Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Góc nhỏ trường xưa - N. v. Tâm


 Gồm các bài viết :
2. Góc nhỏ trường xưa- Nguyễn Văn Tâm; 1. Không thể nào quên- Trần Ngọc Anh 



CHS.NGUYỄN VĂN TÂM
Khóa : 1966-1970
Quê: An Bình, Triệu Thuận, TP, QT
Hiện ở: An Bình, Triệu Thuận.
ĐT: 0977645939

  
GÓC NHỎ TRƯỜNG XƯA  
Thế rồi tôi cũng có tên trong danh sách vào học trường trung học Triệu Phong, mái trường mà một thời quần đùi, chân đất tôi thầm ao ước được vào học. Nhất là những lần bọn tôi đi bộ từ làng lên tỉnh chơi, dừng lại ở đây, ngắm nhìn các anh chị trong bộ đồng phục quần trắng áo xanh, áo bỏ vào quần, chân đi dép rọ, trên túi áo có thêu tên trường, tên lớp và tên học sinh.
Trước mặt trường là con đường huyết mạch, dọc theo con đường phía bên kia là các cơ sở y tế, thông tin, hành chính … Xa hơn là Chợ Sãi với dòng Thạch Hãn êm đềm trôi về Cửa Việt.

Tiếng điểm danh nhịp nhàng của lớp trưởng :Trần Đãi(1) Võ Ái, Lê An(2), Văn Thị Chất, Võ Chính, …, và cuối cùng là: Trần Vinh, Nguyễn thị Xanh, Hồ Thị Yến... 
Thầy Quốc văn vào lớp. Sau khi hỏi han tình hình lớp, thầy đặt vấn đề và hướng dẫn cho học sinh luật thơ Lục bát. Cả lớp được nghe trích dẫn những vần thơ từ gợi ý của thầy , hoặc từ sự nhớ lại của học sinh. Rồi thầy dặn: “Các em về nhà sưu tầm những câu ca dao của quê hương!” Lần sau, nhiệm vụ của chúng tôi thật khó khăn: “Tuần tới, mỗi em làm một bài thơ lục bát, cuối tuần nộp cho thầy!” Ai nấy rất hoang mang, ngay cả những bạn khá giỏi Văn cũng rất lo, vì nói là khá giỏi nhưng cũng chỉ mới làm những bài luận văn, hay bình giảng một số bài văn xuôi, văn vần chứ chưa hề sáng tác thơ lục bát.
Thế mà hôm kết thúc nộp bài, đã có những bài khá ấn tượng, giàu cảm xúc. Nay tôi chỉ còn nhớ vài ba bài. Xin trích một vài đoạn để các bạn đọc lại cho vui.
Làm thơ, em tập làm thơ
Em ngồi suy nghĩ hàng giờ không ra.
Chiều đông lạnh buốt xương da
Chiều đông phủ kín mái nhà quạnh hiu!
…………..
Còn đâu diều sáo vui chơi,
Chiến tranh cướp mất một thời tuổi thơ!

Người viết là bạn Võ Thị Tương, quê Chợ Sãi, nay dạy học ở Tây nguyên.
Cũng có nhiều bài thật ngây ngô, hồn nhiên, nhưng cách gieo vần thì chặt chẽ, đúng yêu cầu của thể thơ này. Trong đợt thực hành làm thơ lục bát, tôi được nghe bài sau đây của một bạn khác lớp, thật ngộ nghĩnh, có lẽ đã bí nước nên phải làm để khỏi bị mất điểm:
Lâu lâu lại nhớ lâu lâu
Lâu lâu lại nhớ con trâu lọi sừng.
Đừng đừng, lại nhớ đừng đừng
Đừng đừng lại nhớ lọi sừng con trâu!
                          Bình minh trên sông Hãn giữaThu                     
Đợt cắm trại để kết thúc năm học, và làm lễ ra trường cho các anh chị học xong lớp Đệ Tứ. (Việc này diễn ra hàng năm, nhưng cũng có năm không cắm trại). Lúc này tôi đang học lớp Đệ Lục, trong tôi cái cảm giác ra trường chưa được hình thành đầy đủ. Chỉ sau này, khi học xong lớp Chín, tham gia các hoạt động chuẩn bị ngày ra trường, cái cảm giác xa trường, xa thầy cô, bè bạn mới thật bùi ngùi, bịn rịn trong tôi.
Cô dạy Văn cũng là cô giáo hướng dẫn của lớp năm Đệ Lục2, đang tuyển chọn học sinh vào đội văn nghệ để tham gia đêm văn nghệ của hội trại. Trước hết là chọn giọng hát, sau đó tập đồng ca, tập múa. Các giọng hát lần lượt cất lên. Sau 2 tiếng đồng hồ, cô dõng dạc tuyên bố: “Các ca sĩ sau đây được chọn vào đội văn nghệ của lớp…”. Còn cả lớp thì hồi hộp chờ đợi!
“Bài Nắng thủy tinh với giọng hát của em Nguyễn Thị Thành(3), bài Xin anh giữ trọn tình quê do em Lê văn Điền hát, Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em do em Đỗ Như Long(4) hát”. Sau đó cô chọn thêm Hữu Tảo, Kim Quy, Kim Lan, Ngọc Hà, Khắc Trung. Bạn Lê Văn Điền có giọng em em Duy Khánh, nhiều bạn nói như thế. Và sau này Điền trở thành một ca sĩ thực thụ. Hiện giờ anh đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài Nắng Thủy Tinh, cả trường còn nghe thêm Biển mặn, Diễm xưa. Hồi đó nhạc Duy Khánh khá phổ biến, ít người hát nhạc Trịnh Công Sơn như cô nữ sinh bé bỏng ở ngôi trường quận nho nhỏ, xinh xinh này.
                                                *
“Hôm nay lớp nghỉ học 2 giờ Toán, hai giờ học cuối buổi, do thầy bị cảm”.
Nghe thông báo, cả lớp reo lên: -Đi chùa Sư nữ chơi, - Đi hái hoa Ngọc lan, - Đi ăn ổi nhà bạn……! Nghe thầy bị ốm mà reo mừng là cái lỗi lớn, nhưng do tuổi học trò hồn nhiên, được nghỉ để đi chơi thì thích quá mà bột phát nói ra như thế, xin thầy đừng chấp trách mà tội! Thương thầy, kính thầy là điều thiêng liêng của người đi học. Thầy Nguyên dạy Toán trường Bố Liêu. Hôm mới đổi về đây, trên xe thầy chở theo một cơn roi mây khá dài. Tin đồn rằng ở bên trường Bố Liêu thầy đã rị rất mạnh đối với những cô cậu biếng nhác, nghịch ngợm. Được tin này, đứa nào cũng chăm lo rèn luyện, ngày đêm dùi mài môn Toán của thầy. Hóa ra cả năm chẳng có ai bị roi cả. Bù vào đó là chúng em học hành rất tiến bộ. Thầy còn chia lớp ra làm 4 nhóm, mỗi tuần làm 4 bài tập nâng cao. Trong nhóm thảo luận, tìm cách chứng minh, giải thích cho nhau thật kỹ để tuần sau trình bày trước lớp. Rồi thầy phát thưởng; phần thưởng của thầy là những mẩu chuyện vui, vài chuyện trong Ngàn lẻ một đêm; có khi vài quyển sách Toán.
Chù Sư Nữ ( nay gọi Long An)                                   
Đêm văn nghệ hội trại và buổi lễ ra trường của khóa chúng tôi vừa kết thúc hôm qua. Cái cảm giác lúc này rất khác với năm tôi đang học Đệ Lục. Chiếc xe lôi (xe Lam) đưa tôi xa nhà để lên học trường Trung học Đệ nhị cấp. Tôi ngồi bên cạnh một anh học sinh đã rời trường Trung học Triệu Phong ba năm về trước. Vừa rồi anh trở thành cậu Tú. Xe đưa anh rời quê vào học Đại học ở Huế. Còn những chiếc xe khác đang chở những học sinh Triệu Phong ra trường, những cánh chim bay khắp quê hương, thầm hẹn nhau ngày gặp lại dưới mái trường thân yêu này! - NVT.
1) Bạn Trần Đãi quê Nại Cửu, đã qua đời,
(2) Bạn Lê An quê Nại Cửu, đã qua đời,
(3) Bạn Nguyễn Thị Thành quê Chợ Sãi, đã qua đời. 
(4) Bạn Đỗ Như Long  quê Bích Khê, đã qua đời.

CHS. TRẦN NGỌC ANH
Sinh:        1954 - K- 68-72
Trường : TH Triệu Phong -QT  
Hiện ở : Ái Tử- Triệu Ái- TP.
ĐT:  053.3828434
KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Tôi sinh ra và lớn lên tại Thị xã Quảng Trị, số nhà 66 đường Quang Trung. Con đường tuy nhỏ nhưng hàng ngày phải chở nặng biết bao mầm non của tổ quốc. Nào là học trò của trường Nguyễn Hoàng, Trường Phước Môn, trường Thánh Tâm, trường Bồ Đề, trường Trung học Triệu Phong và các trường Nam, Nữ tiểu học nữa!
Sau khi học xong bậc Tiểu học vào năm 1967, tôi nộp đơn thi vào Đệ thất Trung học Triệu Phong. Mặc dầu đã ôn thi kỹ càng và cẩn thận, tôi vẫn không thành công trong kỳ thi này. Đây là những tháng ngày buồn chán nhất của tôi vào thời ấy. Suốt ngày tôi chỉ biết vùi đầu vào chăn chiếu. Thời gian cứ lững lờ trôi. Mùa thi lại về. Lần này tôi phải ôn bài thật chu đáo và cẩn thận hơn. Thế là năm ấy tôi được ghi tên vào bảng vàng – trúng tuyển vào lớp Đệ thất trường Trung học Triệu Phong! Bởi được xếp hạng thứ 70 nên tôi được vào học lớp Anh văn, còn thí sinh nào xếp hạng từ thứ 100 đến 150 thì học lớp Pháp văn. Nhưng lớp Pháp văn học được ít lâu thì nhà trường quyết định bỏ môn Pháp văn, thế là cả 3 lớp đều được học Anh văn.
Tôi đã thực sự bước vào ngưỡng cửa mới – ngưỡng cửa Trung học. Ngày khai giảng năm học 68-69, tôi cảm thấy rụt rè và lo sợ biết bao! Thế rồi hàng ngày tôi cùng chiếc xe đạp rẽ qua đường Trần Hưng Đạo, hướng về cầu Sãi để đến trường. Đoạn đường từ nhà đến trường tuy không xa nhưng đến mùa mưa tôi cứ lo và sợ; bởi dòng nước của con sông Thạch Hãn hiền hoà nhiều ngày giận dữ dâng cao, cắt đứt con đường tôi đến trường. Về mùa nắng, hai bên của con đập Rì Rì người ta trồng nhiều dưa quả, bọn học trò chúng tôi thỉnh thoảng xuống trộm dưa để ăn, có lần bị chủ dưa rượt đuổi, phải chạy toát cả mồ hôi.
 Xưa đi học trên chiếc cầu lát gỗ nhỏ nhoi- Bây giờ cầu Rì Rì thênh thang bằng bê tông cốt thép nhưng thiếu những khóm cây có những chùm bông xấu xí, màu bạc thếch- không hương, chẳng muốn ngắm chút nào...

Ở lớp, tôi chơi thân với một số bạn như: Nguyễn Văn (Phương ngạn, Triệu long), Trần Ngọc Vinh (TX. Quảng Trị), Đặng Bá Chương (An tiêm, Triệu Thành). Bạn nữ có Hồ Thị Duy Tảo (đầu mút cầu Sãi), Nguyễn Thị Sáo (An Tiêm), Phạm Thị Tuyết Vân (xóm Hà). Đối với các thầy, cô giáo, bao giờ tôi cũng kính trọng và yêu mến. Nhưng có một lần tôi gặp một tình huống mà về sau cứ băn khoăn, trăn trở mãi. Hôm ấy học hai giờ Quốc văn do thầy Nguyễn Văn Quang dạy. Thầy vừa đi tu nghiệp Anh văn ở Huế 10 ngày trở về. Thầy mang ảnh thầy chụp chung với các đồng nghiệp tại khoá học ra khoe với cả lớp. Thầy còn nói: “Trong buổi chia tay, tôi có làm tặng cho cả khoá tu nghiệp mấy câu thơ.”. Rồi thầy cất giọng đọc: “Ngồi đây kể hết ngọn ngành/ Mười ngày tu nghiệp trở thành Doctor!”
Cả lớp mặt nhìn mặt, không ai vỗ tay tán thưởng. Tôi mạnh dạn đứng dậy hỏi thầy:
-Thưa thầy, đây là khoá tu nghiệp tiếng Anh chứ có phải về ngành Y đâu mà trở thành Bác sĩ?
Thầy cười và ôn tồn giảng giải cho cả lớp nghe:
-Doctor ở đây có nghĩa là Tiến sĩ, chỉ một học vị cao hơn Thạc sĩ,  chứ không chỉ có nghĩa là Bác sĩ trong ngành Y như người ta thường gọi đâu, các em ạ.
Bây giờ cả lớp mới vỗ tay hoan hô, riêng tôi thì cảm thấy như mình có lỗi với thầy và mang tâm trạng lo lắng. Về sau gặp thầy, tôi có tỏ ra hối hận về chuyện ấy thì thầy nói: “ Không có gì mà em phải băn khoăn. Không biết thì hỏi để biết. Học đến tận nơi, hỏi đến tận gốc là khẩu hiệu dành cho mọi học sinh.” Tôi nói lời cảm ơn thầy, và kể từ đó tôi mới thấy lòng nhẹ nhõm, như được trút đi một gánh nặng!

Kính thưa quý thầy cô, cùng các bạn CHS Trung học Triệu Phong mến nhớ!
Tôi năn nay tuổi cũng đã gần lục tuần, ước mơ được gặp lại quý Thầy – Cô và bè bạn, ít nhất là một lần, dù chỉ qua điện thoại cũng đã vui sướng lắm. Tôi xin kính chúc quý Thầy, quý Cô và các bạn luôn mạnh khoẻ, an khang và hạnh phúc!
 Trần Ngọc Anh và phu nhân 
TNA





  
(

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét