Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

Tấm thẻ học sinh -Đ.T. Phúc


  Đinh trọng Phúc CHS NHQT K-1965-1972

Cuộc đời con người là cả một quá trình thay đổi, như trăng tròn lại khuyết, hoa nở để mà tàn.  Lá xanh kia còn đó trên cây thấm thoắt thu về trước ngọn đông phong chợt rụng rơi theo vòng quay trời đất.
Chỉ có kỷ niệm của con người mới hi vọng thoát  khỏi định luật đào thải khắt khe của thời gian.  Kỷ niệm con người thì vô hình, nó nằm mãi trong tâm hồn ta, đến những khi trống vắng chợt sống lại trong tâm tưởng để nhớ, để thương, để tiếc nuối rồi đưa ta về quá khứ với những hình ảnh gấm hoa thơ mộng.
Dĩ vãng thăng trầm của đất nước trong cơn lốc xoáy của chiến tranh, thì người ta hay mất mát đổi thay.  Ai ai trong đời ít nhất cũng có một lần nuôi một giấc mơ thêu hoa dệt mộng, nhất là ở lứa tuổi học trò thì biết bao là mộng đẹp.  Tôi cũng thế, thuở cắp sách đến trường thì làm sao kể hết những chuyện mộng mơ, và đôi khi lại dám mang một hoài vọng vá trời lấp biển.   Nhưng thành bại lại tùy theo số mệnh, và khi số mệnh đã an bài cho một lớp người hay cả một thế hệ thì chúng ta lại an ủi nhau bằng hai chữ mệnh trời.
Thời hoa bướm học trò đã thuộc về quá khứ xa xưa.  Nó lại càng xa hơn nữa khi ta đứng bên này xứ người hướng tâm tư vượt nửa vòng trái đất mà vọng về cố hương Việt Nam.  Hình ảnh mái trường Nguyễn Hoàng xưa, đường Quang Trung ngập tràn áo trắng nữ sinh lúc tan trường.  Dễ thương thay nét e ấp thẹn thùng dưới vành nón lá nghiêng che, một thời xuân sắc,  và thật tội nghiệp cho bước chân mấy gã si tình cứ lẽo đẽo theo sau.
Tấm thẻ học sinh vẫn mãi thuỷ chung theo tôi cho trọn một đời.  Nó đã từng theo bước chân lưu dân Quảng trị đi hết những nẻo đường  đất nước.  Rồi đến khi xếp áo thư sinh theo tiếng gọi quân hành, tôi vẫn có nó bên mình và ngày rời xa quê hương nó cũng theo tôi đi đến xứ người.  Có những lúc chạnh lòng nhớ về lối xưa trường cũ tôi lục lọi tìm nó trong ngăn tủ, cầm tấm thẻ đã vàng úa theo cát bụi thời gian mà hình dung lại những kỷ niệm xưa.  Ba mươi mấy năm rồi mà, từ ngày tôi phải xa ngôi trường cũ, phải bỏ nó mà đi cho đến khi ngôi trường tan nát có mấy ai trong đám Nguyễn Hoàng đã chứng kiến giây phút cuối cùng của ngôi trường thân mến đó.  Ba mươi mấy năm là cả một chặng đời cho một người đủ  khôn lớn, trưởng thành.  Tấm thẻ học sinh này tôi coi  như là một kỷ vật của trường trao lại.  Nó không chỉ đưa trí tưởng tượng của tôi về lại thuở biết yêu mà còn xa hơn nữa đó là ngày tôi bắt đầu đi học.
Tôi nhớ lại buổi học đầu đời, niên khóa 1960, ngày đó tôi cứ níu lấy tay mẹ tôi khi người đem tôi đi xin nhập học vào lớp năm trường Nam Quảng trị.  Ngày đầu tiên theo chân mẹ đến trường tôi là đứa con trai cưng vừa đi vừa mếu máo khóc.  Trẻ thơ thuở đó tôi đâu biết gi về những cảm xúc như  hình ảnh “mấy chiếc lá vàng rơi” hay “trên không có mấy đám mây bàng bạc”  giống  nhà văn Thanh Tịnh đã tả trong ngày đầu đi  học.  Ngày đầu tiên đi học của tôi chỉ là những cảm giác lo sợ, những giọt nước mắt bịn rịn khi tôi phải xa  nhà, xa ba mẹ để  bắt đầu tập tành bước vào thế giới của thầy cô bè bạn, của sách vở bút nghiên.
 Ảnh trên:Cửa Tây cửa chính của Thành, bờ hồ đang được tu sửa lại- Góc tiếp nối đường Lê Văn Duyệt và đường vào trường Nam phía cạnh bờ Hồ.
Ảnh dưới: Cửa Bắc đối diện đường Lê Văn Duyệt với hàng dừa bên bờ Hồ và bờ kè đàng được xây dựng lại. 
Đã vào lớp nhưng mắt tôi luôn rớm lệ, tôi cố nhìn ra cổng trường hướng bờ sông Thạch Hãn.  Mẹ tôi thương con chưa nỡ về nhà, người cứ mải đứng trước cổng chờ con cho đến khi tan buổi học đầu.  Cô giáo Tâm lớp tôi, bằng giọng Quảng hiền dịu cô đã dành thì giờ dỗ dành, an ủi tôi.  Cũng nhờ sự vỗ về của cô nên chỉ sau hai ngày đi học tôi quên ngay cảm giác sợ hãi lo âu ban đầu.  Tôi còn nhớ trên vách lớp khi nào cũng có những túi kẹo bi hay đồ chơi nho nhỏ, cô Tâm sẽ thưởng cho những em ngoan, nhưng có khi cô cũng tặng cho em nào hay ngủ gật trong lớp nữa.  Có cô giáo, có bạn bè tôi quen dần nếp sinh hoạt của trường của lớp.  Tuổi nhỏ học trò ngày hai buổi đến trường, con đường Lê văn Duyệt dẫn đến trường Nam sao quá thân quen, đường Gia Long ven bờ sông lộng gió.  Trong trường hình ảnh mấy cây ngô đồng rợp bóng, mấy đứa bạn cùng tôi hay lượm trái ngô đồng khô để làm bánh xe cho mấy chiếc xe đồ chơi tự tạo.
Mới chớm cơn nắng hạ thì bầy ve trên mấy cây ngô đồng đã vội râm ran kêu.  Hè về là mùa đá rế của con nít chúng tôi.  Tôi thường cùng mấy đứa bạn băng qua cánh đồng mênh mông về tận mấy rẫy dưa ở làng An Tiêm hay cả gan vượt sông qua tận Nhan Biều, tìm cho ra năm ba con ‘rế nhất, rế nhì’ về nhà so tài cao thấp.  Mấy ngày hè tiếng la tiếng hét của bọn con nít chúng tôi vang ầm khắp xóm.
Thời gian của tuổi thơ êm ả đi qua như giòng Thạch Hãn lững lờ theo năm tháng trôi qua thành phố Quảng trị hiền hòa và trầm lặng.  Niên khóa 1965-1966 tôi bắt đầu bước lên trung học.  Trường Nguyễn Hoàng lúc này thầy Thái mộng Hùng làm hiệu trưởng.  Sau này tôi mới biết cô giáo đầu đời của tôi, cô Tâm, chính là  hiền nội của  Thầy.  Nhưng giờ đây Cô đã trở về với ‘người muôn năm cũ’.  Nhớ Cô, tôi chỉ biết thắp lên một nén hương lòng, vọng về cố quốc để tưởng niệm đến cô giáo lớp vỡ lòng năm xưa.
Thầy Hùng bận bịu chuyện văn phòng nên tôi ít khi thấy Thầy xuất hiện ngoại trừ những sáng thứ Hai làm lễ chào quốc kỳ.  Sau nghi thức chào quốc kỳ Thầy nhắc nhở cho toàn trường vài ba huấn thị.  Đôi khi thầy Hùng cũng có đảm nhận thêm mấy giờ Pháp văn vì trường thiếu giáo sư.  Những lúc  này tôi mới thấy bóng dáng dong dõng cao của thầy Hùng thoáng xuất hiện trước hành lang rồi bước vào lớp Tứ một.  Hết giờ dạy Thầy về ngay văn phòng tiếp tục công việc.
Hay đi kiểm soát trong trường là phần hành của thầy giám thị Hồ ngọc Thanh.  Mấy  lúc này thật ‘rủi’ cho mấy chàng đi học nhưng chân lại mang ‘dép Nhật’ hay quên mang bảng tên trên túi áo. 
Vào khoảng sau năm Mậu Thân 1968 khi có mấy khoá sư phạm Huế ra trường, thì trường Nguyễn Hoàng được bổ sung một số cô thầy mới như cô Tương Anh văn, cô Hồng quốc  văn, thầy Hiệp lý hóa, thầy Toản toán, thầy Điền Pháp văn, thầy Dinh sử địa và một số thầy trẻ khác.  Dạo này không khí sinh hoạt của trường nhộn nhịp khởi sắc hẳn lên như văn nghệ, cứu trợ bão lụt, du lịch biển Gia Đẳng, Mỷ Thủy, thăm lăng miếu tại Huế hay tháp tùng phái đoàn đi trao vòng hoa và uỷ lạo chiến sĩ…
Lứa tuổi đệ nhị cấp cũng có niềm hãnh diện riêng của nó như được thêu bảng tên bằng chỉ xanh để phân biệt với đệ nhất cấp có bảng tên thêu bằng chỉ đỏ.  Màu chỉ xanh bảng tên là đàn anh, đàn chị là sắp sửa “dùi mài kinh sử” để vào Huế mà thi tú tài.  Ngày mai đây Trường sẽ có thêm nhiều ‘cô tú- cậu tú’ tân khoa.  Làn chỉ xanh trên áo trắng cũng là chỉ dấu của lớp tuổi bắt đầu yêu đương và mơ mộng, biết dệt bao nhiêu vần thơ hay nhất rồi e ngại,  ngập ngừng hay kín đáo gởi cho nhau.  Cũng có lúc ai đó âm thầm lặng lẽ theo bước chân nàng về tận ngõ  nhàTuổi biết yêu đồng thời cũng biết nuôi bao nhiêu hoài vọng thiết tha cho đời để mai đây trên mọi miền đất nước có những cánh chim Nguyễn Hoàng góp phần xây dựng.
Bay xa hơn nữa, ngoài tầm đất nước, có những cánh chim Nguyễn Hoàng còn gặp lại nhau nơi xứ lạ quê người.  Tha hương viễn xứ, chúng ta may mắn được trùng phùng khi vầng trán đã in nhiều vết hằn năm tháng, những mái tóc đen nhánh mượt mà năm xưa giờ đã nhuốm bụi phong sương.  Rồi chúng cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xa xưa, một thời hoa bướm.  Tay bắt mặt mừng.  “Ừ nhỉ, mới ngày nào đây mà đã ba mươi mấy năm rồi.” không ai bảo ai mà cũng xuýt xoa một niềm lưu luyến ấy.  Thời gian quái ác vẫn lạnh lùng trôi nhanh như “vó câu qua cửa sổ,” mãi theo tháng ngày lận đận đến khi giật mình nhìn lại mình thì đời đã quá ‘rêu phong’.
Cách nhau ngàn trùng mà vẫn không xa cách.  Những Nguyễn Hoàng ngày xưa vẫn có lúc hội ngộ như bây giờ.  Trái đất vẫn tròn thì chúng ta còn gặp lại nhau- “mô tê răng rứa” cứ nói thật nhiều cho thoả những nỗi nhớ mong.  Bạn cũ trường xưa “ bây chừ gặp lại- mi cách xa tau cả mấy múi giờ”  Ừ nhỉ ! khung trời Quảng trị giờ ở đây, mái trường xưa giờ cũng là đây.  Thầy trò chúng ta giờ phút tao ngộ này, tuổi đời ai cũng ‘ mấy bó giống nhau’.  Hãy nói với nhau những gì chưa nói, hãy vui cho thật trọn vẹn trong những khoảnh khắc bên nhau, rồi ngày mai chia tay mỗi người một ngã thì xin ghi những hình ảnh hội ngộ này như là những kỷ niệm đáng nhớ trong đời./ 
Để ghi nhớ đại hội Nguyễn Hoàng Nam Cali 
2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét