Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

Chút KN và trường lớp...L.B.Tâm

CHÚT KỶ NIỆM VỀ TRƯỜNG- LỚP TÔI
NGÀY ẤY – BÂY GIỜ
Lê Bá Tâm
Tôi thi vào Đệ Thất Triệu Phong năm 1962. Ngồi trong phòng thi, mái lợp ngói liệt, ánh nắng len vào góc các tấm ngói bể, chiếu xuống chỗ ngồi, loá cả mắt. Cuối giờ thi, mồ hôi đổ ra như tắm. Đình làng Hậu kiên được nhà trường mượn để làm phòng thi. Một nửa mái lợp ngói, nửa phía dưới ngói bể, thay vào đó mấy tấm tôn. Tôi ngồi thi ở cuối phòng, nóng ơi là nóng! Ơn trời, tôi được đỗ vào Đệ Thất lớp Anh văn. Lớp kia học Pháp văn. Năm nay có cả thảy 5 lớp: Hai Thất, hai Lục và một Ngũ. Ngôi trường được xây mới giữa cánh đồng lúa của làng Nại cửu, sát tỉnh lộ 4. Trường có 4 phòng học và một phòng ngăn đôi, một nửa làm văn phòng, một nửa làm phòng đợi của giáo sư. Năm chúng tôi vào trường, thầy Đỗ Thanh Quang làm Hiệu trưởng. Các giáo sư giảng dạy có: thầy Trịnh Ngọc Phòng, Hồ Văn Kham, Nguyễn Quang Kế, Nguyễn Thiện Lữ, Đào Xuân Hoà. Qua năm sau có thầy Trần Sĩ Tiêu, Trương Quý Nghi, Tôn Thất Anh Thông, Tôn Thất Quỳnh Nam, Tôn Thất Phú, Tôn Thất Văn. Các cô thì có Cô Bùi Thị Gái, Phạm Thị Như Hoàn, Phan Thị Ngọc Tỉnh, Phạm Thị Diệu Thanh, … Còn bao nhiêu thầy, cô nữa trong 4 năm tôi không nhớ hết.
Mới đó mà ngoảnh mặt lại đã qua 48 năm rồi! Học sinh lớp tôi bây giờ người nhỏ tuổi nhất cũng đã 60 cái xuân xanh. Mấy o tóc dài, áo dài có: Lê Thị Mỹ Kiên, Lê Thị Huệ, Lê Thị Thuận Hoà, Hồ Thị Lý, Hồ Thị Như Mai, Hồ Thị Ngọc Hà, Đoàn Thị Anh, Đoàn Thị Quang, Trần Thị Thương, Trần Thị Chắt, Hồng Ái Huệ, Lương Thị Thanh Vân, Nguyễn Thị Hoa,…
Một số o bây giờ con cái thành đạt, có o hồi xưa học khá nhưng không có tiền học y khoa, bây giờ cho con qua Mỹ chớp bằng Tiến sĩ y khoa về treo lên tường xem chơi. Hai o hồi xưa trong ban văn nghệ trường, một o có giọng liêu trai giống đúc ca sĩ Thanh Thuý. Đêm văn nghệ tất niên (thầy Tôn Thất Phú hướng dẫn) hát bài Màu hoa trắng:
Màu hoa trắng, ngày nào trên tóc mây buông dài, không lẽ nay thay màu trắng khăn tang! Lời hát thì vậy, nhưng ông chồng là bác sĩ đang sống sờ sờ ra đó, con cái bây giờ thành đạt, đi công tác nước ngoài như hồi xưa đi chợ Sãi; chỉ có khổ là mỗi lần ai điện thoại tới cứ nghe tiếng cháu khóc đòi bà:
Giờ này mà có con còn bé rứa hở o?
Không phải mô; cháu nội, cháu ngoại cả bầy.
Rứa con cái đi mô?
Đứa đi Singapore, đứa đi Hàn quốc rồi.
Chà sướng, mà khổ quá hè, khổ hơn tui!
Rứa mi có cháu chưa?
Chưa có đứa mô lấy vợ, lấy chồng chi cả. …
Còn o thứ hai đẹp thất kinh, ưa đi hát biểu diễn ở xã, ở huyện, đêm tất niên mặc robe trắng xoè, má lúm đồng tiền, lúng la lúng liếng hát bài Sương lạnh chiều đông:
Mười năm mơ kết mây thành hoa trắng
Mây vỡ, hoa tan tàn giấc mơ hoa
Sương lạnh chiều đông buông tiếng thở…
Không biết thở dài hay ngắn mà bây giờ một mình ngồi ôm cháu ngoại:
Chiều xưa phai nắng dấu mòn đưa lối
Soi bóng chung đôi mà hoa chia phôi... Nghe buồn quá sá!
đẹp nhất lớp họ Trần, mặt hiền giống như đức mẹ Maria. Từ hồi học hết lớp Đệ Tứ đến nay không biết ở đâu. Đã hơn 44 năm rồi còn gì! Có o dạy học nơi rừng sâu núi thẳm, nón lá che trời; có o may mắn được sống nơi phồn hoa đô hội; có o ngồi tựa cửa chờ chồng, biền biệt chưa thấy trở về!
Bên phía các bạn quần xanh áo trắng thì có Nguyễn Giỏ, Hồ Công Thạnh, Đinh Kim Diện, Lê Thanh Khiết, Phạm Đình Thiện, Đặng Điển, Nguyễn Hào, Nguyễn Quang Hậu, Nguyễn Duyến, Nguyễn Tú, Nguyễn Ân, Vũ Ánh, Lê Liễn, Lê Văn Mai, Lê Đức Lợi, Lê Cảnh Thanh, Lê Bá Tâm, Võ Tánh, Hà Ngọc Tựu, Nguyễn Đình Thuần, Ngô Hào, Đoạn Song, Quốc Đình Cường, Đoạn Hai, Nguyễn Văn Đức, Lê Văn Hoàng, Lê Bá Phương, Trịnh Thoan… Ba bạn Hồ Sĩ Thơ, Trần Văn Thọ, Phan Chánh Thái ở tận bên trời Tây. Các bạn Đoạn Hai, Hà Ngọc Tựu, Võ Tánh, Hồ Công Thạnh, Nguyễn Dũ đã về cõi vĩnh hằng!
Nhớ ngày xưa, từ làng tôi đến trường băng qua cánh đồng lúa lộng gió làng Nại Cửu, mùa hè nắng cháy gió Lào; mùa mưa bùn lầy lụt lội, bùn lên tới đầu gối, gió bấc lạnh buốt tim, nứt da nứt thịt. Bốn giờ sáng dậy ăn cơm đi học, buổi trưa ở lại trường có cơm đựng mo cau, muối mè. Hôm nào ngủ quên không bới, xuống Bích Khê ăn tô bún bò gân giá một đồng của mụ Gái. Trời lạnh, ngồi chờ thấy khói bốc lên từ nồi nước lèo thơm ơi là thơm, hít hà ăn ngon quá sá! ( Mỗi năm chỉ ăn được năm ba đọi là hết cỡ).
Hồi đó chúng tôi nghèo chưa có áo mưa, chỉ có tấm nylon lớn cột ở cổ để che mưa, còn miếng nhỏ để gói tập vở và mo cơm đi học. Đến đầu niên khoá vào Đệ Lục, nhà không có tiền may quần xanh đồng phục, chú ruột tôi có chiếc quần đen cũ đã rách hai bên mông, tôi đem đến thợ may sửa lại, cắt bỏ phần rách, lộn ngược nền vải từ trong ra ngoài. Đến ngày nhập học, vào lớp nhìn quanh, té ra mình còn oai ra phết; nhiều bạn phải bận lại áo quần năm ngoái đã cũ. Có quần mới nhưng tôi phải bận lại cái áo năm Đệ Thất. Tôi đã mua miếng dương xanh về dương cái áo, lại trông như mới. Đến giữa học kỳ, cùng bạn bè đánh bi chui qua hàng rào kẽm gai, vô ý bị rách một đường chữ L phải mạng lại để đi học hết năm. Chừ nghĩ lại thấy hồi đó đi học khổ hết nước nói; thế mà phải cố gắng, chịu khó, chứ không thì về nhà theo Mẹ già cuốc đất trồng khoai.
Nhà mệ tôi có nuôi con trâu đực to tướng, những lúc không người giữ, tôi phải nghỉ học để trông, bài vở theo gió, theo mưa trôi đi một ít. Sau này, khi ngồi với bạn bè ôn lại chuyện cũ thời đi học, tôi nói:
Hồi đó tôi đi học một buổi còn một buổi ở nhà giữ trâu. Anh Lê Cung Bắc bảo:
Em có trâu để chự là may, nhà anh còn không có con chi để chự nữa chứ!
Rứa thì không biết ai khổ hơn ai?! …
Còn có anh bây giờ là đại gia: năm sáu công ty, nhà ba bốn cái, vợ hai ba bà, hồi xưa cũng vừa đi học vừa đi chự vịt như tôi. Học trò quê mình thông minh, chịu khó hết biết! Bạn học lớp tôi bây giờ có đại gia họ Ngô. Nhớ kỳ nghỉ hè năm Đệ Thất, tôi và bạn Cảnh Thanh đạp xe chở nhau từ làng Bích La lên thăm bạn ở làng Như Lệ, đường sá xa xôi, gồ ghề, lồi lõm. Đến trưa nhà bạn mời chúng tôi ăn mấy cũ sắn; ăn xong, ba đứa ra hái dái mít, rau thơm, cắt lá chuối non gói lại làm gỏi. Ăn ngon quá sá, nhưng cả hai đứa về bị khan cổ, khô họng hơn tuần lễ. Giờ ngồi nhớ lại nổi cả da gà!
Lên năm Đệ Lục, thầy Đỗ Thanh Quang chuyển công tác. Thầy Phan Thanh Thiên về làm Hiệu trưởng. Thầy là người đã gây ấn tượng đẹp nhất cho bao nhiêu lớp học trong thời thầy làm công tác quản lý trường. Thầy quê ở Quảng Trị, lớn lên học ở Huế, tốt nghiệp Đại học, vào dạy ở Bến Tre. Thầy chuyển về làm Hiệu trưởng Trung học Triệu Phong từ năm học 1963-1964 đến hết năm học 1968-1969. Lúc nào thầy cũng ăn mặc sang trọng, tề chỉnh: quần Tây đen, áo trắng, tay cài măng-sết, tóc ướt, hai mái thẳng tắp, giày da Ý bóng lộn. Đặc biệt thầy đi nhanh như gió. Thầy dạy rất ngắn gọn, dễ hiểu; chẳng bao giờ nghe thầy la mắng ai. Thế mà học trò của thầy học rất giỏi, rất kính mến thầy, mãi cho đến bây giờ. Bên cạnh việc quản lý, dạy lớp, thầy còn tổ chức các môn thể thao (bóng bàn, bóng chuyền …), cắm trại, thi đua văn nghệ các lớp, thăm hỏi phụ huynh, học sinh khi ốm đau, bệnh tật.
Nhớ năm Đệ Ngũ, chú tôi cho chiếc xe đạp cà tàng để đi học. Ngày nào cũng xảy ra chuyện: khi thì gảy tăm, đứt phanh khi thì bể vỏ đứt ruột, khi thì văng cả giò dĩa, pê-đan… Có lúc ngủ dậy, dắt xe ra đi học bị xẹp lốp, đoạn ruột bị xì hơi lấy dây chuối cột chặt, phải tháo hai cái ngàm phanh (hai cục cao su) mới chạy được; đoạn nào dằn thì xuống dắt bộ, lên đến trường thở không ra hơi. Đôi khi mơ màng nghĩ rằng xe mình đâu có thua gì xe Ishia của thầy Thông, xe Goebel của thầy Bính, và cả xe hơi của thầy Thiên! Đạp đi cũng nổ lép bép, bụp bụp như ai. Về đến làng có mấy đứa nhỏ chăn trâu chạy theo sau, tay đẩy, miệng kéo còi inh ỏi; nhớ lại vui quá là vui!
Hết năm Đệ Tứ, chúng tôi lên học trường Nguyễn Hoàng – xa trường, xa thầy, cô từ độ ấy. Cách đây hơn 10 năm, gặp o học giỏi ở Gài gòn, tay bắt, mặt mừng quá đỗi.
O vô đây mần chi?
Tui đưa con vô học Đại học.
Cháu ở ký túc xá hay ở nhà thuê?
Mình mới mua được căn nhà bên quận 6 cho hai cháu ở, đi học.
Chừ mần chi mà giàu rứa?
Mình buôn bán, có xe tải chạy từ Nha trang vào Sài gòn. Rứa chừ Tâm mần chi?
Tui mần đầy tớ.
Tháng lương bao nhiêu?
Được mấy trăm ngàn, vừa đủ ăn.
Mần đầy tớ chi cho cực. Về mần giúp tui, dọn dẹp, khiêng vác hàng hoá, trông nhà trông cửa cho hai cháu đi học, tui trả tháng một triệu, chịu không? Bạn bè thời Đệ Thất đến giờ còn mấy đứa mô. Nhớ lại hồi xưa tau tức mi lắm.
Tức chuyện chi?
Nhớ hồi trực lớp: mi và tau được phân công trực cùng ngày, mi bỏ chạy đi chơi, một mình tau khiêng băng không nổi để quét, phát khóc luôn.
Có rứa chừ mới nhớ chắc chứ!
Nhớ cái con khỉ. Rứa mi có về mần việc với tau không?
Không được mô. Tui mần đầy tớ sướng hơn, chỉ nói nhiều làm ít, không phải lao động chân tay, khiêng vác hàng cho o mệt lắm. Tra rồi, không mần nổi. …

Thưa quý Thầy Cô, chúng em là những học trò trường Trung học Triệu Phong biết giữ đạo thầy trò, biết “Tiên học lễ, hậu học văn”, rất tự hào vì đã được rèn luyện, học tập dưới mái trường thân yêu ấy để có được kết quả tốt đẹp ngày hôm nay. Chúng em xin kính cẩn tri ân và nguyện noi theo gương quý thầy cô, đem hết lòng truyền bá văn hoá, đạo đức, nghề nghiệp chuyên môn cho thế hệ mai sau để khỏi phụ lòng thầy, cô đã dày công gầy dựng và dạy dỗ.
Các bạn CHS. Triệu Phong thân mến,
Cái thuở học trò lưu luyến ấy,
Ngàn hăm há dễ mấy ai quên!
TP. Hồ Chí Minh, Hè 2010./.
LBT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét