Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

Ngôi trường trong...Ng. Mùi


NGÔI TRƯỜNG TRONG KÝ ỨC TÔI


CHS: NGUYỄN MÙI 
 (Nguyễn Đình Mùi)
Năm sinh:           1956
Lớp         :      6/2 - K 67-71
Trường   : TH.Triệu Phong
Quê gốc: Triệu Hoà, T.Phong
Hiện ở: Phú Tân, Cà Mau.
Điện thoại: 07803885965 
- 0780708965 Di động: 0946305589


“ Em hãy viết thư thăm người bạn thi hỏng.”
Đó là đề tập làm văn mà thầy Trần Sĩ Tiêu, giáo sư Việt văn lớp 8/2 ra cho chúng tôi viết ở lớp vào một ngày tháng 12 năm 1969. Tuần sau, chấm xong thầy trả bài. Bài viết của tôi “vinh dự” được thầy đọc cho cả lớp nghe. Với điểm 10/20 cùng với lời phê như sau: “Nội dung thiếu thực tế”, kèm theo lời hăm: “Tôi méc với ôông bên quận.” Vào cuối buổi sáng hôm ấy tôi còn nhớ như in từng khuôn mặt bạn học. Thầy tỏ vẻ bực mình về đứa học trò “xuyên tạc”. Còn tôi, sợ và rưng rưng buồn vì về nhà phải đối mặt với cậu (ba) tôi. Nội dung phần kết luận bài viết của tôi thế này: “Nam hãy đứng vững và đừng buồn gì cả. Thi cử thời bây giờ là thế. Nghèo, không tiền vẫn bị hỏng thi, mặc dù bạn siêng năng học tập.” Sau bài tập làm văn này, nhờ sự phê phán và hướng dẫn của thầy tại lớp ngày ấy, sức học Văn của tôi đã dần khá lên, (hồi ấy tôi học được các môn Toán, Lý, Hoá, Anh văn, còn môn Việt văn thì mù mờ lắm!) Không hiểu tại sao, mãi đến bây giờ hình ảnh buổi học hôm ấy tôi không thể nào quên được. Bốn mươi năm đã trôi qua như một cái chớp mắt. Có nhiều khuôn mặt đã nhạt nhoà, nhiều cái tên không còn trong ký ức của tôi nữa, nhưng kỷ niệm thì: “nghìn năm hồ dễ đã ai quên!”
          Tuổi thơ của tôi thăng trầm, hoàn cảnh chiến tranh đưa đẩy tôi chuyển trường luôn. Cuộc sống tạm cư hết nơi này đến nơi khác, nhưng trường Trung học Triệu Phong vẫn là ngôi trường chứa đầy ắp biết bao kỷ niệm, nuôi dưỡng khát vọng của tuổi trẻ mà tôi yêu quý nhất. Nếu như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng khẳng định mối quan hệ tình cảm như khúc ruột không thể tách rời giữa con người với quê hương: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”, thì với lớp lớp học trò: “ Trường xưa nếu ai không nhớ, cũng sẽ không lớn nổi thành người”, bởi vì suốt những năm tháng học trò ấy, hình ảnh thầy Văn Phong uy nghiêm, tác phong dứt khoát nhưng đầy tình thương yêu học sinh của thầy Hồ Bính, phát âm tiếng Anh khoẻ, chắc, chuẩn giọng là thầy Nguyễn Văn Quang, thầy Lê Mậu Duy dạy Toán mà sách giáo khoa chính là tập giấy in rô-nê-ô tóm tắt lý thuyết, tuy ngắn gọn nhưng học rất dễ hiểu. Rồi đến hình ảnh thầy Lữ dạy Lý Hoá, thầy Hồ Đáp, thầy Nguyễn Quang Kế dạy tiếng Anh. Tôi nhớ cuối giờ buổi sáng hôm ấy thầy Anh văn bảo cả lớp dịch Việt sang Anh câu: “ Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh dữ dội”. Khó quá nên cả lớp ngồi yên. Sau đó thầy dịch lên bảng: “ Vietnamese War is a bitter one.” Thầy dùng từ one để thay cho cụm từ một cuộc chiến tranh. Tôi thấy hay quá nên nhớ mãi. Hồi học lớp 9/2 (nk. 1970-71) tôi có một kỷ niệm nhỏ với thầy Hoá dạy Việt văn. Ngày ấy tôi được thầy khen vở sạch, chữ tốt. Một buổi sáng, giờ thứ ba, trong tiết trích giảng Truyện Kiều, đoạn Tả Kim Trọng, tôi đang mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ thì đột nhiên thầy gọi lên giải nghĩa cụm từ “ngựa câu dòn” trong câu: “Tuyết in sắc ngựa câu dòn”. Không do dự, tôi trả lời ngay là con ngựa non. Thầy cười nụ nhìn tôi. Không hiểu ý nghĩ của thầy thế nào, nhưng tôi cảm thấy như thầy mỉa mai kiến thức nông nổi của đứa học trò, làm tôi ngượng đến chín cả mặt. Quên sao được ngày nhà trường tổ chức cho chúng tôi đi du ngoạn về Cửa Việt, có Thầy Đặng Lữ (dạy nhạc) cùng theo hướng dẫn lớp chúng tôi. Học sinh được đi trên giang thuyền dọc sông Thạch Hãn, rồi đi tuốt ra khơi, lên tuần dương hạm vui chơi văn nghệ. Suốt chặng đường lướt sóng vui thật là vui, nhưng khi leo lên “hạm” thì mọi người đều say sóng. Lúc ấy tôi chỉ nghe mang máng bạn Lê Văn Kim còn tỉnh táo, hát bài: “Cớ sao buồn này Kim”.
Làm sao quên được hình ảnh các bạn cùng lớp cùng trường, cùng một thời thi đua sách đèn, mặc dù nay chỉ là kỷ niệm! Tôi quý mến sự nhanh nhẹn, tháo vát của anh lớp trưởng Hoàng Tiễn. Tôi thích thú các bạn cùng tổ Toán học tập theo cụm, gồm có tôi (Nguyễn Mùi), Bùi Đức Tường, Bùi Đới (đã mất), anh Đỗ Thiên Bảo, Đỗ Thiên Bạt, Võ Đích, . . . Tôi nhớ lắm những bạn Võ Khang, Lê Ngọc Quê, Trần Văn Hiền, Trần Ứng, Lê Công Quốc, . . . Hồi ấy tôi hay thẹn thùng lắm, nhưng nhớ như in hình ảnh của các O: nào là Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Hường, Diệp Phụng Kiệt, ... và Hồ Thị Mỹ Thuần, Lê Thị Thanh Hằng,. . . Các bạn còn nhớ tôi không? Tôi là Nguyễn Mùi đây. Các bạn đang ở đâu, chắc hẳn bây giờ là ông, là bà cả rồi?! Trên trang viết này, tôi xin chúc các bạn và gia quyến mạnh khoẻ. Dù chúng mình đường đời phiêu bạt, đứa ở tận cuối miền Nam, đứa ở Trường sơn, và có đứa đi biền biệt không về. Nhưng “Không có nơi mô như ở quê mình/ nên ai đi xa cũng hoài nỗi nhớ”   “Ai cũng có một thời tâm tưởng/ suối nguồn nào cũng trở lại với dòng sông” (Tạ Nghi Lễ - Gio Linh, CHS Nguyễn Hoàng).
Dòng đời không êm xuôi, chớp mắt mà đã 50 năm thành lập trường Trung học Triệu Phong. Tuy ngôi trường không còn nữa, nhưng tên trường thì mãi mãi trong lòng cựu học sinh. Được tin năm nay (2010), quý thầy cô và cựu học sinh dự định tổ chức kỷ niệm ngày thành lập trường, trong lòng tôi rộn lên bao cảm xúc ngọt ngào về mái trường đã đi qua trong đời tôi, về thầy cô đã từng dạy dỗ, dìu dắt tôi bước vào đời, về những người bạn của một thời cùng cắp sách đến trường, . . . Suốt những năm tháng học trò ấy, hình ảnh thầy cô gieo vào lòng tôi biết bao nhiêu ấn tượng đẹp đẽ, dạy cho tôi kiến thức, rèn cho tôi đạo đức, nhân cách và cao hơn nữa là dạy cho tôi đạo lý làm người. Nhân dịp này, cho phép em được bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến quý Thầy Cô, trong ký ức, em luôn khắc dấu tri ân, chôn chặt kỷ niệm êm đềm suốt cả cuộc đời.
Quê ta, khúc ruột thắt giữa hai miền đất nước. Dù nắng hạn cháy lưng, mưa dầm, lụt ngập, nhưng truyền thống “tôn sư trọng đạo” thì đẹp vô cùng. Tình cảm thiêng liêng dành cho quý thầy cô luôn luôn tồn tại trong mỗi chúng ta, và ngày kỷ niệm năm nay chính là dịp để chúng ta thể hiện lòng thành ấy.
Trong không khí bồi hồi này, có lẽ trong mỗi chúng ta ai cũng bâng khuâng những kỷ niệm về trường, về lớp là nơi nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn, chắp cánh ước mơ cho mình. Ở chốn xa xăm, tôi không nguôi nhớ về Quảng Trị, nơi tôi tâm niệm với lòng mình một ước mơ sẽ có một ngày trở về quê hương thăm lại chốn xưa và góp phần mình với “ngôi trường Trung học TRIỆU PHONG” cho các em có nhiều điều kiện học tập dể tiếp nối cha anh trên con đường vạn dặm trường chinh!

Mũi Cà Mâu, một ngày đầu Hạ.
NGUYỄN MÙI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét