Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Nhớ trường xưa-L.T.Huệ

NHỚ TRƯỜNG XƯA
Lê Thị Huệ CHS.THTP K 62-66 

Tiếng chồng tôi gọi: “Em ơi! Có điện thoại của Thầy Quang”
“Thầy Quang nào vậy anh”
“Thầy Quang Quảng Trị”
Thật vui mừng khi nghe Thầy báo: Ở Quảng Trị các đồng nghiệp của Thầy chuẩn bị làm một tập san kỷ niệm năm mươi năm thành lập Trường Trung học Triệu Phong. Đó cũng là ước muốn của tôi từ lâu. Hôm nay sắp thành sự thật. Tôi rất vui khi nhận được tin mới này.
Nhiều năm nay vợ chồng tôi được đọc tập san “Hương quê nhà”; “Nguyễn Hoàng chân dung và kỷ niệm”
Hồi tưởng lại những ngày còn cắp sách đến trường từ Triệu Phong đến Nguyễn Hoàng lòng tôi không khỏi bồi hồi xao xuyến. Nhưng trong tôi kỷ niệm về Trường xưa lối cũ sâu đậm nhất vẫn là trường Trung học Triệu Phong.
Trường tôi học nằm bên quốc lộ 4, ngày xưa mọi người thường gọi “đường quan”. Những năm tôi học trường chỉ có 5 phòng (một phòng được ngăn hai làm văn phòng Hiệu trưởng và một phòng là phòng các giáo viên còn lại là phòng học dành cho các lớp từ đệ thất đến đệ tứ)
Trường của tôi be bé không nằm dưới rặng cây vì trường mới xây, cây phượng được trồng không che đủ cho trường; Ở đó tôi đã học Bốn năm, khi tôi bước chân vào lớp đệ thất trường mới có 5 lớp :Một lớp đệ ngũ (lớp thầy Quang, trong lớp có chị Hồng của tôi học), hai lớp đệ lục và hai lớp đệ thất.
Lớp trưởng của tôi là anh Quốc Đình Cường. Nam nữ học chung.
Nữ sinh gồm có các chị:
1. Đoạn Thị Anh (Quảng trị) 
2. Lê Thị Chắt
3. Hồ Thị Lý (Sài Gòn) 
4. Lê Đình Thị Lý (Đã mất)
5. Nguyễn Thị Khải (Đã mất) 
6. Lê Thị Mỹ Kiên (Nha Trang)
7. Lê Thị Huệ (là tôi) 
8. Hồng Ái Huệ (Quảng Trị)
9. Hồ Thị Như Mai 
10. Hồ Thị Ngọc Hà
11. Đoàn Thị Quang 
12. Lê Thị Thuận Hòa
13. Trần Thị Thương 
14. Lương Thị Thanh Vân
Còn nam sinh tôi nhờ không hết - chỉ còn nhớ các anh:
1. Nguyễn An 
2. Võ Ánh
3. Nguyễn Ấn 
4. Lê Văn Mai
5. Nguyễn Giỏ 
6. Ngô Hào
7. Trần Hào 
8. Lê Thanh Khiết
9. Nguyễn Đình Thuần 
10. Phan Chánh Thái
11. Lê Liễn 
12. Lê Bổng
13. Võ Hòa 
14. Phạm Đình Thiên
15. Hà Ngọc Tựu (Đã mất) 
16. Lê Bá Tâm
17. Lê Đình Lợi 
18. Đình Quốc Cường
19. Hồ Công Thạnh (Đã mất)
Người ta thường nói: “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, nhưng lớp tôi tất cả học sinh đều ngoan, chăm học mặc dầu khí hậu Quảng Trị rất khắt khe, nắng thì rát da mưa thì kèm theo rét mướt, số học sinh vắng mặt vì bệnh hay các lý do khác rất hiếm, ai cũng siêng năng chuyên cần.
Và điều làm tôi quý mến và trân trọng nhất là các thầy cô giáo của trường, khi đứng trên bục giảng hay những ngày cắm trại đầu xuân, những buổi lễ phát phần thưởng cuối năm cho học sinh lúc nào cũng chỉnh tề nghiêm trang nhưng rất thân thiện bao dung.
Tôi thường nghe lúc về già mọi người thường hay nhớ về quá khứ, có lẽ lúc trẻ vì lo việc mưu sinh nuôi dạy con cái, khi đã hoàn thành nhiệm vụ với con vì chúng đã nên người có ích cho xã hội, lòng không còn bận chút lo âu thì hay kể lại chuyện xưa với bạn bè, với chồng với con.
Hội đồng giáo viên lúc tôi học gồm có:
- Thầy hiệu trưởng là thầy Đỗ Thanh Quang. Sau đó Thầy Phan Thanh Thiên về thay.
- Thầy Trịnh Ngọc Phòng dạy Anh văn (Đã mất)
- Thầy Ngô Đức Kế dạy Pháp văn (Đã mất)
- Thầy Nguyễn Kham dạy Toán
- Thầy Nguyễn Thiện Lữ dạy Toán
- Cô Bùi Thị Gái dạy Toán và Nữ công
- Cô Phan Thị Ngọc Tĩnh dạy Lý Hoá
- Thầy Hồ Sĩ Tiêu dạy Quốc văn
- Thầy Trần Ngọc Châu dạy Quốc Văn
- Thầy Tôn Thất Phú dạy Toán và Nhạc
- Thầy Tôn Thất Văn dạy Vẽ
- Thầy Lê Quý Nghi dạy Vẽ
- Cô Nguyễn Thị Như Hoàn dạy Quốc Văn
Và cô Thanh vợ thầy Thiên dạy Vạn vật.
Các Thầy giáo lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề
Các Cô giáo cô nào cũng trẻ đẹp sang trọng trang nghiêm, tôi thường đứng nhìn các cô mê mệt mỗi khi đi sớm và những buổi trực trường đi ghi sĩ số học sinh hiện diện và vắng mặt của lớp rồi ghi vào sổ trực, việc đánh trống và nước uống cho giáo viên là việc của phu trường: Bác Thơm. Không hiểu giờ này bác sống hay đã chết? Nhà bác ở sau lưng trường, giờ ra chơi tôi và các bạn hay xuống xin nước uống, bác hay đi câu ếch về bán hoặc cho các con ăn. Nhà bác có một cái thùng phuy ngay phía trước, trong đó nhốt toàn ếch. Không biết có phải vì ăn nhiều ếch hay không mà con bác có mấy đứa bị dính ngón chân, ngón tay hoặc bị thừa ở tay, như anh đầu bác đặt tên Thừa cùng tuổi tôi nhưng học lớp Pháp văn. Bác Thơm vui tính và hay cười, bác thương học trò, ít khi cáu gắt và tôi ghi vào đây vài dòng để nhớ bác. Bác ơi! Bác đang ở đâu, còn sống hay chết? Các con bác giờ này ra sao?
Vào năm học 63-64 trường tổ chức cắm trại, đó là lần cắm trại duy nhất của trường lúc tôi còn đi học. Một không gian êm ấm với không khí vui tươi và thân mật trường tổ chức rất chu đáo, có các tiết mục thi đua như nấu ăn, làm mứt, kéo co và văn nghệ
Tôi ở trong ban văn nghệ trường, thầy Phú dạy nhạc làm trưởng ban, anh Máy lớp đệ tứ đàn, chỉ có cây đàn ghita của thầy Phú mà làm nên ban nhạc. Không có trống, kèn, nhưng với tôi, lúc đó như vậy đã đủ rồi. Phần thi đơn ca, tôi được giải nhất, ôm một phần quà gồm sách vở và truyện tranh to đùng. Sau cùng là xổ số mừng xuân, tôi lại được giải nhì, lãnh một đôi giày., Ngoài ra, các anh lớp đệ tứ đã chuẩn bị trước một tờ báo xuân, có vẽ luôn hình thầy hiệu trưởng Phan Thanh Thiên, bức ảnh này là do anh Lê Kha (Đông Hà) vẽ. Những kỷ niệm rất vui và rất dễ thương như vậy làm sao tôi quên được.
Cuối năm đệ tứ, cũng là năm đầu tiên trường Nguyễn Hoàng thông báo các trường huyện học hết trung học muốn chuyển về Nguyễn Hoàng chỉ cần đủ điểm trung bình, thế là tôi vào Nguyễn Hoàng không phải thi cử gì cả.
Dù đã ra khỏi trường nhưng trong tôi luôn nhớ về trường Trung học TRIỆU PHONG, nhớ các thầy cô giáo, nhớ các bạn học thân yêu của tôi. Tuy trường cũ của tôi không còn nữa, vì sau 75 thì trường đã nát tan mất rồi.Nhưng Trường ơi, tôi mãi nhớ!!!...
Biên Hòa,2/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét