Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

Đôi điều tản mạn -Thầy T.V. Kỳ

Thầy         : TRẦN VĂNKỲ 
Dạy môn  :  Quốc Văn

ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN 
Đằng đẵng gần 40 năm rồi tôi chẳng còn cầm bút viết nổi một dòng văn, một câu thơ. Chữ nghĩa cứ mãi trôi đi theo dòng cuộc sống, lúc việc này, lúc việc khác cứ đong đưa nên cũng chẳng vui vẻ gì để mà thơ thần, thẩn thơ!
Ngẫm cho tường, từ lúc sinh ra cho đến bây giờ gần “thất thập cổ lai hy” mà chẳng đúng gì với câu “ Thất thập nhỉ tùng tâm du cử”.
Thời gian có đếm tháng ngày nhưng bẵng quên và vút một cái đã ngót nghét bốn mươi năm rồi. Trôi nổi trong bon chen kiếm sống có lúc vui, lắm lúc buồn, nhưng ít ra cũng rất chi là vui khi khi những học trò cũ gặp lại, thực tình mừng vì trên những nét mặt, cho dù hình dạng có đổi thay mà tâm tình chẳng mấy thay đổi so với thời họ là học trò ngày ấy.
Đa phần các học sinh Triệu Phong thập niên 60, 70 gặp lại các thầy cô xưa đều vui mừng lắm, cũng có một số rất là ít ỏi biết đó là thầy cũ nhưng cố tình lờ đi, xem như là ... người không quen biết! Cũng chẳng buồn chi, bởi từ xưa vốn người đời cho dạy học là nghề bạc bẽo kia mà! Năm tôi về trường Triệu Phong, trường đã hiện diện 7,8 năm rồi, giữa thầy và trò tuổi tác cách biệt không nhiều (không đếm đủ trên hai bàn tay), nên bây giờ trò thầy gặp nhau cứ ngỡ là bạn đồng niên, đã gặp nhau ở đâu đó. Thầy trò sau ngày đất nước thống nhất, chẳng ai giống ai trong mỗi mảnh đời. Xét cho cùng cũng là hoàn cảnh.
Sau 1975, tôi đã trở thành “ Thầy mất dạy, vô lương” như một số người thường đùa như thế. Cuộc sống cứ đuổi đằng sau, thời gian sao dài đến thế? Và học sinh mình cũng vậy đó thôi. Lắm em cũng thành đạt, có vị trí trong xã hội; nhưng cũng lắm em mải miết ôm lấy ruộng đồng, hay lưu lạc khắp đó đây. Cách đây 14 năm, học sinh khoá 1968-1972, tôi làm chủ nhiệm năm lớp 8, đến tìm tôi tại nhà, mời thầy cũ họp mặt sau bao năm xa cách. Từ lâu, tôi quên mất chính mình đã làm thầy dạy học, nên giây phút ấy tôi thấy mình xao xuyến một cảm giác quá ư lạ lẫm. Tôi cũng không ngờ có ngày học trò cũ tìm gặp một cách tình cảm như thế!
Lần gặp mặt đầu tiên đó, các em không nhiều lắm, nếu tôi không nhầm thì chưa được phân nửa lớp, nhưng không khí vui tươi rạng rỡ trên nét mặt các em thì như vừa tìm lại một cái gì quý giá đã mất đi. Các em hàn huyên tâm sự, xoay quanh những kỷ niệm vui buồn của thời niên thiếu, tuổi học trò vừa dễ thương vừa dễ ghét cùng nghịch ngợm. Thầy trò hôm ấy xem ra đồng trang lứa. Thầy tóc còn xanh, nhưng học trò có em tóc đã hoa râm! Vì thế, em Quỳnh- Bs Trung tâm y tế dự phòng sở Y tế Quảng Trị - đến muộn, bi bô cười chào các bạn rồi xoay sang phía tôi hỏi các bạn một cách chân tình: “Thằng nầy ngồi ở đâu mà tao không nhớ?” Các em khác biết Quỳnh không nhớ nổi thầy, đùa trống không: “Ngồi bàn phía trước mầy”. Nét mặt ngơ ngác của Quỳnh như cố tìm xới trong tàng thức xem có nhớ được không. Trưởng lớp Hoàng Văn Thông (trước đây là Hoàng Văn Phóng) lên tiếng: “Thôi, đừng đùa nữa, e phạm thượng! Thầy kỳ chủ nhiệm lớp, sao mầy không nhớ?” Quỳnh tưng hửng vỗ hai má nhận tội theo kiểu người Trung Hoa, Quỳnh xốc nổi tôi lên, tha thiết xin lỗi thầy. Chưa hết, lại thêm em Lý đến sau cùng cũng thế; nhưng tránh tình trạng như Quỳnh, các em khác không để kéo dài tình trạng bé cái nhầm!
  Cứ thế, như một lập lệ, hàng năm vào cuối hè, lớp Chín Hai lại tổ chức hội lớp, lúc nhà bạn này, lúc nhà bạn khác. Từ biển Cửa Tùng, Cửa Việt, động Phong Nha Quảng Bình đến Non Nước, Hội An của Quảng Nam- Đà Nẵng đều có dấu chân các em với  tôi và một số thầy cũ. Tôi nhớ mãi em Hương, mỗi lần hội lớp đều cất tiếng hát đầu với bài: “Tình cây và đất” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Âu đó cũng là tâm tư gắn bó với bạn bè. Nhưng định mệnh quá khắt khe, Hương đã vĩnh viễn ra đi, chẳng còn được đến với bạn bè trong những buổi họp mặt sau này; mới đó mà cũng đã năm năm rồi!
Quý Thầy Hoàng Mãi- Trần Văn Kỳ và Nguyễn Văn Quang( X)
dự buổi họp mặt lớp Hoàng Văn Thông
  Mỗi năm có thêm một số em đến với buổi họp mặt lớp, một số ở trong nước và ngoài nước do công việc không về được, nhưng cũng điện về thăm hỏi, chúc mừng. Đặc biệt, lần họp mặt lần thứ tám, chín gì đó, có cả Kim Quy cùng chồng và hai con từ Georgia - USA về thăm quê; Lai, Tuyến tận Cà Mâu, Cần Thơ cũng có về. Non bốn mươi năm gặp lại, các em thấy tình bầu bạn như chưa hề phai nhạt. Các em vẫn nhớ các thầy cô, cho dù trong thời học trò các em có rất nhiều thầy cô từ hồi Tiểu học cho đến khi bước chân vào đời. Buồn vui các em kể nhiều lắm. từ thời gian khổ đến lúc thăng hoa. Giờ đây các em đã thành ông, thành bà, con cái đã trưởng thành, ổn định cuộc sống. Dòng sông nào cũng phát xuất từ nguồn trên non cao chảy về biển cả. Hiếm hoi mới có sông Sê-pôn, Arian từ Việt Nam chảy ngược sang Lào, và sông Kỳ-Cùng chảy sang Trung quốc. Không riêng gì mình tôi,  năm nào lớp cũng có mời thầy Phong- Hiệu trưởng, thầy Quang, thầy Hoà còn ở lại Quảng Trị. Quý thầy cô ở Huế như thầy Tiêu, thầy Hoá, thầy Đặng Lữ, cô Loan và ở Đà nẵng như thầy Thiện Lữ thì các em chưa liên lạc được. Điều đáng mừng là sự nhiệt tình của BLL lớp và quyết tâm của tập thể lớp nên sau 13 kỳ hội lớp, tập kỷ yếu ảnh “KÝ ỨC MỘT THỜI” đã hoàn thành. Đây là một kỷ vật quý báu cho các em và cho cả các thầy cô ngày xưa dạy ở lớp. Các lớp khác cùng khoá cũng có tổ chức họp mặt nhưng ít hơn, và các em cũng chung một ước mong được gặp lại thầy cô, bạn bè cũ.
Dẫu trường Trung học Triệu Phong chỉ tồn tại 15 năm, học sinh các khoá đều thành nhân, và nhiều người đã thành danh, đóng góp sức tài cho đất nước, nhất là trong giai đoạn xây dựng và phát triển hiện nay. Tôi tin chắc rằng quý thầy cô giáo cũ đều hãnh diện, vui mừng bởi ít ra cũng một thời làm thầy, cô giáo ở trường Trung Học Triệu Phong!
Mồng năm Tết Canh Dần, Lê Văn Trâm điện mời tôi về gặp mặt lớp tại nhà Tào ở Bích Khê, Triệu Long. Tính năm tháng, thầy có lớn hơn trò, nhưng vóc dáng chẳng khác nhau là mấy, toàn là những đầu tóc hoa râm hoặc bạc trắng. Tuy thế, lòng kính mến thầy cũ của các em thì rất nồng ấm, đáng khen, đáng phục! Cũng từ buổi họp này, thầy Quang đề xuất tổ chức ngày họp mặt cả 15 thế hệ ;Thầy -Trò trường Trung học Triệu Phong  đúng 50 năm từ ngày thành lập trường, cho dù trường chỉ hiện diện trong một thời gian ngắn. Các em rất đồng tình. Hôm đó có thầy Mãi nữa. Chúng tôi tán thành và đề nghị thầy Quang chủ đạo việc này. Một cuộc họp ban liên lạc các khoá từ 60 đến 75 được tổ chức tại nhà thầy Quang. Tất tật mọi việc được đại diện các ban liên lạc đóng góp ý kiến. Cái khó nhất là xin phép chính quyền định ngày họp mặt, thứ hai là hoàn thành tập san kỷ niệm; còn lại là thứ yếu, nhưng cũng không kém phần khó khăn.
  Bằng tấm lòng chắc chắn là có rồi, nhưng đóng góp bài vở cho tập san kỷ niệm thì e khó quá, bởi mấy chục năm nay tâm hồn tôi và chữ nghĩa đã xơ cứng cả rồi vì cứ mải miết đuổi theo cuộc sống để tồn tại. Tuy nhiên tôi vẫn thấy vui và vẫn cố gắng viết, vì đời người 100 năm dài lắm nhưng cũng ngắn lắm, trong khi đời thầy chỉ có vài mươi năm, ngắn lắm nhưng cũng dài lắm cơ mà! Đời người của thầy Chu Văn An chỉ có 70, 80 năm, nhưng đời Thầy của Thầy Chu Văn An thì tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác và có biết bao nhiêu vị Thầy vẫn mãi mãi như thế, từ trước cho đến bây giờ và cả mai sau!
TXQT, một đêm thanh vắng - 2010
Thầy Trần Văn Kỳ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét