Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

VỀ LÀNG -D.T.B.ĐÀO

CHS : DƯƠNG THỊ BÍCH ĐÀO

K: 6/3 - 67-71
Trường : TH Triệu Phong.
Quê gốc: Bích La- Triệu Đông- TP-QT

Email: daoduong 4027@yahoo.com
Cellphone: 912-306-5901


VỀ LÀNG
Tháng năm, trời đang đổ mưa, mưa lắc rắc qua khung cửa sổ, mưa bay bay qua những cây sồi già bên kia đường, nền trời sáng, những áng mây lững lờ trôi nhẹ. Có lẽ sẽ tạnh mưa thôi .
Trời mưa luôn luôn làm cho ta nhớ về những kỷ niệm vui buồn của tuổi học trò. Tuổi mười ba mười bốn, mười lăm mười bảy, cái tuổi dễ yêu, dễ thương biết chừng nào. Ai trong chúng ta cũng có một thời để nhớ. Nhớ áo trắng tung bay rộn ràng trong nắng. Nhớ những con đường xưa em đi, có hoa sầu đông màu tim tím trăng trắng rất đẹp, với mùi hương thơm nhè nhẹ thoảng đưa khi tiết trời sang xuân, có hoa phượng khoe sắc khi mùa hè sắp đến, ở quê nhà Quảng Trị, một thời bình yên và êm đềm. Khi mà chiến tranh còn đâu đó trong bóng tối tịch mịch của những địa danh xa lạ, còn đâu đó trên rừng núi Trường sơn hay từ vùng giới tuyến và có cả những làng quê xa xôi, hẻo lánh… Thỉnh thoảng tôi cũng có nghe tiếng đại bác từ nơi xa xôi nào đó vọng về trong đêm vắng, tiếng máy bay gầm rú cùng ánh hoả châu thắp sáng bầu trời…
QUÊ NGOẠI
Vào năm 1963, không biết lý do gì mà gia đình tôi lại rời bỏ ngôi nhà xinh xắn, đã được ba mẹ tôi dựng lại, trên một phần nền gạch cũ của nhà ông bà ngoại trong khu vườn rộng thênh thang đó.
Vào khoảng năm 1960. Mẹ tôi quyết định trở về làng Bích La Đông sinh sống, sau khi sinh được bốn người con gái. Chị Tình lớn hơn tôi hai tuổi, tôi năm tuổi, em kế tôi Bích Liên ba tuổi, một em còn nhỏ là Hiệp.
Gia đình tôi sống ở một căn nhà thuê trên đường Nguyễn Thái Học, gần cửa tiền thành Đinh Công Tráng. Căn nhà này của người chủ tên là mụ Đa, có nhiều phòng nhỏ để cho thuê. Trong vườn có hai cây mít cao lớn. Ba tôi thường doạ chị Tình, nếu con không chịu đi học thì ba sẽ bỏ con vào cái thúng rồi treo lên cây mít đó, nghe ba tôi nói vậy, chị Tình rất sợ nên mỗi buổi sáng mẹ tôi đưa chị Tình đi học, trường Tê-lê-xa.
Chị em chúng tôi sống hồn nhiên trong khu vườn nhỏ, có hai bạn cùng lứa tuổi, người anh tên là Bạn, người em tên là Bè. Sau này lớn lên tôi mới biết tên anh là Thành học cùng lớp với chị Tình, và Sự học cùng lớp với tôi. Đối diện khu vườn nhỏ, có một ngôi nhà rất đẹp, xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, có chạm trổ bởi những đường hoa văn tinh xảo, tường quýet vôi màu vàng chanh, mái lợp ngói màu gạch tôm, tạo cho ngôi nhà có nét đẹp Tây Phương với những cây hoa Ngọc Lan toả hương thơm ngào ngạt. Tôi thường cùng em gái sang nhà của Thầy (mẹ tôi bảo là nhà của Thầy Trợ Ngân ), để lượm những bông hoa màu trắng sửa đó về, ngửi mùi thơm thoang thoảng, nhè nhẹ của loài hoa đặc biệt này. Sau này khi lớn, tôi nghĩ, nếu dùng loài hoa này để sản xuất ra nước hoa sẽ được nhiều người ưa chuộng.
Bên cạnh nhà tôi có nhà Thầy. Tôi quên tên rồi, thường đau yếu luôn. Chị Tình và tôi hay sang nhà Thầy để bắt những con thằn lằn cho cô vợ của thầy, dùng làm vị thuốc gì đó, nếu bắt được một hai con thì cô sẽ cho vài cục kẹo gừng, bây giờ nghĩ lại chuyện đó làm tôi cảm thấy sờ sợ làm sao.
Ba tôi là một quân nhân đi xa nhà , thỉnh thoảng có về thăm gia đình với một hai ngày phép ngắn ngủi. Về đến nhà là ba tôi bảo ba chị em chúng tôi: để ba xem có cái răng nào mọc trối không, nghe lời ba sau này các con sẽ có hàm răng đẹp. Không biết ba tôi trở thành nha sĩ từ lúc nào ? mà người chỉ lắc nhẹ chân răng, cái răng sữa nhẹ nhàng rơi ra ngoài. Tôi chỉ cảm thấy đau một chút thôi, sau đó ba tôi cho chúng tôi vài đồng bạc để sang rạp chiếu bóng xem phim. Thế là chúng tôi không còn cảm thầy đau nữa.

Căn nhà có ba gian. Tường được xây bằng những viên “táp bờ lô” (bờ lô) đúc sẵn, mái lợp bằng tranh .Thêm một nhà bếp làm bằng tre, phên làm bằng rơm trộn với đất sét, rồi trét lên những khung tre đó, trong nhà bếp, mẹ tôi sắp xếp rất ngăn nắp, như là: một cái Chồ làm bằng gỗ để đựng lúa, một Garde-manger (tủ đựng đồ ăn ) một cái bàn và sáu cái ghế nhỏ để ngồi ăn cơm .Gần đó là một bếp nấu nướng, có khi đun bằng củi, có khi thổi bằng rơm. Trước hiên nhà có một cái giàn làm bằng tre, để trồng nhiều loại cây như : mướp ngọt, mướp đắng, bầu, bí ngô, bí đao. Hai loại bí này để thật già trên cây cho đến khi có những lớp phấn bám vào ngoài vỏ cứng mới hái vào, rồi cất cẩn thận dưới bộ ghế ngựa bằng gỗ mun đen bóng, Cố ngoại của tôi thường lau mỗi ngày bằng lá chuối khô trông bóng láng hơn lau bằng khăn thấm nước. Vào những buổi trưa hè oi nóng oi bức, nằm ngũ trên bộ phản này thật là mát.
Tôi học từ lớp một đến lớp ba tại ngôi trường làng. Trường học nằm cạnh bờ sông Bích La Đông, nhưng mẹ tôi cấm không được xuống sông chơi, tắm, giặt...Có O Hải, giúp việc nhà cho mẹ tôi thường xuống sông để gánh nước hay giặt đồ, chúng tôi được đi theo nhưng chỉ ở trên bờ nhìn xuống dòng sông. Dòng nước trong vắt và gợn sóng lăn tăn. Có khi trời mưa to gió bão, lụt lội, nước chảy cuồn cuộn mang theo những cây gỗ từ thượng nguồn về. Có nhiều người không ngại mưa to gió lớn đứng bên bờ sông, dùng cây sào kéo những khúc gỗ đó vào.
Thềm nhà, xây cao hơn sân vườn khoảng một mét để tránh lũ lụt mỗi năm. Có một lần, tôi bị té từ bậc thềm xuống sân vườn, làm trật khớp vai, mẹ tôi và o Hải đưa lên Tỉnh để chữa trị, không phải đi Bác sĩ mà đến nhà của một người đàn ông khoảng chừng sáu mươi tuổi, trông ông ta hiền lành dễ chịu, ở thôn Hạnh Hoa gần chùa Tỉnh Hội, ông ấy đốt ba cây nhang và và rót một ly rượu, phun vào vai, rồi cầm ba cây nhang viết chữ gì đó vào khoảng không trên vai tôi, nắn nhẹ vào khớp vai, tôi cảm thấy hết đau. Đúng là một phép nhiệm mầu.
Khu vườn rộng, được bao che với những rặng tre già. Mà mẹ tôi không cho đốn đi cây nào, chỉ trừ khi bị gió làm gãy đổ, mẹ tôi bảo chặt tre đi thì đất bị xói mòn, những phần đất tốt sẽ theo dòng nước trôi đi.
Mẹ tôi là một phụ nữ xinh đẹp và đảm đang, chăm sóc dạy dỗ con cái học hành và quán xuyến việc trong nhà cũng như ngoài vườn "tược". Cây cối xanh tươi, trong vườn trồng đủ các loài cây ăn trái, các loại rau, bắp , đậu vv …..Trên một mảnh đất nhỏ của nền nhà cũ, mẹ trồng củ gừng, củ ném , ớt , các loại rau thơm, rau răm, cây sả, mà sao tôi không thấy mẹ trồng cây hành, có lẽ ở Quảng trị quê tôi thường dùng củ ném để nấu ăn. Một nồi canh hến nấu với rau muống sau khi chín không thể thiếu củ ném và ớt tươi, cho vào nồi canh ta sẽ nghe mùi thơm lừng. Các bạn đã từng ăn rồi phải không ? Quê hương còn gì ngon ngọt hơn bát canh hến, bát canh quả, mộc mạc đơn sơ nhưng đậm đà biết mấy!
Gia đình chuyển lên chợ Sãi. Ngôi nhà ở làng còn lại một mình cố Ngoại, vì cố không muốn rời xa ngôi nhà mà mới được tạo dựng lên. Thời gian đó người đã ngoài bảy mươi tuổi, nhưng vẫn khoẻ mạnh, đi đứng khoan thai. Dù ở nhà hay đi đây đó, Cố luôn mặc áo dài may bằng vải lụa gấm. Để có người bầu bạn và chăm sóc Cố, mẹ tôi nhờ một người bà con đến trông nom vườn tược và hàn huyên chuyện trò .
Tôi thi đậu vào lớp đệ thất trường Trung Học Triệu Phong. Ba tôi mua cho một chiếc xe đạp, và rồi tôi cùng em gái Bích Liên thường xuyên về làng. Từ chợ Sãi, đạp xe qua làng Nại Cửu là đến gần làng, ngửi được mùi hương thơm của những cánh đồng lúa vàng sắp chín, mùi thơm của cỏ cây. Những cơn gió nhè nhẹ thoảng đưa mang hơi mát từ mương nước hai bên lề đường, gọi là “Dẫn Thuỷ Nhập Điền “. Những mương nước này rộng khoảng một mét, sâu chừng một mét. Nước được bơm từ sông Bích La Đông lên đủ tưới tiêu cho nhiều thửa ruộng .
Về đến đầu làng, chúng tôi chưa về nhà Cố ngoại, mà lại ghé nhà dì bà con với mẹ để xin củ sắn. Trong vườn của nhà dì tôi, có trồng cả một vườn cây chè xanh dùng để nấu nước uống, với nhiều luống sắn. Dì dặn hai chị em sau khi bóc vỏ sắn, ngâm với nước vo gạo thật lâu, rồi mới nấu ăn. Vì thèm ăn quá nên chúng tôi nấu ăn liền, thế là say không biết trời trăng chi hết. Cố ngoại vội đi tìm ông thầy thuốc của làng đến cứu chữa, sau khi uống nước đậu xanh hai chị em tôi mới tỉnh lại.
Gia đình tôi lại chuyển lên thị xã Quảng Trị vào đầu năm 1970, tôi đang học lớp đệ ngũ Trường THTP. Vì còn học thêm một học kỳ nữa, nên hai chị em đạp xe đi học vào buổi sáng sớm, có lúc trời nắng chang chang, có lúc trời mưa tầm tã nhưng cho dù mưa hay nắng đến trường là niềm vui của chúng tôi. Vào lúc này tôi đanh hình dung ra các bạn cùng lớp : Nữ sinh có các ban : Nhàn có đôi mắt to đen lay láy tính tình vui vẻ , Kim  Ly cắt tóc theo kiểu demi -garcon, Ái Nga đẹp với làn da trắng mịn màng, Tĩnh dễ thương với nước da ngăm đen, Nhạn có mái tóc mềm uốn từng lọn cong thả xuống ngang vai, còn tôi chẳng có gì đặc biệt, cao gầy mảnh mai như liễu yếu đào tơ, tôi còn nhớ thêm bàn sau có các bạn : Xanh tính tình nghiêm nghị, Quỳnh Hoa cũng vậy, hai bạn ấy ít khi nói chuyện hay vui đùa hồn nhiên như chúng tôi, nhưng các bạn ấy rất giỏi môn toán. Bên nam sinh tôi chỉ nhớ có ba bạn: Phúc, Quang và Mãn.
Từ lớp học nhìn ra khoảng không gian phía trước, được người ta trồng ớt, những trái ớt màu xanh màu đỏ rất là đẹp mắt, nhiều lúc tôi nghĩ không có ớt ở đâu cay và ngon như ớt Quảng Trị quê hương mình. Tôi thích mơ mộng nên thường thả hồn bay bổng vào khoảng không.
Mỗi khi tan trường, bộ ba chúng tôi : Nhàn, Kim Lý, Bích Đào, từ trường Triệu Phong đạp xe về nhà, đi trên con đường đất đỏ đầy bụi bặm, rồi đến cầu Sãi, nhìn xuống dòng sông Vĩnh Định , làn nước trong xanh như màu ngọc bích, có thể nhìn thấy cát vàng dưới đáy sông , mà ước ao xuống dòng nước đó tắm gội một lần. Qua xóm Hà, rồi đến đập Rì Rì *(rù rì), có lúc trời mưa to nước chảy tràn qua đập, chúng tôi rất thích thú, xăn quần trắng lên, nhưng vẫn đạp xe, bạn Lý rất tinh nghịch khoát nước cho chúng tôi ướt áo quần hết.
Nhà tôi ở đường Trần Cao Vân, có một lối nhỏ đi vào bên trong ngôi nhà, với những bức tường cao sơn màu trắng xám, trước cổng có một cây xoài đã một lần ra trái chín vàng, trong sân vườn có thả vài con gà đá mà ba tôi ưa thích.
Gần hết mùa hè, nhưng thời tiết vẫn nóng kinh khủng, những ngọn gió thổi tới không làm cho ta dễ chịu, mà lại còn nóng hơn. Vào buổi chiều khi ánh sáng mặt trời đã xuống thấp cuối chân trời, có nhiều người đã ra ngồi trên những chiếc ghế đá bên hàng cây dương liễu, trên con đường Gia Long rợp bóng, để hóng những ngọn dưới sông thổi lên, hy vọng tìm được hơi mát của dòng sông Thạch Hãn. Đâu đây nghe tiếng ve sầu kêu não ruột. Những chùm hoa Phượng vĩ vẫn còn đỏ rực một góc trời, đường Gia Long ôi đẹp làm sao !
QUÊ NỘI
Tôi và em gái Bích Liên lại xin mẹ về làng nội, làng Hữu Niên, (Triệu Thành ) ở đây còn lại những người bà con xa nhưng rất thân mật và chúng tôi cũng thích xem mấy chú tát nước bắt cá ở cái "đìa", cái đìa này là của mẹ tôi có từ lâu lắm rồi, được ông bà ngọai tặng khi mẹ lấy chồng ở bên làng nội của tôi. Cái đìa này giống như một đầm sen, nhưng nhỏ hơn, bao bọc xung quanh với nhiều cây cối um tùm, có mương nước chảy vào khi trời mưa, hoặc khi lũ lụt, thì cá ở sông theo đường mương này vào cư trú ở đây, sinh sôi nẩy nở, và lớn dần theo năm tháng. Có nhiều loại cá, cá lóc, cá trê, cá rô, thỉnh thoảng có vài con lươn. Hai chị em ngồi trên bờ đất xem các chú đạp nước, với chiếc xe có nhiều lá chắn làm bằng gỗ, chờ khi nước cạn rồi mới bắt cá. Xin mẹ về làng lần này thì mẹ không cho : vì ở quê nội không còn bình yên nữa.
Vào thời gian này chiến tranh lan rộng, đêm đêm có nhiều tiếng đại bác từ các đồn vọng về, sáng mai thức dậy biết được làng này bị bốc cháy và làng kia bị pháo bắn trúng ……
Rồi thời gian qua đi, qua đi. Tôi học trường Trung Học Nguyễn Hoàng lớp chín một, rồi lớp mười C2. Chiến tranh càng ngày càng ác liệt hơn. Mùa hè sắp đến, không phải mùa hè để ngắm những chùm hoa phượng vĩ nở rộn ràng trong nắng, không phải để lắng nghe tiếng ve sầu kêu trên những cây sầu đông ở trong sân trường, không phải mùa hè cùng bè bạn đạp xe đi La Vang đất thánh, hay đi Đông Hà ăn những chén bánh bèo của làng An Lạc, mà mùa hè của ly loạn… từ tháng 3/1972 chiến sự đang xảy ra ác liệt từ Bắc, Tây Bắc và Đông Hà ,người dân hốt hoảng chạy vào Quảng Trị rồi từ Quảng Trị chạy vào Huế để lánh nạn…
Đúng mùa hè của sự chia ly và xa cách; cái mùa hè đó đưa chúng tôi vào ngã rẻ của tương lai, dòng đời trôi dạt từ đó, bỏ lại tất cả sau lưng, với phố nhỏ êm đềm, đầy ắp kỷ niệm, mái trường thân yêu, ngôi nhà yêu dấu, và còn lại đây chỉ là dòng lệ tuôn trào qua khoé mắt .
Về đâu, về đâu!?
Xứ lạ quê người
Biển xanh cát trắng
Trùng điệp núi non
Về đâu, em hỡi về đâu !?
* Hai bên bãi bồi toàn là những cây Rì Rì mọc với chùm hoa thắng màu trắng (điểm tiếp nối  một nhánh sông vĩnh Định với sông Thạch Hãn )
Savannah, April 9 /2010
Dương Thị Bích Đào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét