Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010

Lược sử về Trường THTP 6075

ĐÔI NÉT VỀ TRƯỜNG TRUNG HỌC TRIỆU PHONG (CŨ), TỈNH QUẢNG TRỊ (1960 - 1975)
- Nguyễn Văn Quang -

Từ năm 1951 tại tỉnh lỵ Quảng trị có một trường Trung học tư thục duy nhất cho học sinh con nhà khá giả toàn tỉnh đến học. Đến năm 1952 trường ấy được công lập hoá và đổi tên thành Trường Trung Học Quảng Trị, rồi đến năm 1954 thì đổi tên thành Trường Trung học Nguyễn Hoàng và tồn tại cho đến trước ngày Giải phóng. Từ năm 1951, trong vùng kháng chiến của huyện Triệu Phong đã hình thành một trường Trung học có tên là Trường Cấp Hai Triệu Phong, học theo hệ 10 năm. Trường hoạt động được 2 năm, (địa điểm học lưu động theo tình hình chiến sự), đến đầu Xuân năm 1953 trường giải tán và lên Cùa, nhập với Trường Lê Thế Hiếu, hoạt động cho đến ngày đất nước bị chia cắt.
Hiệp định đình chiến Genève tạm chia Việt Nam thành 2 miền, và bản thân tỉnh Quảng Trị ta cũng bị cắt làm hai! 
Trong tình hình đất nước như thế, con em ở vùng nông thôn phải chịu thất học rất lâu, khi mà các trường vùng kháng chiến đã giải tán và chính quyền miền Nam chưa mở trường Trung học ở các quận (huyện). Mãi đến năm 1960, bộ Giáo dục của Miền Nam thời bấy giờ mới cho mở 01 lớp Đệ Thất (tức lớp 6 bây giờ) tại các quận Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng và thị xã Đông Hà. Các lớp này đều đặt dưới quyền quản lý của ông Hiệu trưởng trường Trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị.
Trường Trung Học Triệu Phong được khai sinh từ đó.
Lớp đầu tiên (năm học 1960 -1961) phải qua một cuộc thi tuyển rất gay go. Học sinh nộp đơn dự thi là 492 người, nhưng chỉ lấy 50 người. Số thí sinh thi vào có độ tuổi chênh lệch nhau rất lớn. Có người đã 19, 20 tuổi phải làm khai sinh lại để được đi học! Thí sinh từ các nơi của huyện Triệu Phong, một số xã của huyện Hải Lăng,và học sinh đang học ở các trường Tư thục trên Thị Xã Quảng Trị về nộp đơn thi.
Lớp học đầu tiên đặt tại nhà thờ Họ Đỗ thôn Bích Khê, Triệu Long. Thầy giáo đầu tiên là Thầy Lê Công Trình, người quê ở Ninh Hoà, Khánh Hoà. Một mình thầy bao sân, dạy tất cả các môn, ngoại ngữ của lớp là Pháp văn.
Qua năm học 1961-62 trường được mở thêm 2 lớp đệ Thất, một lớp học ngoại ngữ Pháp, một lớp học Anh văn. Đầu năm học này có thầy Lê Công Trình, thầy Trịnh ngọc Phòng (dạy Pháp văn). Có thêm hai lớp nên phải mượn thêm đình Cổ Thành và đình Hậu Kiên (xã Triệu Thành) cho có đủ chỗ học trong khi chờ đợi trường đang xây dựng. Qua học kỳ 2, các lớp được chuyển về học trường mới đặt tại xóm Bèng, thôn Nại Cửu, Triệu Đông. Trường gồm có 05 phòng, 4 phòng dùng làm phòng học, 1 phòng ngăn hai cho Ban Giám hiệu và nhân viên văn phòng làm việc. Trường quay mặt ra tỉnh lộ 4. (Về sau, cùng với sự tăng lớp, trường xây thêm hai dãy nhà mỗi dãy gồm 4 phòng phía bên trái của dãy nhà chính, quay mặt ra sân). Cuối năm học này (1961-62) và đầu năm học sau, trường có thêm các thầy Đỗ Thanh Quang (dạy Toán), Thầy Nguyễn Quang Kế (Pháp văn),Thầy Kham (Toán), cô Phan thị Ngọc Tỉnh (Hoá), cô Bùi Thị Gái (Toán, Sử), cô Phạm Thị Như Hoàn (Lý, Địa), thầy Tôn Thất Phú (Toán, Nhạc), thầy Trương Quý Nghi (Vạn Vật), thầy Tôn Thất Văn (Vẽ), thầy Nguyễn Thiện Lữ (Vạn vật) ... Cuối năm 1962 thầy Lê Công Trình được đổi vào quê. Thầy ra đi, để lại nhiều tình thương mến trong lòng những học sinh hai khoá đầu tiên.
Năm học 1962-63 trường phát triển thêm 2 lớp Đệ Thất, như vậy có cả thảy 5 lớp: Hai Thất, hai Lục, một Ngũ. Và từ tháng 10 năm 1963 trường đã được tách khỏi sự quản lý của Hiệu trưởng trường Trung học Nguyễn Hoàng. Thầy Đỗ Thanh Quang được cử làm Hiệu trưởng. Cuối năm học 1962-63, thầy Đỗ Thanh Quang đổi ra dạy ở trường Trung học Gio Linh, tạm thời bàn giao trường cho thầy Kham. Năm học 1963-64, tuyển thêm 2 lớp Đệ Thất, vậy là trường có tất cả 7 lớp. Thầy Phan Thanh Thiên được cử về làm Hiệu trưởng. Cô Phạm Thị Diệu Thanh (vợ thầy Hiệu trưởng) về dạy Vạn vật, thầy Trần Sĩ Tiêu dạy Quốc văn, thầy Tôn Thất Quỳnh Nam dạy Sử Địa. Thầy Phan Thanh Thiên làm Hiệu trưởng 6 năm học (từ NH.1963-64 đến NH.1968-69). Cuối năm học này, thầy được thuyên chuyển vào Huế. Thầy là người có thời gian làm Hiệu trưởng của trường lâu nhất, và khoảng thời gian này việc học tập, sinh hoạt cũng như sự phát triển của trường rất ổn định và tốt đẹp.
Thầy Văn Phong về trường năm học 1965-1966 và dạy các môn Anh, Pháp, Toán.
Từ năm học 1966- 67 đến năm học1971-72, cùng với sự phát triển lớp, trường tiếp nhận thêm nhiều thầy, cô: Cô Trịnh Thị Loan (Quốc văn), Thầy Hồ Trị (Toán), Hồ Đáp (Anh văn), Nguyễn Văn Quang (Quốc văn, Anh văn), Cô Thi (Anh văn), Cô Nguyễn Thị Hường - người Huế (Vạn vật), Thầy Trương Công Hổ (Toán), Lê Mậu Duy (Toán), Thái Tăng Hạnh (Sử Địa), Trần Văn Kỳ (Quốc văn), Nguyễn Đình Hạnh (Anh văn), Đoàn Đức (Anh văn), Nguyễn Văn Hảo (Sử Địa), Bùi Ngọc Bửu (Anh văn), cô Hường -người miền Nam (Sử), Nguyễn Văn Hoá (Q.Văn), Trần Văn Bảo (Q. Văn)
-Năm học 1969-70, thầy Văn Phong được cử làm Hiệu trưởng thay thầy Phan Thanh Thiên. Thầy Nguyễn Quang Kế làm Tổng Giám thị.
Năm học 1971-72, trường đã có đến 22 lớp: 7 lớp Sáu, 6 lớp Bảy, 5 lớp Tám và 4 lớp Chín. Và cũng trong năm học này trường được bộ cho chuyển thành trường Trung học Đệ nhị cấp, và cho đầu tư xây thêm một dãy nhà tầng gồm 10 phòng, địa điểm nằm ngay sau dãy nhà chính. Dãy nhà tầng này mới xây xong phần móng thì phải ngừng lại vì chiến tranh ập đến.
Năm học 1971-1972 chưa kết thúc thì chiến tranh ác liệt đã xảy ra trên khắp quê hương Quảng trị. Trường Trung học Triệu Phong phải đóng cửa, Thầy trò theo nhau đi tản cư: một số ra Bắc, phần lớn chạy vào Nam. Cơ sở trường bị bom đạn tàn phá đổ nát. Năm 1975, sau ngày Giải phóng, một ngôi trường tạm gồm 02 phòng học (làm bằng tranh, tre, nứa, lá) được dựng lên ngay trên nền cũ của trường, đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương. Trường này có tên là trường Cấp 3 Triệu Phong. Qua năm 1976, trường Cấp 3 Triệu Phong chuyển lên cơ sở mới tại Thị xã Quảng Trị. Dân thôn Nại cửu đã đến khai hoang và làm nhà ở trên nền đất cũ của trường. Hiện nay không còn vết tích gì về ngôi trường Trung học Triệu phong cũ tại địa điểm này nữa.
Năm 1972, số học sinh chạy ra Bắc thì tiếp tục học ở vùng Giải phóng. Số học sinh chạy vào Nam thì định cư ở Đà Nẵng và tiếp tục học tập tại các trại tạm cư.
Trường Trung Học Triệu Phong được mượn một khu nhà vòm (nguyên là trại lính của Mỹ) tại Hoà Khánh làm nơi học tập cho con em đi sơ tán. Học sinh Triệu phong tạm cư ở vùng Non Nước thì ghi danh học tiếp tại trường Nguyễn Hoàng. Điều kiện học theo hoàn cảnh chiến tranh: Bàn ghế học sinh tự đóng lấy, mang theo để ngồi học. Các phòng học không có phên tường che chắn,... Tuy nhiên học sinh rất chăm chỉ, chịu khó và ngoan ngoãn. Hết năm học 1972-73 thì thầy Văn Phong chuyển lên sở Học chánh. Thầy Hoàng Đằng về thay. Thầy Đằng làm Hiệu trưởng từ tháng 8 / 1973 và đến tháng 3 / 1974 thì đi vùng Kinh tế mới ở Bình Tuy, bàn giao chức vụ Hiệu trưởng lại cho thầy Nguyễn Văn Quang (nguyên là học sinh khoá đầu tiên của trường).
Năm 1973, tình hình chiến sự ở Quảng Trị tạm thời lắng xuống, dân Quảng trị có lệnh hồi cư. Trường Trung học Triệu phong về học tại thôn Ngô Xá Đông thuộc xã Triệu Trung. Học sinh Triệu Phong hầu hết là con nhà nông nghèo, vốn cần cù , hiếu học nên dù khó khăn, nguy hiểm đến mấy họ cũng theo học đến cùng. Do vậy, số học sinh trở về quê đến tiếp tục ghi danh vào học, và nề nếp học tập, sinh hoạt vẫn duy trì tốt. Trường lại phải đảm nhiệm thêm một cơ sở phụ ở quận Mai Lĩnh (một phần của quận Hải Lăng cũ tách ra). Lúc này trường đã phát triển lên đến lớp 11(Đệ Nhị). Số lớp ở Triệu Phong là 10 lớp (4 lớp 6, 2 lớp 7, 1 lớp 8, 1 lớp 9, 1 lớp 10 và 1 lớp 11), với số học sinh là 436 em. Ở khu vực Mai Lĩnh có 5 lớp (2 lớp 6, 1 lớp 7, 1 lớp 8, 1 lớp 9) với số học sinh là 183 em.
Cộng cả hai cơ sở, năm học 1974-75 trường có 15 lớp với tổng số học sinh là 619 em. Tổng số thầy cô giáo là 21 ( 16 thầy, cô dạy ở khu vực Triệu Phong và 5 thầy, cô dạy ở khu vực Mai Lĩnh)
+ Các thầy cô dạy ở Triệu Phong:
1- Nguyễn Đình Hạnh; 2-Võ Bùi; 3-Nguyễn Thanh Lành
4- Lê Hữu Nghị; 5-Nguyễn Ngọc Thông; 6- Thái Tao
7- Nguyễn Văn Trâm; 8-Đoàn Thy Bằng;
9- Đặng Phúc Lơ. 10- Nguyễn Ngọc Phụ;
11- Nguyễn Đức Mẫn; 12- Trần Văn Thuận; 13- Lê Văn Rơi; 14-Trần Thị Thanh Yên; 15- Nguyễn Thị Phước; 16- Hồ Thị An
+ Các thầy cô giáo dạy ở khu vực Mai Lĩnh:
1- Đỗ Bang; 2- Nguyễn Thị Thanh Sử
3- Nguyễn Thị Nhạn; 4- Lê Thị Liễu; 5- Hoàng Thị Lý
(Năm 1973, một số thầy, cô của trường dạy tại Hoà Khánh, (Đà Nẵng) đi kinh tế mới ở Bình Tuy, như các thầy Hoàng Đằng, Hồ Trị, Đoàn Đức, Nguyễn Hữu Dũng ... và một số xin chuyển đi trường khác, không về theo trường , như các thầy Hoàng Cao Anh Chí, Hoàng Mãi, Nguyễn Văn Hoá, Lê Văn Tường, Nguyễn Văn Bữu, cô Diệp Thị Mỹ Ái,...
Vào đầu tháng 2 năm 1975, thầy Nguyễn Văn Quang được chuyển về dạy ở trường Trung học Nguyễn Hoàng và thầy Lê Ngọc Dinh về thay thầy Quang, làm Hiệu trưởng. Trường hoạt động thêm được 2 tháng thì Quảng Trị hoàn toàn giải phóng, và trường Trung học Triệu Phong chấm dứt hoạt động từ đó.
Sau ngày Giải phóng, hầu hết thầy cô trường Triệu Phong cũ đều được Nhà Nước gọi tiếp tục giảng dạy cho đến lúc về hưu.
BAN GIÁM HIỆU
Năm học 1962-63:
Quyền Hiệu trưởng: Thầy Đỗ Thanh Quang
Từ năm học 1963-64 đến năm học 1968-69:
Hiệu trưởng: Thầy Phan Thanh Thiên
Từ năm học 1969-70 đến năm học 1972-73:
Hiệu trưởng: Thầy Văn Phong
Tổng Giám thị: Thầy Nguyễn Quang Kế

Từ tháng 8/ 1973 đến tháng 3 năm 1974
Quyền Hiệu trưởng: Thầy Hoàng Đằng
Tổng Giám thị : Thầy Hồ Trị
Năm học 1973-74 và 74-75)
Quyền Hiệu trưởng : Nguyễn Văn Quang, hai tháng sau cùng là Lê Ngọc Dinh.
Tổng Giám thị: Thầy Dương Đình Á (Phụ trách ở Triệu Phong)
Phó Tổng Giám thị: Thầy Trần Lý Minh (Phụ trách ở Mai Lĩnh)

NHÂN VIÊN VĂN PHÒNG
Năm học 1961-62 Thầy Hồ Bính làm Kế toán kiêm thủ quỹ của trường. Thầy ở với trường hầu như suốt từ đầu đến ngày trường đóng cửa ( năm 1975).
Đến năm 1969, thầy Hoàng Văn Hoà về làm nhân viên học vụ, văn phòng. Năm 1970, có thêm thầy Thái Kham về làm nhân viên học vụ, văn phòng.
Năm học 1973-74, thầy Nguyễn Đức Ngưỡng về làm Giám thị ở khu vực Triệu phong. Cô Văn Thị Yến làm nhân viên văn phòng ở cơ sở Mai Lĩnh của trường.

NHÂN VIÊN TẠP VỤ
Đầu tiên là Bác Hồ Thơm. Cũng như thầy Hồ Bính, bác Thơm ở với trường từ đầu đến cuối, là người rất dễ thương, tận tuỵ với công việc. Năm học 73-74 có thêm 02 nhân viên tạp vụ là Nguyễn Như Việt và Văn Lành.

Trường Trung học Triệu Phong tồn tại 15 năm (từ 1960 đến 1975). Từ lúc mới mở trường chỉ có 01 lớp, 01 thầy và 50 học sinh. Qua từng năm học số lớp tăng dần, cho đến năm học 1971-72, trường có 22 lớp. Năm học 1974-75, lúc hồi cư, trường có 15 lớp với 619 học sinh và 21 giáo viên, Ban lãnh đạo trường gồm 03 người, nhân viên văn phòng 05 người, tạp vụ có 03 người.
Qua 15 năm thăng trầm, với rất nhiều lần thay đổi do hoàn cảnh chiến tranh, trường luôn nổ lực hoạt động để đem lại hiệu quả học tập tốt nhất cho học sinh. Phụ huynh và nhân dân địa phương rất tin tưởng và nể trọng uy tín của trường. Số học sinh của Trung học Triệu Phong khi tiếp tục lên học trường Trung học Nguyễn Hoàng đều phát huy được truyền thống học tập của trường cũ nên rất được thầy cô giáo trường Nguyễn Hoàng khen ngợi. Trong 15 năm đó trường đã đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh, và về sau nhiều người đã đóng góp sức tài vào việc kiến thiết, xây dựng quê hương.
Một số học sinh được học tập từ Trung học Triệu Phong đã thoát ly theo Cách mạng và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, một số khác thì bị động viên, đi lính cho chế độ miền Nam và nhiều anh em cũng đã vĩnh biệt chúng ta giữa tuổi thanh xuân!
Riêng lớp đầu tiên (năm học 1960-61) đã có nhiều anh em ra đi biền biệt không về như Nguyễn Hữu Hai, Phan Văn Khanh, Phạm Như Tâm, Lê Công Vọng, Nguyễn Giải, Hồ Văn Phụng, Phan Xuân Lân...! Cũng lớp đầu tiên này, có 2 anh chưa kịp mừng được sống sót sau chiến tranh thì đã chết vì cuốc trúng mìn khi khai hoang để sản xuất (năm 1975), đó là các anh Ngô Tựu (Hải Lệ) và Dương Đình Á (Triệu Đông) !
May mắn là chúng ta, những người còn sống sót cho đến bây giờ! Nhiều người tiếp tục phấn đấu học tập và thành đạt, đóng góp khả năng của mình cho quê hương trong nhiều lãnh vực. Lớp đầu tiên có anh Bùi Nghị (Đại An Khê)  Giám đốc khu Du lịch Hồ Kỳ Hoà, (TP. HCM). Các lớp về sau có các anh Võ Thùy Sinh, Dương Hồng Thắng, Trần Ngọc Cư, Nguyễn Văn Huynh là những con người thành đạt.
Riêng hai lớp Sáu 1 - Chín 1 và Sáu 2- Chín 2 (khoá 1968-72) có nhiều người là cán bộ trong nhiều ngành của Nhà nước. Anh Lê Bá Nguyên: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị và là Đại biểu Quốc Hội, anh Hoàng Minh Thông: Phó Giám đốc sở LĐvàTBXH tỉnh, anh Đoàn Quang Anh: Trưởng phòng Giáo dục Thị xã Quảng Trị, anh Hoàng Bá Diệp: Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tất Thành, TX. Quảng Trị, anh Cao Quyện, anh Bùi Duy Lượng , anh Lương Chuân xã Triệu Hoà, . . .
Về học vị, cựu học sinh Triệu Phong có người về sau đỗ đạt cao như anh Ngô Hướng hiện là Phó Giáo sư-Tiến sĩ, dạy ở trường Đại học Ngân Hàng (TP. HCM), anh Nguyễn văn Triển, đỗ Tiến sĩ, làm PGĐ một công ty, anh Lê Năm: Tiến sĩ, Cán bộ giảng dạy ĐH. Huế, Một số anh em làm Bác sĩ, kỹ sư ..., như Hồ Sĩ Sách, Cao Xuân Cảnh (BS), và nhiều nhiều nữa . . . Chúng ta rất tự hào về những thành quả mà các Cựu học sinh Triệu Phong đã đạt được!
Kể từ khi trường thành lập đến nay đã gần tròn 50 năm, và qua bao biến cố lịch sử của đất nước, các cựu học sinh Triệu phong đi làm ăn, sinh sống khắp nơi trong nước và cả một số ít ra học tập, làm ăn ở nước ngoài. Nhưng tình cảm thầy trò, bạn bè không bao giờ phai nhạt trong lòng mỗi người. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” luôn được anh chị em trân trọng, gìn giữ. Một chữ là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy. Cựu học sinh Trung học Triệu Phong luôn luôn ghi lòng tạc dạ, và mong được có dịp bày tỏ nghĩa tình sâu nặng đó. Khi chưa có điều kiện tổ chức họp mặt cựu học sinh toàn trường qua nhiều thế hệ, một số lớp đã có những buổi họp mặt lớp hàng năm, hoặc 2 năm một lần.
Tại quê nhà, có 1 lớp đáng trân trọng và đáng phục nhất, đó chính là lớp của anh Hoàng Minh Thông, tức là Hoàng Phóng (khoá 1968-1972). Lớp này đã tổ chức họp mặt đều đặn hàng năm kể từ năm 1996, đến năm 2009 này đã là lần họp lớp thứ 14. Tiếp đến lớp 6/2 K 6771 Anh Hoàng Tiễn lớp Trưởng nay anh Trần Ứng TBLL, Văn Thiên Tùng, Lê Ngọc Quế ... Lần nào họ cũng quan tâm mời các thầy, cô giáo cũ cùng sum họp, chung vui, và để tỏ lòng biết ơn. Họ có nội dung chương trình rất tốt: Ôn kỷ niệm về trường xưa, bạn cũ, thăm hỏi khi ốm đau, khi có việc hiếu hỉ, trợ giúp bạn bè có khó khăn, khuyến khích con cháu của cựu học sinh học tập rèn luyện tốt. Họ cũng đã thực hiện một tập kỷ yếu về lớp Sáu 2 - Chín 2 của họ trong năm 2009.
Tại thành phố Hồ Chí Minh có một nhóm cựu học sinh Triệu Phong (nhiệt tình nhất là các anh Lê Bá Tâm, Ngô Hướng) cũng làm một việc rất tình nghĩa là: Hàng năm, đến ngày Nhà Giáo Việt nam 20/11 thì anh em rủ bạn bè cùng đến chúc sức khoẻ, tặng hoa Thầy- Cô Hiệu trưởng Phan Thanh Thiên, là hai thầy, cô của trường xưa đang an dưỡng tuổi già tại TP. Hồ Chí Minh.
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình! Cái gì cũng qua, cái gì cũng mất, chỉ có kỷ niệm là còn! Và có lẽ kỷ niệm thời học trò là hồn nhiên, trong sáng, và nên thơ nhất! Ngôi trường xưa đã tan tành theo bom đạn chiến tranh, nhưng hình ảnh thân thương của Trường, những tình cảm sâu nặng hướng về thầy xưa, bạn cũ thì không bao giờ phai mờ trong tâm trí của mỗi anh chị em cựu học sinh trường Trung học Triệu phong.
Trong năm 2009, cựu học sinh của trường Trung học Gio Linh cũ đã tổ chức hội trường rất lớn, mời cựu giáo viên và học sinh của họ khắp các tỉnh, thành về dự. Một ngày hội rất trọng thể, tưng bừng và chứa chan tình nghĩa!
Sang năm 2010, trường Trung học Triệu Phong chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập trường, (1960 - 2010) . Nguyện vọng của anh em cựu học sinh Triệu Phong là xin chính quyền huyện Triệu Phong cho tổ chức buổi hội trường để thầy trò chúng ta có dịp đoàn tụ, ôn lại tình cảm thầy xưa, bạn cũ, đồng thời cũng cố gắng thực hiện một tờ đặc san để kỷ niệm và lưu lại cho con cháu, giúp họ hiểu biết và tiếp nối truyền thống học tập, rèn luyện rất tốt đẹp của cha ông mình.
Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý Thầy cô và các bạn cựu học sinh của trường về dự định trên! Thư từ xin gởi về 2 địa chỉ sau:
+ Các bạn ở Quảng Trị, miền Trung và Tây nguyên, 
xin liên hệ với:
Nguyễn Văn Quang
30- Nguyễn Thị Lý
Kp 5, P 2, TX. Quảng Trị
ĐT. nhà: 0533861122
ĐT. DĐ: 0984509122
E-mail: vanquangqtri@yahoo.com.vn
+ Các bạn ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam,
xin liên hệ với:
Lê Bá Tâm
66-Tăng Bạt Hổ
Q. Bình Thạnh, TP. HCM
ĐT nhà: 0835107422
DĐ: 0903140275
E-mail: lebatam1951@yahoo.com.vn

Do hoàn cảnh chiến tranh, hồ sơ về trường không còn, nên bài viết trên đây phần lớn là dựa vào ký ức và một ít ghi chép cá nhân của tôi, có tham khảo ý kiến một số Thầy , Cô và anh em cựu học sinh. Chắc chắn còn rất nhiều thiếu sót và nhầm lẫn. Rất mong được thông cảm, và xin quý Thầy, Cô cùng các bạn đóng góp thêm để bổ sung, điều chỉnh nhằm có được một bài viết về trường hoàn chỉnh, chính xác hơn!
Chân thành cảm ơn.
TXQT, ngày 20/11/2009
Nguyễn Văn Quang
(Cựu học sinh của Trường)



1 nhận xét:

  1. xin hãy viết nhận xét bổ sung vào ô ( Đăng nhận xét để đính chính cho bài viết này. Xin trân trọng cảm ơn! BLL

    Trả lờiXóa