Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Tâm tình Cô giáo cũ ...BBT

TÂM TÌNH CÔ GIÁO CŨ.
 Ảnh trên: Cô ...Vinh(CHSNH)- cô Nguyễn Thị Quy- cô Nguyễn Thị Hường- cô Phạm Thị Như Hoàn.Trước cổng trường THTP.
Ảnh: cô Như Hoàn gửi tặng
Lời BBT: Cô giáo Phạm Như Hoàn của chúng ta được sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh giá ở thành phố thời bấy giờ. Hồi tuổi mười tám, đôi mươi, cô là một thanh nữ đoan trang, quý phái. Cô có điều kiện học tập tốt để trở thành một người trí thức, giàu có, cao sang. Thế nhưng, như là một nghiệp dĩ, cô đã chọn nghề dạy học, tuy không có nhiều tiền nhưng là một nghề thích hợp với bản tính dịu dàng, chịu khó và tận tuỵ của người phụ nữ Việt nam. Bước chân đầu tiên vào nghề, cô đến ngay với trường Trung học Triệu Phong, một ngôi trường quận nho nhỏ, nghèo nàn, nhưng cô vẫn cảm nhận như ở đó có cái gì quyến rủ của hương đồng, gió nội … Và trong 7, 8 năm gắn bó với trường, cô đã đem hết kiến thức, tâm huyết ra truyền thụ, giáo dục cho học sinh với ước mong mai sau họ sẽ trở thành con người hữu ích cho xã hội.
Có thể nói, cô đã rất thoả mãn về trách nhiệm nghề nghiệp của mình, vì thấy sau này học trò Triệu Phong đều trưởng thành nhờ công lao giáo dục của nhà trường, trong đó có sự đóng góp của mình.
Một hôm, xin được địa chỉ của cô, Ban Biên tập chúng tôi đã có thư thăm và gởi một số hình ảnh, bài viết của anh chị em qua để Cô đọc cho vui. Ngờ đâu cô cảm động quá, ngồi thức trắng đêm, đọc đến 4giờ30 sáng! (dù cô tuổi đã cao, mắt không còn khoẻ như xưa, và đang quá căng thẳng, mệt mỏi với số thư trong mailbox lên đến một nghìn hai trăm thư chưa đọc!).
Ngày xưa ấy, Cô thì còn quá trẻ mà học sinh nông thôn thất học từ nhỏ nên cậu nào cũng cao lớn lêu nghêu như những thanh niên thực thụ. Những cậu con trai, con gái nhỏ hơn thì nghịch ơi là nghịch! Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò mà! Các Cô ngán lắm. Để có được sự nghiêm trang trong giờ học, các Cô cực chẳng đả phải tự thay đổi mình thành những Bà già khó tính để trị bọn nhóc yêu tinh kia. Nhờ vậy mà việc giáo dục đạt được mục đích mong muốn. Nhưng các cô, như cô Như Hoàn của chúng ta, thực sự hối tiếc một điều, là ngày xưa, do hoàn cảnh sống khác nhau, đã không hiểu được những nỗi khó khăn của học sinh nghèo ở nông thôn để mà thông cảm, xẻ chia, giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ học tập tốt hơn. Đấy là khúc tâm tình mà Cô đã tỏ bày với CHS chúng ta qua lá thư bằng e.mail Cô gởi về ngày 26/4/2010. Người nhận thư đầu tiên là bạn Văn Thiên Tùng. Bạn Tùng đọc thư cô xong thì xúc động đến chảy nước mắt. Tùng tâm sự: Em đã khóc khi biết cô thức trắng đêm để đọc bài viết của học trò cũ, và khi nghe cô tâm sự rằng cô cảm thấy hối tiếc vì ngày xưa đã không hiểu hết hoàn cảnh học sinh nghèo để xẻ chia, giúp đỡ, … . Thưa Cô, chúng em đã lắng nghe những tâm tình của Cô; những điều ngày xưa Cô chưa hiểu về tụi em thì nay Cô đã hiểu; và chính nhờ vậy mà bây giờ tụi em càng hiểu Cô và thương mến Cô hơn! 
Ngày xưa tụi em cũng đã có những thiếu sót, sai lầm khiến cô phải phiền lòng. Bây giờ hồi tưởng lại, chúng em cũng cảm thấy ân hận lắm, muốn nói lời xin lỗi Cô, không biết có quá muộn chăng! Thôi, cái gì đã qua thì cho nó qua - Let bygones be bygones - phải không Cô? Điều tốt đẹp còn lại trong đời hôm nay là tình cảm giữa Cô – Trò; cho dù ngày sau có thành “sỏi đá” cũng “cần có nhau”, Cô ạ! Qua lời tỏ bày của Cô, chúng em càng thấy gần gũi, yêu thương và biết ơn Cô nhiều hơn bao giờ hết, khi mà không gian cứ mãi cách xa và quỹ thời gian thì ngày càng ngắn lại!
Kính chúc Cô dồi dào sức khoẻ và thân - tâm thường an lạc!

Sau đó chúng tôi đã mạn phép, chuyển thư cô đến cho một số bạn khác cùng đọc. Sau khi đọc thư, ai cũng gọi về, (nhất là các cựu nữ sinh), bày tỏ: Cảm động quá, thương cô quá! Đề nghị BBT xin phép cô cho đăng thư này vào đặc san của chúng ta để mọi người cùng hiểu được tấm lòng của cô và thương cô nhiều hơn!
Chúng tôi đã mail cho Cô, thưa về ý kiến này, và được Cô đồng ý, cho phép chuyển thư Cô đến mọi bạn đọc xa gần.
BBT. trân trọng giới thiệu với các bạn. Mời chúng ta cùng đọc nhé!

(Arizona), ngày 26/4/2010
Chào các em!
Cô Như Hoàn ngày xưa của các em đây!
Thời xa xưa đó là những ngày tháng êm đềm của các cô khi mới dấn thân vào cuộc đời. Các cô chỉ là những thiếu nữ tuổi mới đôi mươi, mới rời ghế nhà trường như những con chim nho nhỏ rời gót mẹ - ngơ ngác, hời hợt và thiếu kinh nghiệm. Với tất cả nhiệt tình, các cô chỉ nghĩ rằng nhiệm vụ của mình là truyền lại cho các em những điều mình đã học hỏi, thế nên đã tìm đủ mọi cách để làm cho các em phải chú ý học hành. Có lẽ vì thế mà nhiều khi các cô đã quá nghiêm khắc trong sự xử phạt các em. Nhất là với cô, đã được sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh khác biệt với các em, nên cô không hiểu được những khó khăn mà các em đã gặp phải, nhất là đã phải trả một giá khá đắt để cắp sách đến trường.
Dẫu e.mail box của cô vẫn còn chứa hơn cả ngàn thư, (thường thì nó không nhận e.mail nữa khi đã lên đến con số 1 ngàn, nhưng cô không hiểu sao dạo này nó cứ nhận vào ào ào, mỗi ngày cô đã đọc và xoá hơn cả trăm cái, thế mà hôm sau cô lại thấy mailbox đầy ngập hơn đến 1200! Nhìn thấy thôi cô cũng đủ ngộp thở, muốn nhắm mắt lại xoá hết cho khoẻ trí, nhưng cô lại sợ có những e.mail quan trọng, nên cô kiên nhẫn ngồi đọc từng cái một). Vậy mà tối qua, khi thấy e.mail của Tùng gởi cho cô với Blogs, cô đã vào đọc đến 4h30 sáng!
Đọc bài của các em sao cô thấy cảm động quá, nhất là bài của Quang, tự nhiên trong tâm hồn Cô nổi lên một niềm hối hận vì mình đã không tìm hiểu hoàn cảnh các em trong những năm tháng làm cô giáo, ít nhất thì cô cũng phải nên biết rằng hoàn cảnh của các em ở miền quê không được thoải mái như ở thành thị chứ … ; vì vậy, nên tận cùng trong tâm khảm, cô tự cảm nhận như mình đã có lỗi với các em …
Giá cô biết được những hoàn cảnh khó khăn của các em thì có lẽ thái độ của cô sẽ đổi khác hơn, như là cô không tự làm cho mình trông có vẻ nghiêm trang, cách biệt, hay tự làm cho mình trông già dặn hơn với số tuổi (bằng cách bối tóc lên cao hay với vẻ mặt nghiêm nghị, không cười giỡn) để các em không dám lớn mặt với các cô rồi không chịu học bài. Giá cô biết được sự khó khăn của các em thì có lẽ cô sẽ dễ dãi hơn, sẽ gần gũi hơn, dành nhiều thời gian để giúp đỡ và làm cho sự học hành của các em được thoải mái hơn. Cô biết bây giờ nói về điều này thì đã quá muộn. Nhưng một cách nào đó, cô muốn nói rằng “Cô thực sự hối tiếc”. Đời đôi lúc chẳng công bằng!
Cô gởi lời chúc các em sức khoẻ và thành công!
Chào thân ái,
Cô Như Hoàn
PS. Các cô có nhã ý muốn gởi ủng hộ cho đặc san và buổi họp mặt THTP một số tiền nho nhỏ. Tuy ít ỏi, nhưng tình cảm của các cô đối với THTP và các cựu học sinh của những ngày tháng cũ thật là chan chứa và dồi dào, không thể nào tả được! ./.
 Cô Như Hoàn- Bạn Thầy Phú-Cô Liễu ( Chị Cô Hoàn) và Thầy Tôn Thất Phú.
Cô Bùi Thị Gái- Cô  Phạm Thị Ngọc Tĩnh và cô Như Hoàn
Cô Như Hoàn và cô Nguyễn Thi Quy tại sân trường THTP
Ảnh chụp trước cột cờ của trường
Thầy Cô trường THTP cuối niên khóa 1963-1964
( Ảnh Thầy Phan Thanh Thiên gửi tặng)
Từ trái sang:  
Hàng đầu; Quý Thầy Hồ Bính-Phan Thanh Thiên-Trần Sĩ Tiêu-Tôn Thất Quỳnh Nam- Cô Phạm Thị Như Hoàn cùng cháu bé, Cô Phạm Thị Diệu Thanh, Cô Phan Thị Ngọc Tĩnh
Hàng sau: Quý Thầy Tôn Thất Phú- Nguyễn Thiện Lữ- Thầy Hồ Văn Hội- Thầy Trương Quý Nghi- Hồ Ngọc Kham- Hoàng Ngân Hà


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét