CHS : LÊ ĐÔNG
Khóa : 1962-1966
Trường : TH Triệu Phong
Sinh năm: 1951
Quê gốc : Ái tử, Triệu Ái, TP,QT
Hiện ở :47/6- ĐinhTiên Hoàng
P. Tam thuận, Q. Thanh khê, TP. Đ.Nẵng
ĐT: (0511) 6505407 – 0983003313
QUÊ HƯƠNG VÀ NGÔI TRƯỜNG QUẬN
Có thể nói không đại ngôn rằng: Ai là con dân của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, được sinh ra và lớn lên từ thập niên 50 của thế kỷ trước đều biết ngôi trường Trung học Triệu Phong, cũng như con dân Quảng Trị thì đều biết Trường Trung học Nguyễn Hoàng.Vì sao vậy? Vì có thể là họ, con cái, cháu chắt họ có học ở ngôi trường này, Nếu không, ít ra họ cũng nghe tiếng của trường.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo yên ả, thanh bình, nơi đó có tổng hành dinh của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trong những ngày đầu tiến về phương Nam theo lời khuyên của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Đó là làng Ái tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong , tỉnh Quảng Trị. Quê tôi có chiếc cầu đã đi vào lòng người qua làn điệu dân ca bằng lời ru ngọt ngào:
“À … ơi… Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái tử,
Vợ trông chồng lên đứng núi Vọng phu …”
Ở đó có dốc Cồn Kho (tương truyền là nơi tích trữ lương thảo của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng), chùa Sắc Tứ (Sắc Tứ Tịnh Quang), có miếu Trảo Trảo. Quê tôi ở cạnh dòng sông Thạch Hãn quanh năm nước trong xanh hiền hoà, được chia hai bởi con sông Ái tử rợp mát bóng tre làng, đổ về hạ lưu sông Thạch Hãn. Cũng tại quê tôi có động Cơn Ràn, choi Mương nước, choi Rọ, rú Trấm, chà Đê, chà Căng, những đồi hoa sim tím, hoa Chạc chìu nở quanh sườn đồi… Đất Ái tử tuy không phì nhiêu, không thẳng cánh cò bay nhưng cũng đủ nuôi sống dân làng từ buổi đầu khai khẩn, qua thời khốn khó vì chiến tranh và thời bao cấp.
Tôi xa quê sau Tết Mậu Thân 1968, không lâu sau lệnh tổng động viên của chính quyền cũ khi tôi mới 18 tuổi, dạt vào thành phố biển miền Trung xin một chân thư ký (để được hoãn dịch), phải vất vả lo toan đủ điều cho cuộc sống trong thời ly loạn. Cung đường từ Đà Nẵng ra quê không phải là xa lắm nhưng thời chiến tranh và do cuộc sống quá khó khăn nên 5,7 năm mới về được một lần. Sau này đời sống khá hơn, tôi mới có điều kiện về thăm quê một năm một lần, có khi được vài ba lần do có ngày kỵ giỗ, tảo mộ hoặc, việc làng, việc họ …
“Chim xa bầy lạc loài kêu sương” là tiếng kêu thổn thức nhớ về đất mẹ yêu thương, nơi có bóng dáng mẹ hiền một nắng hai sương như bóng chiều tà đã khuất sau luỹ tre làng, nơi đó có bà con họ hàng, bạn bè quanh năm bám lấy mảnh đất khô cằn mà thân thương, có sinh phần của tổ tiên, ông bà, cha mẹ …Ở nơi đó có tuổi thơ đi mò cua bắt ốc, chăn bò, đốn củi, câu cá ở những ao làng, có những buổi chiều mùa hè, sau giờ tan học tụ tập bạn bè cùng trường cùng lớp, cùng tuổi chia làm hai đội đá banh trên thửa ruộng sau mùa gặt (gốc rạ đã được cắt làm chất đốt), cùng kéo nhau lên chiếc cầu tre bắc qua sông Ái Tử, nhảy ùm xuống nước, trèo lên và nhảy ùm lần lần nữa, chao ôi là mát, chao ôi là thoả thích !; tưởng không gì mát hơn được nữa! Quê tôi còn có Bàu Môn, Bàu Đưng, chợ Hôm, bến đò, có dấu tích sân bay dã chiến của Mỹ, có mùa đông giá buốt, đạp xe đến trường lạnh cóng cả hai tay; có ngọn gió nam Lào xào xạc mùa hè làm cây lá, ruộng vườn xác xơ, tàn úa; có quốc lộ 1, có đường xe lửa chạy ngang qua, ngày đêm rầm rập kéo còi inh ỏi; có tiếng chuông chùa Sắc Tứ đêm đêm vọng về làm thức tỉnh lòng người. Và nơi đó còn in đậm dấu ấn của thời cắp sách đến trường với nhiều thiếu thốn vất vả với thầy cô, bạn bè thân thương nay người còn kẻ mất, lưu lạc bốn phương trời; có tình yêu tuổi học trò vụng dại, ngây thơ. Tuổi học trò của tôi gắn chặt với 3 ngôi trường: Trường tiểu học Phước Mỹ, trường Trung học Triệu Phong và trường Trung học Nguyễn Hoàng tỉnh Quảng trị. Ở những ngôi trường đó có những thầy cô luôn tận tâm với nghề nghiệp, hết lòng hết sức truyền thụ kiến thức cho học trò và còn có cái quý báu không gì so sánh được, đó là đạo lý làm người. Sau bao năm dâu bể, cách xa, lòng tôi luôn nhớ về thầy cô và bạn bè thân yêu.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường Trung học Triệu Phong xưa, tôi xin viết kỷ niệm về trường, nơi tôi đã từng cùng bạn bè được thầy cô dạy dỗ nên người.
Chia tay nhau cuối năm lớp Nhất với mảnh bằng Tiểu học sau 5 năm học ở trường Tiểu học Phước Mỹ, bọn tôi tung cánh đi thi vào lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) tại các trường công lập. Tôi may mắn thi đỗ vào trường Trung học Triệu Phong, một ngôi trường nhỏ vừa mới được thành lập với 4 phòng học khang trang rộng rãi, nằm cạnh quận lỵ Triệu Phong, gần chợ Sãi, cạnh con đường đất đỏ mà mùa mưa thì lầy lội, ổ gà, mùa nắng thì bụi đỏ bay mịt mù bởi những chuyến xe khách tuyến Quảng Trị- Bồ Bản nhả khói ỳ ạch chạy qua. Ngôi trường nhỏ bé mà thân yêu này tựa lưng vào một cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay, gần hơn là những mảnh đất màu mỡ mà người nông dân dùng để trồng đậu, ngô, rau các loại. Bốn năm học ở trường, tôi có những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn …Nhà cách xa trường trên 10 cây số, mùa đông cho đến mùa hè đạp xe đến trường (nên nhớ rằng chỉ khi đỗ vào được lớp Đệ Thất mẹ mới tích góp mua cho một chiếc xe đạp làm phương tiện - thời đó xe đạp thuộc loại quý hiếm!). Mùa nào khổ nấy: mùa hè thì ngọn gió nam Lào phả vào người cùng với cái nắng cháy da, mùa đông thì gió rét căm căm, lại thêm lũ lụt phải qua đò đoạn từ chùa Tỉnh Hội xuống xóm Hà thật quá nguy hiểm!(bây giờ nhớ lại thật rùng mình, hồi đó đò chèo, không có đò máy, không có phao bảo hộ). Lũ học trò nghèo chúng tôi chen chúc cho kịp chuyến. Khi may, gặp chuyến đò có thầy cô cùng qua thì được thầy cô trả tiền thay cho, vậy là ngày đó còn được 5 hào để có được một suất cơm xã hội cạnh bờ sông Thạch Hãn. Nếu muốn gần hơn, chúng tôi cũng phải qua đò An Mô, mùa hè thì được hưởng gió nồm mát rượi, nhưng mùa đông qua đò cũng hiểm nguy không kém.
Lớp tôi (Đệ Thất 1 đến Đệ Tứ 1, ban Pháp văn) có trên 50 học sinh, tuổi tác lớn nhỏ khác nhau từ các trường Tiểu học trong huyện tụ về, cũng có mấy bạn từ thị xã Quảng Trị về học (chắc sợ thi ở Nguyễn Hoàng không đỗ?). Lên học được trung học Đệ nhất cấp (PTCS. bây giờ) cũng oai lắm rồi vì khó khăn lắm mới vượt qua được kỳ thi tuyển vào lớp Đệ Thất. Tôi nhớ năm đó tổng số thí sinh dự thi là 350 mà nhà trường chỉ lấy 2 lớp (Pháp và Anh văn) 100 người. Tôi thuộc loại làng nhàng, xếp đỗ thứ hạng 50 mà cũng đã “trợt rọt” rồi, không dễ dàng gì đâu! Gần 50 mươi năm trôi qua, bây giờ nhớ lại mùa thi năm đó tại một trường tiểu học (quên tên) cũng gần chợ Sãi, cạnh con sông nhỏ.Khoảng 3 giờ sáng thức dậy xin mạ mấy đồng ăn trưa cho 2 người và nhờ người bà con chở xe đạp lên huyện dự thi. Thời đó nhà cửa thưa thớt lắm, hai đứa ra đến ngả ba Quốc lộ 1 khoảng 4g 30 trời vẫn chưa sáng hẳn. Cảnh vắng vẻ của đồi cát trắng chạy dài, những hàng thông gió thổi vi vu rợn người, chúng tôi đứng lại định thần khoảng 30 phút mới thay nhau đạp xe qua cầu Ga Quảng Trị, rồi về dọc đường Gia Long, xuống chùa Tỉnh Hội, qua đập Rì rì đến xóm Hà và cuối cùng đến trường để dự thi. Mặc dù chỉ thi 2 môn Toán và Quốc văn nhưng vẫn phải thi cả ngày. Tôi nhớ rõ Toán là một bài toán động tử 2 vòi nước, còn bài Văn là: “Em hãy tả một cuộc đi du ngoạn”. Ngày hôm đó làm xong hai bài thi, tôi biết chắc chắn mình sẽ đỗ, vì toán làm đúng, văn không hay nhưng mà sát ý, có hình tượng. (Thời học Tiểu học, tôi thuộc tốp giỏi: toán, văn đều nhau). Toán động tử hồi ấy thầy Hồ Ngọc Thanh và thầy Nguyễn Xuân Tăng dạy rất kỹ, lại thêm hè của năm lớp Nhì, lớp Nhất được anh Lê Hoá luyện thi nên tôi làm dễ như “cháo”. Thi đỗ đã là quá khó, đỗ rồi lại có cái khó khác: nghèo.
Mạ nghèo một nắng hai sương, quanh năm suốt tháng làm lụng vất vả lấy đâu ra tiền nuôi con ăn học?! “Thôi thì cực khổ gì cũng phải chịu, thi đỗ rồi chẳng lẽ nghỉ ngang!”, lời mạ nói đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in.
Các thầy cô dạy chúng tôi hồi đó là: thầy Đỗ Thanh Quang (Hiệu trưởng), Phan Thanh Thiên (Hiệu trưởng kế nhiệm thầy Quang), Nguyễn Thiện Lữ, Nguyễn Quang Kế (đã mất), Trần Sĩ Tiêu, Hồ văn Kham (đã mất), Hồ Ngọc Hội, Trương Quý Nghi, Tô Thất Quỳnh Nam, Đào văn Hoà, Tôn Thất Phú, Hoàng Ngân Hà, Nguyễn Thông (làm hành chánh, dạy Công dân giáo dục); các cô là Phan Thị Ngọc Tỉnh, Phạm Thị Như Hoàn, Bùi Thị Gái, Phạm Thị Diệu Thanh.
Ngày đó hầu hết các thầy cô đều mới ra trường, còn độc thân, đã đem hết công sức truyền thụ, dạy dỗ cho chúng tôi. Thầy Hiệu trưởng Đỗ Thanh Quang người mập, trắng, tóc hớt cao một mái (sau này mới thấy ít ai để kiểu tóc này). Thầy nghiêm trang, nếu không muốn nói là quá nghiêm khắc. Sáng thứ hai hàng tuần chào cờ, bốn lớp (Thất, Lục, Ngũ, Tứ) ngang hàng thẳng lối, đồng phục áo trắng quần xanh, mang sandal hoặc dép 4 quai (tuyệt đối không được mang dép lê), ngực thêu chữ đỏ: họ, tên, lớp, trường, đứng nghe lời huấn thị của thầy. Bọn tôi xếp thầy loại nghiêm khắc nhất trong số những thầy nghiêm khắc! Ngày đó trò nào vi phạm kỷ luật là bị phạt cấm túc, không chừng bị bạt tai ngay vì vô lễ, nên ai cũng ngán thầy! (Học trò trường huyện nên không thấy dấu hiệu ngựa chứng sân trường) và đều chăm lo học tập.
Thầy Đào Văn Hoà dạy chúng tôi chừng 2 năm. Hình như cuối năm đệ Ngũ, sắp nghỉ hè thầy đề nghị mỗi trò nộp cho thầy một ảnh 4x6 để thầy dán vào cuốn lưu bút của thầy. Tôi nhớ ngày đó tôi ghi vào dưới ảnh của mình (mượn lời một bài hát):
“…mai đây đường ngược, đường xuôi, nhớ nhau trong đời chỉ tìm lại lưu bút thôi, đời trai tung cánh ngang trời …”
Thầy Hoàng Ngân Hà cũng dạy bọn tôi 2 năm, sau đó hình như thầy vào Huế. Năm 1972 tình cờ tôi và Lê Văn Hậu (USA) cùng dạo phố, đoạn ngã tư Hùng Vương-Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, gặp lúc thầy cũng đang đi một mình. Hai chúng tôi kính cẩn chào thầy, thầy sửng người nhìn chúng tôi: một áo quần nhà binh 2 hoa mai trên ve áo, một áo quần thường phục dáng dấp công chức, chào mình. Sau khi biết cả hai đều là học trò cũ của mình ở trường Trung học Triệu Phong, thầy rất mừng. Chúng tôi chia tay nhau trong bịn rịn. Từ đó đến nay tôi chưa được gặp lại thầy.
Thầy Trịnh Ngọc Phòng (đã mất) cũng dạy chúng tôi 2 năm. Tôi nhớ rõ là trong kỳ thi đệ nhất hay đệ nhị lục cá nguyệt gì đó, thầy ra đề thi môn Văn như sau: “Em hãy kể lại một câu chuyện cổ tích, nói lên lòng tham của con người”. Nhớ những năm ở bậc tiểu học tôi thường hay qua nhà anh Lê Hoá để đọc sách, truyện, trong đó có câu chuyện dân gian: “Ăn khế trả vàng”. Câu chuyện nói lên sự tác hại của lòng tham vô đáy của con người. Tôi gần như thuộc lòng, ghi lại rõ ràng, rành mạch câu chuyện trên vào giấy thi. Kết luận của bài văn tôi còn dẫn chứng thêm câu chữ Hán: “Nhân dục vô nhai- lòng tham vô đáy”. Kết quả thầy cho 8 điểm và phê là “xuất sắc”. Thầy bị tổng động viên sau đó, và đã ra đi biền biệt không về!
Thầy Nguyễn Quang Kế (đã mất) cũng dạy chúng tôi 2 năm. Sau đó thầy bị tổng động viên. Khi xuất ngũ, thầy về dạy lại ở Trung học Triệu phong (và Nguyễn Hoàng) cả Anh Văn lẫn Pháp văn. Năm 1972 thầy mất vì tai nạn máy bay tại Phan Rang.
Thầy Hồ Văn Kham (đã mất) dạy chúng tôi 3 năm. Năm Đệ Lục thầy dạy Quốc văn. Trong một lần bình giảng một bài văn (lâu rồi, tôi quên tên, chắc là một tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn), thầy đọc đến một đoạn chào hỏi gì đó:
- …các chị đấy à!
Cả lớp cười ồ, cười như vỡ bụng, làm thầy rất ngạc nhiên. Sau đó thầy hiểu ra nên thầy trò cùng cười. (đấy tiếng Quảng Trị có nghĩa là đái, tiểu tiện) Thầy hiền từ, đạo đức, dạy văn rõ ràng. Bọn học trò chúng tôi dù có ngỗ nghịch bao nhiêu chăng nữa nhưng thấy thầy hiền quá nên cũng thôi.
Bẳng đi thời gian khá dài, hỏi thăm bạn bè, thầy cô mới biết là thầy đã mất trong biến cố Mậu Thân 1968.
Thầy Hiệu trưởng Phan Thanh Thiên có dáng đi rất nhanh.Từ đầu hành lang thấy thầy đi tới là bọn tôi nói nhỏ với nhau: “ Phản lực đến oanh tạc bây ơi!” (Trần Lợi A đặt ra). Thầy rất giỏi Toán. Lý, Hoá. Gặp lúc các thầy bận việc nghỉ dạy là thầy vào dạy thay, cả 3 môn. Thời gian sau này thầy vào Sài gòn và dạy trường chuyên Thành phố. Năm 2006, tôi và Trần Đình Khảm có gặp thầy ở Đà Nẵng. Hiện nay sức khoẻ thầy có phần giảm sút. Nhắc lại kỷ niệm xưa, thầy cười thoải mái.
Thầy Trương Quý Nghi dạy chúng tôi mấy năm, sau đó thầy bị tổng động viên. Năm 1972, tôi vào bệnh viện Đà Nẵng thăm người quen đang điều trị ở đây, tình cờ tôi được gặp thầy. Từ xa, trông thấy thầy trong bộ quân phục với ba hoa mai vàng trên ve áo, tôi cúi đầu nghiêm trang chào thầy, thầy rất vui mừng vì dù rất lâu rồi nhưng nay vẫn có học trò luôn nhớ đến mình.
Thầy Nguyễn Thiện Lữ hiện đang ở Đà Nẵng. Tôi thường gặp thầy mỗi lần họp hội đồng hương Quảng Trị và gặp mặt cựu GS&HS Nguyễn Hoàng tại Đà Nẵng, Quảng Trị và Huế.
Tôi cũng thường gặp thầy Trần Sĩ Tiêu trong những lần họp mặt Nguyễn Hoàng. Thầy tuy tuổi cao nhưng vẫn khoẻ. Thầy dạy Quốc văn chúng tôi năm Đệ Tứ. Ngày đó thầy nghiện Bastos xanh. Khi giảng bài, thỉnh thoảng thầy hút một điếu thuốc, rít một hơi dài làm có đứa học trò nghiện hút thèm không chịu nổi. Những lần gặp mặt, thầy trò tâm sự, nhắc những kỷ niệm xưa dưới mái trường Trung học Triệu Phong, thầy cười rạng rỡ …
Tôi nghe nói quý cô Phan Thị Ngọc Tỉnh, cô Phạm Thị Như Hoàn, cô Bùi Thị Gái đang sống ở nước ngoài. Ngày đó 3 cô oai nghiêm lắm. Trong đó cô Gái được học trò cho là “dữ” nhất, vì chẳng thấy lúc nào cô cười với học trò cả! Cô Hoàn và cô Tỉnh dạy chúng tôi liên tiếp 4 năm. Ngày đó các thầy cô giỏi thật, môn nào cũng có thể dạy tốt cả.
Lớp tôi nhiều trò không chừng xấp xỉ tuổi thầy cô, vì hoàn cảnh chiến tranh nên các bạn học chậm lại, có nhiều bạn còn to và cao hơn cả thầy cô; tiếng nói thì oang oang. Trong điều kiện như thế, các thầy cô phải nghiêm trang, áp dụng kỷ luật sắt đá cũng là điều dễ hiểu thôi. Dẫu sao, chúng tôi vẫn biết “tôn sư, trọng đạo”, chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn theo lời dạy bảo.
Thưa quý thầy, cô, cho người học trò nghèo của trường Trung học Triệu Phong năm nào kính gởi đến quý Thầy, Cô lời thăm hỏi ân cần và kính trọng nhất, (quyển học bạ 4 năm, Chứng chỉ Trung học Đệ nhất cấp lưu dấu một thời ở Triệu Phong, có lời nhận xét và chữ ký của quý Thầy, Cô em còn cất giữ, bảo quản như một báu vật). Kính chúc quý Thầy Cô luôn luôn mạnh khoẻ. Chúng em mong ngày hội trường sắp đến sẽ đoàn tụ đông đủ. Kính thắp một nén hương lòng tưởng nhớ đến quý Thầy đã mất, một nén hương nhớ đến các bạn cùng lớp, cùng trường đã về cõi vĩnh hằng!
Về bạn bè cùng lớp (Thất 1 đến Tứ 1), vì lớp có đến 50 bạn và đã qua 45 năm ít có cơ hội gặp nhau nên nhớ nhớ quên quên. Nguyễn Quang Toan (lớp trưởng), bạn này học giỏi tất cả các môn, chữ viết đẹp, chân phương nên được thầy cho giữ sổ điểm và ghi vào học bạ, tính tình hoà nhã, ít mất lòng ai, nghe nói sau này vào Hải quân.
Nguyễn Đức Liệu, bạn này học giỏi đều, có năng khiếu về thơ văn. Bài luận văn của bạn bao giờ cũng nhất lớp, thi lục cá nguyệt thì làm chemise. Do có tâm hồn nghệ sĩ nên bạn hát hay, đàn giỏi, giọng ngâm thơ truyền cảm, đặc biệt là thời kỳ đang học đệ nhất cấp mà hai ngón tay của bạn đã vàng khè (vì hút thuốc lá nhiều). Sau năm 75, có gặp bạn một lần ở Đông Hà (mới đi học tập về). Bạn bè gặp nhau hồi đó chỉ duy nhất 2 ly cà phê, hai điếu thuốc là sang rồi.Sau này nghe nói là có xin được một chân dạy cấp 2 ở trong Nam , và bạn cũng đã mất vì căn bệnh hiểm nghèo!
Bạn Lê Văn Quýt người An Tiêm, bạn này cũng học giỏi, người cao, trắng, đặc biệt là đôi môi hồng như con gái, tay thường hay vuốt tóc, tính hiền hoà. Nghe nói hiện nay đang ở Sài gòn, từ độ ấy đến giờ chưa gặp lại bạn! Lớp tôi có 2 Lợi: Lợi A và Lợi B. Lợi A học giỏi hơn. Cách đây vài năm nghe thầy Nguyễn Thiện Lữ báo là đã mất, hiện vợ con đang sinh sống ở Sài gòn. Lê Mậu Ngãi người Bích la Đông, to cao, trắng, đẹp trai, học cũng khá giỏi, pha chút bất cần đời, hiện nay đang ở Cam Ranh (Khánh Hoà), cũng có điện thoại thăm hỏi sức khoẻ của nhau.
Ngày 04/8/2007 (ngày hội trường Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị), nhóm Triệu Phong chúng tôi mấy đứa ngồi cùng bàn quậy tá lả: Lê Văn Soạn, Đoạn Định, Đỗ Mượn (Thanh), Võ Tất Kháng, Võ Thìn, Trần Tân, Trường Thiện, Phan Thại, Hồ Thị Loan.
Tôi xin ghi một số bạn còn nhớ được tên: Nguyễn Quang Toan (lớp trưởng), Nguyễn Đức Liệu, Lê văn Quýt, Lê Văn Soạn, Lê Văn Chương, Lê Đông, Lê Văn Lâm, Đỗ Văn Tuần, Đỗ Khắc Phong, Đỗ Khắc Phụng, Đoạn Kháng, Hoàng Tăng, Võ Truyện, Võ Thìn, Trần Tân, Lê Mậu Ngãi, Nguyễn Đình Thoan, Trần Lợi A, Trần Lợi B, Phan Đình Trọng, Đoàn Thị Kim Ân, Hồ Thị Loan, Nguyễn Thị Tằm, Trần Đình Khảm, Đỗ Mượn (Thanh), Đoạn Định, Võ Tất Kháng, Phan Thại, Trương Thiện, (29 bạn), (Xin lỗi các bạn, vì lâu ngày và vì lớp đông quá nên không nhớ hết. Bạn nào nhớ là cùng học lớp mình thì cố gắng liên hệ với nhau nhé!).
Hè năm Đệ Tứ, chúng tôi chia tay nhau để lên học đệ nhị cấp ở Nguyễn Hoàng, cũng là cấp phân ban nên lớp bạn bè cũ thỉnh thoảng gặp nhau không kịp chào hỏi. Thầy cô thì có người dạy tiếp ở trường, có người đổi lên Nguyễn Hoàng, vào Huế, Sài gòn,…
Thời gian 4 năm học ở ngôi trường nhỏ bé nhưng thân thương này đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp, khó quên, lưu dấu một thời học phổ thông ở quê nhà. Nhớ ngày nào là cậu học trò nhỏ trường quận (huyện), nay đã bước qua tuổi lục tuần, đúng là thời gian như vó ngựa qua cửa sổ! Ôi, sao nhớ quá! Nhớ những bạn bè thân thương, nhớ thầy cô với tình cảm sâu nặng,, nhớ hình ảnh ngôi trường nhỏ nhỏ xinh xinh, mái lợp ngói đỏ với hàng rào bao quanh không đủ độ cao, nhớ con đường đất đỏ về chợ Sãi chạy ngang qua quận lỵ, nhớ dòng sông Thạch Hãn hiền hoà trong xanh, nhớ những con đường đất nhỏ, phủ bóng tre làng dẫn tôi đến trường vào những ngày hè mà lòng mát dịu, …Nhớ lắm, tôi nhớ lắm! Nói như Lê Đàn ở Đông Hà: “Về thôi thầy cô ơi, các bạn của tôi ơi!”, ngày hội trường sắp đến./.
Đà Nẵng, Xuân Canh Dần-2010.
Lê Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét