Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010

Ký ức xưa - T.N. Châu


CHS. TRẦN NGỌC CHÂU
K- 1964-1965
Trường THTriệu Phong.
Địa Chỉ: 250-Kiệt 20, Tôn Thất Thuyết,
TP. Đông Hà.ĐT: (053)3625215.


KÝ  ỨC  XƯA

 
CHS.Trần Ngọc Châu  và Thầy Trần Thiện Lữ (HMNH04/8/07)
Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thị xã Quảng Trị thân thương. Con đường Quang Trung tuy nhỏ nhưng thật là vui, bởi cả ngày nhộn nhịp người và xe cộ qua lại tấp nập, nhất là buổi sáng học sinh của các trường đi lên đi xuống vì đây là một trong những con đường chính của thị xã.
          Hồi học Tiểu học tại trường Nam Quảng trị, tôi chỉ đi bộ khoảng 10 phút là đến trường nếu đừng ham nói chuyện hay đợi bạn học cùng đi- có lẽ tuổi thơ đến trường ai cũng thích vậy. …
          Qua hết Tiểu học, ai cũng bắt đầu náo nức, rộn ràng cùng với nỗi lo âu chuẩn bị bước lên một bước nữa là bậc Trung học Đệ nhất cấp. Tụi bạn cứ hỏi nhau: - Ê! mi chọn thi ở trường mô? Cũng chẳng biết trả lời mô tê răng rứa! Thôi thì đứa mô thích trường mô thì thi vô trường nớ!
Cũng không biết ai xui khiến mần răng mà hồi nớ tôi lại thi vô Trung Học Triệu Phong – chỉ biết quê ngoại mình là làng Bích La, một miền đất hiền hoà và những người dân sống tử tế, tốt bụng - nghe Mẹ kể như vậy.
          Con đường đến trường quả thật là dài, từ Thị xã thẳng tuốt về chùa Tỉnh hội, băng qua đập Rì Rì, đến xóm Hà, tới cầu Sãi, khi nớ mới đến trường. Cũng may mắn là vừa thi đỗ xong được cậu ruột là thầy Nguyễn Thiện Lữ (đang dạy ở trường) tặng cho chiếc xe đạp mới keng, cho nên thấy oai với bạn bè và cũng đỡ vất vả rất nhiều.
          Hôm tựu trường, toàn bộ học sinh quần xanh áo trắng đứng chật cả sân trường để nghe thầy đọc tên của từng học sinh đỗ Đệ thất và được vào lớp. Tên tôi cũng được gọi gần cuối và cũng vào phòng cuối cùng (Đệ thất A). Đằng kia là phòng của thầy cô giáo.
          Rất bỡ ngỡ vì chưa biết và cũng chẳng quen những người bạn học mới. Sau này mới quen hai bạn ngồi kế bên là Võ Kế và Văn Dũng (con thầy Bính), cả hai đều ở chợ Sãi. Lớp Đệ thất A chỉ có được mấy người bạn gái tôi còn nhớ rõ, đó là: Mỹ Tần, Thị Thừa, Thuý Lành, Ngọc Lan, Thị Sáu, Thuý Lan; các bạn trai thì có nhiều không nhớ hết, chỉ nhớ được mấy người như Hưng, Võ Ổi, Võ Kham (Nại Cửu), …
          Một kỷ niệm không bao giờ quên được là: Một buổi trưa trời rất nóng, khi tan học xong, tôi và Dũng con thầy Bính rủ nhau đến bến Miệu đầu chợ Sãi để tắm. Không biết ai mách cho thầy Bính biết, khi chúng tôi vào học giờ thầy Phú (trọ ở xóm Hà) thì thầy Bính bước vào , gọi hai đứa tôi lên đứng ở bục cạnh bảng đen và cảnh cáo trước lớp học. Thầy nói: Thứ Hai tuần đến sẽ đưa ra hội đồng kỷ luật để răn đe cho các học sinh không được tắm sông. Tội nghiệp Mỹ Tần học cùng lớp nói: Đừng tắm ở bến ni - sâu lắm - xóm mình thì mình biết. (Thưa thầy, nay thầy đã vào cõi vĩnh hằng! Cho em được thắp nén hương lòng tưởng nhớ Thầy, và thành kính cảm ơn thầy đã răn đe chúng em để khỏi bị chết đuối ở cái bến Miệu nước sâu và tử thần luôn rình rập ấy!)
          Rứa mà cũng hay. Một kỷ niệm muôn đời không thể nào quên! Ở đời có nhiều chuyện bất ngờ. Bây giờ tôi cũng lập gia đình với một cô thôn nữ Chợ Sãi – vợ tôi là Hàn Mai Quế đó các bạn ạ.
          Năm học trôi qua thật nhanh, mùa hè đã đến! Tôi phải nói lời chia tay
thật bùi ngùi với các bạn trai, bạn gái lớp Thất A Trung học Triệu Phong dưới nắng sân trường và hứa hẹn sẽ gặp lại chứ làm sao quên được. Mặc dầu năm học sau tôi đã được chuyển lên học Đệ lục Trung học Nguyễn Hoàng (để được gần nhà), nhưng không thể nào tôi quên được những người bạn Trung họcTriệu Phong thân thiện và cởi mở!
Trở lại với kỷ niệm dưới mái trường xưa, tôi không thể nào quên những khuôn mặt khả kính của quý thầy cô giáo đã giáo dục, dìu dắt chúng ta nên người, như: Thầy Thiên Hiệu trưởng, cô Thanh, cô Gái, cô Hoàn, thầy Tiêu, thầy Lữ,… .Viết lại ký ức này, tôi kính mong quý thầy cô và các bạn đã từng sống một thời dưới mái trường Triệu phong thân yêu ngày nào nên tìm lại hồi âm, đừng đánh mất đi ký ức và kỷ niệm của mình. Tiếc lắm !! TNC
                                                                                               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét