Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

Một khía cạnh ... của Nguyễn Trình - L.Hóa

MỘT KHÍA CẠNH TÌNH THƠ CỦA NGUYỄN TRÌNH

Lê Hoá


Nguyễn Trình là một trong những học sinh xuất sắc nhất của trường Trung học Triệu Phong 50 năm về trước. Sớm mồ côi cha, hai chị em Trình sống với người mẹ hiền từ thuở bé thơ bên luống cải, vườn rau. Từ nhỏ, Trình rất thông minh, ham đọc sách và có bộ nhớ rất tốt. Anh sớm thành đạt trên con đường học vấn, và cũng sớm yêu thích thơ ca. Từ yêu thơ, anh nảy nở tình yêu học trò lúc còn học lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ):
+ Tình đầu thơ ngây nhưng tha thiết và lãng mạn:
Thuở ấy hoa xoan rụng ngập đường
Em đi trong nắng thoảng mùi hương
Ta về xé sách làm thơ cuội
Ngày tháng đong đầy, thương với thương.
Hoặc :
Thuở ấy hạ hồng hôn má em
Phượng rơi đỏ thắm ở bên thềm
Em hong tóc nắng trong chiều vắng
Ta bước mơ màng qua bao đêm!
(Góp nhặt tình đời- Bâng khuâng tuổi học trò)
Chất học trò trong thơ của Trình toả sáng cả một vùng trời thơ ấu:
Vào thu . . . tìm dấu chân em
Sân trường vừa khép còn in dấu giày
Bao nàng nho nhỏ áo bay
Bóng em mờ mịt lưu đày thân tôi.
(Triệu Phong 1961)
Những chút tình thơ dại ban đầu ấy cứ dần dà lớn lên trong anh, khiến anh bao đêm phải ngẩn ngơ, mơ tưởng:
Có phải tên nàng là Toan,
Có phải tên nàng là Đa mang?
Sao ta ngớ ngẩn mang thương nhớ
Ngớ ngẩn từng đêm dệt mộng vàng!
Yêu nàng nhưng chỉ nói bằng thơ, không dám qua bên kia đường để gặp người mình thầm yêu trộm nhớ, phải nhờ con chim sâu trắng làm cầu nối đôi tim hồng:
Hoa xoan thuở ấy ta viết tiếp
Xin tặng cô em bên kia đường
Xin chim sâu trắng mang dùm tới
Nỗi lòng thương nhớ, nhớ vấn vương.
Rơi vào vòng xoáy tình yêu, anh thấy lòng như tê dại:
Em đứng, em đi, em giết ta
Em đẩy ta trôi kiếp ta bà
Ô hay xuân thắm sao màu tím
Lo Toan chi lắm, đời có ta!
Và anh thấy hụt hẩng khi người yêu vội bước qua cầu:
Em chợt đến, chợt đi như cơn lốc
Ta ngập ngừng chẳng biết bước về đâu
Chỉ bây giờ mùa xuân cây nẩy lộc
Xót thương ai lầm lỡ bước qua cầu!
Anh thấy như vũ trụ đang cùng anh chuyển hoá để con tim cất cao tiếng hát ngất ngưởng với trời trăng:
Ta thương em không địa ngục, chẳng thiên đường
Vì vũ trụ cùng ta đang chuyển hoá
Cho tiếng hát trong tim ta lồng lộng
Em yêu ơi, ngất ngưởng với trời trăng!
Người yêu đi rồi, anh đau buồn trở về sống với những kỷ niệm yêu của thời dĩ vãng:
Ta muốn tìm một vì sao đã mất
Của khung trời hò hẹn ngày xưa
Ta muốn đến một phương trời cô tịch
Động Hoa vàng tìm giấc ngủ triền miên.
Đêm vần vũ gió vang gieo lời ngọc
Đêm thở dài, ai mòn mõi chờ ai
Đêm ngày xưa em vang vọng gót hài
Đêm trầm lắng, đêm âm thầm bật khóc.
(Góp nhặt tình đời)
+ Trình yêu quê hương da diết khi không được sống ở nơi chôn nhau cắt rốn.
Dù ở đâu, đất nước Triệu phong, chợ Sãi vẫn là niềm thương, nỗi nhớ khôn nguôi:
Khi gió nam về, qua phố Châu
Khi chiều hạ trắng phủ mái đầu
Thương về chợ Sãi buồn trong nắng
Ta nhớ ngày đi bên nương dâu.
Hay:
Cuối nẻo hương xa một độ về
Nghe đâu màu nhớ, nhớ hương quê
Hai vai hành lý ta thu gọn
Kể cả buồn đau kiếp u mê.
Trong tình thơ Nguyễn Trình, ta thấy tình yêu quê hương, tình thầy trò, bạn bè thân thương luôn hoà quyện vào nhau , sâu lắng và da diết:
Quê xa ấy, Quảng Trị ơi chắc rét lắm!
Chiều 30 bên vợ hiền đằm thắm
Bên cháu con rộn rã tiếng cười
Sao hồn ta bâng khuâng chơi vơi?
Đâu mạ cha, đâu họ hàng tổ mộ
Đâu bạn bè trường lớp với thầy cô?!
......................
Cho ta gởi yêu thương từng xóm từng làng
Từng mái rạ bờ ao ngày thơ ấu ...
+ Nguyễn Trình rất chung thuỷ với bạn bè, thể hiện trong thơ và trong cuộc sống thực; dù hoàn cảnh nào, với anh, tình bạn luôn cao cả, tuyệt vời. Ta hãy lằng nghe những lời tâm sự đầy nước mắt anh khóc cho một người bạn xấu số:
Ai hát đó đêm khuya buồn quá
Ta nhớ mi, nhớ quá Hiệp ơi!
Trăng đêm nay, trăng tàn bóng xế
Đêm tàn chưa, mi có trở về?
Ta ngồi đây, vắng mi ta hoang phế
Hồn mê man run rẩy đêm đêm.
Ta là ta, là tàu không bến
Bao con tàu đưa những đứa như mi!
......
Mi đã yên bây giờ không huyệt mộ
Ta một đời tha thiết đời mi
Ta lạnh lắm, Hiệp ơi mưa đã đổ
Trên đỉnh sầu lệ nhỏ liên miên.
Trải qua những chao đảo của cuộc đời, Trình vẫn trụ vững để tồn tại. Anh không ngại những thách thức nghiệt ngã trong cuộc sống, anh đấu tranh để vượt qua số phận. Những lúc gay cấn nhất thì những vần thơ rắn rỏi được cất lên:
Tuổi 40 bao lần thách đố
Trước vô minh và trước thánh thần
Ta vẫn thế, cũng như ta, thánh thần vẫn thế
Cuộc đời kia, vẫn thế ... say tỉnh reo hò.
Đến tuổi 60 anh sống nhiều cho kỷ niệm về tình yêu buổi đầu đời.Anh ray rứt, tha thiết hơn khi trở về quê nhà, gặp lại người yêu thuở học trò thơ dại, những kỷ niệm xưa tràn về trong ký ức:
Em có nghe màu kỷ niệm thời gian
Em có thương những kẻ cơ hàn
Đang kiếm sống bên sông ngày ấy?
Gặp lại em, 60 tuổi hồn ta sống dậy
Tuổi học trò, cành hoa cải trao nhau
Đã gặp nhau không gương lược, cơi trầu
Một bông cải, nhận đi em về xứ lạ!
+ Trình là người con rất hiếu thảo. Lòng hiếu thảo ấy được thể hiện đậm nét trong tình thơ anh. Mùa Vu lan đến, ở phương xa anh thương nhớ Mẹ hiền, lòng xót xa, quặn thắt; và anh hiểu Mẹ anh giờ này cũng đang mòn mõi ngóng trông con:
Tháng bảy
Con không về thăm Mẹ
Trăng Vu lan xa xót một đời con
Nơi quê xa Mẹ đợi trên lối mòn
Nhà vắng, chợ chiều lòng héo hon thương nhớ!
Nỗi thương xót đối với người cha đã mất lúc chưa thấy mặt con trai cũng khiến anh suốt đời trăn trở xót thương, nhất là khi nghĩ đến thân phận mình lưu lạc tha phương trên đường đời nghiệt ngã.
Nhìn chung, hành lang thơ tình của anh có một không gian cao rộng, ở đó toả ra những cơn gió vi vu với những con suối rì rào chảy qua bao thác ghềnh để xẻ chia với ai những yêu thương, những bất hạnh; và rồi trăm sông cũng trở về với biển cả mênh mông.
Sáu mươi tuổi là về với đất,
Đất Quảng Trị có chờ ta không nhỉ
Xin chờ ta, không xa lắm trở về
Vì, Sãi ơi, còn muối mặn tình quê
Và Bồ bản còn hương nồng họ tộc
Thơ ta ơi, đừng làm ta khóc
Ly rượu Đời, chia xẻ cùng ta!
Ôi, Nguyễn Trình, một bạn đồng môn Triệu Phong xưa của chúng ta đang chiến đấu với số phận nghiệt ngã bởi chiến tranh và nghịch cảnh, nhưng tôi tin rằng anh không bao giờ gục ngã trước số phận vì chính tình yêu là chất liệu sống trong thơ anh, giúp anh vượt lên tất cả, cả căn bệnh hiểm nghèo. Tôi tin rằng với tình thơ lai láng ấy của một tài năng đang tiềm ẩn trong anh, anh sẽ chiến thắng, trước nhất là căn bệnh ung thư quái ác ... để hát lên những khúc thơ vang dội cho đời:
Cha nằm xuống máu hoà trong đất
Và trong con run rẩy vạn tế bào
Cây đã lớn, máu cha ươm trĩu trái
Nhưng đời con ngày tháng quá xanh xao!
.......
Một nén nhang con trở về cố quận
Ba mươi năm lưu lạc ở quê người
Xin nhận lấy đứa con chưa biết mặt
Mà nửa đời đón lấy những gian truân.
(Thưa cha)
Trích: “ Góp nhặt tình đời” và “ Ngàn thương đường về Lục bát” của Nguyễn Trình - Lê Toan)
LÊ HOÁ





















Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

Khung trời kỷ niệm L.T.T.Tâm



KHUNG TRỜI KỶ NIỆM 
Hồi ký: Lê Thị Thanh Tâm

Những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ 20, tư tưởng phong kiến còn tồn tại một cách mạnh mẽ trong xã hội Việt nam ta, đặc biệt là ở nông thôn, điều kiện kinh tế xã hội lúc đó nói chung còn ở mức thấp. Do đó việc tôi thi đậu vào lớp đệ thất và được đi học là một điều may mắn rồi! Tuy nhiên tôi không biết tận dụng những cơ hội và điều kiện thuận lợi ấy, tôi lại rất ham vui chơi làm cho con đường học vấn của mình không được tiến xa hơn nữa.
Gia đình tôi có hai nơi ở, một căn nhà ở làng Bích La Đông um tùm vườn chè xanh mát mẻ, nằm bên con sông Vĩnh Định nước chảy êm đềm quanh năm, một căn nhà ở phường đệ tứ thị xã Quảng Trị nhìn ra đường cái xe chạy nhộn nhịp. Chính điều nầy là nguyên nhân làm ảnh hưởng khá lớn vào con đường học tập của tôi.
Năm 1966 tôi thi đỗ vào đệ thất trường THTP, học được hơn một năm, lớp có gần phân nửa là con gái, tôi thuộc loại “suy dinh dưỡng” nên được ngồi ở những bàn trên . Kết quả học tập lên xuống bất thường. Khi nào ba tôi buộc tôi ở nhà trên tỉnh có anh hai kèm cặp thì học lực của tôi tăng lên một chút, mỗi khi nghe bạn bè rủ rê về nhà dưới quê ở thì việc học lại tụt xuống. Vào đầu năm đệ lục, nhà tôi ở thị xã hằng đêm có người dưới quê tản cư tránh bom đạn lên ở rất đông, ồn ào vui vẻ lắm nên tôi bèn nghỉ học ở nhà vui chơi chừng một tháng, tỉnh ngộ ra thì chuyện đã rồi. Ba tôi vì bận công tác xa nhà nên không hay biết.
Ở bậc tiểu học tôi học khá lắm, luôn ở trong top 5 dẫn đầu, nhưng khi lên cấp hai năm đầu tiên tôi chỉ học được các môn văn, đại số và các môn học bài. Hình học thì tôi không hiểu gì cả, điều nầy đã làm cho tôi có phần chán học! Bên cạnh có cô bạn thân (cô Nết ) thường hay rủ rê tôi về làng chơi, thế là tôi vui vẻ đáp ứng ngay, việc học ngày thêm tệ, lợi dụng khi ba tôi vắng nhà và tình hình lộn xộn lúc này nên tôi nghỉ học; thực tình thì lúc đó tôi cũng có buồn, nhưng mỗi khi nghĩ tới kết quả học tập không mấy khả quan đó, như chạm vào lòng tự ái của tôi khiến tôi nghỉ học ngay.
Thời gian trôi đi, không lẽ tôi là chị ba mà ăn rồi ngồi không, về ở nhà dưới quê nên tôi đành tình nguyện bồng em rồi gánh nước, nấu ăn, làm những công việc nhà lặt vặt riết rồi cũng nhàm chán. Khi đó nỗi nhớ bạn bè, nhớ trường lớp tăng lên. Chao ơi! chiếc áo dài tung bay trong gió những buổi tới trường e ấp, những hột ô mai chuyền tay nhau nghe chua chua ngọt ngọt hay những búp len mịn màng cho nhau khi học nữ công gia chánh, hồi trước nó bình thường sao bây giờ quyến rũ tôi quá chừng, nó làm cho tôi thèm muốn ray rứt. Qua nhiều đêm trằn trọc tôi đi đến quyết định, tôi nói với mẹ tôi “ con đi học lại”. Bạn bè lớp trước nay tôi còn nhớ là : Hồ thị Tình , Lê thị Nết , Trần Đãi ( lớp trưởng ) Hồ thị Bích Yến , Cao thị Yến , Văn thị Chất, Văn thị Soạn, Trần thị Bạch Nhạn, Hồ thị Kim Lan ,…
Tôi vào lớp lục hai mới, tất nhiên là có bạn mới, ( lớp bạn bè bây giờ ) nhìn mọi người một cách lạ lẫm, nhìn các bạn cùng lớp rồi nhìn lại mình đúng là “nhóm xoài tượng” như bạn Quế đã từng ví von .Không hiểu sao từ một người có vẻ suy dinh dưỡng nay tôi lại lớn xổng lên làm cho tôi thêm mắc cỡ , lớp mới con gái ít hơn, nên nhóm xoài tượng chúng tôi phải ngồi ở bàn thứ tư ! May mắn nhờ những bài dịch Anh Văn dí dỏm của thầy Đáp đến cười không nổi ! những giờ toán căng thẳng , những giờ sử địa của thầy Hảo đẹp trai (bây giờ là bạn học của chồng tôi ) làm cho tôi dần dần hoà mình vào lớp học hồi nào không biết, cũng may là lớp tôi hồi ấy gồm toàn những người bạn dễ thương , nên làm cho tôi thích học và hoàn thành hết cấp hai. Bởi vậy tình yêu học trò ngu ngơ trong tôi chỉ thoáng qua và đôi khi chỉ thấy lòng rung động “ khẽ như cánh bướm non”.
Chồng tôi –anh Tương - hồi ấy là bạn của người anh con bác ruột tôi, anh không phải cùng thời với tôi. Hồi ấy tôi nhìn thấy anh xa lắm. Bởi anh học khá tốt, lúc anh vào Đại học Sư Phạm, anh thường về nhà tôi và kèm cho anh cả tôi thi tú tài, thì tôi chỉ mới lớp đệ tứ. Thử hỏi ai mà dám nghĩ điều gì, tuy nhiên lâu dần cũng có tình cảm chút ít. Số phận đưa đẩy anh ấy ngày đi càng xa tôi. Hình ảnh người học trò đàn anh ấy chỉ tồn tại đâu đó trong tôi mà thôi.
Những năm học của chúng ta càng lên cao tỉ lệ thuận với chiến tranh, những hoang tàn đổ nát tăng lên từng ngày từng giờ, tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp tôi muốn ba tôi xin việc làm nhưng ông không chịu, đành bước chân vào nghề để chuẩn bị vào đời. Sở dĩ tôi có quyết định bước ngoặt này bởi hai lẻ: thứ nhất là tôi lúc nầy “nhổ giò” đi học thấy mắc cỡ quá! thứ hai là chiến tranh căng thẳng không còn tâm trí nào mà học vô được. Ngày ngày quanh ta bom rền , đạn réo, chết chóc khổ đau đầy dẫy…
Tôi thích thi vào lớp điều dưỡng để vào Huế học cho vui, nhưng ba tôi buộc tôi thi vào lớp tá viên hộ sinh học ở bệnh viện Quảng Trị, tôi đành phải vâng lời trước những lý do xác đáng của ông. Nghề thì vẫn phải có nghiệp. Tôi thì không có nghiệp nên học nghề xong không làm một ngày nào. Do duyên nợ nên số phận đẩy đưa tôi lại gặp chồng lúc tôi vừa tốt nghiệp xong lớp tá viên hộ sinh. Chúng tôi gặp nhau thật bất ngờ tại Đà Nẵng, cái duyên tiền định ấy đã làm chúng tôi nên đôi vợ chồng, sau nầy tôi mới biết rằng chồng mình là bạn học của thầy mình.
Hoà bình lặp lại, vấn đề cơm áo gạo tiền lại đặt ra, trở thành trọng tâm, và là một bài toán hơi khó giải quyết. Tất cả chúng ta mỗi người nghĩ một cách, đi một phương cố tìm cách giải bài toán này.
35 năm sau, bài toán đặt ra ngày nào đã giải xong, hoàn hảo. Hình ảnh, kỷ niệm thưở học trò hồn nhiên ngày nao đã dần hiện về trong những buổi mạn đàm của vợ chồng, của bạn bè, của người quen. Dòng nước lặng lờ thì thấy cá lội tung tăng, Hồn ta im ắng thì kỷ niệm hiện về khuấy động. Rồi bạn bè tìm thăm nhau. Bạt, Kim ở Vũng Tàu, Trần Tấn Hoàng ở Bảo Lộc, Lê ngọc Quê ở Sãi có đến nhà thăm tôi. Trong chuyến về quê năm ngoái tôi có ghé thăm xoài tượng Thạnh và đại ca Hoàng Tiển ở khe Sanh. Chừng đó có là bao phải không ?
Cho đến thời gian gần đây, cao điểm là lúc Thầy Quang ghé nhà thăm chúng tôi, thầy và chồng tôi, hai người tâm đắc bàn bạc về buổi họp mặt và Tập San Triệu Phong. Từ đó, đêm đêm chúng tôi mở email để biết tin tức, về trường lớp mà thầy Quang hay bạn Văn Thiên Tùng góp nhặt mà post cho chúng tôi, Đặc biệt là blogspot Hương Thời Gian của bạn Tùng có khá nhiều hình ảnh của các bạn cùng lớp ngày xưa. Trong đó tôi được gặp lại các bạn trai và bạn gái (Thuỷ, Hoa, Kiệt). Mới ngày nào đây mà giờ đã trở thành lão ông, lão bà trông ngộ quá! Nhiều bài viết của thầy cô, bạn bè nhắc lại những kỷ niệm xưa làm tôi thấy xao xuyến trong lòng !
Cám ơn quý thầy cô đã dạy dỗ chúng em nên người, cám ơn các bạn đã quy tụ về đây để chúng ta có dịp hàn huyên sau 35 năm dài đằng đẵng.
Bà Rịa ngày 28/3/2010

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Điều ít biết về "Màu tím hoa sim"

Điều ít biết 
về 'Màu tím hoa sim' của Hữu Loan

Đến nay, "Màu tím hoa sim" được xem là một trong những bài thơ tình hay nhất của thế kỷ 20 và là bài thơ đầu tiên được mua bản quyền bởi một doanh nghiệp với giá 100 triệu đồng. Nhưng quanh sự kiện này, cũng không ít độc giả còn thắc mắc về bản cũ và bản mới chỉnh sửa sau này của bài thơ. Tại Sài Gòn, trước năm 1975, giới văn nghệ sĩ cũng như đông đảo bạn đọc yêu thích thơ nhạc đều rất quen thuộc với bài Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan. Tuy bấy giờ tác giả đang sống ngoài Bắc, nhưng tác phẩm ấy đã chiếm một chỗ đứng trong lòng người yêu thơ miền Nam. Bài thơ được giới thiệu không những qua sách báo, mà còn được phổ nhạc, hát rộng rãi trên đài phát thanh, các buổi trình diễn văn nghệ trên sân khấu đương thời, nhất là vào những năm thập niên 60 của thế kỷ 20. Bản Màu tím hoa sim thời ấy ngắn hơn bản tác giả công bố sau này. Nghĩa là dừng lại, chấm hết ở mấy câu: "Tôi hát trong màu hoa. Áo anh sứt chỉ đường tà. Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu" chứ không có thêm “Tôi ví vọng về đâu. Tôi với vọng về đâu. Áo anh nát chỉ dù lâu...” ở cuối bài như sau này.
So với bản Màu tím hoa sim "nay" thì bản "xưa" tuy ngắn hơn nhưng ý thơ đi rất trọn nghĩa, trọn tình, không trúc trắc, không khiến người đọc phải dừng lại suy nghĩ. Nhà thơ có quyền sửa thơ của mình, hoặc thêm vào những đoạn mới. Song về phía những độc giả đã cảm nhận, yêu thích, hoặc có những kỷ niệm gắn bó với Màu tím hoa sim theo bản cũ thì khó "làm quen" với những đoạn mới, chữ mới, với hơi thơ có vẻ xa lạ với bài thơ từng biết. Do vậy, một số độc giả đã tỏ ra tâm đắc với bài Màu tím hoa sim trước kia. Nhưng dù Màu tím hoa sim bản "xưa" hay "nay" vẫn chỉ để viết về một người, một mối tình.
Đó là người vợ trẻ Đỗ Thị Lệ Ninh đã mất sau ngày cưới không lâu vì chết đuối. Các anh của “nàng”, theo tài liệu của Hàn Anh Trúc là 3 người có thực ở chiến trường Đông Bắc. Đó là Đỗ Lê Khôi - tiểu đoàn trưởng hy sinh trên đồi Him Lam, Đỗ Lê Nguyên nay là Trung tướng Phạm Hồng Cư và Đỗ Lê Khang - nguyên Thường vụ Trung ương Đoàn. Hữu Loan kể và Hàn Anh Trúc ghi lại trong một cuốn biên khảo văn học rằng, bố vợ ông trước kia làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên “vợ mình sinh ở trong ấy, quen gọi mẹ bằng má”, bài thơ mới có câu “má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối”. Hàn Anh Trúc viết là Hữu Loan sáng tác bài thơ ngay tại mộ người vợ trẻ, rồi: "ghi vào chiếc quạt giấy để lại nhà một người bạn ở Thanh Hóa. Bạn anh đã chép lại và chuyền tay nhau suốt những năm chiến tranh". Điều đó đã được chính nhà thơ Hữu Loan xác nhận.
(Theo Thanh Niên)

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng đang xanh
Tôi người vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như yêu người em gái.
Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh bết bùn
Đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo

Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về
thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê......
Nhưng không chết
Người trai khói lửa
Mà chết
Người gái nhỏ hậu phương.
Tôi về không gặp nàng
Má ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phútt cuối
Không được nghe nhau nói
Không được nhìn nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình
đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...
Lời tự thuật của HỮU LOAN
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa,chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà . Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung, tôi cũng học tại Thanh Hóa, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học . Đến năm 1938 , lúc đó cũng đã 22 tuổi, tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốân quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn .Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khóa ấy , trong đó có Nguyễn Đình Thi , Hồ Trọng Gin, Trịnh văn Xuấn , Đỗ Thiện và ...Tôi - Nguyễn Hữu Loan.
Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất ,bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ , tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên . Ở Thanh Hóa, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới.
Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà .Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái - lúc đó mới 8 tuổi- mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: ' Em chào thầy ạ'Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằng sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu ấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một 'bà cụ non'. Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chỗ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn; những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt ...
Có lần tôi kể chuyện ' bà cụ non' ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em giận! Suốt một tuần liền em nằm lì trong buồn trong, không chịu học hành... Một hôm, bà tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện em nghe, rồi tôi đọc thơ...Trưa hôm ấy, em ngồi dậy ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý: ' mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu' Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi .....
Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em.Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. bất chợt em hỏi tôi:
-Thầy có thích ăn sim không ?
Tôi nhìn xuống sườn đồi: tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuốn sườn đồi, còn tôi vì mệt qúa nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ... Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những qủa sim đen láy chín mọng.
-Thầy ăn đi.
Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ: “Ngọt qúa.”
Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, qủa sim đối với chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những qủa sim ngọt đến thế!
Cứ thế, chúng tôi ăn hết qủa này đến qủa khác.Tôi nhìn em, em cười. hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì... tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo!
Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng ,em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi...Tôi quay đầu nhìn lại...em vẫn đứng yên đó ...Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa...
Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi vẫn được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 tuổi đã có nhiều chàng trai đên ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ ....
Chín năm sau, tôi trở lại nhà, về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em , hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn là cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp...
Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối một chút nào. Mãi sau này mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm'soạn kịch bản'.
Một tuần sau đó, chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là:'yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả'. Tôi cao ráo, học giỏi, Làm thơ hay...lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo. Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long,huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói , hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết!
Hai tuần phép của tôi trôi qua thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ. Hôm tiễn tôi lên đường, Em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ giờ em không còn cô bé Ninh nữa, mà là người bạn đời yêu qúy của tôi. Tôi bước đi, rồi quay đầu nhìn lại...Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mát thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống.
Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: vợ tôi qua đời! Em chết thật thảm thương: Hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn( thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi đi nên trượt chân chết đuối! Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại tôi nỗi đau không gì bù đắp nổi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sau thẳm trong trái tim tôi .
Tôi phải giấu kính nỗi đau trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn... Dường như càng kèm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao, sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm sự gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong lòng tôi được bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, Tôi ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra:
Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng đang xanh ...
...Tôi về không gặp nàng....
Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại cho người bạn ở Thanh Hóa.. Anh bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh. Đó là bài thơ Màu Tím Hoa Sim.
Đến đây, chắc bạn biết tôi là Hữu Loan, Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2-4-1916 hiện tại đang 'ở nhà trông vườn' ở làng Nguyên Hoàn - nơi tôi gọi là chỗ 'quê đẻ của tôi đấy' thuộc xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa.
Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay, nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi viết mới nổi những câu :
Chiều hành quân, qua những đồi sim
Những đồi sim, những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt
Và chiều hoang tím có chiều hoang biếc
Chiều hoang tim tím thêm màu da diết...
Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ...
Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty Viek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyền bài Màu Tím Hoa Sim của tôi với gía 100 triệu đồng. Họ bảo, đó là một hình thức bảo tồn tài sản văn hóa. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia 'lộc' cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi gìa, sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan.
Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán./.
* Hữu Loan.

Tiếng trống và ..Lê Hóa

Cựu học sinh : LÊ HOÁ
Khoá 1960-1964 ( đầu tiên )
Trường : Trung học Triệu Phong-QT
Quê gốc : Thôn Ái Tử
Hiện ở: Ái Tử-Triệu Ái- TP-QT
Điện thoại: (053) 2245842

TIẾNG TRỐNG VÀ VÙNG KỶ NIỆM

...Trống ơi trống, đừng vang tiếng nữa
Để cho ta chết lặng với thời gian
Để tim ta không còn thoi thóp nữa
Trong cô đơn vây kín cả tâm hồn ...
Khi đi qua trường xưa nghe tiếng trống, ít ai trong chúng ta không bùi ngùi xúc động nhớ lại thời thơ ấu, tuổi học trò. Với tôi, mỗi lần nghe tiếng trống, kỷ niệm của một thời dĩ vãng cứ dấy lên trùng điệp trong tôi. Vì vậy tôi xin vào đề trang viết bằng bốn câu thơ trên, do tôi xúc động làm ra trong những năm tháng vì chiến tranh tôi phải xa thầy xa bạn, xa mái trường thân yêu! Khi trở lại thì trường cũ đã bị bom đánh sập, thầy cô xưa cũng vắng bóng. Tôi gào lên trong uất hận:
Thầy hận chiến tranh trường Thầy tan nát,
Em hận chiến tranh em xa Thầy, xa bạn
Xa bao người em nhớ, em thương ...
Ngày ấy trong mịt mù của ký ức tôi, 50 năm về trước tôi được vào học Trung học Triệu Phong sau một kỳ thi cực kỳ gay cấn, tổng số 492 thí sinh dự thi mà chỉ lấy 50 người. Tất cả chúng tôi cùng xếp vào một, sinh ngữ là Pháp văn. Tôi nhớ rất rõ từng bạn theo thứ tự ABC: Bắt đầu là Dương Đình Á và kết thúc là Nguyễn Ứng. Đó là lớp đầu tiên của trường Trung học công lập Triệu Phong niên khoá 1960-61. Năm mươi chúng tôi được học tập và trưởng thành nhờ cái nôi chữ nghĩa này.
Chiến tranh phá hoại, trường tôi không còn nữa, nhưng hình ảnh trường xưa, lớp cũ, thầy cô, bạn bè cứ thường xuyên xuất hiện trong ký ức tôi. Tôi làm sao quên được những vị thầy tài năng, đức độ đã dạy dỗ chúng tôi cũng như nhiều thế hệ về sau! Hồi ấy thầy trò cũng khốn khó như nhau: Thầy đi xe đạp, học trò nhà khá giả mới có xe, nghèo thì phải đi bộ cả chục cây số đến trường; soạn bài, chấm bài, đọc sách, học bài ban đêm chỉ nhờ vào ngọn đèn dầu không đủ sáng.
Đầu tiên lớp tôi học tạm ở nhà thờ họ Đỗ,( thôn Bích Khê). Thầy Lê Công Trình dạy tất cả các môn. Sau đó lên học ở đình Cổ Thành (Sãi). Khi trường xây xong 5 phòng ở xóm Bèng, thôn Nại Cữu thì chúng tôi được chuyển về học ở trường mới, khang trang, tiện nghi hơn. Cô Phan Thị Ngọc Tĩnh dạy Hoá và là giáo sư hướng dẫn lớp tôi các năm Đệ Lục và Đệ Ngũ. Cô trẻ, đẹp, dạy rất hay và rất thương học trò, nhất là học trò nghèo. Tôi được học với các vị thầy đáng kính như thầy Nguyễn Quang Kế (Pháp văn), Trịnh Ngọc Phòng (Pháp văn), Nguyễn Thiện Lữ (Vạn vật, Toán), Tôn Thất Phú (Toán, Nhạc), Bùi Thị Gái (Toán, Sử), Phạm Thị Như Hoàn (Lý, Địa), Đỗ Thanh Quang (Toán, Sử. Anh) ... Lớp tôi đa số thi đỗ Trung học Đệ Nhất cấp với số điểm rất cao, vì vậy chúng tôi có điều kiện bay cao, bay xa trên con đường học vấn. Hồi đó thi đỗ vào Đệ Thất THTP là oai lắm, vì đã được vào học trường công lập rồi thì sớm muộn cũng được học tiếp lên Đệ Nhị cấp là trường Nguyễn Hoàng danh tiếng (khỏi thi vào Đệ Tam)
Tôi sinh ra bên dòng sông Ái Tử, quê tôi nghèo lắm. Tuy thế xưa kia nơi đây là thủ phủ của Tiên chúa Nguyễn Hoàng trong buổi đầu dựng nghiệp. Vì vậy những địa danh lịch sử của làng tôi thường là đề tài rất hấp dẫn trong giờ kể chuyện của thầy Nguyễn Quang Kế, Đỗ Thanh Quang, Nguyễn Thiện Lữ, ví dụ chuyện kể về vua Trùng Quang phải vào Ái Tử để chống giặc Minh tàn bạo, cuối cùng bị đánh bại ,cả vua quan đều bị giặc giết!; hoặc chuyện kể về tướng giặc lập Bạo và miếu Trảo Trảo. Thầy còn kể câu chuyện Công chúa Huyền Trân chịu hy sinh đời mình để đổi lấy cho giang sơn hai châu Ô và châu Lý,. . . Quê hương ơi, sao mà da diết thế! Những huyền thoại ấy từ xưa đã được các thầy hình tượng hoá qua lời kể hấp dẫn làm cho chúng tôi càng yêu mến quê hương hơn. Có lúc thầy đọc lên mấy vần thơ của Trần Nguyên Hãn:
Đọc triệu trang sách mà bất lực,
Suốt đời xin phụ nỗi thương dân!
Ở Ái Tử năm 1960 chỉ có mình tôi vinh dự đỗ vào THTP. Ngày hai buổi tôi qua qua đò An mô, đến Tân định rồi lên Bích Khê học ở nhà thờ họ Đỗ. Những lúc mưa rét, lụt lội tôi một mình một bóng băng qua vùng cát trắng mênh mông (động Cột cờ). buồn thì ít mà sợ thì nhiều hơn. Trưa mang theo mo cơm bới, ở lại ăn với các bạn nghèo, nhà ở xa. Chúng tôi ăn rất đơn sơ nhưng vẫn ngon miệng. Đi học chỉ có một bộ quần xanh áo trắng. Nếu quần áo phai màu thì lật ngược may bề trong ra ngoài để bận tiếp. Cả lớp chỉ có 1/3 là có áo ấm. Chiếc áo ấm đối với tôi và đa số bạn bè là cả một ước mơ! Chúng tôi cứ nai thân ra mà chịu rét như cắt da của mùa đông Quảng Trị. Năm ấy trường rách nát, mái ngói bị dột nên những trận mưa đầu mùa rơi xuống những bàn cuối ướt cả sách vở. Tôi được ngồi đầu lớp - học theo cụm. Tôi là học sinh giỏi Toán nên được cử hướng dẫn các bạn yếu, kém. Hôm ấy một bạn vô ý làm đổ lọ mực vào áo tôi thành một vệt dài màu xanh đậm trông bẩn lắm. Thầy Hiệu trưởng đi ngoài hành lang phát hiện vào phạt hai đứa tôi; bạn tôi thì vẫn được ngồi tại chỗ nhưng tôi bị đưa xuống ngồi bàn cuối - là bàn đang bị dột. Tất nhiên tôi bị ướt mỗi khi ngồi học. Cô chủ nhiệm thấy vậy đã cho tôi về lại chỗ cũ, âu cũng là trả lại sự công bằng cho tôi. Bạn bè trêu tôi: màu xanh là màu hy vọng, khi thấy tôi bận hoài chiếc áo vấy mực ấy. Họ có biết đâu tôi chỉ có một chiếc áo duy nhất đó, về nhà giặt mãi mà vết mực vẫn không phai. Tôi đã âm thầm khóc từng đêm không thành tiếng!
Năm ấy tôi đạt học sinh xuất sắc và nhà trường đã tặng tôi phần thưởng quý giá, trong đó có bộ áo trắng, quần xanh bằng vải. Cô Tĩnh ơi, em mãi mãi nhớ ơn cô suốt đời! Và ba năm ở Triệu Phong tôi đều là học sinh nhất lớp, người đứng nhì là bạn Nguyễn Văn Quang. Năm 1963 tôi quyết định thi băng (không học qua chương rình Đệ tứ) và đã đỗ bằng Trung học Đệ nhất cấp khoá ngày 24/4/1963. Tôi đỗ thủ khoa và khỏi thi vào lớp Đệ tam Nguyễn Hoàng. Do hoàn cảnh, tôi phải rời xa mái trường Triệu phong thân yêu để lên học Đệ nhị cấp. Tôi rất buồn phải chia tay bạn bè, thầy cô kính mến, để giờ đây khi nhớ lại bạn bè xưa, thầy cô cũ, tôi nằm mơ và gọi lớn từng tên:
Ơi Thi, ơi Quang, ơi Hoàng Hữu Bản,
Ơi Bát, ơi Tâm, ơi Việt Điểu dịu hiền
Bài hát năm xưa, con tàu chuyển bến
Có buồn không khi ở tận chân trời?!
Nét mặt đẹp, buồn và tóc xoã ngang vai
Ngày đến lớp ở nhà thờ họ Đỗ...
Ơi Bé, ơi Hồng, ơi Hoàng Dự, Trần Giang,
Ngô Tựu chết rồi, có phải thế không?
Thằng bạn hiền, cao lêu nghêu nhất lớp! ...
*
Trống trường cũ bỗng vang lên trong ký ức
Để gọi Cô bằng bằng ngôn ngữ bầu trời
Chúng em nhớ cô suốt cả cuộc đời
Nhớ cả trong mơ, nhưng đó là sự thật!...

Thời gian học Nguyễn Hoàng thì chiến tranh ngày càng khốc liệt, tôi ít khi được gặp lại các bạn cũ Triệu Phong.
Năm 1966 tôi vào Huế thi Tú Tài toàn thì gặp bạn Hoà, tôi ghi vội cho bạn mấy câu:
Xuân Hoà ơi,
Em về xứ Quảng
Mùa thi gặp gỡ
Biết nói gì hơn
Cho lòng nức nở!
Và rồi chúng tôi xa nhau vĩnh viễn!
Trong thời buổi chiến tranh ấy, mỗi người đi theo mỗi hướng do hoàn cảnh riêng tư. Bỗng một hôm tôi gặp lại thầy Tôn Thất Phú ở Sec, nay là công viên trường Đại học Sư phạm Huế. Thầy bị động viên và lúc này đang là một trung uý, tôi cũng mang áo lính. Thầy trò chỉ gặp nhau trong giây lát rồi vội vàng từ giã. Tôi xin mượn những lời thơ của thầy Nghiêm Xuân Kính để tả phút gặp lại thầy tôi lúc đó:
Quê hương xưa từ những ngày chinh chiến
Thầy trò ta vội từ giã ngôi trường
Thầy từ đây đã rời xa bục giảng
Trò làm thân chiến sĩ của muôn phương
Rồi thầy trò cùng chung màu áo trận
Đời chiến binh ai ngờ buổi tương phùng!
Tư thế nghiêm, trò giơ tay chào kính:
Dạ thưa thầy, thầy có nhớ em không?
Buổi hội ngộ nghe muốn trào nước mắt
Dạ thưa thầy, thầy có nhớ em không?

Thế mới biết chiến tranh là khổ đau, là chia ly và mất mát. Chiến tranh đã cướp đi biết bao nhân tài, thầy giỏi, trò ngoan của trường Triệu phong yêu dấu, đã vùi chôn biết bao số phận nghiệt ngã. Nay được sống trong thanh bình, hạnh phúc, chúng ta bùi ngùi nhớ lại những ngày qua mà thấy buồn thương khôn tả. Thật là:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng! (Nguyễn Du)
Nghe như đâu đây tiếng trống lại vang lên giữa buổi xế chiều, thúc giục chúng ta trở về với vùng kỷ niệm thân thương của một thời phượng hồng, áo trắng. Sau 50 năm, ai còn ai mất, ai lưu lạc phương nào?! Chúng ta hãy cùng nhau tìm về chốn xưa, nơi quê hương Triệu Phong yêu dấu để có một ngày hội ngộ, kể cho nhau nghe hết bao nỗi hàn huyên; hãy hỏi tìm cho hết những thầy cô, bạn bè hiện giờ còn thất lạc để có những cuộc đoàn tụ bất ngờ, mừng vui trào nước mắt, như chưa hề có cuộc chia ly!
LÊ HOÁ

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

Đôi điều tản mạn -Thầy T.V. Kỳ

Thầy         : TRẦN VĂNKỲ 
Dạy môn  :  Quốc Văn

ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN 
Đằng đẵng gần 40 năm rồi tôi chẳng còn cầm bút viết nổi một dòng văn, một câu thơ. Chữ nghĩa cứ mãi trôi đi theo dòng cuộc sống, lúc việc này, lúc việc khác cứ đong đưa nên cũng chẳng vui vẻ gì để mà thơ thần, thẩn thơ!
Ngẫm cho tường, từ lúc sinh ra cho đến bây giờ gần “thất thập cổ lai hy” mà chẳng đúng gì với câu “ Thất thập nhỉ tùng tâm du cử”.
Thời gian có đếm tháng ngày nhưng bẵng quên và vút một cái đã ngót nghét bốn mươi năm rồi. Trôi nổi trong bon chen kiếm sống có lúc vui, lắm lúc buồn, nhưng ít ra cũng rất chi là vui khi khi những học trò cũ gặp lại, thực tình mừng vì trên những nét mặt, cho dù hình dạng có đổi thay mà tâm tình chẳng mấy thay đổi so với thời họ là học trò ngày ấy.
Đa phần các học sinh Triệu Phong thập niên 60, 70 gặp lại các thầy cô xưa đều vui mừng lắm, cũng có một số rất là ít ỏi biết đó là thầy cũ nhưng cố tình lờ đi, xem như là ... người không quen biết! Cũng chẳng buồn chi, bởi từ xưa vốn người đời cho dạy học là nghề bạc bẽo kia mà! Năm tôi về trường Triệu Phong, trường đã hiện diện 7,8 năm rồi, giữa thầy và trò tuổi tác cách biệt không nhiều (không đếm đủ trên hai bàn tay), nên bây giờ trò thầy gặp nhau cứ ngỡ là bạn đồng niên, đã gặp nhau ở đâu đó. Thầy trò sau ngày đất nước thống nhất, chẳng ai giống ai trong mỗi mảnh đời. Xét cho cùng cũng là hoàn cảnh.
Sau 1975, tôi đã trở thành “ Thầy mất dạy, vô lương” như một số người thường đùa như thế. Cuộc sống cứ đuổi đằng sau, thời gian sao dài đến thế? Và học sinh mình cũng vậy đó thôi. Lắm em cũng thành đạt, có vị trí trong xã hội; nhưng cũng lắm em mải miết ôm lấy ruộng đồng, hay lưu lạc khắp đó đây. Cách đây 14 năm, học sinh khoá 1968-1972, tôi làm chủ nhiệm năm lớp 8, đến tìm tôi tại nhà, mời thầy cũ họp mặt sau bao năm xa cách. Từ lâu, tôi quên mất chính mình đã làm thầy dạy học, nên giây phút ấy tôi thấy mình xao xuyến một cảm giác quá ư lạ lẫm. Tôi cũng không ngờ có ngày học trò cũ tìm gặp một cách tình cảm như thế!
Lần gặp mặt đầu tiên đó, các em không nhiều lắm, nếu tôi không nhầm thì chưa được phân nửa lớp, nhưng không khí vui tươi rạng rỡ trên nét mặt các em thì như vừa tìm lại một cái gì quý giá đã mất đi. Các em hàn huyên tâm sự, xoay quanh những kỷ niệm vui buồn của thời niên thiếu, tuổi học trò vừa dễ thương vừa dễ ghét cùng nghịch ngợm. Thầy trò hôm ấy xem ra đồng trang lứa. Thầy tóc còn xanh, nhưng học trò có em tóc đã hoa râm! Vì thế, em Quỳnh- Bs Trung tâm y tế dự phòng sở Y tế Quảng Trị - đến muộn, bi bô cười chào các bạn rồi xoay sang phía tôi hỏi các bạn một cách chân tình: “Thằng nầy ngồi ở đâu mà tao không nhớ?” Các em khác biết Quỳnh không nhớ nổi thầy, đùa trống không: “Ngồi bàn phía trước mầy”. Nét mặt ngơ ngác của Quỳnh như cố tìm xới trong tàng thức xem có nhớ được không. Trưởng lớp Hoàng Văn Thông (trước đây là Hoàng Văn Phóng) lên tiếng: “Thôi, đừng đùa nữa, e phạm thượng! Thầy kỳ chủ nhiệm lớp, sao mầy không nhớ?” Quỳnh tưng hửng vỗ hai má nhận tội theo kiểu người Trung Hoa, Quỳnh xốc nổi tôi lên, tha thiết xin lỗi thầy. Chưa hết, lại thêm em Lý đến sau cùng cũng thế; nhưng tránh tình trạng như Quỳnh, các em khác không để kéo dài tình trạng bé cái nhầm!
  Cứ thế, như một lập lệ, hàng năm vào cuối hè, lớp Chín Hai lại tổ chức hội lớp, lúc nhà bạn này, lúc nhà bạn khác. Từ biển Cửa Tùng, Cửa Việt, động Phong Nha Quảng Bình đến Non Nước, Hội An của Quảng Nam- Đà Nẵng đều có dấu chân các em với  tôi và một số thầy cũ. Tôi nhớ mãi em Hương, mỗi lần hội lớp đều cất tiếng hát đầu với bài: “Tình cây và đất” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Âu đó cũng là tâm tư gắn bó với bạn bè. Nhưng định mệnh quá khắt khe, Hương đã vĩnh viễn ra đi, chẳng còn được đến với bạn bè trong những buổi họp mặt sau này; mới đó mà cũng đã năm năm rồi!
Quý Thầy Hoàng Mãi- Trần Văn Kỳ và Nguyễn Văn Quang( X)
dự buổi họp mặt lớp Hoàng Văn Thông
  Mỗi năm có thêm một số em đến với buổi họp mặt lớp, một số ở trong nước và ngoài nước do công việc không về được, nhưng cũng điện về thăm hỏi, chúc mừng. Đặc biệt, lần họp mặt lần thứ tám, chín gì đó, có cả Kim Quy cùng chồng và hai con từ Georgia - USA về thăm quê; Lai, Tuyến tận Cà Mâu, Cần Thơ cũng có về. Non bốn mươi năm gặp lại, các em thấy tình bầu bạn như chưa hề phai nhạt. Các em vẫn nhớ các thầy cô, cho dù trong thời học trò các em có rất nhiều thầy cô từ hồi Tiểu học cho đến khi bước chân vào đời. Buồn vui các em kể nhiều lắm. từ thời gian khổ đến lúc thăng hoa. Giờ đây các em đã thành ông, thành bà, con cái đã trưởng thành, ổn định cuộc sống. Dòng sông nào cũng phát xuất từ nguồn trên non cao chảy về biển cả. Hiếm hoi mới có sông Sê-pôn, Arian từ Việt Nam chảy ngược sang Lào, và sông Kỳ-Cùng chảy sang Trung quốc. Không riêng gì mình tôi,  năm nào lớp cũng có mời thầy Phong- Hiệu trưởng, thầy Quang, thầy Hoà còn ở lại Quảng Trị. Quý thầy cô ở Huế như thầy Tiêu, thầy Hoá, thầy Đặng Lữ, cô Loan và ở Đà nẵng như thầy Thiện Lữ thì các em chưa liên lạc được. Điều đáng mừng là sự nhiệt tình của BLL lớp và quyết tâm của tập thể lớp nên sau 13 kỳ hội lớp, tập kỷ yếu ảnh “KÝ ỨC MỘT THỜI” đã hoàn thành. Đây là một kỷ vật quý báu cho các em và cho cả các thầy cô ngày xưa dạy ở lớp. Các lớp khác cùng khoá cũng có tổ chức họp mặt nhưng ít hơn, và các em cũng chung một ước mong được gặp lại thầy cô, bạn bè cũ.
Dẫu trường Trung học Triệu Phong chỉ tồn tại 15 năm, học sinh các khoá đều thành nhân, và nhiều người đã thành danh, đóng góp sức tài cho đất nước, nhất là trong giai đoạn xây dựng và phát triển hiện nay. Tôi tin chắc rằng quý thầy cô giáo cũ đều hãnh diện, vui mừng bởi ít ra cũng một thời làm thầy, cô giáo ở trường Trung Học Triệu Phong!
Mồng năm Tết Canh Dần, Lê Văn Trâm điện mời tôi về gặp mặt lớp tại nhà Tào ở Bích Khê, Triệu Long. Tính năm tháng, thầy có lớn hơn trò, nhưng vóc dáng chẳng khác nhau là mấy, toàn là những đầu tóc hoa râm hoặc bạc trắng. Tuy thế, lòng kính mến thầy cũ của các em thì rất nồng ấm, đáng khen, đáng phục! Cũng từ buổi họp này, thầy Quang đề xuất tổ chức ngày họp mặt cả 15 thế hệ ;Thầy -Trò trường Trung học Triệu Phong  đúng 50 năm từ ngày thành lập trường, cho dù trường chỉ hiện diện trong một thời gian ngắn. Các em rất đồng tình. Hôm đó có thầy Mãi nữa. Chúng tôi tán thành và đề nghị thầy Quang chủ đạo việc này. Một cuộc họp ban liên lạc các khoá từ 60 đến 75 được tổ chức tại nhà thầy Quang. Tất tật mọi việc được đại diện các ban liên lạc đóng góp ý kiến. Cái khó nhất là xin phép chính quyền định ngày họp mặt, thứ hai là hoàn thành tập san kỷ niệm; còn lại là thứ yếu, nhưng cũng không kém phần khó khăn.
  Bằng tấm lòng chắc chắn là có rồi, nhưng đóng góp bài vở cho tập san kỷ niệm thì e khó quá, bởi mấy chục năm nay tâm hồn tôi và chữ nghĩa đã xơ cứng cả rồi vì cứ mải miết đuổi theo cuộc sống để tồn tại. Tuy nhiên tôi vẫn thấy vui và vẫn cố gắng viết, vì đời người 100 năm dài lắm nhưng cũng ngắn lắm, trong khi đời thầy chỉ có vài mươi năm, ngắn lắm nhưng cũng dài lắm cơ mà! Đời người của thầy Chu Văn An chỉ có 70, 80 năm, nhưng đời Thầy của Thầy Chu Văn An thì tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác và có biết bao nhiêu vị Thầy vẫn mãi mãi như thế, từ trước cho đến bây giờ và cả mai sau!
TXQT, một đêm thanh vắng - 2010
Thầy Trần Văn Kỳ