Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Tiếng trống và ..Lê Hóa

Cựu học sinh : LÊ HOÁ
Khoá 1960-1964 ( đầu tiên )
Trường : Trung học Triệu Phong-QT
Quê gốc : Thôn Ái Tử
Hiện ở: Ái Tử-Triệu Ái- TP-QT
Điện thoại: (053) 2245842

TIẾNG TRỐNG VÀ VÙNG KỶ NIỆM

...Trống ơi trống, đừng vang tiếng nữa
Để cho ta chết lặng với thời gian
Để tim ta không còn thoi thóp nữa
Trong cô đơn vây kín cả tâm hồn ...
Khi đi qua trường xưa nghe tiếng trống, ít ai trong chúng ta không bùi ngùi xúc động nhớ lại thời thơ ấu, tuổi học trò. Với tôi, mỗi lần nghe tiếng trống, kỷ niệm của một thời dĩ vãng cứ dấy lên trùng điệp trong tôi. Vì vậy tôi xin vào đề trang viết bằng bốn câu thơ trên, do tôi xúc động làm ra trong những năm tháng vì chiến tranh tôi phải xa thầy xa bạn, xa mái trường thân yêu! Khi trở lại thì trường cũ đã bị bom đánh sập, thầy cô xưa cũng vắng bóng. Tôi gào lên trong uất hận:
Thầy hận chiến tranh trường Thầy tan nát,
Em hận chiến tranh em xa Thầy, xa bạn
Xa bao người em nhớ, em thương ...
Ngày ấy trong mịt mù của ký ức tôi, 50 năm về trước tôi được vào học Trung học Triệu Phong sau một kỳ thi cực kỳ gay cấn, tổng số 492 thí sinh dự thi mà chỉ lấy 50 người. Tất cả chúng tôi cùng xếp vào một, sinh ngữ là Pháp văn. Tôi nhớ rất rõ từng bạn theo thứ tự ABC: Bắt đầu là Dương Đình Á và kết thúc là Nguyễn Ứng. Đó là lớp đầu tiên của trường Trung học công lập Triệu Phong niên khoá 1960-61. Năm mươi chúng tôi được học tập và trưởng thành nhờ cái nôi chữ nghĩa này.
Chiến tranh phá hoại, trường tôi không còn nữa, nhưng hình ảnh trường xưa, lớp cũ, thầy cô, bạn bè cứ thường xuyên xuất hiện trong ký ức tôi. Tôi làm sao quên được những vị thầy tài năng, đức độ đã dạy dỗ chúng tôi cũng như nhiều thế hệ về sau! Hồi ấy thầy trò cũng khốn khó như nhau: Thầy đi xe đạp, học trò nhà khá giả mới có xe, nghèo thì phải đi bộ cả chục cây số đến trường; soạn bài, chấm bài, đọc sách, học bài ban đêm chỉ nhờ vào ngọn đèn dầu không đủ sáng.
Đầu tiên lớp tôi học tạm ở nhà thờ họ Đỗ,( thôn Bích Khê). Thầy Lê Công Trình dạy tất cả các môn. Sau đó lên học ở đình Cổ Thành (Sãi). Khi trường xây xong 5 phòng ở xóm Bèng, thôn Nại Cữu thì chúng tôi được chuyển về học ở trường mới, khang trang, tiện nghi hơn. Cô Phan Thị Ngọc Tĩnh dạy Hoá và là giáo sư hướng dẫn lớp tôi các năm Đệ Lục và Đệ Ngũ. Cô trẻ, đẹp, dạy rất hay và rất thương học trò, nhất là học trò nghèo. Tôi được học với các vị thầy đáng kính như thầy Nguyễn Quang Kế (Pháp văn), Trịnh Ngọc Phòng (Pháp văn), Nguyễn Thiện Lữ (Vạn vật, Toán), Tôn Thất Phú (Toán, Nhạc), Bùi Thị Gái (Toán, Sử), Phạm Thị Như Hoàn (Lý, Địa), Đỗ Thanh Quang (Toán, Sử. Anh) ... Lớp tôi đa số thi đỗ Trung học Đệ Nhất cấp với số điểm rất cao, vì vậy chúng tôi có điều kiện bay cao, bay xa trên con đường học vấn. Hồi đó thi đỗ vào Đệ Thất THTP là oai lắm, vì đã được vào học trường công lập rồi thì sớm muộn cũng được học tiếp lên Đệ Nhị cấp là trường Nguyễn Hoàng danh tiếng (khỏi thi vào Đệ Tam)
Tôi sinh ra bên dòng sông Ái Tử, quê tôi nghèo lắm. Tuy thế xưa kia nơi đây là thủ phủ của Tiên chúa Nguyễn Hoàng trong buổi đầu dựng nghiệp. Vì vậy những địa danh lịch sử của làng tôi thường là đề tài rất hấp dẫn trong giờ kể chuyện của thầy Nguyễn Quang Kế, Đỗ Thanh Quang, Nguyễn Thiện Lữ, ví dụ chuyện kể về vua Trùng Quang phải vào Ái Tử để chống giặc Minh tàn bạo, cuối cùng bị đánh bại ,cả vua quan đều bị giặc giết!; hoặc chuyện kể về tướng giặc lập Bạo và miếu Trảo Trảo. Thầy còn kể câu chuyện Công chúa Huyền Trân chịu hy sinh đời mình để đổi lấy cho giang sơn hai châu Ô và châu Lý,. . . Quê hương ơi, sao mà da diết thế! Những huyền thoại ấy từ xưa đã được các thầy hình tượng hoá qua lời kể hấp dẫn làm cho chúng tôi càng yêu mến quê hương hơn. Có lúc thầy đọc lên mấy vần thơ của Trần Nguyên Hãn:
Đọc triệu trang sách mà bất lực,
Suốt đời xin phụ nỗi thương dân!
Ở Ái Tử năm 1960 chỉ có mình tôi vinh dự đỗ vào THTP. Ngày hai buổi tôi qua qua đò An mô, đến Tân định rồi lên Bích Khê học ở nhà thờ họ Đỗ. Những lúc mưa rét, lụt lội tôi một mình một bóng băng qua vùng cát trắng mênh mông (động Cột cờ). buồn thì ít mà sợ thì nhiều hơn. Trưa mang theo mo cơm bới, ở lại ăn với các bạn nghèo, nhà ở xa. Chúng tôi ăn rất đơn sơ nhưng vẫn ngon miệng. Đi học chỉ có một bộ quần xanh áo trắng. Nếu quần áo phai màu thì lật ngược may bề trong ra ngoài để bận tiếp. Cả lớp chỉ có 1/3 là có áo ấm. Chiếc áo ấm đối với tôi và đa số bạn bè là cả một ước mơ! Chúng tôi cứ nai thân ra mà chịu rét như cắt da của mùa đông Quảng Trị. Năm ấy trường rách nát, mái ngói bị dột nên những trận mưa đầu mùa rơi xuống những bàn cuối ướt cả sách vở. Tôi được ngồi đầu lớp - học theo cụm. Tôi là học sinh giỏi Toán nên được cử hướng dẫn các bạn yếu, kém. Hôm ấy một bạn vô ý làm đổ lọ mực vào áo tôi thành một vệt dài màu xanh đậm trông bẩn lắm. Thầy Hiệu trưởng đi ngoài hành lang phát hiện vào phạt hai đứa tôi; bạn tôi thì vẫn được ngồi tại chỗ nhưng tôi bị đưa xuống ngồi bàn cuối - là bàn đang bị dột. Tất nhiên tôi bị ướt mỗi khi ngồi học. Cô chủ nhiệm thấy vậy đã cho tôi về lại chỗ cũ, âu cũng là trả lại sự công bằng cho tôi. Bạn bè trêu tôi: màu xanh là màu hy vọng, khi thấy tôi bận hoài chiếc áo vấy mực ấy. Họ có biết đâu tôi chỉ có một chiếc áo duy nhất đó, về nhà giặt mãi mà vết mực vẫn không phai. Tôi đã âm thầm khóc từng đêm không thành tiếng!
Năm ấy tôi đạt học sinh xuất sắc và nhà trường đã tặng tôi phần thưởng quý giá, trong đó có bộ áo trắng, quần xanh bằng vải. Cô Tĩnh ơi, em mãi mãi nhớ ơn cô suốt đời! Và ba năm ở Triệu Phong tôi đều là học sinh nhất lớp, người đứng nhì là bạn Nguyễn Văn Quang. Năm 1963 tôi quyết định thi băng (không học qua chương rình Đệ tứ) và đã đỗ bằng Trung học Đệ nhất cấp khoá ngày 24/4/1963. Tôi đỗ thủ khoa và khỏi thi vào lớp Đệ tam Nguyễn Hoàng. Do hoàn cảnh, tôi phải rời xa mái trường Triệu phong thân yêu để lên học Đệ nhị cấp. Tôi rất buồn phải chia tay bạn bè, thầy cô kính mến, để giờ đây khi nhớ lại bạn bè xưa, thầy cô cũ, tôi nằm mơ và gọi lớn từng tên:
Ơi Thi, ơi Quang, ơi Hoàng Hữu Bản,
Ơi Bát, ơi Tâm, ơi Việt Điểu dịu hiền
Bài hát năm xưa, con tàu chuyển bến
Có buồn không khi ở tận chân trời?!
Nét mặt đẹp, buồn và tóc xoã ngang vai
Ngày đến lớp ở nhà thờ họ Đỗ...
Ơi Bé, ơi Hồng, ơi Hoàng Dự, Trần Giang,
Ngô Tựu chết rồi, có phải thế không?
Thằng bạn hiền, cao lêu nghêu nhất lớp! ...
*
Trống trường cũ bỗng vang lên trong ký ức
Để gọi Cô bằng bằng ngôn ngữ bầu trời
Chúng em nhớ cô suốt cả cuộc đời
Nhớ cả trong mơ, nhưng đó là sự thật!...

Thời gian học Nguyễn Hoàng thì chiến tranh ngày càng khốc liệt, tôi ít khi được gặp lại các bạn cũ Triệu Phong.
Năm 1966 tôi vào Huế thi Tú Tài toàn thì gặp bạn Hoà, tôi ghi vội cho bạn mấy câu:
Xuân Hoà ơi,
Em về xứ Quảng
Mùa thi gặp gỡ
Biết nói gì hơn
Cho lòng nức nở!
Và rồi chúng tôi xa nhau vĩnh viễn!
Trong thời buổi chiến tranh ấy, mỗi người đi theo mỗi hướng do hoàn cảnh riêng tư. Bỗng một hôm tôi gặp lại thầy Tôn Thất Phú ở Sec, nay là công viên trường Đại học Sư phạm Huế. Thầy bị động viên và lúc này đang là một trung uý, tôi cũng mang áo lính. Thầy trò chỉ gặp nhau trong giây lát rồi vội vàng từ giã. Tôi xin mượn những lời thơ của thầy Nghiêm Xuân Kính để tả phút gặp lại thầy tôi lúc đó:
Quê hương xưa từ những ngày chinh chiến
Thầy trò ta vội từ giã ngôi trường
Thầy từ đây đã rời xa bục giảng
Trò làm thân chiến sĩ của muôn phương
Rồi thầy trò cùng chung màu áo trận
Đời chiến binh ai ngờ buổi tương phùng!
Tư thế nghiêm, trò giơ tay chào kính:
Dạ thưa thầy, thầy có nhớ em không?
Buổi hội ngộ nghe muốn trào nước mắt
Dạ thưa thầy, thầy có nhớ em không?

Thế mới biết chiến tranh là khổ đau, là chia ly và mất mát. Chiến tranh đã cướp đi biết bao nhân tài, thầy giỏi, trò ngoan của trường Triệu phong yêu dấu, đã vùi chôn biết bao số phận nghiệt ngã. Nay được sống trong thanh bình, hạnh phúc, chúng ta bùi ngùi nhớ lại những ngày qua mà thấy buồn thương khôn tả. Thật là:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng! (Nguyễn Du)
Nghe như đâu đây tiếng trống lại vang lên giữa buổi xế chiều, thúc giục chúng ta trở về với vùng kỷ niệm thân thương của một thời phượng hồng, áo trắng. Sau 50 năm, ai còn ai mất, ai lưu lạc phương nào?! Chúng ta hãy cùng nhau tìm về chốn xưa, nơi quê hương Triệu Phong yêu dấu để có một ngày hội ngộ, kể cho nhau nghe hết bao nỗi hàn huyên; hãy hỏi tìm cho hết những thầy cô, bạn bè hiện giờ còn thất lạc để có những cuộc đoàn tụ bất ngờ, mừng vui trào nước mắt, như chưa hề có cuộc chia ly!
LÊ HOÁ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét