Nguyễn Văn
Tương
Từ cầu Sãi , chân cầu phía Đông có con đường đất đi xuống áng chừng 300m thì gặp ngôi đình Cổ Thành bề thế nằm bên tay phải .Mang dáng vẽ kiến trúc cổ , lợp ngói âm dương , mái cong có long giao uốn lượn , trên đỉnh là lưỡng long chầu nguyệt , bên trong gồm những hàng cột gỗ mít lỏi cỡ một người ôm không hết , đã bạc màu vì thời gian . Hậu điện gồm những bàn thờ xây bằng vôi chỉ đặt ở trên một lư nhang . Chính giữa có một chữ Thần bằng chữ hán to tướng , uy nghi.. Tường bằng vôi vữa xây gạch đã hư nát loang lỗ, tuy nhiên vẫn còn trụ rất vững chắc . Hai đầu hồi và phía trước để trống rỗng , không có cửa khiến cho đình càng thêm rộng mênh mông . Sàn lát gach thẻ không được bằng phẳng lắm .Nhưng hồi xa xưa đó là một kì công ,tốn cỡ hai tới ba thiên gạch thẻ chứ không ít . Sau lưng và hai đầu giáp với khu dân cư đông đúc ,Phía trước là con đường đất rộng nằm về hướng Tây . Theo quan niệm xưa thì mọi kiến trúc đều phải bị chi phối bởi tư tưởng “Đông không thầy , Tây không chủ" . Câu này có ý nói rằng nhà cửa làm theo hướng đông thì có ánh sáng mặt trời rọi vào , vệ sinh ăn ở tốt ,không cần thầy thuốc , còn hướng Tây làm nhà ở không được , chỉ để làm nhà thờ tổ tiên , ông bà .Bên kia con đường ,dưới sâu thăm thẳm là một nhánh sông Thạch Hãn bên nầy dựng đứng , bờ đá rêu phong ; bên kia là bờ cát bồi , đầu nguồn của con sông Vĩnh Định, nước sông trong veo chảy lững lờ quanh năm trông rất dễ thương .Buổi trưa hè nắng gắt mà rủ vài người bạn tung tăng , đùa vui trong dòng nứơc mát lạnh thì có gì thú vị hơn ? Về mùa nước lũ, nước trường sơn chảy về cuồn cuộn trông rất hung dữ .
Ngôi đình dài năm căn mỗi căn rộng chừng hai mét và mỗi đầu hồi hai mét nữa vi chi là cở mười bốn mét ,được ngăn làm hai ,dành cho hai lớp : "Đệ thất một ở đầu Nam , còn lớp tôi đệ thất hai ở đầu Bắc" .
Hồi ấy những nơi thờ phượng là hết sức tôn nghiêm , trẻ em không được bén mảng đến , sợ làm ô uế , thế mà bà con trong làng vẫn ưu ái cho chính quyền mượn để làm nơi học tập cho con em thì thật là một sự hy sinh .Năm tôi học là thế hệ thứ hai của trường .Lớp anh Quang ,anh Lê Hóa ,anh Tâm ,anh Bản , …là thệ hệ anh cả không học ở đây . Dơi kéo nhau về ở đây nhiều vô số kể . Mỗi buổi sáng , thường từ lúc 5 giờ chúng tôi đã có mặt (những học sinh ở xa đi bộ tới trường sớm lắm ) , đàn dơi bị động bay túa ra một loạt , nổi lên một âm thanh dễ sợ , ai yếu tim chắc sẽ lăn đùng ra chứ chẳng chơi.
Tiêu chuẩn chia lớp một, hai thì có cơ sở hẳn hoi .Năm học 1961-1962 tuyển sinh 120 người ,Hội dồng thi ặt tại Trường Tiểu học Cổ Thành,đậu từ thứ 1 đến 60 học Pháp văn ,từ 61 đến 120 thì học Anh Văn . Khác với sau này là học sinh giỏi thì học Anh văn . Chia lớp kiểu đó làm tôi buồn gần cả năm ! Có một điều làm cho tôi càng thêm chán học tiếng Anh nữa là lớp tôi có chừng trên 10 người đã học trước chương trình rồi quay học lại nên tôi khó mà thi đua với họ được. Trước đây tôi chỉ nghe người ta nói tiếng Pháp làm cho tôi ghiền .nhưng khốn nỗi, tôi đậu thấp 105/120 nên bắt buộc học tiếng Anh .Các âm air , ăng ,ê ien tiếng Pháp đọc sao nghe đã quá , nó quyến rủ tôi quá trời , nó làm cho tôi bỏ bê tiếng anh để theo học lỏm tiếng Pháp đọc cho nó thỏa thích . …Vocabulair ,vive lété ,grammair ,…đọc nghe sảng khoái ! Còn tiếng Anh chỉ có những câu đàm thoại ngắn không thể nào đọc một tràng như Tây được .Hồi ấy ngoại ngữ giáo viên thường bắt buộc học sinh học thuộc lòng một đoạn văn .Tiếng Pháp thì có những đoạn dài mà đọc , còn tiếng Anh chỉ học thuộc phần Tom’s impression , một đoạn dài nhất chừng năm dòng , ngắn thi ba dòng làm tôi ngứa miệng quá . Sau này lên lớp đệ ngủ , đệ tứ học quyển “ Practice your English “ thì thích thú hơn nhiều ( Lứa chúng tôi chưa có “ English for today “) .
Để cho oách với bạn bè , thiên hạ tôi bèn ghép các câu đàm thoại rời rạc thành một đoạn văn , không cần ngữ nghĩa gì cả , thế là tôi cũng đọc từng tràng dài nghe cũng tạm được nhưng sao âm nó nghe ần…ần , ồ ồ..chán quá .Tôi bèn lấy cuốn “L’ Anglais vivant et civilisation “ đọc bố xua , cuốn sách học kèm với cuốn “ Let’s learn English “ Dù sao tôi cũng làm cho các anh chị , và bà con tôi nể mặt . Bắt đầu từ đó đi đâu tôi ôm theo Let’s learn English .Trong 20 người trong làng tôi, đậu vào lớp đệ thất năm đó chỉ có mình tôi đậu thấp nhất nên chỉ có tôi học tiếng Anh .Bởi vậy đọc nhăng cuội gì nào ai biết mà sợ ! Tiếng Anh của tôi tệ dần có thể là hỏng luôn nếu …Vâng , nếu không có một người thầy đáng kính của tôi :Thầy Trịnh Ngọc Phòng .
Tôi chỉ nhớ thầy qua kí ức , Gặp thầy , được thầy dạy dỗ một niên học mà tưởng chừng thoảng qua như một làn gió . Tình cảm thầy trò đang sâu đậm thì thầy lai ra đi như mọi chàng trai thời đất nước loạn ly !
Thầy có tuổi đời chừng 24-25 .Dáng người trung bình về mọi mặt ,trừ nụ cười ấm áp , mái tóc luôn bồng , nên khi đứng lớp thầy thường đưa tay vuốt lại cho dễ coi , nhìn riết rồi quen , nên mỗi khi nhớ đến thầy là nhớ những bước đi dài từ trên bảng xuống ngay lối đi giữa hai hàng ghế học sinh , rồi đi lùi lại ( không bao giờ thầy quay lưng về phía học sinh ) miệng luôn sẵn nụ cười và tay vuốt mái tóc bồng ! Chân dung ấy của thầy ghi mãi tròng lòng chúng tôi . Riêng tôi thì hàm ơn thầy nhiều lắm .Chuẩn mực , nhiệt tình và rất chịu khó cùng với sự thương yêu học sinh , thầy đã làm cho lớp học sinh động và hăng hái hẳn lên . Thầy đã kéo tôi từ sự lơ là , lệch lạc trở thành yêu thích học Anh Văn .Bởi vì lúc đó học tiếng Anh mà không có bất kì sự hỗ trợ nào từ các phương tiện thông tin , sách tham khảo gì cả , không biết thì đành chịu , tuyệt đối không hỏi được ai .Thầy bắt đầu từ cách đọc dễ nhất bằng tiếng Việt âm ra từ tiếng Anh , sau đó phát triển dần lên .Cách dạy ngoại ngữ này hoàn toàn thích hợp trong hoàn cảnh hồi đó . Bây giờ thì không cần như thế ,bởi có sự hỗ trợ đắc lực của máy móc .Tôi đã khá dần lên nhờ thầy và tôi đã quên hẳn học lỏm tiếng Pháp của bạn bè . Tôi còn nhớ lớp đệ ngũ , trong một bài kiểm tra tiếng Anh thầy Hoàng Ngân Hà đã ghi lên bài làm của tôi câu “ I am very sorry because I don’t remark over twenty “ .Hồi ấy hệ số điểm là 20 . Tôi cầm bài kiểm tra , lòng xúc động và nhớ tới thầy Phòng với lòng biết ơn !
Đất nước càng ngày càng chìm trong khói lửa ,súng to pháo lớn từ nơi xa xôi nào đó đang ùn ùn kéo đén đất nước nầy , tang tóc điêu linh càng ngày càng tăng . thầy Phòng đang lứa tuổi thanh niên đã bị cuốn vào cơn lốc chiến tranh . Mặt trận Giải Phóng Miền Nam vừa mới ra đời một năm và đang lớn mạnh , bom dạn cày xới tơi bời làm rách nát da thịt đất mẹ Việt Nam .
Thầy Phòng một hôm đã bị bắt buộc phải lên đường !
“Bỏ thuyền bỏ bến bỏ dòng sông …” .
Không , không êm ái như thế .Thầy ra đi với lòng nặng trĩu , nỗi mất mát đang dần hiện hữu.
Không có buổi họp mặt , không liên hoan chia tay , không nói lời từ biệt , không được nhìn thầy lần cuối cùng , cứ lặng lẽ thế rồi thầy đi , biền biệt…biền biệt…Chúng tôi còn bé quá chỉ biết buồn nhưng chưa biết đau , lòng tự nhủ “rồi mai mốt thầy sẽ trở về , đâu biết được sự nghiệt ngã của chiến tranh !
Dòng đời cứ trôi vô tình , với bao dâu bể , chúng tôi cứ hồn nhiên cặm cụi học tập , sách đèn và quên dần mọi việc chung quanh .
Cho đến một hôm được tin thầy vĩnh viễn không về nữa ! tin đến đã quá trể , hơn nữa tôi chẳng biết địa chỉ để đến thắp cho thầy một nén hương ! Chúng tôi tệ quá ! Nhưng chiến tranh cũng dần dần muốn nuốt tất cả , thiêu rụi tất cả .
Tuy chỉ một năm mà sao công ơn của thầy lớn quá . Thầy đã uốn nắn cho chúng tôi nên người , cảm nhận được niềm hạnh phúc khi làm người kỉ sư tâm hồn . “Like teacher, like pupil ! “ Ngạn ngữ Phương Tây mà có lí . Sau nầy chúng tôi cũng đã đứng ở vị trí của thầy năm xưa và luôn cố gắng xứng đáng những gì thầy đã dìu dắt , bảo ban .
“ 49 năm qua rồi , xin cho em thắp nén hương tưởng niệm , và sám hối ! Nhớ thầy nhưng chưa một lần có dịp cùng nhau được nhắc tới thầy . Lứa học sinh của thầy ngày nao nay đã nên người , trong có kẻ thành đạt để không phụ ơn thầy” . Tuy nhiên không sao tránh khỏi những đứa con lạc loài , âu cũng là lẽ thường tình !
Chúng ta hội tụ ,lên tập san Trường Trung Học Triệu Phong , có dịp để ghi lại công ơn quý thầy cô , đặc biệt tưởng nhớ tới thầy , người vĩnh biệt chúng ta sớm nhất khi tóc thầy còn xanh , chan chứa lòng yêu đời ! Ai nhớ ai quên ?!
Bà rịa 15/3/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét