DẤU ẤN TRƯỜNG XƯA
Kính thưa quý Thầy, Cô,
Các bạn thân mến,
Đã hơn một giờ khuya, không hiểu tại sao tôi nằm thao thức không ngủ được. Thực ra, không phải do ốm đau nên sức khoẻ yếu, mà chính do tâm thức cồn cào khi nghe bầu bạn nhắc lại kỷ niệm xưa của tuổi hoa niên dưới mái trường thân yêu, khiến tôi trằn trọc đêm dài. Tôi bật dậy, lấy giấy bút ngồi viết một mình giữa canh khuya vắng lặng.
Trước đêm hôm ấy tôi nhận được cuộc điện thoại của người thân, em của Lê Thị Hồng (bạn cùng lớp tại trường THTP khoá 1960-64)
Nội dung như sau: “Chú Dự ơi, nghe đâu thầy Quang , Hiệu trưởng trường Triệu phong cũ có ý định tổ chức buổi họp mặt CHS Trung học Triệu Phong và ra tờ đặc san kỷ niệm trường xưa tròn 50 tuổi, chú có tham gia viết bài gởi về cho thầy Quang không?”
Tôi bảo với Huệ là có.
Tôi bảo với Huệ là có.
Ngày hôm sau, buôỉ sáng tôi đang ngồi tư duy về ngôi trường Trung học Triệu Phong bỗng nhiên điện thoại reo, mở ra thấy số sim của anh Lê Tâm từ quê gọi vào. Tôi chào, hỏi:
-A lô, anh Tâm à? Em nghe đây.
Với giọng nói thân quen, anh bảo:
-Dự ơi, mi viết bài ra cho Quang gấp kẻo hắn đang trông nghe.
Thế là cả ngày hôm đó, tôi ngồi moi móc trong trí, cố nhớ về thời. Cơm tối xong, tôi nằm suy nghĩ mãi không sao ngủ được. nỗi nhớ dâng tràn: nhớ Thầy, nhớ bạn, nhớ trường xưa...
Nói đến ngôi trường Trung học Triệu Phong, tuy đã 50 năm trôi qua, tôi vẫn còn khắc sâu trong tâm khảm.
Lúc bấy giờ tại tỉnh Quảng Trị chỉ có 3 trường Trung học có đủ cả hai cấp (Đệ nhất cấp và Đệ nhị cấp) là trường công lập Nguyễn Hoàng và hai trường tư thục Thánh Tâm và Bồ Đề; còn các quận huyện, trường trung học Đệ nhất cấp hầu như chưa có. Với chủ trương cải tổ, tăng cường giáo dục của chính quyền lúc bấy giờ nên đã cho xây dựng tại quận Triệu Phong một trường trung học.
Thế là năm 1960 lớp Đệ Thất đầy tiên được mở ra tại quận nhà, và một năm rưởi sau chúng tôi được về học tại ngôi trường mới xây ở xóm Bèng, thôn Nại Cửu. Trường gồm 4 phòng học, tường xây, mái ngói, về cơ sở vật chất tạm đủ.
Về tuyển sinh lớp đầu tiên, tôi có nhiều kỷ niệm. Năm ấy tôi vừa đỗ Tiểu học, nên nộp đơn thi vào trường để được đi học gần nhà. Thí sinh nộp đơn là 492 mà chỉ lấy vẻn ven 50 người. Tôi rất lo lắng vì tỉ lệ ấy thì phải 1 chọi 10! Tôi sợ không biết mình có tranh nổi với các bạn không, nhưng cũng khá tự tin vì hồi ấy tôi học Toán rất giỏi. Cuốn 600 bài toán khó của Trần Tiếu tôi đều giải được. Kết quả là tôi may mắ được nằm trong danh sách 50 thí sinh trúng tuyển, gồm 44 nam và 6 nữ. Số lượng nam đông nên tôi không nhớ hết, còn 6 nữ thì tôi còn nhớ rõ tên ,họ từng người: Lê Thị Bé, Nguyễn Thị Việt Điểu, Dương Thị Đoá, Diệp Phụng Ên, Lê Thị Hồng và Nguyễn Thị Hoà.
Khai trường được một tuần lễ thì không rõ lý do gì Dương Thị Đoá xin chuyển lên trường Nguyễn Hoàng, lóp chỉ còn 5 nữ.
Các thầy, cô dạy lớp, tôi còn nhớ: Hiệu trưởng là thầy Phan Thanh Thiên,
Pháp văn có thầy Đỗ Thanh Quang (lúc đầu làm quyền Hiệu trưởng), thầy Nguyễn Quang Kế, Vạn Vật có thầy Trương Quý Nghi, Quốc văn có thầy Trần Sĩ Tiêu, Hai cô dạy Lý, Hoá là cô Tỉnh và cô Gái, dạy Toán có thầy Kham, ... về sau có thêm thầy Phú, thầy Lữ, thầy Hoà, ...
Xong lớp Đệ Tứ, sau khi khi Trung học Đệ Nhất cấp, chúng tôi chuyển lên học Nguyễn Hoàng.
Có lẽ tâm trí cũng già nua theo năm tháng. Những kỷ niệm vui buồn không tài nào nhớ hết, bởi cuộc sống dần dà đổi thay, mưu sinh lắn nỗi. Kẻ ở, người đi, đứa mất đứa còn. Sau nhiều năm xa cách không gặp lại nhau, tôi vẫn tin tưởng rằng: mọi vật đều biến dạng, chỉ có những kỷ niệm khó phai mờ. Trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, chiến tranh khốc liệt, lớp chúng tôi đã đi qua tuổi học trò và trở thành những con người lao đông của xã hội. Mỗi người theo số phận đẩy đưa, phải chấp nhận cho mình một chỗ đứng: đứa làm công nhân, đứa công chức, đưa đi lính ngoài sa tường,... chưa biết sẽ ra sao. Nhưng làm sao quên nhau được! Lúc bấy giờ tôi trở thành một cán bộ ngân hàng.
Năn 1972, chiến tranh ác liệt xảy ra ở quê nhà, tôi phải chạy vào Nam . Bước chân đi mà lòng đau se thắt, tôi đã viết ra những bài thơ đầy cảm xúc trào lên tự đáy lòng, như bài Thương về Quảng Trị, viết từ ngày 14/04/1972, khi thoát chết ở đoạn Cầu Dài:
Rồi một thuở chiến tranh xao động
Đất trời vàng võ thê lương
Những cánh chim bằng vội vàng sãi cánh tha phương
Ai có đi xa mới thấy tình quê hương gắn bó.
Hỡi ai, người không có quê hương!
Bước thấp, bước cao, bước dài, bước ngắn ...
Có ai bước mà không đi?
Có ai đi mà không ngoái đầu nhìn lại?
Dẫu cho ngút ngàn xa ngái
Quê hương canh cánh mãi bên lòng
Đêm về ngắm ánh trăng trong
Sáng nghe chim hót, người trong tình người.
Đi ngược vào Ngô Xá, Linh Yên, Mỹ Thuỷ, sao quên được thằng Nguyễn Ngọc Bát làm thơ rất hay, thằng Kha vẽ giỏi, ... Qua Nhan Biều, lên Tích tường, Như Lệ, Đại An Khê nhớ đến thằng Giang, thằng Tựu, thằng Thiên, thằng Hai, thằng Nghị (mũi đỏ). Vào Long xuyên gặp Lê Thị Bé nay đã làm Mệ ; qua tận trời Tây có Lê Thị Hồng hoa khôi một thuở, ... Biết bao giờ kể hết tình cảm với lớp bạn thân thời thơ mộng ấy!
Ngồi nghĩ lại mình tuổi già bóng xế, cũng đã trở thành người viễn xứ. Lâu lâu mới trở lại thăm quê, đi qua con đường thân thuộc ngày nào thế mà vẫn không sao tìm được dấu tích trường xưa! Phải chăng bụi thời gian đã xoá mờ đi tất cả, sao lòng mình chẳng thể nào quên?!
Cát bụi chưa mờ chân dặm khách,
Hồn quê vương vấn mãi trong tôi.
Nghĩ lại mới hay rằng tuy ngôi trường xưa không còn hiện hữu, nhưng dấu ấn khó phai mờ; bạn bè tuy lâu gặp nhưng dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí; Thầy, Cô người còn, người mất, nhưng lòng tôn kính khó mờ nhạt trong tim! Ngồi một mình suy tưởng viết lại dấu ấn trường xưa, tôi cứ ngỡ mình còn là cậu bé ngây thơ ngày ấy. Khi nhìn qua gương chợt thấy giật mình bởi tóc xanh ngày nào nay đã bạc trắng, trán nhăn, má hóp, không biết có còn gặp lại các Thầy Cô, bạn bè không! Lòng bồi hồi, xúc cảm tràn dâng, ...
Bút giấy nào viết đủ, lời lẽ nào lột tả hết tâm tư?! Nhìn đồng hồ đã 4 giơ 30 sáng, ngoài hè phố tiếng dép tập thể dục đã vang lên, tôi lại phải xếp bút đứng lên rời bàn giấy.
Nhân các bạn tổ chức họp mặt CHS Triệu Phong và ra tập san kỷ niệm, tôi xin góp mặt một số bài viết để các bạn xem xét, in đăng. Đồng thời, cho tôi kính gởi lời chúc quý thầy cô mạnh khoẻ và tôi suốt đời ghi nhớ công ơn của quý thầy cô kính mến.
Chúc các bạn thành công trong việc tổ chức họp mặt và ra tập san như mong muốn của mọi người. Tôi ước mơ sức khoẻ cho phép để có thể về chung vui cùng Thầy Cô, bè bạn trong ngày đoàn tu./.
Thị xã Bà Rịa, một ngày chớm hạ
HOÀNG DỰ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét