Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

Những năm tháng ...Thầy N.T. Lữ


THẦY NGUYỄN THIỆN LỮ
Quê: Bích La Đông, Triệu Đông, 
Triệu Phong, Quảng Trị.
Dạy tại Trung học Triệu Phong
Năm 1962- 1863  - 1969- 1970.
Địa chỉ: K90, H17/7, Đống Đa, Đà Nẵng.
ĐT: (0511) 3832296.
NHỮNG NĂM THÁNG 
DẠY HỌC TẠI TRIỆU PHONG 
Trong niên khoá 1962-1963 tôi về dạy tại Trung học Triệu Phong. Nơi đây, tôi vui mừng được gặp lại những người bạn cũ: thầy Đỗ Thanh Quang, Trần Sĩ Tiêu, các cô Phan Thị Ngọc Tỉnh, Phạm Thị Như Hoàn, … Tôi được phân công dạy các môn Toán, Lý, Hoá, Vạn vật. Trước đó tôi đã dạy cho các trường  Trung học Bán công Huế, Bồ Đề Hàm Long (Huế), nên khi về Quảng Trị tôi rất tự tin là sẽ truyền đạt cho các em học sinh tại huyện nhà những kiến thức, những kinh nghiệm sát với đời sống thực tế, hợp với giáo dục mới. Tôi muốn đem chút hiểu biết nhỏ bé của mình giúp đỡ các em, để các em làm hành trang vào đời sau này. Tôi có thời gian đứng lớp khá dài, từ 1962 đến 1970 qua 3 đời Hiệu trưởng Đỗ Thanh Quang, Phan Thanh Thiên và Văn Phong. Trong thời gian về dạy Triệu Phong, tôi được mời dạy thêm trường Bán công Đông Hà; cũng như sau này, khi được chuyển lên dạy Nguyễn Hoàng, tôi lại được mời dạy thêm Trung học Bồ Đề Quảng Trị.
Trong khoảng thời gian này, cuộc chiến ngày càng ác liệt. Đến đầu năm 1968, tôi bị động viên vào Thủ Đức. Tại đây tôi đã nhận một trái pháo 82 mất 2 ngón chân của bàn chân trái và hàng trăm mảnh đạn trong người! Sau khi xuất ngũ, tôi trở lại dạy Trung học Triệu Phong cho đến năm 1970 thì chuyển lên Trung học Nguyễn Hoàng. Đến năm 1972, gia đình tôi cũng như hàng vạn gia đình khác phải tản cư vào Đà Nẵng để tránh bom đạn chiến tranh.
Trong những dịp về thăm quê, tôi thường gặp học sinh cũ, thầy trò gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Có những cuộc gặp khá bất ngờ và thú vị, như năm 1973 tôi và 2 đồng nghiệp ra thăm người quen ở Hội yên, (Hải Lăng) thì bất ngờ gặp CHS. Lê Bá Bôn. Lúc đó đã mặc đồ lính. Cách đây hơn 10 năm, vợ chồng tôi vào TP. Hồ Chí Minh dự lễ thành hôn con trai út thầy Lê Hữu Thăng. Khi chúng tôi được giớ thiệu với quan khách là “Ông
Bà Nguyễn Thiện Lữ - Lê N Phấn” thì mấy phút sau có một người đàn ông trạc chừng 40 tuổi đến bàn tôi nhận diện và hỏi nhỏ: “ Có phải là thầy Nguyễn Thiện Lữ không?”. Tôi trả lời: Phải. Người ấy là Phó Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Hướng, một CHS xuất sắc của trường Triệu Phong xưa. Mấy tuần trước đây tôi về quê cùng gia đình làm trai đàn ở nhà thờ phái, các em học sinh cũ của bà xã tôi nghe tin, liền đến mời cô giáo cũ trường Tiểu học Bích La Đông từ 1955 đến 1961dự họp mặt thân mật. Tôi cũng được các em mời tham dự cuộc vui, dù thời gian rất eo hẹp. Trong 50-60 em dự họp mặt, tôi cũng rất vui mừng nhận ra nhiều cựu học sinh Trung học Triệu Phong. Đối với các thầy cô giáo tuổi già chúng tôi, từng ấy tình cảm của anh chị em cựu học sinh dành cho mình cũng đã là nguồn an ủi, động viên lớn để chúng tôi thấy cuộc đời thêm ấm áp, thêm  ý nghĩa mà vui sống chuỗi ngày còn lại với thế gian. Điều cao quý với chúng ta bây giờ là kỷ niệm, là tình thương. Nói như nữ sĩ Hỹ Khương:
Lợi danh như bóng mây chìm nổi,
Chỉ có tình thương để lại đời!
Giờ đây, tôi rất mong chờ ngày hội ngộ để được gặp lại nhau, ôn lại những kỷ niệm vui buồn, như những lần gặp mặt của thầy trò Nguyễn Hoàng trước đây (04-8-2007), và sắp tới (20-6-2010), tại quê nhà./.
Nguyễn Thiện Lữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét