Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

TÌNH HỌC TRÒ , ÁNH MẮT YÊU THƯƠNG Nguyễn Thị Thu Sương

TÌNH HỌC TRÒ
 Nguyễn Thị Thu Sương.
 

Sau Mùa hè Đỏ lửa 1972, dân Quảng Trị chạy loạn vào các tỉnh Miền Trung, lưu lạc khắp Miền Nam Việt Nam, và nhiều nhất là ở thành phố Đà Nẳng. Hiệp định Paris 1973 được ký, quân đội Mỹ rút quân về nước, các căn cứ Mỹ bỏ lại ở Non Nước và Hòa Cầm trở thành nơi tạm cư của dân chạy loạn Quảng Trị.
Sau một thời gian ổn định, Trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị đã tổ chức học lại. Trường Trung học Nguyễn Hoàng đóng tại trại 5 Non Nước. Trường tạm thời mở tại một hội trường lớn của Mỹ để lại. Lớp học được ngăn vách bằng cót ép, để trống phần trên và phần dưới, ngồi bên lớp này có thể nghe thầy bên lớp kia giảng bài. Những ngày đầu chưa có bàn ghế, học sinh mỗi người còn phải mang theo một ghế nhỏ để ngồi. Sau một thời gian ngắn, trường đã trang bị được bàn ghế, chúng tôi được một lớp học tương đối ra lớp học.
Thầy Nguyễn Huy Vỹ dạy Anh Văn cho bốn lớp 9, trong đó ba lớp 9/1, 9/2, 9/3 (nữ) và lớp 9/4 (nam). Thầy dạy Anh ngữ rất hay và tận tâm với học trò. Thầy khuyến khích chúng tôi học hành và ganh đua với nhau. Khi vào lớp con gái, thầy lúc nào cũng khen lớp con trai học rất giỏi và cứ nói:” sao con gái lại thua con trai hè!”. Vào lớp con trai thầy cũng dùng chiêu thức đó, các lớp cạnh tranh nhau học hành. Cuối học kỳ 1 thầy nói: “kỳ này thầy sẽ ra đề thi chung bốn lớp, ai đạt điểm cao nhất, thầy sẽ có phần thưởng!” Chúng tôi ganh đua nhau học. Kết quả học kỳ 1, điểm Anh ngữ của tôi là 19 ¼.
Tôi được một quyển tự điển Anh ngữ, đó là phần thưởng của thầy Vỹ. Nhưng đây mới là duyên cớ cho câu chuyện bắt đầu. Tôi có em trai học dưới tôi hai lớp cũng tại trường trung học Nguyễn Hoàng. Vui mừng vì chị đạt giải thưởng của thầy, em tôi đem ra khoe với bạn ngồi cùng bàn. Cậu bạn đó về kể lại cho anh trai mình. Hôm sau, bạn của em tôi nói: “anh trai mình thua chị bạn ¼ đó, anh mình 19 điểm”. Nhưng anh của bạn ấy không đành lòng, đưa ra câu đố: “To be or not to be” là gì?, đề nghị chuyển về cho tôi trả lời.
Thực tình, tôi không biết câu này, tôi tra tự điển mà không thấy. Tôi đành đến hỏi thầy Lữ, thầy giải đáp cho tôi. Đó là phrase bắt đầu của một lời độc thoại (soliloquy) của nhân vật Hamlet, hoàng tử xứ Đan Mạch (Denmark) trong hồi 3, cảnh 1 vở kịch Hamlet của đại văn hào và nhà viết kịch William Shakespeare nước Anh, thời Phục hưng:
“ To be , or not to be – that is the question:
“ Whether ‘ tis nobler in the mind to suffer
……………….
“To be or not to be “có nghĩa là: “sống hay chết, tồn tại hay không tồn tại: đó là một vấn đề nan giải” và nó trở thành câu châm ngôn bất hủ (famous quotation) của William Shakespear.
Khi có câu trả lời, tôi viết gửi lại cho người bạn ấy và không quên ghi chú: “Đồ con nít!”
Tôi đem câu chuyện này nói với nhóm bạn của tôi. Chúng tôi chỉ biết tên bạn ấy, nhưng không biết mặt. Hai lớp học cách buổi nên hoàn toàn không biết mặt nhau. Chúng tôi quyết định phải tìm cho biết mặt người thách đố ấy.
Chuẩn bị cho văn nghệ Tết của trường, liên lớp 9 họp lại ban văn nghệ. Chúng tôi vào họp nhóm văn nghệ, tôi nói với nhóm bạn: ”phải tìm xem mặt chàng kia, xem mặt mũi ra sao, mà phách lối thế!” Trong lúc đó, thật bất ngờ “hắn ta” lại ngồi trước mặt chúng tôi, ôm đàn lặng lẽ cười!
Sau này, khi xong chương trình văn nghệ, tôi mới biết mặt chàng ta.
Ngày liên hoan Tết cuối năm của trường, tôi nhận một thiếp chúc tết xinh xinh, ghi trong đó lời chúc tết và kèm theo câu:” Giọt sương xuân thấm lạnh lòng núi non”. Cả nhóm bạn tôi làm quen với bạn ấy và Mai Anh rất nghịch ngợm gặp người ấy đều đọc to câu đó.
Một hôm, Quảng phát hiện ngay chổ ngồi của tôi, có một lỗ tròn nhỏ, đặt mắt vào có thể nhìn sang bên kia. Quảng đi điều tra mới biết: phòng học của lớp tôi lại sát phòng nhà bạn ấy. (Ba bạn ấy là nhân viên của trường trung học Nguyễn Hoàng nên nhà bạn ấy ở trong trường!).
Buổi học Anh văn, học mệnh đề IF ( Conditional sentences), các bạn có dịp chọc bạn ấy. Ở bên lớp, Quảng và Mai Anh đọc to.”If you are Mountain, I will be Dew”. Không biết ngồi bên nhà, bạn ấy có nghe rõ không? Cái nhóm bạn nghịch như quỷ này luôn gây áp đảo bạn ấy. Bạn ấy chỉ cười mà không nói gì.
Cả nhóm tổ chức buổi họp mặt tại bãi biển Sơn Chà. Chúng tôi đi xe lam từ Non Nước qua Sơn Chà. Cả nhóm ngồi chơi đùa đến gần chiều giải tán, lúc về chúng tôi quyết định không đi xe mà đi bộ dọc bờ biển. Chúng tôi đi bộ từ bãi biển Sơn Chà về đến Mỹ Thị, đến bãi biển trại Hòa Long, Hoa, Mai Anh, Ái Hồng và Quảng đi tiếp về nhà. Tôi và bạn ấy đi bộ dọc bờ biển đến trại 5 Non Nước. Áo dài trắng bay quấn quýt theo bước chân, tóc dài bay tung trong ánh trời chiều. Ánh nắng trên biển bắt đầu dịu lại, dể chịu hơn hẳn. Chúng tôi vẫn lặng lẽ bước bên nhau, nói chuyện vu vơ về bài học này nọ. Bỗng nhiên, bạn ấy dừng lại, ngập ngừng hỏi tôi :
- S có cảm nhận một tình cảm nào đó về mình không? “.
Tôi thẹn thùng bối rối trả lời:
- Mình cũng không biết nữa!
Rồi chúng tôi tiếp tục bước, mỗi người đeo đuổi mỗi ý nghĩ riêng. Tôi không thể trả lời câu hỏi của bạn ấy, tôi mơ hồ cảm nhận về nó, nhưng không thể diễn tả nó như thế nào.
Ông ngoại tôi nổi tiếng là người khó tính. Hồi ở Quảng Trị, các bạn trai của các dì đến nhà chơi, ông ngồi quan sát và nhìn đồng hồ. Thấy không thích anh chàng nào ông lên tiếng hết giờ đến chơi. Không biết bạn ấy lấy cam đảm như thế nào mà dám bước vào nhà tôi. Ông ngoại tôi nằm trên gường, kế bàn học của tôi lắng nghe hai đứa nói chuyện. Lúc đầu tôi sợ thật tình, nhưng khi nói chuyện về học hành, chuyện sách vở, tôi quên mất cảm giác sợ hãi. Hai đứa trao đổi nhiều đề tài từ học hành, văn học, đến chuyện khoa học….Ông ngoại vẫn lắng nghe chúng tôi nói chuyện. Khoảng gần một giờ sau, bạn ấy cúi chào và xin phép ra về. Khi bạn ấy ra đi khỏi nhà, ông ngoại tôi khen:”thằng nhỏ học hành được đó, nói chuyện khá, nghe được”.
Từ đó, sau mỗi tối học bài xong, bạn ấy hay qua nhà tôi nói chuyện, dưới sự cho phép của ông ngoại. Nhà tạm cư không gian chật hẹp, chỉ có căn phòng nhỏ, nhất cử nhất động đều nằm dưới sự kiểm soát của ông ngoại. Chúng tôi vô tư nói chuyện, tôi cũng hóm hỉnh đối đáp với kiến thức có được, mang đến nhiều tiếng cười góp vui cho ông ngoại.
Dì Út tôi từ Đà lạt về thăm ông ngoại, tổ chức chuyến đi chơi Ngũ Hoành Sơn. Vài người bạn của bạn ấy, ba người hàng xóm và hai dì cháu tôi đã thành một nhóm tham quan Ngũ Hành Sơn.
Chúng tôi đi Ngũ Hành Sơn, nhưng chủ yếu tham quan Thủy Sơn. Tham quan nhiều đền chùa và hang động. Phong cảnh Ngũ Hành Sơn lúc nào vẫn đẹp, dù đi bao nhiêu lần, lúc nào tôi vẫn thấy khám phá ra nhiều điều mới lạ. Chúng tôi leo lên Vọng Hải Đài. Đứng trên ngọn núi cao, ngắm nhìn bao quát thành phố biển Đà Nẵng, ngắm bãi biển cát vàng vòng cung từ Sơn Chà đến Non Nước. Trời xanh và biển xanh, xanh ngắt một màu, mây trắng lững lờ trôi, ngọn núi Sơn Chà vươn dài ra biển, quang cảnh Vịnh Đà Nẵng thật đẹp như tranh. Nhìn về hướng đông nam là đảo Cù Lao Chàm, những đàm chim hải yến bay lượn dưới bầu trời xanh trong.
Chúng tôi đến thắp nhang ở chùa Linh Ứng và chùa Tam Thai. Chúng tôi đến động Huyền Không, đây là động lớn nhất của Ngũ Hành Sơn. Động nằm lộ thiên và có cấu trúc độc đáo ấn tượng với máy vòm bình tròn thông qua bên ngoài nên luôn tràn ngập ánh sáng. Bạn ấy quỳ cầu nguyện trước tượng Phật Quan Âm Bồ tát rất lâu. Tôi hỏi:
- S cầu nguyện xin gì mà lâu quá vậy?
Bạn ấy cười bảo:
- Bí mật.
Theo truyền thuyết, chúng tôi hứng nước trong thạch nhủ uống, với hy vọng mang nhiều may mắn trong cuộc đời.
Dù đến Ngũ Hành Sơn nhiều lần, nhưng không lần nào tôi dám xuống tham quan Động Âm phủ, nghe nói có con đường tối om và những hình dáng tượng đáng sợ dẫn xuống, tôi sợ không dám bước vào. Chúng tôi đã chụp rất nhiều hình, có một vài tấm hình tôi còn giữ đến ngày nay.
Chúng tôi ngày càng thân thiết nhau hơn, thỉnh thoảng bạn ấy nhờ em trai mang qua một bài thơ nhỏ hay một lá thư cho tôi. Bạn ấy viết lưu bút cho tôi, với những tình cảm thân thương của tuổi học trò, những mơ ước tương lai của chàng trai nhiều hoài bảo. Thời gian chia ly cũng đang đến gần. Bạn ấy và gia đình quay về lại Quảng Trị, tôi cùng ông ngoại vào định cư Nha Trang. Trước khi chia tay, bạn ấy tặng tôi một tấm thiệp có hình hoa Pensée (Pansy) màu tím với những tình cảm thiết tha.
Ngày chia tay đã đến. Sáng sớm hôm ấy, nhà bạn ấy trở về Quảng Trị. Cả nhà gói ghém đồ đạc và di chuyển trên một chiếc xe tải lớn. Trời còn tối, tôi và dì Út ra bên hiên nhà tiễn bạn ấy, bạn ấy ngồi trên xe tải pha đèn pin đến chổ tôi đang đứng. Tôi đứng đó vẫy tay chào tạm biệt bạn ấy và gia đình. Bạn ấy pha đèn pin và nhá đèn pin nhiều lần để chào tạm biệt tôi và dì Út. Chiếc xe chạy xa dần và mất hút trong bóng đêm. Tôi nhận thấy một cái gì đó vở vụn trong tôi, tôi không cầm được nước mắt. Tôi sẽ khó gặp lại bạn ấy. Bạn về quê Quảng Trị, còn tôi vào Nha Trang, địa chỉ không rõ ràng, có thể nói là chưa có, không có manh mối nào để có thể liên lạc cho nhau. Sống trong thời buổi loạn lạc, đầy bất trắc và tạm bợ này, xa nhau xem như là mất nhau, khó mà gặp lại.
“Nàng đứng ngóng, vẫy tay buồn thê thảm
Ánh đèn pin tôi viết chữ phân ly
Lòng nghẹn ngào, mắt ứa lệ hoen mi
Tình trong trắng như pha lê tan vỡ”
(Nam Hải Trường Sơn)
Năm 1977, bạn ấy đến thăm tôi tại Ký túc xá trường Đại học Kinh Tế TPHCM. Dáng vóc bạn ấy vẫn như ngày nào, vẫn vui tính và dí dỏm, tôi và bạn ấy ngồi nhắc chuyện ngày xưa. Nhưng tôi biết bạn ấy bây giờ đã khác xưa, bạn ấy đã có người yêu mới. Chúng tôi bấy giờ xem nhau như những người bạn thân của ngày xưa còn bé. Tôi trân trọng tình cảm của bạn ấy, giữ gìn những kỷ niệm, những ngày tháng xưa tươi đẹp và trong sáng.
Thời gian không dừng lại, như nước trôi qua cầu, đi đi mãi không bao giờ trở lại. Con người đã thay đổi, nhưng kỷ niệm xưa vẫn còn đó, nó đánh dấu một khoảng đời mà chúng tôi đã có nhau. Tôi mượn tạm mấy câu thơ của một nhà thơ để kết thúc.
“Duyên dang dở để ngàn thu nhung nhớ
Mộng trinh nguyên trôi vạn kiếp tồn lưu
Hạnh phúc tuổi thơ thiên trường địa cữu
Xin giữ gìn năm tháng đã có nhau!”
(Nam Hải Trường Sơn)
Trích thêm trọn bài thơ của bạn tôi ngày xưa.
 
TRINH NGUYÊN 
 
Ngó dòng chữ ghi đầu trang sách nhỏ
Ngậm ngùi thương gió cuốn bụi thời gian
Nét mực xanh, giấy thắm đã phai tàn
Quanh ký ức bồng bềnh năm tháng cũ
 
Nhớ mãi mái trường xưa, người tố nữ
Bài Anh văn cả bốn lớp thi chung
Nàng thủ khoa nên hứng thú vô cùng
Hoa vương miện phút giây thành hiện thực
 
Thua (một phần tư điểm) cứ ấm ức
(Ai đường đường là bực đại tu mi
Lại cam tâm lép vế “tiểu oa nhi?”)
Nên phóng bút hiên ngang đòi hỏi đố
 
Lời Shakespeare trong vở kịch xưa cổ
Chàng Hamlet: “To be or not to be?”
Đặt vấn đề sống chết với hoài nghi
Rồi “Tồn tại hay không? Mất hoặc có?”
 
Thành dấu ấn khởi đầu duyên hạnh ngộ
Tuổi học trò từ đó lắm mộng mơ
Cát hong vàng, biển động... cũng nên thơ
Ôm đàn hát ru trăng sao huyền ảo
 
Thiệp chúc Tết chua thêm dòng áo não
“Giọt sương xuân thấm lạnh lòng núi non.”
Lời tỏ bày trong mấy chữ cỏn con
Mong gói trọn phiến tình son bàng bạc
 
Nàng trả lễ bằng ngôn từ đài các
Bảo rằng tôi nên “gột rửa” tư duy
Như thể yêu là bệnh dịch hiểm nguy
Và con nít chớ điên rồ, xuẩn ngốc
 
Tôi khấn nguyện “tiểu oa nhi” nhiễm độc
Để tặng nàng phương thuốc giải tương tư
Cứu giai nhân như một đấng y sư
Nhưng lưu bút cứ ghi “mình trong sáng”
 
Bờ Non Nước nàng cười như tiên giáng
Động Ngũ Hành tôi dệt mộng Thiên Thai
Núi Sơn Chà hai đứa nhập Bồng Lai
Tình yêu đến tím khung trời Đà Nẵng
 
Nguồn thương nhớ long lanh chùm hoa nắng
Chuỗi ngày vui như ảo ảnh hoàng lương
Cuối dòng... sông chẻ nhánh rẽ đôi đường
Ngày tiễn biệt bình minh còn hắc ám
 
Nàng đứng ngóng, vẫy tay buồn thê thảm
Ánh đèn pin tôi viết chữ phân ly
Lòng nghẹn ngào, mắt ứa lệ hoen mi
Tình trong trắng như pha lê tan vỡ
 
Duyên dang dở để ngàn thu nhung nhớ
Mộng trinh nguyên trôi vạn kiếp tồn lưu
Hạnh phúc tuổi thơ thiên trường địa cữu
Xin giữ gìn năm tháng đã có nhau!
 
Nam Hải Trường Sơn
Mến tặng Thu Sương
Canada, giữa một mùa hạ nhớ gió cát Đà Nẵng
NTTS, 12/6/2020.
 
Truyện ngắn: ÁNH MẮT YÊU THƯƠNG
Câu chuyện xảy ra ở một tỉnh địa đầu giới tuyến trước Mùa hè đỏ lửa 1972.
Nguyễn Thị Thu Sương.
 


Hương là tên một cô bé đang học lớp đệ thất tại trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị - ngôi trường công lập danh giá nhất trong tỉnh hồi đó.Hương có cô bạn rất thân cùng lớp tên Lài, hai đứa lúc nào cũng bên nhau.
Mỗi ngày, hai đứa cùng nhau đến trường. Sau khi học bài xong, Hương hay qua nhà Lài chơi, lúc nào cũng mang theo đồ ăn vặt, khi thì ô mai, cóc chua hay ổi dầm. Lài quê ở Bình Định theo cô ruột ra Quảng Trị học. Nhà cô của Lài là một cửa hiệu buôn lớn bán len, áo len, vali, túi xách… Cô của Lài là thiếu nữ xinh đẹp, được cưới về làm vợ thứ cho một chủ tiệm buôn lớn người Hoa. Người vợ cả cũng người Việt Nam nhưng bà không sanh con được. Cô Lài sanh cho ông ba người con: hai trai và một gái. Người con trai cả có thể gọi là đại thiếu gia hồi đó. Anh thừa hưởng nét đẹp và dáng vóc của cha, đẹp trai, cao lớn và học giỏi. Anh là học sinh cùng trường với Hương và Lài, sau khi tốt nghiệp tú tài hai anh vào Huế học Đại học Sư phạm khoa Hán văn. Hồi đó, theo lời kể của Lài, anh có yêu một cô gái xinh đẹp, là anh em cô cậu với anh ( mẹ của cô gái là em gái cùng mẹ khác cha của anh). Anh dự định tốt nghiệp đại học là thưa chuyện với mẹ cô gái xin cưới cô gái . Nhưng khi ngõ lời cầu hôn, mẹ cô gái không đồng ý, bảo gia đình cô ấy đã dự định gả cho một gia đình khác ( thực sự vì gia đình nghĩ bà con). Anh thất vọng buồn bã, sinh bịnh, thêm phần tức giận, anh đã thổ huyết. Sau đó, anh từ giã gia đình vào chùa tu ở Huế. Theo Lài kể, gia đình can gián và năn nỉ anh trở về, nhưng anh từ chối. Hai năm sau, cô bạn gái cũng kiên quyết từ hôn vào chùa năn nỉ anh về. Anh không về và nói rằng anh đã có duyên với Phật và nguyện sẽ đi tu suốt đời.
Khi Hương đến chơi nhà Lài, anh đã xuống tóc đi tu được khoảng ba năm; lúc đó anh hai mươi bảy tuổi. Những lúc anh từ Huế về thăm nhà, Hương tò mò theo dõi anh. Đối với cô, trong nhà có người đi tu cũng là chuyện lạ và điều đặc biệt là anh quá đẹp trai. Trong mắt cô bé mười hai tuổi, anh quá hoàn hảo, không hiểu sao lại bị từ chối hôn sự. Những lúc anh về thăm nhà, Hương và Lài chú ý theo dõi anh. Hai đứa qua căn gác gỗ đối diện với căn phòng bên lầu đúc của anh, nhìn qua khe cửa xem anh làm gì. Sau giờ cơm (anh thường được dọn cơm riêng), ăn xong anh lên lầu. Hương vẫn dõi mắt nhìn theo. Hình như anh biết được sự chú ý của Hương, khi lên lầu, anh mỉm cười nhìn lại. Hương quay mặt đi, dấu sự hoảng hốt của mình.
Anh Sanh người con trai thứ hai và chị Khánh cô em gái út rất thương mến Hương. Hai anh chị đã dạy thêm Anh văn cho nhóm bạn học của Lài và Hương. Thỉnh thoảng Hương được Lài cho xem những bài thơ tình của anh Sanh tặng người yêu, anh làm thơ thật hay và lãng mạn. Lài bảo anh Linh (tên của người đi tu) làm thơ cũng hay lắm, nhưng hai đứa chẳng bao giờ được đọc bài thơ nào. Với Hương anh vẫn là anh trai của Lài, cô không quen gọi là Sư. Cô cũng không hề bắt chuyện với anh, không tiếp xúc với anh bao giờ. Cô chỉ đứng đằng xa ngắm nhìn và ngưỡng mộ anh thôi.
Mùa hè đỏ lửa 1972 xảy ra, tan tác và xa nhau. Lài đã về lại Bình Định, anh trở về chùa và lưu lạc ở đâu, cô không hề biết tin tức.
Năm 1978, lúc ấy Hương đã là cô sinh viên năm thứ hai của trường Đại học Kinh tế ở Sài Gòn. Khi đang chờ xe buýt đi học trước ký túc xá 135 Trần Hưng Đạo, quận 1, cô gặp lại anh Linh. Anh bây giờ là một nhà sư mặc áo vàng. Vui mừng quá, cô kêu lên:” anh Linh!” Mọi người quay lại nhìn cô, chắc họ ngạc nhiên khi nghe cô gọi tục danh một nhà sư. Họ đâu biết trong mắt cô, lúc đó anh vẫn là anh Linh thưở nào ở Quảng Trị mà thôi. Anh thật đẹp và dáng vẻ thanh cao. Hương nhìn anh với ánh mắt bối rối, trong lòng thấy xao xuyến rung động, cô đã trở thành cô thiếu nữ mười chín tuổi, không còn cô bé ngây thơ ngày nào. Hương bắt gặp ánh mắt trìu mến và yêu thương của anh. Hương thấy choáng ngập trong ánh mắt đó, lòng mơ hồ nhen nhúm một hy vọng mong manh.
Sáu năm trôi qua với nhiều biến động, anh bảo Lài đã lập gia đình và có hai con, hiện đang ở Bình Định. Khi xe buýt đến, anh chỉ kịp nói:“đến thăm anh ở chùa Lăng Ông Bà Chiểu”. Hương cũng không kịp hỏi tên xuất gia của anh.
Gặp lại anh, cô rất vui và xúc động, cô muốn đến thăm anh ở chùa. Nhưng cô sợ tình cảm của mình. Cô nhớ lại lời Lài kể, cô người yêu đầu tiên của anh -mà anh đã yêu rất sâu đậm đã vào chùa năn nỉ anh trở về nhà nhưng anh kiên quyết từ chối. Vậy cô là gì? Cô chỉ là cô bé nhỏ mười hai tuổi, bạn học của em anh ngày xưa, có gì mà hy vọng anh dành tình cảm ưu tiên cho mình? Để mong níu kéo anh, đưa anh quay về cuộc sống đời thường? Cô thấy mình thật nông cạn và viễn vông. Cô quyết định gạt bỏ tình cảm riêng của mình, không đến chùa thăm và làm phiền anh. Nếu cô có đến chỉ làm mình thêm tổn thương mà thôi. Tuy nhiên, ánh mắt yêu thương của anh vẫn theo cô. Những khi gặp đắng cay, phụ bạc trong cuộc đời, cô vẫn nhớ ánh mắt của anh, vẫn tự nhủ và động viên mình, rằng vẫn có người đàn ông đẹp và thanh cao cho cô ánh mắt yêu thương ngọt ngào. Một hạnh phúc mà suốt đời cô không bao giờ quên. Cô yêu anh một tình yêu thuần khiết và lý tưởng.
Nhiều khi cô cũng thấy hối hận, phải chi ngày ấy cô đến chùa thăm anh, thì bây giờ cô đã giữ liên lạc với anh, biết tên xuất gia của anh. Hơn ba mươi năm qua, cô mất liên lạc với người bạn thân thuở nhỏ của mình, chỉ biết Lài về Bình Định, nhưng cụ thể địa chỉ ở đâu, cô không hề biết .
Trong một lần cô đọc tập san “Chân dung và Kỷ niệm” của Trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, cô thấy bài thơ của chị Khánh, lần theo địa chỉ và số điện thoại của chị Khánh, cô đã liên lạc với Lài. Hai đứa mừng rỡ gọi điện cho nhau, hỏi thăm và kể cho nhau nghe những thăng trầm cuộc sống sau một thời gian dài xa cách. Hương có được số điện thoại của anh, Hương gọi điện hỏi thăm và xin địa chỉ để đến thăm anh. Hương nhắc đến cuộc gặp gỡ hơn ba mươi năm về trước ở đường Trần Hưng Đạo Sài Gòn. Anh vẫn nhớ cuộc gặp đó, anh nói anh xúc động trước nhan sắc xinh đẹp của cô ngày ấy và anh cảm nhận được tình cảm cô dành cho anh. Anh mong muốn cô đến thăm anh. Thỉnh thoảng khi ra ngoài anh bắt gặp một hình dáng một cô gái tóc dài, anh cứ tưởng là Hương. Hương không ngờ ánh mắt thương yêu của anh ngày nào là có thực, không phải là sự tưởng tượng của chính mình. Cô cũng thú nhận sự xúc động chới với trước ánh mắt của anh. Cô nói không dám đến thăm anh.
Lài vào khám bệnh ở Sài Gòn, hai đứa thuê xe, rủ thêm nhiều bạn bè và Phật tử về Bà Rịa lên một ngôi chùa trên núi thăm anh. Mặc dù, anh bây giờ đã sáu mươi lăm tuổi đã là một đại lão hòa thượng, nhưng nét đẹp thanh cao vẫn còn đó. Bây giờ cô phải gọi anh là Sư. Sư tu biệt lập ở một cóc lưng chừng núi, hàng ngày mỗi bữa trưa có đệ tử mang cơm đến, bữa tối nhịn ăn, chỉ ăn nhẹ vào bữa sáng. Sư ăn gạo lứt để chữa bịnh. Tinh thần rất tốt, tu yên tĩnh trên núi, làm thơ, nghiên cứu về Phật pháp, Sư đã hoàn thành tiến sĩ về Phật học, thỉnh thoảng dạy Phật pháp cho chùa. Sư tu theo phái Phật Nam tông, phái tu khổ hạnh, sống cần kiệm và khiêm tốn về vật chất.Nhìn thấy Sư sống khiêm nhường trên núi, tự lo sinh hoạt mặc dù tuổi đã cao, Lài đã rớt nước mắt thương cảm, Lài nói với cô rằng ai ngờ một đại công tử ngày xưa mà bây giờ sống khổ như thế. Hương nói rằng Sư tự chọn cách sống của mình, sống với tinh thần Phật pháp mà thôi.
Anh tặng cho cô một tập thơ do anh sáng tác, trong đó có tấm hình anh chụp hồi ở Quảng Trị. Nhìn hình cô thấy lại hình ảnh của anh ngày nào.
Hương thỉnh thoảng gọi diện hỏi thăm sức khỏe của anh và không dám làm phiền sự tu hành của anh.
Hương đã yêu anh một tình yêu chân thành trong sáng, cô muốn đấu tranh tình cảm của mình với tình yêu của anh dành cho Đức Phật. Hương có sự giành xé đấu tranh trong tình cảm của mình. Nhưng cô biết không thể thắng, anh đã chọn lựa đạo Phật. Anh cũng đã rung động trước cái đẹp thanh xuân và tình yêu trong sáng của cô, nhưng chỉ giới hạn ở đó. Tình cảm giữa hai người là chân thực nhưng không thể đến với nhau. Hương xem đó là tình cảm đẹp nhất, thuần khiết nhất, cô luôn gìn giữ trong lòng và nguyện mãi tôn thờ tình cảm đó. Đó là một tình yêu lý tưởng.
NTTS, 24/2/2021.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét