Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

NHỚ QUÊ HƯƠNG...Thầy B.N.Bửu


NHỚ QUÊ HƯƠNG - NHỚ MÁI TRƯỜNG
Thầy :Bùi Ngọc Bửu

Xuôi dòng sông THẠCH HÃN, cách thị xã  Quảng Trị khoảng 3 km là quận lỵ Triệu Phong; một cách khái quát ranh giới quận Triệu phong kéo dài từ chân núi Trường sơn là thôn ÁI TỬ ,là một địa danh lịch sử ,vào thời kỳ TRỊNH,NGUYỄN phân tranh. Năm 1558 chúa NGUYỄN HOÀNG đã  vào đóng dinh tại thôn Ái Tử ; Quận Triệu Phong có một địa thế hùng vĩ: phía Tây có dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp, phía Đông là biển Đông, biển cả bao la, ngày đêm ầm ầm sóng vỗ ; quận Triệu Phong bao gồm nhiều làng mạc,thôn xóm có đồng ruộng mênh mông nặng trĩu lúa vàng. Bên cạnh quận lỵ là NGÔI TRƯỜNG TRUNG HỌC TRIỆU PHONG đã  được thành lập và xây dựng năm 1960; Trường đã  giáo dục, đào tạo nhiều thế hệ học sinh thành người ưu tú , nhân tài làm rạng rỡ cho Quê hương...
Có lẽ trong mỗi chúng ta ,mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi người một cuộc sống, đã rời xa mái trường thân yêu này ; hoặc vì lý do này hay lý do nọ đi tìm một cuộc sống nơi xứ sở khác. Tôi cũng đã xa trường TRUNG HỌC TRIỆU PHONG kể từ tháng ba năm 1972, tính đến nay đã xấp xỉ 40 năm rồi...Tôi và vợ, con rời quê hương đến định cư tại tiểu bang OKLAHOMA , một tiểu bang thuộc miền trung của nước HOA KỲ.
Hoa Kỳ  là một đất nước của những lớp người di dân .Năm 1620 con tàu mang tên Mayflower đã đưa những người da trắng từ Âu Châu đến đây , họ là những người Anh đầu tiên, là người PILGRIMS dừng chân tại Plymouth tiểu bang Massachusetts. Cũng có thể nói sau năm 1975 người Việt Nam hiện diện trên khắp 50 tiểu bang của Hoa kỳ cũng là đã  đóng góp hoà  nhập với lịch sử di dân vào đất nước này ở  vào giai đoạn cuối thế kỷ 20 !!
Khi đặt chân đến đây ,bước đầu với bao nhiêu bỡ ngỡ ,không biết cuộc sống nơi đây thế nào ? ngôn ngữ bất đồng ,văn hoá dị biệt ,phong tục tập quán sinh hoạt đời sống xã hội hoàn toàn khác hẳn ! Tôi đã đọc một số báo chí của Hoa kỳ ,có một câu mà Tôi rất lấy làm tâm đắc :" Yêu ai hay đưa người ta qua MỸ vì đây là thiên đường, Ghét ai hãy đưa người ta qua Mỹ vì đây là địa ngục " !?
Thế rồi sau bao nhiêu năm tháng định cư sinh sống tại Hoa kỳ Tôi cảm nhận được rằng cuộc sống và mỗi sinh hoạt ở đây có lúc là thiên đường và cũng có lúc là địa ngục Tôi xin ghi lại đây vài mẫu chuyện thực tế của bản thân tại xứ cỏ hoa này như sau :
Sau khi đến Mỹ ,nghỉ ngơi 2 ngày, Tôi phải đến Sở An Sinh Xã Hội để  làm thẻ An sinh xã hội ; thẻ có hình dạng chữ nhật , chiều dài khoảng 8 cm, chiều ngang khoảng hơn 5 cm; thẻ An sinh xã hội rất đơn giản gồm có 8 con số hàng đầu tiên, hàng thứ nhì là HỌ & TÊN và cuối cùng là chữ ký của mình.Tám con số  này rất quan trọng được thiết lập cho hồ sơ lưu trữ cá nhân suốt cả đời người ; thủ  tục rất đơn giản: ngay khi bước vào cửa Văn phòng Tôi phải lấy số thứ tự ,tìm ghế ngồi đợi , khoảng 10 phút sau , nhân viên Sở gọi đến số của mình qua loa , cùng lúc con số được hiện lên trên màn hình vì sợ rằng Mình không nghe được tiếng Mỹ, Tôi được gọi đến gặp nhân viên Sở ASXH để lập hồ sơ trong vòng 10 phút là xong; trước khi chia tay Cô nhân viên Sở ASXH hỏi Tôi có cần hỏi gì thêm không và Cô ta cho biết là thẻ sẽ được gởi về địa chỉ nhà ở của Tôi theo đường bưu điện trong vòng 10 ngày ;cuối cùng Cô ta niềm nở bắt tay Tôi và nói Thank You !
Trong thời gian chờ đợi nhận được thẻ ASXH Tôi tìm học các đề thi viết bằng lái xe ; đề thi viết bằng lái xe gồm có 100 câu hỏi trắc nghiệm ;nhưng chỉ cần trả lời đúng 20 câu mà thôi là có 100 điểm; có nhiều đề thi cũng dễ mà cũng khó...Nhận được thẻ ASXH Tôi đến Sở Cảnh Sát để thi viết bằng lái xe ;thủ tục cũng đơn giản như xin thẻ ASXH ; Ngay khi vào cửa Tôi lấy số thứ tự ngồi đợi, khi đã được gọi đến số Tôi vào gặp nhân viên Cảnh sát nhận đề thi 100 câu hỏi và 1 cây viết chì ,tìm chỗ ngồi đọc nghiên cứu ,đánh vào 20 câu đúng  nhất ;mỗi người ngồi một bàn và không hạn định thời gian thi là bao nhiêu phút .Chắc chắn làm đúng rồi ,Tôi mang đến tận tay cho giám khảo, chờ đưa vào computer để  chấm đúng sai ở câu nào cho Tôi biết rõ trong vong 2 phút; kết quả Tôi đã đậu ( passed ) , nhân viên cảnh sát cấp cho Tôi giấy chứng nhận liền .Tôi đem đến dịch vụ ( Tag Agent )  để  làm bằng viết lái xe có chụp hình ảnh của mình…
Sau khi có bằng viết lái xe Tôi phải học lái xe thực tế ( nhờ bạn bè tập cho ); phải có bằng viết thì mới được phép học lái xe; một tuần sau Tôi đến Sở Cảnh sát để thi bằng lái; cũng như trước vào cửa lấy số thứ tự ngồi đợi 10 phút, được gọi vào lập thủ tục để thi lái ; tiếp theo người Cảnh sát cùng ngồi chung xe với Tôi ( mượn của bạn ) để chấm điểm thực tế trong vòng 15 phút Tôi phải lái xe chạy theo lộ trình qui định của Sở Cảnh sát giao thông và theo yêu cầu của người Cảnh sát muốn Tôi phải làm các động tác đúng bài bản thi lái xe; Tôi đã đậu và được cấp giấy chứng nhận ngay; mang giấy này đến dịch vụ để làm bằng lái xe. Thực thụ bằng lái xe chỉ có giá trị trong vòng 4 năm, tức là phải làm mới lại sau đúng 4 năm ; đã ghi rõ thời hạn giá trị trên bằng lái của mình.
Tôi vừa kể lại vài thủ tục hành chánh khi ban đầu Tôi đến Hoa kỳ thi đúng đây là thiên đường vì mọi cơ quan của chính phủ phục vụ cho người dân nhanh chóng và lịch thiệp...
Trong thời gian học lái xe Tôi đã nộp đơn xin việc làm ( job ) tại Sở lao động của tiểu bang; Tôi đã được nhận vào làm tại một Hãng chuyên sản xuất thịt bò Hamburger đông lạnh .Tại Hoa kỳ thì tất cả các Hãng, Xưởng đều sản xuất hàng hoá theo hệ thống dây chuyền công nghiệp hoá ; con người phải làm việc , phải nhanh để kịp với máy móc chạy!
Hãng mà Tôi đang làm : sản xuất miệng thịt bò đông lạnh ( beef patty ); nhiệt độ nơi làm việc rất lạnh 37 do F ( khoảng 8 do C ); ngày đầu tiên tập việc là Tôi phải bỏ 120 miếng beef patties, mỗi miếng nặng 25 oz, vào trong thùng carton trong vòng 50 giây! phải sắp vào thùng thành 3 hàng,mỗi hàng là 5 chồng,mỗi chồng là 8 miếng như vậy là có tất cả 15 chồng; cái khó nhất là làm sao bỏ chồng thứ 15 đúng vào cái lô của góc cuối cùng ,sau khi trong thùng đã chất đầy 14 chồng ngay ngắn rồi !? Tôi phải làm kịp với thời gian và phải có chất lượng mặt hàng để cứ tiếp tục như thế cho thùng tiếp theo theo hệ thống dây chuyền máy móc chuyển tới liên tục; cứ mỗi 2 giờ đồng hồ thì được nghĩ 15 phút ( người thay thế ) cứ 2 tiếng thì được nghĩ 30 phút ăn trưa ( có người thay thế ) ; đúng chính xác 8 tiếng là xong công việc trong ngày; các bạn thử tính nhẩm xem Tôi đã làm được bao nhiêu thùng hàng trong 8 tiếng ? Cả một tuần lễ tập việc, ngày nào Tôi cũng toát mồ hôi nhễ nhoại mặc dù nơi làm việc rất lạnh ; về tới nhà thì 2 cánh tay rã rời nhức mỏi ; cơm  cũng chẳng muốn ăn , đặt lưng xuống giường là thiếp đi lúc nào không hay ! Ôi đúng đây là địa ngục ...
Tục ngữ người Pháp có câu :" un lie'vre vient toujours mourir au gite" ( ai đi xa mấy cũng muốn về quê nhà ).Quê hương của chúng ta thì thời tiết,khí hậu quá khắc nghiệt; mùa ĐÔNG thì trời mưa tầm tã mưa dầm dề,mưa mà không mở mắt ra được; mùa HÈ trời nắng gay gắt ,nóng chói chang ,nực nội ,lại còn gió Lào đã khô rát còn cuốn theo cát bay mù mịt. Tôi còn nhớ con đường từ cầu XÓM HÀ đến trường Trung học Triệu Phong  vào mùa mưa thì quá lầy lội, đất đỏ sền sệt ; từng đoàn Nam,Nũ học sinh , tội nghiệp cho các em Nữ sinh trong đồng phục trường màu trắng không làm sao tránh khỏi màu đất đỏ , bùn đó bệt vào áo quần lấm chấm ; các em Nam sinh thì quần dài xanh phải xăn lên cao ,một tay cắp sách,vở ;tay kia thì cầm dép. Tuy vậy vẫn tươi cười tới trường ngày 2 buổi đều đặn đẻ thi đua học tập ; còn số đong các em khác từ Bồ Liêu, Đâu Kênh,Phương Ngạn, Hiền lương,Phúc Lộc ,An Cư v...v...vì nhà ở xa trường phải đi học bằng xe đạp ,các em thường mang theo cơm trưa để ăn vào giờ nghỉ học trưa ; có vài em không đem theo cơm thì buổi trưa xuống nhà Bác Phu trường lót dạ vài cái bánh ,cái kẹo qua loa  để  buổi chiều đúng 2:00 giờ tiếp tục đến lớp để  học với Thầy,Cô, cùng học bạn....
Bao thế hệ đã từng chịu đựng thời tiết cay đắng nơi quê hương, có thể lâu ngày đã  trở thành bản chất chịu đựng ; cũng nhờ vậy mà dù sống ở một nơi nào khác,một môi trường nào khác Tôi cũng như các Bạn vẫn mang theo đức tính cần cù chịu đựng, luôn luôn nỗ lực đấu tranh với đời để vươn lên. Chúng ta phải tạ ơn quê hương đã un đúc cho mỗi người tính cần cù chịu đựng ; Chúng ta phải tạ ơn các bậc Tiền Bối đã tạo nên địa danh Quảng Trị.Triệu Phong, Hải Lăng v....v...Chúng ta phải tạ ơn các bậc Cha Mẹ đã sinh thành,nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn; Chúng ta phải tạ ơn các bậc Thầy,Cô đã  dạy dỗ, giáo dục, hướng dẫn cho chúng ta nên người như ngày hôm nay...
Ước gì chúng ta từ mọi phương trời xa xăm được gặp lại nhau tay bắt, mặt mừng , chào hỏi nhau ấm áp, cùng nhau hàn huyên tâm sự chuyện vui, buồn, chuyện cuộc đời trôi nổi đó đây , rồi cùng nhau hát cho nhau nghe bài ca, câu hò âm điệu quê hương ngọt ngào , rồi cùng nhau thưởng thức những món ăn hương vị quê hương đậm đà thắm thiết chân tình...

Qua bao nhiêu năm đổi thay, thăng trầm TRƯỜNG XƯA nay không còn nữa; qua bao nhiêu năm cách biệt , chia ly do hoàn cảnh riêng tư trong cuộc sống, do hoàn cảnh đất nước đưa đẩy Tôi đã xa TRƯỜNG và xa CÁC EM HỌC SINH thân yêu; Tôi đã và đang sống xa tất cả nhưng tất cả không bao giờ rời xa trong TRÁI TIM!
Yukon City  March  04  2010 
BUU  BUI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét