Thứ Tư, 14 tháng 4, 2010

TRƯỜNG ƠI ! L. Trâm

CHS: LÊ TRÂM
Khoá   : 1969 - 1972
Trường: TH Triệu Phong 

TRƯỜNG ƠI!
Năm 1969 ba tôi nộp đơn cho tôi thi vào lớp đệ thất trường Trung Học Triệu Phong. Ba tôi bảo, tôi lêu lổng ham chơi thi vô Nguyễn Hoàng (1) không an toàn lỡ rớt thì mất uy tín (ba tôi là giáo viên tiểu học). Lũ bạn cùng học với tôi ở Trường Nam Tiểu Học Quảng Trị biết tôi thi vào Trường Trung Học Triệu Phong (2) nhìn tôi với ánh mắt xem thường, đôi khi còn tìm cách chế giễu . Năm ấy tôi thi đỗ thủ khoa vào trường Trung Học Triệu Phong với số điểm gần như tuyệt đối. Đó là điều làm ba tôi bất ngờ không tin về sự thật khó hiểu ấy, nhưng trái lại ông nội tôi lại thích thú và hào phóng thưởng ngay cho tôi một con bò ( ông nội tôi có rất nhiều bò thường cho người dưới biển “nuôi rẹ”. Năm 1972 đàn bò của ông tôi không còn nữa). Lũ bạn học trong xóm càng nghi ngờ về điều kỳ diệu ấy cho rằng tôi “chó ngáp nhằm ruồi ". Thú thực lúc ấy tôi chẳng quan tâm về điều đó và cũng chẳng tự hào gì về thành tích học tập của mình. Tôi chỉ cảm thấy vui vui, yên tâm hơn về bản thân mình, khi thấy ông nội tôi cười cười mà bảo với ba tôi rằng: " tao nói rồi hắn không đến nỗi gì, đừng lo !". Ông tôi nói vậy, nhưng ông không thể biết vì sao một thằng lêu lỏng suốt ngày lang thang bắn chim, trộm ổi nhà hàng xóm, vượt sông Thạch Hãn bẻ bắp như tôi lại đỗ thủ khoa vào trường công lập duy nhất của huyện Triệu Phong thời bấy giờ. Thú thực khi vào phòng thi, tôi chỉ làm được 2 môn văn và toán, còn khoa học thường thức thì tôi chộp được tài liệu của mấy người lính gác ngoài hàng rào quẳng vào cho người thân. Tôi kê dưới giấy và sao chép nguyên xi nên đạt số điểm rất cao 18 trên 20. Điều ấy bạn Võ Đức Trọng hiện đang dạy học ở Thành Cổ ngồi thi bên cạnh tôi sẵn sàng làm nhân chứng !
Tôi đến với trường Trung Học Triệu Phong bằng những kỷ niệm êm đềm như thế ! Hồn nhiên và trong trẻo như dòng sông Thạch Hãn mà suốt cả thời thơ ấu tôi đã may mắn được tắm gội nô đùa. Một ngôi trường mà tôi mãi mãi lưu giữ trong tâm hồn mình với biết bao nhiêu kỷ niệm tươi đẹp của một thời áo trắng quần xanh nhiều mộng ước. Người ta nói, ngôi Chùa là nơi tưới tẩm những phẩm chất tốt đẹp của con người; tôi nghĩ ,ngôi trường cũng thế !Ngôi trường là nơi tưới tẩm ươm mầm cho những ước mơ hoài bão tốt đẹp của con người !
Những người thầy của tôi ngày ấy sao vô tư và hồn hậu đến thế, chưa bao giờ đòi hỏi một điều gì ở học sinh, phụ huynh ngoài đạo đức và sự tiến bộ trong học tập của học trò. Bạn bè tôi hiền hoà như những bông hoa cúc dại mà có lần chúng tôi đã cùng thầy Nguyễn Thiện Lữ đến làng Bích Khê hái về để phân tích sự thụ phấn của các loài hoa trong giờ sinh vật. Chúng tôi yêu quí thầy cô như chính cha mẹ mình và luôn tâm niệm một điều " Thầy cô không phải là người sinh ra ta nhưng lại có công dạy dỗ ta nên người ,vì vậy ta phải xem thầy cô như cha mẹ ". Đó cũng là bài Đức Dục mà tôi đã học thuộc lòng ở Trường Tiểu Học Nam Quảng Trị và vẫn còn nhớ như in đến tận bây giờ. Chúng tôi thường thể hiện tình cảm ,sự kính trọng của mình bằng bằng các nghi thức mà bây giờ nghĩ lại tôi thấy rất cần thiết đối với việc hình thành nhân cách học sinh và chẳng liên quan gì đến bình đẳng hay quyền làm nguời. Khi đến lớp cũng như gặp thầy cô trên đường học sinh phải đứng lại ngã mũ chào , là nghi thức chẳng ai bắt buộc, nhưng chúng tôi lại tự nguyện thực hiện hàng ngày. Hình ảnh ấy là nét đẹp truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt , được giữ gìn từ thế hệ này qua thế hệ khác , mà ngày nay đã ít nhiều bị phai nhạt dần vì sự văn minh tiến bộ của thời đại.
Thầy Văn Phong nghiêm nghị , thầy Nguyễn Văn Hoá dịu dàng ,Thầy Nguyễn Lữ nhiệt thành, cô Nguyễn thị Loan giản dị , hiền hoà, thầy Nguyễn Văn Quang, thầy Hồ Đáp, thầy Trần Tiêu, Thầy Trị, thầy Kỳ, thầy Hạnh, thầy Duy và nhiều thầy cô khác nữa đã in sâu trong ký ức chúng tôi những ấn tượng tốt đẹp đầy ngưỡng mộ. Chúng tôi yêu quí ngưỡng mộ thầy cô đến mức khi học " Bích câu kỳ ngộ " bọn con trai lớp chúng tôi đã gắn ghép thầy Nguyễn Lữ là Tú Uyên còn cô Loan là Giáng Kiều. Trong tâm hồn non trẻ của chúng tôi thời đó Thầy Lữ và Cô Loan là đôi tình nhân lý tưởng xứng đôi vừa lứa . Làm sao chúng tôi quên được những giờ nhiệm ý sôi nổi và vui tươi. Thể thao, âm nhạc, hội hoạ, sinh ngữ là những bộ môn nhiệm ý đã thắt chặt gắn bó học sinh ở các khối học trong trường lại với nhau. Tôi thầm cám ơn những nốt nhạc đầu tiên mà Thầy Hoá đã dạy cho tôi và bài hát “Mùa thu chết " mà cô bé Nhân học sau tôi một lớp đã hát trong giờ nhiệm ý năm ấy. Cô bé ở gần cầu Sãi thường đến lớp trong giờ học nhạc bằng chiếc váy ngắn màu trắng và bài hát "Mùa thu chết " ấy là ký ức đẹp mà tôi vẫn còn lưu giữ trong tâm hồn. Thầy cô của tôi và người con gái ấy bây giờ về đâu sau những dâu bể cuộc đời cũng là giai điệu tha thiết mà tôi thường thầm thì mỗi khi nghĩ về ngôi trường xưa và thời niên thiếu tươi đẹp của mình .
Năm 1972 chiến tranh, ly loạn diễn ra, chúng tôi như những mảnh bom văng đi tứ phía. Những ngày tháng êm đềm đẹp đẽ đã sớm qua đi, chiến tranh đã lấy đi tuổi hoa niên hồn nhiên trong sáng nhiều ước mơ dự định đầu đời của chúng tôi. Đứa ở lại với gia đình chung sống với đạn bom, đứa chạy vào nam, đứa lên rừng, đứa ra miền Bắc. Tôi có cái may mắn là còn được gặp lại một số thầy cô và bạn bè ở trại tỵ nạn Hoà Khánh Quảng Nam. Những ngày đầu ở trại tỵ nạn, chúng tôi đến trường tạm với những chiếc ghế cầm tay, mệt mỏi và nháo nhác như đàn chim sau khi vỡ tổ tìm về. Những giờ học qua đi trong buồn tẻ và phấp phỏng âu lo. Mặc dù không nói ra nhưng chúng tôi đều có chung niềm mơ ước là được sớm trở về lại với quê hương về với ngôi trường xưa yêu dấu của mình. Năm 1973 Hiệp Định Pari về chấm dứt chiến tranh Việt Nam ký kết, người Quảng Trị chạy vào lánh nạn ở các tỉnh phía Nam lại có cơ hội được trở về lại với quê cha đất tổ của mình. Chúng tôi mừng vui khi chiến tranh tạm thời chấm dứt nhưng lại buồn vì không còn có cơ hội trở lại với ngôi trường xưa vì lúc ấy chúng tôi đã học lên bậc Trung Học đệ nhị. Chúng tôi lại chia tay nhau đứa về lại quê hương đứa theo gia đình vào Nam lập nghiệp. Riêng tôi được gia đình gửi ra Huế học, thầy cô, bạn bè bặt dần tin nhau. Mặc dù đã vào học ở một trường công lập thuộc loại danh giá ở Huế ( Quốc Học ) nhưng lòng tôi vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ về trường xưa bạn cũ năm nào .
Năm 1974, trong một dịp về thăm nhà ở Diên Sanh tôi đã cùng với một người bạn học cùng Trường Trung Học Triệu Phong ở trại tỵ nạn Hoà Khánh Quảng Nam chạy xe máy tìm về thăm lại trường xưa. Đến được thị xã Quảng Trị nhưng không đến được trường vì trường còn nằm bên kia giới tuyến tạm thời. Nghe nói trường xưa không còn gì nữa chỉ là những đống gạch vỡ ngỗn ngang lau lách và cỏ tranh. Hỏi thăm một người đi đường chúng tôi mới biết trường đã thành lập lại nhưng không phải ở nền cũ mà ở làng Ngô Xá. Mặc dù đường sá vùng giới tuyến tạm thời quanh co, khó đi và nguy hiểm nhưng chúng tôi cũng đã lần dò tìm về thăm lại thầy cô. Trường mới là những dãy nhà tạm bợ nằm bên giới tuyến , học trò thưa thớt, phảng phất âu lo trên từng khuôn mặt. Thầy Kham tiễn chùng tôi ở cổng trường ánh mắt đượm buồn đầy vẻ ưu tư. Không biết bây giờ thầy về đâu, gần 36 năm tôi chưa được gặp lại thầy.
Năm 1975, đất nước thống nhất, phần lớn lớp chúng tôi đã về lại Quảng Trị sinh sống và học tập nhưng lúc ấy cuộc sống phương tiện liên lạc, đi lại còn rất khó khăn nên vẫn không tìm được nhau. Tôi còn nhớ vào tháng 7 năm 1975 trên một chuyến đò ngang tôi đã gặp lại một người bạn học cùng lớp vai mang xắc cốt, chân dép tiền phong. Tôi mừng quá chạy đến kêu tên nhưng bạn ấy đã nhìn tôi với ánh mắt hững hờ, xa lạ. Năm 1972, bạn ở lại với quê hương, với cách mạng nhưng tôi lại cùng với gia đình chạy vào nam tìm đường sống, có thể bạn nghĩ thế nên đã hững hờ với tôi! Đó cũng là một trong những nỗi buồn sau chiến tranh mà tôi đã hồn nhiên nhận lãnh và chấp nhận. Bạn không thể biết rằng khi chạy vào các tỉnh phía nam được đi học lại ở trại tỵ nạn, tôi và các bạn cùng lớp đã rất lo cho những người ở lại đang đội bom, đội đạn ở quê nhà mà không biết sống chết ra sao. Không sao bạn vẫn còn nguyên vẹn sau chiến tranh là mừng rồi !
Gần 20 năm sau ngày chiến tranh kết thúc, khi đã yên ổn cuộc sống chúng tôi mới có điều kiện đi tìm nhau. Đứa về quê làm ruộng lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái, đứa làm thầy, làm thợ , làm công chức, làm cán bộ, làm quan, có đứa chạy xe thồ, bán tạp hoá và các nghề linh tinh kiếm sống hàng ngày. Chúng tôi lần mò tìm kiếm lại nhau và đoàn tụ bên nhau bằng những lần gặp mặt định kỳ trong những dịp Tết Nguyên Đán hàng năm. Những lần như thế, trường xưa thầy cũ lại hiện về qua từng câu chuyện kể cùng chung một đề tài : ngày xửa, ngày xưa khi chúng ta học Trường Trung Học Triệu Phong . Gần 15 năm sum họp, sau hàng chục lần gặp gỡ câu chuyện ngày xửa ngày xưa ấy vẫn chưa đến hồi kết, lúc nào cũng mới lạ lôi cuốn chúng tôi. Chúng tôi thầm cám ơn Đỗ Khắc Tào -Trưởng ban liên lạc Lớp Tám 3 niên khoá 1971-1972, người đã có công lớn giúp chúng tôi tìm về lại với nhau trong nghĩa tình đồng môn nồng ấm, hết sức vô tư không phân biệt giàu nghèo, sang hèn.
37 năm, bao dâu bể cuộc đời đã đi qua, chúng tôi cũng đã trưởng thành dù có đứa vẫn đang còn lam lũ trên những cánh đồng nắng cháy hay tất bật ngược xuôi kiếm sống trên đường đời nhưng chúng tôi vẫn còn có cái may mắn là hàng năm còn được ngồi bên nhau để kể chuyện ngày xửa ngày xưa khi chúng ta học Trường Triệu phong. Đó cũng là mong muốn của nhiều thế hệ học sinh trường Trung Học Triệu Phong Quảng Trị. Buổi chiều mùa đông se lạnh bên quán cốc ven đường trước cổng trường xưa, anh Võ Thìn cựu học sinh lớp trước của trường đã đồng cảm với tôi khi nghe tôi kể về cuộc đoàn tụ của lớp chúng tôi sau hàng chục năm chia lìa cách trở vì chiến tranh và khó khăn của cuộc sống . Tôi đọc thấy nỗi buồn trong mắt anh khi bạn bè thời niên thiếu cùng học tập với anh ở Trường Trung Học Triệu Phong đã bắt đầu vắng dần trên đường đời nhưng vẫn chưa có một lần tìm về hội tụ gặp lại nhau trong một mái ấm tinh thần. Thành lập Hội Ái Hữu hay tổ chức một cuộc gặp gỡ các thế hệ thầy cô và học sinh là điều mà anh, tôi và có lẽ hầu hết các thế hệ cựu học sinh Trường Trung Học Triệu Phong mơ ước sớm được thực hiện .
37 năm chia ly, đoàn tụ, hạnh phúc, khổ đau, vinh quang hay tủi nhục cũng đã đi qua nhưng trong ký ức chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn mái trường xưa yêu dấu và những kỷ niệm êm của một thời niên thiếu hồn nhiên tươi đẹp như những bông cúc dại bên đường. Nội tôi đã thành người thiên cổ, ba tôi cũng đã về cõi vĩnh hằng, mái trường xưa của tôi cũng đã trở thành quá vãng nhưng hình ảnh nội tôi, ba tôi và ngôi trường thời niên thiếu yêu dấu của tôi vẫn mãi hiện hữu trong tâm hồn. Cũng như khi nghĩ về nội tôi, ba tôi, mỗi lần nhớ đến Trường Xưa tôi lại thì thầm hai tiếng - Trường ơi ! 
Đông Hà 4/2010
Lê Trâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét