Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010

Hoài vọng - T.T. Lựu

CHS.TRỊNH THỊ LỰU
khóa 1970-1972
Trường : TH.Triệu Phong
Quê gốc:Trà Liên, Triệu Giang.
Hiện ở tại: Phú Áng, Triệu Giang.
Nghề nghiệp: Giáo viên.
ĐT: 01232084833.


 
HOÀI VỌNG
Ba tám năm rồi chưa hội ngộ,
Thầy, bạn tôi giờ ở phương nào?
Ba tám năm! Ai còn? Ai mất?
Thầy, bạn tôi! Ai nhớ? Ai quên?

Ba tám năm, quá nửa cuộc đời
Vẫn đọng mãi hình thầy theo năm tháng!
Mang hoài vọng có ngày gặp lại
Thầy, bạn xưa, ơi thuở học trò!

Bao thăng trầm, trường xưa không còn nữa,
Đau đáu tìm về, chỉ hoài niệm rêu phong!
Lá vàng nghiêng, mái tóc cũng bạc màu
Đành chôn chặt theo dòng đời xuôi ngược!...

Gặp lại bạn ,Thầy sau bao năm xa cách,
Òa vỡ một trời thương nhớ khôn nguôi…
Ta bỗng thấy mình vẫn còn thơ dại
Ấm áp vô cùng trong ánh mắt bao dung!
*
Thời gian cứ mãi trôi đi,
Tình thầy, nghĩa bạn khắc ghi trong lòng!
Tháng 4/ 2010
TB. Tôi là người thường, không phải thi nhân,
Chỉ muốn gởi tình mình vào trang giấy.
Nên mạnh dạn viết đôi dòng tâm sự ấy.
Mong quý Thầy Cô, bè bạn đừng cười!
TTL

Ký ức xưa - T.N. Châu


CHS. TRẦN NGỌC CHÂU
K- 1964-1965
Trường THTriệu Phong.
Địa Chỉ: 250-Kiệt 20, Tôn Thất Thuyết,
TP. Đông Hà.ĐT: (053)3625215.


KÝ  ỨC  XƯA

 
CHS.Trần Ngọc Châu  và Thầy Trần Thiện Lữ (HMNH04/8/07)
Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thị xã Quảng Trị thân thương. Con đường Quang Trung tuy nhỏ nhưng thật là vui, bởi cả ngày nhộn nhịp người và xe cộ qua lại tấp nập, nhất là buổi sáng học sinh của các trường đi lên đi xuống vì đây là một trong những con đường chính của thị xã.
          Hồi học Tiểu học tại trường Nam Quảng trị, tôi chỉ đi bộ khoảng 10 phút là đến trường nếu đừng ham nói chuyện hay đợi bạn học cùng đi- có lẽ tuổi thơ đến trường ai cũng thích vậy. …
          Qua hết Tiểu học, ai cũng bắt đầu náo nức, rộn ràng cùng với nỗi lo âu chuẩn bị bước lên một bước nữa là bậc Trung học Đệ nhất cấp. Tụi bạn cứ hỏi nhau: - Ê! mi chọn thi ở trường mô? Cũng chẳng biết trả lời mô tê răng rứa! Thôi thì đứa mô thích trường mô thì thi vô trường nớ!
Cũng không biết ai xui khiến mần răng mà hồi nớ tôi lại thi vô Trung Học Triệu Phong – chỉ biết quê ngoại mình là làng Bích La, một miền đất hiền hoà và những người dân sống tử tế, tốt bụng - nghe Mẹ kể như vậy.
          Con đường đến trường quả thật là dài, từ Thị xã thẳng tuốt về chùa Tỉnh hội, băng qua đập Rì Rì, đến xóm Hà, tới cầu Sãi, khi nớ mới đến trường. Cũng may mắn là vừa thi đỗ xong được cậu ruột là thầy Nguyễn Thiện Lữ (đang dạy ở trường) tặng cho chiếc xe đạp mới keng, cho nên thấy oai với bạn bè và cũng đỡ vất vả rất nhiều.
          Hôm tựu trường, toàn bộ học sinh quần xanh áo trắng đứng chật cả sân trường để nghe thầy đọc tên của từng học sinh đỗ Đệ thất và được vào lớp. Tên tôi cũng được gọi gần cuối và cũng vào phòng cuối cùng (Đệ thất A). Đằng kia là phòng của thầy cô giáo.
          Rất bỡ ngỡ vì chưa biết và cũng chẳng quen những người bạn học mới. Sau này mới quen hai bạn ngồi kế bên là Võ Kế và Văn Dũng (con thầy Bính), cả hai đều ở chợ Sãi. Lớp Đệ thất A chỉ có được mấy người bạn gái tôi còn nhớ rõ, đó là: Mỹ Tần, Thị Thừa, Thuý Lành, Ngọc Lan, Thị Sáu, Thuý Lan; các bạn trai thì có nhiều không nhớ hết, chỉ nhớ được mấy người như Hưng, Võ Ổi, Võ Kham (Nại Cửu), …
          Một kỷ niệm không bao giờ quên được là: Một buổi trưa trời rất nóng, khi tan học xong, tôi và Dũng con thầy Bính rủ nhau đến bến Miệu đầu chợ Sãi để tắm. Không biết ai mách cho thầy Bính biết, khi chúng tôi vào học giờ thầy Phú (trọ ở xóm Hà) thì thầy Bính bước vào , gọi hai đứa tôi lên đứng ở bục cạnh bảng đen và cảnh cáo trước lớp học. Thầy nói: Thứ Hai tuần đến sẽ đưa ra hội đồng kỷ luật để răn đe cho các học sinh không được tắm sông. Tội nghiệp Mỹ Tần học cùng lớp nói: Đừng tắm ở bến ni - sâu lắm - xóm mình thì mình biết. (Thưa thầy, nay thầy đã vào cõi vĩnh hằng! Cho em được thắp nén hương lòng tưởng nhớ Thầy, và thành kính cảm ơn thầy đã răn đe chúng em để khỏi bị chết đuối ở cái bến Miệu nước sâu và tử thần luôn rình rập ấy!)
          Rứa mà cũng hay. Một kỷ niệm muôn đời không thể nào quên! Ở đời có nhiều chuyện bất ngờ. Bây giờ tôi cũng lập gia đình với một cô thôn nữ Chợ Sãi – vợ tôi là Hàn Mai Quế đó các bạn ạ.
          Năm học trôi qua thật nhanh, mùa hè đã đến! Tôi phải nói lời chia tay
thật bùi ngùi với các bạn trai, bạn gái lớp Thất A Trung học Triệu Phong dưới nắng sân trường và hứa hẹn sẽ gặp lại chứ làm sao quên được. Mặc dầu năm học sau tôi đã được chuyển lên học Đệ lục Trung học Nguyễn Hoàng (để được gần nhà), nhưng không thể nào tôi quên được những người bạn Trung họcTriệu Phong thân thiện và cởi mở!
Trở lại với kỷ niệm dưới mái trường xưa, tôi không thể nào quên những khuôn mặt khả kính của quý thầy cô giáo đã giáo dục, dìu dắt chúng ta nên người, như: Thầy Thiên Hiệu trưởng, cô Thanh, cô Gái, cô Hoàn, thầy Tiêu, thầy Lữ,… .Viết lại ký ức này, tôi kính mong quý thầy cô và các bạn đã từng sống một thời dưới mái trường Triệu phong thân yêu ngày nào nên tìm lại hồi âm, đừng đánh mất đi ký ức và kỷ niệm của mình. Tiếc lắm !! TNC
                                                                                               

Còn đây kỷ niệm-VTT



CÒN ĐÂY KỶ NIỆM
Phút hội ngộ
Ba mươi mấy xuân rồi ngái xa ai biết
Gặp lại đây:
Hai tiếng: “TRƯỜNG TÔI” nghe sao quá thân thương.
Phố  xá lên đèn  lòng mãi vấn vương
Về ngôi trường
Một thời
Thầy trò bên nhau cùng gieo tạo cây đời

Từ đó chia xa
Để lại ngôi trường đầy ắp kỷ niệm
Nhớ và thương
Đàn chim non chao cánh,
xa tổ ấm theo đàn
Bay vút cao, giữa trời xanh vời vợi
Khói lửa mịt mờ , đạn bom cày xới
Giữa điêu tàn chim mỏi cánh
Tách đàn tha phương
Ngàn vạn nẻo biết khi mô hợp lại
“Nơi chôn nhau, cắt rốn”
Phải  đành nỡ chia xa

Một hành trình không tấc, không gang
Một quá khứ vươn dài
với đời người hạn định
Ba mươi mấy năm hơn nửa kiếp sinh
Lưu lạc muôn nơi
Nay họp lại giữa ánh chiều
ới ơi! ới a chuyện kể

Tóc điểm sương mai
Những tiếng cười câu nói rộn rã thay
Đời trẻ lại phải không ?
Chắc cũng phải hơn dăm bảy tuổi

Tình là tình của
Tuổi thơ không với lại
Chỉ trong mơ ôm ấp kỷ niệm vơi đầy...
Như sống lại tuổi trăng tròn dạo ấy
                 Một khoảng trời xanh và mây trắng bồng bềnh
Mây theo gió, gió theo mây
Đến cõi thần tiên ôm tình thơ diệu vợi

Khi nắng hạ về lòng thầm ước nguyện
Qua mau đi hạ đến để làm chi
Cho vướng sợi tơ trời
mong manh sao mà chặt thế

Rồi mãi xa xa mãi
Năm mươi lăm năm tuổi đời xấp xỉ
Nắng qua chiều bóng ngã ...nắng dịu êm
Và nắng cứ êm  ...như mùa thu của buổi tựu trường

Thật tuyệt đẹp
giờ bên nhau ngỡ lớp học...dưới sân cờ
Im lặng phút giây
Rồi huyên thuyên bao chuyện 
Như giờ đầu tiên vào lớp to nhỏ kể nhau nghe
Những tháng ngày ... hay tháng năm xa cách
Này gia đình sự nghiệp, nào vất vả đời thường
Nào sức khỏe, nào các bạn gần xa
Đứa nầy đứa nọ nó ra sao!!!

Cứ thế và cứ thế ....
Hội ngộ rồi chia ly
Ghi lại đây mấy tấm hình lưu niệm
Thầy trò chia tay trong hạnh phúc...
pha lẫn vạn nỗi buồn !!!
“Xin giữ lại tuổi đời đôi tám...
Tuổi thần tiên ký ức chất đầy...”
Văn Thiên Tùng 02/09


Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

TIN BUỒN


TIN BUỒN

- Cụ bà :Lê Thị Lạc, Thân mẫu của cố giáo sư NH Trần Văn Lữ (dạy môn Việt văn), đã qua đời  ngày 24/2/2010 , nhằm ngày 11/1 ÂL, tại tư gia số 1, đường Chương Dương, P. Phước Hoà, Nha Trang ,Khánh Hoà, hưởng thọ 95 tuổi.
- Lễ động quan sẽ bắt đầu lúc 7giờ sáng ngày 4/3/2010 tại Nha trang. Được biết cụ bà là phu nhân của cụ ông Trần Văn Bân, trước là công chức tại ty Tiểu học  Quảng trị, thân mẫu của các NH Trần văn Tri, Tài, Hồng , Phương.
 Xin thông báo tin buồn này đến với các thây cô đồng nghiệp của cố GS Lữ và các AC Nguyễn Hoàng là bạn của các anh chị Tri, Tài, Hồng, Phương. Thay mặt BLL NH tại SG, chúng tôi xin gởi lời thành kính phân ưu  cùng gia quyến.
T/M BLL NH tại SG
Nguyễn Văn Trị

TB: số ĐT liên hệ của tang gia: 058 387 1073 


Chú Trị thân mến,
Như vậy là Thím Trợ của chúng tôi đã theo ông mệ, thím là người cuối cùng thuộc thế hệ cha, chú của chúng tôi. Chỉ biết cầu mong thím tôi đã ra đi nhẹ nhàng thanh thản.Chú Trợ Bân là người góp phần uốn nắn tôi về văn phạm Pháp ngữ tại Trường Tiểu học Dương Lệ. Nhân đây, tôi nhờ chú cho biết chú có địa chỉ e.mail hoặc địa chỉ bưu điện của Trần Văn Tri không? [đúng ra tên chính thức là Trần Thiên Tri, chú Trợ tôi đã bảo rằng chi (tức chi, phái) của chúng tôi là chi Trần Thiên, không phải Trần Văn, nên có một thời gian tôi đã mang tên Trần Thiên Tích, một số bạn đồng học Quốc Học còn nhớ].  
Tôi mất liên lạc với Tri từ lâu và đã cố công tìm mà không được.
Xin cám ơn chú.
Trần Văn Tích 


Anh Tích thân mến.
Hôm nay nhận được tin buồn mợ Trợ Bân đã về với Ông Mệ ở tuổi 95, em đang lúng túng không biết làm sao để chia buồn cùng gia đình Cậu Mợ và anh Trần Thiên Tri. vì anh Tri là con trai, hoc cùng khóa 9 Đai hoc NLS Saigon, cùng ở chung phòng Ký túc Xá của trường 3 năm liền, em có đến nhà anh ở đường Ng.Trãi chơi cùng anh Tri. Sau biến cố năm 1975, Hai anh em có gặp nhau, cùng ăn cơm chung gia đình, đến khi anh vượt biên được thì mất liên lạc cho đến hôm nay. Em có hỏi thăm và nghe ban bè NLS nói lại là có gặp anh Tri ở bang FLORIA (USA) nhưng không nắm được địa chỉ. Bạn bè cùng khóa ở MỸ cố công nối liên lạc mà vẫn chịu, em hỏi thăm các anh chị con Cậu nghè Thanh cung không ai biết cả. Nay anh hỏi anh Ng.văn Trị về anh Tri nên em có vài dòng viết thăm anh luôn , em chúc anh và gia đình được sức khỏe, hạnh phúc. Em là con O tư Thắm Đại hào, o ruột của anh Trị cũng là người cuối cùng thuộc thế hệ cha mẹ cũng vừa về với Ông mệ ở tuổi 91 vào cuối tháng 11 vừa qua.
Kính chào anh

Lê Văn Hạt
Le Van Hat - Nguyen Thi Bach
Address: 294 Huynh Tan Phat Street,
Tan Thuan Tay Ward, 7 District.
Ho Chi Minh City, VietNam.
Home Tel: 84-8-38726330


Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

Gặp lại Thầy.. L Thanh

CHS : LÊ THANH 
Sinh  năm 1955;
K  -1970 – 1972  
HS trường THTP-QT 
Quê gốc: Phương Sơn, Triệu Sơn, 
Triệu Phong, Quảng Trị.
Hiện ở: 216 Diên Hồng 
- TP Quy Nhơn - tỉnh Bình Định  
Điện thoại: 0983.148.679  -  



GẶP LẠI THẦY

Gặp lại thầy, gặp bạn về đây,
Những vật kỷ niệm, cũng về đây.
Còn bao thầy cũ và bạn cũ,
Không gặp lại đây…vẫn nhớ ngày.

Thầy tuổi cao, đầu tóc bạc trắng,
Vẫn giữ gương sáng, cho đời sau.
Công thầy dạy, ân tình sau nặng,
Giọt lệ, nụ cười, lúc gặp nhau.

Kể chuyện xưa, để nhận biết nhau.
Trò còn, trò mất, trò đi đâu?
Trò bị phạt, bởi bài không thuộc,
Trò đầu to, nhìn trước, quay sau.

Nay gặp lại thầy, trong ngày l?,
Nhiều bạn học, cương vị khác nhau.
Trường cũ xưa kia, không còn nữa,
Tình nghĩa Thầy trò, vẫn trước sau.
Qui Nhơn, tháng 4 năm 2010
Lê Thanh
( CHSTHTP K7072)


Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

Những năm tháng ...Thầy N.T. Lữ


THẦY NGUYỄN THIỆN LỮ
Quê: Bích La Đông, Triệu Đông, 
Triệu Phong, Quảng Trị.
Dạy tại Trung học Triệu Phong
Năm 1962- 1863  - 1969- 1970.
Địa chỉ: K90, H17/7, Đống Đa, Đà Nẵng.
ĐT: (0511) 3832296.
NHỮNG NĂM THÁNG 
DẠY HỌC TẠI TRIỆU PHONG 
Trong niên khoá 1962-1963 tôi về dạy tại Trung học Triệu Phong. Nơi đây, tôi vui mừng được gặp lại những người bạn cũ: thầy Đỗ Thanh Quang, Trần Sĩ Tiêu, các cô Phan Thị Ngọc Tỉnh, Phạm Thị Như Hoàn, … Tôi được phân công dạy các môn Toán, Lý, Hoá, Vạn vật. Trước đó tôi đã dạy cho các trường  Trung học Bán công Huế, Bồ Đề Hàm Long (Huế), nên khi về Quảng Trị tôi rất tự tin là sẽ truyền đạt cho các em học sinh tại huyện nhà những kiến thức, những kinh nghiệm sát với đời sống thực tế, hợp với giáo dục mới. Tôi muốn đem chút hiểu biết nhỏ bé của mình giúp đỡ các em, để các em làm hành trang vào đời sau này. Tôi có thời gian đứng lớp khá dài, từ 1962 đến 1970 qua 3 đời Hiệu trưởng Đỗ Thanh Quang, Phan Thanh Thiên và Văn Phong. Trong thời gian về dạy Triệu Phong, tôi được mời dạy thêm trường Bán công Đông Hà; cũng như sau này, khi được chuyển lên dạy Nguyễn Hoàng, tôi lại được mời dạy thêm Trung học Bồ Đề Quảng Trị.
Trong khoảng thời gian này, cuộc chiến ngày càng ác liệt. Đến đầu năm 1968, tôi bị động viên vào Thủ Đức. Tại đây tôi đã nhận một trái pháo 82 mất 2 ngón chân của bàn chân trái và hàng trăm mảnh đạn trong người! Sau khi xuất ngũ, tôi trở lại dạy Trung học Triệu Phong cho đến năm 1970 thì chuyển lên Trung học Nguyễn Hoàng. Đến năm 1972, gia đình tôi cũng như hàng vạn gia đình khác phải tản cư vào Đà Nẵng để tránh bom đạn chiến tranh.
Trong những dịp về thăm quê, tôi thường gặp học sinh cũ, thầy trò gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Có những cuộc gặp khá bất ngờ và thú vị, như năm 1973 tôi và 2 đồng nghiệp ra thăm người quen ở Hội yên, (Hải Lăng) thì bất ngờ gặp CHS. Lê Bá Bôn. Lúc đó đã mặc đồ lính. Cách đây hơn 10 năm, vợ chồng tôi vào TP. Hồ Chí Minh dự lễ thành hôn con trai út thầy Lê Hữu Thăng. Khi chúng tôi được giớ thiệu với quan khách là “Ông
Bà Nguyễn Thiện Lữ - Lê N Phấn” thì mấy phút sau có một người đàn ông trạc chừng 40 tuổi đến bàn tôi nhận diện và hỏi nhỏ: “ Có phải là thầy Nguyễn Thiện Lữ không?”. Tôi trả lời: Phải. Người ấy là Phó Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Hướng, một CHS xuất sắc của trường Triệu Phong xưa. Mấy tuần trước đây tôi về quê cùng gia đình làm trai đàn ở nhà thờ phái, các em học sinh cũ của bà xã tôi nghe tin, liền đến mời cô giáo cũ trường Tiểu học Bích La Đông từ 1955 đến 1961dự họp mặt thân mật. Tôi cũng được các em mời tham dự cuộc vui, dù thời gian rất eo hẹp. Trong 50-60 em dự họp mặt, tôi cũng rất vui mừng nhận ra nhiều cựu học sinh Trung học Triệu Phong. Đối với các thầy cô giáo tuổi già chúng tôi, từng ấy tình cảm của anh chị em cựu học sinh dành cho mình cũng đã là nguồn an ủi, động viên lớn để chúng tôi thấy cuộc đời thêm ấm áp, thêm  ý nghĩa mà vui sống chuỗi ngày còn lại với thế gian. Điều cao quý với chúng ta bây giờ là kỷ niệm, là tình thương. Nói như nữ sĩ Hỹ Khương:
Lợi danh như bóng mây chìm nổi,
Chỉ có tình thương để lại đời!
Giờ đây, tôi rất mong chờ ngày hội ngộ để được gặp lại nhau, ôn lại những kỷ niệm vui buồn, như những lần gặp mặt của thầy trò Nguyễn Hoàng trước đây (04-8-2007), và sắp tới (20-6-2010), tại quê nhà./.
Nguyễn Thiện Lữ

Mừng trường xưa... Thầy T.S. tiêu


THẦY TRẦN SĨ TIÊU
Sinh ngày 07-2-1935
tại Hà Thượng, Gio Linh, Quảng Trị.
Chánh quán: An Cựu, Huế.
Dạy tại Trung học Triệu Phong (cũ)
Năm 1963- 64 - 1969-70.
Từ 1978: Về quê (An Cựu).
Hiện ở : 177/39 Trường Chinh, Huế.
ĐT: 054.3873.271.

MỪNG TRƯỜNG XƯA 
 TRÒN 50 TUỔI

Chúc mừng trường đến tuổi năm mươi,
Đào tạo con em cả vạn người.
Thầy cũ, trò xưa chưa gặp lại,
Tình thầy, nghĩa bạn vẫn chưa nguôi.
Theo thời cơ mới, trường dời chỗ
Hai dãy lầu cao hưởng gió trời*
Chỉ ước mong sao ngày đoàn tụ,
Mặt mừng, tay bắt, vỗ vai cười!

DUYÊN NỢ

Trường Triệu Phong số đông thầy giáo Huế,
Mấy năm trời ra dạy thật vui thay!
Chiều thứ Bảy các thầy về Huế nghỉ,
Thoải mái rồi, thong thả đón xe ra.
Những vui buồn chẳng ai cùng san sẻ
Tháng năm qua, buột miệng: tuổi sắp già!
Làm thầy giáo, tình duyên hơi kén chọn,
Giữa chợ đông**ai dễ kén bạn đời!
Được phần đầu thì lại mất phần đuôi,
Rồi rốt cuộc, tìm ra người chung thủy.
Đạo vợ chồng phải là đôi tri kỷ,
Yêu thương nhau để gói trọn cuộc đời.
Thương nhau, chín bỏ làm mười,
Thương em, anh nhịn, xin người chớ chê!
*Ý muốn nói: Sau ngày Giải phóng, có một ngôi trường khang trang của huyện nhà cũng mang tên “TRUNG HỌC TRIỆU PHONG”, nhưng nằm ở một địa điểm khác.

**Chợ đông: Ca dao có câu:

Trai khôn tìm vợ chợ đông,


Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.


Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Chùm Thơ: Thương về Q.trị - H. Dự

Cựu học sinh : HOÀNG DỰ
Bút danh: HUỲNH ANH
K. 1960-64 Trường THTriệu Phong
Quê gốc: Nại cửu, Triệu Đông, TP
Địa chỉ hiện nay: Tổ 3, kp 7. P Long Toàn, 
TX Bà Rịa, BRVT
Di động : 0937135709


  THƯƠNG VỀ QUẢNG TRỊ

Ai đã từng sinh ra nơi quê hương Quảng Trị
Với mảnh đất nghèo nhưng đậm nét thân thương
Có núi Mai, sông Hãn đẹp lạ thường
Có Mỹ Chánh chè xanh, có La vang đồi đất Chúa
Đây Hải lăng ruộng sâu, đồng ngập lúa
Kia Cửa Tùng, Cửa Việt cá tươi ngon
Xuôi ngả Tư Sòng, Dốc Miếu, Cồn Tiên
Cam, quýt ngọt, hương thơm mời đón bạn
Dãi cát trắng chạy dài vùng Chợ Cạn
Khoai lang bùi ấm dạ sáng ra khơi
Đây biển xanh Gia Đẳng nối chân trời
Tôm cá sẵn, dân chài tung lướt sóng.
Bưởi Cam Lộ đầu mùa ươm trái mọng
Tiêu vùng Cùa chín đỏ thấy mà ham
Đây Trung Lương, điểm nối giữa Bắc-Nam
Kia Bến Hải, chiếc cầu ngăn lối rẽ
Mấy mươi năm chiến tranh
Tình con xa mẹ
Vợ xa chồng, quạnh quẽ sống cô đơn!
Đây Gio Linh bom đạn khoét hố hầm
Kia Thành Cổ, phố phường theo mây trắng!
Đầy bãi tha ma, hồn oán than đêm vắng
Dãy dương buồn đứng lặng đếm thời gian
Quảng Trị quê em sao lắm phũ phàng?!
Thương đứt ruột nhưng đành xa để sống.
Hẹn một ngày trở lại nhé, Quê Hương!
Viết ngày 17/4/1972
Huỳnh Anh (tức Hoàng Dự)

ÁO TRẮNG TRƯỜNG XƯA
Ra khơi vào lộng
Triệu Phong, áo trắng có còn bay,
Lướt thướt đi về vương cỏ may?
Bạn cũ chia lìa, anh có biết,
Trường xưa tan tác, chị nào hay!
Bút - nghiên khép lại từ thu ấy,
Kỷ niệm mang theo đến hạ này.
Áo trắng năm nào còn giữ mãi
Trên đầu tóc trắng, trắng đôi tay!
Sông Hãn sau mùa lũ( góc cầu An Mô)

NHỚ QUAY VỀ
Gió Lào cát trăng ven biển
Nhớ thuở Triệu Phong áo trắng bay
Cõi lòng xa xót, mắt nồng cay!
Đường xưa rảo bước, đều hai buổi,
Lối cũ kề vai, suốt cả ngày.
Dấu tích bên trời tan tác cả,
Niềm riêng trong dạ vẫn còn đây!
Hỡi ai tiếc nuối thời thơ mộng,
Xin nhớ về nơi chốn cũ này!
Non Mai sông Hãn
 Hoàng Dự

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

CHỨNG TÍCH KỶ NIỆM - H. Tời

CHS. HOÀNG TỜI
Khoá: 1964-1968
Sinh năm : 1951 
Quê gốc: Nại Cửu, Triệu Đông.
Tên gọi hiện nay:
HOÀNG KIM TÀI- 1948
Hiện ở: Nại Cửu, Triệu Đông, TP, QT.
ĐT: 0902614598.

Được bạn học cũ cho biết BLL sẽ làm Đặc san Kỷ niệm về Trường, anh Kim Tài đã mang bảo vật cá nhân là CHỨNG CHỈ HỌC TRÌNH và các thành tích biểu đến để được cất giữ  lâu dài hơn trong cuốn đặc san của chúng ta. Qua suốt một quảng thời gian dài gần 50 năm, anh Tài vẫn giữ đầy đủ các chứng tích kỷ niệm đời học sinh yêu dấu. Tiếc rằng, qua nhiều năm tháng đầy biến cố trong đời,Thành tích biểu đã quá cũ và chữ viết, các điểm số quá mờ nên chúng tôi chỉ xin chụp lại CHỨNG CHỈ HỌC TRÌNH và một phần của một THÀNH TÍCH BIỂU còn đọc được.  
Rất mong bạn Kim Tài thông cảm.
BBT