Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

BÂNG KHUÂNG: SÔNG THẠCH HÃN, NGUỒN GỐC ĐỊA DANH / Yến Thọ - Trư...

 

"THẠCH HÃN" KHÔNG NHƯ NHIỀU NGƯỜI NGHĨ CÓ NGHĨA LÀ "MỒ HÔI ĐÁ"... SÔNG MANG TÊN LÀNG, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀNG MANG TÊN SÔNG



TRÍCH ĐOẠN:
Trong dân gian, 2 chữ Thạch Hàn được diễn Nôm là Đá Hàn. Tên làng Thạch Hàn cũng được gọi là làng Đá Hàn. Ngày nay, địa danh này vẫn còn lưu ảnh ở thị xã Quảng Trị qua nhà thờ Thiên Chúa mang tên Đá Hàn. Vì thế, tên sông trong dân gian vẫn gọi là sông Đá Hàn. Tên Nguồn Hàn là theo chữ Hàn (韓) này và từ đó mà ra. Nhưng tên sông Đá Hàn có khi được hiểu là do nước trong và lạnh, nhưng có khi lại được hiểu theo nghĩa “thành giếng bằng đá”. Cụm từ “thành giếng bằng đá” có lẽ là việc diễn
Nôm từ nghĩa Hán tự vừa mang cả chữ Hàn 韓 (lạnh) lại vừa mang cả chữ 捍 (bảo vệ).
Theo nghĩa chiết tự Hán - Việt, Thạch Hãn không phải là “mồ hôi đá” như nhiều người vẫn nghĩ, mà là từ để hàm chỉ con sông có nhiều ghềnh đá nổi lên dọc hai bên bờ ngăn cản dòng chảy. Chữ THẠCH (石) nghĩa Hán là đá, chữ HÃN (捍) nghĩa Hán là mạnh tợn, hung tợn, ương bướng, cản trở; tự dụng gọi là “hãn nhiên bất cố” lại có nghĩa là bảo vệ, gìn giữ. Bởi thế nên trên hành trình từ thượng nguồn về xuôi, dọc hai bên bờ có nhiều tên làng mang nghĩa của đá, như: Trinh Thạch, Đá Nằm/Na Nẫm, Đá Nổi, Thạch Xá, Đá Đứng, Thạch Hãn, Lập Thạch.
Tất cả các văn tự viết bằng chữ Hán có liên quan đến tên sông Thạch Hãn của các làng trong vùng đều viết chữ Hãn (捍) theo nghĩa là ương bướng, cản trở chứ không viết chữ Hãn (汗) theo nghĩa mồ hôi.
Sách “Đồng Khánh địa dư chí lược” duy danh định nghĩa về sông Thạch Hãn rằng: “Một dòng sông lớn từ phường Mai Lĩnh ở thượng nguồn chảy xuống về phía bắc đến địa phận xã Thạch Hãn, rải rác từng đoạn có những ghềnh đá chắn ngang dòng, cho nên gọi là Hãn Giang” 12.
Các nhà địa chí triều Nguyễn luận về sông Thạch Hãn rằng: “Xét: Sông này nguồn rất xa, nước trong và ngọt, ngạn ngữ có câu rằng: Bất vi xạ não, diệc thị trầm đàn; bất vi quỳnh hương diệc thị cam lễ. (Nghĩa là: Chẳng phải xạ hương, long não thì cũng trầm hương, đàn hương; chẳng phải quỳnh tương thì cũng cam lễ). Câu ấy cực tả phẩm chất của nước” 13. Sách “Nhất thống dư địa chí” thời Gia Long ca ngợi sự trong và ngọt của nước sông Thạch Hãn bằng câu:
“Chẳng thơm cũng vốn bạch đàn
Chẳng trong vốn nước sông Hàn (Hãn) chảy ra” 14.
Trong dân gian vùng Thạch Hãn lại lưu truyền câu ca này dưới dạng biến thể:
“Chẳng thơm cũng thể hương đàn
Không trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”.
Chính vì thế, “bản triều Minh Mệnh thứ 17 đúc cửu đỉnh, khắc tượng vào Thuần Ðỉnh; năm Thiệu Trị thứ 2, xa giá bắc tuần qua sông này có thơ đề vịnh; năm Tự Ðức thứ 3 liệt vào điển thờ” 15. Khi cho khắc hình Thạch Hãn giang trên Thuần đỉnh, hình ảnh được thể hiện là một dòng sông với những bờ đá lởm chởm ngang bướng cản dòng.
Với ý nghĩa chiết tự và từ trên thực tế, Thạch Hãn giang nên hiểu là một con sông hung tợn, có nhiều đá cản trở, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của thuyền bè.
Phong cảnh đôi bờ Thạch Hãn hữu tình và dòng nước Thạch Hãn trong xanh đã trở thành đề tài cho nhiều văn sĩ ngày trước để tâm đến.
Nhà thơ Nguyễn Khuyến nhân đi qua một chiều Thạch Hãn đã tức cảnh:
“Thạch Hãn giang lưu nhất trạo hoành
Thạch hà yểm ái viễn sơn minh
Tây phong hà xứ xuy trần khởi
Bất tự niên tiền triệt để thanh” 16.
(Thạch Hãn ngang dòng chèo một mái
Ráng chiều lấp loáng rặng núi xa
Gió tây đâu cuốn bụi dồn
Nước trong thấu đáy nay còn nữa đâu).
Nhà thơ Tương An cũng đã viết:
“Danh cao lạn xạ Kim Lung tửu
Sắc tối thanh trừng Thạch Hãn than”.
(Chén rượu Kim Lung hương ngát đậm
Bãi sông Thạch Hãn nước trong veo).
Như vậy, sông Thạch Hãn có nguồn gốc địa danh từ tên làng Thạch Hãn. Tên Thạch Hãn xuất hiện từ thế kỷ XVI - XVII và được các nhà Nho diễn nghĩa Hán tự từ ghồ đá cản dòng trên sông, đoạn đi qua làng Thạch Hãn. Trước đó, khi làng Thạch Hãn còn mang tên là Thạch Hàn/Đá Hàn thì sông được gọi là sông Đá Hàn. Vì thế, dân gian gọi là Nguồn Hàn.


BÂNG KHUÂNG: SÔNG THẠCH HÃN, NGUỒN GỐC ĐỊA DANH / Yến Thọ - Trư...: Nguồn: https://tapchicuaviet.com.vn/nguoi-dat-que-huong/song-thach-han-nguon-goc-dia-danh-8202.html Sông Thạch Hãn là con sông lớn nhất của...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét