Thứ Hai, 10 tháng 5, 2010

NHỮNG CON ĐOM..D.T.B.Đào

NHỮNG CON ĐOM ĐÓM
Dương Thị Bích Đào
Trời cuối thu, những chiếc lá trên những tàng cây đã chuyển màu, rồi từng chiếc, từng chiếc, nhẹ nhàng rơi xuống âm thầm trên đất .
Mùa Thu, mùa của nhớ nhung, yêu thương, và chờ đợi, mùa của thi sĩ dệt lên những vần thơ. Những kỷ niệm xưa trở về trong tôi, khi nhìn những cơn mưa phùn lất phất bay ngoài đường phố, gợi cho tôi nhớ về thời thơ ấu, thời áo trắng tung bay, nhớ những “con đường xưa em đi,’ về, trong nắng hanh vàng nhẹ, hay trong những cơn mưa bụi, hoặc trong những cơn mưa tầm tả, ở quê nhà Quảng Trị. Vào mùa đông, bầu trời lúc nào cũng ướt sũng, mưa suốt ngày, suốt đêm, ngày ni qua ngày khác, dầm dề, rồi nước lũ cuồn cuộn tràn về sông Thạch Hãn, dâng lên đầy sông, có năm cơn lũ đi vào đường phố, tôi nhớ hình như năm 1970 , trên con đường nhà tôi ở, nước dâng cao lấp xấp trước hiên nhà. Rồi cơn nước lũ mạnh mẽ băng qua làng mạc, ruộng đồng, và đổ nhanh ra biển Đông.

Già rồi ! nhưng sao tâm hồn tôi vẫn còn trẻ, cảm thấy lòng xôn xao khi nhìn mưa rơi, cảm thấy bâng khuâng khi nhìn những chiếc lá thu vàng , rồi suy nghĩ vẫn vơ đến nhiều chuyện .

Có người nói rằng: Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ, và cũng có người nói: Thời gian là liều thuốc nhiệm mầu để cho ta quên đi những chuyện buồn đau. Đôi khi, có người mong muốn thời gian trôi nhanh, nhưng cũng có người mong muốn thời gian trôi chậm lại. Đó là thời gian tâm lý. Còn tôi, thời gian trôi nhanh như giọt nắng bên thềm, như những cơn mưa ở Sài gòn bất chợt đến, rồi bất chợt đi.
Mới ngày nào đây thôi, vậy mà đã bốn mươi hai năm trôi qua. Tôi đang muốn nói đến tuổi mười hai của tôi vào những ngày tháng thân thương ở quê nhà, một thời bình yên và êm đềm. Tuổi mười hai có nhiều kỷ niệm đẹp và nó đang nằm trong bộ nhớ lâu dài của tôi .
Quê hương có dòng sông Thạch Hãn hiền hoà chảy lững lờ, giữa hai bên bờ có bãi bắp, nương mía, vườn chè xanh, luống khoai, thửa ruộng với màu mạ xanh vừa mới cấy, hay nặng trĩu với những hạt lúa chín vàng được mùa, trước hiên nhà có giàn mướp, bầu, bí, với những con ong, con bướm nhởn nhơ bay lượn, có khói lam chiều nhà ai đang thổi cơm bằng rạ rơm thơm mùi lúa mới.
Đó là năm tôi đang học lớp đệ lục Trường TH Triệu Phong. Gia đình tôi có cố ngoại,ba mẹ cùng chị, và các em sống trong một căn nhà rộng thênh thang ở Chợ Sãi.
Chiều ngang căn nhà khoảng mười lăm mét, chiều dài khoảng hai mươi mét, tường xây bằng gạch, mái lợp ngói, trần nhà đóng la - phông bởi những miếng ván nhỏ ghép lại. Căn nhà có một phòng ngủ, một cái gác lững. Ba Mẹ tôi mua ván ép, rồi ngăn lại thành nhiều phòng, làm thêm một hầm bằng bao cát để lỡ khi có chiến sự hoặc đạn pháo lạc tầm rơi trúng... Thỉnh thoảng gia đình tôi cũng vào ngồi trong cái hầm đó, mỗi khi nghe tiếng nổ lớn bởi tiếng pháo dội về từ đâu đó, rồi tiếp theo là tiếng động cơ gầm rú của những chiếc máy bay, từ sân bay quân sự ở căn cứ Ái Tử bay lên đầy cả bầu trời. Trong đêm đen những ánh hoả châu được bắn lên rực sáng cả bầu trời. Từ bên ni thành phố nhìn sang bên bờ bắc sông Thạch Hãn, làng Nhan Biều, Đại Áng, Ái Tử…..ngập tràn ánh sáng, ánh sáng từ máy bay, ánh sáng của hoả châu, của lửa do pháo rơi trúng kho đạn, những tiếng nổ dòn suốt đêm, kéo dài cho đến ngày hôm sau mới ngừng nổ. Nhìn khung cảnh đó, giống như một bức tranh thuỷ mạc, nhưng không có họa sĩ nào vẻ được, vì đó là bức hoạ sống động của chiến tranh. Chiến tranh đến quá gần, trước đây tôi cứ nghĩ chiến tranh chỉ ở ngoài mặt trận.
Cố ngoại tôi đánh thức chúng tôi dậy, vào hầm trú đạn. O Hải, người giúp việc nhà cho mẹ tôi trải một chiếc chiếu ở trong hầm, cho các em tôi ngủ cho đến sáng, nhiều lần như vậy, nhưng Chợ Sãi chưa bao giờ bị pháo rơi nhầm.
Vào một buổi sáng thứ bảy của mùa hè năm 1967. Tôi cùng em gái Bích Liên về quê Nội, làng Hữu Niên. Từ Chợ Sãi đạp xe đi đến làng Bích Khê, đi trên con đường đất đỏ Bazan đầy bụi bặm. Từ đây, rẽ phải đạp xe khoảng mười lăm phút sẽ đến làng Bích La Trung, nơi đây có một ngôi Chùa cổ kính, mà nhiều năm về trước, khi gia đình tôi còn sinh sống ở làng ngoại, là làng Bích La Đông. Vào những ngày rằm, hay ngày lễ Phật Đản, Cố ngoại của chúng tôi thường dẫn mấy chi em tôi đi chùa lễ Phật. Đường đi xa, từ nhà đi xuống cuối hẽm, rẽ trái ra đến đình làng, trong khuôn viên, có nhiều cái miếu xây từ xa xưa, một cây Sanh được trồng trong hồ nước, cây cao lớn, có nhiều tàng râm bóng mát, dù mùa hè, hay mùa thu, cây vẫn còn lá xanh xum xê phủ xuống mặt hồ không gợn sóng. Mỗi lần đi ngang qua đây, chúng tôi đều phải cúi đầu, và niệm Phật, hồi đó tôi học lớp ba, chị Tình học lớp năm, em kế tôi Bích Liên học lớp một, và Hiệp còn nhỏ cũng đòi đi theo.

Cả năm chúng tôi đi trong im lặng, trong đêm tối, có lúc trăng sáng soi vằng vặc, có lúc trời đen như mực. Từ Đình làng đi lên làng Bích La Trung, đoạn đường này không xa mấy, nhưng vì đi bộ trong đêm thanh vắng, tôi cảm thấy đi rất lâu mới tới chùa, những giọt sương khuya rơi xuống thấm ướt tóc mềm, tôi cảm thấy lành lạnh. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy những ánh sáng lập loè trong màn đêm, đó là những con đom đóm, rồi những con ếch hai bên bờ ruộng kêu inh ỏi. Cố ngoại của chúng tôi luôn nhắc nhở :
- Các con phải nắm tay thật chặt và niệm Phật thì không còn sợ gì hết.
Tôi không biết cố ngoại của tôi về sống chung với gia đình chúng tôi từ khi nào, có lẽ từ khi gia đình tôi từ giã căn nhà thuê ở đường Nguyễn Thái Học trên thi xã Quảng Trị, để trở về quê Ngoại, thì Cố tôi đã về ở trong căn nhà mà Mẹ tôi đã xây dựng từ trước, trên một mảnh vườn rộng mênh mông, được bao bọc xung quanh bằng những rặng tre già.
Cố Ngoại có nét đẹp quý phái, sinh trưởng trong một gia đình cốt cách trâm anh. Người sinh thành của Cố làm quan đến chức Thượng Thư ở Triều Đình Huế, do đó về việc nội trợ, thêu thùa may vá, đan áo rất khéo léo, lời ăn tiếng nói từ tốn, dịu dàng, đi đứng khoan thai. Dù ở nhà hay đi đâu đó Cố luôn mặc áo dài, may bằng vải lụa gấm, trên đầu chít khăn vàng, chân mang đôi hài may bằng vải nhung đen. Người chồng quá cố của Cố cũng làm Quan đến chức Hương Lô Tự Khanh .
Vào thời điểm đó, Cố ngoại vẫn còn lãnh tiền hưu trí ở Ty Ngân khố tỉnh QT. Mẹ và các dì của tôi cũng được thừa hưởng từ Cố ngoại chiếc mũi cao thanh tú, đôi mắt đẹp, làn da trắng hồng, chân mày đen óng, cũng như việc nội trợ đảm đang. Chị em chúng tôi được sống trong tình yêu thương của Cố. Cố thường hay bênh vực chúng tôi, mỗi khi Ba tôi doạ đánh đòn khi mấy chị em bị tội gì đó .
Từ làng Bích La Trung, rẽ trái đi đến làng Hà Mi, con đường này cũng đầy cát bụi, bên phải đồng ruộng trải dài mênh mông, bên trái có những mái nhà tranh thấp thoáng sau lũy tre xanh. Có lần chú tôi kể:"Vào khoảng năm 1958-1960, Chú tôi làm việc ở Thị xã Quảng Trị, chú thường đạp xe về làng vào những buổi chiều được nghỉ phép. Lúc đó trời đang chạng vạng tối, khi đi ngang qua làng Hà Mi, chú gặp một cụ già khoảng bảy mươi tuổi, vẫy tay và nói: cháu ơi ! Chở mệ về một chặng ( một đoạn ), chú tôi nghĩ đó là một người già cần giúp đỡ, nên chú dừng xe lại và chở Mệ về bằng chiếc xe đạp, đi trên con đường gồ ghề sỏi đá, khi đến gần khu nghĩa địa, chú nghe tiếng nói từ đằng sau:
- Cho mệ xuống đây, mệ bị đau bụng, nghe nói vậy chú tôi liền ngừng xe để Mệ xuống, đi thật nhanh vào khu nghĩa địa, bà đi nhanh như người còn trẻ, trong chốc lát đã đi vào bên trong .
Chú tôi ngồi bên vệ đường chờ mệ, chờ thật lâu, nhưng không thấy mệ trở ra, chú thầm nghĩ, sao mệ đi lâu vậy, có té ngã gì không ? chú liền đi vào tìm mệ, nhưng không thấy gì hết ,ánh trăng thượng tuần đang chiếu sáng xuống mặt đất, soi rõ mọi vật xung quanh khu nghĩa địa, rồi chú hiểu ra mệ là ai và cảm thấy sợ hãi, nỗi sợ hài làm lạnh xương sống, chú chạy nhanh ra đường, phóng lên chiếc xe đạp, đạp thật nhanh về nhà, không dám quay đầu nhìn lại phía sau".
Nhớ lại chuyện chú tôi kể, mặc dầu rất sợ, nhưng tôi vẫn bình tâm đạp xe nhanh hơn khi đi ngang qua đây. Rồi không bao lâu hai chị em tôi đã về đến hiên nhà của O tôi . Con của O tôi chạy ra và la lớn :
-Mệ ơi ! Mạ ơi ! Hai chị về mạ nì. Con gái của O tôi tên là Liễu, Liễu lớn hơn tôi ba tuổi, nhưng vì vai vế của ba tôi trong dòng họ nên Liễu gọi chúng tôi bằng chị. O tôi đi ra hiên nhà và nói:
Chà!- hai cháu về, để O đi chợ Thuận mua cá ngừ về kho ăn với bún nghe hai cháu. Tôi vội vàng nói:
-O cho chúng con ăn cơm với rau muống luộc là được rồi, O đi chợ làm chi mất công bỏ việc. O tôi liền nói:
- Vậy thì O đi hái rau muống, O cầm cái rổ đi ra vườn, chúng tôi đi theo để xem O cắt rau, O không cắt rau muống bằng dao, mà lại ngắt từng ngọn rau muống xanh nõn nà bằng đôi tay thoăn thoắt nhẹ nhàng, chỉ một lát sau rổ rau muống đã đầy. Liễu đến gần chị em chúng tôi thân mật nói:
-Hai chị ở lại nghe, hôm nay có cậu Giảng ở Huế về, tối ni đi bắt ếch vui lắm, hơn nữa ngày mai tát cá ở cái Đìa của nhà chị nữa đó. Chúng tôi vui vẻ ở lại. Bữa cơm trưa đạm bạc, với gạo ruộng và rau muống chấm với mắm cá nục, canh mướp ngọt nấu kèm với rau tập tàng (nhiều loại rau trộn chung với nhau), chúng tôi ăn rất ngon miệng.
Buổi chiều hôm đó, Chú tôi là sinh viên đang theo học trường Đại Học Văn Khoa Huế, chú về đến nhà ân cần hỏi thăm chị em tôi.
Trời mùa hè nóng oi bức, mồ hôi lấm tấm trên da thịt rất là khó chịu, không có một ngọn gió nào thổi tới, những hàng cây trước ngõ đứng lặng yên. O tôi đem cái kiềng ra sân trước để bắt nồi nấu cơm, hy vọng ở ngoài này sẽ dễ chịu hơn trong bếp. O tôi đem thật nhiều rơm tới, tôi nói để cháu thổi cơm cho, tôi rất thích nấu cơm bằng rơm mặc dù khói mịt mù làm cay mắt. O tôi nói:
- Cháu thổi cơm có chín không? Nấu cơm bằng rơm khó chín lắm, tôi mạnh dạn trả lời:
- O yên tâm, cháu nấu được và nồi cơm sẽ chín ngon lành. Tôi liền đi cắt một tàu lá chuối rọc lá ra làm hai phần, khi nồi cơm cạn nước thì đặt lá chuối trên nồi, rồi đậy nắp lại, thỉnh thoảng cho rơm cháy trên nắp, như vậy cơm chín đều mà không bị cháy hoặc bị khê,
O tôi đi đến bên tôi và hỏi:
-Cháu xới cơm chưa?
- Dạ chưa
- Để O dở vung ( cái nắp ) ra coi, O tôi xới cơm và khen :
- Chà ! dân thành phố cũng biết thổi cơm bằng rơm, cháu nấu cơm chín đều và ngon lắm, O tôi liền nói với Mụ: ( Mụ là mẹ của O, mà Ba tôi gọi bằng Thím )
- Mạ ơi ! con anh Sung giỏi thiệt, đứa mô cũng biết nội trợ.
Bữa cơm tối rất vui và ngon miệng, O tôi nấu canh cá lóc với dưa môn, và cá rô kho với lá gừng xắt nhỏ, bỏ thêm ớt bột, ớt xanh, cay ơi là cay, nhưng ngon chi lạ.
Khi màn đêm đã buông xuống, trời tối dần, trên nền trời thấy những vì sao xuất hiện. Chúng tôi đi bắt ếch, từ nhà O tôi đi ra đồng ruộng khoảng mười phút, đi băng qua nhiều thửa ruộng, nước lấp xấp ở gốc rạ, tôi xách cái đèn có bóng che gió, chú tôi đi trước, đến tôi, đến Bích Liên, Liễu đi sau cùng. Chú tôi và Liễu bắt ếch rất dễ dàng bỏ vào trong cái rọ bằng tre, rồi đem về nhà, sau đó Chú tôi làm thịt những con ếch đó, em gái BL nhìn thấy, quá sợ nên khóc sướt mướt, vì hình như nó đang lạy, trong khi nó đã chết rồi, nhưng cơ bắp của nó vẫn còn co giãn giống như nó đang lạy. Nghe BL khóc, O tôi đi ra rồi dẫn BL vào trong nhà ngủ, trên bộ ghế ngựa bằng gỗ mun đen bóng.
Tôi từ chối món cháo ếch nóng hổi, thơm mùi hành ngò và tiêu cay vì Mẹ tôi chưa khi nào nấu món này, vì mỗi lần tôi nhìn thấy những con ếch bị làm thịt trông tội làm sao. Tôi thầm nghĩ, tôi sẽ không bao giờ ăn thịt con ếch.
Tôi ngồi một mình trước hiên nhà nhìn ra đồng tối, những con đom đóm bay chập chờn giữa không gian rộng mênh mông, thửa ruộng này nối tiếp thửa ruộng kia, sao ở đây nhiều con đom đóm vậy ! cơ thể của nó có chất lân tinh nên phát ra ánh sáng, khi tắt, khi sáng, chứ không sáng hẳn. Trên nền trời đầy sao, tôi nhìn thấy ngôi sao Bắc đẩu, thỉnh thoảng có những vì sao băng .
Trước hiên nhà nhìn ra đồng tối
Đom đóm bay tựa ánh sao trời .
Trời đã gần khuya, Liễu đến bên tôi nói nhỏ :
-Chị Bích Đào ! chị nhìn ra ngoài ruộng coi thử.
-Tôi thấy có hai cây đuốc đang cháy sáng trên không trung, cái này chạm qua cái kia như người ta đánh kiếm, Liễu nói :
-Chị biết không? Đó là ma đuốc, thỉnh thoảng nó xuất hiện ở mấy thửa ruộng phía xa xa. Tôi nói:
- Làm gì có ma đuốc, sau này tôi nghĩ ra đó là những chất lân tinh trong không khí tạo thành những vệt sáng như vậy, nhưng lúc đó tôi cảm thấy sờ sợ và nói với Liễu:
-Chị em mình vào nhà thôi, Liễu nói:
-Dạ, đi ngủ chị ạ.
- Chúng tôi đi vào nhà, cả nhà vẫn còn ngồi ở bộ bàn có sáu cái ghế, đặt chính giữa ngôi nhà ba gian, trên gương mặt mỗi người thoáng nét lo âu. Căn nhà, có nhiều cái cột lớn bằng gỗ mun đen bóng, trần nhà không đóng la - phông, nhưng ở trên gần nóc nhà có một cái sạp làm bằng gỗ, hình khối, khoảng 2mx 2m x1.5 m, dùng để đựng những đồ quý giá, nhìn ở ngoài vào, người ta không nghĩ đó là một cái sạp, vì không có cầu thang để lên, bởi vậy, nhà O tôi có một cái thang làm bằng tre, khi nào muốn lên đó thì leo lên từ cái thang tre.
Đột nhiên tôi nghe chú tôi nói nhỏ :
-Mạ à ! khi nào mạ nghe tiếng chó sủa từ xóm trên, thì mạ thức con dậy, mụ tôi trả lời :
- Ừ ! con phải lên cái tra (cái sạp) mà ngồi, ở dưới ni mạ sẽ đem cái thang dấu trong chuồng gà, Họ “ không biết con trốn trên nớ mô., thôi đi ngũ đi, mụ nhìn sang tôi và Liễu nói :
-Hai cháu cũng đi ngũ đi, ngày mai còn nhiều việc làm lắm đó.
Giấc ngủ đến với tôi thật khó, có lẽ vì lạ nhà, nhưng rồi tôi cũng ngũ thiếp đi, không biết giấc ngủ kéo dài bao lâu, tôi bị đánh thức đột ngột bởi tiếng của nhiều con chó nhà ai đang sủa từ xa vang lại. Tôi ngồi nhỏm dậy nhìn ra ngoài, thấy ánh đèn dầu đã tắt, chỉ còn ánh trăng lạnh lùng chiếu sáng ngời qua khung cửa sổ, sau cùng tôi ngũ tiếp.
-Mở cửa, mở cửa, tiếp theo tiếng con chó mực ở trong nhà cũng sủa vang lên, tôi nghe tiếng mụ tôi nói vàc húng tôi cũng vừa thức giấc
Ai đó ! Có tiếng trả lời :
Bộ đội giải phóng đây ! mở cửa; mụ tôi nói:
- Chờ chút, tui ra mở cửa đây, tôi hé mắt nhìn thấy bốn người mặc bộ đồ màu đen, đầu đội nón tai bèo, khăn quàng vải sọc . Chợt một giọng nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào của một người miền Bắc vang lên:
"Mẹ à ! có ai lạ ở trong nhà không mẹ". Mụ tôi trả lời :
- Trai tráng thì đi ngoài nớ mấy chục năm rồi, có tin tức chi mô, không biết sống chết ra răng, còn lại mụ tra và con nít thôi. Đó là hai đứa cháu ở bên làng Bích La Đông sang chơi, còn tui, và hai mạ con, con gái của tui. Giọng người đàn ông trẻ tuổi từ tốn :
- Mẹ à ! Chúng con về kiểm tra và chỉ bắt những người có tội với nhân dân thôi.
 Sau đó họ vào trong nhà chiếu đèn pin kiểm tra nhưng không thấy ai hết  rồi đi ra và  dặn dò :
- Đừng nuôi chó nữa mẹ .
Người đàn ông nói rồi cùng đồng đội ra đi...
Chú tôi từ từ bước xuống từng bậc thang tre một cách nhẹ nhàng, chú liền nói với mụ :
- Mạ à ! con cứ tưởng hôm ni trời có trăng, họ không về, ai dè họ cũng về làng mình nữa, mụ tôi liền nói :
- Tết ni con đừng về nhà nữa nghe, để một thời gian coi thời thế có yên ổn thì mạ nhắn con về thăm, Họ mà dẫn con đi lên rừng nữa, thì mạ biết sống với ai?. Thôi đi ngũ lại đi hai đứa.
Tôi trở mình nhắm mắt lại và ngũ tiếp cho đến khi O tôi đánh thức dậy, ăn sáng, để ra ngoài đìa xem mấy O, mấy chú, tát nước, bắt cá cho gia đình tôi.
Sáng sớm ở làng thật là dễ chịu, không gian yên tĩnh, không khí trong lành và mát rượi. Chúng tôi đã ra đến cái đìa của ba mẹ tôi, cái đìa này rộng lắm, những tàng cây ngã xuống gần mặt nước, mỗi năm tát nước để bắt cá hai lần, một lần trước khi trời sắp lụt, một lần vào cuối tháng chạp, là thời gian gần tết. Chúng tôi ngồi ở bờ đất, có những rặng tre già che khuất ánh nắng, ngồi ở đây để xem mấy chú tát nước ra mương dẫn nước, chờ khi nào tát cạn mới bắt cá . Ở đây, chỉ có loại cá đen ( cá tràu, cá lóc , cá rô, cá trê, ) sinh sống dưới một lớp bùn, dày khoảng 50cm, chúng di cư vào đây khi trời có nước lụt, hoặc khi trời mưa to, chúng đi theo dòng nước, lạc vào đây, sinh sôi nẩy nở và lớn dần theo năm tháng.
Làng tôi nghèo lắm, cánh đồng trơ trọi khi mùa nắng đến, đất đai nứt nẻ, những chú ve sầu, và những con dế ẩn nấu dưới bụi cỏ, bờ tre, mùa mưa thì mưa dầm dai dẳng, đường sá lầy lội, bùn, đất sét ,mùa đông rét buốt, bởi ngọn gió từ miền Đông bắc thổi vào. Trẻ em đến trường trong chiếc áo tơi, co ro, lạnh lẽo. Làng chưa có trường tiểu học, các em phải lội bộ lên làng Bố Liêu, nơi đây có Cha Xứ ở Nhà Thờ giảng dạy miễn phí. Không biết đến bao giờ làng tôi có được một trường tiểu học. Tôi luôn mơ ước đến điều đó, nhưng mơ ước chỉ là ước mơ mà thôi .
 Làng không có con sông nào chảy qua, chỉ có một con lạch chảy từ cửa rào của làng BLĐ, qua làng Vân Hoà, rồi mới qua làng tôi, vì thế nước rất khan hiếm, nông dân tát nước từ con lạch để tưới tiêu cho thửa ruộng. Làng chỉ có hai cái giếng, để ăn uống và sinh hoạt.
Ba tôi lúc nào cũng dặn dò, chỉ bảo cho con cái luôn luôn nhớ về cội nguồn của mình, mồ mã ông bà, tổ tiên, dòng họ. Tôi vẫn còn nhớ, khi tôi còn nhỏ, khoảng bảy tuổi, chị Tình và tôi, được Ba tôi chở về làng, cúng Nhà Thờ Họ, sau khi cúng xong, thức ăn được dọn lên bàn, trong một cái mâm bằng đồng, có đế cao hơn mặt bàn khoảng một tấc, trên mâm chỉ có hai món là thịt heo luộc để vào nữa mâm, phần còn lại là xôi nếp thơm không có đậu và một chén nước mắm không có ớt. Bọn trẻ con như chị em tôi, ngồi ăn ở sân, quây quần bên cái nẻn ( cái nẻn** dùng để phơi khoai, sắn hay bắp, đậu ) ….
Sau mấy chục năm xa cách, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh quê hương, những tục lệ truyền thống, món ăn, nét văn hoá, cuộc sống bình dị, hiền lành, chất phác, của người dân nơi Quê Hương yêu dấu của mình .
Mấy mươi năm rồi Quảng Trị ơi !
Nhớ về quê cũ lòng chơi vơi .
Mơ ước ngày kia khi trở lại
Nhìn khói lam chiều, mây trắng bay .

Savannah December /07/2009.
Dương thị Bích Đào
Cellfone: 912-306-5901
Email:daoduong4027@yahoo.com
* Hai câu thơ trên, tôi hoạ theo hai câu thơ
Của Bạch Cư Dị :
-Trước cung điện nhìn sân đêm tối
Đom đóm bay gợi mối u sầu.
** Cái nẻn là cái trẹt,nóông cấm có đường kính từ 0,5-1m.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét