Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Nhớ món ăn Quảng trị , Bên đời.. .NTL. Hưng

Gm các bài viết của NTLH
4.Nhớ món ăn Quảng Trị  3. Bên đời thấp thoáng  
2- Có những dòng sông 1 - Thầy chủ nhiệm của tôi 
                                                                                     

NHỚ MÓN ĂN QUẢNG TRỊ
Nguyễn Thị Liên Hưng



Người ta sống ở đời, ăn là việc tối cần thiết sau thở. Nếu không ăn thì cơ thể sẽ không đủ sức và trí óc cũng không tỉnh táo để làm bất cứ điều gì. Chỉ trừ những bậc chân tu đạt đến một mức thượng thừa nào đó về phép thuật mới không cần ăn vẫn sống, còn lại tất cả chúng sinh đều phải ăn.

Tùy theo hoàn cảnh và cá tính mỗi người, việc nạp năng lượng để nuôi dưỡng phần xác con người có thể chia ra làm hai nhóm: Ăn để sống và sống để ăn. Có lẽ nhóm thứ nhất quần chúng hơn, nhất là tầng lớp người lao động. Bữa ăn của họ đôi khi qua loa, không cần biết ngon hay dở, chỉ cần đưa vô miệng làm cái ót là xuống bụng. Còn sống để ăn chỉ dành cho một số ít người mà thôi. Nhưng trong hai nhóm người đó, chưa biết ai ăn ngon hơn ai à nghen. Còn nói về món lạ món  ngon thì đó là chuyện dài vô số tập. Chuyện Trạng Quỳnh nấu mầm đá cho nhà vua ăn không phải là một dẫn chứng cụ thể đó sao?

Khi nào thì ăn ngon? Dĩ nhiên là khi ta đói đến xuội lơ bọt mép. Còn thế nào mới là ăn ngon? Tham giàu đã chộ giàu chưa? Vừa ăn vừa khóc như mưa tháng mười. Đầu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.  Chỉ hai câu hò đó thôi cũng trả lời được câu hỏi trên rồi hè.

 Bàn về thú ăn uống đã có nhiều người viết rồi. Cụ Tản Đà ở thế kỷ trước cũng nói nhiều về vấn đề nầy: nào là món ăn, nơi ngồi ăn, cách ăn, người cùng ăn v.v... và v.v... Khi nào rảnh rảnh, bạn giả thử thưởng thức thú ăn uống như cụ Tản Đà chỉ xem sao nhé.

Còn tôi, hôm nay cô em út đến thăm, lè kè xách theo một bịch chi mà coi bộ lồm cồm. Mở ra thì ôi thôi ngoài những trái xoài chín vàng mây mẩy còn cả nắm lá sôông. Tôi chưa kịp hỏi nó đã khoe cây nhà lá vườn. Tôi ngạc nhiên miền Nam mà cũng có lá sôông hở? Út cười Mô có. Năm ngoái vợ chồng em về làng, thấy bên bờ ao vườn cũ nhà mình có bụi sôông mọc hoang - chắc là giống ngày xưa mạ trồng còn sót lại - nên nhổ vài cây con đem vô trồng sau vườn đó chứ, nay nó nhảy nhánh tùm lum. Hôm rồi cắt vô nấu canh chua ăn một bữa thiệt ngon rồi ngồi nhớ quê da diết. Nay em mang lên đây cho cả nhà ăn để cùng nhớ quê ... cho vui.

Thế là không oong đơ chi hết. Tôi phóng xe ra chợ mua liền con cá lóc về nấu canh ám. Trưa ngày hè mà được ăn món canh này thiệt là đã cái miệng dù phải lấy hành thay ném khi um cá và rau sống thiếu chuối cây non xắt mỏng.
Ăn để nhớ quê. Ừ nhỉ? Đúng là ăn xong tôi bỗng nhớ quê quá chừng, nhất là những món ăn bình thường hồi đó.
Ai bảo người nhà quê Quảng Trị không biết chọn món ăn cho bốn mùa? Có đấy! Nhưng vì mùa nào thức nấy, ta cứ ăn mà không để ý đó thôi. Mà những món ăn dân dã đó xem ra cũng phù hợp với thời tiết lắm chứ chẳng chơi đâu nhé.
Bây giờ đang là mùa hè. Tôi cũng vừa ăn xong món canh ám nên kể về một vài món canh giải nhiệt ngày hè cùng bà con vậy.



1. Canh Ám

Không biết món Canh Ám nầy còn từ bao giờ, mà cũng không hiểu sao lại gọi là canh ám. Chỉ biết ở quê tôi khi nói canh ám nghĩa là canh lá sôông chua nấu với cá tràu um ném. Một món ăn giải nhiệt ngày hè ngon thật là ngon.
Sôông là một loại cây thân nhỏ và nhiều gai, nhánh mọc tùm lum như cây hổ ngươi (mắc cỡ) mọc hoang vậy. Những chiếc lá lỉa chỉa trông từa tựa lá cây mướp đắng nhưng mặt dưới nhám, lá mọc chi chít từ gốc đến ngọn. Hoa sôông  cánh mỏng màu vàng pha tím coi cũng đẹp như chả ai để ý. Sôông là loại cây dễ trồng, cứ cắm xuống một gốc nhỏ là nó nhảy tràn lan, để tránh bị gai xuông nhằm và chiếm đất, người ta thường trồng bụi sôông ở góc vườn, bên bờ ao. Mùa nóng, đi chợ mua con cá tràu cở bắp tay về đập đầu cái đốp cho cá lăn quay mà đuôi còn quẫy quẫy, làm sạch cắt khúc rồi um với tiêu, ném, nước mắm, ớt bột. Um nghĩa là ướp gia vị vào cá, trở qua trở lại nhiều lần cho thấm, sau đó cho vào muỗng dầu ăn trộn đều, bắc lên bếp để lửa riu riu. Trời! Mùi cá um bốc lên thơm lừng, chưa ăn đã nghe đói bụng. Việc cần làm kế tiếp là cầm cái liềm ra bụi sôông bên bờ ao, nắm trên chóp chài cây để tránh gai, cứ lựa nhánh mô trông ngon mắt mà xẻo rồi rút ra một nắm nhặt sạch lá hư, lá vàng, sau đó đem xuống sông vã vã (là đập đập xuống nước cho bụi bặm trôi đi chứ không dám rửa kỳ cọ từng nhánh đâu, gai quào chết), rửa xong để ráo. Khi nấu bắc nồi nước, cho vô muỗng ruốc bột (ruốc thường cho cùng một lần với nước lạnh chứ đừng để nước sôi, nó sẽ hôi), chờ sôi lên rồi cho cá tràu đã um vào, sôi lại lần nữa mới cho lá sôông vô, nếm xem mặn lạt để thêm gia vị. À quên, phải quấn những nhánh sôông lại thành một nắm gọn gàng trước khi cho vào nồi chứ, để khi ăn vớt ra, chỉ lấy cá và nước canh thôi. Canh ám có vị chua thanh tao, ngon hơn hẳn canh lá giang. Khi ăn, vừa húp canh vừa cắn miếng cá thơm thơm béo ngậy, hương vị mới đậm đà làm sao. Bữa trưa mà ăn chén cơm chan canh ám với rau sống có lõi chuối non lẫn cải con hai ba lá thì tuyệt.
Những ngày mùa hồi đó, hầu như trưa nào mạ tôi cũng cho thợ gặt ăn canh ám. Mà không cho sao được? Mới bảnh mắt, chưa ra đồng họ đã dặn Trưa ni thím nhớ cho eng tam tui ăn ceng ám và với cải con trung vườn nhà thím đó nghe. Xin nói thêm: Và ở đây là tiếng địa phương. Nó là một động từ chứ không phải liên từ. Và nghĩa là ăn chung, là lùa canh và rau sống vô miệng một lượt.
Trưa ngày hè oi ả, đám thợ gặt gánh những bó lúa nặng trĩu từ ruộng về  nghiêng vai hất cái phịch xuống sân, mặt mày đỏ lơ đỏ lơớng. Họ vừa cầm nón quạt lia quạt lịa, vừa rút cái khăn vắt vai ra lau mồ hôi chảy ròng ròng. Khi đó chủ nhà đã mâm bàn dọn sẵn, tô canh ám to đại chang nước trong veo nỗi lềnh bềnh mấy khúc cá tràu trắng nõn, có khúc kẹp cả bụng trứng vàng au bốc mùi thơm lừng bên rổ rau sống là món ăn chính của bữa cơm. Đám thợ gặt xúm lại, vừa ăn vừa hít hà khen ngon làm nhà chủ cũng vui lây.
Ở quê tôi, canh ám có thể được xem là món canh chính trong các buổi đãi cơm khách hay nhà có giỗ quảy. Bởi thế nhà nào cũng có một bụi sôông mọc tràn lan ở góc vườn.
2. Canh rau me đất

 Ngoài canh ám, còn có nhiều món canh giải nhiệt khác nữa. Hồi còn nhỏ tôi rất thích ăn canh me đất. Cây me đất có vị chua thanh, thuộc họ cỏ dại, thân mềm như sợi dây cước dùng để câu cá, cao chừng một tấc, trên đỉnh xòe ra chiếc lá xanh mềm tròn, có khía. Có thân cây lại không ra lá mà ra hoa, hoa me đất mỏng mảnh màu hồng tím, sáng nở chiều tàn. Khi ăn, nhổ nguyên bụi lấy cả cây lẫn hoa lá rửa sạch để nấu canh. Me đất mọc từng chùm bất cứ đâu, nó có thể mọc lẫn trong vườn rau cải, bên giàn mướp, dưới gốc cây ăn quả hay quanh hè nhà và ngay cả bên hàng tre. Tuy nhiên để bảo đảm chọn rau sạch (đúng nghĩa), tôi chỉ tìm nhổ me đất ở các vồng rau hay dưới giàn bí mà thôi. Bụi me đất nào mọc lâu ngày sẽ có củ, đó là một loại rể chứa nước nhỏ xíu nhưng ăn vô ngọt thơm như đường phèn.


Me đất nấu với hến là món ăn mùa hè phổ biến ở quê tôi. Những chiều tắm sông, ba tôi hay đem thùng theo để vớt một ít hến. Mạ ra vườn, loáng một cái đã có nắm me đất trong tay. Mạ đổ hến ra rổ tre chà lui chà tới cho tróc chất dơ bám ngoài vỏ, đem rửa sạch để ráo. Đợi nồi nước sôi thả hến vô trở qua trở lại chút xíu thấy hến hả miệng trắng phau là đổ ra rá liền. Xóc xóc mấy cái cho ráo nước là tôi có việc. Những con hến vừa chín tới nóng hổi được tôi nhặt ra bỏ vào tô tiêu ném mạ để sẵn, nhặt xong trộn đều để ướp. Nồi nước luộc hến mạ để một lát cho lắng cặn rồi lấy phần nước trong đem nấu. Khi nước sôi lại thì đổ tô hến đã ướp gia vị vào, thả rau me vô là nhắc xuống liền, hến chín quá sẽ dai, ăn không ngon. Canh hến nấu với me đất ăn chua chua ngọt ngọt, vị thanh tao và cũng là món giải nhiệt ngày hè.


Me đất là loại canh dễ nấu, nó có thể nấu cùng thịt bò, cá hoặc tôm tép cũng ngon. Nhớ là khi nấu, rau me đất luôn cho vào nồi canh sau cùng, vừa bỏ lên khuấy đều là nhắc xuống liền vì thân me đất vốn rất mảnh, để chín quá sẽ mất ngon. Thỉnh thoảng nhà có khách từ xa đến, để đãi món lạ, mạ tôi thường đi chợ mua thịt bò về thái mỏng hoặc um cá tràu nấu canh me đất hoặc khi không có hến, lấy tôm tép thay vào cũng xong.
Tuyệt vời nhất là canh me đất nấu cá mờm. Đây là một loại cá biển nhỏ nhất thì phải? Mạ đi chợ gặp loại cá nầy là mua ngay. Những mẹt cá mờm con nào con nấy tươi trong veo dài chừng hơn lóng tay, nhỏ và  tròn như cọng bún lớn, mua về chỉ cần cho vào rá bỏ vô thau nước xóc xóc rồi để ráo chứ chả cần làm vì nó không có xương, vảy chi cả, khi chín cá có màu trắng sữa, thịt thơm và săn. Nấu canh cá mờm chỉ cần đổ cá đã ướp gia vị lên nồi nước đang sôi, trộn đều cho rau me đất vào là nhắc xuống liền, để lâu cá quá chín ăn không ngon vì mình cá quá nhỏ. Khi ăn, chan vừa cá vừa nước canh vào chén cơm mà thì khoái khẩu vô cùng. Cá mờm nấu cháo cũng tuyệt nhưng ít khi được ăn, vì mùa nam nắng thỉnh thoảng mới có loại cá nầy. Mà chớ nhầm cá mờm với cá cháo đấy nhé, cá cháo có thường xuyên hơn cá mờm, hai loại cá nầy có hình dạng từa tựa nhau nhưng cá cháo mình đục, dài hơn và mềm oặt. Cá cháo ăn không ngon vì khi chín thịt nhão, hương vị kém cá mờm xa.. Do đó mới có câu nói về sự lừa dối Cá cháo nói láo cá mờm.
 Và dĩ nhiên đã là canh chua thì món rau sống luôn đi kèm ăn mới thú.

3.Canh rau tập tàng
Một món canh giải nhiệt phổ biến khác là canh rau tập tàng. Có lẽ hai chữ tập tàng từ chữ thập tàng mà ra, vì muốn nấu món canh nầy ít nhất cũng phải có 5 giống rau trở lên. Thập thì nghĩa là mười rồi, còn tàng là gì tôi không rõ. Thôi thì người ta kêu tên chi mình nói dọi theo rứa chứ phân tích chữ nghĩa chi cho thêm rối rắm bà con hi
Vì cần nhiều giống rau cho một nồi canh nên chi chỉ có nhà vườn mới nấu món canh nầy đúng điệu. Hồi còn con nít, tôi là đứa rảnh rỗi nên mạ hay phân công Sáng ni con ở nhà bớt chạy chơi, gắng “tả” cho mạ một rổ rau để trưa ni  nấu canh tập tàng ăn cho mát nghe. Tả nghĩa là đi kiếm, tìm tòi, góp nhặt mỗi thứ một ít sao cho đủ số, hình như từ nầy không có trong tự điển tiếng Việt.
Không dám cãi lời vì sợ ăn roi, tôi đành bỏ buổi xéc chét lên đôộng moi đất sét về nắn tu huýt với mấy đứa bạn mà phải ở nhà đi tả rau cho bữa ăn trưa. Thế là tay cầm cái liềm, tay néc cái rổ tôi rão quanh vườn, nơi tôi ghé đầu tiên là vôồng khoai lang, tôi chọn mấy đọt rau khoai trắng non vươn dài bò ra khỏi vôồng, quơ liềm mấy cái là có cả nắm trong tay, rồi ghé lại vuông đất trũng chỗ gần bể nước  bứt thêm dăm đọt rau muống nữa là xong phần rau chính thức. Sau đó tôi lại lo tả các loại rau phụ, gọi là phụ vì loại nầy hái mỗi thứ một ít thôi. Tả các loại rau phụ rất đa dạng, được chừng nào hay chừng nấy, càng nhiều loại càng tốt mà không thì chỉ cần hai ba loại cũng được. Món rau cần hái nhiều hơn một tí là sâm đất, tôi quay lui vuông đất cao cao bên luống hành ngò nhổ mấy bụi, thuận tay bứt luôn cụm rau sam chưa ra bông. Xong đứng dậy, bước vào đầu hè nhổ mấy lá rau huyên dài, nếu có rau má mọc quanh gốc chuối thì nhổ luôn mấy dây, bứt thêm mấy lá mã đề non non, nhổ chùm me đất, ngững đầu lên nếu giàn bí đỏ có hoa đực thì hái luôn mấy bông và bước qua giàn bên ngắt thêm mấy chùm bông lý, nếu siêng nữa thì ra bờ rào ngắt mấy đọt lá mồng tơi đang uốn mình leo quanh mấy nhánh nè cho vào rổ. Về phụ gia tôi chỉ nhổ tép sả, hái vài lá é chanh (loại cây có hột é uống giải nhiệt). Cuối cùng tôi bước ra hàng tre tìm thêm các loại các loại rau mọc hoang như lá lốt, bông lột (bù ngót) hoặc bình bát, tôi chỉ ngắt mỗi thứ một ít lá non, còn lá trơơng là một loại rau mùi đặc biệt, chỉ cần có vài đọt non màu vàng tía là đủ cho nồi canh rồi. Măng chỉ cần bỏ vài lát cho có màu nên tôi tìm mụt măng nào nho nhỏ, vừa trồi lên khỏi mặt đất là đưa liềm xẻo liền, nếu không có thì bẻ đọt măng vòi cũng được nhưng nhớ phải luộc kỷ vì măng vòi mùi rất hăng và đắng.
Thế là tôi đã tả xong rổ rau tập tàng. Ngồi đếm thử xem 1, 2, 3 ...Ui! có trên mười thứ rồi đó. Xong phần tả, tôi néc rổ đến bên gốc cây cho mát rồi ngồi chò hỏ nhặt rau, cứ loại nào theo loại nấy. Khi đem rửa sạch, trong rổ rau mỗi thứ xếp một góc: rau chính, rau phụ và lá phụ gia. Măng đem xắt lát mỏng luộc lên, xả nước mấy lần cho bớt mùi hăng và vị  đắng rồi vắt để ráo. Xong. Tôi có quyền vác dao ra bụi mía cam rượu da tím, ngọt và mềm phơ một cây nho nhỏ vô ngồi róc ăn mà không sợ bị mạ la.
(Xin nói thêm là nhà tôi nghiền ăn món canh tập tàng, nên mạ tôi mới trồng đủ thứ rau phụ gia như thế để nồi canh thơm ngon đặc biệt, chứ thực ra chỉ cần rau lang, rau muống và vài lá é, đọt trơơng, lát măng tươi là cũng được rồi).
Mạ đi chợ về. Một tay néc mủng thức ăn, một tay đánh xa, chiếc áo dài không mặc mà quàng trên vai. Con chó vàng đang nằm giỡn nắng bỗng ngẫng đầu lên hửi hửi, đánh được hơi chủ nó liền bật dậy phóng vút ra tận cổng tai cụp xuống, mõm ư ư, cái đuôi ngoắc lia ngoắc lịa làm toe mấy bông dâm bụt nở sát hàng rào. Vừa bước qua bậc tam cấp mạ đã ngồi bệt xuống bục cửa, đưa tay xổ tóc ra búi lại rồi kéo vạt áo dài lau mồ hôi trán. Tôi vừa reo Mạ về! Mạ về! vừa  chạy vô bếp múc ca nước lá mùng năm ra cho mạ uống còn tay quơ luôn cái quạt giấy đứng quạt lia lịa cho mạ.. Sau khi ực một hơi cho đã khát, mạ lật cái trẹt lên, trong mủng bày ra đủ thứ gói thức ăn chen nhau trên tàu lá chuối tươi lót đáy mủng. Nhìn rổ rau, mạ vui vẻ nói Mạ biết hôm ni con tả rau giỏi nên thưởng cho loong sim nì. Tôi vui mừng đón lấy, cầm từng trái sim chín mọng đưa lên miệng cắn và bỏ phần tai sim. May mà tôi làm siêng tả xong rổ rau, chứ ham chơi thì trưa nay không bị ăn roi cũng bị mạ mắng Đồ con với cái, tai như tai sim. Nghĩa là có tai mà chả nghe lời.
Mạ lấy gói tôm tươi ra, những con tôm sông trong veo búng mình nhảy lanh chanh xỉa chiếc gươm nhọn trên đầu một cách vô vọng, làm sạch xong mạ đem riêu để nấu canh. Tôi không hiểu vì sao cũng cách thức ướp gia vị giống hệt nhau mà cá thì gọi là um trong khi tôm tép lại bảo là riêu. Món canh tập tàng ăn nóng mới ngon nên thường nấu sau cùng. Khi cơm đã chín, cá bống thệ đã kho cong mình dọn kế chén cà trắng và vả sống xắt lát kèm mấy thứ rau thơm, cùng mấy trái ớt tươi xanh đỏ vừa hái ngoài vườn. Chén ruốc hấp trộn tiêu, tỏi chen mấy khúc ớt trái dùng để quệt với cà cũng đã bày ra bàn mạ mới bắc nồi nước lên để nấu canh. Cũng nêm ruốc (hầu như ở quê mình khi nấu canh đều nêm ruốc), nhưng khi nước sôi sùng sục chưa cho tôm riêu mà cho măng luộc cùng các loại rau chính vào trước trộn đều. Phải đun lửa lớn canh mới không ê. Canh rau mà bị ê thì con heo trong chuồng mừng lắm. Kế tiếp cho tôm vào, lại trộn đều rồi đến món rau phụ. Lại trộn, đợi sôi bung lên liền cho các thứ rau gia vị vào rồi truống xuống liền chứ để trên bếp rau mùi chín mất thơm. Khi đó mới nếm, thêm gia vị cho vừa ăn rồi dọn ra bàn.


Mùi canh tập tàng bốc khói thơm lừng, ăn vào vừa ngọt thơm, vừa chua chua, the the mùi lá trơơng và các lá phụ gia khác. Trời trưa nắng đứng bóng, ăn chén canh nóng hổi, người lớn còn cắn thêm miếng ớt tươi cay nồng mồ hôi mồ kê túa ra ngon ơi là ngon, vừa ăn vừa lấy khăn lau mồ hôi. Ăn xong nghe mát cổ thanh họng, mùi thơm các loại rau xông lên đầu lên mũi nghe khỏe cả người.

Thực ra người nhà quê Quảng Trị tuy chất phác nhưng không kém thông minh đâu, vì các loại rau, lá nấu trong nồi canh phần lớn là những vị thuốc giải cảm dân gian. Còn thêm vào vài lát măng chẳng qua là để nồi canh bắt mắt màu sắc đồng thời cắn miếng măng sần sật, hăng hăng trong cái hương vị các loại lá mùi cũng thú vị lắm.



Rau sam hay mồng tơi nấu canh với tôm tươi ăn cũng giải nhiệt tốt, nhưng vì ở quê tôi, hai loại rau nầy chỉ tự mọc chứ không ai trồng nên ít khi có nhiều để nấu riêng, do đó nó thường được hái để nấu canh chung với rau.



Mùa nam nắng còn có một món giải nhiệt đặc biệt, đó là món nuốt. Người lớn bảo thỉnh thoảng mùa hè, nuốt nỗi lềnh mặt biển, ngư dân chỉ việc đem thúng ra xúc rồi gánh đi bán. Gánh nuốt phải chạy nhanh vì nước từ con nuốt cứ nhỏ ra tong tong, để càng lâu nuốt càng teo đi vì rọ hết nước. Trưa ngày hè mà kẹp những miếng nuốt trong veo với khế chua, vả, chuối chát xắt lát cùng rau thơm chắm nước mắm gừng cho vào miệng cũng là một cái thú ăn uống. Hồi đó tôi còn nhỏ nên không biết ăn món nầy, chỉ thấy người lớn nhai rau ráu, vừa ăn vừa hít hà chắc là ngon lắm.
 Chiều hè, mạ thường nấu chè đậu xanh, đậu huyết với đường bánh hình cái chén màu nâu vàng, vừa làm bữa lợ cho thợ gặt vừa để cả nhà ăn, ngồi trước hàng ba đón gió mà húp chén chè ngọt lự, nhai mấy hột đậu mềm vừa thơm vừa bùi trong miệng cũng đã lắm. Thỉnh thoảng mạ nấu chè đậu huyết với ném bảo là để giải nhiệt, món nầy tôi chẳng thích tí nào. Khi bị bắt ăn, tôi thường lựa mấy hột đậu và húp miếng nước rồi lén đem ra đổ bên bờ tre.






Ngoài mấy món trên, tôi còn nhớ vài món ăn dân dã thú vị khác. Nếu bà con không cho là người già chuyện thì tôi xin kể tiếp một vài món khác chứ không mai mốt thêm tuổi - lão lai tài tận - quên hết cho coi.

Ngày hè gió Nam Lào thổi ầm ầm làm mấy trái mướp ngọt mau lớn đến khiếp, hôm qua mới rụng rốn đó mà sáng ra phải cắt ăn chứ để đến sáng mai coi chừng già. À! mà bất cứ rau quả gì, hái vào buổi sáng đều ăn ngon hơn hái vào buổi chiều..

Trên đường làng, thỉnh thoảng những người đàn bà phía biển gánh những gánh cá mắt trong veo, vảy còn dính cát, hay những nia mực ống, mực nang tươi chong chạy lúp xúp dưới bóng tre xanh cất tiếng rao lanh lảnh Ai cá tươi mực tươi khôông? Mạ gọi vào, mấy o mấy thím cũng xúm lại, ngả giá, chọn bắt rồi tiếng rao lại khuất dần theo tiếng tre cạ vào nhau kèo kẹt cuối xóm. Mực nang đem luộc  xắt lát kẹp rau thơm chắm nước mắm gừng. Mực ống thì nấu suôn. Nấu suôn nghĩa là ướp gia vị rồi nấu tươi với mướp ngọt chan ăn với bún. Có lẽ món nầy trơn, nuốt rất nhanh nên gọi là món nấu suôn chăng? Tép biển nữa. (À! Mà sao tép ở sông thì gọi là tép tong, còn tép ở biển không gọi là tép biển mà lại gọi là khuyếc). Những con tép tròn múp hồng hồng còn ngấm nước biển, đem xào ăn vừa ngọt vừa thơm hay phơi khô, đợi khi gió mùa đông bắc về đem rang rồi trộn nước mắm chanh tỏi ăn cũng bắt lắm. Rồi cá thì chia ra, thứ nấu canh ngót, thứ để kho, thứ làm mắm, thứ đem phơi khô. Cá phơi khô thường là những mớ cá cơm tươi roi rói. Mạ tôi hay làm mắm cá nục, nhất là cá nục me con nhỏ bằng ngón tay. Đợi mắm ngấm, mạ cho cà và đu đủ vô trộn đều, khằng lại cho chặt. (Cà và đu đủ sau khi phơi héo được xả lại với nước muối, vắt kiệt rồi mới cho vô thống mắm), sau đó đem phơi nắng cho đến khi thấy nước dâng lên màu đỏ au là đã chín. Khi mắm chín, mới hé nắp thống đã nghe thơm lừng. Làm mắm cũng có tay vì cùng một công thức như nhau nhưng tay người nầy hốt bỏ vô thống thì mắm thơm mà tay người khác thì khi mở nắp thống mắm ra nghĩa là nhà chủ muốn đuổi khách, cho dù ăn vẫn ngon. Bởi vậy bà con quanh xóm, cứ khi nào làm mắm là chuẩn bị xong mọi thứ, rồi khệ nệ bưng tới  nhờ mạ tôi bỏ vô thống dùm. Những thống mắm nầy mạ cất vào góc bếp, để dành làm thức ăn cho mùa đông, khi đó trời mưa lạnh, rau quả chả có gì lại ít đi chợ. Trời lạnh mà ngồi bên bếp lửa, ăn cơm nóng với mắm cà nầy thì không biết no. Còn những khi hết thức ăn thì ra vườn lượm khế rụng vô kho với cá cơm khô ăn cũng được.


Mùa mưa lũ, món ăn thú vị nhất là cá nước lụt. Hết tháng bảy nước nhảy lên bờ lại đến hăm ba tháng mười, ông tha mà bà chẳng tha. Cứ mấy ngày mưa như trút liên tiếp rồi trời hưng hửng nắng thì thế nào cũng có lụt. Nước đâu mà đổ về lắm thế. Giòng sông ngày thường trông bé nhỏ hiền hòa mà bây giờ nước dâng lên tràn bờ mênh mông đến dễ sợ. Màn nước đục ngầu chảy băng băng cuốn trôi theo mọi thứ rác rều từ đầu nguồn về biển cả. Rồi nước tràn vô những con đường làng, rót xuống ao ồ ồ, những nhà ở nơi đất trũng gọi nhau í ới chạy lụt. Xóm nhà tôi cao nhất làng, người xóm Cồn, xóm Hói nói nhà họ nước lên chóp chài thì dân xóm Tả chân vẫn còn mang dép. Nền nhà tôi lại cao nhất xóm nên hiếm khi nước vào viếng, năm nào lụt lớn lắm thì cũng chỉ ngâm mấy vôồng khoai vôồng sắn sau vườn mà thôi. Trời vừa dứt hạt mưa, bọn con nít đã rũ nhau đi lội nước lụt. Mạ tôi thường dặn dò nước lụt dơ, không tốt, đừng lội nước bạc mà đổ bệnh. Nói thế chứ bà vừa lui sau vườn nhổ mấy gốc sắn vô mài lọc bột để làm bánh bột lọc là tôi giả vờ ra sân rồi chạy ra đường, nhập bọn cùng lũ con nít xắn quần lội ì oạp từ đầu làng đến cuối ngõ. Có đứa còn cặt chuối kết bè chống đi chơi quanh xóm nữa.

Bọn trẻ từng tím dăm ba đứa vừa lội vừa la chí chóe vì đụng phải mấy con chuột bơi chới với, mấy con rắn nước bò loằng ngoằng, trên đọt tre mấy con rắn mình rằn ri đeo queo nhánh cây tránh nước. Lội chán mỏi chân lại ra bến nhìn người ta cất rớ. Giữa sông nước cứ chảy cuồn cuộn, có người chèo ghe ra vớt củi về để dành tết nấu bánh tét, thỉnh thoảng chúng tôi la om sòm khi thấy trên khúc cây chính giữa giòng khi thì con khỉ ngồi chóc ngóc, khi thì con trăn bám vào nhánh cây. Có lần chúng tôi thấy cả chúa sơn lâm nữa đấy, ghê không? Theo dòng chảy, cá từ đầu nguồn đổ về, những chiếc rớ cất lên bỏ xuống liên tục. Dưới ánh nắng, vảy những con cá trắng lấp loáng bạc nhảy lanh chanh muốn thủng lưới hầu tìm đường thoát. Khi cất lên, người ta hất hất cái rớ cho tôm cá gom về một chỗ rồi lấy cái vợt thảy nhẹ một cái là hứng gọn hơ, hay thiệt. Bên cạnh mỗi người là một cái thùng thiếc đựng cá. Có lần tôi thấy ông bác đầu xóm cất được một con cá gì trông dễ sợ. Nó vừa to vừa dài lại đen sì. Nó quẫy lung tung thiếu đường toạc lưới. Mấy người lớn la lên cá chình, cá chình. Ông bác không dám bắt mà quấn lưới lại đem vào tuốt sân nhà tôi là nơi nước chưa vô rồi mới hắt con chình ra. Trời! Nó quẫy, nó lăn không khác chi con rắn hổ. Nghe đâu loại cá nầy nấu canh măng chua hoặc kho nghệ ngon lắm nhưng tôi sợ, có cho cũng không dám ăn.

Ngày mưa lụt là được ăn cá lụt. Nồi đất lót lá gừng non kho lẫn lộn đủ thứ tôm cá lớn nhỏ, ăn thứ nào cũng ngon. Thích nhất là mấy om đất kho cá cấn, cá lúi. Cứ nhìn những cái bụng ểnh lên, căng phồng toàn trứng là trứng của chúng cũng đủ thèm ăn rồi. Buổi chiều lành lạnh mà nghe mùi cá mạ kho là tôi đứng ngồi không yên, cả con mèo mướp lười biếng khoanh mình bên bếp lửa cũng trở mình, ngoác miệng ngáp một cái khoe mấy chiếc nanh lởm chởm rồi đứng dậy làm tro bay tung tóe. Nó hít hít mùi cá kho, thủng thẳng đến cạ cạ đầu vào chân mạ tôi kêu meo meo đòi ăn. Thế đó, ăn ít như mèo mà nghe mùi cá mạ kho cũng đói bụng huống chi tôi?
Mạ nói cầu trời đã lụt thì đừng có bão. Vì lụt vô ngâm nước nhà cửa cây cối lung lay sẵn, nếu bão ập tới thì sập đổ hết, thật là tai họa. Mỗi năm mấy trận lụt bão là mấy lần người lớn lo mất ăn mất ngủ. Những khi bão về trong đêm, cả nhà thức nghe tiếng cây đổ trong vườn, tiếng tre va đập vào nhau, tiếng tàu chuối bị xé toang lẫn trong tiếng gió hú. Ba mạ thức chong mắt, mỗi khi gió tạm ngừng, ba lại đoán nó đang đổi hướng nào. Ngọn đèn dầu vặn tim cao thế mà cứ chập chờn chực tắt. Ngay cả con nít như tôi mà cũng không ngủ nỗi, cứ hồi hộp mỗi lần nghe gió hú mà ba mạ kêu là gió xóc làn. Gió xóc làn rất dễ sợ, nó có thể xóc cả căn nhà quăng cái vèo như người ta xóc và quăng bó lúa vậy. Một đêm bão xong, sáng ra vườn tược xơ xác, mấy cây chuối không còn lá nào lành, có thân cây đang mang buồng nặng trĩu sập xuống, khế rụng đầy gốc lẫn trong đám lá tre. Những người đàn ông băng vườn - vì đường sá bị cây ngã chắn lối chưa đi được - ghé nhà nầy nhà khác hỏi can chi không rồi í ới gọi nhau đi xeo những căn nhà đơn sơ bị đổ nghiêng hay lợp lại những căn nhà tốc mái. Ba tôi cầm rựa ra đường phang những thân tre gãy để dọn lối cho bà con đi lại, những nhánh cao thì phải dùng câu liêm mới cắt được, Những cây măng cao lên chưa thành tre thân còn mềm đều gãy ập xuống, mạ tiếc của bèn lôi vô sân cắt lấy phần đọt gọi là rèo rèo. Rèo rèo luộc ăn tươi không ngon như măng mụt nên thường được làm chua để dành nấu canh.
 Sau mỗi trận lụt là thời gian thú vị nhất của chị em tôi. Vì con nít đứa nào cũng thích ra đồng bắt cá nhưng mạ tôi cấm tiệt. Có lần chị tôi ra đồng chơi rồi mê theo chụp những con cá, con đam lủi trong mấy gốc lúa non quên về. Mãi đến trưa chị mới về nhà, áo quần mặt mày lấm lem, tay xách theo một xâu mấy con cá con đam lóc cóc mặt mày hớn hở tưởng được mạ khen. Ai dè mạ đang giận sẵn, thế là cơn tam bành nỗi lên. Vút một cái, xâu cá - thành quả lao động nguyên buổi sáng của chị tôi - rơi cái chỏm ra góc vườn làm mồi cho mèo rồi xoạc một cái, cây roi mây trên chái nhà được rút xuống. Thế là từ đó chúng tôi tởn, không dám ra đồng bắt cá nữa nhưng nếu cá tự vô vườn thì mạ không cấm. Bởi thế cứ mỗi lần nước lụt chưa vô vườn là chị tôi cầm cái que nè ra đường vạch một cái rảnh cho nước chảy vào ngõ nhà tôi, vừa làm năn nỉ Lụt ơi! Vô vườn nhà tau đi.
Khi nước bắt đầu đổ ồ ồ vào dãy ao dài làm ranh giới giữ cho tre không nhảy con lấn đất bọc quanh vườn, chị tôi lấy rá ra hứng luồng nước chảy, thế mà cũng đủ mớ cá lộn xộn kho ăn cơm đấy. Còn khi nước rút, tôm cá không ra theo kịp nên nhảy lanh chanh ở mấy rãnh vôồng khoai, chị em tôi cầm thau ra bắt vui lắm. Thời gian sau, khi mức nước trong ao bắt đầu cạn, ngày ngày chúng tôi ra thăm chừng, khi nào thấy nước còn lấp xấp là lên kế hoạch đánh bắt liền. Lũ cá nầy ngu quá, không theo nước rút về sông mà ở lại định cư trong ao, có lẽ chúng tưởng chốn nầy an toàn chăng? Thế là a lê hấp, cả mấy chị em xắn quần mang hết rổ, rá, thau lớn, nhỏ trong nhà ra, đứa tát đứa bắt thích ơi là thích. Nhưng lươn thì chúng tôi sợ, không ăn và cũng không dám bắt nên nó vẫn yên ổn trong mấy cái hang tự tạo dưới lòng ao. Hình như món cá do chị em tôi tát được ngon hơn cá mạ mua ở chợ thì phải, dù chắc chắn chúng chỉ là một mớ cá mương, lòng tong hỗn hợp chứ không phải cá lúi hay cá lấn cấn ểnh những chiếc bụng đầy trứng vàng  ươm.


Khi mùa trái gặt xong là mùa đi dủi của mấy o mấy thím. Những khoảnh ruộng nước ngập đến đầu gối, cá tép quẫy lui quẫy tới thấy mà ham. Họ đứng đầu bờ nầy, cầm cái dủi chạy một mạch tới đầu bờ kia rồi hất đầu dủi lên để lượm tôm cá cho vào oi, sau đó chạy tiếp. Hồi đó tôi có ông anh họ ở tỉnh về, ra đồng ngó bà o dủi thích quá nên xin cho thử. O chìu cháu nhưng anh vừa đẩy cái dủi tới một cái là ngã chanh còng, ướt từ đầu đến chân đành lóp ngóp bò dậy chạy về nhà không kịp, rét thấu xương, tôi nghĩ ít nhiều gì anh ấy cũng nếm thử mấy ngụm nước ruộng. Vì sao thế? Xin thưa: Lúa ở các ruộng trũng nầy khi gặt vẫn còn gốc rạ, không ai mót cắt rạ như ở mấy thửa ruộng khô. Người dân quê biết cách đẩy dủi bổng lên, chạy hớt trên ngọn rạ còn anh tôi dân tỉnh có biết chi mô nên cứ chúc đầu dủi mạnh xuống, thế là dủi vướng gốc rạ bật ngược lại làm anh mất trớn đánh oạch xuống ruộng nước.

Mùa đông rét mướt, những chú chim co ro ngoài đồng, có con lạnh quá khi người ta đến bắt cũng đứng im không bay được. Những người bẫy chim mang cái tơi tùm hụp để che gió lùa giữa đồng trống, chân trần bấm trên dường bạn. Xong buổi họ mang chim vào xóm bán, chừng nào bán không hết mới đem về nhà để sáng mai vợ mang ra chợ.
Mạ tôi thường mua le le nấu cháo. Thịt le le màu hồng hồng nâu nâu, không nhiều nhưng rất chắc và thơm. Le le hầm đậu xanh vừa béo vừa ngọt ăn vô đến đâu là biết ngon đến đó. Bởi thế nên mới có câu hò Thương chồng nấu cháo le le...

Rồi đến mùa cấy, mùa làm cỏ lúa. Mấy o, mấy thím ai cũng có cái oi cột ngang hông. Họ vừa làm vừa thấy gì chộp nấy, nhất là mùa nầy đam lớn đam bé bò đầy gốc lúa. Trong sách gọi đam là cua đồng, cũng có lý đó chứ, vì nó có hình dáng y như con cua nhưng lại sống ở đồng. Người quê tôi không giã đam để lọc lấy váng nấu canh riêu hay làm món bún riêu cua mà làm nước đam. Để cho mau bắt, người ta thả vô vài đọt măng vòi, chừng ba ngày sau là kho ăn được. Trời lạnh mà cơm chan nước đam chua chua ăn cũng hết ý, nhưng cái tréc nào kho nước đam thì chỉ dùng để kho nước đam, chứ quên mà dùng để nấu các món ăn khác là mất hết hương vị, dù có rửa sạch đằng trời cũng toàn nghe mùi đam không hà. Trời mưa lạnh, o đi làm cỏ lúa về, lu thu trong cái nilon màu nước mắm, o lần hông mở cái oi trút ra cho chị em tôi mấy con đam kềnh bò lổm ngổm. Mạ cảm ơn, mời o điếu thiếc lá cẩm lệ hút cho ấm rồi lấy thau bỏ đam vô. Chỉ mạ mới dám cầm chứ chị em tôi không dám, ngó hai cái càng sắc lẻm nó há ra mà ớn, lơ mơ nó kẹp một phát là đau thấu xương. Mạ lựa con đam kềnh to nhất cột chỉ cho bé út kéo chơi trên nền nhà. Số còn lại mạ lột vỏ, rửa sạch rồi lấy que tre già vót nhọn xâu vào. Xong xuôi mạ đem tới bếp lửa huơ qua huơ lại, mùi đam nướng bốc lên  khen khét. Thế là chị em tôi được thưởng thức món đam nướng nguyên chất, vừa thơm vừa béo ngậy.

Ngày mưa, còn có món bắp nếp rang dòn tan, thơm lừng. Buổi chiều trời sụp xuống mà trùm mền nằm nhai bắp rang hay khoai luộc cũng là một cái thú. O tôi hè nào cũng xắt khoai luộc. Khi phơi khô xong, o lựa những lát khoai mềm đỏ au cho vào cái đôộc (hủ sành) bên trong lót rơm khô để giữ ấm, o lắc đầy rồi gánh lên tỉnh cho thằng cháu của o ăn chơi mùa lạnh. Thế là anh ấy cứ việc trùm mềm vừa đọc truyện kiếm hiệp vừa thò tay vô đôộc khoai đầy hơi ấm lôi những lát khoai mềm, ngọt như mật ra nhâm nhi, khi nào làm biếng nhai thì cứ việc ngậm, một hồi nước miếng rọ ra ngấm lát khoai mềm nhũn, chỉ việc chíp chíp nước cũng ngon chán. Hè năm sau, o lại lên tỉnh lấy cái đôộc rỗng về đựng khoai luộc rồi lại đem cho thằng cháu cưng.
Khi những vôồng rau cải, hành ngò lên lúp xúp đủ cho các thím, các o nhổ gánh ra chợ tỉnh bán cũng là lúc chuẩn bị đón tết. Ngày tết nhà nhà đầy bánh mứt, ra giêng hai vẫn còn mứt gừng cay uống nước trà buổi sáng, còn bánh tét  thì chiên ăn đến hết tháng giêng.
Mùa xuân vườn nhà nào cũng đầy rau cải xanh tốt. Những buổi sáng mặt trời chưa lên, mấy con chuồn chuồn còn xếp cánh ngủ quên trên nhánh nè, ra vườn cắt vài trái mướp đắng nở gai xanh mướt hay nhổ mấy bụi tầng ơ (tần ô) còn đọng hơi sương để trưa nấu canh tôm, tép tươi, rắc vô vài cọng hành ngò ăn cũng tuyệt. Cải ngọt thường nấu canh ăn cho ngọt miệng, còn cải cay chế được nhiều món hơn,. Cải cay vừa lên hai ba lá gọi là cải con dùng làm rau sống, khi để lớn thì trụng nước sôi vắt ráo chắm nước mắm xắm trứng luộc hay nấu canh, thỉnh thoảng mạ nhổ cả cây treo lên mấy nhánh nè, phơi khô làm dưa để dành nấu canh chua. Rau cải mùa xuân có hơi sương rất mau lớn. Mạ nói là phất. Năm nào mạ tôi cũng để dành vài luống làm giống cho mùa tới. Bông cải vàng, bông ngò tim tím nhỏ li ti phất phơ trong gió rập rờn bướm ong
Giữa mùa xuân có một món khoái khẩu khác là bắp tươi. Loại bắp nếp vườn nhà tôi thuộc giống su cay. Cổ ngữ nầy tôi không hiểu chỉ biết từ su cay chỉ loại bắp hột nhỏ và dài nên hột nhiều còn lõi nhỏ hơn các loại bắp khác. Ngoài bắp nếp hột trắng, mạ tôi còn chêm thêm vài hàng bắp có hột màu tím than gọi là bắp mọi. Hồi đó không ai trồng bắp đỏ đâu - dù năng suất cao - vì bắp đỏ ăn rất dở. Bắp tươi nướng hay luộc đều ngon. Sáng sớm khi sương chưa tan, cầm rổ ra vườn bẻ một ít bắp nếp vô luộc ăn vừa mềm vừa ngọt. Khi nấu, mạ đổ nước vừa phải nên vớt bắp xong trong nồi chỉ còn chừng một ly nước. Tôi rất thích uống chén nước nầy, nó vừa ngọt vừa thơm mùi bắp dễ chịu vô cùng. Tôi thấy người ta còn lấy râu bắp nấu nước cùng rễ tranh và lá mã đề để uống, gọi là phương thuốc lợi tiểu. Con nít như tôi thì không, thứ nước tôi thích uống là rễ cây rau má kia. Khi nào siêng siêng, tôi vác chét đi bới rễ cây rau má, những chiếc rễ lâu năm lì lợm chui sâu vào đất, phải trầy tay mới moi lên được một nắm. Rễ rau má rửa sạch, sao vàng khử thổ rồi nấu nước, khi uống cho vô chút đường. Nó cũng là phương thuốc giải nhiệt lợi tiểu, vừa ngọt thanh vừa đăng đắng, uống vô cả buổi rồi mà cứ nghe thanh cổ thơm miệng còn ngon hơn cả loại nước rễ sâm nam nữa. Còn râu bắp thì được chúng tôi cột vào đầu cây làm phất trần và kẹp vào chỗ trũng dưới môi để làm tiên ông. Các tiên ông  đi lui đi tới lúc lắc cái đầu, tay cầm phất trần, tay vuốt chòm râu bắp, nhưng những ông tiên nầy không cười, không nói, vì chỉ cần hé môi là râu rớt xuống liền.

Nhà tôi còn một món ăn đặc biệt khi nào cũng có. Sau hè nhà, bên cạnh gốc cây quýt trĩu quả mạ kê một cái đôộc trên hai cục táp - lô đúc thừa khi xây nhà, trong đó đựng thứ nước màu vàng vàng sóng sánh thơm thơm, chua chua ngày xưa Trạng Quỳnh cho vua ăn. Khi nhà vua hỏi món gì mà ngon thế, Quỳnh trả lời là món Đại Phong - cái tên nghe dữ dội ghê ha - vì vua chúa phải ăn những món tên tuổi chứ ai lại đi ăn món tầm thường. Ai dè khi gii thích mới té ngữa: Đại phong nghĩa là gió to, gió to thì chùa đổ, chùa đổ thì tượng lo và nói lái là nghề của Quỳnh. Vậy chung quy đó là lọ tương, là món nước tương dân dã.  Đây là loại nước tương bình dân của người Quảng Trị chứ không phải món xì dầu làm theo kiểu Tàu mà người miền nam cứ gọi là nước tương. Mạ bảo làm dễ lắm, chỉ cần 1kg đậu nành, 1kg nếp, nửa kg muối hột và khoảng 10 lít nước và một nắm lá ngái là có ngay một hủ nước tương ăn mấy tháng. Cách làm như sau: Xôi nấu chín để nguội rồi đổ ra nia đã lót kín lá ngái - ngái một loại cây có trái từng  chùm như trái sung nhưng thân nhỏ hơn và lá to bản bằng bàn tay mọc hoang dọc bụi – dàn xôi đều trên nia, nén cho chặt rồi đậy lớp lá ngái khác lên trên. Xong lấy sàng để lại, treo hoặc kê nia lên cho thoáng. Đậu nành đem rang chay cháy màu nâu vàng, rang xong đổ nước vào nấu cho đến khi hột đậu mềm, để nguội rồi đổ cả nồi nước lẫn đậu vào đôộc đậy lại. Một tuần sau cả nia nếp lẫn đôộc đậu đều mốc gọi là đã lên meo. Khi đó mới mở nia ra, lấy xôi đã thành meo dàn mỏng phơi nắng chừng một buổi rồi cho vào đôộc đồng thời rang muối hột cho nở lốp bốp thành bột, khi rang nhớ đậy nắp không thôi muối văng tứ tung gọi là um muối, đổ muối chín còn nóng vào đôộc, quậy đều rồi đậy lại. Nhớ đậy sao cho có lổ thông hơi, ở quê tốt nhất là quấn mo cau thành hình phểu rồi úp trên miệng đôộc. Ngâm chừng vài ngày sau nước màu nâu vàng, nếm nghe chua chua là ăn được. Khi ăn, lấy vá khuấy đều rồi gạt lớp meo trắng trên mặt đôọc qua một bên để múc nước vào tô đã bỏ gia vị sẵn như tiêu, ớt, đuờng trộn đều là dọn lên bàn. Vì tương có vị chua chua nên cần cạo vô một ít đường bánh để làm dịu bớt. Rau chiêng cỏ (rau dền cây nhỏ) nhổ nguyên cây nho nhỏ mọc lẫn trong vôồng ớt rồi đem luộc mà chắm nước tương nầy thì bắt vô cùng. Nói thế chứ chắm với rau muống cũng ngon vậy. Tháng chạp rét run mà nước tương nầy chan cơm nóng ăn cũng hao lắm. Hồi đó, quanh năm nhà tôi luôn có nước tương dự trữ, không chỉ để trong nhà ăn mà bà con hàng xóm ai muốn ăn cứ việc đem tô đến múc.
  
Theo tôi món tương mạ tôi làm ngon hơn bất cứ loại tương nhãn hiệu nào. Lâu rồi chưa được ăn lại món nước tương đó, thèm làm sao.



Người dân quê tôi vốn có thói quen sản xuất nông nghiệp theo phương thức  tự cung tự cấp, phần dôi ra mới đem bán. Từ lúa gạo cho đến các thứ rau củ quả  bà con đều trồng và chọn giống truyền từ năm nầy sang năm khác.
 Ngoài những sản phẩm dùng làm thức ăn hàng ngày và chăn nuôi, bà con còn để dành nguyên liệu cho việc chế biến các món ăn ngày tết hay giỗ chạp như muốn làm bánh thì có nếp, muốn làm mứt thì có củ gừng, bí đao v.v... Chiều ba mươi tết nghe heo kêu khắp xóm, cứ vài nhà chung nhau mổ một heo, ai chưa có lúa đong cũng cứ lấy xâu thịt về ăn tết, đến mùa trả vậy. Do đó, mỗi khi đàn bà đi chợ là để bán bớt số hoa màu ăn không hết và nếu có mua thêm thức ăn thì cũng chỉ mua thịt heo, thịt bò và tôm cá thôi. Dù khách đến nhà bất thình lình thì chủ nhà vẫn có thể đãi khách một bữa cơm tươm tất. Nầy nhé, rải nắm lúa là muốn bắt con gà, con ngan nào vừa ý thì bắt, rồi cầm cái rổ ra vườn, tha hồ mà chọn rau quả để chế biến. Gà có thể làm được nhiều món: lấy phần thịt luộc xé bóp rau răm bắp chuối hay kho gừng; bộ lòng xào chung cà chua lẫn cải chua hay xào với cải ngọt hoặc mướp ngọt; phần còn lại um cho thơm để hầm măng tươi hay nấu canh với mướp đắng, cải cay đều ngon. Thịt ngan luộc chặt phay chắm nước mắm gừng. Một trái mít non cũng làm được ba món: xắt thấu xào, luộc chín xắt thấu trộn rau răm cùng đậu phụng rang hay luộc cắt miếng kẹp rau thơm chắm nước tương. Trên chuồng heo có mấy ổ trứng gà, cứ ổ nào gà chưa ấp thì lấy vài trứng, muốn đổ chả thì đổ mà muốn luộc xắm nước mắm chắm cải thì luộc. Trái cà trắng cũng làm được hai món, vừa luộc xắm nước mắm chanh tỏi vừa xắt miếng ăn sống với rau thơm quệt ruốc hấp; v.v... còn nhiều món trong vườn nhà có sẵn, tha hồ mà chọn để đãi khách. Đó là chưa kể các món dự trữ như mắm cà, cá, tép khô. Tráng miệng thì đủ thứ: từ chuối cho tới mãng cầu, quýt, ổi … tuỳ theo mùa.
Đôi lúc ngẫm nghĩ thấy người dân quê mình còn biết chế biến món ăn, thức uống như là thầy thuốc chữa bệnh chứ chẳng chơi đâu nhé. Ví dụ như thịt gà thì kho gừng, kho sả ớt trong khi thịt heo lại ướp hành, còn tôm cá thì ướp ném. Cùng giống gia cầm nhưng thịt gà luộc xé phay bóp rau răm trong khi thịt ngan, thịt vịt lại chặt miếng chắm nước mắm gừng. Các loại phụ gia rau màu thì toàn vị thuốc như ném, hành, rau thơm tròn, tía tô, rau tờn, kinh giới ... trị ho, cảm. Ngay cả ly nước lá mồng năm cũng có mấy vị thuốc như lá bội lợi tiểu, bướm bạc trị bệnh phụ nữ, chùm bao trị mất ngủ …Chà! Chắc là bà con dân quê tôi thời ấy tà tà dùng các vị thuốc thiên nhiên quanh năm nên hiếm khi nghe ai mắc đủ thứ bệnh như bây giờ.




  Trong số những món ăn quen thuộc ngày trước của người bình dân Quảng Trị, có những món ngày nay đã bị “thất truyền” - không còn nữa. Kể cho con cháu nghe, chúng cứ hếch miệng lên mà phát “Lạ thế? Lạ thế?”.

Và bây giờ tôi nhắc lại để cùng nhau nhớ về một thuở quê hương thanh bình ngày xưa ấy. Mùa nào thức nấy. Món ăn dân dã của người Quảng Trị rất đa dạng, một bài viết thì làm sao mà ghi lại cho hết được? Vậy bà con nào nhớ thương ngày tháng qua xin hãy viết thêm nhé!

                                                                                            NTLH (Hè 2009)
Bên đời thấp thoáng…
Nguyễn Thị Liên Hưng

Như đã có một lần bị phỏng vấn “Bạn nghĩ thế nào là hạnh phúc?”, tôi đã trả lời thật tình rằng “…càng nhiều tuổi, tôi càng nhìn hai chữ Hạnh phúc đơn giản hơn. Ví dụ như bây giờ được ngồi đây, trong nắng ấm cao nguyên khí trời thanh khiết, được trò chuyện với những con người thú vị, thế là hạnh phúc”.Vâng! 
Đúng thế! Thời son trẻ ta mãi miết đi tìm hai chữ hạnh phúc để rồi than thở “Ôi Hạnh Phúc! Ta ngậm ngùi nhìn em trên cỏ mướt. Tay dẫu dài không với tới chân em”. Thật là dại. Mãi đến khi đi gần hết cuộc đời mới “ngộ” ra như rứa thì đúng là dại quá! Nhưng lỡ rồi. Nước chảy qua cầu không trở lại. Thôi thì muộn có còn hơn không, bạn nhỉ?
Hạnh phúc không là cái gì to lớn, nó đơn sơ, mỏng manh và dễ vỡ. Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, nó thấp thoáng quanh ta, hãy đưa tay nắm lấy nó khi có cơ hội. Và vì hạnh phúc chỉ là những thoáng bên đời nên nếu biết nắm bắt ta sẽ cảm nhận được nó bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào.
Và thế. Tôi đã bắt được một thoáng hạnh phúc vào ngày đầu năm 2011 - hay có thể gọi là Một Ngày Đặc Biệt của Nguyễn Hoàng.
Như đã ước hẹn, chiều hôm trước cô Giáng Hương (Pleiku) về Biên Hoà; gần tối anh Lê Thiện Ngữ (Quảng Trị) mới đến. Đúng 6 giờ sáng ngày đầu năm dương lịch 2011, chúng tôi đã y phục chỉnh tề có mặt tại điểm hẹn Amata - cửa vào một khu công nghiệp trên đường Quốc lộ 1 thuộc thành phố Biên Hoà - để cùng đoàn Saigon về Hàm Tân mừng thọ thầy Lê Văn Quýt - vị thầy thâm niên và cao niên nhất của trường Trung học Nguyễn Hoàng - Quảng Trị còn “chung sống” với lũ học trò không còn tên trường trên 35 năm nay. Tiết trời không lạnh lắm, chỉ đủ se se cho chúng tôi ngắm cảnh vật xinh tươi hai bên đường. Mặt trời còn ngủ quên đâu đó như hứa hẹn một ngày nắng nhẹ, đem lại sự mát mẻ cho những người đồng hành ghé về một bờ bến yêu thương trong cuộc sống.
Anh Nguyễn Văn Trị - Trưởng ban liên lạc CHS/NH tại Saigon alô Xe đã rời Saigon, Út chuẩn bị rời nhà nhé! Chị Quang Tuyết - người lo chuyện xe cộ alô Xe đã qua Suối Tiên, LH đến điểm hẹn đi. Tôi trả lời: Dạ! cô trò LH đang đứng chờ xe ở Amata đây. 
Chặng đi: Saigon - Hàm Tân 
Đúng 6g30 một chiếc xe ca 40 chỗ ngồi ngừng lại với những bàn tay vẫy vẫy trong khi cô trò tôi đang chiếu mắt theo những chiếc xe 15 chỗ ngồi - vì theo kế hoạch đoàn sẽ đi 2 xe du lịch loại ấy. Có lẽ thấy chúng tôi ngơ ngác nên anh Trị bước xuống xe, cô Giáng Hương kêu lên xe đón chúng ta đó. Thế ư? Rồi cô trò vội vã cùng nhau lên xe. 
Người trên xe khá đông. Băng ghế trước là thầy cô Lê Hữu Thăng rồi đến nhóm phụ nữ. Tôi nhận ra những khuôn mặt quen thuộc như chị Lê, chị Thuý An, chị Nguyên và các chị: Sâm, Liên Hoa, Nghĩa, Bích, Kim Chi, Mỹ Liên, Quang Tuyết,… Thầy Lý Văn Nghiên từ Huế vào và anh VK Ngô Ngọc Hồng nhập cùng đám nam sinh Old Nguyễn Hoàng ngồi những dãy ghế sau, băng cuối xe còn để trống. Tôi vừa cười vừa gật đầu chào thầy cô cùng các anh chị rồi vào chỗ ngồi. Tiếng đàn guitar vang lên, quản trò bắt nhịp và chúng tôi hát vang những bài ca sinh hoạt tập thể của một thuở học trò. Sau đó cùng nhau tập hát lại bài “Nguyễn Hoàng thân thương” để lát nữa đồng ca chúc tụng Thầy.
 
Xe tạm dừng 15 phút ở một điểm bán trái cây và giải khát khá lớn của thị xã Long Khánh để mọi người “hát karaoke theo yêu cầu”. Một old NH đến gặp tôi, anh ấy hỏi tôi về những người bạn học cũ cùng làng quê với tôi. Những người ấy tôi có nghe tên, có người còn bà con với tôi nữa đấy nhưng nói thật, tôi rời làng từ thuở còn học lớp ba nên chẳng biết mặt mũi họ như thế nào đâu. Rồi xe tiếp tục lăn bánh, để thay đổi không khí anh Trị và anh Nguyễn Đặng Mừng thay nhau cầm micro phỏng vấn mọi người trong khi anh Trần Văn Hảo - phóng viên nhiếp ảnh của NH/Saigon - luôn bấm máy kịp lúc để tóm nụ cười của người bị phỏng vấn. Dĩ nhiên là đám phụ nữ bị chiếu tướng trước nhưng rồi mấy ông cũng không tránh khỏi. Những câu hỏi hóc búa, ngộ nghĩnh làm ai nấy bật cười. Tôi cũng bị phỏng vấn về “bí quyết” viết ký và dân ca. Và tôi cũng thật thà thưa rằng LH nghĩ chi viết nấy, câu chữ từ tim óc mà ra chứ chẳng đi tìm mô xa cả. Xa quê, nhớ quê thì viết cho đỡ nhớ. Thế thôi. Còn dân ca Quảng Trị ư? LH biết chi mà sưu tầm? Mạ kể răng thì LH ghi rứa mà thôi. Thế mà anh Mừng vẫn không tha “Út hãy giải thích câu hò Chàng về chàng đục vô oi. Ơi làng ơi xóm tới coi chàng về nghĩa là răng?”. Cả xe cười ồ. Thật là ác, tôi bối rối nhưng rồi chợt nhớ ra mình có viết câu đó đâu, hình như ai đó… vội chụp liền: Dạ thưa! LH không viết rứa. Câu hò nớ anh Trạch hay anh Mừng viết thì có. Mừng gật gù Ừ ừ! Hình như anh Trạch viết nhưng rồi vẫn chưa tha “Còn Út viết răng?”. Tôi tỉnh bơ trả lời: LH viết Chàng về thiếp một theo mây. Con thơ để lại chốn nầy ai nuôi? làm anh M hết bắt bí. Thật ra câu hò ấy tôi đã ghi lại theo lối cải biên “Chàng về thiếp một theo mây. Con thơ có khóc lấy cây mà quào” kia, nhưng dại gì mà nói ra lỡ ông MC ác tăng ni bắt bẻ “Vì răng lấy cây quào con nít?” thì ngọng mất thôi.
Phải công nhận anh Mừng là tay MC có những câu hỏi duyên dáng và đáo để. Ấn tượng nhất là lúc Mừng phỏng vấn chị Lê rằng xinh đẹp như chị, anh nhà lại mất sớm mà chị nỡ để… lãng phí của trời cho bao năm qua. Vậy những lúc cảm thấy sắp… yếu lòng, chị làm thế nào để vượt qua? Cầu nguyện hay… nghiến răng lại? Trời! Cả xe không nén nỗi tràng cười khi M vừa dứt lời nhưng Người đẹp Đông Hà một thuở cũng không kém. Chị đáp gọn hơ: Nghiến răng lại. Thêm một trận cười. Cả thầy cô Lê Hữu Thăng cũng bị lũ học trò tai quái kéo vào cuộc. Đến lượt MC Trị dành micro. Câu hỏi đặt ra với thầy quả là oái ăm khi cô Diệp Kim Liên - vợ Thầy - ngồi ngay bên cạnh. Hỏi: Thầy thích thứ gì nhất? Ai đó xen vào: Câu nầy phải để cô Liên trả lời. Cô Liên chưa kịp trả lời thì thầy đã lên tiếng: Xin thưa! Tui cũng là người trần mắt thịt chứ không phải thánh nên ai thích chi thì tui thích nấy. Ngọng? Không! Chưa ngọng. MC hỏi tiếp: Xin thầy bật mí về người tình đầu tiên của mình. Lần nầy thì thầy im thin thít. Cả xe cũng lặng đi. MC lại quăng một trái pháo: Hình như cô Giáng Hương là “người yêu đầu lòng” của thầy thì phải? Mọi người lại ồ lên. Tôi thật bất ngờ và cũng mắc cười. Bất ngờ vì MC lại có câu hỏi táo bạo đến thế khi cô Liên ngồi cạnh thầy. Thật là … thứ ba học trò - dù là “học trò tra”. Mắc cười vì khi thầy Thăng tuổi vào yêu thì cô Giáng Hương mới oe oe…Thế làm sao mà... MC yêu cầu thầy trả lời, thầy vẫn im re. Tôi thì thầm “Oan cho thầy quá!”. Đến nước ấy MC giương cung về phía cô giáo dạy tiếng Anh năm lớp 10 của tôi “Có phải thế không? Xin mời cô Giáng Hương trả lời”. Ai dè cô đáp tỉnh queo “Y…e…s!” Tiếng yes kéo dài của cô lẫn trong tràng cười sảng khoái của mọi người đã gỡ cho thầy Thăng thoát khỏi đòn tấn công khó đỡ của tay học trò ngỗ ngáo.
Thế là thầy Thăng đứng lên thay đổi không khí bằng cách đố những mối tình học trò thời xa xưa ấy. Đố vui có thưởng, móc ví chung tiền mặt ngay tại chỗ đấy. Nghe đâu thuở ấy đã có những anh chị mới lớp 8, lớp 9 đã ríu rít dẫn nhau rời trường đi lập tổ uyên ương. Thật là đáng mặt tiền bối chứ thuở chúng em hổng dám đâu. Học đến lớp 12 rồi mà trai gái chi cũng cứ mi mi tau tau hết trọi hà. Đang cao hứng vì trò chơi thì xe thắng gấp, thầy té bật ngữa làm chúng tôi hoảng vía, may mà không can chi chứ không thì… Thế là anh Mừng móc ví ra thế chân thầy đố tiếp, câu đố luân chuyển lắm đề tài nhưng Mừng ra thêm điều kiện: Ai trả lời đúng thì nhận thưởng còn nói sai bị phạt gấp đôi. Trò chơi trở nên hào hứng nên nhiều anh chị cùng tham gia ra câu đố - trong đó câu đố của các anh Nguyễn Đặng Kỳ, anh Phùng, anh Thái Hoà là khó giải nhất. Rồi câu đố lại quay về tên những con đường của Quảng Trị xưa. Lần theo ký ức gợi nhớ về một thành phố nhỏ hiền hoà bên dòng sông Thạch Hãn: con đường tên gì dẫn đến trường Nguyễn Hoàng? Con đường trước mặt nhà thầy Hiệu Trưởng là đường gì? Con đường từ hãng cà rem Thanh Long của nhà thầy cô Thăng Liên chạy qua cống đúc vào làng Thạch Hãn tên gì? Con đường đất bên hông Ty Cảnh Sát? Con đường song song với đường ven bờ hồ? Con đường ra cánh đồng Mai Lĩnh? Con đường ngang qua Ty Thanh Niên? Con đường về Sãi? … Ôi! Cả một bầu trời yêu thương của Quảng Trị xưa chấp chới trước mắt. Kể cả những con đường vô danh được gọi theo giới bình dân như xóm Heo, xóm Chuối bỗng chốc kéo nhau về trong tâm trí thầy trò chúng tôi, thân thiết đến lạ lùng
Nhà hàng Hợp Phố:
Đúng 10 giờ sáng, xe giảm tốc độ rồi dừng lại trước nhà hàng Hợp Phố thuộc thôn Đông Hoà, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Chúng tôi vội rời xe, ban tổ chức ra tận cổng chào đón, những cái xiết tay, những tiếng chào ân cần trong nụ cười rạng rỡ. Tôi đáp lời thăm hỏi của anh Trương Tuyến - trưởng ban tổ chức và các anh chị đồng môn khác rồi bước vào sân. Bên hàng hiên, anh Nguyễn Lam đang ngồi, trước mặt anh là những cuốn nội san của Nguyễn Hoàng. Thấy tôi bước đến, anh chỉ chỉ vào chồng sách rồi lấy cặp kiếng tuổi ra khỏi mắt vừa lau vừa vui cười thăm hỏi. Chúng tôi mới kịp trao đổi vài câu thì thầy Lê Văn Quýt bước ra, tôi và cô Giáng Hương vội đến chào thầy. Vừa gặp mặt, thầy đã hỏi thăm sức khoẻ mẹ tôi rồi nhìn quanh: Vĩnh Phước đâu? Vĩnh Phước đâu? Làm tôi thật sự cảm động. Tôi thưa với thầy là hôm nay em gái tôi bận chuyện quan trọng của gia đình nên không thể đến chúc mừng thầy được, rồi tôi trao quà mừng của Bs Giảng - một CHS/NH tại Biên Hoà - vì anh Giảng cũng không ra được. Bằng giọng cảm động, thầy nói lời cảm ơn cô Giáng Hương từ nơi xa xôi đã tìm về và cùng cô trò tôi chụp ảnh; rồi quý thầy cô và các anh chị khác cùng kéo đến và thế là Thầy trở thành người mẫu liên tục. Những ánh đèn flash nháy lên, tôi thấy trong mắt thầy ánh lên những nét hân hoan, hạnh phúc. 
Buổi lễ bắt đầu, Ban tổ chức mời quý thầy cô vào bàn danh dự còn học trò chúng tôi gồm nhiều thế hệ ngồi xúm xít bên nhau. Một sân khấu đầy hoa tươi do nhóm nữ CHS/NH Saigon mang về bày vội lên sân khấu để trang trí trông thật vui mắt. Hôm nay các anh chị của NH/Hàm Tân trong ban tổ chức y trang chỉnh tề, trang trọng. Họ tất bật làm nhiệm vụ với nụ cười trên môi, anh Lê Cảnh Phụng trong vai MC mời thầy lên sân khấu. Thầy bước ra trong bộ quốc phục bằng gấm đỏ điểm xuyết hình chữ thọ. Từ trước đến nay, tôi chỉ quen nhìn thầy trong bộ veston hay sơ mi trắng tay dài - rất Tây. Nay bỗng thấy thầy mặc áo dài, đầu đội khăn đóng chân đi hài đỏ, dáng dấp như một tiên ông làm tôi vừa ngỡ ngàng vừa xúc động. Những tràng pháo tay mừng Thầy vang lên rộn rã.
Phút xúc động trôi qua, ban tổ chức bắt đầu chương trình buổi lễ mừng ngày Thầy bước vào tuổi chín mươi. Thầy ngồi đó, bên cạnh là hai đứa cháu nhỏ mặc áo dài màu xanh như hai chú tiểu đồng làm tôi chợt nhớ đến giấc mơ tiên cảnh của thầy trong một bài viết mới.
Tôi lắng nghe, lắng nghe… Những lời tôn vinh chân thành, những lời chúc thiết tha dành cho thầy. Những bó hoa, những bức thư pháp, những quà tặng … đầy ắp tấm chân tình quý kính từ bàn tay học trò, đồng nghiệp trao tặng và từ những người Nguyễn Hoàng khắp nơi gởi về - dù đã từng học với thầy hay không. Cảm động nhất là khi thầy Lê Hữu Thăng - người học trò thế hệ đầu tiên và cũng là đồng nghiệp của thầy - chúc mừng. Hình ảnh hai người già tóc bạc ôm nhau trên sân khấu khiến lòng tôi rưng rưng. Xin nói thêm là ý tưởng tổ chức mừng ngày thầy Lê Văn Quýt bước vào tuổi cửu tuần bắt nguồn từ thầy Lê Hữu Thăng. Không chỉ đưa ra ý tưởng, thầy Thăng còn nỗ lực trong việc kết nối và giúp NH/Hàm Tân tổ chức. Ngoài việc tài trợ, thầy Thăng còn là người khởi xướng việc tập hợp bài và in tập thơ chúc thọ khiến thầy Lê Văn Quýt sung sướng lẫn cảm động - đó là một món quà quý giá mà mấy ai có được.
 
Chương trình tao đàn chúc thọ Thầy ngắn gọn mà ấm cúng, cô trò tôi cũng được góp mặt. Năm 1973, có một cô gái Huế rời trường ĐHSP-Huế về nhận nhiệm sở tại Nguyễn Hoàng (Non Nước) - đó chính là cô Giáng Hương. Khi cô về trường thì một số thầy cô cũ đã chuyển đi nơi khác - trong đó có thầy Lê Văn Quýt. Thời gian cô đứng trên bục giảng của Nguyễn Hoàng cũng không lâu vì sau ngày 30/4/75 cô đã điều chuyển lên dạy ở Pleiku. Thế mà sau nầy, đọc những tờ nội san của trường và qua lời kể lại của học trò, cô đã mến thương gắn bó với Nguyễn Hoàng không thua gì chúng tôi. Đặc biệt, cô rất kính quý và khâm phục bầu nhiệt huyết dành cho trường xưa trò cũ của thầy Lê Văn Quýt. Vì thế, từ nơi cao nguyên xa xôi, cô đã sắp xếp thời gian để về mừng thượng thọ vị thầy cao niên nhất của Nguyễn Hoàng mà cô đã xem như người thầy của mình.
Trong “Hội tao đàn”, tôi là người chúc thọ thầy sau cùng vì tôi thuộc lớp học trò nhỏ nhất của diễn đàn. Trong không khí trang nghiêm mà ấm cúng ấy,  tôi đã bước đến, ghé vào tai thầy để nói lời chúc mừng, sau đó tôi đọc khổ thơ cuối bài thơ “Thầy tôi” gồm những lời chúc tụng. Còn niềm mong ước tôi gởi gắm vào hai câu kết: 
Mười năm sau nữa ngày nầy
Hẹn nhau về lại mừng Thầy bách niên.
 
Thầy ngồi đó, mắt long lanh hạnh phúc. Học trò từng đoàn nối nhau đến bên thầy chúc tụng. Hạnh phúc quá! Hạnh phúc quá! Cả một trời hoa và người cứ lẫn vào nhau. Thật là Rợp trời Hợp Phố hoa cười bên hoa. 
Lời đáp từ của Thầy cũng thật xúc động và sâu lắng. Riêng tôi, ngày trước tôi chưa được học với thầy giờ nào, nhưng sau nầy mỗi khi nghe hay đọc những bài viết của thầy, tôi cứ thấy như đó là một bài giảng vậy. Bài giảng ấy không chỉ có giá trị văn chương mà còn mang tính giáo dục cao cho những học sinh “đã lớn” như chúng tôi. Đặc biệt, trong mỗi ngôn từ ấy đều thấp thoáng hai chữ Nguyễn Hoàng với ngọn lửa tâm lan toả làm ấm lòng cả 24 thế hệ học trò xưa. Và hôm nay, nơi đây cũng đủ mặt các thế hệ Nguyễn Hoàng về chúc mừng Thầy. Mặt người nào cũng toát lên một niềm vui rạng rỡ, thân ái như bài ca chị Võ Thị Quỳnh vỗ tay hát khi chúc mừng Thầy. Tôi còn nhớ những ca từ đơn sơ đầy thương mến ấy nói về một tình thân quấn quýt, trong đó mọi người quây quần thương yêu lẫn nhau vì người phía bên phải tôi là người tôi thương, người bên trái tôi là người thương tôi… Cứ thế tiếp nối không bao giờ ngừng.
Phần văn nghệ giúp vui trong tiệc liên hoan thật phong phú. Các anh chị ấy đã hát hết mình tạo nên một không khí sôi động cuốn hút mọi người cùng tham gia. Với Đường xưa lối cũ, thầy Lý Văn Nghiên vẫn hát lại ca khúc vang bóng một thời của Quảng Trị xưa nghe tràn đầy xúc cảm; Lê Văn Mượn vẫn câu Hò ơi hò! Hò ơi hò! Ai qua thôn vắng… nghe hào hùng mà gợi nhớ quê xưa, Đặng Mừng thì đi tìm lại Bóng mát một thời, v.v.... Bên cạnh đó ban tổ chức đã chọn những món ăn ngon và hợp khẩu vị góp phần tạo sự hứng thú trong buổi tiệc. Ai cũng sợ thầy mệt vì tuổi cao sức yếu mà suốt buổi sáng không chút nghỉ ngơi. Ai ngờ thầy không chịu ăn mà cứ cầm ly đi chúc hết bàn nầy đến bàn nọ. Khi thầy trở lại bàn tiệc, tôi nói thầy ăn chút gì đi nhưng thầy cười móm mém trả lời rằng thầy no rồi, chừ có chết cũng thoả. Ôi Thầy ơi! Chúng con không muốn thế đâu. Chúng con mong thầy sống vui, sống khoẻ để mười năm sau nữa thầy Thăng lại kéo chúng con về mừng thầy bách niên mà.
Xứ biển Cam Bình
Theo chương trình của NH/Saigon, chiều ngày 01/01/2011 chúng tôi về  Cam Bình để nghỉ ngơi và sinh hoạt tập thể tại khu nghỉ dưỡng của anh Lê Núng - cũng là một cựu học sinh của trường. Khu nhà nghỉ thiết kế khá đẹp và gần bờ biển. Sau khi nhận phòng, cô trò tôi phải thay nhau làm nhiệm vụ. Các bạn biết nhiệm vụ gì không? Đưa tin đấy!
Mấy ngày trước, nghe cô trò tôi chuẩn bị đi Hàm Tân dự lễ mừng thượng thọ thầy Lê Văn Quýt đã có lắm bạn bè “đòi” phải tường thuật tại chỗ. Nhưng trong buổi lễ chúng tôi không thể tường trình nên cứ để phone ọ i è, cả tin nhắn cũng không có thời gian trả lời, tha hồ cho các vị ấy ấm ức. Bởi vậy, về đến nhà nghỉ, sau khi thay đổi xiêm y là cô trò tôi phải làm cái nhiệm vụ quan trọng đầu tiên ấy kẻo sợ bị tẩy chay (!). Cũng may là tôi đang ở cùng cô giáo nên chúng bạn đỡ “tra khảo”. Mỗi khi cần sự trợ giúp tôi đều lôi cô giáo vào cuộc, thôi thì con đường điện đàm cứ dài từ Saigon ra Quảng Trị. Những tiếng cười giòn giã của đám bạn học cũ cùng cô giáo thay cho lời chúc đầu năm vui ơi là vui!
Buổi chiều, cô trò tôi nhập đoàn cùng ra biển. Trong bộ áo quần ngắn với chiếc mũ lưỡi trai đội ngược ra phía sau, trông anh Trị và chị Quang Tuyết cứ như là hai đứa học trò tiểu học tung tăng bên nhau. Tôi nói lên ý nghĩ của mình làm anh Văn Kế Thế hỏi “Còn anh thì sao?”. Tôi vui vẻ đáp trông anh giống cậu học trò lớp 10. Chị QT bật cười bảo còn cô Giáng Hương là cô giáo mầm non. Ha ha… thế có nghĩa tôi là “bé lên ba bé vô mẫu giáo”, là con bé lau mũi chưa sạch và hay khóc nhè (!).  Hèn chi hôm trước có người đòi rắc kẹo từ làng Lam Thuỷ ra tỉnh để tôi cứ chạy theo lượm kẹo quên cả đường về. Là lá la…
Biển chiều thật đẹp, trời nước một màu như lẫn vào nhau với ráng hồng xa xa. Sóng bạc đầu nhấp nhô trong làn gió nhẹ nhưng bờ biển đầy thuyền thúng còn tanh nồng mùi cá của ngư dân nên không ai dám tắm. Thầy trò chúng tôi chỉ dạo mát ngắm bóng chiều và chụp ảnh. Giữa bao la biển trời con người như bé lại. Mấy chị nghịch ngợm kéo nhau vào thuyền thúng ngồi chụp ảnh. Tôi cũng chụp cho anh M một tấm ảnh đóng vai chàng Vọi bên chiếc thuyền thúng.
Khi rặng dương liễu xa xa chìm dần vào màn tối chúng tôi mới rời bãi biển để đi ăn tối. Lần đầu tiên tôi ngắm phố biển Lagi trong ánh đèn màu nhấp nháy. Bữa cơm rất ngon vì phải chờ lâu nên ai cũng đói bụng như chưa bao giờ đói. Khi trở về nhà nghỉ đoàn lại sinh hoạt văn nghệ hát cho nhau nghe. Anh Hào chở tới cả dàn Karaoke, các chị bày bánh kẹo và thức nhắm đầy bàn. Đặc biệt chị Lương - một CHS/NH ở Cam Bình đã mang đến một thau bánh bột lọc tự tay chị làm đúng điệu Quảng Trị để đãi thầy cô và đồng môn. Thật là cảm động!
Người nào hát cũng hay, cả cô Liên - phu nhân của thầy Thăng cũng hào hứng hát trọn bài “Ai lên xứ hoa đào” được máy chấm 99 điểm. Hết karaoke lại guitar thùng. Những giai điệu trữ tình của một thời vang bóng nối tiếp nhau thành liên khúc được bắt nhịp từ thầy Lý Văn Nghiên. Chúng tôi hát theo say sưa trong đêm trăng mờ nguyệt tận. Trời càng khuya, tình thân ái Nguyễn Hoàng càng thêm chứa chan, gắn bó để rồi lời ca ấy đã theo tôi vào giấc ngủ và đưa tôi về một vùng quê có vầng trăng nghiêng soi mái tóc em thơ của độ nào.
Sáng hôm sau tôi thức dậy sớm bách bộ quanh sân. Các chị Nghĩa, Bích rủ tôi đi chợ phố biển mua hải sản tươi mang về nhưng tôi lười biếng nên không đi. Cô trò tôi chỉ đi bộ một quãng kiếm chỗ ăn sáng, ngắm cảnh điền viên rồi quay về. Đúng 9 giờ mọi người tập trung lên xe để rời xứ biển.
Chặng về: Cam Bình - Saigon:
 
Đường về của đoàn cũng vui không kém. Có thể nói là thêm phần phá phách của các siêu quậy nữa vì qua thời gian gần gũi, mọi người thân nhau hơn nên cũng bớt e dè. Trong chuyến về, để tạo không khí vui nhộn cho mọi người quên chặng đường dài. Cặp bài trùng Mỹ Liên - Quang Tuyết luân phiên làm hoạt náo viên. Đặc biệt là Mỹ Liên với mấy “tiểu phẩm” tuyên bố có thực 100% được chị kể lại tưng tửng bằng chất giọng rặc Quảng Trị đã tạo nên những tràng cười sảng khoái. Ngoài ra còn có anh Dương Tường và chị Kim Chung cũng góp phần bốc hàng chục thang thuốc bỗ cho mọi người dùng. Chính cái không khí ấy đã làm tôi “vuột” khỏi mình lúc nào không hay. Tôi đã dám nhắc chị QT câu trả lời của cô bé lém lỉnh khi được hỏi “Cô kia, cô kỉa, cô kìa”. Khiếp thật!
Trưa. Xe ngừng lại ở nhà hàng Thành Đạt (Xuân Lộc) theo sự hướng dẫn của anh Võ Văn Phúc -  thổ địa bản xứ. Khi vừa xuống xe tôi đã thấy các anh Phúc, Giáo, Thái, Giã - CHS/NH Đồng Nai tại Xuân Lộc chào đón. Bữa cơm được các anh chọn món đặt trước thật là ngon miệng. Sau bữa ăn, thầy trò chúng tôi lại có một chương trình văn nghệ bỏ túi thật ấn tượng. Ai cũng hát hết mình, nhất là khi thầy Nghiên bắt nhịp bài Ly Rượu Mừng. Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi… Bài hát làm tôi nhớ đến dàn đồng ca của trường Nguyễn Hoàng chào xuân 38 năm trước nơi Gió cát xứ người. Các bạn xưa của tôi ơi! 38 năm sau, cũng vào thời điểm ấy tôi hát lại bài hát nầy cũng bằng tất cả sự say mê và tôi không ngờ mình còn thuộc lời bài ca đến thế. Phải chăng trong mỗi góc tâm hồn của chúng ta luôn ẩn náu những kỷ niệm khó quên, chỉ cần khơi nguồn là mạch tuôn lai láng, bạn nhỉ?
Khung cảnh nhà hàng Thành Đạt cũng khá đẹp mắt. Thế là chúng tôi lại tha hồ mà chụp ảnh. Tôi tinh quái bấm một “pô” khi thấy anh chị Phùng Nguyên ngồi bên hiên, sau lưng là chồng bánh tráng. Có ai đó la lên Chụp chi lạ rứa? Tôi chưa kịp trả lời đã có người khác lên tiếng Thì mất sạch sành sanh rồi nên chừ phải bán bánh tráng dạo thôi. Câu nói đùa nhắc lại chuyện tối qua vợ chồng chị Nguyên đi thăm bạn ở Lagi bị bọn xấu giật mất xách tay, trong đó là cả một gia tài nho nhỏ. Câu nói ấy không làm anh chị chạnh lòng mà trái lại, chị Nguyên cười rất tươi. Tôi bảo người mất của mà mặt mày tươi rói, chứng tỏ anh chị còn nhiều… lắm. Chị cười: Của đi thay người mà em. Các bạn thấy tuyệt chưa? Ừ! Thì của đã mất rồi, buồn cũng mất rồi. Cứ vui đi cho đời bớt khổ. Hay!
 
Chia tay nhóm old NHĐN tại Xuân Lộc, xe lại tiếp tục lên đường để trả người về nơi xuất phát. Amata là điểm đón cuối cùng trong chuyến đi và là nơi trả người đầu tiên trong chuyến về. Tôi bịn rịn chia tay mọi người, những ánh mắt, những cái xiết tay đầy tình thân ái. Chị Thuý An dặn dò LH nhớ viết lại chuyến đi nầy nhé. Dạ! LH sẽ viết, sẽ viết. Cô Giáng Hương theo đoàn về Saigon để chiều bay trở lại cao nguyên. Tôi bước xuống xe giữa nắng chiều xứ Bưởi. Những bàn tay vẫy vẫy xa dần.
Xin tạm biệt quý thầy cô và các anh chị đồng môn thân ái. Xin tạm biệt chuyến xe đầy tiếng cười hai ngày qua.
Xin chào và mong sẽ còn những chuyến đi đầy ý nghĩa và niềm vui như thế để chúng ta còn cho nhau những thoáng hạnh phúc bên đời.

Biên Hoà, những ngày đầu năm 2011
Nguyễn Thị Liên Hưng
(CHS/NH 1969 -1975)

CÓ NHỮNG GIÒNG SÔNG
Nguyễn Thị Liên Hưng
Quân bất kiến
Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi
(Tương tiến tửu – Lý Bạch)
Lời người xưa như mãi còn vang vọng, dòng chảy của mỗi con sông cũng như dòng đời của mỗi con người ở chốn nhân gian nầy có bao giờ trở lại? Có còn chăng là những dư âm lưu dấu ngọt bùi. Dòng sông nào cũng khởi thuỷ từ nguồn rồi qua bao thác ghềnh, sông rạch để cuối cùng đổ ra biển cả, bởi thế mới có câu trăm sông về biển. Còn con người thì phải có cha mẹ, tổ tiên; có quê hương đất nước: đó chính gốc gác cội nguồn. Có ai đó đã nói rằng quê hương không phải là nơi ta sống lâu nhất, nhưng ký ức về quê hương thì cứ sâu thẳm, nhất là khi ta trở thành người ly hương, dù sang hay hèn, giàu hay khó, lòng ta cứ vẫn khắc khoải hoài vọng cố hương. Buồn thay cho những ai đã quên rồi nguồn cội quê hương, không có một dòng sông đan nỗi nhớ để ước mơ một thuở quay về…
Dòng sông nơi tôi sinh ra và trải qua những tháng năm thơ ấu mang tên Vĩnh Định. Thuở ấy ba tôi thường nhắc chuyện con sông nầy được đào từ thời nhà Nguyễn, cùng với kênh đào Vĩnh Tế ở miền nam nên có cùng họ Vĩnh.

Sông Vĩnh Định (nhìn từ cầu làng Lam Thuỷ, xã Hải Vĩnh)
Con sông nhỏ hiền hoà nước trong văn vắt vang nhịp gõ dân chài vào mỗi chiều hôm như giấc mơ êm đềm cứ ở mãi trong tôi, dù qua bao năm tháng nhọc nhằn cuộc sống cũng không thể phai mờ; dù khi rời xa bến nước ngày xưa tôi còn quá ư thơ bé.
Dòng sông không rộng nên những người quen đi hai bên bờ vẫn nhận ra nhau và có thể nói chuyện với nhau í ới. Có những chiều hè tôi theo ba tôi đi tắm sông, hai cha con thả cái thùng thiếc mỏng nổi lềnh bềnh rồi vừa hì hụp tắm vừa rà tay dọc theo bờ sông mò hến. Khi nhặt được con nào là thả vào thùng, thú vị làm sao khi mò trúng những con ốc để trong chén canh hến chiều hôm ấy tôi có thể cắn cắn mút mút vào những cái vỏ ốc đăng đắng một cách thú vị. Đã nhiều lần tập bơi nhưng lần nào tôi cũng bị uống nước, do đó khi tắm sông tôi chỉ tung tẩy trong bờ và thèm thuồng nhìn những đứa trẻ khác đạp chân, sải tay bơi ra xa. Có những thằng con trai thi nhau bơi qua bờ bên kia rồi leo lên ngồi trên những cây sung rủ bóng cười nói râm ran… Sáng sáng, chị tôi ra sông gánh nước tôi lại lúp xúp chạy theo chơi, cứ mỗi lần tôi ra khỏi ngõ là con Vàng lót tót chạy theo. Đến nơi, “hai đứa” ngồi chồm hỗm trên bến, dưới gốc cây phượng vỹ nhìn chị xắn quần lên khỏi đầu gối, lội ra xa cho đến khi làn nước mát che đôi bắp chân tròn lẳn chị mới quăng một đầu gióng ra xa, cánh tay điệu nghệ khẻ khàng chao qua chao lại rồi mới vục xuống cho nước tràn vào đầy thùng và nhẹ nhàng kéo thùng nước đầy vào, rồi trở đầu gióng quăng tiếp thùng kia ra... Khi đã lấy được hai thùng nước trong mát, chị quảy gánh lên vai, rướn người trèo lên các bậc tam cấp trơn trợt của bến nước rồi vung vẩy đôi tay mềm mại gánh nước về nhà.
Thuở đó tuy còn thơ bé nhưng tôi cũng cảm nhận được cái đẹp và nỗi vất vả trong vũ điệu gánh nước của chị. Khoảng đường từ nhà tôi ra bến sông chừng trăm mét, chạy được một quãng chị lại đổi vai, động tác cứ như làm xiếc. Rồi những chiều tôi theo chị ra bến sông giặt giũ, trong khi chị say sưa làm việc thì tôi len lén đến gần mé nước lượm nhánh tre khô khều những mảng lục bình lại gần để hái hoa chơi, có khi may mắn đưa tay bụm được những con tép nhỏ xíu còn nhảy long tong nữa. Tôi cũng thích ngắm động tác “xả” áo quần của chị. Nghĩa là khi đã giặt bằng xà bông xong, chị lội ra chỗ nước sạch liên tục quăng chiếc áo ra xa rồi nhanh tay kéo lại, vò, vắt… quăng ra rồi lại kéo vào...Trong gió chiều mơn man, màu sắc những chiếc bong bóng xà phòng óng ánh, cánh tay chị mềm mại tung những chiếc áo thướt tha trên màn nước lấp loáng ánh tà dương mới đẹp làm sao! Tôi nghĩ Tây Thi giặt lụa bên bến sông xưa cũng đẹp đến thế là cùng.
Với tôi, chị đẹp lắm, mái tóc dài óng mượt thơm mùi chanh, bồ kết luôn kẹp lại gọn gàng. Đôi mắt nhung long lanh của chị phảng phất một nét buồn trên chiếc mũi thẳng tắp, thanh tú là “tài sản gia truyền”. (Gia đình tôi, ai cũng có chiếc mũi đặc biệt như thế - trừ tôi). Làn da chị không trắng mà lại hây hẩy rám hồng, chị rất yêu đời - miệng luôn ca hát. Trai làng theo chị không ít nhưng mẹ tôi quá nghiêm khắc nên họ chỉ dám lấp ló quanh bờ giậu rứt mãi những cọng tơ hồng. Tôi nhớ có lần chị đưa tôi đi cắt tóc “bom bê”, anh chàng chủ quán cứ mãi lén ngó chị nên không nhìn gì đến cái đầu tôi mà cứ để cái “tông đơ” cứ xớt mãi trên tóc. Đến khi nhìn lại thì ôi thôi... tôi chỉ còn nước khóc la bắt đền. Ngày con đò ngang đưa chị sang sông theo chồng về cứ khác, tôi biết không ít trai làng ngậm ngùi ca câu “Nàng đội hoa theo chồng, nước mắt tôi ướt bên bờ sông” khúc lở khúc bồi...
Sau một đêm khói lửa nhà cửa tan hoang, mẹ con tôi đành bỏ quê nội để về ở tạm quê ngoại tại làng Quy Thiện. Những khi không cùng Khê - thằng em cùng tuổi con ông cậu - thi nhau trèo lên những nhánh ổi cao chót vót để dành ăn trái chín thơm lừng đong đưa với lũ chim chúng tôi lại rong chơi khắp xóm. Con sông Giòng nơi quê ngoại hình như hẹp hơn Vĩnh Định Giang nhưng rất sâu và nước xanh leo lẻo. Hai đứa tôi thường ra bến nước trước chùa làng khoát nước đùa nghịch nhưng không dám lội ra xa vì người lớn thường nhắc nhở là bến sông nầy rất “hẳm”. Chỗ khúc quanh con sông cây lá um tùm có chiếc cầu tay vượn bắc qua làng Trâm Lý, tôi chưa dám một lần bước lên đó vì chỉ nhìn đã thấy sợ trong khi thằng em họ cùng tuổi của tôi chạy qua chạy lại mà không cần đến tay vịn, đôi lúc nó còn làm bộ té nhào la hét để dọa tôi. Có lần Khê dẫn tôi ra bến nước trước cồn để tập cho tôi qua cầu, khúc sông ở đây cạn, về mùa hè giữa lòng sông có chỗ phơi bày cát trắng. Khê dẫn tôi lên cầu, bảo tôi tập đi cho quen và nói chị có ngã xuống cũng không sao (ý nói là không sợ chết đuối). Nhưng khi nó vừa buông tay tôi thì chiếc cầu tre kêu lên kẽo kẹt và đưa qua đưa lại như chiếc võng, tôi hoãng hốt nằm rạp xuống ôm lấy thân cầu miệng la ơi ới làm nó cất tiếng cười dòn dã vang vọng cả một khúc sông. Mãi về sau cũng có lần tôi qua được bờ bên kia nhưng phải vừa lần vừa bò, trong khi thằng em họ thì cứ chạy thoăn thoắt như đi trên đất liền vậy.
Dòng Thạch Hãn của một thời hoa đỏ rộng hơn hai con sông tuổi thơ của tôi. Khoảng rộng nhất là bến bồi ở chùa Tỉnh Hội. Những chiều nghỉ học tôi thường cùng chúng bạn xuống đò ngang qua bên kia sông ngoạn cảnh. Bến nước trước chùa Sư Nữ mới tuyệt vời làm sao! Chúng tôi thường ngồi trên thành bến, dưới bóng tre xanh mà nghe tâm hồn thư thái. Trời thì xanh ngắt, đâu đó vài cụm mây trắng bồng bềnh, lãng đãng trôi về nơi vô định, gió thì lồng lộng, làn nước thì trong veo, Chúng tôi tha hồ mà nhìn chim trời sải cánh, nhìn đám lục bình tim tím dập dềnh, nhìn những con đò xuôi ngược và lắng tiếng chuông chùa lay động ánh tà dương âm vang truyền qua sóng nước như thức tỉnh bao hồn mê nơi nhân thế. Có lần thầy Hồ Thế Vĩnh tổ chức cho lớp tôi cắm trại ở bãi thông Nhan Biều. Bên kia sông là phố thị hoa đèn, là ồn ào xe cộ; bên nầy sông là ruộng vườn cây lá, là những hàng thông mơ mộng vi vút bên giòng nước biếc khiến người như lạc bước vào cõi hoang sơ. Rồi những ngày lễ Vu Lan, chúng tôi lại cùng nhau lên chiếc cầu nổi bắc ngang sông để nhìn cảnh phóng sanh, phóng đăng... Ôi! Dòng Thạch Hãn đã có lúc trở thành dòng sông máu lửa để xót xa cho bao người Việt Nam; để buồn thương, hoài vọng cho bao thế hệ học sinh Nguyễn Hoàng một thuở.
Có lần tôi được đến Đông Hà, con sông Hiếu ở đó hình như rộng lớn hơn ba con sông tôi đã gặp thì phải? Và cái cảnh trên chợ dưới thuyền mới tấp nập làm sao! Đến khi vào Huế, tôi lại đứng lặng bên bờ Hương Giang để nghe tiếng gió thì thào về con sông huyền thoại. Làn nước trong vắt soi bóng mấy nhịp Tràng Tiền dẫn lối vào dấu xưa xe ngựa... Đâu đó những thuyền nan xuôi ngược dập dìu vẳng tiếng hò khoan như trôi vào cổ tích.
Sông Hương (nhìn từ Vỹ Dạ)
Rồi những ngày sống tạm bợ trên mảnh đất Quảng Nam, với tôi con sông Hàn thuở đó mới lớn làm sao! Nước không lặng lờ trôi như những dòng chảy tôi đã gặp mà có sóng xao động lòng người. Mỗi lần qua Đà Nẵng chơi, bọn con gái chúng tôi chở nhau bằng xe đạp, cố hết sức để đạp xe lên cầu mệt ngất ngư mà gió lồng lộng chi cho vướng đôi tà áo trắng?
Sau nầy có dịp đi đó đi đây, tôi đã gặp không biết bao nhiêu là sông ngòi lớn nhỏ. Từ những kênh rạch cạn nước sánh bùn của miền Tây Nam phần, qua hai nhánh Vàm Cỏ của sông Hậu - con mẹ cả Cửu Long - một thời chinh chiến. Những sáng ngắm nhìn cảnh mua bán lênh đênh trên chợ Nổi; những tối ra bến Ninh Kiều để nhìn bước chân dập dìu của tài tử giai nhân. Ngày sau lại xuôi giòng Tiền Giang về thăm Cồn Ông Hổ. Rồi những lần theo đò dọc ngược giòng những con sông huyền thoại để vào miệt vườn nếm thử trái chín trên cây và nghe câu hát Lý thương nhau ngọt ngào, thiệt thà như cô em áo bà ba khăn rằn quấn cổ. Lối về Bến Tre - xứ dừa ngọt lịm - mênh mông ngã ba sông sóng vỗ mạn thuyền mà nghe câu vọng cổ Thuyền ra cửa biển. Có những chiều dừng chân bên bến Bắc Cần Thơ để đợi chuyến phà cuối ngày, chợt khúc Dạ cổ hoài lang của cha con người hát rong vẳng đến cho hồn chùng về một nỗi nhớ không tên.
Sông Cửu Long
Rồi những chuyến đi dọc theo Quốc Lộ I để ra Bắc tôi đã qua con sông Bến Hải ly hận một thời. Dòng sông nhỏ bé thế kia, hiền hòa thế kia mà đã phải mang nỗi đau chia cắt đất nước trong mấy mươi năm. Bước tới đèo Ngang bóng xế tà nhớ Bà Huyện Thanh Quan mà ngậm ngùi một mảnh tình riêng ai hay tá? Khi qua phà sông Gianh, đứng giữa cảnh trời nước bao la, bến bờ xa tắp để thấy thân phận con người sao quá ư nhỏ bé mà sao quá ư cay độc, mưu kế hiểm sâu và càng thấm thía mối hận Trịnh - Nguyễn phân tranh cho một thời Nam - Bắc triều nồi da xáo thịt. Đường còn xa, trăng còn cao, những núi những sông âm vang theo từng trang sử. Đây sóng nước Lam Giang còn lưu danh hậu thế, ngang sông Mã chợt nghe gầm lên khúc độc hành trong tâm tưởng. Rồi suối Yến - lối vào chùa Hương - để mơ về một thuở tóc đuôi gà của cô bé tuổi mười lăm. Sông Thương nước chảy đôi giòng, đưa người quen ấy theo chồng thuở xưa ... đã xưa… xưa lắm rồi mà sao nỗi luyến lưu như còn lênh đênh trên sóng nước đến tận bây giờ. Tôi đã đến chiêm ngắm Hồng Hà reo vui đôi bờ sóng vỗ; qua Bạch Đằng Giang sông ơi...anh hùng xưa mà nhớ chiến công cọc nhọn hiển hách của tiền nhân để tìm về ải Chi Lăng mồ chôn xác giặc... Những bản anh hùng ca ấy như lồng lộng mãi với gió núi mây ngàn, vinh danh hồn thiêng sông núi cho lòng tự hào được làm người con dân nước Việt.
Và bây giờ, không biết cuộc đời tôi có dừng lại mãi bên bờ Đồng Nai chở nặng phù sa hai mùa mưa nắng nầy không? Còn nhớ cái thuở vừa gặp dòng sông tôi đã lạ lùng ngơ ngác vì giòng chảy, vì mầu nước ... sao quá đổi xa lạ, sao không giống con sông hiền hòa nơi tôi đã ra đi? Sông Đồng Nai rộng chia hai phố phường huyên náo, những ngày gió lớn lại dậy sóng đôi bờ. Có những chiều nắng quái tôi lại đến ngồi bên bờ sông, lặng lẽ nhìn đám lục bình tím một màu man mác mà gởi hồn về chốn sông xưa. Tôi thường phóng tầm mắt về bờ tít tắp bên kia để tìm một làn khói lam chiều hay một cụm tre già lả ngọn nhưng nào thấy đâu. Ai tìm dùm ta bướm trắng... Ồ! Đã bảo dòng sông không trở lại sao ta cứ mãi mơ hồ? Ôi phù du! Phù du như sợi nắng chiều. Những tia nắng huyễn hoặc, dư âm của ánh tà dương chiếu lất lây qua những làn mây mỏng phất phơ, để rồi trước khi tắt lại bừng lên những gam màu rực rỡ như chẳng cam lòng đi vào bóng tối. Cả một thời tuổi trẻ của tôi đã trôi qua bên bờ sông nầy, hình như dòng sông đã làm chứng cho những thăng trầm bao năm qua của một kiếp người ở trọ. Khi vui, tôi cùng người thân đến đây để ca hát, chuyện trò; khi buồn tôi đến đây để gởi những giọt nước mắt theo giòng. Cả những lúc chán nãn, tuyệt vọng tôi cũng đến đây, ngồi bên gốc si già, ngắm lục bình trôi, ngắm sóng vỗ bờ, ngắm cảnh hoàng hôn hấp hối để suy tư về một kiếp phù sinh.
Thượng nguồn sông Đồng Nai
Ôi những con sông quê hương! Tôi yêu tất cả dù có dòng chở nặng niềm đau; dù có dòng sóng tung nỗi nhớ. Nhưng trong tôi, thanh âm của dòng sông quê xưa cứ hoài vang vọng. Vĩnh Định ơi! Dòng sông ký ức của một thời tuổi thần tiên chắp cánh. Tôi như vẫn thấy bụi tre già lả ngọn treo những tổ chim lững lơ bên bờ sông lộng gió. Tôi như vẫn thấy tàng phượng hồng rực rỡ bên bến sông xưa báo hiệu tàn xuân. Tôi như vẫn thấy dáng trẻ trung của chị tôi uốn mình quăng chiếc áo giặt xuống làn nước làm mảnh trăng vàng vỡ vụn trong những đêm hè. Tôi như vẫn nghe tiếng gõ lóc cóc xua cá của đám dân chài và con đò đưa tôi xa rời tuổi nhỏ, như còn đậu quanh quẩn đâu đây để chở trả tôi về chốn cũ.
Cho dù dòng sông quê xưa có bên bồi bên lở. Cho dù người, cho dù cảnh có đổi thay thì nỗi nhớ dòng sông - nỗi nhớ thời thơ bé - nỗi nhớ quê trong tôi cứ tím mãi như những cánh lục bình trôi dài trên những dòng sông năm tháng.
Vĩnh Định ơi!
NTLH


THẦY CHỦ NHỆM CỦA TÔI
Nguyễn Thị Liên Hưng

LTG- Quảng Trị quê tôi luôn đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo, mỗi chúng ta khi vào đời phần lớn đều qua trường lớp. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư…Không lẽ bao năm làm học trò của bạn không có thầy cô nào để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn sao? Hãy giới thiệu cùng cộng đồng khắp nơi đi bạn nhé. Tôi tin rằng những lời chân thành của những người từng làm học trò một thuở sẽ là những món quà vô giá tặng thầy cô nhân ngày 20/11- Ngày Nhà Giáo Việt Nam – Xin mời bạn hãy cùng tôi bày tỏ niềm tôn kính, thương yêu và cả tiếc nuối đối với một trong những người đưa đò kiến thức của đời mình.
            Xin cảm ơn!


            Trong đời học trò, ai cũng được các thầy cô truyền cho những kiến thức để làm hành trang vào đời. Mỗi một con người sinh ra trên đời, ngoài cha sinh mẹ dưỡng thì người thầy góp phần quan trọng không kém vào tương lai của ta. Bởi thế người xưa xem thầy như cha mẹ và đạo đức đó vẫn vẹn nguyên giá trị cho đến bây giờ.
            Tôi đã trải qua mười hai năm làm học trò phổ thông và gần mười năm học nghiệp vụ. Những thầy cô đã truyền kiến thức văn hoá và cả kiến thức cuộc sống cho tôi, từ người thầy đầu tiên ở làng quê cầm tay tôi tập viết chữ i tờ, cho đến người dạy tôi cách tìm phương án tối ưu cho một dự án khả thi… tôi không bao giờ quên. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là người thầy chủ nhiệm năm cuối cùng của bậc trung học. Có lẽ vì đó là giai đoạn giao thời của đất nước cũng như của bản thân tôi, có lẽ vì thầy là người đã giúp đỡ tôi nhiều trong cơn khốn khó và có lẽ vì tôi chưa kịp tri ân gì thì thầy đã trở về cùng cát bụi.
            Tôi còn nhớ mãi năm học cuối cùng của tuổi học trò, đó là niên khoá 1975-1976 tại trường cấp 3 Hải Lăng - tên mới được đổi lại sau ngày giải phóng của trường Nguyễn Hoàng hồi cư vừa xây xong năm 1974. Ngoài những thầy cô quen thuộc tôi đã theo học mấy năm qua, năm học đó có thêm những thầy cô mới từ bên kia giới tuyến trở về. Chúng tôi không biết rằng trong chiến tranh, bên kia sông mọi người đều mặc chung một màu áo, không phân biệt là quân đội hay thường dân. Bởi thế khi nhìn những thầy cô xuất hiện trong sân trường với màu áo xanh thời chiến ấy, chúng tôi thường gọi là thầy bộ đội hay cô bộ đội một cách vô tội vạ. Lúc đầu chúng tôi còn e ngại nhưng rồi cũng quen dần vì tuổi mới lớn vốn vô tư nên dễ thích nghi. Chúng tôi rất thương thầy cô vì sự thiếu thốn vật chất thể hiện trên chiếc áo sờn vai, trên đôi dép nhựa mòn mỏng dính được ví von là dép cạo râu. Thế nhưng lòng ham muốn truyền tri thức cho thế hệ trẻ thì thời nào những người đứng trên bục giảng cũng giống nhau.
            Tôi còn nhớ thầy Châu dạy sinh vật, thầy bé người nhưng rất nhanh nhẹn với đôi mắt sáng tinh anh, bằng một giọng Bắc sắc sảo thầy giảng về phép tiến hoá loài người của Dac-Uyn một cách say sưa. Thầy Lịch người Nam Định (mà sau nầy tôi mới biết là lớp học trò đầu tiên của thầy Lợi) phụ trách môn Địa với chất giọng nhẹ như bấc, mặc gió cát Hải Lăng da mặt thầy cứ trắng hồng không đứa con gái nào sánh kịp. Thầy Lê Thanh Trí vẫn hướng dẫn chúng tôi giãi những bài toán theo phương pháp nhanh, gọn và dễ nhớ một cách thú vị. Thầy Trần Văn Sung phụ trách môn Lý vẫn là môn dốt đặc cán mai đối với bọn con gái khó tiếp nhận khoa học kỹ thuật như tôi, nhưng chúng tôi không lo vì thầy luôn cầm sẵn cái vợt để vớt điểm, tránh cho chúng tôi khỏi phải thi lại. Có lẽ thầy biết trong mỗi nhà, chuyện điện đóm đàn bà con gái mấy ai mó vào, nếu con gái đều giỏi Lý thì trời sinh con trai ra là thừa và các ông đâu vênh mặt lên được, phải không? Ngoài chuyện vớt điểm, thầy còn thường dẫn học trò đi ăn hàng, có lần cả bọn thi nhau ăn cháo bột Diên Sanh làm thầy vét sạch túi tiền giáo viên vẫn không đủ trả, buộc lòng phải để chiếc đồng hồ yêu quý lại quán … làm tin. Còn thầy chủ nhiệm của lớp 12A năm đó…
Một buổi sáng đầu tuần, một ông thầy mặc áo quần màu xanh bộ đội, chân mang đôi dép cạo râu, mái tóc dày hơi rối như tăng thêm cái dáng đi thong thả, lất phất xuất hiện trước cửa lớp. Học sinh đứng dậy chào, thầy khoát tay mời ngồi xuống và giới thiệu với chất giọng Quảng Trị hơi pha những âm bực miền Bắc Tôi họ Văn, tên là Ngọc Lợi, người Quảng Trị tập kết trở về. Tôi phụ trách môn Văn và là giáo viên chủ nhiệm của các anh chị trong năm học nầy. Thầy chủ nhiệm là quan trọng nhất, mà thầy lại dạy Văn - nhất là đối với lớp Ban Văn như lớp tôi, lại là năm cuối cấp. Có thể nói số phận thi cử của chúng tôi một nửa nằm trong tay thầy, tôi nhìn cái dáng vẻ phất phơ của thầy và hơi lo lo, với ông thầy nầy không biết mình sẽ cảm thụ nền văn học mới như thế nào đây nhỉ?
            Trước ngày 30/4/1975, ngày khai trường là ngày chúng tôi bắt đầu cho một năm học, còn bây giờ chúng tôi tập trung trước hơn nửa tháng để nhận thầy nhận trò, ổn định tổ chức lớp đâu đó xong xuôi rồi mới khai giảng năm học mới. Để chuẩn bị lễ khai trường năm đầu tiên trên quê hương giải phóng, thầy Văn Ngọc Lợi, tổ trưởng bộ môn Văn khối 12 và cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp lệnh cho tôi viết bài phát biểu của học sinh. Điều đó làm tôi lo lắng Thưa Thầy! Em là học sinh chưa tiếp thu nền văn học mới nên không biết viết thế nào cho đúng. Thầy nên giao cho các anh chị ấy viết thì hay hơn ạ. Vừa nói tôi vừa chỉ tay về phía những học sinh mặc áo xanh bộ đội từ bên kia giới tuyến trở về. Nhưng thầy thản nhiên bảo Tôi đã chấm bài văn kiểm tra chất lượng xếp lớp của em, tôi biết em viết được. Cứ viết những gì em nghĩ, tôi sẽ xem lại và chỉnh sửa nếu có gì không ổn. Ôi lệnh thầy bên ta đã ban ra thì học trò bên mình làm sao dám cãi. (Thuở ấy, chúng tôi thường dùng chữ bên ta, bên mình để gọi đùa thầy cô và học trò từ hai miền Nam-Bắc mới nhập lại). Thế là tôi đành phải viết và viết đúng theo cảm nghĩ của mình như thầy bảo. Tôi viết cảm nghĩ của một học sinh về một đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, đau thương tang tóc vẫn còn đó nhưng trên những nẻo đường đất nước đã sạch bóng ngoại bang, đêm đêm tiếng súng không còn làm giật mình giấc ngủ trẻ thơ. Cánh chim hoà bình đã trở lại trên bầu trời xanh thay cho tiếng máy bay gầm rú gieo tang tóc một thuở. Tôi viết về niềm sung sướng, tự hào được làm học sinh, được làm người dân của một đất nước độc lập, thống nhất. Lòng tri ân đối với tiền nhân và những người đã đổ máu cho mảnh đất nầy. Tôi viết về những lời hứa thiết thực của lứa tuổi học sinh, về những việc làm nhỏ trong năm học mới hầu góp tay xây dựng quê hương ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như di chúc của Bác Hồ kính yêu để lại. Viết xong tôi nộp liền cho thầy với cảm giác thoát nợ, ai dè ngày hôm sau thầy đưa bài viết lại cho tôi, chẳng chỉnh sửa gì và bảo tôi tập đọc trước cho lưu loát.  Nghe thế tôi hoảng hồn lắp bắp Thầy…Thầy bảo em viết chứ có bắt em đọc đâu. Thầy vẫn tỉnh bơ Ai viết thì người đó đọc mới có hồn. Tôi nhăn nhó Thưa Thầy! Em nhát lắm, khi em run lên thì hồn em sẽ bay mất nhưng thầy cười Hồn bay thì cố mà níu lại. Nhát thì tập cho hết nhát. Thế nhé! Nói xong, thầy thọc tay vô túi quần phớt tỉnh ăng lê bỏ đi không thèm dòm tôi đứng đó với đôi mắt rưng rưng. (Sau nầy tôi mới biết thái độ phớt tỉnh ấy là thói quen của thầy mỗi khi muốn chấm dứt một cuộc tranh cãi). Thế nhưng ngày hôm sau, chắc thấy tôi tội nghiệp hay sao mà thầy kêu về phòng tập thể giáo viên tập cho tôi cách đọc, thầy bảo xem như tôi đang phát biểu, thầy là cử toạ, hãy nhìn vào mắt cử toạ thì bài phát biểu mới thu hút. Tôi làm theo và thấy tạm ổn, có lẽ nhờ thầy có đôi mắt rất vui, rất bơ đời nên tôi cũng … bơ đời theo. Xong buổi tập dượt đọc diễn văn, thầy bảo Tốt! Ngày mai em cứ thế mà đọc là đạt nhưng tôi lại lo âu Thưa thầy! Ngày mai đâu chỉ có mình thầy, ngày mai cả hội trường đông thế coi chừng em khớp quá rồi quên cho coi. Thầy phẩy tay và bỏ ra ngoài sau khi phán một câu Không sao! Ngày mai em cứ nhìn vào tôi mà phát biểu, hãy xem cả hội trường như là … cỏ rác. Trời đất! Tôi thầm nhủ Không ngờ thầy Việt Cộng mà cũng có người ngông như thế. Mà quả thế thật, lúc đầu nghe mời đại diện học sinh của trường lên phát biểu tôi đã nghe trống ngực mình đánh to hơn hồi trống khai trường, bước chân ra khỏi chỗ ngồi mà đôi chân như muốn ríu lại vì nhìn đâu cũng thấy một màu áo xanh thời chiến. Ngày khai trường đầu tiên của một ngôi trường từng vang danh trên miền đất lửa nên đủ mặt các quan chức từ tỉnh đến huyện về dự, hỏi làm sao một đứa học trò như tôi lại không run? Nhưng khi đã đứng vào vị trí và làm theo lời thầy dặn tôi bỗng bình tỉnh lại, tôi phát biểu mà không cần nhìn vào tờ giấy trên tay, tự tin thoải mái đến không ngờ. Sau lễ khai giảng, tôi được thầy hiệu trưởng gọi lên văn phòng để… khen ngợi.
Thế rồi năm học tiếp tục trong niềm say mê giảng và tiếp thu giữa thầy và trò. Thầy Lợi khi nói chuyện thì bơ đời nhưng khi giảng bài thì tuyệt. Thầy giảng tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố hay đến nổi cứ mỗi lần thầy xuất hiện trước cửa lớp là đám con trai bắt chước thầy dài giọng lào khào run rẩy như cụ Cố “T…à…o…đ…â…y”, làm thầy bật cười và cả lớp cùng cười. Rồi từ các bài giảng của thầy, mỗi đứa trong lớp đều tự nhận cho mình một nhân vật, đứa thì làm mụ Nghị Quế để cứ thấy mặt là lên giọng chanh chua, đay nghiến Bà đã đếm rồi đấy nhé…Mất miếng nào là ch…ế…t với bà; Đứa thì đòi làm ông có cái đức là không thèm biết chữ và luôn miệng Đồng hồ Tây có sai bao giờ khi có bạn hỏi giờ vv…nhưng vai chị Dậu thì chẳng đứa nào chịu nhận, vì ai dại gì muốn đàn con mình đói vàng cả mắt để rồi phải chạy vào trời tối đen như mực? Thầy giảng bài có hồn đến nổi nó ăn sâu vào trí óc tôi mà mấy mươi năm thăng trầm cuộc sống vẫn không phai mờ, cho đến bây giờ tôi vẫn không thể có cảm tình với những người có bàn tay múp míp trơn tuột dù chưa biết họ tốt, xấu thế nào. Hoặc mỗi lần gặp các vị quan chức có khuôn mặt bè bè là tôi lại nghĩ ngay đến từ phèn phẹt và liên tưởng đến ba chữ quan phụ mẫu. Tôi mê nhất là tủ sách của thầy, đó là những cuốn sách văn học nổi tiếng trong và ngoài nước. Những cuốn sách quý mà lúc đó dù có tiền cũng không biết mua ở đâu chứ đừng nói gì đám học trò túi rỗng như tôi. Hình như thầy đọc được niềm ham muốn trong mắt cô học trò nhỏ nên đã cho tôi mượn nhiều sách để đọc và nghiên cứu thêm trong suốt năm học, kể cả những cuốn kinh điển như Người Mẹ, Thép đã tôi thế đấy…Tôi đã say mê những cuốn sách ấy và chợt hiểu ra rằng văn chương của những bậc thầy muôn đời vẫn đi vào lòng người, giá trị đích thực của văn chương vượt lên trên chính kiến - điều mà tôi đã hằng tưởng và không ngờ trong nền văn học gọi là cách mạng ấy, nếu biết cảm nhận thì nó cũng không hề khô khan mà phong phú, đa dạng với muôn màu muôn vẻ. Thử hỏi ai mà không khỏi trầm ngâm suy tưởng khi đọc lên câu Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hoá linh hồn. Lẽ nào bạn không thích những vần thơ mượt mà Nhớ gì như nhớ người yêu. Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương? Hay sống động và chan chứa tình cố hương như Bồi hồi dạo trước Tây Phong Lĩnh. Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa vv…. Nhất là câu nói của Paven Coocsaghin Đời người sống chỉ một lần, sống sao cho khỏi xót xa ân hận…đã theo tôi suốt cả cuộc đời.
Thầy Văn Ngọc Lợi và trò Nguyễn Thị Liên Hưng sau 31 năm gặp lại. 
(Hình chụp ngày 5/8/2007 tại nhà thầy)            
Mùa hiến chương các nhà giáo năm ấy – mà bây giờ gọi là Ngày Nhà giáo Việt Nam – Lần đầu tiên tôi biết có ngày lễ tôn vinh thầy cô, toàn trường rộn ràng chuẩn bị đón mừng ngày hội trong không khí náo nức. Nguyễn Vỹ - trưởng ban văn nghệ - lo tìm những bài ca mới để tập cho lớp. Lê Thị Cúc vẫn là giọng ca chủ đạo nhưng có lần hắn dài giọng ra ca Mùa hoa Lê ki ma nở…rất chi là nức nở, bị thầy phê bình là hát nghe buồn ngủ, mất hết khí thế. Tôi và Khôi dĩ nhiên là chịu trách nhiệm về tờ báo tường của lớp để trình làng. Mang danh là lớp văn chương, lớp đàn anh, đàn chị của trường mà tờ báo không ra gì thì có nước độn thổ. Ngày lễ 20/11 năm ấy, lần đầu tiên chúng tôi biết nói lời chúc tụng thầy cô một cách long trọng. Chúng tôi tỏ lòng tri ân những người đã truyền tri thức cho mình trên những tờ báo tường rực rỡ. Tôi cũng có bài viết đầy cảm xúc đối với thầy cô, rằng :
dòng sông tri thức vẫn chảy, rằng thầy cô là người lái đò tri thức đưa chúng em qua bến bờ cuộc sống. Mỗi chuyến sang sông an toàn, thầy cô thấy vui mà không nhìn lại mình tóc ngày càng phai, mắt ngày càng kém. Chúng em sẽ ra đi, đi mãi như đàn chim vỗ cánh bay vào khoảng trời cao rộng. Có những đàn chim bay vào trời lộng gió để đến miền hoa thơm cỏ lạ nhưng cũng có những cánh chim bay lạc vào cả mưa gió, bão bùng…Còn thầy cô thì vẫn ngồi lại trên bến sông xưa để đón đoàn khách mới, nhưng vẫn dõi mắt theo những cánh chim trời. Bài viết nhỏ của tôi hình như ít nhiều có làm xúc động độc giả nên sau đó, mỗi khi ghẹo tôi đám tiểu yêu không đọc câu Lần đầu tiên nhà thơ đi lượm đá nữa mà đọc lên những câu Trời sang đông lành lạnh dưới hiên trường…trong bài thơ mừng ngày 20/11 năm đó. Rồi buổi tối trong làn mưa bụi lất phất, giữa cái giá rét của ngọn gió mùa đông bắc, thầy trò chúng tôi say sưa thưởng thức buổi văn nghệ cây nhà lá vườn với sân khấu lộ thiên ngoài trời. Tiếng đàn, lời ca cứ dập dềnh, lênh đênh theo gió, lúc xa lúc gần như bao trùm cả vùng cát trắng Hải Lăng.
            Sau tết, để chuẩn bị cho học kỳ II và mùa thi tốt nghiệp sắp đến , thầy chủ nhiệm đề nghị chúng tôi tự thành lập nhóm để giúp nhau học tập, mỗi nhóm khoảng sáu bạn. Dĩ nhiên là tôi, Cúc và Lân ngồi gần nhau liền đứng lên. Lập tức bên nam sinh Hải, Thăng và Vỹ cùng đứng lên. Thế có nghĩa là sáu đứa chúng tôi đã thành một nhóm. Bỗng thầy bật ra ba chữ Biết ngay mà, cả lớp cười ồ làm chúng tôi ngượng quá đứng chết trân. Tôi lại dại dột buột miệng đính chính Thưa Thầy! Chúng em chỉ là bạn học làm thầy vừa cười vừa nói lững lơ Thì tôi có nói sao đâu, nhưng tình yêu là đỉnh cao của tình bạn đấy. Chỉ tiếc là chúng tôi chưa bao giờ bước tới cái đỉnh cao như lời thầy ngày ấy. Cách tổ chức học nhóm rất hay, cứ đứa nào khá môn gì thì chỉ lại cho bạn môn đó và chúng tôi chia tri thức cho nhau mà không hề bị mất đi, lại giàu thêm nữa chứ. Thầy cũng có những buổi lên lớp ngoại khoá rất thú vị, với những chủ đề văn học ngoại khoá ấy, chúng tôi tha hồ mà tranh luận. Không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh, thầy còn gần gũi và tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của học trò để ủi an, giúp đỡ và tôi cũng là một trong số học sinh ấy. Có lần thấy tôi lơ là việc học, thầy hỏi tại sao? Tôi buồn rầu cho thầy biết tôi chỉ là con ghẻ của địa phương nên học xong cũng chả biết làm gì. Thầy khuyên tôi học là học cho chính mình, học để hiểu biết, để có tri thức mà sống ở đời, việc học không bao giờ thừa. Hơn nữa, điều cơ bản chính là bản thân con người của mình. Khi chào đời, không ai có quyền chọn cho mình một dòng họ, một lý lịch để dễ được thăng tiến theo hoàn cảnh xã hội cả. Em cứ học đi, học hết sức mình để trau dồi tri thức rồi cái gì đến nó sẽ đến, không nên bị chi phối vì những việc chưa đến, điều đó là thủ tiêu đấu tranh và làm lụi tàn niềm tin yêu cuộc sống mà thôi. Nhờ lời giải thích tuyệt vời đó cùng với sự động viên và giúp đỡ của thầy, tôi đã hăng say học tập và vô tư bên thầy bạn trong chuổi ngày học trò còn lại.
            Rồi ngày thi tốt nghiệp cũng đến:

Em mùa thi xanh mầu lá non
Ve vẩy chào trên cành lộc ngoan…
…Ta đợi hôm nào em chợt khóc
            Dù có u hoài hay hân hoan…
            Khi học trò bước vào phòng thi thì bên ngoài thầy cô hồi hộp. Cứ mỗi đứa học trò rời phòng thi là thầy cô ngoắc lại hỏi làm bài được không? Với môn Toán, khi nghe tôi đọc lại bài làm đến câu cuối, thầy Trí đã phán ngay một câu là rất tiếc, tôi hấp tấp nên đã tìm ra cách giải mà quên khai căn, bị trừ 2 điểm. Và kết quả điểm thi môn Toán của tôi có số điểm y như thầy Trí chấm khi thầy chưa nhìn vào bài làm. Còn môn văn học, nghe tôi đọc đến đâu là thầy Quang – cũng dạy văn học lớp 12 – gật đầu đến đó và bảo nếu thầy chấm bài thi nầy của em thì thầy sẽ cho điểm tối đa, vì theo lời bạn bè thì thầy Quang là người thường cho học trò điểm cao. Còn thầy Lợi thì vẫn thọc tay túi quần nhìn trời ngắm đất, khi tôi đọc xong lời kết thầy mới cười cười phán một câu Con bé nầy lạ thiệt. Cứ bị sức ép càng cao thì nó làm bài càng hay. Mà quả thế thật, bài cho về nhà tôi thường đạt điểm khá, có khi trung bình nhưng nếu là bài tập ở lớp thì điểm thường cao, bài thi học kỳ điểm lại cao hơn nữa và bài văn tốt nghiệp năm đó tôi đạt điểm tối đa như lời thầy Quang phán. Hôm công bố kết quả, trường tôi đạt tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cao nhất tỉnh Bình Trị Thiên lúc đó. Trường có trên ba trăm thí sinh dự thi mà chỉ rớt có ba em. Qua sự kiện đó đã có người ví von Bãi cát Hải Lăng nở hoa hồng cũng không ngoa.
Mấy mươi năm đã trôi qua, mà mỗi lần vào mùa tựu trường hay ngày tôn vinh nhà giáo lòng tôi lại miên man trong nỗi nhớ, nhớ đến những người đưa đò tri thức ngày ấy, nhất là thầy Văn Ngọc Lợi, người giáo viên chủ nhiệm lớp 12A của Trường Cấp 3 Hải Lăng, tỉnh Bình Trị Thiên năm học 1975-1976 – Hậu thân của Trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Thuở đó thầy sống rất đạm bạc, bình dị và rất thương học sinh. Khi biết chính quyền địa phương không ký vào hồ sơ cho tôi đi thi, chính thầy đã về tận xã nhà tôi để thuyết phục họ ký. Dù sau mùa thi năm đó, tôi không được bước chân vào ngưỡng cửa trường đại học như thầy hằng mong muốn, nhưng sau nầy với tấm bằng tốt nghiệp, với học bạ có lời phê của thầy tôi đã đường đường chính chính bước vào giảng đường không chỉ một mà đến hai lần. Tuy nhiên bằng cấp cũng như nghề nghiệp của tôi lại không như sự kỳ vọng của thầy nên tôi cảm thấy mình có lỗi đã làm thầy thất vọng. Bởi lẽ đó tôi sống lặng lẽ, không liên hệ với thầy cô, bằng hữu. Mỗi lần mở lại ngăn kéo đời mình và chiêm ngắm, lòng tôi luôn thức dậy một niềm đau: Ôi học bạ của lớp 12A với dòng chữ thầy chủ nhiệm phê còn rõ nét …Khá về Văn, là một học sinh có triển vọng trong tương lai… Điều nay sao trùng hợp với lời phê của thầy Hồ Thế Vĩnh – chủ nhiệm năm tôi học lớp 7 đến thế. Có lần tôi nhận thư người bạn học cũ, bạn ấy bảo có gặp thầy và thầy hỏi nhiều về tôi, thầy còn bảo con bé ấy quên thầy rồi. Tôi nghe mà xót xa nhưng cũng không lời đính chính, tôi tự hiểu mình là không bao giờ quên thầy, những ký ức ngọt ngào như thế hiếm ai có được trong đời thì làm sao mà quên? Một đôi lần trở lại quê xưa nhưng tôi không về tìm thầy, tìm bạn vì tủi thân và nghĩ mình đã phụ lòng kỳ vọng của thầy. Tôi bước vào đời với lắm nỗi truân chuyên, tuy không làm điều gì để phải xấu hổ, để phải xót xa ân hận nhưng vẫn trĩu buồn vì ước mơ ngày nào đã vỗ cánh bay xa. Cuộc sống thì quá ư đơn điệu với bốn phép tính cộng-trừ-nhân-chia, nhưng phép cộng, phép nhân tìm hoài mà chả thấy còn phép trừ, phép chia thì cứ đổ về phần mình. Bởi thế tôi cứ sống trong nỗi thất vọng và luôn mượn câu thơ của Tôn Nữ Thu Hồng để tự bạch:    
Ôi! Hạnh phúc!
Ta ngậm ngùi nhìn em bên cỏ mướt 
Tay dẫu dài không với tới chân em 
Nhưng rồi một ngày, tôi xếp lời thơ của nữ sĩ Thu Hồng lại và trở về quê cũ trong niềm hân hoan, như ngày xưa đón buổi tựu trường. Đó là ngày họp mặt đầu tiên của cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng trên miền đất cũ. Trong những ngày hồi hộp ngóng chờ ấy, tôi nhận rất nhiều điện thoại, đặc biệt là điện thoại của thầy.  Tôi đã bật khóc khi nghe giọng nói thầy qua làn sóng viễn thông, thầy bảo rằng thầy dò hỏi người quen mấy lâu nay mới tìm được số điện thoại của tôi. Tôi nghẹn ngào xin thầy tha lỗi vì đời không như ý nên tôi đã không dám tìm thầy trước, để thầy phải khổ công tìm trò. Thầy bảo em sống không làm điều gì để phải xót xa, ân hận thì việc gì mà mặc cảm. Thế sự thăng trầm, mỗi người mỗi cảnh nhưng thầy rất vui khi biết em vẫn đứng vững giữa cuộc đời trôi nổi nơi xứ người. Thầy báo tin ngày họp trường sắp tới và mong tôi về để gặp thầy. Thầy bảo thầy đã về hưu, bây giờ thầy già nua lại bệnh tim không mổ được, em mau về thăm thầy kẻo thầy chết mà chưa gặp học trò cưng của ba mươi năm trước đó.
         Thế rồi tôi cũng được gặp thầy. Thầy già quá đổi, nhìn ông lão tóc bạc phơ, yếu đ run run đỡ chén trà học trò trao, tôi phải quay đi để lén lau giòng nước mắt cứ chực tràn xuống má. Thấy vậy thầy tỏ ra bơ đời, vui vẻ trò chuyện, thầy còn đùa không ngờ con bé Liên Hưng ốm nhom ngày nào giờ lại sợ mập như thế. Thầy còn ghi địa chỉ nhà tôi và hẹn có dịp vào Nam sẽ ghé thăm. Có ai ngờ lần gặp ấy là lần gặp sau cùng. Mấy tháng sau, một buổi chiều mùa đông bỗng chuông phone đổ, tôi thấy dòng chữ Thầy VNL đang gọi liền Thưa Thầy! Em đây. Ai ngờ một giọng con gái cất lên trong tiếng nức nở: Chị Liên Hưng ơi, bố em vừa mất rồi. Tôi bàng hoàng buông chiếc điện thoại và ngồi phịch xuống ghế, miệng cứ lẩm bẩm thầy mất rồi, thầy mất rồi trong dòng nước mắt. Tôi lại lấy mấy tấm ảnh của thầy ra xem, cả tấm ảnh tôi chụp với thầy mấy tháng trước, thầy thì ngồi an nhiên còn tôi đứng sau lưng thầy mà mắt còn mọng nước. Thế mà giờ thầy đã đi rồi ư? Tôi đã hẹn thầy từ nay mỗi năm tôi đều về thăm quê và sẽ ghé thăm thầy, tôi đã hết mặc cảm thiệt thòi trong cuộc sống, tôi đã tìm thầy, tìm bạn và chính những tình thân ấy là tài sản vô giá vun đắp, bồi bổ cho tâm hồn tôi. Thế mà thầy đã mất rồi. Thầy ơi! Và đây là những dòng thương tiếc người thầy chủ nhiệm năm xưa của mình tôi viết bằng nước mắt:                                                                      
 Kính viếng hương hồn Thầy Văn Ngọc Lợi
Biết rằng cõi tạm trần gian
Người còn ở lại lo toan bao điều
Người đi hồn nhẹ phiêu diêu
Mà sao lòng cứ trăm chiều tiếc thương?
 
Thôi rồi tắt một vầng dương!
Thầy đi để lại mấy phương mưa sầu
Học trò: Kẻ trước, người sau
Tay Thầy nâng dắt – thấm màu tương lai
Giọng Thầy vọng mãi ngày mai
Mấy mươi năm ấy khó ai quên lời.
 
Thôi rồi đã khép Thầy ơi!
Một đôi mắt sáng: Một trời bao dung
Mấy mươi năm, phút trùng phùng
Ngờ đâu lần gặp cuối cùng mà thôi
Tóc Thầy trắng cả mây trời
Mà lòng khắc khoải vẫn vời lo âu
Thầy buồn nghe nỗi bể dâu
Thầy cười khi chuyện cơ cầu đã qua
 
Em giờ giữa nắng miền xa
Ngóng về quê cũ, nhạt nhòa mưa đông
Ngỡ lời Thầy vọng hư không
Ngỡ mắt Thầy dõi bụi hồng chân non
Ngỡ hồn Thầy vẫn như son
Thương trò như thể thương con của mình
 
Biết rằng cõi tạm phù sinh
Biết rằng đã tắt nhịp tim của Thầy
Mà sao lệ vẫn đong đầy
Hương lòng một nén viếng Thầy, Thầy ơi!
                                                Học trò cũ Liên Hưng
                                                        (09/12/2007) 

Sau tang lễ của thầy, tôi được người thân ở quê cho biết bài thơ nhỏ khóc thầy của tôi đã được đưa vào điếu văn và có người đã cảm thán: Ước chi khi mình qua đời, có được một học trò khóc mình như trò Liên Hưng đã khóc thầy Lợi nhỉ? Đối với tôi, lời cảm thán đó là một sự an ủi lớn lao, tôi thấy ít nhất mình cũng thể hiện được phần nào chân giá trị của một nhà giáo mấy mươi năm trên bục giảng.



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét