Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Những điều còn đọng...Thầy Hồ Trị


Thầy HỒ TRỊ
Quê gốc: Trà Liên, Triệu Giang
Về trường năm học 1968-1969
Địa chỉ: Tổ 62, Tam long, Kim long
Châu đức, BRVT
ĐT: 0646272682 - 01667332652

NHỮNG ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI TRONG TÔI

Tôi về nhận công tác tại trường vào các tháng cuối năm học 1968-1969. Lúc ấy anh Phan Thanh Thiên làm Hiệu trưởng. Cùng một lượt với tôi có các anh Hồ Đáp, Trần Văn Kỳ, Trần Hữu Bảo và cô Trịnh Thị Loan. Anh Đáp được phân công dạy môn Anh văn, các vị kia dạy Văn, chỉ có tôi là dân Toán -Lý-Hoá nên tạm nhận mấy giờ Sử Địa vì đã cuối năm rồi. Cuối hè năm ấy, anh Thiên chuyển về Huế, anh Văn Phong lên thay làm Hiệu trưởng, anh Nguyễn Quang Kế làm Tổng giám thị. Tôi và anh Đáp đi học 9 tuần quân sự ở Trung tâm Quang Trung (Sài gòn) rồi được biệt phái về dạy lại mà không phải vào học trường sĩ quan Thủ đức, vì xét ưu tiên cho những người như tôi đang dạy ở vùng giới tuyến. Khi anh Kế chuyển về Nguyễn Hoàng, anh Phong vận động tôi làm Tổng giám thị, tôi từ chối mãi (vì tôi rất thiết tha được đứng dạy lớp), nhưng không được. Vậy là cuối cùng tôi trở thành Tổng giám thị bất đắc dĩ, có anh Nguyễn Thái Kham cộng tác với tôi trong công việc giữ nề nếp, kỷ luật học sinh và phân thời khoá biểu cho giáo viên. Trong văn phòng cũng chỉ đơn giản mấy nhân viên: Anh Hoàng văn Hoà làm giám thị kiêm giáo vụ, thầy Hồ Bính làm kế toán, anh Cáp Hoá làm tuỳ phái và bác Thơm làm phu trường. Đội ngũ giảng dạy gồm các anh Lê Mậu Duy, Trần Sĩ Tiêu, Nguyễn Thiện Lữ, Hồ Đáp, Trần Văn Kỳ, Trần Hữu Bảo, Nguyễn Văn Hoá, Thái Tăng Hạnh, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Đình Hạnh, Nguyễn văn Hảo. Sau này có thêm Hoàng Mãi, Võ Bùi, Bùi Ngọc Bửu, và ở trường Sư phạm ra có anh Đoàn Đức, Trần Lý Minh, Đặng Lữ. Về nữ có cô Trịnh Thị Loan, Nguyễn Thị Hường và vài cô nữa mà tôi quên tên. Hồi ấy mùa hè có công tác đi coi thi Tú tài ở các tỉnh xa, tuy có vất vả nhưng cũng thú vị. Trong các kỳ thi, tôi gặp một số bạn cũ của tôi còn lận đận dự kỳ thi ấy. Họ thật kiên nhẫn, có người thi 8,9 năm mới đậu. Sau này họ khá thành đạt. Tôi thực sự khâm phục sự kiên cường ấy!
Những năm dạy ở trường ngắn ngủi và yên ả đã nhanh chóng qua đi. Năm 1972, sau đợt tản cư, trường tạm sinh hoạt lại ở trại Hoà Khánh, Nam Ô (Quảng Nam). Như đàn ong vỡ tổ, các trường tạm trong các trại là nơi gom học sinh của tỉnh, mỗi trường phụ trách một vùng trại. Vậy là trường Trung học Triệu Phong nhận thêm học sinh các trường công lập khác. Nhóm giáo sư Cam Lộ nhập vào có các anh Đỗ Bang, Phan Đang,… Vậy là lạ trường, lạ bạn, lạ thầy cô. Lại một phen thay đổi. Đầu năm 1973-1974 anh Hoàng Đằng về thay anh Phong, lại tổ chức dời trường ở cạnh chợ ra dãy nhà kho vách tôn, mái tôn khá rộng lớn, nhưng thầy trò phải dọn dẹp, rửa ráy phân, rác vô cùng uế tạp; mất cả hơn một tuần sau mới hết dần mùi phân thối! Rồi lo ngăn phòng, che chắn thành dãy phòng học mà không ngăn được âm thanh giữa các lớp phên và ván ép. Giữa những thứ tạm bợ ấy, việc thầy, cô dạy và học sinh tiếp thu vẫn diễn ra tốt đẹp và kết quả thật đáng tự hào. Nhưng như vậy chưa phải là yên! Đầu năm 1974 có 2 kế hoạch: Hồi cư và di dân khẩn hoang lập ấp. Thế là thầy trò, trường lớp lại phân tán như ong chia đàn. Anh Đằng, anh Đức, anh Từ, anh Trọng và tôi chọn con đường vào Nam khẩn hoang lập ấp, và lập ra trường Trung học Nguyễn Phúc Chu tại xã Tân Hà, Hàm Tân, Bình Tuy (Nay thuộc tỉnh Bình Thuận). Còn số khác hồi cư. Về sau tôi nghe anh Quang làm Hiệu trưởng Triệu Phong ngoài nớ. Bạn bè mất hút nhau, ít liên lạc từ đó để chạy theo yêu cầu cuộc sống lúc ấy. Sau 1975, đất nước thống nhất, mấy lần về Quảng Trị tôi có tìm gặp và thăm gia đình các Triệu Phong cũ: Tôi ghé Trí Bưu thăm gia đình anh Quang và gặp anh ở trường Trung học Phổ thông TX. Quảng Trị, thăm gia đình anh Phong ở Long Hưng, gia đình anh Hoà ở Nại Cửu, gia đình anh Mãi ở trên đường về Bích Khê, và gia đình anh Kỳ ở Thị xã Quảng Trị.
Ở trong Nam này, một số học sinh TP. cũ thỉnh thoảng đến thăm hoặc liên lạc điện thoại; còn các đồng nghiệp thì có anh Đức, anh Hảo, anh Duy, anh Thái Tăng Hạnh cũng thường liên lạc và thăm nhau. Qua đó, gần đây tôi biết tin một số anh em lâm bệnh và đang chạy chữa, như anh Nguyễn Đình Hạnh… Hôm anh Hạnh về Trung tâm ung bướu xét nghiệm, Thái Tăng Hạnh có báo cho tôi nói chuyện với anh Đình Hạnh. Mấy năm trước tôi về Đông Hà cũng có ghé sở Giáo dục thăm anh Hạnh; anh Từ và anh Đằng; tôi cũng có dịp đi chơi với nhau mấy lần ở Đông Hà. Năm ngoái, anh Từ đã may mắn vượt qua cơn tai biến mạch máu não. Thật đáng mừng! Vừa rồi, qua học sinh, tôi được biết anh Nguyễn Văn Hoá vừa qua một đợt phẩu thuật mắt thay thuỷ tinh thể thành công tốt đẹp. Xin chúc mừng! Cách đây mấy năm, trong một cuộc họp mặt lớp của học sinh TP. cũ, tôi gặp một người cháu bà con của anh Nguyễn Thái Kham, cho biết anh Kham đã qua đời tại Đà Nẵng cách đó 2 năm. Tôi có hỏi thăm về gia đình của anh, em ấy cho hay các con trai anh Kham hiện đang sinh sống và rất thành đạt tại Đà Nẵng. Thật đáng mừng! Năm ngoái, tôi có gặp anh Quang ở Suối Tre, Đồng Nai trong buổi họp mặt Nguyễn Hoàng, lúc ấy tôi cũng vừa trải qua một cuộc phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cách đó 1 tháng. Thì ra, bây giờ phần lớn anh em chúng ta đã cao tuổi, già sinh tật! Ai cũng thế, không bệnh này thì bệnh khác, mong sao đừng quá nặng là được. Hồi ấy, mình còn trai trẻ lắm, tuổi mới hai sáu hai bảy gì đó, nay đã 42 năm trôi qua. Ngồi hồi tưởng lại, điều nhớ, điều quên.
Tôi gắn bó với Trung học Triệu Phong tuy chỉ một thời gian ngắn ngủi (từ 1969 đến 1974) mà trường đã chuyển dời ba lần theo tình hình chiến sự, từ trường Triệu Phong ở Quảng Trị đến trường Triệu Phong ở Hoà Khánh cách Quảng Trị hơn 150 cây số, rồi lại chuyển về quê cũ, tại một địa điểm khác! Thầy cô và học sinh cũng thay đổi, biến động hầu như hàng ngày! Một số thuyên chuyển về Huế như anh Tiêu, anh Đáp, anh Bảo, cô Loan, Đặng Lữ, Trần Lý Minh; một số thầy cô ở Cam Lộ nhập vào công tác ở trường Triệu Phong như các anh Đỗ Bang, Phan Đang, …Một số lại chia tay Triệu Phong để đi vùng kinh tế mới. Về học sinh cũ thì do tôi làm công tác phụ trách chung, không được dạy lớp hoặc làm chủ nhiệm nên không có kỷ niệm sâu sắc nào, mà chỉ có học sinh nhớ thầy là chính. Thỉnh thoảng tôi đi dự họp mặt cựu học sinh Nguyễn Hoàng, gặp một số học sinh cũ Triệu Phong, và chúng tôi trở thành đồng môn Nguyễn Hoàng. Thầy trò lại nhận ra nhau; những lúc ấy thật là vui, và hạnh phúc được nói về những kỷ niệm trường cũ Triệu Phong!
Nay được báo tin anh em cùng nhau lo liệu tổ chức buổi họp mặt nhân kỷ niệm 50 năm thành lập trường, tôi vô cùng vui mừng và mong có dịp để hội ngộ. Đây là cơ hội quý báu vô ngần để anh em bè bạn gặp nhau, thầy trò tái ngộ - biết bao điều để nói và xiết bao cảm động! Tuy nhiên vì hoàn cảnh ở xa, sức khoẻ bị hạn chế sau đợt phẫu thuật, lại thêm tuổi tác nên lực bất tòng tâm. Tôi chỉ mong được đón đọc đặc san của trường vào những ngày ấy là đã được an ủi phần nào. Tôi xin cầu chúc mọi điều tốt lành đến với ngày hội ngộ các thế hệ thầy cô và cựu học sinh Trung học Triệu Phong thân yêu!
Viết tại Kim Long, Châu Đức, BRVT
Ngày 29/4/2010
Hồ Trị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét