Thứ Tư, 14 tháng 4, 2010

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ-Đ.T.M.Lệ


CHS : ĐOÀN THỊ MỸ LỆ
HSTP năm Đệ Ngũ và Đệ Tứ
Quê quán : Bích La thượng,
Triệu Long, TP,QT

DD : 0946870823

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Tôi ra đời một năm trước Hiệp định Geneve 1954 chia đôi đất nước, trong một gia đình nông dân “thứ thiệt” tại làng Đâu kênh, cạnh Bãi bồi ven sông Thạch Hãn. Sau chiến tranh, gia đình tôi dần dần ổn định, những đứa em tôi lần lượt chào đời. Tôi trở thành người giúp mẹ dẫn dắt các em tôi. Đất bãi bồi tốt, ba mẹ tôi giỏi nghề, không những làm đủ sống mà còn tích luỹ tài sản để có cuộc sống khá giả. Tuổi thơ chị em chúng tôi được nuôi dưỡng bằng sản vật trồng trọt tự nhiên nên đứa nào da dẻ cũng hồng hào, đẹp đẽ.
Hằng ngày thức ăn được thay đổi theo mùa: canh rau, canh cải, canh bí, canh bầu, … cá đồng kho khô, thỉnh thoảng ăn thêm thịt heo, gà, vịt … Ăn sáng lúc thì cơm với cá bống kho khô, khi thì cháo nếp đậu xanh, đậu đỏ với đường đen, xôi với mè. Những lúc chúng tôi “nóng chắc”, mẹ chỉ cần nấu bát cháo hành, xổ quả trứng gà, xắt nhỏ lá tía tô rồi bắt húp lúc cháo còn nóng, mồ hôi tuôn ra là hết ốm; hoặc lấy lá rau tờn, diếp cá giả nhỏ bôi vào đầy người, nằm vào giường một hồi là khoẻ, chẳng cần thuốc men.
Đời sống vật chất đầy đủ, nhưng việc học hành thì chẳng có nhà trẻ, trường mầm non gì cả. Hàng ngày chị em chúng tôi tự bày trò chơi với nhau.
Năm lên 6 tuổi, tôi vào học lớp Năm (lớp Một bây giờ) tại trường Tiểu học Đâu Kênh. (Hồi đó kể lớp theo thứ tự từ lớp Năm, Ba, Tư, Nhì, Nhất). Những năm học Tiểu học đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp. Thầy cô dạy tiếng Việt, qua bộ sách “Quốc văn giáo khoa thư” của Dương Quảng Hàm đã làm phong phú vốn tiếng Việt, những bài Đạo đức làm người, biết ơn Thầy cô, ân nhân, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, nêu gương danh nhân lịch sử trong nước và thế giới khiến học sinh sớm ý thức được đạo lý làm người. Chương trình giáo khoa dạy học sinh những thói quen tốt: Hồi đó chúng tôi đã biết đi đường gặp đám tang thì phải đứng lại ngả mũ chào, gặp người lớn thì ngả mũ chào, gặp người già yếu hoặc trẻ con thì đến giúp đỡ … Hết bậc Tiểu học, tôi về học trường Chân lý Bố Liêu 2 năm. Đến năm Đệ Ngũ, tôi thi đỗ vào trường Trung học Triệu Phong. Năm Mậu Thân (1968), chiến tranh xảy ra ác liệt, tuổi thơ tôi chẳng hiểu gì, chỉ lo việc học hành dang dở. Nhưng rất may, tôi đi qua hai năm Đệ Ngũ và Đệ Tứ hoàn toàn suôn sẻ. Cha mẹ tôi nông dân nhưng lúc nào cũng lo cho con ăn học tử tế. Tôi được tuyển vào Đệ Tam trường Nguyễn Hoàng, đến học kỳ II năm Đệ Nhị, lại xảy ra chiến tranh càng ác liệt hơn, được dân chúng gọi là “mùa hè đỏ lửa”. Trường sơ tán vào trại tạm cư Non nước, Đà Nẵng. Tôi cùng gia đình vào sinh sống ở trại Mỹ Thị 2 và tiếp tục học. May mắn năm đó tôi đỗ Tú tài 1 rồi thi đỗ vào trường Thể dục Thể thao Sài gòn.
Tốt nghiệp ra trường năm 1974, tôi được về phục vụ tại Ty Văn hoá Giáo dục và Thanh niên Quảng Trị, lúc đó hồi cư về tại bãi cát Hải lăng. Tôi thấy mãn nguyện được làm việc ở Ty.
Từ nay tôi đã có thể tự lo cho cuộc sống, không còn phải dựa vào cha mẹ nữa. Nhưng
niềm vui của tôi không tồn tại được bao lâu. Sau 30/4, nước nhà thống nhất, tôi lo không biết tương lai nghề nghiệp thế nào, có được chính quyền mới cho tiếp tục làm việc không. Nhưng may rằng tôi vẫn được ty Giáo dục Quảng Trị điều động về làm giáo viên Thể dục ở trường Hải Tân, Hải lăng. Mọi người hay trêu tôi: “Dạy Toán, học Văn, ăn Thể dục”  vì tôi nhỏ nhất trường nhưng ăn tiêu chuẩn nhiều. Ở khu tập thể giáo viên ai cũng thương tôi vì tôi trẻ nhất.
Đến năm 1978 tôi đã lập gia đình với người bạn đời hiện nay, người cùng xã. Năm 1979 tôi sinh con đầu lòng và cấp trên cho tôi về dạy ở trường cấp 2 Triệu Long quê tôi cho đến ngày nghỉ hưu, tháng 11 năm 2008.
Sau chiến tranh, cuộc sống có muôn vàn khó khăn, tôi mãi lo cơm, áo, gạo, tiền cho gia đình, chẳng lúc nào nhớ tưởng đến bạn cũ , trường xưa. Những năm cuối thập niên 1990 cuộc sống dần khá lên, số bạn bè còn lại thuở còn học Bố Liêu chúng tôi họp mặt vào mỗi độ Xuân về để ôn lại kỷ niệm xưa, nói phét với nhau thật là vui. Sau này, nhờ đọc “Nguyễn Hoàng Chân dung và Kỷ niệm” của Võ Thị Quỳnh, tôi tìm lại được bạn bè: có người cùng học từ Tiểu học đến Đệ nhị, có người chỉ học ở Nguyễn Hoàng, nhưng phần lớn mỗi người một phương: kẻ chân trời , người góc biển, có kẻ xa đến nửa vòng trái đất!
Rồi gặp mặt cựu giáo chức và học sinh Nguyễn Hoàng 04/8/2007. Dịp này tôi được gặp bạn bè cùng thế hệ, được quen biết thêm nhiều anh chị, cùng nhiều bạn đồng khoá, đồng môn Trung học Triệu Phong. Các anh chị bây giờ là hạt nhân nhen nhúm cho cuộc hội ngộ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường Triệu Phong xưa.
Chúng tôi đang háo hức chờ đợi ngày đoàn tụ đó để được gặp lại thầy, cô và tất cả đồng môn các thế hệ sau 50 năm xa cách, mà bây giờ chúng ta đã là U 60, U 70 cả rồi! Qua trang viết này, cho tôi được thắp nén hương lòng thành kính tưởng niệm những Thầy, Cô, và đồng môn đã đi vào cõi vĩnh hằng! Xin thành kính ghi ơn quý Thầy, Cô đã dạy dỗ chúng em nên người; xin cầu chúc đồng môn của tất cả các thế hệ còn hiện hữu trên trái đất này luôn tịnh tâm để sống vui, sống khoẻ cùng người thân và bạn bè, và  để mỗi lần có hội lớp, hội trường chúng ta lại ngồi bên nhau kể chuyện ngày xửa, ngày xưa, … !
ĐTML

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét