KHUNG TRỜI KỶ NIỆM
Hồi ký: Lê Thị Thanh Tâm
Những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ 20, tư tưởng phong kiến còn tồn tại một cách mạnh mẽ trong xã hội Việt nam ta, đặc biệt là ở nông thôn, điều kiện kinh tế xã hội lúc đó nói chung còn ở mức thấp. Do đó việc tôi thi đậu vào lớp đệ thất và được đi học là một điều may mắn rồi! Tuy nhiên tôi không biết tận dụng những cơ hội và điều kiện thuận lợi ấy, tôi lại rất ham vui chơi làm cho con đường học vấn của mình không được tiến xa hơn nữa.
Gia đình tôi có hai nơi ở, một căn nhà ở làng Bích La Đông um tùm vườn chè xanh mát mẻ, nằm bên con sông Vĩnh Định nước chảy êm đềm quanh năm, một căn nhà ở phường đệ tứ thị xã Quảng Trị nhìn ra đường cái xe chạy nhộn nhịp. Chính điều nầy là nguyên nhân làm ảnh hưởng khá lớn vào con đường học tập của tôi.
Năm 1966 tôi thi đỗ vào đệ thất trường THTP, học được hơn một năm, lớp có gần phân nửa là con gái, tôi thuộc loại “suy dinh dưỡng” nên được ngồi ở những bàn trên . Kết quả học tập lên xuống bất thường. Khi nào ba tôi buộc tôi ở nhà trên tỉnh có anh hai kèm cặp thì học lực của tôi tăng lên một chút, mỗi khi nghe bạn bè rủ rê về nhà dưới quê ở thì việc học lại tụt xuống. Vào đầu năm đệ lục, nhà tôi ở thị xã hằng đêm có người dưới quê tản cư tránh bom đạn lên ở rất đông, ồn ào vui vẻ lắm nên tôi bèn nghỉ học ở nhà vui chơi chừng một tháng, tỉnh ngộ ra thì chuyện đã rồi. Ba tôi vì bận công tác xa nhà nên không hay biết.
Ở bậc tiểu học tôi học khá lắm, luôn ở trong top 5 dẫn đầu, nhưng khi lên cấp hai năm đầu tiên tôi chỉ học được các môn văn, đại số và các môn học bài. Hình học thì tôi không hiểu gì cả, điều nầy đã làm cho tôi có phần chán học! Bên cạnh có cô bạn thân (cô Nết ) thường hay rủ rê tôi về làng chơi, thế là tôi vui vẻ đáp ứng ngay, việc học ngày thêm tệ, lợi dụng khi ba tôi vắng nhà và tình hình lộn xộn lúc này nên tôi nghỉ học; thực tình thì lúc đó tôi cũng có buồn, nhưng mỗi khi nghĩ tới kết quả học tập không mấy khả quan đó, như chạm vào lòng tự ái của tôi khiến tôi nghỉ học ngay.
Thời gian trôi đi, không lẽ tôi là chị ba mà ăn rồi ngồi không, về ở nhà dưới quê nên tôi đành tình nguyện bồng em rồi gánh nước, nấu ăn, làm những công việc nhà lặt vặt riết rồi cũng nhàm chán. Khi đó nỗi nhớ bạn bè, nhớ trường lớp tăng lên. Chao ơi! chiếc áo dài tung bay trong gió những buổi tới trường e ấp, những hột ô mai chuyền tay nhau nghe chua chua ngọt ngọt hay những búp len mịn màng cho nhau khi học nữ công gia chánh, hồi trước nó bình thường sao bây giờ quyến rũ tôi quá chừng, nó làm cho tôi thèm muốn ray rứt. Qua nhiều đêm trằn trọc tôi đi đến quyết định, tôi nói với mẹ tôi “ con đi học lại”. Bạn bè lớp trước nay tôi còn nhớ là : Hồ thị Tình , Lê thị Nết , Trần Đãi ( lớp trưởng ) Hồ thị Bích Yến , Cao thị Yến , Văn thị Chất, Văn thị Soạn, Trần thị Bạch Nhạn, Hồ thị Kim Lan ,…
Tôi vào lớp lục hai mới, tất nhiên là có bạn mới, ( lớp bạn bè bây giờ ) nhìn mọi người một cách lạ lẫm, nhìn các bạn cùng lớp rồi nhìn lại mình đúng là “nhóm xoài tượng” như bạn Quế đã từng ví von .Không hiểu sao từ một người có vẻ suy dinh dưỡng nay tôi lại lớn xổng lên làm cho tôi thêm mắc cỡ , lớp mới con gái ít hơn, nên nhóm xoài tượng chúng tôi phải ngồi ở bàn thứ tư ! May mắn nhờ những bài dịch Anh Văn dí dỏm của thầy Đáp đến cười không nổi ! những giờ toán căng thẳng , những giờ sử địa của thầy Hảo đẹp trai (bây giờ là bạn học của chồng tôi ) làm cho tôi dần dần hoà mình vào lớp học hồi nào không biết, cũng may là lớp tôi hồi ấy gồm toàn những người bạn dễ thương , nên làm cho tôi thích học và hoàn thành hết cấp hai. Bởi vậy tình yêu học trò ngu ngơ trong tôi chỉ thoáng qua và đôi khi chỉ thấy lòng rung động “ khẽ như cánh bướm non”.
Chồng tôi –anh Tương - hồi ấy là bạn của người anh con bác ruột tôi, anh không phải cùng thời với tôi. Hồi ấy tôi nhìn thấy anh xa lắm. Bởi anh học khá tốt, lúc anh vào Đại học Sư Phạm, anh thường về nhà tôi và kèm cho anh cả tôi thi tú tài, thì tôi chỉ mới lớp đệ tứ. Thử hỏi ai mà dám nghĩ điều gì, tuy nhiên lâu dần cũng có tình cảm chút ít. Số phận đưa đẩy anh ấy ngày đi càng xa tôi. Hình ảnh người học trò đàn anh ấy chỉ tồn tại đâu đó trong tôi mà thôi.
Những năm học của chúng ta càng lên cao tỉ lệ thuận với chiến tranh, những hoang tàn đổ nát tăng lên từng ngày từng giờ, tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp tôi muốn ba tôi xin việc làm nhưng ông không chịu, đành bước chân vào nghề để chuẩn bị vào đời. Sở dĩ tôi có quyết định bước ngoặt này bởi hai lẻ: thứ nhất là tôi lúc nầy “nhổ giò” đi học thấy mắc cỡ quá! thứ hai là chiến tranh căng thẳng không còn tâm trí nào mà học vô được. Ngày ngày quanh ta bom rền , đạn réo, chết chóc khổ đau đầy dẫy…
Tôi thích thi vào lớp điều dưỡng để vào Huế học cho vui, nhưng ba tôi buộc tôi thi vào lớp tá viên hộ sinh học ở bệnh viện Quảng Trị, tôi đành phải vâng lời trước những lý do xác đáng của ông. Nghề thì vẫn phải có nghiệp. Tôi thì không có nghiệp nên học nghề xong không làm một ngày nào. Do duyên nợ nên số phận đẩy đưa tôi lại gặp chồng lúc tôi vừa tốt nghiệp xong lớp tá viên hộ sinh. Chúng tôi gặp nhau thật bất ngờ tại Đà Nẵng, cái duyên tiền định ấy đã làm chúng tôi nên đôi vợ chồng, sau nầy tôi mới biết rằng chồng mình là bạn học của thầy mình.
Hoà bình lặp lại, vấn đề cơm áo gạo tiền lại đặt ra, trở thành trọng tâm, và là một bài toán hơi khó giải quyết. Tất cả chúng ta mỗi người nghĩ một cách, đi một phương cố tìm cách giải bài toán này.
35 năm sau, bài toán đặt ra ngày nào đã giải xong, hoàn hảo. Hình ảnh, kỷ niệm thưở học trò hồn nhiên ngày nao đã dần hiện về trong những buổi mạn đàm của vợ chồng, của bạn bè, của người quen. Dòng nước lặng lờ thì thấy cá lội tung tăng, Hồn ta im ắng thì kỷ niệm hiện về khuấy động. Rồi bạn bè tìm thăm nhau. Bạt, Kim ở Vũng Tàu, Trần Tấn Hoàng ở Bảo Lộc, Lê ngọc Quê ở Sãi có đến nhà thăm tôi. Trong chuyến về quê năm ngoái tôi có ghé thăm xoài tượng Thạnh và đại ca Hoàng Tiển ở khe Sanh. Chừng đó có là bao phải không ?
Cho đến thời gian gần đây, cao điểm là lúc Thầy Quang ghé nhà thăm chúng tôi, thầy và chồng tôi, hai người tâm đắc bàn bạc về buổi họp mặt và Tập San Triệu Phong. Từ đó, đêm đêm chúng tôi mở email để biết tin tức, về trường lớp mà thầy Quang hay bạn Văn Thiên Tùng góp nhặt mà post cho chúng tôi, Đặc biệt là blogspot Hương Thời Gian của bạn Tùng có khá nhiều hình ảnh của các bạn cùng lớp ngày xưa. Trong đó tôi được gặp lại các bạn trai và bạn gái (Thuỷ, Hoa, Kiệt). Mới ngày nào đây mà giờ đã trở thành lão ông, lão bà trông ngộ quá! Nhiều bài viết của thầy cô, bạn bè nhắc lại những kỷ niệm xưa làm tôi thấy xao xuyến trong lòng !
Cám ơn quý thầy cô đã dạy dỗ chúng em nên người, cám ơn các bạn đã quy tụ về đây để chúng ta có dịp hàn huyên sau 35 năm dài đằng đẵng.
Bà Rịa ngày 28/3/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét