Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2010

NGỌT VÀ ĐẮNG- D.T.B.ĐÀO


NGỌT VÀ ĐẮNG
DƯƠNG THỊ BÍCH ĐÀO
                                                                            
Đắng
        Tháng năm, những cơn mưa đầu mùa trút xuống thành phố bé nhỏ nơi tôi đang ở, từ hôm qua cho đến hôm nay. Mưa rơi đều xuống những con đường tráng nhựa, mưa rơi đều nặng hạt trên mái tôn nghe âm thanh ồn ào, mưa chảy xối xả xuống máng xối, làm cái bể nước trong nhà tôi trong chốc lát đã đầy tràn .
         Cơn mưa kéo dài hai ngày hai đêm, có lúc mưa lớn liên tục hai tiếng đồng hồ rồi tạm ngưng chốc lát.  Bầu trời vẫn xám, rồi mây đen vần vũ kéo xuống và mưa... Mưa trút xuống càng lúc càng nhiều. Mưa suốt đêm, sáng hôm sau mưa rơi nhỏ lại, mưa rơi lâm râm cho đất thấm nước, cho con người giảm bớt mệt mỏi của những ngày nắng hạn.
 Sáng hôm nay trời quang mây tạnh, ánh nắng mặt trời ấm áp, ló dạng ở phía chân trời xa xa, tôi vội vàng mang đôi dày đi bộ và rảo bước ra khỏi nhà, rồi thả bộ bộ dọc theo bờ sông, ở đây có lối dành cho người đi bộ. Ánh nắng mặt trời đang từ từ xuyên qua những cành cây, chiếc lá. Những mầm xanh của thảm cỏ đã vươn cao hơn, xanh mướt hơn. Những bụi hoa chuỗi ngọc được trồng san sát vào nhau tạo thành hàng giậu, chạy dọc theo lối đi của công viên, giờ đang đơm hoa và thay lá, những chùm hoa tim tím ẩn mình bên những chiếc lá xanh mơn mởn. Cơn mưa dài vừa qua đã làm cho cây cối thay màu đổi sắc. Những hạt mưa còn đọng lại trên những cánh hoa phượng rực rỡ lung linh.
        Nhiều năm về trước, mỗi buổi sáng đi làm tôi thường nhìn ra dòng sông, có những chiếc tàu buông neo đậu sẵn, bên cạnh những chiếc xà lan đầy ắp cát. Những chiếc máy trên tàu cạp những khối cát từ đáy sông lên. Lòng tôi xót xa và quặn đau, Có cái gì đó không nói lên được thành lời. Tiếc thay cho ai không quý trọng mà những gì mà thiên nhiên ban tặng lại cố tình phá huỷ đi. Rồi một ngày nào đó, những bờ kè  bên ven sông sẽ bị sạt lở, trụ cầu sẽ lún xuống, dòng nước sẽ xâm thực vào đất liền…
Hỏi có buồn không?
       Tôi đứng bên cạnh ban công của công viên nhìn xuống dòng sông. Sau những cơn mưa con sông đã có sự sống. Nước từ cao nguyên Lâm Viên đổ về chảy cuồn cuộn, mang theo những mảng lục bình chen lẩn những bông hoa tím bồng bềnh trôi nổi trên dòng sông.  Tôi chưa bao giờ cảm nhận được gió mát từ dòng sông thổi lên. Có cái gì đó khó chịu thoang thoảng từ mặt nước đưa lên, phải chăng là vị đắng? Hay dòng  sông đã bị ô nhiễm, tội nghiệp cho dòng sông, buồn thay cho ai phải uống nước từ dòng sông vẩn đục này, không phải vẩn đục do đất đỏ bazan, không phải do cỏ sậy lau lách hay cây cối mục nát từ thượng nguồn đổ về,  mà do từ những cống nước thải, từ những hố ga, từ những bè cá nuôi trên sông …..
       Đã nhiều lần tôi tự hỏi rằng: có cách nào để cứu lấy dòng sông?  Có cách nào để dòng chảy trong lành như xưa đổ nhanh ra biển và bồi đắp phù sa cho đôi bờ trĩu quả. Có cách nào để những làn gió thoảng mang lại hương thơm của đấtnước. Không có câu trả lời, và tôi lại nhớ về dòng sông quê cũ….

Ngọt

      Những ký ức ấm áp trở về trong tôi nơi quê nhà Quảng Trị vào thập niên 60.
      Thị xã Quảng Trị thập niên 70( một góc phố) 
Dòng nước ngọt ngào từ thượng nguồn sông Dakrông chảy về, nước trong vắt chen qua kẻ đá, qua những cồn cát để xuôi về Cổ Thành, chảy qua những làng mạc thôn xóm, tưới mát cho đất đai thêm màu mỡ. Cho trái cà thơm dòn, cho trái bắp ngọt lịm, trái ớt cay nồng với màu sắc đỏ tươi thắm, cho bẹ cải cay nồng  hơn, cho giọng nói của em nặng hơn, nhưng hiền lành, chơn chất, thuỷ chung,  Người dân thì chịu bao gian nan cực khổ, chịu đói, chịu rét, chịu bom đạn cày xới, nhà tan cửa nát, chìm đắm trong khói lửa điêu tàn của những năm tháng  dài chiến tranh bi thảm. Cuộc chiến qua đi, người dân trở về trên quê cha đất tổ để gầy dựng lại từ đầu, cơm khoai, sắn, đắp đổi qua ngày. Rồi  những khó khăn ban đầu đã vượt qua.
       Đổ nát rồi Thành phố thuở chiến tranh
Anh nuối tiếc thương từng con đường nhỏ
Như có máu trong màu hoa phượng đỏ
Rơi xuống đời từng mảnh đau thương ...VQ

Thị xã Quảng Trị sau cuộc chiến 1972
( nhìn từ ĩa Nhan Biều qua)
38 năm sau cũng nhìn từ vị trí này - sức sống vươn lên
TXQT -màu xanh đã trở lại cùng với chiếc cầu trong ngày 30/4
Đất cày lên sỏi đá’’và làn nước trong veo tạo nên thức ăn, mang hương vị khác hẳn những miền đất khác, ngọt ngào như bát canh hến được vớt từ sông Thạch Hãn, màu nước canh trắng đục như dòng sữa mẹ thơm ngon, ta chỉ cho thêm vài lát gừng, ít lá rau răm, hương vị riêng của quê hương đó.
        Khi sang thu, lá ngoài đường rụng nhiều và bầu trời sương mù giăng kín là vào lúc cá biển được mùa, cá cơm trắng tươi, nấu với lá me đất hay với những trái cà chua nhỏ màu đỏ ửng vừa mới hái ở ngoài vườn,  thì ta sẽ có một nồi canh ngon tuyệt. Rồi những ngày nước lụt, không biết từ đâu mà tôm cá theo lũ tràn về nhiều vậy. Những chiếc rớ hai bên bờ sông, được người dân cất lên nặng trĩu đầy những chú cá núi mập ú, bầy cá “cấn” nho nhỏ với màu sắc óng ánh thi nhau nhảy nghe lách tách bên bầy tôm càng tươi sống. …Mẹ tôi mua những  rổ cá còn nhảy “lanh chanh” đó về, sau khi ướp gia vị còn xắt thêm những lá gừng non, cho vào vài trái ớt xanh, rắc thêm ít ớt bột đỏ thắm. Bạn biết không?  Trời mưa tí tách mà ăn cơm gạo ruộng với nồi cá kho kia thì không biết no là gì.
        Rồi sang đông, trời trở rét, bởi ngọn gió mùa đông bắc thổi về, thức ăn đơn giản của gia đình tôi luôn có  những chén mắm do mẹ tôi làm, từ những trái cà pháo non hay cà dĩa phơi khô, rồi ngâm lâu ngày với cá nục, cá me. Đó là mắm cà, cứ mỗi lần mở nắp ra nghe mùi thơm lừng là đã thèm ăn . Sang hơn một tí, có chén mắm rò, loại mắm này làm từ những con cá nhỏ, xương nhiều, có hương vị thơm béo, ngon ngọt và chua cay (loại mắm này mua từ Huế ), chưng sơ, chắm với thịt heo ba chỉ luộc, kèm theo lát khế chua, chuối chát xắt mỏng, ít cọng rau thơm. Nếu ai đã ăn được một lần thì sẽ không bao giờ quên.
       Đã gần bốn mươi năm rồi, không biết trên vùng quê hương tôi có còn những hương vị ngọt  ngào như  ngày nào không ? 

Mùa mưa năm 2007
Dương Thị Bích Đào
Cellphone: 912-306-5901
Email:daodưong4027@yahoo.com
                                                                
                                                               
                                                                       
                                                                       


     



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét