” như thế để chọc mấy em nữ sinh bán quán lòng thả ở Hải Lăng, Diên Sanh. Và nghe đâu, giới giàu kinh nghiệm món lòng thả cho rằng, giống heo đực lặt… tiệt sau ba tháng, đem nấu lòng thả mới ngon tuyệt cú mèo (?).
Rồi không biết ai là tác giả, các em đã biến câu hát đùa thành điệu hò nện “Ai về Quảng Trị Đông Hà. Là hù, là khoan…” và thầy trò hát nghêu ngao cho vui miệng, vui chân trong những chuyến công tác cứu trợ vô sâu trong các vùng quê mới hồi cư.  Nhưng tiếng hát vui không che nổi cảm giác rờn rợn của bao nhiêu mảnh bom đạn chưa nổ còn ghim trong lòng đất khắp các nẻo đường quê hương Quảng Trị.
Tưởng cũng nên mở ngoặc nhỏ nơi đây để viết đôi dòng về một món ăn truyền thống Việt Nam mà rất có thể có nhiều người Việt hay kể cả một số người Quảng Trị “toàn ròn” vẫn chưa có dịp thưởng thức.  Đó là món Lòng Thả (hay Lòng Sả).  Món Lòng Thả là món ăn đặc biệt, một trăm phần trăm thuần Quảng Trị.  Khắp nước Việt Nam và, có thể nói bạo miệng mà không sợ nhầm rằng, khắp thế giới không nơi nào có món lòng thả nầy cả.  Lòng thả nấu bằng những phần chọn lọc lấy từ lòng, huyết, xương, tinh chất… của con heo cộng với bún, sả và các gia vị và phẩm vị mà, một thời, người viết bài nầy chỉ biết thích thú thưởng thức hơn là nắm vững công thức như món bún bò, cơm hến.  Chỉ mới gần đây thôi, lần đầu tiên, tôi được biết một nơi ngoài Quảng Trị có món Lòng Thả nầy là quán Rất Huế tại Sài Gòn mà chủ nhân là một nhà thơ gốc Quảng Trị, anh Nguyễn Đăng Mừng.
Bên bờ Bắc cầu Bến Hải – Mùa Hè 2007
Mới ngày nào còn thú vị với món Lòng Thả buổi sáng ở Diên Sanh; “là hù là khoan” rộn rã tiếng cười, bất chấp đạn bom còn rơi rớt đâu đó đầy đe dọa và dòng đời tạm bợ, trôi nổi chung quanh đó mà đã 35 năm trôi qua.
Mùa Hè năm 1972… hình ảnh cuối cùng của Đông Hà trong ký ức của tôi là con đường Quốc Lộ 1, đoạn băng qua phi trường Ái Tử cháy nắng, mịt mờ khói đạn bom pháo kích.  Tôi đèo thầy Dương Đình Trọng – ông anh cùng dạy trường Nguyễn Hoàng – trên chiếc xe “Honda Đam” của tôi chạy chao đảo một đoạn ngắn rồi ngừng lại. Nhiều người cùng vất xe nằm sát bên vệ đường.  Hầm trú ẩn là bầu trời xanh lồng lộng.  Số phận sống chết của con người bọt bèo không hơn một xoáy cát bay bay.  Cơn pháo kích đi qua.  Khói đạn, khói bụi, khói nắng, khói trần gian… che khuất những nụ cười hanh nắng. Chẳng có mảnh đạn nào lạc lối ghim vào thể xác; mà chỉ có mảnh vỡ của cảm xúc ghim vào tâm tư.  Tôi mang mảnh đạn vô hình đó mà đi về phương Nam.
  Sau đó là Mùa Hè Đỏ Lửa 72 và Đông Hà nằm lại bên kia bờ Thạch Hãn, một vĩ tuyến mới của lịch sử; nhưng đồng thời cũng là một vết cắt mới của tâm hồn Việt Nam.
Những ngày tiếp theo… tôi chạy qua Cầu Dài cũng trong bão lửa pháo kích.  Rồi tản cư, tạm cư, hồi cư, bảy lăm, lây lất bến xe Lam, chợ Trời, vượt biên, cu-li ta, cu-li Mỹ, thầy ta, thầy Mỹ… và một sớm mai vàng của tuổi mùa Thu, tôi dừng lại.  Cuộc hành trình của một thế hệ chiến tranh Việt Nam bước chậm dần chờ ngày khép lại:  Về hưu!
Hai tiếng “Về hưu” đối với người Mỹ là Golden Age, là Tuổi Vàng, là sự thở phào sung sướng.  Vậy mà sao tôi nghe như trong tôi có tiếng thở dài rưng rưng thầm lặng.  Tôi là người viễn khách may mắn một cách xót xa đang về cuối chặng đường.  Trong khi đó, hơn hai phần ba người thân, bạn bè đã nằm xuống mất hút trên những dặm đường mịt mù, bão liệt của quê hương.
Về Quảng Trị.  Sau gần tròn 33 năm tôi mới có dịp đi lại trên con đường Quốc Lộ 1 dài 60 cây số từ Huế ra Quảng Trị vào mùa Hè năm 2007.  Trước mắt tôi, con đường hiện ra lạ hoắt.  Ba mươi năm trước, mỗi lần chạy xe Honda một mình trong cảnh trời mưa tối sầm hay chiều xuống âm u tôi thường vừa lo, vừa sợ.  Lo, vì lỡ như xe bị hư bất ngờ thì chẳng có chỗ nào để dừng lại trú chân nhờ giúp đỡ.  Sợ, vì đường vắng quá, hai bên là đồng không mông quạnh hay chỉ là những bãi cát lơ thơ tràm chổi mọc hoang nối đuôi nhau không một bóng người.  Nhất là chặng đường từ An Lỗ ra tới Mỹ Chánh; rồi từ Mỹ Chánh ngang ngã rẽ Diên Sanh, qua Cầu Dài cho tới Quảng Trị.  Nếu có chăng một bóng người hiếm hoi trên đồi cát hay trên đồng vắng thì sự cảm nhận “thỏ đế” của tôi thường cho đó là… ma!  Bảo đảm khai đúng sự thật là vào những năm hồi cư sau 1972, tôi ngủ lại trường Hiền Lương Nghĩa Thục nằm trên vùng đồi cát Hải Trường đã nghe tiếng cười, tiếng khóc của ma từ Cầu Dài sầm sập chạy trên Quốc Lộ 1.  Không rõ ảo giác ma quỷ làm cho tôi sợ ma một cách đầy “sáng tạo và nên thơ” như thế; hay hoàn cảnh chiến tranh đã làm cho người và ma cặp kè nhau giữa hai đầu sống chết đã tạo nên một tâm lý sợ ma từ trong vô thức của tuổi thơ…
Ngày ấy vắng thế mà bây giờ, cả hai bên Quốc Lộ 1 – con đường huyết mạch của quê hương – nhà cửa đã mọc lên san sát.  Từ Huế ra Đông Hà, có rất ít khoảng trống hai bên đường để cho tầm mắt tìm ra những mảnh không gian trải dài tới ruộng đồng, làng mạc tít tắp về mé biển hay mé núi.  Nhà cửa lấp đầy khi con người tìm về nguồn sống như cá tìm về sông.  Cố gắng tìm về ven quốc lộ đã lũ lượt diễn ra như một khuynh hướng đô thị hóa mạnh mẽ từ Nam chí Bắc trong suốt 30 năm qua.  Tôi bất ngờ đi trên khoảng đường dài ba mươi năm trước mà ngỡ như mình bị lạc. Lạc vì không tìm ra hướng mới hay chẳng tìm về lại được khung trời cũ đều có nỗi niềm riêng.  Nhưng cái khoảng trống cô đơn trong cảm nhận lạc đường thì vẫn thế.  Nó mất đi ý niệm “tìm thấy” hay “thuộc về” đã nằm sâu trong lòng mình.
Đến thành phố Quảng Trị cũ, tuy tất cả những chi tiết đều đổi khác, nhưng tôi vẫn mường tượng ra con đường Trần Hưng Đạo, đường Quang Trung, khuôn viên trường Nguyễn Hoàng, bờ sông Thạch Hãn.  Có chăng hình ảnh không thay đổi là dòng sông Thạch Hãn với những bãi sa bồi.  Đất cát như mẹ hiền; nước tươi như dòng máu.  Những gì ít thay đổi nhất vì được làm nên bằng nguồn tình, không bằng hình tướng.
Ở Quảng Trị gần 5 năm, có lẽ thời gian chưa đủ thấm để cho những gốc rể ăn sâu vào mạch đất.  Tôi đến và đi với Quảng Trị với nỗi vui buồn của một người tình hơn là một người ruột thịt. Người ruột thịt se lòng khi nhìn Cổ Thành tan nát; nhìn trường Nguyễn Hoàng yêu dấu từ thuở hoa niên chỉ còn là đống gạch vụn; nhìn tất cả thành phố thân thương sau biến cố 1972 sau màn nước mắt và bóp chặt tay anh em hẹn ngày trở lại.  Còn tôi, tôi mờ nước mắt nhìn Quảng Trị và nuốt vào tâm khảm những hình ảnh tan nát sau cùng; rồi nhớ mãi để ra đi.  Trước mắt tôi Cổ Thành đổ nát như như chiếc áo quan của người tình áo trắng vừa qua đời.  Nhưng đối với Lê Hữu Nam, Lê Hữu Thăng, Đổ Tư Nhơn, Nguyễn Bảo, Lê Mậu Tâm, Hoàng Văn Liệu… thì Quảng Trị tan tành là hình ảnh đầy biểu tượng của ngôi mộ mẹ hiền bị sét đánh tang thương.
Mùa Hè năm 2007… Về lại Quảng Trị lần nầy, lòng tôi như một đại dương đã lặn sóng.  Ở tuổi về hưu, tôi nhìn Quảng Trị qua dấu tích nghìn năm như Thăng Long với Cổ Thành, Cổ Lũy, Ái Tử, La Vang.  Ngày xưa, sau những chiều dạy học, sống xa nhà, tôi vẫn thường đi loanh quanh trên những con đường phố xá Quảng Trị.  Thành phố nhỏ nhắn ngày ấy mang một vẻ dịu dàng riêng của nó.  Dòng Thạch Hãn không có nét xõa tóc về xuôi đầy lãng mạn như Hương Giang, nhưng buổi chiều mùa Thu vẫn in dấu mây trắng giăng ngang từ phía Trường Sơn về Nam Hải.  Thạch Hãn không có “yên ba giang thượng” – khói sóng trên sông – nhưng lại có nét cau mặt của những vờn sóng đáng yêu khi những ngọn gió chướng sỗ sàng quét mái trên sông. Ngày ấy, chân tôi bước đi trên phố xá Quảng Trị mà tâm lý “giang hồ vặt” cứ hướng về những phương trời Tây, Tàu bao la mơ ước.  Nhưng hôm nay về lại, khi chân đã mỏi, giày vệt gót qua những phương trời viễn mộng ngày xưa, tôi ước muốn dừng lại.  Ước chi kiếm một gian nhà nhỏ trông ra bờ Thạch Hãn, tính thời gian qua con nước ròng, nước lớn trên những bãi sa bồi.  Rồi những chặng đời sẽ qua đi.  Về Quảng Trị là một hành trình rất thực như chân trần bấm trên đất phèn làng xóm.
Lưu luyến chi rồi cũng phải ra đi như người du khách.  Trong thơ Việt, có lẽ khó mà tìm ra một câu hay hơn Chế Lan Viên: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở.  Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn…” Ba mươi năm trước tôi rời Quảng Trị như tạm biệt một vùng đất ở;  ba mươi năm sau, rời nơi đó như rứt áo ra đi từ nỗi níu kéo trong lòng.
Và lạ quá một điều mà tôi chưa hề nghĩ tới, Đông Hà lại có một ngày trở thành “thủ đô kinh tế” của Quảng Trị.  Vâng, tôi vừa quên Đông Hà là cửa khẩu của đường 9 Nam Lào. 
Nếu bất ngờ bịt mắt và được thả xuống Đông Hà, có lẽ tôi hoàn toàn mù tịt không biết mình đang ở đâu.  Đông Hà thuở ấy trong tôi là khu phố nhỏ. Đi quanh, hút chưa tàn điếu thuốc đã lên dốc Ga tàu.  Nhưng giờ đây Đông Hà đã biến thành một thành phố cỡ hạng nhì Việt Nam như Hải Phòng, Quảng Bình, Nha Trang, Phan Thiết, Cần Thơ… mà tôi vừa mới đi qua.  Khung cảnh và bầu không khí của một Đông Hà mới làm tôi cảm thấy xa lạ.  Mình không lạc phố, lạc nhà; mà phố xá lạc mình.  Một Đông Hà đóng vai chợ phiên của Gio Linh, Cam Lộ, Lao Bảo… không còn nữa.  Khi tôi về lại, những tiểu thư guốc mộc cuả ba thế hệ đàn chị, đàn bà cùng trang lứa và đàn em đã từng khoe sắc rực rỡ,  làm tươi mát khu phố thị Đông Hà một thời nay “bất tri hà xứ khứ – không biết về mô… ”.  Những Phù Thị Lan, Huệ, Cao Thị Lành, Hiền, Túy… vang bóng một thời.  Những Học, Tình, Cam, Chưởng, Lân, Hường, Lý… ngày ấy “xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến anh” đang ở nơi mô.  Thời gian dịu dàng trôi mà lại tàn nhẫn như những lọn tóc bạc, những đường nhăn xêp nếp quất vào vùng thanh xuân tươi mát với vẻ lạnh lùng.  Trong buổi tiệc vui tại nhà hàng Lạc Khanh ở Đông Hà với hơn bảy chục khuôn mặt bạn bè thân thương tới dự  – mà hầu hết sinh ra ở vùng quê hương Quảng Trị, Đông Hà và cũng là học trò Nguyễn Hoàng một thời yêu dấu – đã cho tôi nét nhìn rõ hơn về vết quất của thời gian.
Tôi và Lê (nhà tôi… bên chiếc cầu soi nước) từ California, cùng với cặp bồ tèo là hai người bạn thân, Nguyễn Tuấn Năng và Nguyễn Thị Học – gốc ở Đông Hà; gác ở Minesota – rủ nhau về thăm quê.  Khách sạn “muôn sao” của chúng tôi ở Đông Hà là nhà của anh Tịnh, chị Mai.  Đêm nằm trên gác của căn nhà xinh xắn mà cứ ngờ ngợ có dư âm tiếng đại bác từ phía Tây vọng về và mơ hồ có tiếng ếch bên tai của vùng ruộng đồng ngày xưa nay thành phố chợ.  Chặng đường 72 – 07, ba mươi lăm năm một thoáng phù du.  Nếu tâm đắc với ý niệm một sát na đã qua bờ sinh tử thì mọi sự thay đổi đều là viễn du, thông thoáng, hồn nhiên.  Bởi thế, sau đó khi trên đường ra Bắc, khi xe qua Đèo Ngang, tôi lại nhớ Bà Huyện Thanh Quan
Từ Đông Hà, tôi ra động Phong Nha theo con đường Trường Sơn Đông.  Con đường tuyệt đẹp vắt qua nhiều sườn núi rộng rãi và phẳng phiu hơn cả Quốc lộ 1 ven biển dưới kia.  Hai bên đường rừng cây cao su bạt ngàn, cây tiêu, cây hạt điều và các loại cây công nghiệp xanh mượt mà.  Tất cả cây công nghiệp đều đang độ tuổi thanh xuân đầy sức sống. Xe vẫn chạy trong nắng mai, tôi cố rướn người ra nhìn bên nầy rồi bên kia đường không chớp mắt.  Sự xúc động ở đâu ùa tới.  Nếu không đi trên con đường nầy, có lẽ một Quảng Trị trong định kiến của tôi chỉ có những rừng tre, đồi tranh, độn sim, độn móc…  còm cõi trong những cơn gió Lào nóng nung người và gió bấc lạnh rát mặt.  Rừngcao su xanh tốt Quảng Trị vượt lên cả rừng cao su đất đỏ Long Khánh là điều gần như… hoang tưởng đối với tôi nếu chỉ có thời gian năm năm ở Quảng Trị, dạy trường Nguyễn Hoàng rồi ra đi khi chưa có cơ hội trở lại đất nầy ba mươi lăm năm sau đó.  Nhưng trước mắt tôi rõ ràng là rừng Trường Sơn mở rộng.  Khi có tình yêu – yêu người hay yêu quê hương – thì cái nhìn sáng tạo “thuở ban đầu” bao giờ cũng hướng đến  những gì cao viễn nhất.
Ôi chao!  Con sông Hiền Lương và chiếc cầu Bến Hải.  Gần bốn mươi năm trước, là một sinh viên văn khoa Huế biết nói khá tiếng Anh, tôi ở phía đầu cầu phía Nam bên kia, làm công việc thông dịch cho những phái đoàn “thóc mách”, kể cả báo chí, báo cáo và báo đời.  Họ muốn biết đến giòng sông chia cắt và chiếc cầu xây theo kiểu “phúc lợi” của Pháp, đơn điệu, đen đủi và buồn tênh đó có tác động gì lên tâm tình người xứ Việt.  Với người phương Tây, khó mà giải thích cho họ hiểu vì sao mà “mẹ bồng con ra ngồi cầu Ái Tử; vợ trông chồng lên núi Vọng Phu…”  Nhưng trong tâm tư nguời sinh viên trẻ, lần nào tôi cũng quay mặt không dám nhìn thật kỹ chiếc cầu như một vết chém đùi lây ngang thắt lưng chiếc áo tứ thân của tổ quốc, có bao nhiêu tấm ván, bao nỗi ưu tư – như Nguyễn Tuân – khi tôi tay chỉ chỏ, miệng bi bô “dzu mi tao mầy” để giới thiệu chiếc cầu với những người khách từ bên kia đại dương, râu ria xồm xoàm, nói cười hềnh hệch.
Rồi một buổi chiều, như chiều nay… trên tuyến đường bộ từ Bắc vô Nam, tôi xúc động dừng lại bên cầu.  Nhìn chiếc cầu hiền lương (tĩnh từ, không viết hoa) vẫn lặng lẽ vắt ngang trên dòng sông không đục, không trong, gieo neo nước chảy dưới cầu như mẹ già tưới tẩm cho những cánh đồng con cháu tương lai, tự nhiên tôi muốn khóc bằng những giọt nước mắt của Mẹ Gio Linh, của đồi hoang Ái Tử , của vôi gạch Cổ Thành… Thế nhưng mắt tôi vẫn ráo hoảnh, buồn thiu.  Nước mắt Việt Nam đã đổ xuống nhiều hơn sông hơn biển.  Xương máu Lạc Hồng đã tưới tẩm cả Trường Sơn.  Thêm bớt một giọt, khô cạn một dòng thì đời em vẫn trôi, sông kia vẫn chảy.  Tôi tự hỏi, có chăng trong ta một sự trở về.  Chiều xuống thấp, trời ửng mầu cam trên Trường Sơn.  Trước mùa Hè 1972, bên bờ Bắc cầu Bến Hải – nơi tôi đang đứng nhìn chiều xuống 35 năm sau – Đông Hà Quảng Trị là một “nước” khác.  Nước sông núi đã xa vời mà nước trong lòng người lại càng xa hơn nữa.  Tôi dợm chân bước qua xứ ấy.  Sông núi đã liền lặn.  Vết thương có còn gì dấu tích trong tôi?  Nắm tay Lê, tôi giục: “Đi thôi, em.  Tối nay ở lại Đông Hà.  Mai ta về Quảng Trị.” 
Sacramento, mùa Hè 2007.
Trần Kiêm Đoàn
Từ :


http://trankiemdoan.net/van/kysu-hoiuc/mauronglang.html

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Đường Luật Việt -Diễn đàn thơ XH -Xuân 2014







NHỮNG CÂU ĐỐI

CHÚC TẾT GIÁP NGỌ - 2014 :



- “Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ

Xuân mãn càng khôn, phúc mãn đường”

(Trời thêm tuổi mới, năm thêm thọ

Xuân khắp càn khôn, phúc khắp nhà)



- “Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo Ma vương đưa quỷ tới,

Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước Xuân vào”

(Hồ Xuân Hương)

-

“Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa,

Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”

(Nguyễn Công Trứ)



- “Tối ba mươi, giơ cẳng đụng cây nêu. Ủa ! Tết !

Sáng mồng một, lắng tai nghe lời chúc. Ồ ! Xuân !”  



-“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”  



- Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái Tết

Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa Xuân.  



- Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ - Nhân bách hạnh hiếu vi tiên.

(Năm có bốn mùa, mở đầu bằng mùa Xuân;

Người ta có trăm tính nhưng tính hiếu thảo là cần trước hết.)



- Xuân tha hương, nhấp giọt rượu sầu, nhớ vòm trời đất nước !

Tết xứ người, hớp ngụm cafe đắng, thương mảnh đất quê nhà !

(Quảng Ngôn)



Ðuột trời ngất một cây nêu, tối ba mươi ri là Tết

Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa cũng Xuân

(Nguyễn Công Trứ)



- Ðấp gốc cây cao, Tết đến thắp hương thơm đèn sáng,

Khơi nguồn nước mát, Xuân về dâng trái ngọt hoa thơm.



- Tối ba mươi, nợ réo tít mù, ấy mới Tết,

Sáng mồng một, rượi tràn quí tị, ái chà Xuân.



-Tết có cóc gì đâu, uống một vài be củ tỏi,

Nợ đâm ương ra đó, nói ba bốn chuyện cà riềng.

(Nguyễn Công Trứ)



- Ba vạn sáu ngàn ngày, góp lại chốc đà trăm bận Tết,

Một năm muời hai tháng, ước chi đủ cả bốn mùa Xuân.



- Nực cười thay! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết,

Thôi cũng được! Rượu có, nem có, bánh chưng đều có, thừa Xuân.

(Tú Xương)



Ủa! Tết đến rồi đó, chẳng lẽ trơ cùi cùng tuế nguyệt,

Kìa! Xuân sang đấy ư, thôi đành mở múi với giang sơn.



- Ngào ngạt mùi hương, dẫu tại đất người, không mất gốc,

Lung linh ánh lửa, dù xa quê cũ, chẳng quên nguồn.



- Xuân vẫn còn dài, hướng đến tương lai vùng đất mới,

Tết dù đã ngắn, quay nhìn dĩ vãng cảnh người xưa.



-Già trẻ gái trai đều khoái Tết, - Cỏ cây hoa lá cũng mừng Xuân.



- Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó,

Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo

(Nguyễn Khuyến)



- Đêm 30 nghe tiếng pháo nổ… Đùng !… ờ ờ… Tết

Sáng mùng Một ra chạm niêu đánh… Cộc !… á à… Xuân



- Xuân tha hương, sầu thương về quê mẹ - Tết xa nhà, buồn bã nhớ quê cha



Tết với chả xuân, sáng mì gói tối mì gói, sợ vợ buồn ngán mà không bỏ nuốt vội để mà no

Dậu rồi thì Tuất, xưa kéo cày nay kéo cày, lo chủ đuổi mệt chẳng dám ngưng làm nhanh không mất việc.



- Số lông vịt xác xơ, tiền chỉ mấy xu, sắm nào được gì, nên không mong tết

Đời ve chai tan nát, tuổi đà dăm bó, cho có ai thèm, mới chẳng tiếc xuân.



- Đêm ba mươi, đếm tờ lịch, ba mươi tờ buồn xa tháng cũ

Sáng mồng một, ngắm cành mai, đơn một cành vui đón năm mới.



- Khoai lang sùng nhúng bột… chiên, đậm đà vị mứt mốc, thẫn thờ tưởng nhớ tết quê cha

Hột mít sượng lùi tro… nướng, thoang thoảng mùi chè thiu, đờ đẫn mơ màng xuân đất mẹ.



- Tết tha hương có bánh chưng, bánh tét sao không thấy tết

Xuân viễn xứ cũng cành đào, cành mai mà chẳng gặp xuân.



- Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ

Xuân khắp mọi nơi, phúc khắp nhà



- Niên hữu tứ thời, xuân vi thủ - Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên.


Tiêu đề của entry là CÂU ĐỐI TẾT nhưng hình minh họa đầu tiên không phải là câu đối và cũng không đề cập gì đến Tết. Hơn nữa, hình thức trình bày lại bất cân phương như dạng thơ lục bát. Vâng, đó chính là hai câu " Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai"  trích trong bài thi kệ "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác thiền sư. Tuy không phải là câu đối nhưng chữ thư pháp quá đẹp. Hơn nữa ý thiền tràn ngập, hương xuân thơm ngát nên tôi đưa lên trên các câu đối khác
                                   
                                     
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
                                    Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
                                                   (Mãn Giác thiền sư)
                                             
                                  Nguyễn Tôn Nhan (1948 - 2011)

            
              
              
           
              
             
            
             
             
             
             
             
             
             
             
             
             
             
             
              
              
              
              
              

                               
                                            
Lộc tiến vinh hoa gia đường thịnh
 Phúc sinh phú quý tử tôn vinh
                                
Ở câu đối này,  chữ  PHÚ (富)  trong vế đối thứ hai, người viết thư pháp viết nhầm thành chữ  PHÚC (福)
         Không những chỉ riêng câu đối này, một số câu đối khác cũng không được chuẩn lắm . Ví dụ câu đối thứ 5 : " Xuân tha hương sầu thương về QUÊ mẹ / Tết xa nhà buồn bã nhớ QUÊ cha" bị lặp từ QUÊ  và cùng thanh bằng trong mỗi vế . Nếu chỉnh lại  ĐẤT MẸ thì đối chuẩn hơn
         Hoặc câu thứ 7 :  " Niên hữu tứ thời xuân VI thủ / Nhân sinh bách hạnh hiếu VI tiên" .  Câu đối gốc vốn là "xuân TẠI thủ"
         Nhìn chung , ngoài những câu đối của  các nhà nho , nhà thơ nổi tiếng, vẫn còn một số câu đối còn chưa chỉnh về từ loại, về ý, về thanh,...
         Nhân xuân về, tết đến tôi sưu tầm câu đối tải về blog để mình cùng bạn bè, anh em đọc, thư giản trong những ngày cuối năm . Chúc quý bạn có nhiều niềm vui  nhé!