Thứ Ba, 4 tháng 5, 2010

Một thời áo trắng -Th.H.Mãi

MỘT THỜI ÁO TRẮNG  
Thầy Hoàng Mãi
Hoà bình tạm thời lập lại 1954, tuổi trẻ chúng tôi bắt đầu đi học vào tiểu học(cấp một) mà không cần giấy khai sinh, sau đó mới làm bản thế vì khai sinh, cứ thế năm bắt đầu vào lớp năm(lớp một bây giờ) coi như tròn bảy tuổi, hai anh em cùng một nhà cùng học một lớp, khai sinh cùng một năm….
Nhà tôi nghèo-phải nói là rất nghèo, nhưng may thay ở gần phủ triệu phong nên có điều kiện đi học. Cái quần đùi, đi chân đất, túi đựng vở là một bao đệm đan bằng cói, chặt một đoạn hóp thẳng buộc lưỡi bút toà vào, thế là chúng tôi có một cây bút đẹp, còn mực có bạn có được hủ mực xanh, còn tôi cỏ mực tím hạt mồng tơi. Học xong lớp nhất (lớp năm bây gìơ), chúng tôi phải thi tốt nghiệp cấp một, thời đó gọi là  primere. Vượt qua kỳ thi này, chúng tôi lại phải bước vào một trận chiến gian khổ hơn, đó là thi tuyển vào lớp đệ thất trung học đệ nhất cấp. Nhà nghèo không mua nổi xe đạp, tôi nộp đơn thi vào trường trung học Triệu phong, trường vừa mới thành lập năm trước (1960). Chúng tôi thi hai môn Văn- Toán thuộc chương trình tiểu học. Bài văn với đề ra: Sau khi trúng tuyển vào trường trung học, ba mẹ cho em đi du ngoạn miền núi, miền biển. Em chọn đi đâu? Cho biết cảm tưởng. Tôi vốn không có năng khiếu về văn, nhưng hôm đó sao  tôi phân tích khá lôgich : Nếu được đến một khu rừng nào đó, tha hồ ngắm những cành lan khoe sắc, ngồi bên vách đá  nghe gió lùa qua khe núi mà tưởng chừng tiếng hát của Trương Chi- Mị Nương... Nếu được du ngoạn về biển , tôi tha hồ đắm mình trong làn nước trong xanh, thoải mình trên bờ cát trăng, thưởng thức những nốt nhạc rì rào của sóng… Và kết quả tôi trúng tuyển vào đệ thất, xếp thứ ba trong tổng số 90 học sinh trúng tuyển.
          Ngôi đình làng  Cổ Thành
Ngày ấy HSTHTP -K 61-65 trường đã tạm mượn để HS học  tập

Cây phượng  dưới đây hơn ba mươi mấy năm 
vẫn còn tỏa bóng đầu ngỏ đường vào đình Cổ Thành
Từ gốc phượng Cổ 
ta nhìn thấy dòng sông và những con đò - Thị xã Q.Trị với thượng nguồn sông Hãn
Chúng tôi thuộc thế hệ thứ hai của trường, gồm hai lớp, những học sinh trúng tuyển từ 1 đến 45 vào học đệ thất một, ngoại ngữ học Pháp văn,  số trúng tuyển từ 46 đến 90 học Anh văn là ngoại ngữ chính. Cả hai lớp chúng tôi học chung tại ngôi đình làng Cổ Thành- gần chợ Sãi, Ngôi đình có cột gỗ lim to một choàng tay, quay mặt ra ngã ba sông Vĩnh Định –Thạch Hãn nước trong xanh hiền hoà. Thầy giáo cố vấn ( chủ nhiệm) lớp nói giọng Quảng Nguyễn Công Trình, vừa phụ trách trường- lúc đó chưa có hiệu trưởng, thầy hiền từ, nhẹ nhàng, chăm lo từng giờ học. Lũ học trò chúng tôi đa phần là con em nông dân lam lũ, mùa đông có bạn che mưa bằng cái tơi chằm bằng lá nón, tuy kềnh càng một chút nhưng ấm vô cùng, gió hướng nào quay hướng đó, chân đi dép lốp, quần kaki xanh mặc bạc màu đem may lật ngược lại- thế là có quần mới. 
Võ Duyên,Hoàng Mãi,Thanh Hà, Nguyễn Thị Gái (K61-65),Chị Nguyễn Thị Việt Điểu ,Anh Nguyễn Văn Quang(K60-64), Văn Thiên Tùng( K67-71)
Nhân 38 xa cách nay trở lại quê hương gặp gỡ gia đình, họ tộc, xóm Sãi và các thế hệ CHSTHTP   (Lê Thị Thanh Hà và Chị Việt Điểu Anh Lê Văn Thuận và chị Lê Thị Kim Giao về thăm quê  05/5/2010)

Lớp Pháp văn chúng tôi có đến 8 bạn gái: Nguyễn thị Gái , Đặng Thị Tâm, Lê Thi Bạn, Đỗ Thị Miên, Ngô Thị Ái, Lê Thị thanh Hà, Võ Thị Loan, Nguyễn Thị Phương. 37 bạn trai, tôi nhớ không hết: Đỗ Xuân Hải, Nguyễn Hoành, Lê Bá Hưng, Lê Bá Đải, Lê Cảnh Phụng, Nguyễn Văn Hữu, Nguyễn Hữu Tiêm, Nguyễn Hữu Tiệm,Nguyễn Quang Lai, Hoàng Đào, Đổ Bé, Hoàng Xuân Vỹ, Nguyễn Huynh, Nguyễn Văn An , Lê Văn Diếm, Lê Liêm, còn tôi Hoàng Mãi …
          Lên lớp 7 (đệ lục), chúng tôi được chuyển về học trường mới tại xóm Hà, làng Nại Cữu, thời đó gọi là “ Bèng”. Ngôi trường mới xây, mái ngói đỏ ,gồm 5 phòng: 1 phòng ngăn đôi, một bên làm phòng đợi  giáo viên, một bên là phòng làm việc của Hiệu trưởng và giáo vụ, 4 phòng còn lại làm phòng học. Năm học này, trường có 5 lớp: 1 lớp 8 (đệ ngũ), hai lớp 7 chúng tôi, học buổi sáng, còn hai lớp 6 ( đệ thất) mới tuyển vào học ca chiều. Lớp trưởng chúng tôi vẫn là Lê Bá Hưng, người cao nhất lớp, cô Bùi Thị Gái dạy toán, thầy Nguyễn Thiện Lữ dạy vạn vật, thầy Hồ Ngọc Hội dạy Pháp văn,thây Nguyễn Văn Phú dạy nhạc, thầy Tôn Thất Văn dạy vẽ... Hiệu trưởng nhà trường lúc đó là thầy Đỗ Thanh Quang. Thầy giáo chủ nhiệm lớp,  người Huế, dạy sử  địa, ngoài giờ lên lớp, miệng thường xuyên hút thuốc Basto. Mỗi buổi sáng ,thầy bắt chúng tôi đến lớp sớm hơn giờ vào học gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi buổi đầu không biết lý do nào cả, tuy vậy cũng có mặt đúng giờ như thầy đã căn dặn, thầy hướng dẫn chúng tôi tập thể dục  buổi sáng, từng động tác hít vào thở ra, chạy quanh sân trường, tôi mệt nhoài vì sáng sớm đâu có gì bỏ bụng. Cứ thế chúng tôi quen dần dậy sớm tập thể dục. Hằng tuần, về mùa hè, thầy trò lại tổ chức sinh hoạt dã ngoại  tận Cửa Việt, tập chơi tín hiệu moorse, tập nấu ăn trong điều kiện tự nhiên khó khăn, chơi trò chơi lớn, nhờ thế chúng tôi để thích ứng với thiên nhiên.
          Lên lớp 8, lớp 9 chúng tôi không quên thầy Trương Quý Nghi dạy vạn vật, sau tiết học cuối buổi ,thầy ngồi lại, kể cho chúng tôi về phim ảnh mà thầy đã từng xem được, cả lớp ngồi im nghe thầy kể về hai dòng họ Horias và Courias, Thầy Nguyễn Văn Kham dạy toán với con số epxilon vô cùng nhỏ, nhỏ bao nhiêu cũng được, hai ngón tay thầy bật vào nhau kêu tách tách làm chúng tôi rúc rích cười. Giờ văn, với con người thấp nhỏ, nhưng thầy Trần Sỹ Tiêu dẫn chúng tôi vào tình tự truyện Kiều, cả lớp ngồi nghe thầy đọc và phân tích, thầy Nguyễn Quang Kế, sau một hồi hướng dẫn phân tích văn phạm- anlyse gramtical, lại tập cho lớp cách dịch thơ Xuân Diệu:
                          Hôm nay trời nhẹ lên cao,
                 Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn.
Một tuần qua đi, cả lớp không ai dịch qua tiếng Pháp được, trong một tiết học Pháp văn của thầy, bạn Hà tình nguyện lên bảng, mạnh dạn viết:
                           Aujourd’hui le ciel est tou bleu.
                Mais, je sui triste sans savoir pourquoi ?
 Thầy tấm tấc khen Hà học giỏi, cả lớp nhìn về Hà thán phục, Lê bá Hưng đứng lên thưa thầy Hà nhờ ai  dịch đó... Thầy nói một hồi bằng tiếng Pháp, cả lớp không ai hiểu được, rồi cả lớp nháo lên hình như thầy Đỗ thanh Quang đã bày cho năm lớp tám rồi…Chúng tôi lại được các cô Phạm Thị Như Hoàn, cô PhanThị Ngọc Tĩnh tận tình dìu dắt như người chị, người mẹ.
          Cuối năm lớp chín ( đệ tứ) chúng tôi được thầy hiệu trưởng Phan Thanh Thiên(thay thầy Đỗ thanh Quang) đưa đi thăm Lăng tẩm ở Huế, sung sướng biết bao, vì tôi chưa một lần đến Huế. Sau cuộc du ngoạn, chúng tôi lại bắt đầu thi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp (bằng Diplome). Lớp pháp văn chúng tôi đỗ được 16 bạn, lên trung học đệ nhị cấp Nguyễn Hoàng, mỗi người học mỗi ban A, B, C khác nhau. Như đàn ong vỡ tổ, lại chia xa, mỗi người một hoàn cảnh, một thời vận khác nhau. Có bạn 55 năm chưa hề gặp lại, nhưng quy luật tạo hoá hợp tan, tan hợp. Chiến tranh đã qua đi, đất nước thống nhất, chúng tôi bây giờ đã là ông, bà của các cháu, sống với hoài niệm, như “chưa bao giờ có cuộc chia ly mong gặp lại các thầy cô giáo, bạn bè, ôn lại kỷ niệm xưa, một thời thơ ấu, một thời áo trắng.

                                                        Hoàng Mãi 61-64
(Điện thoại: 0533861951, 0909661164
Email:hoangmai164@gmail.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét